Tin Việt Nam – 18/022019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 18/022019

Vụ di dời lư hương gây tranh cãi ở TP HCM

Dù chính quyền đã lên tiếng giải thích, vụ di dời lư hương trước tượng đài ở trung tâm TP HCM dịp 40 năm ngày xảy ra cuộc chiến biên giới Việt – Trung vẫn tiếp tục gây tranh cãi.

Một ngày sau khi di dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo, khiến nhiều Facebooker phản ứng, Bí thư quận ủy quận 1 Trần Kim Yến hôm 18/2 nói: “Có thể một số người cho đây là vấn đề nhạy cảm nhưng quận thấy việc này bình thường”.

VnExpress dẫn lời quan chức này nói thêm: “Đặt lư hương giữa công viên, là nơi công cộng, để thờ thì không phù hợp lắm. Quận không phải là không có nơi để người dân thể hiện tâm linh, mà có hẳn ngôi đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo nên đưa lư hương về đó”.

Động thái của chính quyền TP HCM hôm 17/2 đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi, nhất là sau khi một số nhà hoạt động dự tính tới dâng hương dưới tượng đài Trần Hưng Đạo để đánh dấu 40 năm xảy ra cuộc chiến biên giới Việt – Trung.

Đây là nơi từng diễn ra nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong nhiều năm qua.

Sau câu trả lời của bà Yến, nhiều người sử dụng mạng xã hội, trong đó có các nhà hoạt động, tiếp tục đăng các hình ảnh về các lư hương được đặt trước nhiều bức tượng ở nhiều nơi ở Việt Nam, như tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội, nơi cũng từng diễn ra nhiều cuộc tập hợp phản đối chính quyền quốc gia láng giềng phương Bắc.

XEM THÊM:

‘Việt Nam vô cùng biết ơn sự hy sinh của liệt sĩ Trung Quốc’

Trên Facebook, nhạc sĩ Tuấn Khanh đăng một bức ảnh được cho là chụp bà Doãn Hải Hồng, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, đứng trước bia tưởng niệm liệt sĩ Trung Quốc ở Gia Lâm, Hà Nội, cuối tháng Chín năm ngoái.

Nghệ sĩ này viết thêm: “Mấy anh chị nên gửi công văn ra yêu cầu di dời cho phù hợp tình hình đối phó với nhân dân”.

Trong một diễn biến liên quan, các nhà quan sát cho rằng báo chí Việt Nam năm nay dường như đã được “bật đèn xanh” nên đã đồng loạt đăng bài về cuộc chiến biên giới với Trung Quốc 40 năm trước.

Hôm 17/2, một bản tin về cuộc chiến xảy ra 4 thập kỷ trước của Truyền hình Việt Nam (VTV) cũng đã gây ra nhiều tranh cãi.

MC Phan Anh viết trên Facebook: “Một thời lượng hơn 9 phút dành cho Kỷ niệm 40 năm Chiến tranh Bảo vệ biên giới phía Bắc – chống quân Trung Quốc xâm lược. NHƯNG không một lần nào từ Trung Quốc được nhắc tới mà chỉ là “đối phương”, “lính bên kia biên giới”’.

Và nghệ sĩ có nhiều người “follow” (theo dõi) trên mạng xã hội này đặt câu hỏi: “NHỤC như vậy mà cũng chịu được sao???”

Tối ngày 18/2 (giờ Việt Nam), VOA tiếng Việt không thể liên lạc được với lãnh đạo VTV để phỏng vấn.

https://www.voatiengviet.com/a/v%E1%BB%A5-di-d%E1%BB%9Di-l%C6%B0-h%C6%B0%C6%A1ng-g%C3%A2y-tranh-c%C3%A3i-%E1%BB%9F-tp-hcm/4791879.html

 

UBND TPHCM nói di dời lư hương trước tượng đài

Trần Hưng Đạo là “bình thường và hợp lý”

Ngày 18/2/2019, bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng giải thích với báo giới về những hình ảnh xe cẩu của công nhân môi trường di dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo, bến Bạch Đằng ngay ngày kỷ niệm 40 năm Trung Quốc đem quân đánh các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.

Chia sẻ thêm với báo chí, bà Yến cho biết có một số ý kiến cho rằng việc di dời là “nhạy cảm”. Tuy nhiên, theo Bí thư Ban chấp hành Đảng bộ Quận 1, đây là việc bình thường và hợp lý. Việc đặt lư hương giữa công viên để thờ phụng là không đúng với tâm linh của người dân.

Khu vực tượng đài chỉ là nơi tham quan, trong khuôn viên này mà đặt lư hương thì không phù hợp. Việc thờ phụng nên được đặt ở đình, đền, chùa sẽ đúng hơn. Đó là việc bình thường và hợp lý“, mạng báo Dân Trí dẫn lời bà Yến cho biết.

Bà này cũng nói là khi đến Tết Nguyên đán chính quyền quận 1 đều cho trang trí, trồng hoa ở khu vực công cộng để người dân thưởng lãm, và sau đó sẽ trồng hoa mới, sẵn dịp này quận cho di dời lư hương vào đền Đức Thánh Trần để tiện việc thờ cúng.

Trước đó, một số hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội Facebook vào sáng 17/2 cho thấy một nhóm người mặc đồ công nhân vệ sinh môi trường dùng xe rác chắn trước tượng đài Trần Hưng Đạo đồng thời dùng xe cẩu di dời lư hương đi nơi khác.

Một số người dân cho rằng việc làm này của chính quyền thành phố ngay đúng ngày 17/2 nhằm ngăn chặn các cuộc tưởng niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc.

Sự việc này vô tình trùng hợp với một công văn đóng dấu “MẬT” lan truyền trên mạng được cho là của đảng ủy khối cơ sở bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu “vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, người lao động và người thân không tham gia tụ tập, biểu tình, gây rối an ninh trật tự tại khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo trong ngày Chủ nhật 17/2/2019.”

Luật sư Lê Công Định cũng chia sẻ đường dẫn bài viết về câu trả lời của Bí thư Quận ủy Quận 1 trên báo chí nhà nước và đặt câu hỏi về tính hợp pháp của sự lên tiếng này.

Bí thư Quận ủy có quyền đại diện chính quyền giải quyết và trả lời trước dân vấn đề này từ khi nào? Đây là vấn đề của chính quyền hay của đảng? Quy định nào trong Hiến pháp cho phép điều đó?

Hay phải chăng vì chính quyền đương nhiên là của đảng, nên cách thức đảng lãnh đạo chính quyền thời nay trực tiếp đến mức không cần giữ gìn phép nước như trước nữa, cứ ngồi xổm lên Hiến pháp điều hành chính quyền luôn?” – Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook cá nhân.

Tượng đài Trần Hưng Đạo được cố nhà báo, điêu khắc gia Phạm Thông hoàn thành vào năm 1967 tại bến Bạch Đằng, Sài Gòn để làm biểu trưng cho Thánh tổ của binh chủng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa.

Lư hương cùng với pho tượng đã có từ năm 1967 cho đến nay.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hochiminh-city-leader-explain-the-reason-behind-removing-urn-02182019085803.html

 

Về đâu, 17-2-2019

Tuấn Khanh

Những ngày 17-2 luôn đầy biến động. 40 năm trước, cũng ngày này, người Việt ôm nhau chạy ngược xuôi trước đạo quân xâm lược của Trung Cộng. Trẻ nhỏ cũng bị giết, người già cũng bị chết. Đất nước đau thương trong họa cộng sản xâm lược.

17-2 hôm nay, năm 2019 cũng không bình yên. Người Việt nắm tay nhau, cố sống sót trong tình hữu nghị cộng sản Việt-Trung, nhìn quê hương tan rã. Nhìn người yêu nước bị giam hãm và tổ tiên bị phỉ báng ngay trước mắt mình trong ngày tưởng niệm.

Khó ai tin được là nhà cầm quyền hôm nay lại có thể dùng một loại kế sách bệnh hoạn, đển mức dùng xe rác bao vây tượng đài Đức Thánh Trần ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn. Rồi ai đó đã ra lệnh dùng xe cẩu, mang lư hương lớn trước tượng đài đi nơi khác, vì sợ sẽ có người dân nào đó đến cắm vài nén nhang, tưởng nhớ những người Việt đã chết vì đất nước, sợ có ai nuôi trong mình sự thật về kẻ xâm lược mà quê hương ngàn năm vẫn chưa bao giờ thấy bình yên.

Nhiều ngày trước, một lượng lớn các barie, hàng rào kẽm gai… được đặt thêm ở gần chung quanh tòa Tổng lãnh sự Trung Cộng tại Sài gòn. Nhiều ngày trước đó, danh sách những người cần bị gác nhà, chặn cửa, ngăn chận đi lại… thậm chí có phương án bắt giữ đã được lập ra, nhằm đối phó với việc người dân muốn tưởng niệm 40 năm, ngày Trung Cộng mang 600.000 quân xâm lược Việt Nam. Đồng bộ với các hoạt động này, là báo chí nhà nước được cho phép mặc áo yêu nước, lớn giọng tố cáo Bắc Kinh xâm lược, khiến không ít người bỡ ngỡ: “Vậy là chính quyền đã quay về với nhân dân?”

Giới thạo tin nói rằng phía ngoại giao Trung Quốc cũng xông xáo khắp nơi để vận động Hà Nội hạ nhiệt. Không biết diễn biến như thế nào nhưng dân chúng theo dõi báo chí thấy rõ những bước chuyển của truyền thông nhà nước, Đầu tuần thì dữ dội, gọi là Trung Quốc xâm lược, ngày kế thì chuyển sang mềm mỏng, gọi là quân bành trướng, tiếp nữa thì chỉ tập trung phân tích sự anh hùng của Việt Nam trong sự lãnh đạo của Đảng. Cái kết đắng là vào ngày 15-2, một phóng sự dài của VTV nói về chiến tranh biên giới đã hoàn toàn né cái tên Trung Quốc, mà chỉ dùng cách nói như là “chúng ta bị tấn công, chúng ta kiên cường, chúng ta phản công…”. Bài thuốc hạ nhiệt mạnh và tốt nhất, là từ đêm 16/2, an ninh mật vụ của nhà cầm quyền đã bao vây chặt nhà từng người bị coi nguy hiểm vì yêu nước.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân kể anh bị công an khu vực thăm hỏi liên tục, dù đã có người gác trước cổng. Nhà báo Sương Quỳnh thì rạng sáng ngày 16/2, tù lúc 2 giờ, chị đã có người gác nhà để ngăn chị đi thắp hương tưởng niệm. Công việc này chu đáo đến mức, công an thuyết phục được hàng xóm cho họ vào đó làm trạm gác.

Lần theo bản công văn “mật” số 695-CV/ĐUK thuộc Đảng Bộ ở Sài Gòn về việc cảnh báo sẽ có những người tổ chức thương tiếc cho hơn 100.000 dân thường thiệt mạng trong 27 ngày chiến cuộc, và con số bộ đội thương vong còn giấu kín đến ngày hôm nay, được biết các nhân vật ấy, dù chỉ còn đủ sức thắp một nén hương cũng bị bao vây.

Ông Huỳnh Kim Báu, thành viên của CLB Lê Hiếu Đằng cho biết ông đi xe vào Sài Gòn từ sáng sớm ngày 17 tháng 2, nhưng rồi bị cảnh sát giao thông đột ngột nhảy ra chặn xe ở gần đoạn Võ Thị Sáu và Hai Bà Trưng. Hai bên công khai ý định của mình, riêng phần công an thì nhất quyết buộc ông quay lại. “Ai ra lệnh ngăn cản tưởng niệm, kẻ đó phản quốc”, ông Báu chỉ nói được vậy, khi phải quay về.

Tương tự như ông Báu, ông Kha Lương Ngãi, cựu phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, cũng bị an ninh kè theo suốt con đường và đến nơi cần bày tỏ thái độ, ông được biết “cấp trên” của các an ninh đó dứt khoát yêu cầu ông không được tham gia tưởng niệm vì tình hình “nhạy cảm”. Cũng còn nói được vài câu trước khi phải quay về, ông Ngãi hỏi 2 nhân viên an ninh rằng “đây là ngày toàn dân nhớ ơn, mấy cháu không nhớ ơn à?”. Hai nhân viên an ninh này ngần ngừ rồi cũng nói “cháu cũng nhớ ơn”.

Những người như ông Báu, ông Ngãi, bà Sương Quỳnh… đều bị an ninh vây nhà đến tận tối ngày 17-2 với nén hương lạnh chưa thắp được và những bài báo của nhà nước còn vương vãi dưới chân kêu gọi phải nhớ rõ kẻ thù xâm lược. Ở tượng đài Đức Thánh Trần, người đã trở thành huyền thoại vì đánh đuổi giặc phương Bắc xâm lược Việt Nam, đêm đó, vẫn còn những chiếc xe rác và kẽm gai bao vây. Và trên trang facebook của nhà báo Trung Dũng, tôi vẫn còn đọc thấy câu thơ

“Bị nhiều vết tẩy xoá

Tấm bản đồ rất đau

Lịch sử ai bôi bẩn

Bằng những bệt mực Tàu”.

Tôi chẳng có ai là người thân trong cuộc chiến 1979, thậm chí chỉ nghe kể lại như một cuốn phim trắng đen mơ hồ về đất nước mình. Nhưng tôi lớn lên với một thân thể lành lặn, và không phải là một công dân nô lệ Trung Cộng, chính vì vậy, tôi biết ơn những người Việt vô danh ấy đã cho tôi một cơ hội.

Nhưng tôi cũng không thể đến thắp cho ai đó một nén nhang, dù là biểu trưng. Tương tự như những người vừa kể, những đứa trẻ đầy thanh xuân cũng ngồi trước cửa nhà tôi và làm công việc những chiếc xe rác và kẽm gai. Chúng cũng như tôi, được những người đã ngã xuống trên đất nước chia đều một cơ hội.

Ngày đã qua, những nén nhang vẫn lạnh. Tôi tự hỏi những linh hồn mang nặng nỗi niềm với quê hương ấy về đâu, kể từ năm 1979. Họ sẽ về đâu khi quê hương không còn có thể là nơi chốn dung thân của mình, và bị cai trị bởi những kẻ phản bội?

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/where-is-17-feb-anniversary-02172019205541.html

 

Một chín bảy chín

Tre
Năm tôi 11 tuổi, trong một buổi sáng chào cờ đầu tuần ở trường, cô giáo chủ nhiệm lùa hết học sinh ra sân, không mặc kệ lớp trưởng quản sĩ số chúng tôi như mọi lần. Các thầy cô trong trường cũng ngồi ngay ngắn không thiếu một ai trên hàng ghế gần cột cờ. Chúng tôi không đứa nào biết chuyện gì, nhưng đều cảm nhận được không khí căng thẳng khác mọi khi.

Buổi chào cờ hôm đó chỉ thoáng qua chuyện học hành, kỷ luật và thi đua giữa các lớp một ít, rồi thầy hiệu trưởng hắng giọng… và chúng tôi lần đầu được nghe những khái niệm xa lạ.

Chúng tôi được thông báo quân Trung Quốc đang đánh chiếm biên giới phía Bắc và Tây Nam, nhà trường sẽ chuẩn bị cho học sinh những tình huống báo động để toàn trường tập dượt, sắp tới học sinh các lớp lớn sẽ phải tập quân sự…

Thầy nói chậm, rất lâu, và mặt thầy đầy lo âu.

Đó là một buổi sáng năm 1979.

Tôi nhớ lại những quyển sách trong tủ sách gia đình, nơi tôi đọc tất cả các quyển sách của ba, má, các anh chị lọt vào tay tôi. Có những quyển mang cái tên rất hấp dẫn như Chiến tranh Việt Nam và sự đổi màu da xác chết mà tôi đọc say sưa nhưng chả hiểu được mấy phần, chỉ nhớ là tác giả bảo quân Mỹ cố thay đổi chiến tranh Việt Nam như đổi màu da xác chết, và có những thứ rất gây tò mò như hàng rào điện tử Mc Namara. Có những tiểu thuyết đánh nhau và yêu đương dễ hiểu hơn như Hòn Đất, Gia đình má Bảy. Nhiều hơn cả là tủsách Tuổi hoa: Hoa tím dành cho tuổi mới lớn, bắt đầu có rung động đầu đời, Hoa đỏ phần nhiều là trinh thám đánh nhau cho tuổi choai choai nhỡ nhỡ, và Hoa xanh cho các em bé nhi đồng. Tuổi hoa thì không có báo động, hầm cá nhân, bom đạn và tập quân sự, nhưng các cuốn của các anh chị và ba má tôi thì đều có. Tôi biết báo động nghĩa là gì.

Trong khi thầy hiệu trưởng vẫn đang dặn tập dượt khi có báo động, tôi bắt đầu tưởng tượng hôm nào đó tôi đang ở trường thì có báo động. Còi hú vang trời, loa phóng thanh thúc giục đồng bào chú ý, máy bay địch đang ở cách 10 cây số…, trên đường phố các hầm cá nhân

mở ra như những miệng lỗ, chúng tôi chạy tan tác như bầy gà con mà trên trời đàn diều hâu đang lượn vòng, mạnh đứa nào đứa nấy la hét và chui xuống hố. Súng bắn pằng pằng. Rồi đến khi tan học, tôi chạy về nhà thì không thấy ba má đâu nữa. Cả thành phố toàn người chạy nháo nhác. Ba má tôi cũng chạy nháo nhác đâu đó, má tôi sẽ khóc gọi con ơi con ơi, ba tôi thì nghiêm mặt lại như những khi có chuyện nghiêm trọng. Nhưng tôi không thể nào tìm thấy ba má tôi nữa.

Không hiểu sao tôi lại tưởng tượng ra như vậy.

Có lẽ tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ những cuốn sách thuật lại chiến tranh, cuộc chiến tranh vừa mới chấm dứt cách đó 4 năm, chứ ở lứa tuổi đó tôi chưa từng biết chiến tranh là gì.

Khi ba má tôi phải chia hai gia đình ra sống cách nhau mấy trăm cây số để lỡ mất người này thì còn người kia, tôi còn quá nhỏ. Khi một quả bom rơi xuống sát cạnh chung cư gia đình tôi đang ở, ba má tôi đều đang ở sở, còn cậu tôi thì vừa ôm, vừa bế, vừa đẩy các cháu nhỏ chạy theo dòng người đi lánh dưới những kiến trúc đổnát, tuyệt nhiên tôi không nhớ được chút gì.

Sau khi bom ngừng, ba má tôi chạy xe như điên về nhà, nước mắt đầm đìa trên má vì nghĩ rằng mấy cậu cháu đã chết hết. Khi cậu tôi níu má tôi lại không cho đi làm nữa, để lỡ bị bom đạn chết thì cũng không ai phải chết một mình mà cả nhà cùng chết với nhau. Vâng, tôi cũng không nhớ.

Nhưng mặc dù tôi không nhớ thì câu chuyện này vẫn được kể đi kể lại trong gia đình tôi, những lúc cả nhà sum vầy. Còn ba má và cậu tôi thì vừa kể vừa nghiêng đầu ngắm nghía kỹtừng đứa con đứa cháu, như đến giờ vẫn còn ngạc nhiên không tin nổi cả nhà vẫn còn sống với nhau đây, không mẻ chút da thịt sau những phen kinh hồn. Là chúng tôi không mẻ, nhưng những người lớn đều phải trả giá. Sức ép bom đạn đã làm hại đến mắt và tai của ba má chúng tôi, cũng đã cướp đi một người cậu họ của tôi lúc cậu mới 17 tuổi. Cậu tôi rất đẹp trai. Hàng bốn chục năm sau, có năm ngay trưa mùng 1 Tết, mới vừa xong bữa cơm sum vầy cả gia đình, má tôi chợt nhớ cậu rồi cứ thế òa khóc mếu máo, vừa khóc vừa kể.

Cũng cái năm 1979 đó, có những người bạn của anh chị tôi đã nhập ngũ. Có những người cắt tay lấy máu viết thư xin đi bộ đội. Anh chịtôi toàn đầu to mắt cận nên không trúng nghĩa vụ quân sự, ba má tôi cũng dặn ngầm không cho đứa nào đi bộ đội cả. Trong bữa cơm chiều, các chị tôi bắt đầu kể hôm nay trong lớp có bạn này đi bộ đội, bạn kia đi bộ đội, hầu như lớp cấp 3 nào cũng có người đi bộ đội. Nhà trường cấp hai của tôi bắt đầu phát động phong trào viết thư cho chiến sĩ. Chúng tôi được giao chỉ tiêu mỗi đứa viết một lá thư, tính vào xếp loại lao động. Cô chủ nhiệm gom lại, đếm rồi chuyển lên trường. Trường nào cũng có phong trào này nên số thư chuyển ra biên giới chắc là lớn lắm. Hiềm nỗi toàn con nít, vốn ham chơi hơn ham làm, đã vậy còn ở vào cái thời đói khổ nên trí óc hướng về xoong thịt kho hơn là hướng ra chiến trường, tuyệt đại đa số thư nào cũng như thư nào, em chào anh bộ đội, chúc anh vững tay súng… cuối thư em xin gửi lời chúc anh sức khỏe. Nét mực tím vụng dại, buổi sáng trước ngày nộp thư, bọn con trai mượn thư mấy đứa giỏi văn trong lớp ngồi bặm miệng ngoẹo cả đầu ra chép lại.

Các anh chị lớn đi bộ đội được ít lâu thì có người bị thương, cụt chân, cụt tay trở về. Có người chết, được phong liệt sĩ hay tử sĩ. Cả lớp mặc áo trắng xếp hàng thắp hương trước bàn thờ bạn. Cha mẹ ngất xỉu thẫn thờ. Một hai năm sau, có người xuất ngũ, quay về trường học, học muộn hơn các bạn một hai năm, rồi cũng vào đại học hoặc đi học nghề.

Tôi đã đọc đi đọc lại Giải khăn sô cho Huế của nhà văn Nhã Ca. Tôi nghĩ rằng những cảnh người dân quẩn quanh chạy loạn trong thành Huế giữa hai làn đạn khốc liệt, gia đình chia lìa, chịu cảnh đói khát vì bom đạn làm tan tành tất cả, gục xuống chết âm thầm trong một xó vườn xa lạ trên đường trốn chạy… chưa kịp phai mờ trong trí nhớ của nhiều người.

Thì mới có hòa bình được 40 năm thôi. Mới có 40 năm ngắn ngủi, quá ngắn ngủi cho một đất nước.
Ông bà dạy “an cư lạc nghiệp”. Cho đến giờ, nghiệp của Việt Nam chưa thể gọi là “lạc”, vẫn là nước nghèo trên thế giới, ngay trong ASEAN cũng đứng sau hầu hết các nước, chỉ trên Campuchia và Lào. Điều hành tồi tệ, tham nhũng là một nguyên nhân chính, nguyên nhân còn lại vẫn là chưa đủ thời gian “an cư”. Ngay bây giờ, bom mìn trên cánh đồng, núi rừng, sông suối vẫn chưa gỡ hết. Ngay trong thành phố, lâu lâu đào móng xây nhà lại đào được một quả bom. Dường như mùi thuốc súng chưa bao giờ thực sự nhạt hẳn trong không khí Việt Nam.

Nhiều ngày nay báo chí Việt Nam nói rất nhiều đến cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979. Trên mạng xã hội facebook, ngoài những nhận định tỉnh táo, cũng phảng phất mùi thuốc súng từ những tay chơi mạnh miệng. Trên trang nhà, Facebooker Bùi Hoàng Tám nói nếu như chiến tranh xảy ra thì ông sẽ làm chiến sĩ trên mặt trận thông tin, viết báo làm thơ động viên chiến sĩ. Ông nói chắc chắn sẽ động viên con cháu ra trận.

Nhiều người cũng tâm đắc nghe lại bài hát nổi tiếng thời chiến tranh biên giới. Tôi cũng nhớ nó, gần như thuộc lòng:

Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới

Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới

Quân xâm lược bành trướng dã man đã giày xéo mảnh đất Việt Nam

Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải non sông

Đất nước của ngàn chiến công vẫn sục sôi khí thế hào hùng

Những Chi Lăng Bạch Đằng Đống Đa đang gọi tiếp theo những bản hùng ca

Việt Nam ôi nước Việt yêu thương

Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng

Mang trên mình còn lắm vết thương,

 người vẫn hiên ngang ra chiến trường (…)

Việt Nam, nước Việt yêu thương ư? Tôi nghĩ trong văn cảnh của bài hát, phải đổi lại là “nước Việt đau thương” mới chuẩn xác. Một nước Việt đau thương rách rưới, đầy mình vết thương vẫn không được yên lành để chữa trị, mà phải tiếp tục đứng lên chiến đấu. Hiên ngang lẫm liệt cũng có đấy, nhưng chữ liệt ấy tính ra gần với “liệt sĩ” làm sao!

Những bản hùng ca đâu có làm màu mỡ đất đai, đâu có trả lại chân tay cụt mất, đâu có mang lại người yêu chồng vợ về cho nhau. Chiến tranh không phải trò đùa, chiến tranh là tang thương và chết chóc, là khi và chỉ khi không thể còn cách nào khác mới buộc phải cầm súng lên để giữ mạng sống, là thế dựa lưng vào tường, là thế sống tao chết mi. Tuổi xuân, sức trẻ và trí tuệ của hàng triệu người lẽ ra vun bồi cho gia đình xã hội giàu có văn minh thì thay nhau vùi chôn vào đất vĩnh viễn, kéo lùi phát triển đến hàng chục hàng trăm năm, là ngồi dưới hố trơ mắt nhìn người ta đi dạo trên mặt trăng. Dân tộc ta có tội tình gì mà phải gánh lấy một “sứ mạng (thiêng liêng)” thiệt thòi đến thế?

Chiến tranh chỉ lãng mạn, chỉ “sục sôi hào hùng” trong văn thơ nhạc họa được “sản xuất” đểphục vụ cho ý đồ của người cầm trịch. Mà theo lịch sử Việt Nam thì phần lớn những người say mê ca ngợi khía cạnh hùng ca của cuộc chiến thường lại chưa ngửi thấy khói súng bao giờ.

Cho nên, ông Bùi Hoàng Tám nói thiệt hay nói đùa tôi không rõ lắm, nhưng tôi chúc cho ông không phải bao giờ phải động viên con cháu ông ra trận, dĩ nhiên càng không bao giờ được động viên con cháu người khác ra trận, chỉ để thỏa cái khát khao của những chàng thi sĩ tâm hồn treo ngược lên cành cây mơ được làm anh hùng, được “lịch sử chọn làm điểm tựa”.
Tôi mong cầu cho nước nhà hòa bình, cầu cho dân tôi yêu một lòng yêu nước dày đặc tếbào não để mỗi sáng lại được thức dậy trong bình yên, không ai phải đi giết ai để giành sựsống, không người mẹ nào phải nhìn những đứa con mình lần lượt chết hết, chết sạch trong khi tóc còn xanh. Tất cả đều cần mẫn lao động cho nền văn minh giàu có và nhân bản. Đó mới là thắng lợi thật sự của Việt Nam.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/1979-02182019095812.html

 

Trợ lý của ông Kim Jong Un tới VN,

thị sát quanh nhà máy Samsung

Một quan chức cấp cao của Bắc Hàn đã tới Việt Nam và đi xem xét các khu vực gần hai nhà máy sản xuất điện thoại thông minh thuộc sở hữu của công ty Sam Sung của Hàn Quốc.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn các nguồn tin hôm 17/2 đưa rằng ông Kim Chang-son, vốn trên thực tế được coi là chánh văn phòng của ông ông Kim Jong Un, và các quan chức khác đã tới Hà Nội hôm 16/2 để kiểm tra công tác hậu cần cho cuộc họp thượng đỉnh lần hai giữa lãnh tụ Kim Jong Un và Tổng thống Trump vào ngày 27 và 28/2.

Theo Yonhap, phái đoàn của ông Kim Chang-son rời nhà khách của chính phủ Việt Nam ở Hà Nội vào lúc 7 giờ sáng ngày 16/2 và đi tới tỉnh Bắc Ninh, nơi đặt dây chuyền lắp ráp điện thoại thông minh của Samsung.

XEM THÊM:

Trung Quốc nói gì về hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Việt Nam?

Hãng tin của Hàn Quốc dẫn các nguồn tin nói rằng nhóm này đã lái xe vòng qua khu vực quanh nhà máy và đánh giá các tuyến đường đi xuất phát từ Hà Nội.

Ngoài ra, phái đoàn này cũng đi thăm tỉnh Thái Nguyên, nơi đặt một nhà máy sản xuất điện thoại thông minh khác của Samsung.

Chuyến đi thị sát trên được thực hiện trong khi có tin rằng ông Kim Jong Un có thể tới thăm một trong các nhà máy của Samsung ở Việt Nam.

Trước đó, hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin nói rằng ông Kim sẽ tới Việt Nam vào ngày 25/2, hai ngày trước khi gặp Tổng thống Trump.

Bản tin của hãng tin Anh nói thêm rằng ông Kim sẽ tới thăm tỉnh Bắc Ninh và thành phố cảng Hải Phòng.

https://www.voatiengviet.com/a/tr%E1%BB%A3-l%C3%BD-c%E1%BB%A7a-%C3%B4ng-kim-jong-un-t%E1%BB%9Bi-vn-th%E1%BB%8B-s%C3%A1t-quanh-nh%C3%A0-m%C3%A1y-samsung/4790741.html

 

Không gian nào cho tham vọng địa chính trị

của Việt Nam ở Biển Đông?

Thu Hằng

Ngày 19/01/2019 đánh dấu tròn 45 năm cuộc hải chiến đẫm máu Hoàng Sa 1974 và Trung Quốc chiếm giữ quần đảo cho đến nay. Ngày 02/05/2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa trái phép dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam. Ngày 25/06/2014, báo chí Trung Quốc công bố bản đồ 9 đoạn (hoặc “đường lưỡi bò”) đòi hỏi vô lý chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông.

Những sự kiện này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa hai nước, kéo theo nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân Việt Nam.

Trong buổi thuyết trình tại trường Sư phạm ở Paris (Ecole normale supérieure) ngày 18/01/2019, một ngày trước kỉ niệm 45 trận hải chiến Hoàng Sa, nhà nghiên cứu Pháp Laurent Gédéon, giảng viên Viện Đông Á ở Lyon (Institut d’Asie orientale, IAO) đã điểm lại những sự kiện lịch sử liên quan đến Biển Đông, cũng như những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, trong bài thuyết trình : Biển Đông : Không gian nào cho tham vọng địa lý-hàng hải của Việt Nam? (Mer de Chine méridionale, quel espace pour les ambitions géomaritimes du Vietnam?)

Ông Laurent Gédéon trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt sau buổi thuyết trình.

***

RFI : Xin ông cho biết Việt Nam thực sự chú ý đến vấn đề Biển Đông từ khi nào ?

Laurent Gédéon : Người Việt chú ý đến vấn đề Biển Đông từ khi Việt Nam giành được độc lập năm 1954. Cả miền Bắc lẫn miền Nam đều quan tâm đến chủ đề này. Nhưng vào thời kỳ đó, chủ quyền Biển Đông chưa phải là vấn đề trọng tâm địa-chính trị ở cả miền Bắc lẫn miền Nam.

Sau đó xảy ra cuộc hải chiến ở Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát quần đảo từ Việt Nam vào năm 1974 và phía miền Nam Việt Nam có phản ứng bằng cách kiểm soát một phần các đảo ở Trường Sa. Nhưng có thể nói là sau đó, cuộc xung đột đã ổn định vì những bận tâm địa chính trị của Việt Nam chủ yếu hướng về Đông Dương, Cam Bốt, Lào và mối đe dọa trên mặt đất có thể đến từ phía Trung Quốc.

Cuối cùng, người ta nhận thấy là Việt Nam ngày càng chú tâm đến vấn đề an ninh hàng hải, chủ yếu kể từ cuối những năm 2000, trước những xác quyết chủ quyền ngày càng lớn của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ các đảo ở Biển Đông. Vào những năm 2010, Trung Quốc gây sức ép ngày càng mạnh hơn, rõ ràng hơn với những nước ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam và Philippines.

Ý thức được tham vọng địa-chính trị của Bắc Kinh, Hà Nội phải điều chỉnh theo. Điều này cũng khiến Việt Nam ngày càng chú tâm hơn đến năng lực hàng hải, hải quân, cũng như về mặt tên lửa mà Việt Nam sở hữu để giữ vững những khu vực mà Hà Nội kiểm soát ở Biển Đông, đồng thời nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công vào lãnh thổ hoặc hải đảo.

RFI : Trung Quốc diễn giải đòi hỏi chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông như thế nào ?

Laurent Gédéon : Về quan điểm của Trung Quốc, họ coi khu vực Biển Đông là một vùng lãnh hải của mình. Họ đòi hỏi chủ quyền trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua những tài liệu có hiệu lực như luật, trong đó luật tháng 02/1992 xác định chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo ở Biển Đông, cũng như nhiều quần đảo khác trong khu vực.

Yêu sách về không gian biển của Trung Quốc, một cách không chính thức, được lộ rõ qua “đường lưỡi bò” (đường 9 đoạn) phân định vùng lãnh hải mà nước này đòi hỏi.

Tôi cho rằng sự thể hiện địa chính trị này mang tính chất phô trương sức mạnh và sự hiện diện vì các bản đồ do Trung Quốc xuất bản đều gộp cả vùng lãnh hải kéo dài xuống tận Biển Đông.

RFI : Trước những đòi hỏi vô lý và sự bành trướng của Trung Quốc, Việt Nam đưa ra những lập luận nào để bảo vệ chủ quyền và lợi ích ?

Laurent Gédéon : Trước tiên, người Việt dựa vào các lập luận lịch sử. Họ nhấn mạnh đến ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam từ thời xa xưa. Phía Việt Nam cũng dựa vào việc phát hiện lại những quần đảo này với một bia đá chủ quyền đã được dựng từ thời Gia Long, và việc Pháp đã chính thức sở hữu quần đảo Hoàng Sa trong những năm 1930 nhân danh triều đình nhà Nguyễn.

Nền tảng trong lập luận của Hà Nội để hợp pháp hóa đòi hỏi của Việt Nam dựa trên những kiến thức từ lâu về những quần đảo này, về cách sử dụng nguồn nước và nguồn hải sản, cũng như việc Pháp, nước đô hộ Việt Nam, đã sở hữu những quần đảo này.

RFI : Trung Quốc có căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam, quân sự hóa một số đảo mà nước này kiểm soát ở Trường Sa và có tin đồn về việc Bắc Kinh lập dự án xây căn cứ ở Cam Bốt. Liệu Việt Nam có bị vây hãm hay không ?

Laurent Gédéon : Việt Nam chú ý theo dõi hành động của Trung Quốc. Căn cứ hải quân của Trung Quốc trên đảo Hải Nam là một mối bận tâm của Việt Nam. Nhưng thực ra, mục đích chính của căn cứ trên đảo Hải Nam là để chứa tầu ngầm của Trung Quốc. Với Trung Quốc, căn cứ ở Hải Nam có ý nghĩa rất quan trọng và vượt quá quy mô đối đầu Việt-Trung.

Về tin đồn Trung Quốc có ý định xây căn cứ ở Cam Bốt, dự án này cũng không hẳn là nhắm vào Việt Nam. Đúng là Việt Nam nằm trong tầm đe dọa chung của Trung Quốc nếu căn cứ vào những cơ sở vây quanh Việt Nam nhưng chiến lược của Trung Quốc chủ yếu nhằm ngăn chặn sự hiện diện của Mỹ ở trong khu vực. Mỹ có một căn cứ quân sự ở Singapore từ nhiều năm nay và như vậy kiểm soát được tàu bè qua lại ở eo biển Malacca hướng về Biển Đông. Đây là điểm qua lại của tuyến đường hàng hải huyết mạch nối nền kinh tế Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.

Tôi cho rằng dự án của Trung Quốc xây căn cứ ở Cam Bốt, nhờ vào mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, thực ra là để Bắc Kinh làm đối trọng với sức ép và sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, chứ không hẳn là nhằm đe dọa Việt Nam. Dĩ nhiên, chúng ta không thể loại trừ khả năng Hà Nội coi dự án này là một mối đe dọa mới.

Về phần những cơ sở mà Trung Quốc xây dựng trên các đảo đá do họ kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, ở điểm này, tôi cho rằng cần phải đánh giá những gì mà mỗi bên tiến hành. Các bên liên quan cần làm chủ các đảo mà họ kiểm soát ở Trường Sa. Và một số bên muốn biến khu vực đó thành điểm thể hiện sức mạnh của họ, do đó họ bồi đắp và xây dựng, trong đó có cả đường băng phục vụ mục đích quân sự.

Vấn đề đặt ra là sự thể hiện sức mạnh này đi theo hướng nào ? Và những đối tượng nào bị nhắm đến ? Hoàn toàn có thể là Việt Nam trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Nhưng cũng có thể theo hướng ngược lại vì Việt Nam cũng quân sự hóa một số đảo. Nhưng về quan điểm của Bắc Kinh, điều quan trọng là chúng ta cần theo dõi tầm nhìn chung của Trung Quốc về môi trường trong vùng. Việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo do nước này kiểm soát cũng là một cách để tiến gần về phía Singapore, nơi Mỹ có căn cứ quân sự.

Người ta cũng thường nói rằng những đảo đá ở Biển Đông với những đường băng còn được coi là các hàng không mẫu hạm di động. Đó là nơi cho phép thể hiện sức mạnh ra xa vài trăm cây số, thậm chí còn xa hơn.

RFI : Vậy Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức quân sự và địa-chiến lược nào ?

Laurent Gédéon : Tôi cho rằng trước hết, Việt Nam có lợi ích trước mắt là duy trì nguyên trạng, có nghĩa là không để mất những lợi ích mà nước này có ở trong khu vực, có nghĩa là những đảo và đá mà Việt Nam đang kiểm soát ở Trường Sa.

Ngân sách quốc phòng của Việt Nam cho thấy rằng Hà Nội đã tăng khả năng răn đe và phòng thủ của mình, trong trường hợp bị nhắm tấn công. Việt Nam triển khai năng lực đó để bảo vệ và giữ khoảng cách. Nhưng hiện giờ khó mà nghĩ rằng tự bản thân Việt Nam có thể đẩy lùi được ảnh hưởng của Trung Quốc và lấy lại kiểm soát một số khu vực ở Trường Sa mà họ không có và lấy lại Hoàng Sa mà họ đã bị mất.

Vì thế, tôi nghĩa rằng mục tiêu hiện nay của Việt Nam là giữ thế cân bằng hiện tại. Nhưng theo những gì Việt Nam thể hiện hoặc theo tham vọng địa chính trị và khẳng định thường xuyên từ phía Việt Nam, dự án chính trị trong dài hạn là lấy lại chủ quyền đối với toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo tôi, căn cứ vào tranh chấp thuần túy Việt-Trung hiện tại, đây là điều không tưởng. Việt Nam khó lòng chinh phục được những khu vực họ không có. Ngược lại, họ có phương tiện cần thiết để bảo vệ những khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của mình.

Giả sử Trung Quốc đối đầu mạnh mẽ với Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ, rồi do nhiều lý do khác nhau, dẫn tới đối đầu trên biển. Nếu cuộc đối đầu này dẫn đến kết quả là sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Quốc bị thu hẹp ở Biển Đông, thì Việt Nam có thể được hưởng hệ quả tích cực và cho phép Việt Nam lấy lại quyền kiểm soát một phần lãnh thổ đã bị mất.

Ban tiếng Việt đài RFI xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu, giảng viên đại học Laurent Gédéon.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190304-khong-gian-nao-cho-tham-vong-dia-chinh-tri-cua-viet-nam-o-bien-dong