Tin Việt Nam – 16/06/2020
Người phụ nữ khoả thân chặn xe Quốc hội csvn đòi công lý bị an ninh Cộng sản bắt cóc
Tin Vietnam.- Facebook Lê Hoàng loan tin, sáng ngày 15 tháng 6 năm 2020, an ninh Cộng Sản mặc thường phục đã bắt cô giáo Phan Thị Mỹ Xuyên như khiêng heo, rồi nhét vào xe hơi chở đi đâu không ai rõ. Địa điểm bà Xuyên bị an ninh bắt cóc ngay giữa đường phố là tại số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội.
Trước đó, vào ngày 9 tháng 6 năm 2020, bà Xuyên và cha của mình là ông Phan Văn Tuấn, là dân oan quê Thôn Lộc Hà, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã khoả thân ở giữa đường phố Hà Nội để chặn xe đại biểu quốc hội Cộng sản nhằm kêu oan.
Theo Facebook Hoài Thạch Sơn, trước đó nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh đã dựng lên một vụ án oan đối với gia đình ông Tuấn.
Vào ngày 10 tháng 6 năm 2016, nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh bất ngờ bắt vợ, con trai ông Tuấn, và bắt luôn cả bạn gái của con trai ông Tuấn với hành vi cáo buộc là đã âm mưu giết ông Tuấn bằng cách xích chân ông Tuấn vào cột nhà, rồi mua xăng về tưới lên người ông Tuấn và châm lửa đốt. Sự việc khiến nhà bị cháy, công an huyện Lộc Hà đã tới giải cứu ông Tuấn ra khỏi căn nhà bị cháy. Điều kỳ lạ là, dù bị tưới xăng đốt nhưng ông Tuấn không hề bị gì, và cũng không hề biết gì về vụ án trên theo như ngành tố tụng Hà Tĩnh công bố.
Sau đó, cả 3 người trên bị toà án tuyên tổng cộng gần 20 năm tù giam, với mức án cao nhất là 8 năm. Từ đó đến nay, gia đình ông Tuấn không biết người thân của mình bị giam ở đâu. Vì vậy, ông Tuấn và con gái mình là bà Xuyên đã đi kêu oan khắp nơi cho người thân của mình.
Câu chuyện oan sai của gia đình ông Tuấn được phán đoán là có thể xuất phát từ việc tranh chấp đất đai của ông và người anh.
An Nhiên
Dân oan 3 miền mang nhang kéo nhau
đến trụ sở tiếp dân trung ương cộng sản
kêu “vía” các lãnh đạo
Tin Vietnam.- Ngày 16 tháng 6 năm 2020, trang fanpage Tiếng Dân TV đã phát trực tiếp hình ảnh những dân oan ở các tỉnh thành Việt Nam, từ già đến trẻ con cầm trên tay những bó nhang đứng trước trụ sở Tiếp dân trung ương của Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội kêu gọi các lãnh đạo cấp cao Cộng sản.
Trong đoạn video, một phụ nữ đã hô lớn: Ba hồn bảy vía ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước; ông Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng Chính phủ; bà Kim Ngân là Chủ tịch quốc hội Cộng sản và ông Nguyễn Hồng Điệp là Trưởng ban Tiếp dân Trung ương Cộng sản. Sau đó, những người dân oan đã cắm nhang vào cánh cổng trụ sở Tiếp dân đang đóng im ỉm, rồi đặt biểu ngữ kêu oan xuống và quỳ lạy.
Một phụ nữ trong clip nói rằng, 3 thế hệ nhà chị đều đang ở trước cổng tiếp dân vì bị nhà cầm quyền dồn đến đường cùng, khó sống tiếp nên họ đã kéo nhau lên đây để kêu oan. Chị nói tiếp, ít nhất nhà cầm quyền cũng phải cho những người dân này một chỗ để sống để họ không phải lặn lội từ xa xôi đến trụ sở Tiếp dân này. Bên cạnh đó là những người phụ nữ cầm biểu ngữ gào khóc đến khản cổ. Một cháu bé khoảng 5 tuổi thì cầm nhang vái lạy, kêu gọi nhà cầm quyền trả nhà cho ông của cháu bé.
Theo người dân, sở dĩ họ phải kéo nhau đến nơi đây là vì mới bị lực lượng tay sai của nhà cầm quyền cướp hết bạt che nắng, che mưa của họ dùng để ở tạm trong quá trình đi kêu oan ở Hà Nội. Người phụ nữ giải thích, bản thân họ không muốn phải đến nơi này để kêu khóc như vậy, họ không muốn phải nằm lay lắt ở các vỉa hè Hà Nội để chờ kêu oan. Nhưng ngay đến cái bạt của họ ở vỉa hè cũng bị cướp nốt nên họ không còn lựa chọn nào khác.
An Nhiên
Án oan khiến dân mất niềm tin
dù có cải cách tư pháp!
Diễm Thi, RFA
Dân mất niềm tin vào tư pháp Việt Nam!
Sáng 15 tháng 6 năm 2020, trong phiên thảo luận tại Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nói rằng, ông nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của cử tri, trong đó có vị là lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu, nói rằng chưa bao giờ thấy niềm tin vào tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ.
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phản biện lại rằng, lĩnh vực tư pháp thời gian qua tuy rằng có một số sai sót nhưng nếu chỉ lấy vài vụ việc để đánh giá ngành tư pháp là không nên.
Trước đó hai ngày, ông Hoàng Đức Thắng, trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trị cho rằng, những vụ án như Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên cao tốc, vụ án Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại tòa… là phần nổi của tảng băng chìm, gây xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp.
Để khách quan, RFA tìm hiểu quan điểm của một vị trong ngành tư pháp nhưng không là đại biểu Quốc hội, là ông Trần Đức Long – Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Hội Luật gia Việt Nam, thì ông từ chối trả lời:
“Vâng, tôi là Trần Đức Long nhưng cô hỏi người khác nhé. Hỏi người khác chứ tôi không trả lời đâu!”
Nhận định về tranh luận của các ĐBQH sáng 15 tháng 6 về nền tư pháp Việt Nam hiện nay, ông Lê Văn Cuông, từng là ĐBQH khóa 11 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa nói với RFA rằng, góc nhìn của mỗi đại biểu quốc hội có khác nhau. Ông nêu ý kiến của mình:
“Nền tư pháp Việt Nam những năm qua có nhiều đổi mới, tức là có Ban chỉ đạo để đổi mới tư pháp. Ban này hoạt động liên tục và có nhiều thay đổi so với trước đây để hội nhập thế giới. Cho nên trong quá trình thực thi pháp luật, tính dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cũng được mở rộng so với trước đây.
Tuy nhiên, gần đây có một số vụ án chưa được sự đồng thuận của dư luận xã hội, người ta nghi ngờ có sự oan sai và có những ý kiến khác nhau về quan điểm xét xử cho nên nó cũng tạo cho ngành tư pháp bị giảm uy tín và niềm tin nhất định. Nhưng tôi nghĩ cái niềm tin đối với cải cách tư pháp thời gian qua được nâng lên.”
Tháng 6 năm 2005, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Vì đâu?
Theo ghi nhận của RFA, rất nhiều người dân từ lâu đã không tin vào nền tư pháp Việt Nam do vô số những vụ án oan sai ngất trời. Sau vụ án Hồ Duy Hải, một vụ án được cho là thu hút sự chú ý của công luận trong và ngoài nước cao kỷ lục, người dân một lần nữa mất niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam.
Có thể kể ra vài vụ điển hình như ông Hàn Đức Long bốn lần bị kết án tử hình dù vô tội. Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án chung thân với tội giết người dù ông liên tục kêu oan. Tháng 11 năm 2013, sau 10 năm ngồi tù oan, ông Chấn được VKSND Tối cao tạm tha về nhà và hai hôm sau, TAND Tối cao trong phiên tái thẩm đã hủy hai bản án kết tội ông Chấn giết người.
Ông Huỳnh Văn Nén hai lần bị kết án tử hình oan. Ông Nén được xem là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan, được gọi là “Người tù xuyên thế kỷ”. Gần 17 năm ngồi tù oan, cuối năm 2015, Công an tỉnh Bình Thuận đình chỉ điều tra đối với ông Nén sau khi tìm ra hung thủ giết người.
Luật sư Phạm Công Út cho rằng, so với hàng chục năm trước thì tư pháp Việt Nam rõ ràng có sự thay đổi, có sự tiến bộ rõ rệt để hội nhập với nền tư pháp của thế giới mà Việt Nam đã ký kết. Nhưng từ luật tới thực tế còn quá xa vời. Ông nói:
“Trong thời gian nhiều năm hoạt động trong lãnh vực tư pháp thì tôi thấy các đạo luật, bộ luật bao hàm về kinh doanh, thương mại, về dân sự, hình sự, về tố tụng, về hành chánh có sự hội nhập với quốc tế một cách khá rõ rệt. Tuy nhiên, do vẫn còn mang những nét đặc thù riêng của Việt Nam, một đảng lãnh đạo, nên nó vẫn còn những điểm khác biệt với thế giới.
Để hội nhập thì Việt Nam phải sửa luật, và rõ ràng Việt Nam đã và đang sửa luật về mặt câu chữ, về mặt luật pháp, nhưng về mặt thừa hành thì không giống như quy định của pháp luật.”
Luật sư Phạm Công Út nêu ví dụ cụ thể là vụ Đồng tâm: Theo luật quy định, những tôi danh có khung hình phạt từ 15 năm trở lên thì bắt buộc phải có luật sư ngay từ đầu. Hiện có tổng cộng 25 người bị Công an Hà Nội đề nghị truy tố về tội danh “Giết người” theo khoản 1 điều 123 Bộ luật hình sự, mức án có thể lên đến tử hình nhưng không ai được có luật sư trong suốt thời gian điều tra.
Song song với chiến lược cải cách tư pháp thì vai trò của luật sư cũng có thay đổi. Theo pháp luật Tố tụng Hình sự sửa đổi, bổ sung 2015, hiệu lực từ 1 tháng 1 năm 2018, Điều 74 quy định người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.
Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.
Tuy luật là vậy nhưng hầu như thực tế là khác. Trong một lần trao đổi với RFA về vai trò luật sư trong các vụ án ở Việt Nam, Luật sư Minh Thọ cho biết, các vụ người dân mời luật sư từ khi người phạm tội bị bắt, tạm giữ và được đưa về trụ sở cơ quan điều tra, là khá hiếm hoi. Chính vì thế, những vụ người dân “khi đi trai tráng, khi về bằng cáng”, thậm chí mất mạng, mà theo cơ quan công an, là do người dân tự tử ở trụ sở công an vẫn diễn ra.
Là một nhà báo độc lập, ông Nguyễn Ngọc Già nhận định về nền tư pháp Việt Nam hiện nay:
“Thứ nhất, nền tư pháp hiện nay là một bề tư pháp không đúng chuẩn mực quốc tế. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do Việt Nam khộng có tam quyền phân lập. Do đó nó dẫn tới tình trạng là hầu hết tất cả các thẩm phán đều xuất thân là giới công an. Vì vậy nó gây mất niềm tin trong lòng dân từ rất lâu rồi nhưng trước đây chưa có mạng xã hội nên người dân không thấy.
Thứ hai, khi có đại biểu quốc hội nói rằng không thể lấy vài vụ án như Hồ Duy Hải, Lương Hữu Phước để đánh giá nền tư pháp Việt Nam thì tôi không đồng ý, bởi vì chuyện Hồ Duy Hải xảy ra hơn 12 năm và đã tới mức giám đốc thẩm do Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đại diện cho Nhà nước CHXHCNVN. Đó là tính đại diện cao nhất, và điều đó phủ định sự ngụy biện rằng không thể lấy vụ Hồ Duy Hải hay Lương Hữu Phươc để đánh giá thấp nền tư pháp Việt Nam. Đó là điều ngụy biện hoàn toàn.”
Ông Nguyễn Ngọc Già dẫn chứng ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao hiện nay từng là Thiếu tướng Công an; ông Trương Hòa Bình, cựu Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao từng công tác tại Phòng An ninh Công an Thành phố Hồ Chí Minh, từng giữ chức Cục phó Cục An ninh văn hóa; ông Lê Minh Trí hiện đang là Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao cũng từng làm Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Thành viên Ủy ban Tư pháp kiến nghị
Quốc hội xem lại
quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải
Đa số thành viên Uỷ ban Tư pháp kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, theo đúng thẩm quyền tại điều 404 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Kiến nghị trên được nêu ra tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp quốc hội ngày 16 tháng 6 với sự tham gia của gần 40 thành viên và được truyền thông trong nước loan tin.
Phiên họp của Uỷ ban Tư pháp được tổ chức ngay sau 2 ngày quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội & chính sách và không có đại diện cơ quan tố tụng tham gia.
Theo nguồn tin từ Tuổi Trẻ điện tử, các thành viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội tại cuộc họp đã xem xét, thảo luận và cho ý kiến về toàn bộ quá trình tố tụng, từ điều tra, truy tố đến xét xử của vụ án cũng như sự phù hợp pháp luật của quyết định giám đốc thẩm.
Sau phiên thảo luận, đa số các thành viên Uỷ ban Tư pháp tại phiên họp cho rằng việc đánh giá những vi phạm trong quá trình điều tra, xét xử vụ án tử tù Hồ Duy Hải là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án.
Do đó, đa số họ kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm.
Trước đó một ngày, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình –cũng là Chánh án trong phiên giám đốc thẩm diễn ra vào hồi đầu tháng 5 vừa qua đã khẳng định trước Quốc hội tử tù Hồ Duy Hải phạm tội giết người, cướp của trong vụ án xảy ra ở Bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An năm 2008.
Bí thư Quảng Ngãi bị kỷ luật cảnh cáo
Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ, bị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo.
Truyền thông trong nước, vào ngày 16/6 dẫn nguồn từ Văn phòng Trung ương Đảng cho biết quyết định vừa nêu được đưa ra tại hội nghi Bộ Chính trị xem xét kỷ luật ông Lê Viết Chữ, do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì.
Hồi đầu tháng 6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ trong hai nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020.
Qua xem xét, Bộ Chính trị nhận thấy ông Lê Viết Chữ đã vi phạm và có khuyết điểm trong điều động, luân chuyển và giới thiệu cán bộ, công chức; đưa sinh viên tốt nghiệp đại học đi học nước ngoài không đúng tiêu chuẩn; đầu tư một số dự án lớn từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; cho thuê đất và giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá quyền sử dụng đất; tạm ứng trước ngân sách nhà nước để thực hiện dự án; ký văn bản và trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp không đúng thẩm quyền…
Bộ Chính trị vào ngày 16/6 ra quyết định kỷ luật đối với ông Lê Viết Chữ, dưới hình thức cảnh cáo do đã vi phạm quy chế làm việc của Tỉnh uỷ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tin nói ông Lê Viết Chữ nhận thức rõ trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm và tự nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo này.
CPJ kêu gọi VN trả tự do
cho nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn
Ủy Ban Bảo vệ Nhà báo- CPJ vào ngày 15 tháng 6 lên tiếng kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam trả tự do ngay cho nhà báo độc lập trẻ Lê Hữu Minh Tuấn, cũng như hủy bỏ những cáo buộc đối với anh này.
Thông cáo báo chí phát đi từ Bangkok của CPJ dẫn phát biểu của ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ ở Đông Nam Á, rằng Việt Nam sẽ không bao giờ được xem như là một thành viên có trách nhiệm trên trường quốc tế khi nào Hà Nội vẫn còn tiếp tục đối xử với những nhà báo độc lập như là những tội phạm.
CPJ dẫn thông cáo của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam và những bản tin cho biết vào ngày 12 tháng 6 vừa qua, cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ anh Lê Hữu Minh Tuấn và cáo buộc anh theo Điều 117, Bộ Luật Hình sự VN. Điều luật này hình sự hóa việc ‘phản đối nhà nước’.
Anh Lê Hữu Minh Tuấn, bút danh Lê Tuấn, là một thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, chuyên viết tin hằng ngày cho tờ Thời Báo. Đây là một trang mạng tin tức của Hội.
CPJ cho biết kể từ cuối năm 2019 đến nay có 4 thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam bị bắt theo Điều 117, Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Vào tháng 5 vừa qua, cơ quan chức năng Việt Nam cho bắt giữ nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, ông này cũng là một cộng tác viên đóng góp bài cho trang blog của Ban Tiếng Việt, Đài Á Châu Tự Do. Trước đó nhà báo tự do Phạm Thành, cũng là thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, bị bắt.
Vào tháng 11 năm ngoái, ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam bị bắt.
Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam là một trong 192 tổ chức cùng ký tên vào bức thư đề ngày 5 tháng 5 vừa qua của CPJ kêu gọi Liên Hiệp Quốc bảo đảm việc trả tự do cho các nhà báo trên khắp thế giới khi mà nguy cơ lây lan dịch COVID-19 tăng cao đối với các cộng đồng tù nhân đông đúc trong những nhà giam.
CPJ có gửi yêu cầu bình luận đến trang chủ của Bộ Công an Việt Nam về việc bắt giữ nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn, nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 15 tháng 6 cũng ra thông cáo báo chí lên án việc cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn vào ngày 12 tháng 6 vừa qua và giam giữ ở Nhà tù Chí Hòa.
Thông cáo báo chí của RSF nêu rõ đây là thành viên thứ tư của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (JAVN) bị bắt giam kể từ tháng 11 năm ngoái cho đến nay.
Ông Daniel Bastard, trưởng Văn phòng Châu Á Thái Bình Dương của RSF, được dẫn lời rằng “Việc bắt giam thêm một nhà báo độc lập khác là khẳng định về tình trạng lo lắng trong tầng lớp lãnh đạo hiện nay của đảng cộng sản Việt Nam 6 tháng trước khi diễn ra đại hội đảng lần thứ 13. Phóng viên trẻ này đóng một vai trò lớn bằng cách loan tải một cách ôn hòa những khát vọng của xã hội dân sự. Bằng biện pháp bịt miệng những người lên tiếng, các lãnh đạo cộng sản đang hành xử như giai cấp thống trị tìm cách bảo vệ những đặc quyền của họ.”
RSF lên án việc bắt giữ nhà báo độc lập Lê Tuấn
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 15 tháng 6 ra thông cáo báo chí lên án việc cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn hôm 12 tháng 6 vừa qua và giam giữ ở Nhà tù Chí Hòa.
Thông cáo báo chí của RSF nêu rõ đây là thành viên thứ tư của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (JAVN) bị bắt giam kể từ tháng 11 năm ngoái cho đến nay.
RSF nhận định biện pháp bắt giữ như thế như là dấu chỉ của tình trạng lo lắng trong tầng lớp lãnh đạo cấp cao của Việt Nam hiện nay.
Ông Daniel Bastard, trưởng Văn phòng Châu Á- Thái Bình Dương của RSF, được dẫn lời rằng “Việc bắt giam thêm một nhà báo độc lập khác là khẳng định về tình trạng lo lắng trong tầng lớp lãnh đạo hiện nay của đảng cộng sản Việt Nam 6 tháng trước khi diễn ra đại hội đảng lần thứ 13. Phóng viên trẻ này đóng một vai trò lớn bằng cách loan tải ôn hòa những khát vọng của xã hội dân sự. Bằng biện pháp bịt miệng những người lên tiếng, các lãnh đạo cộng sản đang hành xử như giai cấp thống trị tìm cách bảo vệ những đặc quyền của họ.”
Nhà báo độc lập trẻ, có bút hiệu Lê Tuấn, bị an ninh Thành phố Hồ Chí Minh bắt hôm ngày 12 tháng 6; sau khi bản thân nhà báo này suốt nhiều tháng trời nhận được những tin nhắn đe nẹt, hăm dọc từ cơ quan an ninh.
Theo RSF, nhà báo độc lập Lê Tuấn viết về chủ đề chính trị Việt Nam, chú trọng đặc biệt vào những nổ lực của xã hội dân sự nhằm dân chủ hóa đất nước
Hai thành viên khác của Hội Nhà Báo Độc lập Việt Nam bị bắt giữ trước Lê Tuấn trong vòng không đầy một tháng là ông Nguyễn Tường Thụy hôm 23 tháng 5 và Phạm Thành hôm 21 tháng 5.
Biện pháp trấn áp đối với các thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập bắt đầu với sự bắt giữ ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch của hội vào ngày 21 tháng 11 năm ngoái. Cách đây 5 năm, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng được RSF vinh danh trong danh sách những ‘anh hùng thông tin’.
Nếu bị kết tội, nhà báo độc lập Lê Tuấn, tên thật là Lê Hữu Minh Tuấn, có thể phải đối diện với bản án 12 năm tù theo điều 117 Bộ Luật hình sự năm 2015 của Việt Nam là ‘làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu chống Nhà nước CHXHCN VN’.
Việt Nam lâu nay luôn đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số Tự Do Báo chí Thế giới của RSF; năm nay Hà Nội cũng chỉ xếp hạng 175 trên tổng số 180 quốc gia trong lĩnh vực này..
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/rsf-le-tuan-06152020140536.html
ĐSQ Mỹ quan tâm vụ Đồng Tâm
sau khi công an ra kết luận điều tra
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tỏ dấu hiệu quan tâm tới vụ Đồng Tâm ngay sau khi cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội công bố kết luận điều tra, được cho là “có nhiều vấn đề bàn cãi”, về vụ tranh chấp đất đai dẫn đến bố ráp gây chết người hồi đầu năm nay.
Cơ quan điều tra Công an Hà Nội công bố bản kết luận điều tra vụ án hình sự hôm 12/6, trong đó đề nghị truy tố vụ án giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra hôm 9/1 tại thôn Hoành, Đồng Tâm ở ngoại ô Hà Nội. Bản kết luận điều tra dài 47 trang cáo buộc người dân Đồng Tâm “có sự chuẩn bị từ trước” qua việc “tập hợp lực lượng, đóng góp tiền mua vũ khí” cũng như lên kế hoạch “phân công nhiệm vụ từng đối tượng” và “chủ động dùng vũ khí tấn công quyết liệt” nhằm “tiêu diệt lực lượng thi hành nhiệm vụ.”
Ba ngày sau đó, một đại diện của sứ quán Mỹ ở Hà Nội đã gọi điện trao đổi với nhà hoạt động Trịnh Bá Phương để tìm hiểu một số vấn đề về bản kết luận điều tra cũng như tình trạng của người dân Đồng Tâm, trong đó có việc tiếp cận luật sư và tâm lý của họ.
“Viên chức Đại sứ quán có nói họ đã đọc hết bản kết luận điều tra đó,” anh Phương, một người tranh đấu quyền đất đai của làng Dương Nội, cho biết. “Họ cũng nói đã đọc bài viết của tôi đăng trên Facebook cá nhân phân tích các điểm phi lý trong bản kết luận điều tra, trong đó trọng tâm là về sự phi lý trong cự ly bắn cụ Kình và việc can xăng chỉ còn có 5-6 lít mà lại có thể thiêu cháy than hoá được 3 viên cảnh sát cơ động. Đó là điều phi lý.”
Trong vụ bố ráp rạng sáng ngày 9/1 tại Đồng Tâm, cụ Lê Đình Kình, một đảng viên và là thủ lĩnh tinh thần của người dân làng trong cuộc đấu tranh “bảo vệ đất” bị lực lượng an ninh của chính quyền bắn thiệt mạng. Công an Hà Nội kết luận rằng người đàn ông 84 tuổi “đã sử dụng tuýp sắt gắn dao phóng lợn, 1 quả lựu đạn tấn công lược lượng làm nhiệm vụ” và do đó hành vi của ông Kình cấu thành tội “giết người.”.
Vẫn theo bản kết luận điều tra đưa ra hôm 12/6, người dân Đồng Tâm đã “nhiều lần đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt, là nguyên nhân trực tiếp làm 3 chiến sỹ công an hy sinh.”
Trao đổi với VOA sau khi nhận được bản kết luận điều tra của cơ quan công an, các luật sư nhận tham gia bào chữa trong vụ án ở Đồng Tâm nói rằng họ hơi bất ngờ vì “kết luận điều tra được đưa ra quá nhanh”. Theo LS Ngô Anh Tuấn, thông thường phải mất khoảng một năm để đưa ra bản kết luận đối với một vụ án có tới 29 người bị truy tố như ở Đồng Tâm.
Anh Phương cho biết anh cũng trao đổi với tuỳ viên sứ quán Mỹ, mà anh không muốn đưa ra danh tính, về việc tiếp cận luật sư đối với những người Đồng Tâm bị truy tố.
“Khi họ hỏi về vấn đề luật sư, tôi cũng cho biết rằng hầu hết các luật sư đều được cấp phép bào chữa cho 29 người dân Đồng Tâm bị bắt,” anh Phương nói. “Tuy nhiên sự tiếp cận của các luật sư đối với những bị can, tức người dân Đồng Tâm (bị bắt), gần như là không có. Chỉ có vài luật sư được gặp đúng một lần thôi còn hầu hết là luật sư chưa được gặp thân chủ của mình.”
LS Đặng Đình Mạnh, một người tham gia bào chữa vụ án này, cho VOA biết hôm 12/6 rằng ông và các luật sư khác đã được tiếp xúc với các bị cáo nhưng không được tiếp xúc trực tiếp và trong điều kiện “rất hạn chế”.
Trong cuộc nói chuyện với đại diện sứ quán Mỹ hôm 15/6, anh Phương cho rằng kết luận của cơ qua điều tra là không khách quan “vì cơ quan công an TP Hà Nội là cơ quan trực tiếp nổ súng bắn chết cụ Kình tại phòng ngủ mà họ lại nắm quyền điều tra truy tố như vậy cho thấy rằng chính họ đã vi phạm luật pháp Việt Nam, luật tố tụng hình sự. Anh cũng nêu quan ngại về việc bức cung nhục hình, một tình trạng mà theo anh rất phổ biến ở Việt Nam.
Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) hôm 16/1 đã chỉ trích Việt Nam vì tăng cường trấn áp với các vụ bắt người và kiểm duyệt mạng xã hội nhằm dập tắt những tranh luận về vụ tranh chấp đất đẫm máu tại làng Đồng Tâm cũng như yêu cầu chính quyền Hà Nội “phải làm rõ những gì đã xảy ra hôm 9/1, đặc biệt là về cáo buộc đánh đập một phụ nữ lớn tuổi. Bất kỳ ai bị nghi là dùng đến bạo lực, dù là công an hay dân Đồng Tâm, đều phải được đưa ra trước công lý.”
Biến cố hôm 9/1 ở Đồng Tâm được cho là bắt nguồn từ tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm và trở thành điểm nóng khi người dân xã này cho rằng hàng chục hecta đất đồng Sênh là đất nông nghiệp của xã chứ không phải đất quốc phòng. Từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn theo kế hoạch nhưng vấp phải sự phản đối của người dân Đồng Tâm, dẫn đến vụ bố ráp hôm 9/1.
Hồi tháng 2 năm nay, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Daniel Kritenbrink nói trong một buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt ở San Jose, California, rằng Hoa Kỳ không chỉ đứng ngoài quan sát biến cố Đồng Tâm mà có nhiều quan tâm đến vụ việc. Tuy nhiên, ông nói thật khó biết được sự thật về những gì xảy ra tại đó và lấy làm tiếc là có những người chết trong sự kiện và mong hai bên sẽ giải quyết vấn đề một cách ôn hoà và trong tinh thần pháp trị.
Anh Phương, người từng gặp đại diện sứ quán Mỹ ở Hà Nội hồi tháng 2 cũng để trao đổi về vụ Đồng Tâm, cho biết đã “chuyển lời của người dân Đồng Tâm với viên chức sứ quán Mỹ rằng rất mong muốn quốc tế quan tâm đến vụ việc này, bởi ở đất nước chúng tôi người dân rất khó có được sự công bằng với nền tư pháp như hiện nay.”
Bến Tre phạt 3 chủ tàu cá 2,5 tỉ đồng
vì khai thác trái phép ở lãnh hải nước ngoài
Từ đầu năm 2020 đến nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre đã xử phạt vi phạm hành chính 2,5 tỉ đồng đối với 3 chủ tàu cá ở tỉnh này vì khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Báo trong nước loan tin ngày 15/6.
Tin cho biết, vụ việc mới nhất diễn ra ngày 15/6, bà Ngô Thị Ngọc – 47 tuổi, chủ tàu cá BT- 95377 TS bị Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre ký gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính 800 triệu đồng do vi phạm khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia khác mà không có giấy phép hoặc giấy chấp thuận.
Không chỉ bị phạt tiền, bà Ngọc còn bị buộc phải chi trả toàn bộ kinh phí đưa ngư dân bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước và các chi phí liên quan khác.
Chính quyền tỉnh Bến Tre sẽ cưỡng chế thi hành nếu trong 10 ngày nhận được Quyết định xử phạt mà bà Ngọc không nộp số tiền trên vào ngân sách Nhà nước tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bến Tre.
Trước đó, 2 chủ tàu cá khác là bà Phạm Thị Gái – chủ tàu cá BT 94999 TS và ông Lê Thanh Phong – chủ tàu cá BT 92826 cũng đã bị phạt 1,7 tỉ đồng do vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, các chủ tàu và tàu cá này cũng bị xóa số đăng ký, bị thu hồi giấy phép khai thác thủy sản.
Cũng trong ngày 16/6, Hội nghề cá Việt Nam ra văn bản yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động “ngang ngược và vô nhân đạo” nhằm vào ngư dân Việt Nam.
Yêu cầu này được đưa ra sau khi tàu cá QNg 96416 vào ngày 10/6 bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, tông va, khống chế, đánh và lấy hải sản, ngư cụ… khi đang đánh bắt hải sản ở khu vực biển cách đảo Linh Côn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khoảng 8 hải lý về hướng tây nam.
Chủ tàu kiêm thuyền trưởng cùng 15 ngư dân khác trên tàu vào ngày 12/6 đã đến Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi trình báo khi vừa về đến đất liền.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam khi trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 16/6 cho hay đây là lần thứ hai tính từ đầu năm nay Trung Quốc hành động như vậy tại vùng đảo Hoàng Sa.
Ông Thắng nhận định đây là những “hành động ngang ngược, vô nhân đạo. Lần trước là đâm chìm tàu, bắt ngư dân và ngăn tàu cá khác đến cứu. Lần này cũng húc tàu ngư dân Việt Nam, vớt ngư dân lên tàu và cướp bóc tài sản”.
Hội nghề cá Việt Nam:
‘Trung Quốc ngang ngược và vô nhân đạo’
Bùi ThưBBC News Tiếng Việt
Hội nghề cá Việt Nam vừa ra văn bản yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động mà họ gọi là “ngang ngược và vô nhân đạo” nhằm vào ngư dân Việt Nam.
“Đây là hành động lặp lại của Trung Quốc ở vùng đảo Hoàng Sa, là lần thứ hai từ đầu năm tới giờ”, tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết trong cuộc trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 16/6.
“Đây đều là những hành động ngang ngược, vô nhân đạo. Lần trước là đâm chìm tàu, bắt ngư dân và ngăn tàu cá khác đến cứu. Lần này cũng húc tàu ngư dân Việt Nam, vớt ngư dân lên tàu và cướp bóc tài sản”, ông nói.
Trước đó, báo chí trong nước đưa tin 16 ngư dân cùng nhiều vật dụng trên tàu cá QNg 96416 TS của Quảng Ngãi đã rơi xuống biển sau khi bị tàu Trung Quốc chèn ép hôm 10/6.
Tàu Trung Quốc đã làm gì?
Theo mô tả trên website Bộ Ngoại giao ngày 14/6, “tàu cá QNg 96416 TS bị một tàu sắt mang số hiệu 4006 và một ca nô của Trung Quốc áp sát gây ra sóng lớn, khiến 16 ngư dân cùng nhiều vật dụng trên tàu cá Việt Nam rơi xuống biển; tàu bị nước tràn vào, có nguy cơ chìm”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết một số người từ tàu Trung Quốc đã lên tàu cá Việt Nam để bơm nước ra ngoài và đưa các ngư dân trở lại tàu.
“Trước khi rời đi, phía Trung Quốc dùng vũ lực ép thuyền trưởng tàu cá điểm chỉ vào một số giấy tờ bằng tiếng nước ngoài, lấy đi số lượng lớn hải sản, ngư cụ và trang thiết bị”, thông báo của Bộ Ngoại giao nêu rõ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và nhiều tờ báo sử dụng khái niệm “áp sát” để mô tả hành vi của tàu Trung Quốc. Điều này gợi nên hình dung là tàu Trung Quốc chưa “va chạm vật lý” với tàu Việt Nam.
Tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ ngày 14/6 dẫn lời ngư dân Nguyễn Lộc (42 tuổi) ở huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi trình báo việc bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, khống chế, đánh và lấy hải sản, ngư cụ…
Theo thuyền trưởng Lộc, cũng là chủ tàu, khoảng 10 giờ sáng 10/6, khi tàu của ông đang đánh bắt hải sản ở khu vực biển cách đảo Linh Côn khoảng 8 hải lý về hướng tây nam thì bị tàu sắt Trung Quốc số hiệu 4006 cùng một xuồng máy truy đuổi.
Tàu 4006 tông nhiều lần khiến tàu cá QNg 96416 hư hỏng, lật nghiêng. Ngay sau đó, tàu sắt Trung Quốc hãm lái, còn tàu cá của thuyền trưởng Lộc ở trạng thái nửa nổi nửa chìm.
Lin Côn là một trong những đảo lớn nhất tại quần đảo Hoàng Sa, đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan.
‘Cần nghiêm trị’
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ngay trong ngày 10/6, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh “đã trao đổi với phía Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xác minh thông tin vụ việc và thông báo kết quả cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để tiếp tục phối hợp giải quyết”.
“Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chấp pháp Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ nguyên nhân, lý do để truy cứu trách nhiệm con tàu gây ra hành động vô nhân đạo này và có sự bồi thường thỏa đáng”, ông Nguyễn Việt Thắng, người đồng thời là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nói với BBC News Tiếng Việt.
“Bên cạnh đó, chúng tôi yêu cầu chấm dứt ngay những hành động này. Tuy nhiên, đây là hành động lặp lại nên yêu cầu Chính phủ phải mạnh mẽ hơn trong những văn bản đối với Trung Quốc.”
“Hành động của tàu Trung Quốc đều là ngang ngược, vô nhân đạo. Lần này cũng như lần trước đều húc tàu ngư dân Việt Nam, vớt ngư dân lên tàu và cướp bóc tài sản.
Nguyễn Việt Thắng
Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam
“Hội nghề cá Việt Nam đại diện cho quyền lợi chính đáng của ngư dân Việt Nam và yêu cầu các cơ quan chấp pháp của Việt Nam, đặc biệt là cục Kiểm ngư, cục Cảnh sát biển Việt Nam cũng như các cơ quan ngoại giao phải lên tiếng mạnh mẽ hơn, đồng thời, phải kiêm trị những kẻ gây ra hành động vô nhân đạo làm ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, hoạt động kinh tế của Việt Nam trên vùng biển Việt Nam và gián tiếp gây hoang mang cho người dân Việt Nam”, ông Thắng nói thêm.
Báo Vietnamnet ngày 14/6 đưa tin tàu cá QNg 96416TS và toàn bộ ngư dân trên tàu đã về tới cửa Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi an toàn vào hôm 12/6. Các ngư dân sau đó được đưa đi cách ly tại Trung tâm y tế Bình Sơn, Quảng Ngãi theo quy định phòng chống dịch Covid-19.
Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực thu thập và xác minh thông tin, làm rõ vụ việc và sẽ tiếp tục “có các biện pháp giao thiệp với phía Trung Quốc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam”.
Tàu chấp pháp Việt Nam ở đâu?
Vùng biển quần đảo Hoàng Sa được phía Việt Nam coi là ngư trường truyền thống và các ngư dân hoạt động ở đây được miêu tả là “vừa làm kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền”.
Tuy nhiên, đây là khu vực được Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt kể từ sau khi họ chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974. Tàu cá Việt Nam ra đánh bắt ở khu vực Hoàng Sa thường xuyên bị tàu Trung Quốc đẩy đuổi, bắt giữ trong khi thiếu vắng sự hiện diện của lực lượng chấp pháp phía Việt Nam.
Trong khi ngư dân được “giao sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo”, sự thiếu vắng các biện pháp bảo vệ cho họ là điều khiến nhiều người quan ngại.
Biển Đông: ‘Nếu Đông Nam Á cứ đi hai hàng, TQ sẽ hưởng lợi’
‘Công hàm 1958 không công nhận chủ quyền TQ với Hoàng Sa và Trường Sa’
Sau vụ việc mới nhất, ông Nguyễn Việt Thắng chia sẻ với BBC News Tiếng Việt:
“Theo thông tin trao đổi với anh em trong Hội thủy sản Quảng Ngãi, sự việc được thuyền trưởng, chủ tàu Nguyễn Lộc trình báo với đồn biên phòng Sa Trì, Quảng Ngãi thì không nói rõ có tàu của cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam hay không. Chúng tôi cho rằng không có. Vì không có sự hiện diện kịp thời nên tàu ngư dân phải tự sửa, tự đi về. Nhờ các ngư dân dũng cảm, tài giỏi nên không có sự thiệt hại về người, nhưng mất tất cả tài sản như máy định vị, ngư cụ, cá đánh bắt được”.
Theo ông Thắng, Chính phủ Việt Nam phải giải quyết những bức xúc cho ngư dân, tăng cường sự hiện diện của lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển, hải quân để làm chỗ dựa tinh thần cho ngư dân.
“Khi có tai nạn xảy ra, lực lượng này có thể ứng cứu kịp thời và có thể ngăn chặn những hành động vô nhân đạo của tàu Trung Quốc”, ông nói.
Hội nghề cá Việt Nam đã đặt ra nhiệm vụ là các hội nghề cá địa phương tổ chức cho ngư dân việc đánh cá ngày càng hoàn thiện hơn, ông Thắng cho biết.
“Từ tổ đội 2-3 chiếc lên thành 5-7 chiếc cùng đánh bắt chung để có thể ứng cứu lẫn nhau trong việc phòng chống thiên tai, đặc biệt khi có hành động ngang ngược của Trung Quốc thì có thể giúp đỡ nhau. Chúng tôi khuyến khích ngư dân ghi hình để làm bằng chứng cung cấp cho cơ quan chấp pháp của Việt Nam. Tóm lại, chúng tôi yêu cầu Chính phủ phải tăng cường hỗ trợ và khuyến khích ngư dân nỗ lực để đảm bảo cuộc sống và an ninh quốc phòng trên biển và khẳng định chủ quyền biển đảo”, tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng nói.
Người đứng đầu Hội Nghề cá Việt Nam cho biết đây chỉ là hai vụ việc được ghi nhận, có những trường hợp ngư dân bị dọa, bị đuổi phải bỏ chạy và chưa gặp sự cố nên chưa được thông tin.
“Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đời sống, hoạt động đánh bắt cá trên biển, chẳng hạn Luật Thủy sản vừa ban hành là một trong những nỗ lực lớn. Ngư dân đóng vai trò cực kỳ quan trọng vì vừa khai thác, đảm bảo an sinh cho chính cuộc sống của ngư dân đồng thời cũng thực hiện phần trách nhiệm đối với chủ quyền quốc gia Việt Nam”, ông Thắng đánh giá.
“Những tai nạn do thiên tai, đặc biệt là vụ việc tàu Trung Quốc đâm, húc chìm hay đuổi tàu ngư dân Việt Nam thì Hội nghề cá Việt Nam cũng như các tỉnh hội có các quỹ như Quỹ nghĩa tình ngư dân, Quỹ đánh cá Biển Đông… để hỗ trợ. Đối với chính quyền tỉnh, trung ương, chúng tôi có những hỗ trợ để khôi phục lại dụng cụ đánh bắt, đóng tàu”, ông chia sẻ.
“Về phía Hội nghề cá Việt Nam, chúng tôi kiến nghị Chính phủ có thêm quỹ để hỗ trợ cho những người khó khăn hay thiệt hại về tính mạng do tàu Trung Quốc đâm va”.
‘Tiếp tục hiện diện tại Hoàng Sa’
Báo Tuổi Trẻ trong bài viết “Tàu cá Việt Nam bị đâm ở Hoàng Sa, chính phủ Trung Quốc không thể vô can” hôm 15/6 cho rằng “dù cần thêm thời gian để điều tra làm rõ nhưng thông tin từ cơ quan chức năng đủ cơ sở để khẳng định hành vi của tàu Trung Quốc gây nguy hiểm cho ngư dân Việt Nam”.
Tờ báo của TP HCM đánh giá “hành vi này phải bị lên án bởi nó xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982 và Công ước về các quy định quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển năm 1972 (COLREGs) mà Trung Quốc là thành viên”.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng trao đổi với BBC News Tiếng Việt: “Rõ ràng, Trung Quốc đã dùng hành động vũ trang xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, xâm chiếm các bãi chìm, đảo nổi trong vùng đảo Trường Sa năm 1988 một cách bất hợp pháp. Chúng tôi không bao giờ công nhận và chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc. Những hành động vô nhân đạo, mưu đồ sâu xa để thực hiện yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc sẽ không bao giờ được chấp nhận. Chúng tôi tiếp tục thể hiện tinh thần vừa khai thác kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền bằng cách tiếp tục tăng sự hiện diện của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa đúng luật pháp quốc tế”.
Đây không phải là lần đầu tiên trong năm 2020 ngư dân Việt Nam tố cáo tàu Trung Quốc đâm chìm tàu của họ.
Gần đây nhất là vào ngày 2/4, tàu cá QNg 90617 TS hoạt động tại vùng biển của đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa cũng bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm. Bên cạnh sự phản đối từ phía Việt Nam, các vụ việc tàu cá bị đâm chìm cũng thu hút sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế.
Sau vụ việc ngày 2/4, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bày tỏ quan ngại và nêu rõ hành vi của Trung Quốc trái với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Ngư dân VN bị chìm tàu ở Hoàng Sa: ‘Chỉ mong sống sót trở về’
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: ‘TQ lợi dụng dịch Covid-19 để đẩy mạnh độc chiếm Biển Đông’
Bộ Ngoại giao Philippines cũng ra tuyên bố bày tỏ sự chia sẻ với Việt Nam và kêu gọi Trung Quốc hành động để củng cố lòng tin.
Vùng biển Hoàng Sa nằm trong khu vực mà Trung Quốc đang áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá.
Vào cuối tháng 4, Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá bắt đầu có hiệu lực từ 12 giờ ngày 1/5 đến 12 giờ ngày 16/8. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa.
Phía Việt Nam tuyên bố lệnh đánh bắt này là phi pháp.
“Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế…”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53060414
Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình:
Nguy cơ thiếu gạo tiêu dùng trong nước là có thật
Mạn Đà
Trong phiên họp Quốc hội sáng ngày 15/6, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã giải trình một số nội dung có liên quan đến việc xuất khẩu gạo.
Báo Tiền Phong dẫn ý kiến của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình tại Quốc hội về lý do tạm dừng xuất khẩu gạo hồi cuối tháng 3/2020.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 3 triệu tấn gạo, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch đạt 1,48 tỉ USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ.
Trở lại với vấn đề điều hành xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết khi Chính phủ xem xét đánh giá tình hình chung trong điều hành xuất khẩu gạo, bối cảnh trong nước và quốc tế có một số diễn biến tương đối phức tạp.
Theo đó, các nước đang ở thời kỳ chống dịch Covid-19 rất căng thẳng, khiến nhiều nước lo lắng về câu chuyện an ninh lương thực, rất nhiều nước tăng mua và tăng tích trữ lương thực. Vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở Việt Nam cũng đặt ra những vấn đề về an ninh lương thực.
Giải thích việc điều hành xuất khẩu trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, Bộ trưởng cho biết trong 2 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt khoảng 930.000 tấn, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2019. Đến ngày 15/3/2020, xuất khẩu đạt khoảng 1,3 triệu tấn, tăng 370.000 tấn so với cuối tháng 2/2020. “Xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ chiến lược tại nhiều quốc gia khiến giao dịch gạo hết sức sôi động, gạo bị hút rất mạnh ra khỏi Việt Nam, giá gạo trong nước và thế giới liên tục tăng” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Theo tuổi trẻ trích dẫn giải trình của Bộ trưởng Bộ Công Thương Cũng vào thời điểm này, đặc biệt là ngày 22/3, Việt Nam đang đối diện với nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tâm lý người dân có dấu hiệu không ổn định, nguy cơ thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước là có thực.
“Nếu xảy ra biến cố thì lượng gạo tại vùng ĐBSCL dù được mùa cũng sẽ không đủ dùng cho nhu cầu trong nước nếu tiếp tục cho phép xuất khẩu với tốc độ lên tới 25 nghìn tấn/ngày như 15 ngày đầu tháng 3”, ông Tuấn Anh dẫn chứng.
Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2016-2020:
Góc nhìn chuyên gia Nhật Bản
Việt Nam được quốc tế xem là câu chuyện thành công của thế giới, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở tốp đầu thế giới trong suốt thập niên qua, theo dữ liệu của World Bank.
Việt Nam nên làm gì để đón Apple đưa nhà máy tới?
Kinh tế Việt Nam liệu có đuổi kịp Thái Lan, Malaysia?
Vị trí Tổng Bí thư 2021: ‘Triển vọng lớn’ của ông Trần Quốc Vượng
ĐH 13: VN định vị thế nào trước ‘Giấc mộng Trung Hoa’?
Tỉ lệ nghèo cùng cực ở Việt Nam giảm từ mức 53% năm 1992 xuống còn chưa đến 2% vào năm 2017.
Trong bối cảnh cuộc chuyển giao lãnh đạo 5 năm một lần sắp diễn ra ở Đại hội Đảng 13, đây cũng là dịp nhìn lại nền kinh tế Việt Nam từ 2016 tới nay.
Bà Mai Fujita, chuyên gia từ Viện các nền Kinh tế đang phát triển (Institute of Developing Economies), thành phố Chiba, Nhật Bản, đã dành nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam.
Cơ quan của bà, Institute of Developing Economies, thành lập năm 1960, thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.
‘Bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng’
Trả lời BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ Mai Fujita chỉ ra một số ưu tiên kinh tế của chính phủ Việt Nam từ sau Đại hội Đảng 12 năm 2016.
“Đổi mới mô hình tăng trưởng, trước đây chủ yếu dựa vào sức lao động và vốn, chuyển sang mô hình dựa vào cải thiện năng suất, đã tiếp tục là nghị trình chủ yếu kể từ Đại hội Đảng 11 năm 2011.
“Trong nửa đầu thập niên (2011-2015), Việt Nam tập trung vào hồi phục sau bất ổn kinh tế vĩ mô và tăng trưởng chậm do khủng hoảng tài chính toàn cầu và thất bại của các tập đoàn quốc doanh.
“Nghị trình giai đoạn 2016-2020 bao gồm bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho mọi khu vực kinh tế, thúc đẩy phát triển bền vững về môi trường, chú trọng sáng tạo. Giai đoạn này cũng tăng tốc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, khu vực tài chính và đầu tư công – chậm trễ các việc này đã kéo lùi nền kinh tế Việt Nam.”
Tiến sĩ Mai Fujita nói các chỉ số kinh tế của Việt Nam thời gian qua là “ấn tượng”.
Việt Nam đã tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu, hoạt động thương mại hội nhập ngày càng sâu rộng với các đối tác chủ yếu ở Bắc Mỹ, Đông Bắc Á và Châu Âu.
Tài sản của người dân đã tăng theo thời gian. World Bank ước tính tầng lớp “người tiêu dùng”, chi tiêu từ 5,50 đô la trở lên mỗi người mỗi ngày, đã tăng từ khoảng 49% trong năm 2010 lên hơn 70% vào năm 2016.
Từ 2002 đến 2018, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700 USD năm 2019.
Bà Mai Fujita nhận xét: “Tăng trưởng đẩy nhanh nhờ xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) và tiêu thụ mạnh trong nước.”
“Tình trạng của doanh nghiệp nhà nước, nợ công và khu vực tài chính cũng cải thiện.”
Tuy vậy, cải cách những năm vừa qua cũng có những hạn chế.
“Năng suất lao động của Việt Nam có vẻ đi sau các nước trong vùng, cho thấy Việt Nam chỉ mới có tiến bộ hạn chế trong đổi mới mô hình tăng trưởng.”
“Mặc dù có nỗ lực cải cách hành chính để việc kinh doanh thông thoáng hơn, vẫn còn lo ngại không chắc nó đã đủ bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng.”
Tiến sĩ Mai Fujita cũng chỉ ra: “Một diễn tiến quan trọng giai đoạn 2016-2020 là sự trỗi dậy của các nhóm doanh nghiệp tư nhân lớn trong các khu vực mà nhà nước kiểm soát chặt chẽ.”
“Có vẻ các nhóm này khó phát triển nếu không nhận được mức độ hậu thuẫn chính trị nào đó.”
Vấn đề nhân sự rất được quan tâm trong lúc Đại hội Đảng 13 sắp diễn ra năm 2021.
Tiến sĩ Mai Fujita cho biết nhận định: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từ khi nhậm chức năm 2006, mạnh mẽ thúc đẩy thành lập các tập đoàn nhà nước lớn.”
“Tình hình thay đổi sau khi ông Dũng nghỉ năm 2016. Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành bắt giữ, truy tố nhiều quan chức cao cấp và lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.”
“Tuy nhiên, cũng cùng giai đoạn này, lại có sự trỗi dậy của các doanh nghiệp tư nhân lớn, như tôi nhắc ở trên.”
“Có thể nguyên do là vì việc ra chính sách vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của sự liên kết giữa các lợi ích chính trị và thương mại, dù cho có ai nắm các chức vụ cao nhất.”
Bản quyền hình ảnhAFPImage captionMột đầm sen ở Hà Nội
‘Ưu tiên trong phát triển’
BBC đề nghị bà Mai Fujita đưa ra dự đoán về các ưu tiên kinh tế cho nội các mới sau Đại hội 13 năm 2021.
Bà trả lời: “Tăng trưởng kinh tế đóng vai trò chủ chốt cho tính chính danh của chế độ.”
“Việt Nam đã rất thành công kiểm soát dịch Covid-19 so với nhiều nước trong vùng.”
“Tuy vậy, kinh tế Việt Nam gắn bó với kinh tế toàn cầu và khu vực, nên ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh là không tránh được.”
“Vì thế tôi nghĩ ưu tiên của Việt Nam sẽ là làm sao hồi phục kinh tế nhanh chóng. Có thể nói Việt Nam sẵn sàng để đón lợi thế khi các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển, tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu.”
“Tuy vậy, Việt Nam cũng rất cần quan tâm làm sao để tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích cho tất cả, và bình đẳng hơn cho người dân,” tiến sĩ Mai Fujita nhận định.
Như vậy, có thể nói tiếp tục cải cách để đưa thu nhập người dân tiến gần hơn một số nước trong vùng, và giảm thiểu tác động của tăng trưởng lên môi trường, sẽ là thử thách cho ban lãnh đạo kế tiếp của Việt Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53044360
Đại hội 13: Môi trường, ngoại lực quan trọng thế nào?
Quốc PhươngBBC News Tiếng Việt
Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến vào đầu năm 2020 và công cuộc đổi mới chính trị, xã hội của đất nước có thể chịu tác động ra sao từ bối cảnh bên ngoài và lực tác động từ môi trường quốc tế và khu vực là nội dung chính được các nhà quan sát chính trị, thời sự Việt Nam chia sẻ với BBC trong phần hai.
Đại hội 13: Đảng vẫn ‘loay hoay, bế tắc’ về đổi mới đường lối?
VN và nhân sự Đại hội 13: ‘Khó nhất vẫn là chức Tổng Bí thư’
Nhưng trước hết, các ý kiến bình luận câu hỏi có thể kỳ vọng gì ở sự đổi mới của đảng Cộng sản Việt Nam ở kỳ đại hội trên, cũng như nếu đảng CSVN thực sự muốn có thực chất trong cải cách, đổi mới, hay cải tổ, thì theo cần phải ưu tiên làm những điều gì và ra sao.
Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phản biện chính sách độc lập ISDS): Chưa có mấy hy vọng vào sự thay đổi thực chất nào. Ông Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương của Đảng nói là mới: đến 2050 là nước phát triển theo định hướng XHCN cũng là một sự thừa nhận thất bại về đưa Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại vào 2020; nay đổi thành phát triển nhưng lại kèm cái đuôi Xã hội Chủ nghĩa thì đến 2050 họ rất dễ bảo là thành công vì cái đuôi XHCN tù mù ấy. Tất cả chỉ là một “rhetoric” hay lối nói để giữ quyền lực mà thôi.
‘Phải đổi mới thể chế’
Nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Sinh (Đại học Quốc gia Hà Nội): Như đã nói ở câu trên, chúng ta chưa thấy có triệu chứng gì của đổi mới. Nếu có cải cách – đổi mới – cải tổ thực chất, tôi cho rằng phải đổi mới thể chế chính trị. Lịch sử và hiện tại chỉ ra một cách không thể bác bỏ, rằng thể chế chính trị quyết định một nước trở nên cường thịnh hay nghèo đói.
Tiến sỹ Mai Thanh Sơn (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam): Khi mà ngay cả những nhà lý luận của đảng cũng trực tiếp hay gián tiếp thừa nhận sự khủng hoảng về lý luận, tôi thực sự không kỳ vọng gì ở sự đổi mới của ĐCSVN trong đại hội XIII tới đây.
Để có được sự đổi mới toàn diện và sâu rộng, có rất nhiều việc cần làm trong giai đoạn tiếp theo, nhưng có 3 nhiệm vụ ưu tiên: thứ nhất là thay đổi nhận thức/lý luận, lấy lợi ích quốc gia/dân tộc/nhân dân làm nền tảng cơ bản; thứ hai là điều chỉnh những khuôn mẫu trong phát triển cũng như huy động sự tham gia hiện nay, nhằm có thể phát huy tối đa sự đóng góp của tất cả các thành phần kinh tế, các giai tầng xã hội, kể cả các nhà phản biện;
Và thứ ba là đánh giá lại toàn bộ các nguồn lực cho phát triển (ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh – quốc phòng, xã hội và văn hoá), trên cơ sở đó xây dựng các chiến lược mới, chính sách và giải pháp khả thi mới…
Nhà báo tự do Song Chi (cựu đạo diễn truyền hình): Không kỳ vọng gì. Nếu Đảng thực sự muốn có thực chất trong cải cách, đổi mới, hay cải tổ, thì trước hết phải bỏ vai trò đảng đứng trên tất cả, bao trùm tất cả, chỉ đạo tất cả kể cả chính phủ, quốc hội, tòa án, truyền thông. Phải tìm cách giới hạn quyền lực của nhà nước bằng cách nới rộng quyền tự do báo chí, để báo chí có thể góp phần phê phán những cái sai của nhà nước và nói lên nguyện vọng của người dân, nới rộng quyền cho người dân như quyền tự do ngôn luận, quyền được biểu tình, quyền được bảo vệ mình trước tòa án…
Để cho người dân lên tiếng, đảng phải bỏ đàn áp, bắt bớ, những điều luật mơ hồ và những bản án hà khắc phi nhân dành cho những người bất đồng chính kiến, những tiếng nói phản biện ôn hòa. Thêm một cách để hạn chế quyền lực của nhà nước đó là cho phép thành lập những hội đoàn, tổ chức xã hội dân sự v.v… dần dần tiến tới con đường dân chủ hóa, mô hình đa đảng.
‘Thách thức là rất lớn’
BBC: Từ góc độ môi trường quốc tế, khu vực, công cuộc thay đổi để trở nên dân chủ, văn minh và phồn vinh hơn của Việt Nam trong đó có thể có thay đổi từ phía ĐCSVN có thể chịu tác động của nhân tố nào là chính trong thời gian tới đây, đâu là thách thức và đâu là cơ hội chính?
Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh: Có hai nhân tố tác động tới sự thay đổi Đảng cộng sản Việt Nam. Thứ nhất Đảng bị đẩy vào tình thế không thể không thay đổi, như hồi thập niên những năm 80 của thế kỷ trước. Nghĩa là ‘ Thay đổi hay là chết ‘. Và thứ hai, khi nước Trung Hoa cộng sản trở thành nhà nước dân chủ đúng nghĩa.
TSKH. Nguyễn Quang A: Để thay đổi theo hướng dân chủ, văn minh, phồn vinh thì chỉ dựa vào sức dân VN là chính, tận dụng mọi cơ hội quốc tế (các hiệp định CPTPP, EVFTA, khối Asean,..) để phát triển kinh tế (đây phải là việc hàng đầu) và từ từ mở cửa chính trị và quá trình này cũng tự mình là chính và tận dụng hoàn cảnh quốc tế (đáng tiếc hiện nay không thuận lợi lắm). Cái nói về tự mình là dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam (chứ không phải ĐCSVN) cũng như các tổ chức xã hội dân sự (chứ không mong đợi ở sự chuyển biến từ trên xuống của ĐCSVN chít ít trong 5 năm tới).
Thách thức là rất lớn: các mối quan hệ Mỹ-Trung; Mỹ-EU; Mỹ-Nhật; Mỹ-Ấn Độ, Mỹ-Asean sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam; chiến tranh lạnh mới nếu nổ ra; nếu chiến tranh nóng nổ ra v.v… và liệu Việt Nam có bị kéo vào không.
Về cơ hôi thì mặt khác của các thách thức cũng chính là cơ hội và chỉ có lãnh đạo khôn ngoan mới phát hiện ra và tận dụng để làm ba việc như tôi đã nêu ở trước. Không biết ĐCSVN có nắm bắt được cơ hội hay lại biến cơ hội thành thách thức và làm trầm trọng hơn các thách thức. Chưa làm thì sao có thể biết được.
TS. Mai Thanh Sơn: Lịch sử cho thấy, tất cả các quốc gia đang phát triển đều phụ thuộc rất lớn vào bối cảnh quốc tế cũng như khu vực. Và để có thể trở thành một đất nước dân chủ, văn minh và phồn thịnh, tất cả các quốc gia đó đều dựa vào 3 điểm tựa cơ bản: (i) nội lực, bao gồm tất cả các yếu tố kinh tế, chính trị, quốc phòng-an ninh, truyền thống lịch sử-văn hoá; (ii) hệ thống công pháp quốc tế; và (iii) các đối tác chiến lược. Trong 3 điểm tựa đó, nội lực là quan trọng nhất. Bài học đó thể hiện rất rõ qua thực tiễn lịch sử của các nước phát triển ở châu Á hiện nay như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Hoa dân quốc hay Singapore.
Trong những năm gần đây, bối cảnh thế giới cũng như khu vực đã và đang có những thay đổi chóng mặt. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và tham vọng toàn cầu của Trung Nam Hải đã và đang trở thành vấn đề nổi cộm đối với trật tự thế giới. Tư tưởng “Đại Trung Hoa” chưa bao giờ bộc lộ rõ ràng như hiện nay. Thời cổ đại, tư tưởng Đại Trung Hoa dựa trên 3 trụ cột cơ bản: (i) chính sách ngoại giao linh hoạt; (ii) sự vượt trội về văn hóa, kỹ nghệ, và thương mại; và (iii) khuôn mẫu nhà nước quan liêu.
Ngày nay, với sự phát triển không ngừng bằng tốc độ kỷ lục trong hơn 40 năm qua, tư tưởng “Đại Trung Hoa” đã có những thay đổi và dựa trên 3 trụ cột mới: (i) sức mạnh tổng hợp, bao gồm cả kinh tế, quân sự, khoa học-kỹ thuật, và văn hóa; (ii) một nhà nước kiểm soát/toàn trị dựa trên chế độ độc đảng; và (iii) chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đặc biệt, có lẽ ngày nay Trung Quốc là một trong số không nhiều quốc gia còn có tham vọng về lãnh thổ.
Cách thức mà Bắc Kinh đang đối xử với Việt Nam thể hiện rất rõ điều đó. Để đạt được các mục tiêu của mình, chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã được kích hoạt và thể hiện mọi lúc, mọi nơi. Trong bối cảnh quốc tế cũng như khu vực, tham vọng của Trung Quốc có lẽ là thách thức lớn nhất. GS.TS. Phùng Hữu Phú đã không sai khi coi tham vọng của Trung Quốc là một trong những vấn đề trọng tâm mà đại hội XIII của ĐCSVN cần đặt lên bàn nghị sự.
‘Cơ hội cũng không nhỏ’
TS. Mai Thanh Sơn: Mối quan hệ đối với Trung Quốc cũng đặt riêng ĐCSVN trước một thách thức không dễ vượt qua: làm thế nào để vừa tạo nên sự hài hoà trong quan hệ giữa hai đảng có chung ý thức hệ, vừa giữ được độc lập dân tộc để phát triển trong hoà bình? Không ai có thể trả lời được câu hỏi này, ngoài chính các nhà lý luận của đảng. Đối với phần còn lại của thế giới, ý thức hệ mà ĐCSVN đang coi là nền tảng tư tưởng cũng như mô hình nhà nước hiện nay đang là một trong những rào cản lớn nhất để có thể tận dụng sự ủng hộ tích cực hơn nữa.
Thách thức tuy lớn, nhưng cơ hội của Việt Nam cũng không phải là nhỏ. Ngay cả trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam cũng có những cơ hội về thị trường, về những bài học phát triển… Dưới góc độ nào đó, tham vọng của Trung Nam Hải cũng giúp cho những người cộng sản Việt Nam hiểu rõ hơn, sâu hơn bản chất của “những người đồng chí” bên kia biên giới. Với phần còn lại của thế giới, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao cũng như kinh tế đối với hầu hết các quốc gia, các vùng lãnh thổ. Mối quan hệ đa phương, đa chiều, đa lĩnh vực giúp Việt Nam có được phần nào đó sự chia sẻ trong công cuộc giữ gìn độc lập, xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, có thể tận dụng được tất cả các cơ hội để vượt qua thách thức hay không, phụ thuộc rất lớn vào tiến trình đổi mới nền tảng lý luận cũng như cải tổ mô hình nhà nước theo hướng dân chủ hơn.
Nhà báo, cựu đạo diễn Song Chi: Như chúng ta thấy, hiện nay Mỹ và các nước phương Tây đã nhận ra Trung Quốc sẽ không thay đổi theo hướng dân chủ hóa, ngược lại từ khi Tập Cận Bình lên thì họ Tập đã thay đổi chính sách “Thao quang dưỡng hối! (giấu mình chờ thời), tránh những đụng chạm, tránh can thiệp vào những vấn đề chung của thế giới của Đặng Tiểu Bình và hướng tới một chính sách đối ngoại thách thức sự thống trị của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thậm chí đến nhiệm kỳ thứ hai từ năm 2017, khi phát biểu tại đại hội đảng Trung Quốc tháng 10.2017 thì Tập Cận Bình đã công khai nói về việc Trung Quốc muốn vươn lên thành siêu cường, muốn tham dự sâu hơn vào những vấn đề quốc tế, thậm chí cạnh tranh với siêu cường Mỹ, và Tập Cận Bình còn đưa ra “Giấc mơ Trung Hoa” để thay cho “American Dream”, được thể hiện bằng các tham vọng lãnh thổ và chiến lược.
Đại dịch COVID-19 vừa qua càng khiến cho Mỹ và các nước phương Tây nhận ra bản chất dối trá, không đáng tin cậy cũng như những thiệt hại khi làm ăn với Trung Quốc, phụ thuộc vào “công xưởng xản xuất” từ Trung Quốc. Chính sách của các nước với Trung Quốc từ kinh tế cho tới chính trị chắc chắn sẽ thay đổi, mặc dù chiến tranh quân sự thì chắc sẽ không xảy ra, ít nhất trong tương lai gần.
Việt Nam cần phải tận dụng thời cơ này, về kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật… để đón nhận xu hướng từ bỏ công xưởng Trung Quốc chuyển sang đầu tư ở nước khác của các nước. VN cũng cần phải có thái độ rõ ràng để thế giới thấy Việt Nam không phải là sân sau của Trung Quốc, không là đồng chí anh em gắn bó làm một với Trung Quốc. Về độc lập chủ quyền, Việt Nam nên nhân tính đến chuyện kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vụ Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vì thời hạn 50 năm sắp hết. Và tích cực nâng cấp quân sự đề phòng cho tình huống xấu nhất.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53065580
Điểm tin trong nước sáng 16/6: Trương Trọng Nghĩa:
‘thế lực thù địch’ chỉ là bóng ma không có thật
Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng thứ Ba (15/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Liên tục thua lỗ, tập đoàn Úc rút khỏi liên doanh với Vietnam Airlines
Tập đoàn Úc Qantas vừa chính thức thông báo sẽ rút tư cách cổ đông trong liên doanh với hãng hàng không Vietnam Airlines với thương hiệu hàng không giá rẻ Jetstar Pacific.
Truyền thông Úc dẫn lời ông Gareth Evans, Giám đốc điều hành bộ phận ngân sách của Jetstar, cho biết hôm 15/6 rằng tập đoàn của Úc sẽ cắt 30% cổ phần của mình tại Jetstar Pacific “trong những tháng tới” để “tập trung vào các hãng hàng không khác” của tập đoàn này.
Tập đoàn của Úc sẽ trao toàn quyền kiểm soát hãng hàng không giá rẻ cho Vietnam Airlines và quyết định này đang chờ được phê duyệt.
Qantas thành lập Jetstar Pacific vào năm 2007 sau khi trả cho chính phủ Việt Nam 30 triệu đô la để mua cổ phần của hãng hàng không địa phương Pacific Airlines, theo The Age.
Tuy nhiên, sau một thời gian kinh doanh tại Việt Nam, Jetstar Pacific, với đội bay gồm 15 chiếc Airbus A320, đã bị thua lỗ “nhiều nhất trong lịch sử của tập đoàn” khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt sau khi các hãng hàng không giá rẻ VietJet và Bamboo Airways ra đời.
Truyền thông Việt Nam dẫn thông báo của Vietnam Airlines cho biết “đã thống nhất xúc tiến những thay đổi đối với Jetstar Pacific. Theo đó, Jetstar Pacific sẽ được đổi thương hiệu trở lại thành Pacific Airlines với logo mới. Thời điểm Pacific Airlines chính thức hoạt động sẽ dựa theo quyết định của giới hữu trách.
Việt Nam tụt hạng trong bảng chỉ số an toàn của thế giới
Việt Nam đứng thứ 64 trong số 163 quốc gia trong bảng xếp hạng “Chỉ số Hoà bình Toàn cầu năm 2020” do Viện Kinh tế và Hoà bình (IEP) vừa mới công bố, tụt 7 bậc, từ thứ hạng 57 hồi năm ngoái.
Báo cáo Chỉ số Hoà Bình Toàn cầu xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên 23 chỉ số định tính và định lượng thuộc 3 lĩnh vực: mức độ an ninh và an toàn xã hội, mức độ xung đột trong nước và quốc tế đang diễn ra, và cấp độ quân sự hóa.
Vị trí quốc gia an toàn, hoà bình nhất thế giới hiện là Iceland. Quốc gia này đã liên tục đứng đầu trong bảng xếp hạng của IEP kể từ năm 2008.
Các quốc gia an toàn tiếp theo là New Zealand, Áo, Bồ Đào Nha và Đan Mạch.
Các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi xung đột, chiến tranh như Afghanistan, Syria, Iraq, Nam Sudan và Yemen là những nước kém an toàn nhất thế giới.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có New Zealand (đứng thứ 2 thế giới), kế đó là Singapore (thứ 7), Nhật Bản (thứ 9). Trung Quốc (thứ 104) và Triều Tiên ở vị trí 151/163.
Trương Trọng Nghĩa: ‘thế lực thù địch’ chỉ là bóng ma không có thật
Chiều 15/6, phát biểu tại Quốc Hội, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, các cơ quan chức năng có trách nhiệm “tìm cho ra, cho đúng” thế lực thù địch để nghiêm trị, nhưng không được mượn “bóng ma” của vấn đề này để công kích những người góp ý, dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử.
Ông Nghĩa nói “trong hội trường Diên Hồng (tòa nhà Quốc hội) này, nếu có thế lực thù địch thì nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những người quy chụp mà thôi, chứ không ở đâu cả”.
Cuộc tranh luận trên nghị trường bắt đầu từ sáng 13/6, khi đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, nhiều vụ án vừa qua gây bức xúc, nghi ngờ trong nhân dân về tính đúng đắn trong phán quyết của tòa án cũng
như những vi phạm trong hoạt động tố tụng. Đơn cử vụ án Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên cao tốc, vụ án Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước… Theo ông Thắng, những vụ án này là “phần nổi của tảng băng chìm, gây xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp”.
Tuy nhiên sau đó, ông Phạm Hồng Phong, Phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, phản biện rằng “không nên qua một vài thông tin mà đưa ra nhận định thiếu cơ sở, để thế lực phản động lợi dụng, chống phá”.
Đáp lại, ông Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh, muốn không để thế lực thù địch lợi dụng chống phá thì “chúng ta phải sửa mình cho tốt, không được làm sai, làm trái thì ai chống phá chúng ta được”.
Tiếp đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng tham gia tranh luận, bày tỏ không đồng tình ý kiến của ông Phạm Hồng Phong. “Nếu không muốn kẻ địch phản tuyên truyền thì không gì hơn là đánh giá, sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm thì bưng bít người ta cũng biết”.
Lừa đảo hàng trăm tỷ, vợ Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng bị bắt
Zing đưa tin, chiều 15/6, Công an tỉnh Lâm Đồng bắt bà Bùi Thị Mai Liên, Trưởng phòng Hành chính Tư pháp thuộc Sở Tư pháp Lâm Đồng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bà Liên lợi dụng địa vị của chồng (làm Giám đốc), vị trí xã hội của mình và trưng ra một số giấy tờ về bất động sản, bà Liên đã lấy được niềm tin của nhiều người, mượn nợ rồi không trả. Chủ nợ của bà Liên, người nhiều nhất trên 53 tỷ đồng, ít cũng nhiều tỷ.
Hiện số tiền mà bà Liên nợ của ngân hàng, cán bộ và người dân lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Điểm tin trong nước tối 16/6:
Quầng mặt trời xuất hiện ở Đông Nam Bộ;
Động đất ở Lai Châu, nhiều học sinh bị thương
Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước tối 16/6 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Quầng mặt trời xuất hiện ở Đông Nam Bộ
Theo VnExpress trưa nay (16/6), người dân ở TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… tỏ ra thích thú khi chứng kiến vòng tròn màu sắc lớn bao quanh mặt trời.
Anh Mai Thanh Định, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, quầng mặt trời xuất hiện gần 11h. “Mặt trời được bao quanh bởi một quầng sáng như bảy sắc cầu vồng, lạ và đẹp. Tôi nhiều lần thấy, song lần này vòng tròn rất lớn”, anh Định nói. Hơn một giờ quan sát, anh Định chụp loạt ảnh và chia sẻ lên Facebook thu hút sự quan tâm của bạn bè.
Trong tiết trời nhiều mây, oi bức, nhiều người dân ở TP. Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ, Châu Đức cũng nhìn thấy hiện tượng này.
Tại Đồng Nai, hào quang tròn xuất hiện từ 10h30. Càng về trưa, khi trời nắng, ít mây, quầng mặt trời càng rõ nét. Tại các khu vực như TP. Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất…, nhiều người đi đường dừng lại chụp ảnh, quay phim cảnh lạ mắt trên bầu trời.
“Mình đang trong công ty ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, thấy trên mạng nhiều bạn bè đăng ảnh quầng mặt trời nên chạy ra ngoài xem. Lần đầu tiên mình thấy, nó rất đẹp”, bạn Sao Mai ở Biên Hòa nói. Đến khoảng 12h, hiện tượng trên dần dần biến mất.
Cũng giống cầu vồng, quầng sáng gồm bảy màu: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím nhưng thứ tự màu sắc được sắp xếp ngược lại. Quầng mặt trời hoặc mặt trăng thường là dấu hiệu dự báo sắp có mưa. Tuy nhiên, một số quầng hào quang chỉ đơn thuần là tín hiệu cho thấy lượng nước ở thượng quyển gia tăng.
Động đất ở Lai Châu, nhiều học sinh bị thương
Cũng theo VnExpress,lúc 13h12 ngày 16/6, trận động đất 4,9 độ xảy ra ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, làm nứt nhà dân, trần thạch cao trường học rơi trúng học sinh.
Ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, cho biết động đất kéo dài khoảng 10 giây. “Lúc đó tôi đang ngồi trong phòng làm việc thì thấy ghế rung, các vật dụng trên bàn như cốc chén, khay đựng bút nảy lên rất mạnh”, ông Thạch nói. Huyện đang thống kê thiệt hại, thông tin ban đầu xã Mường Tè nặng nhất.
Cách trung tâm huyện khoảng 30 km, tại xã Mường Tè nhiều nhà dân, công trình bị nứt. Điểm trường mầm non Bản Giẳng có ba dãy lớp. Do động đất, trần thạch cao của hai dãy bị rơi trúng học sinh đang nghỉ trưa. “Nhiều em bị thương, hoảng loạn đã được phụ huynh đưa về nhà. 4 học sinh đang được theo dõi tại Trung tâm Y tế xã”, Chủ tịch xã Lý Văn Phón nói.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Vật lý địa cầu, nhận định trận động đất này có cường độ “tương đối lớn”, với 4,9 độ, độ sâu chấn tiêu khoảng 12 km. Trước đó 23h43 ngày 15/6, trận động đất có độ lớn 3,3 xảy ra ở huyện Mường Tè, độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km.
Trận cường độ lớn nhất ghi nhận ở Lai Châu là 6,8 độ richter vào năm 1983.
Ủy ban Tư pháp họp xem xét việc xét xử trong vụ Hồ Duy Hải
Sáng 16/6, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải. Đây là cuộc họp nội bộ với sự tham dự của các thành viên Ủy ban.
Cuộc họp nhằm xem xét tính đúng đắn về quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán vừa qua. Khi xem xét quyết định giám đốc thẩm cũng đồng nghĩa với việc xem xét tất cả quá trình điều tra, truy tố, xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm.
Sau cuộc họp, Ủy ban Tư pháp sẽ tổng hợp các ý kiến và tham mưu, thông báo cho nhà chức trách.
Lâm Đồng: Bắt cán bộ Sở Tư pháp vì lừa đảo hàng trăm tỷ
Bà Bùi Thị Mai Liên (46 tuổi), Trưởng phòng Hành chính Tư pháp (Sở Tư pháp Lâm Đồng) hôm 15/6 đã bị Công an tỉnh Lâm Đồng bắt tạm giam để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Báo chí trong nước cho hay bà Liên là vợ của ông Đoàn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng. Đã lợi dụng địa vị của chồng, vị trí xã hội của mình, bà đã trưng ra một số giấy tờ về bất động sản, lợi dụng niềm tin của nhiều người, mượn nợ đến hẹn nhưng không trả. Chủ nợ của bà Liên, người nhiều nhất trên 53 tỷ đồng, ít cũng vài chục triệu đồng.
Theo thông tin ban đầu, Vợ của Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng đã thế chấp căn nhà đang ở và một số tài sản là bất động sản khác để vay tiền. Với một món bất động sản, Bà Liên ký công chứng thế chấp vay tiền của 2 người. Hiện số tiền mà bà nợ của ngân hàng, cán bộ và người dân lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Nạn nhân của bà Liên thuộc nhiều thành phần: cán bộ ở một số cơ quan thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngân hàng, công an và người dân.
Bà Liên đã bị khởi tố bắt tạm giam 4 tháng vào chiều 15/6, lực lượng chức năng cũng khám xét nơi làm việc của bà tại Phòng công chứng số 1, nằm trong tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng (số 36 đường Trần Phú, phường 4, Đà Lạt) để phục vụ cho công tác điều tra.