Tin Việt Nam – 1806/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 1806/2019

Thanh tra Bộ Xây dựng bị công an Vĩnh Phúc bắt giữ

nhận hối lộ hơn 500 triệu đồng

Bộ Xây Dựng thông báo Cơ quan Cảnh sát Điều Tra Bộ Công An đã có báo cáo ban đẩu về vụ Đoàn Thanh Tra Bộ Xây Dựng về hành vi nhận tiền hối lộ khi đi công tác tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tin được loan đi ngày 18 tháng 6 theo đó Tổ Công tác của Công an Tỉnh Vĩnh Phúc cho biết thành viên của đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt giữ hôm 12/06 thừa nhận hành vi sai phạm, nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng khi đang thanh tra tại huyện Vĩnh Tường.

Truyền thông trong nước, vào ngày 18 tháng 6 cho biết thông tin vừa nêu, cụ thể bà Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ 160 triệu đồng và ông Đặng Hải Anh, thành viên đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ 90 triệu đồng. Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang hành vi nhận hối lộ của hai cán bộ này khi đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng đang trong quá trình thực hiện thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tin cho biết bên cạnh số tiền hối lộ bị bắt quả tang, Công an tỉnh Vĩnh Phúc còn phát hiện và thu giữ hơn 330 triệu đồng khi khám xét nơi làm việc của đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng và số tiền này do bà Nguyễn Thị Kim Anh quản lý.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh hiện giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Phòng chống tham nhũng, thuộc Phòng Thanh tra Xây dựng số 2 và ông Đặng Thanh Hải, chuyên viên Phòng Thanh tra Xây dựng số 2 vẫn đang bị tạm giữ tại trại tạm giam do Công an tỉnh Vĩnh Phúc quản lý.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà được báo chí dẫn lời rằng Bộ Xây dựng sẽ kiên quyết xử lý sau khi vụ việc có kết luận của cơ quan điều tra; đồng thời Bộ Xây dựng cũng sẽ có giải pháp để chấn chỉnh và kiểm soát chặt chẽ hơn trong trong tác thanh tra của Bộ nhằm hạn chế tối đa việc vi phạm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu vụ việc tham nhũng của đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng phải có báo cáo trình Chính phủ trước ngày 1/8 tới đây.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/inspection-team-from-ministry-detained-in-vinhphuc-update-06182019084041.html

 

Cựu phó Viện trưởng Nguyễn Hữu Linh thừa nhận

 ôm hôn bé gái nhưng nói không phải dâm ô

Ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Viện phó Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Đà Nẵng, người sắp ra tòa về cáo buộc dâm ô trẻ em dưới 16 tuổi, thừa nhận có ôm hôn bé gái 3 lần nhưng không cho rằng đó là hành vi dâm ô.

Truyền thông trong nước vào ngày 18 tháng 6 dẫn biên bản lời khai, biên bản giao nhận kết luận điều tra và hỏi cung với nội dung như vừa nêu.

Cũng tin cho biết sau khi video clip với hình ảnh một người đàn ông sàm sỡ một bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9 ở Quận 4, thành phố Hồ Chí Minh lan truyền trên mạng vào ngày 2 tháng 4 vừa qua, bị can khai tên giả là Nguyễn Văn Hưng.

Tuy nhiên đến ngày 3 tháng 4, người này đến Công an Quận 4 trình diện và khai nhận vào ngày 1 tháng 4 có đến căn hộ của người con trai tại Chung cư Galaxy 9 để lưu trú và thừa nhận hành vi ôm hôn bé gái trong thang máy.

Theo cáo trạng thì ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên phó Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Thành phố Đà Nẵng có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo điều 146 Bộ Luật HÌnh sự Việt Nam năm 2015.

Theo lịch, ông Nguyễn Hữu Linh sẽ bị đưa ra xét xử tại một phiên tòa kín vào ngày 25 tháng 6 tại Tòa án Nhân dân Quận 4, thành phố Hồ Chí Minh.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/update-minor-harassing-case-nguyen-huu-linh-06182019083859.html

 

Phòng khám Trung Cộng bị tố cáo

lừa bệnh nhân nhưng vẫn hoạt động

Tin Saigon.–  Đài VOV ngày 18 tháng 6 năm 2019 loan tin, chị Nguyễn Thị Bảo Trân, ở huyện Bình Chánh Sài Gòn vừa có đơn tố cáo phòng khám đa khoa Thái Bình Dương ở địa chỉ số 34 đến 36 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1 đã có hành vi cố tình lừa dối để lừa tiền chị.

Theo chị Trân, chị đến phòng khám Thái Bình Dương để khám bệnh theo lịch hẹn, chị Trân đến khám và được bác sĩ chẩn đoán bị bệnh nặng, tử cung có dịch đi kèm huyết đỏ rong kinh kéo dài vì vậy bác sĩ yêu cầu chị mua lọ thuốc sát trùng, cùng 3 chai dung dịch cầm máu với tổng số tiền là 6,8 triệu đồng. Quá lo lắng, chị Trân đã nhờ người nhà chuyển tiền vào số tài khoản do phòng khám cung cấp. Trước đó chị Trân đã mất 1,5 triệu đồng tiền khám bệnh. Sau khi lấy được số tiền trên, bác sĩ lại chẩn đoán chị bị bệnh rất rặng, có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung, vô sinh và phải điều trị ngay lập tức với hai mức tiền khác nhau là 28 triệu đồng hoặc 38,8 triệu đồng.

Chị Trân xin về  vì quá hoang mang. Ngày hôm sau, chị Trân được đưa đến bệnh viện Hùng Vương khám, chị được bác sĩ chẩn đoán, bệnh không có gì nghiêm trọng, bị viêm lộ tuyến nhẹ và tổng chi phí vừa khám, vừa điều trị là 350 ngàn đồng.

Vì vậy, chị Trân đã làm đơn tố cáo phòng khám Thái Bình Dương.

Trước đó, vào năm 2017, phòng khám Thái Bình Dương đã bị Sở y tế thành phố phạt gần 150 triệu đồng, và một bác sĩ người Trung cộng của phòng khám bị phạt 35 triệu đồng vì hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép.

Theo thông tin trên mạng xã hội Facebook, phòng khám Thái Bình Dương là một trong những phòng khám do người Trung cộng thực hiện, điều khiển nhằm mục đích lừa tiền người bệnh Việt Nam. Đã có rất nhiều bệnh nhân bị lừa tiền bởi những phòng khám của người Trung cộng, thế nhưng ngành Y tế CSVN vẫn để các phòng khám này thản nhiên hoạt động.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/phong-kham-trung-cong-bi-tiep-tuc-bi-to-cao-lua-benh-nhan-nhung-van-vo-tu-hoat-dong/

 

Việt Nam chính thức thông qua

luật cấm xuất cảnh với người nợ thuế

Quốc hội Việt Nam vừa chính thức thông qua Luật quản lý thuế sửa đối với tỉ lệ tán thành 91,32%, trong đó có quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, theo báo Tuổi Trẻ.

Theo luật mới này, người nước ngoài, người Việt định cư ở nước ngoài, người Việt xuất cảnh để đi định cư ở nước ngoài, người đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Trước đó, theo tờ Lao Động, tại phiên thảo luận ngày 12/6 ở Quốc hội, đại biểu Dương Minh Tuấn của đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu, đề nghị Quốc hội “xem xét kỹ lưỡng” quy định cấm xuất cảnh đối với người nợ thuế, vì theo ông, trên thực tế nhiều người không biết mình nợ thuế, mà chỉ phát hiện ra khi làm thủ tục xuất cảnh, và đôi khi số tiền nợ thuế rất thấp, chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng gây ra ảnh hưởng, thiệt hại lớn cho người xuất cảnh.

Báo Tuổi Trẻ cho rằng những bất cập trên được cho là vì có sự khác nhau trong quy định về việc dừng xuất cảnh đối với người nợ thuế, và thẩm quyền đề nghị dừng xuất cảnh thuộc về cơ quan thuế. Tờ báo này cũng dẫn lời Luật sư Nguyễn Hoàng Hải, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng không nên giao thẩm quyền đề nghị cấm xuất cảnh cho cơ quan thuế vì “dễ phát sinh tiêu cực và bị lạm dụng, gây khó cho người dân”, mà “nên giao cho chủ tịch UBND cấp tỉnh”.

Trước khi biểu quyết thông qua Luật quản lý thuế sửa đổi, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết và thông qua một số quy định về xóa nợ thuế.

Theo đó, chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền xóa nợ thuế dưới 5 tỉ đồng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan có thẩm quyền quyết định xóa nợ thuế từ 5-10 tỉ đồng, Bộ trưởng Tài chính quyết định từ 10-15 tỉ đồng và mức nợ thuế trên 15 tỉ đồng sẽ do Thủ tướng chính phủ quyết định.

Việc xóa nợ thuể chỉ dành cho 4 trường hợp: được tòa án tuyên bố phá sản mà không còn tài sản để nộp thuế; cá nhân đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm tài sản thừa kế, để nộp thuế; khoản nợ thuế đã quá 10 năm, đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không thu hồi được; và trường hợp bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, không có khả năng nộp thuế.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-cam-xuat-canh-nguoi-no-thue/4962402.html

 

Dư luận hoài nghi về tác dụng

của công điện phòng chống tham nhũng

Thủ tướng Việt Nam hôm 17/6 gửi công điện tới các bộ, ngành và chính quyền các tỉnh, thành đề nghị tăng cường “phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ”. Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ hoài nghi về tác dụng của bức công điện.

Nội dung công điện được công bố trên trang web của Văn phòng Chính phủ khẳng định rằng hiện nay vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức “lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sơ hở của chính sách, pháp luật… sách nhiễu, gây phiền hà, thậm chí tiêu cực, tham nhũng khi thực hiện hoạt động công vụ”.

Những việc làm như vậy “gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội”, công điện nhấn mạnh.

Văn bản chứa đựng yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được gửi ra sau khi gần đây xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng “trong một số lĩnh vực như hải quan, thuế, quản lý thị trường…, và ngay cả trong chính lực lượng chức năng của thanh tra một số địa phương, bộ, ngành”, một đoạn trong công điện cho hay.

Tôi không tin là một cái công điện này lại thay đổi được tình hình. Các nghị quyết của đảng, chỉ thị của chính phủ, các kế hoạch về phòng chống tham nhũng có rất lâu rồi, có rất nhiều rồi và cán bộ đảng viên học tập chán rồi. Nhưng mà vấn đề là người ta không làm, người ta không theo.

Nhà báo Nguyễn Như Phong

Vụ việc gần đây nhất xảy ra ở tỉnh Vĩnh Phúc hôm 12/6, trong đó công an bắt quả tang và tạm giữ một nữ trưởng đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng cùng hai thanh tra viên khác vì nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng.

Trong bối cảnh như vậy, biện pháp hàng đầu được thủ tướng Việt Nam đưa ra trong công điện là “thực hiện nghiêm túc” các nghị quyết, chỉ thị của đảng, chính phủ về phòng chống tham nhũng, và Luật Phòng chống Tham nhũng.

Một phần trong biện pháp này, theo công điện của thủ tướng, những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải “đi đầu” trong việc thực hiện các quy định về chống tham nhũng. Nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan của họ, những vị lãnh đạo đó “phải chịu trách nhiệm trước đảng, nhà nước”, công điện nêu rõ.

Biện pháp có tầm quan trọng thứ nhì được thủ tướng đề nghị là “cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể” và có cơ chế “kiểm soát hiệu quả” đối với cán bộ, công chức khi thực thi các nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường…

Ý kiến của người sử dụng mạng xã hội cho rằng hai biện pháp hàng đầu kể trên vừa không có gì mới mẻ, lại vừa không cụ thể, thiết thực.

Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Như Phong, một cựu đại tá an ninh, có chung suy nghĩ. Ông bình luận thêm với VOA:

“Tôi không tin là một cái công điện này lại thay đổi được tình hình. Các nghị quyết của đảng, chỉ thị của chính phủ, các kế hoạch về phòng chống tham nhũng có rất lâu rồi, có rất nhiều rồi và cán bộ đảng viên học tập chán rồi. Nhưng mà vấn đề là người ta không làm, người ta không theo. Có khi cả chục năm rồi, tôi chưa thấy có người đứng đầu nào bị kỷ luật khi mà cấp dưới của họ mắc những sai phạm, thậm chí sai phạm cực kỳ nghiêm trọng”.

Trong công điện của thủ tướng, biện pháp thứ ba được nêu ra là mọi cơ quan nhà nước “phải ứng dụng mạnh mẽ” công nghệ thông tin để “hạn chế tối đa” việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thủ tướng cũng yêu cầu “triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến” tại các địa điểm nơi cán bộ, nhân viên nhà nước có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp.

Các thủ đoạn tham nhũng bây giờ nó tinh vi kinh khủng. Người ta chả dại gì ôm cả bao tải tiền đến để biếu xén. Các biện pháp đấy tôi nghĩ có cho vui thôi, chứ còn chả tích sự gì.

Nhà báo Nguyễn Như Phong

Đề nghị này của thủ tướng được nhiều người đón nhận một cách tích cực. Các Facebooker được nhiều người biết đến như luật sư Ngô Ngọc Trai và nhà văn, võ sư Đoàn Bảo Châu “hoan nghênh” và nhận xét rằng đó là một ý kiến “có giá trị” của thủ tướng, sẽ giúp “hạn chế nhũng nhiễu”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Phong, từng giữ chức Tổng Biên tập báo PetroTimes và Phó Tổng Biên tập báo Công An Nhân Dân, cho rằng không nên quá kỳ vọng vì biện pháp lắp camera chỉ có “tác dụng hình thức một chút, răn đe một chút”. Ông giải thích:

“Nhưng để ngăn chặn tham nhũng, hối lộ, ngăn những việc đi đêm móc ngoặc với nhau thì chả có tác dụng gì cả. Bởi vì chả ai đến chỗ công đường, đến các trụ sở như thế để ngồi bàn về chuyện chung chi và các chuyện làm ăn bất chính. Các thủ đoạn tham nhũng bây giờ nó tinh vi kinh khủng. Người ta chả dại gì ôm cả bao tải tiền đến để biếu xén. Các biện pháp đấy tôi nghĩ có cho vui thôi, chứ còn chả tích sự gì”.

Đưa ra quan điểm về nạn tham nhũng trên bình diện rộng hơn, cựu đại tá an ninh Nguyễn Như Phong cho rằng tham nhũng ở Việt Nam trầm trọng hơn nhiều nước khác vì cơ sở luật pháp của đất nước liên quan đến vấn đề này “không chặt chẽ”, ngoài ra người Việt “duy tình” nên dễ “bóp méo” hay “vô hiệu hóa” các luật lệ, quy định.

Hồi cuối tháng 1 năm nay, tại một hội nghị của ngành nội chính thuộc đảng cộng sản, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng chống tham nhũng là lĩnh vực “khó, phức tạp” vì nó đụng chạm đến lợi ích con người, cụ thể hơn, đó là “lợi ích nhóm, liên quan chằng chịt ở các cấp, các ngành, rất lắt léo”, theo tường thuật của báo chí trong nước.

Cũng cuối tháng 1, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố bảng xếp hạng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng năm 2018, cho thấy tình hình tham nhũng tại Việt Nam có chiều hướng xấu đi khi tụt 2 điểm và 10 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2017, đưa Việt Nam vào vị trí 117/180 nước.

https://www.voatiengviet.com/a/du-luan-hoai-nghi-ve-tac-dung-cua-cong-dien-phong-chong-tham-nhung/4963702.html

 

“Lò” chống tham nhũng quay sang “đốt củi”

 ở cơ quan chống tham nhũng

Tin Vietnam.–  Đài VOV ngày 17 tháng 6 năm 2019 loan tin, ban Chỉ đạo Trung ương về phòng- chống tham nhũng CSVN đã có công văn số 219-CV/BCDDTW, yêu cầu các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy thuộc trung ương thực hiện hành vi chống tham nhũng trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Theo đó, ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu cấp dưới phải thay thế, loại bỏ những lãnh đạo, viên chức trong cơ quan phòng, chống tham nhũng mà có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng. Ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư, kiêm chủ tịch nước, đồng thời cũng là trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống tham nhũng. Ông kêu gọi phải “chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”.

Dư luận đặt nghi vấn, ông Trọng là người đứng đầu cơ quan phòng- chống tham nhũng. Nhưng giờ chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ngay trong cơ quan này thì liệu có trừ ông Trọng ra không? Nếu cấp dưới của ông Trọng bị phát hiện tham nhũng, với tư cách là người đứng đầu thì ông Trọng có bị đưa ra xử không khi ông không cai quản được cấp dưới của mình?

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/lo-chong-tham-nhung-quay-sang-dot-cui-o-co-quan-chong-tham-nhung/

 

Biển thủ cả Quỹ bảo trợ trẻ em!

Hòa Ái, RFA

Tham ô tiền quỹ bảo trợ trẻ em

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam vào cuối tháng 5 hô hào phát động tháng 6 là “Tháng hành động vì trẻ em năm 2019”, kêu gọi các bộ, ban, ngành, các tổ chức và địa phương cùng chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số cũng như phòng, chống bạo lực xâm hại tình dục trẻ em và phòng, chống đuối nước trẻ em.

Trong khi dư luận và những người quan tâm đến trẻ em tại Việt Nam trông đợi xem Chính phủ và các cơ quan, ban ngành bảo vệ trẻ em có những hành động thiết thực nào cho trẻ em, đặc biệt trong vấn đề giải quyết những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ở mức báo động xảy ra liên tục trong thời gian vừa qua; thật là trớ trêu, họ lại nhận được thông tin rất tiêu cực liên quan vụ việc các cán bộ quản lý Quỹ bảo trợ trẻ em ở Quảng Bình bị phát hiện biển thủ số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Truyền thông trong nước vào ngày 11 tháng 6 đồng loạt đăng tải thông tin Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình vừa phát hiện một số cán bộ bao gồm Giám đốc-ông Lê Quang Sỹ, Kế toán-bà Trần Thị Thủy và Thủ quỹ-bà Hoàng Thị Hường của Quỹ bảo trợ trẻ em bị phát hiện có nhiều sai phạm qua việc làm giả hồ sơ, chứng từ, thanh toán khống nhằm biển thủ hơn 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách chi thường xuyên và tiền Quỹ hỗ trợ trẻ em. Bên cạnh đó, tin cũng cho biết còn nhiều cá nhân khác cũng liên quan đến vụ việc tham ô này.

Hành vi của những người quản lý tài sản ở đây thì có thể bị khép vào tội tham ô tài sản. Theo Bộ Luật hình sự 2015, hiện có hiệu lực thi hành thì tội tham ô tài sản được xem là tội phạm có mức độ nguy hiểm cho xã hội từ lớn đến đặc biệt lớn và hình phạt cho tội này ít nhất là 2 năm tù và cao nhất là tử hình, tùy vào giá trị tài sản mà mỗi người chiếm đoạt được cũng như một số tình tiết khác

-Luật gia Nguyễn Trang NhungTiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội vào tối ngày 17 tháng 6 chia sẻ với RFA rằng bà không lấy làm ngạc nhiên trước thông tin vừa nêu:

“Thông tin này thì cũng không đáng ngạc nhiên lắm vì thực ra trước đây cũng có một vài vụ về chuyện bển thủ tiền như tiền hỗ trợ cho người nghèo, tiền hỗ trợ cho người khuyết tật ở chỗ này chỗ kia…Mặc dù không ngạc nhiên nhưng tôi cũng vẫn rất là buồn và rất là tiếc vì chuyện đấy đã xảy ra.”

Báo điện tử Đài Tiếng Nói Việt Nam (vov.vn), hồi ngày 11 tháng 6 dẫn lời của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Trường Sơn với nhấn mạnh rằng đây là vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu của tội tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm mặc dù các cán bộ bị Thanh tra phát hiện sai phạm đã trả lại số tiền biển thủ vào tài khoản của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, nhưng Sở đã báo cáo và đang chờ Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình chỉ đạo để chuyển hồ sơ điều tra qua công an. Giám đốc Sở Nguyễn Trường Sơn được vov.vn trích lời rằng cán bộ nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm, dù đương chức hay về hưu như trường hợp của ông Lê Quang Sỹ, Giám đốc Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình đã nghỉ hưu từ đầu tháng 9 năm 2018 vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu có hành vi phạm tội.

Luật gia Nguyễn Trang Nhung, một người quan tâm và tích cực kêu gọi bảo vệ trẻ em, đặc biệt trong vấn nạn trẻ em bị xâm hại tình dục cho RFA biết các cán bộ tham ô Quỹ bảo vệ trẻ em ở Quảng Bình có thể bị khởi tố hình sự theo pháp luật hiện hành:

“Hành vi của những người quản lý tài sản ở đây thì có thể bị khép vào tội tham ô tài sản. Theo Bộ Luật hình sự 2015, hiện có hiệu lực thi hành thì tội tham ô tài sản được xem là tội phạm có mức độ nguy hiểm cho xã hội từ lớn đến đặc biệt lớn và hình phạt cho tội này ít nhất là 2 năm tù và cao nhất là tử hình, tùy vào giá trị tài sản mà mỗi người chiếm đoạt được cũng như một số tình tiết khác. Tôi lấy ví dụ như chiếm đoạt 2 triệu đồng thôi thì có thể bị phạt từ 2 đến 7 năm tù, còn chiếm đoạt từ 100 đến dưới 500 triệu đồng thì có thể bị phạt từ 7 đến 15 năm tù. Đó là chưa kể các tình tiết chẳng hạn như nếu phạm tội có tổ chức thì có thể bị phạt từ 7 đến 15 năm tù.”

Tác hại

Vào ngày 06/01/19, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức họp hội đồng bảo trợ báo cáo kết quả hoạt động từ tháng 10/2016 đến năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, với vai trò chủ trì phiên họp, phát biểu rằng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam hoàn thành vượt mức kế hoạch và nhiệm vụ được giao trong hai năm 2017 và 2018. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh nói rằng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam càng phát huy vai trò và nâng cao uy tín trong cộng đồng, số nhà tài trợ đến với Quỹ ngày càng tăng và trong năm 2019 cố gắng huy động 110 tỷ đồng để chăm lo cho 110 ngàn trẻ em, do đó cần tích cực vận động có thêm nhiều người ủng hộ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Tuy nhiên, qua thông tin vụ việc các cán bộ quản lý tài chính Quỹ bảo vệ trẻ em tỉnh Quảng Bình tham ô số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng, Luật gia Nguyễn Trang Nhung nhận định sẽ gây tác hại rất lớn đối với lòng tin của công chúng:

“Với số tiền bị tham ô trong trường hợp này là hơn 1 tỷ so với hơn 100 tỷ mà người ta dự kiến vận động được thì rõ ràng là một con số đáng kể và đây chỉ là một trường hợp thôi. Và nếu có nhiều trường hợp giống như thế nữa thì số tiền tham ô trên cả nước sẽ là rất lớn. Do đó, rất nhiều trẻ em ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta biết là Quỹ bảo trợ trẻ em ra đời với chức năng nhằm bảo trợ cho trẻ em, nhất là các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và số tiền bị tham ô như vậy thì có thể làm mất đi niềm tin đối với xã hội và vô hình trung sẽ làm cho khả năng vận động của Quỹ này sẽ kém đi khi không còn nhiều người tin vào Quỹ này nữa. Vì thế, trẻ em sẽ càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.”

Tại Lễ phát động “Tháng hành động vì trẻ em năm 2019” diễn ra vào ngày 25 tháng 5, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, bà Rana Flowers, nhấn mạnh trong bài phát biểu của bà về tầm quan trọng trong việc đầu tư vào phát triển trẻ thơ toàn diện rằng “đầu tư ngày hôm nay để đảm bảo ước mơ và hoài bão trẻ em Việt Nam được chắp cánh bay cao để các em có thể đóng góp cho đất nước”.

Những vụ việc như vậy thì lâu lâu cũng xảy ra và chắc chắn những người đấy sẽ phải chịu những hình phạt rất nghiêm khắc của pháp luật vì những việc làm sai phạm như vậy không thể chấp nhận được

-Tiến sĩ Khuất Thu Hồng

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận một số những người quan tâm đến tương lai mầm non của đất nước đánh giá cao những chính sách được chú trọng nhiều hơn dành cho trẻ em của Chính phủ Việt Nam trong vai năm trở lại đây, thế nhưng họ cũng bày tỏ quan ngại về hiệu quả của các chính sách đó không thực sự mang lại kêt quả tốt, điển hình không chỉ qua vụ việc tham ô mới xảy ra ở Quảng Bình mà có có những vụ việc khác gây phẫn nộ trong dư luận như ba cán bộ Phòng Giáo dục huyện Chư Pưh, ở Gia Lai tham nhũng số tiền gần 6 tỷ đồng ngân sách từ năm 2013 đến năm 2017, trong đó lập chứng từ khống chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng tiền ăn của học sinh mẫu giáo bán trú hay như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, tại một phiên họp cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012, đã phát biểu rằng “Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì” khi chính bà là người tận tai nghe được những báo cáo sai phạm như trường hợp tiền dành cho chăm sóc y tế của trẻ em dân tộc thiểu số bị biển thủ hàng tỷ đồng…

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng khẳng định với RFA rằng bà vẫn còn niềm tin các vụ việc như thế sẽ được pháp luật nghiêm trị:

“Những vụ việc như vậy thì lâu lâu cũng xảy ra và chắc chắn những người đấy sẽ phải chịu những hình phạt rất nghiêm khắc của pháp luật vì những việc làm sai phạm như vậy không thể chấp nhận được.”

Trong khi đó, Đài RFA cũng ghi nhận ý kiến của một số độc giả chia sẻ trên trang fanpage của các báo chính thống trong nước cho rằng vụ việc mới nhất liên quan cán bộ tham ô Quỹ bảo trợ trẻ em ở Quảng Bình cần phải nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thủ trưởng của các bộ, ngành, cùng lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và Đảng khi để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan do họ quản lý.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/offcials-embezzeling-the-children-protection-fund-be-punished-06172019142931.html

 

Tàu cá Việt Nam bị phạt

vì đánh bắt trái phép ở vùng nước Đài Loan

Hãng tin CNA của Đài Loan hôm 17/6 trích thông tin Cơ quan Tuần duyên nước này cho biết một tàu cá Việt Nam đã bị phạt và lai dắt ra khỏi vùng nước của Đài Loan sau khi bị phát hiện đã đánh cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

CNA cho biết Đài Loan đã điều 4 tàu đến để bắt giữ tàu cá Việt Nam hôm 8/6 khi phát hiện tàu cá này đang đánh bắt cá tại khu vực cách Eluanbi, hạt Pingdong 175 hải lý về hướng đông nam tức nằm trong vùng 200 hải lý từ đường cơ sở, căn cứ theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc.

Giới chức Đài Loan đã tịch thu khoảng 1.700 kg cá ngừ, cá kiếm và các loại cá khác trên thuyền của ngư dân Việt Nam.

Tàu cá Việt Nam được lai dắt ra khỏi vùng nước Đài Loan hôm Chủ nhật vừa qua sau khi bị phạt 1 triệu Đài tệ, tương đương khoảng hơn 30.000 đô la.

Tàu cá của ngư dân Việt Nam những năm gần đây liên tục bị bắt giữ khi đánh cá xa bờ. Những tàu cá này bị cáo buộc đã đánh bắt cá tại vùng biển của các nước khác. Một số ngư dân Việt Nam cho Đài Á Châu Do biết nguyên nhân khiến họ đi đánh bắt xa là vì nguồn cá gần bờ đã giảm sút.

Tình trạng ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trái phép ở vùng biển của các nước khác cũng khiến Châu Âu rút thẻ vàng cảnh cáo Việt Nam. Nếu tình trạng không được cải thiện, Việt Nam có thể phải đối mặt với thẻ đỏ và hải sản của Việt Nam sẽ bị cấm nhập vào EU.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/vietnamese-fishing-vessel-fined-for-poaching-in-taiwan-waters-06182019092711.html

 

Sạt lở và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 560 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 800km và xâm nhập mặn hơn 90km.

Đây là số liệu được đưa ra trong báo cáo trình bày tại diễn đàn ‘Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở vùng ĐBSCL’ do Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh sáng ngày 18/6.

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường, lũ lụt, xâm nhập mặn và sạt lở là những thách thức lớn mà ĐBSCL đang phải đối diện.

Tính từ năm 2010 đến nay, các trận lũ hầu hết xuất hiện vào giữa tháng 10 và chủ yếu là lũ vừa và nhỏ, số trận lũ lớn đã giảm so với trước đó.

Ngoài ra, tình trạng xâm nhập mặn cũng xuất hiện sớm hơn trước đây từ 30 – 45 ngày, từ 60km lên đến 90km vào năm 2016.

Nguyên nhân được cho biết là do việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện ở thượng lưu sông Mekong đổ về vùng ĐBSCL đã thay đổi quy luật tự nhiên tại đây.

Cũng trong ngày 18/6, 6 căn nhà liền kề tại khu vực ven bờ sông Vàm Cò Tây, xã Lợi Bình Nhơn, tỉnh Long An thuộc ĐBSCL đã bị sạt lở, ước tính thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng.

Truyền thông trong nước loan tin trong cùng ngày, cho biết thêm nguyên nhân được đánh giá là do ảnh hưởng của dòng chảy mạnh làm cho đất bị xói mòn, tạo hàm ếch.

Hiện chính quyền địa phương đã di dời tài sản và người dân trong 6 ngôi nhà đến chỗ an toàn.

Vẫn liên quan đến ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ngày 18/6 cũng chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức ở Sài Gòn.

Hội nghị lần này thể hiện cam kết của Chính phủ Hà Nội đối với sự phát triển của ĐBSCL, nơi chiếm 20% dân số cả nước và đóng góp 18% GDP nhưng lại thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra.

Trong Hội nghị lần đầu diễn ra ở Cần Thơ năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có phát biểu sẽ tổ chức hội nghị ngày ít nhất 2 năm 1 lần để thảo luận về tình hình, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể để phát triển ĐBSCL, chứ không phải chỉ đưa ra chủ trương mà không kiểm tra, giải quyết, không để ‘nước chảy lá môn’.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mekong-delta-currently-has-564-landslides-06182019083100.html

 

Cơ quan nhà nước sẽ ghi âm, ghi hình

khi tiếp dân để “hạn chế tiêu cực”

Tin từ Hà Nội, ngày 18/6/2019: Thủ tướng chính phủ cộng sản Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và có bộ phận thường trực để theo dõi, giám sát thường xuyên.

Biện pháp này hy vọng sẽ hạn chế cơ quan tiếp dân và doanh nghiệp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho họ trong giải quyết công việc.

Thủ tướng Phúc công nhận rằng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sơ hở của chính sách, pháp luật… sách nhiễu, gây phiền hà, thậm chí tiêu cực, tham nhũng khi thực hiện hoạt động công vụ. Điều này gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội.

Những đơn vị nhà nước để xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực là hải quan, thuế, quản lý thị trường, và đặc biệt là thanh tra. Trong khi đó, dư luận xã hội cũng tức giận về sự thiếu minh bạch, thiếu kiểm soát, nguy cơ tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ của một số lĩnh vực nhạy cảm khác nhưđiều tra, thi hành án, kiểm toán, tổ chức nội vụ…

Ông Phúc nói cơ quan nhà nước phải công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm.

Tuy nhiên, nhiều người không tin rằng việc ghi âm và ghi hình sẽ làm giảm đáng kể tiêu cực ở các cơ quan công quyền. Vì tình trạng tham nhũng đã trở nên trầm trọng và phổ biến. Cán bộ nhà nước sẽ dùng nhiều chiêu để tránh bị phát hiện.Đây chỉ là một trong những hành động mỵ dân của ông Phúc, trong quá trình tranh cử vào chức tổng bí thư.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/co-quan-nha-nuoc-se-ghi-am-ghi-hinh-khi-tiep-dan-de-han-che-tieu-cuc/

 

Doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dư luận viên

để trợ giúp kinh doanh

Tin từ Hà Nội, ngày 18/6/2019: Luật sư nhân quyền Hà Huy Sơn nói nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng đội ngũ dư luận viên, và thuê một số công ty công nghệ để ngăn chặn những thông tin không có lợi cho mình trên mạng xã hội.

Trong một status đăng trên trang Facebook cá nhân, luật sư Sơn nói dư luận viên và các công ty thuê nói trên được trả tiền để khuyếch tán những thông tin ảo đánh bóng cho doanh nghiệp thuê họ.

Theo ông, những doanh nghiệp bất động sản hay sử dụng chiêu này nhất. Ông cho rằng đây là một loại tội phạm rất nguy hiểm cho xã hội, và cần phải bị lên án vì nó làm méo mó thông tin sự thực về món hàng và dịch vụ mà người mua cần.

Luật sư Sơn cho rằng hình thức này có dấu hiệu phạm tội quy định tại Điều 167 của Bộ luật hình sự, hoặc cần bổ sung loại tội danh mới này nếu chưa có.

Điều 167 nói về tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, và có mức chế tài từ 3 tháng đến 5 năm tù giam, và người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm.

Luật sư Sơn là một trong vài luật sư nhân quyền hay tham gia bào chữa trong nhiều vụ án chính trị xử người bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội, cũng như người hoạt động nhân quyền.

Ông là người đầu tiên nêu ý kiến về việc doanh nghiệp Việt Nam sử dụng chiêu thức trên để kiểm soát và lũng đoạn tin tức về mình, trong một quốc gia mà đảng và chính quyền đang sử dụng hàng chục nghìn dư luận viên cùng nguồn lực công nghệ thông tin không giới hạn để kiểm soát các mạng xã hội, định hướng dư luận xã hội với mục tiêu giữ vững độc tôn chính trị của đảng cộng sản.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/doanh-nghiep-viet-nam-su-dung-du-luan-vien-de-tro-giup-kinh-doanh/

 

Nhà cầm quyền CSVN sẽ huy động

cả hệ thống chính trị để đối phó với mạng xã hội?

Tin Vietnam.–  Đài VOV ngày 18 tháng 6 năm 2019 loan tin, thời gian gần đây, các “thế lực thù địch” đang lợi dụng công nghệ thông tin, internet tăng cường hoạt động tuyên truyền, phát tán nhiều thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội với tần suất ngày càng nhiều để chống phá cách mạng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng Cộng sản.

Trước tình hình này, ông Lê Quang Thưởng, cựu Trưởng ban thường trực ban tổ chức trung ương đảng cho rằng, có nhiều kẻ phản động chống đối trong và ngoài nước đang lợi dụng mạng xã hội để chống đảng cộng sản. Vì vậy, ông Thưởng cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền đều phải có trách nhiệm với vấn đề này. Việc ngăn chặn mạng xã hội vẫn còn chưa được nhà cầm quyền làm quyết liệt, chưa kịp thời.

Theo ông Thưởng,  đài VOV phải có bộ phận theo dõi thường xuyên để phát hiện chấn chỉnh, tham mưu cho ban Tuyên giáo Trung ương, bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp giải quyết.

Trong nghị quyết của trung ương lần này, ông Thưởng sẽ đề nghị phải làm rõ đối vưới từng viên chức, đảng viên, không được sử dụng vị trí của mình để thu thập thông tin rồi cung cấp cho người khác.

Được biết, những ngày gần đây, mạng xã hội đang loan truyền cuộc biểu tình phản đối luật Dẫn độ của người dân Hồng Kông, đồng thời yêu cầu bà Trưởng đặc khu từ chức. Điều này dường như đang khiến nhà cầm quyền cộng sản có nhiều lo lắng. Vì vậy, đã có rất nhiều bài viết trên truyền thông lề đảng, và ý kiến của đảng viên cộng sản cấp cao thể hiện sự lo ngại cuộc “cách mạng màu” sẽ xảy ra ở Việt Nam, mà nguyên nhân được các đảng viên đưa ra là do mạng xã hội.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-csvn-se-huy-dong-ca-he-thong-chinh-tri-de-doi-pho-voi-mang-xa-hoi/

 

Việt Nam tổ chức Đối thoại biển lần 5

về vấn đề Biển Đông

Đối thoại biển lần thứ 5 về vấn đề Biển Đông vừa được tổ chức ở Hà Nội vào ngày 18/6 với chủ đề “Hợp tác ASEAN trong vấn đề Biển Đông”.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, gần 100 đại biểu từ 30 cơ quan đại diện nước ngoài và tổ chức quốc tế, các bộ, ngành liên quan của Chính phủ, chuyên gia, học giả và phóng viên đã đến dự đối thoại lần này.

Tại Đối thoại lần này, các diễn giả tập trung thảo luận về vai trò của  ASEAN trong việc quản lý tranh chấp và thúc đẩy hợp tác trong khu vực.

Đối thoại biển do Học viện Ngoại giao tổ chức phối hợp với Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS), Đại sứ quán Australia và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông.

Đối thoại lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2017. Trong 4 lần đối thoại trước, các chủ đề chính được nói đến bao gồm quản trị biển, hợp tác nghề cá, luật biển quốc tế và xử lý rác thải nhựa.

Trong bài phát biểu tại lần Đối thoại đầu tiên ở Hà Nội, ông Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nói rằng tình hình hiện tại đang dẫn đến sự xuống cấp môi trường biển nhanh chóng vì tình trạng khai thác quá mức và giảm sút nguồn tài nguyên biển. Ông cũng cảnh báo những tranh chấp trong các đòi hỏi chủ quyền giữa các quốc gia có thể cản trợ việc các nước hợp tác để tăng cường việc quản lý biển bền vững.

Năm 2020 sắp tới cũng là năm Việt Nam nắm ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN và chính thức thực hiện nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc kéo dài hai năm.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-holds-5-th-ocean-dialogue-06182019091042.html

 

Mỹ, Việt khẳng định tầm quan trọng

của hợp tác an ninh năng lượng

Vụ Tài nguyên Năng lượng của Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Công thương Việt Nam hôm 17/6 khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác song phương về năng lượng giữa hai quốc gia.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một thông cáo ra hôm 18/6 rằng Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách tài nguyên năng lượng Francis Fannon đã gặp gỡ Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Đặng Hoàng An trong cuộc gặp của phái đoàn Mỹ với phía Việt Nam ở Hà Nội hôm 17/6.

Hai bên nhấn mạnh lợi ích chung trong việc làm sâu sắc thêm và mở rộng sự hợp tác về năng lượng giữa Mỹ và Việt Nam cũng như nêu bật kết quả của các cuộc Đối thoại An ninh Năng lượng Mỹ-Việt Nam được tổ chức ở Hà Nội hồi tháng 3/2018 và ở Washington, DC, hồi tháng 4 vừa qua, theo BNG Mỹ.

Tại đối thoại lần 2 ở Washington, DC, hôm 12/4, Việt Nam và Mỹ đã “nhấn mạnh tính tập trung của an ninh năng lượng đối với sự phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế rất lớn và nhu cầu năng lượng cao.

“Cả hai bên đều khẳng định tầm quan trọng của việc phải cải thiện tính minh bạch và dự đoán của môi trường đầu tư ngành năng lượng Việt Nam thông qua sự phát triển do ngành tư nhân lãnh đạo và các cải cách về thể chế,” theo một thông cáo của BNG Mỹ đưa ra hôm 12/4.

Nhu cầu ngày càng tăng cao về năng lượng đã mở ra những cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các doanh nghiệp Mỹ, theo thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng được Nhân Dân trích lời nói tại cuộc Đối thoại đầu tiên tổ chức ở Hà Nội hôm 30/3/2018.

Theo ước tính được ông Vượng đưa ra, tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng 2,5 lần vào năm 2035 so với 2015, tăng từ 54 triệu đơn vị tiêu thụ năng lượng (TOE) lên 90 triệu TOE.

Mặc dù một số công ty hàng đầu của Mỹ, như ExxonMobil, Murphy Oil, Chevron và UOP đã có mặt ở Việt Nam với một loạt các dự án trên khắp đất nước, nhưng sự hợp tác giữa hai chính phủ vẫn còn hạn chế so với mức độ phát triển cao và nhu cầu ngày càng tăng về năng lược ở Việt Nam, theo thứ trưởng Vượng.

Tại cuộc Đối thoại ở Washignton hồi tháng 4, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhấn mạnh sự ủng hộ của họ trong việc hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam về những cải cách cho ngành điện, tăng cường năng lượng tái tạo và năng lượng lưu trữ của Việt Nam, thúc đẩy nhập khẩu khí đốt tự nhiên và tăng cường hiệu quả năng lượng, theo thông cáo của BNG Mỹ.

Đối thoại An ninh Năng lượng Mỹ-Việt Nam lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2020

https://www.voatiengviet.com/a/my-viet-khang-dinh-tam-quan-trong-cua-hop-tac-an-ninh-nang-luong/4963789.html

 

Ăn ở Nam Du

Nguyễn Thị Út

Dĩ nhiên, đầu tiên phải là hải sản.

Mặc dù khai thác tận diệt và môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, hải sản ở Nam Du vẫn còn. Ngay dưới chân những ngôi nhà sàn xi măng lấn ra biển, chiều chiều thợ lặn vẫn lặn mò sò hộp. Sò hộp mỗi con to gần bằng bàn tay, thịt nhiều và ngọt. Cá xanh xương-loại cá khi nấu chín thì xương chuyển qua màu xanh lục lạ mắt, ướp sả chiên lên thịt khá dai. Kêu một phần cơm quán, tức một “set” đã được quán lên thực đơn sẵn, tôi bất ngờ khi vừa ăn hết cá lại thấy chủ quán gắp ra mấy miếng tiếp vô, đến hai ba lần, ăn thả ga căng bụng. À nhưng là cá xanh xương thôi nha, còn mực xào thơm cà cũng có tiếp thêm, nhưng chỉ một lần.

So với chợ đêm hải sản phía sau nhà lồng chợ Hà Tiên (thị xã Hà Tiên), với những quầy hàng trên cạn nhưng hàng chục loại ốc chất đầy ăm ắp thì ốc và hải sản ở Nam Du tuy ở ngoài khơi nhưng lại không phong phú bằng. Thì hàng ngon, hàng độc chở vô bờ bán cho nhà hàng quán nhậu hết còn đâu. Họ mua giá cao, mua lâu dài thành mối, tốt hơn ngoài này bán phập phù theo khách du lịch.

Hàng quán trên đảo cũng đóng cửa rất sớm, 9h đêm đã tàn lụi vắng teo. Khách du lịch tiếc chuỗi ngày giờ vô lo, kéo ra cầu cảng ngồi hưởng gió biển lồng lộng nhưng rồi phần mệt (nếu ai dậy sớm đi chơi), phần chẳng còn hàng quán hay dịch vụ giải trí nào khác, cũng phải lủi thủi trở về nhà nghỉ. Chui vô phòng lạnh, đánh bài, uống bia với khô mực tới khuya-phần cuối của một ngày thật không xứng đáng với cả nền du lịch, nền thể thao lẫn nền y tế lành mạnh.

 

Một món khác là mực ống-ngày nào cũng có. Ở một số nhà nghỉ, ban đêm có thể mang cần ra ngồi ngay trên cầu cảng thả mồi câu tôm, nướng nhậu tại trận. Ở những quán hải sản chế biến tại chỗ gần cầu cảng, hên hên thì bạn còn tha hồ chứng kiến tụi mực… chịch nhau. Cảnh vô cùng hiếm gặp đó nha! Chúng quấn những cái tua vào nhau rồi cứ thế uốn lượn nhẹ nhàng trong nước rất đẹp mắt (đấy xem cách người ta yêu nhau đi!)

Có buổi tối, tôi còn bắt gặp mấy cô sản phụ mực đẻ con: từng chùm trứng mẩy nhưng thuôn thuôn và trong mờ tuôn ra dày đặc, dính vào nhau như một chùm nho khổng lồ rung rinh trong nước. Tuyệt đẹp!

Ốc ác cũng khá, đều còn sống nhăn loe ngoe. Sau cái thú ăn, một thứ thú khác của tôi (có lẽ lâu dài bền bỉ hơn so với ăn nhiều, vì ăn no xong chỉ muốn leo lên giường đánh một giấc) là ngồi ngắm tụi này lục cục sống trong môi trường của nó. Dù là một môi trường giả lập nghèo nàn đến đáng thương là cái thùng hay cái khay nước biển và chỉ có nhiêu đó, không có chút rong rêu phù du nào cho chúng náu mình. Và dù trong thời điểm cả đời chỉ xảy ra một lần duy nhất là ngay trước giờ lên hỏa đầu đài, thì những sinh vật yếu ớt ấy vẫn sống mãnh liệt với sức mạnh nguyên sinh hồn nhiên chẳng con người nào bì kịp, vẫn yêu, vẫn ân ái, vẫn sinh đẻ và tìm mọi cách biến cái sàn của đao phủ thành một cái nhà.

Con người vẫn tự hào là kẻ mạnh nhất thiên nhiên, nhưng những loài hải sản này, như những bậc chân tu nhà Phật, tặng tôi thêm một định nghĩa mới về kẻ mạnh: đó không chỉ là kẻ chiến thắng cuối cùng; đó là kẻ sống tận cùng trong từng khoảnh khắc.

Tuy nhiên, so với tiềm năng của biển và độ dài bát ngát của biển Việt Nam thì bây giờ hải sản ở ngay giữa vịnh Thái Lan tít ngoài khơi như Nam Du cũng ít ỏi đến đáng thương. Ngày trước mỗi chuyến biển là hàng hàng cần xé hai người đàn ông lực lưỡng khiêng nặng, bây giờ ngư dân đi ghe cào bắt đủ thứ, cá, mực, tôm tép gì cũng có, nhưng mỗi chuyến, mỗi thứ chỉ đựng vừa … cái khay nhựa dài chừng hai gang tay. Ngư dân nào từng già đời trên biển Việt Nam, chứng kiến những mùa cá chuồn bay ngờm ngợp vô ghe tới nỗi phải đổ trút lại xuống biển kẻo chìm, sẽ rớt nước mắt với những mẻ cá khay nhựa tội nghiệp đó.

Đặc sản khác của Nam Du, rất bất ngờ vì chẳng có thứ nào xuất xứ tại đây, lại là hai thức uống ngọt: đá me và đá thơm. Đặt chân lên hòn Củ Tron, vừa đi hết cầu cảng để vô đảo, bạn được đón ngay bằng dãy xe đá me, đá thơm san sát liền liền. Quầy nào cũng khoe ra sát đường đi lối lại hai ba cái nồi đường kính gần bằng cánh tay, đầy ắp me nấu chảy ngào đường nâu sẫm sền sệt, hoặc thơm xắt nhỏ ngào đường vàng tươi. Một muỗng me ụp vô cái ly nhựa, thêm đá bào trắng xốp đầy vun, lon sữa đặc rót vài vòng rỉ rả cho béo và thơm, vẩy thêm nửa muỗng đậu phộng rang. Cuối tuần, mỗi quán bán hết sạch trong ngày cả một nồi đá me đặc quánh chừng 50 ký lẫn một nồi đá thơm cũng gần cỡ đó. Mà mỗi ly đồng giá 10.000 đ chỉ có chừng một muỗng xúp me hoặc thơm. Tính thử, nhu cầu nhiều cỡ nào và người bán thu lời khá cỡ nào.

Tốt cho sức khỏe hơn là các loại nước ngọt đóng lon, dù đường khá nhiều để trung hòa vị chua của me, có lẽ ai cũng nghĩ thế. Nhất là các khách du lịch trẻ tuổi và cày đường nhựa-cái thế hệ uống nước ngọt có ga như một phần thưởng hay dấu hiệu của tiệc tùng trong cả tuổi thơ thì một ly nước giải khát đặc sệt chất thủ công và địa phương dân dã như vậy lại mang một vẻ hấp dẫn đặc biệt. Tôi thấy rất nhiều người một tay cầm ly đá me, một tay giơ điện thoại lên chụp trên nền sóng biển núi non của Nam Du (rồi nhanh chóng up facebook). Chắc chưa ai ở Nam Du nghĩ ra cách marketing du lịch rẻ tiền mà hiệu quả này.

Trong cái nắng gắt của biển, đám đông khách du lịch người sang người hèn, cao gót hay đế bằng, mũ rộng vành hay đầu trọc để trần, gần như ai cũng cầm một ly đá me hay đá thơm trong tay như một thứ chứng chỉ du lịch Nam Du, hay một thứ triện mà Nam Du đóng lên để khiến họ “đồng đẳng” và trở thành nhất thể, một thứ uy quyền mềm mại mà ai cũng tự nguyện bỏ tiền ra nhận lãnh.

Ban đêm, đèn từ ghe cá sáng kín mặt biển phía xa, nối thành một vòng cung lấp lánh. Nhưng hầu hết ghe đều nhỏ bé, ghe cỡ to có khoảng 5 người đi biển, dài khoảng 12 m. Họ đi một tháng… Còn những ghe nhỏ chỉ có 2 người, đi một tuần vô.

Ngư dân cười, lắc đầu nói không hùn nhau sắm ghe to được đâu. Vì thứ nhất, tánh người Việt mình không có làm ăn chung được. Anh em cũng không! Hùn tiền xong thằng siêng làm chết mẹ, thằng làm biếng nhong nhỏng ở không, rồi tính lời lỗi, chia chác ra sao cho vừa lòng. Tốt nhất là làm chủ, tự mình mình làm, ăn ít ăn nhiều do mình.

-Mà vùng vịnh Thái Lan này cũng không sắm ghe lớn được vì biển nhỏ, chạy ra xa chút là đụng Mã Lai, Thái Lan rồi. Chỉ loanh quanh trong đây thì sắm ghe lớn làm chi, nó phí-Một anh ngư dân được khen ngợi là ghe cá thu hoạch thuộc loại khá nhất ở Nam Du kể lý do.

Cho nên, những ghe cá bé tí xíu cứ rải khắp mặt biển Tây, và tỷ lệ nghịch với số lượng của nó là số hải sản mang về ngày càng ít và nhỏ bé, ngư dân ngày càng phải đi xa hơn, lợi nhuận ngày càng giảm.

Tôi chỉ kịp đi bốn năm hòn đảo trong Nam Du. Giữa biển khơi, nước biển trong vắt, ở gần bờ trông rõ từng viên đá dưới đáy, cá bơi từng đàn tung tăng ngay dưới chân những ngôi nhà sàn. Thần tiên! Thần tiên! Nhưng dân đảo vẫn xả rác ra thoải mái, bất kể lợi thế địa điểm thần tiên đó để hút tiền từ khách du lịch. Họ nói ối, quăng ra biển sạch lắm, biển lớn vậy tới chiều là nó trôi đi đâu mất hết hà!

Trôi đi đâu mà trôi! Ngay cầu cảng hòn Lớn, hàng ngày sóng lên tấp vô bờ vô số rác rưởi không tiêu được của con người. Cá bơi lẫn với ly nhựa và bao nilon. Nhiều nhất và đập vào mắt nhất là hàng đống lớnhộp xốp trắng xóa. Nhưng ngay dưới màu trắng đó, làn nước trong vắt đã biến thành đen đặc, sủi bọt, đục ngầu, bẩn kinh khủng. Song chẳng hề gì, sát cạnh làn nước đó, phía trên, dân bản địa vẫn bán buôn, khách du lịch vẫn ăn uống và chụp hình rầm rộ.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/eat-at-nam-du-06172019134400.html

 

Hòn Củ Tron, khu rừng rậm không bóng người

và bãi đá hoang sơ nguyên thủy

Nguyễn Thị Út

Vòng theo con đường quanh hòn Lớn của quần đảo Nam Du, đến chân trường tiểu học có một con đường dốc đứng chạy lên trên. Nó cũng đổ xi măng bình thường như mọi con đường khác, nhưng đừng nhìn thế mà nhầm. Chạy quá trường tiểu học, con đường khu dân cư bình thường bỗng dần biến hình thành con đường mòn cheo leo quanh núi, Chỉ vài trăm mét nhưng khung cảnh đã khác hoàn toàn với bãi biển nắng gió dưới kia, cứ như lạc vào bộ phim tiên hiệp nào.

Ở đây đích xác là núi, không có lấy một chút dấu vết biển nào cả. Hai bên là cây rừng xanh ngắt, bịt bùng, âm u chắn hết tầm nhìn. Ngay giữa buổi chiều nhưng không một giọt nắng nào lọt qua nổi tầng cây dày. Giữa biển khơi mà khí núi tỏa ra mát lạnh đến xương, cảm giác thật yomost!

Vòng theo con đường quanh đảo, chạy đến chân trường tiểu học sẽ thấy một con đường dốc đứng lên trên. Nó cũng đổ xi măng bình thường như mọi con đường khác trên đảo, nhưng đó chỉ là bề ngoài lừa dối người ơi! Chạy quá trường tiểu học, con đường khu dân cư bình thường bỗng biến hình thành con đường cheo leo quanh núi. Chỉ vài trăm mét, mà trời đất, khung cảnh khác hoàn toàn với bãi biển nắng gió dưới kia, cứ như lạc vào một bộ phim tiên hiệp rùng rợn.

Ở đây đích xác là núi. Núi. Không có lấy một chút dấu vết biển nào cả. Cũng không có dấu vết con người. Hai bên toàn cây rừng xanh ngắt, bịt bùng, âm u chắn hết tầm nhìn. Ngay giữa buổi chiều nhưng không một giọt nắng nào lọt qua nổi tầng cây dày. Giữa biển khơi mà khí núi tỏa ra mát lạnh thấu xương, rùng mình!

Con đường trải nhựa láng o nhưng chỉ vừa một chiếc xe máy chạy, hễ có hai xe ngược đường thì phải nép vào nhường nhau. Đã hẹp mà nó còn cua tay áo quanh co phát sợ. Một bên rừng, một bên là vực sâu thẳng xuống biển. Ngoài chúng tôi ra chẳng có bóng dáng du khách nào lò mò đến tận đây, chỉ thấy lâu lâu có một dân địa phương chạy xe máy đón con đi học về, chở bình ga đi đổi….. Quen đường, họ chạy cứ vèo vèo trên những đoạn dốc ngược và uốn khúc mà người lạ chỉ dám để số 1 bò bò, đã vậy còn quay lại hét to khích lệ: “Cứ chạy đi, hông sao đâu!”. Xong rồi họ phóng mất tiêu!

Vừa chạy, vừa bò, vừa đẩy, vừa run…. Nhưng muốn quay lại cũng khó nữa má ơi. Chúng tôi đành cứ đi tiếp (tuy run nhưng khoái, vì được khám phá).

Mãi rồi cũng hết dốc núi, con đường mòn tụt thấp trở lại xuống bãi biển. Biển lại hiện ra nhưng khác lạ. Bãi ở đây thấp sát, nước trong vắt và rất nhiều tảng đá nho nhỏ ở gần bờ. Nhảy theo những tảng đá đó có thể ra tận xa. Ở chỗ tận cùng có một cái quán nhỏ thưng vách ván bán giải khát, dầu hôi và mấy thứ tạp hóa khác, nhưng không bán xăng. Tổng cộng cuối bãi chỉ thảng hoặc khoảng chục ngôi nhà, chủ yếu vách gỗ. Vài người dân bản địa ngồi trên võng đung đưa chân, bưng tô cơm ăn và bình thản nhìn khách. Biển và rừng ở đây đẹp lạ lùng theo một kiểu man dại nào đó. Vắng vẻ và hoang sơ, nghèo nàn nhưng lại bình yên như thời loài người mới hình thành. Như không hề có mối liên lạc nào với phần còn lại của một hòn đảo du lịch đang nổi tiếng, cũng như với cả thế giới ngoài kia.

Bãi mang tên con Nhum vì xưa có nhiều nhum, nhưng giờ đường đi nguy hiểm, xe chạy tới đây lỡ không đủ xăng thì chỉ có nước dắt bộ leo dốc hoặc xin xăng từ người dân nên du khách hầu như chẳng ai vào. Tuy vậy, dưới mặt biển, đoạn gần trung tâm đảo cũng có một nhà nghỉ nhỏ nhiều bungalow gỗ thông và mái tôn nhiều màu đang xây dựng, nằm khép nép dưới rừng cây. Người ta bảo khách của nhà nghỉ này sẽ không đi đường bộ mà đi ghe từ biển vô. Quá đúng. Chứ đường đi như vầy, tôi thà lết bộ… “cho tim nhẹ nhàng hơn”.

Con đường cỏ lau và đá núi muôn màu

Từ bãi Chệt đi lên, qua Bãi cỏ lớn, Bãi cỏ nhỏ, bãi Tuồng, leo một con dốc là đến đoạn dốc cao, uốn lượn đẹp nhất. Nó là dốc Tình hay dốc ông Tình. Ông Tình là ai, tôi chưa kịp hỏi nhưng nếu dốc Tình thì có lý lắm: con đường quanh co mềm mại giữa một bên là vực trông thẳng ra mặt biển mênh mông xanh ngắt, một bên là vách núi đủ màu. Viền hai mép đường là hàng hàng cỏ lau cao ngang bụng. Mùa khô, bông lau trổ trắng bạc, cả một triền lau xao xác theo gió, đẹp não nùng. Đứng ở điểm cao nhất của dốc, dưới kia biển lăn tăn xanh ngắt trải ra bao la, hòn Ngang, hòn Mấu… mồn một trong tầm mắt. Tức cảnh sinh tình, cặp nào rủ nhau ra đây chơi sau này có em bé mà đặt tên Tình cũng ý nghĩa lắm đó.

Bên kia là vách núi. Màu đá núi trên đảo tự riêng nó đã là một danh thắng. Bất cứ lúc nào nắng đẹp cũng thấy vài du khách đang giang tay dựa lưng vào vách núi chụp hình. Nhưng để chụp cho đủ bộ, có lẽ họ phải ở lại đảo cả tuần và đi chụp vào ít nhất ba thời điểm trong ngày: bình minh, hoàng hôn và nắng xế.

Ở dưới thấp, vách đá trắng sữa ngả hồng phấn và vàng hung trên nền xám nhạt, trên mặt điểm những vệt nâu đỏ như rám nắng. Những đường gân ngoằn ngoèo xám và đen vẽ trên mặt đá đủ hình dạng tha hồ cho trí tưởng tượng. Từ bãi Cây Mến trở đi, đá chuyển dần sang xám pha hung, đen sẫm rồi trắng phấn ở từng cung đường. Thiên nhiên sáng tạo và bay bổng đến khôn tả, giữa vô vàn sắc màu của biển, trời, mây, ánh nắng, lá cây, đá núi và hoa dại đủ loài không biết tên.

Dọc đường, có một thứ hoa trông giống hoa đậu biếc nhưng màu tím hồng rất đẹp. Nâng niu từng bông trên tay, tới trưa về tôi thấy quán Năm Nương thản nhiên bỏ nó vô xoong canh chua.

Những vạt rau muống biển, trái gồm bốn hình lập phương kết lại, khi khô dần nó phồng căng, màu vỏ trong trong như căn phòng riêng tư của loài tiên rừng nào đó gợi đầy tò mò. Có những bụi hoa vàng tươi, bông mọng lên như đầy phấn. Có những cây đầy hoa tím nhụy vàng, bông nhỏ nhắn nhàn nhạt đến man mác.

Và Cây cô đơn: một gốc cổ thụ mọc chênh vênh bên vách núi, dáng cân đối rất đẹp. Chỉ duy nhất nó cao nhất, kiêu hãnh và đơn độc giữa rừng lau, rừng cây bụi và dây leo chung quanh. Cái tên cô đơn là từ đó. Và ngay cả chuyện nó là cột mốc dễ nhớ nhất để đánh dấu bãi rác (bạn phải bịt mũi chạy thật nhanh qua đoạn đường này) cũng chỉ làm tăng giá trị của nó: ngay cả khi cô đơn cạnh một bãi rác (gần bùn), nó vẫn khiến người ta ngước nhìn!

Bạn nên dành thời gian đi bộ chậm rãi trên cung đường này vào hai khung giờ đẹp nhất trong ngày là bình minh và hoàng hôn. Đi thật chậm rãi, ngắm thật kỹ càng để con mắt và tâm hồn đều được no đầy. Và nhớ sạc đầy pin máy ảnh hay điện thoại kẻo về lại chắt lưỡi tiếc rẻ như Thạch Sùng.

Ngôi miếu thờ người dân chết trong bão số 5

Ở phía tay phải của cầu cảng, có một kiến trúc mang hình ngôi miếu khá lớn. Đây là nơi chôn cất hàng trăm người chết trên biển trong trận bão số 5 khủng khiếp năm 2010.

Một người dân trên hòn Ngang kể, năm đó vườn dừa của bà bị bão đánh tơi bời. Dân trên đảo không chết vì kịp mang ghe về trú ẩn, nhưng dân nơi khác đi biển tới vùng này (chủ quan, không nghe cảnh báo trú bão) thì chết nhiều lắm. Sau bão, dân đảo chở các thi thể sang hòn Lớn để người thân họ tới nhận xác. Nhưng người không còn nhận dạng được cũng nhiều lắm. Họ được chôn cất và làm miếu thờ cúng chung.

Tấm bia lớn trong miếu ghi dòng chữ đơn giản nhưng đủ làm rùng mình.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/cu-tron-islet-part-two-06172019122420.html

 

Hòn Củ Tron, bãi vua Ngự, giếng Tiên… giữa viễn khơi

Nguyễn Thị Út

Khác với dải dài ven biển miền Trung, biển ở đồng bằng miền Tây không nhiều nơi có cát trắng nắng vàng. Hầu hết đều bãi bùn và nước đục. Nên, khi dịch vụ ra đảo ngày càng dễ dàng với các tàu cao tốc có cả giường nằm thì dân miền Tây đổ xô đi chơi cuối tuần ở đảo.

Phú Quốc, Côn Đảo lừng danh Đảo ngọc nhưng giá cả mọi thứ quá đắt, chỉ hợp với đại gia (từ Bắc vào). Vì thế quần đảo Nam Du ở biển Kiên Giang bỗng thành điểm hot du lịch ngắn ngày. Các công ty du lịch chớp cơ hội mở các tour giá rẻ, chỉ 1,2  triệu đồng cho hai đêm ba ngày trên đảo- bao ăn ở. Vậy là các nhà nghỉ trên khắp hòn Lớn gần như kín khách suốt cuối tuần từ trước tết cho tới tận hết tháng 5.

Lẽ ra Nam Du phải được khai thác từ lâu hơn nhiều rồi mới phải, vì ngoài vị trí khá gần Rạch Giá (đi tàu cao tốc chỉ xêm xêm 3 tiếng), nó còn là quần đảo đặc biệt với 21 hòn đảo nằm rất gần nhau, dễ dàng di chuyển, có thiên nhiên đẹp đẽ và đặc biệt nhiều huyền tích về vua Gia Long thời cuối thế kỷ 18.

Hòn Củ Tron, giếng Tiên, bãi Ngự và những dấu vết thời Gia Long đi trốn

Cầu cảng chính hòn Lớn đón du khách vào khu vực sầm uất, giàu có nhất của đảo. Hai ba năm nay, nhờ lượng khách du lịch lấp kín đảo mỗi cuối tuần, một số dân đảo đã chuyển sang làm nghề dịch vụ, chủ yếu cho thuê nhà nghỉ + xe honda và bán hải sản, bán quán nhậu. Dưới tác động của khách du lịch, hòn Lớn chia làm hai nửa. Nửa giàu có nằm sát cầu cảng, lúc nào cũng tấp nập nhộn nhịp, hầu hết là nhà nghỉ và quán sá. Nhiều chủ nhà nghỉ vốn là ngư dân, có tiền nên làm chơi cho vui nào ngờ ăn thiệt.

Nửa còn lại mới đúng là đảo ngày xưa: vắng lặng, nghèo nàn, những ngôi nhà lụp sụp, nngười dân chiều chiều kê cái ghế nhỏ ngồi hóng gió dài dài trước nhà trò chuyện. Con nít tắm biển, nhảy nhót la hét chơi đùa. Nghèo, nhưng cái cảnh người ngồi bên nhau quây quần đầm ấm này y như một thế giới không smartphone mơ ước của nhiều người thị thành.

Hầu hết dân cư nửa này sống bằng cách đi làm thuê cho nửa bên kia. Họ bán quán, dọn dẹp nhà nghỉ, lái ghe đưa khách đi thăm các đảo. Châm biếm thay, cái nửa nghèo túng ấy lại mang cái tên cao sang vốn chỉ dành cho bậc vương giả. Nó tên là bãi Ngự. Do ngày trước, vua Gia Long trên đường trốn chạy quân Xiêm đã chạy đến hòn đảo này. Chiều chiều ngài hay ra ngồi trên bãi biển ngắm cảnh (và nhớ cố hương?) nên nó được mang tên bãi Ngự. Ngoài bãi còn có giếng Ngự, hồi xưa cấp nước cho ngài uống. Tiếc là thời gian không đủ nên tôi không kịp đi tìm. Dân đảo người nói giếng Ngự đã bị lấp, người thì nói đến bây giờ nước ngọt vẫn dồi dào.

Cái tên hòn Củ Tron (tên khác của hòn Lớn) cũng là giai thoại thú vị. Huyền tích nói khi vua Gia Long trốn tránh ra đây, quân lính bị đói nên hỏi dân bản địa tìm cái ăn. Họ được chỉ một loại củ hình tròn, to thì bằng cái dĩa, nhỏ thì bằng nắm tay. Quân lính đào củ ăn, thấy lành và no bụng. Nhờ ơn củ tròn cứu sống, khi vua tai qua nạn khỏi liền cử quan ra đảo sắc phong tên Củ Tròn (nghe không hay chút nào, nhưng biết làm sao, miệng nhà sang có gang có thép!). Cơ mà ông quan sai, vốn dân Quảng Nam hay Huế chi đó, đọc mất dấu, dân miền Tây nghe thành Củ Tron. Dân biết sai nhưng không thể sửa lưng vị quan triều đình, nên đảo mang tên Củ Tron ngộ nghĩnh từ đó.

Theo những con đường nhỏ xíu ngoằn ngoèo trong bãi Ngự, thỉnh thoảng du khách lại được chiêu đãi một món đặc biệt. Một trong số đó là những tấm bảng vẽ tay duyên dáng và khác biệt trên tường nhà, nét chữ cũng là kiểu chữ thông dụng của khoảng bốn năm mươi năm trước, thông báo các địa danh của đảo rất thú vị.

Không rập khuôn và nhàm chán như cái tên hành chính như ấp 1 xã An Sơn huyện An Hải tỉnh Kiên Giang… chẳng nói lên đặc điểm gì, hòn Lớn vốn được chia làm những khu như sau: Bãi biển ngay cầu cảng là bãi Chệt, nhưng thỉnh thoảng bị viết sai là bãi Trệt. Mỗi câu chuyện về Nam Du nói một cách, nhưng tựu trung rằng:  khoảng thế kỷ 16, có nhiều đoàn tàu Trung Quốc và Hà Lan dọc ngang qua vùng biển này buôn bán. Một buổi sáng, dân hòn Lớn thấy nhiều xác người Hoa (vốn được gọi là các chú Chệt) đi buôn bị giết chết, xác trôi vào bãi. Họ đem chôn cất và bãi Chệt có tên từ sự tích này.

Qua bãi Khách theo mặt trước của đảo đi lên cao là Bãi Tuồng, bãi Giếng, Bãi cỏ lớn, Bãi cỏ nhỏ, bãi Sỏi, bãi Cây Mến nhỏ, bãi Cây Mến lớn, bãi Đá cháy nhỏ, bãi Đá cháy lớn, mũi Đá đen, Lùm Tranh, Bãi đất đỏ, mũi Đá trắng và cuối cùng, xa nhất là bãi Nhum.

Mỗi địa danh đều mô tả ngắn gọn nhưng đầy đủ nhất đặc điểm địa hình các vùng trên đảo.  Người dân nói sát cạnh bãi Chệt là bãi Khách và bãi Tuồng, nhưng giờ nhà cửa chen kín, tôi không phân biệt được. Bãi cỏ cũng vậy, giờ không thấy cỏ đâu nhưng trên biển số nhà của dân đảo vẫn ghi Bãi cỏ lớn, Bãi cỏ nhỏ, đầy thần sắc độc đáo  và gợi trí tò mò tìm kiếm.

Cũng thật lạ. Hòn Lớn, giống phần lớn các đảo khác trong quần đảo Nam Du là một hòn đảo đá như hòn núi nằm chơi vơi ngoài khơi, đất ít đến nỗi chỉ có một lớp mỏng những ngôi nhà nằm sát đường là có địa hình bằng phẳng. Những ngôi nhà bên trong buộc phải leo lên các bậc thang đá chon von tự tạo có khi dốc đến 60 độ hoặc hơn. Vậy mà đây đó, thiên nhiên lại tặng cho họ những bãi cỏ lớn nhỏ, thật kỳ diệu. Diệu kỳ hơn nữa là tuy đến giờ những bãi cỏ ấy chỉ còn trong địa danh, nhưng có thể thấy trước kia chúng cũng nằm sát mép sóng. Chứng tỏ chỉ cần cách ranh giới nước mặn có vài mét thì đã có những nguồn nước ngọt dồi dào dưới mặt đất của đảo, dồi dào đến mức nó nuôi dưỡng được những bãi cỏ và cả khu rừng xanh tốt.

Ngoài bãi Chệt, Bãi cỏ nhỏ và Bãi cỏ lớn, địa hình được mô tả trong những cái tên khác hầu như vẫn còn nguyên. Bãi Đá cháy nằm cạnh bãi Cây Mến, là một bãi toàn những tảng đen cháy lô nhô xâm xấp nước biển. Nhìn kỹ, vân trên đá đủ màu và biến đổi cực đẹp. Chỉ riêng bãi đá này, (nếu ai nuôi), tôi có thể lang thang vài tuần, từ sáng đến chiều, chỉ để ngắm đã mắt những tạo tác kỳ diệu đến vậy.

Bãi Cây Mến có hai cách giải thích: cách thứ nhất nói ngày xưa ở đây trồng nhiều cây mến, giống cây cau nhưng cao và to hơn. Nhưng một cụ ông 93 tuổi trông coi ngôi đền thờ Bà chúa xứ ở đây lại giải thích với tôi rằng mến nghĩa là trai gái mến nhau, ở đảo chỉ có bãi Mến là bãi đẹp, có bãi cát trắng mịn hình vòng cung và khá cách biệt với khu dân cư nên ngày trước trai gái tới đó hẹn hò, “yêu mến”. Về cụ ông và những người dân bãi Ngự có những câu chuyện hấp dẫn, tôi sẽ kể sau trong bài khác.

Mũi Đá đen và mũi Đá trắng nằm nhô ra biển, nhưng chỉ đi ghe từ ngoài biển vô mới dễ nhìn thấy. Tôi đi xe mát và đi bộ nên thôi bạn đành tưởng tượng theo lời kể của người dân bản địa vậy: Nó là hai cái mũi nhọn nhô ra biển, một mũi là đá trắng, một mũi là đá đen. Hết. Tới đây tùy bạn thêm thắt.

Lùm Tranh có lẽ xưa kia mọc nhiều cây tranh bịt bùng, giờ đang là một công trường xây khu nghỉ dưỡng, thấy lấp ló các bungalow trên sườn đồi. Xây khéo thì đẹp lắm đó. Bãi Đất đỏ nằm ở mặt sau của đảo,  phải theo một con đường ngắn nhưng dốc ngược và khá khuất lấp trong lùm cây, trượt xuống mới thấy. Như cái tên, đất bãi này màu đỏ rực, không hề giống các bãi khác. Dân kể giờ nó là sở hữu tư nhân của một đại gia đã từng mua bãi Cây Mến- bán nó lại cho “băng Hải Phòng”, rồi mua lại bãi Đất đỏ (nhỏ hơn, vị trí không đẹp bằng), mai mốt kinh doanh.

Bãi Nhum khó đi nhất và nguy hiểm nhất, nhưng cũng là con đường gây nhiều bất ngờ nhất.

*  Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/cu-tron-islet-06172019114609.html