Tin Việt Nam – 19/06/2018
Hậu biểu tình: Việt Nam khởi tố nhiều người
Công an ở nhiều tỉnh thành Việt Nam đã khởi tố các bị can bị cáo buộc tham gia “phá hoại” trong đợt biểu tình nổ ra từ 10/6.
Chủ nhật 10/6 chứng kiến các vụ biểu tình ở nhiều địa phương Việt Nam phản đối dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu) và dự án Luật An ninh mạng.
Tổng Bí thư Trọng nói về biểu tình
Mối nguy của kinh tế VN khi bất mãn gia tăng
‘Tôi bị bắt khi đang uống cà phê ở Sài Gòn’
Thanh Hóa
Ngày 19/6, công an tỉnh Thanh Hóa loan báo vừa tiến hành khởi tố bị can và lệnh tạm giam 114 ngày đối với ông Nguyễn Văn Quang (31 tuổi, trú tại xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hoá) về tội: Làm, tàng trữ, tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Ông Quang bị bắt ngày 12/6 với cáo buộc đã dùng Facebook cá nhân đăng tải, phát tán những bài viết có nội dung “kêu gọi, kích động nhân dân biểu tình trái pháp luật”, theo trang VOV.vn.
TP Hồ Chí Minh
Ngày 19/6, cơ quan CSĐT Công an quận 3, TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1988, quê Bắc Giang), Trương Ngọc Hiền (sinh năm 1997, quê Thừa Thiên – Huế), Nguyễn Huỳnh Đức (sinh năm 2000, quê Sóc Trăng) và Bùi Văn Tiến (sinh năm 2001, quê Tiền Giang) về tội “cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Ngoài ra, hai ông Nguyễn Văn Tuấn, Trương Ngọc Hiền bị bắt tạm giam.
Công an nói hôm 10/6, ông Nguyễn Văn Tuấn dùng tuýp sắt đập nhiều lần vào 2 xe mô tô của Phòng Cảnh sát trật tự ở số 264A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3. Ông cũng bị cáo buộc tiếp tục cầm tuýp sắt đi đến khu vực đối diện số 181 Nam Kỳ Khởi Nghĩa đập vào một xe buýt, sau đó nhặt cục đá ném vào chiếc ôtô 7 chỗ màu đen hiệu Land Cruiser.
Trong khi đó, ngày 18/6, công an Q.Bình Tân, TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam Lê Trọng Nghĩa (SN 1987, quê Long An) và Phạm Thị Thu Thủy (SN 1974, quê Tiền Giang) về hành vi “chống người thi hành công vụ”.
Hai người này bị cáo buộc dùng gạch đá tấn công cảnh sát cơ động khi tham gia biểu tình chống công ty Pou Yuen (đóng tại quận Bình Tân) ngày 11/6.
Hôm 15/6, công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam ông Nguyen William Anh (được biết với tên Will Nguyễn).
Bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam viết: “Theo quá trình điều tra và khai báo của Nguyen William Anh, Công an xác định, ngày 9/6, Nguyen Willliam Anh nhập cảnh vào Việt Nam theo diện du lịch.”
“Ngày 10/6, Nguyen William Anh đã tham gia xuống đường cùng nhiều người tụ tập, gây rối trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa.”
Hãng tin nhà nước viết tiếp: “Ở giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Lý Chính Thắng, Quận 3, Nguyen William Anh đã trực tiếp yêu cầu những người trong lực lượng chức năng phải di dời các xe đặc chủng để đoàn người đi qua.”
“Khi yêu cầu không được đáp ứng, Nguyen William Anh đã leo lên xe đặc chủng, hô hào, kêu gọi nhiều người khác vượt qua chốt chặn.”
“Những hành động của Nguyen William Anh đã được lực lượng chức năng ghi hình. Cơ quan Công an xác định, hành vi gây rối trật tự công cộng của Nguyen William Anh là rõ ràng, có chứng cứ hình ảnh.”
Một người khác bị khởi tố, bắt tạm giam hôm 15/6 là ông Trương Hữu Lộc (sinh năm 1961, ngụ quận Tân Bình).
Công an nói ông Lộc “thường xuyên livetreams trên facebook cá nhân kêu gọi người dân xuống đường biểu tình, gây rối. Ngoài hành vi xúi giục, Lộc còn tiếp sức, trực tiếp kích động người dân tụ tập gây rối những ngày vừa qua”.
Nha Trang
Ngày 18/6 công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) loan báo đã khởi tố hai người Tạ Thành Duy (47 tuổi) và Nguyễn Văn Ý (32 tuổi, cùng ở Nha Trang) về tội Gây rối trật tự công cộng.
Hai người này bị cho là tràn xuống các tuyến đường tại TP Nha Trang hôm 10/6, căng băng rôn, biểu ngữ để phản đối dự thảo Luật Đặc khu.
Bình Thuận
Ngày 17/6, cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Phong (Bình Thuận) nói đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 người để điều tra về hành vi gây rối trật tự, hủy hoại tài sản nhà nước, chống người thi hành công vụ tại thị trấn Phan Rí Cửa.
Theo báo Tuổi Trẻ, hầu hết các bị can trên cùng ở thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong.
Bình Thuận là nơi biểu tình diễn ra bạo lực nhất, với việc đốt phá trước cổng UBND và Sở Kế hoạch – đầu tư tỉnh trên đường Hải Thượng Lãn Ông, thành phố Phan Thiết.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44533099
Will Nguyễn nhận tội trên TV, hứa không tái phạm
William Nguyễn, công dân Mỹ gốc Việt bị cầm giữ ở Việt Nam trong các cuộc biểu tình chống dự luật về đặc khu và an ninh mạng hôm 10/6, đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước vào đêm 18/6, thừa nhận rằng anh đã “vi phạm luật pháp Việt Nam”.
Bằng tiếng Việt ngập ngừng, chàng thanh niên gốc Việt ra đời ở bang Texas, hứa sẽ “không tham gia các hoạt động “chống phá”…nữa, đồng thời bày tỏ hối tiếc là các hành động của anh đã gây rắc rối cho gia đình, bạn bè…”
Cảnh sát cáo buộc Will Nguyễn về tội “gây rối trật tự công cộng”, tìm cách phá một rào cản, và lật xe cảnh sát trên con đường chính dẫn tới sân bay. Will thừa nhận anh đã gây rối, “cản trở giao thông, gây khó khăn cho những người ra phi trường”.
VOA-Việt ngữ đã tiếp xúc với gia đình của Will Nguyễn để tìm hiểu phản ứng của gia đình về những lời nhận tội của Will trên truyền hình nhà nước Việt Nam, nhưng trong cuộc tiếp xúc ngắn với mẹ của Will, bà Vân Nguyễn, vào sáng ngày 19/6 giờ miền Đông Hoa Kỳ, bà từ chối bình luận mà chỉ nói rằng “gia đình bây giờ chỉ tập trung vào một điều duy nhất, đó là vận động cho Will được trả tự do” sớm nhất có thể.
Hình ảnh Will Nguyễn, máu chảy một bên mặt, bị nhiều người kéo lê lôi đi, rồi bị tống lên một chiếc xe đưa về đồn công an hôm 10/6, đã gây rất nhiều chú ý trên mạng, không những trong các cộng đồng Mỹ gốc Việt, mà cả trong giới truyền thông chính mạch Mỹ.
Tốt nghiệp đại học Yale nổi tiếng của Mỹ, Will Nguyễn, 32 tuổi, đã ghé qua Việt Nam trong khi chờ lãnh bằng thạc sĩ của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore.Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ vào tuần trước, bà Vân nói Will chỉ nhập vào đám đông biểu tình vì tính hiếu kỳ. Bà cực lực bác bỏ những tin đồn trên mạng nói rằng Will là thành viên của một tổ chức bị cấm hoạt động ở Việt Nam.
Bà khẳng định:
“Mình là mẹ của Will, mình biết chắc là Will không thuộc một đảng phái nào hết. Will chỉ là một sinh viên bình thường đang đi học, và chờ ngày ra trường, lãnh bằng. Ngày lễ ra trường dự định là vào giữa tháng 7, trong thời gian này thì Will chỉ muốn đi vacation thôi. Will đi Việt Nam vì thích cảnh của Việt Nam, Will thích thức ăn Việt Nam, Will thích văn hóa Việt Nam tại vì Will cũng học về Á Châu thành ra Will đi Việt Nam cũng là một phần để tìm hiểu, mà cũng là một phần enjoy.”
Một người bạn có mặt trong cuộc biểu tình nói với giới truyền thông rằng Will đi gym về, mang hai chai nước trong tay, tình cờ chứng kiến cuộc biểu tình hiếm hoi ở Việt Nam nên tham gia với tư cách một người quan sát, chụp hình để chia sẻ, anh không mang biểu ngữ. Nói với phóng viên BBC, người bạn cho biết Will đã dẹp xe máy cản đường sang một bên- vì bản tính vốn thích giúp người già và trẻ con.
Trước khi bị bắt, Will Nguyễn đã tải lên Twitter những hình ảnh live của cuộc biểu tình ngày 10/6, anh nói anh ủng hộ quyền của người dân Việt Nam “thực thi nghĩa vụ công dân của mình để biểu tình chống bất công.”
Gia đình và bạn bè của Will Nguyễn đang vận động các nhà lập pháp ở Washington để Will được trả tự do đều khẳng định Will không theo đuổi một nghị trình chính trị nào.
Những diễn biến liên quan như Will bị cáo buộc rồi truy tố về hành vi “gây rối trật tự công cộng”, những cuộc tiếp xúc của tòa lãnh sự Mỹ ở Việt Nam với Will, các nỗ lực vận động để Will Nguyễn sớm được phóng thích, đều được theo dõi rộng rãi.
hiện tượng những người bị nhà nước khép là tội phạm lên truyền hình nhà nước “công khai nhận tội theo kịch bản khá là phổ biến”…các tổ chức nhân quyền có lúc tố cáo nhà nước độc đảng đã “ép cung” để buộc họ nhận tội.
Bản tin AFP
Đưa tin này hôm 19/6, hãng tin AFP nói rằng hiện tượng những người bị nhà nước khép là tội phạm lên truyền hình nhà nước “công khai nhận tội theo kịch bản khá là phổ biến”, đôi khi để đánh đổi một bản án nhẹ hơn, mặc dù các tổ chức nhân quyền có lúc tố cáo nhà nước độc đảng đã “ép cung” để buộc họ nhận tội.
Ít nhất có 30 người còn bị cầm giữ, và các lực lượng công an đã dàn hàng ở thành phố HCM vào cuối tuần rồi để ngăn chặn biểu tình.
Hội Ân xá Quốc tế nói họ đã nhận được những tin tức “rất đáng lo ngại” rằng nhiều người biểu tình đã bị tra tấn trong thời gian bị câu lưu.
Giám Đốc đặc trách hành động toàn cầu của Hội Ân xá Quốc tế, Minar Pimple nói:
“Chúng tôi kêu gọi giới hữu trách Việt Nam hãy lập tức mở một cuộc điều tra chi tiết và có hiệu quả để tìm hiểu nội vụ, và buộc bất cứ ai chịu trách nhiệm về những hành vi đó (tra tấn) phải chịu trách nhiệm về hành động của họ.”
https://www.voatiengviet.com/a/will-nguyen-nhan-toi-tren-tv-hua-khong-tai-pham/4445360.html
Các dân biểu Hoa Kỳ kêu gọi trả tự do cho Will Nguyễn
Mười lăm dân biểu Hoa Kỳ vào ngày 15 tháng 6 đã gửi thư đến Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh kêu gọi hành động nhằm trả tự do cho William Anh Nguyễn.
Hai bức thư được ký tên bởi mười lăm vị dân biểu gồm Jimmy Comez, Alan S. Lowenthal, J. Luis Correa, Grace F. Napolitano, Scott H. Peters, Gerald E. Connotty, Zoe Lofgren, Edward R. Royce, Ro Khanna, Anna G. Eshoo, Mark Takano, Barbara Comstock, Luis V. Gutiérrez, Brad Sherman và Donald S. Beyer, Jr.
Mười lăm dân biểu trên đã yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo phải điều tra ngay lập tức hành động ‘vi phạm nhân quyền’ và phải làm tất cả mọi thứ có thể để bảo đảm Will Nguyễn được thả khỏi trại giam.
Các vị dân biểu nhấn mạnh trong bức thư gửi ông Pompeo rằng hành động đối xử phản cảm dành cho một công dân Mỹ như vậy là vi phạm nhân quyền và không thể bỏ qua. Họ thúc giục ông Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ can thiệp nhanh chóng vào hành động bắt giam và yêu cầu hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Will Nguyễn.
Mười lăm dân biểu Hoa Kỳ cũng đã yêu cầu một buổi họp với ông Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh để làm việc chung nhằm đảm bảo việc trả tự do ngay lập tức cho Will Nguyễn.
Ngoài ra, các vị dân biểu cũng yêu cầu Việt Nam cung cấp thuốc men cần thiết và các dịch vụ lãnh sự nhằm đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của Will.
Cả hai bức thư trên đều cho biết William Nguyễn, một thanh niên Mỹ gốc Việt đến thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 9 tháng 6 và tham gia biểu tình ôn hòa phản đối Dự luật đặc khu của Việt Nam vào ngày hôm sau đó. Các vị dân biểu cũng nói rõ vì công an Việt Nam muốn kiểm soát các cuộc biểu tình, William Nguyễn đã bị đánh vào đầu và chảy máu khi bị lôi lên một xe tải công an.
Một người bị tạm giam ở Thanh Hóa
với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước
Cơ quan An ninh Điều tra Công an Thanh Hóa vào hôm 19 tháng 6 cho biết đã quyết định khởi tố anh Nguyễn Văn Quang với cáo buộc tội tàng trữ, tuyên truyền thông tin chống nhà nước Việt Nam.
Theo Cơ quan An Ninh Điều tra Công an Thanh Hóa thì anh Nguyễn Văn Quang 31 tuổi, tại xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa thường xuyên sử dụng Facebook để đăng tải, phát tán những bài viết có nội dung kêu gọi, kích động người dân biểu tình. Đến ngày 12 tháng 6, anh Nguyễn Văn Quang bị công an Thanh Hóa bắt giữ để điều tra.
Vào ngày 18 tháng 6, cơ quan an ninh điều tra ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam ba tháng anh Nguyễn Văn Hóa với cáo buộc tội “ tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam, kích động người dân biểu tình”.
Các tội danh như ‘tuyên truyền chống nhà nước’, ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ vi phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích công dân’, ‘âm mưu lật đổ chính quyền’… trong Bộ Luật Hình Sự Việt Nam luôn bị các tổ chức theo dõi nhân quyền và các nước dân chủ cho là mơ hồ, đi ngược lại các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Thêm 4 người biểu tình bị khởi tố ở TP.HCM
Công an Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, hôm thứ Ba 19 tháng 6 ra quyết định khởi tố thêm 4 người bị cho là gây rối, đập phá xe đặc chủng, xe buýt ở Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) hôm Chủ Nhật 10 tháng 6.
Truyền thông trong nước vào ngày 19 tháng 6 nêu rõ danh tính của 4 thanh niên gồm Nguyễn Văn Tuấn, 30 tuổi (Bắc Giang), Nguyễn Huỳnh Đức, 18 tuổi (Sóc Trăng), Bùi Văn Tiến, 17 tuổi (Tiền Giang) và Trương Ngọc Hiền, 21 tuổi (Huế). Cả 4 người này đều bị khởi tố theo tội cố ý làm hư hỏng tài sản tại tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Cũng theo truyền thông Việt Nam thì bị cáo Huỳnh Đức và Bùi Văn Tiến thú nhận họ rất hối hận vì nghe lời kích động của nhóm người không quen biết để được trả thù lao là 400 ngàn đồng.
Trước đó theo tin từ cơ quan An ninh điều tra công an TP.HCM, có 1 đối tượng đã bị khởi tố vì tội phá rối an ninh, 310 người bị xử lý, trong đó có 7 người bị tạm giữ hình sự.
Tại một số nơi vừa qua, tin từ cơ quan chức năng cũng cho rằng có một số người nhận 300 ngàn đồng để đi biểu tình.
Nguyễn Tín:
Sử dụng ‘quyền im lặng’ để tránh bị khép tội
Blogger Nguyễn Tín nói với BBC rằng anh chọn “quyền im lặng” trong những ngày bị câu lưu “để tránh bị khép tội Điều 88, 245”.
Nguyễn Tín được cộng đồng mạng biết đến vì anh thường livestream hát nhạc vàng trên mạng xã hội.
Anh có nhiều post lên tiếng về quyền công dân trên trang cá nhân, cũng như thường xuyên gửi tiền giúp các con của hai blogger Mẹ Nấm và Thúy Nga đang bị cầm tù.
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy anh tham gia biểu tình hôm 10/6 tại TP.Hồ Chí Minh.
Anh bị câu lưu từ đêm 15/6 và được trả tự do vào đêm 17/6.
Trả lời BBC Tiếng Việt từ TP.Hồ Chí Minh, Blogger Nguyễn Tín nói: “Tôi nghĩ mình bị câu lưu do họ nghĩ tôi có liên quan đến phản động biểu tình và có những livestream (trên Facebook) để ủng hộ cho việc biểu tình. Những post của tôi trên Facebook không có bất cứ điều gì gây thù hằn cũng như là phản động biểu tình cả.”
“Có thể họ câu lưu với mục đích để gán ghép vào Điều 88 Bộ luật hình sự về tội “Tuyên truyền chống phá Nhà nước” và Điều 245 về “Gây rối trật tự công cộng” cũng như “kích động biểu tình”.
“Trong lúc bị câu lưu, tôi chỉ ký một lý lịch bản thân để họ xác minh và lăn tay 10 ngón để họ kiểm chứng thông tin tôi không có tiền án tiền sự.”
“Tôi cố giữ im lặng. Quyền im lặng sẽ có tác dụng nếu như bạn thực sự lì đòn. Khi họ có dùng vũ lực thì bạn cũng không sợ, bạn vững tin những quyền cơ bản của công dân, đó là quyền im lặng. Tất nhiên họ có dùng vũ lực nhưng nếu như bạn càng sợ vũ lực thì họ sẽ làm càng mạnh tay hơn.”
“Sau ba ngày bị câu lưu, tôi nhận ra rằng ở trong đồn công an thì không có sử dụng luật.”
“Bản thân tôi có sự lo lắng nhưng tôi nghĩ về những chuyện mình làm không có gì sai trái cũng như không có vi phạm pháp luật.”
“Sau sự vụ này, chắc chắn một điều là tôi vẫn sẽ làm những việc mà tôi cho rằng đó là những quyền công dân của một đất nước cần phải làm và nếu đó là điều chính nghĩa thì chắc chắn tôi sẽ làm. Tôi lý vọng những người vì đi biểu tình mà phải vào đồn như tôi hãy chuẩn bị tâm lý cũng như là bình tĩnh trước sự việc tương tự.”
Ngoài ra, blogger Nguyễn Tín cũng cho biết thêm: “Hiện tại sức khỏe và tinh thần của tôi không được tốt do ba ngày ba đêm tôi tuyệt thực trong đồn cho nên chưa liên hệ với luật sư để giải quyết vụ việc này.”
“Tôi nghĩ là sẽ còn có nhiều người tiếp tục xuống đường phản đối luật An Ninh Mạng trong thời gian tới.”
“Và tôi rất tâm đắc câu này: “Tự do không miễn phí. Freedom is not free.”
https://www.bbc.com/vietnamese/44530246
AI: ‘Phải điều tra nghi vấn tra tấn sau các vụ bắt bớ’
Hôm 18/6, tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) gửi thông cáo yêu cầu Việt Nam phải ngay lập tức thả những người biểu tình đang bị giam giữ cuối tuần vừa rồi và mở một cuộc điều tra nhanh chóng về nghi vấn một vài người biểu tình đã bị tra tấn.
Theo Ân xá Quốc tế thì “Trên phạm vi cả nước, đã có khoảng 150 người đã bị giam giữ tùy tiện sau khi họ tham dự các cuộc biểu tình vào ngày 9 và 10 tháng 6 chống lại dự thảo luật Đặc Khu Kinh Tế. Ân Xá Quốc Tế đã nhận được báo cáo của hàng chục người và họ cho biết rằng họ đã bị tra tấn trong lúc giam giữ, một vài người cho rằng họ đã bị đánh đập bởi gậy gỗ sau khi từ chối mở mật khẩu điện thoại theo yêu cầu của công an.”
TPHCM: Hai phụ nữ kể chuyện bị bắt hôm 17/6
‘Tôi bị bắt khi đang uống cà phê ở Sài Gòn’
Hàng ngàn giáo dân miền Trung tuần hành cầu nguyện
Trích lời ông Minar Pimple, giám đốc cao cấp toàn cầu của tổ chức, Ân xá Quốc tế nhận định:
“Báo cáo của những người biểu tình bị tra tấn này gây bức xúc sâu sắc. Làn sóng bắt bớ hồi cuối tuần vừa rồi không gì hơn là một sự trả thù chống lại người dân chỉ vì họ đã đơn thuần biểu lộ sự lo lắng của mình trước chính sách của chính phủ.”
“Chúng tôi hối thúc chính quyền Việt Nam mở một cuộc điều tra nhanh chóng, toàn diện và hiệu quả đối với những cáo buộc trên và bắt những ai liên quan phải chịu trách nhiệm”
Tổ chức Ân xá Quốc tế kết luận:”Chính quyền Việt Nam không thể trốn đằng sau cái cớ duy trì trật tự công cộng để rồi dùng đó như tấm thẻ bài để truy bức và bắt nhốt những người biểu tình ôn hòa. Những người bị bắt giam đã bị tước đi các quyền của mình, trong đó có quyền được sống tự do, quyền tự do biểu đạt, quyền hội họp ôn hòa và quyền được hưởng các trình tự pháp lý, họ cần phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44530051
Mối nguy của kinh tế VN khi bất mãn gia tăng
Giới quan sát đưa ý kiến về những mối nguy của Việt Nam như sụt giảm FDI và thị trường chứng khoán tụt dốc trong bối cảnh bất mãn xã hội gia tăng.
Hãng tin Bloomberg ngày 18/6 có bài viết tựa đề “Việt Nam: Bất mãn ẩn náu dưới bề mặt thành công về kinh tế”.
“Việt Nam khoe là một trong những nền kinh tế phát triển nhất trong khu vực, công dân lạc quan và một chính phủ ổn định. Nhưng bên dưới bề mặt tích cực đó là sự bất mãn, bùng nổ qua các cuộc biểu tình khắp Việt Nam tuần qua,” bài trên Bloomberg cho hay.
TPHCM: Hai phụ nữ kể chuyện bị bắt hôm 17/6
Chuyện gì thực sự xảy ra ở Phan Rí?
AI: ‘Phải điều tra nghi vấn tra tấn sau các vụ bắt bớ’
Hàng chục người bị bắt trước lo ngại biểu tình
“Có một sự thất vọng chung trong xã hội”, Alexander Vuving, nhà nghiên cứu chính trị thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Hawaii, được Bloomberg trích lời.
Trong vòng 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Kinh tế Thế giới WTO, đã có tiến bộ trong việc tạo ra sự giàu có. Nhưng cùng lúc đó, người ta chứng kiến rất nhiều tham nhũng. Và người dân Việt Nam nghi ngại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Sự mất tin tưởng vào chính phủ tồn tại trong dân chúng, những người bày tỏ sự lo ngại của mình trên mạng xã hội, theo Bloomberg.
Các mối nguy với nền kinh tế
Theo Bloomberg, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,38% trong quý đầu 2018. Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 6.5% lên 6.8% trong cả năm nay.
Bùng nổ kinh tế tại Việt Nam là nhờ vào đầu tư từ các công ty nước ngoài như Samsung, LG Electronics, Nestle SA, các tập đoàn biến Việt Nam thành một xưởng sản xuất thủ công.
Hiện các nhà đầu tư chưa nản lòng tại Việt Nam, nhưng “mối nguy lớn nhất cho Việt Nam bây giờ là sụt giảm FDI, trong bối cảnh sự bất mãn trong xã hội gia tăng,” Bloomberg trích lời ông Bernard Lapointed, công ty Viet Dragon tại TP Hồ Chí Minh.
Luật sư Trần Vũ Hải chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng ‘thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội nghiêm trọng.’
“Ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua luật An ninh mạng vào 9h57 sáng thứ Ba 12/6/2018, thị trường chứng khoán bị chao đảo, có lúc giảm gần 30 điểm (giảm gần 3%). Đến phiên chiều có hồi phục chút ít, nhưng cũng giảm 18 điểm (1,8%).”
Hàng ngàn giáo dân miền Trung tuần hành cầu nguyện
Trong khi đó, luật sư Luân Lê viết trên trang cá nhân:
“Thị trường chứng khoán lao dốc và bốc hơi đến gần 6 tỷ đô la chỉ trong vòng chưa đến một ngày ngắn ngủi bằng những phiên bán tháo với khối lượng lớn, trong đó đặc biệt là khối ngoại (nhà đầu tư nước ngoài).”
“Đó là tình trạng xảy ra ngay sau khi quốc hội bấm nút thông qua luật an ninh mạng 2018.”
“Một làn sóng ngầm giận giữ đang lớn dần trong lòng người dân bởi tham nhũng tràn lan và thiếu minh bạch từ chính quyền địa phương,” tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh được Bloomberg trích thuật.
“Một việc rất quan trọng là chính phủ cần giải quyết các vấn đề này trước khi nó trở thành vấn nạn lớn trong dân.”
Hàng chục tỷ đô la bốc hơi
Thị trường chứng khoán Việt Nam bốc hơi hơn 30 tỷ đô trong vòng hơn hai tháng, VnIndex tụt sâu dưới ngưỡng 1.000 điểm trong phiên giao dịch sáng 19/6, theo Vietnamnet.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục bị bán mạnh, trong đó có VPBank (VPB), ACB.
“Túi tiền của nhiều tỷ phú Việt xẹp nhanh chóng”, trang Vietnamnet cho hay.
Theo Dân Việt thống kê, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air bốc hơi khoảng 2.000 tỷ đồng sau ba phiên giao dịch gần nhất.
Tổng tài sản của bà Thảo theo tính toán của Forbes tới 18/6 chỉ còn 2,9 tỷ USD, mất khoảng 1 tỷ USD so với đỉnh cao.
Tài sản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC giảm xuống chỉ còn khoảng 21.700 tỷ đồng (khoảng 950 triệu đô la).
Tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát (HPG) cũng có tài sản bốc hơi khoảng 1.600 tỷ đồng trong hai phiên vừa qua.
Sự sụt giảm kinh tế này xảy ra trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình phản đối Luật An ninh mạng và dự Luật Đặc khu kinh tế nổ ra tại nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam.
Sự việc căng thẳng nhất xảy ra tại Phan Rí khi người dân đốt trụ sở ủy ban và chống trả lực lượng an ninh bằng gạch đá. Hàng trăm người bị bắt sau đó, trong đó có những ‘thành phần quá khích’, theo truyền thông Việt Nam.
Mới đây nhất, hàng trăm người bị bắt câu lưu tại Sài Gòn trước lo ngại biểu tình.
Một số nhân chứng cho BBC biết bị bắt vô cớ và bị đánh đập.
Tuy nhiên, trả lời Nguyễn Hoàng của BBC sau buổi họp báo bế mạc phiên họp thứ 5 của Quốc hội mới đây, ông Nguyễn Thanh Hồng, Thiếu tướng Công an Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh, nói Luật An ninh là để “bảo vệ lợi ích của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước”.
Các lãnh đạo Việt Nam, gồm cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây cũng tìm cách trấn an dư luận rằng “Việt Nam vẫn có tự do Internet”, theo báo chí nước này hôm 18/06.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44530022
Luật ANM liên quan đến ‘chứng khoán xuống, đôla lên’?
Chỉ số chứng khoán chủ chốt của Việt Nam, VNIndex, hôm 19/6 giảm còn hơn 962 điểm, thấp hơn 2,2% so mốc ở đầu năm. Hai chỉ số khác, Hnx-Index và Upcom-Index, cũng mất điểm lần lượt là 4,6% và 2,6%.
Xu thế xuống dốc của các chỉ số này thể hiện trong vòng một tuần trở lại đây, nhưng trở nên rõ rệt hơn trong hai ngày qua. Sự sụt giảm chỉ riêng trong ngày 18 và 19/6 đồng nghĩa là vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam mất đi 198 nghìn tỷ đồng (hay 8,6 tỷ đôla), dẫn đến tổng giá trị thị trường hiện chỉ còn dưới 3,9 triệu tỷ đồng (168 tỷ đôla).
Cùng lúc, báo chí trong nước cho hay hôm 18/6 là ngày thứ 6 liên tếp Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm giữa tiền đồng Việt Nam và đôla Mỹ lần thứ 6 liên tiếp. Trong biên độ mua bán theo luật, 1 đôla có thể đổi được từ 21.924 đồng đến 23.280 đồng.
Trên mạng xã hội Facebook, nhiều người trong đó có các nhà hoạt động chia sẻ hình ảnh bảng điện tử thị trường chứng khoán tràn ngập màu đỏ của đèn báo các mã chứng khoán giảm điểm, cũng như ảnh chụp các tít báo về tỷ giá đôla tăng.
Kèm theo các hình ảnh này là những lời bình luận như “Đây là kết quả sau một tuần thông qua Luật An ninh Mạng”, “Có phải là kết quả của Luật An ninh Mạng?”, “Sáng nay thêm gần 4 tỷ đôla nữa hy sinh để bảo vệ chế độ”, “Khi sàn chứng khoán đỏ rực, người ta biết thế nào là chính trị”.
Luật An ninh Mạng, được quốc hội Việt Nam thông qua hôm 12/6, đã vấp phải nhiều chỉ trích từ Mỹ và một loạt các tổ chức quốc tế vì họ cho rằng luật này gia tăng hạn chế tự do biểu đạt trên không gian mạng và áp đặt những giới hạn gây phiền toái đối với các doanh nghiệp.
Trước khi luật được thông qua, báo chí Việt Nam dẫn lời Hiệp hội truyền thông kỹ thuật số Việt Nam cho rằng luật có thể làm giảm 1,7% tăng trưởng GDP và giảm 3,1% đầu tư nước ngoài.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người cũng là một doanh nhân kỳ cựu và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, nói với VOA về sự liên quan giữa Luật An ninh Mạng và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán:
“Ngày đầu tiên khi mà thị trường chứng khoán của Việt Nam mất khoảng 3,6 tỉ đôla là cách đây một tuần. Phần nhiều do tác động tâm lý của Luật An ninh Mạng, bởi vì lúc đó thị trường thế giới đều tăng”.
Tuy nhiên, về diễn biến đi xuống trên thị trường chứng khoán trong các ngày gần đây, tiến sĩ Quang A chỉ ra các nguyên nhân khác lớn hơn tác động tâm lý từ bộ luật đang bị nhiều chỉ trích:
“Có lẽ tác động lớn nhất là vì chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Rồi FED ở bên đó tăng lãi suất”.
Hôm 13/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thông báo tăng lãi suất cơ bản ngắn hạn thêm 0,25 điểm phần trăm, lên khoảng 1,75-2%.
Một chuyên gia kinh tế khác, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, có nhận định gần giống ông Quang A, song khi nói với VOA, ông Hiếu nhấn mạnh nhiều hơn đến việc FED tăng lãi suất:
“Tác động mạnh nhất, gần đây nhất là quyết định của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất. Nhìn rộng hơn, có sự khởi đầu một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các cường quốc, trong đó có cả Trung Quốc và châu Âu. Nó tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu”.
Tiến sĩ Hiếu không cho rằng Luật An ninh Mạng là yếu tố chính “làm nhụt chí” nhà đầu tư khiến họ bán cổ phiếu và rút vốn ra khỏi Việt Nam, dù theo ông, họ cũng có “lo ngại nhất định” hoặc “không hài lòng” về các giới hạn tự do nêu trong luật.
Nếu có sự liên quan của luật này đến các quyết định đầu tư, điều đó mang tính chất gián tiếp, theo ông Hiếu:
“Thị trường chứng khoán rất bén nhạy với tất cả thông tin. Việc có những người dân chống đối, những vấn đề như phá phách công sở tại Việt Nam, như ở Bình Thuận, có thể làm nhà đầu tư lo ngại, từ đó họ bán cổ phiếu của họ”.
Các cuộc biểu tình lớn nhỏ đã nổ ra ở một loạt các tỉnh, thành trên cả nước khi hàng ngàn người dân phản đối hai dự luật về đặc khu kinh tế và an ninh mạng trong các ngày 10 và 11/6. Riêng ở Bình Thuận, biểu tình đã biến thành bạo loạn.
Tuần hành liên quan đến dự luật đặc khu và luật an ninh mạng tiếp tục diễn ra ở Nghệ An và Hà Tĩnh hôm 17/6, trong khi vào cùng ngày, công an ở trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam – thành phố Hồ Chí Minh – đã bắt gần 200 người để ngăn chặn biểu tình.
Trong bối cảnh chính trị-xã hội Việt Nam lẫn tình hình quốc tế đang có những diễn biến mang tính bất ổn, một số chuyên gia đưa ra nhận định rằng trong thời gian tới thị trường chứng khoán Việt Nam có thể giảm về 900 điểm hoặc thấp hơn. Tiến sĩ Hiếu nói với VOA rằng 900 sẽ là “mức quân bình” của thị trường.
https://www.voatiengviet.com/a/luat-anm-lien-quan-den-chung-khoan-xuong-dola-len/4445149.html
Biểu tình phản đối đại biểu QH Nguyễn Văn Thân
Một doanh nhân trong những ngày gần đây đang trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng người Việt tại Warsaw.
Ông Nguyễn Văn Thân, doanh nhân đồng thời là đại biểu Quốc hội Việt Nam, là một trong những dân biểu công khai ủng hộ Dự luật Đặc khu, với những phát biểu khiến một số người tại Ba Lan biểu tình phản đối.
Trên tờ Tuổi Trẻ, hôm 03/06/2018 ông Thân nói “không ủng hộ luật đặc khu là một sai lầm” và cần phải làm đặc khu, “càng sớm càng tốt”.
Quốc hội sẽ “miễn nhiệm” ông Cự?
VN tước tư cách dân biểu vì ‘song tịch’
Một số người Việt tại Ba Lan đã ngay lập tức phản ứng lại phát ngôn này và đã tổ chức hai cuộc biểu tình trước ngôi nhà được cho là nhà riêng của ông tại quận Ochota ở thủ đô Warsaw.
Khoảng 60 người đã có mặt trước căn nhà chiều 16/06, hô vang các khẩu hiệu đòi quyền tự do, quyền con người, phản đối Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng.
Cũng trong hơn một tuần qua, nhóm vận động tại Ba Lan đã xin được trên 1200 chữ ký phản đối hai đạo luật này trong các khu trung tâm thương mại của người Việt, theo nhà báo tự do Mạc Việt Hồng cho BBC biết.
Một tốp cảnh sát Ba Lan có mặt túc trực từ đầu đến cuối để giữ trật tự và bảo vệ đoàn biểu tình cũng như gia tư của ông Thân.
Theo ban tổ chức cuộc biểu tình, họ có sự đồng ý của thành phố Warsaw và thông tin từ cộng đồng người Việt tại Ba Lan nói đây là ngôi nhà do ông Thân cùng vợ đứng tên mua từ năm 2009.
Thông tin chính thức trên truyền thông Việt Nam ghi rằng ông Nguyễn Văn Thân sinh năm 1955, tiến sĩ khoa học, là đại biểu quốc hội khóa 2016-2021, đại diện cho huyện Đông Hưng, Thái Bình, quê ông.
Ông Nguyễn Văn Thân còn là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Mối liên hệ gắn bó của ông với Ba Lan từng được ông nhắc tới trong một cuộc trả lời phỏng vấn với trang tin Doanh nghiệp Hội nhập.
Hồi 4/2016 ông nói với trang tin này rằng ông “lập nghiệp ở Ba Lan và một số nước Đông Âu”.
Gắn bó với Ba Lan và Đông Âu
Sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh trong thập niên 1980, ông đã tham gia hoạt động ở một hội doanh nghiệp tập hợp các doanh nhân ra đi từ Việt Nam sang Ba Lan qua các ngả du học, nhập cư, định cư.
Sau đó, ông về Việt Nam trong thập niên 2000 nhưng vẫn duy trì các liên hệ chặt chẽ với Cộng hòa Ba Lan.
Không ủng hộ luật đặc khu là một sai lầm và cần phải làm đặc khu, càng sớm càng tốtĐại biểu QH Nguyễn Văn Thân
Bà Mạc Việt Hồng cho hay theo nguồn tin của bà, ông Nguyễn Văn Thân “có thể đã nộp đơn xin quốc tịch Ba Lan” vài năm trước khi chính thức trở thành đại biểu quốc hội ở Việt Nam vào năm 2016.
Số PESEL (mã số cá nhân cho người đóng thuế tại Ba Lan) trên hồ sơ xin quốc tịch trùng với ngày tháng năm sinh của đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân trong tiểu sử công khai của ông, theo nhà báo Mạc Việt Hồng.
Việc ông Nguyễn Văn Thân từ nhiều năm trước đã nộp đơn xin quốc tịch Ba Lan khiến cộng đồng người Việt tại Warsaw đặt câu hỏi.
Một khẩu hiệu trong cuộc biểu tình hôm 16/06 là nhóm vận động người gốc Việt đã yêu cầu điều tra làm rõ việc có phải đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân có hai quốc tịch Việt Nam và Ba Lan hay không.
Hôm 17/06, ông Phạm Quốc Khánh, quyền Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Bình cho BBC biết ông “không rõ về vấn đề quốc tịch của ông Thân”.
Ông Nguyễn Văn Thân “quốc tịch gốc vẫn là người Việt Nam”, ông Phạm Quốc Khánh nói, bởi “trước khi vào quốc hội, hồ sơ lý lịch các ứng viên đã được điều tra làm rõ”.
Tuy nhiên, “ông Thân là đại biểu do Trung ương gửi về và hồ sơ của ông Thân do Ban công tác Đại biểu Quốc hội nắm, nên Đoàn Đại biểu Quốc hội Thái Bình không biết,” ông Khánh nói.
Hồi tháng 7/2016, ở Quốc hội Việt Nam có vụ việc đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường “có hai quốc tịch”, một của Việt Nam, một của Malta.
Theo phát biểu của Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia khi đó là ông Nguyễn Hạnh Phúc thì ngày 15/7 cùng năm, Hội đồng Bầu cử mới có thông tin “vi phạm Luật quốc tịch của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường từ phía cơ quan chức năng”.
“Ngay sau đó, bà Hường có đơn xin thôi làm đại biểu Quốc hội,” trang Zing.vn trích lời ông Hạnh Phúc.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44515212
Việt Nam: ‘Luật An ninh mạng bảo vệ lợi ích quốc gia’
Một thiếu tướng công an Việt Nam nói với BBC rằng Luật An ninh mạng là để người dùng phải “có trách nhiệm khi tương tác”.
LHQ bày tỏ quan ngại về Luật an ninh mạng
Luật An ninh mạng ‘thừa mà ảnh hưởng dân quyền’
Internet ‘cần tự do’ và QH cần thận trọng
Trả lời Nguyễn Hoàng của BBC sau buổi họp báo bế mạc phiên họp thứ 5 của Quốc hội mới đây, ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh, nói Luật An ninh là để “bảo vệ lợi ích của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng nói thậm chí khi chưa có luật này, Google hay Facebook đã cộng tác với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, cung cấp những thông tin liên quan đến một số cá nhân sử dụng không gian mạng mà vi phạm pháp luật Việt Nam.
Việc đưa ra luật này, theo ông, là để có một cơ chế pháp lý chặt chẽ nhất, đầy đủ nhất và minh bạch nhất để việc cung cấp thông tin người sử dụng tuân thủ đúng qui định, tránh tùy tiện và lạm quyền và cũng là để không gây khó khăn và cản trở cho các doanh nghiệp trên không gian mạng.
Phản hồi câu hỏi về ý kiến cho rằng Bộ Công an được trao nhiều quyền trong quá trình luật được thực thi trong bối cảnh luật bao trùm nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội khác nhau, ông Nguyễn Thanh Hồng mô tả đây là “cơ chế tự bảo vệ”.
“Thứ nhất, các cá nhân hay doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình trước. Cần phải thiết lập một cơ chế người dùng có trách nhiệm trong việc tương tác trên không gian mạng.”
“Thứ hai, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng gồm có Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin Truyền thông và các cơ quan chức năng khác để phòng ngừa các hành vi xâm phạm.”
Phản hồi lại câu hỏi về “kịch bản” theo đó các hãng cung cấp dịch vụ như Google hay Facebook buộc phải rời Việt Nam vì không đáp ứng các quy định của luật này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh nói ông tin các hãng đó cũng như các tập đoàn công nghệ khác vẫn hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên ông Nguyễn Thanh Hồng khẳng định là Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị cho “cuộc chơi” này.
Chúng tôi phấn đấu có cơ chế tự chủ để đến lúc đạt được mục tiêu là có dịch vụ mạng xã hội của người Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam.Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh
“Chúng tôi phấn đấu có cơ chế tự chủ để đến lúc đạt được mục tiêu là có dịch vụ mạng xã hội của người Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam.”
“Nếu có việc đó [Facebook và Goolge…rút khỏi Việt Nam] thì Việt Nam sẽ có phương án để phục vụ lợi ích của người dân.”
Liên quan tới quan ngại về lỗ hổng an ninh trong các thiết bị viễn thông và mạng sử dụng tại Việt Nam nhưng mua từ các tập đoàn của Trung Quốc, ông Hồng nói các hãng công nghệ đều hướng tới viêc đảm bảo uy tín và chất lượng để phát triển.
“Tôi rất lên án việc cứ gán ghép sản phẩm của nước A nước B là không an toàn. Chúng tôi cũng sẽ phải có cơ chế đánh giá xem các thiết bị của hệ thống thông tin về phần lõi nó có an toàn hay không,” ông Hồng nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44533098
Báo VN sửa lời phát ngôn Chủ tịch Quang
về Luật Biểu tình
Mạng xã hội hôm nay đưa tin báo Tuổi Trẻ sửa nội dung bài dẫn phát ngôn của Chủ tịch Trần Đại Quang: “Cần luật Biểu tình, sẽ báo cáo Quốc hội ban hành” chỉ sau khoảng ba tiếng đăng bài.
Hôm 19/6, link bài nêu trên của tờ báo được nhiều facebooker chia sẻ trên mạng xã hội.
Bài báo “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” với nội dung ban đầu ghi: “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này.”
AI: ‘Phải điều tra nghi vấn tra tấn sau các vụ bắt bớ’
Biểu tình phản đối đại biểu QH Nguyễn Văn Thân
VN muốn kiểm soát chặt hơn nữa Facebook và Google?
Hà Nội bắt hai người ‘làm và phát tán clip xấu’
Nay nội dung bài đã được sửa lại và không còn bất kỳ phát ngôn nào của ông Quang về luật Biểu tình. Người đọc chỉ còn thấy Chủ tịch Quang nói những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh” là do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo.”
Việc này gây xôn xao cộng đồng mạng. Cây bút tự do Nguyễn An Dân bình luận trên trang cá nhân: “Báo Tuổi Trẻ đã vi phạm luật An ninh mạng khi để phát biểu của lãnh đạo bị cắt xén. Thế lực thù địch ghê quá, cắt xén được cả phát biểu của cấp chủ tịch nước, cũng là lãnh đạo số hai của Đảng.”
Làm luật ở Việt Nam kém chất lượng?
Luật về Hội: Thà chậm còn hơn?
Hàng ngàn người biểu tình tại Hà Tĩnh
Y án 14 năm tù cho nhà hoạt động Hoàng Đức Bình
Bình luận với BBC về việc Quốc hội lùi luật Biểu tình, bà Ann Đỗ, kỹ sư gốc Việt tại Melbourne, Úc, nói: “Thay vì Quốc hội phải đưa ra luật Biểu tình càng nhanh càng tốt, họ lại nhiều lần lùi việc xây dựng luật này vì có thể họ chưa tự tin vào khả năng của bộ máy an ninh, công an dày đặc trên cả nước.”
“Biểu tình (ôn hòa) là một trong những hành vi hay hoạt động bày tỏ quan điểm thái độ của người dân một cách văn minh, nó có sự tác động nhất định đến suy nghĩ của người xung quanh lẫn đối tượng bị phản đối, và đó cũng thuộc quyền cơ bản mà một nhà nước văn minh muốn xây dựng cho công dân của mình.”
“Vừa tìm cách trì hoãn luật Biểu tình và nhanh chóng bàn đến luật An ninh mạng khiến người dân có cảm tưởng chính phủ, quốc hội đang tìm cách bóp miệng người dân nhiều hơn là đưa ra những chính sách để xây dựng một thể chế lành mạnh và cởi mở. Theo tôi, có thể một số quan chức đã nhìn thấy vấn đề nhưng vẫn cứ quanh quẩn với các giải pháp ngắn hạn, làm chỉ được một thời gian tiêu tiền ngân sách rồi tình trạng như cũ, thậm chí tệ hại hơn.”
Trước đó, trả lời BBC, nhà báo Đặng Tâm Chánh, cựu Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, nói: “Tôi biết việc trì hoãn Luật Biểu tình thì ngay cả một số đại biểu cũng không đồng ý.”
“Và không chỉ Luật Biểu tình, ngay cả với các dự thảo luật về quyền con người khác thì cách chính quyền tiếp cận có thể nói là khá dè dặt.”
“Dường như như không có cơ chế đủ hiệu năng để gây áp lực với Quốc hội về việc trình các dự luật đó.”
Hôm 18/6, tổ chức Ân xá Quốc tế gửi thông cáo yêu cầu Việt Nam phải ngay lập tức thả những người biểu tình đang bị giam giữ cuối tuần vừa rồi và mở một cuộc điều tra nhanh chóng về nghi vấn một vài người biểu tình đã bị tra tấn.
Theo Ân xá Quốc tế thì “Trên phạm vi cả nước, đã có khoảng 150 người đã bị giam giữ tùy tiện sau khi họ tham dự các cuộc biểu tình vào ngày 9 và 10/6 chống lại dự thảo luật Đặc Khu Kinh Tế. Ân Xá Quốc Tế đã nhận được báo cáo của hàng chục người và họ cho biết rằng họ đã bị tra tấn trong lúc giam giữ, một vài người cho rằng họ đã bị đánh đập bởi gậy gỗ sau khi từ chối mở mật khẩu điện thoại theo yêu cầu của công an.”
Trong một diễn biến khác, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được truyền thông Việt Nam hôm 17/6 dẫn lời nói lòng yêu nước chân chính ‘bị lợi dụng’ trong sự kiện biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội, ông Trọng mô tả các cuộc biểu tình tại một số thành phố và địa phương, trong đó có vụ trở thành bạo động ở Bình Thuận, là ‘có bàn tay của phần tử phá hoại’ và ‘không loại trừ có yếu tố nước ngoài’.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44187458
Bí thư Sài Gòn sẽ gặp dân khiếu kiện Thủ Thiêm
Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân vào chiều ngày 20 tháng 6 sẽ có buổi đối thoại với người dân Thủ Thiêm như đã hứa hôm 29/5 vừa qua.
Truyền thông Việt Nam loan tin này vào ngày 19/6.
Cụ thể, đoàn đai biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh gồm ông Nguyễn Như Khuê, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cùng ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ tiếp xúc cử trị quận 2 tại Nhà Thiếu nhi Quận nhằm giải đáp những khúc mắc của người dân tại đây.
Trước đó vào ngày 8/6, ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp công dân TW đã gặp mặt và đối thoại với 7 trong số rất nhiều những hộ dân Thủ Thiêm có những bức xúc về vấn đề thực hiện dự án xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Ông Điệp khẳng định Thủ tướng chỉ đạo TP.HCM phải báo cáo vấn đề Thủ Thiêm trước ngày 15/7; đồng thời UBND. TP.HCM và Thanh tra chính phủ cần tiếp tục thực hiện theo 2 lần chỉ đạo trước đó của Thủ tướng.
Vào chiều 9/5, nhiều người dân Thủ Thiêm cũng đã có mặt tại cuộc tiếp xúc giữa người dân và đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM cùng bản đồ quy hoạch 1/2000 của khu đô thị nhằm phản ánh những vấn đề bức xúc như Chính sách đền bù không thoả đáng, đất không nằm trong ranh quy hoạch vẫn bị thu hồi…
Khu đô thị Thủ Thiêm được phê duyệt quy hoạch từ 20 năm trước với viễn cảnh được vạch ra là trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế. Tuy nhiên, quá trình xây dựng, giải toả, di dời khoảng 15.000 hộ dân sinh sống tại đây bộc lộ nhiều bất cập liên quan đến việc xác định ranh giới quy hoạch, dẫn đến khiếu kiện kéo dài trong nhiều năm nay.
Luật sư đề nghị triệu tập Đại diện Chính phủ
tại phiên phúc thẩm ông Thăng
Tòa án Nhân dân Cấp cao Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng và đồng phạm hôm 19/6/2018.
Trong phần làm thủ tục trước khi xét xử, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bất ngờ xin rút toàn bộ kháng cáo đối với trách nhiệm hình sự và dân sự, chỉ kháng cáo với tư cách có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đồng thời ông sẽ tự bào chữa cho mình do luật sư của ông có đơn xin thôi bào chữa.
Ông Đinh La Thăng – Nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN cho biết vẫn giữ nguyên kháng cáo về việc xem xét toàn bộ án sơ thẩm.
Theo truyền thông trong nước thì cũng trong phần làm thủ tục, luật sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho ông Đinh La Thăng đề nghị triệu tập Đại diên Văn phòng chính phủ vì đây là nơi truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc góp hoặc thoái vốn của PVN vào OceanBank; mời đại diện Bộ Công thương vì đây là đơn vị chủ quản, có văn bản về việc PVN thoái vốn khỏi OceanBank; triệu tập đại diện NHNN Chi nhánh Hải Dương vì liên quan việc tăng vốn điều lệ của OceanBank.
Sau khi hội ý, chủ tọa cho biết đây là phiên tòa xét xử dài ngày nên sẽ xem xét ý kiến của luật sư Phan Trung Hoài.
Sau 5 ngày xét xử, sáng 29/3/2018, ông Đinh La Thăng bị tuyên mức án 18 năm tù và phải bồi thường 600 tỷ đồng về tội Cố ý làm trái trong vụ án gây thiệt hại 800 tỉ đồng của PVN đầu tư vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Trước đó một tuần, trong phần tự bào chữa trước tòa sau khi Viện Kiểm Sát (VKS) công bố bản luận tội sáng 22/3/2018, ông Đinh La Thăng phủ nhận cáo trạng của VKS về việc ông đã có hành vi che giấu sai phạm trong việc PVN góp vốn vào OceanBank. Ông Thăng nói thêm rằng chỉ khi Thủ tướng đồng ý rồi thì PVN mới thực hiện đầu tư và ông đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét kỹ việc OceanBank bị Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng, vì đây là căn nguyên dẫn đến sự việc hiện nay.
Trong một phiên tòa khác diễn ra vào tháng 1/2018, ông Thăng khai rằng những quyết định của ông khi còn đứng đầu Tập đoàn dầu khí Việt Nam là do đường lối của Bộ Chính trị, trong đó có quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Thế nhưng tòa án không triệu tập ông Nguyễn Tấn Dũng để đối chất.
Đó là vụ án ‘cố ý làm trái qui định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng, và ‘tham ô tài sản’ xảy ra tại Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam 9PVN) và Công ty Cổ Phần Xây Dựng Dầu Khí VN (PVC). Trong vụ này ông Đinh La Thăng bị tuyên án 13 năm tù.