Tin Việt Nam – 16/10/2017
Lụt miền Trung, bài ca muôn thuở
Năm nào đến mùa mưa thì miền Trung cũng rên xiết vì lũ lụt. Và có vẻ như năm sau nặng hơn năm trước bởi thủy điện ngày càng cũ kĩ và lưu lượng nước xả để giữ thân đập ngày càng lớn hơn. Năm nay không ngoại lệ, miền Trung và các vùng có thủy điện tại Việt Nam đã bắt đầu có người chết, người mất tích, người bị thương vì xả đập thủy điện. Trận lụt kinh hoàng bất ngờ xảy ra trên diện rộng từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình và một số tỉnh Bắc Bộ từ ngày 9 tháng 10 do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới đã có trên 50 người chết và mất tích.
Thủy điện không đảm bảo chất lượng
Ông Vọng, một người dân Nghệ An, sống trong vùng lũ và cũng là người từng tham gia dự án xây dựng thủy điện, chia sẻ:
“Nước mưa mà lâu nhiều ngày nếu không xả cống sẽ bị tràn lên trên kia người dân trên Quỳnh Thắng sẽ bị ngập. Do vậy người ở đây phải trực, nghe thời tiết, mưa nhiều là trên này xả trước. Khi mà mưa trên núi mưa to thì nước trên sông Vực Mấu rất lớn, thì mình phải xả, mà chưa bao giờ thủy điện Cửa Mấu này xả cả 5 cửa ở đập này cả, chỉ xả 3 cửa, 4 cửa thôi, nếu không rất nguy hiểm.”
Ông Vọng chia sẻ thêm là theo kinh nghiệm của một người từng là kĩ sư tham gia xây dựng nhiều thủy điện tại miền Trung, có thể nói rằng mối nguy của thủy điện nói riêng và hầu hết các con đập chứa nước của miền Trung là quá lớn. Bởi thiết kế tốt nhưng xây dựng rất tệ, nạn rút ruột công trình ở hầu hết các thủy điện giống như những cái ngòi nổ giấu khéo trong các thân đê và mỗi con đập là một quả bom nước đang chờ nổ khi mùa mưa tới.
Ông Vọng nói thêm là nếu như phân tích về kĩ thuật để chứng minh rằng các thân đê, thân đập bị rút ruột thì sẽ rất khó, bởi kiểu giải trình con gà con kê con dê con ngỗng của các chuyên gia Việt Nam nhằm giấu tội hoặc nhận phong bì sẽ không bao giờ cho ra sự thật được. Nhưng nhìn vào thực tế sẽ thấy ngay vấn đề của các con đập Việt Nam hiện nay.
Lấy ví dụ trận mưa lũ gần đây nhất gây chết hơn 50 người hôm ngày 9 đến 11 tháng 10 năm 2017. Mưa lớn nhưng chưa quá lớn để gây vỡ đập, vì hầu hết nước chứa ở các đập vẫn còn trong cao trình an toàn. Ví dụ như cao trình đập cho phép chứa nước lên 20 mét thì hầu hết các đập đều chỉ mới chứa ở mức 14 mét hoặc 15 mét thì đã báo động đỏ, xả ào ạt để cứu đập. Vì nếu không xả, đập sẽ vỡ. Điều này cho thấy các thân đập, các con đê không đảm bảo an toàn, bởi khi xây dựng, người ta chưa bao giờ làm đúng qui trình kĩ thuật và luôn rút ngắn thời gian để đạt chỉ tiêu thi đua.
Chưa bao giờ thủy điện Cửa Mấu này xả cả 5 cửa ở đập này cả, chỉ xả 3 cửa, 4 cửa thôi, nếu không rất nguy hiểm. – Ông Vọng
Bên cạnh đó, ví dụ như một cột bê tông cần có 10 cây sắt phi 20 của Úc chẳng hạn, thì người ta sẽ khéo léo dùng 5 cây sắt loại này, nếu tử tế hoặc có người quan sát thì cộng thêm 5 cây của Trung Quốc, nếu không có người quan sát thì chơi luôn 10 cây sắt Trung Quốc hoặc chêm vài cây tre, rút bớt một số sắt bán để ăn nhậu.
Mối nguy thủy điện hay đập chứa nước của Việt Nam đến từ nhiều nguồn, nhiều cấp, từ cấp cao nhất đến người lao động, nhà đầu tư thì ăn theo kiểu nhà đầu tư, khai thác gỗ lòng hồ vô tội vạ, khai thác đến cả những vùng đệm, chỉ cần có phong bì là không ai hỏi han gì. Anh kĩ sư thì làm xiếc các công trình để rút nhỏ chi phí, anh công nhân thì làm phép từng cây sắt, từng bao xi măng. Một khi tất cả cùng gian lận, tùng xẻo thì chắc chắn mỗi con đập thủy điện sẽ thành một loại bom nước không hơn không kém!
Tài sản mất trắng vì lũ lụt
Một người dân Thanh Hóa tên Phụng, chia sẻ:
“Mất vài sào lúa, chỗ ni ngập lên ngập xuống, bị tắt giao thông, ngồi một chỗ. Nước bẩn vô giếng ô nhiễm hết rồi đó.”
Theo ông Phụng, vấn đề mất tài sản, chết người do lũ lụt gây ra trong thời gian gần đây tăng cao và khó lường hơn những trận lụt thời chưa có thủy điện. Ông Phụng cho rằng trước khi các đập chứa mọc lên khắp nơi, thường thì mưa rất lớn, mưa kéo dài cả tuần đến mức lở núi mới có lụt lớn. Và thường thì người dân lúc đó mặc dù nhà cửa còn tuềnh toàng, chưa xây dựng như hiện tại nhưng bà con có đủ thời gian để chuẩn bị chạy lụt. Hiện tại thì khác, những cú xả đập như trời giáng làm cho người dân không kịp trở tay, không có đủ thời gian để thu dọn đồ đạt hay di chuyển.
Ông Phụng nhấn mạnh là hiện tại, không thể gọi là lụt như thời chưa có thủy điện mà phải nói là lũ lụt, các trận lũ kéo qua nhanh chóng, càn quét mọi thứ từ hoa màu, ruộng vườn cho đến heo gà, trâu bò, nhà cửa, thậm chí mạng người rồi sau đó để lại một khối tổn thất cho người dân. Nhà nước lại xuất gạo cứu trợ, người dân nơi khác lại quyên góp, cứu trợ… Năm nào cũng như năm nào, thủy điện xả đập gây lũ lụt hàng loạt nhưng giá điện người dân sử dụng vẫn cứ tăng vùn vụt, tăng đều, ngành điện vẫn cứ kêu than thua lỗ, thủy điện không có đền bù gì cho dân, cho dù đó là đền bù một lời xin lỗi.
Ông Phụng nói rằng với đà lũ lụt liên tục mỗi khi mùa mưa như vài năm trở lại đây, người dân chẳng được lợi ích gì từ thủy điện mà phải chịu thiệt hại nặng nề quá như vậy thì liệu nhà nước có nên cân nhắc để giảm bớt một số đập thủy điện. Vì có nó thì ngành điện vẫn cứ thua lỗ, có nó dân thêm khổ nên tốt hơn là không nên có nó!
Có thể nói rằng câu chuyện lũ lụt tại Việt Nam hiện nay là một câu chuyện đến hẹn lại lên, là bài ca muôn thuở. Một bài ca mà ngay cả những người làm từ thiện, làm cứu trợ cần mẫn nhất cũng hết muốn nghe khi ai đó mới xướng lên cái tên: Lũ lụt; Vỡ đập; Xả đập; Sập cầu; Nhà trôi; Người chết…!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Từ “Cướp có văn hóa” đến “đê vỡ theo kế hoạch”:
Người thanh, tiếng nói cũng thanh
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nếu có một con số thống kê cụ thể những câu nói của quan chức Việt Nam thì những câu nói ngớ ngẩn mà dân gian Việt Nam gọi là “Ngáo đá” trong thời đại rực rỡ nhất – “thời đại Hồ Chí Minh”, theo lời của Nguyễn Phú Trọng – chiếm một tỷ trọng lớn nhất.
Người thanh tiếng nói cũng thanh
Xưa nay, nghe khẩu khí, nội dung câu nói của một người, thiên hạ sẽ biết và đánh giá họ như thế nào về học lực trình độ, tư cách cũng như khả năng của họ. Do vậy, khi đề cử một người làm quan chức thời “phong kiến thối nát”, cha ông ta cũng lấy các tiêu chí về thi cử, văn phong và kết quả đó được đánh giá để bổ nhiệm họ giữ các chức việc phục vụ cộng đồng.
Chính vì vậy, nhiều khi những khoa thi cử, bài thi được đánh giá gắt gao và khắc nghiệt theo tiêu chuẩn của người xưa. Qua đó, người ta chọn ra những nhân tài lo việc dân, việc nước.
Điều đó cũng có cơ sở của nó, bởi lời nói, bài văn… của một người thể hiện về con người đó khá rõ nét. Cha ông đã đúc kết “Văn tức là người”. Chính vì thế, dân gian có câu ca dao rằng:
Người thanh, tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu, khẽ đánh bên thành cũng kêu.
Lời ăn, tiếng nói của quan chức lại càng được coi trọng và những phát ngôn của người có chức quyền, trách nhiệm càng phải cẩn trọng trong mọi trường hợp.
Có lẽ cũng vì vậy, người dân Việt Nam bao đời nay đã để lại những áng văn bất hủ không phải chỉ của các nhà văn, các danh nhân mà cả của các quan chức, vua chúa nhiều thời kỳ.
Những quan chức ngáo đá
Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã nói về “Hệ thống giáo dục và những quan chức ngáo đá”, chúng tôi đã nói về hiện tượng quan chức ngáo đá” liên quan đến hệ thống giáo dục “hoàn toàn Việt Nam” đã sản sinh ra những quan chức “ngáo đá” phát biểu vô tội vạ, bất chấp những điều tối thiểu là vận động trí não trước mỗi lời nói.
Chẳng hạn bắt đầu từ ông Phạm Vũ Luận phát biểu: “Đã học kém thì không thể có đạo đức tốt được”, hoặc “Quá trình dạy và học đã thay đổi, từ chỗ dạy cho số đông sang chú ý đến hình thành phát triển từng cháu. Trước đây giáo viên nói dạy 1 lớp 40 cháu nay chuyển sang dạy 40 cháu trong 1 lớp”.
Kế đến ông Bộ trưởng Quốc phòng phát biểu vô tư rằng: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc”. Hay tại đối thoại Shangri-la 13 tập trung vào vấn đề Trung Quốc đang xâm lấn biển đông, ông ta nói: “Thưa các quý vị! Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng”.
Sau đó, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho rằng “tham nhũng ở Việt Nam trong 3 năm qua (2012-2014) có tính chất ổn định” để báo cáo thành tích chống tham nhũng…
Rất nhiều ví dụ khác nhau về những lời quan chức mà cứ mỗi lần họ mở miệng thì thần dân được dịp giải trí với những trận cười vỡ bụng trong những cuộc rượu hay tụ họp đâu đó được đưa ra làm mẫu mực.
Để biện minh cho phong trào “cả nhà làm quan”, “con vua thì lại làm vua” lan rộng khắp cả nước, Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Tp HCM dõng dạc: “Con cái lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc cho dân tộc”. Và thực tế đã chứng minh cái hạnh phúc đó của dân tộc được trả giá bằng Nguyễn Xuân Anh (Đà Nẵng) mới đây.
Có thể kể đến vô vàn những mỹ từ, những sáng tác ngôn ngữ một cách quái gở của các lãnh đạo Việt Nam tại mọi ngành, mọi cấp trong thời kỳ “rực rỡ” này. Thậm chí đến mức trong dân gian hình thành một khẩu ngữ mới: “Ngu rực rỡ”.
Không chịu kém phần các Thủ tướng, Bộ trưởng khác, ông Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát phát biểu tại Quốc hội rằng: “Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn”.
Bị phản ứng dữ dội, ông ta đã phải xin lỗi. Dù lời xin lỗi đã được ông ta đưa ra, song điều đó không làm giảm đi được sự đánh giá trình độ và khả năng, cũng như lương tâm đạo đức của ông Bộ trưởng đối với người dân.
Nhớ đến lời xin lỗi, hẳn người dân Hà Nội và cả nước không mấy ai quên lời của Phạm Quang Nghị khi là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Suốt mấy ngày lo tổng kết kinh nghiệm cướp đất Thái Hà và Tòa Khâm sứ cho các vụ cướp sau đó, nên khi chui ra khỏi bàn thì được hỏi về nạn lụt chết cả vài chục người ở Hà Nội cuối năm 2008 rằng: “tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm”
Kể cả khi đó chưa có Facebook, thì hệ thống báo “không đihnhj hướng” và mạng Blog đã buộc Phạm Quang Nghị đưa ra lời xin lỗi cho câu nói dở hơi nhất của mình và bị phản ứng dữ dội. Dù buộc phải đưa ra lời xin lỗi, nhưng có sao.
Thậm chí, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT nói rằng: “Một số mặt hàng thủy sản như tôm nếu bị trả do vấn đề chỉ tiêu vi sinh thì chỉ cần luộc lên là có thể ăn được”. Cả thiên hạ cười ồ, thì ra ông ta tưởng rằng trứng cóc luộc lên không ăn được chăng? Thưa rằng là ăn được, nhưng rồi chết. Có điều khác là các thứ thực phẩm kia chết từ từ mà thôi.
Một trưởng ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã phát biểu về nạn xô đẩy, chen lấn cướp nhau trong lễ hội hàng năm rằng: “Đây là cướp có văn hóa”. Để phân tích điều này, chúng tôi đã có bài viết “Cướp có văn hóa và văn hóa cướp XHCN” để nêu lên bản chất của cái văn hóa Cướp XHCN quái gở.
Những tưởng với sự phản ứng dữ dội của dân chúng, báo chí… thì quan chức Việt Nam sẽ cẩn thận hơn, đỡ… nói ngu hơn.
Nhưng, như một căn bệnh không thể chữa, những lời “ngọc” lại tiếp tục được các miệng quan chức đưa ra giải trí cho thiên hạ.
Đê vỡ theo kế hoạch!
Mới những ngày gần đây, sau khi thiên tai đã mở ra cho cả thế giới biết rằng người dân Việt đang phải gánh chịu những “nhân tai” nặng nề của chế độ Cộng sản Việt Nam, một thể chế đã dẫn đến sự tàn phá không thương tiếc môi trường: từ môi trường sống tự nhiên đến môi trường xã hội.
Những trận lụt bão triền miên gây tai họa cho người dân Việt được phụ họa đắc lực của các chính sách, con người cộng sản đã lấy đi biết bao nhiêu sinh mạng người dân Việt Nam. Những nhà máy thủy điện chỉ biết lợi nhuận, ăn cắp và giá rẻ bao năm nay đã gây tai họa cho người dân Việt qua mỗi đợt xả lũ.
Những người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình đã thấm cảnh sống ngâm da, chết ngâm xương, toàn bộ tài sản, tính mạng của người dân bị đe dọa và nhấn chìm trước những cơn xả lũ bất ngờ của các nhà máy thủy điện. Thế rồi tất cả đều hòa cả làng.
Nối tiếp miền trung, khắp cả nước từ Yên Bái cho đến Hòa Bình, Thanh Hóa, đâu đâu cũng thiên tai, lụt bão… đó là câu trả lời cho việc tàn phá rừng theo phương thức tận diệt.
Còn nhớ, cách đây từ rất lâu, 20 năm trước, chính phủ đổ không biết bao tiền của, công sức cho Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng hay dự án 661. Thế rồi thời gian qua đi, tiền của dân trôi đi nhưng rừng đâu chẳng thấy.
Một cán bộ kiểm lâm cho tôi biết: Khi thành lập nước VNDCCH, Việt Nam có 15 triệu ha rừng. Cho đến ngày nay, đến những vùng đất Tây Nguyên, nếu tìm kỹ, người ta thấy vẫn còn lại những dấu vết của rừng.
Đi đến đâu người ta cũng thấy nhan nhản câu khẩu hiệu lủng củng tối nghĩa được cho là của Hồ Chí Minh: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ và xây dựng thì rừng rất quý”. Oái oăm thay, những câu khẩu hiệu này được đặt ở những nơi mà sau đó chỉ có dấu tích của rừng hoặc ngay ở bãi gỗ vừa chặt phá rừng xong.
Chính vì vậy, mà lũ lụt thiên tai hoành hành.
Và trong thiên tai, cái thể hiện rõ nhất lại là nhân tai. Nhân tai ở đây ngoài việc con người để lại hậu quả cho môi trường, người ta còn nhìn thấy một mối nguy “Nhân tai” khác, đó là trình độ, tâm thức của quan chức cộng sản.
Khi tuyến đê Hữu Bùi ở Chương Mỹ bị vỡ, nước ngập nhấn chìm hàng ngàn hộ dân và hàng ngàn ha lúa màu, cơ ngơi người dân. Cả nước ngóng chờ thông tin để mà đau xót với người dân đang sống trong cảnh cơ hàn của lũ lụt, thì chính khi đó Ông Đỗ Đức Thịnh – Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho rằng, đê Hữu Bùi tại xã Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ – Hà Nội) “vỡ… theo kế hoạch”!
Điều ông nói có nghĩa là việc vỡ đê theo đúng quy trình, kế hoạch của nhà nước? Việc nhấn chìm sinh mạng, tài sản của người dân là có kế hoạch mà nói theo ngôn ngữ của đám quan chức cộng sản là “Đã có đảng và nhà nước lo”?
Bên cạnh đó, GĐ Sở NN&PTNT TP Hà Nội Chu Phú Mỹ: “Đê vỡ nhưng không phải vỡ tách đôi như mọi người hiểu, mà vỡ bề mặt sau đó sạt dần dần. Tràn sau đó sạt dần dần. Cái đấy theo quy hoạch là cho tràn nước qua bờ đê. Cơ bản dân ở đây đã thu hoạch sản xuất xong rồi. Nhà cửa chưa đánh giá cụ thể, nước chỉ ngập vào nhà thôi chứ không sập được”.
Nghe những lời ráo hoảnh này khi tai họa đang ập lên người dân, người ta thấy ở đó sự vô cảm và né tránh trách nhiệm bằng những lời nói ngu xuẩn. Bởi vì dù có sạt dần hay tách đôi vỡ ba, thì đê vỡ vẫn là đê vỡ, vẫn là nước vào ngâm xác và tài sản người dân. Ông cho biết dân đã thu hoạch xong, nhưng nước ngập hết vào nhà thì nhấn chìm tất cả thì thà để ngoài đồng cho nó trôi đi chứ công sức người dân đều cuối cùng là đổ sông, đổ biển.
Người ta thấy lạ với những cách hành xử qua những lời “ngáo đá” nói trên.
Nguyên nhân
Có thể nói rằng, để xuất hiện những câu nói ngớ ngẩn, kiểu sáng tác ngôn ngữ như khi phóng viên bị công an đá vẹo sườn là “giơ chân hơi cao” và tát vặn mặt thì gọi là “gạt tay trúng má” này, tất cả bắt đầu bằng sự ngụy biện, che giấu và lấp liếm trước công luận mà không dám gọi tên sự thật.
Bởi những sự thật đáng xấu hổ đó nó quá mức bình thường mà bất cứ người nào trong xã hội có thể chấp nhận được. Do vậy mà người cộng sản không thể gọi đúng tên, chỉ đúng việc đã xảy ra. Vì thế cho nên người ta phải lấp liếm, che đậy bắt đầu từ ngôn từ, lời nói, những thông tin báo chí cho đến dùng công an, dùi cui, bắt bớ và nhà tù… Tất cả đều nhằm che đậy một sự thật là hệ thống công quyền Cộng sản đã hoàn toàn thối nát và trong cơn tan rã khó cứu chữa.
Cũng bởi trên hết, cả hệ thống này đang tôn thờ một thứ quái gở: Chủ nghĩa Mác – Lenin mà ở đó, sự dối trá được tôn thờ, bạo lực được lấy làm động lực xã hội.
Không chỉ sáng tác ngôn ngữ mà sự bệnh hoạn đó con thể hiện bằng những việc đánh tráo khái niệm rất… hài hước. hẳn chúng ta còn nhớ ông tướng ngành Cảnh sát giao thông đã nói rằng: “CSGT nhận dăm ba chục của lái xe đâu gọi là tham nhũng” – một câu nói để đời. Hay tối 28/9/2016, một CA thuộc Quận 3, Sài Gòn, đánh một người bán hàng rong toác đầu, máu me đầy mặt, đầy đầu, bàn tay công an còn dính cả máu. Nhưng đó được định nghĩa là hành động “vuốt tóc, xoa đầu khuyên nhủ.
Trước hiện tượng này, chúng tôi đã có bài viết: “Dự án Từ Điển Công an: Một yêu cầu khẩn cấp” nhằm giúp nhà nước có sự thống nhất trong bao biện, ngụy biện cho các hành động ngược đời của ngành công an.
Có thể nói rằng, ngoài vấn đề về trình độ cán bộ ngày càng lùn xuống bởi chính sách cả họ làm quan, con vua làm vua và đồng tiền đi trước, thì nguyên nhân cơ bản vẫn là sự băng hoại của một hệ thống công quyền lấy bạo lực, dối trá làm cơ sở tồn tại.
Vì thế mà người dân sẽ còn được nghe, được thấy những cán bộ từ lãnh đạo cao cấp cỡ Nguyễn Phú Trọng cho đến những cán bộ tép riu tuôn ra những lời hài hước.
Người xưa đã nói:
Người thanh, tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu, khẽ đánh bên thành cũng kêu.
Với cả hệ thống đã như chiếc chuông vỡ, thì dù có nện bằng búa tạ, tiếng kêu vẫn cứ rè rè như trêu ngươi thiên hạ.
Do vậy mà kho tàng những câu nói ngáo đá sẽ còn dày thêm và ngày càng xuất hiện dày đặc trong thời đại “ngu rực rỡ” – Thời đại Hồ Chí Minh.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/polite-robbery-and-planned-flooding-10162017111100.html
Hằng trăm công nhân đình công
vì không nhận được lương tăng ca
Hơn 500 công nhân của Công ty U World Sport tại xã Tam Dân, thuộc tỉnh Quảng Nam tiến hành đình công vào ngày 16 tháng 10. Mục tiêu biện pháp đình công được cho biết nhằm yêu cầu công ty trả tiền lương làm việc tăng ca cùng các khoản phụ cấp khác theo như hợp đồng đã ký kết.
Những công nhân tham gia đình công cho biết họ bị ép làm việc tăng ca 3 giờ đồng hồ mỗi ngày và cả làm thêm trong ngày Chủ Nhật lẫn ngày lễ Quốc khánh vừa qua nhưng không được trả lương phụ trội. Hơn nữa, công ty đã tự ý thay đổi hợp đồng trả lương tính theo sản phẩm và công nhân nào không làm đạt chỉ tiêu thì phải bù tiền, không được nhận tiền tăng ca cũng như các khỏan phụ cấp khác.
Theo hợp đồng ký kết giữa công ty và công nhân, người lao động được nhận lương cơ bản ở mức 2, 9 triệu đồng/ tháng cùng khoản phụ cấp khác. Tuy nhiên, theo cách tính mới của công ty U World Sport, công nhân mất hơn 3, 5 triệu/tháng. Và công nhân nào không đồng ý ký vào biên bản tự nguyện tăng ca 3 lần thì sẽ bị đuổi việc.
Đại diện của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đề nghị công ty U World Sport đối thoại với công nhân và Trợ lý Tổng giám đốc của công ty, bà Cao Thị Trâm thông báo tạm thời thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết trước đây.
Cũng tin liên quan đến lĩnh vực người lao động tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê Hà Nội cho biết hiện có hơn 18 triệu lao động không chính thức, trong đó có đến gần 98% không có bảo hiểm xã hội.
Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ cần có chính sách và giải pháp hỗ trợ nhóm 18 triệu lao động không chính thức cũng như các cơ quan chức năng phải tăng cường việc kiểm tra và có biện pháp chế tài đối với những chủ lao động không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Đồng Tâm còn căng thẳng sau thư kêu gọi tự thú?
Một người dân liên quan “điểm nóng Đồng Tâm” không đồng tình về lá thư kêu gọi tự thú và đầu thú của công an Thành phố Hà Nội.
Nội dung thư được đọc từ ngày 11/10, trên loa phát thanh của xã Đồng Tâm, kêu gọi đầu thú với những người “tham gia việc bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra từ 15 đến 22/4 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội, theo báo chí Việt Nam.
Theo báo Công an Nhân dân điện tử, lá thư có một số nội dung như sau:
“Trong cuộc sống, đôi khi vì sai lầm trong nhận thức, hành động có thể làm cho cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thậm chí phạm tội. Điều đáng tiếc, không mong muốn đó ảnh hưởng tiêu cực cho người thực hiện hành vi, gia đình họ và cho xã hội.”
“Đối mặt với tình huống này, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cần phải làm gì để được hưởng lượng khoan hồng, giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý với cá nhân mình?”
Lá thư đề nghị “các cá nhân đã tham gia vụ án hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, bắt, giam hoặc giữ người trái pháp luật trên địa bàn thôn Hoành từ ngày 15 đến ngày 22/4 hãy dũng cảm, đối mặt với sự thật, nhanh chóng đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội, VKSND Hà Nội hoặc chính quyền, cơ quan công an gần nhất để tự thú, đầu thú, khai báo, góp phần khắc phục hậu quả đã gây ra.”
Dân Đồng Tâm ‘giữ đất đến hơi thở cuối cùng’
Chủ tịch Chung ‘mong Đồng Tâm chấp hành’
Từ Đồng Tâm, ông Lê Đình Công nói với BBC qua điện thoại hôm 16/10: “Đầu thú là phải phạm tội. Phải có lệnh truy nã mới kêu gọi ra đầu thú. Đây người dân vẫn ở nhà làm ăn bình thường, có gì đâu mà ra đầu thú?”
“Về mọi sự việc đã xảy ra, nếu công an không về đánh người, bắt người thì sẽ không có chuyện bắt giữ 38 công an đấy. Những người đánh dân thì họ hoàn toàn không đả động đến.”
Vụ Đồng Tâm: CA Hà Nội kêu gọi ‘dân đầu thú’
Dân Đồng Tâm ‘giữ đất đến hơi thở cuối cùng’
Chủ tịch Chung ‘mong Đồng Tâm chấp hành’
“Họ xử lý cái kiểu đầu không làm, lại làm từ đuôi lên. Người dân không thể chấp nhận!”
Đầu thú là phải phạm tội. Và phải có lệnh truy nã mới kêu gọi ra đầu thú. Đây người dân vẫn ở nhà làm ăn bình thường có gì đâu mà ra đầu thú?”Lê Đình Công
Ông Công nói thêm: “Người dân Đồng Tâm giờ chỉ muốn chính quyền thực hiện hai điều sau:
“Thứ nhất, là phải giải quyết đất đai rõ ràng, rằng đó là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, và tiến hành ra quyết định thu hồi đất đúng quy trình.
Thứ hai, là vụ việc xảy ra hôm 15/4, công an về bắt người trái pháp luật, đánh cụ Kình, người có 56 tuổi Đảng. Công an phải làm rõ những người đánh cụ Kình.”
Giới chức ‘chưa xin lỗi cụ Lê Đình Kình’
Đồng Tâm: Thêm lời kể của cụ Kình
Gia đình ông Kình ‘bác thông tin chính quyền’
“Như vậy người dân mới tâm phục khẩu phục,” ông Công khẳng định.
Ông Lê Đình Công là con trai cả của cụ Lê Đình Kình, đại diện cho dân làng trong tổ Đồng thuận – tổ đại diện bà con gửi đơn thư khiếu tố các vấn đề sai phạm trong quản lý đất đai tại địa phương và vi phạm pháp luật của cán bộ, cá nhân lãnh đạo xã Đồng Tâm.
Cán bộ, chiến sĩ được dân xã Đồng Tâm thả ngày 22/4 sau khi chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối thoại với người dân.
Khi đó, ông Chung cũng cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân thôn Hoành trong vụ việc này.
Đến ngày 13/6, công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự liên quan việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành để điều tra về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và sự việc đập phá gây hư hỏng một số ô tô để điều tra về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Theo ông Công, kể từ khi có quyết định khởi tố từ 13/6, chính quyền địa phương đã tuyên truyền kêu gọi người dân ra đầu thú. Vào cuối tháng Chín, một số người dân nhận được giấy triệu tập và đến ủy ban xã làm việc, nhưng “chính quyền xã hoàn toàn đóng cửa.”
Từ khi có kết luận thanh tra, người dân Đồng Tâm cũng đã nhiều lần gửi đơn đến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước và Quốc hội nhưng “vẫn thấy im hơi lặng tiếng”, theo ông Công.
Hơn nhiều tháng nay, người dân Đồng Tâm vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc họp nội bộ hàng tuần, được chia sẻ trực tuyến qua mạng xã hội, nếu rõ quan điểm bức xúc của người dân. Khi được hỏi có đại diện chính quyền xuống làm việc với người dân hay không, thì ông Công nói chưa có ai.
Trao đổi với BBC hôm 16/10, một trong những luật sư tư vấn cho người dân Đồng Tâm là luật sư Trần Vũ Hải cho biết ông không rõ lý do vì sao chính quyền Hà Nội quyết tâm kêu gọi người dân ra đầu thú.
‘Tuyên truyền, vận động’
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Điều tra viên cao cấp của cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội cho báo Người Đưa Tin biết hôm 16/10: “Vụ Đồng Tâm xảy ra có dấu hiệu của tội phạm và cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án rồi. Phải xác định ở đây có sự việc phạm tội và do rất nhiều người tham gia.”
“Tuy nhiên, cũng nhất quán ngay từ đầu về chỉ đạo của thành phố là lấy tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con là chính, để chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.”
Ông Hùng nói: “Với những người đã trót có hành vi có dấu hiệu của tội phạm thì quan điểm chung của lãnh đạo thành phố cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật là trong quá trình xem xét, xử lý sẽ chú ý thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Thực hiện chỉ đạo ấy, cơ quan điều tra kêu gọi những người có hành vi vi phạm pháp luật ra tự thú, đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng”.
“Đây là những người thiếu hiểu biết pháp luật, do bị kích động nên đã có hành vi vi phạm. Nếu đã lỡ vi phạm pháp luật, về nguyên tắc thì phải xử lý, nhưng trong việc xử lý thì vấn đề khoan hồng đối với bà con, đối với những người vi phạm sẽ được hết sức quan tâm,” ông Hùng nói thêm.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41635717
Tổng thống Trump sẽ gặp Chủ tịch Quang
Nhà Trắng loan báo Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ dự hội nghị Apec tại Đà Nẵng ngày 10/11 và thăm chính thức Việt Nam một ngày vào hôm 11/11.
Thông cáo ngày 16/10 của Nhà Trắng mô tả lịch trình chính thức của ông Trump tại châu Á trong tháng 11.
Tổng thống Mỹ sẽ đến Đà Nẵng dự Apec ngày 10/11.
Tại đây, ông sẽ đọc diễn văn ở Hội nghị thượng đỉnh các doanh nhân APEC (APEC CEO Summit).
‘Bộ sậu’ của Trump và ảnh hưởng tới VN
‘Chuyên gia chiến tranh VN’ thành cố vấn an ninh Mỹ
Theo Nhà Trắng, trong diễn văn, ông Trump sẽ trình bày “viễn kiến về một khu vực cởi mở, tự do tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực để giúp thịnh vượng kinh tế của Hoa Kỳ”.
Ngày 11/11, Tổng thống Mỹ bay ra Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam, hội kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các lãnh đạo khác của Việt Nam.
Tổng thống Mỹ đến Manila, Philippines ngày 12/11 dự buổi tiệc đánh dấu 50 năm thành lập Asean.
Ngày hôm sau, ông Trump dự hội nghị Mỹ-Asean, và tiếp xúc song phương với Tổng thống Rodrigo Duterte.
Trước đó, Tổng thống Mỹ sẽ thăm Nhật từ 5/11, Hàn Quốc ngày 7/11, và Trung Quốc ngày 8/11.
Nhà Trắng nói chuyến công du châu Á này thể hiện cam kết của ông Trump với các đồng minh và đối tác tại châu Á.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41635722
Án chung thân tuyên đối với cựu đại biểu Quốc hội
Cựu đại biểu quốc hội Việt Nam, bà Châu Thị Thu Nga lãnh án tù chung thân.
Ngoài ra còn có 9 người bị cáo buộc là đồng phạm với bà Nga bị kêu án từ 24 tháng cho đến 7 năm tù giam.
Bản án được tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên vào chiều ngày 16 tháng 10.
Cáo trạng của tòa nói rằng bà Nga phạm tội lừa đảo chiếm đoạt một số tiền trị giá 350 tỉ đồng.
Tuy nhiên bà Nga nói rằng vẫn còn có nhiều điều oan ức mà tòa chưa làm rõ cho bà.
Bà Châu Thị Thu Nga năm nay 52 tuổi là đại biểu quốc hội và cũng là một doanh nhân trong lĩnh vực địa ốc. Bà bị bắt vào ngày 7 tháng 1 năm 2015, với cáo buộc lừa đảo liên quan đến công ty địa ốc do bà làm chủ.
Trong diễn biến của phiên tòa vừa qua luật sư bào chữa của bà Nga cho biết trong hồ sơ bà này có khai đã dùng tiền đút lót để được bầu làm đại biểu quốc hội, nhưng tòa án đã không cho bà này khai báo việc chạy ghế đại biểu quốc hội như thế. Lý do vì tòa nói là không có liên quan đến vụ án đang được xét xử.
Đoàn dân biểu Hoa Kỳ thăm Việt Nam
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ, mong muốn tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện song phương giữa hai bên ở ba mặt song phương, khu vực và toàn cầu.
Đó là lời khẳng định của Phó Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, ông Đỗ Bá Tỵ, trong buổi làm việc với Đoàn nghị sỹ Hoa Kỳ do ông Ted Yoho dẫn đầu, diễn ra tại Nhà Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội vào ngày 16 tháng 10.
Cũng theo ông Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ hãy tiếp tục ủng hộ thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Ngoài ra, sự hỗ trợ trong các lĩnh vực khác như tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thiên tai, công nghiệp quốc phòng, đóng tàu, giám sát biển…cũng được Việt Nam đề cập đến.
Trong buổi làm việc, ông Ted Yoho, Chủ tịch Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ cho biết rất tin tưởng vào mối quan hệ của hai quốc gia. Tuy nhiên theo ông, hai bên vẫn còn phải tiếp tục giải quyết các vấn đề còn lại để hướng đến 1 tương lai tốt đẹp.
Xin nhắc lại ông Đỗ Bá Tỵ từng là Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, với hàm đại tướng.
Việt Nam – Indonesia ký Tuyên bố
Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng
Bản Tuyên bố Tầm nhìn Chung về Hợp tác Quốc phòng 2017 – 2022 giữa Bộ quốc phòng Việt Nam và Bộ quốc phòng Indonesia được ký kết vào ngày 13 tháng 10 vừa qua.
Bản Tuyên bố vừa nêu được ký vào ngày kết thúc chuyến thăm chính thức Indonesia của Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu.
Tin cho biết mục đích của việc ký Tuyên bố Tầm nhìn chung là để phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam – Indonesia. Nội dung của tuyên bố là chi tiết hoá các nội dung trong Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác giữa các quan chức quốc phòng và các hoạt động liên quan ký vào tháng 10 năm 2010.
Trong buổi gặp giữa hai bên, vấn đề ngư dân được Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhắc đến và cho rằng cần phải xử lý kịp thời để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước.
Vấn đề này được Bộ trưởng Ryanmizard Ryacudu bày tỏ sự đồng thuận.
Theo đề nghị của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, khi hai nước chưa phân định xong Vùng đặc quyền kinh tế thì nên có sự trao đổi hợp tác thông tin để xử lý các tình huống phát sinh trên thực địa, không để sự việc đáng tiếc xảy ra.
Vừa qua Indonesia trả về Việt Nam hai đợt gần 740 ngư dân bị lực lượng chức năng nước này bắt với cáo buộc đánh bắt lậu trong vùng biển của Indonesia.
Tháng 8 năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Indonesia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sau gần 6 thập niên.
Tp. HCM đứng 6/10 ‘đô thị nguy hiểm nhất thế giới’
Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, xếp thứ 6 trong số 10 đô thị nguy hiểm nhất thế giới, theo một báo cáo của tạp chí The Economist công bố hồi cuối tuần qua.
Báo cáo do bộ phận nghiên cứu và phân tích mang tên Đơn vị Tình báo (Intelligence Unit) của The Economist lập.
Với tên chính thức “Chỉ số các thành phố an toàn 2017”, báo cáo đánh giá 49 tiêu chí khác nhau về an ninh trong các lĩnh vực kỹ thuật số, sức khỏe, hạ tầng và cá nhân để xếp hạng 60 đại đô thị. Hà Nội, thủ đô Việt Nam, không nằm trong bảng đánh giá.
Trong 10 thành phố nguy hiểm nhất thế giới, châu Á và Trung Đông có tới 7 cái tên. Tp. HCM đứng thấp hơn Tehran của Iran và Manila ở Philippines, trên 4 thành phố đội sổ là Jakarta (Indonesia), Dhaka (Bangladesh), Yangon (Myanmar) và Karachi (Pakistan).
So với bảng xếp hạng đầu tiên được công bố cách đây 2 năm, Tp. HCM năm nay bị tụt hạng 10 bậc, Jakarta tụt 13 bậc.
Ngược lại, trong 10 thành phố an toàn nhất thế giới, có 6 cái tên của châu Á-Thái Bình Dương, đứng đầu là Tokyo, Singapore và Osaka.
Các thành phố thuộc nhóm an toàn nhất là nơi có chăm sóc sức khỏe tốt nhất, hạ tầng vận tải công cộng thuận tiện và giá bất động sản cực kỳ cao. Đối lập lại, những đô thị chót bảng, trong đó có Tp. HCM, hầu hết nằm ở các nước đang phát triển và quá tải về dân số.
Những người lập báo cáo đã nghiên cứu rộng khắp và phỏng vấn sâu nhiều chuyên gia. Bản báo cáo có đoạn viết rằng kết quả của cuộc nghiên cứu “một lần nữa cho thấy hố sâu ngăn cách về đẳng cấp an toàn giữa thế giới đang phát triển có mức đô thị hóa nhanh chóng và thế giới đã phát triển giờ đây đang trì trệ”.
Tôi cảm thấy đây là một thành phố đúng là nguy hiểm. Thứ nhất là về tỉ lệ tai nạn giao thông. Gần như ngày nào tôi cũng nhìn thấy tai nạn giao thông. An ninh về mặt con người hay về mặt tài sản cũng không được đảm bảo bởi vì thường xuyên xảy ra cướp trên đường hay trộm trong nhà.
Anh Hoàng Dũng, cư dân Tp. HCM
Không bị xếp vào 10 nước tồi tệ nhất về an ninh sức khỏe lẫn an ninh hạ tầng, nhưng Tp. HCM bị xếp hạng gần đội sổ về tiêu chí an ninh kỹ thuật số và an ninh cá nhân. Ở cả hai mặt này, đầu tàu kinh tế của Việt Nam đều đứng lần lượt ở vị trí thứ 6 và thứ 8 trong nhóm 10 tồi nhất.
An ninh kỹ thuật số liên quan đến các công nghệ “thành phố thông minh” và việc bảo vệ các công nghệ đó.
Theo báo cáo, 4 trong 5 thành phố trong nhóm kém nhất, kể cả Tp. HCM, là những nơi có thu nhập thấp. Các thành phố này thường còn yếu kém về công nghệ. Bên cạnh đó, do còn phải đối phó với các thách thức khác như bệnh truyền nhiễm và nghèo đói, các thành phố này càng coi an ninh kỹ thuật số là hạng mục ít ưu tiên.
Về tiêu chí an ninh cá nhân xét đến tội phạm đô thị, án mạng và tấn công khủng bố, Tp. HCM đứng thấp hơn Moscow và Yangon, chỉ trên Caracas của Venezuela và Karachi của Pakistan.
Anh Hoàng Dũng, một cư dân Tp. HCM lâu nay tích cực vận động cho tiến bộ xã hội, nói với VOA:
“Tôi cảm thấy đây là một thành phố đúng là nguy hiểm. Thứ nhất là về tỉ lệ tai nạn giao thông. Gần như ngày nào tôi cũng nhìn thấy tai nạn giao thông. An ninh về mặt con người hay về mặt tài sản cũng không được đảm bảo bởi vì thường xuyên xảy ra cướp trên đường hay trộm trong nhà, mà thường xuyên là tôi chứng kiến thấy”.
Trang web của thành phố lớn nhất Việt Nam cho hay trong năm 2016 gần 4.000 vụ tai nạn giao thông đã làm chết 805 người, bị thương hơn 3.200 người. Tp. HCM tính đến năm ngoái có hơn 8,1 triêu người, theo con số chính thức.
Trong cùng năm, công an thành phố nói đã xảy ra hơn 5.200 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có gần 900 vụ cướp giật và 93 vụ giết người. Theo công an, số các vụ đã giảm hơn 14% so với năm trước. Đây là con số được ghi nhận qua các vụ được trình báo, nhiều người cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Chưa có con số của năm 2017, nhưng ở thành phố này chỉ trong hơn 1 tháng trở lại đây đã xảy ra 2 vụ gây chú ý ở mức độ quốc tế. Đó là đạo diễn người Mỹ Jordan Vogt, đại sứ du lịch của Việt Nam, bị đánh chảy máu đầu tại một quán bar hồi đầu tháng 9, và một nhà ngoại giao thuộc lãnh sự quán Mỹ bị cướp đồ trên taxi hồi cuối tháng 9.
Ngoài an toàn thân thể và tài sản, những người sinh sống ở Tp. HCM còn lo lắng về các mối nguy do hạ tầng thiếu thốn hoặc xuống cấp. Anh Hoàng Dũng, 38 tuổi, cho biết:
“Những công trình xây dựng không được đảm bảo thỉnh thoảng lại có sắt rơi xuống đường. Hay các hố ga, thỉnh thoảng lại có bé bị chui vào trong hố ga khi trời mưa đến ngập. Đặc biệt là việc ngập nước ở đường phố cùng là một nguồn nguy hiểm. Và một cái nữa cần kể đến là ô nhiễm không khí. Tôi ở đây hơn 10 năm rồi và tôi thấy cái độ đục của bầu trời càng ngày càng trở nên nặng nề”.
Những chính sách ông Nguyễn Thiện Nhân đề ra tôi nghĩ sẽ không có hiệu quả. Trước khi ông trở thành bí thư của Tp. HCM ông đã kinh qua nhiều chức vụ nhưng không để lại dấu ấn gì. Ông Nguyễn Thiện Nhân tôi không đánh giá cao.
Anh Hoàng Dũng, cư dân Tp. HCM
Anh cho rằng các yếu tố kể trên làm cho nơi này không còn là “thành phố đáng sống” như trước đây. Trách nhiệm vì đã để thành phố rơi vào tình trạng hiện nay, theo anh Dũng, trước hết thuộc về chính quyền cả ở cấp thành phố lẫn cấp nhà nước.
Nam cư dân của Tp. HCM này đưa ra nhận định là nếu tạo ra mức sống tốt và công ăn việc làm ở các tỉnh, người dân sẽ không đổ dồn về trung tâm kinh tế số 1 của Việt Nam, tránh cho thành phố ngày càng chật chội, ngột ngạt, kém an toàn.
Trùng với ngày The Economist công bố báo cáo nêu tên Tp. HCM trong nhóm những đô thị nguy hiểm nhất thế giới, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy, đã tiếp xúc cử tri và tuyên bố trong quý 4 năm nay, bộ máy dưới sự chỉ đạo của ông sẽ lập các đoàn đi tới các quận, huyện để ghi nhận ý kiến hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền các cấp.
Liệu động thái này sẽ giúp cải thiện thành phố đến mức nào, nam cư dân Hoàng Dũng đưa ra ý kiến:
“Những chính sách ông Nguyễn Thiện Nhân đề ra tôi nghĩ sẽ không có hiệu quả. Trước khi ông trở thành bí thư của Tp. HCM ông đã kinh qua nhiều chức vụ nhưng không để lại dấu ấn gì. Ông Nguyễn Thiện Nhân tôi không đánh giá cao. Do vậy, tôi cho rằng chính sách này của ông ấy cũng sẽ chẳng đi đến đâu”.
Xếp hạng về an toàn của The Economist được đưa ra gần 10 tháng sau một báo cáo khác tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi tháng 1 năm nay, theo đó Tp. HCM đứng thứ 2 trong số 10 thành phố năng động nhất thế giới.
https://www.voatiengviet.com/a/tp-hcm-dung-6-tren-10-do-thi-nguy-hiem-nhat-the-gioi/4072287.html
Thủ tướng Phúc kêu gọi toàn dân ‘nhắn tin’
ủng hộ nạn nhân lũ lụt
Trong một chương trình cầu truyền hình trực tiếp trên cả nước tối 15/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi toàn dân “cầm điện thoại lên” và “hướng về đồng bào” vùng lũ lụt để nhắn tin ủng hộ. Lời kêu gọi của người đứng đầu nhà nước Việt Nam đã gặp nhiều phản ứng ngược trên mạng xã hội, trong khi một nhà hoạt động tích cực trong đợt lũ lụt vừa qua nhận xét “có nhiều việc cần phải quan tâm hơn nhiều”.
Tham gia từ Hà Nội trong chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Lao động Thương binh Xã hội tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến những gia đình bị mất người, mất nhà trong đợt lũ lụt vừa qua và kêu gọi toàn dân “chung tay vì người nghèo”.
Ông nói: “Xin mọi người cùng với tôi cầm điện thoại lên. Chúng ta hướng về phía đồng bào, hướng về miền quê đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt. Soạn VNN và gửi vào số 1408, mỗi tin nhắn của chúng ta sẽ ủng hộ người nghèo 20.000 đồng”, theo VnExpress.
Không tin
Lời kêu gọi của ông Phúc nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội, nhưng lại không theo tinh thần “ủng hộ” mà Thủ tướng Việt Nam mong đợi. Đa số bình luận của người dân tỏ ra nghi ngờ về điểm đến của những đồng tiền quyên góp. Một số người khác lại sử dụng diễn đàn để nêu lên nhiều vấn đề mà họ cho là nguồn gốc sâu xa dẫn đến những mất mát, đau thương của người dân trong những thảm họa lặp lại hàng năm.
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nói với VOA trên quan điểm của một người trực tiếp có mặt, đưa tin và giúp đỡ người dân ở những khu vực bị lũ lụt nặng nề trong những ngày qua:
“Vấn đề là lòng tin của quần chúng đối với việc hỗ trợ những người gặp nạn. Vấn đề ở đây là những thảm họa đó có phải hoàn toàn do thiên nhiên hay không? Hay do buông lỏng quản lý, sự tắc trách, thậm chí là phá hoại môi trường, phá hoại tài nguyên của các cơ quan chức năng mà đáng lẽ ra chức năng của nó là bảo vệ tài nguyên”.
Còn nhiều ‘vấn đề’ cần quan tâm
Ông Nguyễn Lân Thắng cho rằng việc cơ quan chức năng “cấp phép vô tội vạ” cho các công trình thủy điện, khai thác mỏ, chính sách khai hoang để phát triển kinh tế, giao rừng cho các nông trường quốc doanh quản lý… là nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa tái diễn hàng năm và hậu quả ngày càng thảm khốc hơn.
Ông nói thêm: “Tài nguyên mênh mông nhưng giao vào nơi ‘cha chung không ai khóc’ nên việc quản lý khai thác cũng như bảo vệ nó có rất nhiều vấn đề. Nạn lâm tặc, nạn phá rừng… theo tôi là nguyên nhân rất lớn gây ra những thảm họa như lũ bùn, lũ quét gây sập nhà cửa người dân. Chính vì vậy, tôi thấy thái độ của người dân đối với lời kêu gọi của chính phủ trong việc khắc phục thảm họa là rất thấp. Thứ nhất là vì người ta không tin là đồng tiền người ta bỏ ra sẽ đến tay được đồng bào. Điều thứ hai người ta mong muốn hơn là chấm dứt thảm họa do những tắc trách, vô trách nhiệm, cũng như sự phá hoại của chính con người, của bộ máy Nhà nước. Đó là điều cần phải quan tâm hơn nhiều”.
Thống kê mới nhất của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam cho biết hiện đã có 103 người chết và mất tích, 31 người bị thương trong đợt lũ lụt được xem là “lịch sử” ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Nhà cửa, tài sản của người dân bị thiệt hại nặng nề. Hiện nhiều địa phương vẫn đang huy động các lực lượng từ dân quân đến người dân để tìm kiếm các nạn nhân mất tích và khắc phục hậu quả của lũ lụt.
Chương trình cầu truyền hình trực tiếp tối 15/10 là sự kiện mở đầu cho tháng cao điểm “Vì người nghèo”, diễn ra từ ngày 17/10 đến 18/11.
Phát biểu trong chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói mặc dù ngân sách còn khó khăn, nhưng chính phủ Việt Nam mỗi năm dành hàng chục nghìn tỷ đồng cho chương trình xóa đói giảm nghèo, vốn là một “chủ trương lớn” được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế, xã hội.
Vẫn theo lời ông Phúc, với tỷ lệ giảm nghèo “rất ấn tượng”, với số hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,8% năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn khoảng 7% năm 2017, “Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, được nhân dân đánh giá cáo, được cộng đồng quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo”, theo Vietnamnet.