Tin Việt Nam – 16/1/2015
Thứ Trưởng TTTT CSVN: ‘VN đối mặt với chiến tranh thông tin’
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông được báo chí Việt Nam dẫn lời nói “do đặc thù của Internet và các trang mạng xã hội nên các thế lực thù địch cũng như kẻ xấu đã lợi dụng để tấn công vào nước ta bằng nhiều chiêu bài khác nhau,” trong một chương trình phát trên VTV1.
Chương trình bàn luận giữa phóng viên của VTV với Thứ trưởng Trương Minh Tuấn và Nguyễn Sĩ Dũng, phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về cách đối phó với ‘thông tin nguy hại’.
Vietnamnet tường thuật hôm 15/01 về phát biểu của Trương Minh Tuấn, rằng có hàng trăm trang mạng dùng máy chủ ở nước ngoài để “xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước, xúc phạm danh dự cán bộ lãnh đạo các cấp”.
Thứ trưởng Thông tin và truyền thông CSVN cũng so sánh ‘tội phạm không gian ảo’ với loại tội phạm ‘tấn công khủng bố, thảm họa hạt nhân’ ở Anh Quốc.
Có đoạn ông được dẫn lời so sánh chiến thuật tuyên truyền của các trang mạng này với chiến thuật của Hitler.
Nguyễn Sĩ Dũng thì cho rằng Việt Nam đang đối mặt với chiến tranh thông tin truyền thông.
“Nguy hại ở chỗ, thông tin lan truyền nhanh được nhân với tốc độ khủng khiếp càng khiến thông tin được bổ sung nhanh chóng. Chỉ cần thông tin được truyền qua Facebook, điện thoại di dộng, thông tin được nhân lên hàng triệu bản. Do đó phải nhận biết để chống thế lực phản động chống phá hệ thống đất nước suy yếu, mất sự ủng hộ của nhân dân.”
Trương Minh Tuấn cũng khuyên người dân phải “cảnh giác, tẩy chay thông tin độc hại, không tiếp tay cho tội phạm thông tin ảo lan truyền thông tin,” và nhắc nhở truyền thông Việt Nam cũng phải tấn công những thông tin xấu.
Nguyễn Sĩ Dũng cho biết một bộ luật về tiếp cận thông tin đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, và chính quyền phải có trách nhiệm cung cấp thông tin chính thống để tránh thông tin sai lệch được lan truyền.
Vào tuần này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuy nhiên, nói với các quan chức rằng mạng xã hội đã trở thành nhu cầu thiết yếu và không thể ngăn cấm.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ có phát biểu công nhận vai trò của các mạng xã hội, mà những năm gần đây đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.
Thủ tướng được dẫn lời yêu cầu văn phòng phải làm sao để tổ chức, định hướng thông tin trên mạng xã hội một cách nhanh chóng và chính xác.
Hiện nay hơn 30 triệu người ở Việt Nam đang sử dụng các mạng xã hội.
Theo Nguyễn Tấn Dũng, đó là “nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm”.
Trao đổi với BBC hôm 11/01/2015 từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói:
“Trang ‘Chân dung Quyền lực’ có thể nói là trang gây rối nội bộ và dĩ nhiên trong trang ‘Chân dung Quyền lực’ cũng đưa ra nhiều nguồn tin mà có người đã nói đến, như ông Lê Đăng Doanh đã nói là độ chính xác rất cao.
Theo Luật sư, nếu ‘quyết tâm’ thì giới chức sẽ có thừa khả năng để xác định ai là người ‘đứng sau’ trang này và ‘khởi tổ vụ án’.
Luật sư Thuận cho rằng các cơ quan an ninh điều tra của Việt Nam ‘có năng lực’ và ông cho rằng nếu phối hợp với các cơ quan điều tra quốc tế như Interpol, thì khả năng tìm ra manh mối các trang mạng ‘gây rối nội bộ’ như trên có thể ‘thực hiện được’.
“Cho nên tạm gọi là các tổ chức mà âm mưu lật đổ, thì tất cả những tổ chức âm mưu lật đổ từ nước ngoài về họ làm ra hết, không có tổ chức nào tồn tại mà xâm nhập được vào Việt Nam đâu.” – Theo BBC
Giáo sư Thayer bình về phiếu tín nhiệm
Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên đối với các thành viên trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc được gần một tuần nhưng kết quả chưa được công bố.
Tuy vậy đã có nhiều đồn đoán trên mạng về thứ tự của bảng xếp hạng tín nhiệm.
Nhà nghiên cứu Việt Nam lâu năm Carl Thayer đã tiếp xúc với nguồn ngoại giao và các nguồn tin từ Việt Nam khác nhưng vẫn nhấn mạnh đây chỉ là các tin tức rò rỉ từ các nguồn gián tiếp.
Ông trả lời Nguyễn Hùng của BBC hôm 14/1/2014.
Giáo sư Carl Thayer: Trước hết, điều quan trọng phải nói là đây là lần đầu tiên có bỏ phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính trị.
Thứ hai, chúng ta giả sử rằng bỏ phiếu tín nhiệm [trong Đảng] được thực hiện theo thể thức ở Quốc hội, tức là sẽ có các mức ‘tín nhiệm cao’, ‘tín nhiệm’ và ‘tín nhiệm thấp’ nhưng điều này chưa xác nhận được.
Các nguồn tin hiện chỉ mới nói về 10 trong số 16 ủy viên Bộ Chính trị và họ đều có vẻ đồng ý rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được nhiều phiếu tín nhiệm nhất.
Có người cho rằng [ông Dũng] được 77% phiếu tín nhiệm cao nhưng chưa xác nhận được có đúng không.
Sau đó là Chủ tịch nước [Trương Tấn Sang] với ít phiếu hơn chút ít.
Và đáng ngạc nhiên là hai ủy viên Bộ Chính trị mới và được cho là sẽ ở lại sau Đại hội tới, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, có tin đồn được chọn làm Chủ tịch Quốc hội tiếp theo, và ông Nguyễn Thiện Nhân, cựu phó thủ tướng, vốn đã bị đẩy sang Mặt trận Tổ quốc đã được kết quả bỏ phiếu tốt.
Tiếp theo đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.
Điều thú vị là thứ tự ở đây không phản ánh kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội mà tại đó Phùng Quang Thanh đạt kết quả tốt trong hai năm liền.
Đó là sáu vị trí đầu tiên. Còn ở bốn vị trí cuối [trong top 10] là bốn nhân vật mà hiện đang có bất đồng về vị trí của ông Nguyễn Xuân Phúc, đương kim phó thủ tướng và có thể là thủ tướng mới, [không rõ] ông về thứ 10 hay 13.
Người của Đảng, Đinh Thế Huynh [Trưởng Ban Tuyên giáo], Phạm Quang Nghị, nhân vật bảo thủ được cử sang Washington trước cả bộ trưởng ngoại giao trong cuộc khủng hoảng giàn khoan [nằm ở bốn vị trí cuối trong top 10].
BBC: Làm sao chúng ta giải thích được chuyện Quốc hội bỏ phiếu một đằng trong khi Đảng bỏ phiếu một nẻo đối với một số người?
Đó là vì các cử tri khác nhau [tham gia bỏ phiếu]. Thực ra là có những ba cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Thứ nhất là bất cứ quan chức cao cấp nào từ hàng bộ trưởng trở lên sẽ được Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Có khoảng 40 vị như vậy.
Rồi có một cuộc bỏ phiếu nữa cũng được giữ kín là bỏ phiếu của Bộ Chính trị đối với các đảng viên [cao cấp] trong Quốc hội không nắm các chức vụ [như những người đã được bỏ phiếu].
Không ai nghe nói gì tới cuộc bỏ phiếu này.
Và giờ đến lượt Bộ Chính trị và Ban Bí thư được bỏ phiếu mà chưa có rò rỉ [trực tiếp từ hội nghị tới tôi] về chuyện cuộc bỏ phiếu đã diễn ra như thế nào.
Đây là lần đầu có cuộc bỏ phiếu như vậy và tôi nghĩ rằng nó sẽ tạo đà cho những ai đạt kết quả tốt cũng như nhóm của họ, các ủng hộ viên hay phe cánh của họ giữa lúc đang có chuẩn bị nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương của Đại hội tới.
BBC: Tôi nghĩ mọi người sẽ quan tâm tới chuyện điều này [kết quả bỏ phiếu] sẽ có ý nghĩa ra sao với đương kim thủ tướng. Hiển nhiên là ông và chủ tịch nước đều sẽ quá tuổi về hưu tại Đại hội tới vậy liệu sự rời [chính trường] của người này có ảnh hưởng tới khả năng trụ lại của người kia không? Liệu họ có phải cùng về không hay không hắn như vậy?
Tôi biết có quy định không chính thức rằng tuổi về hưu 65 có thể được nâng lên cho một hoặc có thể là hai vị mà ví dụ hiện tại là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quá tuổi nhưng vẫn được phép làm tổng bí thư.
Có rất nhiều đồn đoán rằng ông Nguyễn Tấn Dũng nhắm tới chức tổng bí thư để tiếp tục đóng vai trò lớn. Khó mà ông có thể làm thủ tướng vì giới hạn hai nhiệm kỳ và lại còn tuổi tác nữa.
Và trong quá khứ khi người ta muốn đưa ông Võ Nguyên Giáp lên vị trí tổng bí thư nhưng rồi không tìm được sự đồng thuận nên mọi người đều buộc phải cùng về hưu.
Vậy để trả lời câu hỏi của anh, điều đó phụ thuộc vào sự kình nhau giữa Thủ tướng và Chủ tịch nước, cả hai người đều từ miền Nam và ông Trương Tấn Sang được cho là kém Thủ tướng sáu phiếu [tín nhiệm cao], nhưng vẫn là người đứng thứ hai về số phiếu. Cả hai đều có kết quả tốt.
Nó phụ thuộc vào chuyện liệu hai ông có thể đồng ý với nhau về chuyện ai sẽ về hưu và ai sẽ phụng sự Việt Nam tốt nhất trong vai trò tổng bí thư.
Còn nếu có bế tắc và chúng ta lấy tiền lệ của thập niên 1980 thì họ sẽ cùng về vì thường dù Đảng đi đường nào thì họ cũng cố giữ cân bằng chứ không đi quá về hướng này hay hướng kia.
Lấy trường hợp của ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn. Cách đây hai năm Bộ Chính trị đã bỏ phiếu với tỷ lệ 9-5, 10-4 gì đó nhưng nói chung là với khoảng cách khá lớn để kỷ luật ‘đồng chí X’, đó chính là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ông ra trước Ban Chấp hành Trung ương và ông chiến thắng. Họ đã không kỷ luật ông.
Tới năm ngoái, Tổng Bí thư toan mở rộng Bộ Chính trị thành 17 [thành viên] và tiến cử các nhân vật vào những vị trí đó nhưng Ban Chấp hành nói chỉ [chấp nhận] 16 và đã không bỏ phiếu cho những người của ông.
Vậy nên Tổng Bí thư và nhóm của ông đã [gặp trở ngại].
Nếu ta nhìn vào cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vừa rồi, vị thủ tướng mới cách đây hai năm xếp ở tận phía cuối bảng [trong bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội], một số thành viên nội các của ông cũng có kết quả kém, nhưng nay ông đã nổi trở lại.
Có lẽ quan điểm của ông đối với Trung Quốc và sự nổi trội của ông ở nước ngoài đã khiến ông được ủng hộ.
Nhưng tôi cũng phải chỉ ra rằng trong cả ba cuộc bỏ phiếu mà người ta nói tới, báo chí không hề phỏng vấn những người bỏ phiếu, không có thăm dò sau bỏ phiếu nên ta không biết tại sao bộ trưởng y tế hay bộ trưởng giáo dục có kết quả tốt hoặc có kết quả không tốt, hay là tại sao thủ tướng được tín nhiệm cao trong Bộ Chính trị, họ bỏ phiếu vì cái gì – đó vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Theo blog Chân Dung Quyền Lực, sáng ngày 10/1/2015, Trung ương Đảng CSVN đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 20 thành viên Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư với sự tham gia của 197 Ủy viên TW và Ủy viên TW dự khuyết, vắng mặt 3 ông, gồm: Ông Nguyễn Công Định, Ủy viên TW dự khuyết, Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre (qua đời ngày 3/7/2012); Ông Phạm Quý Ngọ, Ủy viên TW, Thứ trưởng Bộ Công an (qua đời ngày 18/2/2014) và ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên TW, Trưởng ban Nội chính TƯ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đạt số phiếu tín nhiệm cao nhất với 152 phiếu tín nhiệm cao hay 77%. Kết quả như trong hình đính kèm. – Theo BBC, chandungquyenluc
Đại Sứ CSVN ở TC: ‘Việt Nam không hợp tác với nước nào hầu chế ngự Trung Quốc’
Việt Nam sẽ không hợp tác với Mỹ và Nhật hòng chế ngự TC, theo lời đại sứ Việt Nam tại TC được Hoàn Cầu Thời báo ngày 16/1 trích dẫn.
Tuyên bố của Nguyễn Văn Thọ được đưa ra vài ngày trước dịp kỷ niệm 65 năm thành lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung.
Trước thông tin cho rằng Việt Nam đang tăng cường quan hệ với Mỹ nhằm chế ngự TC, đại sứ Thọ khẳng định: ‘Việt Nam luôn cổ xúy chính sách ngoại giao độc lập, hòa bình, và đa dạng. Không có lý do gì để hợp tác với một nước khác hầu chế ngự một nước thứ ba.’
Phát biểu trong cuộc họp báo tại đại sứ quán CSVN ở Bắc Kinh, Thọ nói hành động đó không phù hợp với chính sách ngoại giao của Việt Nam và cũng không phục vụ lợi ích quốc gia.
Đại sứ Việt Nam nhấn mạnh quan hệ Việt-Trung là một trong những mối quan hệ ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Hà Nội và Việt Nam sẽ nỗ lực cải thiện mối bang giao này.
Vẫn theo lời ông, hai nước sẽ tăng cường hơn các cuộc trao đổi cấp cao trong năm nay.
Về tranh chấp Biển Đông, đại sứ Thọ kêu gọi Việt-Trung nên thăng tiến các cuộc thương lượng như là cách để hai nước phát triển Biển Đông thông qua hợp tác.
Thọ cũng nói thêm rằng đôi bên nên hướng dẫn giới trẻ hiểu đúng lịch sử, tránh để những quan điểm lệch lạc làm ảnh hưởng tới bang giao giữa hai nước cộng sản anh em. – Theo VOA