Tin Việt Nam – 16/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 16/09/2018

Gia đình ‘vui mừng

vì Trần Huỳnh Duy Thức ngưng tuyệt thực’

Trưa 16/9, em trai của ông Trần Huỳnh Duy Thức xác nhận với BBC về tin nhà bất đồng ngưng tuyệt thực sau 34 ngày.

Trả lời BBC qua điện thoại, ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của ông Trần Huỳnh Duy Thức, nói: “Anh tôi đã quyết định ngưng tuyệt thực hôm nay, sau chuyến thăm của hai chị gái và hai con gái.”

“Có thể là vì anh Thức tiếp nhận ý nguyện của gia đình cũng như được truyền tải mong muốn của nhiều người rằng muốn anh Thức bảo toàn mạng sống.”

“Gia đình tôi vui mừng vì chuyện này. Theo tôi, cho dù chuyện gì có xảy ra thì anh tôi phải ngưng tuyệt thực trước đã.”

Trần Huỳnh Duy Thức và thư viết từ nhà tù

‘Hi vọng Trần Huỳnh Duy Thức sẽ được ân xá’

HRW: VN ‘leo thang bạo lực với giới hoạt động’

‘Cảm kích’

Ông Tân cũng cho biết thêm: “Gia đình tôi rất cảm kích trước tin nhiều người loan báo tiếp tục tuyệt thực đồng hành cùng Trần Huỳnh Duy Thức, dù anh tôi đã ngưng tuyệt thực, cho đến khi anh tôi được trả tự do.”

“Việc đấu tranh của anh tôi yêu cầu chính quyền thượng tôn pháp luật là công cuộc lâu dài.”

“Do vậy, tôi mong là công luận cũng như các tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng về Trần Huỳnh Duy Thức.”

Hôm 9/9, gia đình ông Thức đã có thư khẩn gửi các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế về nguy cơ với tính mạng của ông. Thời điểm đó ông Thức đã tuyệt thực 27 ngày.

Thư có đoạn: “Điều này là quá sức chịu đựng của một cơ thể thông thường. Và như vậy, tính mạng của con tôi có thể bị cướp bất cứ lúc nào.”

Qua thư, gia đình ông Thức đưa ra hai yêu cầu: trại giam cho biết ngay lập tức tình trạng của ông Thức và cho ông gọi điện về gia đình; các cơ quan pháp luật xem xét ngay yêu cầu của ông Thức [về việc được trả tự do] và trả lời ngay theo quy định của pháp luật.

Gia đình ông Thức cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế quan tâm tới trường hợp của ông – “về khát vọng một Việt Nam dân chủ và thịnh vượng”, để “cùng lên tiếng giữ tính mạng của ông”.

Lần gần đây nhất gia đình ông Thức thăm ông trong tù là hôm 31/8.

Ông Tân nói trong buổi gặp kéo dài 40 phút, ông Thức cho biết đã sụt hơn 4kg. Ông Thức cũng từ chối không nhận khẩu phần ăn của trại giam và của nhà gửi vào.

“Anh Thức trông yếu và ốm đi nhiều, da mặt xạm đen,” ông Tân nói. “Nhưng anh vẫn động viên gia đình và nói “Anh không sao.”

“Lý do anh Thức tiếp tục tuyệt thực là yêu cầu nhà nước phải thượng tôn pháp luật, trả tự do cho anh theo Bộ luật Hình sự sửa đổi. Nếu sử dụng hình thức đặc xá thì chưa phải là công lý.”

‘Bị cô lập’

Ông Tân cho hay được ông Thức thông báo về việc giám thị trại giam là ông Trần Bá Toan ra văn bản số 224 với nhiều quy định mới, trong đó có việc thư tố cáo khiếu nại của tù nhân phải gửi cho cán bộ trại kiểm tra trước, không được viết thư gửi lãnh đạo nhà nước, không được gửi các sáng tác văn, thơ, nhạc về nhà.

“Văn bản này mục đích để nhắm vào cá nhân anh Thức, nhằm cách ly và cô lập anh,” ông Tân cáo buộc.

Từ Hoa Kỳ, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), người từng có kinh nghiệm tuyệt thực trong tù, cho BBC hay:

“Tôi từng ở trại giam số 6 Nghệ An, từng tuyệt thực, nên tôi hiểu những khó khăn mà Thức phải chiu đựng.”

“Thức vừa tuyệt thực mấy ngày thì trại giam số 6 đã chuyển 4 người đang ở cùng anh ấy sang phân trại K2 cách đó khoảng 2 km, nhằm cách ly những anh em này khỏi anh Thức và cô lập thông tin của anh ấy.”

“Trong bốn người bị chuyển đi có anh Trương Minh Đức mới vào trại 6. Anh Đức có vợ lên thăm hàng tháng nên có thể đưa tin giúp anh Thức.”

“Cho nên Thức đang bị cô lập và biệt giam tại một buồng giam có camera kiểm soát. Phòng số 5, phân trại K1, Trại giam số 6 ở xã Hạnh Lâm, Huyện Thanh Chương Nghệ An.”

Ông Hải cũng cho hay lần ông tuyệt thực lâu nhất là 33 ngày. Do có kinh nghiệm từ nhiều lần tuyệt thực, ông giữ được tỉnh táo nhưng đến giai đoạn 30 ngày thì hay chóng mặt và ù tai, thở cạn.

‘Tuyệt thực cùng Thức’

Hồi đầu tháng Chín, gia đình và những người ủng hộ ông Trần Huỳnh Duy Thức đã tung ra chiến dịch kêu gọi trả tự do cho ông.

Chiến dịch này được nhiều người tham gia. Nhiều Facebooker đồng loạt sử dụng hình đại diện là hình ảnh ông Thức. Nhiều người công khai tuyên bố tuyệt thực một ngày để đồng hành cùng ông.

Cộng đồng mạng cũng kêu gọi cầu nguyện cho ông ở nhiều địa điểm trong và ngoài nước.

Luật sư Lê Công Định chia sẻ trên trang cá nhân hôm 11/9: “Buổi thắp nến cầu nguyện cho sức khoẻ và bình an của anh Trần Huỳnh Duy Thức đêm nay trên khắp các miền đất nước và hải ngoại đã thành công một cách đầy cảm động, bất kể những nỗ lực ngăn chặn, quấy phá và cả ganh ghét. Sự đồng lòng đêm nay cho thấy niềm tin và hy vọng của người dân Việt Nam không chỉ gửi vào anh Thức, mà còn cho tương lai dân tộc này.”

Giáo dân giáo xứ Song Ngọc, Mỹ Khánh tại Nghệ An, cùng cộng đồng giáo dân ở Sài Gòn và Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cùng tổ chức cầu an cho ông và những người trong lao tù.Nhiều biểu ngữ khác nhau được sự dụng, gồm: “Anh thực sự là nguyên khí quốc gia”, “Anh là niềm hi vọng của dân tộc Việt Nam’, “Anh phải sống”.

Nhà hoạt động Lê Văn Sơn viết trên Facebook cá nhân: “Chúng tôi đồng hành, ủng hộ và tiếp bước cùng với Trần Huỳnh Duy Thức là cho chính chúng tôi, tương lai con cháu và cho sự trường tồn của dân tộc này.”

Cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày) đăng trên Facebook cá nhân hình ảnh ông và những người ủng hộ ông Thức cầm biểu ngữ “Tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức” tại trụ sở Tổ chức Ân xá Quốc tế tại New York.

Đây không phải là lần đầu ông Thức dùng hình thức tuyệt thực để phản đối những chính sách ông cho là bất công, đồng thời yêu cầu ‘thượng tôn pháp luật’.

Gia đình ông Thức cho BBC hay ông từng tuyệt thực lần đầu tiên 15 ngày năm 2016.

“Thời điểm đó, Quốc Hội Việt Nam đang thông qua Hiến pháp mới. Anh Thức tuyên bố tuyệt thực vô thời thạn để yêu cầu nhà nước trả lại quyền tự quyết cho dân,” ông Tân nói với BBC.

Sau khi có sự vận động của gia đình và những người ủng hộ, ông Thức dừng tuyệt thực ở ngày thứ 15.

“Lúc chia tay gia đình để quay lại phòng giam, anh Thức quay lại, giơ nắm tay lên và nói: “Đấu tranh này là trận cuối cùng”. Anh muốn gửi thông điệp rằng anh sẽ cương quyết đi theo con đường đấu tranh cho công lý của Việt Nam,” ông Tân thuật lại với BBC.

Trần Huỳnh Duy Thức là ai?

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, 56 tuổi, là một kỹ sư và doanh nhân theo đạo Phật, sống tại TP Hồ Chí Minh, theo hồ sơ của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ông sáng lập ra EIS, một công ty chuyên về cung cấp dịch vụ internet cho điện thoại di động ở Việt Nam có chi nhánh ở Singapore và Mỹ.

Ông sau đó trở thành một nhà hoạt động và tập trung vào việc viết blog về tình hình chính trị xã hội ở Việt Nam và góp ý cho chính phủ về các hướng cải cách.

Ông cũng thành lập phong trào Con Đường Việt Nam, một tổ chức nhằm cổ xúy các giá trị của nhân quyền và dân chủ.

Năm 2009, ông Thức bị án tù 16 năm với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45538661

 

Lai Châu: 13 người thiệt mạng

sau vụ tai nạn giao thông

Tin cho hay 13 người thiệt mạng và ba người khác bị thương sau vụ va chạm giữa xe bồn và xe khách ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Vụ tai nạn xảy ra lúc 9:30 sáng 15/9 tại km 57+400 trên quốc lộ 4D, thuộc thị trấn Tam Đường.

Báo Zing dẫn nguồn Công an Lai Châu nói tài xế của hai chiếc xe đều tử vong sau vụ va chạm.

Hai chiếc xe rơi xuống suối dưới cầu bản Tiên Bình.

Lở đất xóa sổ một bản ở Lai Châu

Mưa lũ bắc Việt Nam gây thiệt hại nặng nề

Bắc VN: Nhiều người thương vong do mưa lũ

Báo Lai Châu hôm 16/9 cho hay, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện một nạn nhân đang trong tình trạng hôn mê sâu, hai người khác bị gãy tay, chân. Bệnh viện Đa khoa tỉnh này đang huy động máy móc, nhân lực nỗ lực cứu chữa nạn nhân trong điều kiện tốt nhất.

Lãnh đạo Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Lai Châu cho biết, nguyên nhân vụ tai nạn là do xe bồn mất phanh nên đâm vào xe khách khiến cả hai xe rơi xuống suối sâu, theo báo Dân Trí.

Thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục đường bộ thông báo tốc độ xe bồn lúc 9:10 là 109km/giờ, theo InfoNet.

Báo Nhân Dân cho biết, hiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đã cử một êkíp bác sĩ, chuyên gia đến trợ giúp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cứu chữa cho các nạn nhân.

“Êkíp bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhận thấy điều kiện phương tiện và nhân lực điều trị tại bệnh viện địa phương không bảo đảm, cộng với tình trạng của một nạn nhân không có tiến triển nên người này đã được các bác sĩ chuyển về Bệnh viện Việt Đức để tiếp tục cứu chữa,” tờ báo viết.

Theo InfoNet, sau vụ này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo Tổng cục đường bộ Việt Nam “kiểm tra dữ liệu trên thiết bị giám sát hành trình của các phương tiện khi xảy ra tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông và cảnh báo các nguy cơ gây tai nạn giao thông cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải để chủ động phòng tránh tai nạn”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45538662

 

Sài Gòn: Giám Đốc Bỏ Chạy, Thợ Bi Đát

SAIGON — Giám đốc bỏ chạy, công nhân thê thảm…

Báo Lao Động kể chuyện Sài Gòn: Giám đốc “biệt tích”, công nhân khốn đốn.

Việc nhiều giám đốc “biến mất” khiến các nữ công nhân (CN) rơi vào hoàn cảnh mất việc, nợ lương, không thẻ BHYT.

Bản tin Báo Lao Động ghi rằng trong liên tục thời gian qua, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) ở TPSG bỗng dưng “biệt tích”, để lại khoản nợ lương, nợ BHXH khiến người lao động (NLĐ) khốn đốn. Trong đó, khó khăn hơn cả là những công nhân đang mang thai, chuẩn bị đến ngày sinh.

“Ban giám đốc cho chúng tôi nghỉ lễ dài ngày, tưởng đâu ban giám đốc tốt bụng, ai ngờ, họ chuẩn bị cho một cuộc chạy trốn, tẩu tán tài sản, để chúng tôi bơ vơ thế này” – anh N.V.Tuấn, CN Cty TNHH XNK May Thái Bình Dương (địa chỉ 47/25 ấp 7, xã Xuân Thới Thượng; Chi nhánh 54D, ấp 6, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TPSG) thở dài ngao ngán.

Cty TNHH XNK May Thái Bình Dương, đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Liễu, hoạt động từ năm 2008, ngành nghề may balô, túi xách xuất khẩu. Anh Tuấn cho biết, dịp lễ Quốc khánh 2.9, Cty rất “hào phóng” cho toàn bộ CN nghỉ thời gian rất dài, đến 5.9.2018 mới phải đi làm lại bình thường.

Sau kỳ nghỉ, CN quay trở lại làm việc và chờ phát lương tháng 8.2018, tuy nhiên lúc này các CN mới nhận thấy sự bất thường. Nhiều máy móc, phương tiện làm việc ở cty đã không còn nguyên vẹn mà được mang ra ngoài. Cả Cty đếm đi đếm lại chỉ còn khoảng 140 máy may, trong khi đó, Cty cũng “im hơi lặng tiếng” chuyện phát lương.

Các CN tỏa đi khắp Cty tìm giám đốc nhưng không thấy, điện thoại cũng không liên lạc được. Trong khi đó, bộ phận hành chính, nhân sự của Cty cũng chỉ còn vài người làm việc.

Bản tin báo Lao Động ghi rằng theo Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn Châu Văn Tuấn, hiện Cty TNHH XNK May Thái Bình Dương đang nợ hơn 1,2 tỉ đồng tiền lương của 161 CN và nợ BHXH hơn 2,7 tỉ đồng (từ tháng 3.2017). Điều đáng nói là trong số này có 3 nữ CN đang mang thai, cận kề ngày sinh.

Một nữ CN nức nở: “Không có việc làm, không có lương, không có thẻ BHYT, không biết rồi em sẽ sinh con và xoay xở thế nào đây”.

Cơ quan BHXH huyện Hóc Môn cho biết thêm, Cty đang nợ BHXH nên các CN mang thai sẽ có nguy cơ không được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Cùng với đó, 161 CN dù mất việc làm nhưng khó mà nhận được trợ cấp thất nghiệp vì Cty không đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã 2 năm qua.

Cũng giống trường hợp của CN Cty TNHH XNK May Thái Bình Dương, 176 CN Cty TNHH Tasko Vina (100% vốn Hàn Quốc; xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TPSG) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Vào tháng 8.2018, ông Lee Jeong Min (người Hàn Quốc), giám đốc Cty, đã bỏ về nước trong khi nợ 2 tháng lương của CN với tổng số tiền khoảng 1,7 tỉ đồng, chưa kể khoản nợ BHXH hơn 2 tỉ đồng.

Thời điểm đó, Cty vẫn còn một số thiết bị, máy móc trị giá gần 1 tỉ đồng và hiện đang được các cơ quan chức năng địa phương niêm phong. Nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho CN, LĐLĐ huyện Hóc Môn đã cử cán bộ tiếp nhận ủy quyền, đại diện CN khởi kiện Cty ra tòa.

Đến ngày 7.9, đã có 130/176 CN Cty TNHH Tasko Vina nộp hồ sơ ủy quyền cho LĐLĐ huyện khởi kiện Cty ra tòa đòi lương và BHXH. Trong đó, có 82 bộ hồ sơ đầy đủ đã được chuyển sang TAND huyện Hóc Môn. Hiện LĐLĐ huyện đang liên lạc với 46 CN còn lại để hướng dẫn thủ tục khởi kiện.

Báo Lao Động ghi thêm:

“Tương tự, đối với trường hợp của các CN Cty TNHH XNK May Thái Bình Dương, sau khi giám đốc “biến mất”, LĐLĐ và Phòng LĐTBXH huyện Hóc Môn cũng đã tiến hành hòa giải tranh chấp lao động và hướng dẫn CN làm thủ tục ủy quyền khởi kiện Cty ra tòa để đòi quyền lợi.”

https://vietbao.com/p122a285501/2/sai-gon-giam-doc-bo-chay-tho-bi-dat

 

Hàng chục quan chức ở Quảng Bình

bị kỷ luật vì chi sai tiền đền bù Formosa

Chính quyền huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, vừa thu hồi hơn 8.7 tỉ đồng, tương đương hơn 386,000 Mỹ kim từ 512 trường hợp đền bù sai sau thảm họa môi trường biển do formosa gây ra.

Truyền thông trong nước hôm Thứ Bảy 15/09 đưa tin, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, phó chủ tịch huyện Bố Trạch, vừa ký thông báo giải quyết tố cáo hàng loạt sai phạm tại xã Hải Trạch, trong việc đền bù thảm họa môi trường. Một cuộc kiểm tra cho thấy có 512 trường hợp chi trả sai, do lỗi của các giới chức thẩm định của 7 thôn và hội đồng thẩm định xã. Người chịu trách nhiệm trực tiếp là bí thư, chủ tịch xã, phó chủ tịch hội động nhân dân xã, và tổ trưởng tổ thẩm định của các thôn.

Không chỉ thẩm định sai dẫn đến chi trả sai, các giới chức của 7 thôn còn thu tiền của những người được bồi thường đúng để chia lại cho những người lẽ ra không được bồi thường. Chính quyền huyện đang đề nghị xem xét kỷ luật đối với ông Hồ Minh Lợi, bí thư đảng ủy xã; bà Phan Thị Ánh Nguyệt, chủ tịch hội đồng nhân dân xã; ông Nguyễn Duy Huy, chủ tịch uỷ ban nhân dân xã kiêm chủ tịch hội đồng thẩm định xã; ông Nguyễn Duy Hùng, chủ tịch mặt trận tổ quốc xã kiêm thành viên hội đồng thẩm định. Ngoài ra, huyện cũng đề nghị kỷ luật hai viên chức tư pháp xã và một phó chủ tịch hội nông dân xã, 7 trưởng thôn và 7 bí thư chi bộ, thành viên tổ thẩm định của 7 thôn.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/hang-chuc-quan-chuc-o-quang-binh-bi-ky-luat-vi-chi-sai-tien-den-bu-formosa/

 

Thực chất nội hàm ‘chính phủ kiến tạo VN’ là gì?

Quốc PhươngBBC Tiếng Việt

Chính phủ kiến tạo là một khái niệm được đặt ra trong Chính phủ Việt Nam từ thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một cựu thành viên Ban tư vấn kinh tế và chính sách của chính phủ giai đoạn trước ở Việt Nam nói với một Tọa đàm trực tuyến của BBC Tiếng Việt.

Chính phủ kiến tạo là một bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước kiến tạo, với nội hàm rộng hơn bao trùm toàn bộ hệ thống quyền lực của nhà nước, trong đó có Đảng và Quốc hội, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nếu chỉ nhắc tới ‘Chính phủ kiến tạo’ không thì sẽ bị ‘hạn hẹp’ về cách hiểu, trong khi ‘Nhà nước kiến tạo’, vốn là bộ máy khổng lồ hơn chính phủ, lâu nay được coi là một dạng mô hình ‘gần giống với tính chất ở nhà nước Đông Á’ như ở Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng hiện nay đang có đề xuất thay đổi về khái niệm tuy chưa có ‘tiếng nói chung’ giữa các giới điều hành chính sách và học thuật, vẫn theo quan điểm của chuyên gia kinh tế và chính sách này.

Bàn tròn BBC: về nội hàm ‘Chính phủ kiến tạo’

Giải mã ‘Chính phủ kiến tạo’ của ông Phúc

Bản chất của CNXH đặc sắc Trung Quốc là gì?

VN tăng trưởng ‘vượt trội’ cùng Lào, Campuchia

Về mặt lịch sử, những thuật ngữ mang tính chất ‘kiến tạo’ này đã được hình thành từ thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn DũngPGS. TS. Nguyễn Đức Thành

Lưu hành đồng tiền TQ ở VN ‘có vi hiến’?

“Cái gọi là ‘Chính phủ kiến tạo’ hay ‘Nhà nước kiến tạo’ cũng là những vấn đề cần phải thảo luận rất nhiều, thế nhưng về mặt lịch sử, những thuật ngữ mang tính chất ‘kiến tạo’ này đã được hình thành từ thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đề cập rất nhiều,” ông Nguyễn Đức Thành nói với Bàn tròn thứ Năm từ London của BBC Tiếng Việt hôm 13/9/2018.

“Và dưới sự hỗ trợ và giúp sức mà theo tôi được biết trong nhóm tư vấn kinh tế của Thủ tướng lúc đó là ông Trương Đình Tuyển là trưởng nhóm và cùng với một nhà nghiên cứu về nhà nước rất sâu là ông Nguyễn Sỹ Dũng, lúc bấy giờ là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đưa ra thuật ngữ là ‘kiến tạo’.

“Ở đây, tôi muốn trao đổi thêm sâu một chút là cấp độ ‘Nhà nước kiến tạo’ khác với ‘Chính phủ kiến tạo’, bởi vì chính phủ chỉ là một phần của bộ máy nhà nước thôi, bộ máy nhà nước khổng lồ hơn rất nhiều và nó định hình rất lớn.

“Nhiều người hiện nay vẫn nói ‘Chính phủ kiến tạo’ chẳng hạn thì nó sẽ hẹp hơn. Thế nhưng ở đây tôi cũng trao đổi thêm là lúc ban đầu, theo tôi hiểu, lúc đó qua trao đổi của ông Trương Đình Tuyển, ông Nguyễn Sỹ Dũng, hay cả phát biểu của Thủ tướng lúc đó, tôi hình dung đó là một nhà nước gần mang tính chất ở nhà nước ở Đông Á – tức là các nhà nước đã đem lại sự thành công kinh tế cho Hàn Quốc, cho Nhật Bản.

“Tức là một nhà nước vừa tốt về chất lượng, đồng thời có khả năng định hướng phát triển mũi nhọn, phát triển ngành, tạo lập môi trường kinh doanh, môi trường kinh tế tốt cho đất nước để đất nước có thể phát triển nhảy vọt.”

‘Không nên như vậy’

Tiếp tục nói về nội hạm của khái niệm ‘kiến tạo, đặt trong tiến trình phát triển của chính phủ và nhà nước kiến tạo ở Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành trình bày tiếp quan điểm của mình:

Việt Nam khuyến khích khởi nghiệp ở WEF ASEAN 2018

Thông tư 19: ‘Không kiểm soát được, có thể tác hại khó lường’

“Tuy nhiên, trong quá trình phát triển tiếp tục của khái niệm này, bản thân như chúng tôi, về mặt lý luận, tôi cho rằng ‘Nhà nước kiến tạo’ của Việt Nam, trong điều kiện của Việt Nam, từ quan điểm cá nhân của tôi, tôi nghĩ rằng nó không nên như vậy, mà nó có thể khác đi.

“Mà nhà nước kiến tạo của Việt Nam ở đây, theo quan điểm của chúng tôi, chỉ đơn thuần trở về với một dạng nhà nước phù hợp với nền kinh tế thị trường đang trỗi dậy của Việt Nam, và với điều kiện đó, nhà nước không cần phải quá lớn, không cần phải có trách nhiệm cho chính sách phát triển ngành hay từng ngành cụ thể.

Mà nhà nước kiến tạo của Việt Nam ở đây, theo quan điểm của chúng tôi, chỉ đơn thuần trở về với một dạng nhà nước phù hợp với nền kinh tế thị trường đang trỗi dậy của Việt Nam, và với điều kiện đó, nhà nước không cần phải quá lớnPGS. TS. Nguyễn Đức Thành

“Chúng ta biết các chính sách ngành của chúng ta [Việt Nam] đã từng phát triển về Vinashin, Vinalines, hay những tổ hợp công nghiệp khổng lồ để chúng ta vươn ra với thế giới đều bị thất bại. Đấy là một đặc thù lịch sử như vậy.

“Nhưng tôi cho rằng cái được gọi là ‘nhà nước kiến tạo’ của Việt Nam trong một báo cáo gần đây của chúng tôi mà chúng tôi công bố trong năm trước, trong Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam, là sản phẩm của Đại học Quốc gia Hà Nội về mảng kinh tế, thì trong Báo cáo của năm 2017, chúng tôi dành toàn bộ chuyên đề đó cho cái gọi là ‘Nhà nước kiến tạo’ ở Việt Nam.

“Trong đó chúng tôi đưa ra một khái niệm khác hơn so với khái niệm của ‘Nhà nước kiến tạo’ mà theo mô hình phát triển Đông Á, chúng tôi cho rằng nhà nước này là nhà nước cần tạo dựng môi trường luật pháp tốt, làm rõ các vấn đề về sở hữu, để cho người dân ở trong nền kinh tế của Việt Nam có nền tảng để kinh doanh tốt và phát triển được sự tự do cá nhân, quyết định cá nhân trong nền kinh tế.

“Và đồng thời phải tạo ra một môi trường kinh tế mà khu vực nhà nước ngày càng phải rút đi, khu vực kinh tế nhà nước phải rút đi để nó đỡ lẫn với những hoạt động điều hành, điều phối kinh tế của nhà nước, để duy trì tính cạnh tranh, bảo vệ cạnh tranh v.v…

“Thì đó là một vấn đề rất là khác và ngay cả bộ máy nhà nước cũng phải khác để phục vụ điều này, chúng ta phải tổ chức lại, kể cả bộ máy nhà nước, và chúng tôi gọi là nhà nước là nhà nước kiến tạo, chúng tôi không gọi là chính phủ, chính phủ chỉ là một phần thôi, còn có Quốc hội, còn có hệ thống luật pháp, còn có hệ thống Đảng trong đó hoạt động như thế nào?

“Đó là tất cả những gì chúng tôi đề xuất, ở đây ý tôi muốn chốt lại một điều rằng khái niệm “Nhà nước kiến tạo” mà độc giả có thể rất sốt ruột và cảm thấy là khó, thì chúng tôi chia sẻ thật là trong giới điều hành chính sách, trong giới học thuật cũng thật sự là chưa có điểm chung ở đây.”

Cảm nhận hiệu quả thực tế

Từ góc độ cảm nhận tính hiệu quả, tác động của các chuyển động từ ‘Chính phủ kiến tạo’ tại Việt Nam trong thời gian qua tới nay, một khách mời khác của Bàn tròn thứ Năm từ London, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Tích, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU), nêu ba nhận xét:

Bàn tròn Thứ Năm: Thông tư 19 và lưu hành nhân dân tệ ở VN

Thông tư 19 có tạo ‘nơi trú ẩn’ cho đồng NDT?

“Tôi nghĩ là đối với Chính phủ kiến tạo, chúng tôi cảm nhận thấy người dân có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh hơn trong thời gian vừa qua, bằng chứng là có rất nhiều văn bản, giấy tờ, cũng như giấy phép của các ngành mà các doanh nghiệp cũng như người dân cần đến, phải trình bày, thì bây giờ các thủ tục ấy giảm rất nhiều, đó là cái thứ nhất.

Đối với Chính phủ kiến tạo, chúng tôi cảm nhận thấy người dân có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh hơn trong thời gian vừa qua, bằng chứng là có rất nhiều văn bản, giấy tờ, cũng như giấy phép của các ngành mà các doanh nghiệp cũng như người dân cần đến, phải trình bày, thì bây giờ các thủ tục ấy giảm rất nhiềuPGS. TS Vũ Văn Tích

“Thứ hai là các chính sách hướng tới phát triển các ngành cũng nhiều hơn, thay vì chúng ta quản lý, thì bây giờ chúng ta là kiến tạo để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cũng như người dân có thể có cách tiếp cận và có những sinh kế mà có thể phát triển phù hợp với điều kiện của nền kinh tế thị trường.

“Cái thứ ba mà chúng tôi thấy được đó là sự tạo ra một nhận thức mới cho người dân trong bối cảnh khi chúng ta có những khó khăn về vấn đề nguồn vốn, về vấn đề tài nguyên, thì cơ hội để kiến tạo cho người dân có những điều kiện để học hành, cũng như điều kiện để tạo ra, tìm kiếm những sinh kế lâu dài trong bối cảnh đất nước có nhiều tác động như về vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như những vấn đề về xã hội.

“Thì người dân có nhiều cơ hội để tự tạo ra những hướng kinh doanh mới, thông qua những chương trình hỗ trợ như khởi nghiệp cho người dân, cho thế hệ trẻ và cho những loại hình doanh nghiệp mới được hình thành, thì tôi cảm nhận ba hướng mà chính phủ tạo ra là như vậy đối với mô hình gọi là ‘Chính phủ kiến tạo’, PGS. TS. Vũ Văn Tích nói với BBC.

Bình luận từ hướng nhìn của một nhà tư vấn, cố vấn chính sách và chiến lược phát triển, kinh tế, về ưu tiên lớn nhất cần có trong việc cải cách thể chế kinh tế, chuyên gia Nguyễn Đức Thành nêu nhận định:

“Cá nhân tôi với tư cách nhà kinh tế, tôi cho rằng việc cải cách thể chế kinh tế lớn nhất mà cần của Việt Nam hiện nay là xác định được những nền tảng cơ bản nhất của nền kinh tế mà chúng ta đang ở trong đó. Nền kinh tế này phải lấy khu vực kinh tế tư nhân làm chủ đạo và vì thế là tạo tất cả những điều kiện để khu vực ấy phát triển và để như vậy, đi liền với điều đó thì nó phải bắt đầu từ những vấn đề như vấn đề về sở hữu.

“Hay là vấn đề về đất đai trong quá trình chuyển đổi từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, cách làm như thế nào để khu vực nông nghiệp không bị tổn thương như hiện nay, chẳng hạn như vậy. Thì lúc ấy sẽ dẫn đến việc xử lý vấn đề cơ bản nhất như là cách sở hữu đất đai hay khi người nông dân không sở hữu đất nữa, nhưng mà chuyển cho người khác, thì người ta có quyền đến đâu, hay là người ta sẽ lại bị thu bằng giá rất rẻ, tất cả những vấn đề nhỏ như vậy thôi, nhưng thực ra đấy là nền tảng tạo ra nền móng cho nền kinh tế.|

“Và tiếp đó là các vấn đề về cơ chế về giá, ở đây là những giá cơ bản nhất, tức là vấn đề về nguyên liệu, vấn đề về năng lượng, mà ở đây là do các công ty nhà nước hiện nay đang còn chi phối, ngay cả giá đất đai là do quyết định hành chính chi phối, chứ không phải do thị trường. Với sự cải cách mang tính thị trường cho tất cả khung khổ lớn nhất này, thì doanh nghiệp mới từ từ nhận thấy tất cả mọi thứ được trao đổi thông qua giá cả, thị trường có thể quyết định được và nó đỡ bị méo mó.”

Triệt thoái và dân chủ hóa

Vấn đề ngày càng nảy sinh lớn trong một xã hội mà khi khu vực tư nhân trưởng thành như vậy, các quan hệ xã hội giữa người và người trở nên phức tạp, thì chúng ta phải có một cơ chế để tiếp thu, tiếp nhận những ý kiến hay những luồng thông tin, hay hiện tượng kinh tế xã hội nảy lên từ trong lòng xã hội, như vậy điều đó gọi là nền dân chủPGS. TS. Nguyễn Đức Thành

Theo góc nhìn của chuyên gia này, do chưa có thống nhất về mặt này, các chủ thể trên thị trường và trong xã hội Việt Nam đang buộc phải tìm những phương thức thay thế mà hệ quả làm ‘méo mó’ nền kinh tế, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành nói tiếp:

Thương chiến Trung Mỹ: ‘ASEAN chắc chắn bị ảnh hưởng’

Bình luận về tân Thủ tướng Việt Nam

‘Kinh tế thị trường không thể hủy hoại XHCN’

“Còn bây giờ không quyết định được ở những giá cơ bản nhất, cho nên họ buộc phải sử dụng những quan hệ chính trị, các quan hệ thân hữu và vì thế nền kinh tế trở nên méo mó, mặc dù những thành tựu về kinh tế vẫn liên tục và chúng ta nhìn thấy. Nhưng đi liền với nó là những cái hố ngăn cách hay những bất công về mặt xã hội ngày càng đi liền với kinh tế đó, thì sự phát triển không có ngày càng bền vững, tôi cho rằng thể chế phải nhìn sâu ở điểm đó.

“Nhưng được điểm đó thì nó phải đi thêm một lớp ở trên nữa, tức là về mặt thể hiện, chúng ta xác định được rằng khu vực kinh tế tư nhân là chủ đạo, thì cả hệ thống pháp luật để hỗ trợ, để làm sao họ vươn lên được như vậy, và hệ thống kinh tế của Việt Nam cũng phải như vậy, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp một cách tối đa khu vực doanh nghiệp nhà nước, cái này chúng ta nói rất nhiều rồi, mà chúng ta không thể nào làm được.

“Có những khu vực buộc khu vực nhà nước tồn tại, thì nó sẽ tiếp tục tồn tại bởi vì nếu không có khu vực nhà nước, chẳng có ai làm những chuyện đó, thì chúng ta không phải lo, tự nó sẽ tồn tại. Nhưng cái gì thực sự mà không làm được, thì chúng ta [khu vực kinh tế nhà nước của Việt Nam] không cần phải tham dự vào, thì nên hoàn toàn rút ra.

“Chứ còn nói trong các nghị quyết trong các chính sách, định hướng, chúng tôi thấy đều đã nói rồi, thế nhưng chúng ta không thể thực hiện được, tức là về mặt thực tế nó không đi tiếp, hoặc đi rất chậm, ví dụ như vậy.

“Tiếp đó là vấn đề ngày càng nảy sinh lớn trong một xã hội mà khi khu vực tư nhân trưởng thành như vậy, thì các quan hệ xã hội giữa người và người trở nên phức tạp, thì chúng ta phải có một cơ chế để tiếp thu, tiếp nhận những ý kiến hay những luồng thông tin, hay hiện tượng kinh tế xã hội nảy lên từ trong lòng xã hội, như vậy điều đó gọi là nền dân chủ.

“Thì chúng ta cần phải có một cơ chế để sao cho tính dân chủ của các nhóm lợi ích, hay của những nhóm người dân bị tổn thương, tất cả ở trong xã hội này, họ đều có một cơ chế để đưa được tiếng nói của họ ra, phải tôn trọng tiếng nói đó của họ.

Còn nếu không chúng ta cứ phủ hết đi, chìm hết đi, thì kinh tế vẫn tăng trưởng, ai đó vẫn giàu lên, nghĩa là không thể phủ nhận được, nhưng có những người bị tổn thương vì quá trình đó mà chúng ta không biết, chúng ta bị che lấp, bị đậy đi, thì xã hội sẽ trở nên giống như một cỗ máy chạy không có hệ thống lọc mát, hay bụi bẩn không được làm sạch, thì rồi nó sẽ bị tung cỗ máy ấy ra

“Và pháp luật phải có một sự công bằng, bình đẳng giữa họ, như vậy thì những cái không phải chỉ những người điều hành, mà kể cả những người quan sát, hay những người trí thức, những người làm truyền thông họ biết những gì đang diễn ra trong nền kinh tế này, trong xã hội này để họ khơi ra, họ giải quyết, và vì thế chúng ta giải quyết được những vấn đề trục trặc của xã hội.

“Còn nếu không chúng ta cứ phủ hết đi, chìm hết đi, thì kinh tế vẫn tăng trưởng lên, ai đó vẫn giàu lên, nghĩa là không thể phủ nhận được, thế nhưng có những người bị tổn thương vì quá trình đó mà chúng ta không biết, chúng ta bị che lấp, bị đậy đi, thì xã hội sẽ trở nên giống như là một cỗ máy mà chạy không có hệ thống lọc mát, hay bụi bẩn mà không được làm sạch, thì rồi nó sẽ bị tung [hỏng hóc] cỗ máy ấy ra.

“Tôi nghĩ cái ấy là rất nguy hiểm và điều ấy về mặt triết học, cũng như về mặt khoa học là hoàn toàn có thể, cho nên chúng ta [Việt Nam] buộc phải chú trọng những điều đó, nếu không cỗ máy kinh tế, cũng như xã hội của chúng ta sẽ bị trục trặc và gây ra những hiểm họa rất lớn cho đời sống dân sinh, cho những người dân mà đặc biệt những người mà dễ bị tổn thương nhất.

“Tôi nghĩ tất cả những cải cách về thể chế đều phải nhìn nhận vấn đề này, đi liền với nó là hệ thống luật pháp, hệ thống tổ chức, bộ máy hành chính ở Trung ương, ở địa phương, các cấp đều phải đi theo cải cách như vậy thì mới được,” nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Thành nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC từ London.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi phần nội dung trao đổi về nội hàm ‘Chính phủ và Nhà nước kiến tạo’ và cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45539820

 

Thời sự chó

Trương Duy Nhất

Là chuyện chó, đang rộn lên gần chục ngày rồi. Chính quyền Hà Nội đặt mục tiêu: sau 3 đến 5 năm nữa, dân thủ đô sẽ không ai ăn thịt chó. Bước đầu là vận động, nhưng nghe vẻ quyết liệt lắm. Tuyên bố đến 2021 cấm tiệt các hàng quán thịt chó trong nội thành.

Cũng từng có thời mê mẩn, cứ ra Hà Nội là kéo đến Nhật Tân. Nhưng tôi bỏ hơn chục năm rồi. Nên ủng hộ phong trào không thịt chó. Ủng hộ, không có nghĩa kỳ thị, hoặc ngăn cản, cấm đoán quyền được ăn của người khác.

Hãy nghe cụ Vũ Bằng nói về việc này từ những năm 50 của thế kỷ trước:

“Ờ mà nếu ca tụng thịt cầy mà mang tiếng là thiếu văn minh thì mình cũng đành chịu cái tiếng thiếu văn minh vậy, chớ nói đến miếng ngon Hà Nội mà không nói đến thịt cầy, người ta quả là thấy thiếu thốn rất nhiều. Chỉ thiếu có một người, vũ trụ bao la hiu quạnh… huống chi là thiếu thịt cầy thì còn vui sống làm sao?”

“Người ta viện lý con chó là bạn của loài người, ăn thịt nó là mọi rợ, thế thì tại sao con ngựa, “một chinh phục cao cả nhất của loài người” mà người Âu Mỹ cũng đem ra “đánh chén”? Bảo là con chó ăn bẩn, thế thì con gà, con lợn, con cá ăn uống sạch sẽ ư?

Không. Con chó là con vật để cho người ta ăn thịt: ăn thịt chó không khác gì ăn thịt thỏ, ăn thịt nai, ăn thịt bò. Huống chi thịt chó lại còn ngon và bổ; vì thế tôi cho rằng mặc dầu người ta đàm tiếu thế nào đi nữa, thịt chó vẫn cứ là một món ngon bất diệt của dân ta và tôi tin rằng: “Nước ta còn, thịt chó còn” mà văn hóa ẩm thực của ta mai sau hay, dở là ở điểm có biết duy trì thịt chó hay không vậy”.

(Trích “Miếng ngon Hà Nội”)

Tôi không dám nói “nước ta còn, thịt chó còn”, nâng tầm thịt chó thành “quốc hồn quốc tuý” như cụ Vũ Bằng. Nhưng quả thật không dễ gì để câu cửa miệng “sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không?” tồn tại đời đời kiếp kiếp đến tận bây giờ. Ở nghĩa nào đó, có thể coi đấy cũng là một nét văn hoá Hà thành vậy.

Thế nên, ai thích cứ việc. Đừng coi việc gắp một miếng dồi chó là hành vi “độc ác” hay “thiếu văn minh”. Hoặc đến như cái ông giáo sư trường sinh học và tâm linh nào đó cho rằng “chó có cấu trúc sinh học và hệ thần kinh gần với con người, nên ăn thịt chó tức là ăn thịt người”, thì kinh quá!

Ai lại đi nói thế. Người là người, mà chó là chó chứ!

Vả lại, Hà Nội giờ còn muôn việc khác, đâu chỉ chuyện chó? Để dân tình bỗng nhiên nhốn nháo lên vì chuyện chó ấy mà gọi là “văn minh” sao?

Nói lại: tôi đoạn tuyệt với món chó hơn chục năm rồi. Ủng hộ chủ trương không thịt chó. Nhưng để xây dựng một Hà Nội văn minh, phải là những mục tiêu khác, chính sách khác, không phải ở chính sách… chó này!

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/dog-news-09152018213820.html

 

Khi Facebook ở “phận con dâu”

Võ Thị Hảo

Facebook lại bị răn đe:

Sự kiện đại diện Facebook vừa xác nhận “làm con dâu VN” khiến cho giới người dùng Facebook thêm bất mãn và cảnh giác. Vô số nghi hoặc. Lẽ nào chỉ vì ham “ngoạm miếng bánh thị trường” mà siêu doanh nghiệp quyền lực tầm cỡ thế giới, nơi tập hợp vô số trí thức tài ba về khoa học công nghệ và quản trị này lại chấp nhận “thọc tay sâu vào bùn bẩn”, ngoan ngoãn kết hợp  với nhà độc tài toàn trị khét tiếng hiện đang bị quốc tế xếp vào hạng đội sổ về tự do ngôn luận và nhân quyền trên toàn thế giới?!

Theo Vietnamnet, ngày 14/9/2018, ông Simon Milner, Phó chủ tịch về Chính sách công tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Facebook đã cam kết cùng quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng là sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ VN, hình thành nhóm làm việc chung giữa Facebook và cơ quan quản lý VN- (đương nhiên là cơ quan công an và quân đội – những đặc nhiệm có quân số và tiền bạc khổng lồ thực thi Luật ANM).

Nếu đúng như tin Vietnamnet.vn đã đưa thì đại diện Facebook còn “ngoan” tới mức chấp nhận làm “con dâu” của VN, theo gợi ý của ông Hùng. Lý do đưa ra để ràng buộc là : “sự thịnh vượng của Facebook tại thị trường VN sẽ phải song hành với sự thịnh vượng chung của đất nước VN”.

Sự thịnh vượng của Facebook tại thị trường VN sẽ phải song hành với sự thịnh vượng chung của đất nước VN.

Vấn đề nằm ở chỗ “sự thịnh vượng chung của đất nước VN” là một khái niệm hoàn toàn khác với với khái niệm thông thường mà một người nước ngoài sống trong nền dân chủ như ông Simon Milner  có thể hình dung thấu đáo. Trong khi đó người VN ai cũng hiểu rằng, “sự thịnh vượng chung của đất nước” chỉ có nghĩa là sự thịnh vượng của tập đoàn cầm quyền tham nhũng. Đã có quá nhiều minh chứng là tập đoàn này càng thịnh vượng thì đất nước càng kiệt quệ và dân càng nghèo đói, bóc lột và bất công.

Khi đã hiểu rõ điều đó, lẽ nào Facebook vẫn muốn hỗ trợ nhà cầm quyền đàn áp tự do ngôn luận và quyền con người VN dưới danh nghĩa “hợp tác chặt chẽ” và làm trọn bổn phận “con dâu”?!

Lấy cớ rằng “có nhiều doanh nghiệp trong nước phàn nàn về “bảo hộ ngược”, ông Hùng răn đe thêm: “Sự xuất hiện của fake news (tin tức giả mạo) và việc lợi dụng mạng xã hội của các tổ chức khủng bố đã ảnh hưởng rất nhiều đến xã hội. Giống với Google hay YouTube, hiện Facebook và Việt Nam đã hình thành nên một cơ chế phối hợp riêng. Tuy nhiên thực tế thời gian qua cho thấy, kết quả của hình thức hợp tác này vẫn còn hạn chế”.

Đã có kinh nghiệm hoạt động tại VN, Facebook không thể không biết ông quyền Bộ trưởng muốn áp đặt và mặc cả điều gì: Facebook muốn giữ được miếng ăn với trên 60 triệu khách hàng tại VN thì phải làm theo yêu cầu cấm cản tự do ngôn luận. Ngoan như thời gian qua cũng là tốt nhưng chưa đủ, phải ngoan ngoãn hơn nữa, ““ giống tâm thế người con dâu về nhà chồng, cần phải tiếp nhận và thích nghi với văn hóa, nếp sống hàng ngày của gia đình nhà chồng”.(theo Vietnamnet)

Facebook “làm dâu trưởng” ?

Theo tin đã đưa thì ông Simon Milner “cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn tại thông qua việc hình thành nhóm làm việc chung với Việt Nam”. Ông được cho là  “rất thích hình ảnh nàng dâu về nhà chồng mà Quyền Bộ trưởng TT&TT lấy ví dụ. “Ở một số nước chúng tôi chỉ là một trong các nàng dâu, nhưng ở đây chúng tôi là nàng dâu trưởng”, vị Phó chủ tịch Facebook cho biết

Ở một số nước chúng tôi chỉ là một trong các nàng dâu, nhưng ở đây chúng tôi là nàng dâu trưởng”, vị Phó chủ tịch Facebook cho biết

Được đà, ông Nguyễn Mạnh Hùng còn dạy dỗ: “Khi về làm dâu, cô gái đó sẽ phải tôn trọng các yếu tố văn hoá, truyền thống của gia đình nhà chồng. Điều này lại càng khắt khe hơn với một nàng dâu trưởng, khi sẽ phải làm gương cho những nàng dâu đến sau”.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trên cơ sở quản lý kiểu “gia đình trị” như vậy,  đề nghị Facebook “thực hiện xử lý các yêu cầu này sớm để thể hiện thiện chí với Chính phủ Việt Nam bằng những động thái ban đầu cụ thể”.

Trước khi gặp ông quyền Bộ trưởng Thông tin, đại diện Facebook đã bị răn đe ở cấp Thủ tướng CP. Ngày 13/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một số yêu cầu đối với Facebook về “chặn lọc các thông tin xấu độc”.

Một mặt vâng dạ để giữ thị trường, mặt khác, Facebook vẫn phải giữ nguyên tắc và tuân thủ những cam kết quốc tế về quyền con người và tự do ngôn luận. Facebook bị đặt vào tình thế khó khăn khi hoạt động ở những nước là “kẻ thù của tự do ngôn luận” như VN. Nếu hoàn toàn cứng nhắc thì họ sẽ phải ra đi, để chỗ trống cho nhà mạng TQ tung hoành.

Thế giới sẽ theo dõi chặt chẽ xem “nàng dâu Facebook” khôn khéo ngoan ngoãn đến đâu là đủ để không bị trục xuất khỏi VN  mà vẫn không bị coi là “kẻ thù của tự do ngôn luận”.

Sống sót tại VN:

Càng gần đến ngày Luật An ninh mạng VN(ANM) có hiệu lực, nhà cầm quyền VN càng siết chặt “nắm đấm sắt”,  kề cả việc xử tù thật nặng những người vô tội đã lên tiếng vì tự do ngôn luận và cả gan trục xuất những lãnh đạo của tổ chức nhân quyền thế giới. Họ đã nhiều lần gây sức ép với Google, Youtube và Facebook, buộc các doanh nghiệp này vì “miếng bánh” thị trường  hơn 60 triệu khách hàng  ở VN mà phải thỏa hiệp, chấp nhận bỏ qua một số cam kết quốc tế để “đi đêm” với công an và quân đội , phải mặc nhiên theo lệnh  nhà cầm quyền và Ban tuyên giáo trung ương.

Trước đây, Facebook đã  vô hiệu hóa nhiều tài khoản Facebook của những trí thức bất đồng chính kiến và dân oan. Điều này đã vượt quá sức chịu đựng của các nạn nhân. Đến  9/4/2018, 50 tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập ở Việt Nam đã gửi thư ngỏ tới ông Mark Zuckerberg khiếu nại và cảnh báo về tình trạng nội dung thông tin trên Facebook của họ bị xóa và nhiều tài khoản bị khóa.

Đặc biệt, khi có những sự kiện quan trọng: kêu gọi biểu tình, ngày quốc khánh , những ngày tù nhân lương tâm tuyệt thực, dân oan tự thiêu, khi những phiên tòa đưa ra các bản án vô đạo vô pháp …thì Facebook của nhiều người đã bị vô hiệu hóa và có nhiều thông tin trên mạng liên quan tới việc tố cáo sự đàn áp, những thảm cảnh của người dân do lũ lụt hoặc thảm họa môi trường… đã bị nhà quản lý Facebook xóa bỏ với tần số ngày càng lớn.

Kể từ tháng 4 năm 2017, sau cuộc gặp gỡ giữa một lãnh đạo Facebook với nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, tình trạng bóp nghẹt tự do trên mạng đã gia tăng và không có được lời giải thích hợp lý từ Facebook.

Hành vi này là  không thể chấp nhận được vì nhà quản lý Facebook chỉ dựa vào chế độ báo cáo vi phạm” của đội ngũ đông đảo dư luận viên công an và “lực lượng 47” của Bộ Quốc phòng mà không kiểm tra xem nội dung đó có gì sai phạm theo công ước quốc tế và pháp luật VN hay không. Dẫu là kinh doanh, Facebook đương nhiên phải tôn trọng Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của công dân mà Việt Nam đã ký kết trước đây.

Cuộc gặp, răn đe và hứa hẹn “làm dâu trưởng ” của ông Simon Milner  lần này đã  khiến cho Facebook phải đứng trước sức ép và sự lựa chọn quyết liệt. Họ sẽ mất thêm uy tín và khách hàng tại VN và trên thế giới, nếu dấn sâu  “đi đêm” với nhà cầm quyền VN đàn áp tự do ngôn luận.

Một đế chế kinh doanh dẫu lớn mạnh đến đâu nhưng khi mất uy tín thì cũng có thể sụp đổ nhanh chóng, chưa kể với sự phát triển của khoa học công nghệ, sẽ có những phát minh vượt trội Facebook và vô hiệu hóa những kiềm tỏa của mọi luật ANM độc tài trên thế giới để khách hàng lựa chọn.

Đương nhiên, những người dùng Facebook vẫn mong mạng thông tin này “sống sót” tại VN mà vẫn đảm bảo những chuẩn mực về tự do ngôn luận bất kể thủ đoạn đe dọa của nhà cầm quyền.

Trách nhiệm này nằm trong tay những nhà quản trị Facebook.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/facebook-wants-to-be-vn-s-daughter-in-law-09152018111744.html

 

Người Việt trong tuyên bố cứng rắn của Australia

Viễn Đông

Bộ trưởng Nội vụ Úc Peter Dutton cho biết đã “huy động” cả không lực và hải quân hoàng gia Australia tuần tra trên biển, sau khi để “lọt lưới” một nhóm người Việt tới Úc bằng thuyền.

Ông Dutton cho biết rằng tất cả 17 người Việt đặt chân tới đất liền của bang Queensland đã bị giải về Việt Nam.

Đây là chiếc thuyền đầu tiên vượt biên trái phép tới Australia trong gần bốn năm qua. Nó được phát hiện khi đang mắc cạn gần bờ biển và tin cho hay, những người trên thuyền đã chạy trốn vào khu rừng nhiệt đới nhiều cá sấu cũng như rắn độc.

Hình ảnh được hãng tin AFP đăng tải cho thấy chiếc thuyền sơn màu xanh nước biển giống như các tàu cá của ngư dân Việt Nam thường sử dụng.

“Thuyền buôn người Việt Nam cập bến hồi cuối tháng Tám là một sự nhắc nhở rằng mối đe dọa từ nạn buôn người chưa chấm dứt”, ông Dutton nói trong thông cáo ra ngày 9/9 mà VOA tiếng Việt đọc được.

“Việc giám sát hàng hải Australia và khả năng phản ứng đã được củng cố với sự giám sát trên không và tuần tra trên mặt nước”.

Ông Dutton cho biết thêm rằng các nguồn lực từ lực lượng hải quân và không quân Australia “đã được huy động để nhận dạng và ngăn chặn bất kỳ con tàu khả nghi nào tiếp cận biên giới Australia”.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Australia, kể từ khi chiến dịch bảo vệ lãnh thổ và biên giới được tăng cường năm 2013, “37 thuyền đã bị ngăn chặn trên biển và 827 người đã bị đưa trả về nơi xuất phát”.

Ông Dutton nói thêm rằng dù việc đưa lậu người Việt vào Australia đã bị chặn, “những kẻ buôn người nhiều khả năng sẽ sử dụng việc nhóm này đã đặt được chân lên đất Australia để làm công cụ quảng bá thuyết phục những người khác thực hiện những chuyến hải hành phi pháp tới Úc”.

Quan chức nội vụ này còn cho biết rằng “nỗ lực chống buôn người ở ngoài khơi, do cảnh sát liên bang Úc dẫn đầu, cũng đã được tăng cường”.

Ông nói thêm rằng tất cả những hành động mạnh tay của chính quyền gửi một thông điệp cứng rắn tới những kẻ buôn người và những ai sử dụng dịch vụ của bọn chúng”.

“Chính phủ Australia sẽ không để xảy ra tình trạng như trong quá khứ, làm hơn 1.200 người bỏ mạng trên biển trong khi tìm cách tới Australia bất hợp pháp bằng thuyền”, ông Dutton nói.

Hồi cuối năm 2016, quan chức Việt Nam và Australia đã ký một văn bản ghi nhớ ở Canberra về việc Úc trao trả người xin tị nạn Việt.

Báo chí hai nước đưa tin rằng thỏa thuận chính thức này “sẽ tạo cơ chế chính thức cho việc đưa trở về những công dân Việt Nam không có quyền nhập cảnh hoặc ở lại Australia bất hợp pháp, bao gồm những người bị chặn lại trên biển”.

Nhiều người Việt Nam trong vài năm qua đã bị chặn bắt trên biển khi tìm cách dùng thuyền tới Australia “xin tị nạn”.

Chính phủ Australia từng tuyên bố sẽ cùng hợp tác với Việt Nam để “bắt giữ và khởi tố những người tổ chức đưa người vượt biên trái phép và ngăn chặn hành vi kinh doanh nguy hiểm dựa trên sinh mạng của con người”.

Úc trước đây từng gửi tất cả các thuyền nhân xin tị nạn tới các trung tâm xét duyệt nằm tại các đảo quốc ở Thái Bình Dương.

Chính phủ Australia tin rằng chính sách giữ người tị nạn ở ngoài khơi này sẽ làm nản lòng các di dân muốn vượt biển đầy nguy hiểm để đến Australia từ các nước như Việt Nam.

Quốc gia Đông Nam Á này trong những năm gần đây đã tiến hành xét xử và tống giam những nhân vật cầm đầu các đường dây đưa người Việt sang Úc trái phép bằng đường biển.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-trong-tuyen-bo-cung-ran-cua-australia/4573664.html