Tin Việt Nam – 18/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 18/08/2018

Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga

bị doạ đánh và giết

Vào sáng ngày 18/8, tù nhân lương tâm Trần Thị Nga từ trại giam Gia Trung ở tỉnh Gia Lai, đã gọi điện về cho gia đình và cho biết chị đang bị doạ đánh, thậm chí doạ giết chết trong tù. Người phối ngẫu của chị Trần Thị Nga là ông Phan Văn Phong cho đài Á Châu Tự Do biết tin này vào chiều cùng ngày.

Sáng nay Nga gọi điện về nói đợt này chúng nó đánh nhiều lắm và chúng còn doạ giết. Nga chỉ nói vội được thế thôi vì nói nhiều nó cắt”, ông Phan Văn Phong cho biết.

Theo ông Phong, chị Nga được phép gọi điện về nhà mỗi tháng một lần, mỗi lần 5 phút. Vì vậy chị không thể nói nhiều thông tin cụ thể với gia đình.

Ông Phong cho biết vào khoảng cuối tháng 7, chị Trần Thị Nga gọi điện báo cho gia đình biết trại giam sắp xếp cho chị ở chung với một phạm nhân khác là Hải hay còn gọi là Hải Hô.

Cựu tù nhân lương tâm Bùi Hằng, người đã từng bị giam giữ ở trại giam Gia Trung cho biết phạm nhân Hải Hô là người đã từng đe doạ bà ở trại giam Gia Trung. Bà Bùi Hằng nói với Đài Á Châu Tự Do: “Tôi biết tên và mặt của phạm nhân mà trại đang sắp xếp giam giữ chung với chị Nga. Đó là Nguyễn Thị Hải hay còn gọi là Hải Hô, là một phụ nữ rất đầu gấu. Chính trại đã sắp xếp cô ta ở với tôi. Thời gian đầu cô ta tỏ ra than thiện và nói với tôi nhiều bí mật nhưng một thời gian sau cô ta không lôi được thông tin gì từ tôi vì tôi rất cảnh giác, thì cô ta trở mặt. Cô ta lần lượt doạ đánh, doạ giết tôi

Bà Bùi Hằng cho biết những hành động doạ đánh, giết và truy bức từ những phạm nhân khác đã khiến bà phải tuyệt thực để phản đối. Bà Hằng nói: “Khi tôi ở đó họ cũng cho phạm nhân doạ đầu độc tôi bằng xianua, doạ đánh, giết tôi trước mặt quản giáo, và còn rất nhiều việc khác khiến tôi phải đập đầu và tuyệt thực suốt hai tháng trời. Gia đình ở bên ngoài không được thông tin, hình ảnh gì từ tôi. Trong giai đoạn đó họ cũng cắt cả điện thoại. Tôi đã phải đi cấp cứu vì đứng không vững mà gia đình cũng không biết

Theo bà Bùi Hằng, những hành động tấn công, doạ đánh, doạ giết của những phạm nhân khác nhắm vào các tù chính trị ở trại Gia Trung chắc chắn phải có sự đồng ý của quản lý trại giam. Bà nói : “Tất cả những việc này phải có cán bộ sắp xếp và bật đèn xanh chứ không phải tù nhân tự có những hành động đó. Khi sắp chúng tôi ở với ai có nghĩa là giám thị và quản giáo đã làm những điều này”

Đài Á Châu Tự Do đã tìm cách liên lạc với ban quản lý trại giam Gia Trung để tìm hiểu sự việc nhưng các cuộc gọi đều không có người trả lời.

Tù chính trị Trần Thị Nga là người bị kết án 9 năm tù vào ngày 25/7/2017 vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999.

Việc tù chính trị bị sắp xếp ở chung với các tù hình sự khác và bị đe doạ, bị đánh đập là điều không phải mới.

Tù nhân lương tâm, blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người đang thụ án tù 10 năm vì tội theo điều 88 Bộ Luật Hình sự, mới đây cũng phải tuyệt thực nhiều tuần để phản đối những hành xử tại trại giam đối với chị. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, thân mẫu của blogger Mẹ Nấm cho biết blogger này đã bị ngược đãi, khủng bố, đe doạ đến mạng sống ở trại giam số 5, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.

Cuộc tuyệt thực của blogger Mẹ Nấm bắt đầu từ ngày 6/7 và chỉ kết thúc vào ngày 23/7 sau khi đại diện đại sứ quán Hoa Kỳ đến trại giam thăm chị.

Cựu tù nhân lương tâm Bùi Hằng cho biết, trường hợp tương tự cũng xảy ra với bà vào tháng 10/2016 khi đại diện Đại sứ quán Mỹ vào thăm bà ở trại giam Gia Trung. Bà cho biết sau chuyến thăm, trại giam mới đáp ứng phần nào yêu cầu của bà và những ngược đãi, đe doạ đối với bà giảm hẳn.

Bà Bùi Hằng bị kết án 3 năm tù vì tội “gây mất trật tự công cộng” hồi năm 2014. Bà kết thúc án tù vào tháng 2/2017.

Bà Bùi Hằng cho biết, sau khi nghe nhưng thông tin đáng lo ngại về chị Trần Thị Nga, bà sẽ chuẩn bị những thông tin đầy đủ về các phạm nhân mà trại giam Gia Trung sắp xếp giam chung với tù chính trị để công khai cho mọi người biết.

Ông Phan Văn Phong cho biết, ông cũng sẽ chuẩn bị viết đơn gửi lên các cơ quan có thẩm quyền về tình hình của chị Trần Thị Nga ở trong tù.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tran-thi-nga-harrassed-in-prison-08182018084715.html

 

Đoàn ‘liên ngành’ xô bà chủ vựa khoai mì ngã chết,

xua côn đồ trấn áp gia đình

Công an tỉnh Tây Ninh đang điều tra tình huống dẫn đến cái chết của một bà chủ vựa khoai mì trong lúc làm việc với một đoàn kiểm tra liên ngành.

Truyền thông trong nước tường trình rằng, nhà cầm quyền xã còn huy động côn đồ sử dụng tuýp sắt tới trấn áp gia đình nạn nhân. Hôm Thứ Sáu 17/08, ông Nguyễn Hai Mừng, trưởng phòng tham mưu công an tỉnh Tây Ninh, cho biết đang chờ kết quả giảo nghiệm tử thi để điều tra nguyên nhân cái chết của bà Nguyễn Thị Bích, 52 tuổi, cư dân xã Tân Hội, huyện Tân Châu.

Vào chiều Thứ Tư, một đoàn kiểm tra liên ngành dẫn đầu bởi ông Dương Quý Hà, phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã Tân Hội, kéo đến kiểm tra cơ sở chuyên thu mua khoai mì của bà Bích. Khi đoàn kiểm tra yêu cầu xuất trình giấy phép kinh doanh, bà Bích trình ra giấy phép kinh doanh do ông Trần Tiến Hiệp, 36 tuổi, đứng tên. Sau đó không rõ vì lý do gì, đoàn kiểm tra đòi thu giữ khoai mì và giấy phép kinh doanh, đồng thời mời bà Bích  đi theo họ để làm việc. Theo tường thuật của nhiều báo, lúc này xảy ra một cuộc xô xát, và bà Bích bị ngã xuống đất chết tại chỗ. Sự việc khiến người nhà bà Bích phẫn nộ. Nhưng thay vì rút đi, phó chủ tịch xã Tân Hội lại gọi thêm sáu người cầm theo tuýp sắt tới nơi tiếp ứng.

Tin cho hay, công an tỉnh Tây Ninh đã thu được tất cả những chiếc xe máy và tuýp sắt mà cái gọi là “lực lượng liên ngành” đã bỏ lại ở vựa khoai mì.

https://www.sbtn.tv/doan-lien-nganh-xo-ba-chu-vua-khoai-mi-nga-chet-xua-con-do-tran-ap-gia-dinh/

 

Mỹ kêu gọi phóng thích nhà hoạt động Lê Đình Lượng

Mỹ hôm thứ Sáu nói rằng họ hết sức lo ngại về việc một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam bị kết án 20 năm tù trong tuần này, gọi xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ và các bản án khắc nghiệt đối với hoạt động tranh đấu ôn hòa là đáng lo ngại.

Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc ông Lê Đình Lượng bị kết án sau một phiên tòa hôm thứ Năm cũng kêu gọi Việt Nam phóng thích tất cả các tù nhân lương tâm ngay lập tức.

Ông Lượng, 53 tuổi, bị bắt vào năm ngoái sau khi kêu gọi mọi người tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội. Ông viết các bài đăng trên Facebook thể hiện quan điểm chống Đảng Cộng sản và nhà nước, và kêu gọi biểu tình chống công ty thép Formosa của Đài Loan. Ông bị buộc tội “lật đổ chính quyền nhân dân.”

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị xử 20 năm tù, 5 năm quản chế

Luật sư: ‘Nhân chứng bất ngờ phản cung tại phiên xử Lê Đình Lượng

“Xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ và các bản án khắc nghiệt đối với các nhà hoạt động ôn hòa bình ở Việt Nam là đáng lo ngại,” Bộ Ngoại giao nói.

“Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam phóng thích tất cả các tù nhân lương tâm ngay lập tức và cho phép tất cả các cá nhân ở Việt Nam được bày tỏ quan điểm của mình một cách tự do và tụ tập một cách ôn hòa mà không sợ bị trả đũa.”

Các tổ chức nhân quyền quốc tế cho biết Việt Nam trong năm qua đã tăng cường trấn áp quan điểm bất đồng chính kiến và bỏ tù nhiều nhà hoạt động chỉ trích Đảng Cộng sản và nhà nước.

Tổ chức Ân xá Quốc tế trong một nghiên cứu công bố trước đây trong năm cho biết có ít nhất 97 tù nhân lương tâm hiện đang bị cầm tù ở Việt Nam, đa số sống trong các điều kiện tệ hại và bị ngược đãi.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York gọi những cáo buộc nhắm vào ông Lượng là có động cơ chính trị.

https://www.voatiengviet.com/a/my-keu-goi-phong-thich-nha-hoat-dong-le-dinh-luong/4533419.html

 

Hoa Kỳ quan ngại

‘xu hướng bỏ tù khắc nghiệt’ giới hoạt động VN

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ và án tù khắc nghiệt đối với các nhà hoạt động ôn hòa ở VN rất đáng lo ngại.

Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Sáu 17/8 rằng nước này quan ngại sâu sắc trước việc Việt Nam tuyên án 20 năm tù giam nhà bất đồng chính kiến Lê Đình Lượng, theo Reuters.

Hoa Kỳ gọi đây là xu hướng gia tăng bắt giữ và giam cầm khắc nghiệt đối với các nhà hoạt động dân chủ ôn hòa.

Thông cáo cáo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, phát đi ngay sau phiên tòa kéo dài nửa ngày xử ông Lê Đình Lượng hôm thứ Năm 16/8, kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức tất cả các tù nhân lương tâm.

Ông Lượng, 53 tuổi, bị bắt năm ngoái sau khi khuyến khích người dân tẩy chay một cuộc bầu cử Quốc Hội, viết các bài đăng trên Facebook thể hiện quan điểm chống lại Đảng Cộng sản và nhà nước, và kêu gọi biểu tình phản đối một công ty thép Đài Loan [Formosa]. Ông bị buộc tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

“Xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ và án tù khắc nghiệt đối với các nhà hoạt động ôn hòa ở Việt Nam rất đáng lo ngại”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.

Ông Lê Đình Lượng bị 20 năm tù, án cao nhất cho giới đấu tranh

LS Đài: Vụ xử Lê Đình Lượng ‘còn nhiều bí ẩn’

Bàn về tù nhân chính trị VN – Đi hay ở (Phần 2)

Bàn về tù nhân chính trị VN – Đi hay ở (Phần 1)

Trần Huỳnh Duy Thức và thư viết từ nhà tù

“Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả tất cả các tù nhân lương tâm ngay lập tức và cho phép mọi người bày tỏ quan điểm của mình một cách tự do và nhóm họp một cách ôn hòa mà không sợ bị trừng phạt.”

Mặc dù cải cách kinh tế sâu rộng và tăng cường mở cửa để thay đổi xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiểm duyệt truyền thông chặt chẽ và không cho phép chỉ trích.

Hoa Kỳ đã phát triển mối quan hệ khăng khít với Việt Nam trong những năm gần đây, coi đây là một đối tác quan trọng trong khu vực khi đối mặt với sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, nhưng Washington vẫn chỉ trích Hà Nội về vấn đề nhân quyền.

Hoa Kỳ cũng chỉ trích Hà Nội về luật an ninh mạng nhằm thắt chặt kiểm soát Internet và các công ty công nghệ toàn cầu đang hoạt động trong nước, lo ngại điều này sẽ gây tổn hại nền kinh tế và gia tăng các cuộc đàn áp đối với người bất đồng chính kiến.

Truyền thông của nhà nước Việt Nam trích lời cảnh sát nói rằng ông Lượng là một thành viên “nguy hiểm” của Việt Tân, một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ mà Việt Nam coi là một cơ quan “khủng bố”.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại New York đã gọi những cáo buộc chống lại ông Lượng là có động cơ chính trị.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45231567

 

“Các án tù càng nặng

thì người dân xem đó là sự giễu cợt của chế độ”

Hòa Ái, RFA

Bản án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với nhà hoạt động dân chủ và môi trường Lê Đình Lượng khiến công luận sửng sốt. Hòa Ái ghi nhận ý kiến của giới đấu tranh dân chủ tại Việt Nam xoay quanh bản án được cho là nặng nhất đối với cáo buộc tội “lật đổ chính quyền nhân dân” trong 3 thập niên qua.

Bản án “độc ác và tàn bạo”

Mạng xã hội tại Việt Nam, vào ngày 16 tháng 8 năm 2018, tràn ngập các dòng trạng thái đầy phẫn nộ, phản đối bản án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với cựu chiến binh Lê Đình Lượng mà Tòa án tỉnh Nghệ An vừa tuyên trong cùng ngày.

Anh Chu Mạnh Sơn, một cư dân mạng, ở Nghệ An, vào tối ngày 16 tháng 8, nói với Đài Á Châu Tự Do:

“Người dân ở khu vực nhà chú Lượng cũng như những người có theo dõi phiên tòa thì họ cho rằng đây là một phiên tòa rất bất công và đó là một bản án quá tàn khốc đối với chú Lượng và người ta thật sự sốc khi thấy một bản án 20 năm dành cho chú Lượng như vậy.”

Không chỉ người dân ở địa phương của ông Lê Đình Lượng mà cộng đồng cư dân mạng chỉ trích mạnh mẽ bản án mà theo họ là bất công và phi lý khi mà những việc làm của ông xuất phát từ tấm lòng của một người lính yêu nước và cống hiến không mệt mỏi cho xã hội qua việc đấu tranh chống nạn lạm quyền của cán bộ không cấp giấy khai sinh cho những hộ sinh con thứ ba và chống lại nạn lạm thu học phí để học sinh tiểu học được đến trường đầy đủ, hay đồng hành cùng các nạn nhân khiếu kiện đòi bồi thường thỏa đáng trong thảm họa môi trường biển Formosa, xảy ra tại khu vực 4 tỉnh Bắc Trung Bộ hồi tháng 4 năm 2016.

…Đây là một phiên tòa rất bất công và đó là một bản án quá tàn khốc…

-Chu Mạnh Sơn

Cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Quốc Quân, cũng là cháu của ông Lê Đình Lượng nói với RFA thay vì Chính quyền Nghệ An phải khen tặng những việc làm đóng góp cho xã hội của ông Lê Đình Lượng, mà trái lại đã tuyên một bản án phi lý vì hai nhân chứng tại tòa đã phản cung, tố cáo bị đánh đập và ép cung để đưa ra lời khai cáo buộc ông Lê Đình Lượng hoạt động lật đổ chính quyền.

Truyền thông tỉnh Nghệ An loan tin ông Lê Đình Lượng là thành viên của Đảng Việt Tân, một đảng khủng bố và Tòa án Tỉnh Nghệ An tuyên bản án lên đến 20 năm tù giam với tội danh “hoạt đồng nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, bất chấp lời kêu gọi của các tổ chức nhân quyền thế giới là ông Lê Đình Lượng vô tội và Chính phủ Hà Nội phải trả tự do ngay lập tức cho ông.

Luật sư Lê Công Định lên tiếng với RFA rằng bộ máy tuyên truyền của Việt Nam áp đặt khái niệm Việt Tân là một tổ chức khủng bố, cho nên bất kỳ ai liên quan đến Việt Tân thì mặc nhiên bị cho là ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’. Luật sư Lê Công Định nhấn mạnh Tòa án Nghệ An đã vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng, do thiếu cơ sở pháp lý khi tuyên bản án tù 20 năm đối với ông Lê Đình Lượng mà ông đã giữ quyền im lặng của mình trong suốt thời gian điều tra cũng như tòa án hoàn toàn không trưng ra được các chứng cứ nào cho thấy ông Lượng được kết nạp vào Việt Tân và hoạt động như thế nào.

Luật sư Lê Công Định nhận định mục đích duy nhất của vụ án ông Lê Đình Lượng là Chính quyền tỉnh Nghệ An muốn gửi một thông điệp răn đe đối với những người đấu tranh dân chủ, đặc biệt ở Nghệ An, là nơi mà chính quyền cáo buộc mạng lưới của Việt Tân hoạt động rộng rãi rằng không tham gia vào Đảng Việt Tân.

Tiếp tục mạnh tay đàn áp

Luật sư Nguyễn Văn Đài, một cựu tù nhân lương tâm, bị kết án 15 năm tù giam và 5 quản chế hồi đầu tháng 4 vừa qua, cùng tội danh với ông Lê Đình Lượng, vừa bị Chính phủ Hà Nội trục xuất sang Đức vào đầu tháng 6, cho RFA biết qua sự theo dõi của ông thì bản án 20 năm tù giam đối với các tội về hoạt động chính trị là cao nhất trong vòng 30 năm qua. Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng bản án mà Tòa án Nghệ An tuyên cho nhà hoạt động dân chủ Lê Đình Lượng là một bản án hết sức độc ác và tàn bạo.

Trả lời câu hỏi của RFA rằng vì sao ông Lê Đình Lượng bị tuyên án với mức phạt cao nhất trong vòng 3 thập niên qua như vậy, Luật sư Nguyễn Văn Đài giải thích:

“Sau đợt đàn áp khốc liệt các blogger và các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ vừa qua thì phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ ở trong nước vẫn từng bước phát triển rất mạnh, đặc biệt có thể thấy qua các cuộc biểu tình phản đối chính quyền hôm 10 tháng 6. Chính quyền Việt Nam rất lo sợ khi hoạt động chống đối không hề thuyên giảm, mặc dù họ đã nặng tay tuyên các bản án nặng nề đối với blogger và thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ. Họ muốn dùng vụ án của ông Lê Đình Lượng để một lần nữa răn đe và khủng bố tinh thần đối với các nhà hoạt động khác.”

Bên cạnh đó, Luật sư Lê Công Định chia sẻ trên trang Facebook cá nhân rằng mức án 20 năm tù giam cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam đang hoảng loạn trước cơn sóng ngầm của toàn dân. Luật sư Lê Công Định lý giải về chia sẻ của ông:

“Rõ ràng những bản án này không đe dọa được ai hết. Bởi vì đến một giai đoạn mà nhà cầm quyền không thể nào cai trị như trước đây được nữa và người dân đã bớt sợ hãi, cho nên những bản án càng nặng thì đối với dân chúng coi như là một sự giễu cợt của chế độ. Và chính những người dân, mà chúng ta có thể đọc được các ý kiến của họ qua mạng thì ai cũng thấy mức án 10 năm thôi, chứ đừng nói chi đến mức án 20 năm của anh Lê Đình Lượng là buồn cười rồi vì người ta nghĩ chế độ này liệu có tồn tại cho đến 5, 10 năm hay không mà tuyên các bản án lâu đến 10 hay 20 năm. Chính điều đó cho thấy người dân ngày càng ý thức được quyền của mình và họ tin rằng một khi họ sử dụng các quyền của mình thì chế độ này không thể tồn tại được, dù cho 2, 3 năm chứ đừng nói đến 5 hay 10 năm.”

Một ngày trước khi phiên tòa sơ thẩm xét xử nhà hoạt động dân chủ Lê Đình Lượng diễn ra, ca sĩ Nguyễn Tín và một số thính giả là những người trong giới đấu tranh dân chủ tại Việt Nam bị công an, an ninh hành hung tại chương trình nhạc với chủ đề “Sài Gòn Kỷ Niệm”, do ca sĩ Nguyễn Tín biểu diễn vào tối 15 tháng 8. Trước đó, vào sáng ngày 9 tháng 8, Nhà hoạt động vì nữ quyền Huỳnh Thục Vy cũng bị công an tạm giữ để điều tra.

Họ muốn dùng vụ án của ông Lê Đình Lượng để một lần nữa răn đe và khủng bố tinh thần đối với các nhà hoạt động khác.

-LS. Nguyễn Văn Đài

Qua trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Văn Đài khẳng định Chính quyền Hà Nội tiếp tục đàn áp giới đấu tranh dân chủ tại Việt Nam càng mạnh tay, tuy rằng ít nhiều tác động đến tâm lý của những nhà hoạt động ở trong nướcnhưng ông tin rằng với những điều mà Chính quyền Cộng sản Việt Nam đang thể hiện với người dân; đó là một chế độ tham nhũng, không còn năng lực để có thể bảo vệ người dân trong vấn đề sức khỏe, môi trường cũng như vấn đề chủ quyền quốc gia thì sự đấu tranh của người dân sẽ càng ngày càng mạnh mẽ hơn. Luật sư Nguyễn Văn Đài quả quyết:

“Cho dù nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có tuyên bản án nào đi chăng nữa thì cũng không thể ngăn cản được cuộc đấu tranh hay tiến trình đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam.”

Chúng tôi xin được kết thúc bài ghi nhận này qua chia sẻ của cư dân mạng Nguyễn Xoan, con dâu của nhà hoạt động dân chủ Lê Đình Lượng rằng “Bố chồng của tôi là người dễ mủi lòng trước tiếng khóc của hai đứa cháu nội. Nhưng ông lại hiêng ngang, ngẩng mặt tự hào về những ‘Tội’ mà mình đã gây ra. 25 năm tù phải chăng là quãng đời còn lại của ông? Ông đã vui vẻ cười mãn nguyện dùng thời gian còn lại của cuộc đời để làm nền móng cho Việt Nam. Vậy thì tại sao chúng ta không xây dựng hòa bình trên nền móng ấy?”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-vcp-could-not-survive-through-the-time-of-le-dinh-luongs-20-year-prison-08172018135856.html

 

VN: Có ‘bàn tay đạo diễn’

biểu tình chống luật đặc khu?

Có thể có ‘bàn tay đạo diễn’ đằng sau các cuộc biểu tình gần đây ở Việt Nam chống dự luật về ba đặc khu Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn, một ý kiến trong các khách mời nói với một cuộc Hội luận của BBC hôm 16/8/2018.

Không ngoại trừ ‘bàn tay này’ có thể ‘xuất phát từ nội bộ’ của nhà cầm quyền với các ‘phe phái lợi ích đối lập’ nhau, một nhà báo độc lập từ Sài Gòn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nêu quan điểm với BBC Tiếng Việt.

Tuy nhiên, ý kiến của khách mời khác tại Bàn tròn thứ Năm từ London tuần này cho rằng nếu điều này có cơ sở, thì đó chỉ là một trong các nhân tố.

Nhân tố chính vẫn là ‘lòng yêu nước’ lên cao của người dân trong cả nước kết hợp với yếu tố ‘phổ biến của mạng xã hội’, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, người trực tiếp chứng kiến các cuộc xuống đường ở TP. Hồ Chí Minh các năm gần đây nói chung và ở Sài Gòn hôm 10/6/2018 nói riêng.

Tướng Tô Lâm nói về người biểu tình ở Việt Nam

Dù có người như anh Phạm Chí Dũng, cho là cuộc Biểu tình ngày 10/6/2018 có bàn tay của ‘một bộ phận Công an’ và lực lượng ‘trong nội bộ chính quyền’ tổ chức để phản đối luật Đặc khu (nhằm đòi chia chác quyền và lợi), tôi vẫn khẳng định: nếu có sự tổ chức như thế, chỉ là một bộ phận lợi dụng Biểu tìnhNhà thơ Hoàng Hưng

Tướng Tô Lâm: ‘Nhiễm HIV, sống ‘ảo’ được thuê đi biểu tình’

Hoàng Hưng: ‘XH dân sự lớn mạnh nhờ mạng’

Ân xá Quốc tế lên tiếng vụ Nguyễn Tín bị đánh

LS Đài: Vụ xử Lê Đình Lượng ‘còn nhiều bí ẩn’

Mới đây, hôm 13/8, người lãnh đạo ngành Công an Việt Nam, Thượng tướng, Bộ trưởng Tô Lâm được truyền thông chính thức nhà nước và Cổng thông tin điện tử Bộ Công An trích thuật, cho rằng:

“Các vụ tụ tập biểu tình đã phát hiện nhiều đối tượng hình sự, ma túy, với tâm lý ‘sống ảo’, thích được thể hiện”, thậm chí các đối tượng khai nhận đã nhận tiền “từ 200.000 VND tới 400.000 VND” để biểu tình.

‘Do yêu nướckèm mạng xã hội’

Trước hết, nhà thờ Hoàng Hưng, thành viên sáng lập Ban vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam, thành viên sáng lập Tạp chí văn nghệ mạng Văn Việt nêu quan điểm, bình luận về nhận đinh của lãnh đạo ngành Công an của Việt Nam.

“Không riêng ông Tô Lâm, mà nói chung các lãnh đạo cao cấp lâu nay luôn có một luận điệu vu khống cho các thế lực kích động biểu tình. Bản thân tôi cũng trong số các nhân sĩ trí thức đã bị truyền hình Việt Nam đưa đích danh hình ảnh tên tuổi là người kích động biểu tình (vụ Formosa),” nhà thơ Hoàng Hưng nói.

“Nhưng lâu nay, đa số nhân sĩ phản biện đều bị giam trong nhà mỗi khi sắp có biểu tình, mà biểu tình vẫn diễn ra ngày càng đông, càng mạnh. Sau đó, lại nói là bọn thù địch, Việt Tân… kích động.

Ca sĩ blogger Nguyễn Tín bị bắt, đánh trong đêm nhạc

Chuyện gì thực sự xảy ra ở Phan Rí?

Thứ trưởng công an vào Bình Thuận

‘Tôi bị bắt khi đang uống cà phê ở Sài Gòn’

“Rồi giờ là “bọn xấu” chung chung. Nhưng chưa hề bắt được, đưa ra xử được kẻ kích động nào cụ thể. Ngược lại, chính tôi và vài nhà báo độc lập chứng kiến mấy kẻ kích động người dân xông vào nhà máy (vụ Bình Dương) (mấy tên đội mũ cối, nói giọng Nghệ Tĩnh) mà Công an ko không làm gì, sau cũng không thấy xử án, mà chỉ xử một số công nhân hôi của…

Còn [tôi] vẫn dứt khoát khẳng định Biểu tình là lòng dân tự giác, nhờ nhiều nhất là mạng xã hội. Chính vì thế Quốc hội mới vội vã thông qua Luật An ninh mạng để ngăn chặnNhà thơ Hoàng Hưng

“Tôi có chất vấn cán bộ của Bộ Công an việc này (khi họ vào gặp, hỏi ý kiến trí thức về việc Giàn khoan HD981), họ không trả lời được (sau đó, có tin truyền là chính ‘bọn Hoa Nam’ kích động đốt phá để phá hoại kinh tế và lấy cớ cho nhà nước cấm ‘biểu tình chống Tàu.'”

Mặc dù tham gia chương trình Bàn tròn thứ Năm từ Texas, Hoa Kỳ, nhà thơ Hoàng Hưng khẳng định đây chỉ là nơi ông ghé thăm mùa hè này, mà ông vẫn sinh sống ở Sài Gòn là chính và ông chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân của mình góc nhìn về biểu tình ở Việt Nam:

“Là người trực tiếp tham gia nhiều cuộc biểu tình, có cả vợ tôi cũng tham gia, tôi quan sát và khẳng định đó là tình cảm yêu nước, lo cho an nguy của đất nước, bất bình với nhà nước của người dân đã ngày càng rộng lớn.

“Kẻ kích động Biểu tình chính là những kẻ tàn hại đất nước, không dám ‘chống Tàu xâm lược’. Các nhà lãnh đạo phải nhìn thẳng sự thật, ứng xử đàng hoàng tử tế với dân, thừa nhận sai lầm… chứ không thể cứ dùng cách vu cáo như thế.

“Dù có người như anh Phạm Chí Dũng, cho là cuộc Biểu tình ngày 10/6/2018 có bàn tay của ‘một bộ phận Công an’ và lực lượng ‘trong nội bộ chính quyền’ tổ chức để phản đối luật Đặc khu (nhằm đòi chia chác quyền và lợi), tôi vẫn khẳng định: nếu có sự tổ chức như thế, chỉ là một bộ phận lợi dụng Biểu tình.

“Còn vẫn dứt khoát khẳng định Biểu tình là lòng dân tự giác, nhờ nhiều nhất là mạng xã hội. Chính vì thế Quốc hội mới vội vã thông qua Luật An ninh mạng để ngăn chặn,” nhà thơ Hoàng Hưng chia sẻ với Bàn tròn thứ Năm phát đi từ London.

‘Bàn tay đạo diễn và thuyết âm mưu?’

Trước đó, cũng tại bàn tròn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam nêu quan điểm và cho rằng có thể có một ‘bàn tay vô hình’ từ trong ‘nội bộ ngành Công an và Chính quyền’ đứng đằng sau ‘lợi dụng lòng yêu nước’ của nhân dân để ‘giật dây’ biểu tình và thủ lợi cho ‘phe cánh của mình’.

Bùi Tín và Tô Hải: ‘Những ngọn nến thắp sáng’

‘Chúng tôi sẽ nhớ mãi về ‘Thằng Hèn Vĩ Đại’

Nhà báo Bùi Tín: ‘Hoa Xuyên Tuyết chính là khát vọng tự do’

Khi được hỏi liệu có căn cứ gì hay không để nhận định như vậy và liệu đây có phải là một dạng ‘thuyết âm mưu’ hay là không, ông Phạm Chí Dũng nói:

“Tôi đưa ra một thực tế để chứng minh như thế này, vào ngày 10/6, gần như toàn bộ giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền thứ nhất là không kêu gọi biểu tình, trừ một trang ‘Tập hợp Quốc dân Việt’ ở hải ngoại, còn lại ở trong nước không có bất cứ một cá nhân hay tổ chức xã hội dân sự nào kêu gọi biểu tình vào ngày 10/6.

Bây giờ chúng ta đặt dấu hỏi là từ đâu, để thấy rõ rằng nếu như xác định được từ đâu là biết chắc rằng thuyết âm mưu sẽ biến thành hiện thực một cách rất là nhanh chóngTiến sỹ Phạm Chí Dũng

“Điều thứ hai, vào ngày đó thì đa số giới đấu tranh dân chủ nhân quyền đều bị chặn ở nhà mà không được đi biểu tình. Tôi cũng bị chặn và rất nhiều người bị chặn, chỉ có một số ít đi được thôi.

“Cho nên không thể nói là cuộc biểu tình ngày 10/6 là xuất từ yêu cầu đòi hỏi và yêu sách như lời kêu gọi của giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Nó khác với những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước đây là từ giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền.

“Nhưng mà cuộc biểu tình ngày 10/6 chống luật đặc khu, lại không phải từ giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, như vậy thì từ đâu? Bây giờ chúng ta đặt dấu hỏi là từ đâu, để thấy rõ rằng nếu như xác định được từ đâu là biết chắc rằng thuyết âm mưu sẽ biến thành hiện thực một cách rất là nhanh chóng.

“Và thông tin thứ hai mà tôi nói là tôi nghe một số người thông tin sau cuộc biểu tình ngày 10/6, họ đặt những dấu hỏi đầu tiên còn nghi ngờ, nhưng sau đó rất nhiều người đã đồng thuận với nhau rằng việc này ‘phải có bàn tay’ của Công an.

“Tại vì từ trước đến giờ không có một cuộc biểu tình nào có thể nổ ra một cách sôi động và với số đông như vậy mà ‘không có bàn tay của Công an’, hoặc không có sự ‘tạo điều kiện gián tiếp’ của Công an.”

‘Do dân, giới hoạt động hay chính quyền?’

Và nhà báo độc lập từ Sài Gòn đưa ra thêm so sánh để củng cố luận điểm có tính giả thuyết của mình, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói tiếp:

“Tôi muốn nói là ngay trong cuộc biểu tình phản đối giàn khoan HD981 của Trung Quốc vào tháng 5/2014, thì cũng trong những đoàn biểu tình đó cũng có những nhóm của Công an, cũng có những nhóm của Dư luận viên, gọi là những nhóm ‘ngụy biểu tình’ đi tổ chức biểu tình để đánh lạc hướng, để phân hóa đám đông biểu tình ra.

“Thì kì này cũng có những nhóm như vậy và có một điều cũng lạ lùng là mặc dù không có lời kêu gọi nào của giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền, nhưng khi đi vào biểu tình, lại xuất hiện những băng-rôn, cờ quạt đã được chuẩn bị một cách nghiêm túc, một cách quy mô từ trước và theo từng nhóm.

“Và đúng giờ đó thì những nhóm đó hội tụ với nhau tại Bà Quẹo, tại Ngã tư Bảy Hiền và tổ chức biểu tình và sau đó kéo về công viên Hoàng Văn Thụ. Thế thì đây là vấn đề cần phải nói là rất khó hiểu từ phía người dân, mà từ phía chính quyền.

Tất nhiên chúng ta chưa có đầy đủ cơ sở để khẳng định rằng việc ‘phe phái nội bộ tổ chức biểu tình’ chỉ là thuyết âm mưu, nhưng cũng có rất nhiều câu hỏi mà từ phía chính quyền đã không hề trả lời, đã không hề hồi âm và không hề giải thích.Tiến sỹ Phạm Chí Dũng

“Có nghĩa là thế này, ông Nguyễn Thiện Nhân nói là đã không chế được 700 đối tượng, nhưng tại sao tới giờ Công an ở Sài Gòn hay Công an ở Bộ Công an lại không công bố, hoặc không dám công bố rằng những đối tượng đó là thuộc xã hội dân sự, thuộc thế lực thù địch, hay là thuộc về người dân, hay là thuộc về phe phái nào ở trong nội bộ Đảng?

“Thì hoàn toàn không có sự công bố nào và tình trạng không công bố như vậy cũng giống y chang như tình trạng đã không công bố một chút nào về những kẻ lạ mặt đã gây ra dẫn đầu cuộc biểu tình và đập phá ở Tỉnh Bình Dương vào năm 2014.

“Như vậy, tất nhiên chúng ta chưa có đầy đủ cơ sở để khẳng định rằng việc ‘phe phái nội bộ tổ chức biểu tình’ chỉ là thuyết âm mưu, nhưng cũng có rất nhiều câu hỏi mà từ phía chính quyền đã không hề trả lời, đã không hề hồi âm và không hề giải thích.

“Làm cho người dân và giới phân tích càng ngày càng nghi ngờ rằng chỉ có thể một phe phái ở trong nội bộ có tiềm lực về tài chính, có tiềm lực về tổ chức và đặc biệt có tiềm lực về Công an, và ‘có sự chỉ đạo’ ở trong một bộ phận nào đó của Công an, thì mới có thể tạo ra một cuộc biểu tình lớn như vậy.”

‘Củng cố thêm giả thuyết?’

Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam cũng đưa ra thêm từ quan điểm riêng của ông một số dữ liệu nữa mà theo ông là có thể củng cố thêm cho giả thuyết đang được đề cập, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói tiếp:

“Và một vấn đề nữa cũng cần đặt ra là cuộc biểu tình đó nhằm mục đích gì và tại sao 50.000 công nhân [Công ty] Pouyuen [ở quận Bình Tân, TPHCM], những người đầu tắt mặt tối chỉ lo làm việc kiếm cơm, mà họ lại quan tâm đến Luật Đặc khu đến mức mà sau khi cuộc biểu tình ngày 10/6 đã trôi qua, vào ngày hôm sau và hôm sau nữa, công nhân Pouyuen vẫn tiếp tục biểu tình và nổ ra thậm chí đập phá nữa rất dữ dội?

Và cũng đặt ra một giả thuyết là tại sao gần đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại thay đổi quan điểm như chong chóng, khi trước đó đưa ra định bàn về Luật Đặc khu và đưa ra Quốc Hội, nhưng mà sau đó lại không đưa vào nghị trình bàn Luật Đặc khu nữa?Tiến sỹ Phạm Chí Dũng

“Như vậy thì ai đã tổ chức, ai đã đạo diễn các công nhân Pouyuen biểu tình chống Luật Đặc khu như vậy? Và thêm một thông tin này cũng cần phải chú ý thêm là Luật Đặc khu được cho là thuộc về lợi ích của một nhóm chính khách ở trong nội bộ của Đảng Cộng sản mà không phải là lợi ích của nhiều chính khách.

“Và những chính khác khi không có lợi ích ở trong Luật Đặc khu, đặc biệt là ở trong các đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc và Vân Phong, thì không thích Luật Đặc khu này và thậm chí là chống Luật Đặc khu này.

“Đó là lý do mà tại sao lại có giả thuyết cho rằng chính những nhóm quan chức không thích Luật Đặc khu đã có thể ‘tiếp một bàn tay’ vào việc ‘đạo diễn’ cuộc biểu tình ngày 10/6 chống Luật Đặc khu.

“Và cũng đặt ra một giả thuyết là tại sao gần đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại thay đổi quan điểm như chong chóng, khi trước đó đưa ra định bàn về Luật Đặc khu và đưa ra Quốc Hội, nhưng mà sau đó lại không đưa vào nghị trình bàn Luật Đặc khu nữa?

“Và ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nhân nhượng, thỏa hiệp hơn khi nói rằng Luật Đặc khu phải lấy ý kiến của nhân dân, mặc dù chưa đề cập đến việc Trưng cầu Dân ý với Luật Đặc khu,” Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng nói thêm với Bàn tròn thứ Năm từ Sài Gòn.

Cho dù có bị những phe phái chính trị lợi dụng để đấu đá lẫn nhau, cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 lên tới hàng trăm ngàn người và lan rộng trên 50% tỉnh thành trong cả nước vẫn cho thấy sự phẫn nộ của người dân đối với Luật Đặc khu cùng tinh thần thoát Trung là có thực, và sức mạnh biển trời của người dân khi biểu tình đã vượt qua ‘mọi tính toán riêng tư thâm thù và lợi ích nhóm’ của ‘các phe phái chính trị’ trong nội bộ đảng, ,” TS Dũng nhận xét thêm với BBC sau hội luận Bàn tròn thứ Năm.

*Trên đây là các ý kiến xuất phát từ quan điểm riêng của các khách mời tham dự Tọa đàm Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu thêm ý kiến của các khách mời trong các bài vở khác có liên quan, mời quý vị và các bạn đón theo dõi.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45224818

 

Nhiều tướng công an xin về hưu sớm

trước đợt sa thải toàn ngành

Nhiều tướng tá công an CSVN đang xin nghỉ hưu sớm dù chưa tới tuổi, sau khi đảng cộng sản công bố chủ trương tổ chức “tinh gọn” guồng máy quá đồ sộ của ngành này.

Tin cho hay, Cục C10 bộ công an CSVN hôm Thứ Năm 16/08 tổ chức hội nghị về việc thi hành nghị định “tinh gọn” guồng máy. Tại hội nghị này, trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, nguyên tổng cục trưởng Tổng Cục VIII, cho biết đơn vị này đã hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp lại guồng máy. Theo đó, Tổng Cục VIII chuyên về cai quản nhà tù, trại cai nghiện, trung tâm cải huấn vừa bị rút gọn từ bảy cục xuống còn hai cục. Kết quả là các lãnh đạo tổng cục bị điều xuống làm cục trưởng, cục phó. Một số lãnh đạo dư thừa của tổng cục và cục được nói là “tự nguyện xin nghỉ”, với mục đích “tạo thuận lợi cho công tác xây dựng mô hình tổ chức bộ máy mới của Bộ Công An”.

Truyền thông trong nước không nêu tên các tướng tá công an tại Tổng Cục VIII xin về hưu sớm.

Bộ công an CSVN dự trù dẹp bỏ tất cả sáu tổng cục và giáng cấp hai bộ tư lệnh. Giới phân tích cho rằng, sự thay đổi này sẽ kéo theo việc giải thể và sáp nhập hơn một nửa số đơn vị cấp cục và tương đương.

Nhà cầm quyền CSVN không công bố số liệu cho biết bộ công an có tổng cộng bao nhiêu người. Các đợt sa thải trong ngành này được cho là sẽ ảnh hưởng tới hàng chục sĩ quan cấp tướng, hàng trăm sĩ quan cấp tá, và sẽ kéo dài từ nay cho tới năm 2021.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/nhieu-tuong-cong-an-xin-ve-huu-som-truoc-dot-sa-thai-toan-nganh/

 

Thanh Hoá di dời hơn 1.000 dân tránh lũ

Chính quyền thành phố Thanh Hoá đã phải tiến hành di dời hơn 1.700 dân do ngập lụt, tính đến sáng ngày 18/8.

Báo Tiền Phong hôm 18/8 cho biết hầu hết trên các địa bàn của tỉnh Thanh Hoá đều có tình trạng ngập lụt cục bộ và các địa phương đã chủ động sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm.

Lụt lội xảy ra ở Thanh Hoá là do mưa lớn. Theo Tiền Phong, vào đêm này 17/8, mực nước sông Mã lên nhanh trong khi đó mực nước ở các sông khác trong tỉnh như sông Bưởi, sông Lèn cũng đang lên mức báo động khẩn cấp.

Mưa vẫn tiếp tục kéo sang đến ngày 18/8 tại Thanh Hoá, gây sạt lở ách tắc giao thông.

Tình trạng mưa lớn và kéo dài được cho là do ảnh hưởng của cơn bão Bebinca hay còn gọi là bão số 4.

Thống kê của cơ quan chức năng Việt Nam đưa ra vào hôm 17/8 cho biết đã có 5 người chết và mất tích do bão số 4 ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá và Kontum.

Theo thống kê của cơ quan chức năng Việt Nam, từ đầu năm đến nay, đã có gần 200 người bị thiệt mạng, mất tích và thương do mưa, lụt lội, lũ quét và đất chuồi.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-than-1000-people-relocate-in-flood-08182018091614.html

 

Cựu Đại biện lâm thời Slovakia tại Việt Nam

nói báo chí vu khống

Vào chiều ngày 16/8, ông Lê Hồng Quang, cựu Đại biện lâm thời của Slovakia tại Việt Nam bất ngờ ra thông báo phản bác những cáo buộc cho rằng ông có liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức ngành dầu khí Việt Nam, trên đất Đức hồi năm ngoái.

Báo chí Slovakia hôm 17/8 đăng thông báo của ông Quang viết “tình trạng hiện tại trong đời sống chính trị xã hội và truyền thông của Slovakia buộc tôi phải phản ứng đối với những tin tức báo chí và những phát biểu về mối quan hệ của tôi với giới truyền thông”.

Ông Quang phủ nhận việc mình có liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ông Quang viết: “Tôi tin rằng trong một xã hội tôn trọng các quyền và tự do cá nhân của công dân, những lý do cho một sự cáo buộc công khai (có ý thức và tích cực) tham gia vào tội phạm có tổ chức, chắc chắn là không đủ. Còn hơn thế nữa, bởi vì tôi không tham gia vào việc chuẩn bị, tổ chức và thực hiện việc đưa Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam. Ngoài các thông tin của truyền thông báo chí, tôi không hề biết về chuyện này”.

Trước đó vào ngày 9/8, báo chí Slovakia đưa tin nói rằng ông Lê Hồng Quang đã mất tích. Mạng báo The Spectator của Slovakia cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia giữ im lặng về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và các viên chức cửa cơ quan này trốn trong đại sứ quán. Trong khi đó, nhà riêng của ông Lê Hồng Quang bị canh giữ cẩn mật.

Theo báo chí Đức và Slovakia, ông Lê Hồng Quang đã có mặt trên chiếc máy bay công vụ của Slovakia cho đoàn Việt Nam mượn để chở người bị bắt cóc từ Bratislava sang Maxcova hồi cuối tháng 7 năm ngoái.

Ông Lê Hồng Quang là một công dân Slovakia gốc Việt. Kể từ năm 2015 ông cũng là cố vấn ngoại thương cho cựu Thủ tướng Robert Fico của đảng Smer cầm quyền.

Truyền thông Đức cho biết, ông Lê Hồng Quang đã tham gia vào cuộc họp đặc biệt giữa Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kalinak với Bộ trưởng Công an Tô Lâm ở Bratislava hồi năm ngoái.

Trong thông báo mới, ông Lê Hồng Quang cũng phủ nhận các cáo buộc về tham nhũng mà báo chí Đức đưa ra rằng trong thời gian làm việc ở Hà Nội ông đã nhận hối lộ 3.000 euro cho một visa du lịch. Ông Quang viết rằng ông không cấp một visa du lịch nào, và việc cấp visa du lịch được tiến hành minh bạch qua hệ thống thông tin lãnh sự cùng với Bộ Ngoại giao và Sở cảnh sát Biên phòng Slovakia. Ông cũng nói ông là người bị tổn hại bởi những hành vi vu khống một cách liên tục và các mưu đồ vô đạo đức, đặc biệt là bởi một số phương tiện truyền thông.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/le-hong-quang-denied-trinh-xuan-thanh-involvement-08172018151638.html