Tin Việt Nam – 17/05/2018
Formosa: Đã đền bù thỏa đáng?
Một số người dân không đồng tình khi lãnh đạo địa phương nói đã đền bù thỏa đáng cho người bị thiệt hại vụ Formosa trong cuộc họp sáng 17/5 với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
“Bồi thường kịp thời, đúng đối tượng” và “sản xuất được khôi phục” là hai kết quả chính mà chính quyền cho rằng làm được cho dân sau hai năm thảm họa Formosa, theo tường thuật của chinhphu.vn.
Cuộc họp của Thủ tướng Phúc với lãnh đạo bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế nhằm tổng kết tình hình và bàn giải pháp ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân chịu ảnh hưởng bởi thảm họa Formosa.
Thấy gì sau hai năm thảm họa Formosa ở VN’?
LHQ kêu gọi VN thả người ‘liên quan phản đối Formosa’
Formosa bị phạt thêm 560 triệu vì chôn chất thải
Nhà máy thép tại Hà Tĩnh của tập đoàn Formosa đến từ Đài Loan thải chất độc hại không qua xử lý ra môi trường khiến cá chết trắng bờ biển miền trung Việt Nam và đẩy hàng ngàn người dân vào cảnh thất nghiệp, theo Reuters.
Con số của chính quyền
Tính đến ngày 10/5/2018, gần như toàn bộ số tiền phê duyệt đền bù dân thiệt hại vụ Formosa đã được trả hết, theo thông tin từ cuộc họp được trang chinhphu.vnđăng tải.
Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, các tỉnh đã chi trả người dân 6.403,0 tỷ đồng trong số 6.490,2 tỷ đồng được phê duyệt, đạt 98,7%.
Hơn 200 tỷ đồng được các ngân hàng cho dân vay để thu mua tạm trữ hơn 7.000 tấn hải sản. Tính đến tháng 2/2017 khách vay vốn đã trả hết nợ.
Còn tính đến cuối tháng Ba, “các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi vay nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong việc trả nợ vay ngân hàng.”
“Nguồn lợi thủy sản đã có sự phục hồi, nhiều loại cá nổi như cá cơm, cá nục, cá khoai, ruốc… đã xuất hiện trở lại”… “Sản lượng khai thác hải sản năm 2017 của bốn tỉnh tăng 23,5% so với năm 2016.”
“Công tác xác định và kê khai thiệt hại” được báo cáo là “tiến hành khẩn trương, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, dân chủ”, được “hầu hết người dân đồng tình, ủng hộ và tin tưởng.”
Con số được chinhphu.vn đưa ra là hơn 500.000 người của 22 huyện thuộc bốn tỉnh nói trên bị ảnh hưởng vởi Formosa.
Dân ‘không đồng tình’?
Từ Hà Tĩnh, ông Trần Xuân Anh, một người chuyên kinh doanh mặt hàng hải sản khô và đông lạnh, nói với BBC qua điện thoại ngày 17/5 là chỉ nhận được một phần nhỏ tiền đền bù so với mức thiệt hại thực tế.
“Khi thảm họa môi trường Formasa xảy ra, gia đình tôi tính toán thiệt hại hàng chục tỷ đồng và đã báo cáo lên các bộ ngành chức năng.”
“Có sáu sở ngành đã tới nhà tôi kiểm tra, cân đong và xác nhận thiệt hại 10 tỷ đồng, nhưng tới nay tôi mới nhận được 1,8 tỷ đồng, không đủ trả lương nhân công và tiền điện.”
Ông Xuân Anh cũng cho biết ông và hàng chục hộ dân là nạn nhân của Formosa đã đi khiếu nại hàng chục lần từ cấp địa phương tới trung ương để đòi đền bù.
“Vì thế tôi mới nhận được số tiền vào 28 Tết Âm lịch năm rồi, chứ không thì không biết bao giờ mới nhận được.”
Ông Xuân Anh nói trước đây ông phải vay ngân hàng để mở rộng kinh doanh, khi có thảm họa Formosa thì không có tiền trả lãi.
Theo ông Xuân Anh, chính quyền địa phương có hứa hỗ trợ 12 tháng tiền lãi và khoanh nợ, nhưng đến nay vẫn ‘không thấy gì’. Đã thế, ông bị ngân hàng quy vào diện nợ xấu. Giờ muốn sang các ngân hàng khác vay tiền ‘họ cũng không cho vay’.
Theo ông Xuân Anh, hiện giờ việc kinh doanh sản xuất không được như trước, khách hàng vắng hơn.
Về môi trường biển, ông nói các tàu cá ra khơi nhưng phần lớn không đánh bắt được nhiều. Vẫn có một vài vụ cá chết nhưng không rõ nguyên nhân vì không thấy cán bộ về kiểm tra chất lượng nước. Hoặc có nhưng không công bố rộng rãi nên ông không biết.
Ông Xuân Anh nói ông và nhiều gia đình khác đã quá mệt mỏi việc đi khiếu nại đòi tiền đền bù suốt một năm qua nên năm nay không đủ sức để đi đòi tiếp. Số tiền chưa nhận được, ông cũng không biết bao giờ mới đòi được.
“Thế nên không thể nói là chúng tôi hài lòng, đồng tình”, ông Xuân Anh nói với BBC.
Còn anh Đặng Đức Hướng ở Lộc Hà, Hà Tĩnh thì cho BBC biết gia đình anh làm nghề kinh doanh dầu cho các tàu đánh cá.
Thảm họa Formosa khiến các tàu cá một thời gian dài không thể ra khơi vì cá không ai mua. Thiệt hại kinh tế từ việc không bán được dầu rất lớn, nhưng đến nay gia đình anh không nhận được đồng đền bù thiệt hại nào.
Anh Hướng nói chỉ có mẹ anh làm công ở cảng biển thì nhận bảy triệu đồng đền bù cho đối tượng lao động này.
Anh Hướng cho rằng cũng có vài người nhận được mức đền bù thỏa đáng, nhưng đa số là chỉ nhận được phần nhỏ hoặc không nhận được.
Theo anh Hướng, để nhận được mức đền bù ‘thỏa đáng’, một số gia đình đã phải nộp tiền cho cán bộ địa phương. Anh Hướng nhắc đến vụ hai cán bộ thôn ở Lộc Hà mới đây bị khởi tố.
Theo Soha.vn ngày 16/5, ông Nguyễn Trọng Đậu và ông Võ Trọng Đạt ở thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà bị khởi tố với tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Hai ông đã nhận khoảng 15 triệu đồng từ một số gia đình để giúp xác nhận mức kê khai thiệt hại.
Thảm họa Formosa
Theo Reuters, Formosa đồng ý bồi thường 500 triệu đô la vào 6/2016 sau hàng loạt áp lực từ phía Việt Nam.
Trong một báo cáo vào 7/2016 mà Reuters nhận được, cũng là tài liệu chính thức đầu tiên được công khai kể từ khi vụ việc xảy ra vào 4/2016, chất độc từ nhà máy ở Hà Tĩnh của Formosa lan ra hơn 200 km bờ biển miền trung Việt Nam, giết chết hơn 100 tấn cá và khiến hàng nghìn người thất nghiệp.
Có khoảng 3.000 tàu cá, 40.000 nghề liên quan đến đánh bắt và du lịch bị ảnh hưởng. Nhiều ngư dân phải bỏ nghề.
Đã có nhiều vụ người dân biểu tình đòi bồi thường diễn ra tại Hà Tĩnh, Quảng Bình trong suốt hai năm qua.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44149952
Bộ Y tế công bố
hải sản bốn tỉnh miền trung đã an toàn
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa công bố hải sản tại bốn tỉnh miền Trung “đảm bảo an toàn”.
Thông tin vừa nêu được bà Bộ trưởng đưa ra tại hội nghị tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh cho người dân ở bốn tỉnh miền Trung bị tác động bởi thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra.
Mạng báo Vietnam Plus trích phát biểu của bà Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội nghị cho biết vào tháng 8/2016, Bộ Y tế đã lấy 1.040 mẫu hải sản ở bốn tỉnh để đối chứng với 300 mẫu ở ba tỉnh là Hải Phòng, Khánh Hoà và Bà Rịa Vũng Tàu. Khi đó, Bộ Y tế cũng đã công bố hải sản an toàn, trừ một số loài tầng đáy ở phạm vi 20 km gần bờ.
Đến tháng 3/2018, Bộ Y tế tiến hành thêm 5 đợt kiểm tra với 3.900 mẫu tại 15 điểm và đưa ra kết luận các chỉ tiêu an toàn đối với hải sản tại tất cả các vùng biển của 4 tỉnh bị ảnh hưởng đều an toàn.
Cũng tại buổi hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết nguồn thủy sản ở tầng nổi đã phục hồi, nhiều loại cá nổi như cá cơm, cá nục, cá khoai, ruốc… xuất hiện trở lại.
Sản lượng khai thác hải sản năm 2017 của 4 tỉnh bị ảnh hưởng đạt gần 152 ngàn tấn, tăng 23,5% so với năm 2016. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2017 của 4 tỉnh là 46.900 tấn, tăng 1,4% so với năm 2016.
Từ tháng tư năm 2016, thảm họa môi trường biển xảy ra do nhà máy gang thép Formosa ở Hà Tĩnh thải hóa chất độc hại ra biển khiến cá, hải sản chết hàng loạt. Môi trường biển dọc các tỉnh miền Trung bị ô nhiễm khiến ngành ngư nghiệp và những ngành nghề liên quan bị tác động nặng nề.
Chính phủ Hà Nội nhận 500 triệu USD tiền bồi thường của Formosa.
Cũng tại buổi hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, xử lý sự cố Formosa là bài học kinh nghiệm quan trọng cho các địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung là sự cố môi trường lớn nhất và lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam.
Ông cũng nhìn nhận việc chi trả, hỗ trợ, bồi thường còn chậm so với kế hoạch, hiện vẫn có một số trường hợp gửi đơn thư khiếu nại.
Cuối cùng ông thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thành công tác hỗ trợ, chi trả, bồi thường cho người dân trong số 0,9% tiền bồi thường chưa giải ngân hết. Ông cũng yêu cầu các địa phương rút kinh nghiệm trong việc phối hợp cung cấp thông tin đến người dân.
Đòi quyền cơ bản
bị buộc tội ‘gây rối trật tự công cộng
Một số người dân do lên tiếng phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường hay công khai đòi các quyền cơ bản của con người đã bị bắt, rồi bị khởi tố, xét xử và tuyên án với cáo buộc ‘ ‘gây rối’, ‘chống người thi hành công vụ’…
Mới đây là vụ cưỡng chế tranh chấp đất tại Giáo xứ Kẻ Gai, xã Hưng Tây, Huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Truy tố ngược tại Giáo xứ Kẻ Gai
Trường hợp xã hội đập em đó nằm ngất xỉu ngay đó thì tôi cũng bức xúc rồi can ngăn chứ không đánh đập ai, mà cũng không bắt giữ ai cả. Bây giờ họ gây ra chuyện thế này thì tôi thấy là bất công.
– Ông Võ Đình Phúc
Vào ngày 11 tháng 5 năm 2018, Linh mục Chánh xứ Kẻ Gai cùng hàng trăm giáo dân xứ này đã ký tên trong đơn yêu cầu xin được tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng cho ông Võ Đình Phúc, người bị công an tỉnh Nghệ An khởi tố về tội ‘bắt giữ người trái phép’.
Sự việc bắt đầu vào sáng ngày 17 tháng 12 năm 2017 khi chính quyền xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên huy động cảnh sát cơ động và cho phép hội Cờ Đỏ đến đàn áp người dân đang làm mương thủy lợi trên mảnh đất của Giáo xứ Kẻ Gai khiến ít nhất một người bị thương nặng phải vào bệnh viện cấp cứu.
Do đó, Giáo xứ Kẻ Gai đã viết đơn kiến nghị gửi Công an tỉnh Nghệ An để tố giác cơ quan này đã cố tình bao che hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch và trưởng công an xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, và đề nghị chấm dứt hành vi sách nhiễu, vu khống giáo dân.
Tuy nhiên đến ngày 3 tháng 5 thì bốn giáo dân xứ Kẻ Gai nhận được giấy triệu tập về vụ việc vừa nêu. Theo những người dân theo đạo Công Giáo tại Xứ Kẻ Gai thì chính quyền Nghệ An đang ‘truy tố ngược’ lại họ. Họ cho rằng theo lẽ phải khởi tố những người trong đơn tố giác thì nay chính giáo dân lại bị điều tra với những cáo buộc mà họ không hề làm. Linh mục Nguyễn Đức Nhân, linh mục quản xứ và Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Kẻ Gai cho biết:
“Đây là một sự chà đạp lên công lý, tạo nên một điều rất nguy hiểm cho người dân Việt Nam. Sống trong một xã hội vô pháp như vậy, chà đạp cả nhân quyền, sự thật, công lý như vậy thì rất khó sống.”
Ông Nguyễn Văn Ân, người nhận giấy triệu tập với cáo buộc ‘giam giữ người trái pháp luật’ cho biết sau khi thảo luận với nhau, anh cùng ba người còn lại đã quyết định không đến gặp phía chính quyền. Sau đó, Công an tỉnh Nghệ An đã gửi giấy lần hai đến nhà ông Võ Đình Phúc, nhưng lần này họ xử lý mạnh mẽ hơn:
“Họ không triệu tập nữa mà là triệu tập bị can, tức là họ quyết định khởi tố.”
Trong đơn yêu cầu làm nhân chứng cho ông Võ Đình Phúc của Giáo xứ Kẻ Gai có trích nội dung Thu thập chứng cứ trong điều 88, theo đó ‘cơ quan thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.’
Giải thích rõ hơn về điều khoản này trong trường hợp Giáo xứ Kẻ Gai, Luật sư Võ An Đôn cho biết:
“Theo luật thì nếu khởi tố một người, mà có hai người tham gia, thì những người có cùng quyền lợi tham gia, hoặc đồng phạm, hoặc người làm chứng, trong ba vai trò đó thì tùy tính chất ta xác định được. Ví dụ như khởi tố ông A tội ‘gây rối trật tự công cộng’, những người còn lại không khởi tố nhưng mà đi theo hay kích động thì theo luật vẫn là đồng phạm, đáng lẽ phải khởi tố. Còn nếu không xác định được đồng phạm thì đó ít nhất cũng là người làm chứng.”
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, ông Võ Đình Phúc cho rằng những tố giác viết trong thư triệu tập hoàn toàn không chính xác:
“Tôi là một người nông dân bình thường, từ khi có trí khôn tới giờ chưa có tiền án tiền sự gì cả, đẹp đời tốt đạo. Mà trường hợp xã hội đập em đó nằm ngất xỉu ngay đó thì tôi cũng bức xúc rồi can ngăn chứ không đánh đập ai, mà cũng không bắt giữ ai cả. Bây giờ họ gây ra chuyện thế này thì tôi thấy là bất công.”
‘Gây rối trật tự công cộng’ do bị kích động?
Sống trong một xã hội vô pháp như vậy, chà đạp cả nhân quyền, sự thật, công lý như vậy thì rất khó sống.
– LM. Nguyễn Đức Nhân
Thực tế lâu nay cho thấy, trong những lần người dân phản đối những giải pháp không hợp lý do phía nhà cầm quyền đưa ra như vụ BOT Cai Lậy, Tiền Giang hay tình trạng ô nhiễm tác động đến cuộc sống người dân, phía cơ quan chức năng qui kết có thế lực bên ngoài kích động.
Trong vụ cưỡng chế đất tại Giáo xứ Kẻ Gai, sau vụ xô xát giữa chính quyền và giáo dân vào ngày 17 tháng 12 năm 2017, báo Nghệ An có bài viết cáo buộc Linh mục Nguyễn Đức Nhân, chánh xứ Kẻ Gai, đã ‘kích động giáo dân vi phạm luật pháp’.
Tương tự là vụ việc ngày 20/4, khi người dân xã Mỹ An và Mỹ Thọ thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định tập trung phản đối dự án điện gió ở huyện này vì nghi ngờ chính quyền lấy đây là cớ để cho công ty bên ngoài khai thác quặng titan, chặt phá rừng dương, gây ô nhiễm môi trường; chính quyền huyện Phù Mỹ trả lời với truyền thông trong nước cho rằng nhân dân hai xã đã bị cơ quan nào đó đứng sau kích động nên phản ứng người dân khá ‘bài bản’.
Nhận xét về tính mơ hồ của tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’, ‘chống người thi hành công vụ’, hay ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, công dân’… luật sư Võ An Đôn khẳng định chẳng qua đó chỉ là cái cớ để chính quyền ra tay đàn áp mà thôi.
Thực thi pháp luật không chính danh,
não trạng “an ninh nhân dân”
Kính Hòa RFA
An ninh nhân dân là gì?
Tính chất pháp lý của các tổ chức bán chính thức, hoặc hoàn toàn không chính thức như dân phòng, bảo vệ dân phố, hiệp sĩ đường phố cũng đã được nêu lên từ khá lâu. Vào năm 2010, trên trang mạng Boxit Việt Nam do một số nhân sĩ trí thức chủ trương, có bài viết nhan đề Cơ sở pháp lý nào cho các lực lượng dân phòng trong các đô thị hiện nay? Tác giả Hà Đình Sơn, sau khi tìm hiểu các bộ luật về quốc phòng của Việt Nam đã thấy rằng lực lượng dân phòng không nằm trong bất cứ biên chế của lực lượng vũ trang, lực lượng công an của quốc gia, ngoài ra tác giả còn thấy rằng do thiếu những kiến thức về luật pháp, đã có chuyện lực lượng dân phòng phạm phải những hành động phi pháp đối với dân chúng.
Trả lời chúng tôi từ Bình Dương, một người tên Hải, thuộc đội “hiệp sĩ Bình Dương” nói rằng về mặt pháp luật thì không có biên chế nào cho đội này cả, nhưng đội được sự quan tâm của các cấp chính quyền và cơ sở đảng cộng sản tại địa phương.
Luật sư Lê Công Định giải thích cho chúng tôi nguyên nhân của việc hình thành các lực lượng không chính thức trong lĩnh vực thực thi pháp luật tại Việt Nam dưới chế độ của những người cộng sản:
“Đó là do suy nghĩ từ thời xa xưa của họ, cái khái niệm về an ninh nhân dân. Từ rất lâu, kể cả trong thời kỳ mà họ còn kháng chiến chống người Pháp, người Mỹ, thì họ đã xây dựng một mạng lưới gọi là an ninh nhân dân, tức là những người tự nguyện làm những công việc có tính cách bảo vệ trật tự công cộng, hoặc làm theo chỉ thị của chính họ, trong việc bảo vệ sự an toàn của một cơ sở đảng chẳng hạn.”
Theo Luật sư Định, mạng lưới an ninh nhân dân này giúp cho nhà cầm quyền thu thập thông tin trong dân chúng. Cũng như tác giả Hà Đình Sơn, ông Lê Công Định cho rằng những tổ chức không chính thức như vậy thiếu những kiến thức về pháp luật, sẽ dẫn tới việc vi phạm quyền tự do của người khác, và điều quan trọng hơn, theo ông là sẽ làm xã hội đi thụt lùi trên phương diện pháp luật:
“Những hiệp sĩ đường phố cũng chỉ là những công dân bình thường, họ hoàn toàn không có tư cách công chức hay viên chức trong bộ máy chính quyền, vậy họ lấy cơ sở nào để cho phép mình được tự vệ theo cái hướng là tấn công những người mà họ đang nhận định là vi phạm pháp luật?
Nếu chúng ta duy trì một cái não trạng như vậy thì có thể kéo xã hội Việt Nam trở lại vào một thời kỳ xa xôi trong lịch sử, trong đó là một xã hội vô chính phủ, vô luật pháp, thì người ta tha hồ trả đũa những hành vi mà người ta cho rằng đang xâm phạm lợi ích cá nhân của mình một cách bất chấp là nhà cầm quyền có tồn tại hay không ?”
Nếu chúng ta duy trì một cái não trạng như vậy thì có thể kéo xã hội Việt Nam trở lại vào một thời kỳ xa xôi trong lịch sử, trong đó là một xã hội vô chính phủ, vô luật pháp.
-Luật sư Lê Công Định.
Sau khi sự việc hai thành viên của hội “hiệp sĩ đường phố” tại Sài Gòn bị giết chết, đã có rất đông ý kiến phản đối sự tồn tại của những tổ chức phi chính thức này, vì nó không phải là sự thể hiện của một nhà nước pháp quyền.
Trên báo mạng Tuần Việt Nam có bài Xã hội pháp quyền phải quản lý bằng pháp luật chứ không phải bằng nghĩa khí của tác giả Nguyễn Anh Thi. Tác giả có trích lời ông Đinh Thế Hưng của Viện Nhà nước và pháp luật, cho rằng việc cổ vũ các “hiệp sĩ” rồi nhân rộng điển hình thành phong trào, sẽ khiến cho người ta có cảm giác xã hội quay về thời kỳ chưa có nhà nước khi công lý và trật tự trông chờ vào cá nhân xuất chúng và rất gần với cách hành xử theo kiểu tự xử hoang dã.
Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng nên giúp đỡ và hỗ trợ cho các nhóm “hiệp sĩ đường phố”, như ý kiến của đại biểu quốc hội Đặng Thành Phong trả lời cho báo mạng Một Thế giới. Trong đó có sự thiết lập điều mà ông gọi là hành lang pháp lý cho các nhóm này. Tương tự như vậy Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nói với đài RFA rằng cần một thiết chế pháp luật cho những hội nhóm này.
Hai ý kiến tạo nhiều phản ứng nhất là của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần trang bị áo giáp cho các “hiệp sĩ đường phố”, còn ông Nguyễn Thành Phong cho rằng công an cần đi bảo vệ những “hiệp sĩ” này.
Luật sư Lê Công Định nhận xét:
“Cả hai ông này đều thể hiện một kiến thức tôi tạm gọi rất là thấp, bởi vì họ không hiểu được rằng hiệp sĩ đường phố chỉ là một tổ chức tự phát, duy trì nó có nghĩa là chúng ta đang chống lại nền tảng pháp luật của xã hội này.”
Lạm dụng quyền lực và quan niệm về luật pháp
Ngoài chuyện lạm dụng quyền lực do không hiểu biết, như tác giả Hà Đình Sơn và Luật sư Lê Công Định đã nêu ra, blogger Huỳnh Công Thuận tại Sài Gòn còn cho chúng tôi biết rằng việc gia nhập các đội “hiệp sĩ” đối với nhiều người là để được có quan hệ với lực lượng công an, từ đó có thể có được những ưu đãi, đặc biệt là việc gia nhập hộ khẩu ở các thành phố lớn.
Một số người đã tìm thấy trên mạng xã hội mối liên hệ giữa nhóm “hiệp sĩ đường phố” tại Sài Gòn và nhóm một số người đã hành hung bà Lê Mỹ Hạnh, một người hoạt động xã hội, vào tháng 5/2017. Từ đó đưa đến những lời đồn đoán rằng cơ quan công an, an ninh có thể sử dụng các nhóm “hiệp sĩ đường phố” vào mục đích trấn áp những người bất đồng chính kiến. Chúng tôi đặt vấn đề này với Luật sư Lê Công Định:
“Điều đó là quá tệ, nhưng nếu có điều đó thì tôi cũng không ngạc nhiên lắm là bởi vì trước sao gì họ cũng sử dụng đến biện pháp đó thôi, vì chúng ta thấy rằng bây giờ cái việc tấn công vào những người bất đồng chính kiến, tấn công vào nhà thờ, chùa chiền, công an đều sử dụng những tổ chức côn đồ, tất nhiên hiệp sĩ đường phố không phải là côn đồ, nhưng rõ ràng bây giờ công an đang sử dụng côn đồ để tấn công những người bất đồng chính kiến, điều đó đã xảy ra rồi, đang xảy ra và ngày càng gia tăng.”
Hình ảnh những cuộc đàn áp biểu tình chống Trung Quốc, hay vì môi trường trong những năm gần đây cho thấy bên phía lực lượng đàn áp có nhiều sắc phục khác nhau, trong đó có lực lượng dân phòng, bảo vệ khu phố, và cả lực lượng thanh niên xung phong, một tổ chức chủ yếu lo về hoạt động sản xuất. Trong văn liệu của Đảng Cộng sản từ khi bắt đầu nắm chính quyền đến nay, người ta cũng thường thấy cụm từ “lực lượng quần chúng” trong nhũng vụ bắt bớ thời cải cách ruộng đất 1955, hay trong những vụ xung đột với giáo dân Công giáo miền Trung mới đây.
Bình luận về quan điểm luật pháp của Đảng Cộng sản, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, nhà bất đồng chính kiến hiện sống tại Đà Lạt nói với chúng tôi:
Cái suy nghĩ nguyên thủy của người cộng sản xuất phát từ cái lý thuyết đó (cộng sản), cái thể chế đó.
-Tiến sĩ Hà Sĩ Phu.
“Cái suy nghĩ nguyên thủy của người cộng sản xuất phát từ cái lý thuyết đó, cái thể chế đó, mà tôi nghĩ cái câu của ông Phạm Văn Đồng là điển hình nhất. Khi ông Nguyễn Mạnh Tường nói với ông ấy rằng thưa Thủ tướng, chỉ huy cơ quan hành pháp thì điều chính yếu phải nghĩ tới một bộ luật văn minh, thì ông ấy trả lời rằng luật để làm gì, để nó trói tay mình à.”
Ông Phạm Văn Đồng là Thủ tướng của chính quyền cộng sản từ năm 1947 đến 1987. Ông Nguyễn Mạnh Tường là một luật sư tham gia kháng chiến chống Pháp, sau 1954 từng làm hiệu trường Đại học luật Hà Nội, nhưng sau đó bị loại ra khỏi guồng máy nhà nước miền Bắc Việt Nam, sống nghèo khổ cho đến cuối đời.
Hiện nay Bộ Công An Việt Nam đang tiến hành cải cách bộ máy, được cho là để có hiệu quả hơn. Chúng tôi đặt câu hỏi với Luật sư Lê Công Định rằng liệu điều đó sẽ tăng tính chất pháp quyền của việc thi hành pháp luật tại Việt Nam hay không, ông trả lời rằng không chắc điều đó vì việc cải tổ là nhằm mục đích chính trị phe nhóm, và vì ngân sách cạn kiệt.
Trả lời báo chí ngay sau sự việc hai “hiệp sĩ đường phố” bị tử nạn, Giám đốc Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Đại tá Phan Anh Minh nói rằng cơ quan công an không quán xuyến hết việc trấn áp tội phạm và sẽ gặp khó khăn vì bị giảm biên chế tới đây.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/police-of-the-people-05162018124442.html
Bị xâm hại hay dùng sắc đẹp để tiến thân?
Năm 2017, dư luận trong nước xôn xao về trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh, sinh năm 1986, từ một nhân viên hợp đồng ở một đơn vị sự nghiệp của tỉnh Thanh Hoá trong thời gian rất ngắn được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản và đề nghị quy hoạch chức danh Giám đốc Sở, được kết nạp Đảng và tham gia Đảng ủy Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hoá. Cùng với quá trình thăng chức “thần tốc” này là những rò rỉ về quan hệ tình cảm của bà Quỳnh Anh với ông Ngô Văn Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hoá và sau này là ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư tỉnh Thanh Hoá cũng như khối tài sản có giá trị bao gồm nhiều nhà riêng, biệt thự, xe hơi tiền tỷ… mà bà này đang nắm giữ.
Vì họ muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có; thế nên họ chỉ đạo cấp dưới đưa kiều nữ, hot girl vào quy hoạch bổ nhiệm “siêu tốc” vào vị trí quản lý lãnh đạo ở các địa phương.. Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh“
Một trường hợp khác cũng được dư luận quan tâm đặc biệt là bà Đỗ Thị Huyền Tâm, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc điều hành công ty cổ phần tập đoàn Minh Tâm, cựu đại biểu quốc hội và cũng là vợ sau của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Trên trang blog cá nhân, nhà báo Nguyễn Chí Dũng cho biết:
“Trước khi trở thành “thứ phi” của ông Nông Đức Mạnh, bà Đỗ Thị Huyền Tâm đã có lúc lao đao về những món nợ khổng lồ với ngân hàng, theo đó có tin cho biết suýt chút nữa thì bà Tâm đã phải “tra tay vào còng.” Nhưng sau khi trở thành vợ sau của cựu tổng bí thư Mạnh, vị thế của bà Huyền Tâm đột nhiên “mạnh” hẳn lên. Không những chẳng bị hề hấn gì với vòng tố tụng hay lao lý, công ty của bà Huyền Tâm còn thầu được những công trình BOT đáng giá, từ đó trả hết nợ cho ngân hàng và lại còn dôi ra một khoản tích lũy lớn.”
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều những trường hợp các nữ doanh nhân, nữ cán bộ được đặc cách quyền lợi khi xây dựng được mối quan hệ “đặc biệt” với lãnh đạo từ cấp cơ sở, địa phương cho đến trung ương.
Nhận xét về điều này, Tiến sĩ xã hội học Phạm Quỳnh Hương cho rằng đây cũng có thể xem là một dạng tham nhũng dưới một góc độ nào đó:
“Họ sẵn sàng đánh đổi lấy những thứ mà lẽ ra họ không thể đổi được như tiền bạc, chức quyền hay danh vọng. Họ đem những thứ trong khả năng chức quyền của họ để đánh đổi và cần phải phê phán những người đàn ông đấy”
Nghệ Sĩ Kim Chi cho rằng đây là một sự bất công lớn trong xã hội:
“Ngay cả những người thường dân người ta cũng thấy luôn chứ không phải chỉ là những người có quan tâm thực sự đến tình hình đâu. Bây giờ thì họ cứ tha hồ vơ vét túi tham để dùng tiền đó mà tiêu, tiêu đủ kiểu, cho bồ nhí mua sắm biệt thự, đủ thứ…Còn những người có nhan sắc thì họ bán cái nhan sắc đó. Họ xúm nhau lại để tiêu những đồng tiền bất hợp pháp đó. Bây giờ nó đã trở thành một cái nạn dịch ở Việt Nam rồi”
Hàng loạt người bây giờ đi ra nước ngoài để lấy chồng chung thì bây giờ được một ông quan to bế ẵm thì rõ ràng là người ta thấy con đường tiện lợi quá chứ. Người ta đâu có nghe chuyện liêm sỉ như thế nào đâu, miễn là giàu có sung sướng thì người ta làm hết thôi. Thì đó là một cái nguy cơ mà đạo đức suy đồi càng ngày càng nghiêm trọng – Nghệ sĩ Kim Chi
Thực trạng này không chỉ khiến dư luận quan tâm mà ngay cả các cử tri và đại biểu quốc hội cũng băn khoăn và đặc câu hỏi về những trường hợp “đăc cách” này. Trong phiên thảo luận quốc hội hồi cuối năm 2017, bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đưa ra dẫn chứng cho những thắc mắc trên:
“Vì họ muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có; thế nên họ chỉ đạo cấp dưới đưa kiều nữ, hot girl vào quy hoạch bổ nhiệm “siêu tốc” vào vị trí quản lý lãnh đạo ở các địa phương…”
Cũng liên quan đến vấn đề này, mới đây trên một số trang báo mạng và diễn đàn rò rỉ hình ảnh cuộc sống xa hoa của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam cùng vợ bé và con riêng. Hay như nghi án diễn viên Lý Nhã Kỳ là sân sau “rửa tiền” cho một số đại gia chính trị mà trong đó có mối quan hệ trực tiếp với con trai của Nguyên Bí thư thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải.
NS Kim Chi cho rằng, việc xây dựng các mối quan hệ với giới quan chức hiện nay đã trở nên phổ biến và là phương tiện để nhiều phụ nữ có nhan sắc mong được đổi đời:
“ Để mà có tiền thì bây giờ nhiều người chuyện gì họ cũng dám làm. Hàng loạt người bây giờ đi ra nước ngoài để lấy chồng chung thì bây giờ được một ông quan to bế ẵm thì rõ ràng là người ta thấy con đường tiện lợi quá chứ. Người ta đâu có nghe chuyện liêm sỉ như thế nào đâu, miễn là giàu có sung sướng thì người ta làm hết thôi. Thì đó là một cái nguy cơ mà đạo đức suy đồi càng ngày càng nghiêm trọng”
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thì cho rằng hiện trạng này cần phải được xã hội đặc biệt lên án bởi những người được xã hội giao cho một vị trí hay trọng trách nào đó, một khi đã đảm nhận những chức vụ đó cần phải tuân theo những chuẩn mực của công chức nhà nước, với những quy định, quy chuẩn về ứng xử, đạo đức, lối sống.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/bi-xam-hai-hay-dung-sac-dep-de-tien-than-05162018151354.html
Các dân biểu Mỹ lại gửi thư cho thủ tướng Việt Nam
về tình hình nhân quyền
Tám dân biểu Hoa Kỳ đồng ký tên vào bức thư đề ngày 15 tháng 5 gửi cho thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, bày tỏ quan ngại về tình trạng đàn áp những nhà bảo vệ nhân quyền và nhà báo tại Việt Nam.
Thư cũng được chuyển đến đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink.
Tám vị dân biểu Mỹ ký tên vào bức thư gồm Luis Correa, Alan Lowenthal, Christopher Smith, Zoe Lofgren, Ro Khana, Scott H. Peters, Gerald E. Connolly, và James P. McGovern.
Nội dung bức thư đề cập đến phiên xử hôm ngày 5 tháng tư đối với các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ gồm luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người cộng sự của ông này là cô Lê Thu Hà, các cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức.
Tòa tuyên cho sáu người vừa nêu những bản án từ 7 đến 15 năm tù, cộng với lệnh quản chế cao nhất đến 5 năm sau khi mãn án với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.
Tiếp đến vào ngày 10 tháng 4, một thành viên Hội Anh Em Dân Chủ khác là ông Nguyễn Văn Túc cũng bị tuyên án 13 năm tù và 5 năm quản chế. Cô Trần Thị Xuân bị xử 9 năm tù và 5 năm quản chế vào ngày 12 tháng tư.
Cũng vào ngày 12 tháng 4, nhà giáo Vũ Hùng bị kết án 1 năm tù; và nhà hoạt động trẻ Nguyễn Viết Dũng bị tuyên 7 năm tù và 5 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’
Thư của 8 vị dân biểu Hoa Kỳ đề cập nhận định của nhiều tổ chức theo dõi nhân quyền về luật sư Nguyễn Văn Đài và những thành viên khác của Hội Anh Em Dân Chủ rằng họ bị bỏ tù chỉ vì cổ xúy cho những quyền được công nhận theo Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Hoạt động của những thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bao gồm huấn luyện về xã hội dân sự, dân chủ, nhân quyền và cứu trợ nhân đạo cho các nạn nhân thảm họa môi trường.
Nhóm Làm việc Liên Hiệp Quốc về Bắt Giữ Tùy Tiện tuyên bố biện pháp bắt giam luật sư Nguyễn Văn Đài là ‘tùy tiện’. Nhóm này cùng với Hoa Kỳ yêu cầu phải hủy bỏ mọi cáo buộc với những người vừa nêu.
Tám vị dân biểu Hoa Kỳ ký trong thư nhấn mạnh rằng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tham gia ký vào Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị; đồng thời cam kết tôn trọng các quyền tự do tín ngưỡng, ngôn luận, hội họp, báo chí, và quyền lập hội, bày tỏ chính kiến. Do đó những phiên xử gần đây và tiếp tục biện pháp hình sự hóa các hoạt động chính trị ôn hòa cho thấy mâu thuẫn của Hà Nội đối với những chuẩn mực nhân quyền quốc tế được chấp nhận.
Tám vị dân biểu Hoa Kỳ thúc giục chính phủ Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động, các bloggers nêu trong thư cũng như tất cả những tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Đại diện ngoại giao Châu Âu
gặp Hội Đồng Liên Tôn
Vào ngày 16 tháng 5, đại diện các đại sứ quán Italia, Hà Lan, Pháp, Đức và Liên Minh Châu Âu (EU) cũng có cuộc gặp các chức sắc thuộc Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Chùa Giác Hoa ở Sài Gòn.
Mục đích cuộc gặp được cho biết nhằm tìm hiểu tình hình tôn giáo tại Việt Nam thông qua những chức sắc các giáo hội, giáo phái không được chính phủ Hà Nội thừa nhận hay ủng hộ.
Tin cho biết các chức sắc tôn giáo đến được cuộc gặp phải tìm cách len lỏi từ nhiều hướng, vượt qua mọi ngăn cản của lực lượng chức năng địa phương.
Tại cuộc gặp, Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam trình bày vắn tắt về tình trạng vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo đang diễn ra tại nhiều nơi trên cả nước, đối với những giáo hội độc lập, chân truyền.
Hội đồng đưa ra một số kiến nghị với các đại diện ngoại giao những nước Châu Âu vừa nêu. Trong đó có yêu cầu đặt điều kiện về nhân quyền khi bang giao với nhà nước Việt Nam bất kỳ trên phương diện nào kể cả kinh tế, văn hóa, thương mại, quân sự… Nhanh chóng và tích cực áp dụng Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky mà Hoa Kỳ và Canada thiết lập.
Hàn Quốc cử đoàn thanh tra
các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam
Hàn Quốc sẽ cử đoàn thanh tra tới Việt Nam trong tháng sau nhằm đánh giá hoạt động kiểm soát hoá chất, kháng sinh trong chế biến, xuất khẩu tôm vào Hàn Quốc của các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là nội dung thông báo của Cục quản lý Chất lượng nông sản và thuỷ sản Nafiqad (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) được truyền thông trong nước loan đi hôm 16/5.
Quyết định này của phía Hàn Quốc được đưa ra sau khi Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MSDF) gửi đi hai lá thư trong tháng tư công bố liên tiếp phát hiện dư lượng Nitrofurans (một loạt kháng sinh cấm dùng trong thuỷ sản) trong các lô hàng tôm nhập khẩu từ Việ Nam, mặc dù nước này đã áp dụng chế độ kiểm tra 100% từ năm ngoái.
Để kiểm soát các nguy cơ về hóa chất và kháng sinh trong thủy sản trước khi đoàn thanh tra của Hàn Quốc sang Việt Nam, NAFIQAD đã ban hành một số giải pháp và yêu cầu các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc áp dụng ngay.
Bảy doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc bị MFDS cảnh báo về Nitrofurans, gồm có Công ty Cổ phần Thủy sản Thuận Phước – DL 32; Nhà máy HAVICO 2; Công ty Cổ phần Hải Việt – DL 362; Xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu Nam Long; CADOVIMEX – Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu DL 85
Tất cả các cảnh báo MFDS về Nitrofurans đều liên quan đến loại tôm chân trắng với những lô hàng được phát hiện từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay. Cách đây vài năm, Hàn Quốc cũng đã phát hiện những lô hàng tôm chân trắng nhập khẩu bị nhiễm Nitrofurans và kể từ năm 2017, nước này áp dụng biện pháp kiểm tra Nitrofurans cho mỗi lô tôm chân trắng nhập khẩu từ Việt Nam.
Hàn Quốc là một trong tám nước nhập khẩu tôm chính từ Việt Nam bao gồm EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Canada và ASEAN, chiếm 88,6% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng 40,2%.
Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng
về vụ du khách Trung Quốc mặc áo “đường lưỡi bò”
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng trả lời báo chí về vụ khách du lịch Trung Quốc mặc áo in hình “lưỡi bò” khi sang du lịch Việt Nam.
Trong buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại Giao chiều 17/5/2018, bà Lê Thị Thu Hằng lại khẳng định “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Đây là một thực tế không thể thay đổi và cần được tôn trọng”.
Bà nói thêm rằng báo chí đã đưa tin đầy đủ về sự việc cũng như hướng giải quyết của các cơ quan chức năng.
“Đường lưỡi bò” do Trung Quốc ngang nhiên vạch ra đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.
Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”.
Xin nhắc lại, tối 13/5, công an cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh phát hiện nhóm du khách Trung Quốc đến từ Tây An mặc áo in hình bản đồ nước này kèm “đường lưỡi bò” bao trùm các đảo, biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Theo tường trình của nhóm du khách này thì họ mua áo ở chợ Trung Quốc trước khi sang Việt Nam và bản thân họ không biết đó là hành vi bị cấm và bản đồ sau lưng là phi pháp.
Ngày 15/5, Phó công an cửa khẩu sân bay Cam Ranh báo cáo Bộ Công an vụ việc để xin ý kiến chỉ đạo xử lý theo pháp luật Việt Nam.
Tàu bệnh viện Hoa Kỳ USNS Mercy thăm Việt Nam
Tàu bệnh viện của Hải quân Hoa Kỳ USNS Mercy vừa đến vịnh Nha Trang hôm 17/5, bắt đầu sứ mệnh mang tên Đối Tác Thái Bình Dương thực hiện công tác nhân đạo và cứu trợ thiên tai năm 2018 tại Việt Nam.
Trang Naval Today hôm 17/5 cho biết ngoài tàu Mercy còn có tàu hậu cần Hoa Kỳ USNS Brunswick và các chuyên gia thuộc Lực lượng Tự vệ Hàng Hải của Nhật Bản tham gia vào sứ mệnh này.
Theo Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2018 (PP18), các bên tham gia sẽ phối hợp thực hiện nhiều hoạt động y tế nhân đạo khám chữa bệnh cho người dân tại Nha Trang, trao đổi chuyên môn y tế; xây mới, sửa chữa trường học, bệnh xá, tham gia xây dựng cộng đồng, và đào tạo ứng phó với thảm họa thiên tai.
Trang tin quốc phòng dvidshub.net dẫn lời Tư lệnh chỉ huy Đối tác Thái Bình Dương đại úy David Bretz nói: “Sẵn sàng ứng phó với thiên tai là điều rất quan trọng đối với sự ổn định của khu vực này và tôi mong đợi có cơ hội trao đổi, tăng cường quan hệ đối tác với các đồng nghiệp Việt Nam.”
Tàu bệnh viện USNS Mercy-được xem như “bệnh viện di động khổng lồ” có 12 phòng mổ được trang bị đầy đủ, 1.000 giường bệnh, dịch vụ chụp phóng xạ vệ tinh, phòng thí nghiệm y tế, nhà thuốc, phòng khám thị lực, chụp cắt lớp vi tính…
Báo Công an Nhân dân cho biết ngoài hoạt động khám – chữa bệnh, các đội tình nguyện từ tàu Bệnh viện Mercy còn tu sửa lại cơ sở vật chất các Trạm y tế xã Diên Điền, Diên Hòa – huyện Diên Khánh; Trạm y tế xã Vĩnh Trung – TP Nha Trang; Trung tâm Giáo dục và Phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật… với tổng kinh phí trên 65.000 đôla.
Truyền thông Việt Nam cho biết đây là lần thứ 9, Chương trình Đối tác Thái Bình Dương (PP) được tổ chức tại Việt Nam và lần thứ 2 liên tiếp đến Khánh Hòa. Đoàn sẽ lưu lại tại Khánh Hòa trong 2 tuần, từ ngày 17/5 đến ngày 2/6/2018.
https://www.voatiengviet.com/a/tau-benh-vien-hoa-ky-usns-mercy-tham-vietnam/4397894.html
Tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam
Chỉ trong vòng ba tháng đầu năm 2018, hai dự án điện mặt trời đầu tiên của Việt Nam và có quy mô lớn được khởi công tại tỉnh Ninh Thuận. Dự án thứ nhất là nhà máy điện mặt trời BIM 1, khởi công ngày 23/01/2018, sẽ lặp đặt 90.000 tấm pin năng lượng mặt trời trên diện tích 35 ha, hàng năm sẽ sản xuất ra 50 triệu kWh điện. Dự án thứ hai là nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ, được khởi công ngày 31/03, lặp đặt 162.000 tấm pin mặt trời trên diện tích gần 75 ha, sẽ sản suất gần 100 triệu kWh khi hòa vào lưới điện quốc gia.
Trước đó, chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân với Nga và Nhật Bản. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị hủy vào tháng 11/2016 do chi phí quá lớn, lên đến vài tỉ đô la cho mỗi lò phản ứng.
So với điện hạt nhân, điện gió và điện mặt trời có những lợi thế gì khi được phát triển ở Việt Nam? Trả lời RFI tiếng Việt, ông Nguyễn Trịnh Hoàng Anh, chuyên gia Kinh tế và Chính sách Năng lượng, giảng viên đại học Khoa Học-Công Nghệ Hà Nội (Université des Sciences et des Technologies de Hanoi, USTH), giải thích :
« Ưu điểm rõ ràng nhất đó là đầu vào miễn phí. Yếu tố thứ hai đó là sự phát thải rất ít.Việt Nam là một nước nhiệt đới, vì vậy, tiềm năng về năng lượng mặt trời tại Việt Nam rất là tốt, kể cả phong điện vì chúng ta có một bờ biển dài hơn 3.000 km. Đặc biệt khu vực miền Trung – Nam Bộ và Nam Bộ có tiềm năng gió và mặt trời rất lớn. Đó là một thuận lợi khi chúng ta muốn phát triển phong điện hay điện mặt trời.
Tuy nhiên, khi quyết định phát triển một dạng năng lượng nào đó thì người ta phải tính toán đến rất nhiều yếu tố, ví dụ chi phí đầu tư, đảm bảo việc cung cấp điện có liên tục, có an toàn hay không. Đó là một bài toán rất tổng thể, vì vậy, ngay cả hiện nay, khi nhà nước đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ điện mặt trời hay điện gió, thì việc triển khai trên thực tế cũng gặp một số trở ngại mà hiện nay, nhà nước cũng như các nhà đầu tư đang cùng nhau giải quyết vấn đề này ».
Theo báo chí trong nước, tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận chủ trương khảo sát cho 48 dự án điện mặt trời, trong đó có 18 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Riêng tập đoàn Thiên Tân, theo báo Nhật Nikkei (05/02/2018), đã có 5 dự án tại tỉnh Ninh Thuận, từ nay cho đến năm 2020, với tổng trị giá gần 2 tỉ đô la. Theo dự kiến, nhà máy đầu tiên, có công suất 50 MW, sẽ đi vào hoạt động trong năm 2018, bốn nhà máy tiếp theo sẽ có công suất từ 200-300 MW. Còn tập đoàn TTC đề ra kế hoạch xây 20 dự án điện mặt trời, cho đến năm 2020, tại tỉnh Tây Ninh (324 MW), Bình Thuận (300 MW), Ninh Thuận (300 MW)…
Điện mặt trời : Từ quy mô nhỏ đến dự án nguồn năng lượng chính
Đúng là các tỉnh Trung-Nam Bộ và Nam Bộ thu hút các dự án điện mặt trời có quy mô lớn, vì có số giờ nắng cả năm trên 2.600 giờ, tổng lượng nhiệt gần 10.000 độ C, nhưng rất nhiều dự án nhỏ hơn đã được triển khai ở các tỉnh thành trên cả nước, như giải thích của chuyên gia Hoàng Anh :
« Theo như quy định hiện nay cho điện mặt trời thì những dự án điện nối với lưới điện ở quy mô gia đình cũng được hỗ trợ về mặt chính sách, cũng như hỗ trợ về mặt giá. Chính vì vậy, ở Hà Nội và một số tỉnh khác ở miền bắc, họ cũng xem xét phát triển những dự án đó ở quy mô từ gia đình, chứ không chỉ ở quy mô công nghiệp.
Thực ra ở quy mô gia đình, phải nói là gần như các tỉnh đều có, ngay cả các tỉnh miền núi phía bắc, nơi mà không ai nghĩ tiềm năng năng lượng mặt trời là nhiều, nhưng mà ở một số xí nghiệp làm nông nghiệp (như trồng cây trà, hoặc các cây nông nghiệp khác), họ cũng đã và đang phát triển những hệ thống năng lượng mặt trời để phục vụ cho chính việc sản xuất của họ.
Lấy một ví dụ ở Hà Nội, tòa nhà của Liên Hiệp Quốc ở Hà Nội cũng có một hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có công suất là 119 KW. Họ đã vận hành từ trước đến nay và họ cũng đã đấu nối với lưới điện rồi. Tuy nhiên, trước đây những dự án như vậy chưa nhận được những hỗ trợ về mặt chính sách về giá nhưng giờ đây các dự án tương tự sẽ nhận được những hỗ trợ khuyến khích đó. Đó cũng là một điều cho chúng ta thấy ở các tỉnh thành khác ở miền bắc, hoặc là toàn quốc, cũng có khả năng phát triển dự án điện mặt trời công suất tương đối lớn hơn so với hiện tại ».
Việt Nam đang cố gắng phát triển điện mặt trời thành một nguồn năng lượng chính của đất nước. Theo dự kiến, năng lượng mặt trời sẽ chiếm 3,3% tổng công suất phát điện vào năm 2030, tiếp theo là chiếm 20% vào năm 2050. Tuy nhiên, thị phần năng lượng mặt trời hiện còn rất nhỏ :
« Thực tế là hiện nay, ngay cả phong điện, điện mặt trời, tức là những dạng năng lượng tái tạo mà không tính đến thủy điện, đều đóng góp một tỉ trọng rất nhỏ, dưới 1%, vào trong hệ thống. Chính vì vậy, Nhà nước mới có chính sách muốn phát triển nhiều hơn nữa để đáp ứng được cho nhu cầu phát triển điện trong thời gian tới khi mà nhu cầu ngày càng tăng và các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Trong tương lai, nó cũng là nguồn thay thế để chúng ta sử dụng, đáp ứng được nhu cầu. Còn hiện tại, chúng ta cũng đang phải giải quyết rất nhiều việc, từ kỹ thuật đến kinh tế, chính sách để làm sao cho những dự án này được phát triển một cách hiệu quả nhất ».
Rút kinh nghiệm từ những nước đi trước
Điện mặt trời nói riêng, và năng lượng tái tạo nói chung, đã và đang được phát triển nhanh chóng trên thế giới. Đây chính là một điểm thuận lợi cho Việt Nam vì có thể học hỏi kinh nghiệm và nhận được hỗ trợ từ những dự án trước đó.
« Có thể nói là không chỉ có điện mặt trời, mà cả phong điện, chúng ta nhận được rất nhiều hỗ trợ từ các nước phát triển. Ví dụ từ Đức, họ đã có những chương trình về năng lượng tái tạo, và đặc biệt là điện gió, từ những năm 2008 ở Việt Nam.
Đối với điện mặt trời, nhiều tổ chức nước ngoài, như Ngân hàng Thế giới, hoặc các tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), hoặc tổ chức phát triển của Mỹ, hoặc của Pháp AFD. Hiện AFD có những dự án về phát triển lưới điện cho Việt Nam hoặc những dự án tiết kiệm năng lượng, kể cả những dự án về năng lượng tái tạo cho Việt Nam. Vào đầu tháng Năm (2018), AFD cũng tổ chức một số hội thảo hoặc một số buổi làm việc cùng với các nhà làm chính sách của Việt Nam, cũng như các công ty điện ở Việt Nam để tìm ra những hướng phát triển hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng.
Hoặc ngay từ những nước láng giềng như Thái Lan, là một nước rất thành công về phát triển năng lượng mặt trời ở khu vực Đông Nam Á. Tất cả để làm sao cho chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ họ, không chỉ là kinh nghiệm thành công, mà còn cả kinh nghiệm thất bại.
Ngay như Pháp, chúng ta có thể thấy là khoảng 5 đến 6 năm trước, cũng như Tây Ban Nha, họ phát triển năng lượng mặt trời rất nhiều, có nhiều chính sách hỗ trợ. Nhưng sau một thời gian, họ phải tạm ngừng những chính sách hỗ trợ đó để đánh giá lại bởi vì nhiều khi ra một chính sách, không thể khẳng định được rằng nó tốt ngay lập tức được mà phải qua quá trình thực hiện, sau đó mới biết được chính sách đó có tốt hay không và cần bổ sung, chỉnh sửa như nào cho phù hợp với thực tế của từng nước.
Đây cũng chính là một thuận lợi của Việt Nam và hiện nay chúng ta vẫn đang trong giai đoạn hợp tác với các nước để xem làm thế nào có được một chiến lược phát triển tốt nhất cho năng lượng tái tạo nói riêng, cũng như năng lượng cho Việt Nam nói chung ».
Chính phủ Việt Nam sẽ khuyến khích được người dân tự sản xuất và sử dụng điện mặt trời, một mặt nhờ giá thành của các tấm pin mặt trời ngày càng giảm, mặt khác nhờ chính sách mua điện mặt trời dư thừa :
« Sử dụng năng lượng mặt trời ở các hộ gia đình đã có từ lâu rồi, khi mà họ chuyển năng lượng mặt trời sang nhiệt để sử dụng trong bình nước nóng. Và đến thời gian gần đây, khi mà điện mặt trời phát triển với sự phát triển về mặt kỹ thuật, có nghĩa là có tiềm năng lớn, rồi công nghệ phát triển, khiến cho là pin năng lượng mặt trời hiệu quả hơn, thì người dân đã bắt đầu sử dụng.
Nhà nước cũng thấy đây là một lĩnh vực tiềm năng và cũng muốn hỗ trợ cho người dân. Chính vì vậy mà có chính sách từ tháng 06/2017, nếu hộ dân có những tấm pin năng lượng mặt trời kết nối với lưới điện thì Nhà nước cũng trợ giá. Chính vì vậy mà năng lượng mặt trời trong các hộ gia đình cũng rất tăng hiện nay ».
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180516-tiem-nang-phat-trien-nang-luong-mat-troi-tai-viet-nam