Tin Việt Nam – 18/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 18/07/2017

‘Tránh bôi nhọ’ trong vụ đỗ xe sai?

Thái độ của một số quan chức, cựu quan chức vi phạm luật giao thông đang là chủ đề được dư luận quan tâm và phản ứng mạnh trong những ngày qua.

Tại Hà Nội, Phó chủ tịch quận Thanh Xuân, Lê Mai Trang, vừa bị yêu cầu ‘nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm’ sau khi một đoạn video được đăng tải lên mạng xã hội cho thấy chiếc xe chở bà trưa hôm 7/7 đã đỗ sai quy định, và bà đã có lời qua tiếng lại khi bị một số người dân nhắc nhở.

Tuy đoạn video không có tiếng, nhưng dựa vào hình ảnh xem được thì dường như bà Trang trực tiếp đối đáp khá gay gắt với người dân địa phương, dẫu cho theo giải trình sau này của bà thì bà không phải là người điều khiển, đỗ chiếc xe ở vị trí lấn chiếm lòng đường tại một góc phố ở Hà Nội.

Công an triệu tập nhiều người sau vụ bạo lực

Đuổi hết công an giao thông?

‘Tự tử khi đang viết tự khai’ trong nhà tạm giữ ở Phan Rang

Câu chuyện khiến dư luận đặc biệt quan tâm do có cáo buộc đưa ra rằng chiếc xe chở sau khi đỗ sai đã được chủ tịch phường Thanh Xuân Bắc cùng một công an phường tới trông trong lúc bà Trang và người phụ nữ đi cùng, người được cho là đã điều khiển chiếc xe, bỏ đi ăn ở một quán bún gần đó.

Hơn 10 ngày sau khi xảy ra sự việc, hôm 18/7, trong hội nghị thông tin báo chí của Thành ủy Hà Nội, đại diện Quận Thanh Xuân phản bác cáo buộc trên và nói chủ tịch phường và một công an phường có mặt là nhằm “nắm tình hình vụ việc” sau khi nghe phản ánh của người dân.

Phó chủ tịch UBND Quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái được trang tin Zing dẫn lời nói tại cuộc giao ban báo chí rằng lãnh đạo quận có quan điểm giải quyết vụ việc “một cách nghiêm túc, công tâm, khách quan, đúng người, đúng việc, sai đến đâu, xử lý đến đó”.

Chủ tịch phường vào chiều 17/7 đã bị công an quận Thanh Xuân lập biên bản phạt 150 ngàn đồng vì không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy tới nơi, trang Zing tường thuật, trong lúc người phụ nữ đi cùng xe với bà Trang, được xác định là chủ xe, đã chủ động xin nộp phạt “đỗ xe sai quy định”, VietnamNet dẫn lời Phó Bí thư Quận ủy Nguyễn Minh Tiến.

Tuy nhiên, đáng chú ý là trong lúc khá chủ động và cởi mở trao đổi với truyền thông trong nước, thì giới chức lại tỏ ra thận trọng trong việc để người dân trực tiếp liên quan kể về những gì đã xảy ra.

VietnamNet tường thuật rằng người phụ nữ có lời qua tiếng lại với bà Trang đã được giới chức yêu cầu “không cung cấp thông tin sai sự thật cho các đối tượng xấu bôi nhọ cá nhân lãnh đạo”.

Truyền thông tường thuật khá chi tiết, từ nội dung cuộc họp giao ban báo chí cho tới các trả lời của quan chức cấp quận, cấp phường, cho tới lời giải thích của bà Trang.

Tuy nhiên, hiếm thấy bài báo nào nhắc hay trích dẫn tới ‎ý kiến của người phụ nữ đã yêu cầu bà Trang dời xe đi chỗ khác ngoài một bài của Soha, theo đó viết bà Đinh Thị Hải L‎ý đã được nhiều “khách tò mò” tìm đến để “liên tục hỏi han”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40644542

 

Đồng Tâm: Nhận diện đâu là đất tranh chấp

Đồng Tâm trở thành cái tên nhiều người biết tới từ tháng Tư 2017 sau sự kiện người dân phong tỏa thôn Hoành (Đồng Tâm, Mỹ Đức) bắt giữ 38 cán bộ, công an.

Nhưng những mẫu thuẫn tranh chấp tại mảnh đất nhỏ ngoại ô Hà Nội này đã xuất phát từ hàng chục năm trước.

Chủ tịch Chung ‘mong Đồng Tâm chấp hành’

Nhìn lại vụ Đồng Tâm – vì đâu nên nỗi?

Quy hoạch quốc phòng

Ông Lê Đình Kình, cựu chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, cho BBC biết vào đầu thập niên 1980, toàn bộ khu đất nông nghiệp Đồng Sênh được đưa vào quy hoạch dự án quốc phòng.

Ngày 10/11/1981, theo Quyết định 386 QĐ/UB, UBND tỉnh Hà Sơn Bình (tên cũ) tiến hành giao đất giai đoạn I, thu hồi khu đất 47,36 ha thuộc phía đông Đồng Sênh. Đổi lại, Hợp tác xã Đồng Tâm được đền bù 150.312,00 đồng.

Cũng theo ông Lê Đình Kình, sau Đại hội 10, năm 2006, dự án Sân bay Miếu Môn là “không khả thi” và là một “dự án treo”.

Tuy nhiên khu đất 47,36ha đã thu hồi đền bù năm 1981 rồi nên được xem là đất quốc phòng, thuộc quản lý của Bộ Tư lệnh công binh, và sau này thuộc Lữ Đoàn 28, Quân chủng phòng không không quân.

Chỉ có 14 hộ dân có hợp đồng canh tác trên khu đất này để nộp tô lợi hàng năm cho lữ đoàn.

Tranh cãi về đất nông nghiệp – quốc phòng

Khu đất phía tây của Đồng Sênh, theo ông Lê Đình Kình, tuy nằm trong diện quy hoạch nhưng từ năm 1981 đến nay chưa có quyết định thu hồi, đền bù nên người dân vẫn tiếp tục canh tác, nuôi trồng, và coi đây vẫn là đất nông nghiệp ‘nằm trong quy hoạch quốc phòng’.

Quan điểm này cũng được đại diện Lữ đoàn 28 chia sẻ.

“Phần đất thuộc dự án còn lại người dân tiếp tục canh tác cho đến khi có quyết định thu hồi giai đoạn II. Khi đó người dân sẽ có giấy tờ tường trình, giải phóng mặt bằng, đền bù theo chính sách luật đất đai năm 2003,” ông Kình dẫn lời Lữ phó Nguyễn Văn Liêm nói hôm 30/7/2007.

Ngày 20/10/2014, UBND TP Hà Nội ra Quyết định 5383 “bàn giao 2.367.562,3m2” (tức khoảng 236 ha) cho Quân chủng Phòng không Không quân.

Quyết định này không nêu rõ trong số 236 ha này, phần nào thuộc Đồng Sênh, phần nào thuộc đất của huyện Chương Mỹ kế bên.

Tuy nhiên, người dân Đồng Tâm cho rằng quyết định bàn giao nói trên không nhắc tới việc “thu hồi và đền bù” như Quyết định 386 năm 1981, và giới chức chưa hề thực hiện việc đền bù theo luật đất đai, cho nên nó không làm thay đổi nguyên trạng đất Đồng Sênh.

Do vậy, đông Đồng Sênh vẫn là đất quốc phòng Lữ đoàn 28 k‎ý hợp đồng cho dân canh tác, còn tây Đồng Sênh tiếp tục là đất nông nghiệp người dân Đồng Tâm tự do canh tác.”

Từ sân bay Miếu Môn đến Viettel

Truyền thông trong nước cũng đề cập đến dự án sân bay Miếu Môn, nhưng không nói rõ dự án đang tạm ngưng hay đã dừng vĩnh viễn.

Ngày 27/3/2015, Bộ Tham mưu ra Quyết định 551 thu hồi 50,03 ha do QCPKKQ quản l‎ý.

Báo VnExpress ngày 18/04/2017 cho biết:

“Bộ Quốc phòng đã thu hồi 50,03 ha đất quốc phòng do Quân chủng Phòng không không quân đang quản lý, sử dụng để giao cho Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel tiếp nhận quản lý sử dụng vào công trình quốc phòng A1, trong đó bao gồm 46 ha thuộc xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức).”

VnExpress đăng kèm một bản đồ rộng về “Khu vực xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức trên bản đồ”, không có sơ đồ địa hình chi tiết về miếng đất dành cho Viettel này.

Theo ông Lê Đình Kình, khu đất được nhắc tới trong Quyết định 551 chính là khu phía đông Đồng Sênh, nơi đã được thu hồi, đền bù từ 1981 nên người dân không phản đối quyết định thu hồi.

Tuy nhiên, cũng theo ông, lúc đó “bên giao không giao, bên nhận không nhận, nên mới xảy ra thêm mâu thuẫn đất đai.”

Theo ông Lê Đình Kình, đến ngày 14/11/2016, UBND huyện Mỹ Đức căng dây “màu trắng hồng” khắp khu vực tây Đồng Sênh, “san gạt một số mặt bằng và cắm biển ‘Vùng cấm – Khu vực quân sự'”.

Vì luôn coi khu tây Đồng Sênh là vùng đất nông nghiệp, chưa bị thu hồi, đền bù để làm đất quốc phòng cho nên “Người dân Đồng Tâm vào tìm hiểu và bức xúc với việc làm UBND huyện Mỹ Đức và cho rằng Ủy ban đã không làm đúng Luật đất đai,” ông Kình thuật lại.

“Sau đó Ủy ban huy động 600 lực lượng công an, cảnh sát an ninh dân phòng, xe vòi rồng, xe cứu thương đến khu vực tranh chấp,” ông Kình cho BBC biết.

Theo báo Tuổi Trẻ đăng ngày 18/4:

“Giữa tháng 2/2017, khi Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel tổ chức triển khai việc thi công dự án A1 thì số công dân khiếu kiện tại địa bàn tổ chức nhiều hoạt động gây mất an ninh tại địa bàn và khu vực đất quốc phòng trên, với tính chất phức tạp ngày càng tăng.

Liên tiếp nhiều ngày trong tháng 2-2017, số công dân khiếu kiện đã vận động người dân trên địa bàn tổ chức ngăn cản các đơn vị Quốc phòng cắm biển, chăng dây xác định mốc giới diện tích đất Quốc phòng; tự ý thu giữ số dây phản quang và nhổ biển báo “Khu vực quân sự” tại khu vực này; đưa máy móc (4 máy cày, 1 máy xúc), thiết bị, vật tư nông nghiệp vào khu vực đang thi công để canh tác”

Chính quyền TP Hà Nội định kết luận thế nào?

Vụ việc mâu thuẫn tranh chấp bất đồng leo thang đến tháng 4/2017 khi việc bắt ông Lê Đình Kình và một số người dân Đồng Tâm dẫn đến xung đột, và bắt giữ 38 cán bộ, công an gần một tuần liền.

Ngày 7/7, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị thông qua dự thảo kết luận thanh tra liên quan diện tích đất khu Sân bay Miếu Môn thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Cuộc họp có mặt ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố.

Tại buổi công bố, theo trang thông tin điện tử Hà Nội, thanh tra thành phố đã trả lời ba nội dung kiến nghị của cụ Lê Đình Kình và một số công dân xã Đồng Tâm:

Không có diện tích 59ha đất nông nghiệp xứ Đồng Sênh như công dân nêu, diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 64,11ha, là đất quốc phòng;

Đề nghị trả tiền bồi thường về đất khi giải phóng mặt bằng khu đất 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng cho nhân dân xã là không có cơ sở;

Diện tích 28,7ha chênh lệch giữa Quyết định số 5383/QĐ-UBND ngày 20/10/2014 của UBND Thành phố với Quyết định số 113/TTg ngày 14/4/1980 của Thủ tướng Chính phủ (theo kết quả đo đạc ngày 21/6/2017 là 28,9ha) chính là diện tích 31,9ha bị ảnh hưởng của thi công thuộc địa giới hành chính huyện Chương Mỹ nằm trong quy hoạch giai đoạn 2 sân bay Miếu Môn do Nông trường quốc doanh Lương Mỹ đã bàn giao cho Bộ Tư lệnh công binh sau khi trừ đường giao thông 2,5ha và sai số do đo đạc 0,5ha.

Phó chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn An Huy dẫn lại các quyết định năm 1980, 1981, và 2014, theo đó, mốc giới sân bay Miếu Môn “được giới hạn bởi các mốc giới bê tông cốt thép được cắm trên thực địa còn nguyên, là đất quốc phòng, do các đơn vị quốc phòng quản lý và sử dụng, có diện tích 236,9ha, tăng 28,9ha so với diện tích ghi trong Quyết định số 113/TTg ngày 14/4/1980 của Thủ tướng Chính phủ”.

Ông Huy giải thích: “Trong diện tích 236,9ha có 64,11ha đất thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm (giảm 0,55ha so với diện tích đất 3 đơn vị đã bàn giao cho Bộ Tư lệnh công binh trước đây do sai số đo đạc).”

Theo Quyết định số 386-QĐ/UB ngày 10/11/1981 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình, Bộ Tư lệnh Công binh đã nhận bàn giao, đền bù 236,9 ha đất, trong đó có 64,66 ha đất thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm do ba đơn vị bàn giao (Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm 14,36 ha, Xí nghiệp Vôi đá Miếu Môn 3 ha và Nông trường quốc doanh Lương Mỹ 14,3 ha).

Cũng trong buổi công bố, ông Nguyễn Đức Chung được dẫn lời theo đó xác nhận tổng diện tích đất quốc phòng ở Đồng Sênh 64,66 ha.

“Vấn đề thứ hai mà các bác đang khúc mắc là bây giờ đất Đồng Tâm này là 96ha, 106ha nhưng mà tài liệu đến hiện nay đất thuộc Sân bay Miếu Môn thuộc địa phận xã Đồng Tâm từ trước đến nay thu hồi chỉ có 64,66ha thôi,” ông Chung dẫn kết quả thanh tra.

“Đất của khu Đồng Sênh cộng tất tần tật lại đất nông nghiệp mà thu cho Sân bay Miếu Môn giao cho quân đội quản lý chỉ có hơn 64ha thôi chứ không 96 hay 106 như các cụ nói. Đây là một trong những lý do tạo ra và tôi cho là có một sự gian dối để kích động người dân, kích cái lòng tham của các cụ lên.”

‘Người dân chưa thông’

Tuy nhiên, ông Lê Đình Kình cho rằng trong tổng phần diện tích đất quốc phòng hơn 64 ha được nhắc tới trong dự thảo kết luận thanh tra, chỉ có 47,36 ha là thuộc về xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức mà thôi, và đó chính là phần đất thuộc Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm.

Ông cũng khẳng định rằng phần đất của hai nơi còn lại, gồm Xí nghiệp Vôi đá Miếu Môn và Nông trường Lương Mỹ, đều nằm ngoài huyện Mỹ Đức.

Ý kiến của ông Lê Đình Kình cũng được ông Đào Xuân Hà Phó Ban Tuyên giáo huyện Chương Mỹ xác nhận.

Xí nghiệp vôi đá Miếu Môn và Nông trường Lương Mỹ đều “ở Chương Mỹ cả”, và không hề có sự thay đổi gì trong địa giới hành chính của huyện Chương Mỹ từ năm 1980 đến nay, ông Hà nói với BBC hôm 12/7.

Về phần đất thuộc Hợp tác xã Đồng Tâm, BBC không có điều kiện trực tiếp xem bản dự thảo để biết chính xác phần đất thuộc dự án Sân bay Miếu Môn mà thanh tra nhắc tới nằm ở đâu trên Đồng Sênh.

Theo những hình ảnh được thể hiện trên bản đồ của Google Map thì một phần của sân bay Miếu Môn nằm trên khu đất phía đông của Đồng Sênh.

Tuy nhiên, cụ Lê Đình Kình nói với BBC rằng khu vực được (thanh tra) chăng dây, khoanh vùng cắm biển cấm chính là khu tây Đồng Sênh, chứ không phải khu đông Đồng Sênh vốn đã được thu hồi, đền bù và trở thành đất quốc phòng từ 1981.

Có lẽ đây là khúc mắc lớn nhất giữa người dân với chính quyền từ nhiều năm nay, dù khu đất phía tây Đồng Sênh đã nằm trong ‘quy hoạch quốc phòng’ từ 1981, nhưng chưa có quyết định thu hồi đền bù, thì họ cho đó vẫn là đất nông nghiệp.

Hôm 11/7 VKSND huyện Mỹ Đức ra quyết định truy tố 14 cán bộ lãnh đạo cấp xã và huyện liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất đai ở Đồng Tâm.

Hiện truyền thông trong nước đưa tin phiên tòa xét xử 14 người này sẽ diễn ra trong tháng Bảy, nhưng chưa rõ ngày giờ.

Vụ việc tranh chấp đất đai Đồng Tâm có thể sẽ sáng tỏ hơn khi những người này khai báo trước toà.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40591173

 

Người dân Nghệ An lại tiếp tục kiện Formosa

Sáng 18/7, khoảng 30 người dân cùng một số linh mục thuộc giáo phận Vinh gửi đơn khởi kiện Formosa tại Tòa án Tỉnh Nghệ An.

Linh mục Đặng Hữu Nam cho BBC biết sáng nay người dân đã bàn giao 500 đơn khiếu kiện và đã được cán bộ tòa án tiếp nhận.

Đây là nỗ lực gần đây nhất của cộng động giáo dân và ngư dân thuộc các giáo xứ Phú Yên, Vĩnh Yên, Mành Sơn và các vùng phụ cận trong việc kiện Formosa.

Trước đó người dân giáo xứ Phú Yên và vùng cận cũng từng có các cuộc đệ đơn kiện vào tháng 9 và tháng 10 năm 2016.

Ngày 18/10/2016, người dân đã nộp 506 đơn kiện đến tòa án huyện Kỳ Anh nhưng bị tòa trả lại với lý do “trong đơn và các tài liệu không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại thực tế”.

Gần đây nhất vào 14/2/2017, nhiều người dân cùng linh mục Nguyễn Đình Thục tuần hành khởi kiện Formosa nhưng có cáo buộc họ bị đánh đập, tấn công.

Nghệ An: ‘hàng trăm người’ đi kiện Formosa

Nghệ An: Hội phụ nữ ‘phản đối linh mục Nam’

Bình luận vụ bắt giữ, truy nã ở Nghệ An, Hà Tĩnh

Linh mục Nam cho biết, việc nộp đơn kiện sáng 18/7 không gặp nhiều khó khăn như những lần trước.

Vì sau hôm 14/2, người dân và phía chính quyền đã thương lượng thỏa thuận sẽ tiếp nhận đơn nếu như người dân không tập trung đông người, linh mục nói.

“Lần này chúng tôi chỉ đi có 30 người dân cùng ba linh mục, và chúng tôi cũng báo trước cho họ chúng tôi sẽ đến vào ngày nào.”

Linh mục Nam nói người dân tiếp tục kiện Formosa vì tòa án Kỳ Anh giải quyết không đúng quy trình 506 đơn kiện trước

“Thứ nhất, họ làm sai luật tố tụng hình sự. Nếu chúng tôi không có đủ căn cứ chứng minh, thì phải yêu cầu chúng tôi bổ sung, chứ không phải là trả lại đơn.”

“Thứ hai, quyết định 1880 này không áp dụng cho nhiều ngư dân ở Nghệ An, cũng bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường Formosa,” linh mục Nam cho biết.

Quyết định 1880 cho Phó thủ tướng Trương Hòa Bình Ký ngày 29/9/2016 chỉ áp dụng cho bốn tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Trong buổi tuần hành kiện Formosa hồi tháng 2, có hơn 600 người dân tham gia. Các hồ sơ khiếu kiện khi đó là của 619 hộ gia đình thuộc các xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải và Quỳnh Thọ đã gửi yêu cầu bồi thường thiệt hại với bản kê khai thiệt hại vì chất thải công nghiệp của Formosa.

Nhận định về sự kiên trì của các giáo dân trong việc khởi kiện Formosa, linh mục Nam nói:

“Chúng tôi cần có một cuộc xét xử đàng hoàng, không chỉ cho con người hôm nay mà cho con cháu tương lại, sự tròn vẹn lãnh thổ và môi trường trong sạch cho toàn dân.”

“Chúng tôi sẽ xem phản ứng tiếp theo của các nhà cầm quyền như thế nào, và sau đó có thể sẽ thay đổi nội dung khởi kiện riêng,” linh mục Nam nói thêm.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40642011

 

Bão Talas: Chín người chết và năm người mất tích

Chín người chết và năm người vẫn mất tích sau khi bão nhiệt đới Talas đổ bộ vào Việt Nam sáng 17/7, theo báo Tuổi Trẻ.

Tuy cơn bão Talas, hay còn gọi là bão số 2 đã đi qua, nhưng đã để lại nhiều thương vong và thiệt hại nặng nề về tài sản.

Mưa lũ lớn ở miền bắc VN, 14 người thiệt mạng

Người Việt buôn lậu ngà voi bị bắt ở Malaysia

Theo báo Tuổi Trẻ, thời gian hình thành bão đến khi đổ bộ vào đất liền rất ngắn nhưng bão lưu động tới 5 tiếng ở Nghệ An, gây thiệt hại nặng về người và tài sản.

Chín thiệt mạng, năm mất tích

Theo truyền thông trong nước, bão Talas khiến chín người thiệt mạng.

Tại Nghệ An, một phụ nữ ở tử vong do sập nhà và tàu chở VTB26 bị lật chìm khiến ba người tử vong.

Chiều 17/7, xe ô tô chở đoàn công tác của cục Quản lý đường bộ bị nước lũ cuốn khiến một cán bộ kỹ thuật và một chuyên viên thiệt mạng.

Có hai người bị lũ cuốn ở Hà Giang, Lào Cai. Một người bị sét đánh ở Vĩnh Phúc.

Hiện vẫn còn năm người mất tích, một bị lũ cuốn ở Yên Bái, và bốn thuyền viên trên tàu VTB26.

Cơn bão Talas cũng khiến 19 người bị thương ở Quảng Bình, 54 nhà sập đổ hoàn toàn ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa bình, Yên Bái và Hà Tĩnh.

Hơn 4,000 nhà bị tốc mái, hơn 2.000 cột điện bị đổ. Nhiều tàu cá bị hư hỏng nặng, Nhiều chục héc ta nuôi trường bị ngập nước.

Riêng tại Quảng Bình, có 57 tàu thuyền bị đánh chìm, hư hỏng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng, theo báo Thanh Niên.

http://www.bbc.com/vietnamese/40642010

 

Trung Quốc

là nước nhập khẩu nông sản Việt Nam nhiều nhất

Thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho thấy trong 6 tháng vừa qua, Trung Quốc nhập khẩu lượng nông sản từ Việt Nam trị giá hơn 3 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trị hàng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng gần 38% trên tổng kim ngạch hàng nông sản xuất khẩu cả nước là gần 9 tỷ đô la Mỹ.

Các thị trường xếp hạng hai và ba nhập khẩu nông sản Việt Nam là Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ.

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt nam bao gồm rau quả, hạt điều, cà phê, cao su, hạt tiêu, gạo, trà, khoai mì.

Tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới Trung Quốc các loại nông sản của Việt Nam từng dẫn đến một số bất lợi khi phía các nhà nhập khẩu Hoa Lục ngưng thu mua đột ngột khiến hàng nông sản tươi, nhất là các loại trái cây bị rớt giá nặng nề khiến nông dân điêu đứng.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cn-is-the-biggest-market-f-vns-agri-products-07182017105637.html

 

Sức ép tăng đối với tướng Võ Văn Liêm,

người đã mạt sát cảnh sát giao thông

Trung tướng về hưu Võ Văn Liêm, người bị ghi hình khi đang dùng những lời lẽ thô tục đe dọa và quát tháo cảnh sát giao thông ở Cần Thơ, trở thành mục tiêu của những lời chỉ trích ngày càng gay gắt của dư luận sau khi ông lên tiếng bào chữa cho hành động của mình và đổ lỗi cho viên cảnh sát giao thông.

Một số quan chức, cựu quan chức cũng lên tiếng chỉ trích Tướng Liêm. Họ chỉ trích ông Liêm, người từng nắm chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, là đã “bị quyền lực làm cho tha hóa” và yêu cầu ông xin lỗi.

Theo hình ảnh ghi lại trong video clip, Tướng Liêm đã phản ứng giận dữ khi bị một trung úy cảnh sát giao thông Quận Bình Thủy, Cần Thơ, chặn xe và yêu cầu tài xế xuống xe vì cho rằng ô tô của ông chạy quá tốc độ cho phép.

Báo Tiền Phong dẫn lời đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, bình luận về vụ việc như sau: “Nếu là một con người đàng hoàng, tôi nghĩ chắc chắn họ sẽ có những lời chia sẻ, hay đưa ra lời xin lỗi…”.

Ông Liêm từng là đồng nghiệp của ông Dương Trung Quốc tại Quốc hội. Cho đến nay ông vẫn chưa xin lỗi đối viên trung úy cảnh sát giao thông.

Ông Quốc cho rằng hành động của ông Liêm rõ ràng “để lại một lại hình ảnh rất xấu trong xã hội. Ngoài bản thân ông, còn con cháu nữa, lại không giữ được gương mẫu như thế thì tự nhiên sẽ mất đi giá trị trong đời sống.”

Ông Quốc nhìn nhận trường hợp của ông Liêm thể hiện người có vị trí trong xã hội không biết giữ giá trị của mình – “giá trị của một cán bộ”, “giá trị của một đảng viên”.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng, cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng “nguyên nhân sâu xa là sự tha hóa của quyền lực” trong một bài viết trên tờ Người Lao Động:

“Khi một thời gian dài quyền lực đã biến ai đó trở thành bất khả xâm phạm thì người này trở về với vị thế của một công dân bình thường là rất khó khăn. Bị áp đặt phải tuân thủ pháp luật như một công dân bình thường vì vậy có thể gây sốc và việc chửi bới cảnh sát giao thông chỉ là một trong những hiệu ứng còn sót lại của chức quyền.”

Ông Dũng đề nghị “nếu ông Liêm bị phạt như mọi công dân khác thì hiệu ứng chức quyền sẽ nhanh chóng bị triệt tiêu”.

Trao đổi với VOA, ông Lê Đăng Doanh, cựu thành viên nhóm cố vấn của thủ tướng, nói vụ việc của ông Liêm nặng lời chửi bới cảnh sát giao thông và cho lái xe đi tiếp đã “gây bức xúc rất lớn cho dư luận”.

“Nếu là một người dân bình thường thì ông Liêm phải tuân thủ pháp luật, còn nếu ông ấy cho rằng mình là người có vị thế nào đó mà không cần phải tuân thủ pháp luật, thậm chí còn lớn tiếng đòi cách chức cảnh sát giao thông và còn chửi mắng rất tục tĩu và nặng lời thì đó là những hành vi hết sức không bình thường.”

Ông Lê Đăng Doanh nói:

“Điều đáng lo ngại là đối với một người dân bình thường có vi phạm thì cảnh sát giao thông sẽ có thái độ xử lý rất khác, sẽ phạt ngay. Riêng đối với ông Liêm thì phải báo cáo lên Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.”

Ông Doanh nói ông không tin lời bào chữa của ông Liêm vì “đoạn video clip đã ghi rõ lại hành động của ông ấy” và “Công an Cần Thơ đã cho rằng người cảnh sát giao thông đã hành xử đúng”.

Trả lời báo chí trong nước trước đó, ông Liêm biện hộ rằng con người ông không phải như đã thể hiện trong video clip. Ông cho rằng viên cảnh sát giao thông là người sai chứ không phải ông, và thái độ làm việc của viên cảnh sát đã khiến ông tức giận nên mới có phản ứng như vậy.

Tướng Liêm khẳng định xe ông không chạy quá tốc độ và cảnh sát giao thông “không trưng ra được bằng chứng phạm lỗi”, Ông nói viên cảnh sát “từ quán nước bất thình lình chạy ra chặn xe ông”, “không mặc sắc phục, không trưng ra giấy tờ công tác”, “có lời lẽ xúc phạm” và còn “chạy xe đánh võng trước mặt xe của ông” nên khiến ông tức giận. Ông trần tình:

“Thái độ (của viên cảnh sát giao thông) kỳ cục lắm nên tôi mới quát,”.

Trung úy Nguyễn Văn Thành, người trực tiếp chặn xe chở ông Liêm, bác bỏ những cáo buộc của vị tướng hồi hưu. Công an Quận Bình Thủy và Công an thành phố Cần Thơ cũng khẳng định rằng “ông Thành đã cư xử đúng mực.”

Hiện Công an Cần Thơ chưa đưa ra bất cứ cách xử lý nào với ông Liêm vì ông thuộc diện “cán bộ cao cấp của quân đội” nên phải chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

https://www.voatiengviet.com/a/suc-ep-tang-voi-trung-tuong-vo-van-liem-nguoi-da-mat-sat-canh-sat-giao-thong/3949018.html

 

3 năm tù cho người ‘bảo đảm’ xin được thẻ xanh

cho người Việt vừa tới Mỹ

Một tòa án ở tiểu bang Connecticut vừa tuyên án 3 năm 2 tháng tù giam đối với một người đàn ông gốc Việt, từng nhận hơn nửa triệu Mỹ kim từ đồng hương của mình, với lời hứa “bảo đảm” có thẻ xanh cho họ khi họ vừa đặt chân lên đất Mỹ.

Ông Hai Van Nguyễn, 42 tuổi, cư dân Lynnwood, cũng bị tòa án liên bang ở Hartford tuyên phạt 3 năm quản chế sau khi mãn hạn tù, và buộc bồi thường số tiền 492,025 Mỹ kim.

Theo hồ sơ tòa án, ông Nguyễn đã dùng mạng xã hội Facebook để quảng cáo một dịch vụ pháp lý, qua đó ông “bảo đảm” sẽ xin được giấy tờ nhập cư hợp pháp vào Hoa Kỳ cho các thân chủ và gia đình họ. Quảng cáo chẳng những “bảo đảm” thân chủ xin được thẻ xanh ngay khi tới Hoa Kỳ, mà còn “bảo đảm” họ có quốc tịch Hoa Kỳ trong vòng 5 năm. Mức lệ phí được quảng cáo là 35,000 Mỹ kim.

Ông Nguyễn còn tuyển mộ hai cư dân Connecticut đi thu tiền đặt cọc của hơn 50 thân chủ ở Connecticut, South Carolina, Maine và Arizona. Ông Nguyễn còn có những nạn nhân khác ở Ohio và Texas. Một thông cáo báo chí của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cho biết, tổng cộng ông Nguyễn đã chiếm đoạt khoảng 550,000 Mỹ kim của nhiều người trong cộng đồng Việt Nam muốn đưa gia đình sang Hoa Kỳ hợp pháp.

Ông Nguyễn bị bắt hồi tháng 5 năm 2016, và đã nhận một tội danh lừa đảo tài chính hồi tháng Tư năm nay. Vụ này do Bộ Nội An Hoa Kỳ điều tra.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/3-nam-tu-cho-nguoi-bao-dam-xin-duoc-the-xanh-cho-nguoi-viet-vua-toi-my/

 

Sinh viên Sài Gòn

tổ chức đi bộ phản đối đổ bùn xuống biển Bình Thuận

Một nhóm sinh viên và người dân Sài Gòn hôm Thứ Bảy 15/07 đã tổ chức một cuộc đi bộ đến tỉnh Bình Thuận, để phản đối việc nhà cầm quyền cộng sản cho phép đổ hàng triệu mét khối bùn thải xuống vùng biển của tỉnh này.

Những hình ảnh trên Facebook cho thấy cảnh một nhóm sinh viên cầm những biểu ngữ chụp hình trước Trung Tâm Ngoại Ngữ thuộc Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật ở Sài Gòn. Các biểu ngữ mang những thông điệp như: Hủy diệt môi trường là tội ác chống lại loài người, Nối bước chân ra Bình Thuận, Không thể đổ chất thải xuống biển, và Chúng tôi đi Bình Thuận ôm biển…

Tất cả những người đi bộ vì biển Bình Thuận đã bị bắt giữ khi chưa ra khỏi địa phận Sài Gòn. Họ bị đưa về các đồn công an ở quận Tân Phú và quận Thủ Đức. Ngay sau khi được trả tự do, các thành viên của nhóm đi bộ này tiếp tục dùng mạng xã hội kêu gọi mọi người đấu tranh chống việc xả bùn nạo vét tại vùng biển Bình Thuận.

Vào ngày 28 tháng 6, Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường CSVN công bố quyết định cấp phép cho công ty điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu mét khối bùn xuống vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận. Nơi đổ bùn có diện tích 30 héc ta, cách khu bảo tồn Hòn Cau chỉ 8 km.

http://www.sbtn.tv/sinh-vien-sai-gon-to-chuc-di-bo-phan-doi-do-bun-xuong-bien-binh-thuan/