Tin Việt Nam – 18/10/2014
CSVN ‘xin lỗi’ Nhật vụ sân bay Long Thành
Thứ trưởng Bộ giao thông Vận tải CSVN gửi thư xin lỗi đến Đại sứ quán Nhật Bản sau khi Tokyo bác thông tin cho Hà Nội vay vốn xây sân bay Long Thành.
Trước đó, hôm 17/10, báo Tuổi Trẻ dẫn lời Phạm Quý Tiêu cho biết trong một buổi tọa đàm trực tuyến ngày 17/10 rằng “phía Nhật Bản quan tâm và sẽ dành khoảng 2 tỷ đôla cho dự án”.
Tuy nhiên, chiều 17/10, ông Hayashi Hiroyuki, Bí thư thứ nhất phụ trách về vốn vay tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội, nói với BBC thông tin do Tiêu đưa ra là “sai sự thật”.
“Chính phủ Nhật Bản chưa quyết định gì về khoản đầu tư nói trên và vì thế chưa hứa hẹn gì với phía Việt Nam về sân bay Long Thành”, ông cho biết.
Đài VOV ngày 18/10 dẫn lời Tiêu thừa nhận đã có “sự nhầm lẫn về thông tin” trong buổi tọa đàm về chủ đề “Dự án sân bay Long Thành: Cơ hội và thách thức”.
“Hiện phía Nhật Bản mới chỉ có cam kết tham gia hỗ trợ đầu tư phát triển dự án sân bay Long Thành nhưng chưa đưa ra số liệu cụ thể nào về số vốn vay để thực hiện dự án”, Tiêu được dẫn lời nói.
“Con số 2 tỷ đôla là cam kết của Tập đoàn ADPi (Pháp) sẽ cho Việt Nam vay theo hình thức thương mại.”
‘Do điều trị bệnh’
Trong thư gửi đến Đại sứ Nhật Bản Fudaka Hiroshi được các báo trong nước dẫn lại, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu nói đã “có nhầm lẫn khi đưa ra thông tin” về khoản vay 2 tỷ đôla.
“Tôi thành thật nhận lỗi về sự nhầm lẫn đáng tiếc này mà lý do tôi tự nhận thấy không có lời giải thích nào thực sự thỏa đáng”, thư có đoạn.
Tiêu cũng “chia sẻ từ trái tim” nguyên nhân gây ra nhầm lẫn nói trên:
“Thời gian vừa qua, do tôi mới điều trị bệnh và đi làm lại, trong quá trình theo dõi chuẩn bị cho việc xin chủ trương xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, do có thông tin về một số nguồn có khả năng hỗ trợ tín dụng cho dự án này, vì vậy dẫn tới việc trong khi trả lời phỏng vấn tôi có phát biểu nhầm lẫn nói trên.”
“Tôi thành thực xin lỗi Ngài Đại sứ và mong Ngài Đại sứ chuyển lời xin lỗi chân thành của cá nhân tôi với chính phủ và các cơ quan hữu quan của phía Nhật Bản”, thư viết.
Dự án sân bay Long Thành, với tổng vốn đầu tư khoảng 18 tỷ đôla, đang gây nhiều tranh cãi trong nước trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang chạm ngưỡng an toàn.
Giai đoạn một của dự án có tổng chi phí được truyền thông trong nước nói là 7,8 tỷ đôla, trong đó 50% vốn ODA và trái phiếu chính phủ, 50% còn lại là các nguồn vốn khác. – Theo BBC
LS Trần Quốc Thuận: Bỏ phiếu tín nhiệm là việc ‘tích cực’
Dù còn có nhiều tranh cãi, bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội với các quan chức vẫn là một việc làm ‘tích cực’ theo một cựu quan chức lãnh đạo ở Văn phòng Quốc hội Việt Nam.
Trong khi đó, các thể thức lấy phiếu hay bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định hiện hành cho 50 vị trí quan chức mà Quốc hội sắp tiến hành vẫn ‘rối rắm’, ‘hình thức’ và chưa đảm bảo quyền ‘tham gia’, giám sát trực tiếp của người dân, theo một chuyên gia trong về đánh giá từ Sài Gòn.
Trao đổi với BBC hôm 18/10/2014 nhân dịp kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa 13 sắp nhóm họp kín về lấy phiếu tín nhiệm với năm chục chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân ở Việt Nam bầu hoặc phê chuẩn, một cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực văn phòng Quốc hội nói:
“Việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng là câu chuyện hai mặt của vấn đề, một mặt về công khai, nhân dân và báo chí rồi Quốc hội hoan nghênh”, luật sư Trần Quốc Thuận nói.
“Nhưng về mặt bên trong, tôi được biết là cũng có những ý kiến, tranh luận nhau gay gắt về câu chuyện đấy.
“Cho nên bây giờ dẫn đến tiếp tục bỏ phiếu tín nhiệm theo 3 mức, theo Nghị quyết 35 cũ… nó cũng là đáp ứng lại yêu cầu của nhân dân, của dư luận, của Quốc hội, thì đó cũng là một mặt tích cực.”
‘Tranh luận gay gắt’
Việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội Việt Nam thời gian gần đây được tiến hành trong khuôn khổ của Nghị quyết 35/2012/QH13, tuy đã có một số ý kiến của các cử tri và kể cả Đại biểu Quốc hội Việt Nam được truyền thông trong nước đăng tải ‘phàn nàn’ rằng các quy định, thể thức đánh giá với hai nấc, ba nấc v.v… được cho là khá ‘rối rắm’, gây khó hiểu.
Bình luận về điều này, luật sư Trần Quốc Thuận nói thêm:
“Có sửa Nghị quyết 35 hay không, thì tôi được biết cũng tranh luận gay gắt lắm, cho nên đến bây giờ, thực sự người ta cũng chưa tiến được theo bước đó.
“Và hình thức bỏ phiếu tín nhiệm trong Hiến pháp có quy định gọi là ‘bỏ phiếu tín nhiệm’, nhưng cũng không có quy định cụ thể là bỏ phiếu ‘tín nhiệm’ hay ‘không tín nhiệm’, không ghi cụ thể…
“Còn việc cần phải sửa hay không Nghị quyết này, thì người ta cũng cho biết rằng sau khi bỏ phiếu xong, sẽ sửa trong vòng năm tới, hay là phải sửa ngay trong kỳ họp này.”
‘Sẽ lắng nghe thêm’
Hôm thứ Bảy, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam được truyền thông nhà nước trích dẫn cho hay Nghị quyết sửa đổi lần này ‘vẫn giữ nguyên 3 mức tín nhiệm như Nghị quyết 35 cũ.
“Lấy phiếu tín nhiệm cũng là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng, đồng thời là kênh tham khảo giúp cho các cơ quan để quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tới,” ông Phúc được tờ Lao Động dẫn lời nói.
“Thực hiện Nghị quyết 35, Trung ương cũng bàn rất kỹ. Đây là điểm khác nhau giữa lấy phiếu và bỏ phiếu.
“Lấy phiếu thì cần 3 mức. Nếu 2 mức thì bỏ phiếu luôn, chứ cần gì lấy phiếu. Do đó, giữ nguyên 3 mức như cũ.”
Ba mức được đề cập này gồm ‘tín nhiệm cao’, ‘tín nhiệm’ và ‘tín nhiệm thấp’ và vẫn theo ông Phúc, về sửa đổi các quy định về đo tín nhiệm, mà đặc biệt là Nghị quyết 35, Quốc hội lần này sẽ tiếp tục ‘lắng nghe’ thêm các ý kiến đóng góp từ các Đại biểu.
“Cử tri cũng có ý kiến là nên có 2 mức. Tại kỳ họp trước, do thời gian ngắn nên mới có 30% số đại biểu Quốc hội có ý kiến. Vì vậy, trong kỳ họp lần này sẽ lắng nghe thêm nhiều ý kiến. Trên cơ sở đánh giá sẽ có kết luận cuối cùng,” ông Phúc được tờ Lao động trích dẫn nói.
Chủ nhiệm Phúc cũng cho truyền thông Việt Nam hay kỳ này, Quốc hội Việt Nam sẽ lấy phiếu tín nhiệm cho 50 chức danh thay vì 49 chức danh như trước, với người thứ 50 là Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, người vì lý do ‘mới được bổ nhiệm, chưa đủ thời gian công tác’ nên chưa được đo độ tín nhiệm vào lần trước.
‘Hình thức, giảm nhẹ’
Hôm 18/5, một chuyên gia về đánh giá từ Việt Nam bình luận với BBC về hiệu quả các công việc đo độ tín nhiệm với quan chức bởi Quốc hội vốn được áp dụng qua các hình thức được tuyên bố là ‘lấy phiếu’ và ‘bỏ phiếu’.
“Hệ thống công quyền hay các cơ quan của nhà nước ở Việt Nam có nhiều hình thức đã đánh giá hàng năm rồi,” Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh nói với BBC từ Sài Gòn.
“Hàng năm có bình bầu, có thi đua, khen thưởng của các hệ thống công. Tôi nghĩ là với những người làm ở chức vụ cao thì càng như vậy. Rồi nó lại có nhiều vòng, nhiều mức của chính quyền, của Đảng, của đoàn thể v.v…
“Tôi nghĩ tất cả những điều đó đều đã làm và hầu như những gì… thực hiện ở Việt Nam thì đa số đều mang tính hình thức và không có tác dụng gì.
“Do đó khi đặt ra vấn đề lấy phiếu tín nhiệm lần trước, nhiều nguời cũng nghĩ đó là bởi vì muốn làm một cách kiên quyết. Tức là đã có nhiều cách làm ‘hình thức’ rồi. Và đây là một cách làm mà ‘không hình thức’, lúc trước người ta mong đợi như vậy, nhưng chỉ làm được một lần.
“Tất nhiên nó cũng… lộ ra được một số điều. Tuy cũng đã giảm nhẹ, nhưng cũng có người bị thấp và có người được cao, ngay lập tức sau đó, tôi lại thấy có khuynh hướng muốn bào chữa, muốn giảm nhẹ đi nữa, tức là nói đây chỉ là thông tin để làm cho tốt lên, chứ không phải là loại ngay.
“Thì tôi thấy rõ ràng là nếu thỉnh thoảng có một khuynh hướng muốn làm thật, thì ngay lập tức nó lại bị kéo lại bởi khuynh hướng chỉ muốn xuê xoa mà thôi. Và tôi nghĩ rằng nếu làm như vậy thì nó chỉ tốn thêm thời gian. Tức là cái đó vẫn là một cách hình thức thôi.”
‘Trái với Hiến pháp?’
Gần đây, một số Đại biểu Quốc hội ở Việt Nam công khai nêu quan điểm không tán đồng với các quy định, hình thức, thể thức đo tín nhiệm của Quốc hội.
Hôm 28/4/2014, Đại biểu Lê Như Tiến nêu quan điểm trên tờ Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nói rằng Quốc hội nên ‘bỏ phiếu tín nhiệm’ theo hai mức và việc đo tín nhiệm cần thực hiện theo đúng Hiến pháp.
“Bỏ phiếu tín nhiệm đã được hiến định trong Hiến pháp mới (sửa đổi năm 2013), trong đó cũng chỉ quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm chứ không phải lấy phiếu tín nhiệm”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhin đồng của Quốc hội nói.
“Trước kia chúng ta lấy phiếu tín nhiệm, nhưng giờ Hiến pháp đã quy định như thế thì phải thực hiện theo Hiến pháp. Mà bỏ phiếu tín nhiệm thì chỉ có hai mức là ‘tín nhiệm’ hoặc ‘không tín nhiệm.”
Vẫn theo quan chức này thì Quốc hội phải tuân thủ Hiến pháp. Ông Tiến nói tiếp với tờ Đại Đoàn Kết:
“Phải thực hiện theo tinh thần của Hiến pháp là bỏ phiếu tín nhiệm. Chứ bây giờ thêm một nấc nữa là ‘lấy phiếu tín nhiệm’ sẽ rắc rối thêm.
“Nếu muốn xem người đứng đầu của các cơ quan trong Chính phủ ở mức độ hoàn thành nhiệm vụ như thế nào thì chỉ có động tác ‘bỏ phiếu tín nhiệm’ thôi,” ông Tiến nói.
‘Đảng cử, dân bầu?’
Cũng bình luận về điều này, hôm thứ Bảy, Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh nói với BBC:
“Tôi nghĩ là nó dứt khoát, ‘bất tín nhiệm’ là ‘bất tín nhiệm’, còn không thì không cần làm, còn đã làm thì cách làm càng đơn giản, càng rõ ràng thì càng tốt’.
Còn về khía cạnh quyền giám sát, tham dự của người dân trong đánh giá tín nhiệm, bất tín nhiệm đối với các quan chức, chuyên gia về đánh giá và nhà hoạt động trong lĩnh vực truyền thông xã hội nói thêm:
“Tôi nghĩ là nhiều người dân, trí thức, những người có hiểu biết ít nhiều vẫn mong là người dân phải có quyền tham gia trực tiếp hơn những quyền chính trị đó.
“Hiện nay, nói thẳng ra là phần lớn chỉ những người, những Đảng viên mới có quyền tham gia vào những hoạt động chính trị ở trong nước, người dân không có cái quyền đó, dù người dân cũng có bỏ phiếu này khác, nhưng bỏ phiếu vẫn do Đảng cử, dân bầu mà thôi,” nữ chuyên gia nói.
Theo truyền thông Việt Nam, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Việt Nam khóa 13 sẽ được nhóm từ ngày 20/10 đến 28/11, trong các nội dung làm việc theo nghị trình, phiên họp về lấy phiếu tín nhiệm sẽ được nhóm với hình thức họp kín để các đại biểu có thể làm việc với hiệu quả mà ‘không bị áp lực’. – BBC
Quân đội Việt-Trung nhất trí giải quyết thỏa đáng tranh chấp hàng hải
CSVN và Trung Cộng nhất trí phát triển quan hệ quân sự giữa hai nước và cam kết giải quyết thỏa đáng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Đồng thuận đạt được trong các cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng CSVN, Phùng Quang Thanh, và người đồng nhiệm phía Trung Quốc, Thường Vạn Toàn, tại Bắc Kinh hôm nay.
Tân Hoa Xã nói đôi bên quyết định từ từ khôi phục và phát huy sự phát triển lành mạnh, ổn định của mối quan hệ quân sự song phương.
Lãnh đạo quân đội Việt-Trung thống nhất rằng lực lượng võ trang hai nước nên tăng cường đoàn kết và đảm bảo vững chắc cho sự cai trị của đảng cộng sản đôi bên và sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Hai bên cũng đồng ý tuân thủ những đồng thuận đã đạt được giữa lãnh đạo Việt-Trung và đóng vai trò tích cực giúp giải quyết thỏa đáng các tranh chấp hàng hải, bảo vệ hòa bình-ổn định khu vực.
Diễn tiến này là một tín hiệu khả quan sơ khởi, theo nhận định của một chuyên gia hàng đầu về Biển Đông, giữa bối cảnh căng thẳng hiện nay của mối quan hệ Việt-Trung kể từ sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan 981 vào vùng biển Hà Nội có tuyên bố chủ quyền khơi mào các cuộc biểu tình chết người chưa từng có trước nay ở Việt Nam phản đối hành động xâm lược của Bắc Kinh.
Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia nhận định:
“Quả nhiên đây là một dấu hiệu tích cực sau hàng chục lần Trung Quốc khước từ đề nghị của Việt Nam về đường dây nóng và giao tiếp. Trong một diễn tiến chưa từng có trước nay, 13 tướng lãnh cao cấp của Việt Nam và kể cả người đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sang Trung Quốc đàm phán để đôi bên nhất trí về phương cách ứng phó tức thời nếu một sự cố xảy ra giữa máy bay hay tàu bè của đôi bên. Hoa Kỳ cũng nỗ lực như vậy với Trung Quốc và giờ đây là Việt Nam, với một phái đoàn quân sự cấp cao như thế. Trung Quốc suy tính rằng họ có thể để Việt Nam rơi vào ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài trừ phi Bắc Kinh hợp tác và củng cố niềm tin với Hà Nội. Cho nên, thỏa thuận vừa đạt được là bước tích cực ban đầu, nhưng chúng ta cần phải quan sát hành xử của Trung Quốc từ nay trở đi thế nào, liệu họ có hợp tác giao tiếp liên lạc với Việt Nam trước khi để sự cố xảy ra hay không. Tóm lại, dù chỉ mới là bước khả quan sơ khởi, nhưng đồng thuận hôm nay đã chấm dứt sự đảo ngược của mối quan hệ song phương Việt-Trung.”
Truyền thông Trung Cộng nói bang giao Việt-Trung bị xấu đi trong 5 tháng qua vì Hà Nội ‘quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí thông thường’ của giàn khoan Hải Dương gần Hoàng Sa.
Các cuộc biểu tình trên cả nước hồi tháng 5 phản đối giàn khoan này xâm phạm chủ quyền Việt Nam đã khiến 5 công dân Trung Quốc tại Việt Nam thiệt mạng, khoảng 20 nhà máy bị đốt, và chừng 1100 doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Cộng hôm nay tuyên bố chuyến thăm của phái đoàn quân sự cấp cao do Bộ trưởng Phùng Quang Thanh dẫn đầu chứng tỏ thiện chí chính trị tích cực của đảng cộng sản và lực lượng võ trang Việt Nam trong việc thúc đẩy bang giao cải thiện.
Thường Vạn Toàn bày tỏ hy vọng quân đội đôi bên có thể chung nỗ lực đẩy mạnh sự phát triển bền vững của quan hệ Việt-Trung.
Đáp lại, người đứng đầu ngành quốc phòng của Hà Nội nói đảng cộng sản và quân đội Việt Nam coi trọng bang giao với Bắc Kinh.
Báo chí Trung Cộng dẫn phát biểu của Phùng Quang Thanh tại cuộc họp nói rằng CSVN kỳ vọng quân đội đôi bên sẽ trở thành cột trụ chính duy trì tình hữu nghị song phương.
Truyền thông CSVN nói chuyến thăm Trung Cộng của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh kéo dài từ ngày 16 đến 18 tháng này nhằm ‘tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện giữa quân đội hai bên.’
Đôi bên dự kiến sẽ ký bản ghi nhớ kỹ thuật về thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng.
Mới hôm qua, bên lề thượng đỉnh Á-Âu ở Milan (Italy), Thủ tướng CSVN và Trung Cộng cam kết giải quyết các bất đồng hàng hải một cách hợp lý, tránh làm mối quan hệ song phương lệch hướng.
Nguyễn Tấn Dũng nói Việt Nam sẵn sàng làm việc với Trung Cộng để thực thi những điều đã nhất trí, tăng cường các cuộc trao đổi cấp cao, gia cố lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau.
Lý Khắc Cường đề nghị hai nước nên tiếp tục gia tốc hợp tác thực tiễn về hàng hải, tạo điều kiện thuận lợi phát triển hợp tác song phương. – Theo VOA