Tin Việt Nam – 16/07/2018
Sách ‘Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử’ bị thu hồi
Vài ngày sau khi nhanh chóng bán hết ấn bản thứ nhất và ra mắt ấn bản thứ hai với số lượng tin gấp đôi, cuốn sách “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” bất ngờ bị nhà cầm quyền CSVN ra lệnh dừng phát hành để kiểm tra và chỉnh sửa.
Đây là cuốn sách thu thập lời kể của những nhân chứng về cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988, khi Hải Quân Trung Cộng đánh chiếm các bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma thuộc chủ quyền Việt Nam. 64 binh sĩ hải quân CSVN thiệt mạng trong trận này. Cuốn sách “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” hoàn tất bản thảo từ năm 2014, lần lượt bị 14 nhà xuất bản từ chối và mãi đến cuối tháng 6 vừa qua mới được phép phát hành chính thức.
Truyền thông trong nước đưa tin, cuốn sách có sai sót khi viết rằng chiến binh Mai Xuân Hải đã chết để lại bốn đứa con thơ trong khi trên thực tế, ông này vẫn còn sống.
Báo Người Việt ở California hôm Thứ Bảy 14/07 dẫn lời ông Trần Đức Anh Sơn- nhà nghiên cứu Biển Đông, viện phó Viện Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế Xã Hội Đà Nẵng- cho biết chủ yếu người đọc quan tâm đến việc có hay không “lệnh cấm nổ súng” hay “lệnh cấm nổ súng trước”. Một nhân chứng trong cuộc chiến này là ông Nguyễn Văn Lanh kể rằng, ông tính lượm khẩu súng của tên chỉ huy Trung Cộng để bắn chết hắn, nhưng vì có lệnh “không được nổ súng” nên thôi. Rốt cuộc ông Lanh bị tên chỉ huy Trung Cộng đâm lưỡi lê vào người rồi bị trúng đạn.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/sach-gac-ma-vong-tron-bat-tu-bi-thu-hoi/
Hoạt động buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam
vẫn diễn ra trên mạng xã hội
Một nghiên cứu mới công bố cho hay hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ở Việt Nam đang lan rộng trên mạng xã hội.
Nghiên cứu của tổ chức quốc tế TRAFFIC chỉ ra rằng, nỗ lực ngăn chặn tệ nạn này tại Việt Nam nên tập trung vào các trang mạng có tiên miền “.com” và mạng xã hội, thay vì trên các trang mạng “.vn” như trước. Các chuyên gia khảo sát 13 trang mạng có tên miền “.vn”, với từ khóa tìm kiếm là các sản phẩm từ voi, báo, tê tê, tê giác, và hổ. Khoảng 30% số trang mạng đươc khảo sát quảng cáo cho các sản phẩm từ các động vật hoang dã dễ bị tổn thương này. Có 14 quảng cáo giới thiệu hơn 1,000 sản phẩm động vật hoang dã. Nhiều sản phẩm được quảng cáo làm từ ngà voi và từ các bộ phận của hổ. 1,100 sản phẩm từ hổ được rao trong 187 quảng cáo từ 85 người bán, tại 4 trang mạng thương mại điện tử và 2 trang mạng xã hội.
Theo BBC, Việt Nam là một trong những thị trường hàng đầu về buôn bán sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp có nguồn gốc từ các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Việt Nam cũng vừa là nơi khách Trung Cộng tìm mua các sản phẩm này, vừa là nơi trung gian vận chuyển các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp từ nhiều nơi trên thế giới đến Trung Cộng.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/hoat-dong-buon-ban-dong-vat-hoang-da-o-viet-nam-van-dien-ra-tren-mang-xa-hoi/
Báo Tuổi Trẻ bị đình bản 3 tháng vì đăng bài viết
về Luật Biểu tình và bình luận gây chia rẽ
Bộ Thông tin và Truyền thông hôm 16/7/2018 đã ra quyết định xử phạt báo Tuổi Trẻ 220 đồng và đình bản báo Tuổi Trẻ Online trong thời gian ba tháng, buộc phải xin lỗi và cải chính thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Báo Pháp Luật loan tin này hôm 16/7.
Theo quyết định được Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc ký, Tuổi trẻ Online đã có hành vi thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết có tựa “chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình’ trên báo vào ngày 19/6/2018, và thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài viết “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?’ hôm 26/5/2017.
Bài viết “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình” viết về cuộc tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với vai trò là đại biểu quốc hội đại diện thành phố Hồ Chí Minh. Trên thực tế Chủ tịch nước không phát biểu như vậy. Bài viết cũng đã bị rút khỏi trang báo Tuổi trẻ Online sau đó.
Theo Facebook Lê Nguyễn Hương Trà, vào ngày 9/7, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác cuối năm 2018 của toàn ngành, các vi phạm của Tuổi Trẻ đã được đưa ra và bị đánh giá là rất nghiêm trọng. Theo facebook này, phần bình luận của bạn đọc trên Tuổi trẻ dưới bài bình luận “sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây” bị đánh giá là chống phá chính quyền. Bình luận này đã được chụp lại. Lời của bình luận được viết là ‘Bắc kỳ cai trị Nam Kỳ mà!”.
Ngoài hai bài vừa nói, Tuổi Trẻ mới đây cũng đã phải gỡ bài có tựa “Ba đặc khu cần trả lời ba câu hỏi” của Giáo sư Trần Văn Thọ, đại học Waseda, Tokyo có tính chỉ trích việc thành lập 3 đặc khu của Việt Nam là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Dự luật đặc khu đã gặp phải nhiều phản đối của dân chúng và các chuyên gia. Đặc biệt điều khoản cho phép người nước ngoài thuê đất đặc khu lên đến 99 năm gây bất bình nhiều nhất vì nhiều người cho rằng điều kiện này sẽ giúp nhà đầu tư Trung Quốc vào chiếm đất. Dự luật cũng dẫn đến những cuộc biểu tình phản đối rầm rộ ở nhiều tỉnh thành tại Việt Nam trong các ngày 10 và 11/6 vừa qua.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tuoi-tre-fined-and-suspended-07162018093438.html
Việt Nam:
Bất động sản cao cấp ‘hấp dẫn ở châu Á’
Ý kiến rằng thị trường nhà cửa cao cấp tại Việt Nam đang ngày càng hút khách đầu tư trong và ngoài nước, nhưng cần thận trọng với bong bóng bất động sản.
Sự sôi động này phản ánh một nền kinh tế đang bùng nổ với tăng trưởng GDP ở mức cao nhất một thập niên qua, 7,38% trong quý đầu tiên năm 2018, theo trang Mansion Global.
Rầm rộ ở Hà Nội, Sài Gòn
Tại Hà Nội, các mảnh đất ở Starlake City, một dự án hàng triệu đô la với các biệt thự hạng sang, các căn hộ ven hồ, trường học quốc tế và tòa tháp văn phòng, được bán hết chỉ trong vài ngày.
Tại TP Hồ Chí Minh, dự án Serenity Sky Villas với các căn penhouse được rao bán với giá 60,84 tỷ đồng (2,64 triệu đô la), với thang máy riêng, hệ thống chiếu sáng và nội thất được thiết kế riêng. Mỗi căn đều có bể bơi riêng trên sân thượng.
Gần đó, tòa tháp cao cấp của khu Feliz en Vista – 34 tầng, bao gồm biệt thự sân vườn, căn hộ hai tầng áp mái — quảng cáo có tiện nghi 5 sao như sảnh VIP, quầy bar hút xì gà, hồ bơi nước mặn, bể sục nước nóng, và rạp chiếu phim.
Người Trung Quốc ‘ồ ạt mua nhà giá rẻ ở VN’
VN: ‘Vướng mắc đất đai tước cơ hội của nông dân’
Từ nông dân thành nhà bất đồng chính kiến
Stephen Wyatt, quản lý của Jones Lang LaSalle cho biết thị trường BĐS cao cấp tại Việt Nam hình thành trong 3 – 4 năm qua.
Những thay đổi trong Luật Đầu tư nước ngoài cho phép người nước ngoài có thể hợp đồng thuê dài hạn và mua BĐS dễ dàng hơn.
Người nước ngoài hiện được phép sở hữu BĐS tại Việt Nam tối đa 50 năm.
Ngoài ra, họ được phép bán tới 30% số căn hộ trong một tòa nhà chung cư và 10% quyền sở hữu đất trong một khu dân cư cho người nước ngoài.
Giá một mét vuông đất tại khu vực trung tâm Sài Gòn hiện gần 12,84 triệu đồng (557 đô la Mỹ), tăng từ mức trung bình 9,64 triệu đồng (418 đô la Mỹ) chỉ hai năm trước.
Lan sang các TP biển
Cũng theo Mansion Global, thị trường BĐS nóng không kém ở các thành phố ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, các thị trấn ven biển như Hồ Tràm, hay đảo Phú Quốc.
Lý do là các nơi này tập trung các sân golf đẳng cấp thế giới, khu du lịch và cơ sở hạ tầng phát triển. Ví dụ như biệt thự ba phòng ngủ trên đỉnh đồi tại Banyan Tree Lăng Cô, trị giá 29,5 tỷ đồng (1,28 triệu đô la) gần sân bay Đà Nẵng, nhìn ra biển, có hồ bơi riêng, và được trang trí bằng nội thất lấy cảm hứng địa phương.
Ông David Blackhall, giám đốc điều hành tại Vinacapital phát biểu trên Mansion Global rằng số lượng người nước ngoài mua căn hộ cao cấp tại Việt Nam tiếp tục tăng, đặc biệt khi hệ thống giao thông công cộng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, sân bay mới tại Phú Quốc và Đà Nẵng, hoàn thành.
Tầng lớp doanh nhân trẻ, giàu có, năng động của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi năm 2020, tạo thêm nhu cầu bán lại và cho thuê BĐS cao cấp.
Theo Mansion Glocbal, các nhà đầu tư không bỏ qua điều này.
Trong tháng Năm, Vinhomes đã huy động được 31,1 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ (1,35 tỷ đô la Mỹ) trong đợt chào bán cổ phần đầu tiên – con số lớn nhất tới nay tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vinhomes, sở hữu khoảng một nửa số căn hộ cao cấp tại Việt Nam, dự kiến sẽ đạt 105 nghìn tỷ đồng (4,6 tỷ USD) từ các hợp đồng bán căn hộ vào cuối năm nay.
Theo Matthew Powell, giám đốc Savills Hà Nội (quản lý khoảng 10.000 căn hộ tại thủ đô), nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm cách thâm nhập vào thị trường bất động sản cao cấp Việt Nam.
Giá nhà ‘rẻ’ trong khu vực
Hồi tháng 5, báo South China Morning Post ở Hong Kong có bài nhận định giá nhà ở Việt Nam vẫn rẻ so với Singapore và Thái Lan, vì vậy các nhà đầu tư Hong Kong và Trung Quốc rất quan tâm.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện giá lên tới 115,3 triệu đồng/mét vuông (5.000 đô la Mỹ) đối với căn hộ cao cấp gần trung tâm nhưng ở Hồng Kông đắt hơn nhiều lần.
Thế nhưng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định hiện tượng bong bóng BĐS đang hình thành tại một số địa điểm và chỉ chực chờ các hiện tượng khác của nền kinh tế là vỡ ra.
“Bong bóng có thể vỡ ra vào đầu năm 2019 hoặc trong năm 2019,” ông nói.
Theo tiến sỹ Hiếu, giá BĐS tại nhiều nơi đã tăng 100% và vẫn đang trên đà tăng là hiện tượng ‘rất đáng lo’.
Ông Hiếu cũng cho rằng dù phân khúc đất nền đã giảm nhiệt sau khi Luật Đặc khu được hoãn thông qua hồi tháng 5/2018 nhưng vẫn còn rất cao ở nhiều nơi.
Ông cũng lưu ý rằng trong bối cảnh bong bóng có thể vỡ bất cứ lúc nào, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng.
“Tại nhiều địa điểm, giá bất động sản đã tăng 100%. Đây là hiện tượng rất đáng lo. Tại Việt Nam, giá tăng từ 5 – 10% là thường, tăng từ 10 – 30% là cao, tăng từ 30 – 50% là rất cao, tăng từ 50 -100% là quá cao và tăng từ 100% là có hiện tượng bong bóng. Bong bóng có thể vỡ ra bất cứ lúc nào”, chuyên gia kinh tế từ Hà Nội được Vietnam Finance dẫn lời.
Nhưng hôm 16/7, trên báo Đất Việt, một chuyên gia khác bày tỏ bất đồng.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, ở Việt Nam không gặp bong bóng bất động sản mà chỉ xuất hiện tình trạng đóng băng – thị trường không giao dịch, giá bất động sản có thể không rớt nhiều nhưng nhà đầu tư muốn bán mà không bán được.
“Điều này nguy hiểm ở chỗ, khi ngân hàng cần thu hồi nợ, để có tiền trả nợ nhà đầu tư phải bán được nhà đất, nhưng vì không có ai mua nên cuối cùng nợ đó trở thành nợ xấu. Người nợ thì cứ chây ì, hai bên đành phải chờ pháp luật xử lý. Nhưng thời gian để bán được một căn nhà thu nợ tại Việt Nam ít nhất phải 1 năm.”
“Bên cạnh đó, bong bóng bất động sản thì có người thắng, người thua, thị trường phục hồi nhanh, còn thị trường đóng băng thì cứ nằm hoài như thế. Thị trường bất động sản Việt Nam đóng băng trong giai đoạn 2010-2015, trong ngần ấy năm, nhà đầu tư nào vay ngân hàng 30% vốn đầu tư cộng với lãi suất thì coi như mất trắng,” TS Đinh Thế Hiển nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-44843244
Thu hồi thêm 14 loại thuốc
có tạp chất gây ung thư nhập từ Trung Quốc
Cục quản lý Dược thuộc Bộ Y Tế vào ngày 13 tháng 7 vừa quyết định đình chỉ thêm 14 loại thuốc sản xuất từ nguyên liệu có nguy cơ gây ung thư từ Trung Quốc.
Trước đó vào ngày 10 tháng 7, Bộ Y Tế đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các cơ quan chức năng thu hồi 23 loại thuốc thành phẩm làm từ nguyên liệu Valsartan của Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical do Trung Quốc sản xuất.
Theo kết quả rà soát của Cục quản lý Dược, nguyên liệu Valsartan bị phát hiện có chứa tạp chất N-nitrosodimethylamine (NDMA) có nguy cơ gây ra ung thư.
Valsartan có mặt tại thị trường Việt Nam thường dùng để điều trị tăng huyết áp, giảm tỉ lệ tử vong do tim mạch, nhồi máu cơ tim và điều trị suy tim.
Để đảm bảo cho người sử dụng, Cục quản lý Dược công bố toàn bộ danh sách các loại thuốc có chứa Valsartan và đình chỉ nhập khẩu, và lưu hành tất cả các loại thuốc chứa Valsartan nhưng chưa có báo cáo cụ thể về nguồn gốc nguyên liệu.
Đình chỉ chủ tịch xã vi phạm quản lý đất đặc khu
Ban Thường vụ Huyện ủy Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa vừa công bố quyết định đình chỉ chức vụ bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Vạn Thạnh đối với ông Nguyễn Thanh Nam để điều tra hành vi vi phạm quản lý đất đai dự định lập đặc khu kinh tế.
Truyền thông trong nước loan tin trên theo như lời ông Võ Hoàn Hải, Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết hôm 16/7.
Theo vị lãnh đạo này, cơ quan chức năng phát hiện ông Nguyễn Thanh Nam có nhiều sai phạm nghiêm trọng liên quan đến công tác quản lý đất đai tại xã Vạn Thạnh.
Được biết trước đó, nhiều người dân xã Vạn Thạnh lên tiếng tố cáo ông Nguyễn Thanh Nam trực tiếp đi gom đất rồi tự ý nâng giá đất lên cao sau khi có thông tin huyện Vạn Ninh được xác định trở thành đặc khu Bắc Vân Phong.
Dân địa phương cũng nói chính quyền xã Vạn Thạnh cố tình làm ngơ để người ở nơi khác đến các đảo ở đây chặt phá cây cối, chiếm và bán đất trái pháp luật.
Gần đây, người dân còn tố cáo ông Nam buộc mỗi hộ dân phải đóng 300 ngàn đồng để Ủy Ban Nhân Dân xã làm thủ tục xác nhận để vay vốn ngân hàng tái sản xuất vì bị thiệt hãi do bão hồi cuối năm ngoái. Sau khi cơ quan chức năng đến xác minh, ông Nam ra văn bản kiểm điểm cán bộ cấp dưới vì đã cung cấp thông tin cho phía công an.
Cần Thơ bỏ yêu cầu
kê khai tài khoản Facebook của đảng viên
Các cơ quan chức năng của quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ sẽ hủy bỏ văn bản của Đảng ủy các phường trong quận Cái Răng yêu cầu kê khai tài khoản cá nhân như Facebook, Zalo…
Thông tin trên được mạng báo Tuổi trẻ online dẫn lời ông Trần Việt Trường – trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ cho biết như thế hôm 15/7.
Theo ông Trường, Ban Tuyên giáo Cần Thơ chỉ yêu cầu đấu tranh chống các quan điểm sai trái, nhắc nhở đảng viên lên mạng không làm những việc sai chủ trương, quy định, nhưng quận Cái Răng lại yêu cầu đảng viên kê khai tài khoản mạng xã hội.
Trước đó, nhiều đảng viên đang sinh hoạt tại các chi bộ trực thuộc Đảng uỷ các phường trên địa bàn quận Cái Răng bị bắt kê khai việc sử dụng mạng xã hội, có nơi còn bắt kê khai cụ thể tham gia mạng nào và nickname đang sử dụng…
Một số người chia sẻ thông tin về việc Cần Thơ yêu cầu kê khai tài khoản mạng xã hội của các đảng viên và bày tỏ lo lắng việc Luật An ninh mạng mới chưa có hiệu lực nhưng đã bắt đầu có những tác động.
Lãnh đạo Hải Phòng
bị kiểm điểm vì những sai phạm đầu tư
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, phụ trách đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2010 đến 2017, phải bị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với các sai phạm, khuyết điểm mà Thanh tra Chính phủ nêu ra trong Kết luận thanh tra về quản lý nhà nước.
Truyền thông trong nước, vào ngày 16 tháng 7, cho biết Kết luận thanh tra về quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng tại thành phố Hải Phòng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay giai đoạn 2010-2017 đã phát hiện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng để xảy ra nhiều sai phạm và khuyết điểm. Theo đó, việc thẩm định và phê duyệt đấu thầu các dự án xây dựng chưa sát thực tế, quá trình triển khai không khả thi và công tác đấu thầu còn nhiều hạn chế, thiếu sót…
Thanh tra Chính phủ phát hiện tại thành phố Hải phòng, trong giai đoạn 2010 đến 2017, có hàng loạt dự án “đội vốn khủng” từ vài trăm cho đến ngàn tỷ đồng. Các dự án được nêu tên bao gồm Dự án nâng cấp đường 365 được phê duyệt với mức tổng đầu tư gần 315 tỷ đồng nhưng bị đội vốn lên đến 1.311 tỷ đồng, hay Dự án Đê biển Nam Đình Vũ có mức tổng đầu tư là 998,4 tỷ đồng, nhưng bị điều chỉnh đội vốn gần 3.249 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện có nhiều nhà thầu được lựa chọn, nhưng chưa đảm bảo trong năng lực và kinh nghiệm thực hiện các dự án xây dựng.
Một trong những phát hiện sai phạm đáng chú ý nhất là tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu các dự án ở Hải Phòng đạt tỷ lệ rất thấp, từ 0,01 đến 1,5% và nhiều dự án trình Thủ tướng Chính phủ xin được thực hiện với tính cấp bách, công trình đặc thù hoặc thực hiện theo lệnh khẩn cấp; thế nhưng thực tế triển khai thực hiện dự án không như vậy.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với lãnh đạo liên quan những dự án xây dựng bị sai phạm, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý dự án và có biện pháp khắc phục hậu quả đang còn tồn tại.
3 ngư dân mất tích
sau vụ đâm chìm tàu cá ngoài khơi Quảng Ninh
Một tàu cá cùng 7 ngư dân bị một tàu chở hàng đụng chìm khi thả neo tránh bão cách đảo Cô Tô (Quảng Ninh) khoảng 8 hải lý rạng sáng ngày 15/7.
Theo truyền thông trong nước, rạng sáng 15/7, một tàu cá Hải Phòng di chuyển tới khu vực âu tàu Cô Tô tránh áp thấp thì bị một tàu chở hàng tông trúng khiến tàu bị chìm và 7 ngư dân rơi xuống biển. Lực lượng chức năng cứu được 4 ngư dân gồm Hoàng Văn Quế, Phạm Văn Mạnh, Hoàng Đức Thanh và Nguyễn Văn Nguyên. Ba ngư dân còn lại (chưa xác định danh tính) hiện vẫn chưa tìm thấy. Cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được số hiệu của tàu vận tải đâm chìm tàu cá.
Ông Trần Như Long, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết “30 tàu cứu hộ cùng hơn 100 người đã được huy động tới khu vực tàu chìm nhưng do gió lớn đến cấp 6, cấp 7 nên công tác ứng cứu gặp khó khăn. Cô Tô đã có lệnh cấm các tàu ra khơi, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về neo đậu trong các âu, vịnh kín gió.”
Cơ quan chức năng cho hay nguyên nhân vụ tai nạn có thể do thời tiết xấu, khuất tầm nhìn nên các tàu va chạm với nhau.
Vào đầu năm nay, một tàu cá Bình Định cũng bị một tàu chở hàng đâm trúng hất 15 ngư dân xuống biển. Sau đó tàu chìm, 15 ngư dân được cứu.
Tổng Bí thư kêu gọi dân chủ,
xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng nhiều nơi có sự vi phạm dân chủ làm cho dân chúng “bức xúc”.
Ông nói như vậy vào ngày hôm nay tại hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả việc thực hiện qui chế dân chủ cơ sở theo kết luận của Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 11 (2012-2016).
Ông Trọng cho rằng có một không khí dân chủ đã rộng mở trong Đảng Cộng sản cũng như trong xã hội Việt Nam, và cần thúc đẩy điều đó.
Tuy nhiên ông nói là nhiều nơi những người đứng đầu đã mượn danh tập thể để thực hiện ý chí chủ quan của mình, một số người có chức có quyền còn trù dập và ức hiếp quần chúng.
Ông Tổng Bí thư nói rằng sắp tới đây song song với việc tiếp tục phát huy dân chủ cần xử lý nghiêm minh những hành vi lợi dụng dân chủ để gây rối, làm mất an ninh, trật tự.
Tại Việt Nam hiện nay Đảng Cộng sản là đảng chính trị duy nhất cầm quyền. Tuyệt đại đa số các đại biểu quốc hội cũng là đảng viên Đảng Cộng sản.
Dự án phát huy dân chủ cơ sở của Đảng Cộng sản Việt Nam, về nguyên tắc là để thúc đẩy dân chúng ở những đơn vị hành chính thấp nhất là xã có thể phát biểu ý kiến, đưa ý kiến của mình lên đến các cấp lãnh đạo của Đảng tại địa phương.
Báo cáo mới đây của Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở yêu cầu các cấp phải quán triệt quan điểm của đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, tiếp tục pháp huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây có nhiều cá nhân và hội nhóm có khuynh hướng đối lập với Đảng Cộng sản đã bị trấn áp, bỏ tù. Sau cuộc biểu tình lớn chống dự luật đặc khu vào ngày 10/6, đã có nhiều cáo buộc cho rằng lực lượng an ninh đã bắt bớ và đánh đập hàng trăm người trong cả nước.
Facebook chưa sửa hoàn toàn
lỗi để bản đồ gộp Hoàng Sa vào Tam Sa
Facebook vẫn chưa sửa hoàn toàn lỗi để các địa điểm mang tên Tam Sa trên bản đồ khu vực Trường Sa – Hoàng Sa, sau hơn một tuần xin lỗi vì để xảy ra sự việc này.
Theo trang thông tin Zing, nếu chọn ngôn ngữ tiếng Anh, Facebook vẫn hiển thị địa danh mang tên “Sansha” khi người dùng tìm kiếm cụm từ “三沙市” (Tam Sa) trên Facebook và chọn“place” (địa điểm). Và hiển thị “Tam Sa” khi người dùng chọn tiếng Việt. Ở bản đồ nhỏ bên phải, Facebook vẫn định vị Sansha vào vị trí quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Vào tháng trước, người dùng mạng xã hội Việt Nam phản ứng gay gắt trước việc Facebook không hiển thị hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong mục bản đồ Việt Nam khi chạy tính năng quảng cáo của Facebook. Tuy nhiên, khi tìm đến phần bản đồ của Trung Quốc, thì công cụ bản đồ của Facebook lại xuất hiện tên 2 quần đảo này.
Facebook đã khắc phục lỗi này và giải thích rằng đó là “lỗi kỹ thuật”, nhưng không đưa ra lời xin lỗi. Cho đến chiều ngày 5 tháng 7, Facebook mới ra thông cáo xin lỗi người dùng về việc để bản đồ Trường Sa, Hoàng Sa thuộc Trung Quốc.
Ngoài sai phạm bản đồ Hoàng Sa và Trường Sa, Facebook còn dính vào bê bối làm lộ dữ liệu hơn 87 triệu người dùng toàn cầu. Việt Nam đứng thứ 9 trong danh sách 10 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo ông Đào Trung Thành, chuyên gia an ninh mạng và là CTO của Media Ventures Vietnam Groups, Việc Nam có thể yêu cầu Facebook trả lời về vụ việc và các biện pháp, cách thức xử lý vấn đề lộ thông tin người dùng Facebook ở Việt Nam cũng như các cam kết của họ về việc bảo vệ quyền riêng tư người dùng Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên các hãng lớn trên thế giới sử dụng bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hồi năm 2016, công ty Google cũng có nhầm lẫn tương tự. Google sau đó cũng đã phải thay lại bản đồ.
Hiện có khoảng 53 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam, xếp thứ 7 về số người sử dụng trên thế giới.
Nhiều quan chức giáo dục CSVN
gửi con đi du học nước ngoài
Nhiều nhà giáo dục nổi tiếng ở Việt Nam đang gửi con đi du học tại các trường đại học ngoại quốc.
Báo mạng tiếng Anh VietNamNet Bridge cho hay như vậy hôm Thứ Bảy 14/07. Tờ báo trích lời bộ trưởng giáo dục và đào tạo CSVN Phùng Xuân Nhạ cho biết, người Việt Nam chi từ 3 tới 4 tỉ Mỹ kim hàng năm để gửi con đi du học ở ngoại quốc. Theo bộ giáo dục, có khoảng 130,000 sinh viên Việt Nam đi du học ngoại quốc năm 2016. Trong số này, khoảng 10% du học sinh được tài trợ bằng ngân sách nhà nước hoặc nhận học bổng của các tổ chức phi chính phủ ở ngoại quốc. 90% số du học sinh còn lại, bao gồm con cháu các nhà giáo dục và giới chức ngành giáo dục Việt Nam, đi du học bằng tiền của gia đình.
Tờ báo mạng kể trường hợp một người đàn ông được nêu tên tắt là H, nguyên là hiệu trưởng một trường nổi tiếng ở miền Nam. Ông H có hai con gái đều đang du học ở ngoại quốc. Một cô đang học ở Hoa Kỳ nhờ được học bổng toàn phần của nhà nước, và cô kia đang du học tại Nam Hàn. Ông cho biết chi phí ăn ở cho cô con gái du học ở Nam Hàn là từ 1,000 Mỹ kim trở lên mỗi tháng, trong khi học phí không dưới 50,000 Mỹ kim một năm. Cựu giới chức Bộ Giáo Dục này cũng tiết lộ, hầu hết con cái các thượng cấp của ông đều theo học tại các đại học ở ngoại quốc. Ông nói, các giới chức bộ giáo dục cũng là cha mẹ, cho nên họ đều muốn những điều tốt nhất cho con mình.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/nhieu-quan-chuc-giao-duc-csvn-gui-con-di-du-hoc-nuoc-ngoai/
Một trưởng ban tổ chức huyện ủy ở Gia Lai
dùng bằng đại học giả
Trưởng ban tổ chức huyện ủy Chư Sê, tỉnh Gia Lai, bị khám phá sử dụng bằng đại học giả.
Truyền thông trong nước đưa tin, trường Đại Học Kinh Tế ở Sài Gòn mới đây thông báo tìm không ra bằng tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng nhà nước của ông Lê Kim Khoa trong hệ thống. Theo báo mạng Pháp Luật Online, hồ sơ của trưởng ban tổ chức huyện ủy Chư Sê, ông Lê Kim Khoa, 46 tuổi, có bằng tốt nghiệp từ trường Đại Học Kinh Tế, ghi được cấp vào ngày 18 tháng 8 năm 2008. Bằng của ông Khoa thuộc thể loại đào tạo tại chức. Theo văn bằng này, ông Khoa được xếp hạng khá và công nhận tốt nghiệp cử nhân kinh tế. Văn bằng còn mang dấu triệu của trường Đại Học Kinh Tế ở Sài Gòn và chữ ký của hiệu trưởng là Phó giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Năng.
Tuy nhiên, hôm 13 tháng 7, phòng đào tạo tại chức thuộc trường Đại Học Kinh Tế ở Sài Gòn gửi thư cho chính quyền tỉnh Gia Lai, cho biết sau khi kiểm tra trên hệ thống điện toán của trường, họ không thấy có tên ông Lê Kim Khoa trong danh sách các khóa sinh được cấp bằng đào tạo tại chức.
Theo tờ Pháp Luật Online, trước năm 2004, ông Khoa là kế toán xã Ia Glai, huyện Chư Sê. Từ 2005 đến 2008, ông là phó chủ tịch xã Glai, từ năm 2009 đến 2012 là phó chánh văn phòng rồi chánh văn phòng huyện ủy Chư Sê, và từ năm 2012 đến nay là trưởng ban tổ chức huyện ủy Chư Sê. Quá trình thăng chức của ông Lê Kim Khoa chỉ có thể thực hiện được với văn bằng đại học, mà nay bị nghi là giả.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/mot-truong-ban-to-chuc-huyen-uy-o-gia-lai-dung-bang-dai-hoc-gia/
TQ Gợi Ý VN Để Xây 7 Đặc Khu Biên Giới
Dán Nhãn Hàng VN Cho Hàng Tàu Xuất Cảng
HANOI — Trung Quốc thò tay qua biên giới Việt Nam để chuyển hàng sang Mỹ thế nào? Câu trả lời là: TQ hy vọng xây 7 đặc khu ở biên giới Việt để dán nhãn hàng VN nhằm bán sang Mỹ.
Báo Nhà Đầu Tư nêu câu hỏi: Trung Quốc đề xuất lập khu vực thương mại xuyên biên giới sản xuất hàng ‘Made in Vietnam’ để lách vào Mỹ?
Bản tin cho biết hiện các quan chức của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đang đưa ra ý tưởng thành lập 7 khu vực thương mại xuyên biên giới với Việt Nam để đưa các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc đến lắp ráp sản phẩm tại đây và dán nhãn “made in Vietnam”, theo South China Morning Post.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã chính thức bắt đầu vào cuối tuần qua khi Mỹ đã “khởi chiến” bằng việc đánh thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.
Xung đột thương mại giữa Bắc Kinh và Washington là những diễn biến không mong muốn đối với Trung Quốc, nhưng các quan chức ở Quảng Tây – nơi 7 “khu vực thương mại xuyên biên giới” với Việt Nam đang được lên kế hoạch nhằm sản xuất hàng “Made in Vietnam” – được xem là một cơ hội.
Hiện các quan chức của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, đang đưa ra ý tưởng thành lập 7 khu vực thương mại xuyên biến giới với Việt Nam để đưa các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc đến lắp ráp sản phẩm tại đây và dán nhãn “made in Vietnam”. Một trong những khu vực này là thị xã Bằng Tường, thuộc thành phố khu Sùng Tả của Trung Quốc.
Phó thị trưởng của thành phố này, Lu Hui, bày tỏ với South China Morning Post rằng rất muốn tạo ra một khu hợp tác với Việt Nam với “nguồn vật liệu, vốn và nhân công tự do”, và các sản phẩm được sản xuất trong khu vực này có thể được lựa chọn dán nhãn “made in Vietnam” hay “made in China”.
Wang Fanghong, một lãnh đạo của thị xã Bằng Tường, cũng cho biết cuộc chiến thương mại với Washington có thể là động lực cho các khu thương mại lên kế hoạch tăng trưởng. “Có thể là một cơ hội” cho thị trấn nhỏ này tăng tốc độ phát triển, Wang nói.
Ông Wang cũng nói thêm, các nhà xuất khẩu tại Trung Quốc “sẽ gặp khó khăn khi gửi trực tiếp tới Mỹ và một số sẽ được vận chuyển qua các nước thành viên ASEAN”.
Các quan chức Trung Quốc đang nỗ lực chào hàng kế hoạch này cho các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu ở trung tâm sản xuất của đất nước. Tỉnh Quảng Đông và các tỉnh đồng bằng sông Dương Tử cho biết họ sẽ tiếp cận lao động rẻ từ Việt Nam và một loạt các chính sách ưu đãi tại biên giới hai nước.
Những chính sách này, theo các tài liệu quảng bá truyền thông, sẽ làm giảm chi phí hậu cần, nhân sự và thuế.
Các công nhân nhà máy ở Thâm Quyến và Quảng Đông được trả lương trung bình 5.000 nhân dân tệ một tháng (tương đương 750 USD), so với mức trung bình hàng ngày từ 80 đến 100 nhân dân tệ (12 USD đến 15 USD) được trả cho công nhân ở miền bắc Việt Nam.
Từ năm 2007, Hà Nội và Bắc Kinh bắt đầu xúc tiến mô hình khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai… nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thành quá trình đàm phán để bắt đầu xây dựng.
Ý tưởng tạo ra các khu vực xuyên biên giới để tạo thuận lợi cho thương mại không phải là mới và chính phủ Trung Quốc có hợp tác với Myanmar, Lào, Nga và Kazakhstan, mặc dù nỗ lực thiết lập một khu vực tương tự với Bắc Triều Tiên đã thất bại.
Theo Liu Kaiming, người đứng đầu Viện Quan sát đương đại ở Thâm Quyến, theo yêu cầu của các nhà xuất khẩu, Trung Quốc đang tìm cách bảo vệ chống lại sự phẫn nộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Báo Nhà Đầu Tư ghi thêm:
“Ông Liu nói thêm rằng các khu vực thương mại xuyên biên giới có thể là một nền tảng thử nghiệm tốt cho các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu muốn vận chuyển qua các quốc gia khác, hoặc thậm chí di dời các hoạt động sản xuất của họ. “Nhưng vấn đề là, liệu Việt Nam có đồng ý hay không”, ông nói.”