Tin Việt Nam – 16/08/2018
Ông Lê Đình Lượng bị 20 năm tù,
án cao nhất cho giới đấu tranh
Vợ Lê Đình Lượng nói chồng ‘chỉ làm điều tốt’
Hôm 16/8, tòa án tỉnh Nghệ An tuyên án ông Lê Đình Lượng 20 năm tù, mức án cao nhất từ trước đến giờ cho giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
Ông Lê Đình Lượng bị cáo buộc tội “Lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79, Bộ luật hình sự Việt Nam.
Bình luận với BBC sau phiên toà, Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Lượng, cho rằng có thể mức án 20 năm tù, dành cho ông Lê Đình Lượng “là để răn đe những ai có ý định dấn thân tranh đấu”.
Mức án 20 năm tù giam nâng hình phạt của những can phạm bị buộc tội lật đổ chính quyền nhân dân lên một kỷ lục mới, cao hơn cả mức 16 năm tù vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” mà ông Trần Huỳnh Duy Thức đang thọ án.
Mới hồi tháng 4/2018, luật sư Nguyễn Văn Đài, cũng cùng với tội danh trên chỉ bị tuyên án 15 năm tù. Tuy nhiên, đến tháng 6/2018, ông Đài và cộng sự Lê Thu Hà đã được cho đi tỵ nạn tại Đức.
Vợ Lê Đình Lượng: Chồng tôi ‘bị gán ghép tội’
‘Dũng Phi Hổ’ được giảm một năm tù
Việt Nam: Nhiều nhà hoạt động bị án tù trong tháng Tư
Hà Tĩnh: Một người bị bắt vì Điều 79
Im lặng trước tòa là ngoan cố?
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho BBC biết là “Ông Lượng giữ quyền im lặng suốt phiên tòa, nên bị đánh giá là ngoan cố.”
“Có thể mức án 20 năm tù, ngoài khung đề nghị 17 năm tối đa của Viện Kiểm sát, dành cho ông Lượng là để răn đe những ai có ý định dấn thân tranh đấu.”
“Càng về sau này, hình phạt cho những tội danh liên quan đến an ninh quốc gia càng rất nặng.” Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét.
“Rất tiếc là những phiên tòa thế này chưa thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp và Bộ luật Tố tụng Hình sự mới. Nghĩa là bản án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng cũng như kết quả thẩm tra chứng cứ tại tòa.”
“Còn trong phiên tòa hôm nay thì cả hai nhân chứng đều phản cung, phủ nhận các lời khai về ông Lượng trong hồ sơ.”
Ông Hồ Hải bị 4 năm tù theo điều 88 cũ
Dân biểu Mỹ kêu gọi trả tự do cho Michael Nguyễn
LHQ kêu gọi VN thả người ‘liên quan phản đối Formosa’
Thay mặt bà Đoan Trang nhận giải nhân quyền
Nghệ sĩ Kim Chi làm phim về nhân quyền
Phản ứng của tổ chức nhân quyền quốc tế
Trước phiên xử một hôm, thông cáo của Ân Xá Quốc Tế (AI), trích lời bà Clare Algar, giám đốc Điều phối Toàn cầu của AI, nêu:
“Chỉ vì đã vận động một cách ôn hòa cho những người ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường mà ông Lê Đình Lượng có thể phải đối mặt với án tù. Đây rõ ràng là một vụ án bất công và mang tính chính trị và cần phải bị bãi bỏ. Ông Lê Đình Lượng cần phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện”.
Trong khi đó, ông Phil Robertson, phó giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) được dẫn lời trong thông cáo của tổ chức này:
“Cuộc trấn áp mang tính hệ thống của chính quyền Việt Nam với giới bất đồng đã không ngăn được các nhà hoạt động dũng cảm như Lê Đình Lương tham gia vận động cho nhân quyền và dân chủ.”
“Chính quyền Việt Nam nên hiểu rằng việc ngăn người dân thực thi các quyền cơ bản của họ là không hiệu quả.”
“Sẽ có thêm nhiều nhà hoạt động tiếp tục cất lên tiếng nói và phản đối bất công. Việt Nam đang trên đường trở thành quốc gia có lượng tù nhân chính trị lớn nhất ở Đông Nam Á.”
“Các đối tác thương mại nước ngoài và nhà tài trợ của Việt Nam nên yêu cầu ngừng hoạt động trấn áp này.”
Tường thuật phiên xử, báo Nghệ An viết: “Qua quá trình xét xử, nhận thấy Lê Đình Lượng là đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm thuộc tổ chức khủng bố Việt Tân, tòa án tuyên phạt Lê Đình Lượng 20 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
“Lợi dụng cái gọi là “bảo vệ môi trường”, Lê Đình Lượng cùng một số đối tượng phản động, chống đối khác đã kích động tuần hành, biểu tình phản đối Formosa gây mất an ninh, trật tự, ách tắc giao thông trên một số tuyến đường trọng điểm; cung cấp kinh phí, phương tiện cho một số đối tượng phản động, chống đối phục vụ tuần hành, biểu tình, gây mất an ninh, trật tự tại Hà Tĩnh, Quảng Bình…,” báo Nghệ An bình luận.
Trong cuộc phỏng vấn trước phiên tòa, bà Nguyễn Thị Quý, vợ ông Lê Đình Lượng, nói với BBC: “Tôi tin chồng tôi vô tội vì ông ấy có tội gì đâu mà thừa nhận.”
“Từ một năm nay, tôi cũng không được gửi thuốc men cho chồng trong lúc ông già rồi, lại bị bệnh gút, thoái hóa cột sống.”
“Tôi nghĩ những gì chồng tôi làm đều rất tốt và đúng pháp luật. Nhưng ông ấy có một mình mà chính quyền gán ghép tội “Lật đổ chính quyền nhân dân”.
“Tôi không đồng tình với việc chồng bị khép tội nhưng tôi có thể làm gì với cơ chế này, nhà nước này ngoài chuyện gửi thư kêu oan, kêu cứu?”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45204897
Ca sĩ blogger Nguyễn Tín bị bắt,
đánh trong đêm nhạc
An ninh Việt Nam bị tố cáo ập vào phòng trà nơi ca sỹ, blogger Nguyễn Tín trình diễn đêm 15/8, tấn công và bắt giữ nhiều người.
“Hàng chục người xông vào đánh đập tôi ngay tại quán. Họ trói tay tôi ngoặt ra sau và chụp túi ni long đen lên đầu,” Nguyễn Tín kể lại với BBC việc anh bị đánh, bắt và thả ‘một cách tàn nhẫn’, lời của anh, ngày 16/8.
Anh cho biết vừa trở về từ bệnh viện và được chẩn đoán chấn thương đầu, mũi, mặt, may mắy không bị tổn thương não.
Nguyễn Tín trước đó được biết tới với các livestream anh hát nhạc vàng và các bài viết bày tỏ quan điểm về quyền công dân trên trang blog cá nhân.
Hàng chục người bị bắt trước lo ngại biểu tình
Bàn về tù nhân chính trị VN – Đi hay ở (Phần 1)
Bàn về tù nhân chính trị VN – Đi hay ở (Phần 2)
Trần Huỳnh Duy Thức và thư viết từ nhà tù
Theo tường thuật của Nguyễn Tín, trong đêm nhạc mang tên ‘Sài Gòn kỷ niệm’ tại Cafe Casanova, 61C Tú Xương, phường 7, quận 3, Sài Gòn đêm 15/8, có khoảng 80 khách tham dự.
“Sau khi hát được 7-8 bài thì công an phường 7, quận 3, cùng đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa thông tin vào. Họ quát ‘không được hát bài này’ rồi yêu cầu kiểm tra giấy phép tổ chức đêm nhạc.”
“Tôi vẫn hát thêm 1 – 2 bài nữa, đến 9h30 thì dừng chương trình. Lúc đó, một nhóm rất đông gồm an ninh, bảo vệ, dân phòng cả thường phục và sắc phục tập trung rất đông bên ngoài ngăn đường không cho chúng tôi đi.”
“Họ xử phạt tôi không có giấy phép biểu diễn, không xin phép tác quyền, hát những ca khúc chưa được lưu hành. Trong lúc tôi ở trong quán làm việc với họ thì nhìn thấy nhiều người bị đánh rất tàn nhẫn. Trong đó có chị Phạm Đoan Trang và anh Nguyễn Đạt.”
“Sau đó họ đẩy tôi vào góc phòng, hỏi ai là người tổ chức đêm nhạc. Rồi họ đánh, lấy điện thoại, bóp tiền bên trong có nhiều giấy tờ quan trọng như bằng lái xe, chứng minh thư… Họ đánh tôi một tiếng đồng hồ như vậy rồi đưa ra xe ô tô 7 chỗ, trong khi tay tôi vẫn bị trói.”
“Xe di chuyển quanh thành phố, đến rừng cao su thì dừng lại. Họ mở cửa, đạp tôi xuống một con kênh cạn nước.”
Nguyễn Tín nói anh phải lang thang trong tình trạng thương tích vài cây số dọc đường để tìm người nhờ gọi điện thoại về gia đình vì không còn tiền và giấy tờ trong người.
“Nhờ được một nhà có đám ma bên đường để gọi điện về, thì họ cũng báo cho công an xã. Nên tôi bị công an xã bắt đưa về trụ sở, thẩm vấn lần nữa lý do vì sao tôi lại ở đó. Đến khoảng hơn 2h sáng ngày 16/8 thì họ thả tôi về.”
Được biết, trong đêm nhạc, Nguyễn Tín trình diễn một số nhạc phẩm như Hát cho mộtngười nằm xuống (Trịnh Công Sơn), Trăng tàn trên hè phố, Bước về lối mòn (sáng tác mới của Trần Vũ Anh Bình).
Nguyễn Tín cho hay anh sẽ nhờ luật sư để trợ giúp pháp lý việc anh bị chính quyền ‘cướp tài sản’.
Nguyễn Tín từng tham gia biểu tình phản đối Luật An ninh mạng và dự Luật Đặc khu vào hồi đầu tháng Sáu. Cũng vì việc này, anh từng bị bắt giam ba ngày, và bị đánh đập.
Nhưng anh nói sự việc bị bắt giữ và đánh lần này còn “kinh khủng, tàn nhẫn” hơn nhiều.
Lời nhân chứng
“Tôi nhìn thấy chị Phạm Đoan Trang bị đánh nặng nhất. Tôi thấy chị bị đạp xuống sàn, mặt mũi chảy máu. Rồi bị còng tay đưa lên xe chở đi,” ông Bảo, một người khách có mặt tại phòng trà đêm 15/8, nói với BBC qua điện thoại từ Sài Gòn.
“Tôi cũng bị đánh đập rất tàn nhẫn để buộc phải xóa clip quay cảnh họ đánh người. Lực lượng an ninh lúc đó rất đông, khoảng 100 người, nhưng chỉ có khoảng 10 người mặc sắc phục. Một nhóm khoảng 60 người mặt thường phục, đeo khẩu trang, quay phim lại ca sỹ và khán giả có mặt hôm đó.”
“Khi xong chương trình vào lúc 10h kém, mọi người ra về thì bị kiểm soát, không cho ra khỏi cổng, bị kiểm tra chứng minh thư, lục điện thoại xem có quay lại clip không. Một số người không đồng tình với việc này với lý do Sài Gòn chưa có lệnh giới nghiêm sau 10h tối. Họ không chịu trình chứng minh thư. Mọi người cố gắng đẩy nhau ra ngoài thì lúc này, nhóm mặc thường phục, bịt mặt, lao vào đánh đấm tới tấp.”
“Họ cắp nách từng người ra ngoài. Một số người sau đó họ cho đi. Nhưng những người họ quen mặt như chị Đoan Trang thì bị giữ lại,” ông Bảo thuật lại đêm mà ông gọi là ‘kinh hoàng’.
Nhiều khán giả có mặt tại đêm nhạc cũng thuật lại sự việc trên Facebook cá nhân.
Facebooker có tên ‘Thương Một Người’ viết: “Phạm Đoan Trang bước ra đầu tiên khi cánh cửa khán phòng bị đóng chặt. Cô cùng vài người bên trong tông mạnh cánh cửa. Vừa mở cửa, an ninh đã đá cô ngã xấp và còng tay quăng lên xe chở đi. Giọng một người nói lớn: “Chúng tôi kiểm tra giấy tờ”. Mọi người hét lên, đi nghe nhạc mà mang giấy tờ theo làm gì. Cuộc xô xát đã khiến chị Diễm bị đánh. Chị Huyền dù đã lớn tuổi nhưng an ninh cũng đã không nương tay.”
Facebook Nguyễn Đại thuật lại: “Mình và Nguyễn Tín được thả xuống rừng cao su ở Củ Chi. Suốt đoạn đường, họ chụp túi vải lên đầu nên lúc đầu chúng tôi không biết mình ở đâu cả. Chỉ dựa vào đôi tai, tôi biết rằng chúng tôi đi chung 1 xe và họ thả Tín xuống trước rồi đến tôi. Không có bất cứ phương tiện liên lạc nào nên tôi cứ đi bộ, vừa đi vừa dò đường. Sau cùng chui vô Công An Phú Hòa Đông và đón taxi về nhà lúc 4h sáng. Tín thì lạc vô xã khác, cũng về rồi.”
Trên Facebook cá nhân, bà Phạm Đoan Trang xác nhận thông tin mình cùng nhiều người khác bị đánh đập khi tham gia đêm nhạc của Nguyễn Tín.
Bà Trang trước đó tham gia trương trình Bàn Tròn Trực Tuyến của BBC Tiếng Việt cùng luật sư Nguyễn Văn Đài. Trong chương trình này, bà Trang nói về vấn đề tù nhân chính trị Việt Nam nên chọn ra đi hay ở lại Việt Nam, và nhu cầu đấu tranh để thay đổi thể chế chính trị độc đảng.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45204274
Việt Nam cần điều tra việc công an hành hung
những người dự đêm nhạc của ca sĩ Nguyễn Tín
Ân Xá Quốc Tế hôm 16/8 ra thông cáo yêu cầu chính phủ Việt Nam phải tiến hành điều tra những cáo buộc rằng công an đã hành hung những người tham dự đêm nhạc “Sài Gòn Kỷ Niệm” của ca sĩ Nguyễn Tín vào đêm ngày 15/8 ở thành phố Hồ Chí Minh.
Những người tham dự đêm nhạc hôm 15/8 cho Đài Á Châu Tự Do biết khi đêm nhạc đang diễn ra tại quán cà phê Casanova ở phường 7, Quận 3, TP Hồ Chí Minh, hàng chục công an mặc thường phục và đồng phục đã ập vào quán bắt ngưng chương trình, tấn công một số những nhà hoạt động tham dự đêm nhạc.
Theo Ân Xá Quốc Tế, công an kiểm tra giấy tờ tùy thân của những người đến dự chương trình, và đặc biệt chú ý đến nhà báo Phạm Đoan Trang, ca sĩ Nguyễn Tín và facebooker Nguyễn Đại – người tham gia tổ chức đêm nhạc. 3 người này sau đó đã bị bắt về đồn, bị đánh đập khiến cô Phạm Đoan Trang sau đó phải vào viện để điều trị.
Bà Clare Alga Giám đốc hoạt động toàn cầu của Ân Xá Quốc Tế được trích lời trong thông cáo của tổ chức này nói rằng “khi việc đàn áp nhắm vào xã hội dân sự đã tới mức đánh đập và tra tấn những người đi nghe hát thì rõ ràng là tình hình đang trở nên tồi tệ đến mức đáng lo ngại. Việc đi nghe nhạc không phải là tội và mọi người đáng ra không phải sống trong sợ hãi khi sự an toàn của họ bị đe dọa”.
Ân Xá Quốc Tế yêu cầu chính quyền phải tiến hành một cuộc điều tra độc lập và ngay lập tức về những cáo buộc đối với công an Việt Nam theo đúng nghĩa vụ mà Việt Nam phải thực hiện theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn.
Nhà báo Đoan Trang được Ân Xá Quốc Tế trích lời cho biết cô đã bị công an thả xuống tại một đường ở ngoại ô thành phố sau khi bị đánh đập.
Ca sĩ Nguyễn Tín và anh Nguyễn Đại cho biết họ bị bịt mắt trước khi bị đưa về đồn công an và bị tra tấn. Họ sau đó cũng bị công an đạp ra khỏi xe ở giữa đường.
Cô Phan Tiểu Mây, bạn của ca sĩ Nguyễn Tín cho biết cô đã tìm cách bảo lãnh cho ca sĩ và anh Nguyễn Đại trong đêm ngày 15/8, và được phía công an yêu cầu là gia đình không được tố cáo công an đã đánh đập hai người.
Cựu tướng Công an Bùi Văn Thành tiếp tục bị kỷ luật
Bộ Công an vào ngày 14 tháng 8 ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức xóa bỏ tư cách Phó Tổng cục trưởng Tổng cục hậu cần – kỹ thuật đối với cựu tướng Bùi Văn Thành.
Thông tin về biện pháp xử lý lỷ luật đối với hai cựu lãnh đạo ngành này là ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành được cổng thông tin điện tử của Bộ Công an loan đi vào hôm 16 tháng 8, .
Trước đó, vào ngày 8/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách thứ trưởng Bộ Công an giai đoạn 2011 – 2016 đối với tướng Trần Việt Tân và cách chức Thứ trưởng Bộ Công an đối với tướng Bùi Văn Thành. Cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký quyết định giáng cấp từ Thượng tướng xuống Trung tướng đối với Trần Việt Tân và từ Trung tướng xuống Đại tá đối với ông Bùi Văn Thành.
Ông Bùi Văn Thành 60 tuổi, quê tại Ninh Bình, bị cáo buộc khi còn nắm chức tổng cục hậu cần đã để xảy ra nhiều vi pham vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra. Ngoài ra ông Thành còn ký một số văn bản không đúng quy định pháp luật, tự ý ký quyết định tham gia đoàn đi nước ngoài và đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao cho Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” – một sĩ quan công an vừa bị phạt tù 9 năm về tội làm lộ bí mật nhà nước.
Các vi phạm của Bùi Văn Thành bị Bộ Công an đánh giá là vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tính của Đảng và ngành công an.
Người dân Quảng Ngãi tiếp tục mang quan tài
chặn đường phản đối nhà máy xử lý rác
Sau hai lần đối thoại bất thành với chính quyền địa phương, vào sáng ngày 16/8 hàng trăm người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, tiếp tục mang quan tài và các vật cản chặn đường vào nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Sa Huỳnh.
Truyền thông trong nước cho biết, người dân dựng nhiều lều, phủ bạt và cho hàng chục người canh giữ 24/24 giờ, chặn xe chở rác vào nhà máy. Việc phản đối và chặn xe của người dân địa phương đã diễn ra từ ngày 29/7 đến nay.
Trong phiên đối thoại lần hai diễn ra hôm 15/8, người dân đã bày tỏ bức xúc vì cho rằng nhà máy đặt quá gần khu dân cư, gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường. Người dân yêu cầu chính quyền địa phương di dời nhà máy hoặc nếu vẫn để nhà máy hoạt động thì chỉ được xử lý rác của xã Phổ Thạnh.
Trong cuộc đối thoại với người dân hôm 15/8, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định vị trí xây dựng nhà máy đã được cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt và cấp phép đúng quy định. Ông cũng nói công nghệ đốt rác sinh hoạt tại nhà máy là biện pháp tối ưu mà nhiều địa phương khác không có. Do đó, người đứng đầu tỉnh nói rõ sẽ không có chuyện di dời nhà máy xử lý rác.
Cũng tại buổi đối thoại này, ông Trần Ngọc Căng nói rằng những người dân phản đối nhà máy đã nghe theo lời xúi giục của đối tượng xấu. Ông cảnh báo việc người dân nghe thông tin sai lệch và tiếp tục có hành động ngăn chặn nhà máy hoạt động, có hành vi quá khích, là vi phạm pháp luật.
Bộ Kế hoạch Đầu tư:
VN cần ‘xét lại’ các dự án vay vốn TQ
Chi phí cao hơn dự kiến và lãi suất cao khiến Hà Nội khuyến cáo chính phủ cần xét lại các dự án vay vốn Trung Quốc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra lời cảnh báo chính phủ Việt Nam về vốn vay ưu đãi và hỗ trợ phát triển chính thức từ Trung Quốc. Bộ này nói nhiều dự án như vậy được quản lý yếu kém trong khi Hà Nội phải chi phí nhiều hơn dự kiến, theo Nikkei Asian Review.
Trong một báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, được truyền thông Việt Nam trích dẫn, Bộ này cho hay các dự án vay vốn Trung Quốc nhìn chung có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với vay từ các nước khác.
Theo VnExpress, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý chính phủ định hướng thời gian tới vay vốn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc.
Người Việt phản ứng về vé tàu in chữ TQ
Kinh tế VN rủi ro nếu quá dựa vào xuất khẩu cho TQ
Vụ áo phông lưỡi bò: ‘VN để dành sự giận dữ’
Các khoản cho vay và viện trợ từ Trung Quốc tính lãi suất hàng năm là 3%, cao hơn lãi suất 0,4% -1,2% của Nhật Bản, 0%-2% Hàn Quốc, và 1,75% của Ấn Độ.
Chưa kể, vay vốn từ Trung Quốc sẽ phải chịu phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, trong khi thời hạn vay và ân hạn đều ngắn hơn các thị trường vốn khác, lần lượt 15 và 5 năm. Các khoản vay tín dụng ưu đãi được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank), theo VnExpress.
Nhiều dự án thuộc chương trình ODA của Bắc Kinh tiến triển chậm và có chất lượng kém, dẫn đến tăng đầu tư để khắc phục các vấn đề phát sinh, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tuyến tàu điện đầu tiên của Việt Nam, được xây dựng bởi nguồn vốn ODA của Trung Quốc, chạy thử nghiệm đầu tiên vào tháng 8/2018. Tàu điện ngầm ở Hà Nội dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2019, trễ bốn năm so với lịch trình dự kiến. Tổng mức đầu tư đổ vào dự án này lên đến 18.000 tỷ đồng (770 triệu đô la), gấp hơn hai lần so với kế hoạch ban đầu là 8,7 nghìn tỷ đồng.
Khi Bắc Kinh đẩy mạnh sáng kiến Vành đai, Con đường trên toàn khu vực, những lo ngại về các dự án vay vốn Trung Quốc trở nên thêm trầm trọng.
Nhiều dự án thuộc sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc trong các khu vực khác nhau của châu Á sử dụng công nghệ lạc hậu và thiết bị lỗi thời, các học giả Việt Nam cho hay. Họ đã yêu cầu chính phủ Việt Nam phải chọn lọc kỹ hơn các dự án vay vốn Trung Quốc, vì một số nước trong khu vực như Sri Lanka và Malaysia ngày càng trở nên thận trọng về đầu tư của nước này.
Thời gian qua, một số dự án liên quan đến vay vốn, hợp tác với Trung Quốc tại Việt Nam đã để lại tiếng xấu và hệ luỵ rất lớn cho nền kinh tế, như: Đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai…, theo Dân trí.
Mới đây, chính phủ Myanmar đã phải xem xét lại một số dự án vay vốn Trung Quốc, trong đó có dự án cảng Kyauk Pyu ở bang Rakhine, theo The South China Morning Post. Đây là dự án tham vọng của Trung Quốc, nằm trong sáng kiến Vành đai, Con đường, nhằm mở rộng các kết nối thương mại toàn cầu. Nhưng Myanmar lo ngại sẽ trở thành con nợ phụ thuộc vào Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45204268
Slovakia hỗ trợ Đức tối đa và chuẩn bị
trừng phạt CSVN về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Chính phủ Slovakia sẽ tiếp tục hỗ trợ giới hữu trách Đức tối đa trong cuộc điều tra về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Truyền thông Slovakia hôm Thứ Ba 14/08 đưa tin, Tổng công tố Jaromir Ciznar vừa loan báo dự định cho phép 44 người được miễn trừ quy chế giữ bí mật để có thể hợp tác hoàn toàn với các nhà điều tra Đức. Đây sẽ là nhóm viên chức thứ hai của Slovakia được phép tiết lộ các tình tiết liên quan tới nghi án một phái đoàn của bộ công an CSVN đã vận chuyển Trịnh Xuân Thanh trên một chuyên cơ mượn của chính phủ Slovakia để bay đi Moscow rồi về Hà Nội. Trước đó, 14 cảnh sát hộ tống phái đoàn CSVN đã được Bộ trưởng Nội Vụ Slovakia Denisa Sakova cho phép cung cấp thông tin cho các nhà điều tra Đức.
Chính phủ Slovakia hiện lâm vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao và chính trị, với cáo buộc cho rằng họ đã tiếp tay với mật vụ CSVN để thực hiện vụ bắt cóc kiểu Chiến Tranh Lạnh. Nghị Viện và các cơ quan chính phủ Slovakia buộc phải mở hàng loạt cuộc điều tra để chứng minh sự trong sạch của mình.
Phó chủ tịch Nghị Viện Slovakia và cũng là chủ tịch đảng Most-Hid trong liên minh cầm quyền, ông Bela Bugar, hôm Thứ Ba tuyên bố Slovakia nên trục xuất đại sứ CSVN tại Bratislava về nước, nếu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được xác nhận, và Slovakia bị lợi dụng trong vụ này. Ông Bugar cũng nhắc lại lời đe dọa rằng, nếu có xác nhận một số cơ quan nhà nước Slovakia tham gia vào vụ bắt cóc, thì đảng Most-Hid sẽ rút khỏi liên minh cầm quyền.
Bộ Ngoại Giao Slovakia cho biết ý định sẽ triệu đại sứ CSVN Dương Trọng Minh lần nữa để yêu cầu giải thích về những cáo buộc trên báo chí Slovakia và Đức liên quan đến vụ bắc cóc Trịnh Xuân Thanh. Hồi đầu tháng 5 năm nay, Đại sứ Dương Trọng Minh đã bị triệu tập một lần. Khi đó ông này nói sẽ trả lời sau khi liên lạc về Hà Nội.
Huy Lam / SBTN
Việt Nam Văng Miểng
Trần Khải
Việt Nam sẽ bị văng miểng thế nào, khi cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp diễn, và có vẻ như sẽ kéo dài?
Trước tiên là nhìn thấy lợi gần: nhiều công ty trang Hoa Kỳ trước giờ mở xưởng ở Trung Quốc để mang nhãn hiệu “made in China,” bây giờ khẩn cấp chuyển sang Việt Nam và nhiều nước khác.
Trong khi TQ vẫn là nguồn hàng đầu đối với kỹ nghệ trang phục Hoa Kỳ, TQ bây giờ chiếm 11% tới 30% tổng lượng nguồn các công ty đưa sang TQ gia công, trong khi quá khứ là từ 30%–50%.
Có nghĩa là nhiều hãng xưởng Hoa Kỳ đã di tản ra khỏi TQ.
Đó là theo thống kê trong cuộc nghiên cứu thường niên năm thứ 5 của hội U.S. Fashion Industry Association, về việc đưa hàng Mỹ sang nước khác đặt làm hay gia công.
Trong khi có vẻ như ngành may mặc VN và nhiều nước nhỏ sẽ hưởng lợi nhờ các đơn đặt hàng mới, ngành thép VN lại đầy lo ngại.
Bản tin trên báo SGGP ghi nhận rằng trước những lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có thể khiến thép Trung Quốc ồ ạt đổ về Việt Nam cũng như gây khó khăn cho DN trong nước, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết hiện nay Việt Nam nằm trong đối tượng bị nghi ngờ là nơi trung chuyển thép Trung Quốc sang các nước khác nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá.
Điển hình, hôm 21-5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ áp mức thuế chống bán phá giá là 199,76% cũng như thuế đặc biệt 256,44% lên sản phẩm thép cuộn cán nguội từ Việt Nam nhưng có nguồn gốc Trung Quốc, sau khi kết luận rằng những sản phẩm này đã né tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ. Vì vậy, để phòng ngừa rủi ro, Việt Nam cần phải cẩn trọng trước ý định đầu tư của các DN thép Trung Quốc, để tránh bị nước khác lấy cớ để đánh thuế lẩn tránh.
Đối với việc xuất khẩu thép từ Trung Quốc sang Việt Nam, theo ông Sưa, dù những năm trở lại đây sản lượng thép đã đáp ứng được nhu cầu trong nước, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy thép sang Việt Nam bằng mọi biện pháp, từ hạ giá đến các chính sách hỗ trợ xuất khẩu. Có thời điểm, giá thép Trung Quốc chỉ bằng 20% – 30% giá thép Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã sử dụng rất tốt các biện pháp phòng vệ để bảo vệ ngành thép trong nước. Mặc dù mức thuế chống bán phá giá trong nước không cao như các nước, chỉ từ 10% – 30%, nhưng cũng đủ để hỗ trợ DN thép Việt Nam do hiện nay giá và chất lượng thép Trung Quốc và Việt Nam gần như tương đương nhau, hoàn toàn đảm bảo việc cạnh tranh.
Trong khi đó, bản tin CafeF dựa vào báo Nhật Bản cho biết rằng VN sẽ văng miểng: Báo kinh tế lớn của Nhật Bản: Việt Nam “thiệt đơn thiệt kép” trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Trong bài viết mới đăng tải ngày hôm 13/8/2018, Asian Nikkei Review dẫn nguồn FT Confidential Research – một nhóm nghiên cứu độc lập, chuyên sâu của tờ Financial Times về tình hình tài chính, kinh tế tại Trung Quốc và Đông Nam Á – nhận định Việt Nam, Philippines và Indonesia sẽ là những quốc gia hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng từ cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại.
Năm quốc gia có nền kinh tế lớn nhất ASEAN dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho những hậu quả sắp tới, hơn cả khi sự kiện có tên “taper tantrum” xảy ra hồi năm 2013 – khi các nhà đầu tư quốc tế rút vốn khỏi các thị trường mới nổi sau lời gợi ý kết thúc chính sách nới lỏng định lượng từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Nhưng những quốc gia Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với tình trạng sụt giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu trong thời gian dài, đặc biệt sau những đòn tấn công thương mại “có qua có lại” giữa Mỹ và Trung Quốc.
Asian Nikkei Review đánh giá Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp vì là nước phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu.
Trong khi đó, thông tấn VOA có bài phân tích về “Chiến tranh thương mại: Việt Nam sẽ là nơi Trung Quốc tuồn hàng sang Mỹ.”
Khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng thêm căng thẳng, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ dùng Việt Nam là nơi để đưa hàng qua Mỹ nhằm tránh thuế xuất cao.
Chính phủ của Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng họ sẽ áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 9. Mức thuế này có thể lên đến 25%. Trung Quốc cũng tung ra biện pháp trả đũa với giá trị tương đương. Bắc Kinh cáo buộc Mỹ “khởi động cuộc chiến tranh thương mại có quy mô lớn nhất lịch sử,” theo Reuters.
Theo đánh giá của hai chuyên gia kinh tế mà VOA tiếp xúc, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam – sẽ có tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.
Một trong những ảnh hưởng tiêu cực này là việc Trung Quốc đưa hàng hóa qua ngả Việt Nam để xuất sang Mỹ.
Tiến sỹ kinh tế Phạm Đỗ Chí, người từng có trên 25 năm làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhận định với VOA: “Cái nguy hiểm là hàng của Trung Quốc sẽ tuồn sang Việt Nam để lấy nhãn hiệu Việt Nam nhằm mong giảm thuế vì hiện tại Mỹ chưa áp thuế lên hàng Việt Nam.”
Bản tin VOA ghi nhận:
“…chuyên gia kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Toàn Thắng nói: “Khi xuất khẩu của Trung Quốc không trực tiếp sang Mỹ được nữa thì nếu là doanh nghiệp đương nhiên họ sẽ nghĩ đến giải pháp mượn các nước thứ ba để xuất khẩu sang.”
Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, mức thuế cao mà Mỹ áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ dẫn đến việc hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam.
Nhiều hàng hóa gồm quần áo, giày dép và túi xách của Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam một cách bất hợp pháp để được xuất sang Mỹ, VNExpress trích lời Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (AGTEK) Phạm Xuân Hồng nói.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đầu tháng này cũng nhận định rằng chiến tranh thương mại có thể dẫn đến việc doanh nghiệp Trung Quốc dùng Việt Nam để đưa hàng qua Mỹ. Đó là một trong những trường hợp xấu nhất có thể ảnh hưởng đến Việt Nam của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, theo quan chức của Bộ Công thương.”
Đặc biệt, sẽ tới một lúc Mỹ quay sang ga6ys ự với VN, theo VOA:
“TS Chí, từng có thời gian thỉnh giảng về kinh tế và tài chính tại Đại học American University của Mỹ, nói: “Nếu chiến tranh thương mại lan rộng, Mỹ sẽ bắt đầu quay sang đánh thuế một số hàng của Việt Nam, nhất là nếu có bằng cớ là Việt Nam giúp Trung Quốc tiêu thụ hàng của Trung Quốc.”
Từ trong nước, Chủ tịch AGTEK Xuân Hồng cho rằng Chính phủ Việt Nam cần hành động nhanh chóng để ngăn chặn việc các doanh nghiệp địa phương nhập hàng từ Trung Quốc để xuất sang Mỹ….”
Hiển nhiên là chiến tranh thương mại sẽ xếp lại ván cờ trật tự thế giới… Có thể nào, Trung Quốc sẽ sụp đổ? Sẽ vỡ làm nhiều nước nhỏ? Có vẻ như tình hình đó, nếu có sẽ còn rất xa… Trong thời gian đó, VN còn phải nín thở qua sông…