Tin Việt Nam – 19/01/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 19/01/2019

Chính phủ Việt Nam không trả tự do

cho Trần Huỳnh Duy Thức trước tết Nguyên Đán

Thông báo của Luật sư Ngô Ngọc Trai vào ngày 18/1 trên trang Facebook cá nhân cho biết, sau khi nhận lời tư vấn đề nghị trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, trong khoảng thời gian 5 tháng qua, công ty của ông đã gửi tổng cộng 12 đơn thư tới văn phòng chủ tịch nước mà đến nay vẫn không nhận được phản hồi chỉ nhận được hồi đáp của Viện kiểm sát tối cao, văn phòng chính phủ và Bộ Công an.

Do đó, luật sự đã gửi đơn khởi kiện Văn phòng Chủ Tịch nước vì đã không hồi đáp giải quyết 12 lá thư về đề nghị đặc xá tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, 52 tuổi người đang thụ án 16 năm về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, anh bị chính quyền Hà Nội kết án từ tháng 5/2009 và hiện đang bị giam tại trại giam số 6 tỉnh Nghệ An.

Theo luật sư Ngô Ngọc Trai, sau khi tòa án thành phố Hà Nội trả lại đơn kiện của công ty mà không đưa ra được lý do xác đáng, công ty luật đã gửi đơn khiếu nại lên tòa án cấp cao Hà Nội theo đúng quy định của Luật tố tụng hành chính. Tuy nhiên, vào ngày 10/1 tòa án cấp cao Hà Nội cũng đã có văn bản trả lời không chấp nhận đơn kiện này.

Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng văn phòng chủ tịch nước là chủ thể có thể bị khởi kiện nhưng tòa án cấp cao đã bác bỏ điều này. Luật sư viết trên thông báo của mình rằng:

Thức muốn nhấn mạnh vấn đề là nhà nước mình phải thượng tôn pháp luật. Ảnh muốn sự tự do của ảnh phải đúng luật và phải trở thành một án lệ cho tất cả những người tù nhân khác cũng được hưởng chính sách như vậy.

“Mặc dù Luật tố tụng hành chính đã quy định rõ Văn phòng chủ tịch nước là chủ thể có thể bị khởi kiện hành chính và tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết, nhưng trong văn bản trả lời cho chúng tôi Tòa án cấp cao lại cho rằng “Văn phòng chủ tịch nước không phải là cơ quan hành chính nhà nước nên không thuộc đối tượng để khởi kiện vụ án hành chính .Nhưng thôi, tôi thấy cũng không cần phải tranh cãi nữa, chúng tôi sẽ chấp nhận nội dung trả lời và không khiếu nại đi đâu, vì theo Luật tố tụng hành chính thì quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan tòa án cấp trên trực tiếp cũng là quyết định giải quyết cuối cùng.”

Đài Á Châu Tự Do có liên lạc với chị Diệu Liên, người chị thứ 5 trong gia đình của ông Trần Huỳnh Duy Thức để tìm hiểu thêm thông tin và được chị xác nhận, đến nay vẫn chưa có động thái gì từ phía chính quyền:

“Luật sư thì anh Ngọc Trai trước đó cũng có gửi đơn đi nhưng cuối cùng cũng không có được sự trả lời của chủ tịch nước và đến hôm nay họ vẫn không trả lời. Thậm chí cái lá đơn mà anh Thức gửi lên tòa án vào ngày 18/7/2018 thì cũng không được trả lời. Trong lá đơn đó ảnh có đưa ra cái điều mà luật mới 2015 đã sửa đổi và dựa vào điều 109 khoảng 3 và đúng ra anh Thức đã được tự do, có nghĩa là miễn hình phạt còn lại nhưng đến nay họ vẫn chưa trả lời cái đơn đó. Tình hình là cho dù có đưa đơn hay làm bất cứ điều gì thì cũng không có động thái gì từ phía chính quyền Việt Nam hết.”

Theo Bộ Luật hình sự 2015 đã sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” cho rằng mức hình phạt cho việc “chuẩn bị phạm tội” từ 1 đến 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với hành vi phạm tội. Tuy nhiên, bản án của ông Thức được đưa ra là 16 năm vào năm 2009 và nó đã quá thời hạn rất nhiều so với Bộ luật hình sự sửa đổi nên gia đình gửi đơn đề nghị chính quyền trả tự do cho ông nhưng câu trả lời từ phía nhà nước cho rằng “không có căn cứ để xem xét, đề nghị đặc xá cho phạm nhân Trần Huỳnh Duy Thức”

Ông Trần Huỳnh Duy Thức bắt đầu tuyệt thực từ tháng 8/2018 kéo dài 33 ngày và kết thúc tuyệt thực vào ngày 16/9 để yêu cầu chính quyền phải “thượng tôn pháp luật” theo Bộ Luật hình sự mới 2015 sửa đổi.

Theo thông tin từ gia đình ông Thức cho biết, từ khi kết thúc tuyệt thực cho đến nay tình trạng sức khỏe của ông Thức cũng dần ổn định. Tuy nhiên, từ đó đến nay ông chỉ ăn mì gói để cầm cự qua ngày.

Chị Liên cho biết về tình trạng của ông Thức hiện nay “Lần gia đình đi thăm gần đây nhất là vào khoảng 6/1, chị được biết là anh Thức vẫn còn đang ăn mì gói, ảnh ăn từ ngày 25/11 cho đến ngày hôm nay vẫn ăn mì gói và gia đình có hỏi thăm nhưng ảnh vẫn nói là chỉ ăn mì gói thôi. Sức khỏe của anh Thức theo chị thấy thì nhìn ảnh cũng bình thường như vậy không có biểu hiện ra điều gì nhưng gia đình cũng có quan tâm là nói ảnh đừng ăn mì gói nữa nhưng ảnh không nói gì cả chỉ nói em vẫn ăn.”

Ngoài ra, chị Liên còn cho biết gia đình rất nhiều lần gửi đơn yêu cầu phía trại giam thông báo tình hình sức khỏe của ông Thức nhưng không bao giờ có câu trả lời phản hồi. Thậm chí, trong tất cả những lẫn thăm gặp theo định kỳ của gia đình với ông Thức, lực lượng an ninh luôn theo sát cùng gia đình trong mọi cuộc trao đổi.

“Họ hoàn toàn không có em, những lần gia đình đi thăm họ cũng canh giữ rất nhiều và khi những cuộc nói chuyện giữa gia đình và anh Thức thì cũng có nhiều nhân viên an ninh đứng đó, nghe, theo dõi và ghi chép rất là cẩn thận.”

Chị Liên cho chúng tôi biết mong muốn lớn nhất của ông Thức về việc trả tự do cho ông theo đúng quy định của luật pháp như sau:

“Cái mong muốn nhất của anh Thức về vấn đề đó là không chỉ cho riêng cá nhân ảnh nếu mà cách trả tự do theo mình mong muốn là đặc xá, đi tị nạn hoặc là trục xuất thì rõ ràng đó cũng chỉ là sự tự do tạm bợ thôi và anh Thức muốn nhấn mạnh vấn đề là nhà nước mình phải thượng tôn pháp luật. Ảnh muốn sự tự do của ảnh phải đúng luật và phải trở thành một án lệ cho tất cả những người tù nhân khác cũng được hưởng chính sách như vậy.”

Nhiều tổ chức dân sự trong và ngoài nước Việt Nam vào ngày 18/1 đã gửi thư đến Quốc hội Châu Âu đề nghị hoãn việc bỏ phiếu thông qua Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam và sử dụng các hoạt động sắp tới bao gồm cuộc họp Bộ trưởng EU – ASEAN và Kiểm điểm định kỳ ở UN, cũng như đối thoại nhân quyền giữa EU – Việt Nam để đòi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho những nhà hoạt động, bloggers đang bị cầm tù. Trong thư gửi EU, con số được ước tính là hơn 100 người và trong đó có ông Trần Huỳnh Duy Thức.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-government-not-consider-clemence-for-tran-huynh-duy-thuc-before-lunar-new-year-01182019134434.html

 

HRW: Nhân quyền Việt Nam xuống cấp nghiêm trọng

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố báo cáo 2019 lên án Việt Nam ‘gia tăng chính sách đàn áp có hệ thống lên quyền dân sự và chính trị cơ bản’.

Trong bản Phúc trình Toàn cầu 2019 được công bố ngày 17/01/2019, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho hay tình hình nhân quyền tại Việt Nam ‘xuống cấp nghiêm trọng’.

Theo đó, HRW nhận định chính phủ Việt Nam “xâm phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản” như quyền tự do biểu đạt, quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin, quyền tự do lập hội và nhóm họp, quyền tự do thực hành tôn giáo…

Về việc kêu gọi EU ‘hoãn FTA’ vì nhân quyền ở VN

VN nên thả ông Trần Huỳnh Duy Thức

Nhiều đại sứ đọc tuyên ngôn nhân quyền ở Hà Nội

Việt Nam cũng bị cáo buộc bỏ tù nặng hơn những người bất đồng chính kiến, và ban hành luật An ninh mạng hà khắc để bóp nghẹt thêm quyền tự do ngôn luận.

Chính quyền Việt Nam không cho báo chí tư nhân hoạt động, ngoài ra còn cấm thành lập các tổ chức nhân quyền, công đoàn độc lập hay các nhóm chính trị, bản báo cáo cho hay.

Những người ‘dám’ đặt câu hỏi về các dự án, chính sách của chính phủ, hoặc tìm cách bảo vệ đất đai và tài nguyên địa phương thì sẽ bị theo dõi, tước quyền đi lại, quản thúc tại gia, giam giữ tùy tiện và bị thẩm vấn.

Trong khi đó, côn đồ dường như hợp tác với công an trong các vụ đàn áp các nhà hoạt động. Cảnh sát thẩm vấn kéo dài người bất đồng chính kiến, giam giữ họ trong nhiều tháng mà không cho gặp gia đình hoặc tư vấn pháp lý. Các tòa án thì được chỉ đạo để ra bản án trong các vụ án chính trị với án tù ngày ngày nặng hơn.

Báo cáo Nhân quyền này cũng đề cập đến việc cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, sau đó Đảng Cộng sản Việt Nam lập tức bầu ông Nguyễn Phú Trọng lên, hợp nhất hai chức danh Chủ tịch nước và Tổng bí thư.

Bản phúc trình điểm lại danh sách 12 nhà bất đồng chính kiến bị Việt Nam bỏ tù năm 2018 với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Ngoài ra, báo cáo đề cập đến các vụ tấn công người bất đồng chính kiến như ném đá và vật liệu nổ tự chế vào nhà hoạt động công đoàn độc lập Nguyễn Thị Minh Hạnh, không cấp hộ chiếu cho luật sư Lê Công Định, tạm giữ tiến sỹ Nguyễn Quang A trong nhiều giờ để ngăn cản ông bay đi Australia…

HRW cũng chỉ trích một số quốc gia đang có hợp tác đầu tư lớn với Việt Nam như Trung Quốc và Mỹ lại phớt lờ các yếu tố nhân quyền.

Chẳng hạn Trung Quốc bị cáo buộc cũng thực hiện những chính sách đàn áp nhân quyền tương tự Việt Nam. Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy quan hệ quân sự song phương với Việt Nam bất chấp các vi phạm về nhân quyền ở nước này. Nhật Bản là nhà tài trợ các khoản vay vốn cho Việt Nam trong suốt một thời kỳ dài, cũng im lặng trước tình hình nhân quyền xuống cấp. Australia ký quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam năm 2018 bất chấp trước đó từng bày tỏ quan ngại về nhân quyền tại đây.

Việt Nam sẽ báo cáo về nhân quyền tại Geneve

Trươc đó, hôm 16/1, văn phòng Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải tại Canada đã phát đi thông cáo báo chí cho hay Việt Nam sẽ báo cáo nhân quyền phổ quát định kỳ tại Geneve.

“Việc Việt Nam báo cáo về nhân quyền phổ quát định kỳ là cơ hội lớn để Canada bày tỏ mạnh mẽ quan điểm về tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam,” thông cáo cho hay.

“Kể từ sau báo cáo nhân quyền phổ quát định kỳ năm 2014, đảng Cộng Sản Việt Nam đã thẳng tay đàn áp quyền diễn đạt và những phê bình trên mạng của người dân. Việc thiếu tiến bộ nầy, đòi hỏi Canada hối thúc Việt Nam phải có hành động chứng minh có tiến bộ về nhân quyền trong những phạm vi chính” như chống tra tấn, hủy bỏ luật An ninh mạng, tự do ngôn luận, thả tự do các nhà hoạt động dân chủ, v.v…

Thông cáo này được công bố nhân sự kiện Việt Nam sắp tới sẽ có Đánh giá định kỳ toàn cầu (UPR) trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) vào ngày 22/1/2019.

Ông Ngô Thanh Hải là Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Bảo thủ Canada đại diện cho bang Ontario.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46915350

 

Thân nhân hai tù nhân lương tâm

tham dự hội thảo UPR Việt Nam tại Geneva

Tin từ Geneva – Thân nhân của hai tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Tôn và Trương Minh Đức đã có mặt tại Geneva (Thuỵ Sỹ) để tham gia vào các sự kiện tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc nhân kỳ Kiểm định Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam vào ngày 22 tháng 01.

Bà Nguyễn Kim Thanh, vợ của ký giả Trương Minh Đức, và Nguyễn Trung Nghĩa, con trai của mục sư Nguyễn Trung Tôn, sẽ tham gia vào buổi hội thảo UPR và gặp gỡ với một số quan chức của Liên Hiệp Quốc và nhiều phái đoàn thường trực quốc gia tại Geneva để vận động cho nhân quyền, dân chủ và tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Mục sư Nguyễn Trung Tôn và ký giả Trương Minh Đức là hai thành viên cốt cán của Hội Anh em Dân chủ. Họ bị chính quyền cộng sản bắt ngày 30 tháng 7, 2017 cùng với ông Phạm Văn Trội và ông Nguyễn Bắc Truyển. Cả bốn cựu tù chính trị này cùng với luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và phụ tá Lê Thu Hà bị cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật hình sự 1999. Trong phiên toà vào tháng Tư năm 2018, toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã khép tội 6 nhà hoạt động và kết án họ với mức án từ 7 năm đến 15 năm tù giam. Mục sư Nguyễn Trung Tôn và ký giả Trương Minh Đức đều bị án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Hiện Nguyễn Trung Tôn bị giam giữ ở trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai) còn ký giả Trương Minh Đức bị giam giữ ở trại giam số 6 (tỉnh Nghệ An) trong điều kiện giam giữ rất khắc nghiệt.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/than-nhan-hai-tu-nhan-luong-tam-tham-du-hoi-thao-upr-viet-nam-tai-geneva/

 

Người dân kỷ niệm trận hải chiến Hoàng Sa

 bất chấp sự ngăn cản của chính quyền

Khoảng chưa đến 20 người dân ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí MInh hôm 19/1 đã tổ chức các lễ tưởng niệm nhỏ những chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà đã tử trận trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa vào năm 1974 trong trận hải chiến với Trung Quốc, bất chấp những ngăn cản từ chính quyền.

Tại Hà Nội, 13 người chia làm hai nhóm đã tới tượng đài vua Lý Thái Tổ ở trung tâm thành phố để thắp hương tưởng niệm 74 chiến sĩ đã ngã xuống.

Trong khi đó, ở thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 4 người thuộc câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đến được tượng Trần Hưng Đạo để thắp hương tưởng niệm.

Trước đó, một số facebookers và các nhà hoạt động cho đài Á Châu Tự Do biết họ đã bị an ninh ngăn chặn không cho đi ra ngoài để làm lễ kỷ niệm cuộc hải chiến Hoàng Sa. Có người cho biết họ bị an ninh gọi điện trực tiếp, khuyên không nên đi, có người cho biết họ bị an ninh canh gác trước cửa nhà mấy ngày liền.

Từ Hà Nội, facebooker Lã Việt Dũng, người đã tìm cách đến được tượng đài vua Lý Thái Tổ để thắp hương vào ngày 19/1 cho Đài Á Châu Tự Do biết: “Theo mình thấy, thứ nhất đây là một nỗi sợ hãi vô cớ của chính quyền. Họ sợ hãi đến mức mà thấy người dân tụ tập ở đâu là họ tìm cách ngăn cản. Cái thứ hai là những vấn đề đẩ động đến Trung Quốc họ đều tìm cách ngăn cản và né tránh.”

Từ vài năm trở lại đây, nhiều người dân Việt Nam hàng năm đều tổ chức các buổi tưởng niệm các cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ trước Trung Quốc như hải chiến Hoàng Sa năm 1974, hải chiến Trường Sa năm 1988 và cuộc chiến Biên giới 1979. Tuy nhiên, các buổi tưởng niệm này thường bị công an, an ninh tìm cách ngăn cản.

Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân cũng thường bị ngăn cản, có người thậm chí bị bắt giữ, truy tố với các tội danh như gây rối trật tự công cộng hay chống người thi hành công vụ, điển hình như trong các cuộc biểu tình phản đối dự luật đặc khu của hàng ngàn người dân vào tháng 6/2018. Người dân lo ngại dự luật sẽ cho phép người Trung Quốc vào chiếm đất của Việt Nam.

Theo ông Trương Dũng, một người dân ở Hà Nội đã đến tượng đài vua Lý Thái Tổ hôm 19/1, ông đã bị một nhân viên an ninh tấn công.

Việt Nam và Trung Quốc hiện vẫn có tranh chấp về chủ quyền các đảo ở Biển Đông. Trung Quốc đã gây chiến và chiếm Hoàng Sa từ Việt Nam vào năm 1974 và chiếm Gạc Ma ở Trường Sa vào năm 1988.

Một vài năm trở lại đây, chính quyền Việt Nam đã cho phép báo chí đăng một số bài viết về cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974, tuy nhiên hiếm có báo nào dám nói đến vai trò của Việt Nam Cộng Hoà trong việc bảo vệ quần đảo này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/people-celebrate-paracel-skirmish-despite-hindrance-from-the-goverment-01192019085617.html

 

Chủ quyền Hoàng Sa:

cần nhìn nhận vai trò của VNCH

Khoảng hơn một tuần nay, một số tờ báo trong nước đã cho đăng tải các bài viết về sự kiện Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 19/1/1974, trong đó có một số bài nhấn mạnh đến thái độ “ngang ngược” của Trung Quốc với “mưu đồ bành trướng ra toàn bộ Biển Đông”. Động thái này của truyền thông trong nước có ý nghĩa gì đối với mối quan hệ Việt-Trung, vấn đề vốn được xem là nhạy cảm trong mắt của chính phủ Việt Nam từ trước đến nay?

Phản ánh thẳng thắn, mạnh dạn

Sáng 17/1/2019, tờ Thanh Niên trong nước cho đăng tải bài viết nhan đề 45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam: Mưu đồ độc chiếm Biển Đông của tác giả Khánh An được sự ủng hộ của hàng ngàn lượt chia sẻ trên mạng xã hội.

Một số mạng báo khác hôm 18/1/2019 cũng đồng loạt đăng tải các bài viết cùng chủ đề với tựa như Trung Quốc âm mưu thôn tính Hoàng Sa từ Hội nghị Geneva 1954? Trước đó trong tuần, báo Tuổi Trẻ cũng cho phát hành nhiều bài liên quan đến Hoàng Sa như Người Việt Nam vẫn luôn khắc cốt ghi tâm về ngày 19-1Nghe Tổ quốc gọi tên mình bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa hay Nhà trưng bày Hoàng Sa là điểm hành hương về lòng yêu nước.

Nhận định về động thái này của truyền thông trong nước, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ cho biết:

Đây là một hiện tượng đáng ghi nhận và một điều hết sức cần thiết. Sự kiện Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988, thậm chí việc Trung Quốc gây ra cuộc Chiến Tranh Biên Giới 1979, và Chiến Tranh Biên Giới Tây Nam cũng vào thời điểm đó cần phải được đề cập. Đứng về mặt Lịch Sử phải khách quan. Đúng sai như thế nào? Ai là kẻ xâm lược? Ai đứng lên bảo vệ lãnh thổ của mình thì phải rõ ràng.

Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh đây là một dấu hiệu tốt để đánh giá đúng bản chất các vấn đề, cũng như rút ra bài học của các sự kiện để Việt Nam sẽ có ứng xử tốt cho tương lai, giữ được hòa bình, hợp tác không chỉ ở Biển Đông và ở cả các khu vực khác trên thế giới.

Sự kiện Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988, thậm chí việc Trung Quốc gây ra cuộc Chiến Tranh Biên Giới 1979, và Chiến Tranh Biên Giới Tây Nam cũng vào thời điểm đó cần phải được đề cập.
-TS. Trần Công Trục

Trả lời RFA tối 18/1/2019, nhà báo Võ Văn Tạo, một cựu chiến binh cộng sản, chia sẻ:

Thực ra thì không phải đến năm nay báo chí mới nói đến sự kiện Hoàng Sa mà tôi nhớ năm 2014, báo Thanh Niên cũng đã đề cập tới chuyện này. Trong các tờ báo của Việt Nam phản ánh sự kiện này, tôi thấy báo Thanh Niên tương đối có một lối trình bày thẳng thắn, mạnh dạn mà báo Tuổi Trẻ không bằng được. Mặc dù số lượng phát hành của báo Tuổi Trẻ nhiều hơn báo Thanh Niên, nhưng độ can đảm không bằng trong vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Bài viết của tờ Thanh Niên đăng tải hôm 17/1/2019 khẳng định Trung Quốc đã có “hàng loạt hành động phi pháp” kể từ khi “ngang ngược cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa” và đưa ra một loạt bằng chứng các hành động tuyên bố chủ quyền, quân sự hóa các đảo nhân và nói thẳng Trung Quốc muốn “tiếp tục bành trướng Biển Đông.”

Trả lời câu hỏi về vai trò của Ban Tuyên Giáo đối với bài viết trên của tờ Thanh Niên, nhà báo Võ Văn Tạo nói:

Về vấn đề báo chí, nhà nước Việt Nam trong chừng mực nào đó cũng có những nới lỏng nhất định. Nhưng lỏng ở chỗ này thì chật ở chỗ khác, nhưng không phải lỏng hoàn toàn đâu. Tôi cho rằng đây chủ yếu là do quan điểm, cách thức làm việc của tờ Thanh Niên.

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tháng 7/2017 công bố cho biết có khoảng 1000 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động tại Việt Nam với hơn 17 ngàn nhà báo được cấp thẻ hành nghề.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mới đây vào hôm 11/10/2018 tại Hội nghị Giao Ban Quản Lý Nhà Nước yêu cầu Cục Báo chí cần nắm chắc cơ sở dữ liệu cụ thể về số lượng phóng viên, cộng tác viên để “đo lường tin tốt, tin xấu.” Báo trong nước trích lời ông Hùng cho rằng “nếu tỷ lệ thông tin tiêu cực dưới 10% tổng số tin thì không cần bận tâm, 20% thì cảnh báo, 30% thì phải bắt đầu hành động.”

Vì sao?

Mối quan hệ Việt – Trung, trong đó vấn đề chủ quyền Biển Đông từ trước đến nay vốn là một trong những đề tài nhạy cảm đối với chính phủ Hà Nội.

Tình trạng người dân xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc vì tranh chấp các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa diễn ra từ nhiều năm trước thường xuyên bị đàn áp và bỏ tù. Năm 2007, cô Phạm Thanh Nghiên bị bắt và tuyên 4 năm tù vì ngồi tọa kháng tại nhà với biểu ngữ “Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam.” Năm 2014, hàng nghìn công nhân ở Bình Dương xuống đường phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép HD 981 trên cùng biển Việt Nam đã trở thành bạo loạn khiến 28 người bị khởi tố và 6 người bị án tù.

Việt Nam và Trung Quốc hiện nay vẫn đang có tranh chấp ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng Hòa cai quản đã bị Trung Quốc bắt đầu cưỡng chiếm từ những năm 1950 và chiếm toàn bộ vào ngày 19/1/1974. Hải quân Trung Quốc vào ngày 14/3/1988 cũng đã tấn công đảo Gạc Ma của Việt Nam ở Trường Sa giết chết 64 thủy thủ và chiếm đóng từ đó đến nay.

Tuy nhiên, các trận hải chiến nói trên giữa hai phía chỉ đến trong các năm gần đây mới được truyền thông trong nước chính thức mổ sẻ.

Lẽ ra cũng phải nói đúng vai trò của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cũng như chính phủ VNCH trong nỗ lực giữ gìn giang sơn của cha ông để lại.

-Nhà báo Võ Văn Tạo

Nhà báo Võ Văn Tạo phân tích nguyên nhân:

Quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh phụ thuộc vào hành xử của hai bên, nhất là sau khi sự kiện dàn khoan HD 981 vào tháng 5/2014 đã đẩy mâu thuẫn của hai nước lên mức mới. Ban lãnh đạo Ba Đình ở Hà Nội cũng nhìn nhận ông bạn láng giềng với bộ mặt hung hăng, dữ tợn hơn so với trước đây.

Sau Hội Nghị Thành Đô giữa Việt Nam và Trung Quốc ký kết vào tháng 9/1990, hai nước đã bình thường hóa quan hệ trên cùng cơ sở nền tảng chính trị Xã Hội Chủ Nghĩa. Giới quan sát chính trị Việt Nam cho rằng kể từ đó, quan chức Hà Nội có đôi lúc phải nhún nhường trước các hành động lấn lướt của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng năm 2014 đánh dấu sự tỉnh ngộ của các lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước Việt Nam:

Ở cương vị đó, những lãnh đạo cán bộ cao cấp của Việt Nam mà không lên tiếng có thái độ dứt khoát với Trung Quốc thì chính họ cũng đánh mất tính chính danh đối với các cán bộ đảng viên trong bộ máy của họ, cũng như đối với quần chúng nhân dân. Điều đó có thể cũng là nguyên nhân khiến chế độ của họ không tồn tại được lâu dài.

Vai trò của Việt Nam Cộng Hòa

Thực tế cho thấy các bài viết về sự kiện Hoàng Sa 1974 của báo chí trong nước hiện nay vẫn chưa đề cập đến vai trò của chính phủ và các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, như lời của nhà báo Võ Văn Tạo:

Nếu tìm hiểu kỹ về trận đánh chớp nhoáng ngày 19/1/1974 thì thấy rằng ý chí của Việt Nam Cộng Hòa cũng đẩy lên rất cao để bảo vệ lãnh thổ; nhưng vì tương quan lực lượng quá chênh lệch cho nên việc giữ được Hoàng Sa là bất khả thi, thất bại. Cuối cùng dẫn đến mất cả quần đảo Hoàng Sa về tay Trung Quốc là rất đáng tiếc. Lẽ ra cũng phải nói đúng vai trò của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cũng như chính phủ VNCH trong nỗ lực giữ gìn giang sơn của cha ông để lại. Tôi cho rằng hệ thống tuyên truyền của nhà nước Việt Nam hiện nay làm chưa tốt vấn đề này.

Đồng quan điểm với nhà báo Võ Văn Tạo, Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ quan điểm:

Tôi nghĩ tất cả những động thái đấu tranh trên phương diện ngoại giao, đấu tranh trên phương diện quân sự, và những người lính Việt Nam Cộng Hòa ra đó để chiến đấu bảo vệ đất nước dù tương quan lực lượng và những khó khăn như chúng ta đã biết đều có ý nghĩa về mặt pháp lý. Và giá trị về mặt pháp lý nghĩa là họ đã đại diện cho nhà nước Việt Nam trong việc quản lý chủ quyền thiêng liêng của nước Việt Nam nói chung đối với mảnh đất Trường Sa và Hoàng Sa.

Nói với RFA, nhà báo Võ Văn Tạo bày tỏ sự nuối tiếc và cho rằng tính “kiêu ngạo cộng sản” đến tận giờ vẫn còn ẩn vào trong đầu của nhiều người trong hệ thống tuyên truyền Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hoang-sa-sovereignty-need-to-recognize-the-role-of-republic-of-vietnam-01182019141246.html

 

Chính quyền Việt Nam ngăn cản người dân

tưởng niệm 45 năm trận hải chiến Hoàng Sa

Hòa Ái, phóng viên RFA

Ngày 19/01/2019 là ngày đánh dấu tròn 45 năm trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra ở Biển Đông giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Hải quân Trung Quốc. Trận hải chiến không cân sức khiến cho 74 tử sĩ Hải quân VNCH ngã xuống trong lúc bảo vệ lãnh hải quốc gia.

Đài RFA ghi nhận tinh thần tưởng niệm biến cố 45 năm trận hải chiến Hoàng Sa của người dân tại Việt Nam.

An ninh đe dọa và ngăn cản

Vào tối ngày 18 tháng 1 năm 2019, Facebooker Lê Hoàng chia sẻ trên mạng xã hội rằng anh liên tục nhận được các cuộc gọi của an ninh Việt Nam răn đe không cho anh đi đến Tượng đài Lý Thái Tổ để thắp nhang tưởng niệm biến cố 45 năm trận hải chiến Hoàng Sa.

Từ Hà Nội, anh Lê Hoàng thuật lại với RFA nội dung cuộc đối thoại giữa anh và một nhân viên an ninh mà anh quen mặt:

Những người đi tưởng niệm liệt sĩ, tử sĩ chống Trung Quốc xâm lược trong các trận chiến Hoàng Sa, Gạc Ma, Biên giới hay biểu tình chống giàn khoan HD 981 hay nhiều sự kiện khác như Formosa xả chất thải độc ra biển…thì khi bị bắt, có lúc giằng co đã bị đánh đập hoặc bị giam trong đồn
-Ông Trầng Bang

“Viên an ninh bảo là ‘Mai anh có đi đâu không?’ Tôi đáp rằng ‘Mai anh có nhiều việc lắm, mà nói thật bố mẹ anh còn chẳng tra hỏi anh đi đâu, làm gì thế nọ thế kia. Không thể hỏi anh như thế được, nên em đừng hỏi anh những việc như thế và anh không trả lời những chuyện đó. Đi đâu là quyền của anh. Anh có bị quản chế đâu mà em hỏi như thế?’ Viên an ninh bảo tiếp rằng ‘Thôi, mai anh đừng ra đấy. Anh ra đấy rồi chụp hình các thứ…rồi làm ầm ĩ lên’. Tôi nói ‘Em buồn cười nhỉ, người ta thắp hương tưởng niệm chứ làm gì ầm ĩ. Người ta rất trật tự. Từ trước đến nay, chưa có ai ra đó để phá bỉnh gì. Tôi chỉ biết có những người được cài đặt ra để phá những người dân đi thắp hương tưởng niệm’. Viên an ninh lại bảo ‘Tốt nhất là anh đừng có ra. Em nói trước đấy. Không thì mai em sẽ chặn ở cửa’. Như kiểu hăm dọa mình trước.”

Mặc dù không bị gọi điện thoại răn đe như Facebooker Lê Hoàng, nhưng rất nhiều cư dân mạng tại Việt Nam cho RFA biết họ bị canh gác trước cửa nhà trong mấy ngày qua và họ cho rằng chính quyền muốn ngăn cản không cho họ đi đến Tượng đài Lý Thái Tổ ở Thủ đô Hà Nội và Tượng đài Trần Hưng Đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh để tưởng niệm 74 tữ sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.

Từ Sài Gòn, tù nhân lương tâm-Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình nói với RFA biết có đến cả chục người quanh quẩn canh chừng việc đi lại của mình từ ngày 17 tháng 1. Tương tự như vậy, nhà báo độc lập Sương Quỳnh, nhà hoạt động dân chủ Trần Bang đều cũng bị canh gác, cản trở không cho đi ra khỏi nhà.

Hành động “chư hầu” của chính quyền

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận khỏang vài năm trở lại đây, dân chúng tại Việt Nam qua mạng xã hội bày tỏ lòng tri ân đối với những người lính đã ngã xuống trong các trận chiến với Trung Quốc mà Chính quyền Việt Nam né tránh, không nhắc đến như trận hải chiến ở Hoàng Sa, cuộc thảm sát ở Gạc Ma-Trường Sa, cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979. Các cư dân mạng chia sẻ tinh thần tưởng niệm qua việc thắp nhang tại hai Tượng đài Lý Thái Tổ và Trần Hưng Đạo trong những ngày lịch sử 19/01, 14/03 và 17/02. Tuy nhiên, tất cả những lần tưởng niệm của người dân đều bị công an, an ninh phá rối và đàn áp. Nhà hoạt động dân chủ Trần Bang, một thành viên của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nói với RFA rằng hàng năm các thành viên trong câu lạc bộ cùng tham dự nghi lễ thắp hương tưởng niệm những vị anh hùng vì nước vong thân trong những cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược, nhưng hầu như tất cả các thành viên đều bị ngăn cản, và những ai đi đến được tận nơi thì cũng khó tránh khỏi tình cảnh:

“Những người đi tưởng niệm liệt sĩ, tử sĩ chống Trung Quốc xâm lược trong các trận chiến Hoàng Sa, Gạc Ma, Biên giới hay biểu tình chống giàn khoan HD 981 hay nhiều sự kiện khác như Formosa xả chất thải độc ra biển…thì khi bị bắt, có lúc giằng co đã bị đánh đập hoặc bị giam trong đồn. Tôi bị bắt lần mới nhất hồi ngày 10/06/18 vào đồn Đa Kao. Công an cho cả chục người của Hội Cờ Đỏ vào đánh rồi đấu tố mình, cho là mình nhận tiền để đi biểu tình chống Luật Đặc khu và An ninh mạng. Mình bị đánh thì mình không cộng tác. Rồi họ lập biên bản và phạt hành chính thì mình không chấp nhận, không ký. Công an, an ninh bắt người phi pháp và đánh người ngay trong đồn công an. Họ cho thường phục vào đánh, đấu tố, đổ nước vào mồm, chọc ngoáy, sỉ vả, lăng nhục, xúc phạm…”

Ông Trần Bang và một số cư dân mạng mà Đài RFA tiếp xúc nói rằng họ ghi nhận lần đầu tiên báo chí nhà nước của Việt Nam rầm rộ đưa tin kỷ niệm 45 năm trận hải chiến Hoàng Sa, cũng như nêu đích danh Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa. Thế nhưng, họ nhấn mạnh rằng mặc dù Chính phủ Hà Nội cho phép truyền thông được loan tin như thế, nhưng họ không lấy làm lạc quan rằng việc thắp nhang tưởng niệm 45 năm trận hải chiến Hoàng Sa vào ngày 19 tháng 1 năm 2019 sẽ được suôn sẻ.

Họ (Chính quyền Việt Nam) cứ cố tỏ ra trước nhân dân rằng họ không phải là chư hầu, để cho người dân còn cố gắng tin tưởng vào họ, nên họ mới đành phải viết ra những chuyện nói là như vậy. Họ làm như là mạnh mẽ, nhưng thực tế với những cách và những việc mà họ làm như họ đã cho các doanh nghiệp, những đàm phán, những chúc tụng với Trung Quốc, đáng lẽ là kẻ thù khi đã lâm le chiếm đảo và chiếm đất nước như thế, thì đó là tư cách của một chư hầu. Chỉ có chư hầu mới ôm ấp kẻ thù làm bạn

-Nhà báo Sương Quỳnh

Luật sư Lê Công Định, vào ngày 18 tháng 1 viết trên trang Facebook cá nhân của ông rằng “Sáng mai chắc chắn Thiên triều Bắc Kinh sẽ xua lực lượng khẩu trang nhân dân của nước chư hầu đi canh nhà chặn cửa con dân chư hầu, đề phòng chúng xuống đường kỷ niệm ngày Thiên triều cướp đất chư hầu. Ôi thân phận chư hầu!” Dòng trạng thái chia sẻ của Luật sư Lê Công Định được nhiều người quan tâm và đồng thuận. Nhà báo độc lập Sương Quỳnh nhấn mạnh với RFA:

“Họ (Chính quyền Việt Nam) cứ cố tỏ ra trước nhân dân rằng họ không phải là chư hầu, để cho người dân còn cố gắng tin tưởng vào họ, nên họ mới đành phải viết ra những chuyện nói là như vậy. Họ làm như là mạnh mẽ, nhưng thực tế với những cách và những việc mà họ làm như họ đã cho các doanh nghiệp, những đàm phán, những chúc tụng với Trung Quốc, đáng lẽ là kẻ thù khi đã lâm le chiếm đảo và chiếm đất nước như thế, thì đó là tư cách của một chư hầu. Chỉ có chư hầu mới ôm ấp kẻ thù làm bạn.”

Nhà báo Sương Quỳnh khẳng định rằng mưu đồ xâm lăng và thôn tín Việt Nam của Trung Quốc trong thiên niên kỷ mới này không nhất thiết phải bằng gươm đao hay súng đạn, mà bằng sự vâng phục của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tư thế của một nước chư hậu với mỹ từ tình bạn láng giềng “4 tốt-16 chữ vàng”.

Những cư dân mạng có ý định tham dự nghi lễ thắp nhang tưởng niệm 45 năm trận hải chiến Hoàng Sa mà Đài RFA có dịp trao đổi cho biết trong trường hợp công an, an ninh ngăn cản thì họ cũng sẽ tưởng niệm theo cách riêng của mình, như nhà báo Lê Phú Khải tưởng niệm tại gia với biểu ngữ “Nhân dân đời đời nhớ ơn các liệt sỹ Hoàng Sa (19/01/1974-19/01/2019).

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-authority-prevent-people-commemorate-the-45anniversary-hoang-sa-naval-battle-01182019133625.html

 

Giới trẻ lo ngại về việc truy thuế thu nhập

 từ Google, Facebook

Trường hợp thanh niên 20 tuổi có thu nhập 41,4 tỷ từ Google đang bị cơ quan thuế cưỡng chế tài khoản để truy thu thuế đang được dư luận và giới trẻ quan tâm.

Theo báo Tuổi Trẻ, Cục thuế TP HCM đã ra quyết định truy thu thuế với T.Đ.P từ hồi tháng 8/2018.

T.Đ.P. đã được lập biên bản xác nhận thu nhập hơn 41,4 tỷ đồng do cung cấp dịch vụ quảng cáo cho Google trên phần mềm ứng dụng trò chơi nhưng chưa kê khai nộp thuế.

Cơ quan thuế ra quyết định truy thu thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân hơn 2,9 tỷ đồng và cộng tiền phạt nộp chậm là 1.162 tỷ, tổng số số tiền T.Đ.P. phải trả là 4,1 tỷ – tức 10% thu nhập từ Google.

Chính phủ VN gây áp lực lên YouTube

Google gỡ 7 ngàn YouTube video ‘phản động’?

Nhưng đến nay, sau 5 tháng ra quyết định P. mới nộp 2,9 tỷ đồng. Khi Chi cục Thuế Quận Tân Bình ra quyết định cưỡng chế tài khoản của T.Đ.P. vào 15/11/2018 để truy thu nốt thì tài khoản của P. không còn tiền.

Được biết thời hạn cưỡng chế đã kết thúc vào 15/12/2018.

T.Đ.P sau đó gửi đơn khiếu nại cơ quan thuế, cho rằng anh chỉ cung cấp dịch vụ phần mềm cho Google chứ không cung cấp dịch vụ quảng cáo, cho nên mức thuế truy thu phải thấp hơn.

Tuy nhiên đại diện Cục thuế thành phố cho rằng dịch vụ T.Đ.P. cung cấp là dịch vụ quảng cáo.

Hiện Cục thuế TP đang xem xét khiếu nại của T.Đ.P.

Nếu bác đơn khiếu nại, Chi cục thuế Q. Tân Bình sẽ tiến hành thu thập thông tin từ ngân hàng để truy tìm tài khoản khác của P. hoặc cưỡng chế tài khoản nhận lương, theo Tuổi Trẻ.

Tác động lớn đến giới trẻ?

Ngoài các giới kỹ sư phát triển phần mềm game, ứng dụng điện thoại, nhiều người Việt trẻ khác cũng đang kiếm tiền bằng cách sản xuất nội dung cho Youtube và Facebook.

Youtube sẽ trả tiền cho các kênh nội dung có đặt quảng cáo của họ. Với thị trường nhỏ như Việt Nam, thì cứ 1000 lượt xem thì được 0.5-1 đô la.

Còn với các thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu thì có thể đạt 6-8 USD/1000 lượt xem.

Nội dung có số lượng lượt xem phổ biến nhất hiện nay là nội dung dành cho trẻ em, với hàng triệu lượt xem mỗi video clip.

Đơn cử là kênh Youtube Thơ Nguyễn, kênh giải trí tự mô tả là “kênh giải trí dành cho các bạn nhỏ” với nội dung chính về đồ chơi, làm các video hoạt hình…

Kênh Thơ Nguyễn chỉ mới thành lập vào tháng 3/2016, nhưng đã có tới 5,5 triệu người theo dõi (subscribe) với video được xem nhiều nhất là “Được TBB Thúi tặng 2000 cái Hubba Bubba Cực Khủng” với 24 triệu lượt xem.

Kênh NTN Vlogs là có tới 6,2 triệu người theo dõi và video được xem nhiều nhất là “4K Bể Bơi 5000 Quả Bóng Bay Trong Nhà” với 33 triệu lượt xem.

Nếu tính 1USD cho mỗi 1000 lượt xem, thì Kênh Thơ Nguyễn đã kiếm được 24.000 USD (khoảng 550 triệu) về tiền quảng cáo cho video trên.

Và tương tự NTN Vlogs có thể kiếm được 33.000 USD (khoảng 765 triệu) cho video nhiều lượt xem nhất của mình.

Tuy chủ kênh sẽ phải chia tỷ lệ thu nhập với Google Youtube hoặc đối tác quản lý kênh, nhưng khoản lợi nhuận vẫn rất đáng kể.

Một người tên Đỗ Minh Hồ Hải đã chia sẻ trên Facebook từ tháng 9 năm ngoái về việc bị yêu cầu đóng thuế thu nhập cá nhân từ Google, Facebook.

“Sau khi luật sư gặp cơ quan thuế trình bày thì bên thuế đồng ý ngân hàng chỉ cần xác nhận các khoản ghi có từ Google là được, thế là ngồi lọc ra các doanh thu từ google và nhờ ngân hàng in ra từng phiếu ghi có và đóng dấu xác nhận.

“Theo luật thì doanh thu dưới 100 triệu/năm được miễn và trên 100 triệu/năm phải đóng thuế 7%. Thế là mình được miễn đóng năm 2014, 2015 và 2016, chỉ đóng 2017.

“Nhờ gia đình có vợ Đảng viên nên được miễn luôn đóng phạt. Số liệu các anh cơ quan thuế có đầy đủ lắm nên kê khai đầy đủ và hợp tác sẽ không bị phạt. Anh em nào có doanh thu từ Google hay FB nên chuẩn bị tinh thần và tích cực đóng thuế xây dựng đất nước nhé!”

Tăng cường thu thuế thu nhập từ Google, Facebook

Theo VTV, ngày càng nhiều cá nhân có doanh thu từ các trang mạng xã hội với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng/năm nhưng chưa làm nghĩa vụ đóng thuế.

Cục thuế TP. HCM hồi tháng 8/2018 đã ra quyết định yêu cầu xác minh và truy thu thuế thu nhập cá nhân đối với một người đăng ký hộ khẩu tại địa phương có thu nhập từ Google với số tiền hơn 700.000 USD (khoảng 16 tỷ VND) trong thời gian từ năm 2014 – 2017 nhưng không kê khai, nộp thuế theo quy định.

Cục Thuế TP HCM đã phát hiện những trường hợp này và phát thư mời gần 14.000 chủ tài khoản lên làm việc.

Nếu truy thu đủ, theo VTV, ngành Thuế có thể thu về cả trăm tỷ đồng mỗi năm.

VTV thừa nhận việc quản lý thuế đối với những người sản xuất nội dung trên YouTube và Facebook “chưa bao giờ được nhắc đến”.

Theo Tuổi Trẻ, Google và Facebook đã chiếm đến 66,7% thị phần quảng cáo Việt Nam trong năm 2018 với doanh thu hơn 387 triệu USD, tương đương gần 9.000 tỷ đồng.

Và rằng Gần 9.000 tỷ đồng chảy vào túi Google, Facebook và cơ quan thuế “vẫn đau đầu trong việc thu thuế” ông lớn công nghệ này.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46918119

 

Các mỏ dầu khí chủ lực của Việt Nam đang cạn kiệt

Tin Saigon –  Báo Vietnamnet ngày 18 tháng 1 loan tin, các mỏ dầu khí chủ lực của Việt Nam tại Biển Đông đã chuyển sang giai đoạn suy giảm sản lượng, hoặc có độ ngập nước cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro như mỏ Bạch Hổ, Rạng Đông, Tê Giác và nhiều mỏ khác.

Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sản lượng khai thác dầu trong nước năm 2018 là 12 triệu tấn. Trong khi đó, mục tiêu chiến lược phát triển mà ngành dầu khí đề ra trong nước là 20 đến 30 triệu tấn/năm.

Các mỏ dầu đang khai thác đang dần cạn kiệt, còn các mỏ dầu tiềm năng được Tập đoàn dầu khí đánh giá tập trung chủ yếu ở vùng nước sâu, xa bờ nhưng lại nhạy cảm về chính trị, thường xuyên bị ngoại quốc gây sức ép, cản trở. Tập đoàn cũng cho rằng, sự can thiệp của ngoại quốc ở mỏ Cá Rồng Đỏ lô số 07-03 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động phát triển mỏ của tập đoàn. Mà ngoại quốc ở đây đã không nước nào khác hơn là Trung Cộng.

Tập đoàn này nhận định, tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, đã có tác động nặng nề đến công tác tìm kiếm thăm dò và phát triển chung của tập đoàn. Hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác vẫn đang ở mức báo động 0.54 lần. Trước đó, giai đoạn 2011 đến 2015 hệ số này đạt 1.5 lần; năm 2016 đạt 0.65 lần; và năm 2017 đạt 0.17 lần, đây được xem là mức báo động nghiêm trọng.

Trữ lượng dầu khí giảm đã làm cho nhiều công ty và giàn khoan thiếu việc trầm trọng. Riêng giàn khoan PV Drilling 5 đã phải dừng hoàn toàn từ tháng 11 năm 2016. Tổng công ty cố vấn thiết kế đầu khí cũng thiếu công việc trầm trọng vì hầu hết các dự án dầu khí lớn tiếp tục giảm hoặc dừng hai thác.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/cac-mo-dau-khi-chu-luc-cua-viet-nam-dang-can-kiet/

 

CSVN hứa trả nợ cho Nhật Bản trước Tết cổ truyền

Tin Saigon–  Báo Vnexpress loan tin, chiều ngày 18 tháng 1 năm 2019, ông Toshiko Abe, Thứ trưởng thường trực Ngoại giao Nhật Bản đã có cuộc gặp với ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Uỷ ban nhà cầm quyền CSVN tại Sài Gòn.

Tại đây, ông Phong cho biết, dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành- Suối Tiên là biểu tượng cho hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tuy nhiên, phía nhà cầm quyền CSVN đã làm cho “biểu tượng” này xấu đi khi không chịu trả số nợ 100 triệu Mỹ Kim cho các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia xây dựng dự án này.

Sự việc khiến các viên chức Nhật đã phải đòi nợ bằng nhiều cách như viết thư và gặp trực tiếp các lãnh đạo cộng sản, sau đó thì tuyên bố nếu không được trả nợ thì đến cuối tháng 12 năm 2018, các nhà thầu Nhật bản sẽ dừng thi công dự án Metro số 1. Bị đòi nợ liên tục, nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn trây ỳ không chịu trả.

Dù không được truyền thông nhắc tới, nhưng nhiều người dân cho rằng, trong buổi gặp gỡ với ông Nguyễn Thành Phong, ông Toshiko Abe cũng đã lên tiếng về số nợ này. Vì vậy, ông Phong đã cam kết, thành phố sẽ tạm ứng vốn từ ngân sách để thanh toán khối lượng công việc nhà thầu thực hiện trong năm 2018 đầu năm 2019, khoảng 2,000 tỷ đồng. Đồng thời, sẽ cố gắng thanh toán nợ trước Tết Nguyên đán tức trước ngày 1 tháng 2.

Đây là lần thứ 5 thành phố phải tạm ứng ngân sách để trả nợ cho các nhà thầu Nhật Bản thi công tuyến Metro số 1.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/csvn-hua-tra-no-cho-nhat-ban-truoc-tet-co-truyen/

 

Choáng với quy định công xa

Trân Văn

Nghị định về “tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô” (Nghị định 04/2019) mà chính phủ Việt Nam vừa ban hành, sẽ có hiệu lực vào cuối tháng tới (25 tháng 2 năm 2019) làm nhiều người chưng hửng.

Theo nghị định này thì các Tổng Bí thư, các Chủ tịch Nhà nước, các Chủ tích Quốc hội, các Thủ tướng, bất kể đương nhiệm hay đã nghỉ hưu đều được cấp công xa, không khống chế giá trị (muốn dùng công xa loại nào, giá bao nhiêu cũng được) để sử dụng… suốt đời.

Các Ủy viên Bộ Chính trị, các Bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN (BCH TƯ đảng CSVN), các Phó Chủ tịch Nhà nước, các Phó Thủ tướng, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQ VN), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ đảng CSVN, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy TP.HCM và các chức danh tương đương hoặc có hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên thì được cấp công xa để sử dụng trong suốt thời gian tại vị. Giá trị công xa thì do Thủ tướng quyết định.

Nghị định 04/2019 còn cho phép cấp công xa, trị giá 1,1 tỉ/chiếc cho người đứng đầu các ban của BCH TƯ đảng CSVN, các Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, các Ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước, các Bộ trưởng và những cá nhân mang hàm tương đương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ VN, lãnh đạo các đoàn thể cấp trung ương và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên. Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc chính quyền trung ương, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND), Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND), Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố Hà Nội, TP.HCM cũng có quyền sử dụng công xa loại tương tự.

Những viên chức thấp hơn một chút như: Phó của các ban thuộc BCH TƯ đảng CSVN, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Phó Chánh án Tòa án Tối cao, Viện phó Viện Kiểm sát Tối cao, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, các Thứ trưởng, các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN, các viên chức cấp phó của các đoàn thể cấp trung ương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các Tổng cục trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên đều được cấp công xa trị giá 920 triệu đồng/chiếc.

Phó Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc chính quyền trung ương và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch ỦBND, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của thành phố Hà Nội, TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng được hưởng đãi ngộ tương tự – mỗi cá nhân có quyền được dùng một công xa trị giá 920 triệu đồng/chiếc (1).

***

Cuối năm 2015, Bộ Tài chính Việt Nam công bố một thống kê, theo đó, mỗi năm, dân chúng Việt Nam phải chia nhau gánh khoản chi 13.000 tỉ đồng để duy trì hoạt động của 40.000 công xa chuyên đưa đón các… đầy tớ của họ (2). Cho dù 13.000 tỉ đồng/năm làm người ta sửng sốt nhưng vào thời điểm ấy, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng con số đó chưa sát thực tế. Ngoài lương trả cho các tài xế, nếu tính đúng, tính đủ chi phí bảo dưỡng, chi phí liên quan đến vận hành (ví dụ bảo hiểm,…), rồi tiền xăng chi cho mỗi công xa hoạt động suốt năm, tổng số tiền để duy trì hoạt động của 40.000 công xa này chắc chắn là lớn hơn rất nhiều so với tính toán của Bộ Tài chính.

Ngoài chi phí hàng năm để duy trì hoạt động của 40.000 công xa như đã kể, vài số liệu khác liên quan tới công xa, cũng do Bộ Tài chính Việt Nam công bố vào năm 2015, rất đáng để người ta ngửa mặt kêu Trời! Chẳng hạn vào thời điểm ấy, giá trị của 40.000 công xa dành riêng cho việc đưa đón các… đầy tớ là 20.600 tỉ đồng, xấp xỉ một… tỉ Mỹ kim và tương đương 21% tổng giá trị tài sản nhà nước (999.692 tỉ đồng) (3). Nhìn tổng quát, chuyện đưa đón các… đầy tớ đi lại, kể cả hỗ trợ vợ con họ đi chợ, đi chơi đã góp phần đáng kể vào tình trạng chi thường xuyên để duy trì hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không ngừng tăng trong khi chi cho phát triển quốc gia liên tục giảm!

Không phải tự nhiên mà năm 2015, Bộ Tài chính Việt Nam công bố những số liệu liên quan tới công xa. Trước tình trạng đã tìm đủ cách tận thu mà vẫn không thể bù đắp các khoản chi càng ngày càng lớn, phải liên tục vay cả ngoài lẫn trong để chi tiếp, bất kể áp lực trả các khoản nợ đến hạn thanh toán càng ngày càng cao, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam buộc phải thắt chặt chi tiêu nhằm tránh vỡ nợ. Cả giới lãnh đạo đảng CSVN lẫn quốc hội, chính phủ cùng thúc giục “tiết kiệm, chống lãng phí”. “Khoán” công xa (cấp cho mỗi viên chức trong diện được hưởng tiêu chuẩn công xa 120 triệu/năm) ra đời (4).

Theo tính toán của Bộ Tài chính Việt Nam, bởi chi phí cho một công xa lên tới 320 triệu đồng/năm, “khoán” công xa sẽ giúp tiết kiệm mỗi năm khoảng 200 triệu/viên chức mà theo… qui định, được… đãi ngộ trong đi lại bằng công xa. Ý tưởng và nỗ lực “khoán” công xa đến cấp thứ trưởng mới bị Nghị định 04/2019 bóp mũi và sẽ tắt thở vào cuối tháng tới! Nhìn tổng quát thì từ lúc ra đời cho đến khi được tống tiễn, “khoán” công xa chưa kịp đạt mục tiêu “ích quốc, lợi dân”, “khoán” công xa chỉ mới tạo điều kiện cho một số cá nhân được mua công xa thanh lý với giá mà báo giới Việt Nam mô tả là “siêu rẻ” tới mức gây “choáng”!

***

Tháng 10 năm ngoái, thay mặt BCH TƯ đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN ban hành Quy định 08/QĐ-TW, buộc cán bộ, đảng viên mà trước hết là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN phải có trách nhiệm nêu gương.

Khoản 7 – Điều 2 của Quy định 08/QĐ-TW đòi các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên BCH TƯ đảng CSVN phải “đi đầu” trong việc “Học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành”.

Cũng theo hướng đó, Khoản 6 – Điều 3 của Quy định 08/QĐ-TW đòi các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên BCH TƯ đảng CSVN phải “nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống”: “Lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc… Sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí”.

Nghị định 04/2019 là bằng chứng cho thấy Quy định 08/QĐ-TW là trò hề. Thu – chi ngân sách hàng năm như thế, nợ nần như thế, thực trạng kinh tế – xã hội như thế, nhân tâm như thế và… có hẳn một quy định như thế về “nêu gương” nhưng cán bộ, đảng viên vẫn thản nhiên giành, giữ đặc quyền, đặc lợi cả trong đi lại.

Nếu ai đó vẫn còn lơ mơ về bản chất “nêu gương” của các đồng chí thuộc diện phải “đi đầu”, hãy đọc lại phần tóm lược Nghị định 04/2019 ở đầu bài viết này thêm một lần nữa. Công xa mà những cán bộ, đảng viên có quyền rút công quỹ để mua dùng được chia thành bốn loại. Chức vụ càng cao thì giá trị công xa càng lớn.

Thậm chí là Nghị định 04/2019 không khống chế giá trị và phạm vi sử dụng nếu đương sự đang hoặc từng là Ủy viên Bộ Chính trị mà kiêm thêm vai trò Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng! Ngay cả với công xa, những cá nhân này cũng kiên quyết “nêu gương” cho đến hết đời! “Mẫu mực” đến thế là cùng!

Chú thích

(1) http://plo.vn/thoi-su/quy-dinh-moi-ve-tieu-chuan-dinh-muc-xe-cong-813305.html

(2) https://tuoitre.vn/45000-ti-va-40000-xe-cong-990940.htm

(3) https://vnexpress.net/kinh-doanh/gan-mot-ty-dola-tai-san-nha-nuoc-la-xe-cong-3221713.html

(4) https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chuyen-40-000-xe-cong-giam-chi-thuong-xuyen-van-mang-tinh-ho-hao-nhieu-qua-2015102615383413.htm

(5) https://dantri.com.vn/xa-hoi/khoan-xe-cong-den-cap-thu-truong-moi-nam-tiet-kiem-ca-nghin-ti-dong-20151105121036854.htm

(6) https://vtc.vn/hang-loat-xe-cong-duoc-thanh-ly-voi-gia-sieu-re-d342142.html

(7) https://vov.vn/chinh-tri/dang/toan-van-quy-dinh-ve-trach-nhiem-neu-guong-cua-can-bo-dang-vien-830409.vov

https://www.voatiengviet.com/a/cong-xa-xe-cong-va-su-lang-phi/4750247.html

 

‘Tấm thảm chùi chân’ của những ông chủ XHCN

Mạnh Kim

Một trong những “tội” lớn nhất của người dân Lộc Hưng (Tân Bình, TP. HCM) là nghèo! Quá nghèo! “Nghèo thấy thảm!” – như người ta thường nói. Khu đất của họ sẽ được tránh xa nếu họ là thành phần “cán bộ” hoặc những kẻ đủ giàu để “chạy thuốc” nhằm biến những căn biệt thự xây trái phép thành hợp pháp. Người nghèo là vấn đề xã hội không quốc gia nào không đối diện nhưng người nghèo Việt Nam không chỉ là những thân phận thiếu ăn thiếu mặc. Họ còn là tấm thảm để những bàn chân XHCN chùi xuống không thương tiếc cùng với vẻ mặt dối trá ma mãnh hất lên: “Đảng và Nhà nước luôn chăm lo cho người nghèo”!

Chưa bao giờ người dân bị lừa bịp công khai bằng những “thống kê” cho thấy xã hội ngày càng ít người nghèo bằng lúc này. Tại phiên họp thứ 27 ngày 17-9-2018, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, báo cáo kết quả hai năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện “mục tiêu giảm nghèo bền vững” đến năm 2020 đã được công bố, như một bằng chứng xác nhận thành tích của nhà cầm quyền: tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 6%. Cụ thể, từ 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1-1,5%/năm. Thời điểm hiện tại, theo Tạp chí Đảng Cộng sản (14-11-2018), hiện cả nước có hơn 1,9 triệu hộ nghèo (chiếm 8.23% tổng hộ dân toàn quốc) và hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo (5.41%)…

Những con số tỷ lệ “thoát nghèo” không nói lên hết thực trạng. Các báo cáo, trung thực hay không, không cho thấy thực tế rằng, khái niệm “nghèo” ở đây đã vượt qua những định nghĩa thông thường về nghèo. Nó không chỉ liên quan cái ăn cái mặc hay những điều kiện cần có để được cơm no áo ấm. Chẳng “hội thảo” về “chiến lược” xóa nghèo “bền vững” nào đề cập đến tình trạng người nghèo đang bị tống dạt tàn nhẫn ra bên lề phát triển, và đặc biệt, người nghèo đang trở thành nhóm đối tượng được nhắm đến để hy sinh cho cái gọi là phát triển.

Chính quyền khoan vội tự hào thành tích xóa đói giảm nghèo, vì chính quyền, trong không ít trường hợp, là thủ phạm tạo ra nghèo đói. Một ví dụ: nhân danh “phát triển”, người ta đã giải tỏa vô số đất đai và cho rằng đó là điều không thể tránh đối với bất kỳ quốc gia nào trên con đường xây dựng đất nước. Điều này được thực hiện không chỉ từ “chủ trương chính sách” mà còn từ sự tùy tiện cùng sự ăn chia của các chính quyền địa phương với lớp nhà giàu mới nổi được hình thành thông qua các quan hệ. Điều đáng ghi nhận là người ta luôn “né” các khu đất nằm dưới “sở hữu” “cán bộ” hoặc thành phần lắm tiền nhiều của, dù “phạm luật” lấn chiếm trái phép hay không. Chẳng cần đi đâu xa, thử đến khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất, ai cũng có thể thấy điều sờ sờ này. Hơn ai hết, những gia đình nạn nhân bị giải tỏa oan ở Thủ Thiêm có thể kể ra tại sao và từ đâu mà họ trở thành nghèo khổ vô gia cư.

Người nghèo Việt Nam ngày nay không chỉ là những gương mặt khổ cực lam lũ. Hình ảnh đó có thể thấy ở tất cả bức tranh xã hội thế giới. Ở bất kỳ giai đoạn nào Việt Nam cũng có những “chị Dậu”, tuy nhiên, “kiếp nghèo” của “chị Dậu” ngày xưa khác với thân phận của “chị Dậu XHCN” trong thời đại “rực rỡ”. Nếu cảnh nghèo trước khi “cách mạng về” và “đời ta có Đảng” là hình ảnh một xã hội chưa phát triển thì cảnh nghèo ngày nay còn được chồng lên ngổn ngang những dối trá ngụy biện để che đậy và lấp liếm các khiếm khuyết của vô số chính sách bất công biến người nghèo thành nạn nhân trực tiếp và hứng chịu thê thảm nhất trong tất cả các nhóm đối tượng-tầng lớp xã hội. “Trẻ nguy kịch, vẫn phải đóng tiền mới được cấp cứu” (Tuổi Trẻ 29-7-2016) – đó là tựa một bài báo nói lên sự bi đát cùng cực của thân phận người nghèo thời nay.

Chết-không-có-hòm-chôn là một hình ảnh nghèo khổ khốn khó tận cùng. Nhưng sống-không-có-nhà-ở không chỉ là bức tranh của những mảnh đời rách rưới. Nó tố cáo rất rõ những “sai lầm” được thực thi một cách cố tình của các “chính sách phát triển” nói chung. Phát triển gần như luôn đi đôi với sự xuất hiện những nghịch lý nhưng nghịch lý nào mỉa mai cho bằng hình ảnh: từ “tâm thế” những kẻ không có “miếng đất cắm dùi”, như thời “tiền cách mạng”, những ông chủ XHCN ngày nay hăm hở lao vào giành đất “cắm dùi” của những người nghèo “tận cùng bằng số”, và liền ngay sau đó dựng lên tấm băngrôn đỏ chói: “Đảng và Nhà nước luôn chăm lo cho người nghèo”!

Những con số thống kê, những phát biểu “xúc động” và những chiến dịch “nhắn tin ủng hộ người nghèo”, ngoài việc để mị dân, sẽ không mang lại giải pháp nào để xóa bỏ nghịch lý và bất công, nếu không đề cập và không giải đáp được những câu hỏi mà người nghèo nào cũng thấy: nhờ đâu mà “đám chính quyền” trở nên giàu có khủng khiếp đến vậy! Rất khó có thể thuyết phục được rằng chính quyền đang thành công trong các chính sách xóa đói giảm nghèo, một khi quan chức địa phương vẫn đua nhau ăn chặn ngân sách dành cho người nghèo. Càng khó có thể tin “Đảng và Nhà nước” chia sẻ khó khăn với người nghèo trong khi “người” của “Đảng và Nhà nước” là những trường hợp “mẫu mực” của việc làm giàu bằng “buôn chổi đót”.

Người nghèo không chỉ túng thiếu khổ cực. Họ là nạn nhân đầu tiên và trực tiếp của tất cả “cặn bã” lắng xuống của những hào nhoáng giả tạo sinh ra từ một mô hình phát triển, mỉa mai thay, dựa trên lý thuyết “xóa bỏ bất bình đẳng”. “Bắt cả trẻ đang bú đóng tiền xây dựng nông thôn mới” (Zing 1-7-2018) – đây không phải là câu chuyện giới hạn trong phạm vi đói nghèo. Nó là vấn đề liên quan đến thể chế và các chính sách tạo ra những người nghèo theo cách chưa từng có trong lịch sử phát triển xã hội Việt Nam. Người nghèo đang “lãnh đủ” mọi thứ tệ hại nhất và họ hoàn toàn không có “quyền” để chọn lựa. Ai đó có thể chọn siêu thị mua thực phẩm an toàn, chọn trường học tốt cho con, chọn bệnh viện “xịn” thậm chí ở nước ngoài… Trong khi đó, người nghèo chỉ có thể uống ly trà đá mà họ đủ tiền mua; chỉ có thể gửi trẻ vào trường mẫu giáo nơi có thể có cô giáo trấn nước con họ; chỉ có thể vào bệnh viện công nhếch nhác nằm vật vờ trên những hành lang bẩn thỉu. Cầm chén cơm, họ đủ “kiến thức tổng quát” để nói với nhau về nguồn thức ăn nhiễm độc. Họ sợ lắm. Họ không muốn chết sớm vì ung thư trước khi lo cho con vào đại học hoặc trước khi gửi tiền về quê cho bố mẹ sửa nhà. Tuy nhiên, họ vẫn phải nuốt. Họ không có chọn lựa nào khác.

Khoảng cách giàu-nghèo ngày càng giãn rộng đang trở thành vấn đề rất lớn. Dù vậy, những đứa trẻ nằm co quắp ở mái hiên các cao ốc lộng lẫy chưa đủ để nói hết thảm cảnh của khoảng cách giàu nghèo. Bằng thế nào một chữ ký nhoáy trong vài giây có thể mang lại những khoản tiền kếch sù, mà người ta làm cả đời không tích cóp nổi, mới là “nghịch lý giàu nghèo” đang diễn ra trên khắp đất nước này. Người ta đang tung hô những tỷ phú như Phạm Nhật Vượng. Người nghèo không thể so với tỷ phú. Tất nhiên. Người nghèo thậm chí cũng không thể so nổi với tầng lớp thấp hơn “đẳng cấp tỷ phú” nhiều lần. Thật không bình thường khi có những viên chức tép riêu vẫn dư tiền cho con đi du học Mỹ (như một tay Phó Công an phường ở một quận ở TP. HCM mà tôi biết). Có chính sách “xóa đói giảm nghèo” nào có thể giúp người nghèo có nhiều chọn lựa hơn, như tay công an kia?

Có quá nhiều đường nét không bình thường trên bức tranh giàu nghèo hiện nay. Tỷ lệ nghèo đói, được công bố, “đang giảm” nhưng người nghèo có thể thấy mọi nơi, ngày càng nhiều. Người nghèo ở mọi miền, mọi đô thị, mọi tỉnh thành… nhưng họ “ở đâu” trên bản đồ phát triển của đất nước? Họ đang bị hất dạt ra bên lề. Họ là cái bóng đen lặng lẽ bên cạnh những tòa nhà sáng rực. Họ là viên đá lót đường cho những chiếc xe siêu sang của đại gia tư bản Đỏ. Họ là nạn nhân của những chữ ký nguệch ngoạc “chứng nhận” họ bị mất đất và mất nhà. Họ là tấm thảm chùi chân của những ông chủ XHCN, trong lịch sử, vốn xuất thân từ nghèo khổ bần cùng. Trong tất cả những điều không bình thường khi nói về bức tranh giàu nghèo của xã hội ngày nay thì đây là điều không bình thường và mỉa mai bậc nhất!

https://www.voatiengviet.com/a/loc-hung-vuon-rau-pham-nhat-vuong/4750237.html