Tin Việt Nam – 17/02/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 17/02/2017

Giáo phận Vinh

lên án bạo lực nhắm vào người dân kiện Formosa

Ban Công Lý và Hòa Bình của Giáo phận Vinh vừa ra thông cáo lên án chính quyền Việt Nam sử dụng bạo lực để ngăn chặn những người nộp đơn khiếu kiện Formosa, công ty đã gây ra ô nhiễm môi trường ở các vùng duyên hải miền Trung khiến người dân mất nguồn sinh kế.

Thông báo đăng trên website của Giáo phận Vinh ngày 17/2 tố cáo chính quyền tỉnh Nghệ An là “ngăn cản một cách thô bạo” người dân đi nộp đơn kiện Formosa bằng một loạt hành động như: cấm các chủ phương tiện vận tải công cộng chở đoàn người khởi kiện, cho lực lượng công an bố ráp, đánh đập và gây thương tích hàng chục người, trong đó có Linh mục Nguyễn Đình Thục, người dẫn đầu đoàn, và bắt giữ các phóng viên tự do đi tường thuật sự kiện này.

Hôm 14/2, hàng trăm người dân từ 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ tỉnh Nghệ An, đã phải đi bộ 200 km để nộp đơn kiện Formosa, sau khi các chủ xe của họ bị gây khó dễ. Khi đến xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, đoàn người đã bị tấn công “tàn nhẫn”, theo lời các nạn nhân thì nhiều người “sống dở chết dở”, phải đưa đi cấp cứu. Lm. Nguyễn Đình Thục cho VOA biết:

“Họ bắt người và họ đánh đập một cách tàn nhẫn. Có người gãy 4, 5 chiếc răng cửa, có người rách đầu, rách mặt… Không thể tưởng tượng được sự tàn ác của công an Việt Nam, an ninh và cảnh sát cơ động. Nó độc ác đến mức độ như thế. Không biết nó có phải người hay không nữa mà nó đánh đập người ta tàn nhẫn như thế, trong khi người ta không có một vũ khí nào để chống lại”.

Trong khi truyền thông “lề trái” và cư dân mạng liên tục cập nhật tình hình hôm 14/2, truyền thông chính thống Việt Nam gần như không đưa tin gì trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Chỉ sau khi xảy ra vụ tấn công, một số báo nhà nước nói Lm. Nguyễn Đình Thục đã kích động giáo dân tấn công lực lượng an ninh và tổ chức bạo loạn. Giáo phận Vinh nói đây là lời “vu khống một cách trơ trẽn, vi phạm đến quyền con người và quyền công dân Việt Nam”.

Trên trang Facebook cá nhân, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, so sánh cách đưa tin của một cơ quan truyền thông trong nước và nước ngoài. Ông Nguyễn Anh Tuấn viết:

“Rõ ràng, khác với VNExpress chỉ phản ánh nhãn quan chính quyền, Reuters đã cho tất cả các bên liên quan có cơ hội nói tiếng nói của mình về sự kiện, giúp người đọc có một hình dung toàn diện về những gì đã xảy ra. Sự khác biệt này lại càng khó chấp nhận khi mà khác với Reuters, VNExpress có nhiều phóng viên ở trong nước rất dễ tiếp cận các bên liên quan, bao gồm cả Linh mục Thục”.

​Thông cáo của Giáo phận Vinh kêu gọi các cá nhân, tổ chức yêu chuộng tự do, công lý và hòa bình lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân Formosa.

Ô nhiễm môi trường vùng biển miền Trung bắt đầu diễn ra từ tháng {4/2016. Sau khi tập đoàn thép Đài Loan Formosa thừa nhận các ống xả thải đã gây ra ra thảm họa môi trường, chính quyền Việt Nam và Formosa đã thỏa thuận đền bù 500 triệu đôla cho người dân bị thiệt hại ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên, nhiều người dân ở tỉnh Nghệ An nói họ cũng là những nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp, bị mất kế sinh nhai trong gần 1 năm qua, nên yêu cầu được bồi thường. Một số linh mục ở tỉnh Nghệ An đã giúp đỡ về mặt pháp lý cho người dân bằng cách thống kê thiệt hại và gửi hồ sơ lên các cơ quan chức năng. Tuy nhiên sau nhiều tháng gửi đơn, người dân vẫn không nhận được phản hồi từ nhà chức trách nên đã quyết định đến tòa án ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh, nơi Formosa hoạt động, để gửi đơn kiện.

http://www.voatiengviet.com/a/giao-phan-vinh-len-an-bao-luc-nham-vao-nguoi-dan-kien-formosa/3729034.html

 

Công an ‘quấy rối’ lễ tưởng niệm cuộc chiến biên giới

Hơn 100 người đã đến dự lễ tưởng niệm cuộc chiến biên giới chống Trung Quốc năm 1979 dưới chân tượng tài Lý Thái Tổ ở Hà Nội mặc dù bị đã bị công an quấy rối.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, lễ tưởng niệm chiến tranh biên giới Việt-Trung đã không diễn ra vì bị chính quyền đàn áp.

Theo nguồn tin của VOA, một số nhà hoạt động dân chủ bị ngăn cản, không được dự lễ kỷ niệm 38 năm ngày bùng nổ cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc, trong khi ở Hà Nội chính quyền cũng đã tìm cách “phá đám” buổi lễ này, theo lời các nhà hoạt động.

“Hôm nay bà con đến rất là đông và họ đã làm được việc tưởng niệm. (Nhưng) trong lúc diễn ra tưởng niệm thì phía nhà cầm quyền Hà Nội đã cho công an an ninh vào quấy nhiễu ví dụ như họ cầm loa, phát loa ầm ĩ phá tan bầu không khí trang nghiêm thành kính của mọi người. Thành phần tham gia đông, hơn 100 người ở Hà Nội, nhưng ở trong Sài Gòn thị bí phá rối nhiều hơn, bị bắt bớ cũng nhiều và không tiến hành được cái việc như mong muốn.”

Anh Nguyễn Chí Tuyến, một trong những người tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, cho biết anh tham gia lễ tưởng niệm này năm ngoái nhưng năm nay, anh bị ngăn cản tham gia sự kiện hôm 17/2. Theo anh Tuyến “một số anh em và bà con bị bắt”.

Nhà báo Phạm Chí Dũng nói với VOA Việt Ngữ:

“Có một số gương mặt tiêu biểu của người dấu tranh hoạt động dân chủ nhân quyền bị ngăn chặn ở nhà nhưng vẫn có 1 số đến được. Khoảng 100 người dân dự được tại tượng đài Lý Thái Tổ. Nhưng ở Sài Gòn thì không có chuyện đó. Ở Sài Gòn thì tất cả bị ngăn chặn và không ai tới được tượng đài Lý Thường Kiệt ở Quận 1. Trong khi đó mới chỉ cách đây chưa đầy một tháng thì cuộc tưởng niệm mất Hoàng Sa và 74 quân nhân Việt Nam cộng hòa thì ở Sài Gòn lại tổ chức được 1 chút còn ở Hà Nội lại tổ chức được tương đối thoải mái hơn.”

Hãng tin AP của Mỹ tường thuật về những hành động phá rối của chính quyền tại lễ tưởng niệm ở tượng đài vua Lý Thái Tổ, nói rằng mặc dù truyền thông trong nước đưa nhiều tin hơn về cuộc chiến tranh biên giới so với trước đây nhưng không có buổi lễ tưởng niệm chính thức nào do nhà nước tổ chức trong ngày 17 tháng 2.

Nhận xét về điều này, chủ tịch hội Nhà Báo Độc Lập Phạm Chí Dũng nói.

“Năm trước thì ví dụ như đài truyền hình Việt Nam không gọi rõ là quân xâm lược Trung Quốc còn năm nay thì gọi rõ là quân xâm lược Trung Quốc. Nhưng có một cái điểm mâu thuẫn là một mặt thì báo chí nhà nước được thông tin như vậy nhưng những người dân bình thường muốn tưởng niệm và kỷ niệm cuộc chiến biên giới và những người đã hy sinh thì bị ngăn chặn rất quyết liệt đặc biệt ở Sài Gòn. Đó là một thái độ rất là vô trách nhiệm đối với dân tộc và đối với tổ quốc.”

Về sự khác biệt trong vụ trấn áp sự kiện này và các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo Phạm Chí Dũng nói có lẽ công an Hà Nội tỏ ra mềm mỏng hơn một phần vì Hà Nội là thủ đô và là một trung tâm ngoại giao. Theo nhà báo này “việc trấn áp đối với giới hoạt động dân chủ nhân quyền tại các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nhẹ đi từ khi thay giám đốc công an Hà Nội.”

“Giám đốc công an Hà Nội vào thời điểm thay, ông này là trợ lý của ông Trần Đại Quang thời ông Trần Đại Quang còn là bộ trưởng công an và sau đó ông là chủ tịch nước thì đưa ông Khương làm giám đốc công an Hà Nội. Tôi nghĩ vai trò chủ tịch nước quan trọng hơn bộ công an ở chỗ là cần phải đối ngoại nhiều và có lẽ là ông Khương không muốn làm mất mặt chủ tịch nước cho nên vai trò của công an Hà Nội sẽ đỡ hơn trong việc trấn át đối với giới bất đồng đặc biệt liên quan đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Nhưng ở Sài Gòn thì không phải thế và tôi không biết giám đốc công an thành phố Hồ Chí Minh là người của ai.”

Cho tới cách đây một vài năm, chiến tranh biên giới chống Trung Quốc không được truyền thông nhà nước Việt Nam nhắc tới giữa lúc thông tin về cuộc chiến này lan truyền trên mạng xã hội.

Cách đây vài năm, dân bắt đầu tổ chức các buổi lễ ở những nơi công cộng để tưởng nhớ những người đã hy sinh trong cuộc chiến nhưng các sự kiện này đều bị theo dõi và đàn áp.

Bất chấp bị đàn áp, người dân sẽ tiếp tục tổ chức lễ tưởng niệm trong tương lai, theo nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến:

“Việc tưởng niệm những người đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc của mình thì trong văn hóa người Việt nó cần phải tiến hành và cái hành động đó không phải là khơi gợi lại hận thù hay kích động bạo lực hay kích động chiến tranh nhưng mà chúng ta phải hiểu những người trong cuộc chiến chống lại phía Trung Quốc xâm lược đó thì họ bị lãng quên so với những cuộc chiến khác mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng – bị lãng quên trong sách vở, lãng quên trong cuộc sống hàng ngày.”

Trong sách giáo khoa Việt Nam, chiến tranh 17 ngày đêm đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn binh sĩ và thường dân, chỉ được nhắc đến trong vỏn vẹn 11 dòng, theo ghi nhận của VnExpress.

Hãng tin AP tường thuật rằng Trung Quốc triển khai hàng trăm nghìn quân sang biên giới Việt-Trung trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, với mục đích “cho Việt Nam một bài học” vì đã đánh đuổi chế độ Khmer đỏ ở Campuchia.

http://www.voatiengviet.com/a/cong-an-quay-roi-le-tuong-niem-cuoc-chien-bien-gioi-chong-trung-quoc/3728991.html

 

Thêm chi tiết về hai nghi phạm vụ Kim Jong-nam

Các hãng thông tấn quốc tế đưa thêm nhiều chi tiết về hai nữ nghi phạm bị bắt vì liên quan vụ sát hại anh trai lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, ông Kim Jong-nam, tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13/2.

Hãng tin Anh Reuters cho hay người phụ nữ mặc chiếc áo thun có chữ LOL trước ngực đã nghỉ ở một số khách sạn rẻ tiền nhưng mang theo người nhiều tiền mặt và cắt tóc chỉ một ngày trước vụ tấn công động trời.

Hãng này dẫn lời một nhân viên lễ tân cho hay người phụ nữ đã đăng ký khách sạn với tên Việt Nam là Doan Thi Huong hôm Chủ nhật 12/2. Người này ra khỏi khách sạn sáng sớm hôm 13/2, hôm vụ tấn công xảy ra, sau đó quay lại và không có dấu hiệu gì đặc biệt.

Cảnh sát Malaysia tin rằng đây chính là người, vào lúc 8:20 sáng ngày 13/2, đã lại gần ông Kim Jong-nam từ phía sau ở sân bay hàng không giá rẻ của Kuala Lumpur và phun chất độc vào mặt ông.

Theo báo chí Malaysia, Doan Thi Huong đã khai với cảnh sát rằng cô bị lừa tham gia một trò đùa mà cô tưởng là vô hại.

Nghi phạm thứ hai, một phụ nữ Indonesia, cũng khai báo nội dung tương tự, theo các báo địa phương.

Tuy nhiên nhân viên hai khách sạn ở một khu dân cư tồi tàn gần sân bay kể lại hành tung của Doan Thi Huong, cho thấy cô ta hoàn toàn bình tĩnh và tự chủ.

Một thám tử tư nói với Reuters rằng cách hành xử của phụ nữ này cho thấy dấu ấn của một điệp viên tình báo.

Cho tới nay Bộ Ngoại giao Việt Nam mới chỉ chính thức thông báo “các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với phía Malaysia để làm rõ những thông tin liên quan” nhưng không công bố chi tiết nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam.

Bắt nghi phạm sát hại Kim Jong-nam

Hành tung bí ẩn

Đầu tiên Doan Thi Huong tới khách sạn hai sao Qlassic vào hôm thứ Bảy 11/2. Một nhân viên đề nghị giấu tên nói cô ta ở phòng giá rẻ nhất, không có cửa sổ.

Một nhân viên lễ tân tên là Sia thì kể lại: “Tôi nhớ là cô ta muốn ở thêm vài ngày và cầm một bó tiền sẵn sàng chi trả”.

Đó là cách thức họ [các điệp viên] hoạt động. Thay đổi hình dạng, chỉ tiêu tiền mặt, không để lại giấy tờ gì và luôn luôn di chuyển.Một thám tử tư nói với Reuters

Thế nhưng chỉ sau một đêm, Doan Thi Huong chuyển sang khách sạn CityView, mang theo một vali, một ba lô và một con gấu bông to. Nhân viên ở đây cho Reuters hay rằng cô ta nói tiếng Anh tàm tạm có thể hiểu được.

Cô ta mượn kéo của lễ tân tối hôm 12/2 và ngày hôm sau nhân viên phục vụ buồng thấy có tóc vương vãi trên sàn và trong sọt rác.

Cũng ngày 13/2, lễ tân chứng kiến cô ta mặc chiếc áo mang dòng chữ LOL mà camera an ninh sân bay ghi lại được.

Doan Thi Huong ra ngoài cả buổi sáng và khi quay lại, trông cô ta “khá thoải mái”, “không tỏ ra giận dữ hay lo lắng”.

Cô ta than phiền về mạng wifi trong phòng và khi được trả lời rằng phải chờ tới chiều mới có người sửa, cô ta đã rời khỏi khách sạn.

Từ đó cô ta tới khách sạn SkyStar cũng ở gần đó nhưng chỉ ở một đêm. Không rõ sau đó cô ta đi đâu cho tới khi bị cảnh sát bắt sáng thứ Tư 15/2, sau vụ án mạng 48 tiếng đồng hồ và tại chính sân bay nơi Kim Jong-nam bị tấn công.

Vị thám tử tư được Reuters dẫn lời nhận xét: “Đó là cách thức họ [các điệp viên] hoạt động. Thay đổi hình dạng, chỉ tiêu tiền mặt, không để lại giấy tờ gì và luôn luôn di chuyển”.

Nghi phạm Indo

Trong khi đó, gia đình và hàng xóm cũ của người phụ nữ Indonesia đang bị nghi vấn có liên quan đến vụ ám hại người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Hàn ở Malaysia đều sững sờ vì chuyện người mẹ trẻ, mà theo họ là một “cô gái tốt”, nhã nhặn, và ít nói, hãng tin AP đưa tin.

Siti Aisyah, năm nay 25 tuổi, là một trong ba người tới giờ bị cảnh sát Malaysia bắt giữ vì nghi có liên quan tới vụ bị cho là ám sát ông Kim Jong-nam.

Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla nói cô Aisyah có lẽ đã bị thao túng. Ông nói với báo giới ông tin là cô không biết mình đã tham gia vào một vụ ám sát.

“Từ những thông tin chúng tôi nhận được và những gì báo chí đưa, chuyện xảy ra ở Kuala Lumpur là Kim Jong-nam và Aisyah đều là nạn nhân. Aisyah là nạn nhân của những âm mưu thao túng hay giả mạo nào đó,” ông Kalla nói.

Các nữ điệp viên Bắc Hàn nổi tiếng

Vụ Kim Jong-nam: Bắt thêm hai người

Anh trai Kim Jong-un bị giết ở Malaysia

Ba nghi phạm, cô Aisyah, một phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam và một người đàn ông được cho là bạn trai của Aisyah, bị bắt giữ vào các thời điểm khác nhau hôm thứ Tư và thứ Năm.

Hai phụ nữ bị bắt được nhận dạng nhờ hệ thống video theo dõi của Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, nơi ông Kim Jong-nam đột nhiên đau vào sáng thứ Hai. Các quan chức Malaysia nói ông chết trên đường đến bệnh viện sau khi nói với các nhân viên y tế sân bay ông đã bị xịt một loại hóa chất.

Reuters phát hiện trang dường như là Facebook của Kim Jong-nam

“Tốt bụng và lễ phép”

Từ năm 2008 đến năm 2011, cô Aisyah và chồng cũ sống ở một căn nhà nhỏ sơn đỏ cũ kỹ trong một ngõ nhỏ ở khu Tambora có mật độ dân cư cao ở phía Tây Jakarta.

Bố chồng cũ của cô, ông Tjia Liang Kiong, người sống ở một khu cho tầng lớp trung lưu gần đó gặp cô lần cuối vào hôm 28 tháng Một. Ông nói cô là “một người rất tốt bụng, lịch sự và lễ phép”.

“Tôi thật sốc khi nghe tin cô ấy bị bắt vì đã sát hại một người khác,” ông nói. “Tôi không tin là cô ấy phạm tội hay tin vào những điều mà truyền thông nói, rằng cô ấy là gián điệp.”

Gián điệp?

Nhiều hãng truyền thông Nam Hàn, dẫn những nguồn tin không được xác nhận, đưa tin hai phụ nữ này được cho là điệp viên của Bắc Hàn đã giết hại ông Kim bằng một loại chất độc nào đó trước khi chạy trốn bằng xe taxi.

Tin cô Aisyah bị bắt đã thu hút giới truyền thông Indonesia vốn thích những vụ scandal và trinh thám. Một số hãng đưa tin cô là gián điệp.

“Trời ạ, làm sao mà tôi có thể tin được,” Aminah, một người nội trợ từng là hàng xóm cũ của cô Aisyah ở khu Tambora nói.

“Cô ấy rất tốt với tất cả mọi người ở đây, cô ấy rất trong sáng. Làm sao mà cô ấy giết một người đàn ông được? Không đời nào, điều đó là không thể có”, Aminah nói thêm.

Mẹ cô Aisyah, bà Benah, nói với AP qua điện thoại rằng gia đình họ từ quê lên và không có khả năng giúp đỡ cô.

“Từ lúc chúng tôi nghe tin trên TV, tôi không ăn không ngủ. Bố cháu cũng vậy, ông ấy chỉ cầu nguyện và đọc kinh Koran. Ông ấy thậm chí còn không muốn nói chuyện,” bà Benah nói. “Là người nhà quê, chúng tôi chỉ biết cầu nguyện.”

Cuộc sống bất ổn

Theo ông Kiong, bố chồng cũ của cô Aisyah, cô học hết trung học và chuyển đến Malaysia cùng chồng năm 2011 để tìm một cuộc sống tốt hơn sau khi xưởng dệt may mà họ từng làm việc bị sập tiệm. Hai vợ chồng để lại cậu con trai hai tuổi ở Jakarta cho ông bà nội nuôi.

Malaysia, nơi có mức thu nhập gần bằng các nước phát triển, thu hút hàng triệu người Indonesia sang làm việc, chủ yếu là làm ở các quán bar, làm người giúp việc, hay công nhân xây dựng hoặc trong các đồn điền.

Một năm sau khi rời Indonesia, Aishah trở về Jakarta và nói với ông Kiong cô muốn ly dị con trai ông vì anh ta đã thay đổi và hai người không còn hạnh phúc. Ông Kiong kể con trai ông thì lại nói khác: Aisyah đã cặp bồ với một người đàn ông Malaysia.

Hai người cuối cùng ly dị năm 2012 và Aisyah kể với ông Kiong cô đang sống với bố mẹ đẻ ở Serang, tỉnh Banten lân cận với Jakarta và đang làm việc ở một cửa hàng giầy dép. Vài tháng sau, cô lại chuyển địa điểm. Cô kể với ông Kiong cô làm việc ở một cửa hàng quần áo ở Batam, một hòn đảo gần Singapore và Malaysia.

Trong lần cuối cùng họ gặp nhau cuối tháng Một khi cô về thăm con trai, ông Kiong thấy cô rất gầy và hỏi vợ ông liệu cô ấy có ốm không. Cô Aisyah nói cô đã từng bị bệnh đường hô hấp.

Cơ quan xuất nhập cảnh Indonesia cho hay hôm thứ Năm cô Aisyah đã vào Malaysia ngày 2 tháng Hai bằng phà từ đảo Batam.

Ông Rahmat Yusri, trưởng khu vực nơi cô Aisyah sống, không tin là cô có thể giết người.

“Tôi hết sức ngạc nhiên khi tôi nghe tin này vì tôi biết cô ấy rất rõ,” ông Yusri nói. “Tôi không tin chuyện này vì cô ấy là một phụ nữ ngây thơ, ít nói từ quê lên.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39003091

 

Bắt người tưởng niệm cuộc chiến biên giới Việt Trung

Công an đã bắt giữ khoảng hơn chục người và ngăn cản những người khác làm lễ tưởng niệm những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc hồi năm 1979.

Vào khoảng 9 giờ sáng, khoảng 100 người đã đến tượng đài Lý Thái Tổ ở trung tâm thành phố Hà Nội để thắp hương tưởng niệm những người đã chết trong cuộc chiến biên giới trước sự có mặt của rất đông công an và lực lượng an ninh. Hình ảnh video được phổ biến trên mạng sau đó cho thấy có một số người mặc thường phục đã tìm cách phá rối buổi lễ.

Tại Sài Gòn, vào sáng sớm, hàng chục người khác cũng đã tìm cách đến khu vực Tượng đài Trần Hưng Đạo ở quận 1 để làm lễ tưởng niệm. Tuy nhiên lực lượng công an, thanh niên xung phong, cảnh sát cơ động và công an mặc thường phục đã bao vây khu vực tượng đài tìm cách ngăn chặn mọi người vào làm lễ tưởng niệm. Một số người ở đây cũng bị bắt.

Đến cuối buổi chiều, những người bị tạm giữ đều được thả ra.

Trước đó vài ngày, các nhóm xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam như Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng ở Sài Gòn và Nhóm No U ở Hà nội ra thông báo kêu gọi người dân tham gia lễ tưởng niệm và yêu cầu chính quyền đảm bảo an ninh cho lễ tưởng niệm.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/dozens-of-vns-mark-anni-border-war-w-cn-02172017073354.html

 

Ân xá Quốc tế lên tiếng tình trạng tù nhân Trần Thị Thúy

Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 17 tháng 2 lên tiếng báo động về tình trạng sức khỏe của tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy, người đang thi hành án tù 8 năm vì tội âm mưu lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ luật hình sự.

Thông cáo báo chí của Ân xá Quốc tế cho biết, bà Trần Thị Thúy, một tín đồ Hòa Hảo đồng thời là một nhà hoạt động về đất đai, đang bị một khối u lớn trong tử cung rất đau đớn và khiến bà khó đi lại. Ngoài ra bà cũng bị nhiều mụn nhọt mưng mủ chảy máu trên người. Nhiều mụn phát triển đến mức gần bằng một bát ăn cơm nhỏ. Mặc dù bị tình trạng bệnh như vậy nhưng bà Trần Thị Thúy không được điều trị bệnh trong tù. Thêm vào đó, bà vẫn bị ngủ trên sàn.

Gia đình bà Thúy đã nhiều lần yêu cầu phía nhà tù cho phép họ được trả tiền điều trị bệnh cho bà nhưng đều bị từ chối.

Bà Trần Thị Thúy đã được chẩn đoán u tử cung từ tháng 4 năm 2015. Bà cũng đã nói với gia đình nhiều lần là bà sợ sẽ có thể chết trong tù vì tình trạng bệnh tật của mình và do không được điều trị.

Theo Ân xá Quốc tế, việc nhà tù ở Việt Nam từ chối điều trị bệnh cho bà Trần Thị Thúy là vi phạm công ước chống tra tấn mà Việt Nam đã phê chuẩn từ tháng hai năm 2015.

Bà Trần Thị Thúy bị bắt giữ từ tháng 8 năm 2010. Bà sẽ mãn hạn tù vào tháng 8 năm 2018.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/grow-health-fear-f-prisoner-of-conscience-02172017121435.html

 

Chín địa phương có tình trạng ‘cả họ làm quan’

Bộ Nội vụ Việt Nam hôm nay công bố kết quả kiểm tra rà soát tại 9 địa phương đơn vị là những nơi bị phát hiện có tình trạng tuyển dụng người nhà vào làm việc trong bộ máy chính quyền.

Cụ thể báo cáo cho thấy số người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 (trong đó người có chức vụ là 15 người), số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người (trong đó người có chức vụ là 22 người). Số người làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước là 24 người, cơ quan đảng là 6 người, cơ quan đoàn thể là 10 người, đơn vị sự nghiệp là 14 người.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho báo chí biết những thiếu sót chủ yếu được phát hiện bao gồm người được tuyển dụng còn thiếu một hoặc một số tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học, trình tự bổ nhiệm của một số trường hợp không có văn bản đề nghị và phê duyệt chủ trương bổ nhiệm, không thực hiện trình tự, thủ tục tuyển dụng, đồng thời không thực hiện trình tự, thủ tục bổ nhiệm theo quy định.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Nội vụ yêu cầu các địa phương rà soát lại các điều kiện và tiêu chuẩn còn thiếu của các công chức được bổ nhiệm, xem xét theo thẩm quyền việc miễn nhiệm chức vụ đối với những trường hợp không đáp ứng quy định.

Việc thanh tra ở 9 địa phương được thực hiện trong hơn 1 tháng sau khi có các thông tin trên báo chí về hiện tượng cả họ làm quan ở một số địa phương. Sau những phản ánh của báo chí, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ  tiến hành kiểm tra, rà soát các thông tin mà báo chí phản ánh.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/ministry-of-interior-reveals-nepotism-in-9-adminis-unit-02172017104400.html