Tin Việt Nam – 19/02/2018
Từ chặt hoa đến bẻ hương
Đầu năm, đầu tháng, lẽ ra tôi nên nói chuyện gì đó vui vui. Nhưng thực sự khó mà nói chuyện vui được khi mọi thứ trong xã hội tôi sống trở nên tệ hại và bệ rạc. Từ chuyện cuối năm nông dân bán hoa không được thì thẳng tay chặt hoa cho đến chuyện một người đàn bà xông vào phá lễ tưởng niệm những chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến Việt – Trung 1979, và thêm nữa, Võ Văn Thưởng, con trai cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hiện là Trưởng ban tuyên giáo Trung ương trả lời với truyền thông là “tôi mới nhậm chức nên không biết gì về cuộc chiến biên giới 1979”.
Vì sao nông dân trở nên máu lạnh? Họ máu lạnh từ bao giờ? Vì sao người ta trở nên hỏng hóc tư duy đến độ không biết phải trái, xông vào bẻ hương, phá đám lễ tưởng niệm? Vì sao Võ Văn Thưởng lại trả lời ngô nghê như một đứa thất học?
Ở khía cạnh thứ nhất, nói nông dân trở nên máu lạnh, điều này vô hình trung vơ đũa cả nắm và xúc phạm những người quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để làm ra hạt gạo, làm ra lương thực cho quốc gia. Nhưng đâu đó, rau bơm thuốc hôm nay, ngày mai hái đi bán, bơm dầu nhớt cho rau muống, nhúng rau củ quả vào hóa chất để tăng trọng lượng sau một đêm và đi bán, đều do người nông dân, nhà buôn Việt Nam và cả nông dân Trung Quốc thực hiện. Và người tiêu dùng Việt Nam trở thành cái sọt rác hứng toàn bộ chất độc của nông nghiệp vô lương Việt – Trung.
Vì sao lại có chuyện đổ đốn, đau khổ như vậy? Khi chính những người chân lấm tay bùn, những người gần gũi thiên nhiên và lương thiện nhất lại trở thành kẻ giết đồng loại không thương tiếc, tôi nhấn mạnh là cả nông dân Trung Quốc và nông dân Việt Nam đều là những kẻ máu lạnh đáng thương, giết đồng loại một cách không thương tiếc. Và sở dĩ xảy ra nông nổi này, nói cho cùng, nông dân cũng là nạn nhân, họ là nạn nhân của nhà quản lý và nạn nhân của sự mù mờ, thiếu kiến thức khoa học và cả ham tiền bởi từng sống qua quá nhiều gian khổ, đau khổ.
Một đứa bé đói khổ, cần ăn một ổ bánh mì cầm hơi, đang nằm giữa đường, thứ mà nó cần nhất không phải là bài giảng về lòng yêu thương hay tính từ bi hỉ xả của một vị sư hay một vị linh mục nào đó, mà một ổ bánh mì của kẻ cướp có giá trị hơn nhiều trong lúc ấy.
Tình trạng người nông dân Việt Nam và nông dân Trung Quốc là tình trạng của đứa bé đói ăn trong câu chuyện dài dòng của lịch sử. Người nông dân không có kiến thức về hóa chất, đương nhiên, người nông dân cần có tiền để tồn tại, thậm chí để làm giàu, đương nhiên. Và mọi hoạt động, làm ăn của người nông dân, bao giờ cũng thụ động hơn rất nhiều so với các nhóm ngành nghề khác, người nông dân, đặc biệt là nông dân Việt buộc lòng phải chạy theo thị trường, chạy theo chính sách nhà nước. Nhà nước mở cửa cho lưu thông hành hóa với Trung Quốc thì người nông dân cả hai quốc gia này nghĩ đến chuyện làm sao có nhiều nông sản bán sang nước kia. Nhà nước thả cửa các loại hóa chất bơm kích thích hoa củ quả chóng lớn thì người nông dân tin rằng nó không tệ, nó giúp mình mau giàu.
Bởi nhà nước chi phối toàn bộ, từ y tế đến giáo dục, văn hóa, khoa học… Người nông dân tiếp nhận một cách thụ động mọi thứ nhà nước bán ra, ban hành ra… Đó là sự thật ở các nước độc tài, gồm cả Việt Nam và Trung Quốc. Và cái giá của việc thụ động này là vì chén cơm manh áo, vì chút tiền để nộp các khoản phí cho con học hành, vì chút tiền để ăn Tết, người nông dân phải chạy đua, chạy đua đến độ bất chấp và máu lạnh.
Câu chuyện, hình ảnh người nông dân chặt cây quất, bẻ hoa mào gà, đập nát hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa thược dược, hoa lay ơn, hoa cẩm chướng… (Ui cả chục loài hoa và cả hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, hàng triệu chậu hoa trên cả nước bị chính tay người đã trồng, đã nâng niu hoặc chí ít người đã dám bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng để mua nó về với tràn trề hi vọng… đập nát, giết chết trong trưa Ba Mươi, Chiều Ba Mươi Tết…) lại cho thấy một ‘ổ bánh mì khác’.
Vì sao? Vì lẽ, cái ổ bánh mì trong cơn đói, hay niềm hi vọng nào đó đã bị giết trong cơn hỗn loạn của sự trí trá, của một chính sách vô trách nhiệm hay trong một giác độ khác, đó là thứ đòn mị dân và người nông dân nếm đủ, nếm trọn vẹn. Để rồi, đôi khi người ta đâm ra giận và thù ghét cả máu tim hay sự tồn tại của mình. Phản ứng của người nông dân đầy vẻ máu lạnh từ chuyện nhúng hóa chất rau củ quả để bán kiếm nhiều tiền, chặt cây, chặt hoa khi không bán được… Tất cả, như một sự quyên sinh về nhân cách. Rất may là người ta đã có cái cây, chậu hoa để thế mạng trong cuộc quyên sinh này! Nhưng cũng không ít nông dân, nhà buôn đã tự tử, đã quyên sinh bản thân vì những chuyện tương tự!
Và hôm 17 tháng 2, khi các nhà hoạt động dân chủ, xã hội dân sự tổ chức tưởng niệm cuộc chiến Biên giới phía Bắc 1979, đã có một người đàn bà bước vào buổi lễ trang nghiêm, sẵn sàng để người khác ghi hình ảnh quấy rối, hành vi nhiễu loạn, hồ đồ của mình. Rồi thêm cảnh các cặp đôi hưu trí mặc áo dài, veston ôm nhảy xà nẹo với nhau, tan, te ngay trước tượng đài, một số khác thì đi rút chân hương mà bẻ… Dường như mọi hành vi xấu xa, hoen ố nhất đều được họ trưng ra ngay giữa thủ đô Hà Nội, trong ngày Tết Nguyên Đán, ngày thiêng liêng của đất nước, dân tộc, họ không ngán gì cả!
Điều này khiến tôi liên tưởng đến cuộc chiến Mậu Thân 1968, khi mà cả nước đang trong giờ phút thiêng liêng, đón giao thừa, thì họ đã khai hỏa, tiếng súng của họ làm cho nhiều người mơ hồ, nhầm tưởng là tiếng pháo. Dường như không còn yếu tố nhân cảm hay tôn trọng một luật chơi nhân đạo nào đối với người Cộng sản mặc dù họ nhân danh hòa bình, nhân đạo và tương lai dân tộc để phát động chiến tranh chiếm miền Nam.
Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều thế hệ trở nên máu lạnh dưới triều đại Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Bởi phải sinh ra và lớn lên trong một chế độ chính trị mà ở đó, sự tàn độc, tính tiểu nhân, nhược tiểu sợ lớn hiếp bé, tính thủ đoạn được thả sức lên ngôi. Con người ngày càng trở nên mụ mị bởi chính sách ngu dân của nhà cầm quyền… Thì e rằng rất khó để có được một xã hội tử tế.
Một xã hội mà con người muốn thỏa mãn cái ăn, cái mặc và chỗ ở thì phải chấp nhận quyên sinh nhân cách, quyên sinh mọi giá trị đạo đức và quyên sinh cả tình thương, tình thân để đánh đổi lấy nó, thì làm sao tìm ra sự tử tế, lòng lân mẫn hay tính tự trọng?
Một xã hội có bề dày cả ngàn năm văn minh lúa nước, con người gắn bó, hòa điệu với cây cỏ, thiên nhiên, nhưng cũng chính những con người gần với thiên nhiên nhất lại vung tay chặt phá thiên nhiên một cách không thương tiếc và có chút gì đó hả hê, thỏa mãn trong đau khổ… Thì liệu sự tử tế có còn?
Một xã hội có cả ngàn năm Bắc thuộc, trải qua nhiều cuộc binh biến, chiến tranh và giữ nước, xây dựng đất nước. Nhưng cuối cùng cái tinh thần xây dựng đất nước lại gắn với tính lệ thuộc chính trị và mọi gái trị qui ước về đạo đức chính trị bị phá vỡ không thương tiếc, dẫn đến hệ lụy một dân tộc đáng tự hào trở nên đớn hèn và tội nghiệp thì liệu tương lai dân tộc sẽ về đâu?
Một năm mới ghé đến, nhưng nghe sao buồn vẫn cứ nhiều hơn vui? “Vui là vui gượng kẻo mà”!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Ý đảng vẫn luôn ngược với lòng dân!
Song Chi
Chỉ trong vòng một tuần, trước và sau Tết Âm lịch Mậu Tuất 2018, có đến mấy sự kiện lịch sử mà qua đó, thái độ của nhà nước cộng sản VN thêm một lần nữa, đã tự bộc lộ họ là ai, những quan niệm về bạn-thù, sự đánh giá về lịch sử của họ có minh bạch, tiến bộ, thay đổi chút nào sau bao nhiêu năm và họ có lý do gì để tiếp tục lãnh đạo đất nước này, dân tộc này.
Sự kiện lịch sử thứ nhất là 50 năm biến cố Tết Mậu Thân 1968 mà nhà nước này bao lâu nay vẫn trí trá gọi tên là “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968”. Đã nửa thế kỷ trôi qua, bao nhiêu tư liệu, thông tin của thời đại internet đã chứng minh cuộc tổng tấn công đó thực sự là thành công hay thất bại về mặt quân sự, mục tiêu, cái giá phải trả trên sinh mạng con người lẫn các cơ sở vật chất là quá đắt ra sao. Nghiêm trọng hơn, biến cố Mậu Thân luôn luôn để lại một ký ức kinh hoàng của một trong những trang sử đẫm máu nhất, man rợ nhất về cuộc thảm sát hàng ngàn thường dân tại Huế của phe tấn công hay phe “nổi dậy”. Cho dù nhờ những oái ăm, trớ trêu của lịch sử, mà sự thất bại nặng nề về quân sự đó cuối cùng lại biến thành sự “chiến thắng” về mặt chính trị cho Miền Bắc, dẫn đến sự chuyển hướng của cuộc chiến tranh và sự rút lui của Mỹ, bỏ rơi đồng minh VNCH về sau này, nhưng rõ ràng, đó vẫn là một sự kiện đẫm máu, một sự tráo trở, lừa dối, không chính danh đứng về phía đảng cộng sản.
Lẽ ra sau 50 năm, một quãng thời gian đủ dài để nhìn nhận lại, đánh giá lại lịch sử, nếu đảng cộng sản vẫn chưa đủ dũng cảm để công khai, minh bạch những sai lầm, tội ác cùa mình và có một thái độ thành khẩn sám hối trước nhân dân, trước lịch sử thỉ cũng không nên nhắc lại nhiều biến cố này. Vinh quang gì khi người Việt giết người Việt? Đàng này, “non sông dễ đổi, bản tính/ bản chất khó dời”, đảng và nhà nước cộng sản lại ra sức tổ chức kỷ niệm sự kiện Mậu Thân một cách rình rang, lịnh cho báo chí truyền thông tiếp tục dối trá, bóp méo lịch sử, tiếp tục “tẩy não” các thế hệ trẻ như họ đã làm bao năm qua, khoét sâu thêm vết thương chưa lành của bao nạn nhân cùng gia đình họ. Hệ quả là những nhân chứng, những người có lương tri lại buộc lòng phải lên tiếng. Sự chia rẽ trong lòng dân tộc lại trỗi dậy và lời kêu gọi hòa giải hòa hợp lậu nay từ phía đảng cộng sản, thêm một lần nữa cho thấy chỉ là đầu môi chót lưỡi, không bao giờ có thể thực hiện được.
Việc ăn mừng sự kiện Mậu Thân chứng tỏ đảng cộng sản hoàn toàn không thay đổi từ nhận thức đến thái độ, hành động và hoàn toàn “thất nhân tâm” đối với đại đa số người dân Việt ở cả hai miền, trong và ngoài nước.
Sự kiện lịch sử tiếp theo là ngày 17.2, đúng mùng hai Tết, là ngày tưởng niệm 39 năm nổ ra cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung-17.2.1979-17.2.2018, tuy ngắn ngủi nhưng tàn khốc, với sự dã man từ phía binh lính Trung Cộng khi quyết chí giết hại càng nhiều càng tốt dân Việt Nam, bất kể già trẻ lớn bé, quyết chí đốt sạch, phá sạch các cơ sở vật chất, trường học, nhà máy…tại những nơi mà chúng tấn công. Cuộc chiến tranh tuy trện danh nghĩa là kết thúc sau 1 tháng khi Trung Cộng tuyên bố rút quân, nhưng trên thực tế những xung đột giữa hai bên vẫn tiếp tục kéo dài cho đến tận năm 1988.
Thế nhưng, kể từ sau khi vội vàng xin “bình thường hóa quan hệ” giữa hai nước, đảng và nhà nước cộng sản hầu như không muốn nhắc đến cuộc chiến này. Trong nhiều năm báo chí truyền thông được lịnh “câm lặng”, sách giáo khoa bỏ trống những trang lịch sử bi hùng, những tấm bia, dấu tích cuộc chiến bị đục bỏ bớt chữ…Có một giai đoạn người dân chỉ cần lên tiếng “Hoàng Sa-Trường Sa là của VN” hay có những hành vi tưởng niệm cuộc chiến này và việc mất Hoàng Sa, Trường Sa là bị xách nhiễu đủ kiểu, và bị bắt vào tù. Mấy năm gần đây trước sự phẫn nộ của dư luận, báo chí đảng được phép có một số bài viết, sách giáo khoa có được chừng mươi dòng về cuộc chiến…
Nhưng nhà cầm quyền vẫn tìm mọi cách ngăn cấm sự biểu hiện lòng yêu nước của người dân. Chẳng hạn, những khu vực như phía trước tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội, nơi nhiều nhà hoạt động hay tổ chức tưởng niệm những sự kiện lịch sử này thì họ cho công nhân ra đục đá ầm ỹ hoặc cho người ra khiêu vũ để “chiếm chỗ”. Năm nay cũng vậy, họ lại cho một đám người ra dìu nhau khiêu vũ giữa ban ngày ban mặt!
Tất cả chỉ nhằm một mục đích ngăn chặn, bóp nghẹt lòng yêu nước, căm thù bọn giặc phương Bắc tàn ác, dã man của người Việt, và nhằm xóa mờ những ký ức về một giai đoạn lịch sử. Thật trái ngược với sự công khai, ầm ỹ ăn mừng năm nào cũng vậy đối với những gì liên quan đến cuộc chiến tranh chống Mỹ và VNCH. Và đó là chủ trương, chính sách xuyên suốt bao nhiêu năm nay không hề thay đổi của đảng cộng sản.
Đối với VNCH, cùng chung một giòng máu, chung một tổ tiên nguồn cội, chung một quê hương nhưng khác ý thức hệ, thì từ sau khi chiến thắng và cho tới tận bây giờ nhà cầm quyền vẫn luôn luôn đối xử vô cùng khắc nghiệt, nhỏ nhen. Từ cách đánh giá về chính quyền VNCH vẫn không thay đổi, nghĩa trang Biên Hòa của bao nhiêu binh lính MN vẫn bị bỏ hoang phế, những người thương phế binh VNCH với cuộc sống khổ cực lắt lay qua ngày nhưng nếu có các tổ chức thiện nguyện nào đó muốn tập họp gửi tặng họ chút quà để an ủi thì bị chính quyền địa phương ngăn trở, cấm đoán; bất cứ cái gì dính dáng tới chế độ VNCH từ một lá cờ hay bộ quân phục đều trở thành “điều cấm kỵ” mà người nào cầm, mang lá cờ ấy hay bộ quân phục ấy sẽ bị tống vào tủ như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Viết Dũng tức “Dũng Phi Hổ” v.v…
Đối với Mỹ, mặc dù hai bên đã “bình thường hóa quan hệ” (năm 1995, mất hai mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc) nhưng mọi sự tiến triển đều rất chậm chạp, ù lì, khiến VN bỏ lỡ nhiều cơ hội trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai bên, vì quyền lợi của cả hai, nhất là của VN. Trong nhiều năm, đảng cộng sản tiếp tục chơi trò “đu dây” giữa Trung Quốc và Mỹ, cứ khi nào bị Bắc Kinh lấn lướt, thiệt hại quá thì VN lại quay sang ve vãn Hoa Kỳ, khi Bắc Kinh bớt hung hăng thì VN lại “nồng ấm” với họ, nhưng dù thế nào thì cũng vẫn không quên hàng năm tổ chức ăn mừng chiến thắng, lên án “giặc Mỹ”.
Chính sách “đu dây”, hai mặt đó của VN chỉ là trò khôn vặt, câu giờ và không có lợi gì cho dân tộc, cho đất nước, như chúng ta thấy. Không có một quốc gia nào thực sự tin tưởng vào một nhà cầm quyền không đáng tin như vậy. Và giờ đây, VN thực sự không có đồng minh trong khi Trung Cộng đã kịp trở nên hùng mạnh hơn rất nhiều về kinh tế lẫn quân sự và là mối đe dọa lớn nhất đối với chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải của VN, còn thế giới, từ Hoa Kỳ cho tới châu Âu thì chẳng còn quan tâm gì đến số phận của VN nữa!
Như đã nói, so với Mỹ và VNCH, chủ trương, chính sách của đảng cộng sản VN đối với Trung Cộng hoàn toàn khác. Dù bị Trung Cộng “dạy cho một bài học” về quận sự và vô số bài học về kinh tế, đảng cộng sản vẫn nhắm mắt quỵ lụy dựa vào Bắc Kinh hòng được yên thận và kéo dài tuổi thọ của chế độ. Các đời lãnh đạo cấp cao nhất của VN càng về sau càng trở nên hèn hạ, bạc nhược trước Bắc Kinh, và càng công khai rước voi về dày mả tổ, khi mở toang của rước giặc vào nhà trên mọi lĩnh vực, suốt từ Nam ra Bắc. Nhờ “công lao” của đảng cộng sản mà chưa bao giờ VN bị lún sâu đến thế trong mối quan hệ Việt-Trung bất xứng, đầy thiệt thòi và rủi ro này.
Sau hơn 40 năm, tin rằng đại đa số người VN không muốn khoét sâu thêm những vết thương của cuộc nội chiến, muốn lịch sử phải được viết lại một cách minh bạch, sự thật phải được trả lại để người Việt có thể học được những bài học đắt giá và tiến về phía trước. Đại đa số người dân Việt trong và ngoài nước muốn VN thay đổi theo xu hướng tự do dân chủ, bắt tay làm bạn, làm đồng minh với những cường quốc dân chủ, hùng mạnh trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức…và hết sức thận trọng với Trung Quốc, từng bước tìm cách thoát ra khỏi sự kìm tỏa, chi phối, can thiệp quá sâu vào nội bộ chính trị cũng như lũng đoạn về kinh tế VN của Trung Cộng v.v..
Thì đảng và nhà nước cộng sản lại hoàn toàn làm ngược lại.
Ngay từ đầu, đảng cộng sản đã luôn luôn lựa chọn sai đường, sai đồng minh, nhầm lẫn bạn-thù, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trện hết, bất chấp lợi ích của đất nước, dân tộc.
Và cho đến tận bây giờ, ý đảng vẫn luôn luôn ngược với lòng dân.
Một đảng cầm quyền như vậy có lý do gì để vẫn tiếp tục là vật cản ngăn trở mọi sự thay đổi, phát triển theo chiều hướng tích cực, tốt đẹp hơn của VN?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/party-will-against-peple-wish-02192018082037.html
Lúng túng, loay hoay: không thể che lấp sự thật
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Dân gian có câu ví khá hay: “Loay hoay như chó bí ỉa” và “lúng túng như gà mắc tóc”.
Những câu ngạn ngữ này để chỉ thái độ lúng túng của ai đó khi thiếu hiểu biết, hoặc gian lận, hoặc muốn che giấu một sự thật nào đó. Trong cuộc sống, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy hoặc là ở những người dốt, hoặc ở những kẻ gian có thái độ này.
Nhiều vụ việc, hễ dính đến Công an, thì y như rằng hiện tượng “chó đau ỉa” và “gà mắc tóc” liên tục xảy ra. Nó xảy ra ở cách tiếp nhận, nó xảy ra ở cách xử lý, nó xảy ra ở cách đối phó, nó xảy ra ở cách thông tin…
Những chuyện đã qua
Người ta thấy rõ ở rất nhiều vụ việc:
– Công an đánh hướng dẫn đám côn đồ bao vây Thái Hà, Tòa TGM Hà Nội năm 2008. Khi bị các cơ quan ngoại giao nước ngoài chất vấn, Lê Dũng đã nói: Đó không phải là dân, công an mà là “Quần chúng tự phát”. Câu “ngu ngữ” này đã bị cả thế giới làm cho te tua đến mức sau đó cả hệ thống quan chức không dám mở mồm ra lần nào nữa chỉ bằng một câu hỏi: Vậy thì cứ dân tự phát là hiển nhiên đúng và được bảo vệ kể cả khi chúng vi phạm luật pháp?
– Công an đánh nhà báo sưng mặt, đá nhà báo trước bao nhiêu ống kính và hình ảnh đầy trên mạng, nhưng tay Đại tá Nguyễn Duy Ngọc – phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho rằng không phải công an đánh nhà báo, mà chỉ là “Gạt tay trúng má và giơ chân hơi cao”.
Sáng tác này của đại tá Công an, khiến xã hội được trận cười không dứt. Một nữ nhà báo nói với mình rằng: Bố tổ sư lão Ngọc, hôm ấy, báo hại em đang đi họp dở phải chạy về thay quần lót vì lão phát biểu xong em không nhịn được, vãi ra cả quần, xấu hổ khiếp. Thế mà lão không hề xấu hổ.
Có lẽ vì sự dày… mặt này, nên sau đó lão được lên chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an.
Không rõ với những người trình độ và liêm sỉ như vậy thì Bộ Công an sẽ đến đâu.
Chuyện hiện tại
Thì đây, hôm nay lại có một tay Tướng Công an hẳn hoi, Trung tướng Trần Đăng Yến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, trong cuộc họp báo về vụ Vũ Nhôm, ông ta trả lời các câu hỏi như sau:
” Nói về tấm thẻ ngành công an của ông Phan Văn Anh Vũ được lan truyền trên mạng là thật hay giả Trung tướng Trần Đăng Yến khẳng định: “Tấm thẻ ngành công an của Vũ “nhôm” được đăng trên mạng cũng nằm trong quá trình điều tra, làm rõ.
Về thông tin trên mạng xã hội cho rằng, Vũ “Nhôm” có 3 hộ chiếu và được giúp đỡ khi chạy trốn, Trung tướng Trần Đăng Yến cho rằng, có nhiều thông tin chưa chính xác và Cơ quan An ninh điều tra đang làm rõ.
“Trường hợp phát hiện vi phạm, Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục xử lý nghiêm” – Trung tướng Trần Đăng Yến khẳng định.
Bên cạnh đó, Trung tướng Yến cho rằng, khi báo chí thu thập thông tin thì phải có nguồn kiểm chứng.
“Hiện nay, vấn đề lộ lọt thông tin trên mạng đang rất phức tạp, nhất là trong sự phát triển của Internet. Chúng ta rất dễ bị nhiễu từ các thông tin này…”- Trung tướng Yến nói. (Trích nguyên văn)
Lời bàn:
Buổi họp báo của Bộ Công an, tập trung báo chí là để có những thông tin cần thiết cho xã hội được rõ, được minh bạch. Cũng theo các cán bộ lãnh đạo Cộng sản, thì phải cung cấp cho báo chí những thông tin chính xác, kịp thời để “ngăn chặn những tin đồn thiếu căn cứ hoặc có ý đồ xấu”, nhất là chuyện “báo chí chạy theo mạng xã hội”. Tay lãnh đạo nào cũng ông ổng như vậy từ Chủ tịch nước đến Bộ trưởng Công an, Truyền thông…
Thế nhưng buổi họp báo của Bộ Công an có nội dung gì?
– Về cái thẻ công an của Vũ Nhôm, rõ như ban ngày là cấp bậc: Cấp tá, số hiệu sĩ quan hẳn hoi, có thằng ký, có con dấu… Vậy với nghiệp vụ Công an, chỉ cần chưa đầy 10 phút có thể xác định thẻ đó, chữ ký đó là dởm hay thật, do ai làm và vì sao? Vũ Nhôm có số hiệu sĩ quan, có danh sách quân số… đủ cả có ở trong ngành công an hay không.
Vậy mà từ ngày bị khởi tố đến giờ tròn 2 tháng mà hệ thống công an ta “giỏi nhất thế giới” vẫn “đang điều tra, làm rõ” chứ không biết sự thật? Lý do là vì nó có thật nhưng làm giả, hay nó là thẻ giả nhưng có thằng công an khác làm thật cho nó, hay vì nó giả cả thẻ cả người… chắc không đầy 30 phút thì đã rõ vì Vũ Nhôm đang trong tay Công an chứ đâu xa, nhưng cứ cho là mất đi nửa ngày. Thế mà hai tháng qua, vẫn không rõ đâu là thật, đâu là giả? Chẳng lẽ cả Bộ công an này đi ngủ hai tháng qua?
– “Về thông tin trên mạng xã hội cho rằng, Vũ “Nhôm” có 3 hộ chiếu và được giúp đỡ khi chạy trốn”, thì vẫn là điệp khúc “Cơ quan An ninh điều tra đang làm rõ”. – Nghĩa là vẫn dẫm chân tại chỗ mà chưa điều tra ra được cái gì cả.
Quả là đáng nể, mấy cái hộ chiếu, được giúp đỡ chạy trốn hay không thì không điều tra cư dân mạng vẫn biết rất rõ nó từ đâu. Và cũng như cái thẻ ngành công an, nó lồ lộ ra đó chứ đâu đến mức nó biến đi mất tích như con tàu MH370 của Malaysia mà không thể điều tra được?
Điều người ta không hiểu nổi là các vụ án chống lại những người yêu nước, thương dân, chống bành trướng, vì lãnh thổ và vì đất nước tiến bộ thì Công an điều tra rất nhanh quá mức có thể ngờ. Thậm chí không chỉ là điều tra ra “tội” mà còn điều tra ra cả những ý nghĩ trong đầu người khác để kết tội “âm mưu”… chống nhà nước với các công dân vô tội. Kỳ quặc nhất là Công an còn điều tra ra cả tội “Tuyên truyền lật đổ chế độ” của hai người mù chữ trong vụ án vừa qua mấy hôm thôi.
Thế mà vụ này, hai tháng trời công an không thể điều tra ra được Vũ Nhôm là công an thật hay công an giả. Hộ chiếu thật hay giả… Có lẽ những người có đầu óc hài hước số 1 thế giới chưa chắc đã nghĩ ra chuyện này.
Mà chưa nói đâu xa, vụ án Trịnh Xuân Thanh kia thôi, từ khi bắt, đến khi có kết luận điều tra cũng chỉ có chục ngày.
Thực ra, đơn giản dễ hiểu chỉ vì đó là vụ thanh trừng phe nhóm, loại trừ đối thủ chính trị thì Đảng cho thực hiện theo một nguyên tắc khác hẳn: Đảng đã muốn bắt, là phải có tội.
Điều hài hước, nực cười nhất lại là sau khi trả lời các câu hỏi mà không trả lời điều gì, thì Trung tướng Trần Đăng Yến khẳn định: “Trường hợp phát hiện vi phạm, Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục xử lý nghiêm”.
Điều này thể hiện một vấn đề rất rõ ràng là ông Yến này không hề hiểu Tiếng Việt. Nghĩa là ông ta không hiểu các nhà báo đang hỏi vấn đề gì. Thế nên, mới xảy ra hiện tượng ông hỏi gà, bà nói vịt là thế.
Tại sao nhà báo hỏi mấy cái thật giả, thì ông không trả lời được, đáp án là con sống không tròn trĩnh mà ông lại khoe sẽ “xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm”?
Tại sao chưa ai đánh mà ông đã khai cách làm việc của công an?
Lẽ dĩ nhiên là nếu luật pháp nghiêm minh, thì chuyện xử lý nghiêm là chuyện không cần bàn cãi và không cần rêu rao.
Lẽ dĩ nhiên là đã vi phạm luật pháp thì đến vua cũng phải trị tội như thường dân, huống chi là công an.
Thế nhưng, xin cam đoan là những vụ việc liên quan đến công an thì hầu hết không thể làm rõ, không thể nghiêm minh. Vì thế ông ta đã vội quảng cáo cho điều mà ông ta biết là chẳng ai tin ông ta.
Cứ xem lại thì rõ: Vụ em Dư chết vì “rửa bát bẩn” trong đồn công an, dù em chưa đến tuổi thành niên, tiếp theo là vụ đánh các luật sư mặt mũi tím bầm, nhìn không ra hình tượng con người kia. Rồi cũng chìm xuồng, đã có tên Công an nào bị “xử lý nghiêm” bao giờ.
Cứ xem lại vụ đánh nhà báo vì “Gạt tay trúng má, giơ chân hơi cao” đến mức nhà báo đi nằm viện, đại biểu quốc hội yêu cầu khởi tố… rồi cũng cứt trâu hóa bùn.
Cứ xem lại biết bao vụ khác nữa, đâu có đó và vẫn “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Cứ lần theo bước đoạn trường mà đi” vậy thôi.
Mới đây nhất, viên CSGT Hà Nam khi chặn xe dọc đường không đúng nguyên tắc, cầm tiền rơi xuống lại dẫm chân lên, nhặt dưới đường bỏ túi… Có lẽ đến đứa trẻ con nó cũng biết đó là cái gì?
Thế nhưng dù đã báo cáo lên tận Bộ Công an, nhưng sau khi điều tra, công an vẫn “không thể làm rõ” vì “Do hình ảnh trong clip không phản ánh đầy đủ các thông tin nên không đủ căn cứ xác định cán bộ CSGT trong clip nhận mãi lộ”.
Điều này giống như câu hát nào đó: “Ai cũng hiểu, chỉ… công an Hà Nam không hiểu”.
Xưa nay, đã động vào công an, thì đừng mong chuyện xử lý nghiêm bất cứ chỗ nào. Công an là “lá chắn, là thanh kiếm”, là con chó giữ nhà của đảng và “chỉ biết còn đảng, còn mình”. Do vậy nếu xử lý nghiêm đám công an, thì ai giữ nhà cho đảng tung hoành muốn gì được nấy trên xương máu, tài sản, tính mạng của người dân và lãnh thổ đất nước cho ai nấy được?
Bởi nếu xử lý nghiêm” thì lại phải nhớ câu của Nguyễn Sinh Hùng: “Cứ vi phạm mà kỷ luật thì lấy đâu ra cán bộ mà làm việc”.
Bởi nếu không có hệ thống “lá chắn, là thanh kiếm”, là con chó giữ nhà kia, thì cam đoan rằng cái Đảng “quang vinh, vĩ đại” kia không thể tồn tại nổi 2 ngày.
Hài nữa, là ông ta yêu cầu “báo chí thu thập thông tin thì phải có nguồn kiểm chứng”. Nhà báo sẽ kiểm chứng ở đâu khi mà chính công an cũng chưa biết đầu đuôi nó ra sao dù đã hai tháng trôi qua? Việc điều tra, kiểm chứng mà công an còn chưa làm được gì sao yêu cầu báo chí?
Tạm kết:
Sở dĩ có những câu trả lời còn hài hơn cả vua hài, còn nhố nhăng hơn cả đám du thủ du thực, còn bẩn thỉu hơn cả đám cùng đinh kia. Chỉ vì điều duy nhất họ thiếu: Sự thật.
Vì không có sự thật, họ phải vòng vo.
Vì để vòng vo né tránh, nên họ phải sáng tác ngôn ngữ mới.
Vì không thể minh bạch những cái thối, cái bẩn nên họ phải đánh bài lờ rằng “đang điều tra, làm rõ” nhằm câu giờ.
Những cách vòng vo, luẩn quẩn và bất chấp sự thật, bất chấp liêm sỉ cũng như tiếng cười của thế gian, miễn là đạt mục đích hóa bùn bãi cứt trâu vốn ngày càng lớn.
Điều đó người ta không còn thấy lạ.
Điều người ta lạ nhất, là không hiểu vì sao một chế độ, một thể chế lại có thể là nơi sinh ra, dung dưỡng cho sự dối trá phát triển đến mức bất chấp quy luật đến vậy mà vẫn cứ tồn tại.
Tất cả những điều trên, có một tác dụng hết sức rõ ràng là nó chứng minh một chân lý đã được nhiều người, thậm chí là các trùm lãnh đạo cộng sản khẳng định như Tổng Bí Thư ĐCS Liên xô Mikhail Gorbachev: “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng Cộng Sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng: Đảng Cộng Sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá.”
Hay như Tổng thống Nga Putin nói: “Kẻ nào tin những gì CS nói là không có cái đầu. Kẻ nào làm theo lời của CS, là không có trái tim“.
Ngày 18/2/2018
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/cant-hide-the-truth-02192018082957.html
Đồng bằng Cửu Long: Áp lực di cư do biến đổi khí hậu
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới. Ít nhất 15% tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là đến từ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng vùng có 18 triệu dân này cũng là một trong những khu vực bị biến đổi khí hậu tác động nhiều nhất và chính điều này đang làm gia tăng áp lực về di cư tại đồng bằng sông Cửu Long.
Tác động của biến đổi khí hậu lên kinh tế
Trong một báo cáo được công bố ngày 09/01/2018, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF nhấn mạnh, Việt Nam đặc biệt dễ bị tác động của biến đổi khí hậu, bởi vì nước này có bờ biển dài đến gần 3.500 km và phần chủ yếu của tài sản kinh tế quốc gia là nằm ở những vùng đất thấp ven biển. Tính từ năm 1990 đến nay, trung bình hàng năm, thiên tai đã khiến 500 người chết và khiến Việt Nam mất đi 1% GDP.
Theo thẩm định của IMF, những tác động của biến đổi khí hậu (nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng cao, di cư do khí hậu) có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm đi 10% và ảnh hưởng đến 12% dân số nước này vào năm 2021.
Trong báo cáo nói trên, IMF cảnh báo: “Biến đổi khí hậu rất có thể sẽ làm gia tăng áp lực lên môi trường: các cơn bão thường xuyên hơn và dữ dội hơn có thể sẽ gây tác hại cho mùa màng, làm giảm thu nhập của nông dân, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và xuất khẩu hàng hóa.” Định chế này dự báo thêm: “ Những nguy cơ đó sẽ tác động nhiều nhất lên người nghèo, buộc họ phải di cư đến những vùng trong nội địa và đến những thành phố lớn hơn.”
Đồng bằng Cửu Long mất 1 triệu dân
Theo một nghiên cứu mới đây của giáo sư Alex Chapman, Đại Học Southampton, Anh Quốc và giáo sư Văn Phạm Đăng Trì, Đại Học Cần Thơ, làn sóng di cư hiện đang gia tăng trong một thập niên qua đã khiến vùng đồng bằng sông Cửu Long mất đi 1 triệu dân trên tổng dân số 18 triệu người. Cụ thể là đã có 1,7 triệu dân di cư khỏi vùng này, trong khi chỉ có khoảng 700 ngàn dân đến định cư ở đây. Tỷ lệ di cư này là cao gấp đôi mức trung bình của cả nước.
Theo nghiên cứu của hai vị giáo sư nói trên, có nhiều yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu thúc đẩy di dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một số người đã phải di cư do nhà của họ bị sập vì nước biển xói mòn vùng bờ biển. Hàng trăm hộ đã phải đi nơi khác kiếm sống do tình trạng ngập mặn. Số khác thì không thể tiếp tục sống ở đây do nạn hạn hán, một hiện tượng khí hậu vừa là do tác động của biến đổi khí hậu, vừa do các đập thủy điện ở thượng nguồn.
Một nghiên cứu khác do trường Đại Học Văn Lang ở Sài Gòn thực hiện cho thấy biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến 14,5% di dân đi tìm nơi cư trú khác, tức là tương đương với 24 ngàn người mỗi năm. Con số thực tế rất có thể là cao hơn, vì tình trạng di dân còn có quan hệ chặt chẽ với nạn nghèo khó.
Phần lớn di dân là từ các cánh đồng vùng thấp do tình trạng ngập mặn ngày càng nặng, vì nước biển dâng cao khiến nước mặn tràn sâu hơn vào trong. Tình trạng này càng thêm trầm trọng do việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn, chủ yếu là của Trung Quốc và Lào, cản trở các dòng nước ngọt chảy xuống hạ nguồn, tức là xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nước mặn đã vào sâu đến hơn 80 km trong đất liền khi xảy ra trận hạn hán 2015-2016, trận hạn hán nặng nề nhất trong vòng thế kỷ, phá hủy ít nhất 160 ngàn hectare đất canh tác.
Chính sách tái định cư còn bất cập
Chính phủ Việt Nam đã có chính sách tái định cư, ưu tiên cho những hộ nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất, bằng cách cho vay với lãi suất thấp để họ có kinh phí di dời nhà ở và xây nhà mới. Nhưng Viện Brookings của Mỹ, sau khi xem xét việc thực hiện chính sách ở hai tỉnh Đồng Tháp và Long An, đã nhận thấy rằng chương trình này còn thiếu minh bạch. Phần lớn các hộ nói trên cho biết thu nhập của họ đã bị giảm sau khi di dời, vì nơi ở mới không thích hợp, khiến họ không thể trả các khoản vay và thế là lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất.
Hai giáo sư Alex Chapman và giáo sư Văn Phạm Đăng Trì trong công trình nghiên cứu nói trên cũng đã lên tiếng cảnh báo về cách thức đối phó với biến đổi khí hậu. Đã có những người đã buộc phải di cư do chính những biện pháp được thực hiện nhằm bảo vệ họ trước những tác động của biến đổi khí hậu.
Hàng ngàn km đê đã được xây dựng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long để ngăn lũ. Nhưng một số con đê này lại phá hủy hệ sinh thái của vùng. Người nghèo và những người không có đất canh tác không còn kiếm được nguồn thủy sản để mưu sinh. Mặt khác, những con đê này ngăn những chất bổ dưỡng tự nhiên do các nước lũ dẫn về các cánh đồng lúa.
Trong một bác cáo thực hiện cho Tổ chức Di cư Quốc tế IOM vào tháng 6/2016, hai nhà nghiên cứu Han Entzinger và Peter Scholten, thuộc đại học Eramus, Rotterdam, Hà Lan, cũng đã từng cảnh báo :” Dường như biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến các hình thái di cư quan trọng ở miền Nam Việt Nam (chủ yếu là di cư trong nước). Một hành lang di cư đã được hình thành, nối vùng đồng bằng sông Cửu Long và các thành phố như Cần Thơ và đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh.”
Phân tích của hai nhà nghiên cứu này cho thấy phần lớn hộ gia đình di dân không xem biến đổi khí hậu là lý do chính cho quyết định di dời. Có thể họ không nhìn nhận việc di cư là để ứng phó với biến đổi khí hậu, mà để thích ứng với các yếu tố khác, ví dụ như điều kiện kinh tế. Phần lớn những hộ gia đình xem biến đổi khí hậu là một lý do dẫn đến di cư thường đề cập đến các hiện tượng như xói lở đất đau, bão và lũ lụt (hơn là các hiện tượng như hạn hán và xâm nhập mặn).
Hơn nữa, các hộ gia đình di cư thường có thu nhập thấp và điều kiện nhà ở kém. Dường như các gia đình dễ tổn thương nhất thì mới phải di cư, trong khi các hộ có điều kiện nhà ở và kinh tế tốt hơn có đủ khả năng bám trụ.
Hai nhà nghiên cứu Han Entzinger và Peter Scholten dự báo rằng, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng di cư quy mô lớn từ nông thôn lên thành thị, một phần do hệ quả của suy thoái môi trường tác động lên các vùng nông thôn, và một phần do hiệu ứng thu hút của đời sống và kinh tế thành thị.
Họ cho rằng, phần nào nhu cầu di cư này có thể được giảm thiểu bằng cách đẩy mạnh các nỗ lực chống suy thoái môi trường, giải quyết hiệu quả các hệ lụy, giảm thiểu rủi ro thảm họa và tăng cường khả năng phục hồi sau thảm họa. Tuy nhiên, giải pháp này đôi khi lại không khả thi, và vì vậy di cư sẽ tiếp diễn. Do đó, theo khuyến cáo của hai nhà nghiên cứu Hà Lan, điều quan trọng nhất là phải gỡ bỏ các rào cản hiện hữu đối với di cư trong nước một cách triệt để.
Ngoài ra, theo họ, các chương trình tái định cư mà Việt Nam đã có kinh nghiệm triển khai nên được tiếp tục và cải thiện nếu phù hợp, đồng thời cũng cần đặc biệt chú ý đến việc tạo ra đầy đủ và đa dạng cơ hội nghề nghiệp lẫn cơ sở vật chất cho học tập, cho các cộng đồng phải tái định cư do suy thoái môi trường.
Các giải pháp cho Việt Nam theo IMF
Trong báo cáo ngày 09/01/2018, IMF đã kêu gọi chính phủ Việt Nam nên có chính sách sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nước và rừng, và kiểm soát tốt hơn các phương thức trồng trọt dùng quá nhiều phân bón gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Mặt khác, theo IMF, Việt Nam còn là một trong 10 quốc gia bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới, không thua gì tại các thành phố lớn và khu công nghiệp ở Trung Quốc. IMF dự báo là lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính của Việt Nam có thể sẽ tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2020 và đến 2030 sẽ tăng gấp ba, một phần vì Việt Nam còn dựa nhiều vào các năng lượng hóa thạch. Cụ thể, 35% nguồn năng lượng của Việt Nam hiện nay là đến từ than, tăng so với mức 15% của năm 2000.
Với nhu cầu năng lượng được dự báo sẽ tăng 2,5 lần vào năm 2035 và do chưa có giải pháp nào thay thế, Việt Nam sẽ lại càng phụ thuộc vào than, cho nên sẽ rất khó mà đạt được mục tiêu cắt giảm 8% lượng khí phát thải vào năm 2030.
Trong báo cáo nói trên, IMF đã đề nghị Việt Nam một số chính sách để đối phó với tác động của biến đổi khí hậu:
* Giảm bớt nguồn năng lượng hóa thạch và gia tăng nguồn năng lượng tái tạo để phá vỡ mối liên kết giữa sản lượng và khí phát thải.
* Cung cấp cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp và chính phủ những công cụ mạnh hơn để tiếp tục tăng trưởng xanh: đánh thuế mạnh trên các loại nhiên liệu hóa thạch để thúc đẩy nhu cầu về năng lượng sạch.
* Đầu tư vào các cơ sở hạ tầng liên quan đến khí hậu để giúp các hộ gia đình và các doanh nghiệp ứng phó với bão lụt. Thiệt hại do các thiên tai nên được tính trong các phân tích về tính bền vững của nợ công.
* Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển để gia tăng đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch và cải tiến các công nghệ sạch.
* Chuyển dần sang việc sử dụng các xe hơi tự động, xe hơi chạy điện và chia sẻ dùng chung xe hơi để giảm nạn kẹt xe và ô nhiễm không khí ở các thành phố.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180219-dong-bang-cuu-long-di-cu-bien-doi-khi-hau
Tham vọng quân sự của Trung Quốc
ở Cam Bốt và trong khu vực
Trong khuôn khổ « Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện », Trung Quốc và Cam Bốt sẽ tổ chức cuộc diễn tập quân sự « Rồng Vàng » lần thứ hai vào tháng 03/2018. Trong khi đó, Cam Bốt đã hủy bỏ cuộc tập trận « Angkor Sentinel » hàng năm với Hoa Kỳ, và nêu lý do là cần huy động quân đội để bảo đảm sự ổn định trong việc tổ chức các cuộc bầu cử trong năm 2017 và 2018.
Ngày 08/02/2018, giáo sư Carlyle Thayer, thuộc Học viện Quốc Phòng Úc, trả lời các câu hỏi của báo giới về quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Cam Bốt. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.
Quan điểm của ông về những tham vọng quân sự của Trung Quốc ở khu vực Châu Á (Indo) Thái Bình Dương là gì ? Điều gì thúc đẩy tham vọng của Trung Quốc ?
Carlyle Thayer : Trung Quốc tìm cách khôi phục toàn bộ mức độ ưu tiên trong nhận thức về châu Á, theo đó, chủ nghĩa thực dân phương Tây đã bị lật đổ. Động lực thúc đẩy Trung Quốc đưa ra ưu tiên này bao gồm việc thống nhất đất nước bằng cách sáp nhập Đài Loan và giành lại các vùng lãnh hải bị mất, mà theo quan điểm của Bắc Kinh là đã bị Nhật chiếm cứ một cách bất hợp pháp ở biển Hoa Đông, quần đảo Senkaku, và các thực thể, đảo ở Biển Đông.
Việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc là nhằm đối phó với các tình huống liên quan đến Đài Loan và giành chiến thắng nếu một cuộc xung đột nổ ra và để ngăn chặn hoặc phòng ngừa quân đội Mỹ đóng vai trò quyết định trong một cuộc xung đột vũ trang có liên quan đến Đài Loan.
Trung Quốc nuôi dưỡng những tham vọng này vì phải kế thừa di sản của một « thế kỷ quốc gia bị sỉ nhục » vì quy mô dân số và trọng lượng kinh tế. Trung Quốc coi Mỹ và hệ thống liên minh của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương là một trở ngại cho tham vọng của họ.
Cam Bốt hưởng lợi ra sao về việc Trung Quốc ngày càng gia tăng viện trợ quân sự ?
Carlyle Thayer : Quyết định của Cam Bốt đồng hành với Trung Quốc là nhằm tránh áp lực của phương Tây đòi duy trì một nền dân chủ đa đảng tự do và tôn trọng nhân quyền. Cam Bốt biết là nếu tôn trọng lập trường của Trung Quốc, thì họ sẽ chịu rất ít hoặc không có việc can thiệp vào các vấn đề chính trị trong nước.
Hun Sen và Đảng Nhân Dân Cam Bốt của ông muốn giữ quyền kiểm soát quân đội và nghi ngờ các sĩ quan quân đội Cam Bốt được đào tạo ở nước ngoài, một đội ngũ sĩ quan không có gì bảo đảm về sự trung thành của họ đối với chính quyền của ông.
Trung Quốc đào tạo và hỗ trợ vật chất cho Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Cam Bốt để bảo vệ biên giới và khi cần, để bảo đảm cả an ninh trong nước. Khi chấp nhận viện trợ của Trung Quốc, các lãnh đạo Cam Bốt đang cố làm hài lòng giới lãnh đạo ở Bắc Kinh.
Các nước láng giềng kề cận của Cam Bốt như Việt Nam và Thái Lan sẽ nhìn nhận thế nào về mối quan hệ quân sự chặt chẽ của Cam Bốt với Trung Quốc ?
Carlyle Thayer : Cả Thái Lan và Việt Nam, mỗi nước đều có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Thái Lan từ lâu đã mua vũ khí của Trung Quốc. Kể từ cuộc đảo chính năm 2014, Hoa Kỳ cho đến thời gian gần đây, đã tránh bán vũ khí quân sự cho Thái Lan. Khía cạnh tiêu cực duy nhất là Trung Quốc cũng cung cấp vũ khí cho Cam Bốt và chúng sẽ được sử dụng nếu lại xẩy ra đụng độ biên giới Thái Lan – Cam Bốt. Quân đội Thái Lan có khả năng đương đầu với một cuộc xung đột với Cam Bốt.
Tình hình Việt Nam thì khác. Đây là một cường quốc quân sự nếu so sánh với Cam Bốt. Việt Nam có một lực lượng bộ binh hùng hậu được trang bị tốt. Từ năm 2015, Việt Nam đã ưu tiên hiện đại hóa lực lượng bộ binh. Cũng trong tiến trình hiện đại hóa quân đội, Việt Nam sẽ mua 64 xe tăng chiến đấu T-90 của Nga. Cần nhớ rằng viện trợ quân sự của Trung Quốc, bao gồm cả cố vấn, cho Khmer Đỏ đã không ngăn cản được Việt Nam xâm lược Cam Bốt vào cuối năm 1978.
Quân đội Trung Quốc và Việt Nam có quan hệ tương đối ổn định. Trong bốn năm qua, hai bên đã lần lượt thay nhau tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, bao gồm cả các cuộc gặp thường niên giữa các bộ trưởng Quốc Phòng. Các sĩ quan Việt Nam theo học ở các trường chính trị tại Trung Quốc và giữa hai nước có chương trình trao đổi đào tạo thường xuyên ở cấp hạ sĩ quan.
Việt Nam không mua vũ khí của Trung Quốc. Nga là nhà cung cấp chính. Cả Trung Quốc và Nga sẽ phải quyết định nên phản ứng thế nào nếu xẩy ra đụng độ giữa Cam Bốt và Thái Lan, giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Quan hệ quân sự giữa Cam Bốt và Trung Quốc tác động ra sao đối với trật tự an ninh khu vực ? (trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến trình quân sự hóa ở Biển Đông).
Carlyle Thayer : Quan hệ quân sự Cam Bốt – Trung Quốc không phải là duy nhất ở Đông Nam Á. Mặc dù Trung Quốc có quan hệ quân sự với tất cả các nước thành viên ASEAN, nhưng phạm vi và mức độ quan hệ với từng quốc gia có khác nhau. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc có mối quan hệ ổn định với các định chế đa phương của ASEAN và với ASEAN như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Plus (ADMM + Plus).
Trung Quốc đang sử dụng ngoại giao quân sự để tranh giành ảnh hưởng với các đối tác đối thoại khác của ASEAN như Hoa Kỳ. Trung Quốc trực tiếp chủ trì các cuộc họp quân sự giữa ASEAN và Trung Quốc, đồng thời Bắc Kinh tham gia vào các cuộc tập trận quân sự cấp thấp trong khuôn khổ ADMM Plus. Việc quân sự hoá Biển Đông của Trung Quốc chỉ liên quan trực tiếp đến bốn quốc gia khu vực là Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam.
Việc quân sự hóa của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến Indonesia. Lập trường chính thức của Jakarta là bác bỏ việc coi Indonesia là một bên trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Rồi kể từ cuộc bầu cử đưa ông Rodrigo Duterte, người chủ trương thân thiện với Bắc Kinh, lên làm tổng thống, quan hệ quân sự giữa Manila và Washington đã bị thu hẹp. Duterte đã ra lệnh cho quân đội Philippines xem xét việc mua vũ khí của Trung Quốc (và Nga).
Tuy vậy, chưa thấy có tiến triển rõ nét nào trong lúc Hoa Kỳ vẫn là nguồn cung cấp vũ khí chính và ngày càng quan trọng cho Philippines (và cả Hàn Quốc nữa). Malaysia « quản lý » được về mặt chính trị hồ sơ tranh chấp lãnh thổ nhưng tiếp tục hiện đại hóa quân đội và hoan nghênh sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực.
Brunei là một bên trong tranh chấp biển với Trung Quốc nếu như trong khu vực đường chín đoạn – theo như bản đồ mà Bắc Kinh đưa ra – có chỗ nối hai đoạn, cắt ngang qua vùng đặc quyền kinh tế của Brunei. Cho đến nay, Brunei thường xuyên giữ khoảng cách với tranh chấp ở Biển Đông. Việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông là động lực chính thúc đẩy Việt Nam hiện đại hóa bộ máy quân sự.
Trong 5 năm qua, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí đứng thứ 10 trên thế giới. Việt Nam đã phát triển « lực lượng răn đe » chống máy bay đa năng hiện đại, đặt các dàn tên lửa chống hạm ở vùng duyên hải, phát triển lực lượng hải quân, với quy mô khiêm tốn, qua việc mua các loại tầu tấn công nhanh có trang bị tên lửa, các khu trục hạm và sáu tàu ngầm lớp Kilo. Cả ba binh chủng đều được trang bị tên lửa.
Indonesia quan ngại về cái mà Trung Quốc gọi là những đòi hỏi lịch sử liên quan đến vùng biển xung quanh quần đảo Natuna. Chính quyền Jakarta rất chủ động trong việc bắt giữ tàu đánh cá nước ngoài, bao gồm cả tàu đánh cá của Trung Quốc. Quốc gia Đông Nam Á này cũng bắt đầu tăng cường sự hiện diện quân sự để có thể đối phó nhanh chóng với các sự cố và tàu bè nước ngoài (hàm ý là Trung Quốc) xâm nhập vào vùng biển của nước này.
Tóm lại, theo quan điểm của Cam Bốt, việc Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông cho thấy nước này sẽ sớm trở thành cường quốc quân sự thống trị trong khu vực và tất cả các nước khác sẽ phải điều chỉnh để thích ứng với thực tế này.
Theo tính toán của Campuchia, họ có được các ưu ái của Bắc Kinh nếu ủng hộ chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông. Và một ngày nào đó, Cam Bốt có thể phải kêu gọi Trung Quốc ủng hộ trong trường hợp có xung đột với một quốc gia khác, trong hoặc ngoài khu vực.
Giới lãnh đạo ở Phnom Penh cảm thấy yên tâm trước những căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc bởi vì trong một chừng mực nào đó, những căng thẳng này làm giảm bớt sự « chú ý » của Việt Nam tới Cam Bốt.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180219-tham-vong-quan-su-tq-cam-bot-chau-a