Tin Việt Nam – 18/12/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 18/12/2017

Chính quyền nói

linh mục kích động vụ xô xát tại Giáo xứ Kẻ

Báo Nghệ An vào ngày 17 tháng 12 có bài viết cáo buộc linh mục Nguyễn Đức Nhân, cha xứ Kẻ Gai, đã ‘kích động giáo dân vi phạm luật pháp’.

Vụ việc được báo này thuật lại vào sáng ngày 17 tháng 12 năm 2017, linh mục quản xứ Kẻ Gai, Nguyễn Đức Nhân dùng loa phát thanh kích động bà con giáo dân đưa máy xúc, cuốc xẻng ra đào đất ruộng và phá mương thủy lợi để làm một con đường rộng khoảng 2,2 – 3 mét dài khoảng 80 mét.

Báo Nghệ An còn thuật rằng lực lượng chức năng yêu cầu những người tham gia hoạt động như vừa nêu giải tán, thu dụng cụ của họ; nhưng rồi linh mục Nguyễn Đức Nhân lại kích động một số người tấn công lực lượng chức năng và cán bộ chính quyền.

Về phía linh mục Nguyễn Đức Nhân, vào tối ngày 18 tháng 12, ông trình bày lại sự việc xảy ra với Đài Á Châu Tự Do như sau:

Giáo dân chưa xây dựng gì cả, họ chỉ mới đào mương trên đất của tổ tiên họ bao đời nay. Họ chỉ đào cái mương như thế để nước khỏi tràn vào thôi. Còn xây dựng gì thì chưa.

Tôi có nói với chính quyền rằng vấn đề thành lập giáo họ thì tôi sẽ viết đơn cùng với người dân trình bày với Đức Giám Mục Giáo Phận. Nếu Ngài đồng ý thì Ngài sẽ trực tiếp làm việc với chính quyền về thủ tục giấy tờ thành lập giáo họ. Lúc đó việc xây dựng mới tính sau.”

Linh mục Nguyễn Đức Nhân khẳng định là giáo dân Xứ Kẻ Gai vào sáng ngày 17 tháng 12 chỉ làm thủy lợi để nước khỏi tràn vào ruộng của họ. Mà phần đất làm thủy lợi là đất của ông bà, tổ tiên của những giáo dân từng canh tác trước đây.

Tuy nhiên lực lượng chức năng đến và một số thành phần thuộc tổ chức gọi là ‘Hội Cờ Đỏ’ tấn công khiến một số giáo dân bị thương.

Linh mục Nguyễn Đức Nhân nói về tình trạng này:

Bắt đầu lúc 6:20 sáng khi dân ra làm mương thủy lợi thì chính quyền nghĩ rằng người dân đang xây dựng gì đó nên đưa người đến. Xảy ra tranh cãi giữa hai phía. Sau đó những người thuộc Hội Cờ Đỏ từ hai xe đi xuống. Họ khoác cờ đỏ và nhào xuống đánh giáo dân ngay trước sự chứng kiến của Công an huyện Hưng Nguyên, xã Hưng Tây và cả sự chứng kiến của chính quyền huyện Hưng Nguyên và xã Hưng Tây. Cả hai ông chủ tịch xã Nguyễn Văn Thu và trưởng công an xã Hưng Tây, ông Lực, vừa trực tiếp tham gia đánh người, vừa chỉ huy, cổ vũ cho Hội Cờ Đỏ xuống đánh đập mấy phụ nữ; rồi một anh trong giáo xứ bị đánh bất tỉnh nằm trên đường. Tiếp đó họ điều Cơ động rất đông, vừa xe, vừa người, đến tại tuyến đường tránh Vinh.

Chúng tôi giải quyết nhẹ nhàng đến 5 giờ tình hình kết thúc.

Theo lời linh mục Nguyễn Đức Nhân thì khi xảy ra vụ việc ông có điện thoại cho ông Lê Xuân Đại, phó chủ tịch tỉnh Nghệ An. Vị linh mục này đề nghị phía tỉnh phải có biện pháp xử lý kỷ luật thích đáng đối với hai ông Nguyễn Văn Thu, chủ tịch xã Hưng Nguyên và ông Lực trưởng Công an Xã.

Linh mục Nguyễn Đức Nhân còn nói thêm là ông Sửu thuộc Công an Tôn giáo tỉnh Nghệ An hứa sẽ cố gắng giải quyết thủ tục đất đai và hết sức tạo điều kiện để thành lập giáo họ và xây dựng nhà thờ.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/local-government-accuses-priest-in-kegai-attack-12182017111812.html

 

VN “đừng nên coi bất đồng là thù địch”

Một số nhà hoạt động và quan sát xã hội dân sự ở Việt Nam nói với BBC họ đang gặp phải một đợt ‘theo dõi’, ‘tấn công mạng’ hay ‘tai nạn’ khó hiểu.

Hôm thứ Bảy, 16/12/2017, từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định cho BBC Việt ngữ hay ông bị một nhóm người là an ninh theo dõi, khi ông ra khỏi nhà tới thăm nhà người thân.

Từ sáng đến giờ tôi đi đâu cũng có 3, 4 người theo. Đến nhà thăm mẹ tôi, trông ra đã thấy hai chiếc xe gắn máy nằm trước cửa, phía trên có hai người nằm vắt vẻo nhìn vào lấm lét.LS Lê Công Định

Trên trang Facebook cá nhân của mình cùng ngày, Luật sư cho biết:

LS. Lê Công Định về bức tranh nhân quyền VN 2017

Phỏng vấn blogger Trương Duy Nhất và kỹ sư Nguyễn Lân Thắng

Quyền dân sự, chính trị ‘xuống cấp’ ở VN

Anh Quốc kêu gọi thả ngay Mẹ Nấm

“Từ sáng đến giờ tôi đi đâu cũng có 3, 4 người theo. Đến nhà thăm mẹ tôi, trông ra đã thấy hai chiếc xe gắn máy nằm trước cửa, phía trên có hai người nằm vắt vẻo nhìn vào lấm lét. Đây là hình nhân viên an ninh vừa chạy theo tôi đến đây.

“Khi thấy tôi ghi hình anh ta yêu cầu tôi bỏ máy xuống. Tôi hỏi vì sao anh ta theo tôi, thì được trả lời rằng: “Tôi theo anh vì mục đích gì cũng phải báo anh biết sao?” Tôi bảo anh ta không được phép xâm phạm quyền riêng tư của tôi, thì anh ta im lặng và cứ đi theo tôi. Hôm nay là ngày gì vậy?”

Các nhà quản trị các trang như Facebook hay YouTube cũng cần phải xem lại, hình như họ không hề thẩm định lại, nhiều người là những người viết blog, các nhà hoạt động rất đứng đắn, đàng hoàng, tử tế, chỉ bày tỏ quan điểm ôn hòa, nhưng khi nhận được report (báo cáo, đề nghị) của ai đó, là các trang đó bị đóng lại ngayBlogger Trương Duy Nhất

Hôm Chủ nhật, trong một chương trình phỏng vấn cuối tuần của BBC Việt ngữ, blogger Trương Duy Nhất khẳng định một số tài khoản của ông trên Facebook, hay trang blog cá nhân bị tấn công và khóa.

Trước đó, cùng ngày, ông nói với BBC qua điện thoại:

“Tôi không thể vào được các trang FB, YouTube hay blog của tôi. Ai đó đã gửi đi các yêu cầu gọi là ‘report’ hay báo cáo và các tài khoản của tôi đã bị khóa.”

Nhà báo tự do từ Đà Nẵng cũng nói về một điều mà ông mô tả là ‘khó hiểu’:

“Nhiều người khác trong giới viết blog hay anh em khác trong giới hoạt động xã hội dân sự cũng nói với tôi là họ cũng bị tương tự, trong cùng một ngày và trong cuối tuần này, thật khó hiểu. Dường như đang có một đợt sóng nhắm vào chúng tôi.”

‘Rủi ro, nguy hiểm’

EU và Mỹ tiếp tục kêu gọi Việt Nam thả Mẹ Nấm

Hội luận: Phúc thẩm Mẹ Nấm và câu chuyện giáo dục VN

Nhiều tổ chức lên tiếng về dân chủ ở VN trước APEC

LS Võ An Đôn chỉ còn ‘làm nông để mưu sinh’

Và ông Trương Duy Nhất cũng nói thêm qua điện thoại:

Nếu không có chiếc mũ bảo hiểm mà bây giờ bong, tróc, bẹp, thì hôm nay tôi đã chết. Tôi cũng đã phải băng vết thương của mình, ở bàn tay cũng có vết thương phải băng đâyTiến sỹ Phạm Chí Dũng

“Và tôi cũng phải nói là các nhà quản trị các trang như Facebook hay YouTube cũng cần phải xem lại, hình như họ không hề thẩm định lại, nhiều người là những người viết blog, các nhà hoạt động rất đứng đắn, đàng hoàng, tử tế, chỉ bày tỏ quan điểm ôn hòa, nhưng khi nhận được report (báo cáo, đề nghị) của ai đó, là các trang đó bị đóng lại ngay, gây ra sự bức xúc của nhiều người.”

Cùng ngày 17/11/2017, từ Sài Gòn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam nói với BBC:

“Ngày hôm nay, tôi đã cảm thấy như bị ai đó theo dõi, không khí rất lạ.

“Sau khi trao đổi điện thoại với một cơ quan truyền thông quốc tế ở hải ngoại, thì trên đường về, tôi suýt bị chết.

“Tôi đã bị ai đó đi xe máy theo từ đằng sau và đâm vào đuôi xe của tôi, đúng hơn là vào bánh sau, và tôi đã ngã tung ra khỏi xe.

“Nếu không có chiếc mũ bảo hiểm mà bây giờ bong, tróc, bẹp, thì hôm nay tôi đã chết. Tôi cũng đã phải băng vết thương của mình, ở bàn tay cũng có vết thương phải băng đây.”

Và nhà báo độc lập này nói với BBC:

“Tôi đã nhiều lần bị theo dõi, thậm chí bắt cóc bởi an ninh, có lần xảy ra ở cả nơi tôi đưa đón con đi học, nhưng hôm nay rất khủng khiếp, có thể nói là hoạt động báo chí độc lập, hay lên tiếng cho xã hội dân sự, cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam hiện nay, giới này đang gặp rất nhiều rủi ro và nguy hiểm,” TS Phạm Chí Dũng nói.

Trong một diễn biến khác, hôm Chủ Nhật 17/12, từ Hà Nội, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội gần đây gắn bó với các công tác trợ giúp khắc phục thiên tai, bão lụt, đói nghèo ở cộng đồng cho BBC hay:

“Tôi có theo dõi và được cho biết là sáng ngày 17/12, khi bà con giáo dân ở Giáo xứ Kẻ Gai thuộc Giáo Phận Vinh đang chuẩn bị xây dựng một ngôi nhà thờ thuộc xã Hưng Thịnh để tách họ thì nhà cầm quyền địa phương ở Tỉnh Nghệ An huy động một lực lượng lớn trong đó có các cảnh sát cơ động, công an cùng nhiều thành viên Hội cờ đỏ đến quấy phá và hành hung người dân,” ông Lân Thắng nói với BBC qua điện thoại.

BBC chưa có điều kiện kiểm chứng các thông tin trên trong dịp cuối tuần này, nhất là từ phía các tổ chức, cơ quan thuộc chính quyền địa phương mà các nhà hoạt động trực tiếp, hoặc gián tiếp đề cập.

‘Một năm đen tối’

Đại diện XHDS nói gì với phái đoàn ngoại giao EU?

Bộ trưởng Thụy Điển ‘sẽ gặp xã hội dân sự VN’

Tuy nhiên, cũng hôm 16/12, ngay trước một chương trình phỏng vấn cuối tuần từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định chia sẻ với BBC:

Việt Nam: Tự do Internet dậm chân tại chỗ?

“Tôi có thể nói năm 2017 là một năm rất đen tối với nhân quyền ở Việt Nam, giới hoạt động, bất đồng, đối lập bị đàn áp, bắt bớ, đe dọa rất nhiều, nhiều bản án bị xử rất bất công và nặng nề.”

Về triển vọng của năm mới 2018, nhà hoạt động này nói:

“Với những gì đã xảy ra trong năm nay, năm 2018, tôi không thấy sẽ có sự khả quan, hay tiến bộ gì hơn. Tôi chỉ khuyên và hy vọng nhà cầm quyền Việt Nam hãy thôi coi các tổ chức xã hội dân sự, giới bất đồng như những thế lực thù địch, mà ngược lại nên coi đó là những tiếng nói xây dựng,” ông nói với BBC Tiếng Việt.

Mới đây, hôm 10/12, nhân ngày Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhiều báo đài thuộc các cơ quan truyền thông chính thức của Nhà nước Việt Nam, đã lên tiếng cho rằng Việt Nam đã và đang đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ và được quốc tế, khu vực thừa nhận.

Truyền thông nhà nước nhấn mạnh qua các cuộc kiểm định phổ quát định kỳ về nhân quyền, quốc tế thừa nhận Việt Nam đã hoàn thành và cải thiện nhiều chỉ tiêu về quyền con người đã cam kết, báo chí nhà nước cũng cho hay thành tích nhân quyền của Việt Nam thể hiện qua việc nước này giành được ghế trong Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

Ngoài ra, thành tích còn được khẳng định qua phiên bản Hiến pháp gần nhất sửa đổi đã đưa vào nhiều điều khoản bảo vệ nhân quyền, cũng như liên tục tăng cường chất lượng sống của người dân, đảm bảo nhiều quyền tự do của công dân từ tự do tôn giáo, tín ngưỡng, cho tới các quyền của người đồng tính, chuyển giới, hay quyền của giới khuyết tật v.v…

Trước đó và trong nhiều năm qua, truyền thông chính thống liên tục nêu quan điểm của đảng và nhà nước Việt Nam khẳng định Việt Nam không có cái gọi là ‘tù nhân chính trị’ và ‘tù nhân lương tâm’, mà chỉ có những người vi phạm pháp luật đã bị xét xử theo luật pháp của Việt Nam.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42386202

 

Formosa bị phạt thêm 560 triệu vì chôn chất thải trái phép

Formosa Hà Tĩnh bị phạt thêm 560 triệu vì chôn lấp trái phép hơn 300 tấn chất thải rắn xuống đất nông nghiệp vào tháng 7/2016, theo truyền thông trong nước.

Hôm 16/12, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định số 3745/QĐ-UBND xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa.

Từ đầu tháng 7/2016, nhiều người dân đã phát hiện nhiều xe ô tô chở chất thải từ Công ty Formosa Hà Tĩnh về chôn lấp tại khu vực trang trại của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Quản lý Môi trường Đô thị Kỳ Anh.

Giới chức Hà Tĩnh sau đó phát hiện 100m³ chất thải màu đen có mùi hôi đang được tập kết, chôn lấp sơ sài dưới lòng đất.

Sau khi tiến hành tổng hợp, phân tích, hôm 1/8/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường kết luận: Bùn thải bị chôn lấp trái phép tại khu vực trang trại của ông Lê Quang Hòa đã được bốc xúc, lưu giữ với khối lượng là 390,72 tấn bao gồm cả đất đá bị lẫn.

Chất độc xyanua trong khối chất thải cũng bị phát hiện là vượt ngưỡng chất thải nguy hại.

Theo báo Zing, hàng trăm tấn rác thải có chữ Trung Quốc được người dân phát hiện nhiều nơi ở Hà Tĩnh.

Formosa ‘sẽ vẫn vận hành’ sau vụ nổ lò

Thủ tướng Phúc thăm Formosa Hà Tĩnh

Công bố 10 cán bộ liên quan đến Formosa

Công ty gang thép Formosa bị xử phạt 560 triệu vì hành vi “Không phân định chất thải nguy hại để quản lý theo quy định của pháp luật, chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.”

Còn công ty của ông Lê Quang Hòa bị xử phạt 450 triệu vì “Chôn lấp, đổ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường”

Vào hồi tháng Bảy năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến ‘thị sát’ nhà máy thép này.

Báo VnEconomy mô tả Thủ tướng Phúc đánh giá cao “sự cố gắng khắc phục nghiêm túc” của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).

Người dân Nghệ An lại tiếp tục kiện Formosa

Formosa: Người dân ‘chưa nhận đủ bồi thường’

Tháng 8/2016, 4 tháng sau khi bị phát hiện xả chất độc hại trái phép gây ra thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam ở 4 tỉnh vùng biển miền Trung, Formosa đã bồi thường 500 triệu USD, khoảng 11 ngàn tỷ VND.

Chính phủ Việt Nam tuyên bố dự kiến bồi thường hết cho người dân vào 30/6 năm nay, nhưng đến nay, nhiều người dân vẫn phản ánh với BBC rằng họ vẫn chưa nhận đủ hoặc chưa nhận một đồng tiền đền bù nào.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42389079

 

TBT Nguyễn Phú Trọng và hai năm ‘chỉnh đốn Đảng’

Đây là diễn biến mới nhất sau hai năm, kể từ Đại hội Đảng 12, khi ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đấu tranh “chống tham nhũng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.

Việt Nam: Diễn biến nhân sự cấp cao cuối năm

Vụ Đinh La Thăng: Đảng không cho ‘hạ cánh an toàn’?

Vụ ông Thăng: TBT Trọng ‘chọn đúng đối tượng’

‘Hồ sơ Trịnh Xuân Thanh ở Đức không đổi’

Sau khi được bầu lại làm Tổng Bí thư tháng Giêng 2016, ông Nguyễn Phú Trọng cùng giới chức trong Đảng đã ban hành hàng loạt văn bản về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Tháng 10/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Ủy ban Kiểm tra là đạo diễn chính

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Một trong những vụ kỷ luật lớn nhất, đến nay vẫn đang tiếp diễn, liên quan ông Trịnh Xuân Thanh, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, bị điều tra từ tháng 6/2016.

Bắt đầu từ việc ông Thanh dùng ô tô Lexus trị giá hơn 5 tỷ đồng gắn biển xanh, do báo chí đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản công bố điều họ nói là các vi phạm trong việc quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm…

Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương đều bị kiểm tra liên quan vụ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, người bị khai trừ Đảng.

Các ủy viên trung ương bị kỷ luật

Tháng 12/2016: Cảnh cáo hai cựu ủy viên Trung ương Đảng, Trần Lưu Hải và Huỳnh Minh Chắc

Tháng 1/2017: nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị xóa tư cách nguyên bộ trưởng

Tháng 4/2017: cảnh cáo nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang

Tháng 9/2017: ông Nguyễn Phong Quang, bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

Tháng 10/2017: ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng

Tháng 12/2017: ông Phạm Văn Vọng bị cách chức nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Cảnh cáo hai cựu ủy viên trung ương

Tháng 12/2016, hai cựu ủy viên Trung ương Đảng bị cảnh cáo vì liên quan việc đề nghị, tiếp nhận Trịnh Xuân Thanh từ Bộ Công thương về tỉnh Hậu Giang để giữ chức Phó Chủ tịch UBND Tỉnh.

Hai người này là ông Trần Lưu Hải, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương và Huỳnh Minh Chắc, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng bị Ban Bí thư khiển trách vì vụ này.

Xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương

Ông Trịnh Xuân Thanh đứng đầu Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) giai đoạn 2011-2013, bị cho là thua lỗ hơn 3.200 tỷ thời gian này.

Soát lại thẻ an ninh của ông Vũ Huy Hoàng

Vụ ông Vũ Huy Hoàng và niềm tin người dân

Câu chuyện Xuân Anh và những ‘hạt giống đỏ’

Đến tháng 8/2013, ông Thanh đã thôi toàn bộ các chức vụ ở PVC, nhưng được Bộ Công thương, dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đưa về Bộ, làm Phó Chánh Văn phòng Bộ.

Một năm sau, ông Thanh được bổ sung quy hoạch Thứ trưởng Công thương.

Vì vụ này, cộng thêm việc bổ nhiệm con trai Vũ Quang Hải vào các vị trí ở Tổng công ty thuốc lá Việt Nam và Sabeco, ông Vũ Huy Hoàng, vào tháng 11/2016, bị Đảng cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương giai đoạn 2011 – 2016.

Đến tháng 1/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương của ông Hoàng.

Điều tra Tập đoàn Dầu khí

Theo một bài báo trên trang web Ủy ban Kiểm tra Trung ương, “cũng từ việc” ông Trịnh Xuân Thanh có những sai phạm khi còn làm trong ngành dầu khí, nên cơ quan này “, đặt ra vấn đề phải gấp rút kiểm tra các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước”.

24 sếp PVN bị khởi tố tạo ‘chuyện không vui’?

‘Đại án dầu khí’ tác động cải cách ở VN thế nào?

Ủy viên Bộ Chính trị nào ở VN từng bị kỷ luật?

Ủy ban này nói khi điều tra Ban Thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, đã “phát hiện ra vi phạm” của Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn.

Trong một diễn biến hiếm có, ông Đinh La Thăng bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị hồi tháng 5/2017, và bị bắt tạm giam đầu tháng 12.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị ghi nhận đang trong cơn khủng hoảng, với việc hàng loạt cựu và đương kim lãnh đạo bị kỷ luật.

Nhóm lãnh đạo PVN giai đoạn 2009 – 2015 bị Đảng kết luận đã “thiếu trách nhiệm”, khiến mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank), và nhiều khoản đầu tư “bị tổn thất”.

Sự cố Formosa Hà Tĩnh

Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011-2016 Nguyễn Minh Quang bị cảnh cáo vì để xảy ra sự cố môi trường liên quan Formosa Hà Tĩnh xả thải hủy diệt đáy biển bốn tỉnh miền Trung.

Ông Võ Kim Cự sắp nghỉ hưu

Ông Võ Kim Cự tiếp tục bị ‘xóa tư cách’

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự, bị cách chức Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015, bao gồm các chức vụ Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Ông Võ Kim Cự đã nghỉ hưu từ đầu tháng 10 năm nay.

Kỷ luật các cựu ủy viên trung ương

Tháng 5/2017: ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bình Định bị cảnh cáo, do “có trách nhiệm trong việc bổ sung quy hoạch, bổ nhiệm đối với cán bộ không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn và không đúng quy định”.

TBT Trọng kỷ luật cựu Ủy viên Trung ương Đảng

Bí thư Đà Nẵng bị cách chức, ra khỏi Trung ương Đảng

Tháng 9/2017: ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn 2011 – 2016, bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

Ông Quang bị kết luận có những vi phạm, khuyết điểm “gây hậu quả rất nghiêm trọng”.

Tháng 10/2017: ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII

Tháng 12/2017: ông Phạm Văn Vọng, đã nghỉ hưu, bị cách chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Ông Vọng đã “bổ nhiệm một số cán bộ không bảo đảm nguyên tắc”, “chủ trương nhiều dự án có sử dụng đất không đúng quy định”, theo Ban Bí thư Đảng Cộng sản.

Đánh giá từ nước ngoài

Với giới quan sát nước ngoài, không ít người vẫn hoài nghi về thực chất chiến dịch chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam.

Một bài của Reuters hôm 11/12, sau khi ông Đinh La Thăng bị bắt, cho rằng chiến dịch chống tham nhũng nhằm “kiềm chế tham nhũng lớn”.

Nhưng chiến dịch cũng giúp ban lãnh đạo Đảng củng cố vị thế dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo bài báo.

“Dù các vụ bắt giữ có lên cao hơn hay không, uy thế của ông Trọng được bảo đảm trong nhiệm kỳ kéo dài tới 2021, và phe này có điều kiện tốt hơn để duy trì ưu thế cả sau đó,” bài báo nhận xét.

Từ Mỹ, chuyên gia về chính trị học Đông Nam Á Zachary Abuza bình luận với BBC:

“Toàn bộ vụ ông Đinh La Thăng, từ chuyện ông mất ghế ủy viên Bộ chính trị cho đến vụ xử đại án Ocean Bank, đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đầy ngạc nhiên, đều là những chỉ dấu cho thấy vụ này lớn hơn nhiều chứ không đơn giản chỉ là nhằm thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát.”

“Tất cả đều là chính trị. Ông Nguyễn Phú Trọng không chỉ củng cố vị trí của mình. Ông còn triệt hạ các đối thủ chính trị trước Đại hội Đảng sắp tới. Ông Trọng giờ đây đang ở vị thế không ai tấn công được.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42398990

 

Hơn 100 luật sư ký kiến nghị vì Võ An Đôn

Hơn 100 luật sư trên toàn quốc vừa gửi kiến nghị lên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam về quyết định kỷ luật ông Võ An Đôn, người bị Đoàn Luật sư Phú Yên xóa tên hồi cuối 11/2017.

Bản kiến nghị đề ngày 10/12, với 20 luật sư ký trực tiếp ngay từ đầu và khoảng 100 người khác ký bổ sung sau đó, kêu gọi Liên đoàn cân nhắc”dựa trên tinh thần bảo vệ đồng nghiệp, bảo vệ nghề luật sư, bảo vệ công bằng và lẽ phải”.

Theo luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một trong những người khởi xướng bản kiến nghị nói với BBC, thì những người ký tên muốn quyết định này về ông Võ An Đôn được xem xét lại.

VN “đừng nên coi bất đồng là thù địch”

LS Võ An Đôn chỉ còn ‘làm nông để mưu sinh’

Luật sư bảo vệ Mẹ Nấm sẽ bị xử nặng?

Luật sư là nghề ‘nguy hiểm ở Việt Nam’?

Hôm 26/11, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên “bỏ phiếu thống nhất hình thức kỷ luật xóa tên luật sư Võ An Đôn khỏi Đoàn Luật sư tỉnh”.

L‎ý do, là bởi ông Võ An Đôn đã “lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư Việt Nam” báo Tuổi Trẻ dẫn lời một thành viên Ban Chủ Nhiệm nói khi đó.

“Luật sư Võ An Đôn bị kỷ luật oan”

Tuy nhiên, bản kiến nghị của các luật sư gửi Liên đoàn nói rằng quyết định của Phú Yên là “chưa làm đúng trình tự”, trong lúc các phát ngôn của ông Đôn về hiện tượng luật sư “chạy án” trên thực tế “là một phần sự thật phũ phàng mà bất cứ luật sư hay người dân nào cũng biết và cảm nhận.”

Luật sư VN ‘vô vọng trong các vụ an ninh’?

Luật sư ở Việt Nam vẫn là ‘vật trang trí’?

TQ và cuộc chiến của các luật sư nhân quyền

Việt Nam và hai bài học quá đắt

Bên cạnh đó, bản kiến nghị cũng nêu ra những sai phạm liên quan tới việc kết luận ông Đôn “trả lời phỏng vấn của báo đài nước ngoài”.

Quyết định của Đoàn Luật sư Phú Yên là “quá khắc nghiệt và mang tính áp đặt”, bản kiến nghị viết.

Việc nhiều người tham gia ký kiến nghị là bởi “từ trước đến nay, việc kỷ luật luật sư [của các đoàn luật sư tỉnh, thành] là không oan, chưa từng gây bức xúc trong giới luật sư nên không có phản ứng, kiến nghị từ phía các luật sư” như vụ Võ An Đôn, ông Trịnh Vĩnh Phúc nói với BBC hôm 18/12/2017.

“Thông qua việc kiến nghị và thu thập chữ ký ủng hộ việc kiến nghị, chúng tôi thể hiện thái độ của mình đối với Quyết định kỷ luật và tình đoàn kết đối với đồng nghiệp.”

Vai trò của Liên đoàn Luật sư

Bản kiến nghị nhắc lại việc hồi 2015, Luật sư Võ An Đôn từng bị liên ngành nội chính thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đề nghị xử lý kỷ luật “do phát ngôn”.

Khi đó, Liên đoàn Luật sư đã “cử đoàn công tác” về địa phương và ra kết luận “bênh vực luật sư thành viên”, bản kiến nghị viết, và nêu rõ lần này Luật sư Đôn cũng bị Đoàn Luật sư Phú Yên kỷ luật cũng vì vấn đề “phát ngôn”.

Ông Trịnh Vĩnh Phúc nói ông hy vọng Ban Thường vụ Liên đoàn, là cấp có thẩm quyền xét lại quyết định kỷ luật ở cấp đoàn luật sư tỉnh thành, sẽ “có hướng giải quyết khiếu nại phù hợp” trong trường hợp Luật sư Võ An Đôn bị xóa tên lần này.

Ông Trịnh Vĩnh Phúc, người từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng, Kỷ luật của Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, cho biết trên thực tế từng có trường hợp bị đoàn luật sư xóa tên, nhưng được Liên đoàn Luật sư sửa án kỷ luật còn mức đình chỉ hoạt động có thời hạn, từ 6 tháng đến 24 tháng.

Bảo vệ đồng nghiệp

Tính đến 18/12, đã có 117 người ký tên vào bản kiến nghị, với danh sách đầy đủ đã được chuyển tới Liên đoàn.

“Nếu còn nhiều luật sư lên tiếng ủng hộ, chúng tôi sẽ cập nhật danh sách và gửi tiếp,” Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói với BBC.

Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên giới luật sư Việt Nam gửi kiến nghị bảo vệ đồng nghiệp, tuy đã từng có các trường hợp bị kỷ luật, bị xóa tên trước đây.

Đây cũng là sự kiện đánh dấu việc giới luật sư Việt Nam từ các tỉnh thành trong Nam, ở miền Trung và ngoài miền Bắc lần đầu tiên có nhiều người cùng tham gia thể hiện quan điểm ngoài khuôn khổ các hoạt động chính thức do Liên đoàn, các đoàn luật sư hoặc giới hữu quan tổ chức.

Trước đây, hồi cuối 2015, tin tức nói có chừng 200 luật sư lên kế hoạch tổ chức tuần hành tại để phản đối việc hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân bị hành hung trong vụ “bụi Chương Mỹ”.

Tuy nhiên, việc tuần hành đã không diễn ra.

Liên quan đến các hoạt động của xã hội dân sự mà vai trò của luật sư đóng một phần quan trọng, gần đây, luật sư Lê Công Định từ TPHCM nói với BBC rằng “chính quyền đừng nên coi xã hội dân sự và giới bất đồng là thù địch”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42399890

 

Chuyện gì đã xảy ra ở Giáo xứ Kẻ Gai?

Sắc đỏ màu cờ lẫn trong sắc xanh màu áo công an, mưa và bùn vùi trong tiếng la hét của người dân làm náo loạn vùng quê yên bình ở xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An hôm qua, 17/12.

Chính quyền nói người dân bị kích động quá khích nên đã “vận động, thuyết phục” người dân chấp hành pháp luật.

Một số người dân lại nói chính quyền cùng Hội Cờ Đỏ “tấn công và đánh dân”.

Vậy chuyện gì đã xảy ra tại một vùng quê ở Nghệ An?

Nghệ An: ‘Hội Cờ Đỏ’ tự phát nhưng được phép?

Hải Dương: Dân cáo buộc ‘bị đánh tàn nhẫn’

Linh mục Thục ‘không được xuất cảnh’

Theo trang web của Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An, sáng 17/12 “hàng trăm giáo dân giáo xứ Kẻ Gai, dưới sự kích động của linh mục quản xứ Nguyễn Đức Nhân đã tự ý chiếm đất sản xuất nông nghiệp để xây dựng nhà thờ.”

Xây nhà thờ ‘không phép’

Tuy nhiên trả lời BBC Tiếng Việt hôm 18/12, Linh mục Nguyễn Đức Nhân Quản xứ Kẻ Gai lại phản bác rằng có khoảng 60 hộ dân tự nguyện lấy một phần đất mà họ sở hữu, “có bìa đỏ” để dâng cúng, tách ra để xây dựng nhà thờ.

“Khoảng 6 giờ rưỡi sáng, hôm 17/12, khoảng 40 người, hầu hết là phụ nữ có tuổi, ra ruộng làm lạch mương để ngăn nước không chạy vào đất đã dâng cúng.

“Người dân bắt đầu đi làm thủy lợi được tầm 10-15 phút thì có người của chính quyền đến. Chính quyền nghĩ rằng họ đang xây dựng nhà thờ mà chưa có cấp phép, chưa thông qua chính quyền. Lúc đó tôi đang dâng lễ, tôi không rõ người dân và chính quyền tranh luận những gì.

“Khi dâng lễ xong, tôi có ra nói với chính quyền rằng đây là đất của họ. Họ đã xây dựng gì đâu, chỉ đào đất, để nước khỏi tràn vào làm ướt ruộng, rồi họ sẽ làm thủ tục tách giáo họ với tổng giám mục và phía chính quyền.

“Sau đó thì tự nhiên có hai xe khác chở người mặc quần áo thường phục khoác cờ đỏ sao vàng lao xuống dưới ruộng bắt đầu đánh đập người dân, có Chủ tịch xã Nguyễn Văn Thu và ông Lực, trưởng công an xã trực tiếp tham gia chỉ đạo đánh dân,” Linh mục Nhân cáo buộc.

Đất đai

Theo Đài TH Nghệ An, người dân đã lấn chiếm 9.000m2, được cho là đất canh tác theo Nghị định 64 của Chính phủ.

Đài này đưa thông tin rằng giáo xứ đã được cấp khoảng hơn 7,000m2 nhưng linh mục Nhân và “giáo xứ Kẻ Gai đã cố tình không nhận số diện tích đất này, tổ chức lấn chiếm 5.574m2 đất trái phép” và hôm qua đã cố tình lấn chiếm thêm.

Khi được hỏi về vấn đề này, linh mục Nhân nói “là câu chuyện dài, không thể nói gọn” và “báo chí Việt Nam không ưa ai sẽ viết vậy”.

“Nói bác bỏ thông tin trên thì đơn giản quá, tạm thời tôi chưa đưa ra bình luận nào,” ông Nhân nói.

Tuy nhiên, ông nói rằng 60 hộ đã tình nguyện dâng cúng một phần đất gộp lại tổng cộng 10.000m2 để tách ra làm giáo họ và xây dựng nhà thờ riêng.

Thêm vào đó, linh mục Nhân cáo buộc rằng có khoảng trên dưới 100 người đeo cờ đỏ và 100 cảnh sát cơ động đã đến đánh đập người dân.

Đài TH Nghệ An cho hay một số cán bộ chiến sỹ công an và đoàn viên thanh niên bị đánh trọng thương, phải đưa đi cấp cứu, điều trị.

Về phía giáo dân, linh mục Nhân cho biết có ông Võ Đình Vạn, 43 tuổi ở Xóm Bắc Kẻ Gai bị ông Thu và ông Lực đánh vào đầu vào bụng và bất tỉnh và đến giờ gia đình cho biết “sức khỏe của ông Vạn có chiều hướng xấu”.

‘Rút cảnh sát cơ động’

Clip trao đổi giữa linh mục Nguyễn Đức Nhân và giáo dân với một số cán bộ xã Hưng Tân và huyện Hưng Nguyên, do người dân quay lại đăng lên Facebook:

Người phụ nữ bị lấm đầy bùn và chảy máu ở miệng được cho biết là bà Nguyễn Thị Lệ, 73 tuổi cũng trú ở Xóm Bắc, linh mục Nhân cho biết dựa trên thông tin biên bản làm việc cuối giờ chiều hôm qua.

Theo clip đăng trên Facebook, nhiều người dân bức xúc đã yêu cầu bốn cán bộ là ông Lê Văn Thái, Trần Văn Hiển, Vương Trường Sinh và Võ Đình Chỉ phải làm biên bản tường trình vụ việc.

“Nhưng ông Phó chủ tịch Tỉnh Lê Xuân Đại gọi điện thoại cho tôi, yêu cầu tôi đảm bảo an toàn cho bốn vị trên. Tôi đồng ý nhưng yêu cầu phải rút cảnh sát cơ động về. Tầm 12-1 giờ chiều, cảnh sát cơ động rời hiện trường nhưng tập trung ở một bãi đất cách 100m,” Linh mục Nhân nói.

“Sau đó khi làm việc với bốn người ngày, vì không liên lạc được với ông Thu và ông Lực, chúng tôi vẫn không giải quyết được gì, thì tôi nghe thông tin là có 4-5 xe cơ động tập trung trên đường tránh (từ TP Vinh). Lúc đó là 4 giờ 30 rồi mà ông Đài nói sẽ rút quân mà giờ lại điều tiếp, tôi thấy họ có ý định gì đó nên bảo dân về nhà hết, dù điều khoản từ phía chính quyền không được chấp nhận.”

Vụ việc kết thúc vào tầm 5 giờ chiều, ông Nhân cho biết.

“Hôm qua tôi có nói chủ tịch tỉnh Nghệ An xử lý kỷ luật với ông Thu và ông Lực. Ông Đại đồng ý sẽ xem xét kỷ luật. Không thể để chủ tịch xã, trưởng công an xã đánh đập dân tàn nhẫn mà còn chỉ huy cổ vũ cho đội cờ đỏ đánh.”

BBC đã cố gắng liên lạc với ông Lê Xuân Đại để xác minh các thông tin trên nhưng ông không nhấc máy.

Một vài tháng trước, tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã có hiện tượng một số nhóm dân cư khoác áo đỏ, cầm quốc kỳ, được cho là người của Hội Cờ Đỏ đã tụ tập, và lên tiếng phản đối các cha xứ địa phương.

Họ cũng tổ chức sự kiện “ra mắt Liên minh Hội Cờ đỏ Bảo vệ An ninh Tổ quốc” tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, nơi các linh mục linh mục địa phương, đã làm đơn khởi kiện Formosa và nhiều lần dẫn dắt giáo dân biểu tình chống lại Formosa.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42389080

 

Chưa có ngày xét xử đối với ông Lưu Văn Vịnh

Gia đình nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh đang bị cầm tù cho biết họ vẫn chưa được thông báo ngày ông Vịnh ra tòa là ngày nào, dù hơn một năm đã trôi qua kể từ khi ông Vịnh bị bắt với cáo buộc tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.

Bà Lê Thị thập, vợ của nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh, người bị bắt với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ cho biết đài Á Châu Tự Do biết thông tin như sau:

“Bên Viện Kiểm sát họ chuyển hồ sơ qua tòa nhưng họ cũng không thông báo với luật sư hay gia đình, thành ra họ chưa thông báo ngày nào xử. Luật sư cũng chưa được tiếp xúc với hồ sơ kết tội của anh Vịnh mà họ chuyển qua tòa. Bây giờ luật sư đang đến để tìm hiểu và tiếp xúc hồ sơ nên gia đình chưa nắm bắt được gì.

Sức khỏe của chồng tôi thì nói chung là gầy, yếu hơn hôm bị bắt đi nhiều nhưng tinh thần của anh vẫn ổn định và vẫn cương quyết là anh bị bắt oan nên anh ấy không sợ.

Họ khép anh vào một tội danh quá hoang tưởng vì anh chưa hoạt động gì cả mà họ kết anh vào tội nặng nhất là âm mưu lật đổ chính quyền. Tôi thấy quá hoang đường, không thể kết tội như thế. Tôi thấy ở trong chế độ độc tài này họ thích khép ai thì khép. Mình có kháng án hay thế nào thì họ vẫn thích khép như vậy, mình chẳng làm gì được họ vì quyền hành nằm trong tay họ.”

Ông Lưu Văn Vịnh bị bắt vào ngày 6 tháng 11 năm ngoái.

Trước đó vào tháng 7 năm 2016, ông ra tuyên bố thành lập ‘Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự Quyết’. Mục tiêu của tổ chức mà ông Lưu Văn Vịnh đưa ra là đòi đảng cộng sản Việt Nam trao trả quyền lực lại cho người dân; cho trưng cầu dân ý những vấn đề hệ trọng của đất nước.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/no-date-set-for-another-dissident-s-trial-12182017085142.html

 

Sức khỏe tù chính trị Trần Anh Kim xấu đi trong tù

Tình hình sức khỏe của tù chính trị, cựu Trung tá Trần Anh Kim, đang xấu đi trong nhà tù.

Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Thơm, vợ của ông Kim nói với RFA vào ngày 18/12.

“Sức khỏe của cựu trung tá Trần Anh Kim yếu lắm, bây giờ bị bệnh viêm tiền liệt tuyến phình to lắm nhưng còn đang viết đơn để xin lãnh đạo trại cho đi chữa bệnh ở viện bên ngoài. Bệnh nặng nên bệnh viện cơ sở không mổ được mà phải lên tuyến tỉnh. Cho nên bây giờ phải chuyển đơn lên lãnh đạo cao hơn để người ta duyệt. Bây giờ gầy và yếu lắm.”

Ngoài chứng bệnh viêm tiền liệt tuyến, bà Thơm cho biết ông Kim còn bị chứng đau đầu do sọ não có vấn đề. Chứng bệnh này là hậu quả những năm tháng ông Kim tham gia chiến đấu chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.

Bà Thơm cũng nói rằng ông Kim liên tục khẳng định là ông bị oan và bản án 13 năm tù dành cho ông là quá nặng. Ông Kim hiện đang thụ án 13 năm tù tại trại giam số 5 huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Ông Trần Anh Kim, năm nay 69 tuổi, đã tham gia vào phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam từ năm 2006. Đến tháng 7 năm 2009 ông Kim bị bắt với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ luật Hình sự. Sau đó ông bị chuyển đổi tội danh sang điều 79 là hoạt động nhằm lật đổ chính quyền và bị tuyên án 5 năm 6 tháng tù giam.

Sau khi mãn án tù vào tháng giêng năm 2015, ông Kim vẫn kiên trì tham gia vào phong trào dân chủ và dự định thành lập một tổ chức có tên Lực Lượng Quốc Gia Dựng Cờ Dân Chủ. Đến tháng 9/2015, ông bị bắt lại cũng với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền và bị kết án 13 năm tù và 4 năm quản chế. Tuy nhiên nhiều luật sư và giới hoạt động dân chủ đều cho rằng ông Kim vô tội.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/political-prisoner-s-health-deteriorated-in-jail-12182017085627.html

 

Hai nhà tranh đấu

trong vụ án ‘Liên Minh Dân tộc Tự quyết’ kêu oan

Một luật sư bào chữa vừa tiếp xúc với hai nhà tranh đấu Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm nói rằng cả hai ông đều “vô tội.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh, thành viên của Đoàn Luật sư Tp. HCM, nói với VOA rằng cả hai ông Vịnh và Độ đều cho rằng mình bị “truy tố oan.”

“Tựu chung thì cả hai người đều cho rằng mình bị oan so với tội danh mà Viện Kiểm sát và Cơ quan Điều tra truy tố.”

Cả hai người đều cho rằng mình bị oan so với tội danh mà Viện Kiểm sát và Cơ quan Điều tra truy tố.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với VOA hôm 18/12/2017.

Luật sư Mạnh cho biết rằng ông đã vào trại giam Chí Hòa ở thành phố Hồ Chí Minh, gặp hai thân chủ của mình vào trung tuần tháng 12 dưới sự giám sát chặt chẽ và ghi chép cẩn thận của hai công an viên. Luật sư nói tình hình sức khỏe hai ông ổn định, tinh thần vững vàng và cả hai đều bác bỏ cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ Luật Hình sự.

“Đối với ông Lưu Văn Vịnh, ông cho rằng việc ông có ý kiến thành lập tổ chức vận động thay đổi chính trị, xã hội, các vấn đề mang tính nền tảng của đất nước là trách niệm của mỗi công dân… là hết sức bình thường. Hơn nữa, theo ông, đây mới là những ý tưởng ban đầu và chỉ họp bàn với một số người mà cho rằng ông có ý định lật đổ cả một chính quyền là không đúng và không phù hợp.”

Trước khi bị bắt vào tháng 11 năm 2016, ông Lưu Văn Vịnh làm nghề xây dựng. Ông được cho là người tổ chức và kêu gọi để xây dựng “Liên minh Dân tộc Việt Nam tự quyết” với mong muốn thay đổi nền tảng chính trị trong nước.

https://www.voatiengviet.com/a/hai-nha-tranh-dau-trong-vu-an-lien-minh-dan-toc-tu-quyet-keu-oan/4168493.html

 

100 năm tạp chí Nam Phong:

Khát vọng giáo dục quốc dân của lớp trí thức

Thu Hằng

Năm 2017 đánh dấu tròn 100 năm tạp chí Nam Phong ra mắt quốc dân. Số báo đầu tiên của Nam Phong được phát hành vào ngày 01/07/1917 và số cuối cùng vào ngày 16/12/1934, chấm dứt 210 số báo tiếng Việt, 210 phụ trương tiếng Pháp và 210 phụ trương tiếng Hán sau hơn 18 năm tồn tại.

Vào năm cuối cùng này, tờ báo chuyển từ nguyệt san sang bán nguyệt san với một nỗ lực mạnh mẽ đổi mới, như Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng viết trong số báo 199 kỷ niệm mười tám năm ra số đầu: « Tôi muốn từ nay Nam Phong không phải là một bà lão, Nam Phong lại là một cô thiếu nữ hây hây ».

Trả lời RFI tiếng Việt, nhà nghiên cứu Thủy Chi tại Hà Nội, nhận xét : Ám chỉ một bà lão ở tuổi 18 của một tờ báo mang nhiều ý nghĩa. Trước hết, nó gắn với hiện tượng thường gặp trong làng báo chí đương thời: việc đình bản và tục bản của các tờ báo trong một thị trường báo chí thuộc địa rất hẹp và nhỏ. Thứ hai, báo chí Việt Nam cho tới những năm 1930 đã chứng kiến một sự lột xác ngoạn mục, mà ví dụ là việc Phong Hóa với khẩu hiệu trẻ trung đã thay thế « vị trí rất cao trong văn giới, chính giới » của Nam Phong.

Dĩ nhiên Nam Phong sống thọ như thế một phần quan trọng là nhờ ở vai trò ở hậu trường của người Pháp với một ý định chính trị thực dân cáo già rất rõ ràng. Đó là nhằm loại trừ ảnh hưởng nước Đức, vốn được truyền bá gián tiếp qua phong trào Tân Thư, qua tên tuổi Lương Khải Siêu. Nam Phong không chỉ nhận được khoản trợ cấp để có thể ra báo một cách đầy đặn, mà còn được chính quyền thực dân hỗ trợ « tạo nên công chúng ».

Hồi ký của Hồ Hữu Tường cho biết ông cậu bà con của mình làm Hội Đồng « bị nhà nước ép mua dài hạn tạp chí nầy ». Song mọi việc nhanh chóng vượt khỏi những điều mà Louis Marty dự tính ban đầu khiến ta phải thừa nhận rằng Nam Phong tồn tại thực sự trong làng báo chí Việt Nam với tư cách một tờ báo lớn không thể chỉ là nhờ ý định chủ quan của giới thực dân mà còn chính ở những người trực tiếp chèo lái nó. Một trong số những công trạng quan trọng nhất cần kể đến là khát vọng giáo dục quốc dân của lớp trí thức.

Trong lời mở đầu cho số 1 Nam Phong, Phạm Quỳnh đã đặt ra một vấn đề quan trọng về vai trò học vấn: «Ông cha ta đã đề tạo ra cái tổ quốc ta, đã chung đúc thành cái quốc hồn ta, không ngờ rằng ngoài nước ta còn có nhiều nước khác, ngoài học vấn đạo đức của ta còn có nhiều học vấn đạo đức khác nữa mà có ngày ta không thể biết hết được. Ngày ấy nay đã đến. Người nước ta nay đã mở mắt tỉnh giấc mộng trăm năm, mở cái mắt mơ màng ra mà nhìn cái thế giới mới. Trông thấy những cảnh tượng lạ lùng mà kinh mà sợ […] Sống trong thời đại này tất phải có một phần trong sự hoạt động ấy».

Phạm Quỳnh như thế đã tóm tắt điểm chủ yếu nhất mà một trí thức Việt Nam đương thời phải đối mặt. Đó là tình thế « toàn cầu hóa » một cách bất đắc dĩ. Nhận thức của ông với tư cách một trí thức Tây học không chỉ bao gồm việc nhận ra « kẻ khác » mà còn hiểu rằng giờ đây ta phải sống cùng kẻ khác thì mới có cơ hội tồn tại trong thời mới.

Để tồn tại được cùng kẻ khác, giáo dục là một trong những cách mà thế hệ trí thức 1907 thực hiện nhằm gìn giữ những giá trị quá khứ. Thế mà chi phí giáo dục theo lối mới rất đáng kể đối với một gia đình thường thường bậc trung ở ngay Hà Nội khi đó. Vào thời điểm này, từng có Đông Kinh Nghĩa Thục tham gia giáo dục quốc dân rồi nhanh chóng bị chính quyền thuộc địa đàn áp và giải tán. Đồng hành cùng với họ là Đông Dương tạp chí do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút với những bài viết về học vấn Tây phương, nhưng cuối cùng bị đình bản.

Giáo dục quốc dân qua tạp chí

Với phụ đề « l’Information française » (Cơ quan thông tin của Pháp) trên măng séc, tạp chí Nam Phong lại có phụ đề khác bằng tiếng Việt Văn học Khoa học tạp chí. Các đề mục đặc biệt có liên quan tới giáo dục do các nhà tân nho như Phan Kế Bính và Nguyễn Đỗ Mục, hoặc các trí thức Tây học Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn đảm trách và được duy trì suốt trong suốt thời kỳ ra báo: Luận thuyết, Văn học bình luận, triết học bình luận, Khoa học bình luận, Văn tuyển, Tạp trở, Thời đàm, tiểu thuyết.

Bằng việc thiết kế như vậy, Nam Phong tự nhiệm về giáo dục như Đông Dương tạp chí từng làm. Cũng trong số đầu tiên, bức ảnh Albert Sarraut được chú thích là người thành lập Đại học Đông Dương chứ không phải bằng chức danh quan toàn quyền. Rõ ràng, tạp chí Nam Phong là một cách thức giáo dục dành cho quốc dân mà Phạm Quỳnh muốn theo đuổi. Với cách học qua tạp chí như thế, học không chỉ là lên lớp để lấy bằng, mà còn học để lấy tri thức như ông viết: « đương buổi bây giờ không cần cấp bằng gây lấy một cái cao đẳng học thức để thay cái học thức cũ đã gần mất ».

Theo bà Phạm Thị Ngoạn, trong nghiên cứu của mình, hoàn toàn có lý khi gọi Phạm Quỳnh cùng các bạn đồng chí là những « giáo sư » trong một trường học mở theo lối mới để đáp ứng một nhu cầu học mới. Trong hoạt động của kiểu trường học không có trụ sở này, giáo sư không giao bài cho học sinh, không sửa bài, mà chỉ muốn « tâm tình với bạn đọc như với bạn cố tri », nhận những câu trả lời từ bạn đọc để từ đó có những bài viết thể hiện được.

Tính chất trường học góp phần tạo nên tính điển phạm ở cả khía cạnh kiến thức lẫn hành vi của cuộc đời. Điều ấy còn tương ứng với một kỳ vọng khác của Phạm Quỳnh khi ông viết: « Nước cốt ở dân, dân chủ ở một bọn người gọi là « thượng-lưu », hay bọn « thức giả xã hội », như nhà có nóc vậy. Nhà không có nóc thì ở sao. Nước không có một bọn thượng-lưu trí-thức để giữ-gìn cái cốt-cách trong nước, thì sao gọi là một nước được? Có nhà danh-sĩ Pháp đã nói rằngNước Pháp sở-dĩ là nước Pháp, cũng chỉ nhờ bởi bốn năm mươi người đại-trí. Nếu không có bọn ấy thì nước Pháp không còn là nước Pháp nữa ».

Chi tiết « bọn bốn mươi người đại trí » của Hàn Lâm Viện Pháp, mà Phạm Quỳnh thường xuyên cho in lại trên Nam Phong những bài viết của các thành viên hoặc của các giáo sư đại học Paris, hàm ý tham vọng xây dựng một lớp trí thức mới mẫu mực, tinh túy cho thời đại mới.

Vậy ai là những thành viên có thể tham gia vào nhóm bốn mươi người Việt đó? Hẳn nhiên trước hết chính là những ai từng bỉnh bút cho Nam Phong giai đoạn đầu như Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Đôn Phục và Nguyễn Mạnh Bổng. Họ tất thảy đều có hai yếu tố rất quan trọng đối với giới trí thức Việt Nam đương thời: uy tín và tuổi tác.

Phạm Quỳnh cùng tờ báo của mình không chỉ hoàn thành một vai trò nhà báo đưa tin như cái măng-séc đã ghi ban đầu, mà còn có tham vọng giữ một tiếng nói chính thức về mặt học thuật đương thời trên trường trí thức mới đương thành lập. Dù tiếng nói đó đôi lúc trở nên học phiệt như Phan Khôi sau này từng lên tiếng, nhưng người ta không thể không ghi nhận một kỳ vọng lớn lao ấy của Phạm Quỳnh về lớp « thượng lưu trí thức để giữ gìn cốt cách trong nước, để bồi dưỡng cái quốc-túy ».

Phong Hóa vào những năm 1930 sẽ chấm hết sự tồn tại Nam Phong bằng giọng hài hước khi nhại lại câu « Thứ nhất sừ Uỳnh thứ nhì sừ Ĩnh ». Nhưng chắc chắn lớp trí thức tư sản như Nhất Linh, Khái Hưng đã được thừa hưởng rất nhiều từ cái khát vọng thượng lưu trí thức của Phạm Quỳnh như một nền tảng của trường trí thức thời hiện đại.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20171218-100-nam-tap-chi-nam-phong-khat-vong-giao-duc-quoc-dan