Tin Việt Nam – 18/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 18/10/2018

Mẹ Nấm và gia đình đặt chân tới Mỹ

Nhiều bình luận trên mạng xã hội đã bình luận về tin blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được thả tự do, đặt chân trên đất Mỹ đêm 17/10 (giờ Mỹ), khoảng 12 giờ trưa 18/10 giờ Việt Nam.

Các hãng thông tấn đã chờ đợi tại sân bay Houston từ nhiều giờ trước để ghi hình cảnh đón blogger Mẹ Nấm, thân mẫu Tuyến Lan, cùng hai con Nấm và Gấu, sau chặng bay dài trên chuyến bay EVA 52.

“Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho việc gặp gia đình nhưng vẫn sốc khi con trai và con gái ôm tôi trên máy bay… Chúng tôi đã chờ đợi hai năm trời rồi… Tôi không cô đơn và những tiếng nói tự do không bao giờ lạc lõng,” Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói với báo giới khi vừa đặt chân xuống sân bay George Bush tại thành phố Houston, Texas.

Trước đó nhiều bình luận trên mạng xã hội bày tỏ niềm vui khi blogger Mẹ Nấm được thả tự do, lên đường sang Mỹ.

Mẹ Nấm được trả tự do, lên đường đi Mỹ

Phim blogger Mẹ Nấm ‘gây sốc’ tại Bangkok

Clay Phạm: ‘Mạo hiểm để làm phim Mẹ Nấm’

Việt Nam phản đối Mỹ vinh danh Mẹ Nấm

Blogger Hoài Anh viết: “Chúc mừng blogger mẹ Nấm -Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã được trả tự do, đoàn tụ với mẹ, hai con nhỏ và cùng toàn thể gia đình rời Việt Nam đi Mỹ. Tôi ngắm nụ cười hiền hậu của em trong bức tranh vẽ với con gái đầu lòng mà rơi nước mắt mừng vui.”

Nhà hoạt động Võ Hồng Ly chia sẻ trên Facebook: “Cả gia đình 4 người của Mẹ Nấm đã được đoàn tụ và đang trên đường đến đất nước tự do. Chúc mừng chị và gia đình.”

Mẹ Nấm sẽ làm gì khi được tự do?

Tuy nhiên cũng có không ít băn khoăn.

Facebooker Nguyễn Hưng Quốc đặt câu hỏi Mẹ Nấm sẽ làm gì khi đến Mỹ. Ông viết: “Mừng cho chị và gia đình của chị. Sau bao nhiêu năm tranh đấu gay go, và sau đó, tù tội, chị xứng đáng để được hưởng một đời sống yên ả ở nước ngoài. Tuy nhiên, hẳn có nhiều người thắc mắc: Chị sẽ làm gì khi được tự do?””Thật ra, theo tôi, cũng giống bao nhiêu người khác trước chị, chị sẽ không làm được gì cả. Riêng những việc như học tiếng Anh (cũng như bao nhiêu cái học khác) và việc ổn định đời sống cho cả gia đình sẽ vắt kiệt hết thời gian và tâm sức của chị rồi. Bởi vậy, sau một quãng ồn ào ngắn ngủi, tất cả lại sẽ chìm vào im lặng. Và quên lãng.”

“Qua đó, chúng ta càng hiểu âm mưu thâm độc của nhà cầm quyền Việt Nam: Cho những nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ra nước ngoài là một cách tốt nhất để làm tắt tiếng nói của họ. Để vô hiệu hoá họ.”

“Dĩ nhiên, chúng ta không phê phán những người quyết định ra đi. Chúng ta không có cái quyền ấy: Đó là sự lựa chọn của họ. Họ đã chịu quá nhiều sự khốn khổ rồi. Họ cần được yên bình. Cho họ. Và cho con cái họ.”

Luật sư Lê Công Định bình luận: “Nhà cầm quyền muốn dùng án nặng để nâng giá thương thảo với các chính phủ nước ngoài đưa chị Quỳnh đi. Nên mức án 8-10 năm theo đề nghị của phía công tố có thể hiểu được. Một lần nữa, ở Việt Nam các vụ án chính trị không đặt ra những vấn đề pháp lý. Vì thế, nếu căn cứ các quy định luật pháp để đánh giá sự việc, chắc chắn câu trả lời sẽ thiếu chính xác. Tuy nhiên, chỉ ở những xứ cộng sản mới như thế, bởi luật pháp chưa từng được thượng tôn bao giờ.”

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh: “Té ra kết án thật nặng những nhà hoạt động dân sự đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ, bảo vệ môi trường… với mức án từ 10 năm trở lên là để được giá khi mang ra trao đổi.”

Luật sư Phùng Thanh Sơn: “Nghĩ mà cay đắng! Tù nhân Việt chỉ được tự do trên đất Mỹ, EU. Sao không phải là nơi chôn nhau cắt rốn của mình?”

Facebooker Đinh Văn Hải thì điểm sơ qua danh sách đã có ít nhất chín công dân Việt Nam bị trục xuất: Luật sư Cù Huy Hà Vũ, Điếu cày Nguyễn Văn Hải, Nhà báo tự do Tạ Phong Tần; Luật sư Nguyễn Văn Đài, giáo sư Phạm Minh Hoàng; Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Khải Thanh Thủy, Đặng Xuân Diệu, Lê Thu Hà.

Quốc tế nói gì?

Các tổ chức nhân quyền bày tỏ vui mừng trước tin Mẹ Nấm được trả tự do, nhưng cũng đặt vấn đề về “chiến lược đàn áp chính trị kiểu mới của Việt Nam”.

“Tuy chúng tôi hài lòng vì Mẹ Nấm và gia đình đã được tự do, nhưng hành động trả tự do này càng làm rõ thêm chiến lược đàn áp chính trị kiểu mới của Việt Nam: bắt giam các nhà hoạt động theo những tội danh nguỵ tạo và vi phạm nhân quyền, truy tố họ tại những phiên toà bỏ túi, và kết án họ với những mức án dài tới vô lý,” ông Phil Robertson: Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) phát biểu hôm 17/10/2018.

“Sau đó, khi mà hy vọng đã lụi tàn đi trước viễn cảnh (phải chịu đựng) nhiều năm tháng trong điều kiện kinh khủng sau song sắt, thì trả tự do cho họ, đổi lấy việc trục xuất họ và kể công.”

“Hà Nội đang nhằm tới việc cách ly và vô hiệu hoá từng nhà hoạt động nổi tiếng khỏi phong trào dân chủ và nhân quyền trong nước. Nhưng dư luận đừng nên quên rằng Việt Nam vẫn là một trong những nhà nước bạo tàn nhất ở Đông Nam Á, với hơn 100 tù chính trị đang bị giam vì đã nói lên quan điểm của mình, vì đã lập ra các hội nhóm không nằm trong tầm quản lý của chính quyền, và vì đã tổ chức tuần hành ôn hoà.”

Đại điện tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), ông Nicholas Bequelin, Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á thì cho rằng “đây là tin vui, nhưng cũng qua đó nhắc nhở mọi người về tình trạng bỏ tù bất cứ ai chỉ trích chế độ”.

Ông Nicholas Bequelin cũng nhắc lại con số gần 100 tù nhân chính trị hiện vẫn đang bị giam tại các nhà tù trên khắp Việt Nam, chỉ vì họ “phát biểu chính kiến của mình một cách ôn hòa: trước công luận hay trên Facebook”.

“Cuộc vận động thả tự do cho Mẹ Nấm nên trở thành một cú hích cho sự đổi thay từ phía các lãnh đạo Việt Nam,” ông Nicholas Bequelin viết trong thông cáo báo chí hôm 17/10.

‘Xuyên tạc và chống phá’

Hồi năm 2017, sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức vinh danh 13 phụ nữ từ các nước trên toàn cầu với giải thưởng Phụ nữ Quả cảm Quốc tế 2017, trong đó có blogger Mẹ Nấm, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khi đó nói hôm 30/3/2017:

“Việt Nam cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho một cá nhân đang bị tạm giam để điều tra vì hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước.”

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người cũng là nhà đấu tranh về môi trường, và nêu ra vấn đề ô nhiễm biển liên quan đến vụ Formosa, đã bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Bản án xử bà 10 năm tù sau đó đã bị các giới vận động nhân quyền quốc tế lên án.

Theo công an tỉnh Khánh Hòa, nơi chuẩn bị hồ sơ xử án, thì bà Như Quỳnh đã “soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân…”

https://www.bbc.com/vietnamese/45898303

 

Các tổ chức quốc tế

tiếp tục lên tiếng về việc Mẹ Nấm

Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) hôm 17 tháng 10 đã lên tiếng về việc Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được trả tự do và bị buộc rời Việt Nam để đến Mỹ.

Theo ông Daniel Bastard, người đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của RSF cho biết, RSF hoan nghênh việc trả tự do cho Blogger Mẹ Nấm, nhưng RSF không thể chấp nhận rằng một phụ nữ phải ở tù hơn hai năm chỉ vì muốn nói lên những sự thật.

Ông Daniel Bastard cũng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho hàng chục bloggers khác vẫn còn bị giam cầm chỉ vì cất lên tiếng nói ôn hòa.

RFS cũng nhắc lại lời kêu gọi ngay khi đến Mỹ của Blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh rằng chính quyền Việt Nam phải thả tất cả các nhà báo công dân khác đang bị cầm tù tại Việt Nam.

Cũng trong ngày 17 tháng 10, Tổ chức Văn bút Quốc tế – Pen America cũng đã lên tiếng về việc Blogger Mẹ Nấm được trả tự do. Theo Văn bút Quốc tế, đây là một dấu hiệu tích cực cho tự do ngôn luận tại Việt Nam.

Ông James Tager, Phó Giám đốc nghiên cứu và chính sách của Pen America bày tỏ vui mừng khi Blogger Mẹ Nấm được trả tự do và cho rằng cô không bao giờ nên ở trong nhà tù như thế vì viết blog không phải là một tội ác.

Ông James Tager cũng kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải trả tự do hàng chục blogger khác, những người đã bị cầm tù vì cất lên tiếng nói ôn hòa trên mạng xã hội.

Trước đó Blogger Mẹ Nấm được Văn bút Quốc tế chọn làm trường hợp tiêu biểu cho “Ngày của người cầm bút bị tù đày” năm 2017.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/RSF-PEN-on-the-release-and-exile-of-Mother-Mushroom-10182018090809.html

 

Y án 20 năm tù giam cho Lê Đình Lượng

Hôm 18/10, tòa án phúc thẩm Nghệ An vẫn quyết định y án 20 năm tù 5 năm quản chế cho nhà hoạt động nông dân Lê Đình Lượng.

Y án 20 năm và cấm ứng cử?

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết phiên tòa phúc thẩm diễn ra một cách nhanh chóng.

Ông Lượng, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, “luôn rất ôn hòa, hết sức bình thản, nhẹ nhàng, lúc nào cũng gần như đang cười, mặc dù cương quyết không nhận tội.”

Có một điều đặc biệt là hội đồng xét xử lại bổ sung hình phạt đó là cấm đảm nhiệm các chức vụ trong cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang trong 5 năm.

Vợ Lê Đình Lượng: Chồng tôi ‘bị gán ghép tội’

Ông Lê Đình Lượng bị 20 năm tù, án cao nhất cho giới đấu tranh

LS Đài: Vụ xử Lê Đình Lượng ‘còn nhiều bí ẩn’

…tại huyện Yên Thành, thật ra ông ấy giống như là một lãnh tụ tinh thần. Ông đã làm rất nhiều điều có ích cho người dân, tranh đấu với chính quyền về những bất công tại địa phươngĐặng Đình Mạnh, Luật sư bào chữa cho ông Lê Đình Lượng

“Bản thân nội dung hình phạt bổ sung đã nói lên ý định của chế độ đối với ông ấy. Dù 20 năm nữa thì ông ấy cũng hơn 70 tuổi rồi, không thích hợp để đảm đương chức vụ nhà nước, dân cử, nhưng có lẽ họ vẫn không muốn xảy ra khả năng đó,” ông Mạnh nói.

“Ở thành phố Vinh, thật ra ông Lượng không được nhiều người biết đến, nhưng tại huyện Yên Thành, thật ra ông ấy giống như là một lãnh tụ tinh thần,”

“Ông đã làm rất nhiều điều có ích cho người dân, tranh đấu với chính quyền về những bất công tại địa phương. Và rất có thể điều đó đã khiến ông trở thành cái gai trong mắt chính quyền.”

Ông Mạnh cho biết, cũng tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay, hàng trăm người dân tại giáo xứ của ông Lượng cũng đã kéo đến cả một góc đường, vì “họ nghĩ là phiên tòa công khai thì họ sẽ được vào dự”.

Tuy nhiên chỉ có vợ, con trai và con dâu của ông Lượng được vào sau khi có sự can thiệp vất vả của phía luật sư.

Được người dân yêu mến, kính trọng

Ông Lượng là nhà hoạt động nông dân và cũng là cựu chiến binh trong Chiến tranh biên giới Việt – Trung.

Tháng 7/2017, ông bị bắt sau khi đi thăm gia đình gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai. Trước khi bị bắt, gia đình cho biết ông Lượng đã nhiều lần bị đánh đập uy hiếp bởi an ninh địa phương.

Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, người cũng gọi ông Lượng là chú họ, cho biết, ông Lượng đã tham gia đòi chống lạm thu thuế nông nghiệp, lạm thu học đường cho người dân, buộc chính quyền đã thừa nhận và trả lại tiền.

Ông Lượng còn hay giúp các cựu chiến binh như ông làm đơn để khiếu nại, hay cũng như đòi quyền lợi.

Trước đó, hôm 16/8, tòa án sơ thẩm Nghệ An đã tuyên án ông Lượng 20 năm tù, mức án cao nhất từ trước đến giờ cho giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam vì tội “Lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79, Bộ luật hình sự.

Ông Lượng là người ít được biết đến trong phong trào đấu tranh dân chủ trên cả nước, theo luật sư Nguyễn Văn Đài.

“Nhưng ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thì ông rất có uy tín với người dân và cộng đồng Công giáo. Những người đấu tranh xuất thân từ hai tỉnh nói trên đều rất kính trọng ông và ông có ảnh hưởng với họ. Trong con mắt của an ninh Bộ Công an và tỉnh Nghệ An thì ông Lê Đình Lượng là cái gai cần phải nhổ đi từ lâu,” ông Đài nói.

Trước đó, hôm 16/8, tòa án sơ thẩm Nghệ An đã tuyên án ông Lượng 20 năm tù, mức án cao nhất từ trước đến giờ cho giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam vì tội “Lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79, Bộ luật hình sự.

Luật sư Đài cho rằng có nhiều tình tiết bí ẩn khiến cho bản án của ông Lượng cao hơn bản án 17 năm do Viện Kiểm sát đề nghị.

‘Đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm’

Theo báo Nghệ An, Lê Đình Lượng là “đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm thuộc tổ chức khủng bố ‘Việt Tân'”

Tờ báo địa phương cho rằng ông Lượng đã tuyên truyền, lôi kéo những người dân “có tư tưởng chống đối ở Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia vào tổ chức Việt Tân”.

“Lê Đình Lượng đã rủ rê Nguyễn Văn Hóa vượt biên sang Lào, Campuchia tham gia tập huấn các lớp đào tạo của Việt Tân về ‘vai trò người lãnh đạo’ và ‘truyền thông báo chí’, do các đối tượng cầm đầu tổ chức Việt Tân dạy, huấn luyện kỹ năng đấu tranh bất bạo động tại Việt Nam,”

Bản cáo trạng cũng cho rằng ông Lê Đình Lượng đã lôi kéo “Nguyễn Văn Oai, Đinh Hữu Toàn, Ngô Văn Mai, Nguyễn Viết Dũng… tham gia vào tổ chức Việt Tân, nhằm mục đích chống lại chính quyền nhân dân, xóa bỏ chính thể Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Tuy nhiên bài báo ngày 18/10 của Báo Nghệ An, không đề cập đến hình phạt bổ sung dành cho ông Lượng.

Trong khi đó Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam đảo ngược bản án và trả tự do cho ông Lượng ngay lập tức.

Theo Phil Robertson, Phó giám đốc HRW khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, ông Lê Đình Lượng đã tham gia nhiều hoạt động mà nhà cầm quyền Việt Nam cho là không thể chấp nhận được, bao gồm việc phản đối liên quan đến tôn giáo và môi trường.

“Ông Lượng đã tham gia nhiều cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, kể cả việc phản đối công ty thép Formosa Hà Tĩnh, một công ty Đài Loan, xả thải ra biển làm ô nhiễm bãi biển miền Trung Việt Nam, gây ra cái chết hàng loạt của hải sản và tàn phá môi trường.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45898944

 

CSVN kết án người ở Bình Dương 7 năm tù

vì in truyền đơn kêu gọi biểu tình

Tòa án ở tỉnh Bình Dương vào sáng Thứ Tư 17/10 tuyên án 7 năm tù giam đối với một nhân viên y tế, với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin tài liệu nhằm chống phá nhà nước” theo điều 117 bộ luật hình sự năm 2015 của chế độ cộng sản.

Truyền thông trong nước cho biết, bị cáo tên Nguyễn Đình Thành, sinh năm 1991, làm việc tại trung tâm y tế thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, từ năm 2015. Cáo trạng nói rằng anh Thành vào tháng 6 năm 2018 đã soạn thảo, in ấn và phát hơn hơn 3,300 tờ truyền đơn để kêu gọi người dân biểu tình, phản đối dự luật đặc khu kinh tế ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Vào ngày 8 tháng 6, công an tỉnh Bình Dương cho biết đã bắt giữ anh Thành trong lúc anh đang sao chép các tờ truyền đơn. Cáo trạng còn nói rằng, từ tháng 11 năm 2017, anh Thành bắt đầu đăng tải các bài viết có nội dung xấu, xuyên tạc đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam trên mạng xã hội Facebook.

Trong mấy tháng liền kể từ đợt biểu tình lớn hồi tháng 6, nhà cầm quyền CSVN liên tục truy bức người biểu tình trên toàn quốc, bất chấp việc biểu tình là quyền được hiến pháp Việt Nam công nhận. Tính đến nay, ít nhất 61 người từng tham gia các cuộc biểu tình để phản đối luật đặc khu và luật an ninh mạng. Họ đã bị tuyên án tổng cộng 120 năm và 5 tháng tù cùng với 89 tháng quản chế.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/csvn-ket-an-nguoi-o-binh-duong-7-nam-tu-vi-in-truyen-don-keu-goi-bieu-tinh/

 

Công an Đăk Lăk đề nghị

khởi tố nhà hoạt động dân chủ Huỳnh Thục Vy

Công an ở Đăk Lăk vừa chuyển hồ sơ điều tra cho viện kiểm sát nhân dân tỉnh này, đề nghị truy tố nhà hoạt động dân chủ Huỳnh Thục Vy về tội “xúc phạm quốc kỳ”.

Cô Huỳnh Thục Vy, 33 tuổi, mẹ của một bé gái 2 tuổi, sẽ bị đưa ra xét xử và đối diện với án tù từ 6 tháng tới 3 năm, nếu bị kết tội theo bộ luật hình sự của chế độ. Vụ truy tố này liên quan tới sự việc hồi năm ngoái, Huỳnh Thục Vy đăng trên Facebook những bức ảnh cô đứng bên cạnh một lá cờ đỏ sao vàng bị xịt sơn. Vào ngày 9 tháng 8 vừa qua, công an tỉnh Đăk Lăk bắt giữ và khám nhà Huỳnh Thục Vy, lấy đi máy điện toán xách tay, máy tính bảng iPad, sách vở và nhiều vật dụng khác của cô. Theo trang mạng Người Bảo Vệ Nhân Quyền, vào hôm 16 tháng 10, công an triệu tập cô và trả lại một số đồ bị thu giữ. Sau đó, họ loan báo khởi tố cô về tội “xúc phạm quốc kỳ” và ra lệnh quản chế tại gia đối với cô.

Được biết, Huỳnh Thục Vy cũng từng bị công an gửi giấy triệu tập sau khi đi biểu tình phản đối luật đặc khu và luật an ninh mạng hồi trung tuần tháng 6. Cô là tác giả cuốn sách “Nhận định sự thật, tự do và nhân quyền” và đồng sáng lập Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam. Năm 2012, cô cùng với cha là cựu tù nhân lương tâm, nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn được tổ chức Human Rights Watch trao giải Hellman/Hammett về “lòng dũng cảm và kiên định trước áp bức chính trị”.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/cong-an-dak-lak-de-nghi-khoi-to-nha-hoat-dong-dan-chu-huynh-thuc-vy/

 

Cựu trung tá công an

liên quan đến vụ án Vũ ‘Nhôm’ nhận tội

Tình tiết mới nhất quanh vụ án Vũ ‘Nhôm’ được biết liên quan đến ông Nguyễn Hồng Ánh, cựu trung tá, đội trưởng một đội nghiệp vụ công an Thành phố Hồ Chí Minh, thú nhận đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á (DAB) 53 tỷ đồng.

Mạng báo Tiền Phong trong nước loan tin vừa nêu hôm 18/10 trích kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan điều tra, Bộ Công an trong vụ án Ngân hàng Đông Á làm thất thoát 3.500 tỷ đồng.

Cáo trạng cho rằng ông Nguyễn Hồng Ánh đã cấu kết với ông Trần Phương Bình (Nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch Hội Đồng Quản Trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB) ký khống chứng từ vay 1.900 lượng vàng (tương đương 53 tỷ đồng) tại DAB. Quá trình điều tra trước đây, ông Ánh được nói không hợp tác làm việc và không khai báo thành khẩn nên bị Viện kiểm sát đề nghị xử nghiêm. Tin cho biết vợ của ông cựu trung tá đã khắc phục hậu quả bằng cách nộp 500 triệu đồng vào tài khoản của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tại kho bạc nhà nước.

Cáo trạng lần này cũng khẳng định ông Trần Phương Bình bị truy cứu về hành vi ‘Lạm dụng tín nhiệm chiến đoạt tài sản’ và ‘Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.’ Ông Bình bị cáo buộc đã gây thiệt hại cho DAB hơn 3.400 tỷ đồng, hơn 24 triệu USD, và hơn 15000 lượng vàng. Sai phạm của ông này được cho rằng là nguyên nhân khiến DAB hiện nay lỗ lũy kế hơn 31.000 tỷ đồng.

Liên quan đến Vũ ‘Nhôm’, ông này bị Viện kiểm sát kết tội ‘Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’ với cáo buộc gây thiệt hại cho DAB 200 tỷ đồng, thông qua việc sở hữu 12,73% cổ phần và việc thế chấp đất đai vay tiền.

Ngoài bị cáo Bình và Vũ ‘Nhôm’, còn có 24 người khác cũng quy buộc phạm tội liên quan đến Ngân hàng Đông Á.

Vũ ‘Nhôm’ tên thật là Phan Văn Anh Vũ, 43 tuổi, là một cựu sĩ quan tình báo của cơ quan An ninh Việt Nam, mang hàm thượng tá. Ông này từng kinh doanh nhôm  kính nên có biệt danh Vũ ‘Nhôm.’

Tháng 12/2017, Bộ Công an phát lệnh truy nã Vũ ‘Nhôm’ và bắt tạm giam vào tháng 1/2018 sau khi ông này bị Singapore trục xuất về Việt Nam. Ngày 30/7/2018, Vũ ‘Nhôm’ bị Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên án 9 năm tù giam với cáo buộc ‘Cố ý làm lộ bí mật nhà nước.’

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-lieutenant-colonel-related-to-the-case-of-vu-aluminum-pleaded-guilty-10182018085459.html

 

Chủ tịch UBND Trà Vinh thăng cấp

sau khi bị cảnh cáo

Ông Phạm Văn Tám, nguyên Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Trà Vinh, vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Công thương sau khi bị kỷ luật cảnh cáo.

Truyền thông trong nước loan tin hôm nay. Theo đó ông Phạm Văn Tám trong thời gian giữ chức Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trà Vinh giai đoạn 2011-2016, từng vi phạm kỷ luật về các vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy đồng thời phải chịu trách nhiệm cá nhân về các vi phạm trong tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, nhà nước trong việc hỗ trợ, cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với ông Phạm Văn Tám.

Ông Lê Thanh Bình, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Trà Vinh trả lời báo chí trong nước là việc ông Phạm Văn Tám về làm Giám đốc Sở Công Thương là thực hiện công tác điều động chứ không phải bổ nhiệm. Tuy nhiên báo Người Lao Động cho hay trong quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh thì ghi là “điều động và bổ nhiệm có thời hạn ông Phạm Văn Tám”.

Chuyện các cán bộ hay công an bị thăng chức sau khi bị kỷ luật đã từng xảy ra. Một trong những vụ đó là đại úy công an Võ Đình Thường, từ chỗ bị kỷ luật, cách chức, đưa ra khỏi lực lượng Cảnh sát Giao thông vào năm 2003 vì những sai phạm ở trạm Dầu Giây nổi tiếng, lại được thăng chức từ đội trưởng lên chức phó phòng CSGT của Công an tỉnh Đồng Nai vào năm 2015.

Một trường hợp nữa mà RFA đã từng nói đến là vụ ông Phạm Tuấn Anh, con trai của nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo đảm hàng hải miền Nam, ông Phạm Đình Vận. Hai ngày trước khi ông Vận nhận được quyết định nghỉ hưu vào ngày 21 tháng 2 năm 2014, ông Vận đã ký quyết định bổ nhiệm con trai Phạm Tuấn Anh giữ chức Phó Tổng giám đốc của công ty này. Vào tháng 4 năm 2014, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải thời điểm đó là ông Đinh La Thăng ra lệnh thu hồi quyết định bổ nhiệm này. Nhưng đến tháng 7 năm 2015, ông Phạm Tuấn Anh được phục hồi chức vụ Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bảo đảm hàng hải miền Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/promoted-after-being-warned-10182018085528.html

 

Dân chặn đường vì bị ô nhiễm

Hàng chục người dân cư ngụ hai bên đường Điện Biên Phủ (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, Bình Định) đã dùng lưới B40 chặn đường không cho đoàn xe ben của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phước Lộc chạy qua với lý do gây ô nhiễm.

Tin trong nước cho biết sự việc diễn ra vào chiều tối 18/10/2018 khiến giao thông đường Điện Biên Phủ bị gián đoạn.

Theo tin cho biết, đoàn xe ben này khoảng 20 chiếc đang múc đất tại khu vực đèo Sơn. Đến 7 giờ tối, sau khi lực lượng công an phường Đống Đa có mặt can thiệp thì người dân mới tháo lưới B40 để giao thông được thông suốt.

Theo lời người dân cho biết, thời gian gần đây tình trạng xe tải của Công ty Phước Lộc nhiều lần chở đất đá gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ. Bên cạnh đó, cũng chính đoàn xe này do chạy ẩu nên đã nhiều lần gây tai nạn giao thông trên tuyến đường Điện Biên Phủ.

Tình trạng người dân phản đối các doanh nghiệp gây ô nhiễm xảy ra ở nhiều địa phương tại Việt Nam. Có những vụ lớn như vào trung tuần tháng tư năm 2015, người dân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận chặn Quốc Lộ 1 để phản đối nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm tác động mạnh đến dân chúng địa phương.

Vào tháng 8 vừa qua, người dân tại thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi cũng vây nhà máy rác gây ô nhiễm. Ông chủ tịch tỉnh Quảng Ngại Trần Ngọc Căng lại cho có đối tượng xấu xúi giục người dân chặn đường không cho xe chở rác vào nhà máy. Sau đó có người bị bắt với cáo buộc ‘gây rối trật tự.

Tại Đà Nẵng, dân chúng sống cạnh hai nhà máy thép Dana- Ý và Dana- Úc vào tháng 9 vừa qua phải tiếp tục phản đối nhà máy gây ô nhiễm mà cơ quan chức năng không giải quyết như hứa hẹn.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Binh-dinh-citizen-block-the-road-due-to-pollution-environment-10182018084840.html

 

Báo Tuổi Trẻ trước ‘Đêm trước Đổi mới lần hai’

Mỹ HằngBBC, Bangkok

Dư luận đặt vấn đề với Tuổi Trẻ Online là sau ba tháng đình bản, thông tin còn trung thành với lẽ phải và sự thật như đã từng hay không.

Hôm 17/10, trang online của báo Tuổi Trẻ chính thức hoạt động trở lại sau ba tháng bị đình bản.

“Cái khó nhất của TTO khi trở lại sau ba tháng bị đình bản là khả năng có dám mở ra một diễn đàn thực sự, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, trí thức đầu đàn, tinh hoa của xã hội hay không?” ông Huỳnh Sơn Phước, nguyên phó Tổng biên tập và là nhà bình luận chính trị của báo Tuổi Trẻ những năm 1980, nói với BBC hôm 17/10.

Trong thư gửi bạn đọc đăng hôm 17/10, Ban biên tập của TTO cho hay “sẽ phải tự soi rọi mình” để có thể tiến bước xa hơn.

“Giá trị của một tờ báo được tạo dựng không chỉ bằng những cây bút dấn thân, chính trực, mà bằng sự thấu hiểu sâu sắc niềm vui, nỗi đau và niềm hy vọng của công chúng,” TTO viết.

“Phải cạnh tranh với báo chí tự do”

Bình luận về nội dung các bài viết trên báo in Tuổi Trẻ trong thời gian qua, khi TTO bị đình bản, ông Phước cho hay ‘không thể nói là ông hài lòng.”

“Không thể nói là hài lòng vì tôi sống với những dòng thông tin hàng ngày khám phá, điều tra, phát hiện, phản biện hùng hồn đa dạng. Làm sao có thể bằng lòng với một Tuổi Trẻ phải sống trong điều kiện không có tự do.”

“Tôi chỉ hài lòng với những việc cụ thể như những bài viết về Thủ Thiêm, hay về mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất… cho thấy tín hiệu là nó [Tuổi Trẻ] muốn điều gì đó khác hơn, vì sự phát triển của xã hội, vì tương lai của thế hệ trẻ.”

Ông Phước cũng nhắc lại thời kỳ những năm 1980, khi chỉ có khoảng 700 cơ quan báo chí được phép xuất bản tại Việt Nam.”

“Lúc đó, nếu 700 cơ quan kia là một nền báo chí chính thống, nằm trong khuôn khổ, thì Tuổi Trẻ có sự khác biệt.”

“Và chính vì sự khác biệt, cái riêng đó mà bạn đọc tìm thấy một Tuổi Trẻ gần với lẽ phải, với sự thật hơn. Lúc đó Tuổi Trẻ là tờ báo có nhiều người đọc nhất Việt Nam.”

Nhưng ông Phước cho rằng thời đại nay đã khác. Tuổi Trẻ đang sống trong một môi trường truyền thông đa phương tiện, với nền báo chí tự do – báo chí của công dân trên Facebook.

“Vậy thì báo chí có thể làm được gì khi mà anh không được tự do làm báo?” nhà báo Huỳnh Sơn Phước đặt câu hỏi, trong bối cảnh “một trang Facebook có thể lắng nghe và phản ánh trung thực nguyện vọng, ý chí, chờ đợi, khát vọng của cả một lớp trẻ trong thời kỳ công nghệ, phát triển, văn minh?”

“Đêm trước Đổi Mới lần hai”

“Tuổi Trẻ Online (TTO) giao diện mới được thực hiện trên nền tảng công nghệ mới nhất, phù hợp với sự phát triển của báo điện tử lúc này,” ông Phước nói về trang online của báo Tuổi Trẻ mới xuất hiện lại.

“Với sự phát triển như vậy, TTO không còn là một phiên bản của báo viết nữa mà thực sự là một tờ báo điện tử đa ngôn ngữ, đa phương tiện, thân thiện với người đọc.”

Vì sao Tuổi Trẻ Online bị đình bản ba tháng?

‘Phải nới rộng không gian quản lý báo chí’

VN: Quanh than phiền về lối viết báo ‘theo chỉ đạo’

Mạng xã hội nói về vụ Tuổi Trẻ Online

“Quan trọng là TTO có cơ hội để sánh ngang với các phương tiện truyền thông đa chiều, đa ý kiến khác.”

“Nhưng cái chính không phải nền tảng công nghệ, mà là nội dung. Nó có hướng về bạn đọc, trung thành với lẽ phải, với sự thật hay không.”

Nhắc lại thời kỳ đầu thành lập, ông Phước nói “Tuổi Trẻ từng có một quá khứ, vốn liếng lịch sử xuất sắc.”

“Ra đời năm 1975, Tuổi Trẻ khi đó tập hợp tất cả những người không được làm báo tự do ở giữa Sài Gòn trước 1975.”

“Tuổi Trẻ lúc đó đã có nhiều đóng góp trong nền kinh tế chuyển đổi. Có thể nói Tuổi Trẻ lúc đó là một diễn đàn rất dũng cảm.”

“Nó là người tiên phong đặt lên trang báo bài học của những người từng trải qua nền kinh tế thị trường. Nó đòi hỏi phải chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, bao cấp, quan liêu, quay lưng với khoa học, lẽ phải, với sáng kiến, sáng tạo của con người, sang nền kinh tế thị trường. Đó là những điều Tuổi Trẻ làm được vào “Đêm trước Đổi Mới.”

“Bây giờ tôi lại hi vọng Tuổi trẻ lại làm được những điều đó tốt hơn, ‘xanh hơn’, thực sự là tờ báo của Đêm trước Đổi Mới lần hai, trung thành với sự thật và lẽ phải,” nhà báo từ Sài Gòn nói với BBC.

Từ vụ đình bản TTO

Báo Tuổi Trẻ Online bị đình bản ba tháng và nộp phạt gần 10.000 đô la sau khi đăng bài viết hôm 19/6 về phát ngôn của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang rằng cần có luật biểu tình.

Nhìn nhận quanh vụ việc báo TTO bị đình bản, trang Asia Times thời điểm đó nhận định:

“Trong khi Việt Nam còn chưa viện đến những chính sách kiểm duyệt hà khắc mà Trung Quốc đã áp dụng, việc đình bản báo Tuổi Trẻ làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng người Việt Nam vốn quen với môi trường internet tương đối tự do và cởi mở như được quy định trong điều 25 Hiến pháp, cho phép tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin”

“Người dân lo ngại rằng Hà Nội sẽ sử dụng lý do ‘bất ổn xã hội gia tăng’ để làm cái cớ kiểm duyệt thêm các ấn bản khác, đồng thời sử dụng các biện pháp cực đoan mà Trung Quốc đang dùng để tăng cường kiểm soát truyền thông.”

Chính sách kiểm duyệt cực đoan của Trung Quốc mà Asia Times nhắc tới là việc chính phủ nước này khóa toàn bộ Wikipedia, Facebook, Twitter, YouTube, và một số dịch vụ của Google.

Truyền thông Việt Nam thời điểm đó cho hay Tuổi Trẻ bị phạt do “đăng thông tin sai sự thật”, rằng “chủ tịch nước Trần Đại Quang không phát biểu như nội dung thông tin mà báo đăng tải nội dung nêu trên”.

Tuy nhiên lỗi này chỉ phải nộp phạt 50 triệu VNĐ và đính chính, xin lỗi.

Lý do chính khiến Tuổi Trẻ bị nộp thêm tiền và bị đình bản là “đăng thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận bài viết “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc miền Tây?” đăng ngày 26/5/2017″, theo Vietnamnet.

Về tự do báo chí ở Việt Nam, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn từng khẳng định “Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt báo chí”, theo VnExpress.

Tuy nhiên ông Tuấn nói Ban Tuyên giáo Trung ương “thực hiện công tác định hướng báo chí theo điều lệ, nghị quyết của Đảng; theo Hiến pháp và quy định pháp luật liên quan”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45885817

 

Không có dự luật đặc khu

trong chương trình kỳ họp thứ 6

Dự luật khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc không nằm trong chương trình làm luật của kỳ họp thứ 6 Quốc Hội Khóa 14 sắp diễn ra từ ngày 22 tháng 10 tới đây.

Theo thông báo của ông Tổng thư Ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đưa ra tại cuộc họp báo vào chiều ngày 18 tháng 10 thì kỳ họp sẽ dành khoảng 9,5 ngày để thông qua 9 dự luật; 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật.

Tuy nhiên, dự Luật khu Hành chính – Kinh tế Đặc biệt, hay còn gọi tắt là Luật đặc khu lại không được nhắc đến. Trước đó, vào ngày 11 tháng 9, Tổng thư Ký Nguyễn Hạnh Phúc có nhắc đến việc sẽ lùi dự Luật đặc khu lại để có thêm thời gian hoàn thành.

Dự Luật Đặc Khu bị nhiều người dân trong nước phản đối mạnh mẽ. Lý do được nêu ra vị trí của ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là những nơi có tầm quan trọng chiến lược. Bên cạnh đó những ưu đãi và thời gian cho thuê đất đặc khu đến 99 năm là những điều kiện để đối tượng trục lợi gây khuynh đảo Việt Nam.

Vào ngày 10 tháng 6 vừa qua, khi Quốc hội Việt Nam Khóa 14 đang họp kỳ thứ năm, thì đã nổ ra đợt biểu tình chống hai dự luật Đặc Khu và An Ninh mạng tại nhiều tỉnh thành khắp cả nước. Đây là đợt biểu tình được nhận định lớn nhất ở Việt Nam kể từ năm 1975.

Nhiều người tham gia đợt biểu tình này sau đó đã bị chính quyền bắt giữ, truy tố hình sự và đưa ra xét xử. Tính đến nay đã có 66 người tại nhiều tỉnh thành bị kết án tù.

Người mới nhất phải nhận án 7 năm tù là anh Nguyễn Đình Thành, sinh năm 1991, công tác tác tại Trung tâm y tế thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương từ năm 2015.

Theo cáo trạng của tòa án, anh Nguyễn Đình Thành vào tháng 6 năm 2018 đã soạn thảo, in ấn và phát hơn hơn 3300 tờ rơi để ‘kêu gọi, kích động người dân biểu tình, phản đối dự luật Đặc khu kinh tế ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc’. Vào ngày 8 tháng 6, Công an tỉnh Bình Dương cho biết bắt giữ Nguyễn Đình Thành trong lúc đang sao chép các tờ rơi.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/sez-bill-not-included-in-6th-meeting-of-congress-10182018084737.html