Tin Việt Nam – 16/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 16/02/2018

Giới hoạt động VN muốn Mẹ Nấm, Thuý Nga tị nạn

Khoảng hơn hai chục nhà hoạt động đã ký một lá thư ngỏ, mong muốn hai hoạt động nữ đang bị cầm tù, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga, sẽ lựa chọn tị nạn ở một đất nước khác.

Giới hoạt động nói họ “không đành lòng nhìn” Nấm, Gấu con của bà Như Quỳnh và hai anh em bé Phú, Tài của bà Thuý Nga sống trong cảnh thiếu mẹ.

Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay còn gọi là Mẹ Nấm và bà Trần Thị Nga, hay Thuý Nga, đều bị tuyên án 9-10 năm tù theo Điều 88, tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước”.

“Tết Mậu Tuất 2018 này là Tết thứ hai mẹ của chúng vắng nhà. Càng đau lòng hơn, bởi đây ‘chỉ mới là’ Tết thứ hai, trước mắt chúng là đằng đẵng gần chục cái Tết gia đình ly tán, gần chục năm không có mẹ ở bên,” lá thư viết.

Cơ hội giảm án ‘mong manh’ cho Mẹ Nấm?

Vì sao học giả nước ngoài quan tâm Mẹ Nấm?

Bà Thúy Nga ‘không nhận tội’ ở phiên phúc thẩm?

“Ý thức được điều đó, chúng tôi hiểu rằng bây giờ là lúc mỗi cá nhân, tổ chức trong phong trào dân chủ phải chủ động hơn nữa để nhận lấy trách nhiệm đấu tranh, chấm dứt việc trông chờ vào một số gương mặt, cũng như phải chấm dứt tâm lý đòi hỏi hai người phụ nữ yêu quý của chúng tôi gồng mình lên ‘vì sự nghiệp chung’ để gìn giữ, phát triển phong trào.”

“Chúng tôi không có quyền và không có tư cách đòi hỏi các chị tiếp tục cuộc đấu tranh ngay cả trong nhà tù và tiếp tục hy sinh không chỉ tự do mà cả gia đình của mình, tương lai con cái mình.

160218_3a1

“Vì những lý do đó, chúng tôi xin được thiết tha và mạnh mẽ đề nghị hai chị chấp nhận việc bắt đầu sống cho riêng mình, sống cuộc sống của mình kể từ nay, và nếu có cơ hội đến một quốc gia tự do, xin hãy đón nhận nó.”

“Xin coi việc rời nhà tù cộng sản để đến một quốc gia tự do, dân chủ là một cách để các chị giúp phong trào dân chủ Việt Nam hiện nay trưởng thành: Chúng tôi nợ các chị quá nhiều, và việc đi tiếp con đường các chị đã đi, làm tiếp những gì các chị đã làm, là cách để chúng tôi trả ơn các chị.”

Lá thư là sáng kiến của nhóm các nhà hoạt động dân chủ cả Sài Gòn và Hà Nội, được ký từ 7/2 và công bố vào tối 28 Tết, 13/2.

Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, một trong những người đã ký vào lá thư ngỏ, nói với BBC hôm 14/2 rằng:

“Các bản án đó rất vô nhân đạo, không chỉ nhắm vào bị cáo mà còn nhắm thẳng vào gia đình của họ. Sau mỗi bản án không chỉ hai nạn nhân mà cả hai gia đình của họ, hai đứa con nhỏ của Mẹ Nấm, bốn đứa con của chị Nga.”

“Các chị đã rất dũng cảm. Không ai chọn nhà tù làm phòng chờ để đi nước ngoài như an ninh, dư luận viên hay nói cả.

Khi được hỏi, việc mong muốn để Mẹ Nấm và Thuý Nga rời Việt Nam, có phải vì phong trào dân chủ đã trưởng thành, đủ vững vàng để tự lập, blogger Phạm Đoan Trang nói rằng:

“Cần phải viết vậy, phải hiểu tính cách của hai người đó. Họ sẽ nghĩ nếu họ ra đi là họ bỏ cuộc, là tổn thất lớn cho anh em, cho phong trào. Vì biết hai chị ấy sẽ nghĩ như thế, nhưng chúng tôi không đành lòng để hai chị ở trong tù.”

Sức khoẻ của cả hai đều rất nguy cấp

Một nhà hoạt động khác, bà Trịnh Kim Tiến cho biết, tình hình sức khoẻ của hai nhà hoạt động nữ rất tệ.

Bà cho biết, khi người thân đến thăm bà Thuý Nga cách đây vài ngày, thấy tình hình sức khoẻ của bà rất tệ, ở trong tù không có băng vệ sinh.

Còn nhà hoạt động Như Quỳnh thì vừa đột ngột bị chuyển sang nhà tù ở Thanh Hoá, mà không có thông báo cho gia đình. Bà Nguyễn Tuyết Lan, thân phụ của blogger Mẹ Nấm chỉ phát hiện ra khi định thăm con vào 27 Tết.

“Họ quyết định chuyển chị Quỳnh ra tận ngoài Bắc, nổi tiếng khắc nghiệt, hàng tháng mẹ chị Quỳnh rất khó thăm nuôi, nhưng đứa trẻ rất khó gặp mẹ mình,” bà Tiến nói.

Khi hỏi về quan điểm của bà Nguyễn Tuyết Lan, thân mẫu của blogger Mẹ Nấm về lá thư này, thì bà Tiến nói ” Cô Lan nói cô tôn trọng ý kiến mọi người và cảm ơn chúng tôi đã lên tiếng để bảo vệ chị Quỳnh.

“Nhưng chị Quỳnh quyết định ra đi hay ở lại, cô nói cô tôn trọng mọi quyết định của chị Quỳnh, cô luôn đồng hành và lo việc ở bên.”

Vẫn còn tuỳ thuộc vào phía an ninh

Cả hai bà Đoan Trang và Kim Tiến đều nói rằng một khi người trong phong trào đã lên tiếng, thiết tha đề nghị, có thể hai nhà hoạt động sẽ cân nhắc.

“Trong khi không chỉ mình họ khổ mà người thân bên ngoài cũng rất đau khổ. Những đứa nhỏ chưa đủ tuổi trưởng thành, còn quá nhỏ để phải đối diện với nỗi đau như vậy. Hy vọng hai chị sẽ chấp nhận thỉnh cầu của chúng tôi,” bà Tiến nói.

“Những sự hy sinh của hai chị đã là quá đủ, đã khiến người khác rất khâm phục, hai chị nên nghĩ riêng cho mình. Hai chị ra nước ngoài, không có nghĩa là dừng lại việ đấu tranh. Khi vẫn hướng về quê hương, thì ở nơi đâu cũng có thể đấu tranh.

Tuy nhiên, blogger Phạm Đoan Trang cho biết vấn đề chính là vẫn phải tuỳ thuộc vào phía an ninh Việt Nam. Bà cho mọi người đang tìm cách để đưa lá thư đến tay hai nhà hoạt động nữ trong tù.

“Họ có thể sẽ tìm cách gây khó khăn, để chứng minh họ luôn đúng, như lấy lý do đưa hai người đi chữa bệnh hoặc ép họ viết cam kết nhận tội,” bà Đoan Trang nói.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43081684

 

Phóng viên Mỹ bay vào Sài Gòn cứu cả nhà vợ

James JeffreyGử cho BBC Tiếng Việt từ Texas, Hoa Kỳ

Khi nhiếp ảnh gia người Mỹ Dick Swanson lần đầu tiên bắt gặp ánh nhìn của cô nữ phóng viên địa phương xinh đẹp Germaine Lộc vào năm 1966 tại Sài Gòn, anh nghĩ cô trông có vẻ hờ hững là hay nhất và quá bận rộn để làm quen anh.

Còn cô thì nghĩ anh trông giống như một tay hippie luộm thuộm.

Mặc cho ấn tượng ban đầu không mấy hứa hẹn, họ đã hiểu nhau hơn khi nổ ra trận tấn công Tết Mậu Thân 1968, khi lực lượng của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Việt Cộng bất ngờ đánh vào các đô thị của VNCH.

Ông Swanson kể lại nói:

“Chúng tôi đã làm việc cùng nhau trên những con phố bị bom đạn phá huỷ ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn.

“Chúng tôi làm việc rất ăn ý, bình đẳng và chắc là vì thấy tôi trong lúc làm tin, chụp ảnh, cô ấy dường như tôn trọng tôi hơn. Điều gì đã có thể gây ấn tượng với một người phụ nữ như thế này, với người mà ra chỗ chiến sự cũng bình thường như việc đi đến văn phòng?”

Trận Mậu Thân ở Sài Gòn qua lời đại tá dù VNCH

Xung quanh vụ Hoàng Phủ Ngọc Tường ‘xin lỗi’ về Mậu Thân

50 năm từ Tết Mậu Thân đến Mậu Tuất

Vào năm 1969, họ kết hôn ở miền Nam Việt Nam trước khi trở về Mỹ năm 1971, để Swanson có thể tiếp tục sự nghiệp ở tạp chí Life ở Washington, D.C.

Tuy nhiên, Germaine vẫn lo lắng cho gia đình cô khi cuộc chiến tiếp tục diễn ra ra và hỏi chồng liệu anh có thể cứu họ nếu Nam Việt Nam sụp đổ.

“Tôi nói đó là điều tôi chắc chắn sẽ làm,” Swanson nhắc lại.

Đến đầu năm 1975, tình thế rõ ràng không còn nhiều thời gian cho Nam Việt Nam và gia đình Germaine nữa. Đến hôm 21/4, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, và đã có manh nha thông tin về việc sơ tán. Đã đến lúc Swanson bắt đầu sứ mệnh cứu hộ.

Ngày 26 tháng 4, Swanson đáp sân bay Tân Sơn Nhất trong chuyến bay dân dụng cuối cùng đến Sài Gòn sau 26 giờ bay từ Sân bay Quốc tế Dulles ở Washington và dừng đến 4 chặng ở Los Angeles, Honolulu, Guam và Hong Kong, và đã thuyết phục Germaine rằng sẽ an toàn hơn nếu anh đi không có cô.

Anh gặp họ hàng của cô trong nhà của mẹ cô ở Sài Gòn khi vòng đạn của Bắc Việt vẫn đang phát nổ vang vọng đằng xa.

“Tôi không hẳn là có một kế hoạch,” Swanson nói, “nhưng tình hình quá hỗn độn nên việc lên kế hoạch chưa chắc đã tốt.”

Trông cậy vào ‘thần may mắn’

Trở ngại lớn nhất chính là tìm cách đưa gia đình vào căn cứ không quân Hoa Kỳ qua các nhân viên bảo vệ, những người này hành xử hơi khó đoán và không thích tiếp nhận người Việt.

Em gái của Germaine là Gabrielle đã kết hôn với một đại tá trong quân đội miền Nam Việt Nam và đã có ý tưởng gọi căn cứ yêu cầu một chiếc xe tải quân đội để đón họ vào lúc 5 giờ sáng ngày hôm sau trong giờ giới nghiêm.

Với vỏ bọc quân sự, chiếc xe sẽ dễ dàng được cho qua, trong khi đó Swanson, để tránh thu hút sự chú ý, quyết định đi riêng và gặp họ ở căn cứ vào ngày hôm sau.

Anh tỉnh dậy vào ngày 27 tháng 4 chứng kiến một thành phố đang trong bờ vực sụp đổ – đường phố Sài Gòn bị bộ đội xâm chiếm, âm thanh của những vụ nổ tên lửa ngày càng lớn dần và nhiều cửa hàng bị cướp bóc và bỏ hoang.

Một khi Swanson tìm thấy gia đình vợ ở căn cứ họ vẫn cần giấy tờ xuất cảnh thích hợp. Anh chạy đến văn phòng tạm thời của Đại sứ quán Hoa Kỳ và giả vờ đến để phỏng vấn người phụ trách văn phòng tạp chí Life.

Sau “cuộc phỏng vấn”, Swanson đề cập đến giấy tờ xuất cảnh và làm cách nào để anh có thể đưa gia đình ra khỏi Việt Nam.

Người đàn ông gật đầu nhưng nói ông không thể làm gì, trước khi lấy xấp giấy tờ và con tem ra, rồi nói ông phải đi vệ sinh.

Sau khi đóng dấu giấy tờ, Swanson đưa cả gia đình băng qua đường băng để tới chiếc phi cơ của Không lực Hoa Kỳ số 202 bay đến Guam.

Tuy nhiên, các quan chức quân đội VNCH lại kiểm tra hành khách để tìm những người đàn ông trong độ tuổi đi lính – đúng độ tuổi của anh em trai Germaine.

Vì vậy, mẹ của Germaine giả vờ bị bệnh để đánh lạc hướng họ, trong khi những người đàn ông trẻ cúi thấp đầu và lên máy bay.

Qua một trong những cửa sổ máy bay, Swanson trông thấy hàng ngàn người Việt Nam đang đứng bên ngoài hàng rào xung quanh đường băng, chờ đợi những máy bay không bao giờ đến. Gia đình ông đã lên chiếc máy bay quân sự cuối cùng rời khỏi Việt Nam.

Vừa kịp giờ

Sau khi đến một căn cứ quân sự ở California, gia đình phải đối mặt với việc bị cách ly ba tháng. Nhưng các nhà báo chuyên viết những người tị nạn, và nhiều người trong đó biết Swanson, đã bắn một loạt các câu hỏi, gây áp lực cho một quan chức, người sau đó cũng cho phép cả gia đình rời đi.

Vào ngày 30 tháng 4, trong một căn phòng khách sạn, cả gia đình chứng kiến trên màn hình TV cảnh Sài Gòn rơi vào tay quân đội Bắc Việt – cuộc chiến đã kết thúc: hình ảnh tại sân thượng của Đại sứ quán Hoa Kỳ, những người Việt tuyệt vọng cố gắng rướn tới các thanh ngang của chiếc trực thăng cuối cùng.

Những người bạn từ khắp Washington, nơi mà gia đình Swanson sinh sống, đã tập trung giúp đỡ họ, bao gồm cả nhân viên của Tổng thống Gerald Ford, Donald Rumsfeld, người sẵn lòng mở rộng cửa phòng tầng hầm nhà ông, còn vợ của giám đốc CIA William Colby, cũng nói bà có hai phòng ngủ trống.

Tất cả các thành viên trong gia đình Germaine gần như cùng một lúc làm việc tại nhà hàng nổi tiếng ở Washington mà bà quản lý, giúp họ kiếm thu nhập và hoà nhập vào Mỹ.

Họ hàng xa của Germaine thì cuối cùng đã lan rộng khắp nước Mỹ, xoay sở kiếm được những công việc ổn định tại những công ty như United Airlines, World Bank và Lockheed Martin.

Germaine nói: “Từ 12 thành viên tị nạn của gia đình, chúng tôi có thêm 14 đứa trẻ, và những đứa trẻ này tiếp tục có thêm 15 đứa trẻ khác, và dĩ nhiên sẽ còn nhiều nữa.”

“Bao gồm cả chồng và vợ của họ trong 43 năm qua kể từ khi chồng tôi đưa họ ra khỏi Việt Nam – giờ thì không ai có thể biết con số thực sự là bao nhiêu người.”

Tiếp tục

“Việt Nam đang bùng nổ,” Germaine nói. Bà đã nhiều lần đưa gia đình về thăm Việt Nam.

“Họ đang xây dựng các khu nghỉ dưỡng, biệt thự, khách sạn, trung tâm mua sắm và nhiều thứ khác, nó không bao giờ dừng lại.”

Mặc dù có những thay đổi và phát triển kinh tế, không có ai trong 12 người muốn trở về sinh sống ở đó.

“Họ nghĩ mình là người Mỹ rồi,” Germaine nói. “Các anh chị em của tôi đã rời Việt Nam khi họ còn trẻ và không hề hối hận. Họ hài lòng với ngôi nhà mới của họ bây giờ và rất thoải mái, nhìn ngắm những đứa con, đứa cháu lớn lên. “

Bây giờ cả hai đã trên dưới 80 tuổi, Germaine và Swanson có một nhịp sống chậm hơn. Ông Swanson vẫn gìn giữ di sản là những thước phim, tấm ảnh để hồi tưởng lại những năm tháng thăng trầm ở Việt Nam và vai trò của ông trong một cuộc chiến tranh khủng khiếp ấy.

Ông Swanson nói: “Những gì tôi làm không phải là ích kỷ hay vị tha.”

“Tôi đã trở thành phóng viên ảnh theo một cách khá lành mạnh. Tôi cho rằng một phần của sự lành mạnh đó là vì những sự công nhận ban đầu về những gì tôi đã làm và tôi không khơi gợi lại nỗi đau đớn, một quá trình mà Germaine đã giúp tôi vượt qua.”

Bài thể hiện quan điểm riêng của ông James Jeffrey, nhà báo Anh hiện sống và làm việc tại Austin, Texas. Toàn bộ các hình được ông Dick Swanson gửi riêng cho BBC để sử dụng chỉ trong bài báo này.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43081682

 

Tù nhân lương tâm Việt Nam và Tết

Hòa Ái, phóng viên RFA

Các tổ chức nhân quyền thế giới lên tiếng cho rằng nhà cầm quyền Hà Nội trong năm 2017 đã mạnh tay đàn áp và bắt bớ giam cầm hơn 50 người dân, là những người hoạt động vì môi trường, xã hội và tự do dân chủ cho Việt Nam. Các tù nhân lương tâm chia sẻ tâm tình đón Tết  của họ nhân dịp Tết Mậu Tuất.

Nhớ Tết tù

Thanh niên Nguyễn Mai Trung Tuấn, một cựu tù nhân lương tâm ở Thạnh Hóa-Long An chia sẻ với RFA về cái Tết Nguyên đán đầu tiên của gia đình sau những năm cả nhà bị ly tán, ở tù vì đã chống lại cuộc cưỡng chế đất đai nhà cửa do chính quyền địa phương gây ra:

“Tâm trạng của con chỉ có một nửa là vui thôi. Vui vì gia đình mình đàon tụ. Vui vì cha mẹ con đã về, gia đình được hạnh phúc hơn lúc bị giam cầm trong ngục tù. Con thấy nghẹn ngào là con được thả ra thì nhà cầm quyền Cộng sản lại bắt những người đấu tranh khác vào tù thì họ cũng đón Tết giống như tâm trạng con đã từng trải qua thôi. Đồng thời, con luôn suy nghĩ Tết là đầm ấm, vui tươi, hạnh phúc; nhưng lại có điều không hạnh phúc là những người đi đấu tranh và đất nước của mình không được tự do.”

Nguyễn Mai Trung Tuấn bị đi tù khi em còn là một thanh thiếu niên. 14 tuổi đời phải đón những cái Tết trong nhà giam, xa gia đình, người thân, bạn bè với trải nghiệm mà em nghĩ rằng sẽ không bao giờ xóa nhòa trong ký ức. Nguyễn Mai Trung Tuấn nói với chúng tôi là suốt quãng đời còn lại, em sẽ đón Tết với một niềm vui không trọn vẹn, vì bởi còn đó rất nhiều những hoàn cảnh buộc phải đón Tết tù giống như gia đình của em.

Tết rồi thì làm cho Bình nhớ đến giai đoạn tạm giam là cái Tết đầu tiên, nhà gửi cái bánh chưng vô. Ngày Tết cổ truyền là nét văn hóa của người dân Việt Nam. Bình là Bắc di cư, nên bánh chưng là điều gì đó thiêng liêng, hồn tổ tiên của mình ở trong đó. Bình nhìn cái bánh chưng Bình khóc
-Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình

Cựu tù nhân lương tâm, nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, ở cái tuổi trung niên, anh còn nhiều dự định để thực hiện những hoài bão của đời mình. Và thông thường, dịp Tết là lúc để vạch ra kế hoạch cụ thể cho những việc cần làm trong một năm mới. Thế nhưng, người nhạc sĩ cựu tù nhân lương tâm này lại nhốt mình trong căn phòng riêng bé nhỏ những ngày đầu năm, đón Tết lặng lẽ với cảm xúc đong đầy nhớ về các lần đón Tết trong tù. Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình kể với RFA về cái Tết thứ nhì trong trại giam:

“Năm đầu tiên ra trại lớn với anh em tù nhân với nhau, Bình và anh Huỳnh Anh Tú đang đi tưới nước thì tự nhiên hơi lạnh mùa xuân ào tới nên Bình bất chợt nói lên ‘Ồ! Tết rồi à?’ Tết rồi thì làm cho Bình nhớ đến giai đoạn tạm giam là cái Tết đầu tiên, nhà gửi cái bánh chưng vô. Ngày Tết cổ truyền là nét văn hóa của người dân Việt Nam. Bình là Bắc di cư, nên bánh chưng là điều gì đó thiêng liêng, hồn tổ tiên của mình ở trong đó. Bình nhìn cái bánh chưng Bình khóc.”

Cựu tù nhân lương tâm Trần Vũ Anh Bình chia sẻ, anh cứ luôn nghĩ rằng sau khi ra tù sẽ cố gắng đi thăm hỏi những người bạn tù mà anh rất quý mến vào những ngày Tết đầu năm để “ôn cố tri tân” những khoảnh khắc của đời người, mà có lẽ chỉ những tù nhân lương tâm mới thực sự cảm thông cùng nhau. Mặc dù muốn thăm, muốn gặp rất nhiều người nhưng không phải cứ muốn là được, nên nhạc sĩ của “ngục tù ca” thăm bạn tù bằng ký ức của riêng mình.

“Bình nhớ cái Tết năm 2014 chỉ có đứng sau song sắt cửa rồi í a í ới chúc Tết lẫn nhau. Kỷ niệm năm đó, thầy Đinh Đặng Định biết được rằng nhà cầm quyền sẽ thả thầy như Đại sứ quán Mỹ cho gia đình thầy biết là sẽ thả thầy ra trước Tết. Nhưng đến trưa 30 Tết thì thầy được xe của nhà trại chở về khu trại giam. Lúc đó thầy bệnh rất nặng. Mùng 1 Tết năm đó biết là thầy bị quặn đau ở trong ruột và không được về nhà, Bình phải nói là cố gắng hết sức có thể mượn cây đàn của nhà trại, Bình đánh bài ‘Dòng máu Việt’, Bình cố tình hát lớn lên để san sẻ với thầy một chút gì đó trong tầm tay Bình có thể.”

Tù nhân lương tâm Vương Văn Thả cũng được nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình nhắc tên. Anh nhớ đến một cái Tết ở trại giam Xuyên Mộc, ông Vương Văn Thả xin nhà trại cho anh em tù chính trị được ngồi cùng nhau, ăn vài miếng bánh mà gia đình của ông mang tận từ Ang Giang gửi vào cho kịp Tết. Nhưng rồi, chỉ một mình ông Thả ngồi nhìn mâm bánh Tết mà chẳng buồn ăn miếng nào. Trong dịp Tết Mậu Tuất này, cựu tù nhân lương tâm Trần Vũ Anh Bình chưa kịp thăm người bạn tù hiền lành, chất phát miền Tây Nam Bộ Vương Văn Thả, thì người bạn tù này cùng 2 người con bị nhà cầm quyền tiếp tục đưa vào tù. Và, nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình tự hỏi không biết Tết này anh Vương Văn Thả có được nhận quà Tết của gia đình?

Bao giờ có Tết đoàn viên?

Trong khi đó, không ít gia đình của các tù nhân lương tâm đùm núm chút quà Tết đến trại giam gửi người thân, nhưng không được. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, thân mẫu của Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho biết vào sáng 27 Tết gửi đồ cho con gái và được trại giam thông báo là đã chuyển Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra trại giam ở Yên Định, Thanh Hóa.

Cô giáo Huỳnh Thị Út, mẹ của tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc nói trong nước mắt với Đài Á Châu Tự Do là cái Tết đầu tiên trong nhà giam của Phúc, gia đình không được gửi đồ vào, mà chỉ được gửi đồ mua từ căn tin trại giam. Cô Huỳnh Thị Út chia sẻ kể từ nay, cô phải đón những cái Tết dài trong đau khổ vì bản án tù oan sai của đứa con trai thân yêu duy nhất này.

Theo phong tục cổ truyền từ ngàn xưa để lại, ngày Tết của người dân Việt Nam là ngày sum họp, hội tụ những người thân yêu, bố mẹ, con cái, gia đình quây quần, làm mâm cơm cúng tổ tiên. Nhưng mà ở trong tù thì xa hết người thân rất là buồn. Trong buồng giam chỉ có mấy người thôi nên thật sự nỗi buồn rất se sắt, rất khổ sở khi đón năm mới ở trong tù

-Bà Cấn Thị Thêu

“Theo lời của ông ngoại trước khi mất, thì ông ngoại nói với mình là ‘Con ráng nuôi Phúc ăn học thành tài để sau này giúp ích cho xã hôi, giúp ích cho dân tộc’. Cháu Phúc cũng cố gắng học rất tốt. Cháu luôn nghĩ đến một điều là đem công sức của mình để phục vụ cho nhân dân, cho dân tộc Việt Nam. Nhưng mà ước mơ của cháu không thể thực hiện được bởi vì cháu đang bị tù, mà cháu không có tội. Cháu Phúc không hề có tội. Cháu Phúc không hề vi phạm một điều gì cả.”

Thay lời của những tù nhân lương tâm đang đón Tết trong nhà giam, cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu, người phụ nữ vừa mãn án tù lần thứ hai chia sẻ tâm trạng đón Tết mà bà trải nghiệm như mới vừa hôm qua:

“Theo phong tục cổ truyền từ ngàn xưa để lại, ngày Tết của người dân Việt Nam là ngày sum họp, hội tụ những người thân yêu, bố mẹ, con cái, gia đình quây quần, làm mâm cơm cúng tổ tiên. Nhưng mà ở trong tù thì xa hết người thân rất là buồn. Trong buồng giam chỉ có mấy người thôi nên thật sự nỗi buồn rất se sắt, rất khổ sở khi đón năm mới ở trong tù.”

Vừa rồi chỉ là chia sẻ tâm tình đón Tết Nguyên đán của một vài tù nhân lương tâm trong số hơn cả trăm người bị nhà cầm quyền Hà Nội bỏ tù vì những hoạt động của họ cho đất nước được tự do, văn mình và dân chủ. Đài Á Châu Tự Do không thể chuyển tải hết tâm tư, tình cảm của các tù nhân lương tâm tại Việt Nam trong dịp Tết Mậu Tuất. Nhưng tựu chung, tất cả họ đều khẳng định luôn theo đuổi lý tưởng dấn thân, chấp nhận đón Tết tù, bao nhiêu cái Tết trong nhà giam đi chăng nữa với hy vọng những người Việt được hưởng Tết cổ truyền đoàn viên, mà không phải u uất, đau buồn như hình ảnh của hai đứa bé Nấm-Gấu, con của tù nhân lương tâm Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bơ vơ, lạc lõng trên phố trong Tết kêu cầu “Mẹ ơi, mẹ bị chuyển trại xa. Con không thể được gặp mẹ nữa”.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-vietnamese-prisoners-of-conscience-and-tet-02152018131013.html

 

Điều trần vận động Hoa Kỳ cho tù nhân lương tâm Việt Nam

Một buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam của Ủy Hội Nhân Quyền Tom Lantos diễn ra vào ngày 15 tháng 2 tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

Tham gia buổi điều trần có các vị đại diện dân cử Hoa Kỳ gồm dân biểu Rand Hultgren, đồng chủ tịch Ủy Hội Nhân Quyền Tom Lantos, dân biểu Alan Lowenthal, nữ dân biểu Sheila Jackson-Lee.

Tổ chức Boat People SOS- BPSOS loan tin cho biết tại buổi điều trần một danh sách gồm 167 tù nhân lương tâm tại Việt Nam được phổ biến. Mục tiêu nhằm chuẩn bị cho cuộc vận động năm nay cho chương trình kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương thức tại Việt Nam mà BPSOS khởi xướng cách đây 5 năm.

Tin cho biết tính đến thời điểm hiện nay đã có 16 tù nhân lương tâm Việt Nam được một số dân biểu Hạ Viện và một thượng nghị sĩ Mỹ kết nghĩa. Trong số những tù nhân lương tâm Việt Nam được kết nghĩa đó, có 13 người được Hà Nội trả tự do và 4 người sang Hoa Kỳ định cư.

Trong năm nay, BPSOS đưa ra một danh sách ngắn trong tổng số 167 tù nhân lương tâm tại Việt Nam để tiến hành công cuộc vận động Việt Nam trả tự do cho họ.

Danh sách này gồm blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, ông Bùi Văn Trung, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo không theo Ban Trị Sự Quốc Doanh, hai mục sư người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên A Đảo và A Tích, blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, cựu trung tá Trần Anh Kim, bà Đỗ Thị Hồng thuộc giáo phái Ân Đàn Đại Đạo, blogger-bác sĩ Hồ Văn Hải.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hearing-to-call-for-more-us-help-to-vietnamese-political-prisoners-02162018085550.html

 

Dân oan mong Tết đoàn viên

Tết là thời khắc thiêng liêng, đoàn tụ gia đình, hướng đến quê hương và mang nhiều ý nghĩa với mọi gia đình người Việt, dù ở trong hay ngoài nước. Tuy nhiên, có những cảnh đời chịu những bản án oan khiên hay mất đất, mất nhà… khiến mùa xuân không trọn vẹn.

Mong mỏi đoàn viên

Sum họp là mong mỏi lớn nhất của người Việt nhân dịp Tết đến xuân về. Những gia đình có thân nhân là tù nhân lương tâm hay đang chịu án oan thì ý nghĩ về cảnh đoàn viên càng làm họ thêm đau lòng. Ước muốn lớn nhất là được gặp người thân trước Tết dù chỉ là qua vách ngăn kính, được nhìn nhau và nhắn nhủ, động viên.

Ông Nguyễn Trường Chinh – bố của bị án Nguyễn Văn Chưởng, đang kêu oan với bản án tử hình 10 năm nay là một điển hình. Ông cho biết, ông đã được gặp con trai vào cuối tháng 1 vừa qua, con ông do bị cùm chân lâu ngày nên một bên chân bị teo, nhưng tinh thần tốt và còn niềm hy vọng.

“Từ hồi năm 2014, sau cái thi hành án lần 2, gia đình có nói cho cháu biết thì thấy tinh thần cháu vững, kiên quyết đấu tranh để giành lại mạng sống vì tôi có nói: ở ngoài bố có thể quyên sinh để cứu con. Bản thân con cũng phải đấu tranh mạnh mẽ để giành lấy mạng sống cho bản thân mình.”

Cháu đã bị giam 10 năm 6 tháng, trọn 10 cái Tết thì gia đình chúng tôi lại không có Tết.
– Nguyễn Trường Chinh 

Các gia đình tù nhân lương tâm như Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trần Thị Nga, Phạm Văn Trội, cũng đã được thăm nuôi và gửi quà Tết. Còn trường hợp bà Nguyễn Tuyết Lan – thân mẫu của blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và các con của cô đã không gặp được cô vào ngày 27 Tết như thông báo, do cô bị chuyển bất ngờ ra Trại 5, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Bà Cấn Thị Thêu – người phụ nữ kiên cường giữ đất ở Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội, vừa mãn án 20 tháng tù giam, chia sẻ khi còn ở tù, mỗi dịp lễ, Tết bà lo lắng và nhớ gia đình đến quặn thắt lòng lại.

“Từng ngày từng giờ, nghĩ đến gia đình tôi, chồng con tôi, anh em họ hàng tôi, mẹ chồng tôi ốm đau, ốm liệt giường mà tôi không có mặt. Những việc lo lắng, thu xếp của phụ nữ mà họ lại giam cầm tôi, nhất là những ngày lễ tết. Nên tôi rất đau đớn, xót xa. Càng như thế tôi càng căm hận chế độ cộng sản này vì nó ác quá.”

Ông Nguyễn Trường Chinh – người cha kiên cường kêu oan, đòi công lý cho con trai kể rằng, từ khi con ông rơi vào vòng lao lý, gia đình dường như không có Tết.

“Gia đình chúng tôi đã tròn 10 năm, hôm nay cháu đã bị giam 10 năm 6 tháng, nhưng trọn 10 cái Tết thì gia đình chúng tôi lại không có Tết. Cứ Tết đến, xuân về, mọi nhà sum vầy để đoàn tụ gia đình, cúng ông bà tổ tiên, thì bản thân chúng tôi đã 10 năm không có Tết.”

Tết Mậu Tuất đến, những người dân oan mất đất trên khắp cả nước nói chung và Dương Nội nói riêng cũng gặp nhiều khó khăn, do tư liệu sản xuất bị mất, không còn nghề nghiệp nên thu nhập sa sút. Bà Thêu cho biết, mọi người nông dân đều muốn có cuộc sống ổn định, ấm no, được đón những cái Tết vui vẻ, trọn vẹn.

“Đón Tết năm nay thì chắc chắn những người dân Dương Nội sẽ rất khổ vì đã mất đất hơn 10 năm rồi. Có khi có những nhà không có cả gạo mà ăn Tết, không có cả tiền mà sắm Tết, thì tôi nghĩ họ rất khó khăn trong bối cảnh xã hội thất nghiệp tràn lan. Những người nông dân có mảnh đất, mảnh vườn để làm ăn sinh sống mà bây giờ bị cướp mất rồi. Tôi nghĩ rằng khi mà chúng tôi chưa đòi được đất, nhà cầm quyền Việt Nam chưa xem xét để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân chúng tôi, thì tôi nghĩ là cái Tết của chúng tôi vẫn rất khó khăn, ngậm ngùi.”

Mong ước cho năm mới

Tuy những người tù oan khiên và thân nhân của họ đang gánh chịu những nỗi đau, khó khăn, nhưng họ vẫn luôn vững tin và hy vọng vào tương lai.

Như ông Nguyễn Trường Chinh mong đợi công lý và sẵn sàng làm mọi việc để kêu oan cho con trai.

Đón Tết năm nay thì chắc chắn những người dân Dương Nội sẽ rất khổ vì đã mất đất hơn 10 năm rồi.
– Cấn Thị Thêu

“Tôi vẫn kiên quyết và quyên sinh đòi bằng được công lý tự do cho con trai tôi vì không riêng gì con trai tôi, hiện nay tôi thấy rất nhiều người cũng bị oan như con tôi, như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Nguyễn Văn Mạnh. Ba gia đình chúng tôi liên kết với nhau, một người bố và hai người mẹ kiên quyết đến cùng để đòi mạng sống cho con bằng mọi giá. Đó là điều chắc chắn chúng tôi phải làm. Làm đến khi nào con cái chúng tôi được trở về đoàn tụ với gia đình, được tự do, được quyền làm người, được quyền sống, đây là những quyền cơ bản. Con cái là tài sản quý giá nhất, không có gì đánh đổi được. Chúng tôi phải đòi lại quyền đó cho con.”

Anh Trịnh Bá Tư – một thanh niên đang độ tuổi lao động thì mong mỏi mảnh đất của gia đình anh được trả lại để anh có thể có được cuộc sống ổn định, ấm no.

“chúng tôi luôn mong muốn công cuộc đấu tranh giữ đất đi đến thắng lợi bằng việc quan chức Cộng sản Hà Nội từ bỏ ý định cướp đất nhà tôi và bà con Dương Nội. Đây không phải là mong muốn của riêng Tết năm nay, mà nó kéo dài cả một thập kỷ, từ năm 2008, lúc chúng tôi khởi đầu cuộc đấu tranh giữ đất đến bây giờ thì mong ước đó luôn luôn ở trong chúng tôi. Đó là mong ước lớn nhất của gia đình tôi và cả người dân Dương Nội.”

Trên tất cả, bà Cấn Thị Thêu ngoài mong muốn bảo vệ quyền lợi cho những người nông dân như bà, bà còn mong mỏi giới đấu tranh cho dân chủ – nhân quyền đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đất nước Việt Nam có sự thay đổi tích cực.

“Tôi thật sự rất là mong một xã hội thực sự của dân, do dân, vì dân, chứ không phải là xã hội, đất nước, tài sản là của quan, do quan, vì quan. Đây là mong muốn và ước nguyện của tôi. Tôi mong muốn là tất cả những người đấu tranh sẽ luôn sát cánh bên nhau. Một bó đũa thì sẽ khó lòng bẻ hơn. ”

Mùa xuân là mùa của niềm vui và những điều nguyện cầu, mùa của gia đình đoàn viên. Chúng ta cùng cầu chúc cho đất nước Việt Nam không còn những nỗi đau oan khiên, những bản án bất công, những chính sách sai lầm để cho ngày Tết của nhiều gia đình có được niềm vui trọn vẹn.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/another-yr-without-loved-one-02162018091908.html

 

Việt Nam quyết tâm tái cơ cấu quân đội trong năm mới

Khánh An-VOA

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa cho biết trọng tâm của bộ này trong năm mới là tiếp tục tái cơ cấu quân đội, “kiên quyết giải quyết quân số dôi dư” để thực hiện chiến lược quân đội “tinh, gọn, mạnh, linh hoạt” đến năm 2021, theo chủ trương đã được Bộ Chính trị thông qua.

Trong bài phỏng vấn với TTXVN nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, cho biết tái cơ cấu quân đội là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018. Theo đó, bộ này sẽ “điều chỉnh một số cơ quan, đơn vị theo kế hoạch; quản lý chặt chẽ đầu vào, kiên quyết giải quyết quân số dôi dư” và “đảm bảo không tăng quân số trong toàn quân”.

Phân tích thêm với VOA về chiến lược “tinh, gọn” quân đội này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu cao cấp về Chính trị, Quốc phòng của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, cho biết:

“Sắp xếp lại, hay tái cơ cấu, là họ sẽ bỏ bớt những phần không liên quan trực tiếp đến quốc phòng. Ví dụ, những khu vực phục vụ không cần thiết nữa thì họ bỏ đi. Còn những phần liên quan đến quốc phòng, tức thuộc khối tham mưu, thì vẫn theo cách cũ là ‘tiến trực tiếp, tiến nhanh’ lên hiện đại hóa, đó là hai khu vực phòng không không quân và hải quân. Còn một lực lượng thứ 3 mới lập ra là lực lượng 47, tức là lực lượng tác chiến không gian mạng, thì họ bắt đầu xây dựng lực lượng rất nhanh”.

Các lĩnh vực khác mà quân đội tiếp tục đẩy mạnh, theo TS. Hà Hoàng Hợp, là chiến lược hiệp đồng tác chiến giữa các quân chủng, binh chủng và phát triển các học thuyết tác chiến hiện đại nhưng vẫn dựa trên nền tảng từ trước tới nay gọi là “quốc phòng toàn dân”.

Việt Nam trong những năm gần đây được nhắc đến là một trong những quốc gia bỏ tiền nhiều nhất trong khu vực để đầu tư vào việc hiện đại hóa quân đội.

Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2005 – 2014, quốc gia Đông Nam Á đã tăng chi tiêu quân sự lên gần 400%, theo số liệu của trang web export.gov của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới gần đây xếp Việt Nam nằm trong số 30 nước chi tiêu quân sự cao nhất thế giới trong năm 2016 so sánh với tỷ lệ tăng trưởng GDP.

“Người ta làm thế bởi vì tình hình xung quanh phức tạp. Phức tạp nên họ buộc phải bỏ tiền nhiều hơn trong so sánh với phát triển kinh tế”, TS. Hà Hoàng Hợp nhận định.

Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu của Viện ISEAS, việc đổ tiền mua sắm để hiện đại hóa quân đội của Việt Nam khó có thể kéo dài lâu vì thực lực kinh tế của đất nước. Chính vì vậy, “lấy tinh bù lượng” là lựa chọn duy nhất của Việt Nam để đối phó lại với những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh trong khu vực.

“Cách quân đội làm bây giờ là vẫn theo cách trong lịch sử Việt Nam từ xưa tới nay tận dụng, bởi vì đất nước Việt Nam nghèo quá. Nghèo thì quân đội khó mà mạnh được. Vậy chỉ còn cách hiện đại hóa và tiết kiệm, để có được chiến lược quân sự tốt, chiến thuật tốt, công nghệ tốt, vũ khí tốt”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.

Theo đó, không quân và hải quân được Việt Nam chọn để “trực tiếp hiện đại hóa”, còn các khu vực khác sẽ “từng bước hiện đại hóa”, theo lời nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp.

Ngoài việc tập trung tái cơ cấu, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết trong năm mới, Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh việc hợp tác quốc phòng song phương với các nước một cách “thực chất, ổn định, đảm bảo cân bằng mối quan hệ với các nước lớn”, và tổ chức các cuộc tuần tra chung với các nước láng giềng.

Việt Nam đóng một vị trí quan trọng trong cuộc tranh chấp chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc.

Trong một nghiên cứu vừa mới công bố cuối tháng trước về khả năng Việt Nam đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, nhà phân tích quân sự cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách của Chính phủ Mỹ Derek Grossman nói bằng việc phát triển và lựa chọn tăng cường các khả năng quân sự, trong đó có việc mua sắm các tàu ngầm lớp Kilo, chiến đấu cơ Su-30MK2…, “Hà Nội có thể đã đạt được mục tiêu cốt lõi là thuyết phục Bắc Kinh về những thách thức sẽ phải đối mặt trong một cuộc xung đột quân sự [nếu có] với Việt Nam ở Biển Đông”.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-quyet-tam-tai-co-cau-quan-doi-trong-nam-moi/4257721.html

 

Du học sinh Việt Nam trồng cần sa ở Úc

đối diện nguy cơ bị trục xuất

Một sinh viên Việt Nam đang theo học ngành kỹ sư ở Úc có thể sẽ bị trục xuất về nước vì tham gia trồng cần sa ở bang Victoria, AP của Úc dẫn lời thẩm phán cho biết ngày 16/2.

Sinh viên Huy Nguyễn bị kết án 15 tháng tù giam sau khi nhận tội trồng 271 cây cần sa tại một ngôi nhà ở Nyah, trên sông Murray, gần Swan Hill.

Sinh viên 20 tuổi này bị bắt giam cách đây 15 tháng.

Thẩm phán Tòa án quận Michael Bourke nói Huy Nguyễn sẽ bị trục xuất khỏi Úc, trừ phi xin được visa mới.

“Điều đó gần như không thể được”, AP dẫn lời Thẩm phán Bourke nói tại tòa án ở Mildura hôm 16/2.

Tin cho hay Huy Nguyễn đến Úc bằng visa sinh viên vào năm 2013 để học về kỹ thuật, nhưng du học sinh này đã “mất phương hướng” sau khi gặp rắc rối vì cờ bạc.

Theo lời Thẩm phán Bourke, Huy Nguyễn đã bị dẫn vào con đường cờ bạc rồi bị thua nặng, dẫn đến việc đi trồng cần sa vì khó khăn về tài chính.

Tòa án nói vụ trồng cần sa này thuộc loại “khá nặng”, người trồng sẽ bị xem là phạm tội nghiêm trọng. Tuy nhiên, vì du học sinh Huy Nguyễn chỉ đóng vai trò phụ trong vụ này nên chịu án phạt nhẹ hơn những người có liên quan khác.

Các nhà điều tra cho biết Huy Nguyễn bị bắt gặp đi đến Bunnings Swan Hill hai lần để mua vật liệu chăm sóc cho cây cần sa. Sinh viên này còn ở trong ngôi nhà trên khoảng hai tuần vào cuối năm 2016 khi cần sa đang được trồng tại đây.

Cảnh sát đã phát hiện ra vụ việc sau khi đột nhập vào căn nhà hồi tháng 11 năm 2016 và Huy Nguyễn bị bắt ngay sau đó.

Lúc đầu, Huy bị buộc tội buôn bán số lượng lớn cần sa, nhưng sau đó tòa án án đã hủy bỏ tội danh này sau khi sinh viên này thú nhận trồng cần sa.

https://www.voatiengviet.com/a/du-sinh-viet-trong-can-sa-o-uc-doi-dien-nguy-co-bi-truc-xuat/4257426.html