Tin Việt Nam – 16/04/2020
CSVN tăng cường đàn áp trực tuyến, tăng tiền phạt lên 20 triệu đồng
Theo nghị định số 15 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, việc chia sẻ thông tin bị coi là giả mạo hoặc sai sự thật sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng.
Cụ thể, Điều 101 quy định phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
Thêm nữa, các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn cũng bị phạt tiền 20 triệu đồng.
Chế độ cộng sản biện minh cho việc tăng cường đào áp, coi đây là “phương thức mạnh” để ngăn chạn tin giả có thể gây hoang mang xã hội trong dịch Covid-19.
Theo báo chí nhà nước cộng sản, công an đã tra khảo hơn 700 Facebookers để từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xảy ra ở Việt Nam, và hơn 300 trong số họ bị phạt tiền từ 7.5 triệu đến 15 triệu đồng vì những bài viết không thuận cho chế độ.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/csvn-tang-cuong-dan-ap-truc-tuyen-tang-tien-phat-len-20-trieu-dong/
Covid-19 : Giới nhân quyền lo ngại
nghị định mới của Việt Nam về tin giả
Thanh Phương
Hôm qua, 15/04/2020, một nghị định mới bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam để xử phạt những người tung tin giả trong bối cảnh trên mạng có rất nhiều tin đồn, thông tin sai lạc về dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới và đã lây nhiễm 268 người ở Việt Nam tính đến hôm nay.
Nghị định mới quy định mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với những tổ chức nào có hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống”. Đối với cá nhân vi phạm, mức xử phạt bằng phân nửa số tiền nói trên.
Từ nhiều ngày qua, các chính quyền địa phương đã phạt tiền hàng trăm người tung lên mạng các “fake news” ( tin giả ) về virus corona chủng mới. Nghị định mới thay thế cho nghị định 2003, nêu cụ thể hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật”.
Thật ra nghị định mới không phải là được ban hành nhằm đối phó với các tin giả trên mạng về dịch Covid-19, cho nên theo hãng tin Reuters, văn bản này gây lo ngại cho các tổ chức nhân quyền, vốn đã chỉ trích mạnh mẽ luật an ninh có hiệu lực từ năm ngoái ở Việt Nam.
Nghị định mới cũng quy định xử phạt những người nào chia sẻ trên mạng những bài viết bị cấm phổ biến ở Việt Nam, tiết lộ bí mật Nhà nước hoặc đăng các bản đồ không ghi rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Reuters trích lời bà Tanya O’Carroll, giám đốc Amnesty Tech của tổ chức Ân xá Quốc tế, cho rằng nghị định này “cung cấp một vũ khí mới cho chính quyền Việt Nam trong việc trấn áp trên mạng.”. Theo bà, nghi định có những điều khoản vi phạm hiển nhiên các nghĩa vụ của Việt Nam đối với quốc tế về nhân quyền.
Về việc đối phó với dịch Covid-19, theo báo chí trong nước, hôm qua, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với kiến nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội đến 22/04, thậm chí có thể đến 30/04, tại một số địa phương “có nguy cơ cao”, trong đó có Hà Nội và Sài Gòn.
Bắt giam Phó Giám đốc
Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lạng Sơn
Hiểu Minh
Ông Nguyễn Đình Duyệt – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Lạng Sơn bị cáo buộc “móc nối với nhà thầu, cố tình làm trái để trục lợi cá nhân”, gây thất thoát hàng tỷ đồng ngân sách.
Báo VnExpress đưa tin, ngày 15/4, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, ông Duyệt bị khởi tố, tạm giam để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 281 Bộ luật Hình sự 2015.
Cơ quan điều tra cáo buộc, với cương vị Phó Giám đốc TN&MT kiêm trưởng ban Quản lý các dự án đầu tư do Sở này làm chủ, ông Duyệt đã “móc nối với nhà thầu, cố tình làm trái để trục lợi cá nhân”, gây thất thoát hàng tỷ đồng ngân sách nhà nước.
Vụ án đang mở rộng để làm rõ những người liên quan khác.
Theo báo Lao động, trước đó, vào đầu năm 2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam một số chủ doanh nghiệp thi công các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
https://www.dkn.tv/thoi-su/bat-giam-pho-giam-doc-so-tai-nguyen-moi-truong-tinh-lang-son.html
Điều tra lại vụ Đường “Nhuệ”
bị tố đánh người ở trụ sở công an
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình vào ngày 16/ 4 ra quyết định ‘phục hồi điều tra vụ Đường “Nhuệ” bị tố đánh người ngay tại công an phường’.
Theo báo trong nước, bà Đ.T.L tố cáo Nguyễn Xuân Đường và đàn em đánh đập mẹ con bà ngay tại trụ sở công an phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình vào ngày 18/11/2014.
Trước vụ việc trên, công an phường đề nghị bà “giảng hòa” với Nguyễn Xuân Đường nhưng bà không đồng ý và yêu cầu giải quyết theo quy định. Do đó, Công an TP Thái Bình tiến hành xác minh và khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích” vào ngày 5/1/2015. Đến ngày 5/7/2015, phía điều tra ra quyết định đình chỉ vụ án với lý do: “Chưa xác minh được bị can trong vụ án; Hết thời hạn điều tra”.
Nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình ra Quyết định phục hồi điều tra vụ án, hủy Quyết định tạm đình chỉ điều tra trước đây.
Cũng liên quan đến hành xử của công an, chiều 14 tháng 4, Công an Tiền Giang cho biết đang xác minh vụ clip nghi trưởng công an xã nổ súng và đánh dân trong clip được mạng xã hội lan truyền hôm 12 tháng 4.
Clip ghi lại cảnh xô xát giữa 4 cán bộ công an với nhóm thanh niên khoảng chục người tại cửa hàng mua bán sắt thép thuộc địa bàn xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè. Trong lúc đánh nhau, 1 cán bộ công an đã rút súng bắn chỉ thiên 2 phát.
Tin cho biết ngày 16 tháng 4, công an tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo tổ công tác xác minh, làm rõ việc nổ súng của thượng úy công an liên quan đến vụ việc. Lãnh đạo công an huyện Cái Bè trần tình “Việc nổ súng là ngăn chặn hậu quả xảy ra, dư luận cũng đồng tình. Clip trên mạng phản ánh sự việc rất khách quan”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
đề nghị tiếp tục xuất khẩu gạo nếp
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNN) hôm 16/4 ra công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo nếp hàng hoá vụ đông xuân trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra ở Việt Nam.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết Bộ NN&PTNN công bố tổng sản lượng gạo nếp vụ hè thu 2019 tại hai tỉnh Long An và An Giang đạt khoảng 276 nghìn tấn, vụ đông xuân 2020 đạt khoảng 453 nghìn tấn.
Bộ NN&PTNN đề nghị Bộ Công Thương cung cấp tình hình xuất khẩu, nhu cầu thị trường để làm cơ sở điều tiết tỷ lệ diện tích và sản lượng lúa nếp các vụ tiếp theo.
Liên quan đến tình tình xuất khẩu gạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo trách nhiệm quản lý số lượng gạo xuất khẩu vào tháng 4 trước ngày 18/4. Trong văn bản gửi đi, ông Dũng yêu cầu nêu cụ thể quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp.
Trước đó, đã có nhiều ý kiến phản ánh về việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không được nhận đầy đủ thông tin về việc mở tờ khai xuất khẩu gạo khiến các doanh nghiệp này gặp khó khăn.
Trong diễn biến liên quan về nông nghiệp, UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có quyết định công bố tình huống khẩn cấp do hạn, mặn xâm nhập với mức độ 2 trên địa bàn tỉnh này.
UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các sở, ngành, cơ quan Nhà nước ở địa phương khiển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với hạn, mặn theo kịch bản đã được duyệt trước đó để hạn chế thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, Sở NN&PTNN tỉnh Sóc Trăng được yêu cầu tăng cường trích trữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Chính phủ lại đề nghị
chưa sửa Luật Đất đai trong năm 2020
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vào ngày 16/4 tại phiên họp trực tuyến toàn thể lần thứ 27 có xem xét, đưa ra ý kiến và đề nghị rút ra khỏi chương trình năm 2020 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án, dự thảo, trong đó rút một dự án được rút ra khỏi chương trình năm 2020 là dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Bộ trưởng Lê Thành Long lý giải cho rằng, do nội dung của dự án Luật còn một số vấn đề phức tạp và cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn. Những “vấn đề phức tạp” được ông Long dẫn chứng là các vấn đề về kinh tế, tài chính đất đai, khung giá đất, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, an ninh lương thực. Ngoài ra còn có các vấn đề về quản lý đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh…
Ngoài ra, Thường trực Chính phủ đã họp để thảo luận về kế hoạch và định hướng sửa đổi Luật Đất đai thấy rằng Luật này là đạo luật quan trọng, phức tạp, nhạy cảm và nó tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam.
Do đó, việc sửa đổi bổ sung dự án Luật này vào thời điểm diễn ra Đại hội Đảng các cấp sẽ có tác động lớn đến ổn định chính trị và xã hội. Ông Long cũng không loại trừ khả năng cho rằng các thế lực thù địch lợi dụng việc này để kích động làm khiếu kiện gia tăng làm ảnh hưởng đến ổn định chính trị, xã hội và đại hội các cấp.
Cũng tại cuộc họp, đại biểu quốc hội tỉnh Hòa Bình ông Nguyễn Tiến Sinh cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu luật này, trong năm 2020 thực hiện xong việc Đại hội Đảng các cấp và 2021 tập trung giải quyết sửa đổi Luật Đất đai, bởi vì đây là luật quan trọng và là luật cơ bản để sử dụng nguồn lực nếu không sửa sẽ khó thực hiện những luật khác.
Ca nhiễm covid-19 đầu tiên ở Hà Giang,
Việt Nam có 268 ca mắc
Khôi Minh
Sáng 16/4, Bộ Y tế ghi nhận thêm 1 ca Covid-19 mới, là người ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nâng tổng số người mắc ở Việt Nam lên 268 trường hợp.
Báo VnExpress dẫn thông tin từ Bộ Y tế cho biết, “Bệnh nhân 268” là nữ, 16 tuổi, dân tộc Mông, trú tại một thôn hẻo lánh ở gần biên giới giáp Trung Quốc thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Bệnh nhân 268 này có ba anh trai làm việc tự do bên kia biên giới. Ngày 7/4, cô có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cách ly tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, xét nghiệm kết quả dương tính nCoV.
Ca nhiễm thứ 268 là người Mông ở Đồng Văn, Hà Giang (ảnh: LSVN)
Như vậy theo báo Vietnamnet, tính đến 6h sáng 16/4, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 268 trường hợp, 471 trường hợp cách ly tại bệnh viện, 11.413 người cách ly tại các cơ sở tập trung khác, số còn lại đang cách ly tại nhà.
Trước đó theo LSVN, tại Việt Nam, tính đến 18h ngày 15/4 ghi nhận 267 trường hợp mắc tại 27 tỉnh, thành phố (Việt Nam đứng thứ 112 trong số 212 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch Covid-19).
Cũng trong ngày hôm qua, Thủ tướng chấp thuận, cách ly xã hội đến ngày 22/4 đối với TP. HCM, Hà Nội và 10 tỉnh thành có nguy cơ lây lan cao đến hết ngày 22/4.
https://www.dkn.tv/thoi-su/ca-nhiem-covid-19-dau-tien-o-ha-giang-viet-nam-co-268-ca-mac.html
Xử phạt và phê bình những người chịu trách nhiệm
trong chấp hành quy định giãn cách xã hội
Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh quyết định xử phạt hành chính đối với 7 linh mục chủ trì các buổi cầu nguyện đông người tại huyện Đức Thọ và huyện Can Lộc, vào tối ngày 4 và sáng ngày 5/4 vừa qua.
Truyền thông trong nước, vào ngày 16/4 dẫn lời ông Võ Công Hàm, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh cho biết có 8 linh mục ở địa phương đã vi phạm về việc không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người, theo Điểm c – khoản 4 – Điều 11 – Nghị định 176/2013 của Chính phủ khi tiến hành các buổi cầu nguyện vào tối ngày 4 và sáng ngày 5/4. Một linh mục bị nhắc nhở và bảy linh mục còn lại bị xử phạt hành chính.
Ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cũng cho báo giới biết các linh mục hợp tác khi làm việc với chính quyền; liên quan quyết định xử phạt. Đồng thời, các chức sắc, chức việc cam kết không tái phạm và phối hợp với chính quyền cùng cơ quan y tế để hướng dẫn giáo dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định pháp luật.
Truyền thông quốc nội, trong cùng ngày 16/4, cũng cho biết UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ra quyết định 6 chủ tịch cấp huyện đã chủ quan, lơ là trong việc chấp hành các quy định về giãn cách xã hội trong dịch COVID-19.
Tin cho biết văn bản phê bình của UBND tỉnh Đồng Tháp nêu lên trong những ngày gần đây tại 6 địa phương trong tỉnh này xảy ra hiện tượng người dân ngồi gần ăn uống, tụ tập nói chuyện theo nhóm, các hàng quán ăn uống mở cửa phục vụ khách tại chỗ, tình trạng mê tín dị đoan, tụ tập đông người cúng kiếng…Do đó, UBND tỉnh Đồng Tháp phê bình 6 chủ tịch UBND cấp huyện đã buông lỏng quản lý và giao cho UBND địa phương kiểm điểm, xử lý các cá nhân và tổ chức chưa làm tròn trách nhiệm trong phòng chống dịch COVID-19.
Sáu chủ tịch ở các địa phương bị UBND tỉnh Đồng Tháp phê bình bao gồm thành phố Cao Lãnh, thị xã Hồng Ngự và 4 huyện: Lai Vung, Lấp Vò, Cao Lãnh, Tháp Mười.
70% công nhân công ty PouYuen Việt Nam
đi làm trở lại
Hàng ngàn công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh đã đi làm trở lại sau 2 ngày doanh nghiệp tạm dừng sản xuất để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo thông tin truyền thông trong nước loan đi, vào ngày 16 tháng 4, do thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, công ty chỉ bố trí 70% công nhân trực tiếp sản xuất đi làm. Theo ông Cù Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn công ty PouYuen, khoảng 30% công nhân còn lại phải tạm ngưng việc cho đến khi có thông báo mới từ UBND TP HCM và các lãnh đạo công ty. Những công nhân này sẽ hưởng lương tối thiếu theo quy định của pháp luật (khoảng 4,42 triệu/tháng).
Công nhân trở lại làm việc đều có đeo khẩu trang. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các công nhân vẫn chưa đảm bảo 2 mét như khuyến cáo do số lượng đông công nhân vào ca cùng thời điểm. Trong hai ngày tạm dừng hoạt động sản xuất, các cơ quan chức năng đã hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các giải pháp để hạn chế rủi ro lây nhiễm COVID-19.
Cũng tin liên quan, khoảng 3.500 công nhân thủy nông của 4 công ty thủy lợi tại Hà Nội phải điêu đứng vì bị nợ lương từ đầu năm đến nay. Theo phản ánh, từ sau Tết Nguyên đán, các công nhân phải làm việc cật lực ngày đêm để đảm bảo tiến độ vụ đông xuân. Tuy nhiên, đến cuối tháng, công ty đều thông báo không có tiền lương để trả, phải nợ từ tháng này sang tháng khác, dẫn đến việc các công nhân này phải đi vay ngoài để trang trải cuộc sống qua ngày.
Ông Doãn Văn Kính, Chủ tịch Cty TNHH MTV đầu tư phát triển Thuỷ lợi Sông Đáy cho biết, công ty chưa hề nhận được bất kỳ nguồn kinh phí nào do UBND TP cấp để trả lương cho hơn 800 công nhân thuỷ nông của công ty, dù luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nguyên nhân là do những vướng mắc trong thực hiện Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ, UBND TP Hà Nội vẫn chưa thống nhất được phương án lựa chọn nhà thầu thuỷ lợi theo hình thức đấu thầu hay đặt hàng dẫn đến việc các công ty thuỷ lợi chưa thể hoàn thiện các thủ tục pháp lý để nhận kinh phí.
Hơn 150 ngàn người nộp hồ sơ
hưởng trợ cấp thất nghiệp do COVID-19
Hơn 150 ngàn người đã nộp hồ sơ xin hưởng chính sách thất nghiệp trong quý 1 năm 2020. Đó là số liệu được Bộ Lao động Thương binh Xã hội đưa ra vào ngày 16/4 và được truyền thông trong nước loan tin.
Bộ cũng cho biết, đời sống người lao động, nhất là khu vực du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và lực lượng lao động tự do rất là khó khăn; phần đông đã phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nếu COVID-19 tiếp tục diễn ra, thì tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm, mất việc làm trong tháng 4 và tháng 5 sẽ khoảng 2,5 triệu người nhưng nếu dịch tiếp tục bùng phát thì số lao động mất việc, thiếu việc làm, thậm chí thất nghiệp sẽ lên đến khoảng 3,5 – 4 triệu người.
Trong khi đó, gói chính sách an sinh xã hội 62 ngàn tỉ đồng của Chính phủ dành cho các đối tượng gặp khó khăn trong mùa COVID-19 đang được xây dựng nhằm cụ thể hoá việc xét chọn hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc xác định hỗ trợ đối với lao động tự do là vấn đề rất khó bởi khó định lượng được tiêu chí, công việc. Do đó, ông Dung cho biết để khắc phục những khó khăn đó, trong dự thảo Quyết định sẽ trình Thủ tướng, dự kiến gồm có 7 nhóm lao động tự do bao gồm: Những người bán hàng rong quà vặt, những người làm nghề xe ôm, thu rác, bốc vác, bán vé số, những lao động trong lĩnh vực như nhà hàng, dịch vụ, ăn uống, chăm sóc sức khỏe…sẽ được nhận gói hỗ trợ này.
Ở một diễn biến khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo Bộ tài chính xuất phát trên một ngàn tấn gạo từ nguồn dữ trự quốc gia hỗ trợ người dân ở hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk trong thời gian giáp hạt 2020.
Theo chỉ đạo, tỉnh Đắk Nông sẽ nhận được 327 tấn gạo và Đắk Lắk nhận 836 tấn.
Trong cùng ngày 16/4, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội Lê Đức Hạnh cho biết có khoảng 25 ngàn khách hàng có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để khôi phục sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng đợt dịch COVID-19.
Như vậy, Hà Nội cần khoảng một ngàn tỷ đồng bổ sung vốn vay cho các hộ nghèo, với dự kiến mức vay khoảng 40 triệu đồng/hộ.
Bà Lê Thị Đức Hạnh cũng cho biết rà soát của Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội cùng chính quyền địa phương cho thấy nhóm ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID-19 là chăn nuôi, buôn bán nhỏ, kinh doanh dịch vụ, y tế, vận tải với dư nợ 2.384 tỷ đồng, chiếm 28% tổng dư nợ của chi nhánh.
Công ty Nhật Bản hỗ trợ
cho 1,500 công nhân Việt Nam mỗi người 11 triệu đồng
Tin Vietnam.- Báo Lao động ngày 15 tháng 4 năm 2020 loan tin, công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam, đặt tại khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã quyết định hỗ trợ cho toàn bộ 1,500 người lao động của công ty với mức tiền mỗi người 11 triệu đồng để chống dịch coronavirus.
Đặc biệt, đây chỉ là khoản trợ cấp thêm cho người lao động mà phía Lixil hỗ trợ, người lao động vẫn được nhận lương, phụ cấp đầy đủ như bình thường. Khoản tiền 11 triệu đồng này phía Lixil trả cùng một đợt với tiền lương tháng 4 năm 2020 cho người lao động.
Công ty Lixil Việt Nam là công ty do người Nhật làm chủ, đây là công ty chuyên sản xuất nhôm. Ông Mai Trần Thanh Quang, Chủ tịch nghiệp đoàn cơ sở của công ty cho biết, nguyên nhân của việc hỗ trợ trên là do công ty muốn cảm ơn người lao động đã cố gắng đi làm trong thời gian dịch vừa qua; và đây cũng là cách mà người Nhật giúp người lao động Việt bảo vệ sức khoẻ để có sức khoẻ tốt, bảo vệ cá nhân.
Hành động đẹp này của Lixil được người dân Việt đánh giá là từ trước đến nay chưa từng xảy ra ở bất kỳ một công ty, hay tổ chức nào ở Việt Nam, bởi đây là số tiền không nhỏ đối với nhiều người dân Việt, đặc biệt là người lao động, khi số tiền trên nhiều bằng 2 đến 3 tháng lương của công nhân Việt Nam.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/cong-ty-nhat-ban-ho-tro-cho-1500-cong-nhan-viet-nam-moi-nguoi-11-trieu-dong/
Cà Mau là tỉnh đầu tiên cho đi học trở lại vào 20/4
Cà Mau là tỉnh đầu tiên cho học sinh khối lớp 9 và lớp 12 đi học trở lại từ ngày 20/4/2020 sau thời gian nghỉ kéo dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Thông tin vừa nói được truyền thông trong nước trích dẫn từ buổi họp của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Cà Mau hôm 15/4, và cho biết các cấp học, bậc học còn lại kể cả các trường đại học, cao đẳng, trường nghề… tiếp tục nghỉ học để chờ thông báo tiếp theo.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tùy tình hình thực tế tại các trường, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ chia nhỏ sỉ số lớp, tăng cường giáo viên giảng dạy, có biện pháp giãn cách xã hội đối với phụ huynh khi đưa rước học sinh… nhằm đảm bảo an toàn. Ngoài ra, phải xịt thuốc khử trùng tại trường lớp.
Trước đó, Cà Mau cũng như 62 tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học do lo ngại nguy cơ lây lan của đại dịch COVID-19.
Cũng trong ngày 15/4, tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GD&ĐT chuẩn bị phương án, nếu đảm bảo an toàn thì có thể cho học sinh 36 địa phương trong nhóm có nguy cơ thấp đi học trở lại.
Theo phân loại nhóm nguy cơ cao có 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh, Hà Tĩnh. Nhóm nguy cơ trung bình bao gồm 15 tỉnh, thành phố và Nhóm nguy cơ thấp bao gồm 36 tỉnh thành còn lại.
Cũng tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương cần tăng cường các hoạt động giảng dạy trực tuyến và học trên truyền hình.
Cũng tin liên quan, hôm 16/4, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục đại học báo cáo đánh giá tác động, thiệt hại của dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, yêu cầu các trường đại học, học viện, các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm báo cáo tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với cơ sở giáo dục.
Trong đó, ngoài báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các trường phải báo cáo về tác động của dịch Covid-19 tới quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính của trường và các biện pháp đã khắc phục.
Tin cho biết, báo cáo sẽ được Bộ GD&ĐT sử dụng làm căn cứ ban hành các chính sách ứng phó tình hình dịch bệnh và báo cáo chính phủ về tác động của dịch Covid-19 đối với giáo dục và đào tạo.
COVID-19: Hết giãn cách xã hội, một số tỉnh thành
vẫn tiếp tục hạn chế các hoạt động công cộng
Ngày 16/4 là ngày chấm dứt lệnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh COVID-19 lây lan, tuy nhiên một số tỉnh thành ở Việt Nam vẫn tiếp tục các biện pháp thắt chặt hoạt động đông người nơi công cộng, thậm chí gia hạn thời gian giãn cách xã hội.
Trước đó, tại cuộc họp chính phủ trực tuyến hôm 15/4, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho 12 tỉnh thành có nguy cơ bệnh dịch cao được tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến ngày 22/4 hoặc 30/4.
Theo ghi nhận của truyền thông trong nước vào ngày 16/4, tại một số tỉnh thành như Hải Phòng, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, chính quyền địa phương đã cho các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống được hoạt động trở lại nhưng ở mức giới hạn, việc tập trung đông người vẫn chưa được phép, người dân ra ngoài đường vẫn phải tiếp tục đeo khẩu trang.
Thanh Hoá nằm trong số 36 địa phương có nguy cơ thấp nhưng toàn tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến hết ngày 30/4. Học sinh các cấp nghỉ học đến hết kỳ nghỉ lễ 30/4.
Tại Thừa Thiên, Huế, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, vui chơi giải trí có tập trung đông người, các lễ hội, di tích, bảo tàng, công viên, taxi, giao thông công cộng nội tỉnh tiếp tục dừng hoạt động đến hết ngày 22/4.
Bình Dương cũng tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến hết ngày 22/4.
5 tỉnh khu vực Tây Nguyên thuộc nhóm nguy cơ thấp cũng đã dừng thời hạn giãn cách xã hội nhưng vẫn tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15 của Chính phủ là chỉ thị được đưa ra trước lệnh giãn cách xã hội, yêu cầu các địa phương áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người, tạm đình chỉ hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.
Việt Nam nên ‘giãn cách xã hội’
hay xét nghiệm toàn dân?
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào chiều 15/4, chỉ thị 12 tỉnh, thành thuộc nhóm nguy cơ cao sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc có thể đến 30/4.
Nhóm nguy cơ cao theo chính phủ gồm 12 tỉnh thành: Bắc Ninh, Bình Thuận, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hà Tĩnh và Tây Ninh.
Trước đó, vào ngày 31/3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 16, có hiệu lực đến ngày 15/4, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu… Bên cạnh đó, Chỉ thị 16 cũng yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người nơi công cộng.
Đến nay, tuy đã giảm chỉ còn 12 tỉnh thành phải ‘giãn cách xã hội’, nhưng lại là những tỉnh thành chủ lực của kinh tế Việt Nam.
Nếu giãn cách xã hội như chúng ta đang làm ở Việt Nam hiện nay ở tất cả các nước, cũng như ở Việt Nam, thì sẽ tốn kém rất nhiều cho kinh tế xã hội và gây nhiều đảo lộn cho xã hội.
-Phạm Quang Tuấn
Ông Phạm Quang Tuấn, một nhà khoa học, một chuyên gia về công nghệ hóa nổi tiếng, từng giảng dạy tại đại học New South Wales ở Úc, hiện đã về hưu, trong một bài viết đăng trên trang cá nhân của ông cho rằng, cần phải xét nghiệm lớn rộng để tránh thiệt hại kinh tế quá lớn.
Theo ông Tuấn, vì lợi ích kinh tế và xã hội, Việt Nam cần bỏ ra một số tiền lớn – có thể tầm cỡ trăm triệu USD – để thiết lập càng sớm càng tốt một hệ thống xét nghiệm Covid-19 nhanh và rộng. Ông đưa ra lý giải, dựa vào những khái niệm căn bản của lý thuyết điều khiển (control theory).
Trao đổi với RFA hôm 15/4, ông Phạm Quang Tuấn, giải thích một cách tổng quát:
“Nếu giãn cách xã hội như chúng ta đang làm ở Việt Nam hiện nay ở tất cả các nước, cũng như ở Việt Nam, thì sẽ tốn kém rất nhiều cho kinh tế xã hội và gây nhiều đảo lộn cho xã hội. Thành ra chúng ta làm sao để giãn cách đầy đủ chứ đừng làm quá. Muốn làm vậy chúng ta phải đo lường sự tiến triển của dịch một cách chính xác và càng nhanh càng tốt, thì mình mới làm đúng cách, nếu không sẽ làm quá và cũng gây thiệt hại, và nếu làm không đủ cũng sẽ bùng dịch ra, do đó tôi đề nghị, nên tiêu một số tiền khá lớn để theo dõi dịch, bằng cách xét nghiệm càng nhiều càng tốt trong dân chúng. Tuy là số tiền lớn thật, nhưng so với những thiệt hại kinh tế thì vẫn là rất nhỏ.”
Cụ thể, ông Phạm Quang Tuấn cho rằng, khi chưa có thuốc trị và vaccine và dịch đã lan tràn vào cộng đồng, biện pháp cách ly từng ca không còn áp dụng được nữa, thì biện pháp duy nhất để giảm dịch là giảm tiếp xúc, thường gọi là giãn cách xã hội (social distancing). Tuy nhiên, biện pháp giãn cách có một hậu quả giá rất đắt là gây suy thoái kinh tế, tăng thất nghiệp, các doanh nghiệp có nguy cơ cao phá sản, và đời sống tinh thần và vật chất của toàn dân bị đảo lộn. Vì vậy, cần giãn cách ở mức độ cần thiết, không chặt quá, mà cũng không lỏng quá. Muốn làm được như vậy thì phải có một hệ thống điều khiển (control) tốt, mà điều kiện quan trọng nhất là phải có khả năng đo lường tình trạng dịch đúng và nhanh.
Muốn có tín hiệu đo lường nhanh thì phải xét nghiệm rộng rãi trong cộng đồng, dù không có yếu tố dịch tễ. Theo ông Tuấn, nết xét nghiệm tất cả những ai có triệu chứng đáng nghi, có thể giảm khoản chậm trễ xuống còn khoảng 5 ngày, là thời gian trung bình từ khi nhiễm đến khi có triệu chứng. Trong thời gian đó, số ca nhiễm có thể tăng 2-3 lần, thay vì sau 15 ngày, số ca nhiễm có thể tăng gấp 10.
Ông Tuấn cho rằng, như vậy vẫn chưa phải là tốt, tốt nhất là xét nghiệm cả những người không có triệu chứng theo kiểu thăm dò ngẫu nhiên (random sampling). Làm được vậy thì có thể theo dõi dịch bệnh từng ngày, không chậm trễ.
Bác sĩ Phạm Nhật An, nguyên phó giám đốc kiêm trưởng Khoa Truyền Nhiễm Bệnh Viện Nhi Trung Ương, hiện là giảng viên cấp cao Đại Học Y Hà Nội, hôm 15/4 nói với RFA về tình hình thực tế trong phòng chống coronavirus tại Việt Nam hiện nay:
“Chắc là không xét nghiệm hết cho dân chúng được đâu, ở đây chỉ xét nghiệm cho những người có nguy cơ, tức là người ta xét nghiệm những người tiếp xúc với những người bị nhiễm virus theo một hệ thống: F-0 là người bệnh, F-1 là người tiếp xúc trực tiếp với F-0, F-2 là những người tiếp xúc với F-1… Cho đến nay, Việt Nam cho xét nghiệm tất cả những người từ F-2 trở lên, như vậy cũng là số lượng rất là lớn rồi. Chứ còn xét nghiệm toàn dân thì không có đâu.”
Để tìm hiểu thêm về những thiệt hại kinh tế giữa việc thực hiện giãn cách xã hội hay xét nghiệm toàn dân, RFA hôm 15/4 liên lạc qua tin nhắn với Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, ở Na Uy, và được ông nhận định như sau:
“Theo dự báo thì vắc-xin để phòng chống virus Covid-19 có thể phải đến cuối năm nay là sớm nhất. Nhưng nền kinh tế không thể đóng cửa tới cuối năm vì như vậy sẽ gây ra khủng hoảng trầm trọng và cho dù muốn thì chính phủ cũng không thể cưỡng ép các thành phần kinh tế không hoạt động vì người dân cần thu nhập để sống và họ sẽ quay trở lại công việc. Do đó, chính phủ sẽ phải đối diện với hai điều: mở cửa trở lại nền kinh tế và kềm chế dịch trong ngưỡng cho phép mà hệ thống y tế có thể chịu được.
Phải đồng ý một điều là trong ngắn hạn, ít nhất là trong vòng hai năm tới chúng ta sẽ sống chung với virus Covid-19 này vì sớm nhất là cuối năm này sẽ có vắc-xin đầu tiên có hiệu quả và sau đó là cần thời gian để sản xuất và chủng ngừa cho ít nhất hơn một nửa dân số để phòng chống.
Những thông tin vừa nói cho thấy rằng biện pháp xét nghiệm cộng đồng theo diện rộng có thể không hiệu quả ở Việt Nam.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, thứ nhất xét nghiệm theo diện rộng tốn kém đặc biệt trong bối cảnh chính phủ thiếu tiền và hiện đang chật vật để vay quốc tế 1 tỉ đô la Mỹ — đây là số tiền rất lớn với Việt Nam lúc này nhưng không thấm vào đâu so với khoảng thiếu hụt cần thiết mà Việt Nam cần đầu tư để vực dậy nền kinh tế, dự đoán Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 1% GDP mỗi tháng.
Xét nghiệm theo diện rộng tốn kém đặc biệt trong bối cảnh chính phủ thiếu tiền và hiện đang chật vật để vay quốc tế 1 tỉ đô la Mỹ.
-TS. Nguyễn Huy Vũ
Thứ hai, việc xét nghiệm theo diện rộng cho dù diễn ra, thì Việt Nam cũng không thể loại được hoàn toàn những ca nhiễm không có triệu chứng. Và khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế trở lại, các trường hợp này sẽ tiếp tục lây nhiễm cho cộng đồng và một cách nhanh chóng Việt Nam sẽ quay trở lại trạng thái trước xét nghiệm diện rộng.
Tuy nhiên chính phủ Việt Nam vào ngày vào ngày 15/4/2020, vẫn tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, tức tiếp tục ‘giãn cách xã hội’ ở 12 tỉnh thành thuộc nhóm nguy cơ cao, trong đó bao gồm cả Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.
Luật sư Trần Vũ Hải trên trang cá nhân của mình cho rằng, Chỉ thị 16 chưa được ban hành theo đúng pháp luật và có nhiều nội dung không rõ ràng, nên nhiều địa phương đã thực hiện tuỳ tiện, bất cập, trái luật. Nên nếu những biện pháp nêu trong Chỉ thị này tiếp tục được áp dụng, cần phải điều chỉnh cho phù hợp với pháp luật và rõ ràng.
Trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 15/4 liên quan vấn đề này, Luật sư Đặng Đình Mạnh, giải thích:
“Về hình thức, thủ tướng ban hành loại văn bản Chỉ Thị như Chỉ thị 16 là không bảo đảm thủ tục do luật pháp quy định.
Căn cứ vào đối tượng bị chi phối theo Chỉ thị 16, thì mọi công dân, tổ chức trên toàn lãnh thổ phải bị chi phối theo Chỉ Thị này. Mà với đối tượng như vậy thì loại văn bản ban hành theo thẩm quyền thủ tướng phải là loại văn bản Quyết Định.
Tuy thủ tướng cũng có thẩm quyền ban hành Chỉ Thị. Tuy nhiên, đối tượng bị chi phối của Chỉ Thị chỉ là trong phạm vi cơ quan thuộc hệ thống hành chính thuộc quyền thủ tướng mà thôi. Nói khác, Chỉ Thị là loại văn bản điều hành, giữa cấp trên với cấp dưới mà thôi.
Đối với Chỉ thị 16, vốn là loại văn bản điều hành nhưng lại có đối tượng bị chi phối là mọi công dân và tổ chức trên toàn lãnh thổ là trái khoáy.
Ngoài ra, ngay trong ngày 31/03, sau khi ban hành Chỉ Thị 16, thì chính quyền đã có sự giải thích lại rằng văn bản chỉ có giá trị thuyết phục người dân đồng thuận mà thôi, chứ không mang tính cách cưỡng hành. Điều này có thể chấp nhận được.”
Nhưng điều đáng nói là rất nhiều cơ quan hành chính và tổ chức khác đã căn cứ vào Chỉ Thị 16 này để ra văn bản thực hiện có hiệu lực cưỡng hành ?! Vì dụ như cấm đi lại, cấm họp chợ, hoặc đình chỉ hoạt động một số nghề …
Đó là về thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng nội dung Chỉ Thị 16 về cách ly xã hội là một chủ trương đúng đắn nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân trước cơn đại dịch CoronaVirus. Cho nên, công chúng đều mặc nhiên đồng thuận và chấp hành.”
Mặc dù đồng tình chính quyền nên tiếp tục thực hiện giải pháp duy trì giãn cách xã hội. Nhưng Luật sư Mạnh cho rằng, không phải giãn cách xã hội bằng một sự giãn cách toàn bộ lãnh thổ như thời điểm 01/04 – 15/04, mà là một sự giãn cách xã hội có chọn lọc, tại những địa phương có khả năng các ca F0 đang cư trú, sinh hoạt trong cộng đồng dân cư và vẫn đang phát sinh những ca dương tính trong cộng đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ thì đề nghị, Việt Nam nên lập một nhóm xét nghiệm nhanh và điều trị đối với các ca nhập viện ở mỗi tỉnh thành. Ở những khu vực có người bị nhiễm bệnh thì cách ly và nhanh chóng xét nghiệm. Ở những vùng chưa có người nhiễm bệnh nhập viện thì nên mở cửa hoạt động kinh tế trở lại song song đó phải nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc kêu gọi mọi người giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và phun xịt các hoá chất diệt khuẩn.
Còn ông Phạm Quang Tuấn thì cho rằng, nếu giãn cách quá đà khiến kinh tế thiệt hại một tỷ USD một cách vô ích, thì rất nên bỏ ra 10% khoản đó, tức là 100 triệu USD, để có một hệ thống xét nghiệm tối tân và đầy đủ nhất có thể được, và làm chuyện đó càng sớm càng hay. Vì số chuyên viên xét nghiệm có hạn, cần phải tìm mua các thiết bị xét nghiệm tự động nhanh nhất và dễ dùng nhất. Như vậy, với số tiền 100 triệu USD, việc dùng xét nghiệm ngẫu nhiên để thăm dò tình hình dịch trong khoảng 2 năm tới là hoàn toàn thực tế.
—
Link tham khảo bài phân tích chi tiết của ông Phạm Quang Tuấn:
https://www.facebook.com/pham.q.tuan.940/posts/10158127546629512
Tác động kinh tế do dịch COVID-19 gây ra:
trong ngoài đều không thuận!
Mặt tích cực
Bà Amy Searight, Cố vấn và Giám đốc cấp cao, Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS tại Washington DC, Hoa Kỳ vào ngày 14/4 có bài viết nhận định rằng các nền kinh tế Đông Nam Á đang bị ảnh hưởng lớn trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 lan rộng.Trong đó có nhắc đến báo cáo của Ngân hàng Thế giới được công bố vào đầu tháng 4 vừa qua cho rằng trong trường hợp bi quan hơn, các nước đang phát triển của ASEAN có tăng trưởng âm vào năm 2021, trong phạm vi -0,5% đến -5%, ngoại trừ Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng dương, +1,5%.
Trao đổi RFA vào tối 14/4, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế – tài chính độc lập giải thích rõ:
“Trong Quý I/2020 thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với nhiều quốc gia chung quanh. Tăng trưởng kinh tế Quý I là 3,82%, thấp nhiều so với Quý I/2019 là 6,79%, xuống hơn một nửa. Nhưng đối với nhiều quốc gia đây là mức độ tăng trưởng tương đối còn cao.
Trong Quý I cũng có một vài điểm sáng chẳng hạn như đầu tư nước ngoài có giảm nhưng không giảm quá sâu, cũng có doanh nghiệp thành lập mới mặc dù số doanh nghiệp đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng có thể lên đến 35.000 doanh nghiệp trong quý đầu, nhưng bên cạnh đó có 29.700 doanh nghiệp đăng ký mới thành lập. Bên cạnh những tác động tiêu cực của dịch corona thì cũng có những tác động tương đối sáng sủa, vẫn giữ được sự tăng trưởng đặc biệt như ngành bảo hiểm, y tế hay một vài ngành nghề khác.”
Thiệt hại
Bên cạnh những mặt tích cực mà Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đề cập, tình hình kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Cụ thể, Ngân hàng Phát triển Châu Á dự đoán ở Việt Nam năm nay khó đạt được mức tăng trưởng đề ra là 6,8%, mà có thể chỉ đạt 4,8%, tức giảm 2 điểm % tăng trưởng so với chỉ tiêu đề ra.
Còn Bộ Tài chính Việt Nam vào ngày 10/4 cũng đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ cho hay do sự bùng phát của coronavirus, Việt Nam có kế hoạch vay 1 tỷ đô la từ các định chế tài chính nước ngoài như Quỹ tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, hay Ngân hàng phát triển Châu Á trong năm nay.
Theo Bộ Tài Chính, thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ chiếm từ 5-5,1% tổng sản phẩm nội đia do tác động của dịch COVID-19.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cựu thành viên ban cố vấn kinh tế cao cấp của cố thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng mức độ tăng trưởng ở Việt Nam năm nay nếu dịch cúm kéo dài đến giữa năm có thể giảm tăng trưởng chừng 1-2% GDP, nhiều lĩnh vực khác nhau đều suy giảm: xuất khẩu, đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam, nhập khẩu từ các nước khác.
Phân tích rõ hơn những ảnh hưởng mà coronavirus gây ra cho nền kinh tế Việt Nam, Bà Chi Lan nhận định:
“Ngay từ đầu, khi dịch COVID-19 bắt đầu ở Trung Quốc thì Việt Nam đã ngay lập tức bị tác động rõ rệt nhất ở những lĩnh vực như du lịch vì khác du lịch Trung Quốc thường chiếm khoảng 30% trong số khác du lịch tới Việt Nam cho nên khi có dịch thì ngay lập tức khác Trung Quốc giảm sút, làm cho ngành du lịch Việt Nam lieu xiêu ngay. Khi ngành du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng thì những ngành liên quan như hàng không, vận tải biển, vận tải đường sắt, đường bộ hay các ngành dịch vụ khác phục vụ cho du lịch kể cả những người kinh doanh nhỏ lẻ thường bám vào việc bán hàng cho các nàh hàng, khách sạn hoặc khách du lịch cũng đều bị ảnh hưởng.
Thứ hai có thể thấy rõ ngay từ đầu là hàng nông sản của Việt Nam thường xuất khẩu cho Trung Quốc, đặc biệt trái cây tươi từ miền Nam chở ra đến biên giới là không xuất được. Trung Quốc đóng cửa biên giới làm cho hàng nông sản Việt Nam khó khăn trong suốt một thời gian dài.
Thứ ba là nhóm hàng Việt Nam thường nhập khẩu đầu vào từ Trung Quốc, ví dụ như hàng dệt may, giày dép, điện tử… kể cả mặt hàng mà Việt Nam nhập để làm nguyên liệu cho ngành hàng xuất khẩu khi Việt Nam gia công cho các hãng nước ngoài thì cũng gặp gián đoạn việc nhập từ Trung Quốc.”
Vẫn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tình hình kinh tế của Việt Nam sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu dịch bệnh kéo dài.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch – Đầu tư vào ngày 8/4 có đưa ra báo cáo cho hay trong trường hợp nếu dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh hơn sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động mất việc. Ước tính 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, hoặc ngừng việc và 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc; khoảng 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô.
Vì vậy, bà Phạm Chi Lan cho hay hiện nay các chuyên gia cũng đang tiếp tục đánh giá tác động của dịch COVID-19 để có thể tới đây khuyến nghị với chính phủ các biện pháp cần thiết xem làm thế nào để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, mặt khác chuẩn bị cho việc khôi phục lại các hoạt động kinh tế sau khi dịch cúm chấm dứt.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng khẳng định việc cách ly, giãn cách xã hội theo yêu cầu của chính phủ Hà Nội nhằm tránh sự lây lan của coronavirus cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường nội địa, hoạt động của những người kinh doanh nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh gia đình, khiến cả cầu lẫn cung tại Việt Nam đều bị ảnh hưởng.
Thủ tướng Việt Nam vào chiều 15/4 cũng đã công bố tiếp tục giãn cách xã hội Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc có thể đến 30/4 đối với 12 tỉnh, thành thuộc nhóm nguy cơ cao. Cụ thể bao gồm Bắc Ninh, Bình Thuận, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hà Tĩnh và Tây Ninh.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng chính việc cách ly xã hội khiến một phần lớn doanh nghiệp đóng cửa, tác động đến kinh tế. Ông đưa ra hai dự báo cho nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển thế nào trong thời gian tới dưới tác động của COVID-19:
“Dưới giả thuyết dịch bệnh có thể kiểm soát được, tức vẫn không có người chết, số người lây nhiễm dừng lại không tăng tiếp tục như một ‘flat curve’ – một đường biểu diễn lên đến cực điểm rồi đi ngang và đi xuống, trong trường hợp đó nếu xảy ra vào cuối tháng 4 thì tôi nghĩ rằng nền kinh tế Việt Nam có cơ hội dần phục hồi vào Quý III, IV năm 2020 và có thể trở vào mức bình thường vào giữa năm 2021.
Còn trong trường hợp dịch bệnh nếu không kiểm soát được, tức cuối tháng 6 số người lây nhiễm vẫn tăng và có thể có người chết thì trong trường hợp đó chính phủ dùng những biện pháp mạnh để ngăn ngừa sự lây nhiễm. Lúc đó nền kinh tế Việt Nam sẽ đi vào khủng hoảng và chắc chắn sự tăng trưởng sẽ chậm lại rất nhiều trong năm 2020 và có lẽ không thể có dự báo nào tình hình kinh tế trong tương lai được.”
Trong khi đó, bà Amy Searight thuộc CSIS lại cho rằng Việt Nam được đánh giá là nước nổi bật trong tất cả các dự báo về nền kinh tế ASEAN vì là nước duy nhất duy trì tăng trưởng vừa phải vào năm 2020, trong khoảng từ 2,7-4,8%, và dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định:
“Việt Nam là nền kinh tế đang hội nhập rất sâu sắc và phụ thuộc rất nhiều các nhân tố bên ngoài và thị trường toàn cầu kể cả xuất khẩu, nhập cầu, cũng như nguồn vốn và các nguồn lực khác cho tăng trưởng. Nếu tình hình xấu hơn và các nền kinh tế lớn Việt Nam có quan hệ kinh tế chặt chẽ bị ảnh hưởng nhiều thì có thể tình hình Việt Nam còn xấu hơn nữa.”
Trên thực tế, bà Phạm Chi Lan thừa nhận nhân tố bên trong và bên ngoài đều không thuận đường cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay.
Thủ tướng CSVN tuyên bố sẽ hỗ trợ
lương thực và nhu yếu phẩm cho các nước có dịch
Tin Vietnam.- Trang Doanh nhân trẻ Việt Nam loan tin, trong cuộc họp trực tuyến hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch coronavirus 19 diễn ra vào ngày 14 tháng 4 năm 2020, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Cộng sản Việt Nam đã tuyên bố sẽ hỗ trợ các nước có dịch.
Theo đó, có 10 lãnh đạo của các nước thành viên ASEAN tham dự cuộc họp. Tại đây, ông Nguyễn Xuân Phúc khoe về những thành quả của nhà cầm quyền trong việc kiểm soát dịch. Đồng thời ông Phúc khẳng định với các nước là sẽ hỗ trợ họ, và duy trì hoạt động kinh tế bình thường, cung cấp lương thực, cùng các sản phẩm là nhu cầu thiết yếu theo yêu cầu của các nước.
Tuyên bố này của ông Phúc một lần nữa lại gây bất mãn trong dư luận mạng xã hội Việt Nam. Vì từ khi xuất hiện dịch coronavirus 19 đến nay, người dân Việt Nam chưa nhận được bất kỳ một sự hỗ trợ nào của nhà cầm quyền, ngược lại, ông Phúc và thuộc cấp của mình liên tục kêu gọi người Việt Hải ngoại gửi tiền về, và người dân trong nước góp tiền cho nhà cầm quyền chống dịch.
Ngay cả việc mua gạo để dự trữ cho quốc gia nhà cầm quyền cũng chỉ dừng lại ở hành động mị dân, khi vừa qua cơ quan Dự trự Nhà nước thông báo nhà cầm quyền mới chỉ mua được 7,700 tấn gạo để dự trữ. Số gạo này chỉ đủ cho hơn 90 triệu dân Việt ăn trong một bữa.
Còn số tiền mà ông Phúc nhiều lần hứa sẽ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch gây ra, nhưng đến nay người dân Việt vẫn chưa nhận được đồng nào.
Còn về mặt kinh tế, các hoạt động sản xuất của hầu hết các nước trên thế giới đang bị đình trệ, nhiều quốc gia phải phong toả, trong khi kinh tế Việt Nam phụ thuộc cả về nguyên liệu lẫn đầu ra thì không biết ông Phúc sẽ duy trì các hoạt động kinh tế bằng cách nào?
An Nhiên
Việt Nam tạm dừng xuất khẩu
thuốc phòng, chống COVID-19
Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế gửi công văn hỏa tốc đến các đơn vị sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc về việc tạm dừng xuất khẩu thuốc phòng, chống COVID-19, bắt đầu từ ngày 16/4 cho đến khi Cục có thông báo mới.
Theo đó, công văn được thực hiện dựa trên Chỉ thị số 15 của Thủ tướng ký ngày 27/3/2020 và Văn bản số 153 ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Cụ thể, trong Chỉ thị số 15, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế và các phương án phòng, chống dịch bệnh, kể cả việc huy động cơ sở vật chất của các tổ chức, doanh nghiệp, đảm bảo sẵn sàng ứng phó dịch bệnh trên diện rộng.”
Còn tại Văn bản 153, ông Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống COVID-19 cũng giao Bộ Y tế: “Trước mắt, tạm dừng xuất khẩu các loại thuốc sử dụng trong điều trị COVID-19.”
Vì vậy, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu các đơn vị sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc tạm dừng việc xuất khuẩt thuốc trong Danh mục thuốc sử dụng trong điều trị COVID-19 nhằm đảm bảo nguồn cung, dự trữ thuốc phòng, chữa bệnh cho người dân trong nước.
Danh mục thuốc sử dụng trong điều trị COVID-19 cũng được ban hành kèm theo công văn.
Danh mục này được xây dựng trên cơ sở quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế gồm Quyết định số 941 ngày 17/3/2020 về việc ban hành Danh mục trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu của 1 khu vực điều trị cách ly người bệnh COVID-19 và Quyết định số 1344 ngày 25/3/2020 về việc ban hành chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 gây ra.
Trong khi đó, mặt hàng khẩu trang y tế, đồ phòng hộ và thiết bị y tế phòng chống COVID-19 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho xuất khẩu không khống chế tỷ lệ, với điều kiện đảm bảo nhu cầu trong nước.
Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận vừa nêu tại cuộc họp thường trực Chính phủ phòng, chống COVID-19 diễn ra ngày 15/4.
Trước đó, Việt Nam thực hiện Nghị quyết 20, khống chế tỷ lệ xuất khẩu 25% với mặt hàng khẩu trang y tế phòng, chống COVID-19, khẩu trang y tế, đồ phòng hộ.
Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 15/4 đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định này, tạo điều kiện cho xuất khẩu các mặt hàng trên, ‘không để lỡ thời cơ’ khi nhu cầu khẩu trang y tế, các thiết bị phòng dịch tại một số quốc gia, khu vực rất lớn.
Virus corona: Thói quen công kích của người Việt
dưới cái nhìn của một người Mỹ
Tina Hà GiangBBC News Tiếng Việt
Stephen Turban, một người Mỹ hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam nhận định về thói quen công kích trong ”chủ nghĩa tập thể” của người Việt.
Công kích tập thể, nhất là trên mạng xã hội, là thói quen đã có từ lâu của người Việt Nam.
Quanh chúng ta không thiếu thí dụ. Một blogger nối tiếng gần đây bị ồn ào tấn công trên mạng vì nói rằng về đề tài virus corona thì không nên tin lời lãnh đạo, mà nên nghe chuyên gia y tế, và nước Mỹ không vĩ đại.
Trước đó, một bệnh nhân người Việt trở về từ Âu châu vào đầu tháng Ba, cũng bị đả kích kịch liệt. Bệnh nhân này trước khi trở về Việt Nam chỉ ho nhẹ và không có dấu hiệu sốt, rồi vào nhà thương tại đây sau khi bị ho nặng hơn. Sau khi bị xét nghiệm dương tính, họ không chỉ phải đối diện với việc bị nhiễm virus, mà còn bị ném đá không thương tiếc trên mọi phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Bình luận về việc này, Stephen Turban, một người Mỹ tốt nghiệp Đại học Harvard, hiện đang làm việc cho Đại học Fulbright Việt Nam, và đã sống ở Việt Nam được một năm, viết trong một bài xã luận:
”Theo tôi điều xảy ra cho bệnh nhân này là nạn miệt thị công cộng. Tin đồn về họ lan tràn với với tên thật và địa chỉ bị rò rỉ công khai. Những gì bệnh nhân này làm, nhìn từ góc độ cá nhân, không cố tình có ác ý. Tuy nhiên, xã hội Việt Nam đã biến họ thành một ví dụ để cảnh báo cho những người khác. Một đạo đức tập thể đạt được không phải bằng cách ca ngợi lòng vị tha, mà là bằng cách làm xấu hổ một người đã vô tình làm tổn thương người khác.”
Nhận xét như thế trong trường hợp này, nhưng Stephen lại có cái nhìn chung khá tích cực về thói quen công kích, mà ông cho là một thành phần tất yếu trong ”tinh thần tập thể” của người Việt.
Stephen Turban so sánh sự khác biệt giữa ”tinh thần tập thể” tại Mỹ mà ông hiểu từ hồi còn 15 tuổi, lúc đang sống ở tiểu bang Missouri, và ”tinh thần tập thể” tại Việt Nam mà ông chiêm nghiệm và mới chợt hiểu sau thời gian cách ly xã hội vì virus corona tại đất nước hiện giờ ông đang sống và làm việc.
”Khi còn học trung học, tôi hiểu về khái niệm tinh thần tập thể và tinh thần cá nhân một cách rất trực giác. Một xã hội cá nhân có những người tập trung chủ yếu vào bản thân và quyền lợi của riêng họ. Một xã hội tập thể có xu hướng tập trung vào cộng đồng rộng lớn hơn.” Ông viết.
”Chỉ sống ở Việt Nam trong thời đại virus corona, tôi mới bắt đầu hiểu được ”tinh thần tập thể” thực sự có ý nghĩa gì. Như tôi thấy trong vài tháng gần đây, tinh thần tập thể ở đây [Việt Nam] hoàn toàn khác với sự phân biệt tách bạch giữa nhóm với cá nhân mà tôi có thời trung học. Xã hội này không đơn giản là vị tha, và xã hội kia không đơn giản là ích kỷ. Thay vào đó, những chuẩn mực này được thể hiện một cách khác nhau ở các nơi.”
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt về đánh giá của mình về tinh thần tập thể được áp dụng ở Việt Nam, Stephen Turban khẳng định:
”Là một người Mỹ tự cho là mình hơi theo chủ nghĩa cá nhân, tôi thấy rất ấn tượng về cách Việt Nam và các nước châu Á khác ứng xử trước đại dịch gây ra bởi Covid-19. Tôi nghĩ rằng có nhiều điều để chúng tôi ở Mỹ và phương Tây học hỏi về về tinh thần tập thể cần phải có để chống lại các loại khủng hoảng cộng đồng này.”
BBC:Ông có thể nói một cách khái quát về ”chủ nghĩa tập thể” như ông thấy được áp dụng ở xã hội Việt Nam?
Stephen Turban: Theo tôi, tinh thần tập thể hay chủ nghĩa tập thể, như được áp dụng ở Việt Nam có bốn điểm chính. Trước tiên, chủ nghĩa tập thể liên quan mật thiết đến cả việc làm nhục công cộng lẫn việc gắn kết xã hội. Điều đó có nghĩa là mọi người kiểm soát lẫn nhau và đảm bảo rằng quần chúng sẽ biết, nếu có ai đó đưa ra một quyết định tồi tệ cho xã hội. Đưa chuyện hay ngồi lê nói mách là một điều quan trọng trong chủ nghĩa tập thể.
Thứ hai, các chuẩn mực xã hội ở một nước có chủ nghĩa tập thể lan truyền nhanh hơn ở các quốc gia theo chủ nghĩa cá nhân. Nói chung, điều này có nghĩa là mọi người học và áp dụng các “chuẩn mực” mới trong xã hội nhanh chóng hơn.
Thứ ba, mọi người có xu hướng tập trung vào khái niệm “có ý thức” hơn là khái niệm tự do cá nhân.
Cuối cùng, mọi người sẵn sàng chịu hy sinh một chút trong cuộc sống của cá nhân, (nếu điều đó giúp ích cho tập thể. (Như việc đeo khẩu trang chẳng hạn, người ta có thể không thấy cần thiết phải đeo để bảo vệ chính họ, nhưng vẫn cứ đeo để bảo vệ người khác).
BBC: Nhiều người có thể sẽ không đồng ý với nhận xét rằng ‘người ta dễ có quyết định để giúp người khác mà không có lợi gì cho bản thân họ’ hay tinh thần tập thể trong thí dụ ông đưa ra về việc đeo khẩu trang. Vì nghĩ rằng đeo khẩu trang giúp bản thân họ, cho nên nhiều người đã đổ xô đi tích trữ khẩu trang, tạo ra tình trạng khan hiếm cho những người thật sự cần. Ông nghĩ sao về điều này?
Stephen Turban: Chắc chắn là nhiều người đã mua và tích trữ khẩu trang để bảo vệ chính mình. Tôi đồng ý với điều đó. Tuy nhiên, tôi sẽ nói rằng thường thì tôi có kinh nghiệm rằng một người bình thường ở Việt Nam hoặc ở những nơi như Đài Loan hoặc Trung Quốc, có nhiều khả năng đeo khẩu trang đơn giản vì họ nghĩ rằng nó tốt cho người khác. Điều đó có nghĩa là lập luận “điều này sẽ giúp người khác” có sức thuyết phục ở Việt Nam cao hơn ở Mỹ.
Thí dụ, người dân Việt Nam trước khi có virus corona vẫn thường đeo khẩu trang. Đây không phải là vì họ muốn tránh bị bệnh, mà vì họ không muốn truyền bệnh cho người khác.
Điều chính tôi muốn nói ở đây không phải là người Việt Nam vị tha và người ở Mỹ ích kỷ. Mà là, khi bạn cung cấp cho cả hai nhóm cùng một số thông tin và đề nghị về cách nên hành xử, hai nhóm sẽ hiểu và giải thích những điều này một chút khác nhau. Đó là lý do tại sao tôi tuyên bố là người trong các nền văn hóa tập thể có nhiều khuynh hướng làm những điều tốt cho người khác mà không có lợi mấy cho mình.
BBC:Nhiều người không tán thành ”tâm lý bầy đàn” trong việc công kích hay làm nhục một cá nhân trước công chúng, nhất là khi việc này xảy ra một cách vô căn cứ. Ông dùng từ ”trừng phạt” để nói về động thái này trong bài viết. Ông nghĩ gì về thói quen trừng phạt này, nhất là khi so sánh nó với khái niệm củng cố điều tích cực (positive reinforcement) của Tây phương?
Stephen Turban: Tôi cho rằng khía cạnh “trừng phạt” thực ra chính là một yếu tố của chủ nghĩa tập thể. Ví dụ, trong ‘trò chơi lặp lại’ (repeated game) khi cố gắng tạo ra một xã hội gồm những người “hợp tác”, bạn thường cần có những người trừng phạt người khác vì đã làm sai điều gì đó. Nói một cách đơn giản, để tạo ra một xã hội trong đó mọi người giúp đỡ lẫn nhau, bạn cần có khả năng trừng phạt những người chỉ lợi dụng người khác. Trước đại dịch Covid-19, tôi cũng cảm thấy hơi tiêu cực về cảm giác “tâm lý bầy đàn” mà tôi thấy ở những nơi như Việt Nam – đặc biệt là về tin đồn. Nhưng, Covid-19 thực sự khiến tôi nghĩ rằng tin đồn đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì xã hội.
Tuy nói thế, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là mọi người không nên quá vội vàng miệt thị người khác, đặc biệt khi nghe những tin đồn không đúng sự thật. Cần phải xác minh trước khi trừng phạt người khác bằng đưa chuyện của họ đi khắp nơi.
Ở phương Tây, và đặc biệt là Hoa Kỳ, ít ai miệt thị một người làm điều gì đó không tốt cho tập thể. Điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ không có văn hóa miệt thị. Nhưng ở Mỹ, sự chỉ trích thường xuất hiện khi chúng tôi nhận thấy ai đó làm tổn thương tự do của người khác (ví dụ: chỉ trích một ai đó phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt giới tính.)
Hoa Kỳ có rất nhiều người có lòng vị tha và tinh thần cộng đồng; nhưng, tôi tin rằng lòng vị tha của người Mỹ chủ yếu đến từ một văn hóa thưởng cho mọi người khi họ làm những việc tốt. Ví dụ, trong việc tuyển sinh đại học ở Mỹ, học sinh nộp đơn được tích cực khen thưởng khi làm việc thiện nguyện hoặc thiết lập các tổ chức phục vụ cộng đồng.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-52292028
Cảnh giác trước âm mưu và hành động
của Trung Quốc ở Biển Đông
Nguyễn Lý Sơn
Hiện nay, dịch bệnh trên thế giới vẫn đang ở trong tình trạng căng thẳng. Số lượng người nhiễm virus Sars Cov 2 và chết bởi dịch COVID 19 vẫn tăng lên từng ngày. Các nước châu Âu và Hoa Kỳ đang căng mình để chống dịch. Nhân cơ hội đó, đang xuất hiện khoảng trống quyền lực, nên Trung Quốc đang tận dụng thời cơ để tăng cường ảnh hưởng nhằm phát huy các lợi thế của mình, trong đó có biển Đông.
Gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động trên biển Đông. Các hoạt động tập trận, dùng tàu sân bay giễu võ giương oai, đe doạ Đài Loan, và mới đây là đâm chìm tàu cá Việt Nam là bằng chứng cho các hoạt động đó.
Việt Nam đã kiên quyết phản đối hành động sai trái này. Đồng thời, ngày 30/3/2020, Việt Nam cũng đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản bác các lập luận và luận điểm sai trái của Trung Quốc trong các bản công hàm của họ ngày 12/12/2009 và ngày 23/3/2020.
Rất có thể, vì công hàm ngày 30/3/2020 của Việt Nam, cùng với việc quan hệ Việt – Mỹ ngày càng phát triển, mà Trung Quốc đã “hăm doạ” và “trả thù” bằng cách cho đâm chìm tàu cá, mặc dù trước đó, các tàu cá Việt Nam không bị ngăn cản khi vào sâu sát đất liền của Trung Quốc để bán hải sản.
Bộ Ngoại giao Philippines, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, các Nghị sĩ Hoa Kỳ đã ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam và lên án Trung Quốc trong sự kiện đâm chìm tàu cá vừa rồi.
Trung Quốc rất bực sau sự kiện vừa rồi, đặc biệt sau khi các giới chức Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Dự kiến thời gian sắp tới, Trung Quốc sẽ tìm cách gây sức ép với Việt Nam trên 5 lĩnh vực sau :
Về kinh tế. Tương tự như đã trả thù kinh tế với Philippines sau khi Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà trọng tài năm 2013. Khả năng, Trung Quốc sẽ tìm cách chặn việc xuất khẩu hàng hoá nông sản của Việt Nam tại các cửa khẩu biên giới bằng các hàng rào kỹ thuật. Báo chí đã cho biết nhiều đoàn xe vận tải nông sản đang bị ứ tại các cửa khẩu biên giới, khiến bà con nông dân và thương lái thiệt hại nặng nề. Bởi vì Trung Quốc yêu cầu nhập hàng hoá chính ngạch chứ không phải con đường tiểu ngạch. Yêu cầu này khiến người dân Việt Nam không thể đáp ứng trong một thời gian ngắn, khiến cho hàng hoá nông sản bị hư hỏng vì không để lâu được. Ngoài ra, Trung Quốc có thể gây sức ép về kinh tế với nhiều mặt hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu sang Trung Quốc, cũng như chặn hoặc hạn chế các nguyên liệu cần thiết cho sản xuất mà Việt Nam cần thiết phải nhập từ Trung Quốc. Trong status ngày 12/4/2020 trên Facebook của nhà báo Vũ Kim Hạnh – Nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, Nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn tiếp thị, hiện là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng chất lượng cao Việt Nam, cho biết, đã có người nhờ bà giúp mua lại một số doanh nghiệp Việt Nam nằm trong “danh sách đen” của Hải quan Trung Quốc. Các doanh nghiệp này vì nằm trong “danh sách đen” của Hải quan Trung Quốc nên không thể xuất hàng sang Trung Quốc được, và có nguy cơ phá sản. Chính vì vậy, các “ông chủ” Trung Quốc đang lùng mua các doanh nghiệp Việt Nam đang lâm vào tình trạng khó khăn này. Để làm gì thì ai cũng biết, đó là phục vụ cho nhiều mục đích của Trung Quốc.
Trên thực địa, Trung Quốc có thể sử dụng lực lượng dân quân biển vốn là lực lượng hải quân trá hình, cùng với các tàu Hải cảnh, Hải giám hỗ trợ để quấy nhiễu, đe doạ cô lập các cấu trúc ngoài Trường Sa mà Việt Nam đang chiếm giữ. Đặc biệt, các lực lượng này nếu bao vây các giàn DK gần khu vực Tư Chính thì phía Việt Nam sẽ gặp nguy hiểm, bởi vì dự trữ lương thực cùng các nhu yếu phẩm cho các chiến sĩ trên DK chỉ sử dụng trong vòng hai tháng mà thôi.
Trung Quốc có thể mua chuộc, lôi kéo ngư dân Việt Nam để phục vụ cho các mục đích của họ. Ví dụ, vừa rồi họ đã cố tình để cho nhiều ngư dân Việt Nam vào sâu trong các vùng biển Trung Quốc để bán cá với giá cao hơn, tuy nhiên bất ngờ họ có thể đâm chìm như vừa rồi. Ngoài ra, cơ quan an ninh trước đây cho biết có ngăn chặn được một số vụ mang tàu cá của Việt Nam với đầy đủ số hiệu chuyển qua đường bộ sang Trung Quốc. Các tàu này chắc chắn để thực hiện các ý đồ không tốt. Chưa kể Trung Quốc còn có thể tăng giá, tìm cách thu hút mua hải sản của Việt Nam, khiến các ngư dân Việt Nam mạo hiểm đi đánh cá tại những vùng nguy hiểm hoặc thuộc vùng biển của các quốc gia khác. Và từ đó, Trung Quốc sẽ cung cấp thông tin chứng minh ngư dân Việt Nam luôn xâm phạm và đánh cá trộm nên bị đâm chìm là không có gì sai. Mới đây, ngày 11/4, Mark Valencia đã viết bài trên Bưu điện Hoa Nam buổi sáng để kết luận là dựa trên số liệu thì ngư dân Việt Nam là người đánh bắt cá trộm lớn nhất ở khu vực biển Đông.
Trung Quốc đang mở rộng các hoạt động của các phương tiện quân sự của họ trên biển Đông. Thông tin cho biết, tàu sân bay Liêu Ninh của họ đang hướng về biển Đông, đi qua eo biển Ba Sỹ. Trung Quốc có thể nhân cơ hội Mỹ đang giảm sự xuất hiện của các tàu sân bay vì dịch bệnh, để tuyên bố một vùng nhận diện phòng không tại khu vực Hoàng Sa và 7 căn cứ quân sự mà Trung Quốc đang chiếm ở Trường Sa, như một phép thử xem khả năng đe doạ và phản ứng của thế giới tới đâu. Khu vực biển này thì Trung Quốc hoàn toàn có thể kiểm soát được trong thực tế.
Ngoài ra, 15/5 hàng năm, từ 1999, Trung Quốc đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, nhưng các lực lượng của Trung Quốc bắt đầu thi hành lệnh này năm 2007. Năm nay, Trung Quốc có thể tuyên bố và đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá này từ đầu tháng 5 để “dằn mặt” các quốc gia khác. Hiện nay, tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá đang di chuyển tới vùng biển giáp ranh giữa Malaysia và Việt Nam. Không loại trừ các hành động xâm phạm, bao vây các phương tiện thăm dò dầu khí của Malaysia và Việt Nam, cũng như có thể “giương đông kích tây” để ra tay ở các địa điểm quan trọng khác.
5. Trung Quốc còn có thể tìm cách can thiệp vào nhân sự của Việt Nam. Năm nay Việt Nam đang bước vào thời kỳ chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIII. Thủ đoạn quen thuộc của Trung Quốc là thu thập thông tin, tìm các điểm yếu, các sai phạm, dàn dựng các hình ảnh và thông tin có tính chất xấu để can thiệp vào quá trình chuẩn bị và thực hiện nhân sự của Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do