Tin Việt Nam – 18/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 18/03/2017

VN kêu gọi ngưng quảng cáo trên Youtube, Facebook

Việt Nam hôm 16/3 hối thúc các doanh nghiệp trong nước ngưng quảng cáo trên Youtube và Facebook cũng như các trang mạng xã hội khác cho tới khi các thông tin “xấu, độc” chống chính quyền Hà Nội bị ngăn chặn.

Trang web của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa tin, trong cuộc họp với Bộ trưởng của Bộ này, ông Trương Minh Tuấn, một số nhãn hàng lớn của Việt Nam như Vinamilk hay Vinhomes hay các công ty quốc tế có chi nhánh ở Việt Nam như Ford đã “cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam về kinh doanh và quảng cáo đồng thời khẳng định tạm dừng tất cả quảng cáo trên YouTube”.

Infonet còn dẫn lời ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết đã phát hiện “nhiều quảng cáo của sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu, độc, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam phát trên kênh YouTube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google”.

Google, YouTube chia sẻ lợi ích kinh tế từ quảng cáo cho tổ chức, cá nhân sản xuất các video clip trên YouTube, trong đó có cả những clip xấu, độc, do đó vô tình gián tiếp, khuyến khích các video clip xấu độc được đăng tải nhiều hơn trên YouTube.

Bộ trưởng TT và TT Trương Minh Tuấn.

Theo Reuters, Việt Nam tháng trước đã “bắt đầu gây áp lực cho các công ty quảng cáo trong nước yêu cầu công ty Google, vốn sở hữu Youtube, phải gỡ các video của các nhà bất đồng chính kiến hoạt động ở hải ngoại đăng trên trang này”.

Tuy nhiên, trang Soha dẫn lời ông Tuấn nói rằng vẫn còn “khoảng 8.000 video có nội dung xấu, xuyên tạc, vi phạm pháp luật Việt Nam trên Youtube và 42 video clip được gỡ là quá nhỏ”.

Theo quan chức quản lý truyền thông trong nước này, “Google, YouTube chia sẻ lợi ích kinh tế từ quảng cáo cho tổ chức, cá nhân sản xuất các video clip trên YouTube, trong đó có cả những clip xấu, độc, do đó vô tình gián tiếp, khuyến khích các video clip xấu độc được đăng tải nhiều hơn trên YouTube”.

Ông Tuấn được báo chí trong nước kêu gọi “cộng đồng sử dụng Internet tại Việt Nam cùng lên tiếng với Google, Facebook ngăn chặn các nội dung xấu độc, tin giả mạo, thất thiệt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức cá nhân, vi phạm pháp luật Việt Nam trên môi trường mạng”.

Chúng tôi dựa vào các chính phủ thông báo cho chúng tôi các nội dung mà họ tin là trái phép thông qua các kênh chính thống, và nếu thấy hợp lý, chúng tôi sẽ thực hiện việc hạn chế sau khi xem xét kỹ lưỡng.

Thông cáo của Youtube có đoạn.

Trong một thông cáo gửi cho báo chí hôm 14/3, Youtube cho biết rằng “chúng tôi có các chính sách rõ ràng về các yêu cầu gỡ bỏ từ các chính phủ khắp thế giới”.

“Chúng tôi dựa vào các chính phủ thông báo cho chúng tôi các nội dung mà họ tin là trái phép thông qua các kênh chính thống, và nếu thấy hợp lý, chúng tôi sẽ thực hiện việc hạn chế sau khi xem xét kỹ lưỡng”, thông cáo viết tiếp.

Việt Nam thời gian qua bị nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền như Human Rights Watch chỉ trích việc “kiểm soát Internet”, nhưng Hà Nội luôn bác bỏ cáo buộc này.

http://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-keu-goi-ngung-quang-cao-tren-youtube-facebook/3771918.html

 

Việt Nam ‘không cho phép’ tưởng niệm Trận Long Tân

Chính phủ liên bang Úc ngày 17/3 xác nhận năm nay sẽ không có lễ tưởng niệm chính thức tại Bia Thánh Giá Long Tân, sau khi chính quyền Việt Nam quyết định không dỡ bỏ lệnh cấm hạn chế đi vào khu vực đã diễn ra trận đánh Long Tân giữa binh sĩ Úc và lính Bắc Việt cách đây gần 51 năm.

Tuy nhiên, một nhóm nhỏ người Úc sẽ được phép đến thăm khu vực vào ngày 25/4, là ngày ANZAC ở Úc, với điều kiện không có truyền thông đi theo. Ngày ANZAC là ngày lễ kỷ niệm chiến dịch quân sự lớn đầu tiên của liên quân Úc và New Zealand. Đây được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của Úc.

Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh Úc Dan Tehan khuyên các công dân Úc muốn đến Long Tân nên cân nhắc lại kế hoạch du hành cho phù hợp. Ông nói: “Chính phủ [Úc] tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng Việt Nam để có được một kết quả có lợi cho cả hai nước”.

Ông nói thêm rằng: “Mặc dù thất vọng, nhưng chúng tôi tôn trọng quyền của Việt Nam trong tư cách một quốc gia có chủ quyền, được quyết định về các lễ kỷ niệm tổ chức trên đất nước mình”.

Ông Dan Tehan ngỏ lời cám ơn Việt Nam đã cho phép một nhóm người Úc đến Long Tân và cho biết sẽ bàn thảo với các cựu chiến binh và công chúng Úc về những thay đổi này.

Năm ngoái, Việt Nam cũng ra quyết định hủy bỏ vào phút chót một chương trình kỷ niệm quy mô của Úc tại Long Tân nhân kỷ niệm 50 năm trận chiến, một động thái mà báo giới Úc miêu tả là một “thảm họa ngoại giao” đã khiến nhiều cựu chiến binh Úc thất vọng và nổi giận.

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull lúc đó nói Việt Nam đã “xem thường” các cựu chiến binh khi không cho phép họ đến làm lễ tưởng niệm.

Quyết định hủy bỏ được đưa ra sau 18 tháng thương thảo giữa hai chính phủ Việt Nam và Úc. Lý do mà phía Việt Nam đưa ra là tính nhạy cảm của khu vực Bia Thánh Giá Long Tân.

Trận chiến Long Tân diễn ra vào ngày 18 tháng 8 năm 1966. 108 binh sĩ Úc và 2.500 lính Bắc Việt đối đầu nhau tại đồn điền cao su Long Tân ở tỉnh Phước Tuy. 18 binh sĩ Úc và khoảng 245 lính Bắc Việt đã thiệt mạng trong trận chiến được xem là gây thương vong nặng nề nhất cho quân đội Úc trong thời chiến tranh Việt Nam.

Lễ tưởng niệm trận chiến Long Tân được Úc tổ chức vào ngày 18 tháng 8 hàng năm. Kể từ năm 1989, hoạt động này bắt đầu được người Úc thực hiện tại Long Tân, Việt Nam.

http://www.voatiengviet.com/a/uc-xac-nhan-vn-khong-cho-phep-to-chuc-tuong-niem-o-long-tan/3770765.html

 

Việt Nam ‘tự vệ’ trước thép Trung Quốc

Khánh An-VOA

Bộ Công Thương Việt Nam vừa loan báo sẽ tăng mạnh mức thuế áp đặt trên thép nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. Đây là một trong những “biện pháp tự vệ tạm thời” mà Việt Nam liên tục đưa ra trong thời gian gần đây để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, sau đánh giá cho thấy thép giá rẻ và thép dài Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam, gây ra những thiệt hại không thể khắc phục cho Việt Nam.

Số liệu của Bộ Công thương cho biết chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu thép chủ yếu từ Trung Quốc lên tới hơn 1,53 triệu tấn, tăng 7,6% về số lượng và 61,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, sắt thép phế liệu được xếp vào diện bị kiểm soát gắt gao, nhưng do chi phí nhập sắt thép phế liệu vào Việt Nam rẻ hơn mua phôi luyện thép, nên mặt hàng này vẫn chiếm khối lượng lớn nhập khẩu. Ước tính mỗi ngày có hơn 10.000 tấn sắt thép phế liệu được nhập vào Việt Nam.

Ngoài ra, các chủng loại thép nhập khẩu từ Trung Quốc cũng bị nghi ngờ khai man để trốn thuế.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương Việt Nam, cho biết: “Thép Trung Quốc đã tràn vào Việt Nam với quy mô rất lớn. Trong đó có hiện tượng người ta kê khai không chính xác, thí dụ một số thép có hàm lượng chất Bo rất thấp, nhưng họ khai đó là thép hợp kim cao cấp nên trốn được thuế. Vì vậy nên các doanh nghiệp thép của Việt Nam chịu sự cạnh tranh bất bình đẳng”.

Chính vì vậy, một trong những “biện pháp tự vệ” mà Việt Nam đưa ra là xác định rõ các loại thép và đánh thuế thích hợp.

Theo thông báo của Bộ Công thương, bắt đầu từ ngày 22/3, Việt Nam sẽ áp dụng tăng thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép nhập vào Việt Nam là 21,3% (so với mức trước đây chỉ từ 4,64 – 6,78%) và với thép dài là 13,9%.

Vietnamnet cho biết quyết định tăng thuế được Thủ tướng Việt Nam ban hành sau một cuộc điều tra kéo dài của Bộ Công thương, bắt đầu từ ngày 25 tháng 12 năm 2016, sau những than phiền của các nhà sản xuất thép trong nước. Các công ty tư nhân Việt Nam nói các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang bán phá giá với giá thấp hơn giá trị thực tế, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng.

Sản lượng thép dư thừa của Trung Quốc trong những năm gần đây đã dẫn đến những cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước châu Âu. TS. Lê Đăng Doanh nói vì vậy, việc Trung Quốc tận dụng láng giềng Việt Nam để tiêu thụ thép dư thừa cũng là điều dễ hiểu. Mặc dù vậy, chuyên gia kinh tế của Việt Nam đánh giá các biện pháp tự vệ của Việt Nam hiện nay là vẫn còn quá “hiền” và “chậm”.

Ông nhận xét: “Việt Nam cho đến nay đã hội nhập rất sâu, tích cực ký kết các hiệp định thương mại tự do. Nhưng các biện pháp phòng vệ của Việt Nam còn thấp và ít được vận dụng”.

TS. Lê Đăng Doanh cũng nhắc nhở một khi Việt Nam áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác, thì doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tuân thủ “luật chơi” đã định cho các nước khác.

“Đấy là điều mà Việt Nam phải chuẩn bị và cân nhắc kỹ trước khi áp dụng các biện pháp này, thí dụ như tăng tiêu chuẩn về độ vệ sinh an toàn thực phẩm, hàm lượng các hóa chất hoặc các yêu cầu khác”, TS. Lê Đăng Doanh nói thêm.

Theo Vietnamnet, sau khi Việt Nam thông báo áp dụng biện pháp tự vệ, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã bày tỏ bất bình với mức thuế cao và nói rằng mức giá của họ là công bằng và không hề vi phạm luật thương mại. Theo các doanh nghiệp Trung Quốc, vấn đề bắt nguồn từ nhu cầu thấp, sự yếu kém của kinh tế toàn cầu và các sản phẩm kém chất lượng.

http://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-tu-ve-truoc-thep-trung-quoc/3770978.html

 

Trung Quốc: Nỗi ám ảnh của người Việt Nam

Hòa Ái, phóng viên RFA

Thương lái Trung Quốc

“Thời Việt Nam Cộng Hoà, cù lao Cái Bè là trung tâm xuất cảng trái cây sang các nước Nhựt Bổn, Đài Loan, Hương Cảng v.v…Nhất là chuối không bao giờ bị ế hàng. Anh Chệt không có cửa mà mua. Còn bây giờ chuối chỉ xuất khẩu qua Trung cộng. Nếu anh hàng xóm ‘4 tốt-16 chữ vàng’ bẻ chĩa  không mua thì mình đem về ép mỏng phơi khô để dành ăn trừ cơm, cũng đâu có mất mát gì đâu phải không, thưa quý bà con nông dân quốc nội?”

Đây là chia sẻ của một vị thính giả ở hải ngoại gửi đến những nông dân trồng chuối tại Việt Nam, sau khi nghe thông tin thương lái Trung Quốc ngưng mua mặt hàng này khiến cho họ bị rơi vào tình cảnh điêu đứng, cũng như nhiều nông dân khác phá sản vì trồng chanh dây lấy giống từ Trung Quốc.

Một vài thính giả nhắn tin cho Hòa Ái rằng dòng chia sẻ vừa rồi nghe có vẻ thật là chua chát cho số phận của nông dân Việt Nam, luôn bị cuốn vào vòng xoáy thương trường do thương lái từ Trung Quốc bày vẽ ra mà chính những nông dân siêng năng, cần cù này lại không bao giờ được hưởng lợi. Bên cạnh đó, Hòa Ái cũng ghi nhận có không ít thính giả lên tiếng “Tại sao nông dân Việt Nam cứ hết lần này rồi đến lần khác để thương lái Trung Quốc lừa?” Họ liệt kê nào là dưa hấu, là bắp cải là đĩa…đã bao lần khiến cho nhà nông Việt Nam tay trắng. Nhưng người nông dân vẫn không học được bài học kinh nghiệm nào, lại cứ chui cổ vào tròng. Và những vị thính giả này đặt câu hỏi “Phải chăng là lỗi của họ?”

Tuy vậy, rất nhiều thính giả RFA khẳng định lỗi thuộc về Chính phủ Việt Nam. Thính giả Minh Quy nói rằng:

Điều này lập lại rất nhiều lần và không một người nào của chính phủ chịu trách nhiệm.
– Thính giả Minh Quy 

“Nguyên do là xây dựng nền tảng kinh tế yếu kém và thiếu kế hoạch trong dự báo thị trường cùng với chính sách của chính phủ… Điều này lập lại rất nhiều lần và không một người nào của chính phủ chịu trách nhiệm”.

Song song với thông tin nông dân quốc nội đối mặt khó khăn vì trồng chuối và trồng chanh dây Trung Quốc thì Việt Nam nhập khẩu rau quả, trị giá đến 2 triệu Mỹ kim mỗi ngày. Và nguồn hàng này nhập từ Trung Quốc được tiên liệu sẽ chiếm lĩnh thị trường nội địa, do mức thuế suất là 0%. Thính giả Nguyễn Thanh Long bày tỏ:

“Với cách thức làm ăn ‘sống chết mặc bây, tiền ông bỏ túi’ ở Việt Nam thì người dân không thể sống nổi. Môi trường thì tan hoang và nhiễm độc. Đại đa số dân chúng vẫn chủ yếu bán sức lao động để lấy cái ăn, cái mặc. Tình trạng mua đất, xây cất trái phép, lập phố người Trung Quốc. Đất đai, lãnh thổ đang mất dần theo phương thức loang da báo đang xảy ra khắp ba miền Bắc-Trung-Nam…Ôi, không hiểu Dân tộc và Tổ quốc Việt nam liệu còn tồn tại được bao lâu nữa đây?”

“Phố Tàu” xây tại Đà Nẵng?

Trong tuần qua, thông tin một công trình đang xây dựng bí mật tại Đà Nẵng vừa bị phát hiện khiến dư luận hoài nghi rằng khu “Phố Tàu” sắp mọc lên ở thành phố trọng điểm miền Trung hay không? Những du khách Trung Quốc đã được một hướng dẫn viên du lịch, thuộc Công ty Overseas Travel Đà Nẵng, hướng dẫn tham quan một “khu phố” xây dựng trái phép trong nhà kho của Công ty VietMay Home, ở quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Người hướng dẫn viên đó đã bị xử phạt hành chính vì là hướng dẫn viên du lịch “chui”.

Còn công trình xây dựng không có giấy phép này được giới chức địa phương cho biết là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Liên hợp Thế Duy thuê đất để xây Trung tâm giới thiệu trà và đặc sản Việt Nam. Hiện, công trình đã bị đình chỉ xây dựng. Thính giả Ha Tran đề nghị cơ quan chức năng Đà Nẵng nên cưỡng chế, đập bỏ để làm gương vì doanh nghiệp xây dựng trái phép như thế là quá xem thường pháp luật. Trong khi đó, một số thính giả nhận xét “Đây là công trình được xây đúng quy trình của lãnh đạo tham nhũng tại Việt Nam. Và cứ chờ mà xem!”

Tượng đài tử sĩ Gạc Ma

Nhiều người dân Việt Nam, trong tuần qua, hồi hộp rồi có phải công trình xây dựng bí mật ở Đà Nẵng sẽ là một khu phố của người Trung Quốc hợp pháp trong tương lai, trong khi rất nhiều khán thính giả và độc giả Đài Á Châu Tự Do tỏ ra hài lòng trước thông tin Khu tưởng niệm các tử sĩ Gạc Ma với biểu tượng “Vòng tròn bất tử”, được xây ở Khánh Hòa, sắp hoàn thành.

“Hoan nghênh và ủng hộ. Việc này nên làm và đáng làm. Chỉ mong có một điều đừng mượn công trình này để thò bàn tay lông lá của tham nhũng vào ăn chia. Hãy trong sáng trong việc làm để hương hồn các Liệt sĩ Gạc Ma mỉm cười nơi chín suối.”

“Dù muộn còn hơn không, có nơi để đồng bào ta thắp nhang tưởng nhớ 64 chiến sĩ Việt Nam ôm cờ chịu trận để cho quân lính của Trung Quốc ung dung tha hồ diễn tập.”

“Cũng trông làm cho mau hoàn thành để người Việt có nơi mà tưởng niệm những tử sĩ đã ngã xuống trước họng súng xâm lược của kẻ thù phương Bắc, chứ không riêng gì sự kiện Gạc Ma.”

Tuy nhiên cũng có những quan điểm trái chiều như các ý kiến sau đây:

“Dân chúng tưởng niệm và biểu đạt thì không cho. Xây lên làm gì cho tốn kém?”

“Xây xong rồi có cho bà con đến thắp nhang tưởng niệm họ không? Hay lại cấm như ở Tượng đài Lý Thái Tổ?”

“Xây lên cốt để mị dân thôi, chứ Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mà có tâm tưởng nhớ thì đã không ngăn cấm, đàn áp, bắt bớ và đánh đập người dân đi thắp hương tưởng niệm các vong linh liệt sĩ ngã xuống ở biên giới, hải đảo bị Trung cộng giết hại.”

Liên quan đến thông tin những người đi thắp hương tưởng niệm những người lính Việt Nam đã bất khuất hy sinh trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974 và trận Gạc Ma năm 1988 với Trung Quốc bị ngăn cản, đánh đập và bắt bớ, thính giả lấy tên Vô Danh đặt câu hỏi rằng:

“Tôi không biết mấy năm về trước có nhiều người Việt quan tâm đến việc tưởng niệm như bây giờ không?”

Theo sự hiểu biết hạn hẹp của mình, Hòa Ái xin được thưa những gì thuộc về lịch sử dù không được nhắc đến hay thậm chí bị cấm đoán với mục đích nào đó, chẳng hạn người dân Việt Nam thường được nghe lời giải thích từ chính quyền rằng “không có lợi cho quốc gia”, thì luôn không đồng nghĩa tất cả dân chúng lãng quên lịch sử của dân tộc. Hòa Ái được dịp trao đổi với những nhân viên, cán bộ làm việc trong ngành truyền thông chính thống của Việt Nam và được cho biết họ luôn luôn nhận chỉ thị không được đưa tin tức “nhạy cảm”, trong đó có những thông tin liên quan đến các cuộc chiến với Trung Quốc và chỉ được đưa tin trong phạm vi cho phép.

Người dân trong nước luôn tưởng nhớ và bày tỏ lòng tri ân tất cả những anh hùng vị quốc vong thân trong suốt chiều dài lịch sử hơn 4000 ngàn năm văn hiến của Việt Nam.

Xây lên cốt để mị dân thôi, chứ Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mà có tâm tưởng nhớ thì đã không ngăn cấm, đàn áp, bắt bớ và đánh đập người dân đi thắp hương tưởng niệm các vong linh liệt sĩ …
– Thính giả 

Và một điều không thể chối cãi, những hình ảnh người dân đi thắp hương tưởng niệm bị gặp trở ngại, bị ngăn cản, bị quấy rối, hay thậm chí bị đánh đập, bắt bớ ngày càng được truyền tải rộng rãi qua các trang mạng xã hội khiến dư luận thắc mắc liệu rằng nếu không có internet thì những tin tức như thế sẽ bị bưng bít đến bao giờ?

Kính mong quý thính giả RFA gửi về những chia sẻ liên quan đến câu hỏi của thính giả Vô Danh để Hòa Ái đăng tải hầu giải đáp thắc mắc này được tường tận hơn.

Mục “trao đổi Thư tín” đến đây xin tạm dừng. Trước khi dứt lời Hòa Ái xin được nhắn tin đến một quý thính giả không nêu tên, góp ý với Hòa Ái nhờ điều chỉnh lại âm thanh vì đôi lúc nghe không rõ. Quý thính giả vui lòng liên lạc với đài cho biết rõ hơn âm thanh trong các chương trình phát thanh hay trong các tin, bài phóng sự, tạp chí truyền thanh cụ thể nào để chúng tôi điều chỉnh cho phù hợp. Quý vị có thể nhắn tin trong Mục “Liên lạc” trên trang web của Ban Việt ngữ, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775, hoặc qua địa chỉ email vietweb@rfa.org và hoaai@rfa.org.

Hòa Ái cũng đặc biệt lưu ý đối với quý thính giả tại Hoa Kỳ nghe chương trình phát thanh của đài qua điện thoại. Hiện Đài RFA có 2 số điện thoại để nghe các chương trình Việt ngữ của đài. Số điện thoại mới nhất là số 641-552-5011. Riêng, quý vị nào sử dụng dịch vụ viễn liên của công ty T-Mobile, quý vị goị vào số 360-398-4204.

Quý thính giả Đài Á Châu Tự Do trên toàn thế giới có thể nghe các chương trình phát thanh bằng điện thoại di động một cách dễ dàng và bất cứ lúc nào qua RFA Mobile Streamer App. Quý vị có thể sử dụng RFA Mobile Streamer App, miễn phí cho cả IOS và Android. Quý thính giả cũng có thể chia sẻ các chương trình phát thanh ưa thích qua email, twitter, facebook, Google + và các công cụ mạng xã hội khác.

Cùng với chương trình phát thanh một giờ đồng hồ mỗi ngày từ lúc 9 giờ tối giờ Việt Nam, Ban Việt Ngữ còn có chương trình truyền hình trực tiếp 30 phút mỗi tối thứ tư và thứ sáu hằng tuần vào lúc 10 giờ tối giờ Việt Nam truyền qua các công cụ mạng xã hội Facebook, Twitter và trang chủ của RFA.

Mọi bài vở, video đều được lưu trên trang chủ của Ban Việt Ngữ ở địa chỉ www.RFA.org/vietnamese, mời quí vị truy cập vào để nghe và xem lại.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ListenerForum/cn-an-obsession-of-vietnamese-ha-03172017130626.html