Tin Việt Nam – 16/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 16/04/2018

Học sinh tiểu học Diễn Đoài tiếp tục bãi khóa

Gần 300 em học sinh trường tiểu học xã Diễn Đoài, tỉnh nghệ An hôm 16 tháng 4 năm 2018 tiếp tục bãi học, cùng một số phụ huynh xuống đường phản đối lạm thu của trường tiểu học xã Diễn Đoài.

Một phụ huynh tên Tình có con em hiện đang học tại trường cho chúng tôi biết nguyên nhân dẫn đến việc phụ huynh đồng loạt cho con em họ nghỉ học:

“Nhà trường đã lạm thu từ đầu năm học, theo công văn 1643 của tỉnh nghệ an và công văn quyết định 1517 của tỉnh Nghệ An, đối với trường đạt tiêu chuẩn quốc gia thì không được thu tiền học 2 buổi trên ngày nhưng nhà trường đã lạm thu số tiền đó và phụ huynh đã quyết định cho con em nghỉ học để phản đối việc lạm thu của nhà trường”

Vẫn theo anh Tình thì nhà trường và ủy ban có đến vận động các phụ huynh nhiều lần nên cho các em trở lại học nhưng bên phía phụ huynh đã quả quyết không chấp hành cho đến khi có được sự giải quyết thích đáng từ các cấp chính quyền, và yêu cầu chính quyền phải về làm việc.  Vẫn theo anh Tình thì các phụ huynh đã nhiều lần lên tiếng từ đầu năm học đến nay cũng như đã gởi đến khiếu nại lên đến các cấp huyện, cấp tỉnh, nhưng mãi đến nay vẫn chưa có văn bản phản hồi.

“Chỉ có một văn bản của tỉnh hứa sẽ giải quyết trong vòng 60 ngày sẽ giải quyết nhưng các phụ huynh cảm thấy lâu quá nên quyết định cho các em nghỉ học.  Theo em được biết các phụ huynh cho con em nghỉ học đến khi cấp chính quyền về làm việc có 1 công văn trả lời thỏa đáng thì các phụ huynh sẽ cho con em quay lại trường thôi”

Chúng tôi cũng đã liên lạc với hiệu trưởng của trường là cô Đặng Thị Anh Đào nhưng nhiều lần liên lạc đều không thành công.  Đài Á Châu Tự Do cũng đã cố gắng liên lạc với thầy Hựu là giáo viên lớp 5 của trường để tìm  hiểu vụ việc nhưng ông từ chối trả lời với lý do bận giảng bài:

“Anh muốn gặp thì anh đến trực tiếp chứ tôi hiện tại đang phải giảng bài đang dạy học sinh anh thông cảm”

Vụ việc khởi phát vào ngày 23 tháng 2 năm nay khi một số phụ huynh học sinh xã Diễn Đoài đến chất vấn nhà trường về biện pháp đuổi học con em của họ. Những người trong cuộc cho biết lúc đó họ bị nhóm mệnh danh ‘đội bảo vệ tự quản’, thường được gọi là ‘Đội Cờ Đỏ’ đến đàn áp, hành hung họ bằng hung khí như gậy gộc, tuýp sắt.

Các phụ huynh trong cuộc đã làm đơn tố cáo vụ việc; tuy nhiên đến ngày 27 tháng 3, trường tiểu học Diễn Đoài tiếp tục đuổi học 5 học sinh nên phụ huynh đến gặp chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã chất vấn và yêu cầu can thiệp nhưng người đứng đầu cơ quan hành chính cấp xã Diễn Đoài thoái thác trách nhiệm.

Từ ngày 9 tháng tư, chừng 300 học sinh của trường tiểu học xã Diễn Đoài lại nghỉ học.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/primary-students-repeat-school-strike-to-protest-illegal-collections-04162018091007.html

 

Công an phạt nhà báo độc lập loan tin giáo viên bị lừa

Nhà báo độc lập Ngô Văn Dũng bị công an địa phương tỉnh Đắk Lắk sách nhiễu và xử phạt hành chính vì tác nghiệp đưa tin vụ 600 giáo viên bị lừa đảo, mất tiền mất việc.

Theo biên bản xử phạt đề ngày 12 tháng 3, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo công an Thị trấn Phước An xử phạt hành chính, phạt tiền 2 triệu đồng đối với nhà báo độc lập Ngô Văn Dũng vì lý do quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ khu vực cấm và buộc phải nộp phạt trong thời hạn 10 ngày.

Vào ngày 9 tháng 3, Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk, Đắk Lắk đã thông báo với hơn 500 giáo viên rằng đã tuyển dụng dôi dư và sẽ tổ chức thi tuyển viên chức giáo viên năm 2018 với chỉ tiêu khoảng 80 người.

Theo đó, có hơn 500 người trong tổng số hơn 600 giáo viên đang dạy hợp đồng không đủ điều kiện thi tuyển, đồng nghĩa mất việc, tự kiếm việc khác.

Số giáo viên hợp đồng dôi dư này do 3 đời chủ tịch huyện Krông Pắk ký tuyển dụng trước đó.

Sau khi báo chí phanh phui sự việc thì chính phủ chỉ định tỉnh Đắk Lắk phải điều tra.

Tuy nhiên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk vào ngày 22 tháng 3 lại có công văn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị chỉ đạo các cơ quan báo chí tạm dừng đưa tin vụ 500 giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc để tránh “làm nóng vấn đề”.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/police-harassed-independent-journalist-ngo-van-dung-04162018083431.html

 

Việt Nam:

Mở đầu của các phong trào xã hội qua mạng

Mai DươngĐại học Công nghệ Sydney

Giới đấu tranh Việt Nam lo ngại Facebook ‘thỏa hiệp’

Truyền thông Việt Nam ‘bênh’ Nga và Syria?

Các học giả quốc tế đã chú ý xu hướng gia tăng của người Việt dùng Facebook như nguồn thông tin thay thế cho truyền thông dòng chính bị nhà nước kiểm soát.

Sự phổ biến của Facebook cũng đem lại thêm các cơ hội khác, trở thành không gian công cộng mới để trao đổi ý kiến về các khủng hoảng xã hội, thảo luận và phản ứng về chính trị.

Bài báo này muốn mở rộng chủ đề bằng cách nói về hiện tượng mới nhất: những ‘Facebooker’ người Việt chủ động hơn và kết liên với nhau để tạo sức ép với giới chức giải quyết các vấn đề xã hội. Việc “đến cùng nhau” của các cá nhân được cho là có thể đặt những viên gạch đầu tiên để thành lập các phong trào xã hội dựa trên internet, như lý thuyết gia Manuel Castells từng đề cập.

Kết nối thành phong trào

Internet và sức mạnh của nó trên toàn cầu đã được công nhận như Cột trụ thứ Năm đi đôi với truyền thông đại chúng. Cột trụ thứ Năm có những cá nhân kết nối với nhau – đây lá ý tưởng trung tâm của một “xã hội mạng” theo lời lý thuyết gia Manuel Castells.

Mỗi xã hội có một “hình thức cụ thể” của quyền lực và phản quyền lực. Castells nói rằng việc thực thi phản quyền lực có thể dẫn tới hình thành các phong trào xã hội nối mạng.

Các phong trào xã hội được hình thành khi nhiều cá nhân cảm thấy bị sỉ nhục, bóc lột, bỏ qua hay không được đại diện.

Nguyên nhân của những tình cảm này có thể là xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, tâm lý, nhưng chúng rốt cuộc biến thành “quá trình hành động tập thể”, được biểu đạt qua các phong trào xã hội của thời đại kỹ thuật số.

‘Vì cây xanh Hà Nội’

Ngày 17/3/2015, một nhà báo lâu năm, Trần Đăng Tuấn, gửi thư ngỏ cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị tạm dừng việc hạ chặt cây xanh trên các tuyến phố Hà Nội. Kế hoạch đầu năm 2015 có mục tiêu loại bỏ 6700 cây xanh – tương đương 23,19% – trên 190 tuyến phố Hà Nội.

Lúc đó, các bàn tán trên cộng đồng Facebook đã vượt khỏi chỗ bạn bè và giải trí để thảo luận các vấn đề liên quan cây xanh. Người dùng đăng các bài lên án kế hoạch, tường thuật việc chặt cây ở nơi họ ở, chia sẻ hình ảnh những cây còn xanh đã bị gỡ bỏ, hình phụ huynh và các con ôm cây, kêu gọi người khác phản đối kế hoạch. Nhiều diễn đàn được mở để điều tra các điểm bất thường của kế hoạch chặt cây, kêu gọi các thành viên phản đối.

Sau sức ép dư luận, giới chức Hà Nội miễn cưỡng quyết định tạm dừng kế hoạch ngày 20/3/2015. Nhưng chuyện chưa kết thúc ở đó.

Tại một cuộc họp báo, một phó chủ tịch UBND TP Hà Nội có bài nói 20 phút giải thích mục tiêu kế hoạch chặt cây nhưng không trả lời câu hỏi phóng viên. Hôm 18/3, một lãnh đạo Hà Nội được báo chí chính thống dẫn lời nói việc chặt hay trồng cây là việc của giới chức.

Sau những diễn biến này, kế hoạch chặt cây của Hà Nội trở thành chuyện chi phối trong các thảo luận online và trên các diễn đàn. Người dùng Facebook không chỉ bấm like, chia sẻ hay bình phẩm. Họ còn tạo các trang Fan Page đánh giá kế hoạch, với đa số phản đối.

Nhóm lớn nhất, 6700 người vì 6700 cây xanh, được một bà nội trợ ở Hà Nội tạo ra. Chỉ vài ngày, hơn 10.000 đã gia nhập nhóm, kéo lên tới 62.000 thành viên tính tới 28/4/2015. Các thành viên có cả nhà báo, nghệ sĩ, khoa học gia, người đủ thành phần.

Hoạt động của trang vượt quá khuôn khổ một diễn đàn thảo luận online. Các thành viên ký thỉnh nguyện thư, gửi cho lãnh đạo thành phố, tổ chức “tuần hành vì cây” trong hai ngày Chủ nhật 22 và 29/3/2015.

Dưới sức ép xã hội gia tăng, giới chức Hà Nội buộc phải ngừng kế hoạch, xin lỗi công chúng và kỷ luật một số viên chức.

Các nhà hoạt động xã hội bình luận rằng chiến dịch chống chặt cây là bằng chứng tích cực về tiến bộ của phong trào dân sự. Một số nhà hoạt động gọi đây là bước tiến về dân chủ, còn một số người khác vui mừng trước phản ứng đoàn kết của người dân và sự khoan nhượng bất ngờ của lãnh đạo Hà Nội trước các cuộc phản đối.

Trả lời tôi, người soạn lá thư ngỏ Trần Đăng Tuấn nói rằng ông xem hiện tượng này là hình thức “phản biện xã hội” vì người dân “có thể và cần có ý kiến về những gì thiết thân với họ”.

Khi dân mạng hoạt động

Ta có thể xác định nhiều tác động xã hội từ phong trào ủng hộ cây ở Hà Nội. Đó là lần đầu tiên công chúng có thể chứng tỏ sức ép lớn qua mạng và ngoài đời, buộc giới chức phải xin lỗi và không áp đặt kế hoạch họ muốn.

Đó cũng là lần đầu tiên Facebook được xem là “hàn thử biểu” mà chính quyền sử dụng để đánh giá thái độ dân chúng, lắng nghe tiếng nói công luận để giúp các quyết định hành chính.

Tiếng nói các công dân mạng còn tác động truyền thông nhà nước, khiến họ tập trung vào lo lắng của cộng đồng mạng chứ không nói giùm giới chức như nhiệm vụ tuyên truyền. Thống kê thu thập từ 17/3 tới 30/4/2015 ở bốn tờ báo mạng lớn cho thấy nhiều bài vở về chủ đề: VnExpress có 28 kết quả, VietnamNet 28, Tuổi Trẻ 10 và Thanh Niên 24. Câu chuyện được tường thuật từ nhiều góc độ, bằng cách viết báo chí điều tra công bằng và chất lượng.

Chủ đề chặt cây cũng nhanh chóng lên tin trên báo chí nước ngoài như BBC, Reuters, AFP, VOA.

Các nhà bình luận nói rằng báo chí đã ủng hộ công dân mạng mạnh mẽ hơn trong chuyện này vì nếu họ tường thuật về bê bối, mạng xã hội và blogger sẽ làm thay họ. Những nhà quan sát khác lại đặt câu hỏi liệu có động cơ chính trị đằng sau cách tường thuật cởi mở hiếm hoi của báo chí, do Đảng Cộng sản đang chuẩn bị thay đổi lãnh đạo vào năm 2016.

Phong trào xã hội lớn dậy trên mạng

Câu chuyện chặt cây ở Hà Nội năm 2015 cần được xem là hiện tượng vì nó tạo ra các phong trào xã hội trên mạng, khiến người dùng internet thường xuyên đăng bình luận và nêu ý kiến về chính trị đời thường.

Đầu năm 2016, một phong trào tẩy chay trên mạng lại diễn ra phản đối công ty Tân Hiệp Phát vì cách đối xử với một khách hàng.

Tháng 5/2016, cộng đồng Facebook tham gia phong trào lớn phản đối việc xả thải từ nhà máy thép Formosa Đài Loan, gây ra cá chết tại các tỉnh miền Trung. Sự phát triển của phong trào phản đối Formosa trên mạng có diễn biến tương tự phong trào cây xanh Hà Nội nhưng có tác động lớn hơn ngoài đời. Đã xảy ra các vụ biểu tình lớn ở các thành phố lớn cho đến khi chính phủ yêu cầu tập đoàn Đài Loan trả tiền phạt 500 triệu đôla.

Các công dân mạng Việt Nam nhận ra internet đem lại nhiều cơ hội không chỉ về kinh tế, giải trí. Facebook đã trở thành không gian cho người Việt tham gia trao đổi ý kiến về các vấn đề chính sách, quản trị, tham nhũng.

Các phong trào đã chứng tỏ một số yếu tố được lý thuyết gia Castells từng chỉ ra, như việc giao tiếp giữa các người dùng qua mạng để tạo nên “trao đổi đại chúng” qua việc tham gia forum, bấm like, chia sẻ.

Ở Việt Nam, hình thức các phong trào xã hội này, tuy chỉ hạn chế trên không gian mạng, cũng nên được ghi nhận như phương tiện tiếp cận hứa hẹn cho người dân mà tiếng nói từ lâu bị bỏ qua hay đại diện sai lạc.

Cần nói rằng phong trào chống chặt cây Hà Nội và các phong trào gần đây trên mạng xã hội ở Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu. Việc chia sẻ, bấm like, bình phẩm có thể xem chỉ mới là “hoạt động nửa vời” chứ chưa dẫn tới “hoạt động thực tiễn”. Cộng đồng mạng bày tỏ ý kiến về các vấn đề xã hội hàng ngày như tham ô, vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm, y tế, giáo dục chứ không tập trung vào các vấn đề chính trị hơn, vì chúng bị chính phủ nghiêm cấm.

Các phong trào xã hội mạng thường lặng sóng sau khi giới chức Việt Nam làm giảm giận dữ với lời hứa và thay đổi nhỏ. An ninh theo dõi những người quản trị các forum mạng, và những người quản trị này phải ngăn thành viên phê phán chính phủ mạnh quá.

Mặc dù đã có những thay đổi tích cực ở Việt Nam, sự thực là internet chưa phải là không gian hoàn toàn tự do để tranh luận chính trị.

Một nhà báo dùng từ “văn hóa làng xã” để giải thích sự bắt đầu của các phong trào xã hội mạng hiện thời. Dường như ông ám chỉ rằng công chúng có thói quen đi theo ý tưởng của đa số, chứ không được khuyến khích tự nói ra ý mình. Nhưng ông nói một lợi điểm của các phong trào này là giúp người Việt “dần trưởng thành” thông qua những việc như thế.

Một số học giả quốc tế nói rằng các lý do chính là “văn hóa sợ hãi in sâu”, tự kiểm duyệt, và vẫn còn được hưởng lợi ích từ cải tổ kinh tế. Ác mộng về chiến tranh tàn phá còn ám ảnh Việt Nam, vì thế người dân ưa chuộng ổn định hiện nay hơn là đổi thay.

Khi Việt Nam đã chọn internet để phát triển kinh tế, cũng có nghĩa là chấp nhận cấu trúc xã hội sẽ biến đổi thành “các mạng thông tin” hoạt động theo logic riêng.

Bài viết này cho rằng phong trào phản đối chặt cây Hà Nội đánh dấu sự khởi đầu của các phong trào xã hội qua mạng ở Việt Nam. Dù còn hạn chế, các phong trào này có tiềm năng mở rộng quy mô, ảnh hưởng trên mạng và ngoài đời để thúc đẩy thay đổi trong các vấn đề xã hội hàng ngày.

Sẽ còn cần thêm nghiên cứu để theo dõi tiến triển của các phong trào xã hội qua mạng ở Việt Nam, khi chúng bắt đầu tiến sâu hơn vào các vấn đề chính trị. Chúng ta sẽ xem liệu chúng có chuyển hóa thành các phong trào xã hội “offline” hay sẽ bị chính quyền hủy diệt.

Dù có cả hứa hẹn lẫn rủi ro phía trước, internet là cơ hội vàng cho người Việt để có thêm tự do và dân chủ.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-43754799

 

Việt Nam ‘quan ngại’ về tình hình ở Syria

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 15/4 đã chính thức lên tiếng, một ngày sau khi ba nước phương Tây thực hiện các cuộc không kích nhắm vào chương trình vũ khí hóa học của Syria.

Trong tuyên bố ngắn không nhắc tới Mỹ, Pháp và Anh, liên minh phối hợp thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa, đăng trên trang web của Bộ, nữ phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói rằng “Việt Nam quan ngại trước tình hình hiện nay tại Syria và phản đối việc sử dụng vũ lực đe dọa cuộc sống của người dân vô tội cũng như hòa bình, ổn định tại khu vực”.

Vụ Syria: Vì sao TT Trump sử dụng lời của ông Bush?

Tổng thống Putin cảnh báo ‘hỗn loạn’ trên thế giới vì Syria

Tổng thống Donald Trump hôm 14/4 nói rằng cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu ở Syria “được thực hiện hoàn hảo” và “không thể nào đạt kết quả tốt hơn”.

Hiện chưa rõ có thương vong nào trong các cuộc tấn công có phối hợp này hay không.

“Chúng tôi cho rằng mọi xung đột và bất đồng phải được giải quyết thông qua các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia. Công ước của Liên Hợp Quốc về cấm vũ khí hóa học phải được triệt để tuân thủ”, bà Hằng nói tiếp.
Một ngày trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng đã lên tiếng “phản đối việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” đồng thời “kêu gọi tôn trọng chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác”.

Cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu hai ngày qua đã thu hút sự chú ý bàn luận của người Việt trên mạng xã hội cũng như việc đưa tin trên báo chí chính thống.

Trang VTC News dẫn lời một phóng viên người Việt từ Syria nói rằng “dân Syria đổ ra phố ăn mừng bắn hạ tên lửa Mỹ”.

Nhiều tờ báo cũng dẫn lời quan chức Nga đề cập tới chuyện Syria “hạ” nhiều tên lửa của liên quân.

Trong khi đó, truyền thông phương Tây dẫn lời quan chức Lầu Năm Góc đã “bác bỏ” tuyên bố đó từ Nga và Syria.
Trước khi Mỹ, Pháp và Anh tiến hành oanh kích, cũng giống như nhiều hãng hàng không khác, Vietnam Airlines đã phải “đổi đường bay”.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-quan-ngai-ve-tinh-hinh-o-syria/4349226.html

 

Công an bao vây buổi lễ

 kỷ niệm 1 năm khủng hoảng Đồng Tâm

Hàng ngàn người dân xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 15 tháng 4 tổ chức buổi lễ kỷ niệm 1 năm ngày xảy ra biến cố mâu thuẫn đất đai giữa người dân và chính quyền địa phương, bất chấp việc chính quyền trước đó đã tìm đủ mọi cách cản trở buổi lễ.

Người dân địa phương cho RFA biết có khoảng 2 ngàn người dân từ các thôn xóm khác nhau đã tới tham dự. Buổi lễ có sự tham gia của cụ Lê Đình Kình, một trong bốn người năm ngoái bị bắt giữ liên quan đến vụ tranh chấp đất đai tại xã Đồng Tâm. Ngoài ra còn có bà Nguyễn Thị Lan, cựu Bí thư kiêm Chủ tịch xã Đồng Tâm. Bà Lan được nói bị bãi nhiệm vì đứng lên bảo vệ người dân khi mâu thuẫn xảy ra.

Vào chiều tối ngày 16 tháng 4, cụ Lê Đình Kình cho RFA biết chính quyền đã làm nhiều biện pháp để ngăn cản buổi lễ nhưng đều thất bại:

“Những khu vực họ tưởng mình dự kiến làm là họ tổ chức suốt các hoạt động khép kín từ hôm mùng 10 đến chiều hôm 15. Thí dụ, nhà văn hóa thôn Hoành là nơi giữ 38 cán bộ cảnh sát, là họ cho hoạt động từ mùng 10. Phụ nữ họp, rồi thanh niên họp, rồi họ san sửa lát gạch lại, cho đông y về khám bệnh cấp thuốc miễn phí.”

Cũng theo lời cụ Kình, mặc dù chính quyền tìm cách cản trở như vậy nhưng buổi lễ vẫn diễn ra thành công bởi vì ban tổ chức giấu kín thông tin về địa điểm tổ chức đến tận phút chót.

Cụ Kình nói rằng hàng ngàn công an đã được sắp xếp vây kín mọi nẻo đường đến xã Đồng Tâm, cũng như bao quanh khu vực lễ kỷ niệm:

“Công an họ về bao vây ở khu vực chung quanh, tập trung khoảng 200 công an có cả vòi rồng, có cả xe bắt người. Còn ở trong xã hôm qua cũng phải vài ba trăm công an nữa. Tất cả phải đến hàng ngàn công an bao vây chung quanh.”

Một số nguồn tin cho biết trước đó cơ quan chức năng đã thuyết phục người dân đừng tổ chức buổi lễ này, và còn có những lời lẽ răn đe họ.

Một ngày trước buổi lễ, lực lượng an ninh đã canh cửa nhiều nhà hoạt động, không cho họ ra khỏi nhà như nhà hoạt động Trần Thị Thảo, nhà báo Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyên Bình, Phan Khang,…

Vụ tranh chấp đất đai giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền xảy ra đã lâu nhưng lên đỉnh điểm vào tháng 4 năm ngoái khi công an Hà Nội bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm trong đó có cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi và khiến cụ bị thương nặng trong quá trình bắt giữ. Người dân phẫn nộ với việc làm này của chính quyền nên họ đã giam 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin.

Sau đó đích thân chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, phải về xã Đồng Tâm nói chuyện với người dân, đưa ra cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân địa phương về vụ bắt giữ. Tuy nhiên đến ngày 13 tháng 6 năm ngoái, Cơ quan Điều Tra Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Đồng Tâm về hai tội danh ‘bắt giữ người trái pháp luật’ và hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản’.

Người dân Đồng Tâm luôn cho rằng họ phải đấu tranh giữ đất và mong muốn chính quyền giữ đúng cam kết, cũng như phải có giải quyết công tâm về khu đất bị cho là đất quốc phòng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thousands-of-police-officers-surrounded-the-dong-tam-anniversary-04162018085137.html

 

Việt Nam – Canada hợp tác quốc phòng

Đoàn Chương trình an ninh Quốc gia Canada do Giám đốc Đại học Quốc phòng Kevin Robert Cotton làm trưởng đoàn đang có chuyến thăm và làm việc tại Hà Nội về hợp tác quốc phòng với Việt Nam vào trung tuần tháng 4 năm 2018.

Truyền thông trong nước loan tin cho biết Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam vào sáng 16 tháng 4 đã tiếp ông Chuẩn tướng Kevin Cotton của Canada.

Theo tin trích dẫn từ buổi họp, cả hai phía Việt Nam và Canada đều cho rằng trong hơn 40 năm qua, quan hệ hợp tác đôi bên đã có nhiều bước tiến quan trọng. Trên cơ sở quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Canada, Bộ Quốc phòng hai nước đã thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, tập trung vào những lĩnh vực như công nghiệp quốc phòng, giáo dục.

Cũng trong buổi họp, Việt Nam và Canada cho biết đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng Bản ghi nhớ về hợp tác gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội cũng loan tin cho biết vào sáng cùng ngày 16 tháng 4, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội Nguyễn Hải Hưng cũng đã có buổi tiếp ông Kevin Cotton và Đoàn Chương trình an ninh Quốc gia Canada.

Ông Kevin Cotton được nói đã ghi nhận và đánh gia cao vai trò của Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội trong việc xây dựng chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Chuẩn tướng Kevin Cotton cũng được nói đã bày tỏ tin tưởng quan hệ hợp tác Việt Nam – Canada đang và sẽ phát triển tốt đẹp hơn nữa trong tương lai.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/strengthen-vietnam-canada-defense-cooperation-04162018100259.html

 

Đức sắp xét xử nghi phạm

bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh

Đức cho biết một nghi phạm tham gia vào vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh, ngay tại Berlin sẽ bị đưa ra tòa xét xử vào tuần tới.

AP loan tin dẫn nguồn từ Tòa án Berlin vào ngày 16 tháng tư nêu rõ phiên xử nhân vật có tên Long N.H. 47 tuổi sẽ được bắt đầu vào ngày 24 tháng tư. Nghi phạm bị cáo buộc tội gián điệp và là một tòng phạm trong vụ tước đoạt quyền tự do của người khác.

Cơ quan chức năng Đức nêu rõ ông Trịnh Xuân Thanh và một phụ nữ tháp tùng ông này bị bắt trên đường phố Berlin, tống vào xe và đưa về lại Việt Nam vào cuối tháng 7 năm ngoái. Ông này trước đó đã có đơn xin tỵ nạn tại Đức.

Phía Việt Nam nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về Việt Nam.

Ông Trịnh Xuân Thanh từng là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC) và chức vụ trước khi bỏ trốn là Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hậu Giang.

Vào ngày 5 tháng 2 vừa qua, ông Trịnh Xuân Thanh bị tòa Hà Nội tuyên án chung thân về tôi tham ô tài sản.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/germany-to-try-man-suspected-of-kidnapping-ex-oil-exec-04162018094318.html

 

Cựu UV Bộ Chính trị Đinh La Thăng

cùng 5 bị cáo khác kháng án

Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng và 5 bị cáo khác vừa nộp đơn kháng cáo bản án sợ thẩm trong vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng thương mại  cổ phần Đại Dương (OceanBank). Mạng báo VietnamPlus loan tin này hôm 16/4.

Trong đơn kháng cáo, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng bản thân đã rời khỏi PVN từ hồi đầu tháng 8/2011 để nhận trách nhiệm mới nên không thể chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra đối với PVN thời gian sau đó.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn xin được miễn trách nhiệm dân sự bồi thường 15 tỷ đồng cho PVN như quyết định của bản án sơ thẩm, đồng thời tố cáo bị cáo Ninh Văn Quỳnh phải chịu trách nhiệm về số tiền 180 tỷ đồng mà Sơn đã chuyển cho Quynh để dùng vào việc chăm sóc khách hàng PVN chứ không phải chỉ là 20 tỷ đồng cho cá nhân bị cáo Quỳnh.

Bị cáo Vũ Khánh Trường thì cho rằng bị cáo không cố ý vi phạm và yêu cầu toà phúc thẩm xem xét không tách ly bị cáo khỏi xã hội và không buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm bội thường cho PVN với lý do sức khoẻ, gia đình có công với cách mang…

Bị cáo Nguyễn Thanh Liêm xin giảm nhẹ hình phạt về hình sự và không bồi thường về dân sự bởi theo bị cáo, hành vi phạm tội của bị cáo lỗi vô ý chứ bị cáo không tư lợi cá nhân, tham nhũng hay tham gia lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, bị cáo cũng đã thành khẩn nhận lỗi ngày tại cơ quan điều tra và toà sơ thẩm.

Bị cáo Phan Đình Đức kháng cáo toàn bộ cáo buộc dành cho bị cáo trong khi đó bị cáo Ninh Văn Quỳnh đề nghị toà xem xét lại vụ án theo trình tự phúc thẩm và giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Riêng bị cáo Nguyễn Xuân Thắng chưa nộp đơn kháng cáo.

Trước đó, từ ngày 19 đến 29/3, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên án các bị cáo Đinh La Thăng 18 năm tù giam, Nguyễn Xuân Sơn 30 tháng tù, Vũ Khánh Trường 5 năm tù, Nguyễn Xuân Thắng 22 tháng tù, Nguyễn Thanh Liêm 20 tháng cải tạo và Phan Đình Đức 15 tháng cải tạo không giam giữ về cùng tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cuu-uv-bo-chinh-tri-dinh-la-thang-cung-5-bi-cao-khac-khang-an-04162018091101.html

 

Dân biểu Hoa Kỳ vận động trả tự do

cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ

Ỷ Lan

Nhân việc Dân biểu Alan Lowenthal thuộc Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos ở Hạ viện Hoa Kỳ chính thức bảo trợ cho Người Tù vì Lương thức Tăng Thống Thích Quảng Độ, chúng tôi tìm gặp Dân biểu để hỏi cụ thể việc bảo trợ này thực hiện ra sao, theo những kế hoạch nào để đạt mục tiêu trả tự do cho Đức Tăng Thống. Đồng thời qua việc bảo trợ này Dân biểu muốn gửi đến Nhà cầm quyền Việt Nam thông điệp gì? Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây.

Ỷ Lan : Thưa Dân biểu Alan Lowenthal, ông vừa chính thức bảo trợ Người Tù vì Lương thức Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, theo Kế hoạch Bảo vệ Tự do của Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ viện Hoa Kỳ. Ông có cảm tưởng như thế nào khi đưa ra quyết định này?

Dân biểu Alan Lowenthal : Tôi rất, rất vui lòng thấy chúng tôi đang có bước tiến mới cho Đức Tăng Thống, Người Tù vì Lương thức. Nay tôi có thể cùng với tất cả các thành viên thuộc Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos vận động trả tự do cho Đức Tăng Thống.

Ỷ Lan : Dân biểu vui lòng cho biết tiến trình bảo trợ sẽ thưc hiện ra sao ? Kế hoạch hoạt động như thế nào kể từ khi Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ chính thức được bảo trợ như Người Tù vì lương thức ?

Dân biểu Alan Lowenthal : Tôi nghĩ rằng việc bảo trợ này chính thức cho phép tiến hành bước thứ hai. Năm 2015, tôi là thành viên của Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ và Phân Uỷ ban Châu Á, phái đoàn chúng tôi viếng thăm Việt Nam và tìm cơ hội gặp gỡ Đức Tăng Thống tại Thanh Minh Thiền viện nơi ngài bị quản chế. Chúng tôi có cuộc trao đổi dài với ngài, lúc ấy tôi mới nhận thức đến tầm vóc quốc tế của nhà lãnh đạo tôn giáo này, và ý nghĩa kỳ vĩ của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ cho tất cả những ai quan tâm tới tôn giáo bất cứ ở đâu.

Bây giờ, Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos chính thức công nhận như Người Tù vì lương thức, và chính thức bảo trợ ngài theo Kế hoạch Bảo vệ Tự do, là lúc chúng tôi có thể thực hiện mạnh mẽ. Điều này cho phép chúng tôi hành động chính thức cho ngài Thích Quảng Độ. – Dân biểu  Alan Lowenthal

Bây giờ, Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos chính thức công nhận như Người Tù vì lương thức, và chính thức bảo trợ ngài theo Kế hoạch Bảo vệ Tự do, là lúc chúng tôi có thể thực hiện mạnh mẽ. Điều này cho phép chúng tôi hành động chính thức cho ngài Thích Quảng Độ. Ví dụ, tháng trước đây tôi có dịp nói chuyện với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Dan Kritenbrink, tôi đã nêu trường hợp ưu tiên tối hậu cho ngài Thích Quảng Độ. Trong hai tuần lễ tới, Đại sứ sẽ có mặt ở Hoa Thịnh Đốn, tôi sẽ tìm gặp Đại sứ. Việt Nam Caucus của Hạ viện cũng sẽ gặp Đại sứ. Một trong những điều chúng tôi muốn nêu rõ với Đại sứ là vấn nạn Tù nhân vì lương thức, xem Đại sứ có thể làm gì trong cương vị Tân Đại sứ để mang tới thông điệp mạnh mẽ cho nhà cầm quyền Việt Nam. Tuần tới tôi sẽ gặp bà Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do tôn giáo trên Thế giới, bà cũng đã chính thức bảo trợ cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, để bàn tới một chiến lược hoạt động chung.

Nay ngài đã được chính thức công nhận như Người Tù vì lương thức, Hạ viện sẽ có cơ hội tập họp quanh ngài, bởi vì ngài là một cá nhân độc đáo. Trả tự do cho ngài là điều nhân đạo phải thực hiện ngoài những vấn đề chính trị khác. Tôi không hiểu vì sao nhà cầm quyền Việt Nam lại sợ hãi ngài đến thế.

Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ năm nay 90 tuổi; nhân dân trên khắp địa cầu ngưỡng mộ và âu lo cho ngài. Đã đến lúc nên hành động theo đường lối từ bi. Chúng tôi đã có một số kế hoạch sẽ thực hiện. Một Nghị quyết đã được Dân biểu Randy Hultgreen đệ nạp Hạ viện, đề nghị tổ chức một “Ngày Tù  nhân vì Lương thức” trên toàn quốc, tôi tin rằng Đức Tăng Thống sẽ là gương mặt trung tâm cho ngày này – đương nhiên không chỉ có một người, vì chúng tôi quan tâm cho nhiều Tù nhân vì lương thức – nhưng Đức Tăng Thống chiếm một không gian duy  nhất.

Ỷ Lan : Dân biểu bảo trợ Đức Tăng Thống vào lúc Việt Nam mở những cuộc đàn áp mạnh nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến tôn giáo và chính trị cũng như những nhà hoạt động nhân quyền. Riêng trong tháng này đã có một loạt xử án bất công với những án tù 12 đến 15 năm. Như ông đã từng nói, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ là biểu tượng cho phong trào đang lên, đòi hỏi tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Như vậy khi bảo trợ cho Đức Tăng Thống, phải chăng ông muốn gửi một thông điệp đến nhà cầm quyền Cộng sản ?

Dân biểu Alan Lowenthal : Tuyệt đối là như vậy. Đây là Thông điệp cho việc ưu tiên của chúng tôi. Chúng tôi đã từng thấy những cuộc đàn áp khi lên khi xuống tại Việt Nam. Khi tôi có mặt tại Việt Nam năm 2015, chúng tôi thảo luận với Việt Nam về việc gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thế là trong một thời gian ngắn, Việt Nam giảm thiểu các cuộc bắt bớ, rồi trả tự do cho một vài tù nhân. Lý do hiển nhiên là họ muốn có quan hệ tốt với Hoa Kỳ. Chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ Hoa Kỳ và Hạ viện, trong quan hệ với Việt Nam, nhận thức ra điều này. Như chị nói, đang có những cuộc đàn áp lớn đối với các nhà hoạt động nhân quyền, những ai đòi hỏi tự do cá nhân và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Đáng tiếc không chỉ ở Việt Nam thôi đâu – tại Campuchia và các quốc gia khác ở Đông Nam Á, chúng tôi thấy rõ những kiểm soát độc đoán, và sự gia tăng của chính quyền chống dân chủ. Nhưng tôi nghĩ rằng Việt Nam đang bị kẹt giữa sự mong ước Hoa Kỳ tăng trưởng viện trợ kinh tế, đồng thời lại muốn quyết liệt đàn áp giới bất đồng chính kiến. Thì đây là lúc để nói thẳng rằng :

Nếu quý vị muốn viện trợ kinh tế gia tăng, quý vị phải tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo.

Tôi nghĩ rằng ảnh hưởng tốt đẹp nhất Hoa Kỳ có thể mang lại là như thế. Chúng ta phải có chung một lịch trình bao gồm hai vấn đề kinh tế và nhân quyền. Nhân quyền phải là ưu tiên tối cao. Hiện nay điều này chưa xẩy ra, nhưng tôi nghĩ rằng sự kiện bảo trợ Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ là một bước tiến nâng cao sự giải quyết vấn nạn, và cũng là nâng cao sự giải quyết những hiểm nguy đang xẩy ra trong thực tế ở Đông Nam Á với hiện tượng xa lìa dân chủ.

Ỷ Lan : Xin cám ơn Dân biểu Alan Lowenthal.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/us-congressman-urge-freedom-for-venerable-thich-quang-do-04162018095858.html

 

Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi

sắp thăm Việt Nam

Cố vấn Nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19-20/4 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đài Tiếng nói Việt Nam cho hay. Bà Aung San Suu Kyi còn kiêm các chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar.

Hồi tháng 11 năm ngoái, bà Suu Kyi đã dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam, theo tin của Tân Hoa Xã.

Trước đó, hồi tháng 8 cùng năm, Việt Nam và Myanmar đã thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện nhân dịp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Myanmar.

Tân Hoa Xã dẫn thông tin của Bộ Thương mại Myanmar cho hay thương mại song phương giữa nước này và Việt Nam đạt 592 triệu đôla, trong đó giá trị xuất khẩu của Myanmar là 103 triệu đôla trong khi nhập khẩu 489 triệu đôla Mỹ, tính đến tháng 1 của tài khóa 2017-2018 hiện nay.

Thương mại hai chiều Myanmar-Việt Nam đạt hơn 494 triệu đôla trong tài khóa 2016-2017 trước đó.

Myanmar thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1975.

(VOA, Tân Hoa Xã)

https://www.voatiengviet.com/a/co-van-nha-nuoc-myanmar-sap-tham-viet-nam/4349911.html