Tin Việt Nam – 17/06/2018
Hàng chục người bị bắt trước lo ngại biểu tình
Tình trạng bắt giữ người được cho là gia tăng tại Việt Nam mấy ngày qua, trong lúc giới chức thắt chặt an ninh tại nhiều nơi.
Theo tin từ Facebook Võ Hồng Ly, sáng 17/6, một bạn trẻ tên Trương Thị Hà cùng hai bạn trẻ khác (chưa rõ tên) bị bắt ngay tại trung tâm Sài Gòn.
Được biết Trương Thị Hà từng tham gia một số cuộc biểu tình mấy ngày qua ở Sài Gòn.
Chuyện gì thực sự xảy ra ở Phan Rí?
Bàn khả năng hoãn hoặc sửa Luật An ninh mạng
Luật An ninh mạng không tốt cho kinh tế VN
Nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm cho BBC biết Nguyễn Tín, một bạn trẻ ở Sài Gòn bị bắt vào khoảng 22:30 ngày 15/6.
“Tín đang ở phòng trọ của mình thì bị công an phường 13 quận Tân Bình đến ‘mời đi’, đến nay vẫn không thể liên lạc được,” ông Lâm nói.
Nhà hoạt động Lê Hoàng Tân cũng bị công an “mời” vào làm việc tại phường Hiệp Phú (Quận 9, Sài Gòn) ngày 16/6.
“Ban đầu là do em trai anh Tân, tên là Tiến, bị công an mời lên phường làm việc,” ông Dương Đại Triều Lâm cho BBC hay từ Sài Gòn ngày 17/6. “Tuy nhiên, do anh Tân mới là người trực tiếp tham gia đấu tranh, cầm biểu ngữ, nên anh lên phường để gặp công an thì bị bắt luôn. Đến nay anh Tân vẫn bị câu lưu.”
“Nhiều người ngồi tập trung trong các quán cà phê ven Hồ Con Rùa đều bị công an bắt. Một số người chạy xe qua khu vực này cũng bị giữ lại kiểm tra. Nếu đủ giấy tờ tùy thân và không mang theo biểu ngữ thì được cho đi, ngược lại thì bị bắt,” ông Lâm nói.
Ông Hoàng Cua, một trong những người bị bắt khi đang ngồi trong quán cà phê ở Phường Bến Thành, Quận 1, nói với BBC vào chiều 17/6 vì không mang theo chứng minh thư nên ông đã bị bắt đưa về Nhà văn hóa Tao Đàn, nơi ông thấy “có khoảng chừng 150 đến 200 người, gồm cả người già, con nít, đàn ông, đàn bà, bị bắt đưa vào đó”.
Do tình cờ gặp công an khu vực phụ trách nơi ông sinh sống, ông đã được xác nhận là người địa phương và cho ra về đầu tiên, ông cho biết thêm.
“Tôi là người được ra đầu tiên, ra trước tất cả số khoảng hơn 100, gần 200 người bị gom vào trong đó.”
‘Lý do mơ hồ’
Trên Facebook cá nhân, ông Phạm Lê Vương Các cũng cho biết bị cơ quan an ninh Bộ Công an cưỡng bức rời Hà Nội “với một lý do mơ hồ nhằm bảo vệ an ninh cho thủ đô trong những ngày tới”.
Theo đó, trưa 15/6, ông Các đáp chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để chuẩn bị cho kỳ thi kết thúc học phần môn Tư pháp Quốc tế sẽ diễn ra vào lúc 17h30 cùng ngày. Tuy nhiên, khi máy bay vừa đáp xuống Hà Nội ông “bị câu lưu và bị cưỡng bức quay trở lại Sài Gòn nên không thể đến được phòng thi”.
“Diễn biến câu lưu tại sân bay nghiêm trọng đến mức như thể tôi là một tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm.”
“Khi máy bay vừa đáp xuống, hàng chục nhân viên an ninh Bộ Công an đã đứng đợi sẵn, khi tôi vừa bước ra khỏi cửa máy bay thì họ xông tới, nắm lấy tay tôi rồi dẫn tôi xuống những chiếc xe đã đậu sẵn ngay trong bãi đỗ máy bay rồi chở thẳng về Đồn Công an Sân bay Nội Bài cách đó khoảng 1 km.”
“Tại đồn công an, họ cho biết lý do đưa tôi về làm việc vì “Cơ quan An ninh Bộ Công an nhận được đơn tố cáo rằng tôi đã có hành vi kích động, xúi giục bạo loạn ở Bình Thuận và biểu tình ở TP.HCM trong những ngày vừa qua. Và bây giờ tôi ra Hà Nội để cùng với một số đối tượng tại đây tiếp tục kích động và tổ chức biểu tình ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm vào những ngày tới,” ông Các viết trên Facebook cá nhân.
“Tôi bày tỏ thái độ phản đối hành vi cưỡng bức này và nói rõ với họ rằng, đây là một hành vi tùy tiện và lạm quyền của cơ quan an ninh khi không tuân thủ luật lệ về an ninh quốc gia vì họ đã áp đặt gới hạn ngăn chặn thiếu cơ sở và không có căn cứ, rồi tiến hành các biện pháp phòng ngừa một cách quá mức cần thiết đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do đi lại và quyền học tập của một công dân.”
Sau khoảng ba tiếng làm việc, ông Các bị buộc phải lên máy bay về lại Sài Gòn.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44511498
Công an thành phố HCM gia tăng bắt giữ người
trước lời kêu gọi biểu tình vào cuối tuần
Trong những ngày vừa qua, công an TP Hồ Chí Minh đã gia tăng bắt giữ người vào khi có lời kêu gọi biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua.
Theo trang Hội Sinh viên Nhân quyền, vào sáng ngày 17/6, công an TP HCM đã bắt giữ sinh Trương Thị Hà và hai người khác tai công viên 30/4 gần nhà thờ Đức Bà. Theo trang web này, an ninh gồm hơn 10 người đã xúm vào đòi kiểm tra giấy tờ của 3 người rồi bắt cả 3. Hiện vẫn không biết 3 người bị giam giữ tại đâu.
Cũng trong sáng ngày 17/6 Đài Á Châu Tự Do nhận được tin nhắn bị bắt của sư thầy Thích Đồng Long thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Sư thấy Thích Đồng Long là người đã tham gia biểu tình hôm 10/6 và bị công an thành phố bắt giữ 1 ngày.
Trước đó vào tối ngày 15/6, ca sĩ Nguyễn Tín, một người cũng chuyên hát nhạc vàng và cũng tham gia biểu tình hôm 10/6 đã bị công an ập vào phòng trọ ở Sài Gòn bắt đi. Hiện giờ bạn bè vẫn chưa có thêm thông tin gì từ anh.
Báo Tuổi trẻ trích nguồn tin từ công an thành phố hôm 16/6 cho biết tính tới 15 giờ ngày 16/6, tình hình an ninh trật tư trên địa bàn thành phố đã được đảm bảo, và công an đã tạm giữ 3 người giả danh công an và “mời” về trụ sở 100 người. Công an cho biết 100 người này có biểu hiện tụ tập gay rối, chuẩn bị nhiều loại hung khí, vật dụng để phá rối an ninh, chống đối lại lực lượng chức năng.
Cũng trong cuồi tuần, lãnh đạo quốc hội và đảng đã lên tiếng cảnh báo lòng yêu nước của người dân bị lợi dụng.
Tổng Bí thư Đảng CS Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân, Hà Nội hôm 17/6 nói rằng việc người dân biểu tình là do sự thật bị xuyên tạc, lòng yêu nước bị lợi dụng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 15/6 kêu gọi chính phủ giám sát chặt chẽ tình hình, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, tại địa bàn thành phố HCM, người dân cho biết những ngày qua họ nhận được những tờ truyền đơn kêu gọi không đi biểu tình.
Vào các ngày 10 và 11/6 vừa qua hàng ngàn người dân từ nhiều tỉnh thành đã đổ ra đường biểu tình luật Đặc khu và An ninh mạng. Các hình ảnh video cho thấy người biểu tình bị an ninh đánh đập và kéo lê trên đường phố.
Công an cho biết đã có khoảng 300 người bị bắt vì tham gia biểu tình.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/police-detained-more-people-06172018092609.html
Lời nhân chứng:
‘Tôi bị bắt khi đang uống cà phê ở Sài Gòn’
“Tôi đang ngồi trong quán cà phê Highland nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch gần Nhà Thờ Đức Bà, bên hông Diamond Plaza thì đột nhiên có khoảng 20 anh, gồm cả những người mặc thường phục, sắc phục, cảnh sát cơ động,…, ập vô quán chỉ mặt từng người rồi bắt đi,” ông Hoàng Cua nói với BBC vào chiều Chủ Nhật, 17/06/2018.
“Lúc đó là khoảng 9 rưỡi sáng Chủ Nhật.”
Vào thời điểm này, trong quán có đông người, nhưng chỉ có khoảng chưa tới 10 khách bị bắt, đưa đi nơi khác, ông Hoàng Cua cho biết.
Việt Nam: Tin nóng đọc nhanh với BBC Tiếng Việt
Hàng chục người bị bắt trước lo ngại biểu tình
Chuyện gì thực sự xảy ra ở Phan Rí?
“Họ nói mời tôi ra ngoài làm việc. Tôi nói tôi chỉ uống cà phê, không làm gì để phải ra ngoài làm việc.”
“Họ mời tôi ra khỏi quán cà phê, sau đó 6, 7 người áp tải tôi ra thẳng xe buýt nằm ở phía sau Diamond Plaza, đậu ngay gần nhà vệ sinh ở sau Diamond Plaza.”
“Họ đẩy tôi lên. Trên xe có khoảng 6, 7 người bị bắt chung với tôi.”
“Họ kiểm tra chứng minh thư, giấy tờ. Vì tôi là người địa phương, ở ngay khu vực đó, nên tôi nói tôi không cần phải mang theo chứng minh thư.”
“Do không có chứng minh thư nên họ nói tôi ngồi đó, theo họ về phường làm việc.”
“Tôi chỉ mang theo điện thoại thường, nên vẫn được giữ lại. Những ai dùng điện thoại thông minh, có thể quay phim, chụp hình đều bị tịch thu.”
“Họ chở chúng tôi về Nhà văn hóa Tao Đàn ở đường Huyền Trân Công Chúa.”
“Khi vào trong, tôi thấy khoảng 150 đến 200 người, gồm cả người già, con nít, đàn ông, đàn bà, bị bắt đưa vào đó. Tôi ngồi chung với họ.”
Bàn khả năng hoãn hoặc sửa Luật An ninh mạng
Luật An ninh mạng không tốt cho kinh tế VN
“Công an lấy lời khai, kêu từng người lên làm việc. Họ lăn dấu tay, chụp hình, lấy lý lịch trịch ngang.”
“Tôi tình cờ gặp anh cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn tôi ở, phường Bến Thành. Tôi nói với anh này rằng tôi bị đưa vào đây khi đang đi uống cà phê.”
“Cảnh sát khu vực nhận tôi là người thuộc địa phương, nhà ở khu vực này. Thế là họ thả tôi ra.”
“Tôi là người được ra đầu tiên, ra trước tất cả số khoảng hơn 100, gần 200 người bị gom vào trong đó.”
“Những người trực tiếp bắt tôi đều đeo trên tay chiếc nhẫn bằng nhựa màu xanh.”
“Trước lúc thả, họ bắt tôi ký bản cam kết sẽ không tham gia biểu tình, không tụ tập gây rối. Họ đã đánh máy sẵn, đưa ra, chỉ yêu cầu ký chứ mình không cần ghi gì nữa.”
“Tôi nói không ký vì tôi không tham gia gì, chỉ đi uống cà phê. Nếu bắt ký thì chẳng khác nào nói tôi đã tham gia.”
Ông Hoàng Cua cho biết ông được thả vào khoảng 4 giờ 20 chiều cùng ngày.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44489062
Giáo xứ miền Trung biểu tình
Cuộc ‘tuần hành cầu nguyện’ sáng 17/6 thu hút gần 1.000 giáo dân Song Ngọc tham gia, Linh mục Nguyễn Đình Thục cho BBC biết.
Các giáo dân giáo hạt Văn Hạnh, Hà Tĩnh cũng xuống đường tuần hành sáng 17/6.
Buổi tuần hành của giáo xứ Song Ngọc diễn ra sau lễ sớm, bắt đầu từ 6 giờ 15 ngày 17/6 và chỉ kéo dài khoảng 30 phút.
“Trong lễ sáng, tôi có nói với giáo dân về Luật An ninh mạng đã được thông qua và dự Luật Đặc khu tạm dừng nhưng có dấu hiệu cho thấy chính quyền quyết tâm thông qua,” linh mục Thục nói qua điện thoại từ Nghệ An.
“Điều này rất nguy hiểm cho sự an toàn của đất nước, và chúng tôi không thể làm ngơ trước vận mệnh của dân tộc.”
“Chúng tôi chỉ đơn giản tuần hành một đoạn đường, không hô hào, chỉ cầm khẩu hiệu phản đối. Vừa đi vừa đọc kinh cầu nguyện.”
Ngay sau cuộc tuần hành, toàn bộ giáo xứ Song Ngọc bị cắt internet và điện thoại, không ai nhận được cuộc gọi đến nào, cũng như không thể gọi đi đâu.
“Chúng tôi bị cô lập như thế đến khoảng 12:00. Có lẽ chính quyền nhận thấy chúng tôi không tổ chức biểu tình, tuần hành gì thêm nữa nên cấp lại internet và mạng,” linh mục Thục nói với BBC.
“Lẽ nào họ đã áp dụng Luật An ninh mạng dù luật này chỉ được thực thi từ tháng 1/2019? Nếu vậy, chúng tôi rất lo lắng và đau lòng. Nếu họ có bắt bớ, đàn áp chúng tôi sáng nay thì không ai có thể biết được tin tức.”
Trả lời câu hỏi của BBC về việc kết hợp làm lễ và biểu tình, linh mục Thục nói giáo xứ Song Ngọc không có chủ trương cụ thể nào, nhưng trong những tình huống cần phải lên tiếng các giáo phận thì sẽ lên tiếng.
“Giáo xứ Song Ngọc từng là một nơi trù phú, nhưng nay dân phải bán thuyền. Hậu quả từ vụ Formosa rất nặng nề. Nay hai bộ luật trên nếu được thực thi sẽ là mối nguy của dân tộc,” linh mục Thục nói.
Cùng ngày, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri sáng 17/6 nói việc hai dự án luật trình tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đã bị lợi dụng để xuyên tạc, kích động biểu tình, chống phá Nhà nước, theo Tuổi Trẻ.
“Tổng bí thư cho biết từ chỗ dư luận sôi sục vì hai dự án luật này đã xảy ra chuyện biểu tình, trong đó có việc những phần tử chống đối, phá hoại, kích động, gây rối lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, đặc biệt nghiêm trọng là ở Bình Thuận,” Tuổi Trẻ tường thuật.
“Chúng ta đã tập trung chấn chỉnh, khắc phục hậu quả, xử lý nghiêm minh những đối tượng cầm đầu chống phá,” Tổng bí thư được Tuổi Trẻ dẫn lời.
“Vẫn phải khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như thế này, không khí sôi nổi, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, công tác giám sát của Quốc hội. Không khí dân chủ trong xã hội rất tốt”, ông Trọng nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/media-44511438
‘Thế lực thù địch tìm thời điểm kích động’
Một đại biểu quốc hội nói các thế lực thù địch chọn thời điểm để kích động phản đối Luật An ninh mạng.
Trả lời phóng viên trong nước, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nói “một số sự kiện vừa rồi đã bị lợi dụng”.
“Chắc là các thế lực thù địch phải tìm thời điểm thích hợp để kích động để đúng ý đồ của người ta. Đã có âm mưu thì phải có sự chuẩn bị,” ông Hồng nói thêm.
Bài viết ‘Một số nội dung cơ bản Luật An ninh mạng’ đăng trên cổng thông tin Bộ Công an hôm 15/06 có nội dung nói “Luật An ninh Mạng mặc dù được chuẩn bị kỹ lưỡng, được đa số Đại biểu Quốc hội tán thành, nhưng do đây là đạo luật có quy định về phòng ngừa, đấu tranh, xử lý trực tiếp các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng nên vẫn còn có những ý kiến băn khoăn về nội dung Luật.
“Một số đối tượng chống đối đã có hoạt động tuyên truyền, kích động biểu tình, chống phá Luật An ninh mạng hòng hướng lái dư luận theo hướng bất lợi, với các luận điệu như “chống lại loài người”, “bịt miệng dân chủ”, “đàn áp bất đồng chính kiến”, “tạo rào cản kinh doanh”, “tăng chi phí cho doanh nghiệp”, “thêm giấy phép con”, “lạm quyền”, “cấm sử dụng Facebook, Google”.
“Bộ Công an khẳng định rằng, những thông tin trên là bịa đặt, xuyên tạc, với mục đích cản trở hoặc gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân đối với chính sách của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng. Luật An ninh mạng không có những quy định nêu trên, không tạo rào cản, không tăng thủ tục hành chính, không cấp giấy phép con và không cản trở hoạt động bình thường, đúng luật của các tổ chức, cá nhân,” bài báo viết.
https://www.bbc.com/vietnamese/media-44506102
Quốc hội CSVN chọn không ‘công khai nút bấm’
Tổng thư ký quốc hội CSVN, ông Nguyễn Hạnh Phúc, cho biết quốc hội đã chọn không công bố danh tính những đại biểu nào đã bỏ phiếu chống hoặc tán thành mỗi dự luật.
Tại một cuộc họp báo chiều Thứ Tư 13/06, ông Phúc đã được hỏi về vấn đề công bố danh tính đại biểu khi biểu quyết các dự luật. Ông Phúc cho hay, trong số 283 nghị viện trên thế giới, chỉ có 70 nghị viện có thủ tục công khai danh tính các phiếu bầu, còn lại không công khai. Ông cho rằng “quyết định ra sao là quyền của quốc hội”, và quốc hội CSVN chỉ chấp nhận thông báo số phiếu mà không cho biết mỗi đại biểu đã bỏ phiếu ra sao.
Được biết đề nghị công khai danh tính lá phiếu là do đại biểu Dương Trung Quốc đưa ra từ Quốc Hội Khóa 13. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, quốc hội CSVN đã có lần bàn về vấn đề này, nhưng đã chọn hình thức biểu quyết không công khai danh tính.
Sau khi quốc hội CSVNm vào hôm 12 tháng 6 thông qua luật an ninh mạng, một cuộc vận động được tiến hành trên mạng xã hội đòi công khai danh tính các đại biểu đã bỏ phiếu chống, ủng hộ hoặc không bỏ phiếu. Theo các nguồn tin trên mạng xã hội, cho tới nay nhóm vận động chỉ mới xác nhận được 9 trong 15 đại biểu đã bỏ phiếu chống luật an ninh mạng, 1 trong 28 đại biểu không bỏ phiếu, và 2 đại biểu bỏ phiếu tán thành.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/quoc-hoi-csvn-chon-khong-cong-khai-nut-bam/
Luật an ninh mạng sao chép từ Trung Cộng,
đưa Việt Nam vào quĩ đạo Trung Cộng
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới hôm Thứ Năm 14/06 đưa ra một thông cáo kêu gọi Việt Nam bãi bỏ luật an ninh mạng mới được quốc hội nước này thông qua. Theo Phóng Viên Không Biên Giới, luật an ninh mạng của Việt Nam là bản sao nguyên xi luật an ninh mạng của Trung Cộng.
Thông cáo của Phóng Viên Không Biên Giới viết rằng: “Người ta vừa chứng kiến thêm một đợt tấn công ồ ạt trong trận chiến tàn nhẫn của ĐCSVN đối với những tiếng nói độc lập tại xứ này. Ngày Thứ Ba, 12 tháng 6, Quốc Hội đã biểu quyết, với 86% số phiếu, thông qua dự luật an ninh mạng. Dự luật này- một bản sao của luật đã thi hành ở Trung Cộng từ ngày 1 tháng 6 năm 2017- sẽ có hậu quả nghiêm trọng tới quyền tự do thông tin”.
Ông Daniel Bastard, người đứng đầu bộ phận Châu Á – Thái Bình Dương của Phóng Viên Không Biên Giới, xác định rằng Internet hiện là công cụ duy nhất để người dân Việt Nam có thể trao đổi thông tin và bày tỏ chính kiến, cho dù đã có khoảng 30 blogger bị cầm tù, nhiều nhà hoạt động xã hội bị theo dõi và bị đàn áp bằng bạo lực. Ông Daniel cũng thúc giục các công ty Internet hoạt động tại Việt Nam không chấp thuận những điều khoản cho phép nhà cầm quyền Hà Nội gia tăng đàn áp người dân thông qua bộ luật này.
Hơn 63,000 người đã ký một bản kiến nghị gửi chính phủ về vấn đề này. Nhiều nhà trí thức còn bày tỏ mối lo về ảnh hưởng gia tăng của Trung Cộng. Trong một bài viết được đăng tải hôm 11 tháng 6, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện từ Hà Nội nêu rõ, cảnh sát an ninh mạng Việt Nam được đào tạo tại Trung Cộng, và không thể loại trừ trường hợp Trung Cộng giúp đỡ Việt Nam thiết kế và trang bị cơ sở hạ tầng an ninh mạng. Theo Tiến sĩ Diện, chưa bao giờ ý định đẩy Việt Nam vào quỹ đạo của Trung Cộng lại rõ ràng như hiện nay.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/luat-an-ninh-mang-sao-chep-tu-trung-cong-dua-viet-nam-vao-qui-dao-trung-cong/
Bộ Ngoại giao Mỹ ‘hết sức lo ngại’
việc Will Nguyễn bị VN bắt giữ
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Sáu nói họ “hết sức lo ngại” về các tin tức cho hay công dân Mỹ gốc Việt Will Nguyễn bị nhà chức trách Việt Nam bắt giữ trong lúc biểu tình vào ngày 10 tháng 6 ở Thành phố Hồ Chí Minh, ABC News đưa tin.
Các viên chức lãnh sự đã tiếp xúc với chính phủ Việt Nam về vụ bắt giữ anh Will và đã đến thăm anh ở nơi bị câu lưu trong ngày thứ Sáu, Bộ cho biết.
Will Nguyễn, 32 tuổi, một sinh viên cao học tại Singapore, đang đi nghỉ tại Việt Nam khi anh tham gia một cuộc biểu tình phản đối dự luật đặc khu kinh tế và dự luật về an ninh mạng của Việt Nam. Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy anh bị lực lượng an ninh bắt giữ và lôi vào trong xe cảnh sát trong khi máu chảy xuống từ một vết thương trên đầu.
Chủ nhà Airbnb đã thông báo cho gia đình của anh rằng công an đã khám xét căn hộ anh thuê ở Việt Nam và tịch thu hộ chiếu Mỹ, máy tính xách tay và thẻ tín dụng của anh, theo ABC News.
“Sự an toàn của ông ấy và sự an toàn của tất cả công dân Mỹ là mối quan tâm hàng đầu đối với Hoa Kỳ,” Bộ Ngoại giao nói trong tuyên bố được ABC News trích dẫn. “Chính phủ Việt Nam đã cho phép tiếp cận lãnh sự đối với ông Nguyễn vào ngày 15 tháng 6. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy để các viên chức lãnh sự được tiếp cận thường xuyên ông Nguyễn, vì lợi ích của việc đảm bảo trình tự pháp lý và sự đối xử công bằng.”
Cũng hôm thứ Sáu, ba dân biểu liên bang Hoa Kỳ đã điện đàm với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink yêu cầu can thiệp để anh Will được phóng thích. Các nghị sĩ cũng cho biết thêm rằng bước kế tiếp sẽ là “liên lạc với Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo để bày tỏ sự cần thiết phải hành động ngay lập tức ở cấp chính quyền cao nhất để William Nguyễn được trả tự do.”
“Việc trả tự do cho anh William Nguyễn là chọn lựa tốt nhất cho chính quyền Việt Nam và để tiếp tục mối quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ,” thông cáo viết.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA Tiếng Việt hôm 13 tháng 6, bà Vân Nguyễn, mẹ của anh Will, nói bà và gia đình rất lo lắng cho anh vì không biết gì về tình trạng của con trai vì chưa liên lạc được.
ABC News cho biết em gái của anh Will, Victoria Nguyễn, hiện đang liên lạc qua lại với Bộ Ngoại giao Mỹ và một số thành viên của Quốc hội tìm kiếm sự giúp đỡ để giúp anh trai của cô được phóng thích.
“Vào thời điểm này chúng tôi muốn anh ấy về nhà. Không có lý do gì để họ giữ anh ấy lại cả,” cô nói với ABC News. “Tôi lạc quan rằng họ sẽ làm điều đúng đắn, và họ sẽ thấy rằng anh ấy không có ý đồ xấu. Anh ấy có ý tốt khi đến [Việt Nam].”