Tin Việt Nam – 18-10-2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 18-10-2016

Lũ lụt ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh

13 luật sư kiến nghị ‘phá bỏ ngay những thủy điện gây hại’

Một luật sư Hà Nội bình luận với BBC sau khi gửi kiến nghị đến bốn lãnh đạo Việt Nam yêu cầu phá bỏ ngay những đập thủy điện gây nguy hại cho người dân.

Hôm 18/10, bản kiến nghị của Luật sư Ngô Ngọc Trai và 12 luật sư khác từ các Đoàn Luật sư Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh được gửi qua đường bưu điện đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng.
“Chúng tôi cho rằng các đập thủy điện đem lại lợi ích không bõ cho cái thiệt hại gây ra. Mạng người là vô giá, không thể để mạng dân cứ chết vơi mỗi năm một ít như thế được, không thể để cơ nghiệp của dân tích cóp bao năm tiêu tán dần vì lũ,” bản kiến nghị viết.
“Việc này nếu không xử lý dứt điểm thì với lòng tham và sự thiếu trách nhiệm rồi sẽ lại có lũ khác và người chết khác”.
Hôm 18/10, trả lời BBC từ Hà Nội, Luật sư Ngô Ngọc Trai nói: “Tôi thấy khó có khả năng chúng tôi nhận được phản hồi.”
“Bởi vì trước đây cũng đã có nhiều kiến nghị được các luật sư gửi đi mà chẳng thấy phản hồi gì.”
“Nhưng việc gửi kiến nghị cũng là cách thực hiện quyền công dân và cho những người lãnh đạo thấy là công dân lên tiếng trước những vấn đề xã hội, tham gia vào công cuộc quản trị quốc gia cũng như kiến thiết đất nước.”
Luật sư cũng cho hay: “Tôi không rõ các nhà máy thủy điện như Hố Hô có quy trình xả lũ được Bộ Công thương phê duyệt hay không?”
“Ngay cả khi việc xả lũ đúng quy trình đi nữa nhưng gây thảm nạn chết người và khiến hàng nghìn hộ dân ngập sâu thì vấn đề không phải ở quy trình nữa mà là sự tồn tại của những nhà máy thủy điện đó.”
‘Yếu ớt
Bình luận về chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc “Thủy điện Hố Hô xả lũ sai thì phải đền bù dân” được các báo Việt Nam tường thuật, ông Trai nói: “Chỉ đạo này quá yếu ớt, đền bù chỉ là vấn đề nhỏ, không thỏa đáng với tính chất nghiêm trọng của vụ việc.”
lũ lụt
AFP
Đưa hàng cứu trợ tới các vùng lũ lụt ở Quảng Bình
“Lẽ ra Thủ tướng phải làm rõ trách nhiệm của nhà máy thủy điện Hố Hô cũng như các nhà máy thủy điện khác.”
“Nếu nhận thấy mức độ thiệt hại nghiêm trọng do những nhà máy thủy điện này gây ra thì phải quyết định có cho phép các công trình này tiếp tục tồn tại hay không.”
“Trong bản kiến nghị tôi có nêu hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của trận lũ vừa rồi có yếu tố con người. Như thế là đủ yếu tố dấu hiệu của tội phạm và do vậy cần chỉ đạo khởi tố điều tra, xác định người phải chịu trách nhiệm truy tố ra trước pháp luật và buộc bồi thường khắc phục hậu quả cho người dân.”
“Lãnh đạo phải không chấp nhận tái diễn những thảm họa xả lũ như tại Thủy điện Hố Hô.”
“Tôi được biết trên cả nước có khoảng 71 đập thủy điện. Nếu không có biện pháp xử lý nghiêm khắc, mang tính răn đe thì những đập thủy điện khác cứ tiếp tục cẩu thả trong hoạt động và gây ra thảm họa.”
Trả lời câu hỏi của BBC về việc có cân nhắc giữa việc gửi kiến nghị đến lãnh đạo và việc tư vấn cho người dân Hà Tĩnh và Quảng Bình khởi kiện Thủy điện Hố Hô về việc bồi thường thiệt hại do lũ, luật sư Trai nói: “Hiện tại, tôi và các luật sư ở Hà Nội chưa liên hệ được những người dân bị thiệt hại do việc đi lại khó khăn trong khu vực này.”
“Do vậy rất cần có một tổ chức xã hội dân sự nào đấy kết nối người dân với luật sư cho việc này.” – BBC

Trực thăng huấn luyện chở ba người rơi tại Bà Rịa-Vũng Tàu

Trực thăng EC 130
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Trực thăng EC 130 của quân đội Việt Nam (ảnh minh họa)
Thủ tướng csvn Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo quân đội tổ chức chiến dịch tìm kiếm chiếc trực thăng huấn luyện rơi sáng thứ Ba 18/10 ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trực thăng Eurocopter EC 130 của Trung tâm Huấn luyện (Bà Rịa – Vũng Tàu) thuộc Tổng Công ty trực thăng Việt Nam, số hiệu 8632EC130T2, khi thực hiện bay huấn luyện đã mất tích vào khoảng 08:30 sáng, theo truyền thông Việt Nam.
Trên trực thăng này là một giáo viên và hai học viên.
Các báo trong nước cho hay danh tính ba người này là Đại úy Dương Lê Minh (giáo viên), Trung úy Đặng Đình Duy và Trung úy Nguyễn Văn Tùng (học viên).
Đây là vụ mới nhất trong nhiều vụ rơi máy bay của quân đội khi đang huấn luyện.
Trực thăng EC 130 là loại hiện đại, do hãng Airbus sản xuất.

Biến mất khỏi radar

Tranh web của Chính phủ cho biết “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, yêu cầu Bộ Quốc phòng tập trung tìm mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm cứu nạn phi công trong chiếc trực thăng bị nạn ở Bà Rịa – Vũng Tàu”.
Ông Phúc cũng yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu phối hợp với Bộ Quốc phòng trong nhiệm vụ này.
Lực lượng tìm kiếm đã xác định được khu vực máy bay rơi, thuộc vùng Núi Dinh, tuy nhiên phải dừng công việc khi trời tối.
Không quân Việt Nam đã mất liên tục nhiều máy bay: hồi tháng 6/2016 chiếc Su-30 chở hai phi công mất tích trên biển Thanh Hóa; sau đó một chiếc Casa-212 chở chín người đi tìm chiếc Su-30 cũng gặp nạn.
Trừ một người, phi hành đoàn trên hai máy bay nói trên đều thiệt mạng.
Từ tháng 7/2014, có hai vụ rơi trực thăng quân đội khác, tổng số hơn 20 người chết.
Hai vụ tai nạn chiến đấu cơ Su-22 vào năm 2006 và năm 2009 cũng đã khiến hai phi công tử nạn. – BBC

Ngư dân đi kiện Formosa ‘bị chặn’ ở Nghệ An

Người dân tại giáo xứ Phú Yên trong ngày tham dự đi kiện
Image LE VAN SON
Người dân tại giáo xứ Phú Yên trong ngày tham dự đi kiện
Một số người dân từ Nghệ An đến tòa án huyện Kỳ Anh để nộp đơn kiện công ty Formosa cáo buộc công an và an ninh chặn đường của họ.
Video những người này nói là quay tại hiện trường và đăng trên mạng xã hội cho thấy xe của linh mục Đặng Hữu Nam và nhiều người dân bị xe của công an giao thông chặn.
Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, người dẫn đầu đoàn người đi gửi đơn kiện nói họ đang dừng tại “Bến Thủy, vẫn trong địa phận Nghệ An”.
Một người dân ẩn danh nói với BBC Tiếng Việt: “Lẽ ra chúng tôi khởi hành từ bốn giờ sáng để đến tòa án Kỳ Anh. Nhưng các nhà xe bị chặn không cho thuê xe. Chúng tôi phải thuê 60 xe taxi để đưa ngư dân đi. Nhưng nhiều xe cũng đã bị chặn lại trên đường.”
Cuộc trò chuyện với BBC nhiều lần bị cắt ngang khi có tiếng công an giao thông yêu cầu “xuống kiểm tra”.

“Bị chặn”

Linh mục Đặng Hữu Nam nói qua điện thoại với BBC: “Họ yêu cầu chỉ đi đại diện thì chúng tôi chỉ cho đại diện đến 100 người, còn tất cả những người dân tôi đã cho về cả rồi. Vô đến cầu Bến Thủy, rất là đông công an giao thông, hàng trăm người và các công an khác chặn xe của chúng tôi.”
“Hai bên đường rất nhiều công an,” người dân tham dự cuộc đi nộp đơn cho biết.
“Theo như các nhà xe nói thì công an tỉnh, huyện trình cho họ một văn bản cấm họ không được đi” và “dọa bị khởi tố”, ông cho biết về việc họ không thể thuê được 45 xe để chở người dân đến Kỳ Anh để nộp đơn.
Người đi kiện nói họ thuê được hơn 60 xe taxi nhưng sau đó một số xe “đã bị chặn” và “bị ép buộc đẩy khách không cho đi nữa”.
Hình ảnh tại hiện trường cho thấy nhiều công an chặn đoàn xe
FACEBOOK
Hình ảnh tại hiện trường cho thấy nhiều công an chặn đoàn xe
Trang tin tức công giáo Tin mừng cho Người nghèo tường thuật “ông Nguyễn Văn Sửu, công an tỉnh Nghệ An, đánh xe xuống tận nơi và nói với phái đoàn có thể tiếp tục đi nhưng ông không đảm bảo sự an toàn tính mạng cho phái đoàn”.
Linh mục Đặng Hữu Nam nói với BBC Tiếng Việt ông giải thích với công an tỉnh Nghệ An “các vị lôi người dân của chúng tôi xuống đánh đập và đã đuổi đi một xe rồi, chúng tôi có muốn đi nữa cũng không đủ xe. Đó là điều công an tỉnh Nghệ An phải xử lý”.
Ông Đặng Hữu Nam cũng nói ông lo ngại “sự an toàn của chúng tôi ai là người đảm bảo”.
Ông cho biết các nhà chức trách muốn ông “trở về”.
“Chúng tôi đã cộng tác rất thiết thực với bộ công an, ban tuyên giáo và chính quyền các tỉnh và Tòa giám mục. Chúng tôi đã đưa đi chỉ có 40 người chứ không phải 100 người như Bộ công an nói với chúng tôi. Nhưng bây giờ chúng tôi đã bị chặn như thế, bị đánh đập như vậy, ai sẽ là người đảm bảo an toàn cho chúng tôi?”
BBC không có điều kiện xác thực việc có xảy ra xô xát tại nơi đoàn xe bị chặn.

100 bộ đơn mới

Ông Nam nóï ông “mang theo 506 đơn kiện đã bị trả cùng 506 đơn khiếu nại đơn quyết định trả đơn của tòa án và 100 bộ đơn mới mà ngư dân mới làm”.
Ông nói “nhà nước Việt Nam tôn trọng pháp luật. Chúng tôi chỉ cần nhà nước làm theo pháp luật của nhà nước thôi”.
“Chúng tôi rất mong ít nhất là những luật pháp và những gì nhà nước Việt Nam viết ra thì họ tôn trọng và hành xử theo hiến pháp và pháp luật Việt Nam thì hạnh phúc cho chúng tôi.”
“Đáng lẽ ra việc kiện tụng này không phải của người dân mà lẽ ra chính phủ sẽ kiện cho chúng tôi nếu nhà nước nói đây là nhà nước của dân, do dân và vì dân,” linh mục Đặng Hữu Nam trả lời BBC vì lý do hỗ trợ người dân về vụ kiện.
Xe taxi bị chặn
Image FACEBOOK
Người dân tham dự đi kiện nói họ “không thuê được xe”
Trước đó, linh mục Đặng Hữu Nam viết trong một thông cáo phát đi ngày 16/10 nói: “khoảng 1.000 người dân ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An sẽ vượt hơn 200km để vào Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh để tiếp tục nạp đơn khởi kiện Formosa và khiếu nại việc tòa án Kỳ Anh bác đơn khiếu kiện của họ”.
Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, thông cáo được Ủy ban huyện Quỳnh Lưu phát đi nói linh mục và người dân “đi vào huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trong điều kiện mưa bão sẽ không an toàn và không phù hợp với điều kiện cụ thể hiện nay”.
Thông cáo này đề nghị “không tổ chức” việc đi kiện và “chỉ nên cử đại diện ít người” với lý do là có cơn bão số 7.

Ảnh hưởng hàng trăm ngàn người

Ông Đặng Hữu Nam cũng là người cùng với hơn 500 ngư dân đã đến tòa Kỳ Anh nộp đơn kiện công ty Formosa vào ngày 26/9.
Các đơn kiện này sau đó đã bị Tòa án Kỳ Anh trả lại đơn với lý do “trong đơn và các tài liệu không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại thực tế”.
Trước đó, báo cáo của chính phủ Việt Nam nói vụ cá chết ở miền Trung ảnh hưởng hàng trăm ngàn người.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân, được dẫn lời nói tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 14 hồi tháng Bảy rằng việc Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường và gây hậu quả nghiêm trọng cho 4 tỉnh ven biển miền Trung.
Một báo cáo khác được mô tả là vừa được gửi đến Quốc hội cho biết Chính phủ Việt Nam nói: “Theo Chính phủ, tính toán sơ bộ thì sự cố ô nhiễm biển miền Trung đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100 nghìn người, do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và 176.285 người phụ thuộc”.
Hôm 20/9, thông cáo của Bộ Y tế Việt Nam nói người dân “không sử dụng các loại hải sản” ở tầng đáy sống trong vòng 20 hải lý, sau sự cố thảm họa môi trường khiến cá chết.
Công ty Formosa bị cáo buộc và thừa nhận gây ra vụ cá chết ở ven biển bốn tỉnh miền Trung từ tháng 4/2016, và đồng ý bồi thường 500 triệu đôla Mỹ.- BBC

Chia cắt, ngăn cản giáo dân khiếu kiện Formosa

BTV Mặc Lâm
2016-10-17
Đúng như thông cáo báo chí của linh mục Đặng Hữu Nam đưa ra vào ngày hôm qua, một ngàn giáo dân giáo xứ Phú Yên đã tập trung vào sáng sớm hôm nay ngày 18 tháng 10 năm 2016 tại nhà thờ Phú Yên để bắt đầu cuộc hành trình hơn hai trăm cây số tới Tòa án Kỳ Anh, tiếp tục nộp đơn khởi kiện Formosa sau khi 506 gia đình bị tòa Kỳ Anh bác đơn khởi kiện.
Vào lúc 4 giờ sáng giáo dân tập trung tại nhà thờ, 5 giờ sáng một số giáo dân đã lặng lẽ dùng các loại xe có được lên đường tới tòa án Thị xã Kỳ Anh.
Ngay chiều tối ngày hôm qua đã xảy ra một vụ bắt cóc tài xế xe chở đoàn và bị đánh đập, hăm dọa nếu chở người khởi kiện sẽ bị hành hung, mất giấy phép hành nghề. Sáng nay đoàn khởi kiện hầu như di chuyển bằng hệ thống xe taxi vì hầu hết xe buýt đều bị cô lập.
Vào lúc 7 giờ sáng, tất cả các ngã đường đều bị CSGT và các lực lượng an ninh chặn lại.
8 giờ sáng: nhóm giáo dân đầu tiên bị chặn tại Ngã tư Cầu Giác thuộc thị trấn Quỳnh Lưu một số lớn xe chở giáo dân không tới được. Một số côn đồ rải đinh và cố tình gây tai nạn.
Lúc 8 giờ 30 sáng linh mục Nam cho chúng tôi biết tình hình sau nhiều giờ bị phá sóng:
“Tình hình rất căng thẳng bởi vì Bộ Công an đã vào đi đến tất cả các nhà xe trên địa bàn tỉnh Nghệ An và nhà nào có xe cũng vào cả. Họ tuyên bố rõ ràng là cấm và hứa hẹn sẽ bị đàn áp. Một số nhà xe bị bắt cóc, bị đánh đập. Bây giờ trên đường kể cả xe taxi cũng bị ngăn cản, bắt bớ. Có một hiện tượng kỳ quái là trên đường đi có những người đi trước rải đinh giữa đường để cho xe bị cán đinh sẽ nằm lại”
Cùng lúc đó Công ty Taxi Mai Linh đã kêu gọi các tài xế bỏ cuộc, không chở giáo dân đi Kỳ Anh nữa.
Bộ Công an đã gọi điện cho linh mục Nam để điều đình về vụ khởi kiện.
Khi được hỏi trong tình trạng bị chia cắt như vậy liệu có thể gom thành một nhóm nhỏ để chuyển đơn khiếu kiện cho kịp với thời gian mà Tòa án quy định hay không linh mục Nam cho biết:
“Bộ Công an cũng như chính quyền không cho đi cho nên bây giờ chúng tôi quyết định là sẽ tìm cách đi theo một nhóm người nhỏ vì không thể đi được cả ngàn người”.
Sau khi trao đổi với chúng tôi, linh mục Đặng Hữu Nam đã dùng loa phóng thanh cầm tay kêu gọi anh chị em giáo dân trở về lại Phú Yên còn cha và một nhóm nhỏ tiếp tục vào Kỳ Anh:
“Anh chị em chúng ta vui lòng trở lai xe của mình trở về Phú Yên và cha sẽ cùng với ít người đại diện vào trong tòa. Đồi với các nhà xe chúng ta không thực hiện được chương trình của mình thì không phải lỗi của tôi, không phải lỗi của anh em nhưng vì nhà cầm quyền ngăn cản vì chén cơm manh áo của anh nữa cho nên cha sẽ hỗ trợ cho anh em. Anh em giúp cha đưa người về Phú Yên lại”
Lúc 9 giờ linh mục Đặng Hữu Nam cùng với một nhóm hơn hai mươi người đã khởi hành về Tòa án Kỳ Anh. Đích thân linh mục Nam lái xe. Lúc 11 giờ xe linh mục Đặng Hữu Nam bị chận lại không cho vào địa phận của tỉnh Hà Tình. Giấy tờ xe của linh mục Nam bị tạm giữ, Cha Nam cho biết sẽ đợi Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đến đây giải quyết và có thể Đức cha sẽ đưa phái đoàn đến Tòa án Thị xã Kỳ Anh gửi đơn khiếu nại. Linh mục Nam tố cáo công an đã lôi một số bà con ngư dân đang ở trên xe xuống và hành hung. Cùng lúc ấy nhiều người trên cộng đồng mạng tẩy chay hãng xe taxi Mai Linh vì tổng giám đốc điểu hành hãng xe này là Hồ Huy đã trực tiếp ra lệnh cho anh em tài xế hoặc là phải bỏ về hoặc là sẽ mất việc. Chúng tôi tiếp tục theo dõi và cập nhật ngay khi có diễn biến mới xảy ra. – RFA

Chiến hạm Canada thăm Sài Gòn

Chiến hạm HMCS Vancouver thuộc lực lượng hải quân Canada, ảnh minh họa.

Chiến hạm HMCS Vancouver thuộc lực lượng hải quân Canada, ảnh minh họa. – Courtesy Royal Canadian Navy
Hôm nay chiến hạm HMCS Vancouver thuộc lực lượng hải quân Canada cập bến cảng Sài Gòn, Việt Nam, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị nằm trong khuôn khổ Westploy 16.
Westploy 16 là chương trình nhằm xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Hải quân Canada và hải quân các nước Châu Á Thái Bình Dương.
Báo VietnamNet dẫn lời đề đốc Jeff Zwick, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Canada cho biết trong chuyến thăm này sẽ tiếp tục đối thoại về quốc phòng giữa Canada với Việt Nam và thực hiện những chuyến đi thăm cộng đồng. Mục tiêu nhằm duy trì mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. – RFA

Trẻ sơ sinh đầu tiên ở VN bị nghi dị tật đầu nhỏ do vi rút Zika

Vi rút Zika được cho là có liên hệ tới bệnh đầu nhỏ và dị tật này khiến trẻ sinh ra có phần đầu dị thường và có thể dẫn tới khuyết tật về trí tuệ và ngôn ngữ.
Vi rút Zika được cho là có liên hệ tới bệnh đầu nhỏ và dị tật này khiến trẻ sinh ra có phần đầu dị thường và có thể dẫn tới khuyết tật về trí tuệ và ngôn ngữ.
Linh Đan
Việt Nam vừa phát hiện trường hợp đầu tiên nghi là dị tật bẩm sinh với triệu chứng đầu nhỏ. Nếu được xác định, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thứ 2 ở Á Châu, sau Thái Lan, có trẻ mắc chứng đầu nhỏ do vi rút Zika gây nên.
Các xét nghiệm ban đầu cho thấy người mẹ và thai nhi – cư ngụ ở huyện Krong Buk của tỉnh Đắc Lak – từng nhiễm vi rút Zika. Cục trưởng cục Y Tế Dự Phòng Trần Đắc Phu đã xác định điều này với VOA Việt Ngữ:
“Bệnh nhân này khi mang thai có triệu chứng sốt phát ban và sốt nhẹ nhưng không đi điều trị ở đâu, tại nhà thôi.”
Tiến sĩ Phu cho biết kết quả kiểm nghiệm cuối cùng sẽ được công bố để cho thấy bé bị dị tật đầu nhỏ có phải do vi rút Zika hay không.
Quan chức của bộ Y Tế này cũng khẳng định với VOA Việt Ngữ về 2 trường hợp nhiễm vi rút Zika mới nhất ở Việt Nam. Ông Phu nói 2 trường hợp này đều ở thành phố Hồ Chí Minh và có xét nghiệm lâm sàng dương tính với Zika.
Với tổng số 7 ca lây nhiễm cho tới nay và đặc biệt là trường hợp dị tật đầu nhỏ có nghi ngờ liên quan tới Zika mới được phát hiện, bộ Y Tế đã nâng mức cảnh báo với dịch bệnh do vi rút Zika gây ra. Với mức cảnh báo này, theo ông Phu, các hoạt động truyền thông và khuyến cáo sẽ được tăng cường đặc biệt cho phụ nữ có thai và sắp mang thai. Nhưng có nhiều cộng đồng ý thức còn kém và có nguy cơ cao nhiễm bệnh.
Ông Phu nói: “Liên quan tới những vùng hiện nay lưu hành sốt xuất huyết ở miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên. Thứ 2 là liên quan tới những nơi mưa nhiều thì tăng sự lưu hành của việc truyền bệnh sốt huyết và Zika.”
Tất cả các ca lây nhiễm Zika của Việt Nam đều từ miền Trung đổ vào Nam nhưng bộ Y Tế đã đưa ra cảnh báo loại vi rút này có thể lan truyền lên phía bắc và khuyến cáo người dân khi lưu hành tới hoặc từ các khu vực có lây nhiễm Zika phải báo cáo đầy đủ và đi điều trị.
Đầu tháng này, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã cảnh báo rằng Zika sẽ lan truyền rộng ở các nước Đông Nam Á và đang được coi là một bệnh dịch ở Việt Nam. Theo WHO, vi rút Zika đã được cho là có liên hệ tới bệnh đầu nhỏ và dị tật này khiến trẻ sinh ra có phần đầu dị thường và có thể dẫn tới khuyết tật về trí tuệ và ngôn ngữ.
Hội chứng đầu nhỏ có thể ghi nhận ở 1-10% trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm vi rút Zika trong 3 tháng đầu thời kỳ mang thai. Hiện Thái Lan đã ghi nhận 2 trường hợp đầu nhỏ có liên quan tới vi rút Zika. WHO xác định đây là những trường hợp đầu tiên mắc chứng này có liên quan đến vi rút Zika tại khu vực Đông Nam Á. VOA

Hy vọng TPP cho Việt Nam đang được hồi sinh nhờ Nhật Bản?

Đại diện các nước tham gia ký kết Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP ở Auckland, New Zealand, 4/2/2016.
Đại diện các nước tham gia ký kết Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP ở Auckland, New Zealand, 4/2/2016.
Chính phủ Nhật Bản vừa thúc giục quốc hội nước này nhanh chóng thông qua hiệp định thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP với hy vọng tiếp sức cho hiệp định khu vực này, dù cho nó đang bị chống đối ở Mỹ.
Theo tờ Japan Times, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe hôm 13/10 bày tỏ quyết tâm nhanh chóng thông qua hiệp định thương mại tự do này và gây áp lực với Washington tiếp bước họ. Các thành viên trong nội các của ông Abe tái khẳng định quyết tâm thông qua một dự luật để thông qua hiệp định này trước khi kết thúc khoá họp quốc hội ngày 30/11.
Bộ trưởng phụ trách phục hồi kinh tế Nobutera Ishihara được Japan Times trích lời nói “Nhật Bản cần đóng vai trò dẫn đầu để thông qua hiệp định thương mại này và tạo ra một sức đẩy trong nội bộ nước Mỹ.” Bộ trưởng này hối thúc nước ông rằng “Nhật Bản cần đứng ra lèo lái nước Mỹ” trong vấn đề này.
TPP được cho là không có cơ may sẽ được thông qua ở quốc hội Mỹ trước khi tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm tới. Trong chuyến công du tới châu Á cuối cùng vào tháng 9 vừa qua, ông Obama đã cam kết với các nhà lãnh đạo khu vực rằng ông sẽ thuyết phục quốc hội thông qua hiệp ước TPP.
Việt Nam được coi là quốc gia sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP và rất muốn có được hiệp định này. Nhưng trong bối cảnh hiệp định này bị cả hai đảng chính trị chống đối tại Hoa Kỳ, quốc hội Việt Nam đã tuyên bố sẽ chờ kết quả bầu cử và những động thái của quốc hội Mỹ.
Giáo sư của trường đại học New South Wales Carl Thayer, một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, nhận xét về vấn đề này:
“Hiệp định (TPP) có ảnh hưởng tới Việt Nam bởi Việt Nam rất cần hiệp định này. Việt Nam là một trong 12 nước ký kết và được cho là nước thu lợi nhiều nhất. Hiệp định này sẽ giúp tăng GDP và giúp Việt Nam tiếp cận tốt hơn với thị trường Mỹ. Việt Nam đang trong một thời kỳ khó khăn về mặt kinh tế, không có TPP sẽ ảnh hưởng đến cái nhìn của công chúng đối với chính quyền hiện nay.”
Nhưng ông Thayer cho rằng TPP sẽ khó được thông qua ở Mỹ:
“Kể từ khi TPP được ký kết (bởi 12 quốc gia thành viên), quốc hội Việt Nam đã trì hoãn thông qua lần thứ nhất vào tháng 5 rồi tháng 7 và tại kỳ họp mới nhất trong tháng 10. Tôi không nghĩ sẽ có hy vọng gì cho TPP. Tôi nghĩ TPP sẽ không được thông qua ở quốc hội Mỹ.”
TPP là một nhân tố quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Obama. Nhưng cả 2 ứng cử viên tổng thống – bà Hillary Clinton và ông Donald Trump – đều không ủng hộ hiệp định đã được 12 nước thành viên ven Thái Bình Dương ký kết.
Ông Thayer nói: “Chiến lược tái cân bằng lực lượng hướng về châu Á đặt trọng tâm vào hai lĩnh vực quân sự và kinh tế. Giờ đây tôi cho rằng 1 ‘chiếc chân’ của chiến lược này đã bị gãy do đó nó sẽ rất khó khăn. Câu hỏi thực sự giờ đây là, với một chính quyền mới, cho dù đó là ai, họ sẽ làm gì với các mối quan hệ thương mại ở châu Á Thái Bình Dương.”
Để TPP có thể có hiệu lực, hiệp định này cần phải được phê chuẩn bởi ít nhất 6 thành viên đại diện cho 85% tổng lượng GDP của toàn khối. Theo nhận định của tờ Wall Street Journal, điều đó có nghĩa là Mỹ phải thông qua hiệp định này, nếu không nó sẽ chết.
Giáo sư Thayer cũng đồng ý với quan điểm này, ông cho rằng hiệp định đã được ký kết nên khó có thể thương thuyết lại các điều khoản:
“Giờ đây rất khó bởi 12 nước thành viên đã đồng ý với hiệp định này. Họ có 5 năm để phê chuẩn nó. Nhật Bản và Australia đã nói với Mỹ rằng họ sẽ không thương thuyết lại các điều khoản. Nhưng trong chính trường, bất cứ điều gì đều có thể xảy ra. Tôi tin rằng sẽ không có TPP nếu không có Hoa Kỳ. 11 nước thành viên còn lại không thể tiếp tục nếu không có người Mỹ.”
TPP sẽ xóa bỏ hầu hết các loại thuế và các rào cản thương mại khác trong khối 12 nước – bao gồm cả Canada, Úc, New Zealand, Singapore và một số nước thành viên khác ở châu Mỹ. Hiệp định cũng bao gồm các điều luật về quyền của người lao động và môi trường làm việc.

Cả 2 chính phủ Nhật Bản và Úc cũng đang đối mặt với một số khó khăn trong việc phê chuẩn TPP. Theo Wall Street Journal, các đảng đối lập không tham dự buổi họp quốc hội Nhật Bản hôm 13/10 và cho rằng ông Abe đang đi quá nhanh. Trong khi đó đảng của thủ tướng đương nhiệm Úc Malcolm Turnbull không có đủ số phiếu để phê chuẩn TPP. Nhưng ở Tokyo, ông Abe và liên minh của ông có thể dễ dàng vượt qua được sự chống đối và theo giáo sư Thayer, nếu bà Clinton đắc cử, thời cuộc có thể thay đổi ở Mỹ. – VOA

Em trai tỷ phú Việt Nam ‘nuôi gia súc’ ở Australia?

Một trang trại nuôi gia súc ở Australia. (Ảnh tư liệu)
Một trang trại nuôi gia súc ở Australia. (Ảnh tư liệu)
Một doanh nhân nổi tiếng ở trong nước, em trai tỷ phú tiền đô đầu tiên của Việt Nam, “chi 18 triệu đôla Úc mua trang trại nuôi gia súc ở Australia”.
Hãng ABC mới loan tin này, và nói thêm rằng “đây được coi là khoản đầu tư lớn đầu tiên của người Việt vào ngành nuôi bò ở miền bắc Australia”.
Tin cho hay, trang trại có tên gọi Vermelha đã được bán cho công ty An Vien Pastroral Holding, và theo ABC, Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư của Úc niêm yết ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch của Tập đoàn truyền thông An Viên, là cổ đông chính của công ty này.
Thống kê của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gia súc sống và thịt Australia, Việt Nam là thị trường xuất khẩu gia súc lớn thứ hai của Úc. Năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 300 nghìn gia súc từ Australia để vỗ béo rồi mổ lấy thịt.
VOA tiếng Việt hôm 18/10 không thể liên lạc được với ông Vũ để xác nhận thông tin trên. Doanh nhân này là em trai của chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, là tỷ phú tiền đô đầu tiên của Việt Nam, với giá trị tài sản lên tới hơn 2 tỷ đôla, theo Forbes.
Hãng ABC cũng dẫn lời báo chí Australia đưa tin hồi tháng Hai rằng “Vingroup đã mua lại một công trình xây dựng ở khu trung tâm thành phố Sydney với giá 22,5 triệu đô la Úc”.
VOA Việt Ngữ cũng không thể liên lạc được với ông Vượng để khẳng định thông tin này. Về xu hướng doanh nhân Việt đổ ra nước ngoài đầu tư, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét rằng đây là một “hiện tượng rất đáng chú ý”:
“Nhiều doanh nghiệp trẻ có năng lực ngoại ngữ, có những ngành nghề chuyên môn hấp dẫn, thì đã đăng ký doanh nghiệp ở Singapore, Canada, Australia và ở Thái Lan. Lý do họ phải đăng ký doanh nghiệp ở nước ngoài như vậy vì thủ tục ở Việt Nam ngăn cản họ kinh doanh một cách thuận lợi. Nếu như Việt Nam không cải thiện môi trường kinh doanh, không giảm lãi suất, chi phí vận chuyển, các chi phí phi chính thức hiện nay rất cao, thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ đầu tư ra nước ngoài, lập doanh nghiệp ở nước ngoài, đóng thuế cho nước ngoài, tạo công ăn việc làm cho nước ngoài, và nước Việt Nam không được cái gì cả”.
Kinh tế gia này nói thêm rằng “đấy là điều hết sức đáng lo ngại”, nhưng lại là “sức ép để Việt Nam phải thực sự cải cách môi trường kinh doanh”.
Ông Doanh trích lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam “phải xây dựng một nhà nước kiến tạo, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà nước liêm chính, chứ không phải là nhà nước hành chính, và hành doanh nghiệp là chính”.
Tiến sĩ Doanh nói thêm rằng việc các “đại gia như Phạm Nhật Vũ, hay những ông này khác” đầu tư ra nước ngoài cũng là “điều bình thường trong thế giới hội nhập hiện nay”.
Thông tin về vụ đầu tư của gia đình họ Phạm, mà VOA chưa thể xác nhận được, loan đi trong bối cảnh ngày càng có nhiều doanh nhân Việt hướng ra nước ngoài.
Khi được hỏi, ngoài vấn đề thủ tục khó khăn, liệu các doanh nhân Việt Nam có phải đang tìm đến một môi trường tốt đẹp hơn cho bản thân và cho gia đình ở nước ngoài, kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói:
“Rất có thể. Tôi thì chỉ nói chuyên về môi trường kinh doanh thôi, còn thì nếu mở rộng ra thì đó là môi trường về giáo dục. Hiện nay người Việt Nam mỗi một năm chi 3 tỷ đôla Mỹ gửi 120 nghìn con em của mình đi học ở nước ngoài. Đấy là một thách thức rất lớn cho nền giáo dục Việt Nam. Nếu nền giáo dục Việt Nam xây dựng được một mô hình giáo dục, một hệ thống giáo dục và để cho người dân Việt Nam chi 3 tỷ đôla hàng năm cho ngành giáo dục, thì ngành giáo dục Việt Nam có thể được hiện đại hóa và cải thiện rất nhiều. Hiện nay điều đó chưa xảy ra. Đấy cũng là một thách thức nữa. Còn về ô nhiễm, thì TP HCM và Hà Nội, nhất là Hà Nội, gần đây đã bị ô nhiễm hết sức nghiêm trọng”.
Báo chí Việt Nam dẫn số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế và Vụ Liên Hiệp Quốc về vấn đề kinh tế và xã hội cho thấy từ năm 1990 đến năm 2015 có hơn 2,5 triệu người Việt Nam di cư ra nước ngoài.
Tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư, và hầu hết đi đến các nước phát triển, trong đó tập trung đông nhất là ở Mỹ, với hơn 1,3 triệu người.
Bà Nguyễn Phương Mai, Phó Giáo sư Tiến sĩ chuyên ngành giao tiếp và quản trị đa văn hóa, hiện đang giảng dạy tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, từng nhận định với VOA Việt Ngữ rằng cuộc di cư “thầm lặng” này liên quan tới khái niệm “tị nạn niềm tin”.