Tin Việt Nam – 18/12/2018
Tài xế phản đối trạm thu phí BOT
Bắc Thăng Long – Nội Bài
Nhiều tài xế treo băng rôn và dừng xe để phản đối trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài vào sáng ngày 18 tháng 12 năm 2018.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu cùng ngày.
Tin cho biết khá đông tài xế đã tập trung tại làn thu phí để phản đối và hầu hết các tài xế cho rằng trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài nên chuyển về tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên. Nhiều băng rôn, khẩu hiệu được các tài xế dán trên nắp ca-pô và cửa xe.
Công an đã có mặt và yêu cầu các tài xế nên lái xe di chuyển. Tuy nhiên, chưa có vụ bắt bớ nào xảy ra.
Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài thuộc dự án xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc được Chính phủ phê duyệt và Bộ Giao thông vận tải được giao ký hợp đồng BOT với Công ty Cổ phần BOT Vietracimex 8 với tổng số vốn đầu tư là 615 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần BOT Vietracimex 8 bắt đầu thu phí trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài từ ngày 1/1/2011. Thời gian thu phí hoàn vốn là 16 năm 10 tháng 11 ngày. Mức giá là 10.000 đồng/xe 12 chỗ.
Vào năm 2013, thành phố Hà Nội đã từng đề nghị Bộ Giao thông- Vận tải dừng trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài vì lý do đây là tuyến đường đối ngoại huyết mạnh nối trung tâm thành phố với Sân bay Nội Bài, khách quốc tế vừa đến Việt Nam đã phải trải qua nhiều lần thu phí là hình ảnh không đẹp. Ngoài ra, trạm thu phí cũng là một trong những nguyên nhân gây kẹt xe.
Tuy nhiên thời điểm đó Bộ Giao thông- Vận tải cho rằng trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài thực hiện theo đúng Nghị định 18. Nếu dừng thu phí thì nhà nước phải dùng ngân sách để mua lại trạm thu phí đó.
Cựu phát ngôn nhân hội Anh em dân chủ
sẽ ra tòa phúc thẩm vào 26/12
Tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Trực, cựu phát ngôn nhân, kiêm Chi hội trưởng miền Trung của hội Anh Em Dân Chủ sẽ bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đem ra xét xử phúc thẩm vào ngày 26/12 tới đây vì có kháng cáo của ông này.
Quyết định ký bởi Thẩm phán Vũ Thanh Liêm vào ngày 11 tháng 12 với nội dung như vừa nêu được công khai trên mạng xã hội Facebook vào ngày 17 tháng 11.
Hôm 12/9/2018, ông Nguyễn Trung Trực bị tòa án tỉnh Quảng Bình tuyên phạt 12 năm tù giam và 5 năm quản chế vì cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Ông là thành viên thứ 9 của hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự cổ võ cho quyền con người và thúc đẩy dân chủ không được chính quyền công nhận bị xét xử với cùng tội danh.
Trước đó ông Nguyễn Văn Đài, người sáng lập tổ chức và cộng sự Lê Thu Hà bị tuyên các bản án 10 năm tù và 9 năm tù giam, nhưng sau đó bị chính quyền Việt Nam tống xuất qua Đức tị nạn chính trị khi đang thụ án tù.
Theo báo chí nhà nước, với vai trò là chi hội trưởng “Hội Anh Em Dân Chủ” tại miền Trung, ông Nguyễn Trung Trực đã tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc nói xấu về đường lối, chính sách của đảng Cộng sản và nhà nước; lôi kéo, kích động người dân biểu tình gây rối an ninh trật tự tại địa phương.”
Ngay sau khi phía tòa án Việt Nam phạt tù ông Nguyễn Trung Trực, các tổ chức quốc tế như Human Rights Watch, Ân xá Quốc tế và chính phủ Hoa Kỳ đồng loạt ra thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam phải ngay lập tức trả tự do cho ông này.
Ông Minar Pimple, Giám đốc cấp cao Hoạt động toàn cầu của Ân xá Quốc tế, trong thông cáo ra ngày 12/9 viết rằng: “Một lần nữa, tòa án Việt Nam đã quyết định trừng phạt hoạt động ôn hòa bằng một án tù nặng nề”.
Thông cáo viết tiếp: “Ông Nguyễn Trung Trực bị cho là phạm tội vì cất tiếng nói vì nhân quyền và vì một nền dân chủ cho Việt Nam. Ông Trực đã trở thành mục tiêu bị cố tình nhắm tới chỉ đơn giản vì ông đã bày tỏ quan điểm và theo đuổi những lý tưởng mà các giới chức Việt Nam không chấp nhận”.
Bắt hiệu trưởng Đinh Bằng My:
Phú Thọ sốc vì xâm hại trẻ
Vụ nhiều nam sinh tố một hiệu trưởng trường học ở miền Bắc Việt Nam về tình trạng xâm hại tình dục kéo dài trong nhiều năm đang gây rúng động dư luận và xã hội.
Hôm 15/12, công an huyện Thanh Sơn, Phú Thọ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Đinh Bằng Mỹ, hiệu trưởng Trường trung học phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn để điều tra hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Trước đó, VTV24 đã có một cuộc điều tra phản ánh nhiều học sinh nam tố vị hiệu trưởng đã có hành vi lạm dụng tình dục trong nhiều năm.
Xâm hại tình dục: ‘Lời khai có thể là bằng chứng’
Việt Nam: Người bị xâm hại tình dục ‘ngại tố cáo’
Dư luận VN phẫn nộ vì cáo buộc nhiều trẻ em bị xâm hại
Ông Mỹ sau đó hoàn toàn phủ nhận thông tin tố cáo: “Tôi không hiểu tại sao lại có thông tin này. Với môi trường nội trú chúng tôi coi các em học sinh như con em của mình thì không bao giờ có chuyện đó xảy ra”.
Sau đó, khi công an đến đọc lệnh bắt giữ thì ông My đã “nói lời xin lỗi tới toàn thể giáo viên và học sinh trong trường”, theo báo Vietnamnet.
Vụ việc gây bức xúc trong dư luận sau khi nghe các em nam sinh mô tả những hành động bị yêu cầu phải làm để phục vụ nhu cầu tình dục của hiệu trưởng.
Bất ngờ hơn, trước đó vài tháng, ông Đinh Bằng My là người trên bục rao giảng với các em học sinh về “Tuyên truyền, phòng chống xâm hại trẻ em”.
Nhiều vụ việc xâm hại rúng động trong 2018
Vụ việc tại trường PT dân tộc nội trú Thanh Sơn không phải là một vụ việc hi hữu mà là một trong nhiều vụ việc xâm hại tình dục học đường gây rúng động xã hội trong năm 2018.
Hồi tháng 6, Nguyễn Đình Lê, một giáo viên 44 tuổi công tác tại trường Tiểu học xã An Thượng A, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội bị tuyên án 6 năm tù giam, cấm hành nghề 5 năm sau khi có hành vi dâm ô, không nhằm mục đích giao cấu với bảy học sinh nữ lớp ba của trường.
Vào tháng 11, một thầy giáo khác ở Quảng Nam bị tuyên án 24 năm tù giam vì tội Dâm ô trẻ em và Hiếp dâm trẻ em. Nguyễn Quang Chung, 49 tuổi đã nhiều lần gọi ba học sinh tiểu học trường Zơ Nông, thị trấn Thạnh Mỹ, tỉnh Quảng Nam để xâm hại.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ lần đầu tiên lên tiếng về vụ việc xâm hại nam sinh vào hôm 17/12. Ông cho rằng “cần phải lên án và có thái độ rõ ràng, pháp luật xử lý nghiêm, nhưng quan trọng hơn là phải đi từ gốc, chứ xử lý chỉ là phần ngọn,” theo báo Thanh Niên.
Ông Nhạ được dẫn lời nói, vụ việc ở Phú Thọ là một “bài học rất sâu sắc để đẩy mạnh việc phòng ngừa từ gốc cho chính học sinh. Nếu không phòng ngừa từ gốc thì đến một lúc nào đó, sẽ có những vụ việc tương tự ‘bục’ ra.”
Ông cho biết Bộ GD-ĐT đã và sẽ tăng cường giáo dục giới tính và tâm lý lứa tuổi cho học sinh, nhất là học sinh ở trường dân tộc nội trú, hiểu biết được những kỹ năng căn bản để có thể phòng chống bị xâm hại.
Trường học là nơi ‘nguy hiểm cho trẻ’
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA), nói rằng vụ việc xâm hại tình dục xảy ra tại trường học nội trú ở Phú Thọ là nghiêm trọng nhưng “không quá ngạc nhiên”, người đã làm công việc tư vấn cho các nạn nhân xâm hại tình dục suốt 20 năm qua.
“Mọi người ở đây có vẻ sốc vì mọi người thấy các cháu bị xâm hại là trẻ em nam. Nó nói lên đến kiến thức mọi người cho rằng trẻ em nam không bị xâm hại.”
“Mọi người cần phải hiểu rằng cả trẻ em nam lẫn trẻ em nữ đều có khả năng bị xâm hại.”
Trong nghiên cứu trước đây của CSAGA, bà Vân Anh cho biết, trên ba tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang, TP HCM thì có ra tỷ lệ là mười mấy phần trăm các em đã bị xâm hại tình dục, có em bị tới 14 lần ở cấp hai.
“Tôi nhận ra khu vực trường học là một khu vực đầy nguy hiểm cho trẻ em”.
“Mọi người cứ ào lên về một vụ việc nào đó những có yêu cầu một cách quyết liệt đối với người đứng đầu của ngành giáo dục, là anh cần phải có một chính sách, một sự quan tâm đúng mức.”
“Chứ không phải đến lúc này thì anh mới kêu rằng đây là một bài học. Vấn đề bây giờ là sau bài học này thì anh phải làm gì đó để thay đổi vấn đề này.”
” Vì những vụ như thế này này xảy ra quá nhiều rồi. Có những bảo vệ trường nội trú xâm hại đến 30 cháu mới bị phát hiện, có thầy giáo thể dục xâm hại đến 20 cháu rồi mới bị phát hiện. Có nghĩa là chúng ta để tình trạng nó xảy ra rất trầm trọng rồi mới phát hiện.”
Bà Vân Anh khuyên rằng phụ huynh cần hướng dẫn kỹ lưỡng cho con khi bắt đầu dạy trẻ mặc đồ lót, như ai là người có quyền được đụng vào vùng kín của trẻ. Thêm vào đó, phụ huynh nên trò chuyện hàng ngày để hiểu tình hình ở trường lớp.
Giáo viên cũng cần có trách nhiệm hơn, thay vì coi chuyện tình dục là chuyện cá nhân, và chỉ quan tâm đến thành tích của nhà trường mà không quan tâm đến sự an toàn, đời sống tình cảm của học sinh.
Về giải pháp mang tính hệ thống, bà cho rằng nhà nước và nhà trường cần phải phối hợp với các cơ quan truyền thông để phổ cập kiến thức về tình dục và bạo lực tình dục.
Đồng thời các cơ quan hành pháp, tư pháp và các tổ chức liên quan cần được đào tạo kỹ năng tiếp xúc nạn nhân bị xâm hại, vì hầu hết các cán bộ đều có kiến thức hạn hẹn, đôi khi có những cách điều tra thiếu nhạy cảm, đôi khi xúc phạm tổn thương nạn nhân.
Theo bà, tổng đài 111, Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em đang tiếp nhận và xử lý khá tốt các vụ việc. Còn lại các tổ chức độc lập như CSAGA hỗ trợ được phần nào nhưng nguồn lực vẫn còn nhiều hạn chế.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46601416
Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty
Thăm dò, khai thác dầu khí bị bắt
Cơ quan Điều Tra – Bộ Công an Việt Nam vừa có quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Văn Khạnh, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP.)
Truyền thông trong nước loan tin hôm 18/12 cho biết việc bắt ông Đỗ Văn Khạnh nhằm điều tra mở rộng giai đoạn 2 vụ án Ngân hàng Đại Dương (OceanBank.)
Theo đó, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò, khai thác dầu khí bị cáo buộc tội ‘Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản’ liên quan đến số tiền 4 tỷ đồng mà PVEP nhận chi lãi ngoài từ OceanBank.
Trước đó vào ngày 3/12, Bộ Công an đã khởi tố bị can ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị OceanBank và hai cấp dưới là bà Lê Thị Thu Thủy, nguyên Phó tổng giám đốc, và bà Vũ Thị Thùy Dương, nguyên Giám đốc khối kế toán. Báo trong nước cho hay từ năm 2010 đến 2013, 3 bị cáo đã cấu kết, lập các hợp đồng khống chi lãi ngoài cho khách tổng cộng hơn 133 tỷ đồng, dẫn đến không còn nguồn tiền hoàn ứng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra vào hôm 10/12 cũng đã bắt tạm giam ông Trương Văn Tuyến, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và ông Phạm Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc SBIC (tên mới của Vinashin) liên quan đến việc. Hai người này bị cáo buộc tội ‘Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản’ liên quan đến 105 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất từ OceanBank.
Đại án OceanBank gây xôn xao trong dư luận vì các lãnh đạo của công ty này đã cấu kết với các cán bộ cao cấp của Tập đoàn dầu khí quốc gia làm thất thoát hơn 2.000 tỉ đồng.
Vào tháng 9 năm 2017, ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank) bị án tử hình và ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ocean Bank bị án tù chung thân.
Tính đến nay quan chức cao cấp nhất của ngành dầu khí bị án tù là Ông Đinh La Thăng. Ông này là nguyên Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, cũng đã bị tuyên tổng cộng 30 năm tù giam và bị buộc phải bồi thường 600 tỷ đồng trong vụ án Oceanbank và 30 tỷ đồng trong vụ án xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Xây dựng nhà ở tại rừng phòng hộ Sóc Sơn
là vi phạm hành chính
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng việc xây dựng công trình trên đất rừng Sóc Sơn làm thay đổi mục dích sử dụng, vượt hạn mức đất ở tại khu vực rừng phòng hộ là vi phạm hành chính.
Truyền thông trong nước cho biết như vừa nêu dẫn theo văn bản do ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, ký hôm 18/12 để trả lời ý kiến của các cử tri thành phố trong việc xử lý vi phạm.
Theo văn bản, khu vực nông thôn huyện Sóc Sơn trong phạm vi quy hoạch rừng không có quy hoạch chi tiết xây dựng, chưa có quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc. Nên việc xây dựng công trình làm thay đổi mục đích sử dụng, vượt han mức về đất ở là vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Cụ thể, đó là vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2, điều 17, nghị định 102 năm 2014 của Chính phủ, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép.
Theo kết luận thanh tra Chính phủ vào năm 2006, thanh tra chính phủ phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại Sóc Sơn và 9 xã khác. Tại Sóc Sơn, cơ quan chức năng phát hiện hơn 650 hộ xây dựng công trình sai phạm trên đất lâm nghiệp với diện tích 11 ha. Trong số này có 80 nhà kiên cố, 26 công trình theo mô hình trang trại sản xuất và rất nhiều trường hợp vi phạm khác.
Hai trong số những công trình bị phát hiện có vi phạm ở rừng phòng hộ Sóc Sơn được nhiều người nhắc đến là Việt Phủ của họa sĩ Thành Chương và biệt thự của nữ ca sĩ Mỹ Linh. Cô ca sĩ này lên tiếng hưởng ứng việc xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm, nơi có tranh chấp đất đai căng thẳng giữa dân chúng chính quyền địa phương hơn 20 năm qua.
Trước đó, phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng tại huyện Sóc Sơn, đảm bảo kết luận đầy đủ, chính xác cũng như xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định và báo cáo Chính phủ trước ngày 1/2/2019.
RFA phỏng vấn
Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên
Diễm Thi, RFA
Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên được Tòa thánh La Mã bổ nhiệm vào vị trí tân Tổng Giám mục Giáo Phận Hà Nội, thay thế Đức Hồng y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, người được Đức Giáo hoàng Phan Xi Cô chấp nhận đơn từ chức và cho nghỉ hưu. Quyết định của Vatican được công bố lúc 12 giờ trưa hôm thứ Bảy 17/11/2018, giờ Rome, tức 6 giờ chiều Việt Nam.
Nhân dịp này, Diễm Thi của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn ngắn với Tân Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội, Giuse Vũ Văn Thiên, về một số vấn đề liên quan Giáo hội Công giáo Việt Nam và mối quan hệ giữa Hà Nội với Vatican.
Diễm Thi: Trước hết Diễm Thi xin chúc mừng Giám mục trong vị trí mới là Tổng Giám mục Hà Nội. Thưa Giám mục, thời quan qua thì Giáo hội Việt Nam có những đóng góp gì cho sự phát triển chung của đất nước ạ?
TGM Giuse Vũ Văn Thiên: “Trước hết tôi xin chào chị và kính chào quý vị thính giả. Trong suốt bề dày lịch sử truyền giáo tại Việt Nam 400 năm thì đóng góp rất là nhiều cho xã hội Việt Nam và nền văn hóa Việt Nam.
Trước hết phải nói đến chữ viết mà chúng ta có hôm nay là nhờ sự cộng tác của các giáo sĩ người châu Âu mà các Ngài muốn đem cho chúng ta nền văn minh mà hôm nay chúng ta được thừa hưởng.
Thứ hai nữa là rất nhiều công việc bác ái và hoạt động của Giáo hội trong lĩnh vực từ thiện và lĩnh vực giáo dục. Trải qua nhiều giai đoạn và bây giờ Giáo hội cũng đang cố gắng để tiếp tục truyền thống ấy. Tuy rằng ở Việt nam thì các nhà dòng và Giáo hội nói chung chỉ có thể có trường mẫu giáo mầm non thôi còn các cấp học cao hơn thì chúng tôi vẫn đang đề nghị với nhà nước và hy vọng trong tương lai chúng tôi có thể có những trường học để có những hoạt động của Giáo hội trong lĩnh vực giáo dục.”
Diễm Thi: Hoạt động của Giáo hội có gặp sự trở ngại nào từ chính phủ Hà Nội không, thưa Giám mục?
TGM Giuse Vũ Văn Thiên: “Như tôi vừa nói thì ngành giáo dục chỉ có thể mở lớp mẫu giáo mầm non thôi. Về bệnh viện công giáo thì chúng tôi cũng chưa thể thành lập dù Giáo hội rất là mong muốn. Trong một vài hoạt động tôn giáo thì chúng tôi vẫn còn những hạn chế. Ví dụ Giáo hội với tư cách là Giáo hội thì không được phép mua đất đai để xây dựng nhà thờ hoặc cơ sở tôn giáo. Đó là một trong những hạn chế rất là lớn.
Và nhìn chung thì những hoạt động tôn giáo như tổ chức lễ hay sửa nhà thờ, xây nhà thờ tại những nơi đã có sẵn thì không gặp khó khăn, nhưng những khu đô thị mới mà muốn xây nhà thờ thì chúng tôi vẫn còn gặp khó khăn. Và một vấn đề lớn khó khăn hiện nay là đất đai của Giáo hội, của các dòng tu mà nhà nước đã công hữu hóa ở miền Bắc sau 1954 và ở miền Nam sau 1975.”
Diễm Thi: Tháng trước, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội có gửi một đơn kiến nghị khẩn cấp đến chính quyền Hà Nội phản đối việc xây dựng trên khu đất thuộc sở hữu của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, là trường Dũng Lạc. Theo Giám Mục thì hướng giải quyết như thế nào?
TGM Giuse Vũ Văn Thiên: “Ngay hôm nay tôi mới nhận chức tại Hà Nội cho nên tôi cũng chưa tìm hiểu kỹ vấn đề, nhưng nhìn chung thì với tư cách là một người lãnh đạo Giáo hội thì chúng tôi cũng mong muốn là Nhà nước giải quyết cho chúng tôi những phần đất đai thuộc về Giáo hội.
Và chúng tôi, đương nhiên với tư cách là người lãnh đạo Giáo hội thì chúng tôi cố gắng để bảo vệ tài sản của Giáo hội, bởi vì đó cũng là yêu cầu rất cấp thiết.
Về vụ việc thì tôi chưa nắm rõ bởi hôm nay tôi mới nhận địa phận một cách chính thức, nên tôi chưa thể nói điều gì rõ hơn hay sâu hơn được.”
Diễm Thi: Ở Việt Nam có những trường hợp Nhà nước mượn nhà của bên Giáo Hội nhưng lại không trả khi Giáo hội cần. Vậy Giáo hội sẽ phải làm gì, thưa Giám mục?
TGM Giuse Vũ Văn Thiên: “Trong những lần gặp gỡ các vị đại diện trong chính quyền thì chúng tôi cũng vẫn nói cái điều mà chị vừa nói. Chúng tôi cũng mong muốn làm sao để thể hiện được sự công bằng, bởi vì khi Giáo hội có nhu cầu thì chúng tôi cũng vẫn nhiều lần đề nghị, và chúng tôi hy vọng có sự cảm thông hơn giữa Nhà nước và chính quyền với nhu cầu chính đáng của Giáo hội.”
Diễm Thi: Thưa Giám mục, hồi tháng 5, Vatican có cử một tân đại diện không thường trú cho Việt Nam và vị này cũng đã đến Việt Nam. Qua gặp gỡ thì Giám Mục thấy có dấu hiệu tích cực nào giữa Vatican và Việt Nam ạ?
TGM Giuse Vũ Văn Thiên: “Vị đại diện không thường trú bây giờ là vị đại diện thứ hai, kế nhiệm Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli. Tôi đã gặp Ngài rồi và tôi thấy đường hướng của Ngài rất cởi mở, rất là gần gũi, và trong các cuộc trao đổi thì đương nhiên những vấn đề nội bộ chúng tôi cũng không được biết rõ nhưng Ngài cũng cho biết có những tín hiệu lạc quan và chúng tôi cũng hy vọng như vậy.”
Diễm Thi: Cám ơn Giám mục đã dành thời gian cho RFA. Kính chúc Giám mục và Giáo hội Việt Nam một mùa Giáng Sinh an lành và một năm mới hạnh phúc.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên: “Tôi cám ơn chị. Tôi xin gửi đến chị và thính giả những lời cầu chúc tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Một mùa Giáng sinh tràn đầy hồng ân của Chúa, thanh bình và một năm mới hạnh phúc với những điều may mắn tốt đẹp trong cuộc sống. Tôi xin trân trọng kính chào.”
Theo AsiaNews, ngày 19/12/2018, cuộc họp vòng VII Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Toà thánh Vatican sẽ diễn ra tại Hà Nội. Vatican không cho biết những vấn đề sẽ được bàn thảo tại vòng làm việc lần này là gì nhưng một vấn đề đã tồn tại trong nhiều năm giữa Tòa thánh và Việt Nam là việc tiến cử các giám mục.
Bên cạnh đó là vấn đề tài sản giáo hội mà chính phủ Hà Nội mượn hay trưng thu trước đây và nay không trao trả với lý do đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý.
Tại Việt Nam, có khoảng 6 triệu giáo dân Công giáo trung thành với Giáo hội Hoàn Vũ dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô. Giáo hội Công giáo Việt Nam có khác với Trung Quốc là không có hai thành phần gồm giáo hội tuyệt đối trung thành với Vatican, thường được gọi là ‘giáo hội thầm lặng’ và giáo hội do chính quyền Bắc Kinh kiểm soát. Tuy nhiên, chính quyền Hà Nội cũng luôn muốn can thiệp vào hoạt động của giáo hội thông qua tổ chức có tên ‘Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước’.
Có hay không chuyện đại biểu
sợ chất vấn ngành công an?
Trung Khang, RFA
Sau vụ Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phát ngôn về vi phạm của ngành công an tại nghị trường rồi ngành này phản ứng gay gắt khiến công luận lại đặt vấn đề về hành xử của ngành Công An. Gần nhất tại phiên chất vấn giám đốc công an Thanh Hóa liên quan tín dụng đen, chỉ có 7 trên 94 đại biểu chất vấn. Có phải có tâm lý đại biểu sợ chất vấn ngành công an sau vụ Lưu Bình Nhưỡng?
Chế độ công an trị
Vào ngày 13 tháng 12 năm 2018, tại buổi chất vấn Giám đốc Công an Tỉnh Thanh Hóa, Thiếu Tướng Nguyển Hải Trung, về tình trạng tín dụng đen bị cho là phức tạp trên địa bàn tỉnh này; chỉ có 7 trên 94 đại biểu Hội Đồng Nhân Dân tỉnh đăng ký chất vấn mặc dù đây là vấn đề có sự quan tâm lớn của nhân dân và cử tri trong tỉnh. Theo thuật lại của báo giới thì nhiều thời điểm hội trường rơi vào im lặng.
Tại sao các Đại biểu quốc hội ngại chất vấn ngành công an? Tại vì ngành công an từ lâu đã đã được là chế độ công an trị mà. Đặc điểm của nó là dùng quyền lực để át đi những tiếng nói phản biện, đối lập, át đi những tiếng nói mà nêu ra những cái xấu của ngành công an.
-TS Phạm Chí Dũng
Mặc dù khó có thể so sánh giữa cấp độ trung ương và địa phương, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, có thể có tâm lý đại biểu sợ chất vấn ngành công an sau vụ Lưu Bình Nhưỡng?
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, ông Phạm Chí Dũng, một nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, cho biết:
“Tại sao các Đại biểu quốc hội ngại chất vấn ngành công an? Tại vì ngành công an từ lâu đã đã được là chế độ công an trị mà. Đặc điểm của nó là dùng quyền lực để át đi những tiếng nói phản biện, đối lập, át đi những tiếng nói mà nêu ra những cái xấu của ngành công an. Theo một số người quen của tôi làm trong ngành kiểm sát, tòa án, nói thì thầm với tôi, thì sau vụ ông Lưu Bình Nhữơng chất vấn ngành công an. Họ nói ông Lưu Bình Những nói đúng đấy, nhưng chẳng qua ông cô đơn quá, cô độc quá. Cho nên tất cả đều bị át đi hết. Và ngành công như chúng ta đã biết là sau đó đã phản ứng rất dữ dội, thậm lấy truyền thông công an đa dọa hàm ý muốn bắt ông Lưu Bình Những. Nếu thế thì các ĐBQH sao có thể lên tiếng được, vì họ đã quen với việc bị định hướng chính trị, quen sợ sệt chính trị, thì với với cái thói hống hách của công an làm sao ĐBQH có thể liên tiếng nói.”
Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo đưa ra nhận định liên quan vấn đế này:
“Cái suy đoán chỉ có 7 trên tổng số gần 100 đại biểu Hội đồng nhân dân ở Thanh Hóa chất vấn giám đốc công an Thanh Hóa về bê bối của ngành công an tín dụng đen, thì tôi nghĩ rằng nó cũng chưa hẳn là sau cú sốc của ông Lưu Bình Nhưỡng ngoài Quốc hội. Cái vụ ông Lưu Bình Nhưỡng với ngành công an thì cho đến bây giờ số liệu vẫn chưa được làm rõ… Cái đó nó làm gây chấn động dư luận cả nước.”
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, ngành công an do quyền lực quá lớn, là chế độ công an trị, cho nên nó sinh ra một lực lượng hư hỏng kiêu binh. Theo ông, ông Lưu Bình Nhưỡng phát biểu thế thì cũng không có một hành động gì là chơi xấu ngành công an. Vì ông Nhưỡng cũng là một đại biểu của chế độ, thì cũng biết công an là một lá chắn của chế độ, thì chơi xấu với ngành công an để làm gì. Nhưng thái độ của ngành công an lại ghim gút trả thù, ông Tạo cho rằng thái độ của ngành công an là rất dở và sai lệt.
E ngại chất vấn lẫn nhau
Còn theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, không chỉ e ngại chất vấn ngành công an, các Đại biểu quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân ở Việt Nam còn ngại chất vấn lẫn nhau. Theo ông họ được định hướng chính trị, và nếu không được bật đèn xanh từ cấp trên thì họ sẽ không hỏi, mà bằng chứng rõ nét nhất là những vấn đề liên quan đến Biển Đông, liên quan vấn đề chống tham nhũng… hay liên quan đến những vấn đề nóng sốt của xã hội như vấn đề Đồng Tâm, Thủ Thiêm thì cũng có rất ít Đại biểu quốc hội đặt câu hỏi về vấn đề này. Ông Dũng cho biết, chỉ vài đại biểu trong tổng số 500 đại biểu quốc hội đặt câu hỏi về vấn đề này. Nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng, trong khi mỗi ngày họp quốc hội tiêu tốn khoản 1 tỷ đồng, mà các đại biểu này quá thiếu liêm sĩ, vẫn nhận những đồng lương này, vẫn ngồi họp, ăn uống với nhau, vẫn phè phỡn và không quan tâm đời sống người dân. Ông nói tiếp:
5 đến 10% chịu chất vấn đã là thành công cho một Quốc hội mà người ta gọi là Quốc Hội Nghị gật, hoặc những Hội đồng nhân dân toàn là Nghị gật, im lặng, á khẩu…
-TS Phạm Chí Dũng
“Thật ra tỷ lệ 7 / 94 ở Thanh Hóa cũng không phải là thấp đâu. Tức là khoảng 5 đến 10% chịu chất vấn đã là thành công cho một Quốc hội mà người ta gọi là Quốc Hội Nghị gật, hoặc những Hội đồng nhân dân toàn là Nghị gật, im lặng, á khẩu… Cho nên tỷ lệ đó không phải là thấp, nhưng vấn đề câu hỏi xoáy vào vấn đề gì, câu hỏi có chất lượng hay không, câu hỏi có mang tính phản biện hay không, và có bật ra được những vấn đề mà người dân quan tâm hay không? Hay chỉ là những câu hỏi xuôi chéo mát mái và làm vừa lòng nhau. ”
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng việc ở Thanh Hóa hay ở nơi khác, ít người phản biện và ít tiếng nói phản biện chất lượng, là một hiện tượng rất phổ biến, rất phổ cập ở Việt Nam. Mà khi nói đến phổ biến phổ cập ở Việt Nam thì nói một ít liên quan đến phổ cập giáo dục, như tình trạng “xâm hại tình dục” trong giáo dục nổi lên mấy ngày gần đây. Ông kết luận:
“Tôi cho rằng đó là một cái gì đó đi vào Quốc Hội Việt Nam, tức là Quốc hội Việt Nam nói theo một cách nào đó cũng bị ‘xâm hại tình dục’, làm cho các đại biểu á khẩu.”
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vào 31 tháng 10 năm 2018, khi trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thuộc doàn Bến Tre cho biết rất ủng hộ cuộc cách mạng trong ngành công an, tuy nhiên qua báo cáo ông thấy vi phạm của cơ quan điều tra rất “khủng khiếp”. Ông dẫn chứng tỷ lệ không thụ lý tin tố giác 94%; chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%; xử lý tin sau tố giác quá hạn 99,76%…
Ngay sau đó, nhiều tranh luận gay gắt đã diễn ra không chỉ trong nghị trường mà cả bên ngoài. Ngành công an cho rằng số liệu sai và đòi ông Lưu Bình Nhưỡng phải đính chính phát ngôn của mình, thậm chí nhiều tờ báo thuộc ngành công an còn yêu cầu xử lý đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.
Tại sao người CSVN cấp cao không thấy họ lố lăng?
Nguyễn Ngọc Già
Những hình ảnh lố lăng của người CSVN cấp cao trong nhiều sự kiện quốc tế và quốc nội đầy dẫy khắp MXH, nhưng … nó vẫn tiếp diễn và không có dấu hiệu cho thấy họ ngừng lại để suy ngẫm.
Tại sao đến nông nỗi đó?
Có lẽ, quý độc giả biết nhiều về truyện cổ tích Andersen, trong đó có câu chuyện “Bộ quần áo mới của Hoàng Đế” – truyện cổ tích này, chế giễu vị vua vốn luôn thích những lời nịnh bợ.
Ông vua này dường như không thể nào sống nổi, nếu một ngày không được nghe những lời “mật ngọt” êm ả rót vào tai. Cả cuộc đời ông vua, luôn được những lời ton hót, tâng bốc vây quanh và bịt kín như cánh rừng già âm u mà “ánh sáng sự thật” không tài nào rọi tới nổi !
Câu chuyện thú vị vô cùng, bởi tác giả không để độc giả dừng lại ở sự kệch cỡm, thói rởm đời, chất khoe mẽ và tính hãnh hão về trí tuệ uyên bác, cũng như sự thông thái luôn ngập tràn trong tâm trí của tầng lớp cận thần, vương giả vây quanh “đức vua” mà Andersen đã làm cho những thói hư tật xấu đó lan ra khắp muôn nẻo trong chúng dân!
Tác giả H.C Andersen đã “khuếch tán” thói đạo đức giả như “hạt mầm man trá” được ấp ủ dẫn đến sinh sôi rồi lan rộng và thấm sâu vào ngay cả tầng lớp bình dân nhất trong xã hội.
Thói đạo đức giả đi cùng việc chối bỏ sự thật nhằm để tồn tại, để an toàn, để mưu cầu lợi danh và để… mỗi người buộc phải “giống như tất cả” nếu không muốn trở thành một kẻ bị xã hội bỏ rơi và đào thải.
Người dân xứ ấy bằng lòng, hài lòng và thỏa lòng với lối sống như vậy!
Cho đến một ngày, điều đó dẫn đến tai họa thảm khốc cho “vì vua anh minh” nọ – Ông vua ở truồng trước muôn người mà không hề hay biết! Ngay cả chúng dân cũng ngỡ mình thông thái – tựa như những thức giả uyên bác mới đủ trình độ để nhìn thấy bộ đồ “có một không hai” trên cõi đời! Ngoại trừ một câu bé chỉ thẳng sự thật rằng:
– “Nhìn kìa, đức vua trần truồng!”
Mãi cho đến lúc đó – không vội hơn, không muộn hơn – toàn bộ thần dân xứ đó như sực tỉnh khỏi ‘cơn mê giả dối” mà họ vốn “ngủ vùi” trong nhiều năm.
Andersen viết tiếp:
“Đám đông im bặt. Sau đó, bắt đầu có những tiếng xầm xì nhỏ to:
– Hoàng thượng không mặc gì hết! Có một thằng bé nói như vậy!
“Hoàng thượng không mặc gì hết! Hoàng thượng không mặc gì hết!…”, lời bàn tán mỗi lúc một lớn.
Hoàng đế chợt rùng mình, choáng váng vì ngài thấy hình như họ nói đúng. Nhưng ngài nghĩ: “Ta phải tiến hành cho xong nghi thức của buổi lễ đã”. Vì vậy, nhà vua tiếp tục rảo bước, khuôn mặt thậm chí càng cố lộ vẻ tự hào. Đám tùy tùng theo sau không biểu lộ một chút cảm xúc, tay vẫn nâng đuôi chiếc áo choàng tưởng tượng”. (Hết truyện).
Sự thật không còn chỗ để tồn tại dù là một khoảng không gian nhỏ hẹp nhất trong xã hội dẫy đầy sự man trá, độc ác và bạo ngược.
Ngẫm từ câu chuyện trên, quý độc giả sẽ thấy người CSVN không khác với “vị vua ở truồng”, bởi :
– Sự thật không còn chỗ để tồn tại dù là một khoảng không gian nhỏ hẹp nhất trong xã hội dẫy đầy sự man trá, độc ác và bạo ngược.
– Xã hội đã biến thành một đám đông hỗn độn về tri thức & bát nháo về nhân cách – Sự khốn cùng đó gây ra bởi… nỗi “hân hoan khôn tả” được coi là “tự hào dân tộc” (!)
Vâng! Từ già đến trẻ; từ nam đến nữ; từ bậc “trí giả” cho đến người bình dân v.v… Ngập tràn!
Dường như “đám đông đủ mọi thể loại” đó, không còn biết gì khác ngoài “hương vị ngất ngây” của “men say chiến thắng” lên đến tột đỉnh của… vinh quang – Một loại “vinh quang” chỉ tồn tại trong chốc lát rồi… vội vã tan biến như bọt xà phòng trương phình! Chỉ vậy thôi!
Suy tận cùng, xã hội rữa nát về nhân cách và tan hoang về vật chất như hiện nay cũng do “Sự Thật Đã Rời Bỏ Người Việt Nam”!
Nếu như vị vua trong truyện cổ Andersen không thích nịnh bợ? Mọi người dân xứ đó, có ham hố trở thành “nịnh thần-dân”? Nếu như người CSVN cấp cao không thích tâng bốc?…
…Biết đâu Việt Nam – quê mình – đã… “không khó đỡ” như bây giờ…
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Nhìn lại Chủ nghĩa Cộng sản sau hơn 100 năm
Mục sư Tiến sĩ Phan Phước Lành
“Quốc Gia Hưng Vong, Thất Phu Hữu Trách.” Mỗi người Việt, dầu ở vị trí nào, cũng phải có trách nhiệm với đất nước và dân tộc mình. Tôi viết và phổ biến bài viết này sau thời gian dài suy tư về vận mệnh dân tộc và mong ước thấy sự hưng thịnh của đất nước Việt Nam yêu dấu. Chúc mừng đội tuyển Việt Nam vừa đoạt CUP 2018 AFF Suzuki và mong ước Việt Nam đổi mới trên mọi bình diện không chỉ riêng lãnh vực bóng đá.
NGUỒN GỐC
Chủ Nghĩa Cộng Sản đã có mặt chính thức với quyền lực trên 100 năm qua kể từ khi những người Bôn-sê-vích nổi dậy giành chính quyền tại Nga vào tháng 10 năm 1917 và thành lập Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết (Liên Xô). Bôn-sê-vích, có nghĩa là nhóm đa số trong Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội Nga theo chủ nghĩa Mác, đã loại bỏ Men-sê-vích, có nghĩa là nhóm thiểu số, theo khuynh hướng ôn hòa, vào Đại Hội Đảng năm 1903. Sau khi loại bỏ nhóm thiểu số, nhóm Bôn-sê-vích đã trở thành Đảng Cộng Sản Nga.
Cụm từ Chủ Nghĩa Cộng Sản được xuất hiện vào thế kỷ thứ 18 khi triết gia Victor d’Hypay (1746-1818) viết trong quyển sách “Projet De Communauté Philosophe” (1777) đưa ra một khái niệm “tập thể.” Ông viết “tập thế ấy cùng chia sẻ kinh tế và sản phẩm chung, như thế mọi người sẽ được hưởng theo nhu cầu của mình.” Với mô hình này, điều kiện cần thiết là những người ở trong một tập thể lớn đó phải sống dựa trên triết lý vật chất chỉ là tạm bợ và vô nghĩa. Họ coi nhẹ vật chất, chỉ cần “đủ ăn đủ mặc là thỏa lòng” theo như tinh thần của Kinh thánh 1Timothy 6:8 dạy.
Người thứ hai cũng thường được nhắc đến như một tác nhân tiên phong cho khái niệm Cộng Sản là triết gia người Anh, Sir Thomas More (1478-1535). Ông cho rằng một xã hội tốt đẹp khi tất cả tài sản là của chung và được quản trị bởi một nhóm người được tín nhiệm để phân phối vật chất tùy theo nhu cầu của từng người. Điều kiện cần thiết ở đây là nhóm người quản trị đó phải thật sự thanh liêm và công chính.
Dựa trên ý niệm này, Chủ Nghĩa Cộng Sản có nghĩa là một cộng đồng dân chúng sống chung hòa với nhau trong cùng một lối sống và mọi người đều bình đẳng trong xã hội. Mô hình sống chung này được thể hiện rõ nét trong giai đoạn đầu của Hội Thánh của Chúa Giê-su, vào những năm đầu của thế kỷ thứ nhất. “Những người tin Chúa Giê-su đều hiệp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung. Bán hết gia tài điền sản mình mà phân phát cho nhau, tùy sự cần dùng của từng người. Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ, còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà” (Sách Công Vụ 2:44-46). Hội Thánh ban đầu làm được điều này là vì ba lý do chính sau: (1) Họ xem nhẹ vật chất và nặng phần tâm linh; (2) Họ tin rằng Chúa Giê-su sẽ trở lại ngay cho nên sẳn sàng sống vì Chúa trong mọi đàng ngay cả bán điền sản để làm của chung; (3) Số lượng của họ còn nhỏ, vài ngàn người, cho nên rất dễ quản trị.
SỰ HÌNH THÀNH
Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ nhất diễn ra từ giữa thế kỷ thứ 18 đến giữa thế kỷ thứ 19. Trong giai đoạn này, nền kinh tế dựa vào tay chân và qui mô nhỏ đã được thay thế bằng máy móc và qui mô lớn. Các nghành công nghiệp như sản xuất máy móc, dệt, năng lượng, sắt thép, đường sắt, kênh đào giao thông, động cơ hơi nước… đã đưa Châu Âu vào thời đại công nghiệp. Đây là lúc chuyển đổi của Chế Độ Phong Kiến sang Chế Độ Tư Bản. Những công xưởng sản xuất được thành hình đi kèm theo chế độ lao động, sinh ra giai cấp chủ nhân và giai cấp công nông. Sự khác biệt quyền lợi và quyền hạn của hai giai cấp tạo nên khoảng cách và sự bất bình đẳng trong xã hội. Điều này khiến các cuộc cách mạng vô sản nổ ra. Tiêu biểu là Cách Mạng Pháp (1789-1799), gieo hạt giống của Chủ Nghĩa Cộng Sản và Chủ Nghĩa Xã Hội.
Karl Marx (1818-1883) và Friedrich Engels (1820-1895) là hai lý thuyết gia đã sinh ra triết lý Marxist. Triết lý này đổ lỗi cho sự khác biệt về quyền hạn và quyền lợi giữa giai cấp chủ nhân (tư bản) và công nông (vô sản) là do Chủ Nghĩa Tư Bản, thiểu số những người giàu làm chủ các công ty của nền công nghiệp và nắm quyền của xã hội. Đến năm 1848, hai ông đã đi đến chỗ cực đoan trong triết lý của mình là đưa ra Tuyên Ngôn Cộng Sản (ngày 21 tháng 2 năm 1848).
Người Cộng Sản chủ trương đấu tranh giai cấp cách quyết liệt để triệt hạ toàn bộ thành phần tư sản trong xã hội. Tuyên Ngôn Cộng Sản viết, “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp. Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, thợ cả phường hội và thợ bạn, nói tóm lại, những kẻ áp bức và những người bị áp bức, luôn luôn đối kháng với nhau, đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc hoặc bằng một cuộc cải tạo cách mạng toàn bộ xã hội, hoặc bằng sự diệt vong của hai giai cấp đấu tranh với nhau.
Mục đích trước mắt của những người cộng sản là tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền.
Người Cộng Sản đặt thế giới Cộng Sản lên trên quyền lợi của đất nước mình và luôn tranh giành quyền lãnh đạo độc tôn. “Những người cộng sản chỉ khác với các đảng vô sản khác trên hai điểm: Một là, trong các cuộc đấu tranh của những người vô sản thuộc các dân tộc khác nhau, họ đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và chung cho toàn thể giai cấp vô sản; Hai là, trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh giữa vô sản và tư sản, họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào.”
Tuyên ngôn này cũng đưa ra mười phương cách xóa bỏ Chủ Nghĩa Tư Bản và thành lập Chủ Nghĩa Cộng Sản.
Xóa bỏ quyền sở hữu ruộng đất và mướn đất của tư nhân, trao nộp hết vào mục đích công của nhà nước.
Áp dụng thuế cấp tiến.
Xoá bỏ quyền thừa kế.
Tịch thu tài sản của tất cả những kẻ lưu vong và của tất cả những kẻ chống đối.
Tập trung tín dụng vào tay nhà nước, thông qua một ngân hàng quốc gia với tư bản của nhà nước và ngân hàng này sẽ nắm độc quyền hoàn toàn.
Tập trung tất cả các phương tiện truyền thông và vận tải vào trong tay nhà nước.
Tăng thêm số công xưởng và công cụ sản xuất bởi nhà nước; khai khẩn đất đai để cấy cầy và cải tạo ruộng đất trong một kế hoạch chung.
Thực hành nghĩa vụ lao động đối với tất cả mọi người, tổ chức các đạo quân công nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp.
Kết hợp nông nghiệp và công nghiệp, thi hành những biện pháp nhằm làm mất dần sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn.
10. Giáo dục công cộng và miễn phí cho tất cả các trẻ em. Xoá bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các khu công xưởng như hiện nay. Kết hợp giáo dục với sản phẩm công nghiệp.
Tuyên Ngôn Cộng Sản đã trở thành kim chỉ nam cho những người cộng sản Bôn-sê-vích vào đầu thế kỷ 20 và họ đã cướp được chính quyền tại Nga nhờ dựa vào lực lượng công nông. Sự khác biệt giàu nghèo đưa đến sự căm tức của giai cấp công nông và được khích động bởi triết lý Cộng Sản, những người Bôn-sê-vích đã khơi bừng lên lòng thù hận và tranh giành quyền lực. Nhờ vào sự kết thúc của Thế Chiến Thứ Hai và Chiến Tranh Độc Lập của các thuộc địa, người Cộng Sản đã cướp được chính quyền thêm nhiều nơi trên thế giới như Đông Đức, Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba, Bắc Hàn, Campuchia …
HẬU QUẢ
Tại Nga: Xã hội Nga giai đoạn đầu dưới thời Xã Hội Chủ Nghĩa, sinh ra hai hệ cấu trúc xã hội: Cộng Sản ở thành thị và Tư Bản ở nông thôn. Tại nông thôn, các điền chủ vẫn tồn tại và tạo nên một thế lực ngăn cản sự xóa bỏ quyền sở hữu đất tư nhân để quốc hữu hóa đất vào tay nhà nước. Vì thế dưới thời Lê-nin và đặc biệt là Stalin, đã có chính sách tận diệt các điền chủ. Theo “The Black Book of Communism” “Quyển Sách Đen của Chủ Nghĩa Cộng Sản,” dưới thời Lê-nin đã giết chừng 1.5 triệu người trong chiến dịch tận diệt điền chủ. Tồi tệ hơn là dưới thời Stalin, chỉ trong năm 1937 và 1938 đã có trên 1.5 triệu người bị giết, trong đó có 700,000 bị xử bắn. Năm 1936 có hơn 5 triệu người Nga bị giam trong các tù cải tạo. Vì muốn tiến nhanh lên công nghiệp hóa cho nên Stalin đã tạo ra cơn đói năm 1932-33, có chừng 8 triệu người chết, được biết dưới tên “Holodomor.”
Tại Trung Quốc: Mao Trạch Đông lãnh đạo Đảng Cộng Sản cướp chính quyền vào năm 1949, lập ra nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (the People’s Republic of China). Chính sách hợp tác xã và tập trung vào công nghiệp hóa đã khiến cho 30 đến 40 triệu người chết vì đói. Ông cũng giết nhiều người thuộc giới trí thức và tư sản. Câu nói để đời của Mao, “Tần Thủy Hoàng chôn sống 460 học giả, nhưng chúng ta đã chôn sống 46.000 (46 ngàn) học giả.”
Theo số liệu của Victims of Communism Memorial Foundation (Tổ Chức Tưởng Nhớ Nạn Nhân của Chủ Nghĩa Cộng Sản), gần 100 triệu người chết vì nạn Cộng Sản qua đấu tố giết hại, thanh trừng, giết trực tiếp, thủ tiêu, đói chết… và được chia theo các quốc gia như sau:
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa: 65 triệu
Liên Xô: 30 triệu
Cam-pu-chia: 2 triệu
Bắc Hàn: 2 triệu
Phi Châu: 1.7 triệu
Áp-ga-nis-tan: 1.5 triệu
Đông Âu: 1 triệu
Việt Nam: 1 triệu
Châu Mỹ La-tin: 150,000
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/100-year-communism-12182018101335.html
Hơn 9.300 vụ tấn công mạng
nhắm vào Việt Nam trong năm 2018
Đã có hơn 9.300 vụ tấn công mạng nhắm vào các website của Việt Nam từ đầu năm đến nay, theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) – Bộ Thông tin và Truyền thông, đưa ra trong phiên khai mạc chương trình diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng toàn quốc năm 2018 được tổ chức vào ngày 18/12.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Trung tâm, các vụ tấn công gồm cả ba loại hình là tấn công lừa đảo (phishing), tấn công thay đổi giao diện (Deface) và tấn công cài mã độc (Malware). Các tấn công từ chối dịch vụ phân tán DDos mặc dù vẫn còn cao nhưng đã giảm trong quý 3.
Ông Lịch cho biết Việt Nam hiện được xếp thứ 3 trong top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng máy tính ma, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc.
Có 5 loại hình tấn công nhiều nhất với các trang mạng Việt Nam được VNCERT đưa ra gồm: tấn công thu thập thông tin, tấn công leo thang đặc quyền, tấn công từ chối dịch vụ, tấn công chiếm quyền điều khiển và tấn công mã độc. Trong số này, đại diện VNCERT đánh giá tấn công mã độc là nguy hiểm và phổ biến nhất trong năm 2018, đặc biệt là loại mã độc tống tiền ransomware nhắm vào các thiết bị di động như điện thoại, máy tính bảng… và điện toán đám mây.
Năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng gây nhiều tranh cãi. Chính phủ Việt Nam hy vọng luật mới sẽ giúp bảo đảm an toàn an ninh mạng cho Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng một số quy định trong luật như quy định về nội địa hóa dữ liệu có thể tạo lỗ hổng cho các vụ xâm nhập tấn công mạng ở Việt Nam.
Xăng chịu thuế môi trường cao hơn
từ 1/1/2019, dân đòi minh bạch
Xăng dầu ở Việt Nam sẽ chịu mức thuế môi trường cao hơn sau chưa đầy 2 tuần nữa, khi bước sang năm 2019. Bên cạnh đó, mới đây, Bộ Tài chính đề nghị một số bộ khác, trong đó có Bộ Giao thông Vận tải xây dự đề án thu phí môi trường đối với khí thải.
Những động thái này làm nhiều người lo ngại về các gánh nặng chi tiêu tăng lên, đồng thời, họ cũng lên tiếng đòi nhà nước minh bạch về việc sử dụng thuế phí thu được.
Theo biểu thuế bảo vệ môi trường áp vào xăng dầu được một ủy ban quốc hội Việt Nam thông qua hồi tháng 9, mức thuế đối với xăng sẽ là 4.000 đồng/lít từ ngày 1/1/2019, tăng hơn 33% từ mức 3.000 đồng/lít hiện nay. Xăng là nhiên liệu chính của đại đa số người Việt đi lại bằng xe máy.
Nếu giá xăng cơ sở – không gồm các thuế, phí khác – là 10.000 đồng/lít, mức thuế môi trường 4.000 đồng/lít cũng có nghĩa là tỷ lệ thuế trên giá xăng cơ sở của Việt Nam tương đương 40%. Một số quan chức Việt Nam được báo chí trong nước trích lời cho rằng tỷ lệ này thấp hơn một số nước láng giềng như Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Trong khi đó, thuế môi trường đối với dầu diesel, thường dùng cho xe tải, tàu thuyền và các loại máy móc, sẽ có tỷ lệ tăng ít hơn, từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.
Mức thuế này đánh vào dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu mazut cũng sẽ tăng lên 2.000 đồng/lít, nhưng có tỷ lệ tăng hơn gấp đôi so với mức 900 đồng hiện hành.
Các báo Việt Nam nói biểu thuể mới có hiệu lực từ ngày đầu năm mới 2019 là một động thái có tính toán nhằm giảm tác động tăng giá các mặt hàng xăng dầu tới chỉ số giá tiêu dùng của năm 2018, vì chính phủ muốn đảm bảo mục tiêu kiềm giữ lạm phát dưới 4% trong năm.
Một số báo hồi tháng 9 dẫn lời ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, trấn an rằng giá xăng dầu “chỉ tác động 0,07 – 0,09% chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 do xăng dầu chỉ là 1 trong 11 nhóm mặt hàng được đưa vào rổ tính CPI”.
Cùng thời điểm, theo một bài báo của VNExpress, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đưa ra tính toán rằng nếu điều chỉnh thuế môi trường đánh vào xăng dầu, mỗi năm ngân sách sẽ có thêm hơn 15.700 tỷ đồng, và ông đề nghị rằng khi lập dự toán ngân sách năm 2019, khoản thu từ thuế môi trường sẽ được dùng chi cho bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhất trí rằng tiền thuế môi trường thu về ngân sách phải chi lại cho bảo vệ môi trường. Theo bà, có như vậy, người dân “mới thấy sòng phẳng, chứ không phải thu chỗ này chi cho chỗ khác”, bài báo của VNExpress cho hay.
Trong khi đó, Bộ Tài chính đã ra báo cáo đăng tải trên tờ báo của bộ hồi tháng 5 cho biết trong giai đoạn 2012-2016, mỗi năm chi ngân sách nhà nước cho việc bảo vệ môi trường đạt bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng, với tổng chi ngân sách là khoảng 131.857 tỷ đồng, cao hơn số thu thuế môi trường là khoảng gần 106 nghìn tỷ đồng trong cùng giai đoạn.
Bộ lý giải rằng các khoản chi gồm cả các khoản vay, viện trợ đã đưa vào ngân sách để chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường hoặc chi đầu tư phát triển cho công tác này.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội những ngày này, nhiều người bày tỏ nghi ngờ về tính hiệu quả của việc dùng ngân sách cho bảo vệ môi trường. Một người trong số họ, nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Lê Văn Dũng nói với VOA:
“Môi trường càng ngày càng thảm hại, các chỉ sổ môi trường càng ngày càng thê thảm, mà bây giờ các ông lại tăng thêm cái phí nữa để đẩy thêm giá tiền vào xăng dầu, vào người tiêu dùng. Tôi có quan điểm là phải truy xét trách nhiệm của các cơ quan giám sát. Cái lỗ hổng ở đây là các cơ quan giám sát”.
Giữa lúc người dân lo ngại về gánh nặng chi tiêu sẽ tăng lên khi mức thuế môi trường cao hơn đánh vào xăng dầu sẽ có hiệu lực sau chưa đầy 2 tuần nữa, mới xuất hiện tin tức trên báo chí là Bộ Tài chính vừa đề nghị bằng văn bản đến các bộ Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, đề nghị họ xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Báo Dân Trí hôm 18/12 đặt câu hỏi phải chăng những người dân đi ô tô, xe máy “sắp chịu thêm một loại thuế mới?”
Nhà hoạt động Lê Văn Dũng nói tình trạng phí chồng phí trên giá xăng dầu đã diễn ra trong nhiều năm nay, song dường như người dân chưa nhận thức hết mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Ông cho rằng người dân cần lên tiếng mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền lợi của mình:
“Người dân ở Việt Nam giống như con ếch bị cho vào nồi nước luộc lên từ từ. Họ không biết những thuế đó làm túi tiền của họ vơi dần đi, bị bóc từng đồng từng đồng. Người dân Việt Nam hiện trong tình trạng rất là thê thảm. Có những thứ hàng ngày móc túi họ đi, hàng ngày rút bớt năng lượng của họ, hàng ngày rút bớt khẩu phần ăn bởi những chi phí rất vô lý đó”.
VN sử dụng khí hóa lỏng
vào năm 2020, lợi bất cập hại ?
Một mặt Việt Nam liên tục than phiền rằng là một trong những quốc gia sẽ bị biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng một mặt lại chuẩn bị nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), loại liệu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính càng làm tăng biến đổi khí hậu.
Thay vì thúc đẩy mạnh năng lượng tái tạo, Việt Nam lại có kế hoạch bắt đầu sử dụng LNG lần đầu tiên vào năm 2020. Quyết định sử dụng LNG là một bài toán đau đầu cho các quốc gia về việc cân bằng giữa chi phí năng lượng và bảo vệ môi trường.
Ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương giải thích rằng vì nền kinh tế tăng trưởng nhanh, nguồn cung năng lượng trong nước không thể theo kịp nhu cầu tiêu thụ điện.
“Việt Nam từng sản xuất và xuất khẩu năng lượng trong nhiều năm. Tuy nhiên, vào năm 2015, chúng tôi đã trở thành nhà nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là nhập than và khí đốt tự nhiên.”
Đối với Việt Nam, LNG là một lựa chọn, một phần là vì các nhà hoạch định chính sách tin rằng ngành năng lượng tái tạo bị hạn chế, khó phát triển.
Ông Lực nói rằng Việt Nam đã khai thác gần hết các tiềm năng thủy điện, trong khi đó khí đốt tự nhiên thì có giá thành rẻ hơn so với năng lượng gió hay năng lượng mặt trời.
Việc sử dụng LNG cũng đang được thảo luận vì Hoa Kỳ muốn quảng bá bán sản phẩm này cho Việt Nam, điều này sẽ cho phép các công ty Mỹ xuất khẩu thêm nhiên liệu hóa thạch sang Việt Nam.
Tại một cuộc hội thảo vào tuần trước về khí tự nhiên, bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, cảnh báo về tình trạng thiếu năng lượng sẽ xảy ra ở miền Nam Việt Nam.
Cũng tại hội thảo này, chuyên gia kinh tế môi trường Lê Việt Phú cho biết Việt Nam cần một nguồn năng lượng hỗn hợp đa dạng. Ông nói Việt Nam sẽ không từ bỏ năng lượng than, nhưng sử dụng nhiều khí đốt tự nhiên ít gây ô nhiễm hơn so với than, đồng thời các nguồn năng lượng thay thế khác được được phát triển.
Trong khi đó các nhà hoạt động môi trường khuyến cáo rằng Việt Nam không nên từ bỏ năng lượng thay thế, bao gồm nguyên liệu sinh khối.
Nhóm vận động môi trường CHANGE viết trên blog của mình: “Thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long là những khu vực có tiềm năng lớn nhất trong cả nước về các dự án phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và sinh khối, khu vực có nhiều giờ có ánh nắng và dồi dào các phụ phẩm nông nghiệp, như rơm, cám gạo và trấu.”
https://www.voatiengviet.com/a/vn-su-dung-khi-hoa-long-vao-nam-2020-loi-bat-cap-hai/4705732.html
12 văn phòng tư vấn du học VN
bị Nhật cấm nộp đơn xin thị thực
Chính phủ Nhật sẽ không chấp nhận đơn xin thị thực trong 6 tháng đối với 12 văn phòng tư vấn du học Việt Nam vì lo ngại nạn giả mạo hồ sơ và gia tăng tỷ lệ tội phạm.
Báo Nhật Pie News hôm 18/12 cho biết lệnh cấm được đưa ra theo yêu cầu của Bộ Ngoại Giao Nhật, theo đó Tòa Đại sứ Nhật tại Việt Nam sẽ bác hồ sơ của 12 cơ sở tư vấn du học từ nay cho đến 3/2019.
Báo này cho biết sau khi các viên chức lãnh sự Nhật điều tra trình độ Nhật ngữ của các đương đơn thì phát hiện có nhiều nghi vấn vi phạm hình sự.
Theo tờ The Mainichi, điều tra ban đầu cho biết có hơn 10% sinh viên Việt Nam được phỏng vấn không đáp ứng yêu cầu về trình độ tiếng Nhật, nhưng đối với các hồ sơ từ 12 văn phòng du học này thì con số đó đã lên hơn 30%.
Hiện nay các quan chức tòa đại sứ nghi ngờ rằng các văn phòng tư vấn du học này làm giả chứng chỉ trình độ tiếng Nhật và đưa vào hồ sơ xin thị thực.
Ông Tomohiro Miyai, Phó Giám đốc của Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản, nói với The PIE News rằng các lệnh cấm này tương đối ngắn nhằm để cảnh báo, giúp các cơ sở này cải thiện tình hình.
Trước đó, hôm 8/12, truyền thông Việt Nam loan tin rằng Toà Đại sứ Nhật Bản tại Hà Nội đã ra thông báo về một số công ty du học làm giả giấy tờ và có hành vi lừa gạt tại một số trường trung học phổ thông ở Hà Nội, những công ty này sẽ không được chấp nhận đại diện nộp hồ sơ xin visa.
Nguyên nhân chủ yếu là do các công ty du học đã có những hành vi không minh bạch trong việc cung cấp thông tin ứng viên như trình độ tiếng Nhật, năng lực chuyên môn hay khả năng tài chính; một số công ty khác còn có dấu hiệu đưa lao động sang Nhật trái phép núp bóng du học.
Báo Tuổi Trẻ ngày 8/12 loan tin, 5 cơ sở tư vấn du học của Việt Nam sẽ không được chấp nhận đại diện nộp hồ sơ xin visa Nhật từ ngày 1/12/2018 đến ngày 31/5/ 2019. Các công ty này đều có trụ sở tại Hà Nội.
Đất nước hình chữ S(ầu) nhưng chỉ được phép vui
Với hai bàn thắng trên sân khách và một bàn trên sân nhà, các cầu thủ trẻ Việt Nam đã lần thứ hai vô địch giải đấu bóng đá của các nước ASEAN. Khu vực này là vùng trũng của bóng đá châu Á khi chưa từng có đội tuyển quốc gia nào lọt vào World Cup. Mà tại vùng trũng ấy Việt Nam cũng phải mất 22 năm mới vô địch được hai lần, lần đầu tiên cách đây đúng 10 năm. Trong khoảng thời gian đó người Thái chạm cúp năm lần, Singapore bốn lần và Malaysia một lần, bằng với Việt Nam cho tới hôm 15/12 vừa qua.
Ấy vậy mà người dân ăn mừng cứ như Việt Nam vừa thắng World Cup. Ăn mừng tới mức một thanh niên Sài Gòn ngã ra đường bị xe bồn cán chết. Ăn mừng tới mức hai người khác ở Bà Rịa – Vũng Tàu chết khi “bàn nhậu nát bét dưới gầm xe khách”. Ăn mừng tới mức ở Lâm Đồng “nam thanh niên bị đâm chết khi xuống đường mừng chiến thắng”. Nhưng nếu người ta sẵn sàng chết trong ngày đại thắng thì tôi tuổi gì mà bàn.
Tôi cũng không có ý nói không nên ăn mừng. Cảm xúc ta thế nào cứ thể hiện như thế thôi. Miễn là thể hiện xong nên gói rác mang về nhà mà vứt chứ đừng để lại sân bóng hay dưới lòng đường. Thể hiện nhưng chịu khó đội cái nồi cơm điện để bảo vệ não. Thể hiện nhưng đừng chập mạch tới mức để mất mạng hay làm người khác mất mạng.
Tôi không xem được hiệp một trong trận Việt Nam – Malaysia ở Mỹ Đình nhưng xem hết hiệp hai qua Facebook Live của một kênh Malaysia. Quả thực các cầu thủ Việt Nam ở cả hàng công và hàng thủ đều chơi chắc chắn, xem đỡ thót tim hơn nhiều so với trước đây. Có bạn dè bỉu nói Việt Nam ăn may vì Anh Đức ghi bàn trong tình huống việt vị. Nhưng một số bạn am hiểu bóng đá nói nếu Anh Đức không ghi bàn trước thì Việt Nam đã không đá thiên về phòng ngự trong phần còn lại của trận đấu và tỷ số có khi còn cao hơn. Thực tế là các cầu thủ Việt Nam đã ghi được hai bàn trên sân khách trong khi Malaysia không ghi được bàn nào ở Mỹ Đình. Dù có hoà 0-0 hay 1-1 thì Việt Nam vẫn thắng.
Trở lại với chuyện người Việt chỉ được phép xuống đường khi vui, còn khi sầu xin cứ ở nhà, tôi xin được giải thích rõ thêm. Tôi có đọc ở đâu đó người ta xử lý hàng chục trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi ra đường đi bão đêm 15/12, nhưng tôi tin hôm đó số người không đội mũ có lẽ lên tới hàng ngàn hay hàng vạn. Có những clip trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát thậm chí còn đập tay ăn mừng với cả những người đi xe máy không mang mũ bảo hiểm. Vui là chính mà. Chấp gì.
Thế nhưng mai bạn buồn cứ thử xuống đường mà xem. Nếu bạn bị tư bản truyền thống hay tư bản đỏ bóc lột mà lại trả lương thấp bạn thử xuống đường kêu xem thế nào. Nếu bạn muốn bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh, bạn thử tụ tập lấy 20 bạn và diễu phố xem công an sẽ đập tay với bạn hay thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Nếu bạn có người thân bị đánh cho tới mức phải nhận tội và bị kết án từ tù nhiều năm tới tử hình, bạn thử xuống đường kêu oan xem sao.
Tôi từng có dịp nói chuyện với cây viết Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và thương bạn vô cùng khi thấy bạn bị trục xuất sang Hoa Kỳ sau vài năm ở tù. Cũng chỉ vì bạn hay xuống đường vì những người thấp cổ bé họng, vì những hàng cây, những con sóng biển không biết nói. Mà xuống đường là việc làm được Hiến Pháp khuyến khích các bạn nhé. Chỉ có điều chính quyền sợ các bạn quá nên không dám viết luật hướng dẫn các bạn làm theo đúng hiến pháp thôi.
Cũng chẳng phải vô cớ mà họ sợ đâu. Vừa rồi cháy lò mới ra một đống mặt chuột đấy. Từ uỷ viên Bộ Chính trị tới bộ trưởng, thứ trưởng, tới tướng, tới tá. Thuế bạn đi làm mửa mật mới có mà đóng nhưng chúng đốt hàng tỷ, chục tỷ, ngàn tỷ. Nhưng bạn đừng mơ xuống đường phản đối. Từ nhà tù lớn bạn sẽ vào ngay các nhà tù nhỏ với những cai ngục sẵn sàng chửi mắng và tát vào mặt bạn như Mẹ Nấm đã kể. Hay nếu họ không đánh thì sẽ sai “đại bàng” tẩn bạn. Cho chừa cái thói đủ thông minh để dùng quyền hiến định.
Cách hành xử thô bạo của những người chưa quên “bạo lực cách mạng” làm nhiều người nhụt chí. Nhưng xưa họ chẳng sợ như bạn đâu, họ liều lắm vì họ bảo “đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu, dấn thân vô là phải chịu tù đày”. Mà bạn có làm gì đâu? Bạn xuống đường đi dạo thôi mà. Dạo bộ vì người nghèo, dạo bộ vì môi trường, dạo bộ vì chó mèo. Giống như hàng vạn người dạo bộ vì quyền của người đồng tính hay hàng triệu người vỡ oà với niềm vui vô địch bóng đá trên mọi nẻo đường.
Bóng đá Việt Nam cứ 10 năm mới vô địch một lần trong 22 năm qua. Ở khoảng giữa có lẽ bạn cứ thoải mái ca “đời là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào”. Trong khoảng thời gian chờ được xuống đường mà không bị đánh đập đó, bạn ra đường có nguy cơ bị cảnh sát đòi tiền, bị tai nạn giao thông. Tới chỗ làm có thể bị bắt nạt, bị trả lương thấp một cách bất công mà chẳng có công đoàn nào giúp bạn. Nếu không may bạn có mảnh đất lọt vào mắt quan chức như đã xảy ra ở Thủ Thiêm, Văn Giang hay nhiều nơi khác, bạn sẽ chẳng cãi lại được miệng nhà quan đâu. Còn các quan làm đường theo kiểu vừa làm đã có ổ voi, quy hoạch thành phố cứ mưa là ngập, bệnh viện cứ đến là quá tải. Con bạn đến mẫu giáo không ăn có thể bị ăn tát. Còn đến lớp lớn hơn thì có khi ăn cả trăm cái tát nếu lỡ miệng văng tục. Rừng người ta đã và đang đốn khiến lũ lụt ngày một trầm trọng. Biển ô nhiễm khiến có lúc người ta không còn dám ăn hải sản.
Đấy chỉ là danh sách những thứ ai cũng thấy sờ sờ trước mắt. Còn dưới tấm thảm xã hội chủ nghĩa còn vô số thứ khác mà ông đốt lò đang đổ mồ hôi hột để xử lý. Nhưng tấm thảm đó xét về mặt đẻ ra những thứ vô văn hoá và đồi bại thì phải nói nó đúng là thảm thần. Nên ông đốt lò một mình chống lại mafia có lẽ chẳng được lâu đâu. Còn bạn nếu chỉ khi nào vui mới xuống đường thì những ngày còn lại cứ thoải mái ca “đời là vạn ngày sầu” đi nhé.
https://www.voatiengviet.com/a/dat-nuoc-hinh-chu-s-chi-co-niem-vui/4704052.html