Tin Việt Nam – 17/03/2017
Khi kiều hối giảm mạnh
Lan Hương, phóng viên RFA
Lượng kiều hối về Việt Nam giảm sút trong năm qua năm qua và có thể sẽ còn giảm mạnh hơn trong tương lai do ảnh hưởng từ các chính sách nhập cư của Hoa Kỳ.
Ảnh hưởng kinh tế Việt Nam
Lượng tiền gửi về Việt Nam liên tục tăng từ năm 2010 và đạt kỷ lục 13,2 tỷ đô la vào năm 2015 nhưng bất ngờ giảm xuống còn 9 tỷ đô la năm ngoái. Hãng thông tấn AP cho biết các chuyên gia kinh tế dự đoán kiều hối sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới do ảnh hưởng của các chính sách kiểm soát biên giới của Tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãi suất tiền gửi ngoại tệ tại Việt Nam giảm xuống 0% từ đầu năm.
Khoảng 60% kiều hối của Việt Nam được chuyển về từ Mỹ, chiếm 4% GDP của Việt Nam. Hiện tại có khoảng 4,5 triệu người Việt sinh sống tại nước ngoài và đến phân nửa số đó đang sống tại Hoa Kỳ.
Có phân tích cho rằng trước tình hình kiều hối giảm mạnh như hiện nay, GDP của Việt Nam có thể cũng giảm xuống khoảng 0,4% trong năm nay. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên cố vấn văn phòng Thủ tướng có phân tích thêm:
Lượng kiều hối của Việt Nam giảm xuống thì chắc chắn có tác động ít nhiều đến nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nguồn vốn của Việt Nam đã khan hiếm hơn…
– Bà Phạm Chi Lan
Lượng kiều hối của Việt Nam giảm xuống thì chắc chắn có tác động ít nhiều đến nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nguồn vốn của Việt Nam đã khan hiếm hơn, kể cả nguồn vốn trong ngân sách cũng như nguồn vốn đầu tư, hay là nguồn vốn ODA từ các nơi. Việt Nam trở thành quốc gia có nguồn thu nhập trung bình rồi nên ODA giảm đi cũng là điều có thể hình dung được. Hay là điều kiện để vay ODA khó khăn, khắc nghiệt hơn trước cũng là điều Việt Nam hình dung được. Chúng tôi cũng nói rằng sẽ có lúc phải cho “tốt nghiệp” ODA để huy động nguồn tiết kiệm trong nước cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên các nguồn khác như nguồn kiều hối thì nó có cả hai mặt tác động. Một mặt nó là một nguồn vốn đóng góp vào tổng nguồn đầu tư xã hội của Việt Nam. Đó cũng là một nguồn quan trọng. Có nhiều năm nó tương đương với nguồn FDI từ nước ngoài vào Việt Nam. Có những năm còn cao hơn tổng ODA vào Việt Nam. Như vậy là vị trí của nguồn kiều hối so với tổng nguồn đầu tư xã hội của Việt Nam là đáng kể, bổ sung rất quan trọng cho Việt Nam những nguồn vốn cần thiết để có thể đầu tư phát triển các lĩnh vực khác nhau. Nhất là nguồn vốn đó lại bằng ngoại tệ.
Credit Suisse trước đó cũng cảnh báo sự suy giảm kiều hối có thể sẽ gây thêm áp lực lên tỷ giá đồng đô la. Kể từ cuối năm ngoái, tiền đồng Việt Nam đã mất giá 2,2% so với đô la Mỹ. Ngoài ra, nếu dự luật về thuế biên giới đánh vào hàng nhập khẩu của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump được thông qua, Việt Nam có thể bị giảm thêm 0,9% GDP.
Theo thông tin mà chúng tôi tìm hiểu, nguyên nhân chính làm giảm lượng kiều hối mà các cơ quan Việt Nam đưa ra là do việc tăng lãi suất của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED) vào cuối năm 2016 và có thể lãi suất USD sẽ tăng ba lần trong năm 2017, làm giữ chân đồng đô la chuyển từ Mỹ về Việt Nam.
Tuy nhiên giải thích này liệu có chính xác hay không khi cuối năm 2016 Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ mới đưa ra quyết định tăng lãi suất trong khi kiều hối chuyển về Việt Nam có dấu hiệu giảm từ đầu năm. Hơn nữa, theo một nguồn tin khác thì năm 2015 Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ cũng đã đưa mức lãi suất lên cao hơn 0.25% nhưng kiều hối về Việt Nam vẫn tăng mạnh.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra dự đoán về một nguyên nhân khác dẫn đến lượng kiều hối giảm trong năm qua:
Lượng kiều hối vào Việt Nam có khi lại cân bằng với lượng kiều hối ra khỏi Việt Nam của hội tham nhũng ăn cắp được. Sau đó bằng cách này hay cách khác họ chuyển qua bên đó nhưng thực sự không phải chuyển qua nhưng thực tế lại không hẳn là như vậy. Hay nói cách khác là dùng ngoại hối để hợp thức hóa lượng tiền tham nhũng được và nó sẽ làm giấy tờ giống như là kiều hối thật. Và có thể việc kiều hối giảm vừa qua là do việc siết tham nhũng ở Việt Nam.
Ông Trump mới lên đầu năm nay, nên khó mà ảnh hưởng đến kiều hối về Việt Nam từ năm ngoái.
Giảm nguồn vốn quan trọng?
Năm 2015 TS Vũ Quang Việt nguyên chuyên gia cao cấp của Liên Hiệp Quốc có đưa ra bài phân tích về những dòng tiền bất hợp pháp ra vào Việt Nam. Bài viết gây sôi nổi dư luận suốt một thời gian dài vì TS Vũ Quang Việt sử dụng các số liệu chính thức và các phép tính toán chuyên môn cho ra kết quả từ năm 2008 đến 2013 khoảng 33 tỷ USD đã được tuồn bất hợp pháp ra nước ngoài.
Thứ hai, nguồn kiều hối còn có vai trò quan trọng trong việc giúp cho sự phát triển kinh doanh tư nhân của người dân Việt Nam. Thực tế các doanh nghiệp Việt Nam vay mượn tiền từ ngân hàng hay các nguồn tín dụng khác là không hề dễ dàng. Cho nên họ cũng tìm kiếm các nguồn vốn từ các nơi khác nhau, kể cả từ người thân của mình được cử đi lao động nước ngoài hoặc là bà con của mình sống ở nước ngoài mà có nguồn vốn nào đó muốn đầu tư ở Việt Nam.
Nếu thiếu vắng nguồn này thì công việc kinh doanh của họ cũng khó khăn hơn, tìm kiếm nguồn vốn thay thế vào đó không phải dễ dàng.
Những bà con có cuộc sống khó khăn mà được hỗ trợ bằng những đồng tiền từ nước ngoài thì cuộc sống của họ cũng đỡ khó khăn hơn. Như vậy cũng đỡ gánh nặng từ nhà nước phải chăm lo cho họ. Việt Nam dù sao vẫn là nước có tỷ lệ nghèo khá cao, và gánh nặng xã hội phải quan tâm đến những người đó còn khá lớn.
Nếu thiếu vắng nguồn này thì công việc kinh doanh của họ cũng khó khăn hơn, tìm kiếm nguồn vốn thay thế vào đó không phải dễ dàng.
– TS Vũ Quang Việt
Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước và một số bộ ngành khác, số kiều hối chuyển về Việt Nam được sử dụng với mục đích kinh doanh chiếm đến 70.6%, bất động sản chiểm 20.7%.
Bà Chi Lan cũng nhận xét rằng kiều hối được đưa thẳng vào hoạt động kinh doanh tư nhân có thể là giải pháp tốt hơn vì tư nhân có thể sử dụng những đồng vốn đó một cách hiệu quả hơn so với các đồng vốn ODA. Bởi vì nguồn vốn ODA đưa vào nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước, theo bà, chưa chắc đã được sử dụng một cách hiệu quả. Cuối cùng, gánh nặng nợ nần lại đặt lên vai cả xã hội hay những người phải nộp thuế.
Bà nói thêm về tác động kinh tế khi kiều hối giảm:
Khi nguồn kiều hối gửi về Việt Nam thì các ngân hàng có thêm hoạt động kinh doanh, qua đó tăng thêm hoạt động, dịch vụ kinh doanh của họ, cũng làm phát triển thêm các hoạt động của ngân hàng.
Ngoài ra, bà Phạm Chi Lan cũng hi vọng kiều hối giảm đi cũng là một cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi, cố gắng hơn về ý thực tự lực, tự lập. Cố gắng sử dụng cho tốt nhất từng đồng vốn nội lực huy động trong nước từ tài nguyên, sức lao động con người,… Bà cũng nhấn mạnh rằng dù có nhiều tiền mà nếu không biết cách sử dụng, đầu tư có hiệu quả thì vẫn khó có thể tiến bộ trong phát triển kinh tế. Có nhiều nghiên cứu từ trước đến nay cho thấy nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam chưa được sử dụng hiệu quả. Có những thời điểm nguồn vốn tăng lên rất cao nhưng lại tỷ lệ nghịch với tính hiệu quả khi được đưa vào thực tiễn.
2016 là một năm u ám của nền kinh tế Việt nam khi nhiều ngành sản xuất kể cả nông nghiệp và công nghiệp “rủ nhau” tụt xuống. Số lượng doanh nghiệp phá sản cũng tăng hơn nhiều so với những năm trước, gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế và làm gia tăng tình trạng thất nghiệp. Năm 2017 khi kiều hối suy giảm mạnh, các lĩnh vực kinh doanh cũng chưa thấy có sự khởi sắc, có thể là điềm báo hiệu một năm kinh tế buồn nữa cho Việt Nam mà tiến sĩ Nguyễn Quang A dự báo cũng dậm chân tại chỗ giống năm ngoái.
Bộ Tài Chính CSVN xác nhận Thứ Trưởng Thoa
mua cổ phần Điện Quang theo giá ‘thỏa thuận’
Gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương CSVN Hồ Thị Kim Thoa đã mua được rất nhiều cổ phần của công ty bóng đèn Điện Quang theo giá thỏa thuận thay vì giá thị trường. Đó là xác nhận của Bộ Tài Chính CSVN, vừa được truyền thông trong nước loan tải hôm nay 16/03.
Báo Dân Trí dẫn lời ông Đặng Quyết Tiến, phó cục trưởng Cục Tài Chính Doanh Nghiệp thuộc Bộ Tài Chính, cho biết trước đây đúng là có việc ưu tiên bán cổ phần công ty quốc doanh theo giá thỏa thuận. Theo quan chức này, từ năm 2015 trở đi, Việt Nam mới có quy định không được bán cổ phần công ty quốc doanh theo giá thỏa thuận, mà phải đấu giá công khai. Ông Tiến cũng nhìn nhận rằng từ sau khi có quy định này, hiện tượng những người đứng đầu công ty quốc doanh và người nhà của họ trở thành chủ nhân công ty được cổ phần hóa, như trường hợp gia đình Thứ trưởng Thoa, mới không còn xảy ra.
Được biết bà Hồ Thị Kim Thoa cùng gia đình hiện đang sở hữu khoảng 35% cổ phần của công ty bóng đèn Điện Quang, có giá trị thị trường hơn 30 triệu Mỹ kim. Truyền thông trong nước phanh phui sự việc đáng chú ý này, bởi vì bà thứ trưởng này từng là tổng giám đốc công ty bóng đèn Điện Quang trong giai đoạn từ 2000 đến 2010. Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng cũng đã yêu cầu điều tra về khối tài sản khổng lồ vừa kể.
Huy Lam / SBTN
Formosa tăng đầu tư vào nhà máy thép Vũng Áng
Tập đoàn Nhựa Formosa của Đài Loan sẽ tăng thêm đầu tư khoảng 350 triệu USD vào một dự án thép ở Việt Nam vốn bị trì hoãn sau thảm họa môi trường.
Hãng thông tấn Reuters dẫn lời ông Trương Phục Ninh, Phó chủ tịch Điều hành nhà máy Thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh nói họ sẽ tăng vốn lên 346 triệu USD trong dự án trị giá 10,7 tỷ USD.
Ông Võ Kim Cự bị Đảng ‘kiểm tra’
Vụ Formosa- cần ‘lấy dân làm gốc’
Ban Kinh tế có tham mưu được chính sách tốt?
Khoản tăng vốn mới sẽ được đầu tư cho các biện pháp bảo vệ an toàn cho môi trường tốt hơn, tăng vốn lưu động, mua vật liệu và xây dựng…, ông Trương nói với Reuters.
Trong khi đó truyền thông trong nước vào hôm thứ Sáu dẫn lời một quan chức của tỉnh nói Formosa Hà Tĩnh đã đề nghị tăng vốn đầu tư.
Công ty này đã trả 500 triệu USD tiền bồi thường cho thảm họa môi trường vốn giết chết hơn 100 tấn cá và tàn phá môi trường, làm mất việc làm và gây hại tới nền kinh tế của bốn tỉnh tại miền trung Việt Nam.
“Chúng tôi đang đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp an toàn môi trường để hoàn tất vào cuối tháng Ba,” ông Trương trả lời qua điện thoại. “Cho đến nay, nhóm thanh tra của chính phủ đã có phản hồi tích cực về các tiến bộ của chúng tôi.”
Các biện pháp này bao gồm một hệ thống sẽ được xây dựng cùng với chính quyền tỉnh Hà Tĩnh nhằm theo dõi nước thải và khi thải, và một bể sinh thái để lọc bỏ chất độc trong nước trước khi thải ra biển.
Formosa Hà Tĩnh cũng đã được yêu cầu bắt đầu dùng hệ thống lọc khô và phải hoàn thành công việc trước 30/06/2019.
Hệ thống làm nguội than cốc ướt, vốn dùng nước làm mát, được coi là gây ô nhiễm nhiều hơn vì nó tạo ra nhiều nước thải hơn và chứa các hợp chất bao gồm cyanide, được cho là là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới thảm họa môi trường.
Formosa Hà Tĩnh cũng phải được sự chấp thuận của chính phủ Việt Nam đối với kế hoạch dự phòng về rò rỉ dầu, ngoài việc chuẩn thuận các biện pháp cải tiến an toàn môi trường sẽ được hoàn tất trong tháng này.
Sau đó, công ty hy vọng sẽ được phê duyệt để vận hành thử lò nấu thép, một bước quan trọng trước khi nó có thể bắt đầu sản xuất thương mại, dự kiến sẽ bắt đầu trong Quý IV khi có sự chấp thuận của Hà Nội.
“Chúng tôi nhớ những bài học chúng tôi đã trải nghiệm và chúng tôi đang triển khai công việc của mình,” ông Trương nói.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-39308188
Thử thách mới cho YouTube và Facebook?
Các mạng xã hội như YouTube và Facebook dường như đang gặp thử thách mới khi chính phủ một số nước đưa ra yêu cầu phải kiểm soát nội dung do người sử dụng đưa lên.
Tại Anh, chính phủ và một số hãng như báo The Guardian, kênh truyền hình Channel 4 và hãng truyền thông BBC đã ngừng quảng cáo trên YouTube vì quan ngại những quảng cáo của họ xuất hiện trong những video có nội dung “không phù hợp” trên kênh này.
Văn phòng Nội các muốn Google Inc., công ty mẹ của YouTube, đảm bảo rằng các thông điệp mà chính phủ muốn đưa ra, sẽ phải được hiển thị “một cách an toàn và phù hợp”.
Trong khi đó, chính phủ Pakistan nói họ yêu cầu Facebook giúp điều tra những “nội dung có tính phỉ báng” do người Pakistan đưa lên mạng xã hội này. Hồi đầu tuần này Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif lên tiếng ủng hộ việc trấn áp trên diện rộng những nội dung mang tính phỉ báng trên mạng xã hội.
Chính phủ VN gây áp lực lên YouTube
Facebook nói gì về vụ VN ‘chặn thông tin xấu’?
Ở Việt Nam, từ tháng Hai, chính phủ thực hiện chiến lược mới để gây sức ép với các doanh nghiệp hoạt động trong nước, đồng thời với YouTube và Facebook để đòi gỡ bỏ những clip có nội dung ‘độc hại’ chống nhà nước. Kết quả là nhiều thương hiệu lớn trong nước và quốc tế ở Việt Nam đã cam kết tạm ngừng quảng cáo trên YouTube.
Gây áp lực thông qua hoạt động quảng cáo
Chuyện các chính phủ phàn nàn với Google và Facebook về những nội dung được phát hành trên mạng không phải là điều mới.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng hiếm khi có một nhà nước gây sức ép với họ qua những doanh nghiệp đặt quảng cáo như trường hợp ở Việt Nam.
Liên minh Internet Á Châu (Asia Internet Coalition), là tổ chức mà cả YouTube và Facebook đều là thành viên, nói Việt Nam và các doanh nghiệp đã hưởng lợi rất nhiều nhờ tiếp cận Internet.
“Điều tối quan trọng cho Chính phủ Việt Nam là bảo vệ tính chất mở của mạng internet, và xây dựng những điều khoản phù hợp để khuyến khích đầu tư và ủng hộ cải tiến,” hãng Reuters dẫn lời ông Jeff Paine, giám đốc điều hành của tổ chức này.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chiều 16/3 yêu cầu các doanh nghiệp, thương hiệu lớn ngừng quảng cáo trên YouTube, Facebook và các mạng xã hội khác cho đến khi các hãng này tìm được giải pháp để chặn được những clip có nội dung “độc hại” chống nhà nước.
Đại diện các doanh nghiệp có quảng cáo trên Youtube như Vinamilk, Vietnam Airlines, Unilever, Honda, Ford… đã cam kết sẽ tạm ngừng quảng cáo trên YouTube và Facebook cho đến khi các mạng này tìm được giải pháp để xử lý tình trạng này, hãng tin Reuters cho hay.
Các quảng cáo trên YouTube được một hệ thống máy tính chọn qua thuật toán để hướng vào nhóm khán giả thích hợp. Các công ty đăng quảng cáo thường không biết hoặc không có kiểm soát trực tiếp về những video clip mà các quảng cáo xuất hiện kèm.
Theo con số của Bộ Thông tin và Truyền thông, cho đến ngày 15/3, có hơn 8.000 clip có nội dung ‘phản động’ với 500 triệu lượt xem trên YouTube, nhưng Google mới chỉ chặn, không cho 42 clip xuất hiện ở thị trường Việt Nam thay vì gỡ bỏ hoàn toàn. Những clip này vẫn có thể tiếp cận được từ nước ngoài.
“Hôm nay chúng tôi kêu gọi tất cả các doanh nghiệp không tiếp tay cho họ nhận phí quảng cáo của các hãng để chống lại chính phủ Việt Nam,” Bộ trưởng Tuấn được truyền thông dẫn lời nói tại cuộc họp.
“Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả người sử dụng Internet lên tiếng với Google và Facebook để ngăn chặn những nội dung độc hại, bôi nhọ vi phạm pháp luật Việt Nam trên môi trường trực tuyến.”
Thư phản hồi chính thức Google gửi các cơ quan truyền thông có đoạn viết: “Chúng tôi có những chính sách rõ ràng đối với yêu cầu gỡ bỏ video của các chính phủ trên toàn thế giới. Chúng tôi dựa vào các chính phủ để thông báo cho chúng tôi những nội dung mà họ cho là bất hợp pháp bằng thủ tục chính thức. Nếu thấy hợp lý, chúng tôi sẽ hạn chế những nội dung này sau khi xem xét kỹ lưỡng.”
Facebook hiện chưa có phản hồi.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39302856
Dự án thủy điện không theo quy định sẽ bị rút giấy phép
Các dự án đập thủy điện sẽ bị chế tài, xử lý mạnh khi không tuân thủ quy định pháp luật.
Đây là thông báo quan trọng của Bộ Công thương Việt Nam tại Hội nghị về vận hành an toàn và hiệu quả hồ chứa thủy điện, được tổ chức trong ngày 17 tháng 3.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh mặc dù các hồ thủy điện làm tốt vai trò trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế cho quốc gia, nhưng đang tiềm ẩn nguy cơ cho vùng hạ du nếu không vận hành an toàn.
Bộ Công thương cũng cho biết sẽ đề xuất với Bộ Tài nguyên-Môi trường thành lập nhóm công tác liên bộ để làm việc trực tiếp với các địa phương có nhiều đập thủy điện lớn nhằm phối hợp kiểm tra hoạt động của các đập thủy điện để phòng chống lũ lụt, thiên tai.
Trong thời gian tới, giới chức lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra các hoạt động quan trắc, bảo vệ môi trường và quy trình xã lũ của các đập thủy điện. Đập thủy điện nào không tuân thủ quy định pháp luật sẽ bị chế tài, xử lý mạnh, qua hình thức rút giấy phép.
Hiện Việt Nam có hơn 300 công trình thủy điện đang hoạt động tại khu vực phía Bắc và miền Trung-Tây Nguyên. Ngoài ra, Việt Nam còn đang thi công gần 200 dự án thủy điện và xấp xỉ 250 dự án đang nghiên cứu đầu tư.
Việt Nam tiếp nhận tàu kiểm ngư Nhật Bản
Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam vừa tiếp nhận tàu kiểm ngư hiện đại Chính phủ Nhật Bản tài trợ vào hôm 17 tháng 3.
Tham gia buổi lễ tiếp nhận tàu kiểm ngư có tên Yuhzan-Maru tại Nhà máy X46 Hải quân, ở thành phố Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám, đại diện cho Việt Nam, nói lời cảm ơn Chính phủ Nhật Bản qua ông Nagai Katsuro Công sứ Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam, đồng thời khẳng định Lực lượng kiểm ngư Việt Nam sẽ sử dụng và khai thác tàu một cách hiệu quả, theo đúng cam kết giữa hai quốc gia.
Tàu kiểm ngư Yuhzan-Maru là chiếc thứ 4 mà Lực lượng kiểm ngư Việt Nam được Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Chiếc tàu này sẽ được biên chế về Chi cục kiểm ngư Vùng 1 và mang số hiệu “Kiểm ngư Việt Nam 102”.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-receive-yuhzan-maru-ship-today-03172017085859.html