Tin Việt Nam – 17/11/2019
Việt kiều Mỹ về nước
bị an ninh hải quan ăn cắp visa để làm tiền
Tin Saigon.- Ngày 13 tháng 11 năm 2019, chị Wendy Huyền Trần lên trang facebook cá nhân có tên Wendy Huyen để tố cáo hành vi an ninh hải quan cảng hàng không Tân Sơn Nhất, tại Sài Gòn đã ăn cắp visa của chị để làm tiền.
Chị Wendy Huyền kể, vào ngày 17 tháng 10 năm 2019, chị đáp chuyến bay từ Mỹ về đến phi trường Tân Sơn Nhất. Lúc này, gia đình chị có 4 sổ thông hành, và 4 visa để vào Việt Nam. Tuy nhiên, khi gia đình chị đi qua cửa qua an ninh, xuất trình những giấy tờ trên thì 15 phút sau gia đình chị chỉ nhận được 4 sổ thông hành, và 3 visa. Sau khi phát hiện bị mất 1 visa, chị Wendy Huyền đến hỏi viên an ninh hàng không thì chị nhận được câu trả lời rằng, visa của chị là visa 1 lần vào Việt Nam nên phải nộp lại.
Nghe vậy, chị Wendy Huyền cứ tưởng là thật nên gia đình chị đi. Khoảng 3 tuần sau, gia đình chị Wendy Huyền quay lại phi trường Tân Sơn Nhất để về Mỹ thì chị Huyền không được bay vì không có visa. Lúc này, một an ninh cảng hàng không ra gặp chị với ngỏ ý làm tiền nhưng không thành công, nên chị Huyền cùng đứa con 5 tuổi buộc phải ở lại Việt Nam chờ làm lại visa.
Sự việc khiến chị Huyền bất mãn nên chị đã lên mạng facebook để tố cáo hành vi của của hải quan CSVN. Chị cho biết, 10 năm rồi chị mới về Việt Nam và cảm giác thấy nản. Chị hy vọng những an ninh CS nên biết tự trọng để bảo vệ cá nhân, nhân phẩm của con người, của người Việt Nam và nên dừng hành vi ăn cắp, ăn trộm.
Trước đó, một nữ du khách người Đài Loan cũng đã gặp phải trường hợp tương tự chị Wendy Huyền, nên nữ du khách này cũng đã lên trang facebook cá nhân tố cáo hành vi ăn cắp visa của an ninh Hải quan CSVN.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/viet-kieu-my-ve-nuoc-bi-an-ninh-hai-quan-an-cap-visa-de-lam-tien/
Bị bắt vào Trung tâm Hỗ trợ Xã hội CSVN
khiến nhiều bé gái bị “dâm ô”
Tin Saigon.- Báo Thanh niên ngày 17 tháng 11 năm 2019 loan tin, nhiều bé gái tuổi từ 13 đến 14 sau khi bị bắt vào Trung tâm Hỗ trợ Xã hội, thuộc sở Lao động – Thương binh – Xã hội tại Sài Gòn đã bị viên chức trong trung tâm lợi dụng tình dục.
Trước đó, một số bé gái vì giận gia đình nên bỏ nhà đi lang thang, và bị công an bắt đưa vào Trung tâm Hỗ trợ Xã hội tại quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, sau khi vào trung tâm, nhiều bé gái đã bị ông Nguyễn Tiến Dũng, viên chức của trung tâm lợi dụng tình dục bằng các hành vi như sờ ngực hoặc sờ vào vùng kín của các bé, không chỉ vậy, ông Dũng còn bắt các bé gái phải cầm vào dương vật của mình. Và sau khi thực hiện được các hành vi thú tính của mình, ông Dũng sẽ cho các cháu bé thuốc lá để hút.
Một bé gái cho biết, khi bị ông Dũng sàm sỡ, bắt thực hiện các hành vi trên, cháu muốn chạy đi tìm những nhân viên khác trong trung tâm để cầu cứu nhưng do nghĩ rằng sẽ không ai tin mình nên các cháu đành im lặng chấp nhận. Theo bé gái này, mỗi lần ông Dũng thực hiện hành vi trên thì ông bắt cháu phải đứng canh chừng cho ông.
Khi làm việc với phóng viên báo Thanh niên, ông Dũng đã thừa nhận bản thân ông đã thực hiện các hành vi trên với các bé gái. Nhưng ông này cho rằng những hành động trên không diễn ra thường xuyên, nó chỉ xảy ra một đến hai lần mỗi tuần khi ông được phân công trực ở trung tâm sau 9 giờ tối.
https://www.sbtn.tv/bi-bat-vao-trung-tam-ho-tro-xa-hoi-csvn-khien-nhieu-be-gai-bi-dam-o/
Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM
đình chỉ cán bộ dâm ô trẻ em
Quang Huy
Sau buổi làm việc với lãnh đạo Sở LĐTBXH cùng các lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ Xã hội TP.HCM, ông Nguyễn Tiến Dũng đã bị đình chỉ công tác vì hành vi dâm ô trẻ em.
Ngày 17/11, bà Võ Thanh Kim, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác với ông Nguyễn Tiến Dũng, nhân viên phòng Quản lý hồ sơ – giáo dục tư vấn, Trung tâm Hỗ trợ Xã hội trực thuộc Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP.HCM.
Quyết định nêu rõ lý do ông Dũng bị đình chỉ công việc do đã có hành vi dâm ô với người đang thuộc diện trung tâm quản lý.
Quyết định trên được đưa ra sau buổi làm việc do ông Nguyễn Văn Minh, Phó bí thư Đảng ủy Sở LĐTB&XH chủ trì. Buổi làm việc diễn ra sáng 17/11 với sự có mặt của ông Nguyễn Tiến Dũng cùng các Lãnh đạo Sở LĐTB&XH và lãnh đạo trung tâm.
Trước đó, trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nhanh chóng vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm vụ việc cán bộ của trung tâm trên bị tố dâm ô các bé gái.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết đã nhận được thông tin liên quan đến vụ việc trên.
“Chúng tôi đang gấp rút xác minh, kiểm tra làm rõ vụ việc. Sở nhất định sẽ xử lý nghiêm cán bộ vi phạm nếu phản ánh này là đúng sự thật và thông tin đến báo chí trong thời gian sớm nhất”, ông Tấn cam kết.
Trước đó, nhiều bé gái dưới 16 tuổi tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM (quận Bình Thạnh, TP.HCM) tố cáo bị ông D. dâm ô. Cụ thể, người đàn ông này bị cáo buộc sờ, bóp ngực, đụng chạm vùng kín các bé gái và yêu cầu các nạn nhân chạm vào bộ phận nhạy cảm của ông ta.
Ngày 14/11, hai bé gái dưới 16 tuổi đã có đơn tố cáo gửi báo chí và cơ quan chức năng tố cáo hành vi của nam cán bộ này.
https://news.zing.vn/trung-tam-ho-tro-xa-hoi-tphcm-dinh-chi-can-bo-dam-o-tre-em-post1014187.html
Vụ án trộm chó làng Tơr Bang
và tháp ngà của giới lập pháp
Cao PhongGửi đến BBC từ Sài Gòn
Khoảng 100 người ở thôn Tơr Bang thuộc xã Iabang, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đang làm việc với công an để lấy lời khai về vụ một kẻ trộm chó bị đánh chết trong thôn này.
Nhưng đây chưa phải vụ hành hung kẻ trộm chó có số người liên quan cao nhất ở Việt Nam.
Trong các năm trước đây, từng có những vụ cả thôn tham gia đánh kẻ trộm chó. Điển hình như vụ 57 hộ dân thôn Sen xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, ký đơn xin giảm án cho người đánh chết kẻ trộm chó trong thôn; vụ hơn 300 người thôn Cao Xuân, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; vụ hơn 100 người dân ở xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Nghệ Tĩnh cùng đánh chết trộm chó. Tất cả vào năm 2014.
Người Việt kiếm sống ‘bằng mọi giá’ kể cả phá
Đất nước VN ‘tiến bộ’ sao dân vẫn quyết ra đi?
Jesse Peterson: ‘Ngôn ngữ thứ bậc của Tiếng Việt tạo bất bình đẳng’
Đặc biệt, khi sáu bị cáo ở làng Nhĩ Trung (xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) bị kết án về tội cố ý gây thương tích trong vụ án đánh chết kẻ trộm chó, hàng trăm dân làng đã vây tòa án, la hét phản đối khi các bị cáo bị tuyên phải bồi thường mai táng phí hai kẻ trộm chó và góp tiền nuôi con của các bị cáo đến tuổi trưởng thành.
Báo chí thời điểm đó mô tả: Cơ quan chức năng đã phải điều hai tiểu đội cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông đến bảo vệ gia đình các bị cáo sau phiên xử, nhưng hàng trăm người vẫn vây chặt tòa án.
Sau đó, khi sáu bị cáo vào tù, hàng trăm người dân lại đến đưa tiễn.
Trong phần bình luận trên các trang báo và trên mạng xã hội, tuyệt đại đa số ý kiến bênh vực những người đánh trộm chó.
Pháp luật Việt Nam vẫn nhùng nhằng
Những người tranh cãi về “Nhân quyền” và “cẩu quyền” trong các vụ việc này sẽ vô cùng khó đạt được thống nhất. Và những vụ cả làng đánh chết trộm chó sẽ còn xảy ra trong tình trạng pháp luật Việt Nam mãi vẫn nhùng nhằng trong chuyện này.
Trước nay bọn trộm chó vẫn bị xử theo điều 173 Bộ Luật Hình sự Việt Nam (tội trộm cắp). Nếu trị giá tài sản dưới 2 triệu đồng thì hình phạt của tội này không quá nặng.
Nhưng thực tế các vụ trộm chó hoàn toàn không còn là hành vi lén lút như bản chất hành vi trộm cắp.
Hãy xem số hung khí dưới đây, do Công an tỉnh Thanh Hóa thu được trong vụ bắt băng trộm chó được xem là trọng án và lớn nhất đến nay ở tỉnh Thanh Hóa cuối tháng 9 vừa qua. Nó gồm 10 bộ kích điện, 2 súng bắn điện, 8 chai ớt bột, 20 xe máy các loại, nhiều dao kiếm các loại, 2 bình xịt hơi cay, dây thòng lọng bắt chó, vỏ chai bia các loại, 3 kìm bắt chó, và xăng đổ trong các chai thủy tinh.
Kích, súng bắn điện, dây thòng lọng và kìm bắt chó để bắn vào con chó khiến nó ngất xỉu rồi xách lên xe. Nhưng dao kiếm, bình xịt hơi cay, ớt bột và vỏ chai bia… thì để chống trả chủ chó và người đuổi bắt. Vỏ chai bia ném đi, vỡ ra, trở thành hung khí sát thương họ, hoặc đập vỡ rồi cầm để tấn công trực diện.
Từ Mỹ nhìn về giáo dục ở Việt Nam
Trong nhiều vụ án khác, bọn trộm chó dùng thẳng súng điện bắn về phía người đuổi bắt.
Tháng 6-2014, ở Thanh Hóa, một trưởng công an xã bị kẻ trộm chó rút ống sắt đánh gãy tay, đa chấn thương.
Cũng tháng 6-2014, ở Củ Chi, một thanh niên truy đuổi bị bọn trộm chó bắn chết bằng súng điện tự chế. Chiếc xe lao vào lề khiến cả hai người truy đuổi còn lại đều tử vong.
Tháng 8-2014, ở Nghệ An, hai kẻ trộm chó vung kiếm chém vào mắt một người đuổi bắt.
Tháng 3-2015, ở Bình Dương, Công an bắt được một băng ba tên chuyên dùng xe hơi đi trộm chó. Chúng khai mỗi đêm bắt được 3-5 con chó, ít nhất mỗi con bán được 900.000 đ.
Tháng 7-2016 ở Thanh Hóa, hai tên trộm chó dùng dao đâm chết chủ nhà khi bị phát hiện.
Thế nhưng chỉ khi bọn trộm chó hung hãn hoặc liều mạng đến mức gây chết người, hoặc nhân tiện đi trộm chó thì phạm luôn tội hiếp dâm, thì chúng mới bị xử bằng các tội hình sự tương ứng.
Nếu chỉ đi trộm chó và bị bắt giữ lần đầu thì chúng chỉ bị xử phạt hành chính bằng tiền, tính ra rất nhẹ.
Bạo lực đáp trả bạo lực
Không hài lòng với mức xử phạt đó, đồng thời đối mặt với các băng trộm chó ngày càng công khai và hung hãn, người dân cũng ngày càng mạnh tay.
Trước kia, kẻ trộm chỉ bị làm nhục như bị đánh, bị xích vào chuồng nuôi chó, bị treo con chó lên người, bị bêu dọc đường… thì vài năm nay phổ biến là cả làng xúm vào đánh. Mỗi người đá một hai cái, chẳng ai trục tiếp làm cho tên trộm chó chết cả. Nhưng sau hàng trăm cú đánh, nếu kẻ trộm chó lăn ra chết thì… cả làng đứng ra xin tội cho những người tham gia.
Bạo lực đáp trả bạo lực và ngày càng leo thang. Bây giờ, cái tin một kẻ trộm chó lại bị đánh chết ở đâu đó sẽ không khiến người ta phải kinh sợ, thương xót hay hả hê nữa. Căn cứ trên những bình luận trên mạng xã hội, hầu hết chỉ cảm thấy “đáng đời”.
Như thế, công lý có vẻ đã xác lập. Nhưng bằng sức mạnh của hình thái công xã nguyên thủy, khi máu trả bằng máu, răng trả bằng răng. Và có lẽ ngay chính các nhà lập pháp cũng cảm thấy như vậy là công bằng, nên không ai còn lên tiếng về việc sửa đổi luật pháp.
Người lập pháp quá xa dân?
Đáng ra, với sự hung hãn, nguy hiểm và chủ động tấn công người chủ để bắt bằng được con chó, hành vi đó phải quy vào tội cướp.
Hình phạt cũng không thể bị định giá bằng số cân thịt chó như trước giờ mà phải đo bằng mức độ nguy hiểm cho xã hội. Khi có hình phạt đủ nặng để răn đe kẻ cướp, ít nhất người dân sẽ không công phẫn đến mức tự thay trời hành đạo, tự đưa mình vào nguy hiểm đến mức mất mạng, và tự nguyện trở thành đồng lõa trong những vụ giết người.
Không những thế, những đồng lõa đồng thời cũng là nạn nhân này, trong thâm tâm còn cảm thấy hành vi của mình mới chính là công đạo, chính khí, được cả xã hội ủng hộ. Vài năm tù không có tác dụng gì cả; họ vào tù với tư thế anh hùng và sẽ ra tù cũng với tư thế đó. Cộng với tâm lý coi thường pháp luật, xem pháp luật là vô năng và vô lý, cụ thể trong trường hợp này.
Và được thể tiến tới, những tên trộm chó ngày càng lộng hành và hung hăng.
Con đường hình thành và tiến triển của cả hai lối tư duy kể trên là sự đe dọa tiềm tàng giết chết những giá trị nhân văn, vốn phải là vành vương miện cài trên đầu một xã hội thượng tôn pháp luật.
Khi một việc không khó giải quyết nhưng được để mặc suốt gần chục năm như thế, nó cũng cảnh báo rằng những người được giao trọng trách lập pháp Việt Nam đang ngồi quá xa với lo lắng chính yếu nhất của người dân về cuộc sống được bảo đảm tối thiểu về an ninh.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của Cao Phong, một nhà báo tự do ở Sài Gòn.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50419780
Ngưng bóc dỡ đường 250 tỷ bị nứt toác
UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu tạm ngưng bóc dỡ đường tránh Chư Sê bị sụt lún, nứt toác sau khi vừa làm xong, để công an điều tra nguyên nhân.
Ngày 15/11, ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó ban quản lý dự án 6 (BQLDA 6, Bộ GTVT), cho biết đơn vị thi công đã ngừng bóc dỡ đường tránh Chư Sê (Gia Lai) để công an điều tra nguyên nhân sụt lún.
Sau khi xảy ra sự việc, BQLDA 6 đã phối hợp với Công ty 471 (đơn vị thi công) bóc dỡ một phần mặt đường để tìm nguyên nhân khắc phục sự cố. Tuy nhiên, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu tạm ngưng để công an điều tra nguyên nhân.
Theo một lãnh đạo Văn phòng BQLDA 6, dự án đường tránh Chư Sê chưa bàn giao cho đơn vị nên khi xảy ra sự cố, trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công.
“Thời điểm xảy ra sự cố, BQLDA đang mời Hội đồng nghiệm thu Nhà nước vào nghiệm thu công trình. Hội đồng mới vào một lần, đang yêu cầu chỉnh sửa một số nội dung thì xảy ra sự cố”, lãnh đạo này nói.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố kết quả giám định nguyên nhân sự cố sụt lún tại dự án đường tránh thị trấn Chư Sê là do 2 lớp đất yếu (trạng thái dẻo mềm đến dẻo chảy) nằm phía dưới lớp vỏ cứng, phân bố khắp khu vực.
Ngoài ra, đoạn đường này cũng xuất hiện nước ngầm, nhưng đơn vị tư vấn chưa phát hiện để xử lý triệt để trong quá trình khảo sát, thi công, gây mất ổn định công trình. Do đó, đơn vị tư vấn thiết kế phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sự cố.
Đường tránh Chư Sê có vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng, do BQLDA 6 làm chủ đầu tư. Công trình dài 10,8 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, mặt đường rộng 11 m.
Ngày 3/9, 150 m đường bị sụt lún (đoạn Km 10+200 – Km 10+350 do Công ty cổ phần 471 thi công).
Liên quan việc này, Bộ Giao thông Vận tải xác định sự cố trên làm ảnh hưởng đến uy tín ngành giao thông, niềm tin trong nhân dân và yêu cầu BQLDA 6, các đơn vị liên quan khẩn trương làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân.
https://news.zing.vn/ngung-boc-do-duong-250-ty-bi-nut-toac-post1013491.html
Sinh viên Việt Nam
tại trường đại học Trung Văn Hồng Kông về nước
Tin Vietnam.- Báo Trithucvn ngày 17 tháng 11 năm 2019 loan tin, vào ngày 16 tháng 11 vừa qua, đại diện của Toà Lãnh sự quán CSVN tại Hồng Kông đã đến trường đại học Trung Văn Hồng Kông để hỗ trợ phương tiện đưa 5 sinh viên Việt Nam đang học tập tại đây ra phi trường về nước.
Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 180,000 sinh viên ngoại quốc đang theo học tại các trường đại học ở Hồng Kông, trong số này có 50 sinh viên Việt Nam.
Vào ngày 11 tháng 11, cảnh sát đã bắt đầu tấn công thả bom cay vào khuôn viên trường đại học Trung Văn Hồng Kông. Cuộc tấn công này tiếp tục căng thẳng hơn vào hôm sau khi cảnh sát ném lựu đạn hơi cay, và bắn đạn cao su vào trường khiến nhiều sinh viên bị thương.
Đến ngày 13 tháng 11, lãnh đạo nhà trường đã tuyên bố kết thúc học kỳ 1 năm học 2019 đến 2020. Sinh viên quay lại trường bắt đầu học kỳ 2 vào ngày 6 tháng 1 năm 2020.
Trước diễn biến trên, nhiều sinh viên ngoại quốc đang học tập tại đây phải về nước.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/sinh-vien-viet-nam-tai-truong-dai-hoc-trung-van-hong-kong-ve-nuoc/
Hà Nội giao Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên
xây nhà máy nước sạch Xuân Mai
UBND thành phố Hà Nội mới đây có công văn gửi trả lời cử tri huyện Ứng Hoà cho biết công ty Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên đã được giao để triển khai việc xây dựng nhà máy nước sạch Xuân Mai cung cấp nước cho nhân dân các xã thuộc huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Thanh Oai.
Báo Tiền Phong cho biết, cử tri huyện Ứng Hoà cho biết hiện tại nguồn nước sinh hoạt của họ lấy từ giếng khoan có tỷ lệ bị nhiễm asen cao, và đề nghị thành phố triển khai, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cấp nước sạch cho các xã thuộc huyện Ứng Hoà.
UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc các huyện trên cho liên doanh công ty Cổ phần nước Aqua One và công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống.
Theo dự án được phê duyệt, có 27 xã thuộc huyện Ứng Hoà sẽ được xây dựng mới hệ thống cấp nước hoàn chỉnh. Tiến độ từ 2017 đến 2020. Ngoài ra, thành phố cũng giao cho Aqua One triển khai dự án nhà máy nước Xuân Mai, giai đoạn trước mắt sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống.
Thời gian qua, nhà máy nước sạch Sông Đuống của bà Đỗ Thị Kim Liên, hay còn được biết đến với cái tên Shark Liên trên một show truyền hình về kinh doanh, gặp nhiều chỉ trích vì định giá nước quá cáo. Nhiều người cho rằng công ty của bà Liên định giá quá mức, hơn hẳn các nhà máy nước khác cung cấp cho Hà Nội, trong khi nguồn nước từ nhà máy nước sạch Sông Đà đang bị nhiễm dầu khiến nhiều hộ dân ở Hà Nội phải chịu cảnh thiếu nước nhiều tuần. Thậm chí đã có những đồn đoán cho rằng chính quyền Hà Nội đã có ưu ái cho công ty của bà Liên. Hà Nội chấp nhận giá bán nước sạch từ nhà máy nước sạch Sông Đuống là 10.246 đồng/m3 với lộ trình tăng giá tối đa 7% một năm. Mức giá này hiện gấp đôi giá do nhà máy nước sạch Sông Đà cung cấp.
Bà Đỗ Thị Kim Liên là Chủ tịch hội đồng quản trị công ty nước sạch Sông Đuống và là Tổng giám đốc công ty Aqua One.
Trên trang chủ của Aqua One, công ty này cho biết công ty đang là chủ đầu tư của 3 dự án nước sạch lớn là: Nhà máy nước mặt Sông Hậu (công suất năm 2016 là 100.000 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.900 tỷ đồng); Nhà máy nước mặt Sông Đuống (công suất 900.000 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 5.000 tỷ đồng) và Nhà máy nước mặt Xuân Mai – Hòa Bình (công suất 600.000 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư: Nhà máy và hệ thống cấp nước là 3.040 tỷ đồng, Tuyến ống truyền tải nước sạch là 1.255 tỷ đồng).