Tin Việt Nam – 19-10-2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 19-10-2016

Đã tìm thấy thi thể phi công trực thăng rơi ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Trực thăng EC 130
Image QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Trực thăng EC 130 của quân đội Việt Nam (ảnh minh họa)

Thi thể ba phi công quân đội gồm một giáo viên và hai học viên trên chiếc trực thăng huấn luyện rơi hôm 18/10 đã được tìm thấy.

Truyền thông Việt Nam cho hay xác chiếc trực thăng EC130 đã được phát hiện dưới thung lũng giữa hai núi phía ở huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu vào trưa thứ Tư 18/10.

Xác ba sỹ quan tử nạn đã được chuyển về chùa, sau đó tới bệnh viện quân đội.

Lực lượng tìm kiếm đã rà soát bốn địa điểm trước khi phát hiện xác máy bay.

Trực thăng Eurocopter EC 130 của Trung tâm Huấn luyện (Bà Rịa – Vũng Tàu) thuộc Tổng Công ty trực thăng Việt Nam, số hiệu 8632, khi thực hiện bay huấn luyện đã mất tích vào khoảng 08:30 sáng 18/10.

Các báo trong nước cho hay danh tính ba thành viên tổ bay là Đại úy Dương Lê Minh (giáo viên), Trung úy Đặng Đình Duy và Trung úy Nguyễn Văn Tùng (học viên).

Đây là vụ mới nhất trong nhiều vụ rơi máy bay của quân đội khi đang huấn luyện.

Đoàn xe chuyển thi thể phi công đi
Image BÁO THANH NIÊN
Đoàn xe chuyển thi thể phi công đi

Trực thăng EC 130 là loại hiện đại, do hãng Airbus sản xuất.

Không quân csvn đã mất liên tục nhiều máy bay: hồi tháng 6/2016 chiếc Su-30 chở hai phi công mất tích trên biển Thanh Hóa; sau đó một chiếc Casa-212 chở chín người đi tìm chiếc Su-30 cũng gặp nạn.

Trừ một người, phi hành đoàn trên hai máy bay nói trên đều thiệt mạng.

Từ tháng 7/2014, có hai vụ rơi trực thăng quân đội khác, tổng số hơn 20 người chết.

Hai vụ tai nạn chiến đấu cơ Su-22 vào năm 2006 và năm 2009 cũng đã khiến hai phi công tử nạn. – Theo BBC

 

Campuchia tiếp tục trục xuất người Thượng về Việt Nam

Một nhóm người Thượng từ Việt Nam chạy qua Campuchia ngày 20/10/2014.

Một nhóm người Thượng từ Việt Nam chạy qua Campuchia ngày 20/10/2014. – AFP photo

Một số trong gần 160 người Thượng đang có mặt tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia để tìm qui chế tỵ nạn sẽ bị nước chủ nhà trả về Việt Nam.

Ban tiếng Khmer của Đài Á Châu Tự Do loan tin này hôm qua trích dẫn phát biểu của những quan chức chính phủ Phnom Penh như vừa nêu. Tuy nhiên số người và thời điểm cụ thể vẫn chưa được xác định.

Phát ngôn nhân Khieu Sopheak của Bộ Nội Vụ Campuchia cho biết kết quả phỏng vấn mà bộ này có được cho thấy nhiều người Thượng không đáp ứng những qui định của Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tỵ nạn- UNHCR.

Trong khi đó thì những người Thượng khai với cơ quan chức năng Campuchia rằng họ phải trốn khỏi Việt Nam vì bị đàn áp và lo sợ sẽ bị ngược đãi thậm chí có thể bị giết khi bị trả về Việt Nam.

Vào đầu năm nay có 13 người Thượng Việt Nam trốn sang Campuchia được chính quyền Phnom Penh công nhận là người tỵ nạn. Đến tháng năm số này được Cao ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đưa sang Philippines. – RFI

 

Chiến hạm TC sắp thăm cảng Cam Ranh

Hai chiến hạm hộ vệ tên lửa cùng tàu hộ tống hải quân TC sẽ thăm cảng quốc tế Cam Ranh từ ngày 22 đến ngày 26 tháng 10 tới. Sở Ngoại vụ Khánh Hòa cho biết tin này ngày hôm nay.

Theo tin từ Sở ngoại vụ Khánh Hòa, đây là chuyến thăm đầu tiên của hải quân TC đến cảng quốc tế Cam Ranh kể từ khi cảng này được khai trương từ tháng 3 vừa qua.

Thủy thủ đoàn bao gồm 750 người, dự kiến sẽ có những hoạt động giao lưu với hải quân Việt Nam và tham quan thành phố Nha Trang.

Cảng Quốc tế Cam Ranh của Việt Nam trong thời chiến tranh Việt Nam là căn cứ quân sự của Mỹ. Từ năm 1978, Liên Xô cũ và sau này là Nga đóng căn cứ quân sự tại đây cho đến năm 2002. Việt Nam sau đó đã đầu tư vào cảng này 2,000 tỷ đồng để chuyển thành cảng quốc tế cho phép các tàu nước ngoài đến neo đậu tránh gió bão và sửa chữa. Hồi đầu tháng này, tàu USS John McCain của Mỹ cũng đã ghé thăm cảng này. – Theo RFA

 

Hiện tượng ‘Phan Anh’

Một người đàn ông chèo thuyền vận chuyển hàng cứu trợ giúp các nạn nhân lũ lụt ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. (Ảnh tư liệu)

Một người đàn ông chèo thuyền vận chuyển hàng cứu trợ giúp các nạn nhân lũ lụt ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. (Ảnh tư liệu)

Báo chí Việt Nam đưa tin MC Phan Anh, một người dẫn chương trình nổi tiếng trong nước, đã quyên góp được hơn 16 tỷ đồng, tính đến ngày 19/10, để giúp cho các nạn nhân lũ lụt ở miền Trung Việt Nam.

Trong khi đó, tin cho hay các tổ chức chính thức như Hội Chữ thập Đỏ hay một số đoàn thể của chính quyền các tỉnh, thành phố đã không quyên góp được số tiền tương tự.

Trên mạng xã hội, nhiều người nói việc MC Phan Anh huy động được một số tiền kỷ lục chỉ trong ít ngày có một phần lý do là anh được công chúng vô cùng yêu mến không chỉ về khả năng nghề nghiệp, mà còn vì anh thường đưa ra những thông điệp ủng hộ tiến bộ xã hội.

Song bên cạnh đó, sự kiện quyên tiền này cũng được nhiều người nhìn nhận là một “hiện tượng” về lòng tin ở Việt Nam.

Nhiều người bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ tin tưởng hơn khi đóng góp tiền cho những cá nhân như Phan Anh hay các nhóm xã hội dân sự vì có sự minh bạch. Ngược lại, họ cho rằng họ không biết tiền của họ khi nộp vào các tổ chức gắn với chính quyền sẽ được chi tiêu, phân phối ra sao.

Phân tích về vấn đề này, từ Hà Nội, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, nói với VOA:

“Cách hành xử của anh [Phan Anh] từ trước đến nay tạo ra một niềm tin. Và anh luôn công khai, rất là minh bạch về những đóng góp của mọi người và update thường xuyên về những việc mình làm. Thế còn cũng có một số tổ chức đã có truyền thống kêu gọi hỗ trợ thì ở một vài nơi cũng có những vụ lùm xùm khiến cho người dân không tin tưởng. Trong những vụ lùm xùm đó, câu chuyện về tài chính nó không được minh bạch. Hình như là cũng có vấn đề tư lợi ở đó. Cho nên là bây giờ người ta đặt niềm tin vào những người như là Phan Anh. Điều đấy nó cũng phản ánh những thay đổi của xã hội chúng ta trong những năm gần đây”.

Tiến sỹ Hồng, một nhà xã hội học, cũng cho rằng “hiện tượng” Phan Anh là một ví dụ nổi bật về việc các cá nhân hay hội, nhóm xã hội dân sự hoạt động hiệu quả hơn các tổ chức gắn với nhà nước trong các hoạt động thiện nguyện. Bà cho rằng nếu có luật lệ phù hợp, điều này sẽ càng thể hiện rõ hơn. Bà nói:

“Đây là một cơ hội rất là tốt để cho các nhà làm luật cũng như Quốc hội lắng nghe ý kiến của người dân và thực sự ban hành một luật về hội đáp ứng được cái mong mỏi. Các tổ chức xã hội dân sự, các cá nhân, các tổ nhóm, những mạng lưới tự nguyện, tình nguyện lại hoạt động rất hiệu quả. Thực sự họ làm là vì tự nguyện, vì họ thấy đó là những việc đáng phải làm, cần phải làm, đó là những việc đúng. Làm sao luật về hội phải phản ánh nhu cầu đấy của người dân, phải đáp ứng được những nguyện vọng đấy của người dân”.

Mới đây, một dự thảo luật về hội của Việt Nam đã bị nhiều trí thức và các nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội phản đối. Họ cho rằng dự thảo luật có tính chất hạn chế công dân lập hội hơn là bảo đảm quyền tự do lập hội được nêu trong Hiến pháp. – VOA