Tin Việt Nam – 17/09/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 17/09/2019

Việt Nam đứng đầu thế giới

về nguồn tài chính bất hợp pháp

Việt Nam là quốc gia nhận được dòng tiền bất hợp pháp lớn nhất trên thế giới từ một hình thức rửa tiền dựa trên thương mại, theo một nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu (GFI).

GFI (Global Financial Integrity), có trụ sở ở Washington, Mỹ, cho biết Việt Nam đã thu về 22,5 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2015 trong nghiên cứu được tiến hành trong 10 năm từ 2006-2015 dựa trên các dữ liệu của Quỹ Tài chính Quốc tế (IMF) và Liên Hợp Quốc (UN).

“Chúng tôi khá ngạc nhiên về con số (22,5 tỷ USD) và chúng tôi muốn biết về con số này,” kinh tế gia cao cấp của GFI Rick Rowden nói với VOA về dòng tiền bất hợp pháp chảy vào Việt Nam từ hoạt động “thương mại với hóa đơn sai” (trade misinvoicing). “Chúng tôi không thể biết vì sao con số này lại lớn đến như vậy và cái gì gây ra dòng tiền bất hợp pháp lớn đó chảy vào Việt Nam.”

Việt Nam đứng trên Thái Lan và Panama, lần lượt là 20,9 tỷ USD và 18,3 tỷ USD.

“Thương mại với hóa đơn sai” là một hình thức rửa tiền dựa trên kinh doanh thương mại thông qua việc các đối tác thương mại tự viết hóa đơn hoặc chuẩn bị các hóa đơn cho bên thứ 3 (thường là ở nơi được coi là thiên đường trốn thuế), theo GFI.

Chuyển dịch dòng tiền bất hợp pháp thông qua hệ thống thương mại là một phương thức rất cổ xưa và truyền thống, theo ông Rowden. Kinh tế gia này cho biết động cơ chủ yếu của hoạt động “tội phạm” này là nhằm trốn thuế hoặc đưa nguồn tiền từ một nước có ngoại tệ yếu sang một nước có ngoại tệ mạnh.

Nghiên cứu của GFI cho biết nguồn gốc của dòng tiền bất hợp pháp gồm có nguồn gốc không rõ, dòng tiền không được công khai cho chính phủ, tiền không được đánh thuế và các hoạt động bất hợp pháp như buôn lậu ma túy.

“Một trong những lý do có thể khiến gian lận thương mại gia tăng ở Việt Nam trong những năm gần đây là vì dòng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cao và việc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác,” ông Rowden cho biết.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng GDP năm 2019 dự kiến là 6,8%, theo đánh giá của ADB. Xuất khẩu từ Việt Nam tăng gấp ba lần về giá trị kể từ năm 2010 và đi kèm với đó là gian lận thương mại nhiều hơn. Kinh tế gia cao cấp của GFI nhận định rằng, gần đây thương mại cũng có thể được chuyển hướng qua Việt Nam để tránh thuế quan của cuộc chiến thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nhận định về sự dịch chuyển đồng vốn từ Trung Quốc sang Việt Nam, Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng cho rằng điều này đồng nghĩa với việc dịch chuyển gian lận thương mại sang Việt Nam.

“Điều này đã xảy ra đặc biệt trong ngành thép và tôn,” theo TS Dũng. “Thép và tôn Trung Quốc đã tập kết về Việt Nam rồi dán nhãn Việt Nam để xuất sang thị trường khác, đặc biệt là Hoa Kỳ.”

Từ năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định áp mức thuế quan nặng lên các sản phẩm thép vận chuyển từ Việt Nam nhưng được cho là có xuất xứ Trung Quốc để né trốn thuế chống bán phá giá của Mỹ.

Nghiên cứu của GFI còn cho thấy dòng tiền bất hợp pháp chảy ra khỏi Việt Nam trong năm 2015, dựa trên dữ liệu của Liên Hợp Quốc, là 9,1 tỷ USD, sau các nước như Mexico và Brazil.

Trong khi đó TS Dũng cho rằng số tiền bất hợp pháp chảy vào và ra khỏi Việt Nam còn cao hơn nếu tính cả số tiền đưa ra nước ngoài để trốn thuế rồi một phần trong đó được đưa trở lại Việt Nam.

TS Dũng, cũng là một nhà báo độc lập hiện đang sống ở TP HCM, trích dẫn dữ liệu từ Hồ sơ Panama năm 2016, nhưng không được công bố trên truyền thông trong nước, cho thấy số tiền của Việt Nam chuyển ra quốc tế lên tới 19 tỷ USD.

Ngoài mục đích đầu tư và chuyển tài sản ra nước ngoài của các doanh nhân, giới đại gia và quan chức, thì “một lượng tiền rất lớn, mà người ta đánh giá là có tới 1/3 trong số 19 tỷ USD liên quan đến rửa tiền – chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài với mục đích sau đó là chuyển lại từ nước ngoài về Việt Nam,” theo TS Dũng. “Nguồn gốc của các nguồn tiền đó là hoàn toàn biến mất,” ông cho biết.

Có khoảng 200 cá nhân và tổ chức liên quan đến Việt Nam có tên trong danh sách Hồ sơ Panama được công bố, theo truyền thông trong nước.

Hoạt động gian lận thương mại xảy ra ở các nước đang phát triển, đặc biệt như Việt Nam, nhiều hơn ở các nền kinh tế phát triển do hệ thống “cân bằng và kiểm soát” lỏng lẻo và kém toàn diện, theo ông kinh tế gia Rowden của GFI, và ông nói rằng “Việt Nam nằm trong số những nước tham nhũng nhất thế giới.”

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transperency International) xếp Việt Nam thứ 117/180 nước về chỉ số tham nhũng năm 2018.

Theo ông Rowden, hình thức gian lận thương mại với hóa đơn sai khiến cho chính phủ mất đi nguồn thu thuế rất lớn, bởi nếu không số tiền thất thoát đó đã có thể được dùng để đầu tư phát triển công như y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng.

GFI ước tính các quốc gia đang phát triển trên toàn thế giới mỗi năm mất đi khoảng 200 tỷ USD do hình thức gian lận thương mại này.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-dung-dau-the-gioi-ve-nguon-tai-chinh-bat-hop-phap/5085541.html

 

34 người Trung Quốc bị bắt

vì thao túng cổ phiếu tại Việt Nam

Trong ngày 17/9, công an quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng đã bàn giao 34 người Trung Quốc có hành vi hoạt động tội phạm công nghệ cao, thao túng chứng khoán cho cơ quan chức năng để xử lý.

Tin từ báo mạng VTC.vn cho biết, nhóm người Trung Quốc (gồm 34 người) xin visa vào Việt Nam với mục đích du lịch, sau đó cả nhóm thuê cả khách sạn Chula trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn để lưu trú.

Ngày 15/9, Công an quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công An Đà Nẵng đã ập vào khách sạn Chula, khống chế nhóm người Trung Quốc nói trên. Tại hiện trường Công

an phát hiện nhiều laptop, điện thoại di động kết nối mạng để truy cập các trang web ở Trung Quốc nhằm đầu tư phi pháp, thao túng chứng khoán.

Các nghi phạm này khai, do hành vi này bị cấm ở Trung Quốc nên cả nhóm sang Việt Nam để thực hiện việc thao túng chứng khoán. Những người này cho biết, đều làm thuê cho một ông chủ tại Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/chinese-arrested-for-manipulating-stocks-in-vietnam-09172019092111.html

 

Bắt băng nhóm người Trung Quốc

cho vay nặng lãi ở Sài Gòn

Công an quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, hôm 17/9  vừa triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi do người Trung Quốc cầm đầu, thu giữ nhiều máy tính, điện thoại và  nhiều hợp đồng cho vay… Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày.

Theo công an quận 2, những người bị bắt gồm 6 người mang quốc tịch Trung Quốc và 3 người mang quốc tịch Việt Nam là: Song Yu Jie, Yan Ze Feng, Hao Chao, Zang Jin Cheng, Qian Ying Jie, Qian Liang Yo, Nguyễn Vương Bảo cùng trú ở quận 2, Nguyễn Thị Hoàng Mỹ từ Đồng Nai và Phạm Viết Thanh Nhã ở Bình Dương.

Theo điều tra, nhóm này có 2 công ty là công ty TNHH Kyushu và Star City chuyên hoạt động cho vay tín chấp. Hai công ty này do một người Việt Nam và một người Trung Quốc cầm đầu và khoảng 30 nhân viên làm việc.

Nhóm tội phạm này dùng các app ứng dụng đăng tải lên mạng xã hội facebook quảng cáo về hình thức vay tiền trên điện thoại di động. Khách có nhu cầu vay phải cung cấp thông tin, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại người thân.

Nếu đủ điều kiện 2 công ty này sẽ cho vay từ 1,2 đến 4 triệu đồng, người vay phải chịu 24% trên tổng số tiền vay, thời hạn vay là 6 ngày với lãi suất 4%. Khi hết hạn vay, con nợ sẽ phải trả số tiền vay và tiền lãi, nếu không sẽ đóng phạt 4% mỗi ngày. Nếu khách không trả thì bị hăm dọa, uy hiếp hay đăng tải lên mạng xã hội để bôi nhọ danh dự…

Công an quận 2 đã chuyển các nghi phạm này cho Công an TPHCM để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-police-discovered-a-group-of-chinese-loan-sharkers-in-saigon-09172019091749.html

 

Công an Đà Nẵng bắt giữ 5 người Trung Quốc

thuê trẻ em làm phim người lớn

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng tối 14/9 tiến hành bắt khẩn cấp và tạm giam 5 người Trung Quốc và một người Việt Nam (phiên dịch) vì có hành vi lôi kéo các cô gái trẻ, trong đó có cô gái mới 15 tuổi, để quan hệ tình dục và quay clip sex bán trên mạng xã hội.

Truyền thông trong nước loan tin ngày 17 tháng 9, theo đó Công an Đà Nẵng xác định có ít nhất 4 cô gái trẻ đã bị lôi kéo, dụ dỗ vào đường dây “sản xuất clip sex”, trong đó có cháu K.D mới 15 tuổi 3 tháng.

Sau khi tiến hành bắt khẩn cấp, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng đã thực hiện lệnh tạm giam 6 đối tượng nói trên về hành vi “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.

Mạng báo Thanh Niên loan tin nhóm đối tượng Trung Quốc bị bắt khai nhận, song song việc bán các phim sex, clip sex cho các trang web sex ở nước ngoài để lấy tiền, nhóm này còn sử dụng hình thức livestream các cảnh trụy lạc, quan hệ tình dục trực tuyến để trục lợi bất chính.

Tin nói rõ nhóm đối tượng Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam theo visa du lịch. Từ tháng 2 năm nay cho đến thời điểm hiện tại, nhóm lập được cái gọi là ‘sào huyệt’, thực hành mọi hành vi phạm tội như vừa nêu.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/five-chinese-arrested-for-hiring-minors-to-do-sex-film-09172019081154.html

 

Việt Nam nguy cơ trở thành điểm đến

của tội phạm người Trung Quốc

Quản lý lỏng lẻo…

Truyền thông trong nước hôm 11/9 cho hay một đường dây sản xuất ma túy với số lượng được cho là rất lớn do nhóm người Trung Quốc điều hành tại tỉnh Bình Định đã bị cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra và phát hiện. Bốn người trong số 6 nghi phạm người Trung Quốc liên quan đến đường dây sản xuất ma túy đã bị tỉnh Bình Định xử phạt  vi phạm hành chính về tội “hành vi cư trú bất hợp pháp” với mức phạt gần 100 triệu đồng. Một mức phạt không đủ sức răn đe?

Trước đó, hôm 9/9 Bộ Công an cũng tiến hành bắt giữ 8 đối tượng người Trung Quốc có hành vi sản xuất ma túy tại tỉnh Kon Tum, thu giữ hàng chục tấn hóa chất, tiền chất được dùng để sản xuất ma túy, 20 tấn máy móc, thiết bị sản xuất….Đặc biệt, người cầm đầu đường dây sản xuất ma túy này Cai Zili đã từng bị TQ bắt giữ và phạt tù vì hành vi tương tự. Và, sau khi được ân xá tại TQ, Cai Zili đã chọn đến VN và lại phạm tội.

Điểm đáng lưu ý trong các vụ phạm tội của người TQ tại Việt Nam là Công An VN phát hiện tội phạm rất trễ. Ví dụ như vụ gần 400 người TQ phạm tội về điều hành đường dây đánh bạc tại khu đô thị Our City, Hải Phòng, sau 6 tháng hoạt động trái phép thì Công An VN mới khám phá ra sào huyệt này. Còn vụ phát hiện xưởng sản xuất ma túy tại Kon Tum phải mất hơn 10 tháng, Công An mới ra tay. Trong 10 tháng đó, các đối tượng người TQ vận chuyển hóa chất, máy móc, thiết bị và điều hành xưởng nhưng chính quyền địa phương hoàn toàn không hay biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Quyền phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào năm 2013 có phát biểu rằng, cơ quan điều tra Việt Nam là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh. Như vậy đối với những sự vụ người Trung Quốc phạm tội nhưng phát hiện chậm là do sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng địa phương hay vì nguyên do nào khác.

Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định, không ai có thể bác bỏ được kết luận rằng việc quản lý lỏng lẻo của các cấp địa phương “Bởi vì họ không quyết tâm làm thôi chứ làm là cái gì cũng phải ra. Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh đó, chạy sang tận Đức rồi mà bằng cách này cách khác thì an ninh Việt Nam cũng sang bắt cóc đem về. Tại sao không được, họ biết quá đi chứ, an ninh khu vực hằng ngày nắm từng hộ từng gia đình, tai mắt khắp nơi những việc to lù lù như thế mà bảo không biết. Chỉ có những đứa con nít mới tin lập luận như thế, còn những người có hiểu biết đều cho rằng có sự bảo kê, từng khu vực cho đến cấp tỉnh đều có thông đồng hết.”

Đồng ý với nhà báo Võ Văn Tạo, luật sư Hà Huy Sơn cho biết thêm “…nó thuộc về trách nhiệm của cơ quan chức năng Việt Nam và cụ thể là các cơ quan công an từ địa phương cho tới Trung ương vì trong thực tế khi người dân xây dựng hay sửa chửa một căn nhà hay bất kì việc gì dù là nhỏ thì công an Việt Nam đều phát hiện được hết vì có hệ thống cảnh sát khu vực, lĩnh vực nào thì có an ninh và cảnh sát kiểm soát lĩnh vực đó nên tôi cho rằng để sự việc xảy ra lớn và kéo dài như vậy thì không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan công an từ địa phương đến Trung ương.”

Việc xử lý gây nhiều tranh cãi

Vào ngày 26/8/2019, Tân Hoa Xã của Trung Quốc loan tin về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, cơ quan lập pháp hàng đầu của Bắc Kinh đã phê chuẩn hiệp ước dẫn độ nghi phạm với Việt Nam.

Hiệp ước dẫn độ gồm 22 điều khoản bao gồm các vấn đề như nghĩa vụ dẫn độ, tội phạm đủ điều kiện dẫn độ, quy định từ chối dẫn độ và giải quyết tranh chấp. Được ủy quyền bởi Hội đồng Nhà nước, nhóm đàm phán Trung Quốc gồm các quan chức từ nhiều bộ khác nhau và bắt đầu hội đàm với phía Việt Nam vào tháng 10 năm 2013. Hai bên đã ký hiệp ước vào ngày 7/4/2015 tại Bắc Kinh nhưng chưa chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, theo điều 27 của Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam đã ký với Trung Quốc, Việt Nam cũng có thể từ chối tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự.

Thế nhưng trong thực tế, phần đông các vụ án liên quan đến người TQ, thường người phạm tội sẽ bị trục xuất hoặc dẫn độ về TQ để tiếp tục xử lý. Như vụ việc xảy ra vào trung tuần tháng 8, truyền thông Việt Nam loan tin về việc ba thanh niên mang quốc tịch Trung Quốc đã giết hại một người lái xe taxi tại Sơn La và vứt xác xuống sông nhưng lại được trục xuất về Trung Quốc hay vụ việc Bộ Công an Việt Nam dẫn độ 28 người Trung Quốc giao cho Cục công an thành phố Đông Hưng của Trung Quốc xử lý về hành vi điều hành sàn chứng khoán giả tại Việt Nam cùng nhiều vụ việc khác, khiến người dân vô cùng lo ngại. Họ lo rằng, tội phạm TQ sẽ coi VN là điểm đến “an toàn” để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật?

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, hầu như tại Việt Nam không ai nghe đến hiệp ước dẫn độ được ký kết giữa hai nước, chỉ đến khi phía Trung Quốc thông tin việc Quốc hội thông qua hiệp ước dẫn độ với Việt Nam thì người dân mới ngã ngửa và bắt đầu lo ngại, tìm hiểu.

Luật sư Đặng Đình Mạnh giải thích: “Thật ra nhiều người cứ lầm tưởng, cứ người TQ phạm tội tại VN sẽ được dẫn độ về TQ nhưng không phải vậy, vì vấn đề dẫn độ được đặt ra khi mà quyền tài phán quốc gia không thực hiện được, vì lý do đối tượng vi phạm pháp luật họ bỏ trốn qua một nước khác thì khi đó quốc gia có quyền tài phán họ mới viện dẫn luật dẫn độ giữa hai quốc gia về nước để họ thực hiện quyền tài phán của họ. Luật dẫn độ nó chỉ sử dụng cho những tội liên quan về hình sự mà thôi.”

Tuy nhiên, đối với trường hợp hơn 300 người có hành vi tổ chức đánh bạc trên lãnh thổ Việt Nam thì quyền tài phán Việt Nam có đủ thẩm quyền xử lý và xét xử theo luật hình sự Việt Nam?

Nhà báo Võ Văn Tạo bình luận sự việc “Tôi nghĩ hiệp định đó cần phải được đưa ra thảo luận và xem xét lại, làm sao phải giữ được chủ quyền, công dân nước ngoài phạm tội tại nước mình thì có quyền xử lý một cách nghiêm túc. Tức nhiên do quan hệ ngoại giao quốc tế thì tùy những quốc gia.”

Còn Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội cho chúng tôi biết, khung hình phạt theo Bộ Luật hình sự Việt Nam thì hành vi sản xuất ma túy với số lượng lớn như vậy phải bị xử phạt rất nghiêm và thậm chí tử hình.

Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nhận định về vụ việc: “Theo chúng tôi hiểu thì qua giải thích của các báo Việt Nam đăng, những người có trách nhiệm trong ngành thì có nói giữa VN và TQ có hiệp định về dẫn độ tội phạm. Khi đó chúng tôi và cộng đồng mới ngã ngửa ra là không biết hiệp định đó nội dung như thế nào. Lẽ ra nếu có hiệp định đó thì phải công bố cho người dân Việt Nam biết, nhưng đến khi xảy ra rồi thì mới nói có hiệp định như thế, gây sự bất ngờ.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn nhận định: “Trước đây có vụ đánh bạc ở khu vực phía Bắc lên tới hơn 300 người, phạm tội trên lãnh thổ VN mà không bị xử lý mà đưa về TQ. Khi mà người dân đã ý thức được rằng việc không thực hiện quyền tài phán thì nó sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền Quốc gia như thế nào và người dân để ý tới thì họ cho rằng rất có thể sự việc liên quan đến mấy xưởng sản xuất ma túy với số lượng rất lớn bị phát hiện thì có thể có những hậu quả pháp lý như vậy, cũng được đưa về TQ để xử lý. Nhưng thật ra điều này chưa hẳn, ban đầu việc xử phạt hành chính thì ở mức chỉ phạt họ về vấn đề cư trú không hợp pháp, chứ chưa xử lý gì về vấn đề tội phạm vì chưa có thông tin gì về vấn đề xử lý này.”

Ngày 15/9/2019, Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy Bộ Công An cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam nhóm đối tượng TQ nằm trong đường dây sản xuất ma túy ở Kontum và Bình Định. Đồng thời, Bộ cũng cho rằng đang phối hợp với phía TQ tiếp tục mở rộng điều tra đường dây phạm tội này. Đó được coi là động thái mạnh tay hơn của Công An Việt Nam đến thời điểm này đối với các đối tượng phạm tội người TQ tuy nhiên việc xử lý sau đó sẽ như thế nào vẫn còn là dấu chấm hỏi. Theo ý kiến của phần đông những người chúng tôi tiếp xúc khi hỏi về vấn đề này họ đều hồ nghi và nghĩ rằng: rồi sẽ lại trao trả tội phạm về cho TQ xử lý?

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-may-become-next-destination-of-chinese-criminals-09162019144710.html

 

Hà Nội công bố

nguyên nhân vụ cháy nhà máy Rạng Đông

Tại buổi họp thường kỳ Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vào chiều ngày 17/9, Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an đã công bố kết luận về nguyên nhân vụ cháy nhà máy công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Truyền thông trong nước dẫn lời ông Vũ Đăng Định chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết theo kết luận của Viện khoa học hình sự là nguyên nhân cháy do sự cố điện ở bảng mạch điện tử của bóng đèn chiếu sáng (đèn led) tại vị trí cách vách tôn phía Đông Bắc khoảng 7m, cách vách tôn phía Tây Bắc khoảng 3,4m bên trong tầng 2 của kho bán thành phẩm làm cháy bên trong bóng đèn led, sau đó cháy lan ra xung quanh.

Cũng tại buổi họp này, thượng tá Nguyễn Xuân Trường phó trưởng phòng cảnh sát hình sự, phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra công an Hà Nội khẳng định, nguyên nhân vụ cháy kho hàng công ty Rạng Đông không có tác động phá hoại của con người mà do sự cố chập bảng điện tử của bóng đèn led.

Ngoài ra, thượng tá Trường còn cho biết, đến ngày 12/9 mới có kết luận của Viện khoa học hình sự của Bộ Công an, ngày 13/9 công an Hà Nội nhận được kết quả và đồng thời báo cáo tới Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và đến ngày 17/9 tại cuộc họp báo thường kỳ này mới công bố tới các cơ quan ngôn luận và người dân.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 16/9, các cơ sở y tế đã tư vấn và khám sức khỏe miễn phí cho hơn 2000 người dân trong khu vực 500m từ hàng rào nhà máy, gần 2000 trẻ em, trường mẫu giáo, các cô nuôi dạy trẻ tại các trường mầm non và học sinh, giáo viên tại các trường học trên khu vực 2 phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung. Trong quá trình khám cho người dân và các trẻ em Bộ Y tế khẳng định chưa có phát hiện các biểu hiện bất thường.

Tính đến nay, Bộ Tư lệnh Hóa học đã vận chuyển khoảng hơn 44 tấn rác thải nguy hại gồm tro xỉ của đèn và các sản phẩm đèn huỳnh quang, compact bị hư hại về nhà máy xử lý rác thải nguy hại NEDO tại khu vực Nam Sơn. Ngoài ra, gần 20 tấn rác thải khác gồm sắt thép phế liệu cũng được chuyển ra khỏi khu vực cháy của nhà máy.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hanoi-announces-cause-of-rang-dong-factory-fire-09172019085839.html

 

Kết thúc điều tra hình sự

đối với nhà hoạt động Nguyễn Năng Tĩnh

Công an Nghệ An hôm 17/9 cho biết cơ quan này đã kết thúc quá trình điều tra hình sự đối với ông Nguyễn Năng Tĩnh sau hơn 3 tháng ông này bị bắt tạm giam.

Ông Tĩnh, 43 tuổi, giáo viên dạy thanh nhạc trường Cao đẳng văn hóa Nghệ thuật Nghệ An và cũng là một nhà hoạt động, bị bắt với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Ông Tĩnh bị công an Nghệ An bắt ngày 29/5/2019  khi đang trên đường cùng hai con từ thành phố Vinh về Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Thời điểm ông Nguyễn Năng Tĩnh bị bắt, bà Nguyễn Thị Tình, vợ ông, nói với Đài Á Châu Tự Do: “Anh là người nhiệt tình, hay giúp đỡ người khác. Còn đảng Việt Tân thì em là vợ của anh, em xác định 100% là anh không bao giờ có trong danh sách. Anh thì ai cần việc mà anh cảm thấy việc đó là tốt là anh làm đúng lương tâm. Bây giờ nói đảng Việt Tân thì chứng cứ đâu ra? Mà đảng Việt Tân có gì xấu em cũng không biết… Anh đâu có làm gì phạm tội đâu.”

Việt Nam xếp đảng Việt Tân, một đảng có trụ sở và hoạt động hợp pháp tại Mỹ, vào danh sách khủng bố.

Tháng 8/2018, tòa án Tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt một giáo dân khác thuộc Giáo Phận Vinh là ông Lê Đình Lượng – một nhà hoạt động môi trường, 20 năm tù. Truyền thông trong nước viết rằng ông Lê Đình Lượng là đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm thuộc tổ chức Việt Tân. Ông bị kết tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Tổ chức Amnesty International mới đây công bố báo cáo, cho biết hiện Việt Nam đang giam giữ ít nhất 128 tù nhân lương tâm. Trong số này chừng 10% bị kết án tù vì những bình luận đăng trên mạng xã hội như Facebook.

Hôm 17/9, Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong ba luật sư nhận bào chữa cho ông Tĩnh, nói với RFA rằng ông chưa thể trả lời vụ này vì chưa cầm bản Kết luận điều tra trong tay.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/criminal-investigation-for-activist-nguyen-nang-tinh-ended-09172019080047.html

 

Hoàn tất cáo trạng đối với blogger Trương Duy Nhất

Cáo trạng đối với nhà báo độc lập/blogger Trương Duy Nhất vừa được Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao hoàn tất.

Theo tin từ mạng báo Người Lao Động hôm 17 tháng 9, ông Trương Duy Nhất, nguyên trưởng Văn Phòng Đại Diện Báo Đại Đoàn Kết giai đoạn từ năm 1998 đến 2011 ở Thành phố Đà Nẵng bị truy tố về tội ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Khoản 2 Điều 356 Bộ Luật Hình Sự năm 2015.

Cáo trạng cho rằng ông Trương Duy Nhất lợi dụng chủ trương của Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Đà Nẵng trong việc tạo điều kiện bán nhà, đất công sản cho các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Đà Nẵng làm trụ sở và nhiệm vụ được Ban Biên Tập Báo Đại Đoàn Kết giao.

Theo cáo trạng, ông Trương Duy Nhất, lợi dụng danh nghĩa xin trụ sở cho báo này, đã ký 4 văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng, đề nghị được mua một căn nhà tại khu vực trung tâm thanh phố theo diện công sản, không tính hệ số sinh lợi, để Báo Đại Đoàn kết làm trụ sở văn phòng đại diện. UBNDTp Đà Nẵng ra quyết định bán đất công sản 82 Trần Quốc Toản, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu cho Báo Đại Đoàn Kết.

Cũng theo cáo trạng của VKSNDTC, sau khi nhận được quyết định, ông Trương Duy Nhất đã cho Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm, thay báo Đại Đoàn Kết nộp tiền vào ngân sách Nhà nước và ký hợp đồng nguyên tắc; theo đó sẽ sang tên nhà, đất 82 Trần Quốc Toản cho Công ty Xây Dựng 79 của Vũ Nhôm bằng giá mua của Nhà nước. Việc làm này bị cho đã khiến ngân sách Nhà nước thất thoát hơn 300 triệu đồng tại thời điểm tháng 7 năm 2004 và hơn 13 tỷ đồng tại thời điểm phát hiện ngày 17 tháng 4 năm 2018.

Ngày 25/3, Bộ Công an cho biết blogger Trương Duy Nhất đang bị tạm giam để điều tra liên quan đến vụ án của một cựu sĩ quan Công an là Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ ‘nhôm’, người bị tố cáo là lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ngày 10/6 Bộ Công an cho biết blogger Trương Duy Nhất đã bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo điều 355 Bộ Luật Hình sự 2015. Trong cùng ngày, công an đã tiến hành khám xét nhà ông Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, Bộ Công an vẫn không nói gì đến việc tại sao blogger đột ngột biến mất ở Bangkok khi đang xin quy chế tỵ nạn. Có những nghi ngờ cho rằng blogger đã bị bắt cóc khi đang ở Thái Lan xin quy chế tỵ nạn.

Báo Tuổi Trẻ hôm ngày 8/8 trích nguồn tin từ lãnh đạo văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết cơ quan điều tra đã có kết luận blogger Trương Duy Nhất lợi dụng giấy tờ của báo Đại Đoàn Kết để bán nhà đất không qua đấu giá cho Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, gây thất thoát lãng phí.

Theo Tuổi Trẻ, Công an đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố blogger Trương Duy Nhất về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 2 điều 356 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Trước đó, ông Trương Duy Nhất bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, sau cuộc gặp với vợ mình là bà Cao Thị Xuân Phượng hôm 23/7 vừa qua, blogger cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thay đổi quyết định khởi tố sang tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn”. Lý do được blogger cho biết là vì phía cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi chiếm đoạt tài sản.

Nhà báo độc lập/blogger Trương Duy Nhất (sinh năm 1964) từng nổi tiếng với trang blog “Một góc nhìn khác”. Ông từng bị tuyên án 2 năm tù vào năm 2014 với cáo buộc lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Ông cộng tác viết blog với Đài Á Châu Tự Do từ năm 2015 sau khi ông ra tù.

Vào cuối tháng 1 vừa qua, ông bị bắt cóc khi đang ở Bangkok, Thái Lan. Đến ngày 20/3, gia đình ông cho biết công an xác nhận blogger Trương Duy Nhất bị giam tại Trại T16, Thanh Xuân, Hà Nội.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/truong-duy-nhat-s-prosecution-document-finished-police-said-09172019075113.html

 

Hãng luật quốc tế gửi thư lên UN

đòi Việt Nam trả tự do cho Phan Kim Khánh

Tổ chức nhân quyền Freedom Now và hãng luật quốc tế Dechert LLP, thay mặt sinh viên Phan Kim Khánh, hôm 16/9 vừa gửi đơn lên Nhóm Làm việc của Liên Hiêp Quốc (UN) về bắt giữ người tùy tiện, cáo buộc chính phủ Việt Nam đã vi phạm luật quốc tế khi bắt giữ Phan Kim Khánh.

Phan Kim Khánh (25 tuổi) bị công an tỉnh Thái Nguyên bắt giữ hôm 21/3/2017 và bị kết án tù 6 năm và 4 năm quản chế hôm 25/10 cùng năm, với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 bộ Luật Hình sự cũ.

Ông Karl Horberg, đại diện của Chương trình Freedom Now, được thông báo của tổ chức này trích lời cho biết: “Những năm qua Việt Nam đã gia tăng việc đàn áp đối lập trên mạng. Việc bỏ tù Phan Kim Khánh là một biểu tượng đáng ngại cho tình trạng tự do internet đang xấu đi. Việc chính quyền tiếp tục giam giữ Khánh đang vi phạm quyền con người căn bản bao gồm quyền tự do bày tỏ ý kiến (của Khánh). Freedom Now kêu gọi chính phủ Việt Nam ngay lập tức trả tự do cho Khánh vô điều kiện; chúng tôi tin tưởng là Nhóm làm việc của UN về bắt giữ người tùy tiện sẽ sớm có kết luận tương tự”.

Freedom Now và Dechert LLP cho rằng chính phủ Việt Nam đã vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của mình theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, và Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền.

Theo thông cáo báo chí của Freedom Now và Dechert LLP, trước khi bị bắt, Phan Kim Khánh là sinh viên và là nhân viên một công ty phần mềm. Lúc rảnh rỗi, Khánh quản lý những trang web và tài khoản mạng xã hội với những tin tức về tham nhũng, chính trị, kinh tế, môi trường và các vấn đề khác. Những bài viết của Khánh kêu gọi dân chủ đa nguyên, phi chính trị hóa quân đội, tự do bầu cử và tự do báo chí.

Phan Kim Khánh đã bị giam giữ trong nhiều tháng mà không được gặp gia đình và luật sư. Phiên tòa xử Khánh hôm 25/10/2017 bị canh gác nghiêm ngặt và chỉ có cha của Khánh được vào tòa.

Sau phiên tòa, Phan Kim Khánh đã tìm cách kháng án nhưng giới chức ở nhà tù đã không gửi đơn kháng án của Khánh theo yêu cầu. Ngoài ra, Khánh còn bị đối xử bất công trong tù, bị đe dọa đưa đi giam giữ riêng và không được nhận đồ tiếp tế nếu Khánh tiếp tục tìm cách kháng án. Theo Freedom Now, sức khỏe của Khánh đang xấu đi do tình trạng giam giữ trong nhà tù.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế, tính đến tháng 6 năm 2019, có ít nhất 133 người đang bị giam giữ ở Việt Nam vì thực hành các quyền tự do cơ bản.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/freedom-now-and-dechert-llp-sent-un-petition-for-phan-kim-khanh-09172019114859.html

 

Thêm facebooker bị án tù với cáo buộc tuyên truyền,

chống Nhà Nước

Công dân Nguyễn Văn Công Em vào ngày 17 tháng 9 bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre tuyên án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam’ theo điều 117, Bộ Luật Hình sự Việt nam năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Mạng báo Tin Tức dẫn cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Bến Tre nêu ra rằng từ giữa năm 2017, ông Nguyễn Văn Công Em đã sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook khác nhau như ‘Vệ Quốc Đoàn’, ‘Tấn Lê’, ‘Tân Nguyên’, ‘Lê Thành Bạc’… để đăng tải, chia sẻ các bài viết và phát trực tiếp (livestream) những video với nội dung bị cơ quan chức năng Việt Nam cho là ‘xuyên tạc, chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ  Hà Nội, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, tuyên truyền, kích động, kêu gọi, lôi kéo nhiều người tham gia biểu tình nhân kỳ thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên tại Hà Nội vào cuối tháng 2 năm nay.

Ông Nguyễn Văn Công Em sinh năm 1971 và cư ngụ tại xã Mỹ Thạnh, huyện, Giồng Trồm, tỉnh Bến Tre. Ông bị bắt hôm 28 tháng 2 vừa qua.

Đây là trường hợp công dân sử dụng Facebook bị tuyên án tù mới nhất tại Việt Nam.

Vào ngày 5 tháng 9 vừa qua Tòa án Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã tuyên án tù 5 năm đối với ông Lê Văn Sinh (sinh năm 1965) về tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo điều 52 và điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.

Báo Ninh Bình trích cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Ninh Bình cho biết từ tháng 5/2018 đến tháng 2/2019, ông Lê Văn Sinh đã sử dụng 2 tài khoản Facebook mang tên Sinh Lê và Sinh Levansinh (Sinhle) để soạn thảo, đăng tải, chia sẻ các nội dung nói xấu, bôi nhọ đảng, nhà nước và lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. Cáo trạng cho biết ông Sinh đã viết 16 bài có nội dung nói xấu chế độ, xuyên tạc, chủ trương, đường lối của đảng Cộng sản, chính sách và pháp luật của Nhà nước liên quan đến Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Đặc khu.

Cáo trạng cũng cáo buộc ông Sinh đã chia sẻ 25 bài có nội dung bịa đặt, nói xấu, áp đặt, quy chụp sai phạm đối với 14 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, huyện Hoa Lư và lãnh đạo các phòng, ban khác của huyện Hoa Lư.

Ông Lê Văn Sinh bị bắt giữ hôm 15/2/2019.

Theo thống kê của RFA, từ đầu năm đến nay các tòa án ở Việt Nam đã kết án tù ít nhất 40 người với các cáo buộc tội âm mưu lật đổ nhà nước, tuyên truyền chống chế độ, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, gây rối trật tự công cộng, tàng trữ vũ khí và khủng bố.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-sentence-for-propaganda-against-the-state-09172019082657.html

 

Cựu phó chủ tịch ở Sài Gòn đối diện án tù dài hạn

vì bán đất công cho Vũ Nhôm

Tin từ Sài Gòn, ngày 17/9/2019: Viện Kiểm sát tối cao vừa hoàn thành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Hữu Tín, cựu phó chủ tịch ở thành phố Sài Gòn về cáo buộc “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại khoản 3, Điều 219 của Bộ luật Hình sự, với mức án tù lên đến 20 năm nếu bị kết tội.

Báo Thanh Niên đưa tin, ông Tín bị cáo buộc cùng một số viên chức cao cấp ở Sài Gòn cấu kết với thứ trưởng công an Trần Việt Tân để bán mảnh đất ở số 15 phố Thi Sách, phường Bến Nghé, quận 1 cho Công ty cổ phẩn xây dựng Bắc Nam 79 của thượng tá an ninh Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) mà không qua đấu giá như luật định về bán tài sản công.

Thời điểm vi phạm là 2014-2016 khi ông Tín còn đương chức. Những kẻ tòng phạm là Đào Anh Kiệt, khi đó là giám đốc sở Tài nguyên và mội trường, Nguyễn Thanh Chương- trưởng phòng đô thị, Lê Văn Thanh- phó chánh văn phòng uỷ ban thành phố, và Trương Văn Út- phó trưởng phòng quản lý đất.

Trong vụ án này, ông Tín được xác định có vai trò chủ mưu làm thất thoát tài sản nhà nước gần 810 tỷ đồng (hơn 34 triệu Mỹ kim). Ông này đối mặt với án tù từ 10 đến 20 năm và bị tịch thu tài sản.

Tuy nhiên, với cơ chế bao che trong đảng, ông ta có thể được xem xét giảm nhẹ tội, vì đã được thưởng nhiều huy chương và bằng khen.

https://www.sbtn.tv/cuu-pho-chu-tich-sai-gon-doi-dien-an-tu-dai-han-vi-ban-dat-cong-cho-vu-nhom/

 

Luật sư bảo vệ cho tử tù Đặng Văn Hiến

 tố cáo sự “vô lối” của luật pháp CSVN

Tin Vietnam.- Ngày 17 tháng 9 năm 2019 trên facebook cá nhân của luật sư Ngô Ngọc Trai cho biết, ông đã nhận lời mời từ gia đình tử tù Đặng Văn Hiến để giúp đỡ họ xin giảm án tử hình cho anh Hiến.

Sau đó, luật sư Ngô Ngọc Trai đã gửi văn bản đến trại giam tỉnh Đăk Nông, nơi đang giam giữ anh Hiến để đề nghị cho ông được gặp thân chủ của mình. Tuy nhiên, vào ngày 30 tháng 8 vừa qua, phía trại giam đã có văn bản trả lời cho luật sư rằng, trại giam phải xin ý kiến của toà án tỉnh Đăk Nông, bởi đây là nơi xét xử sơ thẩm vụ án.

Sau khi nhận được văn bản trả lời, trên trang facebook cá nhân của mình, luật sư Trai cho biết, vụ án của anh Hiến đã kết thúc các giai đoạn xét xử. Anh Hiến đang trong giai đoạn chấp hành án. Vì vậy, văn bản của trại giam là bằng chứng cho thấy sự sai trái vô lối trong việc thực thi áp dụng các quyền giành cho tử tù. Hiện nay luật thi hành án hình sự của nhà cầm quyền không quy định cụ thể rõ ràng người thi án được gặp làm việc với luật sư. Đây là một bất cập, là thói hành chính quan liêu, thói quen coi thường quyền của phạm nhân, thiếu tính nhân đạo trong pháp luật CSVN. Vào tháng 6 vừa qua, khi Quốc hội ban hành Luật thi hành án hình sự sửa đổi, ông Trai đã đề nghị Quốc hội cần quy định rõ việc phạm nhân được quyền mời luật sư. Tuy nhiên, phía Quốc hội đã phớt lờ đề nghị trên.

Tử tù Đặng Văn Hiến vốn là một nông dân hiền lành, gia đình anh bị nhà cầm quyền tỉnh Đăk Nông cùng công ty Long Sơn dùng vũ khí chặt phá vườn điều, và cướp mảnh đất mà vợ chồng anh nhiều

năm vất vả mới có được. Bị ép vào đường cùng, anh Hiến đã dùng súng bắn chết 3 kẻ cướp đất của mình, nên đã bị toà kết án tử hình.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/luat-su-bao-ve-cho-tu-tu-dang-van-hien-to-cao-su-vo-loi-cua-luat-phap-csvn/

 

Thanh Hóa:

Bắt giữ đường dây trộm hàng ngàn con chó

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa bắt giữ 16 người trong băng nhóm trộm hàng ngàn con chó. Đây được coi là đường dây trộm chó và tiêu thụ chó lớn nhất được phát hiện ở Việt Nam từ trước đến nay. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 17/9 theo nguồn tin từ công an tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo Người Lao Động, vào đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15/9, công an tỉnh Thanh Hóa đã bất ngờ ập tới 3 địa điểm trộm chó, bắt giữ hơn 10 người và hàng chục con chó ở các huyện Quảng Xương, Thọ Xuân, thành phố Sầm Sơn.

Theo thông tin được công an tỉnh Thanh Hóa công bố cho báo chí, hàng ngàn con chó đã bị bắt trộm ở Thanh Hóa từ đầu năm đến nay. Công an đã thẩm vấn hơn 40 người có tình nghi liên quan đến đường dây này và bắt giữ 16 người.

Những kẻ trộm chó được cho biết thường lái xe máy đi qua các khu dân cư vào ban đêm để trộm chó, sử dụng súng, mồi và túi.

Báo Người Lao Động cho biết hiện công an tỉnh Thanh Hóa vẫn đang mở rộng điều tra vụ án, củng cố hồ sơ chuyên án triệt phá đường dây trộm chó. Số lượng chó bị trộm và tiêu thụ được ước tính lên đến hơn 100 tấn.

Thị chó được coi là một món ăn yêu thích ở Việt Nam. Theo ước tính của Asia Canine Protection Alliance (một tổ chức chuyên về bảo vệ các loài chó ở châu Á), có khoảng 5 triệu con chó bị giết thịt ở Việt Nam mỗi năm.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/16-arrested-for-stealing-thousands-of-dogs-in-vn-09172019081859.html

 

Hàng nghìn công nhân công ty Panko Tam Thăng

đình công phản đối bữa ăn “kém chất lượng”

Hàng nghìn công nhân công ty dệt may Panko Tam Thăng ở tỉnh Quảng Nam đã đình công để phản đối khi phát hiện trong suất ăn trưa của họ có sinh vật “lạ”.

Truyền thông trong nước loan tin này vào ngày 17 tháng 9.

Theo tin của Infonet.vn, trưa cùng ngày các công nhân của công ty dệt may Panko Tam Thăng (thuộc khu công nghiệp Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) phát hiện suất cơm trưa cho công nhân có sinh vật “lạ” nghi là dòi, do đó hàng nghìn công nhân đã đình công để phản đối.

Nhiều công nhân tại công ty Panko cho biết đây không phải là lần đầu tiên họ phát hiện suất ăn trưa cho công nhân kém chất lượng như vậy. Tuy nhiên, những lần trước, sau khi công nhân thông báo sự việc, lãnh đạo công ty đã xin lỗi và hứa sẽ không để tình trạng trên tiếp diễn. Do đó sự việc xảy ra vào trưa 17/9 đã khiến công nhân không thể bỏ qua, nên hàng nghìn người đã đồng loạt đình công để phản đối.

Một lãnh đạo Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết, sau sự việc trên, đơn vị đã phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan có mặt tại công ty Panko để lắng nghe kiến nghị của công nhân và tìm hướng giải quyết sớm nhất.

Nhà máy dệt may Panko Tam Thăng khởi công tháng 7-2015 với tổng vốn 70 triệu USD, diện tích sử dụng 33,5ha, sản xuất với quy trình khép kín từ khâu dệt-nhuộm may thành phẩm, đang sử dụng khoảng 15.000 lao động.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thousands-of-workers-at-panko-co-go-on-strike-due-to-poor-quality-meals-09172019085504.html

 

Mạng Lotus coi ‘nội dung là vua’,

mong đón 4 triệu khách hàng

Một mạng xã hội hoàn toàn mới, ‘made in Vietnam’, vừa ra mắt trong bối cảnh Hà Nội đang muốn dùng luật an ninh mạng kiểm soát chặt các hãng công nghệ khổng lồ của nước ngoài như Facebook và Google.

Lotus là mạng xã hội coi “nội dung là vua” và “lấy nội dung và trải nghiệm của người dùng làm trọng tâm”, đại diện VCCorp, hãng đầu tư và phát triển Lotus, nói.

Người Việt Nam ‘dùng mạng xã hội nhiều hơn cả Trung Quốc’

Việt Nam: Mở đầu của các phong trào xã hội qua mạng

VN ép Facebook, Google chọn quyền riêng tư hoặc tăng trưởng

Giới đấu tranh Việt Nam lo ngại Facebook ‘thỏa hiệp’

Lotus, mạng cho phép người dùng tạo nội dung và chia sẻ các post trên trang chủ, được đầu tư 700 tỷ đồng (khoảng 30 triệu đô la) từ VCCorp.

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp tại lễ ra mắt Lotus tối 16/9 tại Hà Nội hy vọng mạng này sẽ kêu gọi được thêm 500 tỷ đồng nữa.

‘Không cạnh tranh’

“Lotus ra đời không phải để cạnh tranh với Facebook hay bất kỳ mạng xã hội nào,” ông Tân nói. “Chúng tôi tập trung vào nội dung và vào việc sáng tạo nội dung.”

Số tiền đầu tư trên dự kiến sẽ đủ duy trì hoạt động cho Lotus trong thời gian từ hai đến ba năm trong trường hợp không có doanh thu, ông Tân nói với báo giới.

Lotus dự kiến sẽ chạy bản beta từ ba đến sáu tháng kể từ ngày ra mắt, trước khi công bố bản chính thức.

Với tham vọng sẽ đạt 4 triệu người dùng thường xuyên sau một năm vận hành, mạng xã hội này có kế hoạch hợp tác với khoảng 500 nhà sáng tạo nội dung trong các lĩnh vực khác nhau, từ giáo dục, kinh tế tới giải trí, âm nhạc.

Lotus cũng hợp tác với “trên 30 nguồn chính luận là các cơ quan báo chí”, ông Nguyễn Thế Tân nói.

Có mặt tại lễ ra mắt, Bộ trưởng Thông tin Nguyễn Mạnh Hùng thúc giục các công ty trong nước hãy tạo ra những sản phẩm thuần Việt thay thế cho các nền tảng mạng xã hội của nước ngoài, những thứ mà chính quyền Việt Nam khó kiểm soát.

Bộ trưởng Hùng nói ông hy vọng là cuối cùng, số người Việt sử dụng các mạng xã hội nội địa sẽ cao như số người dùng mạng nước ngoài.

Thị trường sôi động

Đây không phải là lần đầu tiên người dùng Việt Nam có những lựa chọn cân nhắc giữa Facebook với các mạng xã hội khác.

Tháng trước, một ứng dụng làm theo kiểu Facebook, có tên là Gapo, ra mắt. Các mạng xã hội ‘sản phẩm Việt’ ra từ trước đó, như VietnamTa và Hahalolo gặp nhiều khó khăn trong việc tạo dựng, thu hút người dùng, Reuters tường thuật.

Hồi giữa năm ngoái, đã có một làn sóng ồ ạt người dùng Việt Nam chuyển sang đăng ký sử dụng Minds, một mạng xã hội mới mở của Mỹ.

Tâm lý ‘chuyển nhà’ đặc biệt mạnh mẽ trong giới các nhà hoạt động, các nhà đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, những người lo ngại rằng việc thông qua Luật An ninh Mạng và sự nhân nhượng của Facebook đối với chính quyền khiến họ có thể bị kiểm soát nội dung, bị đóng tài khoản, hoặc thậm chí bị giao nộp thông tin cá nhân.

Minds ghi nhận chỉ trong vài ngày sau khi Luật An ninh Mạng được thông qua, đã có thêm hàng chục ngàn tài khoản mới được người dùng đến từ Việt Nam đăng ký.

Tuy nhiên, sự dịch chuyển này gần như không làm ảnh hưởng tới vị thế của Facebook trong cộng đồng người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam, và tốc độ chiếm thị phần của Minds và các mạng xã hội khác tại Việt Nam vẫn chỉ dừng ở mức độ khiêm tốn.

Tính đến tháng 8/2019, có 58 triệu người dùng Facebook và 62 triệu tài khoản Google tại Việt Nam, Reuters dẫn nguồn dữ liệu chính phủ. Không có số liệu tương ứng đối với các mạng xã hội nội địa.

Việt Nam đã siết chặt quy định quản lý internet trong mấy năm qua.

Luật An ninh Mạng bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2019, theo đó yêu cầu các công ty nước ngoài như Facebook phải mở văn phòng và lưu trữ dữ liệu bên trong Việt Nam.

Một khảo sát toàn cầu gần đây cho hay ở Việt Nam, thời gian dùng mạng xã hội hàng ngày giảm 10 phút so với năm ngoái, từ 2 giờ 33 phút trong năm 2018 xuống 2 giờ 23 phút năm 2019.

Tuy thế, người Việt Nam vẫn đang dùng mạng xã hội nhiều hơn cả Trung Quốc.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49719464

 

‘Đại học Sức khỏe’ – Đổi tên có đổi được chất lượng?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong buổi lễ khai giảng năm học 2019-2020 tại trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã phát biểu trường nên sớm thực hiện đề án Đại học Sức khỏe như nhiệm vụ được đưa ra 15 năm trước đây.

Ý nghĩa tên gọi ‘Đại học Sức khỏe’

Trao đổi với Đài Á Châu tự Do, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang từ Hà Nội bày tỏ sự khó hiểu đối với tên ‘Đại học Sức khỏe’ mà bà Bộ Trưởng Kim Tiến nhắc đến:

Mình gọi Đại học Y khoa hoặc là Đại học Y dược, hay hồi Pháp thuộc người ta gọi y khoa là trường thuốc, có nghĩa những cái tên đó nằm trong danh mục danh từ khoa học rồi. Còn bây giờ đổi tên thành Đại học Sức khỏe thì từ này không phải danh từ thuộc về lãnh vực y khoa. – ThS. Đinh Gia Hưng

“Nghe cái tên thì không hiểu nội hàm ra sao, nếu nói về sức khỏe thì đã có Đại học Thể dục Thể thao. Trước đây Hà Nội ở ngành y tế có trường đại học tên kỳ kỳ là Đại học Tai – Mũi – Họng, rất là buồn cười, bây giờ thêm Đại học Sức khỏe thì nghe nó kỳ quá. Có thể đó là một khoa gì đó thì được, chứ Đại học Sức khỏe thì kỳ quá.”

Còn theo Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên ngành Văn hóa học tại Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng thì lại khá ngạc nhiên với việc đặt tên ‘Đại học Sức khỏe’ mà bà Bộ Trưởng Y tế nêu ra:

“Tại vì tên gọi một là mình gọi Đại học Y khoa hoặc là Đại học Y dược, hay hồi Pháp thuộc người ta gọi y khoa là trường thuốc, có nghĩa những cái tên đó nằm trong danh mục danh từ khoa học rồi. Còn bây giờ đổi tên thành Đại học Sức khỏe thì từ này không phải danh từ thuộc về lãnh vực y khoa. Tôi cho rằng việc đổi tên như vậy không hợp lý.”

Đồng ý với suy nghĩ trên, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng phát biểu của bà Kim Tiến chỉ gây nên sự buồn cười mà người dân đã chứng kiến rất nhiều lần trong thời gian gần đây khi các lãnh đạo cấp cao phát ngôn. Đặc biệt, với phát ngôn của bà Bộ trưởng Kim Tiến thì không có gì lạ, ông nói tiếp:

“Chưa bao giờ nghe thấy tại sao gọi là trường Đại học Sức khỏe. Rất khó để cắt nghĩa tại sao các vị lãnh đạo Việt Nam có những phát ngôn, những khái niệm rất buồn cười. Khi nghe bà Bộ trưởng phát biểu, đặt tên trường Y, trường Dược tồn tại hàng trăm năm thành trường Sức khỏe thì không hiểu trường Sức khỏe là về cái gì.”

Vẫn theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, việc đặt tên mới cho trường Đại học Y dược TPHCM hoàn toàn không đúng ngữ pháp tiếng Việt:

“Chúng ta càng ngày càng thấy những từ ngữ không còn là thuần Việt hoặc là về ngữ pháp thì cũng vậy. Ta thấy có hiện tượng ngành giáo dục phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt càng ngày bị quanh lại.”

Giải thích rõ hơn, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng cho biết sức khỏe chỉ là một từ nôm na của người dân, không chỉ về danh từ khoa học. Ông nói rõ thêm lý do không hợp lý nếu trường Đại học Y dược đổi tên thành ‘Đại học Sức khỏe’:

“Cái gọi là y khoa là khoa học về y tế, khoa học nghiên cứu về những chứng bệnh của con người, những phương thức cải thiện sức khỏe con người, chăm sóc sức khỏe và tất cả các loại dịch vụ thì mình gọi chung là y khoa, giống như trường Đại học Luật khoa vậy, chữ khoa đây là chỉ một ngành khoa học. Chứ mình gọi sức khỏe thì chỉ là một cụm từ nằm trong một yếu tố của bộ phận lớn hơn của khoa học thì mình không thể gọi nó thay bằng từ khoa học được.”

Thêm vào đó, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng cũng bày tỏ nguyên nhân vì sao ông không đồng ý với ý kiến của bà Kim Tiến:

“Mình đã gọi là y khoa thì nó sẽ bao gồm tất cả những ngành khoa học từ dược khoa, nha khoa, các nghiên cứu lãnh vực y khoa như nhiễm trùng học, hay bệnh lý học. Cải thiện sức khỏe cũng là một trong những ngành nghiên cứu của y khoa nên không thể nào nói sức khỏe là nói chung cho ngành y khoa được, vì sức khỏe là một chỉ số bên y khoa.”

Vì thế, ông cho rằng đề xuất này không hợp lý, không đúng với tinh thần danh xưng về học thuật.

Đổi tên có tránh bị tụt hậu?

Ngoài đề nghị đổi tên trường Đại học Y dược TPHCM thành “Đại học sức khỏe” bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến còn lập luận rằng, sự thay đổi đó nếu không được thực hiện sớm thì Việt Nam sẽ tụt hậu hơn cả Lào và Campuchia.

Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, đề xuất nêu trên của Bộ trưởng Kim Tiến hoàn toàn không có sức thuyết phục và không thực tế. Ông diễn giải:

Trường đại học cả thế giới đều là trường đại học y mà lại đổi thành đại học sức khỏe, nếu vậy sao không đổi ở Hà Nội trước vì trường Đại học Y ở Hà Nội có trước ở Việt Nam, mà chỉ đổi ở TPHCM thôi. – BS. Đinh Đức Long

“Nếu đúng như bà nói như vậy thì tôi nghĩ trình độ đâu phải cái tên, người ta nói ‘chiếc áo không làm nên thầy tu’, quan trọng là cơ sở vật chất, trình độ giáo viên và mặt bằng kiến thức chung, tính hội nhập và được thế giới xếp hạng. Đâu phải vì đổi tên mà thành trường nâng cao được trình độ, tính hội nhập quốc tế thì tôi cũng chưa nghe và chưa thấy ai nói như vậy cả, nếu bà nói như vậy thì tôi cũng hơi ngạc nhiên.

Thứ hai nữa là trường đại học cả thế giới đều là trường đại học y mà lại đổi thành đại học sức khỏe, nếu vậy sao không đổi ở Hà Nội trước vì trường Đại học Y ở Hà Nội có trước ở Việt Nam, mà chỉ đổi ở TPHCM thôi.”

Vấn đề này cũng được Bộ trưởng Y tế nhắc đến khi trao đổi trong buổi lễ khai giảng. Theo đó, bà Kim Tiến cho rằng cả nước chỉ có 2 cơ cở đào tạo khối ngành sức khỏe lớn nhất cả nước là Đại học Y Hà Nội và Đại học Y dược TPHCM. Nhưng do trường Đại học Y dược TPHCM ra đời sau nên hội đủ điều kiện để thực hiện được dự án đổi tên này.

Dưới góc nhìn cá nhân, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng đề xuất của bà Bộ trưởng Kim Tiến lần này lại giúp người dân thấy thêm một thí dụ nữa về sự tư duy ý chí của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Ông nói rõ:

“Sự tụt hậu của nền y tế nước nhà không phải là thay đổi tên gọi của trường. Chính sách của nhà nước, sự đầu tư trong tường đại học, giáo trình, tình hình thực tế… đó mới là cái gốc. Chúng ta thấy đúng là nền y tế của chúng ta tụt dốc thê thảm khi bệnh viện ngày càng ít, bệnh nhân càng đông, các bác sĩ ra trường càng ngày trình độ càng kém đi, nguy hiểm nhất là vấn đề y đức. Đó là những vấn đề cốt lõi tôi cho rằng phải làm từ gốc tất cả những chuyện đó thì mới thay đổi được sự tụt hậu của ngành y tế chứ không phải chỉ vì đổi tên trường như một phép màu để thay đổi hiện trạng hiện nay.”

Đồng suy nghĩ rằng việc đổi tên gọi của một trường đại học không đánh giá được mức độ cao, thấp của ngành đó, nhưng với góc nhìn khác, bác sĩ Đinh Đức Long lại cho rằng:

“Tôi không hiểu trình độ các trường y của Lào và Campuchia đến mức nào, chỉ vì đổi tên đâu có ý nghĩa gì trong trình độ thực tế. Còn thực tế theo tôi nghĩ trình độ Việt Nam vẫn cao hơn vì tôi có tiếp xúc những nghiên cứu sinh từ các nước Campuchia sang chẳng hạn, thì họ vẫn thấy trình độ y tế Việt Nam cao hơn. Còn so sánh thì tôi không có số liệu cụ thể để xem coi hơn ở chỗ nào.”

Việc đổi tên Trường Đại học Y thành Đại học Sức khỏe đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên các diễn đàn xã hội.

Ngay sau khi phát biểu gây nhiều hiểu lầm và tranh cãi tại lễ khai giảng Trường ĐH Y dược TPHCM, ngày 17/9 ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đã giải thích lý do vì sao Bộ y tế cho ý tưởng xây dựng đề án sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành đại học khoa học sức khỏe. Ông Lợi cho rằng về bản chất, đây là mô hình đại học trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là trường đại học y, trường đại học dược, trường đại học điều dưỡng, trường đại học y tế công cộng….Do đó Bộ Y tế đang nghiên cứu xây dựng đề án để có mô hình phù hợp nhất, trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn giữ được truyền thống và thương hiệu của cơ sở đào tạo.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/changing-name-to-change-its-quality-09162019143934.html

 

Bộ Giao Thông Vận Tải

khởi công dự án đầu tiên của xa lộ Bắc Nam

Tin từ Quảng Trị, ngày 16/9/2019: Ngày 16/9, Bộ Giao Thông Vận Tải đã tổ chức khởi công dự án xa lộ Cam Lộ-La Sơn, là dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của tuyến xa lộ Bắc Nam, vốn được nhắc đến nhiều ở truyền thông nhà nước và mạng xã hội trong vài tháng gần đây.

Đoạn xa lộ này chạy qua hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với tổng chiều dài gần 100 km và tổng mức đầu tư gần 8,000 tỷ đồng (340 triệu Mỹ kim), dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2021. Nhà thầu là liên danh Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 703, Tổng công ty Thành An, và liên danh Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Công ty cổ phần xây dựng dịch vụ và thương mại 68, và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu 168 Việt Nam.

Bộ giao thông vận tải được giao tiếp tục hoàn thành thủ tục để triển khai các dự án thành phần còn lại của tuyến xa lộ Bắc Nam, gồm 2 dự án đầu tư công đoạn Cao Bồ-Mai Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 và 8 dự án đầu tư theo hình thức BOT.

Dự án đường xa lộ Bắc Nam được xem là công trình quan trọng quốc gia đầu tư trong giai đoạn 2017 – 2020 và đã được quốc hội cộng sản thông qua với 11 dự án thành phần. Ngoài 3 dự án đầu tư công, 8 dự án BOT đangtrong giai đoạn đấu thầu quốc tế và sơ tuyển hồ sơ nhà đầu tư.

Dư luận Việt Nam phản đối sự can dự của Trung Cộng vào dự án xa lộ Bắc Nam cả về vốn và nhà thầu. Nhiều cựu viên chức cao cấp và hàng trăm người bất đồng chính kiến nói sẽ xuống đường phản đối nếu chế độ cộng sản ở Hà Nội vay vốn của Bắc Kinh hoặc sử dụng nhà thầu đến từ Trung Cộng cho đại dự án này.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/bo-giao-thong-van-tai-khoi-cong-du-an-dau-tien-cua-xa-lo-bac-nam/

 

Có phải Việt Nam đang tìm cách lấy lòng Hoa Kỳ?

Vào ngày ngày 10 tháng 9 năm 2019, trong chuyến đến Mỹ để nghiên cứu thực tiễn chính sách của nước này, Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế – Xã hội Đại hội XIII của Đảng CSVN do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu đã tới thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ.

Cách sáng tạo của Đảng Cộng sản

Việc này mang ý nghĩ như thế nào, khi một đảng cầm quyền theo đường lối Chủ nghĩa Xã hội, lại đi học hỏi từ một quốc gia Tư bản?

Trao đổi với RFA hôm 16/9, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam cho rằng, đây là một hiện tượng lạ, trước giờ chưa có tiền lệ.

“Tôi còn nhớ trước chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đến Washington vào tháng 7 năm 2015, đã không có đoàn quan chức Việt Nam nào đi học hỏi chính sách kinh tế thực tiễn của Mỹ. Mặc dù lúc đó Việt Nam đã “đầu tư” vào Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược CSIS của Hoa Kỳ tới vài triệu đô la rồi, thì có thể nói việc Tổ  biên tập Tiểu ban Kinh tế – Xã hội Đại hội XIII của Đảng đi nghiên cứu thực tiễn chính sách của Mỹ vào thời điểm được cho là cận với chuyến đi được dự kiến vào tháng 10 năm 2019 của ông Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ, là điều nhạy cảm và thú vị, nó cho thấy Việt Nam muốn phát đi một thông điệp là có một sự gần gũi hơn một chút giữa hệ thống triết lý của hai ý thức hệ.”

Tin cho biết, phái đoàn Đảng cộng sản Việt Nam đã đến Mỹ sẽ có các buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới WB, Viện Brookings, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS và The Asia Group.

Phái đoàn Việt Nam sẽ làm việc với phía Mỹ trong nhiều lĩnh vực, ngoài vấn đề chính là giải pháp kinh tế cho Việt Nam, còn có các chủ đề về chính trị.

Theo trang thông tin của Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhóm chịu trách nhiệm chính trong việc tổng hợp ý kiến và hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội từ năm 2021-2023 và Phương hướng phát triển kinh tế xã hội từ năm 2021-2025.

Trao đổi với RFA qua điện thoại hôm 16/9/2019, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập tại Singapore, nhận định về sự kiện này:

“Họ đi thì họ có gặp một số chỗ như Viện Brookings, rồi Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế – CSIS… hai chỗ này là hai kênh rất mạnh, có thể nói là mạnh nhất ở Mỹ cũng như trên thế giới. Việc đi như vậy cho thấy Việt Nam quan tâm làm thế nào để phát triển kinh tế, làm thế nào trong Khóa XIII của Đảng cầm quyền có những bước đổi mới về phát triển kinh tế. ”

Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, việc Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế – Xã hội Đại hội XIII của Đảng đã đến Mỹ để nghiên cứu thực tiễn chính sách của Mỹ, là đúng như lời ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong nước gần đây, là Đảng cộng sản vẫn kiên định chủ nghĩa xã hội nhưng phải mở, phải sáng tạo… Theo Tiến sĩ Dũng, có thể hiểu là cử một Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế – Xã hội Đại hội XIII của Đảng đi nghiên cứu thực tiễn chính sách của Mỹ là một cách sáng tạo…

Điều này làm Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhớ lại có một nét hơi giống với Thuyết Hội tụ ở Châu Âu vào những năm 60, là thuyết nói về sự gặp nhau tất yếu giữa Chủ nghĩa Tư bản và Chủ nghĩa Xã hội, tại một điểm nào đó, tại một thời điểm nào đó. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng, điều này cũng không loại trừ việc ông Nguyễn Phú Trọng cũng đang hình dung, hay tưởng tượng ra Thuyết Hội tụ.

Cân bằng các mối quan hệ

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết, qua thông tin ông nghe được từ các cuộc gặp, Việt Nam muốn tìm hiểu làm sao để cư xử khôn ngoan với Trung Quốc và cũng muốn biết người Mỹ đánh giá về Trung Quốc như thế nào? Liệu Trung Quốc có ổn định không, hay TQ đang gặp trục trặc bên trong để rồi phá sang Việt Nam? Tiến sĩ Hoàng Hợp cho rằng các chuyên gia Hoa Kỳ cũng nhận định, Mỹ không thể can thiệp quân sự, vì Trung Quốc đến nay chỉ dùng các bài dân sự, như ép Việt Nam đuổi các công ty dầu khí nước ngoài… Nhưng quan trọng nhất theo các chuyên gia Hoa Kỳ, Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và việc này sẽ không thay đổi, bất kể ai sẽ là tổng thống Mỹ sau này.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói tiếp, để đấu tranh với Trung Quốc, các chuyên gia ở Hoa Kỳ khuyên Việt Nam nên nêu thẳng tên Trung Quốc là kẻ quấy phá và hãy vận động các nước khác gọi tên kẻ quấy phá, như thế Trung Quốc mới chùn chân lại!

Trong bối cảnh Việt Nam bị Bắc Kinh dồn ép, dẫn đến những đối đầu căng thẳng trên Biển Đông trong thời gian gần đây, cộng với Đại hội Đảng thứ 13 sắp diễn ra, khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về việc liệu Hà Nội có nghiêng hẳn về phía Mỹ hay không?

Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, việc Tổ  biên tập Tiểu ban Kinh tế – Xã hội Đại hội XIII của Đảng đi nghiên cứu thực tiễn chính sách của Mỹ, cũng chưa phải là dấu hiệu Việt Nam đã nghiên về phía Mỹ. Ông nói tiếp:

“Từ Đại hội 7 năm 1991, họ có đưa ra một chính sách quan trọng là chính sách đối ngoại của Đảng CSVN, là quan hệ với tất cả các đảng trên thế giới, chú ý đảng cầm quyền và các đảng trong phong trào dân chủ xã hội, và từ đó đến nay dần dần họ có nhiều đoàn đi ra nước ngoài. Về quan hệ Việt Mỹ thì ngày càng tốt đẹp, phía Mỹ thì luôn sẵn sàng mở rộng quan hệ với Việt Nam. Nhưng Việt Nam chắc chắn vẫn phải duy trì một quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, để cho nó yên ổn.”

Còn Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thì cho rằng, động thái Việt Nam cử Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế – Xã hội Đại hội XIII của Đảng đi nghiên cứu thực tiễn chính sách của Mỹ, cho thấy có những dấu hiệu xích lại gần nhau giữa Việt Nam và Hoa Kỳ:

“Động thái Việt Nam cử Tổ  biên tập Tiểu ban Kinh tế – Xã hội Đại hội XIII của Đảng đi nghiên cứu thực tiễn chính sách của Mỹ, nằm trong bối cảnh đang diễn ra ngày càng nhiều hơn, dầy hơn những hoạt động gần gũi về mặt Việt Mỹ, như hành động Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, là hành động chưa từng có. Và vào ngày hôm nay đã xảy ra hiện tượng đặc biệt tại Hà Nội, là Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội và các Đoàn thể mặt trận, bất ngờ tổ chức lễ kỷ niệm 130 năm ngày mất của cụ Bùi Bằng Đoàn, là một nhân sĩ có 12 năm làm việc dưới chế độ Bảo Đại, mặc dù dưới thời Pháp thuộc nhưng ông được coi là một Nhân sĩ yêu nước, liêm chính và có công. Đáng chú ý, ông Bùi Bằng Đoàn là cha của nhà báo Bùi Tín, người đã thoát ly khỏi chế độ cộng sản, và viết cho Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA cho đến lúc ông mất. Những dấu hiệu như vậy cho thấy có những dấu hiệu xích lại gần nhau vừa tự nhiên vừa khiên cưỡng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.”

Ngoài ra theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Việt Nam cử đoàn sang nghiên cứu thực tiễn chính sách của Mỹ, cho thấy thêm một vấn đề là Việt Nam đang tìm cách lấy lòng Hoa Kỳ, bằng cách phát đi một thông điệp: “Có thể vấn đề ý thức hệ giữa Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam và Chủ nghĩa Tư bản ở Hoa Kỳ không quá xa nhau, và thậm chí có thể gần gũi nhau hơn và học hỏi một cách có chọn lọc.”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-vietnam-looking-to-satisfy-america-09162019134556.html

 

Việt Nam đã sẵn sàng

nâng tầm đối tác chiến lược với Mỹ?

Ý kiến về khả năng Việt-Mỹ trở thành đối tác chiến lược khi hai nước có nhiều khác biệt về thể chế chính trị và nhân quyền.

Vài tháng qua đã có nhiều thảo luận về khả năng Hoa Kỳ-Việt Nam nâng tầm mối quan hệ từ “đối tác toàn diện” lên thành “đối tác chiến lược”. Dưới đây là một số nhận định tiêu biểu.

Một số quan ngại

Theo ông Prashanth Parameswaran, tác giả bài viết hôm 12/9 trên The Diplomat, mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã tốt hơn nhiều so với thời chiến tranh Việt Nam. Hai nước bình thường hóa quan hệ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và tiếp tục duy trì tốt dưới thời Obama. Việc nâng tầm quan hệ Mỹ-Việt có ý nghĩa lớn với các nhà hoạch định chính sách cả hai nước. Nó phản ánh nỗ lực của Washington trong việc mở rộng mạng lưới các đồng minh và đối tác tại châu Á – Thái Bình Dương và tầm quan trọng của Việt Nam trong mạng lưới này, đồng thời nhấn mạnh cơ hội và thách thức mà Hà Nội phải cân nhắc.

TQ ‘không vui’ với chuyến thăm VN của USS Carl Vinson?

David Hutt: ‘Mục tiêu thương chiến kế tiếp của Trump là VN’

USS Carl Vinson tới Đà Nẵng: ‘Bước đi chiến lược’

Việc Mỹ-Việt nâng tầm quan hệ có thể có ý nghĩa lớn hơn là bản thân mối quan hệ này, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ – Trung Quốc tăng cường cạnh tranh về quyền lực trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và vai trò của Việt Nam trong các vấn đề như Biển Đông – nơi mà Trung Quốc ngày càng lấn lướt và Hà Nội chịu áp lực ngày càng lớn.

Mỹ gần đây đã tăng cường các hoạt động hợp tác với Việt Nam. Năm 2018, Mỹ mang hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tới Việt Nam. Năm nay, Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng dự kiến có chuyến công du Mỹ vào tháng 10/2019. Tuy nhiên, thực tế là Việt Nam và Mỹ vẫn có nhiều khác biệt trong nhiều lĩnh vực, từ thể chế tới quan điểm về nhân quyền. Việt Nam và Mỹ cũng có khác biệt trong quan điểm đối với vấn đề thương mại hoặc vấn đề Bắc Hàn – điều khiến quan hệ hai nước từng có vẻ khó ‘toàn diện’, chứ chưa nói đến ‘chiến lược’. Chính vì thế, các cuộc thảo luận để nâng tầm mối quan hệ Mỹ – Việt cũng bao gồm cả các quan ngại, ông Prashanth Parameswaran bình luận.

Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần cân nhắc các yếu tố quan trọng này để tính toán được mất khi nâng tầm mối quan hệ. Chẳng hạn, không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đã thấy Việt Nam trì hoãn một số hoạt động liên quan đến quốc phòng với Hoa Kỳ bất chấp những lợi ích có thể thấy rõ, vẫn theo tác giả Prashanth Parameswaran.

Các quan ngại nói trên không có nghĩa Việt Nam – Hoa Kỳ không mong muốn hoặc không thể nâng tầng hợp tác. Nhưng nó có nghĩa rằng cả Mỹ và Việt Nam cần đảm bảo rằng các vấn đề thực tế giữa hai nước phù hợp với bất cứ tầm mức quan hệ nào mà họ lựa chọn. Quan trọng nữa là, việc điều chỉnh tên gọi của mối quan hệ chỉ có giá trị khi cả hai bên cùng cam kết nỗ lực để biến tiềm năng hợp tác thành sự hợp tác trên thực tế.

Mỹ gửi tín hiệu ‘hỗn hợp’

Nhà báo David Hutt, cũng về đề tài này, trên Asia Times lại cho rằng Mỹ gửi những tín hiệu không thống nhất đến Việt Nam, nói năm nay, Mỹ lên tiếng cáo buộc Trung Quốc có hành động ‘bắt nạt’ nước láng giềng Việt Nam. Mỹ cũng ngỏ ý “muốn củng cố mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Hà Nội, mặc dù Việt Nam vẫn tỏ ra thận trọng và vẫn duy trì các chính sách ngoại giao không cam kết,”

David Hutt cũng nhắc tới tin đồn gần đây rằng công ty dầu khí Mỹ ExxonMobil đang tìm cách rút dự án Cá Voi Xanh trị giá hàng tỷ đô la khỏi Việt Nam, và bình luận rằng: Nếu thực sự ExxonMobil rút – cứ cho là vì lý do tài chính chứ không phải địa chính trị – thì đây cũng là một cú nốc ao vào mối quan hệ Mỹ-Việt ở giai đoạn mang tính bước ngoặt. Hơn bao giờ hết, Hà Nội hiện đang tìm kiếm các cam kết từ Washington rằng họ sẽ đứng về phía mình trong bất kỳ cuộc xung đột có vũ trang nào với Trung Quốc trên Biển Đông.

Thương mại: Ông Donald Trump đe dọa Việt Nam

Kỳ vọng gì nếu chủ tịch Trọng thăm Hoa Kỳ?

Tập trận Mỹ-ASEAN: ‘Mỹ sẽ không đứng yên nếu TQ tiếp tục ép VN’

Mỹ, tuy thế, đang gửi tín hiệu ‘hỗn hợp’. Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ nảy nở dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump đã hai lần đến thăm Việt Nam và hiếm khi chỉ trích điều gì về đất nước được coi là vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất Đông Nam Á này, vẫn theo David Hutt. Nhưng ông Trump, bên cạnh đó, lại cũng rất phiền lòng với việc Việt Nam trở thành nơi sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng Trung Quốc nằm trong diện bị Mỹ đánh thuế, để trốn thuế. Ông Trump, hồi tháng Sáu đã gọi Việt Nam là nước ‘lạm dụng tồi tệ nhất’ trong một cuộc phỏng vấn truyền hình.

Tuy nhiên, chính quyền của ông Trung cũng lại phản ứng quyết liệt khi Trung Quốc mang tàu vào khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói Trung Quốc đã thực hiện một loạt các động thái hung hăng để can thiệp các hoạt động kinh tế lâu đời của Việt Nam.

“Việt-Mỹ đã hợp tác chiến lược nhiều mặt, trừ tên gọi”

Trong khi đó, tác giả Đoàn Xuân Lộc viết trên Asia Times, một yếu tố quan trọng của chính sách đối ngoại của Hà Nội là không liên minh. Để giúp đất nước tăng cường quan hệ ngoại giao, kinh tế và an ninh với các đối tác liên quan, chính phủ Việt Nam, do đó, đã tìm cách xây dựng một mạng lưới quan hệ đối tác. “Quan hệ đối tác toàn diện” là nấc thấp nhất trong mạng lưới này.

Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập “quan hệ đối tác toàn diện” tháng 7/2013. Như vậy, Việt Nam đứng sau Philippines, Thái Lan, Indonesia và Singapore – các đối tác chiến lược của Hoa Kỳ trong khu vực – về tầm quan trọng đối với Washington.

Trong khi đó, Việt Nam đã nâng tầm “quan hệ chiến lược” với 16 nước gồm Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc và Tây Ban Nha (2009), Vương quốc Anh (2010), Đức (2011), Pháp, Indonesia, Ý, Singapore và Thái Lan ( 2013), Malaysia và Philippines (2015) và Úc (2017).

Trong ngôn ngữ ngoại giao của Hà Nội, tất nhiên, Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam, trong khi Mỹ là một trong những quốc gia ít quan trọng nhất. Trên giấy tờ, mối “quan hệ đối tác toàn diện” của Việt Nam với Mỹ – nền kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới – thậm chí còn xếp sau quan hệ “đối tác toàn diện” của Việt Nam với Myanmar – được thiết lập năm 2017.

Nhưng trên thực tế, Mỹ là đối tác quan trọng thứ hai của Việt Nam. Ở nhiều khía cạnh, Mỹ cũng quan trọng không kém Trung Quốc. Và Hà Nội hiểu rằng có một mối quan hệ khỏe mạnh với Mỹ mang tính sống còn với đất nước, giúp ổn định sự phát triển và tránh quá phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, ông Đoàn Xuân Lộc nhận định.

Hiện nay, sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là một trong các yếu tố chính để Việt Nam tìm cách thắt chặt quan hệ với Mỹ, đặc biệt trong an ninh quốc phòng.

Nhìn chung, mặc dù vẫn có những khác biệt nhất định, đặc biệt là về các quyền tự do chính trị và nhân quyền, lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng phù hợp với nhau. Đối Việt Nam, mối quan hệ với Mỹ hiện tại về cơ bản là chiến lược trong nhiều lĩnh vực quan trọng, như an ninh và quốc phòng, mặc dù về tên gọi nó mới chỉ là “quan hệ đối tác toàn diện”, vẫn theo tác giả Đoàn Xuân Lộc.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49711589

 

‘Nhóm lợi ích’ sẽ làm lung lay

thể chế của Đảng Cộng sản Việt Nam?

‘Nhóm lợi ích’ và tham nhũng

Trong một cuộc trao đổi với Báo mạng Thanh Niên Online, đăng tải vào ngày 16 tháng 9, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương đánh giá rằng các ‘nhóm lợi ích’ đang xuất hiện ở nhiều nơi, có sự cấu kết, móc ngoặc giữa doanh nghiệp với cán bộ lãnh đạo hư hỏng trong bộ máy chính quyền, để thao túng quyền lực và trục lợi.

Ông Lê Quang Thưởng bày tỏ tình trạng vừa nêu là “rất đáng lo ngại”, với dẫn chứng một trường hợp như ở Đồng Nai, nữ Phó Bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh hồi năm ngoái bị cách chức do ký nhiều văn bản cho công ty của chồng bà được hưởng những dự án của tỉnh, tuy nhiên trong năm nay lại có đến một loạt lãnh đạo công an tỉnh và trưởng ban nội chính tỉnh ủy bị kỹ luật; hay như vụ án của Vũ “nhôm” (tức Phan Văn Anh Vũ) kéo theo cả dàn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và thậm chí có cả Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Thành bị phanh phui dính nhiều sai phạm liên can.

Nguyên Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, ông Lê Quang Thưởng còn nhấn mạnh ‘nhóm lợi ích’ hiện nay không những ngày càng nhiều mà còn hoạt động một cách ngầm ẩn, rất khó phát hiện, do đó ông Lê Quang Thưởng gọi việc ngăn chặn ‘nhóm lợi ích’ và chống tham nhũng là một ‘cuộc chiến’ không hề đơn giản và nếu không có biện pháp kiên quyết thì đất nước Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ khó lường.

Lý giải cho tình trạng ‘nhóm lợi ích’ và tham nhũng tràn lan tại Việt Nam trong đó có nhiều vụ đại án được đưa ra xét xử với những bản án nặng dành cho cán bộ, kể cả những lãnh đạo cấp cao nhưng không có dấu hiệu suy giảm, Báo mạng Thanh Niên Online dẫn lời của ông Lê Quang Thưởng rằng nguyên nhân chủ yếu là do nguyên tắc tập trung dân chủ trong nội bộ không được thực hiện tốt và các cơ quan kiểm soát quyền lực trung ương như Ban Tổ chức Trung ương hay Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã không giám sát chặt chẽ, không phát hiện sai phạm kịp thời.

Ông Thưởng cũng khẳng định tình trạng ‘nhóm lợi ích’ thao túng như thế là vì “mất dân chủ”, không phát huy được tiếng nói đúng đắn để đấu tranh chống lại cái xấu và tiêu cực. Đồng thời, ông cũng quả quyết nếu như có tiếng nói của nhân dân và của các đảng viên cơ sở thì ‘nhóm lợi ích’ sẽ không thể làm gì được.

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai-nguyên Trưởng Ban nghiên cứu Ban Dân vận Trung ương, vào tối ngày 16 tháng 9 lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do rằng chia sẻ vừa nêu của ông Lê Quang Thưởng trên truyền thông quốc nội cho thấy một thực tế rõ ràng Đảng CSVN đang rất lúng túng trước tình hình ‘nhóm lợi ích’ là ‘sân sau” của giới chức cán bộ, lãnh đạo nhà nước để tham nhũng từ địa phương cho đến trung ương. Ông Nguyễn Khắc Mai nói với RFA nhận định của ông Lê Quang Thưởng là một ‘bi hài kịch’, bởi vì:

Tình trạng thiếu dân chủ…trong Đảng lâu nay thì những người chịu trách nhiệm chính là những anh đã đứng đầu trong việc tạo ra tập trung quyền lực, tạo ra toàn trị, tạo ra mất dân chủ và không tôn trọng ý kiến của cơ sở đảng viên. Tình trạng này đã xảy ra từ lâu nay và nguyên nhân chính là do những anh như anh Lê Quang Thưởng đã chi phối. Bây giờ anh ấy thấy tình hình như thế thì kêu gọi đảng viên cơ sở phải lên tiếng. Thật là buồn cười vì lên tiếng trong một thể chế mà toàn trị như thế này thì là vô nghĩa

-Ông Nguyễn Khắc Mai

“Tình trạng thiếu dân chủ…trong Đảng lâu nay thì những người chịu trách nhiệm chính là những anh đã đứng đầu trong việc tạo ra tập trung quyền lực, tạo ra toàn trị, tạo ra mất dân chủ và không tôn trọng ý kiến của cơ sở đảng viên. Tình trạng này đã xảy ra từ lâu nay và nguyên nhân chính là do những anh như anh Lê Quang Thưởng đã chi phối. Bây giờ anh ấy thấy tình hình như thế thì kêu gọi đảng viên cơ sở phải lên tiếng. Thật là buồn cười vì lên tiếng trong một thể chế mà toàn trị như thế này thì là vô nghĩa.”

Ông Nguyễn Khắc Mai nhắc lại trong nhiều năm qua đảng viên cơ sở, dù trong các cuộc họp được chọn lọc, đã cũng lên tiếng về tham nhũng, chỉ mặt, chỉ tên các nhóm lợi ích khác nhau, chỉ ra suy thoái suy đồi của cán bộ hay các tổ chức xã hội dân sự cũng đã lên tiếng không ngưng nghỉ, đã tố cáo, đã nói rõ tình trạng tham nhũng của ‘lợi ích nhóm’ và ngay cả tiếng nói của những người trong Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương đã về hưu nhưng đều chẳng được quan tâm và lắng nghe.

Đài RFA ghi nhận chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động được dư luận trong và ngoài nước cho là bắt chước theo phong trào chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” ở Trung Quốc và công cuộc chống tham nhũng của Đảng CSVN không hề mang lại hiệu quả nào, mà thậm chí nếu không nói là còn bị tác dụng ngược.

Nhà báo Trần Quang Thành, một nạn nhân bị tạt acid bởi các bài viết chống tiêu cực và phơi bày tham nhũng tại Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn với RFA hồi cuối tháng 7 vừa qua, khẳng định rằng chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam thực chất là để thanh trừng lẫn nhau.

“Tất cả mọi hành động xử lý kỷ luật vừa qua đều là thanh trừng lẫn nhau, răn đe cho nhau. Nhưng dù sao chúng ta cũng thấy rõ bộ mặt thật của Nhà nước Cộng sản rằng, nếu một người có quyền cầm bút ký là có thể tham nhũng, từ xã cho đến Trung ương. Quan trọng là người thế lực mạnh sẽ lấn át người thế lực yếu. Ở Việt Nam, chống tham nhũng là thứ vũ khí để họ trị nhau, chứ không phải vì dân vì nước.”

Đồng quan điểm, Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cũng cho rằng việc chống tham nhũng hay dẹp bỏ các ‘nhóm lợi ích’ thật sự không nhằm vào đúng mục đích mà chỉ là hô hào qua các khẩu hiệu của ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng:

“Tôi đồ rằng tiến độ được coi là chống tham nhũng của đảng do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì gần như chưa đạt được một kết quả lớn nào cả. Trong khi đó lại xuất hiện dư luận cho rằng chiến dịch đốt lò của ông Trọng tập trung chủ yếu tấn công vào các đối thủ chính trị, những người không phe cánh với ông Trọng chứ không phải tiêu diệt hoàn toàn nạn tham nhũng.”

Một số nhà quan sát tình hình Việt Nam như ông Nguyễn Khắc Mai, Nhà báo Trần Quang Thành đều có cùng nhận định rằng thể chế chính trị do Đảng CSVN lãnh đạo đã, đang và sẽ dung dưỡng cũng như tạo lợi thế cho các ‘nhóm lợi ích’ phát triển. Theo vậy, công cuộc chống tham nhũng càng khiến cho nạn tham nhũng ở Việt Nam trở nên càng tinh vi hơn.

Hậu quả khó lường

Trong khi ông Lê Quang Thưởng đưa ra lập luận không loại trừ các ‘nhóm lợi ích’ sẽ đẩy đất nước Việt Nam vào nguy cơ khó lường thì Tiến sĩ Phạm Chí Dũng mạnh mẽ cảnh báo rằng nếu Đảng

CSVN không dẹp được các ‘sân sau’ thì chính những ‘sân sau-nhóm lợi ích’ sẽ tiêu diệt Đảng, tức là sẽ làm cho Đảng tan vỡ.

Với lập luận trên của ông Thưởng, ông Nguyễn Khắc Mai lên tiếng rằng con đường cứu Đảng bằng cách kêu gọi đảng viên cơ sở chủ động chống tiêu cực hay cử cán bộ qua Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm chống tham nhũng đều chẳng có tác dụng gì, mà đó chỉ là một cách nói “mị dân”, không đáng giá.

“Nói như Karl Marx là ‘Anh phải sám hối thật tâm thì may ra mới có cơ cứu rỗi’. Hiện nay anh có sám hối thật tâm đâu, anh cũng giả vờ giả vịt thôi. Thế thì làm sao mở ra được con đường mới?”

Tất cả mọi hành động xử lý kỷ luật vừa qua đều là thanh trừng lẫn nhau, răn đe cho nhau. Nhưng dù sao chúng ta cũng thấy rõ bộ mặt thật của Nhà nước Cộng sản rằng, nếu một người có quyền cầm bút ký là có thể tham nhũng, từ xã cho đến Trung ương. Quan trọng là người thế lực mạnh sẽ lấn át người thế lực yếu. Ở Việt Nam, chống tham nhũng là thứ vũ khí để họ trị nhau, chứ không phải vì dân vì nước
-Nhà báo Trần Quang Thành

Giáo sư Nguyễn Đình Cống nêu lên quan điểm của ông rằng Đảng CSVN trong Đại hội Đảng XIII cần thiết có những thay đổi quan trọng để Đảng có thể vớt vát về uy tín lãnh đạo đất nước, bằng không:

“Còn nếu như họ cứ trượt theo con đường cũ, nghĩa là vẫn cứ theo những cách từ trước tới nay thì càng ngày sự mất lòng tin và sự rối loạn của xã hội càng tăng.”

Và một trong những thay đổi quan trọng mà Giáo sư Nguyễn Đình Cống đề cập đến, được một số nhà quan sát tình hình Việt Nam cho là Đảng Cộng sản Việt Nam cấp thiết phải cho tự do báo chí và tổ chức các cuộc đối thoại nghiêm túc với những đảng viên và giới nhân sĩ trí thức có chính kiến độc lập để nghe những ý kiến và các giải pháp hữu hiệu từ họ thì may ra mới có cơ hội không để đất nước bị lâm vào “nguy cơ khó lường”, như nhận định của ông nguyên Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương-Lê Quang Thưởng.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-interest-groups-push-the-regime-of-the-vcp-to-an-end-09162019190005.html