Tin Việt Nam – 18/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 18/09/2018

Nhà báo độc lập Đỗ Công Đương

bị kết án 4 năm tù giam

Ông Đỗ Công Đương, một người làm truyền thông độc lập, mới bị một tòa án ở tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt 4 năm tù vì “gây rối trật tự công cộng”, luật sư bào chữa Hà Huy Sơn cho VOA biết.

Cũng bị xét xử trong phiên tòa sơ thẩm hôm 17/9 về cùng tội danh với ông Đương, còn có các bị cáo Lê Thị Thanh Nga, Nguyễn Văn Trung và Nguyễn Văn Vui. Ba người dân không phải là các nhà hoạt động này phải chịu các mức án lần lượt là 3 năm, 2 năm 4 tháng và 2 năm rưỡi.

Thông tin tóm tắt về vụ án được đưa ra tại tòa cho hay, vào sáng 24/1, ông Đương, 54 tuổi, đã ghi hình một cuộc cưỡng chế đất ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông và 3 người dân phản đối cuộc cưỡng chế bị nhà chức trách bắt trong cùng ngày.

Người dân đã phản đối vì theo lý giải trong bản tóm tắt vụ án do luật sư Sơn lập ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định thu hồi đất “trái thẩm quyền” và “trái luật”.

Vị luật sư bào chữa nói với VOA rằng thân chủ của ông không phạm tội:

“Hành vi của ông chỉ là việc đi chụp ảnh, giám sát việc cơ quan công quyền thực hiện thu hồi đất thôi. Chứ ông không chống người thi hành công vụ, không đồng phạm với ai cả để mà gọi là gây rối trật tự công cộng. Và tại tòa tôi nói rằng là cơ quan điều tra không có bằng chứng chứng minh hành vi đó của ông Đương”.

Luật sư cho biết thêm những người thuộc phía chính quyền lập luận về bản án dành cho ông Đương “không chỉ căn cứ vào hành vi xảy ra ngày hôm đó” mà còn vì họ cho rằng trước đây ông Đương “hay lên Facebook nói về việc thu hồi đất, gây ảnh hưởng đến nhận thức của người dân”.

Với cách lập luận như vậy, phía chính quyền “cho rằng ông ấy đóng vai trò chính trong vụ án”, theo lời tường thuật lại của luật sư Sơn về phiên tòa.

Giới hoạt động chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cho thấy, trong vòng ít nhất từ tháng 1/2017 đến nay, ông Đương đã sử dụng Facebook và một số trang mạng khác để nói về những sai phạm trong lĩnh vực đất đai, nhất là ở thị xã Từ Sơn.

Trong khi đó, những trang web của những người thân chính quyền lại cho rằng các bài viết hoặc các đoạn video của ông truyền đi nội dung “không đúng sự thật”, “đi ngược lại đường lối, chủ trương, chính sách” của đảng và nhà nước, hoặc “kích động quần chúng”.

Luật sư Sơn nhận định về mục đích mà chính quyền nhắm đến khi tuyên bản án 4 năm tù đối với một người làm truyền thông độc lập như ông Đương:

“Theo cách hiểu của tôi, người ta muốn răn đe những người dân người ta cho rằng có ý kiến phản đối lại các chính sách của chính quyền địa phương”.

Thời gian gần đây, tòa án trong tay chính quyền Việt Nam liên tiếp tuyên những bản án nặng dành cho giới đấu tranh.

Chỉ từ tháng 7 đến nay, các tòa án ở các địa phương khác nhau kết án hoặc tuyên y án các ông Lê Đình Lượng 20 năm tù, mục sư Đinh Diêm 16 năm tù, Nguyễn Trung Trực 12 năm tù, và Nguyễn Văn Túc 13 năm tù.

https://www.voatiengviet.com/a/nha-bao-doc-lap-do-cong-duong-bi-ket-an-4-nam-tu-giam/4574804.html

 

Ông Trần Huỳnh Duy Thức dừng tuyệt thực,

gia đình tri ân người ủng hộ

Tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án 16 năm tù vì tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, vừa ngừng cuộc tuyệt thực kéo dài tới 33 ngày vào hôm 16/9, theo thông tin từ gia đình ông Thức.

Ông Thức, 52 tuổi, bị kết án từ năm 2010, đã bắt đầu tuyệt thực hồi tháng 8 để đòi chính quyền phải “thượng tôn pháp luật” và trả tự do cho ông theo Bộ luật Hình sự mới.

Về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, một điều khoản của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ đầu năm 2018 viết rằng mức hình phạt cho việc “chuẩn bị phạm tội” là 1 đến 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với hành vi phạm tội.

Ông Thức và gia đình đã dựa vào điều khoản này để gửi đơn tới chính quyền Việt Nam từ hồi tháng 4, đề nghị họ xét đặc xá cho ông. Nhưng đến đầu tháng 8, phía nhà nước trả lời rằng “không có căn cứ để xem xét, đề nghị đặc xá cho phạm nhân Trần Huỳnh Duy Thức”.

Gia đình ông Thức cho rằng ông bị nhà chức trách “ép buộc” phải nhận tội mới có thể được xét đặc xá, song tù nhân này “cương quyết không nhận tội”, thay vào đó, ông đã tuyệt thực.

Khi cuộc tuyệt thực của ông kéo dài đến hơn 20 ngày, hàng chục nhà hoạt động và rất đông những người ủng hộ khác đã tuyên bố “tiếp sức” cho ông bằng cách bản thân họ tuyệt thực tiếp nối nhau, ít nhất mỗi người một ngày.

Bên cạnh đó, nhiều người có tiếng nói ảnh hưởng, bao gồm cả nhà hoạt động Lê Thăng Long, bạn tù cũ của ông Thức, đã nhắn gửi qua gia đình ông rằng ông “quá quan trọng” đối với cuộc đấu tranh cho dân chủ nên ông “không thể chết, không được chết”.

Bất chấp hành động quyết liệt của ông Thức và sự ủng hộ rộng khắp dành cho ông, chính quyền đã không đáp lại đòi hỏi của ông.

Lo ngại cho sức khỏe và tính mạng của ông, gia đình đã đi thăm ông theo lịch định kỳ vào ngày 15/9, tại trại giam ở tỉnh Nghệ An.

Dù xảy ra rắc rối khi nhân viên trại giam can thiệp, làm gián đoạn cuộc gặp, song ngày hôm sau, 16/9, 2 chị gái và con gái ông đã có thể gặp và truyền đạt với ông rằng gia đình và những người ủng hộ mong ông bảo toàn sức khỏe, tính mạng, theo gia đình.

Ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của ông Thức, cho VOA biết:

“Anh Thức đã có tuyên bố sẽ ngưng tuyệt thực từ ngày hôm qua [16/9], sau khi anh nghe được ý kiến của gia đình, thông tin của gia đình, cũng như nguyện vọng của gia đình và mọi người là cần anh phải ngưng tuyệt thực”.

Người em của ông Thức cũng nói với VOA rằng gia đình “ấm lòng” về sự chia sẻ, ủng hộ của mọi người trong và ngoài nước, bao gồm các nhà hoạt động, những người theo các tôn giáo khác nhau, các tổ chức xã hội dân sự, những người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội, các nhà ngoại giao nước ngoài.

Ông nói:

“Những sự ủng hộ, những hành động thiết thực như vậy giúp gia đình có niềm tin, có ý thức mạnh mẽ để cùng anh Thức tiếp tục đấu tranh cho tự do của anh Thức nói riêng, và tự do của nhiều người khác, và tự do của dân tộc nói chung. Gia đình rất chân thành tri ân đối với sự ủng hộ đó của tất cả mọi người”.

Ông Thức từng là một kỹ sư, doanh nhân, đồng thời là blogger có nhiều bài viết chỉ trích chính quyền. Đến nay đã hơn 9 năm kể từ ngày ông bị công an Việt Nam bắt và sau đó tòa án kết án ông 16 năm tù giam, 5 năm quản chế, về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

https://www.voatiengviet.com/a/tran-huynh-duy-thuc-dung-tuyet-thuc-gia-dinh-tri-an-nguoi-ung-ho/4574966.html

 

Phụ nữ miền núi mong gì?

Với nhiều tập tục và bổn phận, nữ giới trong nhiều tộc người thiểu số mang trọng trách gánh vác cả gia đình. Vậy với cuộc sống khốn khó, cách xa nhiều cuộc sống tiện nghi và hiện đại, cách xa việc tiếp cận “cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” liệu phụ nữ ở miền núi lo sợ điều gì và mong ước điều gì nhất?

Mong gì, muốn gì?

Chị Đường Thị Thiểu, một phụ nữ Thái ở miền núi phía Bắc Việt Nam chia sẻ:“Thích tiền rồi mong sao được nhà được cửa to hơn…”

Chị Hà Thị Bành, một phụ nữ Thái Đen ở miền núi phía Bắc Việt Nam chia sẻ:“Thích tiền, vì đau chân đau tay nên mong đi làm theo con cháu, muốn có nhà có cửa.”

Chị Hoàng Thị Oanh, sống ở vùng núi phía Bắc chia sẻ:“Chỉ mong trời hòa thuận cho dân làm ăn chứ thiên tai đừng ập đến như những vùng khác.”

Nếu nhiều phụ nữ ở miền xuôi trả lời rằng thích đi du lịch, thích được nếm thử những món ăn, thích giúp đỡ người khác… thì với phụ nữ miền núi, giá trị gia đình được đặt lên cao nhất.

-TTVN

Ước mong của những phụ nữ này cũng là ước mong chung của nhiều phụ nữ miền núi mà chúng tôi gặp. Quanh năm cui cút làm ăn, phụ thuộc con nước trời để trồng cây sắn, cây ngô, nhiều người trong số họ mong rằng có đủ lương thực để ăn, để cho con cái mang theo tới trường kiếm con chữ. Ước muốn của họ đôi khi đơn giản chỉ là tiền theo đúng nghĩa đen của nó, họ muốn có nhiều tiền không phải để sắm nhà lầu xe hơi mà là để cất được cái nhà che mưa che nắng, cái nhà trụ được trước những trận lũ quét ngày càng xảy ra thường xuyên hơn ở khu vực này.

Và nếu nhiều phụ nữ ở miền xuôi trả lời rằng thích đi du lịch, thích được nếm thử những món ăn, thích giúp đỡ người khác… thì với phụ nữ miền núi, giá trị gia đình được đặt lên cao nhất.

Chị Hoàng Thị Oanh chia sẻ thêm:“Thích vợ chồng thương nhau, chồng đi đâu mà có món quà gì mà mua về cho thì thích thôi. Nếu vợ chồng sống hòa thuận với nhau thì không bao giờ sợ bạo lực gia đình, nếu vợ chồng không hòa thuận mới sợ bạo lực gia đình thôi.”

Một món quà của chồng nhiều khi là bông lan rừng mới nở, đôi lúc là sáp tổ ong rừng sâu hoặc thi thoảng là chiếc khăn thêu kiểu mới ở các phiên chợ, hoặc chỉ là cái kẹp tóc nhựa… vậy nhưng họ cảm thấy như mình có cả đất trời. Những bước chân nhọc nhằn địu con lên rẫy, địu củi mót về hoặc điệu hoa chuối rừng dường như cũng tiêu tan theo tiếng cười vui cuối ngày bên nồi bắp luộc hoặc chén cơm ăn muối, rau rừng, thi thoảng có thêm chút thịt nhưng rộn tiếng cười con thơ và cái nắm tay ấm áp của vợ chồng.

Sợ gì?

Vậy phụ nữ miền núi sợ gì, hãy nghe lời chia sẻ của chị Đường Thị Thiểu, một phụ nữ Thái ở miền núi phía Bắc Việt Nam chia sẻ:“Sợ cái gì, sợ người ác.”

Chị Hà Thị Bành, một phụ nữ Thái Đen ở miền núi phía Bắc Việt Nam chia sẻ:“Sợ con người đánh đập cho, sợ người ác.”

Chị Hoàng Thị Oanh chia sẻ thêm:“Sợ thiên tai lũ lụt, mưa gió là sợ nhất.”

Sống giữa rừng thiên nước độc, điều lạ là phụ nữ các tộc người thiểu số không sợ đói khát, không sợ muôn thú mà lại sợ “người ác.” Theo lời các chị, người ác ở đây là những người miền xuôi lên núi lừa lọc bà con để bán những món hàng không dùng được hoặc dùng vài ngày đã hỏng và lấy hết những đồng tiền ki cóp của họ. Người ác là những người lấy hết gỗ rừng, ăn dần muôn thú để đại ngàn của họ dần thưa tiếng chim hót, thiếu nước vào mùa nắng và lũ quét, lũ ống về mùa mưa.

Lên cao hơn một chút đến Bắc Hà Lào Cai, một phụ nữ H.Mong chia sẻ nỗi sợ của chị về sức khỏe cũng như tính mạng của nhiều phụ nữ và trẻ em gái khác.

Chị này cho hay thêm, hằng năm, số lượng trẻ em gái hoặc phụ nữ mất tích ở đây ngày càng nhiều hơn. Ban đầu nhiều người nghĩ rằng do đi lạc, nhưng dần về sau, thông tin về việc họ bị bắt cóc bán sang Trung Quốc ngày càng được lan rộng và gia đình chị cũng là một trong những nạn nhân. Theo lời chị, tất cả bắt nguồn từ việc một đứa cháu gái của chị lên Lào Cai học cấp ba. Cháu gái chị bảo là nó được tiếp cận với toàn cầu thông qua một cái máy tính… cả nhà nghe thế đều vui mừng vì chưa ai dám rời xa cái bản cái làng. Nhưng chưa được bao lâu, một người bạn của nó tìm đến tận nhà báo tin, nó quen với một anh nào đó qua internet, hẹn hò thế nào không biết sau đó bị lừa bán sang Trung Quốc rồi. Cả nhà của chị đã nhờ tất cả những người Kinh quen biết, thỉnh thoảng nghe ở đâu có người giống cháu mình cũng dành dụm đi tìm nhưng đã hai năm nay vẫn không có tin tức gì của cháu.

Theo một báo cáo trước Quốc hội hồi tháng trước, 80% nạn nhân bị mua bán tại Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. 90% các nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em.

Thứ trưởng Bộ Công An, Thượng tướng Lê Quý Vương được truyền thông trong nước trích lời gần đây cho biết, thời gian qua cơ quan chức năng đã khởi tố hơn 1.000 vụ án với hơn 2.000 bị can liên quan đến hành vi mua bán người. Số nạn nhân bị mua bán được phát hiện là 3.100 người, trong số đó số nạn nhân chưa được giải thoát là 519 người.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/montagnard-women-wish-09172018091839.html

 

Chất nạo vét tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân

dùng để san lấp mặt bằng

Tỉnh Bình Thuận vừa công bố kế hoạch sẽ dùng vật chất nạo vét cảng, luồng, vũng quay tàu tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân để san lấp mặt bằng thay vì nhận chìm xuống biển như đề xuất trước đó.

Thông tin này được truyền thông trong nước đồng loạt loan đi vào ngày 17 tháng 9.

Theo Ủy Ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, phương án vừa nói được ký vào ngày 12 tháng 9, chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Đổ tạm 1,77 triệu m3 vật chất nạo vét để tiếp tục san lấp Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân.

Giai đoạn 2: Đầu tư mở rộng để chứa hết những thứ nạo vét trong 30 năm, bảo trì và sửa chữa, làm kho trung chuyển, và cảng xuất nhập than.

Trước đó, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã ký duyệt trong Báo cáo đánh giá tác động môi tường, đồng ý để nhận chìm các chất nạo vét xuống biển.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn vào ngày 8 tháng 6 đã có văn bản trả lời Bộ Tài nguyên Môi trường phản đối nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 ở Bình Thuận đổ 1 triệu m3 bùn thải xuống biển. Lý do được đưa ra là vì vị trí nhận chìm bùn thải quá gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau cách khoảng 9 km và có thể gây tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái biển tại khu vực này.

Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận do Trung Quốc đầu tư 95% vốn, gồm 5 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than với tổng công suất thiết kế lên đến hơn 6.000 MW.

Tuy nhiên kể từ khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đi vào hoạt động vào tháng 9 năm 2014 đến nay, dân chúng địa phương nhiều lần than phiền về tình trạng ô nhiễm do khói bụi từ nhà máy. Đỉnh điểm là vào năm 2015, hàng ngàn người dân xã Vĩnh Tân đã tập trung phản đối ô nhiễm không khí do xỉ than của nhà máy gây ra.

Trong thời gian qua, công luận tại Việt Nam quan tâm đến tình trạng một số nhà máy nhiệt điện than xin chính phủ cho nhận chìm vật chất xuống biển.

Bộ Tài nguyên – Môi trường Việt Nam vào trung tuần tháng 8 vừa qua cho biết vẫn đang xem xét đề nghị cho nhận chìm 2,5 triệu m3 bùn và chất thải nạo vét của Trung tâm Điện lực Quảng Trạch ở Quảng Bình xuống khu vực cách đảo Hòn La 3,5 hải lý. Thông tin này đã gây nhiều phản ứng trong dư luận vì người dân lo ngại rằng việc nhận chìm bùn thải sẽ làm chết vùng biển này.

Gần đây nhất là vào ngày 12 tháng 9, Ủy ban Nhân dân Tỉnh Quảng Ngãi gửi đơn lên Thủ tướng xin cho phép cho Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất được nhận chìm 15 triệu m3 vật chất xuống biển.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/binh-thuan-using-dredge-in-vinh-tan-to-level-the-base-09172018080345.html

 

Sao lại đổ lỗi ‘tư duy tiểu nông’

 làm hỏng giáo dục VN?

Nguyễn Quang DuyGửi tới BBC Tiếng Việt từ Melbourne, Úc

Về hiện tình ngành giáo dục Việt Nam, thay vì đổ lỗi cho “tư duy tiểu nông,” chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân trước khi dẫn đến kết luận và tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề.

Báo Giáo Dục Việt Nam ngày 22/09/2016, đưa nhận định của Giáo Sư Nguyễn Xuân Hãn Phó Chủ tịch Hội Vật Lý Việt Nam “Đừng làm chương trình, sách giáo khoa bằng tư duy tiểu nông”.

Hai năm sau, đến ngày 12/09/2018 cũng trên Báo Giáo Dục Việt Nam, Giáo Sư Hãn lại đổ lỗi cho chương trình soạn và thẩm định sách giáo khoa theo “văn hóa tiểu nông” không khoa học nên mới dẫn đến việc khủng hoảng giáo dục.

Trả lời BBC tiếng Việt, Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cũng cho biết:

“Về chuyện cải cách giáo dục, tôi nhớ nhà toán học Hoàng Tụy từng nói Cải cách giáo dục của Việt Nam mấy chục năm nay thất bại vì tư duy tiểu nông, vì bóc ngắn cắn dài cắt khúc cuốn chiếu, thiếu một người nhạc trưởng có tâm, có tầm, có uy tín và uy lực, dám chịu trách nhiệm, huy động được cả tài lực lẫn vật lực của chính phủ và của xã hội.”

Anh: Mở trường và học không sách giáo khoa

Giáo dục Việt Nam thời ‘buôn chữ bán sách’

Tiếng Việt thời ‘Công nghệ giáo dục’

Chi phí giáo dục ở nơi nào đắt nhất?

Cái giá phải trả khi đất nước thay đổi chữ viết

Đã nói tới khoa học thì thay vì vô cớ đổ lỗi cho “tư duy tiểu nông” hay “văn hóa tiểu nông”, chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân trước khi dẫn đến kết luận và tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề.

Văn hóa tiểu nông là gì?

Người Việt đa số sống bằng nghề nông. Đời sống nông dân chủ yếu là tự lực, tự cường, tự cung, tự cấp, sống thực, không hình thức, không tham lam, trao đổi với bên ngoài chỉ xảy ra khi thật sự cần thiết…

Người nông dân vì thế rất độc lập, yêu quê hương, nhận trách nhiệm, sống nhân bản, hòa đồng với thiên nhiên, tôn trọng và duy trì những quy ước, những trật tự do cha ông để lại.

Đương nhiên nền văn hóa nào cũng có mặt trái như bản tính của người nông dân là ngại thay đổi, không cạnh tranh, không thích hợp cho việc buôn bán, không thích đời sống ồn ào phố thị.

Khi đất nước lâm nguy những nông dân sẵn sàng nhận trách nhiệm tòng quân cứu nước. Hết chiến tranh họ lại quay về lo cầy cấy ruộng vườn xây dựng gia đình và đất nước.

Việt Nam được tồn tại đến ngày nay chính nhờ những nông dân tay lấm chân bùn thật thà chất phát.

Nông thôn Việt Nam cho đến 1954 rất độc lập với sự quản lý của chính quyền trung ương. Xã hội Việt Nam vì thế được phân quyền một cách hết sức rõ ràng.

Khi triều đình thuyết phục được tầng lớp tiểu nông thì mọi việc dù lớn thế nào cũng xong. Còn nếu như nhà Vua không hợp với lòng dân thì “phép vua thua lệ làng” việc gì cũng hỏng.

Như Hội Nghị Diên Hồng thà chết không hòa.

Như cải cách giáo dục tại Việt Nam trước năm 1945. Khi Vua Thành Thái ra sắc lệnh theo tân học dùng chữ Quốc Ngữ các thầy đồ ở thôn quê đồng loạt tuân theo dạy chữ Quốc Ngữ cho con em nông dân và khuyến khích nông dân cắt tóc ngắn theo tân học…

Nông thôn thời đó thay đổi rất nhanh và cũng nhờ thế mà phong trào Việt Minh Cộng Sản đã nhanh chóng cướp được chính quyền khi Nhật đầu hàng Đồng Minh.

Văn hóa Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa

Năm 1949 khi đảng Cộng sản Trung Hoa thắng cuộc, tình hình miền Bắc Việt Nam cũng bắt đầu thay đổi.

Đến năm 1952 đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu phóng tay phát động Cải Cách Ruộng Đất với chủ Trương “Trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”, toàn miền Bắc ngập trong máu và nước mắt tiểu nông.

Đa số những người giàu có ở nông thôn đã rời lên thành phố tránh chiến tranh. Khi chỉ tiêu 5% dân số là địa chủ được đưa ra thì thầy giáo, tiểu nông và những người có văn hóa ở nông thôn là thành phần bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Văn hóa tiểu nông bị xóa bỏ được thay thế bằng văn hóa cách mạng nhập cảng từ Trung Hoa.

Văn hóa cách mạng tôn thờ lãnh tụ, trung thành với tổ chức, trung ương tập quyền và độc quyền lãnh đạo, là hồng hơn chuyên, là tuyên truyền ngụy biện phản khoa học…

Khi biến thái văn hóa này kết hợp quyền lực và quyền lợi biến thành các nhóm lợi ích chỉ biết đến quyền và tiền.

Văn hóa mới cần phải có con người mới. Lớp người mới thấm nhuần văn hóa cách mạng ở nông thôn được ồ ạt đưa vào chính quyền, được đưa vào ngành giáo dục, được đưa lên thành thị.

Hầu hết người thành thị tránh công sản di cư vào Nam. Lớp người mới xã hội chủ nghĩa biến thành phố ra nông thôn mang những thói quen từ thôn quê lên thành thị.

Hà Nội ngàn năm văn vật biến thành Hà Nội vạn vật. Nhà nhà nuôi chó, nuôi heo, nuôi gà, nuôi vịt để ăn thịt và để tăng gia sản xuất. Hải Phòng, Vinh và các thành phố lớn cũng chịu chung số phận.

Xã hội miền Bắc đảo lộn từ nông thôn đến thành thị. Văn Hóa mang màu sắc Bắc Kinh ảnh hưởng nặng nề đến giáo dục, nghệ thuật, văn nghệ, chính trị, tư tưởng, quân đội… nói chung là toàn xã hội miền Bắc bị ảnh hưởng nặng nề.

Tầng lớp người mới này được đưa sang Trung Hoa, Liên Xô, Đông Âu du học trở thành tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa.

Mà xã hội chủ nghĩa là cái chi chi đến nay chưa ai rõ nên bao thế hệ trí thức xã hội chủ nghĩa miền Bắc cứ thế nhắm mắt mà đi, sai đâu sửa đó càng sửa càng sai.

Giáo dục Hà Giang có ‘gian lận điểm thi’

Ông Nhạ ‘không thể không chịu trách nhiệm’

Ưu tiên điểm thi đến mấy đời con cháu

Bởi thế thực hiện quản trị kiểu cuốn chiếu, không đâu vào đâu, lãng phí, gian dối, thiếu khoa học, thiếu viễn kiến, thiếu trách nhiệm, thiếu lãnh đạo có tâm có tầm… thì không chỉ riêng trong ngành giáo dục mà là phương cách quản trị ngày nay.

Phương cách quản trị đất nước này xuất phát từ văn hóa cách mạng xã hội chủ nghĩa không có chút tư duy tiểu nông tí nào.

Nông dân vốn bản tính làm đâu ra đó, sẵn sàng nhận trách nhiệm, không gian dối, ăn chắc mặc bền, quý trọng từng hạt gạo cộng rơm, tôn trọng của công, lo chuyện làng xã, tôn trọng quy ước và lãnh đạo làng xã…

Không hiểu cái gì cũng đổ lỗi cho ông bà coi chừng bị ông bà quở chết.

Nông dân vốn bản tính làm đâu ra đó, sẵn sàng nhận trách nhiệm, không gian dối, ăn chắc mặc bền, quý trọng từng hạt gạo cộng rơm, tôn trọng của công, lo chuyện làng xã, tôn trọng quy ước và lãnh đạo làng xã… Không hiểu cái gì cũng đổ lỗi cho ông bà coi chừng bị ông bà quở chết.Nguyễn Quang Duy

Bà Chủ Tịch Quốc Hội nói gì về giáo dục?

Trên báo Giáo Dục Việt Nam ngày 13/09/2018 Giáo Sư Nguyễn Xuân Hãn bắt đầu bằng lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Sách vở tôi học mấy năm sau em tôi vẫn dùng học lại được. Bây giờ mỗi năm một sách khác, tốn tiền nhân dân lắm!”

Báo Lao Động nói rõ hơn về ý kiến của bà Chủ tịch Kim Ngân như sau: “Tôi thấy rất thương học sinh hiện nay học quá khổ sở. Thế hệ chúng tôi học cách đây đã 50, 60 năm nhưng kiến thức không quên điều gì. Tất cả các bài từ vỡ lòng vẫn nắm chắc. Trong đó, ba tháng hè chúng tôi vẫn được nghỉ trọn vẹn. Học sinh hiện nay không có ba tháng hè trọn vẹn, không có tuổi thơ, không có vui chơi…”

Bà Kim Ngân không nói rõ là trước đây học sinh chỉ học một buổi, hoặc sáng hay chiều. Không như ngày nay các em phải học cả ngày. Thích học thêm hội họa, võ thuật, nhạc, cha mẹ cho học thêm không gò ép.

Bà Kim Ngân vốn xuất thân là nông dân, cả cha mẹ đều theo cộng sản, chính quyền miền Nam biết rõ nhưng không phải vì thế mà đối xử thiếu công bằng với bà.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cựu Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên Việt Nam Cộng Hòa từng cho biết: “chính trị chỉ là nhất thời, tương lai của dân tộc mới trọng đại, những gì thuộc phạm vi chính trị nhất thời đều phải ngưng lại trước ngưỡng cửa học đường.”

Bà học xong trung học rồi vào Đại học Văn khoa Sài Gòn nhờ vậy ngày nay bà mới hiểu rõ nên nay đứng trước Quốc Hội mới tỏ bày sự luyến tiếc nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa.

Việc bà Kim Ngân so sánh chẳng khác nào phủ nhận con đường “Bi đác” Xã Hội Chủ Nghĩa, và biểu lộ tư tưởng về nguồn lấy nền tảng triết lý giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng làm căn bản.

Trên trang Báo Mới bà Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân còn cho biết: “Chúng tôi ngày xưa đi học đâu đến mức vậy mà từ tên núi, tên sông, tên cao nguyên, thể hiện trên bản đồ sẽ ở đoạn nào giờ vẫn không thể quên được, lịch sử các trận đánh, các triều đại từ Lý, Trần, Tiền Lê đến giờ cũng vẫn nhớ nguyên. Còn giờ hỏi bọn trẻ những thứ đó hầu hết đều không biết”.

Nghĩ thật buồn các em ngày nay không hiểu biết về địa lý về sử ký Việt Nam thì làm sao biết được cội nguồn mà tìm về.

Làm toán mà đặt sai vấn đề thì đáp số đương nhiên là sai.

Làm nhân văn xã hội mà nhìn sai vấn đề thì xã hội ngày càng loạn.

Cách nhìn, cách đánh giá khi so sánh thể chế giáo dục Bắc Nam của bà Kim Ngân là cách nhìn đúng đắn, rất khoa học rất đáng khuyến khích.

Cũng là người Việt Nam, cũng thoát khỏi sự cai trị của người Pháp, cùng chịu chiến tranh mà tại sao miền Nam thành công cho đến nay cả người theo cộng sản còn luyến tiếc. Còn miền Bắc càng cải cách càng lún sâu vào khủng hoảng.

Bấy lâu nay tôi rất áy náy khi nghe nói đến cụm từ “tư duy tiểu nông”, nhân cơ hội mới được tỏ bày nếu có điều chi chưa đúng hay chưa rõ rất sẵn lòng đón nhận ý kiến và trao đổi.

Còn muốn có “một người nhạc trưởng có tâm, có tầm, có uy tín và uy lực, dám chịu trách nhiệm, huy động được cả tài lực lẫn vật lực của chính phủ và của xã hội.” như băn khoăn của nhà toán học Hoàng Tụy thì phải trả ngay lại quyền cho người dân chọn lựa.

Muốn có “một người nhạc trưởng có tâm, có tầm, có uy tín và uy lực, dám chịu trách nhiệm, huy động được cả tài lực lẫn vật lực của chính phủ và của xã hội.” như băn khoăn của nhà toán học Hoàng Tụy thì phải trả ngay lại quyền cho người dân chọn lựa.Nguyễn Quang Duy

Vì sao chúng ta nên ủng hộ dân chủ?

Hết sức đơn giản vì nếu ông Tổng thống và nội các của ông ấy không làm tròn nhiệm vụ như lời hứa hẹn thì chỉ trong vòng bốn năm người dân sẽ đuổi ông ta khỏi chính quyền trao quyền cho người khác thực hiện.

Vì giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội không phải của riêng ai, muốn thực hiện tốt ông ấy phải thăm dò ý kiến của Giáo Sư Nguyễn Xuân Hãn, của Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, của các thầy cô khác, của phụ huynh học sinh và nhất là của người dân trong và ngoài nước để đưa ra và thực hiện những chính sách khả thi nhất trong hoàn cảnh đất nước.

Có dân chủ Việt Nam mới thoát khỏi cách quản lý độc quyền thiếu khoa học, thiếu viễn kiến, thiếu trách nhiệm sai lại sửa càng sai càng sửa đất nước trải qua mấy chục năm nay.

Các thế hệ con em chúng ta không còn bị biến thành khỉ vì giáo dục kiểu hiện nay (lời của Giáo Sư Hồ Ngọc Đại) hay không bị biến thành “chuột bạch” tiếp tục bị mang ra làm thí điểm cho Công nghệ giáo dục.

Không con đường nào khác hơn Việt Nam phải tiến tới dân chủ tự do.

Bài thể hiện quan điểm riêng và văn phong của người viết. BBC Tiếng Việt luôn hoan nghênh các ý kiến tranh luậnvề các vấn đề thời sự. Hãy gửi bài về cho chúng tôi theo địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45544184

 

Trung Quốc viện trợ Công an VN phòng lab

công nghệ thông tin, dân mạng lo lắng

Bộ Công an Việt Nam hôm 14/9 cho biết Bộ Công an Trung Quốc vừa viện trợ cho Cục Đối ngoại, Bộ Công an Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh một phòng lab giúp thu thập, khôi phục chứng cứ dữ liệu điện tử trong công tác phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Phòng lab được chính thức khánh thành vào ngày 14/9.

Theo trang web Bộ Công an Việt Nam, việc lắp đặt phòng lab được thực hiện sau hai năm phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc cùng công ty công nghệ thông tin Lý Á của Trung Quốc.

Ngay sau khi thông tin này được báo chí trong nước đăng lại, cư dân mạng đã có nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng vì cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng phòng lab này để nghe lén, lấy trộm dữ liệu của Việt Nam.

Những lo lắng này của cư dân mạng Việt Nam không phải là không có lý do.

Hồi đầu năm nay, báo Le Monde của Pháp công bố một điều tra cho biết Trung Quốc đã lấy cắp dữ liệu từ mạng máy tính mà nước này cung cấp cho trụ sở của Liên Minh Châu Phi. Toà nhà trụ sở của Liên Minh Châu Phi tại Ethiopia được Trung Quốc giúp xây cho các nước châu Phi và hoàn tất vào năm 2012. Đây được coi như biểu tượng của mối quan hệ Trung Quốc – Châu Phi và là món quà mà chính phủ Trung Quốc tặng cho các quốc gia Châu Phi.

Sự việc Trung Quốc lấy trộm thông tin chỉ được phát hiện vào tháng 1/2017 khi các kỹ thuật viên phát hiện hàng đêm cứ vào khoảng từ 12 giờ đến 2 giờ sáng, việc sử dụng dữ liệu lên cao bất ngờ trong hệ thống máy tính của toà nhà mặc dù lúc đó không có ai làm việc ở trụ sở. Các điều tra sau đó cho thấy các dữ liệu bí mật của Châu Phi đã được copy và chuyển về các máy chủ ở Thượng Hải.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Minh Châu Phi đã bác bỏ cáo buộc này và gọi thông tin này là vô lý.

Mặc dù vậy, sau khi sự việc xảy ra, Liên Minh Châu Phi đã lẳng lặng mua máy chủ khác và từ chối sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Hồi tháng trước, Australia cũng ra lệnh cấm hai tập đoàn công nghệ thông tin lớn của Trung Quốc là Huawei và ZTE cung cấp thiết bị cho hệ thống viễn thông mới của nước này vì lo ngại tình báo mạng của Trung Quốc.

Hoa Kỳ hồi đầu năm nay cũng thông qua một kế hoạch hạn chế việc các tập đoàn công nghệ thông tin của Trung Quốc bán các sản phẩm tại Mỹ vì lo ngại những thiết bị này sẽ đặt ra những mối nguy về an ninh cho Mỹ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/china-help-vn-police-with-it-technology-public-concern-09162018213711.html

 

Quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc tới Việt Nam

Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 16/9 hội đàm với người đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh và đồng chủ trì phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung tại TP HCM.

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tới Việt Nam từ ngày 15 tới 16 tháng Chín theo lời mời của ông Minh, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo.

Theo tờ Lao Động, trong cuộc họp, hai bên “đã trao đổi thẳng thắn” về vấn đề trên Biển Đông.

Ngoài ra, tin cho hay, ông Minh và ông Vương cũng trao đổi về một số các vấn đề khác như chuyện “nhập siêu thương mại của Việt Nam từ Trung Quốc vẫn còn lớn”.

Trước cuộc họp với ông Minh, hôm 15/9, Bộ trưởng Vương cũng đã gặp ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM.

Ông Nhân được Tân Hoa Xã trích lời nói rằng “thành công của Trung Quốc không chỉ mang lại lợi ích cho người Trung Quốc mà còn mang lại cơ hội cho sự phát triển của Việt Nam”.

Theo báo chí Trung Quốc, sau Việt Nam, ông Vương sẽ tới Philippines, quốc gia cũng có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng chuyến thăm Philippines từ ngày 16 tới 18 tháng Chín nhằm “củng cố thêm nữa nền tảng ngày càng vững mạnh của mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc”.

https://www.voatiengviet.com/a/quan-chuc-ngoai-giao-hang-dau-trung-quoc-tham-viet-nam/4573847.html

 

Việt Nam siết chặt quy định nhập chất thải,

xem xét cấm xuất khẩu khoáng sản

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mới đây ký chỉ thị yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường không được cấp mới giấy xác nhận đối với các đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu. Việc nhập khẩu chỉ được xem xét đối với các đơn vị nhập khẩu để sử dụng trực tiếp và chứng minh được nhu cầu sử dụng. Truyền thông trong nước loan tin này ngày 17/9.

Chỉ thị mới cũng giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng quy định pháp luật.

Quyết định mới này của Chính phủ được đưa ra sau khi Hải quan Việt Nam hồi tháng trước cho biết hàng ngàn container phế liệu đang nằm tại các cảng biển Việt Nam nhưng không có doanh nghiệp nào đến nhận, gây tình trạng quá tải và lo ngại về ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, vào hồi đầu tháng này, Bộ Tài chính gửi Bộ Công thương một đề xuất cấm xuất khẩu khoáng sản thô, tiến hành rà soát, đánh giá, hạn chế cấp phép khai thác khoáng sản xuất khẩu, kiểm soát khai thác khoáng sản.

Hiện Việt Nam vẫn chưa có chính sách nào được thực hiện liên quan đến việc cấm xuất khẩu khoáng sản. Theo Vietnam News, việc thực hiện chính sách cấm được cho là khó thực hiện vì vẫn chưa có định nghĩa thực tế về khoáng sản thô, khoáng sản qua chế biến, trong khi các loại nguyên liệu thô yêu cầu các mức chế biến khác nhau.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra quyết định chỉ đạo, yêu cầu hạn chế các dự án khai thác, tuyển và chế biến một số loại quặng như vàng, đồng, niken, molipden ở quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu gây tổn thất tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

Báo cáo mới của Tổng cục Hải quan tính đến hết ngày 15/7 cho thấy cả nước xuất hơn 2 triệu tấn quặng, đạt kim ngạch 101 triệu USD. Trong số này, 1,5 triệu tấn được xuất sang Trung Quốc, chiếm tỷ lệ 75%.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-to-restrict-import-of-waste-consider-banning-export-raw-material-09172018085419.html

 

Trộm người Việt sang Singapore

dùng chiêu bọc lá thiếc qua mặt máy chống trộm

Cảnh sát bắt giữ bốn người, mà họ tin là công dân Việt Nam, bị nghi ngờ đã trộm cắp 868 mặt hàng ở các cửa hàng quần áo lớn trên khắp Singapore. Đây là vụ trộm cắp lớn nhất tính đến thời điểm này liên quan đến một băng nhóm trộm cắp cửa hàng ở Singapore.

Hai người đàn ông và hai người phụ nữ, tuổi từ 26 đến 31, bị cáo buộc tội ăn cắp quần áo phụ nữ, và đồ lót hàng hiệu, trị giá 26.000 đô la Singapore (khoảng gần 442 triệu đồng Việt Nam, hay 19.000 đôla Mỹ), trong các cửa hàng.

Tại cuộc họp báo hôm 17/9, cảnh sát mô tả đây là vụ trộm cửa hàng lớn nhất về giá trị và số lượng mà họ bắt được trong những năm gần đây.

Cảnh sát nói các tên trộm, được tin là người Việt, gói các đồ ăn trộm vào vào các túi giấy bên trong lót tấm thiếc để đi qua các cảm biến chống trộm của cửa hàng mà không bị phát hiện.

Hình ảnh do các camera an ninh ghi lại cho thấy bốn nghi can trộm đã làm điều này nhiều lần tại mỗi cửa hàng. Các video cũng cho thấy những tên trộm này còn mang theo các vali đựng hành lý, khiến cảnh sát nghi rằng đây có thể không đơn giản chỉ là những vụ trộm nhỏ lẻ.

Giới hữu trách đang cố xác định bốn nghi can này đã hành động tại các cửa hàng ở Singapore từ lúc nào.

Cảnh sát đã bắt bốn nghi can này trên đường Chin Swee hôm Chủ nhật 16/9, một ngày sau khi họ nhận được trình báo mất trộm từ một cửa hàng bán lẻ trong khu thương mại Pasir Ris Close.

Trong số các vật phẩm mất cắp đã thu hồi được, cảnh sát cho biết có 529 áo ngực hàng hiệu, một số túi hành lý, kìm và móc treo.

Các băng trộm thường gửi các đồ họ đánh cắp được về đất nước họ để tiêu thụ. Cảnh sát tin rằng bốn nghi can này có thể đã định sử dụng các vali hành lý để chuyển các đồ đánh cắp ra khỏi Singapore.

Giám đốc Sở cảnh sát Bedok, ông Tân Tin Wee cho biết: “Đây là một ví dụ cho thấy sự hợp tác chặt chẽ giữa cảnh sát và các cửa hàng bán lẻ trong việc chống tội phạm.”

Ông nói thêm rằng: “cảnh sát sẽ không tha thứ cho các băng đảng tội phạm nước ngoài tìm cách hoạt động ở Singapore. Những kẻ bị phát hiện sẽ bị truy tố đến mức tối đa của luật pháp.

Bốn nghi can này sẽ bị đưa ra tòa vào thứ Ba 18/9. Nếu bị kết án, họ có thể đối mặt với án tù bảy năm và phạt tiền.

(Theo The Straits Times, Channel NewsAsia)

https://www.voatiengviet.com/a/trom-nguoi-viet-sang-singapore-dung-chiue-boc-la-thiet-qua-mat-may-chong-trom/4574869.html

 

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung:

Việt Nam giữa hai làn đạn

Minh Anh

Nhật báo kinh tế Les Echos có bài nhận định về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đối với Việt Nam. Bài viết đề tựa « Căng thẳng Mỹ – Trung làm suy yếu Việt Nam ». Để phòng vệ, Hà Nội muốn gia tăng ký kết các thỏa thuận thương mại, nhất là với Mỹ.

Nhằm bảo vệ mức tăng trưởng hiện nay 7,1% (chỉ đứng sau Ấn Độ), chính phủ Việt Nam tìm kiếm các giải pháp thay thế. Nguy cơ Hoa Kỳ áp dụng các chính sách bảo hộ, kể cả thiết lập các chuẩn mực an toàn thực phẩm nghiêm ngặt hơn khiến chính quyền Hà Nội lo lắng, bởi vì cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều là các đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Tùy theo từng năm mà mức trao đổi thương mại của Việt Nam với Trung Quốc chiếm đến 1/3 tổng trao đổi mậu dịch và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ chiếm đến 42 tỷ đô la trong tổng số 215 tỷ. Duy chỉ có một điểm khác biệt : Việt Nam có thặng dư mậu dịch với Mỹ là 29 tỷ đô la, trong khi đó mức thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc là 21,6 tỷ đô la.

Lo ngại các căng thẳng chính trị có thể tác động đến nền kinh tế đất nước, Việt Nam nhân diễn đàn kinh tế ASEAN vừa kết thúc ở Hà Nội đã công khai đề nghị Hoa Kỳ gia nhập trở lại TPP. Một thỏa thuận trao đổi mậu dịch xuyên Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đã sập cửa ngay ngày ông Donald Trump lên nhậm chức.

Les Echos trích dẫn lại đoạn trả lời phỏng vấn của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với hãng tin Bloomberg : « Tôi có giải thích với ông Donald Trump là tôi hiểu mong muốn tái cân bằng mậu dịch. Nhưng những gì chúng tôi cung cấp cho Hoa Kỳ đều có lợi cho người tiêu thụ Mỹ, trong khi mà đầu tư của Mỹ tại Việt Nam cũng có ích cho nền kinh tế của chúng tôi ».

Theo nhận định của Les Echos, cho đến lúc này, Việt Nam dùng lá bài « Hoa Kỳ » để làm đối trọng với đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Một thăm dò do Pew Research Center thực hiện năm 2017 cho thấy chỉ có 10% số người dân Việt Nam được hỏi là có một cái nhìn tốt về Trung Quốc, ngược lại tỷ lệ người dân ủng hộ Hoa Kỳ chiếm đến 84%.

Quan hệ Việt – Trung nhiều lúc sôi bỏng. Dự án thành lập các đặc khu kinh tế đã bị người dân phản đối mạnh mẽ, vì bị cho là quá ưu đãi với các nhà đầu tư Trung Quốc. Đó là chưa tính đến tranh chấp trên Biển Đông, nơi Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đến 80% diện tích khu vực, dẫn đến các căng thẳng giữa hai nước, nhất là trong vấn đề khai thác dầu khí.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180917-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-viet-nam-qt