Tin Việt Nam – 16/12/2016
Miền Trung hứng chịu nhiều trận lũ lụt lớn bất thường
Thanh Trúc, RFA
Những cơn mưa lớn cộng thêm với nước xả lũ từ 14 đập thủy điện ơ thượng nguồn khiến nhiều nơi ở miền Trung bị ngập nặng, khiến nhiều người chết, giao thông tắc nghẽn, trường học công sở phải đóng cửa, lúa và hoa màu bị hư hại.
Nước ngập khắp nơi
Liên tiếp trong mấy ngày qua, các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai bị ngập sâu nghiêm trọng trên diện rộng.
Và đến ngày 14/12 vừa qua, các hồ chứa của các đập thủy điện miền Trung đạt dung tích nước 80 đến 100%. Báo chí trong nước đưa tin 14 hồ thủy điện ở Quảng Trị , Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngải, Bình Định đang đồng loạt tháo nước khiến nhiều khu vực ở hạ lưu bị ngập nặng.
Mưa lớn kéo dài trong đêm 14/12 cũng làm quốc lộ 40B đoạn qua huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nghiêm trọng, đời sống cư dân bị đe dọa.
Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho biết mưa lũ từ ngày 11/12 đến nay đã khiến ít nhất 9 người chết.
Bước sang ngày 15/12, dự báo khí tượng và thủy văn khuyến cáo mưa lớn vẫn tiếp tục. Tại Bình Định, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã có cuộc họp khẩn, yêu cầu các địa phương triển khai phương án chuyển dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Thời gian di đời được chỉ thị phải kết thúc trước 7 giờ tối cùng ngày.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do về tình hình tại chỗ, một nông dân ở Bình Sơn, Quảng Ngãi, nói rằng nơi nào cũng ngập nước:
“Các xã đều ngập hết, ngập nhiều, chết người cũng có, hoa màu ngập rất nhiều. Hiện giờ nước ở mức báo động 3, từ Nghĩa Hành, Mộ Đức chỗ nào cũng bị ảnh hưởng lụt.”
Một cư dân khác ở Quảng Trị so sánh mức độ ngập sâu, ngập nông như sau:
“Ở Quảng Trị đợt này mưa cũng khá nhiều, các tỉnh khác thì có xả lũ nhưng Quảng Trị đợt này không xả lũ thanh không bị ngập lụt, chỉ các tỉnh phía Trung Bộ mới bị tình trạng vừa mưa mà vừa xả lũ.
Tại Quảng Trị nước bây giờ là nước ứ chứ nó không hẳn là nước lũ, chỉ sâm sấp mặt ruộng thôi, ruộng đã khái thác đó. Tình trạng nặng như vào trong Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Nha Trang. Ở Huế thì thành phố cũng bị ngập luôn, hai bên bờ sông Hương đều ngập cả. Nếu tình hình mưa cứ giữa mức cao như vậy thì có lẽ các đập sẽ tiếp tục xả lũ.”
Đồng loạt xả lũ
Việc 14 đập thủy điện miền Trung đồng loạt xả lũ càng khiến cho lũ lụt thêm nặng nề, người dân các vùng ngập lụt ở hạ du thêm khốn khổ. Theo người dân địa phương, mực nước đang tiếp tục dâng cao tại Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam, hậu quả là thời vụ trồng trọt cũng như chăn nuôi mùa Đông của bà còn bị mất trắng.
Một viên chức ở Quảng Nam, không muốn nêu tên, cho Đài Á Châu Tự Do biết:
“Xả đập trên sông Vu Gia tới 9 thủy điện luôn, từ A Vương, Sông Tranh 1, Sông Tranh 2, Sông Bung 1, Sông Bung 2, Đak Min 1, Đak Min 2. Đủ các loại thủy điện hết nên dân bị nặng, mất trắng hết giống, khổ lắm.”
Đối phó cùng lúc với mưa lũ và lượng nước xả ra từ các đập thủy điện không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới, là giải thích của Giáo sư Tiến sĩ khoa học Phạm Hồng Giang, nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Hội đập lớn Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đập lớn thế giới, giảng viên Đại Học Thủy Lợi Hà Nội:
“Trân website của Hội Đập Lớn tôi đã có trao đổi một số lần, chỉ nói thêm rằng đối với các hồ, nhất là các hồ lớn, đều đã có qui trình vận hành trong mùa mưa lũ. Khi vận hành phải đảm bảo làm sao giảm nhẹ mức lũ dưới hạ du khi một con nước về, đồng thời cũng phải đảm bảo được lượng nước sử dụng trong mùa khô, thì qui trình đó đã có.
Thế thì giữ nước rồi xả nước như thế nào thì theo qui trình, đồng thời có thông báo và có dự báo của khí tượng thủy văn, để biết trong thời gian sắp tới mưa lũ như thế nào.
Như vậy mình phải theo qui trình đó để vận hành cái đập. Thế còn việc kiểm tra trong thời gian vừa qua chặc chẻ đến đâu thì cũng phải chờ có thông tin hay số liệu đầu đủ đã.”
Đối với các đập thủy điện lớn có hồ chứa lớn, Giáo sư Tiến sĩ Phạm Hồng Giang nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải có dự báo tốt, phải có sự tính toán xả lũ trong hồ trước để có dung tích trống cho đợt lũ tiếp theo:
“Theo đánh giá chủ quan của tôi lượng lũ lớn và dồn đập cũng là ảnh hưởng nhất định của sự thay đổi khí hậu. Nhưng dù sao sự an toàn của hồ cũng là quan trọng, có những biểu hiện không an toàn thì phải xả. Đập mà không an toàn sẽ là thảm họa lớn ở hạ du.”
Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ nay đến ngày mai 17/12, các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Ninh Thuận sẽ còn có mưa vừa và to, nhưng từ Đà Nẵng đến Phú Yên sẽ có mưa rất to khiến mực nước dâng cao trên các con sông những nơi này và gây ra lũ quét cũng như đất truồi.
Hiện mức nước trên các sông ở Thừa Thiên Huế và Phú Yên cũng đang lên nhanh.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/flood-in-central-more-severe-tt-12162016105700.html
Việt Nam tuyên án 2 người tội ‘Lật đổ chính quyền’
Hôm 16/12, Tòa án tỉnh Thái Bình đã tuyên án Cựu trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Trần Anh Kim 13 năm tù giam và ông Lê Thanh Tùng 12 năm tù giam về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Theo tin từ Luật sư Võ An Đôn, luật sư bào chữa cho ông Lê Thanh Tùng, ông Trần Anh Kim đã có ý tưởng thành lập tổ chức có tên “Lực lượng quốc dân dựng cờ dân chủ” với lực lượng nòng cốt là các sĩ quan và hạ sĩ quan trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Mục đích của tổ chức là để lật đổ chế độ hiện nay và thành lập một nhà nước dân chủ.
Tuy nhiên, trước khi tổ chức này làm lễ ra mắt trên mạng internet vào ngày 21/9/2015, hai ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng đã bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt giữ.
LS. Võ An Đôn cho biết thêm:
“Các anh khai tại tòa là lực lượng của các anh có khoảng 6 người, nhưng lập trên mạng ảo, không biết ai là ai hết. Chỉ có 2 anh là có thật thôi, còn 4 người kia là ảo. Mà 2 anh hồi giờ chưa có gặp nhau, ra tòa mới gặp nhau”.
Các luật sư bào chữa nói với VOA rằng những bản án dành cho hai ông là “không đúng” vì không thể kết án một người dựa trên “ý tưởng” được.
LS. Võ An Đôn nói:
“Anh Tùng và anh Kim nói mình vô tội. Còn các luật sư bào chữa cho các bị cáo thì cũng đều chứng minh [các bị cáo] là vô tội bởi vì hai anh thành lập tổ chức gọi là ‘Lực lượng quốc dân dựng cờ dân chủ’ thì đây chẳng qua là một cái hội thôi. Nhưng khi chưa thành lập chính thức thì đã bị bắt và bị khởi tố”.
Ông Trần Anh Kim, 67 tuổi, là một cựu trung tá quân đội Việt Nam. Ông đã từng bị án tù 5,5 năm vào năm 2009 với tội danh tương tự theo điều 79. Ông Kim đã bị bắt khi còn đang trong thời gian bị quản chế sau khi mãn hạn tù.
Ông Lê Anh Tùng là thành viên của khối 8406. Ông Tùng cũng đã bị kết án 4 năm tù giam theo điều 88 “tuyên truyền chống nhà nước XHCN Việt Nam”. Tháng 6/2015, ông Tùng được mãn án trước thời hạn nhưng cũng bị bắt lại khi đang trong thời gian bị quản chế.
Các chính phủ và tổ chức quốc tế đã nhiều lần lên án Việt Nam về việc kết án người bất đồng chính kiến bằng các điều luật 79 và 88. Các tổ chức quốc tế cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam hủy bỏ những điều luật bị cho là vi phạm nhân quyền này.
Theo bảng xếp hạng mới nhất của tổ chức Nhà báo Không biên giới, Việt Nam đã bị xếp thứ 175/180 về tự do báo chí, tự do ngôn luận.
http://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-tuyen-an-hai-nguoi-toi-lat-do-chinh-quyen/3639137.html
Biểu tình phản đối
nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc ở Đà Nẵng gây ô nhiễm
Truyền thông Việt Nam cho hay sáng hôm qua, 14/12, vì bức xúc trước việc nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc gây ô nhiễm nghiêm trọng, người dân Đà Nẵng đã kéo đến bao vây trước cổng nhằm gây sức ép, yêu cầu lãnh đạo nhà máy thép phải đối thoại và có biện pháp xử lý môi trường.
Hàng trăm người dân đã bao vây trước cổng Công ty Cổ phần Thép Dana Ý ở quận Liên Chiểu và Công ty Cổ phần Thép Dana Úc ở huyện Hòa Vang phản đối hai nhà máy này gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Không có tin việc chính quyền cản trở hay đánh đập người biểu tình nhưng “có đưa nhân viên xuống để đảm bảo trật tự.”
Báo VNExpress trích lời ông Mai Xuân Thọ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, nói rằng Công ty CP Thép Dana Úc và Công ty CP Thép Dana Ý trong quá trình sản xuất đã xả khói bụi, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, và Công ty Dana Úc còn chôn nhiều tấn xỉ sắt, thép ra khuôn viên nằm sát khu dân cư khiến cuộc sống người dân bị xáo trộn. Người dân không chỉ gánh chịu mùi hôi, sống trong bụi bặm, mắc hàng loạt bệnh, trong đó có ung thư, mà hoa màu của dân cũng bị ảnh hưởng.
Cũng theo báo chí trong nước, trước đó người dân đã gửi đơn khiếu nại đến chính quyền Đà Nẵng, yêu cầu thành lập tổ giám sát cộng đồng để kiểm tra hoạt động sản xuất của công ty trong đó có chính quyền sở tại và người dân địa phương tham gia.
Cuộc biểu tình tiếp diễn trong ngày thứ Năm 15/12, khi người dân Hòa Liên đã mang theo bạt che tạm, mì ăn liền và bao vây cổng hai nhà máy này để phản ứng vì ô nhiễm.
Chiều ngày thứ Năm 15/12, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý đối thoại với người dân xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và đại diện hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc nằm ở khu công nghiệp Hòa Khánh. Ông Minh đã yêu cầu cả hai nhà máy dừng hoạt động để nâng cấp, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường và cảnh báo người dân không nên bao vây nhà máy.
Cũng theo truyền thông trong nước, khi giải thích nguyên nhân nhà máy thép xả khói bụi ra môi trường thời gian gần đây, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thép Dana Ý cho rằng “do lỗi chập điện”.
Phản ứng của chính quyền Đà Nẵng, dù không thể mang lại môi trường trong lành ngay tức thì, cũng cho thấy sự thận trọng và lo sợ của lãnh đạo Việt Nam khi bất kỳ nơi nào có biểu tình hay tụ tập đông người. Cuộc biểu tình diễn ra giữa lúc mối quan ngại về sự cố ô nhiễm môi trường bị quy cho hệ thống xả thải của nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh tiếp tục tăng cao.
Sau sự cố ô nhiễm môi trường Formosa, Việt Nam buộc phải xem xét lại khi đưa vào quy hoạch các dự án sản xuất thép. Hồi đầu tuần, Bộ Công Thương không còn để tên Tập đoàn Hoa Sen (HSG) là chủ đầu tư một dự án ở tỉnh Ninh Thuận trong bản dự thảo thứ nhì về quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025.
Nguồn: Lao Động, Báo Đà Nẵng, Báo Tài nguyên và Môi trường, VOA
http://www.voatiengviet.com/a/bieu-tinh-phan-doi-nha-may-thep-o-da-nang-gay-o-nhiem/3638039.html
Tối hậu thư cho việc bồi thường thảm họa Formosa
Tiền bồi thường cho nạn nhân thảm họa môi trường do Formosa gây nên phải được đến tay người dân trước ngày 25 tháng 12 năm nay. Bên cạnh đó một nhiệm vụ cấp bách là phải giải quyết lượng hải sản tồn kho để dân đưa ra tiêu thụ. Ngoài ra phải sớm công bố biển miền Trung và hải sản miền Trung đã hoàn toàn sạch, số hải sản nhiễm độc đã bị tiêu hủy hoàn toàn.
Đó là những chỉ đạo mà ông tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ- Mai Tiến Dũng, đưa và được công bố trên trang mạng của chính phủ Hà Nội trong ngày hôm nay.
Tin cho biết Tổ Công tác của Thủ tướng Chính Phủ vào ngày hôm qua làm việc tại tỉnh Quảng Bình. Hôm nay, tổ có cuộc làm việc tại tỉnh Hà Tĩnh.
Cũng như tại Quảng Bình, Tổ Công tác tiến hành kiểm tra một số kho đông lạnh hải sản và đến tại xã Thạch kim giám sát việc tiêu hủy gần 300 tấn hải sản tồn động bị xét nghiệm nhiễm các loại kim loại nặng như phenol, cadimi.
Tại Hà Tĩnh, ông Mai Tiến Dũng nhắc lại chỉ thị tỉnh này phải hỗ trợ ngay tiền bồi thường do thảm họa môi trường Formosa cho ngư dân và tiểu thường. Ông này yêu cầu chính quyền địa phương đến trước tết âm lịch Đinh Dậu, tại tỉnh này không còn cá bị nhiễm độc.
Từ đầu tháng tư vừa qua, nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh xả hóa chất độc hại trực tiếp ra biển gây nên thảm họa môi trường hải sản chết hằng loạt dọc theo bốn tỉnh miền trung từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên- Huế.
Có đổi tiền hay không, tại sao?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Tin đồn đổi tiền từ ba tuần qua vẫn âm ỉ trên thị trường và dân chúng Việt Nam bất kể chính phủ đã từng rất nhiều lần khẳng định đây chỉ là tin đồn nhảm và không có cơ sở.
Mặc Lâm phỏng vấn TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng từ Hoa Kỳ và hiện là cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc và Kinh tế trưởng (Chief Economist) của Vietbank (Ngân hàng Việt Nam Thương Tín) tại Sài Gòn để tìm hiểu thêm chi tiết về tin đồn này có thể thành hiện thực hay không, trước tiên TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết nhận xét của ông:
Thứ nhất không phải chỉ có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lo lắng về tin đồn đổi tiến đâu mà rất nhiều người dân họ nói chuyện với tôi thì họ cũng hỏi tôi cái việc đổi tiền đó thực hư như thế nào. Một vài người bạn của tôi cũng đã bỏ tiền đi mua vàng nhưng rõ ràng giá vàng ngày hôm nay rớt xuống như thế này mà chuyện đổi tiển chưa thấy xảy ra.
… tôi đã trực tiếp hỏi viên chức Ngân hàng Nhà nước là có đổi tiền hay không và viên chức này cho biết rằng chuyện đó không có.
– TS Nguyễn Trí Hiếu
Theo tôi thì việc đổi tiền có lẽ không có cơ sở. Thứ nhất, nếu đặt vấn đề mục đích của đổi tiền trong lúc này chúng ta có thể tự hỏi tại sao phải đổi tiền trong lúc này? Nếu đổi tiền để chống tham nhũng thì cũng có thể là một lý do. Hay đổi tiền để điều chỉnh mệnh giá như một vài quốc gia đang làm.
Có những mệnh giá quá nhỏ thì phải đổi cho nó phù hợp, ngược lại có những quốc gia có đồng tiền mệnh giá quá lớn, hàng triệu đồng bây giờ phải đổi lại một đơn vị cho nó hợp lý. Cũng có người đặt ra vấn đề liệu rằng đồng tiền lúc này có phải như là những năm 80 khi mà chính phủ bắt đổi tiền nhưng lại hạn chế số tiền có thể đổi giống như kiểu tịch thu tài sản hay không?
Với tất cả những lý do đó thử nhìn lại trong thời gian hiện tại thì tôi thấy không có lý do gì để có thể đổi tiền. Thứ nhất là về vấn đề tham nhũng thì thật ra ngày hôm nay người ta tham nhũng với nhiều hình thức tinh vi hơn thay vì giữ tiền mặt. Ngày hôm nay họ có bất động sản, họ có thể có ngoại tệ, họ có thể có chứng khoán hay các loại tài sản khác chứ không phải chỉ có tiền mặt thành ra biện pháp đổi tiền để chống tham nhũng thì tôi nghĩ rằng không phải.
Thứ hai nữa đổi tiền vì mệnh giá thì hiện tại tôi thấy mệnh giá của tiền Việt Nam có những tiền xu thì chẳng ai dùng cái tiền xu nữa mặc dù nó vẫn còn lưu hành đâu đó trên đất nước Việt Nam. Đồng tiền giấy với mệnh giá như hiện nay tôi thấy không có vấn đề gì cần phải thay đổi mệnh giá cả. Thành ra vấn đề thay đổi tiền vì mệnh giá không có cơ sở.
Rồi bảo là dùng tiền đó để có thể quốc hữu hóa tài sản thì tôi nghĩ rằng hiện tại Việt Nam không cần quốc hữu hóa vì Việt Nam đi vào kinh tế thị trường và chấp nhận người giàu, khuyến khích người dân có tài sản và giữ tài sản thành ra tôi thấy lý do đổi tiền tại thời điểm này không có cơ sở.
Cuối tuần vừa rồi tôi có tham dự cuộc hội thảo tại Thanh Hóa trong đó người tham dự, diễn giả có cả đại diện Ngân hàng Nhà nước tôi đã trực tiếp hỏi viên chức Ngân hàng Nhà nước là có đổi tiền hay không và viên chức này cho biết rằng chuyện đó không có.
Sống trong tin đồn
Mặc Lâm: Thưa TS chắc ông còn nhớ trước đây Bộ trưởng công an Tô Lâm và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã lên tiếng cho rằng cần huy động vàng trong dân chúng để phát triển. Điều này gây hoang mang cho nhiều người và phải chăng có nguyên nhân xa gần nào đó trong tin đồn đổi tiền lần này?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi không nghĩ là có sự liên quan. Tôi không nghe những người lo lắng việc đổi tiền có nhắc tới vấn đề vàng và tôi không thấy có sự tương quan. Đúng là chính phủ cũng quan tâm tới vấn đề làm sao kéo được hàng nghìn tấn vàng trong dân chúng. Nó được chôn dưới gầm giường, trong sân nhà hay nằm trong tủ sắt của người dân. Nều số vàng đó nó nằm một cách im lặng như vậy thì đúng là một sự lãng phí trong khi có thể dùng số vàng đó để vay vốn của nước ngoài bằng cách dùng số vàng đó để bảo đảm hay cũng có thể đi vào sản xuất kinh doanh.
Chính phủ rất quan tâm làm sao có được số vàng này và trong thời gian vừa qua chính tôi cũng là người đóng góp trong vấn đề làm sao kéo được hàng trăm tấn vàng đó ra để sử dụng. Tôi dã đề nghị số vàng đó được huy động nếu Ngân hàng Trung ương đứng ra phát hành tín chỉ vàng huy động và trả lãi trên số vàng đó.
Bên cạnh đó lập ra một sàn giao dịch vàng để tất cả các hoạt động giao dịch vàng được thông thoáng, minh bạch trên thị trường vàng thì đó là đề nghị của tôi. Nhưng bảo rằng vì chính phủ lo lắng làm sao kéo được số vàng ra khỏi dân nên bây giờ có vấn đề đổi tiền thì tôi không nghe nói gì ở trong nước là có sự tương quan đó và tôi không nhìn thấy sự tương quan làm sao kéo được số vàng đó bằng cách đổi tiền.
Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục có một chính sách tuyên truyền rộng rãi để cho người dân hiểu được việc đổi tiền là không có cơ sở và không xảy ra trong lúc này.
– TS Nguyễn Trí Hiếu
Mặc Lâm: Với sự hiểu biết của TS, nếu người dân tiếp tục sống trong tin đồn như thế này thì chắc chắn một ngày nào đó kinh tế sẽ gặp phản ứng một cách tiêu cực, theo ông chính phủ cần có biện pháp nào làm cho người dân tin rằng không có chuyện đổi tiền xảy ra thay vì lo bắt giữ, bịt miệng tin đồn?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Trở lại vấn đề làm sao chính phủ có thể ngăn chặn điều này hoặc là triệt tiêu tin đồn này thì tôi nghĩ hành động như chính phủ Việt Nam đã làm và ngay Thủ tướng cũng đã ra mặt để nói vấn đề đổi tiền là không căn cứ. Rồi Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đã lên tiếng chuyện này và trên báo chí Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra thông điệp là chuyện đổi tiền là không căn cứ.
Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục có một chính sách tuyên truyền rộng rãi để cho người dân hiểu được việc đổi tiền là không có cơ sở và không xảy ra trong lúc này.
Ngoài ra vấn đề chính cho người dân an tâm không những lúc này là lúc có tin đồn mà những lúc khác nó sẽ xảy ra. Vấn đề chính là làm sao tạo cho người dân tin tưởng vào tiền đồng Việt Nam.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-there-exchange-of-money-or-not-why-ml-12162016073707.html