Tin Việt Nam – 18/01/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 18/01/2018

Thủ tướng VN:

‘Xử l‎ý người kích động, chống phá’ ở trạm BOT

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Công điện ngày 18/1/2018, bày tỏ quan điểm cứng rắn về xử lý “các đối tượng xấu lợi dụng kích động, chống phá” tại các trạm thu phí BOT.

Phiên tòa Thăng & Thanh – nước mắt và công lý

Độc quyền BOT, ‘sự cố’ Cai Lậy và bất ổn thể chế

Việt Nam: Nhiều dự án BOT ‘có vấn đề’

Trạm Cai Lậy: Phản ứng của tài xế ‘hiệu quả, cần thiết’

Văn bản nhấn mạnh không để “các đối tượng xấu càng lợi dụng, lấn tới, tiềm ẩn những hành vi gây mất an ninh trật tự, kể cả các tổ chức phản động lợi dụng phá hoại”.

Những tháng qua, giới lái xe và doanh nghiệp vận tải liên tục phản ứng tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức Hợp đồng BOT.

Tình hình chủ yếu xảy ra ở khu vực miền Nam, tiêu biểu như dự án BOT Cai Lậy (nằm trên quốc lộ 1 thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang), bị cáo buộc là có vị trí đặt trạm thu phí bất hợp lý.

Công điện của Thủ tướng Việt Nam thừa nhận “đã có một số tồn tại, bất cập cần tập trung khắc phục để bảo đảm các mục tiêu phát triển, hiệu quả kinh tế – xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hình thức đầu tư này”, theo trang web chính phủ.

‘Xử lý đối tượng chống phá’

Nhưng văn bản nhấn mạnh: “Các bất cập này đang bị các đối tượng xấu lợi dụng kích động, chống phá… làm mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư.”

Công điện trực tiếp nhắc tới Trạm thu giá Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và một số trạm thu giá BOT đang có “diễn biến hết sức phức tạp”.

Thủ tướng Việt Nam yêu cầu lãnh đạo địa phương “lập tức có các biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội”.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các địa phương được yêu cầu “tổ chức giao thông khoa học hơn, cắm biển phân luồng, phân làn hợp lý tại các khu vực trạm thu giá các tuyến tránh, nhất là các trạm đang xảy ra phức tạp”.

Bộ Giao thông cũng sẽ “cung cấp ngay” cho Bộ Công an hồ sơ, tài liệu liên quan đến “đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm thu giá (kể cả đối với các hành vi đưa tin sai sự thật, làm phức tạp tình hình) để có biện pháp xử lý nghiêm”.

Công điện cũng yêu cầu Bộ Công an, cùng Bộ Quốc phòng “xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm; nhất là những thành phần lái xe có hành vi cản trở giao thông (như quay đầu xe nhiều lần, cố tình dừng xe trước trạm thu giá rồi bỏ đi làm việc khác…), phá hoại trang thiết bị tại trạm thu giá; các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối, chống phá, phản động”.

Truyền thông nhà nước được yêu cầu “tuyệt đối không đưa tin hoặc đăng tải các bình luận có tính chất cổ vũ các đối tượng có hành vi cản trở hoạt động thu giá”.

Cùng ngày 18/1, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tổ chức họp báo để nói về các trạm thu phí BOT.

Khi còn là thứ trưởng giao thông, ông Thể đã ký hợp đồng một số dự án BOT như Cai Lậy, theo báo chí.

Trả lời câu hỏi về việc này, ông Thể khẳng định “bản thân không có tư túi, lợi ích nhóm, không làm cong bẻ sai”.

Ông cho biết thanh tra, kiểm toán, Ủy ban Kiểm tra trung ương đang xem xét toàn bộ dự án BOT quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

“Cơ quan chức năng sẽ công bố, nói tôi đúng, sai bây giờ tôi cũng không thể nhận thế nào cho đúng,” ông Thể nói.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42723438

 

Việt Nam thừa nhận BOT là điểm nóng gây bức xúc dư luận

Phó Thủ tướng Việt Nam ông Trịnh Đình Dũng thừa nhận việc khai thác, quản lý các dự án BOT còn nhiều bất cập khiến dư luận bức xúc, tạo thành các điểm nóng.

BOT là viết tắt của từ xây dựng, vận hành và chuyển giao. Các dự án BOT này thời gian qua đã tiến hành thu phí ở một loạt các trạm BOT đường bộ mà họ được chính phủ cho phép vận hành.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Bộ Giao thông Vận Tải tổ chức vào hôm 18/1, ông Trịnh Đình Dũng nói rằng những điểm nóng BOT đã gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, phát triển kinh tế. Theo ông Dũng, những dự án này được thực hiện khá nhanh nhưng chất lượng còn thấp.

Ông Dũng cũng chỉ ra rằng chính Bộ Giao thông Vận tải còn nhiều sai sót trong quản lý đầu tư xây dựng và tình trạng lãng phí hay thất thoát chưa được khắc phục.

Từ những bất cập trên, ông Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cần tập trung xử lý những bất cập tại các dự án BOT, cần xác định tổng mức đầu tư thực chất của dự án để công khai cho người dân biết. Đồng thời, ông Dũng cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông vào cuộc.

Ngoài ra, ông Dũng cũng đề nghị Bộ Giao thông phải xem xét lại giá phí sao cho phù hợp với người dân và doanh nghiệp đầu tư, nếu cao quá thì dân không đồng ý mà thấp quá thì doanh nghiệp bị thua thiệt.

Trong suốt năm 2017 và những đầu tuần đầu năm 2018, nhiều cuộc biểu tình phản đối việc thu phí của lái xe và người dân đã nổ ra tại nhiều trạm thu phí BOT trên cả nước. Những người phản đối cho biết nguyên nhân chủ yếu là do việc thu phí cao hoặc việc lắp đặt trạm thu phí BOT ở các địa điểm bất hợp lý.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-admits-bot-projects-hotspot-driving-public-outrage-01182018094355.html

 

YouTube của đài Tây Ninh bị xóa vì bản quyền?

Trang Youtube của Đài TTVN11 Đài Phát thanh-Truyền hình Tây Ninh bị YouTube xóa bỏ vào sáng sớm 18/11, sau khi bị tố sử dụng video của một nhà làm phim độc lập không có tác quyền.

Nhà làm phim tự do Nguyễn Hoàng Lê Vi cho BBC biết ông là chính là người thông báo với YouTube sau khi phát hiện Đài PT-TH Tây Ninh nhiều lần sử dụng các hình ảnh video của ông mà không xin phép.

Trong khi đó, giám đốc đài thì cho rằng thông tin ông Lê Vi tuyên bố là không chính xác.

Phiên tòa Thăng & Thanh – nước mắt và công lý

‘Cô Ba Sài Gòn’ và nạn vi phạm bản quyền ở VN

VTV gửi văn bản về vụ vi phạm bản quyền

Bùi Minh Tuấn: Tôi ‘giữ bản quyền’

Chính phủ VN gây áp lực lên YouTube

Phát hiện ra ‘cảnh trùng khớp’ về Tây Ninh

Trả lời BBC hôm 18/1, ông Lê Vi cho biết, dù sinh sống và làm việc ở TP. HCM, ông là người gốc Tây Ninh nên hay quay cảnh cũng như theo dõi tin tức địa phương.

Hôm 23/12/2017, ông nói ông vô tình phát hiện ra các video clip của TTV11 trên YouTube và phát hiện ra một số hình ảnh trùng khớp với các video clip ông quay trước đó.

“Tôi phát hiện trang Youtube chính của đài sử dụng hình ảnh của tôi trong phóng sự ‘Tây Ninh quê hương tôi – Món ngon xứ’, ‘Tây Ninh quê hương tôi – Muối ớt tôm’.

“Tôi có viết email gửi cho đài, hỏi sao sử dụng phim mà không xin phép, và có yêu cầu đài xoá, xin lỗi công khai, và trả phí tác quyền cho sáu khung hình, yêu cầu 1,5triệu/khung, tổng chi phí 9 triệu cho việc đài sử dụng những khung hình đó,” ông Lê Vi nói.

“Chiều 24/12 tôi viết mộ cái email rõ hơn, có chứng cứ có phim so sánh, để chứng minh tôi quay các phim đó và Đài Tây Ninh sử dụng không hợp pháp, thì chỉ nhận được phản hồi của anh Minh Đức.”

Trong các hình ảnh chụp màn hình lại các cuộc trao đổi email ông Lê Vi công khai trên mạng, ông Minh Đức, người tự giới thiệu là biên tập viên của đài và chịu trách nhiệm sản xuất.

Trong các email, ông Đức thừa nhận đã sử dụng một số video clip của ông Lê Vi, đề nghị gặp riêng trao đổi nhưng ông Lê Vi cho biết ông muốn làm việc trực tiếp với đại diện của Đài.

Hai bên trao đổi không thành và không gặp gỡ vào hôm 28/11 như ông Minh Đức yêu cầu.

Vụ việc gần đây nhất, ông Lê Vi cho biết, là một chương trình ca nhạc chiếu trực tiếp hôm 8/1/2018 mà do Đài PT-TH Tây Ninh lại sử dụng một đoạn video clip của ông.

“Sau khi phát hiện chương trình ca nhạc lại sử dụng, tôi cảm thấy không thể nhân nhượng, tôi báo những chương trình còn tồn tại trên đài cho YouTube.

“Bên YouTube làm rất kĩ, báo xong thì họ hỏi căn cứ đâu, mình cung cấp hình ảnh so sánh, lí giải cho họ hiểu. Tới khuya 2:27 sáng 18/1, Youtube báo gỡ video clip thứ ba. Theo luật của YouTube, nếu có ba video vi phạm trong vòng 6 tháng thì YouTube lập tức xóa trang,” ông Lê Vi nói thêm.

Ông Lê Vi cho biết ông bắt đầu quay phim tự do từ 2012, và đây không phải là lần đầu tiên ông phát hiện video mình bị sử dụng mà không xin phép.

Ông đã gặp phải 22 trường hợp vi phạm tác quyền, trong đó có VTC, nhưng đơn vị này đã trả 4 triệu quyền tác quyền cho một khung hình.

Việt Nam: 7 sự kiện nổi bật năm 2017

VTV có thể không vi phạm quyền tác giả?

VTV bác bỏ chỉ trích về phóng sự Đắk Lắk

VTV không nên ‘bao biện’

“VTC họ làm việc rất chuyên nghiệp, họ nhận thức rất là rõ không được dùng của người khác, là tai nạn chứ không cố ý. Nên vụ việc với VTC mềm mại hơn, số tiền bồi thường cũng chỉ mang tính tượng trưng, vì chỉ cần gặp nhau nói chuyện trao đổi rõ ràng.”

Thông tin của ông Lê Vi ‘không chính xác, chủ quan’

Trả lời BBC hôm 18/1, ông Vũ Xuân Trường, Giám đốc Đài PT-TH Tây Ninh cho biết “các thông tin trên mạng mà ông Lê Vi đăng tải là không chính xác, và hiện giờ phía đài chưa cho có thông tin gì để công bố với báo giới.”

Còn ông Minh Đức, người từ chối cung cấp đầy đủ họ tên, nói với BBC rằng email trả lời ông Lê Vi “có khả năng là tôi viết.”

“Anh Lê Vi email trao đổi người ta nói rõ theo thỏa thuận cá nhân lại công khai trên Facebook thì cái đó tôi nghĩ là không có đúng,” ông Đức nói.

Nhưng khi được hỏi về các email ông Minh Đức thừa nhận đã sử dụng video của ông Lê Vi không xin phép, ông Đức nói:

“Tại vì lúc đó viết thì chưa phản ánh hết đúng chuyện. Do ban đầu chưa được xác minh do có nhiều nguồn hình khác nhau thì ảnh tự nhận ảnh là tác giả của những cái đó thì mình thì theo độ thành khẩn thì mình nghĩ là ảnh là tác giả.

“Giờ thì cơ quan nhà nước đang làm việc nên tôi không thể bình luận gì thêm,” ông Đức dứt lời.

Hồi tháng Ba 2016, trang YouTube của kênh truyền hình quốc gia VTV cũng bị YouTube gỡ bỏ vì vi phạm bản quyền một số video clip của ông Bùi Minh Tuấn.

Khi đó, người phát ngôn của YouTube Laurian Clemence đã trả lời BBC hôm 7/3/2016 rằng:

“YouTube có các công cụ quản lý nội dung và bản quyền vốn cho phép người giữ bản quyền kiểm soát nội dung trên YouTube.

“Khi một người giữ bản quyền gửi thông báo hợp lệ cho chúng tôi về video mà họ tin rằng vi phạm bản quyền của họ, chúng tôi ngay lập tức gỡ bỏ nội dung đó.

“Chúng tôi cũng đóng tài khoản của những người dùng vi phạm bản quyền nhiều lần.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42732627

 

HRW: Hoa Kỳ rút khỏi TPP

bật đèn xanh cho VN đàn áp nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (tức Human Rights Watch – HRW) hôm 18/1 ra phúc trích thường niên nói rằng Việt Nam đã gia tăng đáng kể việc đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong năm 2017.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW đặc trách Châu Á nói với VOA hôm 18/1 rằng sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính quyền Việt Nam đã khởi động lại chiến dịch đàn áp nhắm vào những người hoạt động nhân quyền, bắt giữ hàng chục blogger và nhà hoạt động, đồng thời kết án nhiều người với mức án tù nặng nề.

Lại có một làn sóng mới đàn áp các blogger và nhà hoạt động nhân quyền, đặc biệt là sau khi Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP và sau đó, mời Thủ tướng Việt Nam đến Tòa Bạch Ốc.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW đặc trách châu Á

Ông Robertson nói:

“Lại có một làn sóng mới đàn áp các blogger và nhà hoạt động nhân quyền, đặc biệt là sau khi Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP và sau đó, mời Thủ tướng Việt Nam đến Tòa Bạch Ốc mà chẳng thảo luận gì về vấn đề nhân quyền. Tình hình chung như thế đã bật đèn xanh cho chính quyền Việt Nam thẳng tay đàn áp những tiếng nói bất đồng, các blogger và tống giam họ với những bản án tù dài hạn.”

Trong một thông cáo phổ biến cùng ngày 18/1, ông Brad Adams, Giám đốc Ban Châu Á của HRW nói: “Trong thời gian đàm phán TPP, chính quyền Việt Nam biết rằng nếu bắt giữ các nhà hoạt động thì sẽ tạo ra một hình ảnh xấu cho Việt Nam. Nhưng họ đã lột bỏ tấm mặt nạ ngay sau khi chính quyền Trump rút khỏi TPP, và bắt đầu những vụ xét xử và đưa ra các bản án tù nặng nề đối với những người dân dám lên tiếng một cách ôn hòa để kêu gọi dân chủ và đòi chấm dứt chế độ cai trị độc đảng.”

Một thông cáo của HRW nêu rõ: “Bất chấp thực tế đó, hầu hết các nhà tài trợ cho Việt Nam vẫn tiếp tục coi trọng thương mại hơn nhân quyền.”

Các quyền tự do cơ bản như tự do ngôn luận, tự do nhóm họp, tự do lập hội, tự do đi lại và tự do tôn giáo tiếp tục bị đè nén nghiêm trọng ở Việt Nam. Theo phúc trình của Tổ chức Human Rights Watch, trong nhiều trường hợp, côn đồ được nhà nước bảo trợ tấn công những người bất đồng chính kiến, trong khi tình trạng công an bạo hành, trong đó có cả những trường hợp tử vong trong khi bị giam giữ, vẫn còn là một vấn nạn nghiêm trọng, xảy ra quá thường xuyên.

Trong năm 2017, theo HRW, có ít nhất 24 người bị kết án vì đã viết bài và vận động cho dân chủ, nhân quyền. Trong số những người bị kết án có blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn được biết qua bút danh Mẹ Nấm), bị kết án 10 năm tù; nhà hoạt động Trần Thị Nga, 9 năm tù; nhà hoạt động Phan Kim Khánh, 6 năm tù; và nhà báo tự do Nguyễn Văn Hóa, bị kết án 7 năm tù.

Trong 14 tháng qua, công an đã bắt ít nhất 28 người về các tội danh liên quan tới “an ninh quốc gia”, vốn có phạm vi áp dụng lỏng lẻo, được sử dụng để trừng phạt những tiếng nói phê phán hay các hoạt động ôn hòa, trong số những người bị kết tội này có các ông Nguyễn Bắc TruyểnTrương Minh ĐứcNguyễn Văn TúcNguyễn Trung Tôn và Phạm Văn Trội.

Riêng Luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà vẫn đang bị công an tạm giam từ tháng 12 năm 2015 và cho tới nay vẫn chưa đưa ra xét xử. Ban đầu, hai người bị cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước.” Tuy nhiên, vào tháng 7/ 2017, cáo trạng này được đổi sang tội “lật đổ chính quyền.”

Phúc trình của HRW nói ít nhất 119 người ở Việt Nam đang phải thi hành các án tù nặng nề vì đã thể hiện quan điểm phê phán chính quyền, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, gia nhập các nhóm tôn giáo không được chính quyền phê chuẩn, hoặc tham gia các tổ chức dân sự hoặc chính trị bị đảng cầm quyền cho là một mối nguy đối với quyền lực độc tôn của mình.

Ông Adams nói: “Các đối tác thương mại và các nước tài trợ cho Việt Nam cần cương quyết đòi cải thiện nhân quyền phải là một phần hữu cơ của mọi giao dịch thương mại hay dự án tài trợ cho Việt Nam.”

Việt Nam thời gian qua đã bị nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, trong đó có Tổ chức Human Rights Watch, chỉ trích về những vụ vi phạm các quyền tự do báo chí, tự do phát biểu, và tự do tín ngưỡng, tuy nhiên Hà Nội vẫn một mực bác bỏ các cáo buộc này.

https://www.voatiengviet.com/a/hrw-hoa-ky-rut-khoi-tpp-bat-den-xanh-cho-vn-dan-ap-nhan-quyen/4213357.html

 

Công khai hoá lực lượng tác chiến không gian mạng:

Mục đích và nhiệm vụ chính?

Từ những ngày cuối của năm 2017 cho đến hai tuần lễ đầu tiên của tháng Giêng năm 2018, chính phủ Việt Nam công khai thừa nhận những đơn vị chuyên đối phó với không gian mạng. Đó là Cục An ninh Mạng thuộc Bộ Công an, Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng hay Lực Lượng 47 thuộc Bộ Quốc phòng thành lập.

Hiện thực hoá, công khai hoá

Trả lời RFA từ Sài Gòn, bác sĩ, Trung tá Quân đội đã từ bỏ Đảng, Đinh Đức Long cho rằng điều này thể hiện sự quan tâm và cần phải kiểm soát những cái gì họ cho rằng có nguy cơ đối với an ninh và chế độ.

“Thể hiện sự quan tâm của chính quyền thấy rằng không gian mạng hiện nay là 1 mặt trận mới xưa nay chưa từng có, và nhà nước phải đối phó, không những với lực lượng dân chủ, phản biện, xã hội dân sự trong nước mà còn đối quốc tế nữa.”

Nêu nhận xét về những diễn biến này, ông Đinh Đức Long cho rằng đó chỉ là 1 cách “hiện thực hoá và công khai hoá” hoạt động của các lực lượng tác chiến an ninh mạng vốn có từ lâu.

Thể hiện sự quan tâm của chính quyền thấy rằng không gian mạng hiện nay là 1 mặt trận mới xưa nay chưa từng có, và nhà nước phải đối phó, không những với lực lượng dân chủ, phản biện, xã hội dân sự trong nước mà còn đối quốc tế nữa. – Trương Duy Nhất

Từ Đà Nẵng, blogger Trương Duy Nhất cũng cho biết các lực lượng an ninh mạng vốn đã được hình thành từ lâu, nhưng không công khai rộng rãi.

“Trước đây trong khối Tuyên giáo thì người ta đã hình thành một lực lượng dư luận viên đông đảo rồi, thậm chí có hàng vạn dư luận viên, hàng vạn tuyên tuyền viên như thế trong toàn quốc. Đa phần những lực lượng đó không công khai.”

Thêm vào đó, blogger Trương Duy Nhất cho rằng đây là những động thái rất tổng lực, huy động cả lực lượng trong hệ thống chính trị Việt Nam vào cuộc.

“Trước Bộ Công an thành lập cục chiến mạng thì Bộ Quốc phòng thành lập Bộ tư lệnh, 1 binh chủng đàng hoàng. Cái đó cho thấy 1 cuộc huy động bắt đầu tổng lực. chính quyền đang lo lắng có sự bất an nào đó trong không gian mạng và huy động tổng lực không chỉ trên mặt trận tư tưởng trước đây mà kể cả Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng vào cuộc để tấn công.”

Vai trò của các lực lượng này

Cho đến ngày 25/12/2017, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, thượng tướng phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân đội Việt Nam cho biết về đơn vị có tên Lực Lượng 47 gồm 10 ngàn người, “vừa hồng, vừa chuyên”, là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng.

Tên gọi Lực Lượng 47 được đặt theo chỉ thị 47 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm, trong đó có quy định về việc giám sát, quản lý việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet trong quân đội, quản lý báo chí, xuất bản.

Đối với nhà hoạt động dân sự Nguyễn Chí Tuyến, quân đội, theo thông lệ là lực lượng bảo vệ đất nước, chủ quyền, người dân và quốc gia. Do đó, nếu nhiệm vụ của họ là bảo vệ Tổ quốc, sử dụng khí tài 1 cách thành thạo thì dưới góc độ là người dân Việt Nam, ông nghĩ đó là một nhiệm vụ rất tốt. Thế nhưng, điều làm cho nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến ngạc nhiên chính từ lời phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa.

“Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên, theo lời ông Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, lực lượng 47 là lực lượng đấu tranh chống lại những quan điểm người ta gọi là sai trái trên mạng xã hội, với người dân Việt Nam là mạng Facebook, những bàn luận đi ngược lại với quan điểm của Đảng Cộng sản. Với tư cách là 1 người dân tôi tự hỏi tại sao lực lượng quân đội lại làm 1 việc như vậy? Vì đó không phải là nhiệm vụ của 1 người lính.”

Vào chiều ngày 15/1 vừa qua, tại buổi họp báo tình hình, kết quả công tác năm 2017; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của Bộ Công an, ông Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Cục An ninh mạng A68, được thành lập với mục tiêu bảo vệ an ninh mạng và đấu tranh chống lại các thế lực chống Đảng và Nhà nước.

 Với tư cách là 1 người dân tôi tự hỏi tại sao lực lượng quân đội lại làm 1 việc như vậy? Vì đó không phải là nhiệm vụ của 1 người lính. – Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến

Blogger Trương Duy Nhất cũng không phủ nhận sự quan trọng của việc thành lập Cục An ninh mạng đối với 1 chính phủ trong thế giới mạng hiện nay. Nhưng quan trọng hơn nữa, ông cho rằng đó là mục tiêu chính đáng của lực lượng này.

“Cục An ninh mạng được hình thành với mục tiêu nhắm đến là gì? Bảo vệ bí mật quốc gia, kinh tế, quân sự chứ khong phải để chủ yếu tấn công những cá nhân có ý kiến trái chiều, như chúng tôi góp ý với chính phủ.”

Nhấn mạnh vai trò của Bộ Công an?

Thật ra, Cục An ninh mạng A68 đã được quyết định thành lập từ ngày 29/8/2014, do Chủ tịch nước Trần Đại Quang, khi đó là Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì lễ công bố, nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh và an toàn mạng trong thời kỳ mới.

Bốn năm sau tại buổi Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73 diễn ra vào hôm 15/1, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng đã tái khẳng định nhiệm vụ của Bộ Công an là làm sao để đảm bảo Đảng lãnh đạo lực lượng công an một cách trực tiếp và tuyệt đối.

Vai trò chính của cái được gọi là tác chiến không gian mạng không phải là chống khủng bố hay chống những gì từ ngoài xâm nhập vào, mà là chống ngay từ bên trong, chống ngay cái mà thế giới gọi là Nhân quyền. Điều này phản với đạo lý của dân tộc. – Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng

Thêm vào đó, là khẳng đinh của Thứ trưởng Bộ Công an về nhiệm vụ của Cục A 68 như chúng tôi đã đề cập, là thành lập với mục tiêu bảo vệ an ninh mạng và đấu tranh chống lại các thế lực chống Đảng và Nhà nước.

Bác sĩ quân đội Đinh Đức Long bày tỏ sự đồng tình về ý kiến cho rằng Bộ Công an đang ngày càng chiếm nhiều vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam. Ông nêu cụ thể phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng còn Đảng là còn mình.

“Hiện nay thì về mặt chính thức thì Việt Nam không có giặc ngoại xâm, chiến tranh lớn thì không có. Cái mà người ta lo nhất là đối đầu với người dân, người dân mất đất, người dân oan…của chế độ ngày càng nhiều. Họ phải chống với rất nhiều lực lượng, ngoài nhân dân ra, còn ngay trong nội bộ chính quyền cho nên họ tăng cường kiểm soát công an là chuyện bình thường.”

Một ý kiến khác từ nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến ông cho rằng lực lượng công an là công cụ của nhà cai trị

“Trong cuộc sống vô vàn những thông tin liên quan đến công an, vì lực lượng đó đại diện cho cơ quan công quyền, cầm nắm quyền lực, đối mặt với người dân hàng ngày hàng phút hàng giờ.”

Ông Nguyễn Chí Tuyến khẳng định những cơ quan nào thành lập vì lợi ích quốc gia thì ông ủng hộ. Còn nếu những lực lượng được thành lập để đàn áp, bịt miệng dân thì không chỉ ông, mà tất cả nhân dân đều phản đối.

Lời khẳng định này tương đồng với ý kiến của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng từng chia sẻ với RFA. Ông đặt câu hỏi rằng liệu vai trò chính của cái được gọi là tác chiến không gian mạng không phải là chống khủng bố hay chống những gì từ ngoài xâm nhập vào, mà là chống ngay từ bên trong, chống ngay cái mà thế giới gọi là Nhân quyền. Và ông khẳng định “điều này phản với đạo lý của dân tộc.”

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Officially-announce-3-cyber-commands-intent-and-duty-01172018122934.html

 

Hà Nội ca ngợi thành tựu

về nhân quyền trong cuốn sách mới

Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 18 tháng Một công bố sách ‘Bảo vệ và Thúc đẩy quyền con người’, khẳng định Việt Nam đã không ngừng đấu tranh vì các quyền cơ bản của con người.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng, trong cuộc họp báo hàng tuần cho biết cuốn sách gồm 4 chương, trong đó nêu rõ quan điểm, chính sách và luật pháp của Nhà Nước Việt Nam về quyền con người cũng như thành tựu của Việt Nam trong thực hiện các quyền thuộc nhóm quyền dân sự- chính trị, nhóm quyền kinh tế-văn hóa-xã hội, quyền của các  nhóm dễ bị tổn thương. Ngoài ra, sách còn nêu ra các thách thức cần vượt qua và định hướng ưu tiên nhằm thúc đẩy việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn quyền con người ở Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của báo chí về ưu tiên tới đây của Việt Nam trong vấn đề nhân quyền, bà Hằng cho biết trong thời gian qua Việt nam đã dạt được những tiến bộ rất quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Bà nói tiếp thời gian tới Việt Nam sẽ ưu tiên thực hiện một số biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp và cam kết quốc tế của Việt Nam.

Trước tin Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố sách ‘Bảo vệ và Thúc đẩy quyền con người’,  cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng, một người từng tham gia phổ biến sách về quyền con người vẫn đang bị an ninh theo dõi mọi hoạt động hằng ngày, cho chúng tôi biết suy nghĩ của bà:

“Nói chung quan điểm của chị tình trạng nhân quyền quá tồi tệ trong khi đó nhà cầm quyền cộng sản họ nói láo nói dối với các lãnh vực mà họ không biết ngượng miệng nữa. Họ có chịu trách nhiệm về lời nói của họ đâu, tức là họ không hiểu họ đang nói điều gì.  Nên khi nói về vấn đề đó thật sự mình nghĩ rằng nó cũng chỉ là một phát ngôn là con vẹt thôi, họ cứ nói nhưng thực tế không có sự kiểm chứng nào hết, hai nữa những người đấu tranh nhiều năm nay vẫn cứ tình trạng tù tội bắt bớ khủng bố liên tục, cuộc sống của người dân ví dụ như chị xuốt từ lúc ra tù có làm được gì đâu, ngay cả chuyện đi lại họ cũng gây rối đối với người dân, thì chị hỏi nhân quyền với tự do ở đâu để cho họ phát biểu”

Trước đây vào năm 2005, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho công bố cuốn sách ‘Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam’.

Tuy nhiên theo báo cáo mới đây của tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch), trong năm 2017, Việt Nam đã gia tăng đàn áp, bắt bớ những người bất đồng chính kiến, các blogger. Theo thống kê của tổ chức này đã có ít nhất 24 blogger bị kết án trong năm 2017 vì những bài viết chỉ trích chính phủ. Tổ chức Freedom House trong báo cáo đầu năm 2018 xếp Việt Nam vào danh sách các nước không có tự do.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-publish-book-on-human-rights-01182018084501.html

 

Cá chết hàng loạt do vỡ bể chứa nước thải nhà máy

Cá chết hàng loạt trên suối Nậm Núa, từ xã Núa Ngam đến xã Sam Mứn, thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Lý do được địa phương kết luận là do nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp (bản Ten Núa, xã Núa Ngam) bị vỡ bể chứa nước thải gây ra tình trạng này.

Vụ việc xảy ra từ tối 15/1. Người dân địa phương thông báo cho chính quyền vào sáng 16/1 và cho biết họ đã phải thức suốt đêm để vớt cá chết.

Theo Chủ tịch UBND xã Núa Ngam, ông Lường Văn Sơn, sự việc xảy ra gây thiệt hại khoảng gần tấn cá của người dân vùng này. Cho đến nay vẫn chưa xác định trong nước thải có chất độc hại gì đã gây ra tình trạng cá chết.  Ông lo ngại nước thải này sẽ tiếp tục ảnh hưởng làm chết khoảng 40 chục hecta lúa, gia súc gia cầm và nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng bị thiệt hại.

Cũng theo ông Sơn, địa phương từng nhận được phản ánh của các em học sinh trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Núa Ngam về tình trạng nguồn nước của suối Nậm Núa có mùi khó chịu.

Suối Nậm Núa là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản cho gần 10 ngàn hộ dân vùng hạ lưu.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Mass-fish-death-due-to-waste-water-dam-burst-01182018083925.html

 

Nhà nước cần làm gì với hơn 57 ngàn cán bộ dư thừa?

Hòa Ái, phóng viên RFA

Truyền thông quốc nội vào trung tuần tháng Giêng đưa tin Kiểm toán Nhà nước phát hiện hơn 57 ngàn cán bộ trong công tác quản lý biên chế công chức, viên chức.

Đóng thuế nuôi cán bộ dư thừa

Cộng đồng cư dân mạng tại Việt Nam, trong những ngày qua đặc biệt quan tâm đến thông tin Kiểm toán Nhà nước phát hiện dư thừa 57.175 cán bộ, tính đến thời điểm đầu tháng Giêng năm 2018. Nhiều người bày tỏ sự phản đối gay gắt vì họ cho rằng con số thừa biên chế này góp phần không nhỏ vào bội chi ngân sách hàng năm của Chính phủ, và hiển nhiên nguồn thu ngân sách chủ yếu là do người dân đóng thuế vào.

Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Chí Tuyến chia sẻ anh không thể im lặng khi cả 90 triệu người dân, trong đó có anh phải đóng thuế để nuôi một bộ máy nhà nước cồng kềnh như thế. Facebooker Nguyễn Chí Thuyến nói với RFA:

57.175 cán bộ, theo như con số của báo chí đưa, cứ tính bình quân mỗi cán bộ nhận lương cơ bản 5 triệu đồng/tháng thì tổng số tiền lương chiếm gần 3.500 tỷ đồng/năm. Đây là số tiền rất lớn. 3.500 tỷ có thể xây được bao nhiêu trường học, xây được bao nhiêu bệnh viện hay dùng để mua thuốc chữa bệnh cho người nghèo…Đấy là các nhu cầu rất cần thiết trong xã hội

-Facebooker Nguyễn Chí Tuyến

“57.175 cán bộ, theo như con số của báo chí đưa, cứ tính bình quân mỗi cán bộ nhận lương cơ bản 5 triệu đồng/tháng thì tổng số tiền lương chiếm gần 3.500 tỷ đồng/năm. Đây là số tiền rất lớn. 3.500 tỷ có thể xây được bao nhiêu trường học, xây được bao nhiêu bệnh viện hay dùng để mua thuốc chữa bệnh cho người nghèo…Đấy là các nhu cầu rất cần thiết trong xã hội. Số tiền tôi nói chỉ là lương ‘cứng’ (cơ bản) vì không chỉ là lương thôi. Một bộ máy con người như thế, mà chúng tôi gọi là ‘ăn không ngồi rồi’ thì còn ‘nhàn cư vi bất thiện’, họ nghĩ ra đủ trò để hành hạ người dân thường.”

Trước đó, trong năm 2016, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng lên tiếng là không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy có đến 11 triệu người hưởng lương và mang tính chất lương ở Việt Nam, trong đó có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi còn trong vai trò Phó Thủ tướng cũng đã tuyên bố đội ngũ công chức chỉ có khỏang 30% có thể đáp ứng được nhu cầu công việc. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Lê Doãn Hợp còn nhấn mạnh rằng 30% cán bộ còn lại không chỉ không làm được việc mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ.

Bên cạnh đó, hồi cuối tháng 10 năm 2016, các chuyên gia dự báo có khoảng 700 ngàn công chức, viên chức (chiếm 30%) làm việc không có hiệu quả, mà dư luận gọi là “công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Trước thông tin vừa nêu, báo giới trong nước dẫn lời của Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi nói rằng giả sử số liệu dự báo này là đúng thì rõ ràng làm cản trở năng suất lao động của xã hội.

Càng tinh giản biên chế, bộ máy càng phình ra

Giải thích về bộ máy nhà nước cồng kềnh tồn tại trong nhiều năm, thậm chí ngày càng bị rơi vào tình trạng “lạm phát” lãnh đạo, theo kết quả giám sát về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, được Đoàn Giám sát Quốc hội công bố vào tháng 8 năm ngoái, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết nguyên nhân là vì:

“Nhà nước Việt Nam là nhà nước thoát ra trong một cuộc chiến tranh và nhiều người làm nhà nước không được đào tạo cho nên cứ chia việc ra làm nên thành một bộ máy cồng kềnh, không khoa học. So với những nước tiên tiến thì người ta được đào tạo chính quy có hệ thống, pháp luật rõ ràng nên gọn nhẹ.”

Trước gánh nặng về ngân sách trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức tại Việt Nam, Bộ Chính trị hồi tháng 4 năm 2015 ban hành Nghị quyết số 39, đề ra mục tiêu tinh giản tối thiểu 10% số biên chế cho đến năm 2021. Và, tại Hội nghị Trung ương 6, khóa 12, diễn ra hồi vào trung tuần tháng 10 năm 2017, Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu giảm tối thiểu 400 ngàn biên chế trong vòng 4 năm nữa.

Việt Nam cho biết trong năm 2016 đã tinh giản được 10 ngàn biên chế. Trong khi số liệu tinh giản biên chế trong năm 2017 chưa được phổ biến, thì Kiểm toán Nhà nước công bố phát hiện hơn 57 ngàn cán bộ dư thừa, khiến cho những người quan tâm tin rằng mục tiêu tinh giản biên chế của Nhà nước không đạt hiệu quả.

Trả lời câu hỏi của truyền thông đưa ra hồi tháng 10 năm 2017 rằng vì sao tình hình tinh giản biên chế chưa được cải thiện, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng một trong những mấu chốt là do lỗi trong thiết kế bộ máy và cơ chế vận hành bị thiếu phối hợp đồng bộ. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân còn nhấn mạnh ngay cả các bộ, ngành Trung ương còn có sự chồng chéo chức năng và hầu như không một ai dám đụng vào vì thuộc “vấn đề nhạy cảm”.

Trong khi đó, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội Việt Nam khẳng định với RFA mục tiêu tinh giản biên chế của Nhà nước đặt ra chỉ là một cái vòng lẩn quẩn. Giáo sư Tương Lai nhận định:

Tham nhũng từ trên xuống dưới. Càng lên cao thì càng tham nhũng lớn. Trên chóp bu tham nhũng thì cấp dưới tội gì không tham nhũng và cứ thế tham nhũng xuống tận cơ sở. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Cho nên cả bộ máy đó không phương cứu chữa. Vì vậy, bộ máy biên chế càng ngày càng phình ra, không có cách nào giảm được đâu. Giảm chỗ này thì sẽ phình sang chỗ khác

-GS.Tương Lai

“Bộ máy hành chính của đảng và hành chính của nhà nước thì nhân viên bám vào biên chế với đồng lương không cao nhưng ai cũng muốn bám lấy biên chế vì bên cạnh lương thì còn bổng. Bổng đã lớn nhưng còn dựa vào quyền để đục khoét của dân thì tham nhũng này mới là khủng khiếp. Tham nhũng từ trên xuống dưới. Càng lên cao thì càng tham nhũng lớn. Trên chóp bu tham nhũng thì cấp dưới tội gì không tham nhũng và cứ thế tham nhũng xuống tận cơ sở. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Cho nên cả bộ máy đó không phương cứu chữa. Vì vậy, bộ máy biên chế càng ngày càng phình ra, không có cách nào giảm được đâu. Giảm chỗ này thì sẽ phình sang chỗ khác.”

Đài RFA ghi nhận các chuyên gia kinh tế Việt Nam, từ 20 năm trước, đã từng khuyến cáo Chính phủ Hà Nội nên bỏ hẳn biên chế để giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia, cũng như cần hướng tới một nền công vụ hiện đại, với các công chức có trình độ đào tạo, kinh nghiệm chuyên môn phù hợp với vị trí được bổ nhiệm. Tuy nhiên, Đảng lãnh đạo và Nhà nước Việt Nam quyết tâm thực hiện chính sách tinh giản biên chế mà kết quả trước mắt được dư luận gọi là “càng tinh giản thì càng phình ra”.

Chúng tôi xin được kết thúc bài ghi nhận với thắc mắc chưa có lời đáp của một số cư dân mạng rằng không rõ trong hơn 57 ngàn cán bộ dư thừa được Kiểm toán Nhà nước phát hiện trong năm 2017, có bao nhiêu người được “nâng đỡ không trong sáng”, như trường hợp Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, ông Ngô Văn Tuấn đã nâng đỡ không trong sáng đối với cán bộ, bà Trần Vũ Quỳnh Anh và thông tin về biện pháp xử lý hàng ngàn cán bộ dư thừa này có được phổ biến công khai, minh bạch cho người dân hay không, qua trưng dẫn câu hỏi của Facebooker Doanh Nguyễn “Thanh tra Chính phủ ăn lương rồi làm gì? Thừa hàng chục ngàn cán bộ mà cả năm mới phát hiện ra? Chả trách đất nước cứ nghèo mãi? Người dân đến bao giờ mới không còn cảnh đóng thuế nuôi một nhóm không nhỏ những người ăn bám được gọi là ‘cán bộ’? Và khi nào thì dân chúng không phải nghe quan chức giải trình rằng ‘dư thừa cán bộ như thế là đúng quy trình?’”, còn ý kiến của Facebooker Vũ Văn Hiến rằng “Để biên chế dư là do cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Bao giờ những vụ việc dư thừa cán bộ được xử lý nghiêm minh, thì bấy giờ người dân mới có niềm tin là Nhà nước đang quyết tâm thực hiện tinh giản biên chế”.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-vietnamese-government-need-do-with-more-than-57k-redundant-cadres-01182018104044.html

 

Khởi công chợ Việt tại biên giới Campuchia

Ngôi chợ Việt Nam đầu tiên ở biên giới Campuchia trị giá 2 triệu đôla vừa được khởi công vào ngày 16/1 tại huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum, cách biên giới gần nhất giữa Campuchia và Việt Nam khoảng 1 km.

Các giới chức Campuchia ước tính dự án này sẽ giúp đạt mục tiêu 5 tỷ đôla thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.

Ông Sok Heang, Chủ tịch Phòng Thương mại Kampong Cham-Tbong Khmum, cho biết chợ biên giới đầu tiên của Việt Nam chủ yếu sẽ bán các sản phẩm Việt Nam, nhưng cũng sẽ mở rộng ra bán các sản phẩm của người dân địa phương.

Phnom Penh Post dẫn lời ông Heang cho biết “Người dân thường vượt biên giới để mua hàng ở Việt Nam vì có nhiều sản phẩm hơn”. Ông hy vọng ngôi chợ mới sẽ giúp tạo thu nhập cho người dân ở biên giới.

Các giới chức Campuchia và Việt Nam đã thỏa thuận về dự án chợ Việt Nam vào tháng 7 năm 2016 với mục tiêu thúc đẩy thương mại giữa hai nước.

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Campuchia, Seang Thay, cho biết sẽ phải mất 12 tháng để hoàn thành việc thi công dự án nằm trên khu đất rộng 2 hecta ở làng Kandorl.

Tại lễ động thổ, Bộ trưởng Thương mại Campuchia Pan Sorasak nói “Mô hình chợ như thế này là khởi đầu cho một kỷ nguyên mới trong việc hợp tác kinh doanh xuyên biên giới giữa hai nước”.

Ông Sorasak cho biết mục tiêu của chính phủ Campuchia là đạt được 5 tỷ USD thương mại hàng năm giữa hai nước. Thống kê của nước này cho biết trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Campuchia đạt được 3,34 tỷ đôla trong 11 tháng đầu năm 2017, tăng 31% so với năm 2016.

https://www.voatiengviet.com/a/khoi-cong-cho-viet-tai-bien-gioi-campuchia/4212089.html

 

Tài năng dương cầm Việt xin tị nạn tại Canada

Một sinh viên Việt Nam từng đoạt giải dương cầm quốc tế đang cùng gia đình xin tị nạn chính trị tại Canada.

Từ Đức, sinh viên âm nhạc Nguyễn Quang Hồng Ân, 18 tuổi, nói với VOA rằng cô cùng cha mẹ đang xin tị nạn chính trị tại Canada, trong khi thời hạn lưu trú tạm thời đã kết thúc và nguy cơ bị giam cầm tại Việt Nam là rất cao nếu bị trục xuất về nước.

“Thượng nghị sĩ Canada Ngô Thanh Hải đã nghe được lời khẩn cầu của gia đình, ông cùng với Đại sứ Canada tại Đức Stephane Dion và tổ chức VOICE Canada đã lên tiếng kêu gọi Đức ngưng trục xuất tạm thời.”

Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân, thân phụ của cô Hồng Ân, vào đầu tuần trước nói với VOA rằng chính quyền thành phố Nuremberg đã thu hồi tất cả các giấy tờ tùy thân của gia đình và cô con gái Hồng Ân, hiện là sinh viên năm thứ hai khoa dương cầm Đại học Âm nhạc Nuremberg, sẽ phải nghỉ học.

Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân, còn được biết đến là nhà văn, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang, từng bị chính quyền Việt Nam cầm tù. Vào tháng 12/2017, ông cho VOA biết, đơn xin tị nạn của gia đình ông đã bị chính phủ Đức bác. Ông nói:

“Tình hình rất là nguy hiểm vì chính phủ Đức đã tịch thu hết giấy tờ của tôi và ra lệnh trục xuất khỏi nước Đức với lý do là giữa Đức và Việt Nam đã ký một hiệp định bang giao. Tòa án ở Đức đã giải thích rằng tình hình ở Việt Nam hiện nay là rất tốt, cho nên việc tôi trở về sẽ được an toàn và chính phủ Đức bảo đảm rằng sẽ không xảy ra hành động trả thù. Nhưng nhận định này trái với tình hình thực tế là tại Việt Nam, năm 2017 là năm mà các nhà đối kháng bị bắt và giam tù nhiều nhất. Bây giờ tình hình rất là nguy hiểm. Sáng nay họ lại nhắc nhở là nên trở về Việt Nam, nhưng tôi không ký vào giấy, vì trở về là bị vào tù ngay.”

Bây giờ tình hình rất là nguy hiểm. Sáng nay họ lại nhắc nhở là nên trở về Việt Nam, nhưng tôi không ký vào giấy, vì trở về là bị vào tù ngay.

Ông Nguyễn Quang nói với VOA

Ông Quang nói rằng hiện nay hồ sơ xin tị nạn chính trị của gia đình ông ở Canada đã được gởi đến Bộ Di Trú Canada:

“Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải và ông đại sứ Canada tại Đức đã can thiệp kịp thời, chứ nếu không thì tôi đã bị tống xuất về Việt Nam cách đây mấy tháng rồi. Hiện nay tất cả hồ sơ của tôi đã được xác nhận tại Bộ Di trú của chính phủ Canada, nay chỉ cần điều kiện nữa là có đủ tiền ký gửi do tổ chức VOICE Canada đứng ra hỗ trợ. Sau đó thì chúng tôi sẽ đi đến Canada.”

Ông Đỗ Kỳ Anh, đại diện VOICE Canada xác nhận với VOA: “Chúng tôi đã gởi đơn bảo lãnh, và Bộ Di Trú Canada xác nhận đã nhận được đơn ấy.”

Ông Kỳ Anh cho biết thêm, “Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải cùng VOICE Canada đã nói chuyện với đại sứ Stephane Dion, yêu cầu can thiệp với chính phủ Đức. Theo VOICE được biết, ông Dion đã can thiệp với phía Đức về trường hợp này.”

Vẫn theo ông Đỗ Kỳ Anh, ông tin rằng phía Đức sẽ không trục xuất cho đến khi Canada hoàn tất thủ tục tiếp nhận gia đình ông Nguyễn Quang. “Công việc tiếp theo là gây quỹ, đủ để chứng minh với Canada rằng VOICE Canada có thể lo cho gia đình này trong một năm; đồng thời phải chuẩn bị tiền mua vé máy bay cho gia đình sang Canada.”

Trang Thời báo trích lời ông Đỗ Kỳ Anh, rằng tổ chức của ông đã vận động cộng đồng bảo trợ cho gia đình này, một cựu tù nhân lương tâm, và để Hồng Ân có cơ hội trở lại trường, phát triển tài năng âm nhạc.

Ông Quang chia sẻ các hoạt động nhân quyền của ông ở trong nước:

“Sau khi cộng sản chiếm miền Nam thì tôi hoạt động về nhân quyền, nhưng sau đó tổ chức bị vỡ. Sau khi ra tù tôi thấy Việt Nam thiếu về nghề nghiệp nên tôi mới mở một trường công nghệ ở Đà Lạt để đào tạo ngành nghề cho sinh viên, nhưng họ biết tôi ở tù mới ra cho nên họ đóng cửa. Trong khoảng thời gian 8 năm liền tôi không làm được gì nên tôi chỉ viết sách – viết khoảng 20 quyển sách và phát hành trên Amazon cho đến khi tôi rời khỏi Việt Nam vào năm 2015.

“Tôi cũng cùng với bác sĩ Nguyễn Đan Quế thành lập Hội cựu tù nhân lương tâm, thành lập Diễn đàn Đại học Nhân quyền, và sau đó là Viện Nhân quyền Việt Nam. Đó là những việc làm mà khiến chính quyền Việt Nam để ý và theo dõi rất nhiều.”

Các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Quang là Biển Đỏ Việt Nam, Tôi có Giấc mơ Việt Nam tự do, Chiến tranh và Hòa bình Việt Nam.

Ba của tôi là một cựu tù nhân lương tâm, đã từng bị giam giữ 20 năm dưới chế độ Cộng sản. Ông là một nhà hoạt động nhân quyền và hiện điều hành Viện nhân quyền Việt Nam. Đơn xin định cư Canada đã được nộp nhưng hiện còn thiếu khoản tiền ký quỹ.

Cô Nguyễn Quang Hồng Ân

Năm 1979, ông Nguyễn Quang bị tòa án ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa cáo buộc “hoạt động tuyên truyền chống phá Cách mạng” và tổ chức đưa sinh viên, học sinh ra ngoại quốc. Trong lời nói cuối cùng trước tòa, ông kêu gọi LHQ mở cuộc điều tra về vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Hồng Ân cho biết thêm về án tù của cha:

“Ba của tôi là một cựu tù nhân lương tâm, đã từng bị giam giữ 20 năm dưới chế độ Cộng sản. Ông là một nhà hoạt động nhân quyền và hiện điều hành Viện nhân quyền Việt Nam. Đơn xin định cư Canada đã hoàn tất nhưng hiện thiếu khoản tiền ký quỹ 24.200 đôla.”

Về các giải thưởng dương cầm của Hồng Ân, vào năm 2014, Thông Tấn xã Việt Nam loan tin Nguyễn Quang Hồng Ân, khi ấy là học viên nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, đã thắng tất cả 3 giải trong cuộc thi Piano Quốc Tế tại thành phố San Jose, Hoa Kỳ.

Vào năm 2016, một năm sau khi cùng cha mẹ đến Đức, Hồng Ân đã đoạt giải nhất tại cuộc thi âm nhạc nổi tiếng Piano-Steinway.

https://www.voatiengviet.com/a/tai-nang-duong-cam-viet-xin-ti-nan-tai-canada/4211986.html