Tin Việt Nam – 19/03/2017
Tỉnh Phú Yên bị ngập lụt
vì ba bợm nhậu say xỉn mở cửa đập xả lũ
Sau khi bị ngập lụt nhiều đợt trong năm qua vì mưa bão cùng với các hồ chứa nước xả lũ, một số xã ở tỉnh Phú Yên bất ngờ chịu đựng một đợt ngập lụt hồi đầu tuần vừa qua, khi ba bợm nhậu đột nhập trạm vận hành hồ chứa nước mở cửa đập xả lũ.
Công an huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, hôm Thứ Bảy 18/07 cho biết họ đang điều tra vụ ba thanh niên nhậu say rồi mở cửa đập của hồ chứa nước Suối Vực, gây ngập lụt cho ba xã Sơn Nguyên, Suối Bạc và Sơn Hà ở hạ lưu. Nhà chức trách cho biết, từ đêm 14 tháng 3 đến sáng 15 tháng 3, hơn 2 triệu mét khối nước đã tuôn tràn từ hồ chứa nước xuống vùng đồng bằng, gây nhiều thiệt hại cho cây trồng, hoa màu và cuốn trôi nhiều tài sản.
Theo tin tức sơ khởi từ cuộc điều tra, nhóm thủ phạm gồm ba thanh niên người dân tộc thiểu số sinh sống tại xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa. Vào lúc có hành động để lại hậu quả tai hại trong đêm 14 tháng 3, cả ba người đều đã uống rượu say đến mức không còn kiểm soát được hành vi của chính mình. Họ đi vào trạm vận hành hồ chứa nước Suối Vực, phá khóa, đập phá nhiều đồ đạc trong trạm rồi bật cầu dao điện và mở cửa tràn số 1 của hồ chứa nước. Theo giới chức huyện Sơn Hòa, cơn lũ hoàn toàn do người làm ra đã cuốn trôi 15 tấn mía đã thu hoạch, ba xe bò, một chiếc ghe, 18 máy bơm điện và làm sạt lở hoặc cuốn trôi khoảng 4.4 héc ta hoa màu.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/tinh-phu-yen-bi-ngap-lut-vi-ba-bom-nhau-say-xin-mo-cua-dap-xa-lu/
Hơn 6,000 ngư dân Quỳnh Lưu tiếp tục tuần hành
yêu cầu Formosa cút khỏi Việt Nam!
Vào sáng ngày 19 tháng 3 năm 2017, hàng ngàn bà con ngư dân giáo xứ Phú Yên, Mành Sơn, Cẩm Trường đã tuần hành về giáo xứ Song Ngọc ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An để hiệp thông và đồng hành với giáo dân và Linh mục Nguyễn Đình Thục bị đánh vì đi khiếu kiện Formosa.
Đây cũng là lần đầu kể từ khi thảm họa Formosa xảy ra, hai giáo xứ Phú Yên của Linh Mục Đặng Hữu Nam và Song Ngọc của Linh Mục Nguyễn Đình Thục đã tuần hành chung để tỏ lòng đoàn kết. Giáo xứ Phú Yên và Song Ngọc là hai giáo xứ ở Nghệ An có nhiều hoạt động tiên phong trong nỗ lực khiếu kiện Formosa, và thường xuyên bị nhà cầm quyền gây áp lực nhiều nhất.
Ngay từ sáng sớm, sương mù dày đặc, đông đảo bà con ngư dân xứ Phú Yên, Mành Sơn, Cẩm Trường cầm trên tay Hoàng kỳ dân tộc, cờ hội thánh Công Giáo và tuần hành bằng xe máy đi sang giáo xứ Song Ngọc.
Chị Lê, giáo dân xứ Phú Yên chia sẻ: “Chúng tôi cũng như đông đảo bà con đã tập trung về giáo xứ Song Ngọc để hiệp thông với Linh mục JB Nguyễn Đình Thục và bà con bị đánh hôm 14/02/2017 vừa qua do đi khiếu kiện Formosa. Chúng tôi cũng muốn bày tỏ quan điểm yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đền bù thiệt hại do thảm hoạ môi trường gây ra.”
Theo ghi nhận của SBTN, đông đảo bà con tuần hành di chuyển rất ôn hoà, tay cầm các banner có biểu ngữ: “Formosa cút khỏi Việt Nam”, “trả lại biển xanh cho chúng tôi”, “save our seas”, “ngư dân Việt Nam hết đường sống buộc phải đánh cá ở hải phận nước ngoài”,… Các giáo dân mang theo oàng kỳ dân tộc và di chuyển trên các ngã đường.
Thánh lễ do Linh mục Fx Phan Đình Giáo quản xứ Cẩm Trường chủ tế cùng Linh mục Anton Đặng Hữu Nam và JB Nguyễn Đình Thục cùng đồng tế. Mở đầu Thánh lễ, cha JB Nguyễn Đình Thục nói: “…Con xin chân thành cám ơn hai cha và đông đảo bà con xứ Cẩm Trường, Phú Yên, Mành Sơn và các giáo xứ lân cận đã luôn đồng hành, chia sẻ với chúng con trong thời gian vừa qua. Nhà cầm quyền luôn tuyên truyền rằng chúng ta là phản động, nhưng thực ra chúng ta chỉ đấu tranh chống lại cái sai của cộng sản, chống lại những bất công trong xã hội. Chúng ta cũng cầu nguyện cho chế độ cộng sản sớm lụi tàn, cho đất nước Việt Nam thoát khỏi ách độc tài. Và nếu chế độ sau thay thế mà cũng độc ác, độc tài như cộng sản, thì chúng ta lại tiếp tục đấu tranh, để thay thế bằng một chế độ dân chủ, và đất nước này thực sự là của người dân…”.
Sau Thánh lễ, khoảng hơn 6,000 người dân thuộc bốn xứ: Song Ngọc, Mành Sơn, Cẩm Trường và Phú Yên tiếp tục tuần hành ôn hoà trên các ngã đường bằng xe máy. Khi đến trước cổng Uỷ ban nhân dân xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, cha Anton Đặng Hữu Nam nói với bà con: “Tôi biết hôm nay đây cũng có rất nhiều quan chức và lãnh đạo của cộng sản. Vì vậy, chúng ta phải gửi gắm một thông điệp đến với các lãnh đạo của nhà cầm quyền cộng sản…”. Khi linh mục hô : “Formosa!” thì người dân đáp lại: Cút…cút…cút”, “Formosa! Cút khỏi Việt Nam!”.
Sau đó, Linh mục JB Nguyễn Đình Thục và giáo dân Song Ngọc đã chia tay mọi người để trở về. Còn linh mục Anton Đặng Hữu Nam và đoàn người tiếp tục di chuyển trên các ngã đường.
Nguyên Nguyễn / SBTN
Hơn 6,000 ngư dân Quỳnh Lưu tiếp tục tuần hành yêu cầu Formosa cút khỏi Việt Nam!
Cấm được không, những ca khúc đã ghi dấu với thời gian?
Nhà chức trách Việt Nam vừa quyết định dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975, dù đã được cấp phép trước đó, bao gồm: Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân, Đừng gọi anh bằng chú, Con đường xưa em đi.
Thế nhưng, theo ghi nhận của VOA, hiện tại ở các tụ điểm karaoke, người Sài Gòn vẫn hát, bất chấp lệnh cấm.
Ông Nguyễn Bắc Truyển, một người mộ điệu các nhạc phẩm trước 1975: “Chúng ta biết rằng những bài hát ra đời trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam thì đều liên quan đến người lính, nói lên những tâm trạng của người lính khi ra chiến trường, và khi người lính bảo vệ đất nước của mình. Và sau năm 1975, nhà cầm quyền mới đã hoàn toàn cấm những bài hát này”.
Mỗi ngày tôi lại hát, thường thì hồi đó lâu lâu mới nghe một lần, nhưng mà bây giờ tự nhiên cứ một ngày nhẩm nhẩm ca bốn năm lần như vậy. Vì tôi nghĩ rằng bài hát có sức sống riêng của nó, không phải muốn cấm là cấm đâu.
Ông Nguyễn Bắc Truyển
Bàn luận chuyện cấm đoán này, người Sài Gòn ngờ rằng nhà chức trách đang lo sốt vó, vì không cản nổi những giá trị văn hóa trước 1975 bùng phát lại ở miền Nam và nhiều nơi khác. Khởi đầu là âm nhạc, sau đến là sách vở, lịch sử, nên họ đang tìm cách kìm hãm, bằng cách cắt nhanh nguồn cảm hứng của dân chúng.
Thế nhưng càng cấm đoán, theo như lời của ông Nguyễn Bắc Truyển, người ta càng rủ rê nhau hát nhiều hơn: “Thật ra không phải muốn cấm là cấm, bởi vì sau năm 75, họ cấm thì người ta vẫn hát. Và bây giờ, sau khi bị cấm, tôi lại hát nhiều hơn nữa. Mỗi ngày tôi lại hát, thường thì hồi đó lâu lâu mới nghe một lần, nhưng mà bây giờ tự nhiên cứ một ngày nhẩm nhẩm ca bốn năm lần như vậy. Vì tôi nghĩ rằng bài hát có sức sống riêng của nó, không phải muốn cấm là cấm đâu.”
Như lời của ông Truyển, kẻ quyền thế có thể phất tay phế bỏ, nhưng nhân dân sẽ mãi giữ lại trong trí nhớ và từng lời hát khe khẽ của mình. Bởi họ biết, cuối cùng tài sản lớn nhất của con người là văn hóa, chứ không là cường quyền. Âm nhạc hay sách vở, tri thức hay cảm xúc sẽ còn lại mãi mãi, bền bỉ với thời gian, thách đố mọi thời đại mê muội của quyền hành.
http://www.voatiengviet.com/a/cam-duoc-khong-nhung-ca-khuc-da-ghi-dau-voi-thoi-gian/3772709.html
Biểu tình bằng xe hơi tại cầu Bến Thủy
Có khoảng 30 chiếc xe hơi của người dân treo biểu ngữ biểu tình chống trạm thu phí cầu Bến Thủy không giảm giá vé qua cầu như đã hứa.
Báo Tuổi trẻ tại Thành Phố Hồ Chí Minh cho biết là những người dân này sống tại Huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, và thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, tức là khu vực gần cầu Bến Thủy, nối liền hai tỉnh này.
Những người biểu tình cho rằng họ sống gần cầu Bến Thủy cho nên chuyện họ qua lại cây cầu này phải được trả giá thấp.
Cầu Bến Thủy do công ty Xây dựng công trình số 4 xây dựng theo hình thức BOT, tức là xây dựng rồi thu phí để lấy lại vốn. Những người biểu tình cho rằng công ty này có đưa ra một qui định bất hợp lý nữa là những chiếc xe nào được miễn giá vé, sẽ không được di chuyển tại những nơi mà công trình giao thông do các dự án BOT thực hiện.
Theo thông tin từ cơ quan công an thành phố Vinh, thì lực lượng chức năng đã tăng cường đến cầu Bến Thủy để giữ trật tự, với những phương tiện xe cần cẩu sẳn sàng kéo đi những chiếc xa gây cản trở giao thông.
Cuộc biểu tình kéo dài từ 9h30 sáng đến 10h30 sáng thì kết thúc.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/protest-benthuy-bridge-03192017084526.html
Chi trả không đúng nạn nhân Formosa
Nhiều người dân tại tỉnh Hà Tĩnh bị cho là đã nhận tiền đền bù của vụ tai họa môi trường Vũng Áng Formosa, nhưng thực ra họ không phải là nạn nhân của vụ này.
Trong số các trường hợp được báo chí đưa ra thì những người này làm những nghề không có liên quan đến việc đánh bắt hải sản ngoài biển, hoặc chỉ có liên quan không nhiều, ví dụ như người buôn bán ở chợ, nhưng có làm thêm việc thủ quĩ cho một hợp tác xã đóng tàu.
Các viên chức địa phương cũng đã sửa lại nghề nghiệp của những người này cho phù hợp với danh sách những nghề mà nhà nước qui định được đền bù. Đặc biệt có trường hợp người dân có tàu để đi thu mua hải sản, sửa lại thành đi đánh bắt hải sản để nhận tiền đền bù.
Xin nhắc lại là tai họa môi trường Vũng Áng Formosa xảy ra hồi tháng tư năm ngoái 2016, do nhà máy Formosa xả chất độc xuống biển tại tỉnh Hà Tĩnh làm cho cá biển chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế.
Công ty Formosa do người Đài Loan đầu tư đã nhận lỗi và đền bù một số tiền là 500 triệu đô la Mỹ.
Việc chi trả số tiền này cho người dân bị cho là chậm trễ. Ngoài ra người ta còn cho rằng không chỉ có hàng chục ngàn ngư dân bị thiệt hại, mà nhiều người có cuộc sống liên quan đến nghề đánh cá cũng bị thiệt hại. Hơn nữa số tiền đền bù sẽ chấm dứt sau một thời gian ngắn, trong khi ngư dân vẫn chưa có thể ra khơi đánh cá trong một thời gian dài.
Thảm họa môi trường Vũng Áng Formosa được cho là gây thiệt hại đáng kể đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, và có thể gây ra nhiều bất ổn xã hội.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/formosa-victimes-03192017084813.html
40 biệt thự xây chưa có phép tại Sơn Trà
Có 40 biệt thự đang được xây dựng nhưng chưa có giấy phép tại khu vực bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Các công trình chưa có giấy phép này bị cơ quan chức năng phát hiện vào ngày thứ bảy 18 tháng 3, và ông Nguyễn Thành Nam, phó chủ tịch Quận Sơn Trà nói với báo chí rằng các công trình đó sẽ bị phạt với số tiền là 40 triệu đồng một biệt thự.
Nhưng sáng hôm nay, 19 tháng ba, phóng viên của báo Thanh Niên ghi nhận rằng những công trình này vẫn đang được tiếp tục thi công.
Đây là khu biệt thự được xây dựng trong một dự án du lịch sinh thái của bán đảo Sơn Trà. Và khi phê duyệt dự án này, nhà chức trách cho phép vừa thi công cơ sở hạ tầng, vừa xin giấy phép để cho nhanh chóng, nhưng 40 biệt thự đang xây cất thì chưa có giấy phép làm móng của công trình.
Bán đảo Sơn Trà nằm án ngữ giữa thành phố Đà Nẵng và biển Đông, và cũng là nơi được cho là có nhiều loại động thực vật khác nhau sinh sống. Việc xây cất tại bán đảo Sơn Trà vẫn hay bị công luận quan tâm vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Nhưng theo lời ông phó chủ tịch quận thì khi xây cất người ta cũng có tiến hành trồng cây trở lại.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/illegai-villas-sontra-03192017085254.html