Tin Việt Nam – 19/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Công an, an ninh Việt Nam: Lực lượng “hành” dân?

Hòa Ái, phóng viên RFA

Qua vụ việc hai ‘hiệp sĩ đường phố’ ở Thành Phố Hồ Chí Minh bị đâm chết trong khi tham gia một vụ vây bắt nhóm trộm xe máy, dự luận dấy lên thắc mắc rằng công an ở đâu mà không thực hiện trách nhiệm bảo vệ dân chúng? Trong cùng thời điểm, cũng có những thông tin tố cáo lực lượng công an, an ninh ngày càng gia tăng sách nhiễu người dân bằng nhiều hình thức.

Sách nhiễu, hành hung

Hội Sinh viên Nhân quyền vừa công bố một clip ghi lại hình ảnh của sinh viên Trần Hoàng Phúc, vào sáng sớm ngày 8 tháng 5 năm 2016 bị an ninh mặc đồ dân sự cản đường và giật điện thoại, khi anh Phúc vừa rời khỏi nhà để tham gia làm giáo khảo xét duyệt tài trợ một số dự án của tổ chức phi lợi nhuận tư nhân tài trợ các dự án xã hội, văn hóa, môi trường, y tế và giáo dục.

Trần Hoàng Phúc hiện là tù nhân lương tâm, bị tuyên án 6 năm tù giam và 4 năm quản chế với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”, theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, hồi cuối tháng Giêng năm 2018.

Trao đổi với RFA liên quan clip vừa được công bố trên mạng xã hội, cô giáo Huỳnh Thị Út, mẹ của Trần Hoàng Phúc cho biết con trai của bà bị công an, an ninh sách nhiễu, hành hung thường xuyên cho đến khi bị bắt. Cô Huỳnh Thị Út gọi lần Phúc và người bạn tên Phát bị nhóm an ninh bắt cóc ở bến xe Ba Đồn, Quảng Bình vào ngày 12 tháng 3 năm 2017 là việc làm của lực lượng hành pháp vô nhân tính. Mẹ của Trần Hoàng Phúc kể lại hai bạn trẻ sinh viên bị trùm đầu bằng áo khoác, bị trói tay và bị hành hung dã man vào đầu, vào cột sống và hạ bộ và bị lột sạch quần áo. Trần Hoàng Phúc sau đó nói với mẹ về sự nguy hiểm có thể xảy ra cho bản thân và người bạn, sau khi nhóm an ninh bỏ lại hai người tại con đường mòn trên núi giữa rừng Trường Sơn. Cô Huỳnh Thị Út thuật lại lời của con trai:

“Hai đứa tự tháo cho nhau, rồi mở khăn trùm đầu ra. Chỗ Phúc nằm chỉ cách bờ vực khoảng 1, 2 mét thôi. Nếu lúc họ cố tình đánh mạnh thêm chút nữa, đánh đau thêm chút nữa và lâu thêm một chút nữa thì con chịu không nỗi và con sẽ lăn, thế nào con sẽ bị lọt xuống vực thẳm luôn. Vực thẳm này mà con rót xuống thì sẽ không thấy xác đâu hết.”

Trong chuyến tới Việt Nam của ông John MacCain thì lần đó thiệt là kinh khủng. Họ huy động hơn 100 người; bao gồm cảnh sát cơ động, cảnh sát chống khủng bố, an ninh, dân phòng…Họ làm hàng xóm náo động. Đây không phải lần đầu tiên. Nhiều lần rồi. Cứ mỗi lần có sự kiện nào liên quan có người nước ngoài tới, thì tôi là nạn nhân của sự khủng bố tinh thần

-Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan

Việc an ninh bắt cóc, hành hung Trần Hoàng Phúc và người bạn tại Quảng Bình được cho biết nhằm để tra hỏi mật mã điện thoại, ipad và laptop của Phúc.

Đài RFA ghi nhận không chỉ riêng tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc bị công an, an ninh sách nhiễu, hành hung mà hầu hết những người dân thể hiện tiếng nói đối lập với Chính phủ Việt Nam một cách ôn hòa hay các nhà hoạt động vì môi trường, xã hội và dân chủ đều lọt vào “tầm ngắm” của lực lượng công an, an ninh. Lực lượng này bị tố cáo thực hiện các hành vi sách nhiễu, hành hung, khủng bố và thậm chí triệt tiêu sinh kế của những người dân như thế.

Một trường hợp tố cáo mới nhất của gia đình tù nhân lương tâm Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, trong ngày 17 tháng 5 vừa qua, một nhóm an ninh đông đảo bao vây ngôi nhà trong nhiều giờ liền. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, thân mẫu của Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho RFA biết kể từ sau khi con gái bị bắt và bị tuyên án 10 năm tù giam, bà và hai đứa cháu nhỏ, con của Blogger Mẹ Nấm phải sống trong hoàn cảnh bị khủng bố tinh thần liên tục. Bà Tuyết Lan nhớ lại một lần mà bà cho là kinh khủng nhất:

“Trong chuyến tới Việt Nam của ông John MacCain thì lần đó thiệt là kinh khủng. Họ huy động hơn 100 người; bao gồm cảnh sát cơ động, cảnh sát chống khủng bố, an ninh, dân phòng…Họ làm hàng xóm náo động. Đây không phải lần đầu tiên. Nhiều lần rồi. Cứ mỗi lần có sự kiện nào liên quan có người nước ngoài tới, thì tôi là nạn nhân của sự khủng bố tinh thần.”

Gia tăng “hành” dân

Qua thông tin mạng xã hội, hình ảnh của lực lượng công an, an ninh mà dân chúng ghi lại và đăng tải cho thấy lực lượng hành pháp này được Nhà nước sử dụng như một công cụ để trấn áp người dân, mà nhiều người gọi đó là “thể chế công an trị” tại Việt Nam. Không những vậy, lực lượng hành pháp này còn lạm dụng quyền lực trong việc dùng côn đồ để phục vụ cho họ. Luật sư Lê Công Định khẳng định với RFA rằng việc làm này đang xảy ra và ngày càng gia tăng.

Linh mục Phan Văn Lợi còn lưu ý những tổ chức quần chúng tự phát, được sự hỗ trợ của công an, an ninh như Hội Cờ Đỏ góp phần không nhỏ trong việc tấn công nhắm vào những sinh hoạt tôn giáo của người dân. Linh mục Phan Văn Lợi nhấn mạnh các lực lượng hành pháp tăng cường kiểm soát dân chúng qua chính sách mới:

“Bây giờ tại Việt Nam, tất cả các công ty điện thoại Viettel, Mobile, Vina bắt người dân mua sim phải đăng ký tên tuổi và phải chụp hình. Đó là một cách thức để hù dọa, trấn áp người dân và kiểm soát ngay từ cái điện thoại di động. Đây là một phương tiện để hành động trên người dân.”

Người dân bị dồn vào bước đường cùng, chắc chắn họ sẽ phản ứng. Trường hợp này như chúng ta đã thấy từng xảy ra ở xã hội Cộng Sản các nước Đông Âu trước đây vậy

-Linh mục Phan Văn Lợi

Các tổ chức nhân quyền trên thế giới lên tiếng phản đối hành động ngày càng lạm dụng của Chính phủ Hà Nội dùng lực lượng công an, an ninh để trấn áp người dân Việt Nam, gọi đó là hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng; đồng thời kêu gọi phải cải thiện tình trạng này. Những người dân trong nước mà chúng tôi tiếp xúc bày tỏ sự hy vọng lực lượng công an, an ninh cần nhanh chóng phục hồi chức năng và nhiệm vụ của họ là bảo vệ người dân và bảo vệ quốc gia, như chia sẻ của thân mẫu Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh lặp đi lặp lại mỗi lần họ xuất hiện xung quanh căn nhà của bà ở Nha Trang, Khánh Hòa rằng:

“Đừng có bóp cổ những người dân lành chúng tôi bằng những chuyện vô lý. Người dân đóng thuế qua xăng, qua gạo, qua nước…để họ làm những chuyện vô lý như vậy. Trong khi đất nước đang lâm nguy, hãy đi ra làm những việc bảo vệ đất nước.”

Cô giáo Huỳnh Thị Út thì cho rằng việc làm vô cớ hành hung, đánh đập, trấn áp người dân của công an và an ninh cần được pháp luật xử lý, vì có như vậy Chính quyền mới tỏ rõ cho dân chúng thấy được sự thượng tôn pháp luật ở Việt Nam. Không ít người dân nói rằng nếu như chính sách “công an trị” được duy trì mà không sớm thay đổi, thì viễn ảnh sẽ giống như nhận định của Linh mục Phan Văn Lợi:

“Người dân bị dồn vào bước đường cùng, chắc chắn họ sẽ phản ứng. Trường hợp này như chúng ta đã thấy từng xảy ra ở xã hội Cộng Sản các nước Đông Âu trước đây vậy.”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/police-in-vn-an-enforcement-is-used-for-harassing-people-05182018141733.html

 

Một “hiệp sĩ đường phố” tại Sài Gòn bị nhận diện

 là tay côn đồ đánh đập người biểu tình

Trong những ngày vừa qua, dư luận trong nước bàn tán nhiều về vụ 3 “hiệp sĩ đường phố” bị kẻ cướp đâm chết tại Sài Gòn, với phần nhiều thái độ cảm thông. Nhưng mới hôm qua 17/05, dư luận mạng xã hội lại dấy lên một luồng ý kiến khác, khi phát hiện ra một những tên “hiệp sĩ” này là côn đồ được công an bảo kê (côn an), đã từng đánh đập dã man những người yêu nước tham gia biểu tình.

Trên FB của nhiều nhà hoạt động đã đăng tải sự nhận diện của chị Dương Thị Tân, vợ cũ của nhà hoạt động Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Theo chị Tân, khi xem đoạn video có cảnh những “hiệp sĩ đường phố” đi quyên tiền cho những gia đình của những người vừa bị cướp giết hại, chị nhận ta tên Sin Nguyễn, một trong những tay côn an đã từng đàn áp chị và những người biểu tình phản đối Formosa ở Sài Gòn vào năm 2016. Chị Tân viết trên FB: “…Ngày 8-5-2016, ngày mà cả nước sục sôi với Formosa xả thải giết chết biển Việt Nam. Rất nhiều người đã bị đám tay sai bắt bớ, đánh đập, trong đó có tôi. Chính cái mặt này, cái tay này đã táng thẳng vào mặt tôi khi chúng lùa tôi lên xe buýt, cùng với nhiều người rồi chở đến sân vận động Hoa Lư. Sau khi đến nơi, lùa mọi người xuống hết, chúng giữ lại một mình tôi trên xe. Cũng chính cái mặt này, hai con mắt trợn trừng, cũng chính cái tay kia xỉa xỉa vào mặt tôi, giọng nó gằn lại: tao sẽ tìm đến nhà mày, tao sẽ giết từng người một trong gia đình mày… Với tôi có thể quên nhiều thứ, nhưng với kẻ đòi giết từng người trong gia đình mình thì chắc đời này, kiếp này, không thể nào quên...”

Trên FB của Nhạc Sĩ Tuấn Khanh có đoạn viết: “…Người ta gọi anh này là hiệp sĩ đường phố, tức loại người hùng trừ gian diệt ác, là batman hay spiderman trong trí tưởng huy hoàng của con người.

Nhưng thực tế, anh Sin Nguyễn (tên của “hiệp sĩ”) là người tham gia tích cực trong vai trò tay sai, bắt và đánh đập những người biểu tình chống Formosa gây ô nhiễm vào những ngày tháng 5-2016.

Sin là người đã đấm liên tiếp vào mặt chị Dương Thị Tân, một người phụ nữ đáng tuổi mẹ của Sin. Lúc đó, khi chị Tân đang trên xe bus, bị đưa về sân Hoa Lư, Sin “hiệp sĩ” đã đánh chị để thị uy và lập công với một loạt công an trên xe.

Sin nói mình là đội trưởng của “hiệp sĩ”, và là bạn của Phan Hùng, một loại “hiệp sĩ” khác đã ập vào nhà riêng của cô Lê Mỹ Hạnh ở Saigon và đánh đập, quay phim bỏ lên mạng để khoe thành tích, thỏa mãn thú tính.

Cám ơn Sin, lịch sử của “hiệp sĩ” trên đất nước này thật rõ ràng trong sắc màu ấy. Màu của bọn tay sai cặn bã…”.

Phan Hùng là tay côn an đã tham gia và quay video tung lên mạng vụ hành hùng dã man nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh vào ngày 2/5/2017, đã gây phẫn nộ một thời gian dài. Dư luận xã hội nay đã bớt cảm tình dành cho những “hiệp sĩ” sau khi những thông tin này được tiết lộ.

https://www.sbtn.tv/mot-hiep-si-duong-pho-tai-sai-gon-la-tay-con-do-tung-danh-dap-nguoi-bieu-tinh/

 

Vụ khách TQ mặc áo lưỡi bò:

‘Sự cố nhỏ’ bị ‘ném đá’ to

Khánh An-VOA

Dư luận trên mạng xã hội Việt Nam hôm 18/5 bày tỏ phẫn nộ trước phát ngôn của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng vụ du khách Trung Quốc mặc áo in hình đường lưỡi bò là “sự cố nhỏ” và không để “sự cố nhỏ như thế ảnh hưởng đến đại cục”.

Phát biểu của Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn được đưa ra trong buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch sáng 18/5.

Sau khi thừa nhận có những “chuyện này, chuyện khác” liên quan đến khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam, ông Tuấn nhắc đến vụ nhóm khách du lịch Trung Quốc mặc áo in hình bản đồ lưỡi bò nhập cảnh vào Việt Nam hôm 13/5 và nói:

“Tinh thần của chúng ta là phải xử lý kịp thời nhưng mềm dẻo và không để những sự cố như thế ảnh hưởng đến đại cục, không làm ảnh hưởng đến hợp tác du lịch giữa chúng ta với Trung Quốc”, theo Dân Trí.

Ngay lập tức, nhận định của người đứng đầu Tổng cục Du lịch bị phản đối mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Facebooker Nguyễn Trường Uy viết: “Vi phạm pháp luật và chủ quyền Việt Nam mà cho là “sự cố nhỏ”, cứ lo “ảnh hưởng đại cục” thì du khách sẽ cứ hết lần này qua lần khác mang “đường lưỡi bò” vào và mai này còn không biết chuyện gì xảy ra nữa”.

Trung Quốc có cả một chương trình để ghi dấu ấn trên tiềm thức của người dân trên khắp thế giới. Những ai không hiểu biết sẽ tưởng rằng đường lưỡi bò từ xa xưa là thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Ông Nguyễn Lân Thắng-thành viên nhóm No-U

Facebooker Trần Đăng Tuấn thì đặt câu hỏi: “Coi đó là ‘sự cố nhỏ’ khác chi quay mặt nhún để nuông hổ đói, sao khỏi mang vạ về sau?”

Nhận định về phản ứng “ném đá” của công luận, nhà báo Võ Văn Tạo cho đây là một điều dễ hiểu, trong bối cảnh giữa người dân Việt Nam và các “chóp bu lãnh đạo” đang có sự “lệch pha” trong quan điểm về chính sách đối ngoại đối với Trung Quốc.

Trong mắt người dân, sự kiện một nhóm khách Trung Quốc mặc áo in hình bản đồ có đường lưỡi bò đi vào Việt Nam không hề là một “sự cố nhỏ”, mà ngược lại, việc làm đó, theo ông, “là một hành động khiêu khích, có tổ chức của một nhóm người” và “có thể có sự đồng tình của ban lãnh đạo Trung Quốc”.

Ngoài ra, việc sử dụng từ “đại cục” để nói về sự kiện liên quan đến Trung Quốc là một điều “không thích hợp” và “không khéo” của quan chức Việt Nam, khi người Việt vốn dĩ rất dị ứng với lập trường bá quyền của quốc gia láng giềng.

“Chữ ‘đại cục’ vốn đã gây bức xúc, bởi vì chữ đó nguyên do ban đầu là ban lãnh đạo Trung Quốc đưa ra để phổ dụng đối với ban lãnh đạo và nhân dân Việt Nam, có tính chất mị dân. Chữ ‘đại cục’ mà ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch dùng trong trường hợp này là không phù hợp, không chính đáng. Chả có gì là ‘đại cục’ cả, kể cả trong trong quan hệ toàn diện giữa hai nước chứ đừng nói chỉ riêng trong lĩnh vực du lịch”, nhà báo Võ Văn Tạo nói.

Trong khi đó, một thành viên của nhóm “No-U” [phản đối đường lưỡi bò] ở Hà Nội, ông Nguyễn Lân Thắng, cho rằng Trung Quốc có một chiến lược công phu để quảng bá hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò đến Việt Nam và trên khắp thế giới:

“Không chỉ những chiếc áo trên người các du khách Trung Quốc đi vào Việt Nam có in đường lưỡi bò, mà còn là trên hộ chiếu. Và gần đây có vụ công ty Gap của Mỹ xin lỗi Trung Quốc vì in áo không có hình lưỡi bò. Trung Quốc họ có cả một chương trình để ghi dấu ấn trên tiềm thức của người dân trên khắp thế giới. Những ai không hiểu biết sẽ tưởng rằng đường lưỡi bò từ xa xưa là thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.

Chữ ‘đại cục’ mà ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch dùng trong trường hợp này là không phù hợp, không chính đáng. Chả có gì là ‘đại cục’ cả, kể cả trong trong quan hệ toàn diện giữa hai nước chứ đừng nói chỉ riêng trong lĩnh vực du lịch.

Nhà báo Võ Văn Tạo.

Một lý do khác khiến phát ngôn của quan chức du lịch bị phản đối dữ dội, theo nhà báo Võ Văn Tạo, là do cộng đồng mạng bức xúc về cách xử lý “mềm dẻo” của nhà chức trách đối với nhóm khách Trung Quốc, trong khi lại giám sát và đàn áp khốc liệt các hoạt động phản đối Trung Quốc của người dân trong nước.

Ông Nguyễn Lân Thắng cho biết chỉ riêng hoạt động đá bóng mỗi tuần của đội bóng “No-U” cũng rất khó thực hiện vì luôn bị công an, an ninh theo dõi, phong tỏa, đặc biệt vào thời điểm có các hoạt động biểu tình, phản kháng liên quan đến Trung Quốc.

“Chúng tôi, những người tham gia trực tiếp vào những hoạt động phản kháng chống hành vi xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông, rất khó khăn trong việc phản đối hay biểu thị sự phản đối vì thường xuyên bị ngăn cấm, bị đàn áp”, ông Thắng nói.

Sự kiện nhóm khách Trung Quốc mặc áo in hình đường lưỡi bò nhập cảnh vào Việt Nam đã thổi bùng phẫn nộ trong công chúng suốt tuần qua. Nhiều người dân cho rằng việc cơ quan chức năng yêu cầu nhóm khách thay áo là còn “quá nhẹ”, mà tốt nhất là nên “trục xuất” họ.

https://www.voatiengviet.com/a/vu-khach-tq-mac-ao-luoi-bo-su-co-nho-bi-nem-da-to/4400271.html

 

Áp thuế kịch trần lên xăng dầu:

lý do chưa thuyết phục.

Nguyễn Tuấn

Lý do chưa thuyết phục

Vào trung tuần tháng 5, Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ Tài Chính vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc Hội Dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó thuế xăng dầu sẽ tăng lên mức kịch khung, tức từ 3000 đồng lên 4000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng và lên mức 2000 đồng/lít đối với dầu, bắt đầu áp dụng từ ngày 1/7.

Theo dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính cho rằng nếu tăng thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu thì ước tính số thu ngân sách của Việt Nam mỗi năm sẽ tăng khoảng hơn 14.000 tỷ đồng.

Bên cạnh mặt hàng xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, túi nilon… cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng giá vì cho rằng trong quá trình sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Tài chính đưa ra phương án tăng giá kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Tuy nhiên, đề xuất này cũng như những lần trước, đều vấp phải phản ứng và ý kiến trái chiều của các chuyên gia kinh tế và người dân.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, từ trước đến nay nhà nước và hai bộ này không thể xác minh được thuế môi trường thu trên xăng dầu đã được dùng vào việc gì và việc cải thiện môi trường đến đâu, trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam ngày càng tồi tệ, trở thành vấn đề nhức nhói trong xã hội.

“Thuế danh nghĩa là bảo vệ môi trường đã được sử dụng như thế nào mà không khắc phục được các vấn đề môi trường như thế. Nếu chưa chứng minh được là sử dụng tốt thuế môi trường thì không có lý do gì mà thu thêm của người dân, bởi vì thu thêm mà vẫn như vậy thì không ai sẵn sàng đóng thuế cả.”

Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh kinh tế xã hội Việt Nam hiện nay, nhất thiết phải nghiên cứu điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường lên mức mà bộ này cho là phù hợp. Lý do là giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam thấp hơn so với 120 nước, trong đó có một số nước thuộc khu vực ASEAN và Châu Á.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng, bà không đồng tình về lập luận này. Bà cho biết:

“Tôi nghĩ lập luận này tức cuời lắm bởi vì khi muốn tăng họ thường hay nói thế, họ chỉ so sánh với bên ngoài, lấy điều gì có lợi cho họ thôi, so sánh một cách rất là một chiều. Ví dụ như các nước xung quanh như Singapore, Thái Lan, Malaysia thì mức thu nhập của người dân cao hơn ở Việt Nam biết bao nhiều lần mà kể, mà lại đi so sánh. Thế thì so sánh chi phí xăng dầu Việt Nam rẻ hơn một chút mà lại quên đi các yếu tố là thu nhập của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác, cái đó không thể được. Cách người ta so sánh như vậy là không sòng phẳng.”

Trả lời báo chí trong nước, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, việc thu thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu chỉ nên dùng để chi cho môi trường chứ không nên dùng để bù đắp vào khoản ngân sách thiếu hụt. Thay vì tập trung tăng thuế xăng dầu thì nên có biện pháp tái cơ cấu thu chi xăng dầu, bởi vì trong tái cơ cấu không chỉ có tăng thu mà còn giảm chi nhiều khoản.

Đồng quan điểm với việc giảm chi nhiều khoản, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng:

“Việt Nam bây giờ không những là chi thường xuyên tăng lên cao như thế, mà chi cho đầu tư công mà cũng gây lên cái tệ nạn về dàn trãi thất thoát, lãng phí tham nhũng rất nhiều, nhũng chuyện này ngay cả trong các diễn đàn quốc hội người ta cũng thường xuyên nói đến. Vì vậy việc bội chi ngân sách điều đầu tiên là nhà nước phải giảm chi chứ không phải tăng thuế lên, mà tăng lên mà không chứng minh được về đề án thì hoàn toàn không thuyết phục được người dân.”

Bộ Tài chính cũng thừa nhận tăng thuế bảo vệ môi trường có thể bù đắp ngân sách khi đang giảm nguồn thu. Tuy nhiên, việc tăng thuế bảo vệ môi trường mà đánh tới 95% vào xăng dầu thì điều này hoàn toàn không thể thuyết phục.

Doanh nghiệp và người tiêu dùng gánh chịu

Đối với các doanh nghiệp, nếu đề xuất này được thông qua, việc tăng thuế sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, tạo thêm gánh nặng cho cách doanh nghiệp khi phải tăng mọi chi phí cũng như sản phẩm và điều đó sẽ gây nên tình trạng nhiều doanh nghiệp không chịu nổi chi phí đầu vào trong khi đầu ra bị sức ép cạnh tranh quá lớn thì sẽ không hoạt động nổi. Bà Phạm Chi Lan cho biết thêm:

“Tình trạng các doanh nghiệp đóng cửa với tỉ lệ 70 – 80 ngàn một năm đấy, các đó nó gây rất nhiều tổn thất cho doanh nghiệp cũng như cho nền kinh tế, mất mát công ăn việc làm của người dân thì những hệ quả đó cũng phải tính tới. Mất đi lượng lớn người đóng thuế thì ngân sách làm như thế nào rồi lại bắt những người còn lại đóng thêm thuế, cách đó không thể được, thu cái gì thì phải tính đến chuyện nuôi dưỡng nguồn thu nữa, chứ không thể theo nhu cầu chỉ nhà nước thôi không được.”

Một số người dân cho rằng, việc tăng giá xăng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ nhưng vì không có tiếng nói nên đành phải chấp nhận.

“Giờ nhà nước tăng thì dân phải chịu thôi chứ biết làm sao bây giờ, mình có nói được gì đâu. Giờ xăng tăng giá thì chạy xe cũng phải tăng giá theo thôi chứ biết sao bây giờ.”

“Đương nhiên rồi xăng tăng thì tất cả mọi thứ cũng tăng, nhất là thương gia cứ xăng tăng thì tăng theo xăng thôi. Cái này nhà nước đã tính toán rồi, nó hợp lý rồi thì mình đâu có ý kiến gì, mình là người dân thì chỉ biết chấp hành quy định của nhà nước thôi.”

Một anh tài xế xe tải cho chúng tôi biết thêm về ảnh hưởng khi giá xăng dầu tăng: “Có ảnh hưởng chứ, nếu mà xăng dầu mà lên thì cước vận chuyển người ta cũng sẽ tăng lên, mà tăng lên thì các mặt hàng cũng phải tăng theo, mà người dân mà lương không lên thì cũng mệt mỏi lắm.”

Bộ Tài chính khẳng định việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường như xăng dầu sinh học và túi nilon thân thiện với môi trường. Từ đó sẽ giảm thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế như đã cam kết với quốc tế về bảo vệ môi trường.

Trước đó, tại buổi hội thảo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng, về mặt ô nhiễm thì than đá là sản phẩm ô nhiễm hơn xăng dầu rất nhiều. Vì vậy nên cân nhắc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng than thay vì xăng dầu.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/increasing-environmental-tax-on-gas-to-ceiling-level-the-reasons-are-not-persuasive-05182018140207.html

 

TP HCM

kháng nghị hủy án vụ đảng viên lão thành dâm ô

Sau những phản ứng gay gắt của công chúng đối với bản án “treo” về tội “dâm ô với trẻ em” của một đảng viên Đảng Cộng sản, một tòa án cấp cao của Việt Nam đã quyết định hủy bản án và tạm đình chỉ chủ tọa.

Tòa án Nhân dân (TAND) Cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) hôm 17/5 ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ Nguyễn Khắc Thủy, 78 tuổi, phạm tội dâm ô, đồng thời yêu cầu TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tạm đình chỉ công tác đối với chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện.

VN: Nạn ấu dâm tăng vì không trừng trị thích đáng

Người đàn ông sinh năm 1940 và đang cư ngụ tại TP Vũng Tàu bị tòa án nhân dân tỉnh kết án 3 năm tù nhưng sau đó đã kháng cáo. Cấp phúc thẩm nhận định ông Thủy ‘là Đảng viên, tuổi già và chỉ phạm tội với một bé gái’ nên cho ông ta hưởng 18 tháng tù treo.

Ngay sau khi tòa án Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên bản án phúc thẩm giảm từ 3 năm tù xuống 1 năm rưỡi tù treo cho ông Thủy, người có 50 năm tuổi Đảng và từng là giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, một làn sóng phẫn nộ trong dư luận đã nổ ra.

https://www.voatiengviet.com/a/tp-hcm-kh%C3%A1ng-ngh%E1%BB%8B-h%E1%BB%A7y-%C3%A1n-v%E1%BB%A5-%C4%91%E1%BA%A3ng-vi%C3%AAn-l%C3%A3o-th%C3%A0nh-d%C3%A2m-%C3%B4/4400087.html