Tin Việt Nam – 17/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 17/10/2017

Chương Mỹ: Ngàn hộ dân bị cô lập vì ngập lụt

Chủ tịch Thành phố Hà Nội muốn “giải cứu” dân tại các thôn còn bị nước cô lập ở huyện Chương Mỹ.

Ông Nguyễn Đức Chung vào hôm thứ Hai đã tới hai xã được cho là bị ngập lụt nghiêm trọng nhất.

Ít nhất hơn 1000 hộ gia đình bị ngập nước chỉ riêng tại hai xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến.

VN: mưa lũ làm hàng chục người chết và bị thương

Lũ lụt: Thủ tướng VN thăm Ninh Bình

Hàng trăm hecta hoa màu bị ngập và hàng ngàn ngàn gia súc gia cầm bị chết

Phóng viên Nguyễn Hoàng của BBC tiếng Việt có mặt tại đây cho biết người dân phải dùng thuyền tự chế hoặc mua thuyền làm bằng tôn để di chuyển.

Dịch bệnh có thể bùng phát

Phóng viên chúng tôi cho biết một số hộ bị ngập lụt được phát nước uống và mì ăn liền.

Tuy nhiên một nhiều khu vực bị ngập lụt đã không có điện, thiếu củi đun và gần như toàn bộ khu vực thiếu nước sạch.

Ông Chung được truyền thông trong nước dẫn lời yêu cầu “dùng máy bơm hết công suất, sớm giải cứu người dân 8 thôn còn bị nước cô lập”.

Tuy nhiên với năng lực các máy bơm hiện tại, lãnh đạo Thành phố Hà Nội “dự kiến khoảng hơn 10 ngày nữa nước rút hết,” truyền thông trong nước đưa tin.

Ông Chung cũng được dẫn lời nói rằng “về lâu dài phải di dời dân ở vùng trũng lên vị trí cao hơn tránh để người dân sinh sống, học tập ở khu vực này vì mỗi lần mưa lụt gây thiệt hại rất lớn”.

Hiện đã có một số máy móc được điều tới để gia cố lại một khu vực đê bị vỡ để gia cố đoạn bị sạt lở.

Đây là vụ ngập lụt lớn nhất kể từ năm 2008 khi người dân tại đây nói nhà cửa và ruộng đồng bị ngập hơn 40 ngày.

Hôm 17/07 đã tròn một tuần kể từ khi xảy ra mưa to và lũ lớn gây ảnh hưởng nhiều nơi tại miền bắc và miền trung Việt Nam.

Nhà chức trách địa phương được khuyến cáo tập trung vào công tác phòng dịch bệnh có thể bùng phát do nước bẩn sau ngập lụt.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41647952

 

Chương Mỹ: Ngập úng nặng sau ‘sự cố đê Bùi 2’

Ít nhất hơn 1.000 hộ gia đình bị ngập nước chỉ riêng tại hai xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Hàng trăm hecta hoa màu bị ngập và hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết.

Dân tại một số xã phải dùng thuyền tự chế hoặc mua thuyền làm bằng tôn để di chuyển.

Người dân tại các xã bị ngập lụt tại huyện Chương Mỹ nói với BBC về ảnh hưởng lũ lụt tới đời sống của họ.

http://www.bbc.com/vietnamese/media-41651196

 

Hà Nội giải trình về phát ngôn ‘vỡ đê có kế hoạch’:

Vấn đề quan trí?

Khánh An-VOA

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội ngày 17/10 lên tiếng giải trình về phát ngôn “vỡ đê có kế hoạch” của một cán bộ chuyên môn đã gây phản ứng trong dư luận mấy ngày qua. Một nhà bình luận, quan sát tình hình thời sự Việt Nam nói câu chuyện làm nổi bật vấn đề “quan trí” và sự bất nhất trong bộ máy chính quyền.

Trước đó vào ngày 13/10, tại cuộc họp thông tin về đợt mưa lũ, khi phóng viên đặt câu hỏi về hiện tượng ngập nước ở đê Hữu Bùi (đê Bùi 2), thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội, là do tràn đê hay vỡ đê, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh nói: “Dân nhìn vào thì nói vỡ, nhưng chúng tôi nói đó là vỡ có kế hoạch, vỡ nằm trong khu thoát lũ chứ không bất ngờ”.

Đoạn video trên mạng xã hội ghi lại cuộc họp báo cho thấy cả phòng họp đã cười ồ lên sau lời giải thích của giới chức phụ trách đê điều.

Mặc dù hiện tượng ngập úng trên địa bàn huyện Chương Mỹ chỉ gây thiệt hại về nông sản, nhà cửa, không ảnh hưởng đến tính mạng người dân, nhưng có thể thấy phản ứng của công chúng khá mạnh khi đoạn video và các bài viết trên báo chí xoáy vào phát ngôn “vỡ có kế hoạch” của ông Đỗ Đức Thịnh.

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 17/10, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) Hà Nội, ông Trần Thanh Nhã, đã phải lên tiếng giải trình về phát ngôn này. Ông Nhã thừa nhận không có khái niệm “vỡ có kế hoạch” trong thuật ngữ chuyên môn và đoạn đê bao Hữu Bùi có thể coi là vỡ đê, nhưng thực chất là do nước tràn vào bờ đê bao, gây xói mòn một số đoạn đê.

Một nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho rằng đây là một sự kiện cần được giải thích rõ ràng về mặt chuyên môn, thay vì đưa ra một phát ngôn “gây phản cảm”.

Ông nói: “Những cái đê đó là đê phụ, đê quai thôi, để khi nước dâng lên một mức độ nhất định thì sẽ tràn qua đê vào khu vực dự tính để cứu những vùng khác. Đó là cái mà người ta đã dự tính từ khi thiết kế toàn bộ hệ thống đê điều thì có những vùng như thế. Khi ông Cục trưởng nói ‘vỡ có kế hoạch’, có lẽ cách dùng từ của ông ta đã không khéo, gây phản cảm đối với người nghe”.

TS. Nguyễn Quang A nói không chỉ các quan chức ở Hà Nội, mà kể cả các quan chức ở tận trung ương, thỉnh thoảng vẫn có những phát ngôn mà ông gọi là “kỳ lạ” và “ngộ nghĩnh”.

“Nào là ‘giết chết tươi’, nào là ‘nhúng chàm’, ‘củi tươi, củi khô’… Tôi nghĩ kỹ năng về truyền thông của các quan chức Việt Nam, họ không bao giờ để ý đến chuyện đó cả. Mà một trong những nhiệm vụ quan trọng của một quan chức nhà nước là trình bày sự việc, chính sách một cách rõ ràng, minh bạch cho dân chúng. Rất đáng tiếng là trình độ quan trí của Việt Nam rất thấp và biểu hiện thiếu kỹ năng truyền thông chỉ là một mặt thôi”.

Trong buổi họp “giải trình”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN cho biết thêm rằng với thiết kế hiện tại, khi nước dâng lên đến mức báo động 2 thì sẽ tự tràn quan thân đê Hữu Bùi. “Còn đê đất tràn đến đâu vỡ đến đấy là rất khó lường”, Tiền Phong dẫn lời ông Nhã.

Bắt đầu từ chiều 12/10, nhiều khu vực ở huyện Chương Mỹ đã bị ngập hoàn toàn. Theo báo cáo của huyện, có đến 92 ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch và khoảng 842,4 ha cây vụ Đông bị ngập và hư hỏng. Khoảng 63,8 ha ây ăn quả và 125 ha diện tích thủy sản cũng bị chìm trong nước.

Trước mối lo của người dân về hiện tượng ngập úng kéo dài nhiều ngày, giới hữu trách địa phương lại đưa ra thông tin theo kiểu “mỗi người một phách”, người nói có vỡ đê, người bảo không, càng khiến dư luận hoang mang và phẫn nộ.

TS. Nguyễn Quang A nói điều này phản ánh sự bất nhất quen thuộc trong hệ thống công quyền ở Việt Nam.

Ông nói thêm: “Nó cũng có thể phản ánh sự quan tâm khác nhau của những nhóm lợi ích khác nhau. Một nhóm có thể bảo rằng sự kiện này là bình thường, không có vấn đề gì cả. Nhóm khác có thể bảo rằng cái này rất nguy hiểm”.

Gần 1 tuần sau khi đê Bùi 2 vỡ, báo Lao Động cho biết nhiều người dân ở một số xã của huyện Chương Mỹ vẫn phải lội nước trong cái lạnh khoảng 20oC và chèo thuyền đi lại giữa các khu vực. Nhiều người dân phải sự dụng nước ngập để sinh hoạt. Một số người còn đem cả gia súc như heo, gà… vào nhà nuôi vì chuồng trại bị ngập, gây ô nhiễm nặng cho môi trường sống.

https://www.voatiengviet.com/a/ha-noi-giai-trinh-ve-phat-ngon-vo-de-co-ke-hoach-van-de-quan-tri/4074004.html

 

VN có thể xây thêm 300-400 nhà máy thủy điện

Truyền thông trong nước ngày 9/10 vừa qua dẫn lời đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói rằng nếu Việt Nam cho khai thác thêm 300-400 dự án thủy điện nhỏ và vừa thì sẽ góp phần bổ sung nguồn điện thiếu hụt trong các năm tới cho đất nước.

Tác động môi trường và con người

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo do Bộ Công Thương tổ chức hôm 9/10, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói rằng hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với nguồn năng lượng hóa thạch cạn kiệt như than, khí đốt. Trong khi đó đến năm 2020 Việt Nam phải tìm ra các nguồn điện bổ sung cho lượng thiếu hụt khoảng 100 tỷ kWh và con số này sẽ lên đến 300 tỷ kWh vào năm 20130.

Vì vậy ông Ngãi đề xuất tiếp tục khai thác thủy điện vừa và nhỏ vì chúng mang lại hiệu quả kinh tế và có công suất điện khá cao.

RFA trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, một chuyên gia về môi trường, cũng là người đã vận động thành công việc hủy bỏ hai dự án thủy điện lớn trên sông Đồng Nai vì những tác động tai hại đến khu vực rừng quốc gia Nam Cát Tiên. Quan điểm của ông là phản đối việc phá rừng để xây dựng nhà máy thủy điện. Lý do ông đưa ra là ảnh hưởng đến hệ sinh thái:

Nếu làm thủy điện ở những vùng có rừng thì mình sẽ phá rừng để hi sinh làm thủy điện. Các dòng sông làm thủy điện có độ dốc tương đối cao và đa số những nơi đó là còn rừng. Nếu làm như vậy mình phải hi sinh môi trường, đặc biệt là đa dạng sinh học. Rừng không chỉ là cây như chúng ta nhìn vào mà còn nhiều loài khác nhau. Khi mình phá rừng, tổng thể hệ sinh thái phục vụ cho con người, và các loài khác trong chuỗi mắt xích sẽ bị phá hủy. Như vậy sẽ đe dọa đến sự tồn vong của loài người.

Khi không có nắng, không có gió là phải dùng Khi mình phá rừng, tổng thể hệ sinh thái phục vụ cho con người, và các loài khác trong chuỗi mắt xích sẽ bị phá hủy. 

lượng dự trữ hoặc các nguồn năng lượng khác như nhiệt điện than, thủy điện để phát điện.
– Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật

Ông nói gần đây Việt Nam xảy ra nhiều trận hán hán, lũ lụt lịch sử mà nguyên nhân một phần lớn là do nạn phá rừng.

Trận lũ lụt đầu tháng 10 vừa qua đã khiến hơn 70 người thiệt mạng, hơn 200 ngôi nhà bị sụp đổ, hơn 40 ngàn ngôi nhà bị ngập, hơn 9000 gia súc và hàng trăm ngàn gia cầm chết đuối. Việt Nam gọi đây là trận lụt lịch sử trong tháng 10 ở Việt Nam.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, thuộc Đại học Cần Thơ cho biết nguồn thủy năng ở Việt Nam hiện nay đã gần cạn kiệt. Nếu làm thêm nhà máy thủy điện thì khả năng lớn là trên các sông suối nhỏ:

Tại vì mình không nắm được các hồ sơ đó nên không biết những nhà máy thủy điện vừa và nhỏ nằm ở đâu, chiếm bao nhiêu diện tích và bao nhiêu rừng sẽ bị phá để phục vụ chuyện này.

Tôi nghĩ từ 300-400 là nhiều lắm.

Mặc dù hiện tại dự án cụ thể của các nhà máy thủy điện này chưa được công bố nhưng Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói rằng khả năng lớn sẽ được xây dựng ở các khu rừng núi hiểm trở bởi vì ở những địa hình dễ làm Việt Nam đều đã cho tiến hành xây dựng.

Ông nói rằng hiện tại rất khó đánh giá tác động cụ thể của các nhà máy này bởi vì chưa có một thông tin nào được công bố. Tuy nhiên theo ông, các nhà máy thủy điện bấy lâu nay đã để lại cho Việt Nam nhiều bài học về tác động môi trường và con người, mặc dù chúng cung cấp một lượng lớn điện năng cho cả nước:

Nó có nhiều vấn đề về môi trường, xã hội, ngoài yếu tố về kinh tế. Ví dụ chuyện di dân, những người sống ở khu vực lòng hồ sẽ phải di dân. Mà thường thường sẽ di chuyển đến chỗ khó khăn hơn chỗ ở cũ. Rồi vấn đề về tái định cư, và sinh kế của người dân ở đó bởi vì họ sống ở dưới thung lũng thì họ dễ dàng canh tác, bắt cá nhưng khi di dời, theo khảo sát của tôi, thì cuộc sống của họ khó khăn hơn rất nhiều.

Ngoài ra những hồ chứa như vậy phải hi sinh rất nhiều đất rừng. Mà rừng ở Việt Nam càng ngày càng thu hẹp và chất lượng không còn dồi dào như ngày xưa nữa. Nếu tiếp tục xây dựng thủy điện thì diện tích rừng càng ngày càng ít dần.

Ngoài ra, ông cho biết hồ chứa thủy điện sẽ giữ lại phần lớn phù sa trên sông, sẽ làm cho vùng hạ lưu gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp nhận phù sa. Bên cạnh đó sẽ cản đường di cư của các loài cá, hay ảnh hưởng đến vấn đề giao thông thủy trên sông.

Một vấn đề quan trọng nữa ông nêu ra đó là khi nhà máy thủy điện vận hành sẽ làm thay đổi các đặc điểm dòng chảy của sông. Dòng sông có lúc phải tích nước lại, có lúc phải xả nước nhiều, chứ không được chảy liên tục như trước đó.

Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật bổ sung thêm rằng việc xây dựng đập thủy điện có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, văn hóa của người bản địa, đẩy họ vào tình thế vốn đã cô lập nay còn bị tổn thương hơn. Vô hình chung điều này sẽ ảnh hưởng đến tình hình ổn định chính trị để phát triển đất nước.

Một nguy cơ khác có thể xảy ra nếu phát triển quá nhiều nhà máy thủy điện, ông nói tiếp:

Đặc biệt ở Việt Nam luôn làm thiếu tính hệ thống. Vừa rồi ở Lào có vụ việc vỡ đập thủy điện. Nếu đập thủy điện bị vỡ như vậy sẽ tác động đến các đập khác, gây ra hiện tượng vỡ đập liên hoàn. Như vậy người dân ở vùng sâu sẽ không sơ tán kịp và nhiều người sẽ chìm trong vùng lụt, phải chịu mất mát về cả tính mạng con người và của cái vật chất.

Trong buổi Hội nghị về phát triển thủy điện nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng nói rằng nếu Việt Nam có xây thêm nhà máy thủy điện thì cần hạn chế tối đa phá hoại rừng và phải có quy trình chặt chẽ trong việc xây dựng và vận hành hồ chứa.

Có khả thi?

Thủy điện là vấn đề gây nhiều tranh luận trong mấy năm trở lại đây. Tại miền Trung cứ đến mùa mưa lũ là các đập thủy điện lại xả lũ vì sợ vỡ đập. Điều này gây ra hiện tượng lũ chồng lũ ở khu vực vốn đã chịu nhiều thiên tai nhất trên cả nước. Những đợt xả lũ như vậy gây nhiều thiệt hại về vật chất và thậm chí là tính mạng của người dân.

Riêng tại Việt Nam hiện nay chưa có những nghiên cứu đầy đủ về tác động của các đập nước lớn như Sông Đà và Trị An, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại về các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong ở Lào và Trung Quốc, một ngày nào đó sẽ kết liễu sự sống của đồng bằng sông Cửu Long. Tháng 5 vừa qua, các chuyên gia Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu hoãn dự án thủy điện Pắc Beng ở Lào để bảo vệ 20 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm bảo vệ ngành thủy điện. Ngay trong buổi hội nghị, Phó vụ trưởng Vụ Thủy điện, Bộ Công Thương, ông Phan Duy Phú cho rằng, thủy điện nhỏ và vừa là nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia, là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo và cần được khai thác hợp lý. Hay ông Bùi Thế, Phó giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng nói rằng các công trình thủy điện đã giúp tỉnh này phát triển kinh tế trong thời gian qua.

Trước đó Bộ Công Thương cũng từng đưa ra đánh giá rằng thủy điện nhỏ và vừa có nhiều lợi ích như cung cấp năng lượng, giúp đỡ nông nghiệp, mang lại công ăn việc làm cho dân,…

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói rằng bây giờ còn quá sớm để đánh giá liệu việc xây dựng 300-400 nhà máy thủy điện có khả thi hay không:

Bởi vì số lượng lớn như vậy thì có thể có một số nhà máy khả thi. Nhưng khả thi cho cái gì mới được? Ví dụ khả thi về mặt kinh tế nhưng đôi khi không khả thi về mặt môi trường hay mặt xã hội. Nên phải có hồ sơ mới đánh giá được tính khoa học, khả thi hay tính bền vững,… Ví dụ nhà máy đó đặt ở vị trí phù hợp hay không, điều kiện nước có bảo đảm hay không, phải hi sinh bao nhiêu rừng, và bao nhiêu người dân phải di tản.

Rồi vấn đề về tái định cư, và sinh kế của người dân ở đó bởi vì họ sống ở dưới thung lũng thì họ dễ dàng canh tác, bắt cá nhưng khi di dời, theo khảo sát của tôi, thì cuộc sống của họ khó khăn hơn rất nhiều.
TS. Lê Anh Tuấn

Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật lại có cái nhìn khác. Ông cho rằng việc xây thêm số lượng lớn nhà máy thủy điện như vậy sẽ không khả thi khi đưa vào thực tiễn. Ông giải thích:

Quan điểm của Hiệp hội Năng lượng hay Bộ Công thương có thể cho là khả thi. Nhưng khi đưa ra thực tiễn sẽ không khả thi.

Ví dụ đơn giản như hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch từ năm 2001 cho đến năm 2011 là 10 năm. Nhưng đến 2012 Thủ tướng vẫn phải rút lại.

Nó không khả thi ngoài thực tế vì dân những vùng đó sẽ phản đối và công luận cũng sẽ phản đối khi môi trường tự nhiên bị hi sinh để làm thủy điện.

Tiến sĩ Lê Tuấn Anh nói rằng bản thân ông không phản đối thủy điện, nhưng với điều kiện là phải cân nhắc thật kỹ lưỡng những tác động nó mang lại. Ông cho rằng Việt Nam cũng nên cân nhắc các nguồn năng lượng khác thân thiện với môi trường mà giá thành ngày càng rẻ như năng lượng gió, mặt trời, thay vì cứ chú trọng đầu tư thủy điện truyền thống.

Trong khi đó, tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Năng lượng Tái tạo ông Phạm Trọng Thực lại nói rằng thực tế năng lượng tái tạo chỉ đủ cung cấp thêm cho nguồn điện chứ không thể thay thế các nguồn khác. Khi không có nắng, không có gió là phải dùng năng lượng dự trữ hoặc các nguồn năng lượng khác như nhiệt điện than, thủy điện để phát điện.

Những ý kiến các chuyên gia đưa ra dẫn đến một câu hỏi rằng liệu Việt Nam có xem xét trận lũ lụt lịch sử này khi đưa ra quyết định xây thêm đập thủy điện hay không? Và liệu Nhà nước có thảo luận công khai với người dân tại những khu vực được chọn xây nhà máy hay không?

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/should-vn-build-300-400-hydroelectric-power-plants-10172017081944.html

 

Hà Văn Thắm kháng cáo hay không?

TAND TP Hà Nội cho báo chí Việt Nam biết họ chưa nhận được đơn kháng cáo của cựu chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm, dù đã qua hạn chót 16/10.

18 bị cáo khác, trong đó có cựu TGĐ OceanBank Nguyễn Xuân Sơn, đã gửi đơn kháng cáo bản án sơ thẩm tuyên hôm 29/9.

Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Trần Nam Hà, được dẫn lời nói tòa sẽ chấp nhận những đơn gửi muộn qua bưu điện nếu dấu bưu điện xác định gửi trước ngày 17/10.

Bị cáo Hà Văn Thắm đã bị tuyên phạt tù chung thân về bốn tội danh.

Ông Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên tử hình, nhưng kháng cáo rằng mình không phạm tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ông Sơn chỉ thừa nhận đã phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bà Hứa Thị Phấn (cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ) bị tuyên 17 năm tù, nhưng kháng cáo toàn bộ bản án.

Phiên sơ thẩm kéo dài một tháng, xử 51 bị cáo, liên quan vụ án thất thoát hơn 2.000 tỉ đồng tại OceanBank.

Tòa nói ông Hà Văn Thắm phải bồi thường 847 tỉ đồng, Nguyễn Xuân Sơn bồi thường khoảng 200 tỉ đồng.

Có 34 bị cáo nguyên là giám đốc OceanBank các chi nhánh bị tuyên 18-36 tháng tù nhưng hưởng án treo.

Bàn tròn Điểm tin tức cuối tuần (từ 24-30/9/2017)

Vụ xử OceanBank: Các bị cáo ‘nói lời cuối’

Luật sư nói gì về ‘mắt xích’ PVN-OceanBank?

Công an VN bắt thêm lãnh đạo PetroVietnam

Tại phiên sơ thẩm, tòa cũng kiến nghị điều tra việc chỉ đạo PetroVietnam (PVN) gửi tiền vào OceanBank khiến PVN mất trắng 800 tỉ đồng.

Theo hồ sơ, PVN góp vốn vào OceanBank 800 tỉ đồng tính đến ngày 17/5/2011, tương đương 20% vốn điều lệ của OceanBank.

Cùng với việc góp vốn, ông Nguyễn Xuân Sơn vốn là người của PVN được giới thiệu làm đại diện phần vốn góp của VPN.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41635723

 

Nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn bị công an sách nhiễu

Nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn tại Đà Nẵng cho biết bản thân bị công an thành phố này gửi giấy triệu tập liên lục và ngày 20 tháng 10 tới đây phải đến làm việc. Giấy mời ghi ‘làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ án’; nhưng anh này hỏi vụ án gì thì không được trả lời.

Anh Khúc Thừa Sơn vào chiều ngày 17 tháng 7 cho Đài Á Châu Tự Do biết về tác động của việc bị công an mời làm việc liên tục nhưng không rõ về một vụ án nào như thế:

“Rất khó xử vì tôi từng quan tâm đến những vụ các anh em đấu tranh dân chủ bị bắt. Có trường hợp khi mời lên đồn công an làm việc khác; nhưng khi bắt thì theo lệnh khẩn cấp với điều khác như ‘chống nhà nước’ hoặc ‘vi phạm an ninh quốc gia’. Có trường hợp mời đi làm việc những giữa đường bị bắt như trường hợp anh Lê Đình Lượng ở Yên Thành, Nghệ An hoặc anh Nguyễn Văn Túc ngoài Thái Bình chẳng hạn. Ngoài ra gần đây nhiều trường hợp dân đến đồn Công an bị chết không rõ lý do hay bị đánh đập. Khi xảy ra, công an lại lẩn trách trách nhiệm. Khi có những giấy triệu tập như thế này thì tôi yêu cầu phải trả lời rõ ràng nhưng họ không đáp ứng. Do tôi không có ở nhà nên họ đến áp lực với gia đình khiến bố mẹ tôi suy sụp tinh thần.”

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/activist-khuc-thua-son-gets-continual-unclear-summons-10172017103721.html

 

Nơi giam cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển vẫn bí mật

Cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển, người bị bắt đi từ ngày 30 tháng 7, đến nay thân nhân vẫn không được cơ quan chức năng cho biết giam giữ ông này ở đâu.

Vào ngày 17 tháng 10, bà Kim Phượng vợ ông Nguyễn Bắc Truyển nói với đài Á Châu Tự Do:

“Hiện tại đến bây giờ cũng không có một tin tức gì hết ngoại trừ mỗi khi đi thăm, đi gởi đồ thì xong rồi thôi cũng không biết là hiện nay anh Truyển có ở đó hay không, có được khoẻ hay không, không biết anh có bị ép cung hay là bị tra tấn nhục hình, hoàn toàn không biết một tin gì về anh Truyển hết.”

Bà cũng cho biết việc đăng lên Facebook đính chính làm rõ một số thông tin trước đây về nơi giam giữ chồng bà:

“Khi tôi làm đơn khiếu nại hỏi để tôi biết chồng tôi ở đâu để đi thăm, thì bên bộ công an trả lời anh Truyển đang bị giam ở trại giam B14 của Bộ Công an ở Hà Nội, trên văn bản là công an chỉ trả lời như thế thôi chứ thật sự cũng không có thêm được thông tin nào để xác thực cho tôi biết anh Truyển đang ở đó, tại vì chỉ là lời nói thôi còn hoàn toàn không có một thông tin, chẳng hạn là chữ ký mỗi lúc gởi đồ cũng không được, có nghĩa là không có một thông tin gì để cho biết hiện nay anh Truyển đang ở đó, mặc dù công an thì nói anh ở đó”.

Đươc biết theo quy định của trại giam một tháng thân nhân của người bị giam giữ được cho thăm 2 lần, mỗi lần gởi được 5 ký. Kỳ nào đi thăm bà Kim Phượng luôn yêu cầu được nhận chữ ký của người nhận đồ và bên trại giam luôn từ chối lấy lý do không cho chữ ký của người nhận.  Bà cũng đang lo lắng cho sức khoẻ của chồng vì trước khi bị bắt ông cũng đang mang bệnh nên bà rất lo lắng.

Bà cũng cho biết đã có nhờ đến luật sư nhưng bị từ chối:

“Bên an ninh A 92 đã từ chối họ nói trong thời gian này là thời gian điều tra họ không cho luật sư vào, sau khi kết thúc điều tra luật sư mới có thể vào cuộc, tôi nghĩ đến lúc đó thì vai trò luật sư cũng không còn ý nghĩa gì hết, mà điều luật, theo điều luật rất mơ hồ có nghĩa là theo khoản 1 điều 59 là có thể vào được chứ không phải dứt khoát là không vào được nhưng họ ấy điều đó và không cho luật sư vào”.

Ông Nguyễn Bắc Truyển bị bắt cùng lúc với các cựu tù chính trị khác gồm mục sư Nguyễn Trung Tôn, Kỹ sư Phạm Văn Trội và nhà báo tự do Trương Minh Đức vào hôm 30 tháng 7, 2017. Tất cả bị cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền theo điều 79 bộ luật hình sự Việt Nam, trong cùng vụ với cựu tù chính trị, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ex-political-prisoner-detention-place-kept-secret-10172017102718.html

 

“Hãy ngưng ngay đàn áp tại Việt Nam”

‘Hãy ngưng ngay đàn áp tại Việt Nam’ là kêu gọi mà một liên minh các nhóm nhân quyền Việt Nam cùng quốc tế đưa ra với chính quyền Việt Nam vào ngày 16 tháng 10.

Liên minh gồm 10 tổ chức ra thông cáo báo chí nêu rõ ở trong nước hiện đang diễn ra một chiến dịch đàn áp chưa từng có đối với quyền tự do biểu đạt. Tính cho đến thời điểm này, cơ quan chức năng Việt Nam cho bắt giữ hay buộc phải đi lưu vong ít nhất 25 nhà hoạt động ôn hòa và blogger.

Trong một loạt những vụ xử án trá hình, chính quyền Việt Nam đưa ra những cáo buộc sai trái và kết án nhiều năm những người lên tiếng bảo vệ nhân quyền và blogger. Trong số này có những nhân vật như bà Trần Thị Nga, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Theo thông báo báo chí của Liên minh 10 tổ chức bảo vệ nhân quyền thì chính phủ Hà Nội nại ra lý cớ an ninh quốc gia mơ hồ; đặc biệt theo điều 79 và 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, để biện minh cho việc trấn áp sự ủng hộ ôn hòa cho quyền tự do biểu đạt, tự do thông tin.

Liên minh 10 tổ chức ký tên vào thông cáo báo chí kêu gọi chính quyền Việt Nam ‘Ngưng ngay đàn áp’ còn nêu ra rằng cơ quan chức năng trong nước nhắm đến công cụ mạng xã hội và lấy lý do ‘tin giả’ nhằm biện minh cho hành động kiểm duyệt.

Cơ quan chức năng Việt Nam tiếp tục sử dụng chiến thuật truy tố, giam giữ tùy tiện, sách nhiễu nhằm bịt miệng những tiếng nói bất đồng.

Những biện pháp đàn áp như thế bị cho là vi phạm luật quốc tế, hủy hoại tiếng tăm của Việt Nam trên trường quốc tế và hạn chế tiến bộ quốc gia.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/stop-the-crackdown-in-vn-10172017101659.html

 

Đoàn dân biểu Hoa Kỳ

làm việc với Bộ Quốc Phòng Việt Nam

Một phái đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ do dân biểu Ted Yono, Chủ tịch Ủy ban Châu Á- Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, làm trưởng đoàn vào chiều ngày 17 tháng 10 có cuộc làm việc với Bộ Quốc Phòng Việt Nam.

Tin cho biết tại buổi làm việc, hai phái đoàn trao đổi về đẩy mạnh hợp tác song phương trong lãnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh ở Viêt Nam. Theo đó, hai bên thống nhất đề nghị Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ cung cấp vốn ODA không hoàn lại để khắc phục ô nhiễm môi trường do chất dioxin tồn lưu sau chiến tranh tại các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát, A Lưới-Thừa Thiên Huế, Sa Thầy-Kon Tum.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Hoa Kỳ cùng hợp tác trong các hoạt động khắc phục hậu quả đối với nạn nhân chất da cam ở Việt Nam, bao gồm điều trị y tế lẫn giúp đỡ những nạn nhân này ổn định cuộc sống.

Việt Nam và Hoa Kỳ cũng tăng cường hợp tác để sớm hoàn thành công việc tìm kiếm hài cốt và quân nhân Mỹ cũng như Việt Nam mất tích trong chiến tranh.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-ministry-of-defense-talks-to-us-congressmen-ab-mine-contamination-10172017120933.html

 

Lãnh đạo Việt Nam nói

đã bồi thường 97% cho nạn nhân Formosa

Công tác đền bù cho nạn nhân thảm họa môi trường do Formosa Vũng Áng gây nên, tính đến ngày 4 tháng 10, đã được 97% số tiền dùng để đền bù chung cho nạn nhân thảm họa này.

Thông vừa nêu này được Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn báo cáo cho chính phủ Việt Nam.

Phó Thủ tướng thường trực của Chính phủ Hà Nội, Trương Hòa Bình, nói rằng còn có 3% chưa đền bù vì những lý do khách quan, nhưng ông không nói rõ là những lý do gì.

Theo trang tin của Chính phủ Việt Nam thì các tỉnh bị thiệt hại là Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, và Thừa Thiên- Huế có đề xuất những đề án nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhưng không nói rõ là số tiền làm các dự án này có nằm trong số tiền trị giá 500 triệu đô la Mỹ mà công ty Formosa đã đền bù hay không.

Tuy nhiên một người địa phương là Linh mục Đặng Hữu Nam không tin ở con số 97% nhà nước đưa ra. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do:

Những cái nơi mà được thống kê rất là thấp, rất là ít, và ít người, thì họ chi trả tiếp, còn những nơi số lượng chi trả nhiều, nhiều nạn nhân, mỗi nạn nhân phải chi trả nhiều như các doanh nghiệp, thì cho đến bây giờ họ chưa chi trả. Bằng chứng là ngay tại Lộc Hà, Hà Tĩnh, rất là nhiều đoàn đã đến xác thực và kiểm tra thiệt hại của các doanh nghiệp ở đó, đến ngày hôm nay vẫn chưa được đền bù.”

Xin nhắc lại là thảm họa môi trường Formosa Vũng Áng bùng nổ vào tháng tư năm 2016, khi nhà máy thép Formosa đóng tại Vũng Áng Hà Tĩnh, xả hóa chất trực tiếp ra biển làm cá chết hàng loạt dọc theo các  tỉnh miền Trung, gây ảnh hưởng đến đời sống ngư dân, cũng như nhưng hoạt động kinh tế có liên quan đến nghề đánh cá và du lịch tại địa phương.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/compensation-formosa-97-10172017083648.html

 

Việt Nam vẫn không chận được nạn phá rừng

Kính Hòa RFA

Sau những cơn lũ chết người mà báo chí Việt Nam gọi là lịch sử vào đầu tháng 10 năm nay, 2017, một viên chức đã về hưu của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn của tỉnh Hòa Bình nói với đài Á châu tự do rằng nạn phá rừng là một trong những nguyên nhân chủ yếu.

Nạn phá rừng tại Việt Nam hiện nay đang được kiểm soát ra sao?

Chỉ trong khoảng thời gian vài tháng của năm 2017, báo chí chính thống của nhà nước đã đưa tin về nhiều vụ phá rừng lớn.

Ngày 15 tháng Bảy, báo Vnexpress đưa tin về một vụ phá rừng gỗ quí pơ mu tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, trong đó có một phó đồn công an biên phòng bị khởi tố vì thông đồng với những người phá rừng (lâm tặc.)

Ngày 18 tháng Tám, báo mạng Pháp Luật plus đăng phóng sự điều tra về nạn phá rừng ở tỉnh Yên Bái, trong đó người dân có nói rằng lâm tặc sở dĩ hoành hành tại tỉnh Yên Bái vì họ có người chống lưng cho những hoạt động phá rừng.

Cũng trong tháng Tám, báo điện tử VTC news đăng bài về sự lo ngại của người dân huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình lo ngại vì rừng đầu nguồn bị phá, ảnh hưởng đến cuộc sống, nhất là nguồn nước của họ.

Chúng tôi có liên lạc với một số người có trách nhiệm tại Chi cục kiểm lâm tỉnh Hòa Bình để hỏi về việc phá rừng ở tỉnh này, cũng như ảnh hưởng của nạn phá rừng đến tác hại ngày càng lớn của lũ lụt, nhưng đều bị từ chối trả lời.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nói với chúng tôi rằng pháp luật cần phải rất nghiêm khắc để chống lại nạn lâm tặc:

“Đừng có theo đuôi lâm tặc, cứ theo pháp luật mà xử lý. Chổ nào vi phạm thì xử lý chổ nấy, không bao che nhau.”

Tuy nhiên khi được hỏi là với cung cách nghiêm khắc như vậy của pháp luật thì rừng ở Duy Xuyên hẳn là có thể được bảo tồn tốt, thì ông lại trả lời:

“Duy Xuyên còn rừng đâu mà phá. Phá từ xưa đến giờ rồi, giờ chỉ còn rừng trồng thôi.”

Ông Nguyễn Xuân Hồng nói là việc trồng rừng hiện nay để tăng diện tích rừng, là chủ trương chung của cả nước, gắn chặt với các hộ gia đình, sống nhờ vào những khoảng rừng mà họ trồng.

Tôi cho là tốc độ phủ diện tích rừng không bằng tốc độ rừng bị phá.

-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn.

Theo số liệu được chính phủ Việt Nam đưa ra vào năm 2016 thì tính đến cuối năm 2015, diện tích rừng tại Việt Nam phủ lên 40,84% diện tích của quốc gia.

Tuy nhiên Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Cần Thơ, nghi ngờ về con số này, ông nói:

“Tôi cho là tốc độ phủ diện tích rừng không bằng tốc độ rừng bị phá. Đâu phải mình trồng lên bao nhiêu là sống bấy nhiêu, tỉ lệ thất bại cũng nhiều. Tôi nghe báo cáo là trên 30%, tùy theo địa phương, có nơi báo cáo là 40%. Những người làm bên lâm nghiệp mà tôi tiếp xúc thì chỉ khoản hơn 20% thôi.”

Trong bức tranh khá ảm đạm về nạn phá rừng tại Việt Nam, có một khu rừng được xem là được bảo vệ tốt là rừng quốc gia Nam Cát Tiên. Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, người từng làm việc cho cơ quan quản lý khu rừng quốc gia này, và hiện nay đang thành công trong việc điều hành một khu du lịch dựa vào thiên nhiên tại đây, nói với chúng tôi rằng phải làm cho người dân có ý thức bảo vệ nguồn lợi rừng:

Mình phải gắn quyền lợi của họ với rừng. Họ ngăn chận lâm tặc thì họ phải có nguồn lợi từ rừng. Họ có thể vào rừng hái măng, đọt mây, những sản phẩm không phải là gỗ, không phải thú rừng hay cây thuốc, thì cho họ hưởng lợi. Cái thứ hai là du lịch, cái thứ ba là vười quốc gia tạo công ăn việc làm cho họ. Người dân thấy được là phải giữ được rừng thì mới được lợi. Không có rừng thì họ không có lợi. Khi ý thức được như vậy thì lâm tặc không vào được.”

Bên cạnh đó ông cũng cho rằng việc kiểm soát nạn phá rừng từ phía các cơ quan pháp luật phải nghiêm khắc.

Ông Nguyễn Văn Diện, hiện  là Giám đốc rừng quốc gia Nam Cát Tiên nói về việc thực thi pháp luật tại tỉnh Đồng Nai, nơi có rừng quốc gia Nam Cát Tiên:

Ở Đồng Nai thì chúng tôi xử lý nghiêm những vụ vi phạm phá rừng.”

Tuy nhiên nạn phá rừng vẫn không thể tránh được hoàn toàn tại tỉnh Đồng Nai. Vào tháng Sáu năm nay, 2017, đài truyền hình Việt Nam đưa tin về vụ ba hectare rừng gỗ tek được trồng từ lâu tại Huyện La Ngà, tỉnh Đồng Nai bị phá. Và trong vụ này những người phá rừng làm đường vận chuyển gỗ đi ngay trước mặt trạm kiểm lâm tại đây.

Đứng trước nạn lâm tặc cấu kết với một số giới chức chính quyền, thậm chí là cơ quan kiểm lâm để phá rừng, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nói với chúng tôi là ông không nhìn thấy một giải pháp nào, trừ việc nếu có vụ việc nào bị lộ, thì sẽ đem ra pháp luật, giống như việc chống nạn tham nhũng hiện nay.

Trở lại tỉnh Yên Bái, nơi người dân nghi ngờ rằng có những thế lực trong cơ quan chính quyền đứng đằng sau nạn phá rừng, liên tục trong nhiều tháng vừa qua dư luận trên mạng xã hội cũng như báo chí của nhà nước nói rất nhiều về chuyện ông Giám đốc sở Tài nguyên & Môi trường của tỉnh này xây cất nhà cửa rất nguy nga gọi là biệt phủ, và ông này là em của bí thư tỉnh ủy tỉnh Yên Bái, người có quyền lực cao nhất ở địa phương.

Cho đến nay, nhiều tháng sau khi chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam được phát động, vẫn không có thông tin gì về vụ biệt phủ ở Yên Bái.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/deforestation-non-stop-10162017135728.html

 

Mang lậu chim hót từ VN vào Mỹ, bị kết án 1 năm tù

Một cư dân thành phố Fountain Valley, quận Cam, bang California hôm thứ Hai 16/10 bị tuyên án một năm tù giam và 6 tháng giam lỏng tại nhà về tội vận chuyển lậu trong hành lý gần 100 con chim hót, đa số đã chết trên đường vận chuyển từ Việt Nam đến Mỹ.

Ông Kurtis Law mang 93 con chim có màu sắc sặc sỡ này – trị giá ước lượng 90.000 đôla trên thị trường chợ đen Nam California – nhập cảnh vào Mỹ hôm 24/3. Ông bị bắt vào tháng 5.

Các nhân viên điều tra viên lục soát hành lý của ông Law tại sân bay quốc tế Los Angeles xác định rằng các loài chim có nguy cơ tuyệt chủng và được bảo vệ theo công ước CITES, Công ước liên bang về buôn bán các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Theo các tài liệu của tòa án, chim biết hót bán ở Đông Nam Á với giá 1 đôla hoặc 2 đôla mỗi con, nhưng ở thị trường Mỹ là khoảng 1.000 đôla một con.

Các loài chim được phát hiện trong hành lý của ông Law là chim nhồng Bali, chim họa mi Trung Quốc, chim kim oanh mỏ đỏ và chim kim oanh tai bạc.

Những loài này được kinh doanh bất hợp pháp tại một số chợ người Hoa ở Nam California, và được cho là mang lại niềm may mắn.

Trong số 93 con chim bị nhét vào hành lý của ông Law, chỉ có 8 con sống sót khi đến sân bay Los Angeles.

https://www.voatiengviet.com/a/mang-lau-chim-hot-tu-vn-vao-my-bi-ket-an-1-nam-tu/4073872.html

 

Bộ Giáo Dục bất nhất về ‘dạy theo sách giáo khoa’

Một quan chức Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vừa cải chính công văn “cấm tuyệt đối” việc dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa. Một giảng viên đại học cho rằng đó là động thái có tính “tình thế” của bộ trước những phản ứng, chỉ trích của dư luận.

Hôm 17/10, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thuộc bộ, được báo chí Việt Nam dẫn lời nói rằng công văn số 4612 ban hành ngày 3/10 đã “gây hiểu nhầm”.

Công văn do một thứ trưởng ký, chỉ đạo các trường phổ thông điều chỉnh nội dung dạy học kể từ niên khóa 2017-2018, kết thúc với câu “Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”, gây nhiều tranh cãi.

Họ có thể ra văn bản đó một cách rất duy ý chí, nhưng sau khi nhận được phản ứng trái chiều, bất bình của dư luận, theo đánh giá của tôi, họ cũng bắt đầu suy nghĩ lại, cho nên họ phải rút lại cái văn bản.

một giảng viên đại học

Phó Vụ trưởng Thành nói với báo chí rằng cách diễn đạt như vậy “đã gây ra hiểu lầm là Bộ chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng sách giáo khoa để dạy học”. Ông khẳng định “Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của bộ”.

Ông Thành lưu ý rằng phần lớn nội dung của công văn thực ra đề nghị “tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành”.

Trước khi có giải thích của vị phó vụ trưởng, công văn này đã nhận nhiều lời chỉ trích, thể hiện trên các báo lớn của Việt Nam.

Ý kiến của nhiều giáo viên ở các địa phương khác nhau đều cho rằng coi sách giáo khoa như pháp lệnh là “không phù hợp với sự phát triển”. Họ cũng nêu ý kiến “không nên bó buộc sự tự do, sáng tạo của người dạy và người học”.

Một số nhà giáo cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “tiền hậu bất nhất”, thậm chí “mâu thuẫn” trong chỉ đạo. Họ nêu dẫn chứng là nhiều văn bản hướng dẫn của bộ trước đây cho giáo viên “có thể thoát ly” sách giáo khoa, chỉ coi đó là “một tài liệu chính trong nhiều tài liệu” để thiết kế bài giảng.

Một giảng viên đề nghị không nêu tên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội bình luận với VOA:

“Xét theo tư duy trước nay vẫn có trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa thì nó là nhất quán. Bởi vì trước nay nền giáo dục Việt Nam vẫn là theo định hướng. Họ có thể ra văn bản đó một cách rất duy ý chí, nhưng sau khi nhận được phản ứng trái chiều, bất bình của dư luận, theo đánh giá của tôi, họ cũng bắt đầu suy nghĩ lại, cho nên họ phải rút lại cái văn bản. Tôi nghĩ bây giờ tình thế đã khác. Dân trí đã nâng cao hơn, rồi người dân đã có mạng xã hội để bày tỏ ý kiến”.

Giảng viên này nói thêm việc cải chính công văn thể hiện sự “thận trọng về chính trị” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong một bài viết trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng ngày 16/10 liên quan đến sự kiện này, nhà giáo có tên Đỗ Quyên bày tỏ sự ngao ngán về việc bộ ra những chỉ đạo “cái sau đá cái trước”.

… sự thay đổi triệt để của bất cứ ngành nào trong xã hội Việt Nam hiện nay đều phải nằm trong sự thay đổi chung, đấy là sự thay đổi căn bản về ý thức hệ. Cho nên thời gian tới, tôi cũng không lạc quan lắm về cải cách giáo dục đâu.

một giảng viên đại học

Nhà giáo nêu ra một thực trạng là bộ “liên tục chỉ đạo chuyên môn”, giáo viên “liên tục bị điều đi tập huấn, thực hành … nhưng cuối cùng thì giáo dục vẫn cứ như một mớ bòng bong, gỡ chỗ này lại dính chùm chỗ kia đến độ mất phương hướng”.

Đoạn kết của bài viết trên báo thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đặt câu hỏi “Cứ đà này, giáo dục của chúng ta biết đến bao giờ mới thật sự đổi mới được đây?”

Giảng viên không muốn nêu tên thuộc ĐHQGHN đưa ra nhận định với VOA:

“Trong thời gian ngắn tới, tôi nghĩ là các vấn đề lớn của giáo dục vẫn ở trong tình trạng ‘giải pháp tình thế’. Về tổng thể, để có sự thay đổi triệt để, tôi nghĩ là chưa có. Bởi vì sự thay đổi triệt để của bất cứ ngành nào trong xã hội Việt Nam hiện nay đều phải nằm trong sự thay đổi chung, đấy là sự thay đổi căn bản về ý thức hệ. Cho nên thời gian tới, tôi cũng không lạc quan lắm về cải cách giáo dục đâu”.

Dựa vào kinh nghiệm nghề nghiệp và thông tin trong ngành giáo dục, giảng viên này dự báo tới đây bộ có thể cho thí điểm “được độc lập về sách giáo khoa” ở một vài trường, thậm chí rộng hơn là ở một huyện hoặc một tỉnh.

Tuy nhiên, theo giảng viên, đó vẫn là giải pháp “tình thế và tạm thời”, không phải là giải pháp triệt để trong cải cách giáo dục.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-giao-duc-bat-nhat-ve-day-theo-sach-giao-khoa/4073920.html

 

Việt Nam, Nga thúc đẩy phát triển

quan hệ tại Đại hội đồng IPU

Các mối quan hệ Việt-Nga mang một tính chất đặc biệt và hữu nghị đang phát triển trên nhiều lãnh vực rộng lớn — Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matviyenko phát biểu như vậy trong cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân bên lề Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137, gọi tắt là IPU-137, hôm 15/10 tại thành phố Saint Petersburg của Nga.

Bà Matviyenko nói: “Quan hệ Việt-Nga dựa trên các truyền thống và quan hệ hữu nghị vững chắc và hỗ trợ lẫn nhau đang phát triển trên những lãnh vực đa dạng và rộng lớn. Đối thoại chính trị thường xuyên, các hoạt động hợp tác giữa quốc hội, các bộ, các cơ quan, chính đảng và các tổ chức của hai nước là một phần và là tập hợp của mối quan hệ chiến lược của hai nước chúng ta.”

Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga nhắc lại một thỏa thuận cấp lãnh đạo sẽ tổ chức Năm nước Nga ở Việt Nam và Năm nước Việt Nam ở Nga vào năm 2019. “Đó là một sự khẳng định sống động nhất các mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta,” bà Matviyenko được hãng thông tấn Tass của Nga trích lời. Bà cũng kêu gọi các nhà lập pháp của hai nước chuẩn bị chương trình cho sự kiện này.

Bà Matviyenko nhấn mạnh rằng phát triển các mối quan hệ giữa hai quốc hội là một thành tố thiết yếu trong quan hệ Nga-Việt và bà kêu gọi đẩy mạnh tiếp xúc giữa các nhóm trong quốc hội giữa hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân được hãng thông tấn Tass trích lới nói rằng sự đại diện rộng lớn của quốc tế tại Đại Hội đồng IPU nói lên “uy thế và vai trò toàn cầu của Nga và Liên minh Nghị viện quốc tế.”

Báo chí Việt Nam loan tin rằng trong khuôn khổ các hoạt động tham dự IPU-137, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Ardeshir Larijani, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Sye-Kyun; tiếp Phó Chủ tịch Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại) Trung Quốc Trường Bình.

Trong một diễn biến khác tại Đại hội đồng IPU, đoàn đại biểu của Triều Tiên đã ra khỏi hội trường khi đại diện của phái đoàn Hàn Quốc lên phát biểu.

Hãng thông tấn Tass nói đoàn đại biểu Bắc Hàn có mặt chứng kiến hầu hết phát biểu của đại biểu các nước, nhưng ngay trước khi Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Sye-kyun lên bục diễn văn, đoàn đại biểu Triều Tiên đã rời hội trường đi ra ngoài.

Trong phát biểu, ông Chung Sye-kyun kêu gọi Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán để giải quyết những mâu thuẫn trên Bán đảo Triều Tiên. Ông cũng bày tỏ hy vọng “Đại hội đồng IPU có thể giúp giải quyết vấn đề Triều Tiên.”

(Theo Tass, SGGP)

https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-nga-thuc-day-phat-trien-quan-he-tai-dai-hoi-dong-ipu/4072520.html