Tin Việt Nam – 17/12/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 17/12/2015

CSVN tăng cường tiềm lực quân sự để đối phó với TC

Trước nguy cơ xảy ra xung đột với TC, CSVN hiện đang tăng cường tiềm lực quân sự để có thể đẩy lùi các cuộc tấn công từ láng giềng phía Bắc ở bất cứ mặt trận nào.

Trong một bài viết phát ngày 17/12/2015, hãng tin Reuters cho biết như trên, dựa theo tuyên bố của các sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam và của những người thân cận với các sĩ quan này.

Một quan chức cao cấp của chính phủ CSVN, xin được giấu tên, nói với Reuters: “Chúng tôi không muốn xảy ra xung đột với Trung Quốc và vẫn tin tưởng vào hiệu quả của chính sách ngoại giao của chúng tôi. Nhưng chúng tôi biết rằng cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”.

Sự chuẩn bị của CSVN hiện nay không còn ở trong giai đoạn dự kiến nữa, mà nhiều đơn vị chủ chốt nay đã được đặt trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu cao”, trong đó có sư đoàn tinh nhuệ 308 (được thành lập từ năm 1955), đang trấn giữ miền núi phía Bắc Việt Nam.

Trên biển, Hà Nội cũng đang xây dựng một lực lượng “ngăn chận từ xa” với 6 tàu ngầm hạng Kilo mua của Nga. Chiếc đầu tiên trong số này trong những tháng qua đã bắt đầu tuần tra ở Biển Đông, theo xác nhận của các quan chức quân sự CSVN và ngoại quốc.

Thật ra, khi nói chuyện với Reuters, một sĩ quan cao cấp của Việt Nam không hề nhắc đến tên “Trung Quốc”. Nguy cơ xung đột với TC thường được nêu lên bằng nhóm từ “tình hình mới”.

Để nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội trước “tình hình mới”, các tướng lãnh Việt Nam nay đang tìm thêm đối tác chiến lược. Ngoài hai nguồn cung cấp truyền thống là Nga và Ấn Độ, Hà Nội cũng đang tìm mua vũ khí từ Hoa Kỳ, Nhật, Úc, Philippines, cũng như từ Châu Âu và Israel.

Theo Reuters, Việt Nam đang muốn mua thêm oanh tạc cơ phản lực của Nga và hiện đang thương lượng với các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ và Châu Âu để mua các chiến đấu cơ, các phi cơ tuần tra trên biển và máy bay giám sát không người lái. Hà Nội gần đây cũng đã nâng cấp và mở rộng lực lượng phòng không, với việc trang bị hệ thống radar báo động sớm của Israel và dàn tên lửa địa đối không tối tân S-300 của Nga.

Theo thẩm định của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong thập niên qua, chi tiêu quân sự của Việt Nam vượt hơn các nước láng giềng Đông Nam Á. Ông Tim Huxley, chuyên gia về an ninh khu vực, làm việc tại văn phòng Singapore thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, được Reuters trích dẫn, cũng nhìn nhận rằng: “Họ làm thế không phải chỉ để diễu binh quốc khánh, mà họ đang xây dựng khả năng quân sự thật sự”.

Nhưng theo Reuters, nói chuyện với khách ngoại quốc đến tham quan, các tướng lãnh Việt Nam nhìn nhận rằng khả năng của họ rất hạn chế. Sau hai thập niên tăng ngân sách quốc phòng trên 10% mỗi năm, TC nay có một quân đội hùng mạnh hơn nhiều. Các tùy viên quân sự ngoại quốc thì cho biết họ đang cố thẩm định khả năng thật sự của quân đội Việt Nam và tìm hiểu xem Việt Nam tiếp thu như thế nào các vũ khí mới phức tạp. Nhưng cho tới nay, họ được tiếp cận rất ít các thông tin này.

Tại một hội nghị vào tháng trước ở Singapore, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc, cho biết các chiến lược gia Việt Nam đã nói với ông rằng, nếu xảy ra xung đột giữa hai nước, Hà Nội có thể sẽ đánh vào các tàu chở hàng và tàu chở dầu mang cờ TC trên Biển Đông.

Tấn công như vậy không phải là nhằm phá vỡ thế thượng phong của quân đội Trung Quốc, mà là nhằm gây thiệt hại vật chất và tác động tâm lý đủ để khiến các nhà đầu tư hoảng sợ và khiến tiền đóng bảo hiểm tăng vọt. Nhưng theo Reuters, bộ Ngoại giao CSVN đã từ chối bình luận về thông tin nói trên. – Theo RFI

Quốc tế phản ứng mạnh về vụ bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài

Vụ bắt giữ luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài chứng tỏ rõ ràng những cam kết giả dối của Việt Nam về cải thiện nhân quyền, theo tố cáo của các cơ quan bảo vệ nhân quyền trên thế giới.

Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Đài, người vừa bị bắt khởi tố về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ lần thứ hai hôm 16/12, một ngày sau cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt Nam-Châu Âu tại Hà Nội.

Sự việc xảy ra không lâu sau khi Việt Nam nhất trí với các thỏa thuận của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP do Mỹ dẫn đầu, trong đó bao gồm nhiều cam kết về tôn trọng nhân quyền.

Ông Phil Robertson thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch phát biểu với VOA Việt ngữ:

“Vụ luật sư Đài xảy ra ngay sau thỏa thuận TPP và trước đại hội đảng sắp tới cho thấy những áp lực Hà Nội đang phải đối mặt với quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, về thành tích nhân quyền và với quốc nội trước những nhu cầu của dân chúng đòi hỏi nới lỏng tự do-dân chủ ngày càng tăng.”

CPJ, Ủy ban Bảo vệ Ký giả, cho rằng trường hợp của nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Đài là một thông điệp rõ ràng cho thế giới thấy Việt Nam không hề thay đổi trong các chính sách nhân quyền hà khắc và bất dung đối lập.

Ông Bob Dietz Điều phối viên khu vực Châu Á trong CPJ:

“Sự việc chứng tỏ Hà Nội không hề có bước tiến nào, vẫn nằm ngoài lề của thế giới văn minh-tiến bộ về nhân quyền. Tin tưởng những thỏa thuận đổi chác quyền lợi thương mại sẽ thúc đẩy nhân quyền Việt Nam là hoàn toàn sai lầm. Các làn sóng đàn áp, trù dập nhân quyền sẽ tiếp diễn tại Việt Nam cho tới khi nào chúng ta động được tới lương tâm của những nhà lãnh đạo độc tài.”

Ông Dietz nhấn mạnh thế giới sẽ không thấy một đất nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền nếu không đẩy mạnh những áp lực buộc Hà Nội phải có những cải cách căn cơ từ luật lệ, thể chế, và chính sách cai trị.

Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ khuyến cáo Hà Nội không thể dùng mãi những chiêu trò đã cũ rằng chỉ nhượng bộ nhân quyền khi cần để đổi lấy các quyền lợi thương mại rồi sau đó lại tiếp tục mọi chuyện vì cộng đồng quốc tế hiểu rất rõ những gì đang diễn ra tại Việt Nam.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF có trụ sở tại Pháp ca ngợi luật sư Đài là một nhà hoạt động dũng cảm, kiên trì tranh đấu cho nhân quyền, người bất chấp rủi ro để nâng cao nhận thức nhân quyền cho dân chúng và phản ánh cho thế giới thấy thực trạng tại Việt Nam.

Ông Ismail nói Ông Benjamin Ismail, người đứng đầu khu vực Châu Á thuộc RSF, nói vụ bắt giam luật sư Đài khiến quốc tế thêm lần nữa phẫn nộ về thành tích nhân quyền Việt Nam.

“Nhà cầm quyền Việt Nam phải hiểu là đàn áp, bắt bớ kiểu này chỉ mang lại hiệu ứng ngược vì một blogger bị bắt sẽ có hàng chục blogger khác đứng lên, và cuộc đấu tranh đòi hỏi dân chủ-nhân quyền của người dân Việt Nam sẽ ngày càng quật cường hơn từ những chính sách hà khắc như thế này. Đã tới lúc người dân Việt Nam không thể câm lặng.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài là một cựu tù nhân lương tâm được quốc tế biết tiếng, người thành lập Ủy ban Nhân Quyền tại Việt Nam hồi năm 2006.

Từ 2007 đến 2011, ông thọ án tù về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ sau các hoạt động cổ súy dân chủ bao gồm tổ chức các lớp học miễn phí về nhân quyền cho giới trẻ.

Sau khi ra tù, ông lập Hội Anh em Dân chủ vào tháng 4 năm 2013 và tiếp tục các nỗ lực giáo dục ý thức dân chủ-nhân quyền cho người dân trong nước.

Nhà hoạt động Phạm Bá Hải thân cận với ông Đài nói luật sư Đài bị bắt cùng với người cộng sự Lê Thu Hà và hiện chưa rõ tung tích bà Hà ở đâu.

Ông Hải cho biết cơ quan an ninh còn khám xét nhà và tịch thu một số tài sản:

“Số tài sản bị tịch thu khá nhiều gồm 4 thùng các-tông cùng laptop, điện thoại di động, USB, đĩa CD, sách vở liên quan tới nhân quyền, một số áo có in logo nhân quyền, và 4 bao thư tiền Đài hoạt động nhân đạo giúp đỡ cho các gia đình tù nhân lương tâm.”

Báo chí nhà nước loan tin luật sư Đài nhận tiền từ nước ngoài để hoạt động chống đối nhà nước. Nhà hoạt động Bá Hải bình luận:

“Những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam thường bị cắt các nguồn kinh tế không có công ăn việc làm. Các tổ chức xã hội dân sự trong nước không có nguồn tài chánh vì không phải là những tổ chức lợi nhuận. Họ hoạt động thuần túy nhờ sự tin tưởng của xã hội và sự ủng hộ tài chánh của các cá nhân trong và ngoài nước. Cho nên, việc Đài nhận tiền của các cá nhân hay tổ chức là việc đương nhiên, bình thường.”

Về cáo buộc ‘nhận tiền từ nước ngoài’, luật sư Hà Huy Sơn, người từng tham gia các vụ án xét xử các nhà bất đồng chính kiến, nhận định:

“Bộ Luật Hình sự Việt Nam không có quy định nào cấm công dân nhận tiền từ nước ngoài. Về mặt pháp lý, tôi có thể hiểu người ta muốn đưa ra chứng cứ để nói số tiền đó là phương tiện để thực hiện hành vi mà họ cho là vi phạm pháp luật. Theo pháp luật, việc này cũng không phải là một tình tiết tăng nặng tội mà phía Viện kiểm sát muốn dùng nó để chứng minh cho cáo buộc của họ là có sức thuyết phục.”

Mười ngày trước khi bị bắt, luật sư Đài bị một nhóm an ninh mật vụ và côn đồ hành hung sau khi ông tổ chức một buổi hội thảo về nhân quyền tại Nghệ An. Sự việc đã được phía EU nêu lên trong cuộc đối thoại nhân quyền với Hà Nội hôm 15/12 và là trường hợp mới nhất trong loạt các vụ hành hung nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền trong 18 tháng qua tại Việt Nam mà Liên hiệp quốc đã lên tiếng bày tỏ quan ngại. – VOA