Tin Việt Nam – 17/01/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 17/01/2019

Hơn 100 dân Lộc Hưng đi nộp đơn kêu cứu

không được tiếp

Khoảng hơn 100 người dân vườn rau Lộc Hưng sáng 17/1 tới văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh để gửi đơn kêu cứu nhưng không được tiếp.

“Chính quyền cho một lực lượng hàng chục người tới bao vây chúng tôi, làm như chúng tôi là một nhóm tội phạm, trong khi từ chối nhận đơn của chúng tôi. Cuối cùng chúng tôi phải bỏ lại đơn ở chỗ bảo vệ rồi ra về,” ông Cao Hà Chánh nói với BBC hôm 17/1.

Nhóm người dân vườn rau Lộc Hưng hơn 100 người, do ông Cao Hà Chánh làm đại diện, có kế hoạch đi nộp đơn kêu cứu tại ba cơ quan công quyền của Nhà nước, gồm Văn phòng tiếp công dân của Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh, Văn phòng Quốc Hội, và Ủy ban Thành Ủy.

Vườn rau Lộc Hưng ‘tan hoang sau cưỡng chế’

Dân Lộc Hưng: ‘Dân có giấy tờ, chính quyền làm sai’

Theo lời ông Chánh thuật lại, chỉ có Văn phòng tiếp công dân chịu nhận đơn của họ, “nhưng đây cũng là cơ quan mà hơn 20 năm nay người dân vườn rau Lộc Hưng chúng tôi đã tới hàng chục lần để nộp đơn đề nghị chính quyền xác minh và chứng nhận đất đai cho chúng tôi, nhưng chưa bao giờ được giải quyết,” ông Chánh nghẹn ngào nói.

“Đây là cơ quan có trách nhiệm chuyển tiếp giấy tờ, công văn lên lãnh đạo thành phố, chứ họ không có quyền quyết định. Cơ quan có quyền lực cao nhất là Ủy ban Thành ủy thì lại không tiếp chúng tôi.”

“Một số người ăn vận như cán bộ, nhưng khi chúng tôi tiếp cận thì họ nói họ chỉ là bảo vệ. Sau đó họ lấy điện thoại chụp lại đơn rồi đi vào trong. Sau đó họ cho người đóng cổng, bấm khóa.”

“Tôi không hiểu pháp luật Việt Nam nữa. Chúng tôi làm đúng pháp luật, chúng tôi đi gửi đơn khiếu nại, tại sao lại không nhận đơn, và lại cho người tới bao vây, không chế chúng tôi?”

“Trước đây, Văn phòng tiếp công dân của thành phố từng ra văn bản đề nghị lãnh đạo thành phố tiếp người dân vườn rau Lộc Hưng. Nhưng chưa có cuộc tiếp xúc nào của lãnh đạo thành phố với bà con chúng tôi được thực hiện cho tới nay.”

Ông Chánh nói đơn kêu cứu này có chữ ký của 172 hộ dân mất nhà ở vườn rau Lộc Hưng. Ông cũng nói họ đã bị đẩy vào đường cùng, không còn nguồn sống, nên “dù phải chết chúng tôi cũng làm đến cùng”, ông nói.

Cũng theo ông Chánh, việc chính quyền đưa thông tin về việc sẽ xử lý 20 người chống đối khiến người dân ở đây tổn thương thêm một lần nữa. Ông cũng nói báo chí đề cập đến “kẻ cầm đầu”, ông không rõ là ai, nhưng nhiều năm nay ông vẫn là một trong những người đại diện, hướng dẫn bà con ở khu vườn rau Lộc Hưng trong việc đi xin chứng nhận đất đai.

“Đến nay chính quyền vẫn im lặng. Trong khi người dân chúng tôi mất đất, mất nhà, bị đàn áp, bị coi như tội phạm, tổn thương hết lần này đến lần khác. Mong muốn của chúng tôi hiện giờ chỉ là họ ra mặt đối chất với chúng tôi,” ông Chánh nói với BBC.

BBC từng nhiều lần liên lạc qua điện thoại với các cơ quan công quyền ở TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu thông tin vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, nhưng không được.

Nhóm luật sư nói gì?

“Ý kiến trên của người dân vườn rau Lộc Hưng là có căn cứ pháp lý,” nhóm luật sư vừa mới thành lập để hỗ trợ cho những gia đình mất nhà ở Lộc Hưng cho hay trong thông cáo báo chí phát đi hôm 16/1.

Đây là nhóm luật sư 17 người, trong đó có nhiều luật sư thường bào chữa cho người bất đồng chính kiến như Luật sư Trần Vũ Hải, LS Đặng Đình Mạnh, LS Nguyễn Văn Miếng, LS Trịnh Vĩnh Phúc, được thành lập để trợ giúp pháp lý của 20 hộ dân ở Vườn Rau Lộc Hưng.

Thông cáo báo chí số Một của nhóm luật sư nêu hai vấn đề chính mà người dân Lộc Hưng muốn khiếu nại.

Thứ nhất là vụ cưỡng chế phá nhà từ ngày 4 – 8/1 theo người dân ở đây là trái pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về cả vật chất và tinh thần cho hàng trăm người dân.

Thứ hai là việc dân ở đây cho rằng đất vườn rau Lộc Hưng đã được họ (phần lớn là người miền Bắc di cư năm 1954) khai thác, sử dụng hợp pháp liên tục từ năm 1955 đến nay. Sau năm 1975 họ đã nhiều lần đề nghị chính quyền cấp các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp theo pháp luật đất đai nhưng không được giải quyết dứt điểm. Người dân muốn các luật sư yêu cầu chính quyền địa phương tại TPHCM và trung ương tổ chức tiếp dân đối thoại công khai với họ về vấn đề này.

Các luật sư mong muốn chính quyền tạo điều kiện cho họ làm việc với người dân Lộc Hưng “trong việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” của họ theo Hiến pháp.

Ngoài ra, nhóm 17 luật sư cũng phản ánh việc một số báo Việt Nam vừa qua đưa thông tin một chiều, không khách quan về vụ việc cưỡng chế ở vườn rau Lộc Hưng. Theo họ, việc đưa tin mà không hề hỏi thêm bên liên quan, không tiếp cận với các tài liệu liên quan từ chính người dân khiến “nhiều người mất nhà, mất việc, mất tài sản, thu nhập, sống vất vưởng, càng bị tổn thương thêm về tinh thần”.

Nhân việc này, nhóm luật sư đề nghị báo chí, mạng xã hội đưa tin về vụ việc một “cách khách quan, trung thực, phản ánh đúng sự thật, đặc biệt cần ghi nhận những ý kiến và tình cảnh hoạn nạn của người dân VRLH hiện nay sau vụ cưỡng chế phá nhà”.

Nhiều người quyên góp giúp dân Lộc Hưng

Trong khi đó, đã có những phong trào quyền góp để giúp người dân vườn Rau Lộc Hưng. Như phong trào Góp gạch xây nhà cho bé Tôm và nạn nhân Lộc Hưng từ 11-14/1 đã thu hút được sự ủng hộ của hàng trăm cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước, theo thông tin từ Facebook nhà báo Sương Quỳnh.

Bé Tôm là con của cựu tù nhân chính trị Huỳnh Anh Tú và Phạm Thanh Nghiên – người có căn nhà mới xây sau nhiều năm dành dụm bị đập nát trong vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng.

Họa sỹ Vĩnh Trần vẽ lại cảnh tàn phá ở Vườn Rau Lộc Hưng, bức tranh sơn dầu mang tên “Nỗi đau Lộc Hưng” để bán đấu giá nhằm quyền tiền giúp người dân mất nhà.

Truyền thông trong nước nói gì?

Sau vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, nhiều báo chính thống của Việt Nam đưa tin rằng chính quyền đã “hoàn thành việc cưỡng chế tháo dỡ 112 trường hợp xây dựng nhà trái phép” hôm 9/1.

Một số tờ báo cũng đưa tin chính quyền sẽ xử lý 20 người có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối, chống người thi hành công vụ ở khu đất vườn rau Lộc Hưng. Hiện cơ quan công an đang củng cố hồ sơ và đã xác minh được “đối tượng cầm đầu”.

Ngoài ra, sau khi tháo dỡ các căn nhà tại vườn rau Lộc Hưng, báo Việt Nam cho hay công an phát hiện có “phòng cách âm và thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ cho các hoạt động truyền thông, tài liệu có nội dung tuyên truyền xấu”.

Nhưng cũng có tờ, như Pháp luật Việt Nam, có bài “Không nên cưỡng chế vào ngày đoàn viên“, trong đó không bàn đến khía cạnh pháp lý mà đề cập đến vẫn đề tình nghĩa, văn hóa của người Việt, nhất là khi Tết Nguyên đán cận kề.

Vườn rau Lộc Hưng sau khi bị san phẳng sẽ được dùng để xây dựng trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, và công viên, theo báo Việt Nam.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46901556

 

Hậu cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng:

Cuộc đấu không cân sức giữa chính quyền và dân

Khánh An-VOA

Những diễn tiến “hậu cưỡng chế” ở khu vực vườn rau Lộc Hưng tiếp tục căng thẳng sau khi hàng trăm ngôi nhà ở ở nơi đây đã bị san thành bình địa vào tuần qua.

Sự thật đang bị bóp méo?

Hôm 16/1, Công an quận Tân Bình thông tin trên báo chí rằng cơ quan này đang “củng cố hồ sơ” để xử lý gần 20 người có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối lực lượng và chống người thi hành công vụ ở khu đất vườn rau Lộc Hưng.

“Khu vực vườn rau Lộc Hưng thuộc phường 6 là nơi có tình hình an ninh trật tự phức tạp, có nhiều thành phần bất hảo, nghiện ma túy, tổ chức đá gà… Qua nhiều lần theo dõi, công an đã phát hiện xử lý rất nhiều trường hợp phạm pháp”, báo Dân Việt trích thông tin từ Công an quận Tân Bình để mở đầu cho bản tin về việc xử lý “nhóm chống đối” ở khu vườn rau Lộc Hưng.

Vẫn theo công an Tân Bình, trong khi tiến hành cưỡng chế, họ đã phát hiện “có phòng cách âm và thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ cho các hoạt động truyền thông, tài liệu có nội dung tuyên truyền xấu”, đồng thời cho biết “đã xác định các đối tượng cầm đầu và đang củng cố hồ sơ xử lý nghiêm trước pháp luật”, trích Dân Việt.

Nếu cưỡng chế theo diện trái phép thì phải có các quy định chặt chẽ, tống đạt đến từng người, có các biên bản… Về điều này thì chúng tôi được người dân báo là không có. Tuy nhiên, chính quyền nói là họ có làm, nhưng họ vẫn chưa trưng ra được các quyết định, biên bản cưỡng chế…

LS. Trần Vũ Hải

Trước đó, chính quyền phường 6, quận Tận Bình, đã tiến hành hai đợt cưỡng chế vào ngày 4/1 và 8/1, phá bỏ hàng trăm ngôi nhà của người dân khu vực vườn rau Lộc Hưng với lý do là những ngôi nhà này đã được xây dựng trái phép trên “đất công”.

Mặc dù báo chí nhà nước hoàn toàn im tiếng vào thời điểm diễn ra cưỡng chế, nhưng qua những thông tin được cập nhật trên mạng xã hội, nhiều tầng lớp dân chúng đã lên án vụ cưỡng chế là “phi pháp” và “phi nhân” khi chính quyền thực hiện việc cưỡng chế một cách bất ngờ và gấp rút ngay vào những ngày sát Tết Nguyên Đán, là dịp mà mọi gia đình lẽ ra phải được sum họp, quây quần, chứ không phải rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”.

Lên tiếng “lý giải” trên báo chí hôm 15/1, sau khi đã “làm việc” với Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, lãnh đạo quận Tân Bình nói rằng “Hiện nay không quy định cấm cưỡng chế ở một khoảng thời gian nhất định nào, nhưng lưu ý là phải trước Tết 15 ngày”, báo Vietnamnet dẫn lời của một lãnh đạo giấu tên của UBND quận Tân Bình.

Vẫn thông qua báo chí nhà nước, chính quyền quận Tân Bình thông tin cho công chúng rằng có đến 134 hộ dân trong khu vực vườn rau Lộc Hưng là có nhà ở bên ngoài. Nhưng theo lời ông Cao Hà Trực, một đại diện của người dân vườn rau Lộc Hưng, nói với VOA thì thông tin này “không đúng sự thật” vì không thể xem nhà của con cái đã trưởng thành và ra riêng là của các hộ gia đình ở đây được.

Ngoài việc bị truyền thông nhà nước nhắm vào theo hướng “nhóm người chống đối”, những người từng sống ở vườn rau Lộc Hưng thông tin cho VOA rằng họ hiện đang “gặp nguy hiểm”, “bị theo dõi” vì đã lên tiếng và cố gắng đưa những thông tin về vụ cưỡng chế ra cho công chúng.

Cuộc đấu không cân sức

Cho tới nay, đã có gần 20 luật sư nhận lời trợ giúp pháp lý cho người dân ở vườn rau Lộc Hưng, và tất cả các thông tin từ phía người dân đều được “minh bạch hóa” thông qua truyền thông xã hội.

Trong khi đó, một đại diện của “Nhóm Luật sư Lộc Hưng” nói với VOA hôm 16/1 rằng phía chính quyền đến nay vẫn chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào để khẳng định việc làm của mình là đúng theo pháp luật, ngoại trừ một thông báo cưỡng chế được đưa ra vào ngày 5/1, tức là sau khi công việc đã được tiến hành.

“Nếu cưỡng chế theo diện trái phép thì phải có các quy định chặt chẽ, tống đạt đến từng người, có các biên bản… Về điều này thì chúng tôi được người dân báo là không có. Tuy nhiên, chính quyền nói là họ có làm, nhưng họ vẫn chưa trưng ra được các quyết định, biên bản cưỡng chế…”, LS. Trần Vũ Hải, đại diện cho nhóm luật sư, nói với VOA.

“Chỉ có một thông báo cấp phường, với những viện dẫn không căn cứ theo Luật Đất đai, pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính hay nghị định của chính phủ về việc tháo dỡ, xử phạt hành chính vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, mà chỉ căn cứ vào chủ trương của UBND thành phố hay thông báo của Thành ủy thành phố”, LS. Trịnh Vĩnh Phúc, cũng thuộc nhóm luật sư, giải thích thêm với VOA.

Từ năm 1999 đến giờ, có vị lãnh đạo nào dám đối thoại với dân tới nơi tới chốn rằng đất này là đất của nhà nước, là đất công hay không? Hay là vẫn còn thiếu nợ người dân câu trả lời?

Ông Cao Hà Trực, đại diện người dân vườn rau Lộc Hưng.

Theo LS. Trịnh Vĩnh Phúc, việc tiến hành cưỡng chế trên thực tế cũng có nhiều điểm không giống như trong thông báo.

“(Thông báo) nói rằng cưỡng chế những căn nhà xây dựng trái phép từ thời điểm ngày 1/1/2018, tức là diễn ra trong năm 2018, nhưng khi thực hiện cưỡng chế họ lại cưỡng chế toàn bộ khu vực vườn rau Lộc Hưng rộng gần 5 ha, trong đó có nhiều căn nhà đã được xây dựng từ nhiều năm trước”.

Sau khi hoàn thành việc cưỡng chế, chính quyền đã cho lực lượng túc trực ngày đêm trong khu vực này và không cho người dân quay trở lại để thu gom sắt vụn, gạch vụn, tôn… để bán, mặc dù đây vẫn được xem là tài sản của người dân, theo nhận định của LS. Trịnh Vĩnh Phúc.

Sẽ có khởi tố hình sự?

Luật sư Trần Vũ Hải, người từng là trung gian kết nối giữa người dân ở Đồng Tâm với chính quyền trong vụ phản đối cưỡng chế đất nổi tiếng vào năm 2017, nhận định với VOA rằng “không sớm thì muộn sẽ có vụ án khởi tố hình sự đối với những người làm sai” trong vụ cưỡng chế phá nhà ở vườn rau Lộc Hưng.

“Chúng tôi hiện đang nghiên cứu, xem xét những chứng cứ, tài liệu do người dân cung cấp và yêu cầu các cơ quan chức năng cũng phải cung cấp các thông tin mà họ cho rằng họ làm đúng, có căn cứ”, LS. Hải cho biết.

Những ngày qua, phía người dân đã liên tục trưng ra các giấy tờ, bằng chứng để chứng minh cho lập luận của họ rằng (1) việc cưỡng chế là sai quy định của pháp luật, và (2) họ hội đủ tiêu chuẩn để được cấp sổ đỏ trên khu đất đã sinh sống từ năm 1955.

“Từ năm 1999 đến giờ, có vị lãnh đạo nào dám đối thoại với dân tới nơi tới chốn rằng đất này là đất của nhà nước, là đất công hay không? Hay là vẫn còn thiếu nợ người dân câu trả lời?”, ông Cao Hà Trực nói với VOA.

“Chúng tôi có niềm tin rằng người dân nói đúng, những lập luận của họ là có lý”, LS. Trần Vũ Hải nói.

“Nếu chính quyền nói họ coi đây là đất thuộc quyền quản lý trực tiếp của nhà nước thì họ hãy đưa ra các bằng chứng pháp lý. Chúng tôi thấy rằng các bằng chứng và căn cứ pháp lý của họ là không có. Trong khi đó, Luật Đất đai của Việt Nam công nhận cho những người sử dụng đất lâu dài từ trước tới nay mà không có tranh chấp, kể cả không có giấy tờ, thì phải được cấp giấy chứng nhận sử dụng hợp lệ”, LS. Hải nói thêm.

Nói rằng cưỡng chế những căn nhà xây dựng trái phép từ thời điểm ngày 1/1/2018, tức là diễn ra trong năm 2018, nhưng khi thực hiện cưỡng chế họ lại cưỡng chế toàn bộ khu vực vườn rau Lộc Hưng rộng gần 5 ha, trong đó có nhiều căn nhà đã được xây dựng từ nhiều năm trước.

LS. Trịnh Vĩnh Phúc

Một văn bản nêu “quan điểm của Tòa Tổng Giám mục về quyền lợi và nghĩa vụ của các hộ dân canh tác tại khu ‘Vườn rau’, phường 6, quận Tân Bình” vào năm 2007 cũng xác nhận khu đất này “hoàn toàn không phải đất của nhà nước cũ sở hữu”, là điểm mà chính quyền dựa vào và cho rằng khu vực này là “đất công” sau năm 1975.

“Nhà nước cũ chỉ sở hữu 1 phần nhỏ (1,5 ha), diện tích còn lại thuộc quyền sở hữu của Giáo hội (3 ha) và một số sở hữu khác. Dù vậy, Công văn số 5201/BTNMT-ĐĐ ngày 23/11/2006 lại vô tình hay hữu ý ghi: ‘… thời Pháp thuộc, 4,8 ha đất mà các hộ dân đề nghị được xác nhận quá trình sử dụng đất tại phường 6, quận Tân Bình thuộc 6,8 ha đất do Quốc gia Việt Nam và Hội đồng quản trị công giáo địa phận Sài Gòn đứng bộ được chính quyền Pháp sử dụng với mục đích chính là làm bãi anten cho đài phát tín…’”

Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý cũng “nghiêng” về phía người dân khi đưa ra các bài phân tích về vụ cưỡng chế ở vườn rau Lộc Hưng theo các góc độ pháp lý.

VOA đã nhiều lần liên lạc tìm cách với các lãnh đạo địa phương để tìm hiểu thông tin và quan điểm từ phía chính quyền nhưng không được trả lời.

Sau khi cưỡng chế, chính quyền gần đây ra thông báo sẽ áp dụng đơn giá 7.055.000 đồng/m2 để tính hỗ trợ cho người dân có “canh tác thực tế” tại vườn rau Lộc Hưng đến hết ngày 3/1/2019. Tuy nhiên, theo nhận định của LS. Trịnh Vĩnh Phúc, thông báo này cũng có những điểm “kỳ lạ” trong vụ việc mà ông nói là “đặt người dân vào tình thế đã rồi”.

“Loại người ta ra khỏi miếng đất, rồi san bằng đất, rồi bây giờ hỗ trợ một cách võ đoán, ra một thông báo yêu cầu người dân đến công an quận Tân Bình hoặc công an phường 6, quận Tân Bình, để nhận tiền. Điều đó hết sức lạ lùng. Nhận tiền mà phải đến cơ quan công an nhận, còn nếu không nhận thì tước bỏ luôn”, LS. Trịnh Vĩnh Phúc nói.

Về phía người dân, đại diện của họ nói rằng họ không chấp nhận mức “hỗ trợ” trên vì không dựa trên căn cứ pháp lý, đồng thời cho biết họ đã tìm mọi cách để có thể “tiếp xúc” với chính quyền, kể cả việc đi khiếu kiện tới trung ương trong suốt gần 20 năm qua, nhưng những quyền lợi về đất đai của họ vẫn không được giải quyết.

“Tôi chẳng còn tin tưởng vào việc nhà nước sẽ giải quyết cho chúng tôi. Đơn chúng tôi đưa lên, Trung ương đề nghị thành phố có câu trả lời mà họ im luôn, không thèm trả lời. Ông Lê Hoàng Quân có công văn gửi chúng tôi cam kết sẽ họp với tập thể bà con chúng tôi nhưng tới bây giờ có họp đâu? Đánh lừa, bảo chờ. Đến nay đã 10 năm rồi. Trốn biệt tăm”, ông Cao Hà Trực thất vọng nói với VOA.

https://www.voatiengviet.com/a/hau-cuong-che-vuon-rau-loc-hung-cuoc-dau-khong-can-suc-giua-chinh-quyen-va-dan/4745937.html

 

Thấy gì qua việc chính quyền

đòi xử lý 20 người ở vườn rau Lộc Hưng?

Trung Khang, RFA

Trước thông tin chính quyền muốn xử lý 20 người bị cho là gây rối và chống người thi hành công vụ khi cơ quan chức năng cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, những người trong cuộc và dư luận nói gì về việc này.

Hôm 16 tháng 1 năm 2019, nhiều tờ báo trong nước đồng loạt đăng tin, công an quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, đang củng cố hồ sơ xử lý với gần 20 người bị cho là có hành vi gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ khi cơ quan chức năng cưỡng chế khu đất vườn rau Lộc Hưng thuộc phường 6, quận Tân Bình vào hai ngày 4/1 và 8/1 vừa qua.

Trả lời báo chí cùng ngày, công an quận Tân Bình cho biết đã xác định được những người cầm đầu và đang củng cố hồ sơ để xử lý, tuy nhiên công an quận Tân Bình không nêu tên cụ thể những người này.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong 17 luật sư đại diện cho 20 hộ dân thuộc Vườn rau Lộc Hưng nhận định:

Nếu nói là có chuyện dung vũ lực trong việc này thì không phải là người dân mà là chính quyền, mà thậm chí chính quyền ra tay còn trước khi người dân có phản ứng.
-LS. Đặng Đình Mạnh

“Thật ra, theo chỗ tôi biết là hầu hết người dân Lộc Hưng không có người nào quá khích, cực đoan đến mức độ chống người thi hành công vụ cả, họ chỉ nói, giải thích là đã có những bước khiếu nại này nọ.v.v… Về lực lượng cưỡng chế theo người dân ước đoán, ban đầu là khoảng 500 người, sau đó là hơn 1 ngàn người. Với 1 ngàn người đó thì hầu như người dân không có một hành động nào gọi là chống người thi hành công vụ cả. Trong đó có một người dân là anh Cao Hà Trực, là 1 trong 3 đại diện của người dân, thường hay tiếp xúc với chính quyền, thì lần thứ 2 khi anh vừa bước chân ra cổng thì lập tức bị lực lượng cưỡng chế chụp bao tải lên đầu đưa đi cách ly, hơn một ngày mới trả về. Vì vậy cho nên nếu nói là có chuyện dung vũ lực trong việc này thì không phải là người dân mà là chính quyền, mà thậm chí chính quyền ra tay còn trước khi người dân có phản ứng.”

Người dân Lộc Hưng khi trả lời báo chí trước đây cũng cho biết, trong 2 vụ cưỡng chế ngày 4/1 và 8/1/2019, lực lượng cưỡng chế đã bắt giữ hàng chục người dân ở đây khi quay hình, chụp ảnh cuộc cưỡng chế.

Ông Cao Hà Trực, một người dân trong ban đại diện vườn rau Lộc Hưng cũng cho rằng việc chính quyền cho rằng người dân Lộc Hưng gây rối, chống người thi hành công vụ là chụp mũ:

“Tôi cũng thấy trên các báo như Sài Gòn Giải Phóng, Dân Việt .v.v… đăng bài công an quận Tân Bình đang cũng cố hồ sơ để xử lý khoảng 20 người thi hành công vụ và cản trở việc cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng. Tôi là những người dân, những người bị thiệt hại ở vườn rau phường 6, là những người bị khủng bố, đi khiếu kiện trải dài 19 năm qua, thiệt hại cách này cách khác. Thật sự đến ngày hôm nay chúng tôi mất hết rồi, nhà cửa bị đập tan tành, chúng tôi mất hết rồi. Từ những bức xúc đó, bây giờ chúng tôi nói lên điều đó thì nhà nước chụp mũ chúng tôi là chống người thi hành công vụ thì đã quá rõ. Vì vậy cho đến ngày hôm nay, chúng tôi không có gì mà sợ hết.”

Chị Thi, một người dân có nhà bị cưỡng chế ở Lộc Hưng cũng cật lực phản đối, cho rằng chính quyền nói như thế là xuyên tạc sự thật:

“Cái hôm mà tàn phá nhà chúng tôi như thế, chúng tôi hoàn toàn bị bắt và bị cô lập, thì làm sao chúng tôi chống người thi hành công vụ? Bản thân tôi là người bị cô lập trên tượng đài Đức Mẹ, thì chống là chống làm sao? Người dân chúng tôi không thể nào đi vào nơi đó, 1.600 quân thì bà con chúng tôi làm sao để mà chống đây. Tôi còn phải thét lên là chúng tôi bất lực trước bạo quyền, thì làm sao chúng tôi có thể chống người thi hành công vụ. Đó là lời nói xuyên tạc, nói sai sự thật của tất cả các báo từ hôm qua đến hôn nay đưa tin như vậy.”

Trong hai ngày 4/1 và 8/1, chính quyền quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế khu Vườn rau Lộc Hưng rộng gần 5 ha. Chính quyền địa phương cho biết việc cưỡng chế chỉ thực hiện đối với 112 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chứ không thu hồi đất. Mặc dù vậy, chính quyền địa phương trước đó cũng cho biết khu đất này là khu đất công và đã được quy hoạch để xây trường học.

Công an Tân Bình cho rằng, khu vực đất vườn rau có 134 hộ đã đăng ký kê khai sử dụng đất nông nghiệp. Hai đợt cưỡng chế khoảng 112 căn nhà, công trình vào ngày 4 và 8/1 mà quận thực hiện đã được báo cáo, xin chủ trương và được thành phố chấp thuận.

Trả lời báo chí hôm 15/1, công an quận Tân Bình cho biết trong quá trình cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng đã phát hiện có phòng cách âm với các thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ cho các hoạt động truyền thông và nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền xấu.

Tuy nhiên Chị Thi cho rằng nếu thật sự tìm thấy chứng cớ sao không bắt giam lập biên bản ngay hôm cưỡng chế, chị cho rằng điều này là khuất tất:

“Họ nói để chống chế những việc làm sai trái của họ mà thôi, chứ họ không có căn cứ để nói chúng tôi thế này thế kia, quy chúng tôi vào tội này tội kia. Tôi nói nếu thật sự họ tìm thấy chứng cớ gì thì họ đã bắt chúng tôi từ hôm đấy rồi, chứ đâu để đến hôm nay, 10 ngày rồi mới về suy nghĩ xem chúng tôi có tội gì. Có phải đây là việc làm khuất tất, đang tìm chiêu trò để khủng bố chúng tôi không? Chúng tôi cật lực phản đối việc đấy.”

Chị Thi cho rằng, những thông tin vu khống, sai sự thật nhằm làm cho người dân Lộc Hưng hoang mang, đã có từ nhiều năm nay, và gần như đã tôi luyện chị trở nên rất là kiên cường. Chị khẳng định người dân Lộc Hưng làm đúng, chứ không sai pháp luật, nên không sợ gì cả.

Cũng có thông tin lo ngại, việc công an quận Tân Bình củng cố hồ sơ xử lý hơn 20 người ở Lộc Hưng là bước đệm cho việc truy tố những người này với tội danh gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ. Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét:

“Chúng tôi nghe rằng nhiều khả năng sẽ truy tố. Nếu chống người thi hành công vụ thì nếu mức độ nhẹ thì chỉ xử phạt vi phạm hành chánh thôi, trước đây gọi là tiểu hình. Nhưng mà mức độ trong vụ án này làm chúng tôi rất là lo ngại rất có thể người dân sẽ bị truy tố về hình sự.”

Thời gian qua, nhiều vụ cưỡng chế đất đã xảy ra tại Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Sau các vụ cưỡng chế này, nhiều người dân phản đối cưỡng chế đã phải chịu các bản án tù vì các tội danh như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.v.v…

Bà Cấn Thị Thêu, một dân oan, một phụ nữ được nhiều người biết đến vì bị kết án tù khi kiên quyết trong hoạt động giữ đất tại làng Dương Nội, Hà Đông – Hà Nội, cho biết ý kiến của mình:

“Khi mà chính quyền cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, thì đã gặp phải làn sóng phản ứng rất là mạnh mẽ, dữ dội của nhiều người quan tâm. Cho nên việc chính quyền xử lý 20 người ở Lộc Hưng để nó dập tắt phong trào đấu tranh, để người nào nhụt chí thì không đấu tranh nữa. Mục đích chính quyền như thế, theo kinh nghiệm của chúng tôi, thì chúng ta phải mạnh mẽ hơn, người này bị bắt thì người khác phải lên thay.”

Bà Cấn Thị Thêu kêu gọi những người dân mất đất oan phải kiên định đấu tranh đòi quyền lợi của mình: “Tất cả mọi người đồng tâm hiệp lực, đều sát cánh lại với nhau thì sẽ giữ được kiên định trên con đường đấu tranh, như thế mới đòi được quyền lợi của mình.”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-want-to-prosecute-20-protesters-in-loc-hung-01162019131600.html

 

Văn phòng đại biểu Quốc hội và thành ủy

thành phố HCM không nhận đơn của người dân Lộc Hưng

Đại diện của khoảng 100 hộ dân ở Vườn rau Lộc Hưng hôm 17 tháng 1 đã đến nộp đơn kêu cứu tại Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, văn phòng đại biểu Quốc hội Hội đồng Nhân dân và Thành ủy nhưng đã bị từ chối không nhận đơn tại văn phòng Đại biểu Quốc hội và Thành ủy.

Ông Cao Hà Thanh, đại diện của những hộ dân tham gia ký đơn kêu cứu gửi lãnh đạo Đảng, nhà nước và thành phố Hồ Chí Minh, hôm 17/1 cho Đài Á Châu Tự Do biết:

Đến văn phòng tiếp công dân của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, họ nhận và họ tiếp chúng tôi đàng hoàng. Sau đó chúng tôi lên xe đến nơi thứ hai là cơ quan đại biểu quốc hội hội đồng nhân dân tp hồ chí minh ở 2 biz Lê Duẩn. Chúng tôi tới, một cán bộ ra, chúng tôi trình bày, họ vô một hồi lâu lắm rồi họ ra họ lắc đầu họ nói bó tay. Chúng tôi nêu lên đây là cơ quan tiếp dân mà sao không nhận đơn thì họ đợi chút xíu, họ ra họ lắc đầu và họ cầm theo ổ khóa họ khóa cửa luôn, họ nói là cấp trên không tiếp nữa, không nhận đơn. Cơ quan thứ ba là về thành ủy 127 trương định, gần tới nơi thì họ kéo cổng họ khóa lại, khi tôi trình bày gửi đơn thì họ nói không nhận đơn.”

Đài Á Châu Tự Do đã gọi điện thoại liên lạc với văn phòng tiếp công dân của văn phòng đại biểu Quốc hội nhưng người trực điện thoại từ chối trả lời qua điện thoại.

Trong đơn kêu cứu được những người dân Vườn rau Lộc Hưng đưa lên mạng Facebook hôm 16/1, những người dân ở đây nói rằng họ là “những người bị ảnh hưởng hưởng trực tiếp, chịu thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tổn thất trầm trọng, bị mất đất, mất nhà, mất nguồn sống từ việc cưỡng chế thu hồi đất và đập phá, tháo dỡ nhà do chính quyền Phường 6, quận Tân Bình gây ra”.

Trong hai ngày 4/1 và 8/1, chính quyền quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế khu Vườn rau Lộc Hưng rộng gần 5 ha. Chính quyền địa phương cho biết việc cưỡng chế chỉ thực hiện đối với 112 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chứ không thu hồi đất. Mặc dù vậy, chính quyền địa phương trước đó cũng cho biết khu đất này là khu đất công và đã được quy hoạch để xây trường học.

Trong đơn kêu cứu khẩn cấp, người dân Vườn rau Lộc Hưng khẳng định đất vườn rau thuộc Hội truyền giáo việt Nam (Hội thừa sai Paris). Khoảng diện tích 4,8 ha bị cưỡng chế được dành cho bà con giáo dân Sơn Tây di cư vào Nam sử dụng để trồng rau từ những năm 1954 – 1955. Họ khẳng định vẫn còn giữ các giấy tờ về thỏa thuận sử dụng đất.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/national-assembly-office-and-party-office-refuse-to-meet-loc-hung-garden-evictees-01172019083022.html

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Người dân Lộc Hưng

không đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất

Trung Khang, RFA

Bộ Tài nguyên và Môi trường hôm mới đây đã có công văn xác định người dân ở Vườn rau Lộc Hưng không đủ điều kiện công nhận là người sử đụng đất và không được xem xét giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất với bưu điện.

Truyền thông trong nước loan tin này hôm 17/1/2019 và cho biết đây là công văn trả lời Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến giải quyết khiếu nại của người dân Lộc Hưng.

Trả lời công văn liên quan đến khu đất vườn rau Lộc Hưng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, vào thời Pháp, 4,8ha đất mà các hộ dân đề nghị được xác nhận quá trình sử dụng đất tại phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM nằm trong số 6,8 ha đất do Quốc gia Việt Nam và Hội đồng quản trị công giáo địa phận Sài Gòn đứng bộ được chính quyền Pháp sử dụng làm nơi dựng anten cho đài phát tín. Thời gian sau đó, Nha Giám đốc viễn thông (Việt Nam Cộng Hòa) trực tiếp quản lý, sử dụng.

Năm 1975, Trung tâm Viễn thông 3 tiếp quản đài phát tín. Đến năm 1987, Bưu điện TP.HCM tiếp nhận bãi anten này. Từ năm 1988 đến 1991, Bưu điện TP.HCM nhiều lần xin giải tỏa vườn rau xung quanh khu đất để xây dựng hàng rào bảo vệ anten. Tuy nhiên theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xây dựng hàng rào không thực hiện được do chưa thống nhất mức bồi thường hoa màu cho người dân.

Cũng trong theo công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vào năm 2001, chính quyền TP.HCM có quyết định giao đất cho Công ty Sài Thành và Bưu điện TP.HCM để xây dựng khu nhà ở cán bộ. Nhưng không thể thực hiện vì người dân khiếu nại vì có quá trình sử dụng đất này từ năm 1955 đến thời điểm đó.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc sử dụng đất của các hộ dân ở Lộc Hưng để trồng rau là tận dụng phần đất trống giữa các cột anten. Do đó các hộ dân không đủ điều kiện để được công nhận là người sử dụng đất và không được xem xét giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất với bưu điện TP.HCM.

Vì vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc đền bù, hỗ trợ di dời khi thu hồi đất thì người dân chỉ được hỗ trợ với mức tối đa không vượt quá mức bồi thường.

Trong hai ngày 4/1 và 8/1, chính quyền quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế khu Vườn rau Lộc Hưng rộng gần 5 ha. Chính quyền địa phương cho biết việc cưỡng chế chỉ thực hiện đối với 112 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chứ không thu hồi đất. Mặc dù vậy, chính quyền địa phương trước đó cũng cho biết khu đất này là khu đất công và đã được quy hoạch để xây trường học.

Sau đó, vào ngày 13/1, chính quyền quận Tân Bình đề nghị hỗ trợ 7.055.000 đồng/ m2 đất vườn rau và 4 đến 6 triệu đồng/ tháng trong 3 tháng đối với các hộ trồng hoa màu bị ảnh hưởng bởi vụ cưỡng chế.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-of-natural-resources-and-environment-gives-opinions-on-loc-hung-01172019075622.html

 

Nhóm Luật sư Lộc Hưng:

chính quyền tiền trảm hậu tấu

Vào ngày 16/1/2019, nhóm luật sư 17 người bao gồm nhiều luật sư có tiếng như Luật sư Trần Vũ Hải, LS Đặng Đình Mạnh, LS Nguyễn Văn Miếng, LS Trịnh Vĩnh Phúc v.v… đại diện cho 20 hộ dân thuộc Vườn rau Lộc Hưng ra thông cáo báo chí số 1 khẳng định rằng “ trong thời gian vừa qua, có một số báo chí đã đưa tin một chiều, không khách quan”, đồng thời người dân tại khu vực này cũng gửi đơn kêu cứu về việc chính quyền cưỡng chế thu hồi đất và đập phá nhà trái pháp luật. Nhóm luật sư cũng cho biết họ đang trợ giúp người dân Vườn rau Lộc Hưng trong việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân ở đây.

Chúng tôi đã liên lạc và có một cuộc phỏng vấn ngắn với Luật sư Đặng Đình Mạnh tại thành phố Hồ Chí Minh về cuộc chiến pháp lý đòi đất của người dân Vườn rau Lộc Hưng.

PV: Xin chào luật sư Đặng Đình mạnh, luật sư có thể cho biết cơ sở pháp lý nào để người dân vườn rau Lộc Hưng khởi kiện vụ cưỡng chế vừa qua?

LS. Đặng Đình Mạnh: Sau khi chúng tôi tiếp cận với hồ sơ do những người dân tại khu vực giải tỏa họ cho coi về quá trình họ sử dụng đất rồi giấy tờ, chứng cứ, tài liệu rồi cả trong quá trình họ khiếu nại sau ngày 30/4/1975 cho tới nay và khi họ khiếu nại có những văn bản trả lời của các cơ quan các cấp, qua đó các luật sư mới nhận định việc chính quyền cho giải tỏa thu hồi đất là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Bởi vì qua quá trình chứng cứ cho thấy đất này không phải đất công mà thật ra đất này là đất có chủ mà chủ cũng không liên quan gì đến công đến chính quyền cả. Kể từ trước năm 1975 là đất của tổ chức công giáo, họ cho giáo dân của họ, họ có ký hợp đồng cho thuê để giáo dân canh tác và họ cho đài phát tín của chế độ Sài Gòn cũ mượn một phần để cơ quan này lập nên một trạm phát tín và khi trạm mở rộng thì họ cắm những trục anten, giữa những trục anten đó có khoảng trống thì dân tiếp tục sử dụng để trồng rau. Rõ ràng trước 1975 đất này không phải là của chính quyền Sài Gòn cũ, nhưng sau 1975 thì cơ quan tương ứng là trung tâm viễn thông 3 nhìn thấy như vậy và họ cho là đất công, và họ sử dụng trạm phát tín của chế độ cũ. Rồi chính quyền họ cứ nghĩ là trạm phát tín của chính quyền Sài Gòn cũ là đất công nên bây giờ họ tiếp tục sử dụng và giao về cho các cơ quan bưu chính viễn thông họ sử dụng. Cái sai của chính quyền trong trường hợp này là như vậy, đánh giá sai đất đó là đất công nhưng thật ra nó không phải là đất công.

PV: Dạ vâng, thưa luật sư nếu vụ án này khởi kiện thì sẽ kiện những ai?

LS. Đặng Đình Mạnh: Chúng tôi đang cân nhắc và thậm chí không chỉ là kiện mà sẽ là tố cáo một vụ án hình sự luôn. Chúng tôi đang cân nhắc rất là nhiều nhưng trước mắt người dân vẫn đi kiện vụ án hành chính trước đã. Hiện nay họ đang khiếu nại và chúng tôi sẽ cân nhắc thêm, tức là có nhiều đường hướng để chúng ta làm là khiếu nại cơ quan hành chính giải tỏa nhà không đúng pháp luật hoặc khởi kiện vụ án hành chính và cũng có thể tố cáo một cơ quan nào đó, cá nhân đã tổ chức giải tỏa nhà dân không đúng pháp luật về tội hủy hoại tài sản. Có nhiều phương án chúng tôi đang cân nhắc.

PV: Thưa luật sư, chính quyền cho biết là vụ cưỡng chế vừa qua là áp dụng đối với 112 căn nhà xây dựng trái phép, vậy điều này có đúng hay không và bằng chứng nào xác thực điều này?

LS. Đặng Đình Mạnh: Nó đúng và nó sai. Đúng là một phần các nhà xây dựng trên đất này là không có giấy phép, lý do bởi vì nhà nước cho rằng đây là đất công mà người dân tới đó là chiếm ngụ bất hợp pháp nên họ xây nhà xin giấy phép thì chính quyền không cấp xây dựng cho họ. Nhưng vì nhu cầu nên họ vẫn xây nên những ngôi nhà đó là không phép cả. Cách nói của chính quyền là phần nào đúng nhưng cái sai chỗ này là một số nhà thì đúng là xây dựng sau 1975 nhưng thật ra một số người dân đã sử dụng đất này từ rất lâu rồi, thậm chí có một người Việt gốc Hoa đã ở đó đến nay là 70 năm rồi coi như là cư dân đầu tiên. Những ngôi nhà này xây trước khi chính quyền sau 1975. Khi chính quyền nói tổng hết 112 căn nhà đó đều là sử dụng không phép thì có đúng và sai như vừa rồi tôi giải thích.

PV: Việc chính quyền thực hiện cưỡng chế vào ngày 4 và 8/1 vừa qua có đúng về quy trình thủ tục theo quy định của pháp luật không, thưa luật sư?

LS. Đặng Đình Mạnh: Không bảo đảm, tôi giả thiết những ngôi nhà này thuộc đối tượng là trái phép và cần phải giải tỏa. Theo pháp luật hiện nay có một quy trình của nó. Thứ nhất khi sử dụng trái phép thì chính quyền phải xuống lập biên bản, sau khi lập biên bản sẽ ra quyết định xử phạt, trong quyết định xử phạt chắc chắn sẽ bao gồm là một là phạt tiền và buộc phải tháo gỡ đối với nhà xây dựng trái phép. Và đến khi người dân nhận được quyết định này mà người dân vẫn không thực hiện thì nhà nước mới ra một quyết định là cưỡng chế và thông báo cho người dân biết ngày giờ này sẽ cưỡng chế và khi đến ngày giờ đó vẫn không tự nguyện tháo gỡ thì nhà nước mới bắt đầu tổ chức cưỡng chế. Những quy trình này mà hầu như tất cả trường hợp mà người dân chúng tôi tiếp xúc đều không bảo đảm quy trình này. Trường hợp có thể thấy ngay là trường hợp của anh Tú và chị Nghiên là nhà họ vừa mới xây dựng và khánh thành xong trước ngày chính quyền giải tỏa vài ngày, thì chắc chắn ngôi nhà này sẽ không bảo đảm đủ những quy trình như tôi vừa trình bày và nó cũng là một trong những căn nhà bị giải tỏa chung hết. Đó là trường hợp tôi có thể nói ngay là không đảm bảo quy trình của chính quyền.

PV: Chính quyền quận Tân Bình nói rằng việc cưỡng chế là chỉ áp dụng với những ngôi nhà xây trái phép chứ không lấy đất, vậy người dân hiện tại có thể quay trở lại đất của mình và tiếp tục canh tác hoặc xây dựng nhà sống trên đất đó không thưa luật sư?

LS. Đặng Đình Mạnh: Chính quyền nói một đằng nhưng thật ra làm một nẻo. Cách đây hai ngày người dân vào đất đã bị lực lượng giữ gìn trật tự ngăn cản không cho họ vào đất và đến hôm nay người dân vẫn tiếp tục bị ngăn cản vì vậy việc chính quyền khi công báo với báo giới và việc sắp tới họ làm là hoàn toàn không đúng với nhau.

PV: Theo truyền thông trong nước loan tin, chính quyền quận Tân Bình có đề nghị hỗ trợ tiền hơn 7 triệu/m2 đất và tiền hỗ trợ hoa màu 4 triệu trong 3 tháng cho các gia đình bị ảnh hưởng. Vậy theo luật sư thì đề nghị hỗ trợ này cũng đúng theo quy định pháp luật hay không?

LS. Đặng Đình Mạnh: Tôi giải thiết đây là vùng đất được giải tỏa và thu hồi đất là hợp pháp, thì tất cả việc thương lượng đền bù phải được thực hiện trước khi việc giải tỏa, chỉ khi nào người dân chống lại việc đền bù và họ nhận được những thông báo cưỡng chế v.v..mà người dân không thực hiện thì nhà nước mới thực hiện cưỡng chế. Nhưng chúng ta thấy quy trình này nó ngược hoàn toàn tức là tiền trảm hậu tấu sau khi họ giải tỏa sạch bách rồi thì họ mới đưa ra là tiền hỗ trợ và quy trình không đảm bảo đúng quy định nhà nước ban hành.

PV: Xin cảm ơn luật sư đã dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn này.

Theo thông cáo báo chí của nhóm Luật sư Lộc Hưng, họ cũng mời các cơ quan truyền thông báo chí chứng kiến và tường thuật các bản tin về quá trình đấu tranh pháp lý trong thời gian sắp tới.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-lawyer-group-voiced-the-right-to-initiate-a-lawsuit-against-the-loc-hung-vegetable-garden-01162019132019.html

 

Tòa phúc thẩm tuyên

cựu giáo viên Đào Quang Thực 13 năm tù giam

Ngày 17/1/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên cựu giáo viên Đào Quang Thực 13 năm tù giam, giảm 1 năm so với bản án sơ thẩm với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật hình sự cũ năm 1999.

Luật sư Lê Luân chiều ngày 17/1 cho hay sức khỏe và tinh thần ông Thực tốt và tòa chấp nhận giảm một phần hình phạt theo kháng cáo.

Về cơ bản tôi vẫn giữ nguyên các quan điểm bào chữa từ sơ thẩm đó là nếu không chứng minh được tội phạm thì chứng minh vô tội. Tuy nhiên ở phúc thẩm thì kháng cáo giảm nhẹ hình phạt nên tôi bổ sung thêm các tình tiết giảm nhẹ và được hội đồng xét xử chấp nhận.”

Theo thông tấn xã Việt Nam, án tù của ông Thực được giảm vì tòa cân nhắc tình tiết giảm nhẹ là ông Thực đã có nhiều thành tích trong quá trình công tác và gia đình bị cáo đã có công với cách mạng.

Thông tấn xã Việt Nam dẫn cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân cáo buộc, ông Đào Quang Thực nhiều lần vi phạm pháp luật, thường xuyên gây mất đoàn kết trong nội bộ cơ quan và nhân dân, bị chính quyền địa phương xử lý, nên ông đã nảy sinh tư tưởng bất mãn.

Cáo trạng thể hiện ông Thực đã viết đơn xin gia nhập tổ chức “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời” và được bổ nhiệm chức vụ “Chí nguyện đoàn Hòa Bình”.

Chính quyền nhiều lần vận động ông dừng tham gia tổ chức này, nhưng theo TTXVN ông lại “càng hoạt động và chống đối quyết liệt, phản động hơn, thậm chí đã móc nối cùng một số đối tượng phản động lên kế hoạch tổ chức khủng bố sát hại những cán bộ cao cấp ở Thanh Hóa và Hòa Bình.”

Luật sư Lê Luân bày tỏ quan điểm trên Facebook cho rằng, ông Thực bị từ chối gia nhập tổ chức tự xưng trên mạng và không xác định được chủ thể gửi tài liệu, hồ sơ gia nhập; mâu thuẫn và xung đột với tất cả những cá nhân khác trong các cuộc trò chuyện lẫn gặp mặt ngoài đời.

Ngoài ra ông còn bị đẩy ra khỏi các cuộc trò chuyện chát kín; bị nhiều người tuyên truyền là an ninh, mật vụ nằm vùng trà trộn vào phá hoại; có nhiều hành vi nhạo báng, miệt thị nhóm người vô dụng được cho là tổ chức kia; không nhận nhiệm vụ hay lên tiếng theo chỉ thị của bất cứ ai.

Ông Đào Quang Thực sinh năm 1960. Ông từng là giáo viên tiểu học suốt 30 năm và hiện đã nghỉ hưu.

Vào ngày 5 tháng 10 năm 2017, cơ quan an ninh điều tra thuộc công an tỉnh Hòa Bình đã ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Đào Quang Thực vì cho hay họ đã phát hiện 2 tài khoản facebook của Đào Quang Thực thường xuyên đăng tải nhiều bài viết, bài chia sẻ, bình luận có nội dung chống Nhà nước.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/appeal-court-reduce-sentence-for-activist-dao-quang-thuc-01172019085203.html

 

Cảnh sát Đài Loan

bắt phụ nữ Việt khỏa thân trốn trong tủ

Một phụ nữ Việt Nam, đến Đài Loan bằng visa du lịch nhưng làm việc tại một nhà thổ, vừa bị cảnh sát nước này bắt trong khi đang trốn trong tủ quần áo trong tình trạng không một mảnh vải che thân.

Phụ nữ này bị bắt trong một chiến dịch truy quét do cảnh sát thành phố Đài Nam thực hiện nhắm vào ba nhà thổ hồi tuần trước. Bà là một trong 9 phụ nữ Việt Nam hành nghề mại dâm sau khi nhập cảnh Đài Loan bằng visa du lịch, Taiwan News trích nguồn tin từ Apple Daily cho biết.

Ba nhà thổ bị cảnh sát Đài Loan truy quét là do một phụ nữ Việt Nam họ Nguyen lập nên ở Đài Nam dưới danh xưng “trung tâm sức khỏe tình dục”. Theo Taiwan News, bà ‘Nguyen’, 45 tuổi, kết hôn với một người đàn ông Đài Loan và đã sinh sống ở nước này trong 20 năm qua, bà đã lạm dụng chính sách Hướng Nam Mới để tuyển dụng phụ nữ đến từ Việt Nam với hứa hẹn “lương bằng cả một tháng cho một ngày làm việc.” Bà Nguyen đưa hình ảnh của những phụ nữ trẻ lên mạng xã hội để quảng bá cho công việc làm ăn của bà, nhưng rốt cuộc đã thu hút sự chú ý của các giới chức Đài Loan.

Cơ quan Di trú Đài Loan đã nhận được tin báo và gửi báo cáo tới Văn phòng Công tố Quận Đài Nam để yêu cầu tiến hành điều tra. Hôm 8/1, Văn phòng Điều tra Đài Nam, cùng với cảnh sát thành phố tiến hành chiến dịch truy quét ba cơ sở mát xa trá hình này.

Tại ba nhà thổ, cảnh sát bắt giữ tổng cộng 9 phụ nữ – tất cả đều được miễn visa đến Đài Loan theo diện du lịch nhưng trên thực tế lại tham gia hoạt động bán dâm. Vẫn theo Taiwan News, một phụ nữ phải trốn trong tủ và không kịp mặc quần áo khi cảnh sát ập vào. Trong số những phụ nữ bị bắt, người trẻ tuổi nhất mới lên 18.

Vụ việc này diễn ra giữa lúc nhà chức trách Đài Loan đang truy tìm những khách du lịch Việt Nam còn lại trong số 152 người bỏ trốn vào cuối tháng 12. Khoảng hơn 60 người trong nhóm bỏ trốn đã bị bắt giữ và vụ việc này đã khiến Đài Loan siết chặt các thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch.

https://www.voatiengviet.com/a/can-sat-dai-loan-bat-phu-nu-viet-khoa-than-tron-trong-tu/4745712.html

 

Phát hiện ra Steve Bush người Anh đã chết

sau khi mất tích ở Việt Nam

Người đàn ông quốc tịch Anh được phát hiện đã chết sau khi mất tích ở Việt Nam do nghi ngờ bị bắt cóc vì nợ nần.

Trước đó, gia đình người đàn ông Anh bị mất tích ở nước ngoài cho biết họ lo lắng rằng ông có thể đã bị giết vì nợ nần.

Steve Bush, người gốc Nottinghamshire, Anh quốc sống ở Việt Nam được mười năm nhưng đã biến mất khỏi khách sạn nơi ông sống vào tuần trước.

Thanh niên Scotland ‘bị bắt cóc’ được tìm thấy ở VN

Quan chức Anh nói Việt Nam ‘dẫn đầu thế kỷ châu Á’

Anh ‘muốn tăng hợp tác thương mại với VN’

Em gái ông, Amanda Bush, cho biết họ tin rằng ông này chậm tiền thuê phòng, sau đó bị ốm và được đưa lên taxi nhưng lại không được đưa đến bệnh viện.

Bà nói rằng tin về cái chết của ông thật là “khủng khiếp”.

Bà Amanda Bush nói khi nghe tin ông mất tích:

“Tôi không thể đối mặt với điều này, tôi không thể chịu đựng được. Tôi rất, rất lo lắng.

“Thật khó khi tôi đang ở đây trong khi anh ấy ở một nơi khác, đặc biệt là khi chúng tôi nhận được tin nhắn anh ấy bị bắt cóc hoặc bị sát hại – bạn thực sự không hiểu đâu.

“Có vẻ như nó liên quan đến nợ nần và chúng tôi không dám đi quá xa khi chúng tôi trở thành mục tiêu.”

Ông Bush sống ở Úc trước khi chuyển đến Việt Nam và từng sống trong một khách sạn ở Vũng Tàu, khu nghỉ mát gần thành phố Hồ Chí Minh, một thời gian.

Amanda Bush, sống ở Stapleford, Lincolnshire, Anh quốc cho biết gia đình bà nhận được cảnh báo qua mạng xã hội hôm Chủ nhật từ bạn gái của ông, người đã không gặp ông ấy trong ba ngày.

Bà Bush cho biết bạn gái ông cũng báo rằng cô đã nhận được các cuộc gọi điện thoại yêu cầu bà đón ông Bush và trả khoản nợ 1.000 Bảng.

Một người bạn của gia đình đang sống trong khu vực đã đi điều tra và tìm thấy hộ chiếu, điện thoại và laptop của ông trong phòng khách sạn, đồng thời phát hiện ra visa của ông Bush đã hết hạn.

‘Hoàn toàn bí ẩn’

Cháu trai ông, Freddie Booth, cho biết khách sạn nói với họ rằng họ đã đưa ông Bush lên taxi.

“Tuy nhiên, hãng taxi không thừa nhận việc đón ông và bệnh viện nói họ hiện không chữa trị cho một bệnh nhân người Anh nào.

“Bởi vậy chúng tôi không biết; nó thực sự là bí ẩn,” anh nói.

Cảnh sát vùng Lincolnshire của Anh cho biết vấn đề này đang được Cơ quan Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol giải quyết.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh cho biết: “Chúng tôi đang hỗ trợ gia đình của người đàn ông Anh đã bị chết ở Việt Nam, và đang liên hệ với chính quyền Việt Nam”

Xem thêm bài ‘Nottinghamshire man found dead after going missing in Vietnam‘ trên trang BBC News nội địa ở Anh.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46905045

 

Bộ trưởng Tô Lâm lo ngại người dân muốn đi tù

vì quyền của phạm nhân quá cao

Hòa Ái, phóng viên RFA

Quốc Hội tiếp tục bàn thảo về Luật Thi hành án hình sự sửa đổi. Tại phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vào sáng ngày 10 tháng 1, Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm đặt vấn đề có thể sẽ xảy ra tình trạng người dân cố tình phạm tội để được xử tù vì quy định hiện hành về quyền của phạm nhân ở Việt Nam là quá cao.

Dư luận nói gì xoay quanh vấn đề vừa nêu?

Cần thiết nhưng phải phù hợp và khả thi

Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào sáng ngày 10 tháng 1, đề cập đến dự thảo luật quy định quyền, nghĩa vụ của phạm nhân được hưởng trong thời gian thụ án tù.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh về việc cụ thể hóa quyền con người theo quy định của Hiến pháp đối với phạm nhân là cần thiết, nhưng phải được phù hợp, khả thi và đảm bảo khả năng đáp ứng của nhà nước.

Bà Lê Thị Nga cho biết Ủy ban Tư pháp cho rằng phạm nhân bị hạn chế về quyền tự do đi lại nên một số quyền của công dân khác sẽ khó được thực hiện đầy đủ; do đó Ủy ban Tư pháp đề nghị cho phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân, trừ trường hợp việc thực hiện các quyền đó ảnh hưởng đến chế độ quản lý giam giữ, chế độ giáo dục cải tạo của phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Báo Thanh Niên Online, trong cùng ngày dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm bày tỏ đồng quan điểm với Ủy ban Tư pháp, cho rằng phạm nhân bị cách ly khỏi xã hội, bị hạn chế quyền tự do, nhất là tự do đi lại nên một số quyền công dân khác khó lòng thực hiện được.

Ông Bộ trưởng Tô Lâm nêu lên ý kiến rằng mặc dù một số quyền công dân đã được Hiến pháp quy định nhưng lại vi phạm Luật Thi hành án hình sự thì cũng không được thực hiện trong thời gian bị giam giữ như quyền sinh con, lưu giữ trứng, tinh trùng, hiến tạng…

Người đứng đầu ngành Công an của Việt Nam cho biết sau khi dự thảo luật được thảo luận tại Quốc hội, ông nhận được phản ảnh của cử tri cho rằng những quy định về quyền của phạm nhân là quá cao trong điều kiện đất nước hiện tại. Bộ trưởng Tô Lâm đưa ra dẫn chứng chế độ tù hiện hành quy định một phạm nhân được nhận trong một tháng bao gồm 17 kg gạo, 15 kg rau, thịt, đường, quần áo, thuốc men…trong khi những người dân nghèo ngoài xã hội, dù lao động cần cù cũng không thể có được bao nhiêu thứ ấy.

Thực tế tại nhà tù

Đài RFA trao đổi với một số người dân trong nước, họ là những người từng bị tuyên án tù và được nghe chia sẻ về thực trạng nhà tù tại Việt Nam. Một cựu tù nhân thanh niên ở Lạng Sơn, không muốn nêu tên, cho biết về chế độ ăn uống:

Có những trường hợp bị trận đòn thật căng, đánh trước mặt những tù nhân khác. Chúng tôi chứng kiến có những trường hợp bị đánh trực tiếp và người đấy một tháng sau thì chết nhưng lại tung tin đồn ra là chết vì bị SIDA/AIDS

-Cựu tù nhân trại giam Xuân Nguyên, Hải Phòng

“Chín tháng ở trại giam, chỗ ăn chỗ nằm chỗ ngủ chật chội, thiếu nước. Chế độ ăn uống vẫn phát theo đợt trong tuần vào thứ Hai và thứ Sáu. Mỗi người được 2 miếng thịt to hơn ngón chân cái một tí, có lúc được cá. Mỗi đợt chế độ, gia đình đến thăm gặp không được gửi đồ ăn bên ngoài, không cho gửi vào bất cứ cái gì, bắt buộc em phải mua những đồ trong trại giam thì đắt quá. Em ví dụ, 10 ngàn đồng mua 3 quả cà chua to hơn đầu gón chân cái một tí thôi mà đôi lúc còn bị dập, bị nát.”

Cựu tù nhân lương tâm, Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải kể lại thời gian đầu ông bị chuyển đến trại giam Cái Tàu-Cà Mau hồi năm 2009:

“Lúc đầu tôi bị chuyển đến trại Cái Tàu, Cà Mau thì không có nước. Rất thiếu nước. Cả một cái trại lớn như thế, có khoảng 2000 tù nhân mà chỉ có một cái giếng nước khoan thôi. Mỗi lần tù nhân lấy nước thì họ phải ghé miệng vào trong vòi nước để hút, tại vì nước không chảy. Họ phải hút thật lâu thì mới nghe tiếng ọc ọc của nước rồi mới hứng cái ca nhựa vào và nước chảy ra độ được nửa ca. Rồi họ đổ vào trong cái thùng sơn để chứa nước. Khoảng 5, 6 người ăn cơm thì phải cử một người ra hứng nước. Tuy nhiên, không phải phạm nhân nào cũng đến gần vòi nước được. Chính vì thế, khi ở đó, tôi đã liên tục đấu tranh, trong gần hai tháng liền. Mỗi lần đấu tranh thì tôi lại đưa thông tin ra ngoài. Cho nên, cuối cùng trại Cái Tàu, Cà Mau khoan thêm hai giếng nước nữa cho tù nhân.”

Những cựu tù nhân mà Đài Á Châu Tự Do có dịp trao đổi cho biết các phạm nhân trong nhà tù ở Việt Nam còn bị ngược đãi, hành hạ tàn khốc, mà nhất là bị tra tấn. Một cựu tù nhân ở trại giam Xuân Nguyên, Hải Phòng nhớ lại:

“Còn có những trường hợp bị trận đòn thật căng, đánh trước mặt những tù nhân khác. Chúng tôi chứng kiến có những trường hợp bị đánh trực tiếp và người đấy một tháng sau thì chết nhưng lại tung tin đồn ra là chết vì bị SIDA/AIDS”.

Tù nhân lương tâm, Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình trong thời gian 6 năm tù đày, anh cũng từng tận mắt thấy qua tình cảnh phạm nhân thường phạm bị công an và an ninh dùng dùi cui đánh và cùm hai chân, chỉ vì thông báo cho gia đình qua điện thoại biết mình bị đàn áp mà người phạm nhân này gọi cán bộ trại giam là “tụi nó”. Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình nói với RFA về chế độ tù khắc nghiệt tại Việt Nam:

“Sức khỏe của tù nhân trong các trại giam tại Việt Nam đa số đều bị ảnh hưởng rất nặng nề. Khi chế độ dinh dưỡng không đầy đủ thì hơi lạnh, hơi nóng của thời tiết theo mùa cũng gây ảnh hưởng. Còn tù thường phạm thì họ bị ngược đãi còn tệ hơn một con thú vật. Tù nhân chính trị như chúng tôi, mặc dù chúng tôi lên tiếng phản đối và những lời phản đối đó đến tận Trung ương, nhưng họ vẫn làm ngơ và luôn trù dập chúng tôi, đàn áp theo kiểu này kiểu kia, từ tinh thần đến cả vật chất. Trong khi luật của nhà cầm quyền Cộng sản là hạn chế quyền công dân, nhưng thực tế chúng tôi phải đối diện với cái sống và cái chết trong tích tắc.”

Hôm 08/12/18, Ủy ban Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc ban hành một văn bản “Quan sát Kết Luận” về Việt Nam để đánh giá việc thực hiện Công ước chống tra tấn của Việt Nam và nêu ra các vấn đề mà Ủy ban thấy quan ngại, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để Việt Nam thực hiện.

Trong văn bản công bố vừa nêu, Ủy ban Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc nêu lên quan ngại liên quan tỷ lệ tù nhân tại Việt Nam tăng cao trong một thập niên qua cũng như các điều kiện giam giữ không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh, đồ ăn thức uống không đầy đủ và không đảm bảo, các buồng giam quá đông và không đủ ánh sáng, lỗ thông hơi, chăm sóc y tế không đầy đủ và thích hợp, tù nhân bị cưỡng bức lao động trong môi trường độc hại… Ủy ban Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc đặc biệt lưu ý đến tình trạng tù nhân bị biệt giam và bị đưa vào buồng kỷ luật, bị tra tấn, bị giam chung với các tù nhân có bệnh truyền nhiễm. Ủy ban Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc còn nhấn mạnh về trường hợp những tù nhân lương tâm tại Việt Nam tố cáo họ bị tra tấn tinh thần và bị cho uống những loại thuốc mà gây hại cho sức khỏe của họ.

Đại diện Bộ Công An Việt Nam trước Liên Hiệp Quốc vào hôm 15/11 cho biết hiện ở Việt Nam, Bộ Công An quản lý 54 trại giam, quân đội quản lý 3 trại giam, ngoài ra còn có 82 trại tạm giam. Mỗi tù nhân được đảm bảo 2 mét vuông đầu người. Các trại có thể chứa từ 2.000 đến 5.000 phạm nhân.

Theo số liệu trên Wikipedia, trại giam Z-30D, ở Bình Thuận là trại giam lớn nhất, chứa hơn 8000 phạm nhân, tính đến thời điểm năm 2016.

Người dân vẫn muốn đi tù?

Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm, tại phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, lên tiếng cảnh báo có thể sẽ xảy ra tình trạng người dân cố tình vi phạm pháp luật để được xử đi tù vì các quy định về quyền của phạm nhân là quá cao, và nếu như thế thì sẽ gây ra nhiều khó khăn về mặt xã hội.

Trong lúc Bộ trưởng Tô Lâm cho biết bản thân ông rất suy nghĩ khi nhận được những phản ánh liên quan như vừa nêu thì không ít người dân Việt Nam, thuộc trong số hàng ngàn dân oan là nạn nhân mất nhà mất đất do bị cưỡng chế, thu hồi sai pháp luật kêu than rằng họ xin được đi tù vì tình cảnh “sống dở chết dở”.

Bất kỳ một quốc gia nào, một chế độ nào thì nhà tù là nơi khổ ải vì người ta nói là ‘tù đày’ mà. Nhà tù của nhà cầm quyền Cộng sản thì còn khổ đến cỡ nào. Đến ngày hôm nay, dân oan nói chung và dân oan tại vườn ra Lộc Hưng, họ chọn vào tù thì hoàn cảnh của con người ta là sống không ra sống mà chết không ra chết. Tôi dám dùng từ đó là cảnh sống khốn cùng, khốn cùng tột đỉnh của một con người

-Cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Tú

Một cư dân ở vườn rau Lộc Hưng, cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Tú chia sẻ với Đài RFA rằng 200 hộ dân vừa bị Chính quyền quận Tân Bình cưỡng chế trong những ngày 4/1 và 8/1/2019 mong mỏi được vào tù, vì hiện tại công an, an ninh lập chốt chặn không cho cư dân Lộc Hưng bước chân vào khu vực vườn rau bị đổ nát để tìm chút gì còn sót lại mà họ có thể quơ quào trong cảnh màn trời chiếu đất. Ông Huỳnh Anh Tú nghẹn ngào cho biết các cư dân Lộc Hưng dừng chân cầu nguyện tại đền Đức Mẹ, mà “hàng ngũ công an, an ninh chĩa camera soi rọi bà con chúng tôi như là những tội phạm sắp sửa bị truy nã”.

Cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Tú nói thêm:

“Bất kỳ một quốc gia nào, một chế độ nào thì nhà tù là nơi khổ ải vì người ta nói là ‘tù đày’ mà. Nhà tù của nhà cầm quyền Cộng sản thì còn khổ đến cỡ nào. Đến ngày hôm nay, dân oan nói chung và dân oan tại vườn ra Lộc Hưng, họ chọn vào tù thì hoàn cảnh của con người ta là sống không ra sống mà chết không ra chết. Tôi dám dùng từ đó là cảnh sống khốn cùng, khốn cùng tột đỉnh của một con người.”

Những người dân mà Đài RFA tiếp xúc nói rằng trước lời cảnh báo của Bộ trưởng Bộ Công An về tình trạng người dân muốn phạm pháp để được xử tù, thì Quốc Hội cần lắng nghe nguyện vọng muốn vào tù của dân chúng là vì đâu? Và nếu như quan ngại của Bộ trưởng Tô Lâm rằng người dân muốn vào tù do quy định về phạm nhân là quá cao thì liệu rằng 54 trại giam ở Việt Nam sẽ chứa nổi các tù nhân tự nguyện?

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-minister-concerns-about-people-want-to-go-to-jail-01162019132529.html

 

Làm sao chấm dứt nạn xâm hại trẻ em?

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công an thì năm 2018 trên toàn quốc phát hiện 1.547 vụ xâm hại trẻ em. Trong đó chiếm 82%, tức gần 1.300 vụ là xâm hại tình dục. Đặc biệt, có tới 43 vụ giết trẻ em, 425 vụ hiếp dâm trẻ.

Tuy nhiên đây chỉ là con số được phát hiện, là “phần nổi của tảng băng chìm” chứ con số thật thì khó mà biết vì rất nhiều trường hợp người nhà che giấu do tâm lý xấu hổ hoặc do hung thủ đe dọa.

Nguyên nhân từ đâu?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP. Hồ Chí Minh nhận định người có hành vi xâm phạm trẻ em có nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần xã hội khác nhau và cơ bản là trình độ văn hóa thấp và nhận thức về xã hội rất hạn chế. Trong đó số đông những người có trách nhiệm nuôi dưỡng quản lý trẻ em như giáo viên, bảo mẫu, cha mẹ ruột, cha dượng, mẹ kế lại xâm phạm trẻ em nhiều nhất.

Ông nói thêm rằng do trình độ hiểu biết pháp luật của nạn nhân và người nhà hạn chế nên họ không trình báo với cơ quan công an mà lại tự đi phản ứng với nghi phạm.

Một phụ nữ ở Bình Thuận không muốn nêu tên có con gái bị một thanh niên hàng xóm xâm hại tình dục năm 2017, khi bé chỉ mới 11 tuổi, kể với RFA:

“Tôi về đến nhà là thấy bé đứng khóc, bé lết vô trong cánh cửa và bé khóc. Hỏi một chặp thì bé nói ‘con kể cho mẹ nghe mà mẹ đi mẹ bỏ con ở nhà thì anh Tí giết con. Lúc nào anh Tí cũng cầm dao dọa con, để dao trên cổ con, biểu con nhắm mắt lại rồi một tay nữa là bụm miệng con lại, biểu con là không được nói chứ mày nói thì tao giết mày…’.

Phản ứng đầu tiên là mình kêu Tí qua thì Tí cũng có nhận lỗi là Tí có làm. Mình đưa đơn cho công an thì công an xã biểu là về giải hòa, đừng thưa kiện đi tới đi lui tốn tiền.”

Chị cho biết thêm là sau khi công an xã nói về giải hòa, chị viết thêm một lá đơn nữa đưa xuống cho huyện. Công an không cho biết rõ sự việc giám định mà cứ hỏi rằng bây giờ muốn gia đình người ta bồi thường bao nhiêu.

Còn theo Luật sư Minh Thọ ở TP. HCM thì ngoài việc trình độ văn hóa thấp và thiếu hiểu biết pháp luật, một yếu tố nữa dẫn đến việc xâm hại trẻ em là do đạo đức xã hội băng hoại, pháp luật không được tôn trọng trong các phiên xử dẫn đến người dân coi thường pháp luật, và ông kết luận “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn”.

Ông dẫn chứng bản án quá nhẹ của ông Nguyễn Khắc Thủy với tội dâm ô trẻ em, do ông Thủy là đảng viên.

Nguyễn Khắc Thủy, 77 tuổi nguyên Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu phạm tội dâm ô với em bé gái.

Tại phiên sơ thẩm tháng 7/2017, ông Thủy bị TAND TP Vũng Tàu tuyên 3 năm tù giam tội dâm ô, nhưng đến phiên phúc thẩm ngày 11/5/2018 thì tòa lại tuyên ông Nguyễn Khắc Thủy 18 tháng tù và cho hưởng án treo.

Sau khi truyền thông trong nước và dư luận nhiều nơi lên tiếng, ngày 15/5/2018, Tòa Tối cao rút hồ sơ vụ Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em về xem xét lại và chiều 1/6/2018, TAND Cấp cao tại TP.HCM quyết định tuyên hủy bản án phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm, tức tuyên phạt ông Thuỷ 3 năm tù.

Các diễn đàn, hội thảo trong nước về thực trạng bạo hành, xâm hại trẻ em chỉ ra gần 70% trẻ em thừa nhận bị bố mẹ đánh đập dưới nhiều hình thức và có nhiều vụ trẻ em bị đánh đập dã man được phanh phui.

Điển hình là câu chuyện bé trai 10 tuổi ở Hà Nội bị chính cha ruột và mẹ kế bạo hành đến mức gãy xương sườn, nứt sọ não khiến ông bà nội và mẹ ruột không thể nhận ra. Cơ quan điều tra – Công an quận Cầu Giấy đã khởi tố vụ án sau khi bé trai trốn được ra khỏi nhà để về nhà ông bà nội.

Không chỉ trong gia đình mà còn ở nhà trường, nơi các thầy cô giáo hay bảo mẫu phải có kiến thức xã hội và luật pháp cao hơn, thì trẻ em vẫn bị xâm hại.

Rất nhiều những vụ bạo hành trẻ mầm non được đưa lên mạng xã hội; học sinh tiểu học bị bạo hành ngay trong lớp học mà một trong những vụ gây bức xúc trong xã hội là một học sinh lớp 6, vì bị cho là nói bậy đã bị tát đến 231 cái đến nỗi phải nhập viện, hay như vụ một giáo viên tiểu học tại Hà Nội bị tố bắt trẻ lớp 2 tát bạn 50 cái.

Ai bảo vệ trẻ?

Luật Trẻ em năm 2016 được Quốc hội thông qua với những quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, nhằm bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Tuy vậy, những vụ xâm hại trẻ em về mọi mặt như bạo hành, xâm hại tình dục vẫn xảy ra rất nhiều ở Việt Nam từ nông thôn cho đến thành thị. Nhiều tổ chức xã hội dân sự hay NGO được thành lập và hoạt động tại Việt Nam để tuyên truyền, vận động và giúp đỡ trẻ, nhưng vẫn chưa thành công vì chưa thể kết hợp từ nhiều phía như công an, luật pháp…

Một diễn đàn có tên Diễn đàn bảo vệ trẻ em (Child Protection Forum) để mọi người lên tiếng, chia sẻ với mọi người câu chuyện của mình; câu chuyện mình biết hay giải pháp có thể góp phần giải quyết tình trạng bạo hành trẻ em, bạo lực học đường.

Lời kêu gọi mới nhất trên diễn đàn này được đưa ra ngay sau vụ Hiệu trưởng Đinh Bằng My ở Phú Thọ dâm ô hàng chục nam sinh rằng “Cho dù chúng ta là ai, chúng ta đều liên quan đến nỗ lực kiến tạo một môi trường xã hội an toàn, trong đó có môi trường học đường an toàn. Lên tiếng theo cách của bạn và chúng ta cùng lên tiếng tố cáo, vạch trần cái ác.”

Một xã hội ổn định phải có luật pháp nghiêm minh. Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng chuyện xâm phạm trẻ em đã xử rất nhiều nhưng vẫn không ngăn chặn được bởi rào cản định chế trong luật pháp Việt Nam. Ông nói:

“Tôi thấy chuyện xâm phạm trẻ em vừa rồi đã xử rất nhiều nhưng Việt Nam có một định chế là suy đoán vô tội nên trước hết phải chứng minh người đó phạm tội bằng chứng cứ chứ không thể chỉ nghe trẻ em kể lại.

Nếu không tạo điều kiện thu thập chứng cứ thì rất khó tố tụng. Dây là cái khó khăn hiện nay.”

Ông nêu lên một giải pháp mà theo ông có thể giảm bớt phần nào những hành vi xâm hại trẻ em:

“Ngoài việc tuyên truyền kiến thức cho người dân thì luật cần bổ sung thêm là phải cấm vĩnh viễn những người có hành vi dâm ô với trẻ em hay phạm tội tình dục với trẻ em được làm những công việc có liên quan tới trẻ, không được tiếp cận với trẻ, đồng thời công khai tên tuổi trên trang thông tin quốc gia. Cơ quan công an điều tra có thể dùng bẫy để phát hiện tội phạm”.

Luật sư Ngô Anh Tuấn, trưởng văn phòng luật mang tên ông ở Sài Gòn từng nói với chúng tôi rằng phía luật sư có ý kiến rất nhiều lần rồi với Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và cần phải sớm điều chỉnh, cụ thể là bổ sung lời khai của trẻ em qua một quy trình giám định, qua một quy trình lấy cung đặc biệt sẽ được xem như một chứng cứ buộc tội bị cáo.

Khi mà xem lời khai là chứng cứ thì khả năng buộc tội dễ dàng và hợp pháp hơn. Hiện giờ những việc đó hoàn toàn chưa thừa nhận trừ khi mà họ nhận tội, còn lời khai của trẻ em không được xem là chứng cứ buộc tội nên rất khó.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-to-end-violence-against-children-01172019061114.html

 

Tin Amazon ‘vào Việt Nam’

chỉ có doanh nghiệp quan tâm?

Tin công ty Amazon vào Việt Nam được đón nhận bằng những ý kiến và phản ứng khác nhau.Một doanh nhân nói với BBC rằng tin Amazon hợp tác với Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam “đem nhiều cái lợi cho các nhà sản xuất vừa và nhỏ của Việt Nam ra thế giới”.

Website của Bộ Công thương hôm 15/1 cho hay: “Cục Xúc tiến Thương mại chính thức hợp tác với Amazon Global Selling, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu và phát triển thương hiệu thông qua thương mại điện tử.”

Thái Lan đầu tư vào Việt Nam thì có gì tự hào?

Formosa tăng đầu tư vào nhà máy thép Vũng Áng

Người Việt Nam ‘tự tin chi tiêu mạnh’

Việt Nam khuyến khích khởi nghiệp ở WEF ASEAN 2018

“Việc hợp tác nhằm mang lại sự đổi mới trong công tác xúc tiến thương mại mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm biến đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và đưa thương mại điện tử trở thành một hình thức giao dịch thương mại có tiềm năng phát triển.”

“Việc hợp tác này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với hơn 300 triệu khách hàng, trong đó có hơn 100 triệu khách hàng Prime tại nhiều thị trường khác nhau của Amazon, cũng như hàng triệu đại lý mua hàng sỉ ở Mỹ, châu Âu và Nhật,” website nêu trên viết.

Việc này cũng bao gồm chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về thương mại điện tử để xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa và học kỹ năng bán hàng toàn cầu trên Amazon.com.

Động thái nêu trên được một số báo Việt Nam diễn giải rằng Amazon “chính thức mở đường vào Việt Nam”.

Trang Vnreview.vn đưa dự báo: “Sắp tới đây, người Việt Nam có thể trực tiếp mua bán hàng trên trang thương mại điện tử Amazon.com mà không cần phải qua khâu trung gian.”

Trên mạng xã hội có nhiều người hồ hởi cho rằng thời “hàng Mỹ xách tay” đã qua. Lâu nay, nhiều người ở Việt Nam đặt hàng trên Amazon tại Mỹ và sau đó nhờ dịch vụ vận chuyển hàng gửi về Việt Nam khiến chi phí tăng lên khá cao.

‘Thị trường Việt Nam khá bé’

Hôm 16/1, ông Sam Đỗ, giám đốc điều hành SAMASER Holdings, nói với BBC:

“Theo như tôi hiểu, Amazon Global Selling sẽ trợ giúp về mảng cung ứng, đem nhiều cái lợi cho các nhà sản xuất vừa và nhỏ của Việt Nam ra thế giới.”

“Nhất là các nhà sản xuất sản phẩm thủ công phù hợp với chiến lược đẩy mạnh nền tảng Etsy của Amazon.”

“Còn về người tiêu dùng của Việt Nam nói chung chắc không quan tâm vì họ khó được hưởng lợi từ vụ này khi mà thị trường Việt Nam khá bé so với Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.”

“Hơn nữa, thị trường Việt Nam do Lazada cũng như Shopee đang chiếm lĩnh.”

“Còn tại Ấn Độ thì Amazon đang phải chiến đấu cật lực với một ông lớn khác là Walmart.”

Cùng ngày, trả lời BBC, ông Nguyễn Hồng Phúc, chuyên gia bảo mật độc lập ở TP.Hồ Chí Minh, nói: “Trong vụ này, tôi chỉ quan tâm chuyện Amazon có khả năng sẽ báo cáo đầy đủ về doanh thu mua bán của các người bán hàng là người Việt cho cơ quan thuế ở Việt Nam, dù doanh thu của nhà bán hàng FBA (lưu kho và chuyển hàng cho các người bán trên Amazon) phát sinh tại Mỹ.”

“Dự kiến là những người Việt bán hàng FBA sẽ phải đóng thuế đầy đủ.”

“Việc hợp tác này có vẻ không liên quan đến tình hình thương mại điện tử ở Việt Nam.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46859781

 

HRW: Việt Nam gia tăng chính sách đàn áp

có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản

Việt Nam đã gia tăng chính sách đàn áp có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong năm 2018.

Đây là nội dung được đề cập đến trong bản Phúc trình toàn cầu 2019 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch đưa ra vào ngày 17/1.

Bản Phúc trình 2019 dài 674 trang của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã xem xét các hoạt động nhân quyền tại hơn 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo bản phúc trình, các hình thức đàn áp của chính phủ Hà Nội bao gồm các cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, hội họp, và quyền tự do tôn giáo. Theo Human Rigths Watch, mặc dù tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ, nhưng nhiều nhà tài trợ và đối tác thương mại vẫn phớt lờ và tiếp tục làm ăn với Việt Nam như bình thường.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc Ban châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền cho biết chính sách leo thang đàn áp và các bản án tù ngày càng khắc nghiệt cho thấy nỗ lực của chính phủ trong việc cố gắng đàn áp ý chí của những người đấu tranh cho nhân quyền, nhưng lại phản tác dụng khi ngày càng nhiều người đứng lên đòi hỏi quyền lợi.

Ông Phil cũng cho rằng các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế nên công khai ủng hộ những người bảo vệ nhân quyền dũng cảm này.

Theo Human Rights Watch, trong năm 2018, chính quyền Việt Nam đã tìm cách phá vỡ một số mạng lưới bất đồng chính kiến. Ít nhất 42 người đã bị kết án vì bày tỏ ý kiến ​​chỉ trích chính phủ, tham gia các cuộc biểu tình một cách ôn hòa hoặc tham gia các nhóm ủng hộ dân chủ.

Trong đó bao gồm 9 thành viên của Hội Anh em Dân chủ và 5 thành viên của Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết. Vào tháng 6, hai trong số các thành viên của Hội Anh em Dân chủ, Luật sư Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà, đã chấp nhận được ra tù và lưu vong ở Đức.

Theo phúc trình của Human Rights Watch, công an Việt Nam đã sử dụng nhiều chiến thuật đàn áp và hạn chế các nhà hoạt động và bloggers, bao gồm giám sát, quấy rối, quản thúc tại gia, cấm đi lại, giam cầm, dọa nạt và thậm chí tra tấn trong khi thẩm vấn.

Cảnh sát đã bắt giữ những người bị nghi ngờ vi phạm an ninh quốc gia, điều tra trong nhiều tháng và thậm chí nhiều năm nhưng không cho họ tiếp cận với gia đình hoặc luật sư.

Côn đồ được chính phủ dung túng đã tấn công các nhà hoạt động và các blogger. Trong một số trường hợp, cảnh sát đã ở gần nhưng không làm gì để ngăn chặn các cuộc tấn công.

Vẫn theo ông Phil Robertson, chính quyền Việt Nam tuyên bố không liên quan gì đến các cuộc tấn công chống lại các nhà phê bình và các nhà hoạt động, nhưng sự thật là những kẻ côn đồ không bao giờ phải chịu trách nhiệm. Chính phủ từ chối thực hiện các cuộc điều tra kỹ lưỡng.

Theo Human Rights Watch, tất cả các phương tiện truyền thông ở Việt Nam đều nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước và đảng. Luật an ninh mạng là cách mới nhất mà các nhà chức trách đang cố gắng kiểm soát internet và cắt đứt mọi người truy cập vào các quan điểm độc lập.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hrw-vn-intensifying-rights-crackdown-01172019082203.html