Tin Việt Nam – 16/12/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 16/12/2020

Vụ Đồng Tâm: Ông Lê Đình Công tuyên bố “có đánh chết cũng không nhận tội”

Ông Lê Đình Công – người dân Đồng Tâm bị tuyên án tử hình trong phiên tòa ngày 14-9 vừa qua nói với nữ luật sư của mình là bà Phạm Lệ Quyên việc ông bị cán bộ cảnh sát điều tra ép phải nhận tội trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới. Tuy nhiên ông vẫn khẳng định mình vô tội.

Hôm 15 tháng 12 năm 2020, các luật sư Bùi Hải Quảng, Lê Văn Luân và Phạm Lệ Quyên đã đến Trại tạm giam số 2 thuộc Công an thành phố Hà Nội để thăm gặp 5 người kháng án trong vụ án Đồng Tâm.

Chị Nguyễn Thị Duyên, con dâu của ông Công thuật lại lời của nữ luật sư này như sau:

Trên đường về thì chị nói với em là sức khỏe bố không tốt, nhưng tinh thần tốt.

Bố chỉ nói là cán bộ điều tra đã mặc cả để bố nhận tội trong phiên phúc thẩm nhưng bố cương quyết nói không, bố không nhận tội.

Bố có truyền tải một thông điệp là: ‘Mọi người yên tâm, bố sẽ không bao giờ nhận tội và không khuất phục trước kẻ thù. Bố rất đau lòng về cái chết của ông (cụ Lê Đình Kình).’

Tức là bố có chết cũng sẽ không nhận tội và bố sẽ không để cho họ thỏa hiệp bất cứ chuyện gì. Bố chỉ lo là bên ngoài sẽ bị ép rất nhiều, bị chèn ép dữ lắm.

Nhưng mà luật sư Lệ Quyên có nhắn với bố là đừng lo chuyện đấy, vì bên ngoài vẫn ổn do chị có theo dõi tình hình gia đình qua Facebook của em.”

Cũng theo chị Duyên, luật sư Bùi Hải Quảng gọi điện thoại báo tin cho gia đình ông Lê Đình Chức biết ông này sức khỏe yếu, cảm thấy rét do thời tiết Hà Nội trở lạnh và đề nghị gia đình gửi thêm chăn cho ông Chức sử dụng.

Như chúng tôi đã thông tin, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vào chiều ngày 14-9 kết án tử hình đối với 2 ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, ngoài ra ông Lê Đình Doanh là con của ông Công cũng bị tuyên án tù chung thân trong phiên tòa bị nhiều luật sư chỉ trích là có nhiều sai sót về mặt tố tụng.

Ba người khác cùng bị cáo buộc tội danh giết người là ông Bùi Viết Hiểu bị tuyên 16 năm tù, ông Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù và ông Nguyễn Văn Tuyển là 12 năm tù giam.

23 người còn lại bị cáo buộc tội “chống người thi hành công vụ” và bị tuyên các mức án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù giam.

Trong đó có 14 người hưởng án treo và được trả tự do ngay tại tòa.

Hôm 7 tháng 10 vừa qua, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội có công văn thông báo chính thức đến các luật sư việc có 5 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm bị cáo buộc giết người kháng cáo bản án sơ thẩm mà tòa tuyên hôm 14-9-2020, trong đó ông Lê Đình Công kháng cáo kêu oan.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dong-tam-le-dinh-cong-maintains-he-s-innocent-12162020071104.html

“Đốt lò” cuối năm ở TPHCM: Ông Tất Thành Cang bị khởi tố

Đến tối ngày 16/12, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã thông tin chính thức về việc khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Tất Thành Cang.

Chiều cùng ngày, Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt để tạm giam ông Tất Thành Cang (sinh năm 1971, ngụ tỉnh Long An, trú quận 6 – nguyên Phó Ban chỉ đạo công trình lịch sử TPHCM) của Cơ quan CSĐT Công an TPHCM để điều tra về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Thời hạn tạm giam ông Tất Thành Cang để điều tra tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” là theo quy định của pháp luật, theo phía công an nói.

Trước đó cùng ngày, truyền thông ban đầu đưa tin ông Cang bị bắt, rồi lại xóa đi chỉ nói là khởi tố bị can.

Ngày 16/12/2020, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin cho hay công an TP Hồ Chí Minh đã có quyết định khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang, người đang giữ chức vụ Phó Ban chỉ đạo công trình lịch sử TPHCM về hành vi “Vi phạm về các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” điều 219 bộ luật hình sự 2015.

Tờ báo trực thuộc Đảng bộ đảng Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh cho hay quyết định khởi tố đã được Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM phê chuẩn, đồng thời ông Tất Thành Cang, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố này (từ 10/2015 đến 12/2018) cũng đã bị tạm đình chỉ tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố.

Ông Tất Thành Cang sắp vào ‘lò’ TBT Trọng?

Ông Tất Thành Cang đã làm gì ở đất Thủ Thiêm?

Vụ Thủ Thiêm ở TPHCM: Liệu Bí thư Nên có làm nên chuyện?

‘Gửi hồ sơ Tất Thành Cang ra trung ương’

“Chiều 16-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã có quyết định khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang (sinh năm 1971, ngụ tỉnh Long An, trú quận 6, nguyên Phó Ban chỉ đạo công trình lịch sử TPHCM) về hành vi “Vi phạm về các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” điều 219 bộ luật hình sự 2015.

“Tất cả các quyết định trên đều được Viện VKSND cùng cấp phê chuẩn… Chiều 16-12, nguồn tin của Báo SGGP cho biết, Thường trực HĐND TPHCM vừa ra quyết định tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TPHCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Tất Thành Cang.

“Việc tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TPHCM của ông Tất Thành Cang được thực hiện theo khoản 2 điều 101 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.”

Bị khởi tố, kỷ luật thế nào, vì sao?

Cũng ngày thứ Tư, báo Thanh Niên cho biết thêm quyết định được Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM phê duyệt cũng có nội dung khám xét nơi ở đối với cựu Phó Bí thư thành ủy:

Ông Lê Thanh Hải chờ kỷ luật, ông Nguyễn Văn Đua ‘được tha’

Thử thách nào chờ đợi ông Nguyễn Văn Nên ở TPHCM?

VN: Bắt tạm giam, khởi tố em trai cựu Bí thư Lê Thanh Hải

Liên quan hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại IPC, ngày 16.12, nguồn tin của phóng viên Thanh Niên cho biết Viện Kiểm sát Nhân dân vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, khám xét nơi ở đối với ông Tất Thành Cang (49 tuổi, quê Long An, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình “Lịch sử TP.HCM”).

“Theo đó, ông Tất Thành Cang bị Cơ quan Điều tra khởi tố để làm rõ hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.”

Báo Tuổi Trẻ cùng ngày cũng cho biết thêm chi tiết liên quan tới điều được cho là “sai phạm” dẫn đến việc ông Tất Thành Cang bị khởi tố:

“Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, ông Cang được cho có sai phạm liên quan đến việc phát hành, bán 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược – Công ty Nguyễn Kim tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn SADECO.

“Như vậy, liên quan đến sai phạm bán 9 triệu cổ phiếu Công ty SADECO cho Nguyễn Kim, cùng với ông Tất Thành Cang, đến nay cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố tổng cộng 20 bị can để điều tra.”

Trong một mục tin liên quan cũng trên báo này, Tuổi Trẻ nhắc lại ông Cang cũng từng có nhiều “sai phạm” khác khiến ông bị kỷ luật và cách chức Ủy viên Trung ương đảng từ trước:

“Ông Tất Thành Cang, với vai trò là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM và giám đốc Sở Giao thông vận tải đã làm sai quy định trong nhiều vụ việc dẫn đến bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố,” bài báo với tựa đề “Những vi phạm khiến ông Tất Thành Cang bị cách chức Ủy viên trung ương Đảng.”

Các sai phạm này, mà Tuổi Trẻ trích đăng từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam công bố từ cuối tháng 12/2018 cho hay ông Tất Thành Cang có vi phạm “rất nghiêm trọng”, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Theo đó, trong thời gian nắm các chức vụ, ông bị kết luận là đã phê duyệt dự án 4 tuyến đường ở Thủ Thiêm sai quy định, Quyết định sai thẩm quyền gây thất thoát tài sản nhà nước (liên quan vụ việc với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Tới bây giờ mới khởi tố là “hơi trễ”?

Hôm 16/12 từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam bình luận về việc ông Tất Thành Cang bị khởi tố với BBC News Tiếng Việt, ông nói:

“Các sai phạm của ông Tất Thành Cang theo các kết luận và điều tra được cho là có hệ thống và nghiêm trọng, mà trong thời gian dài ông không bị xử lý, kỷ luật, cách chức đến nơi đến chốn, việc này đã tạo ra nhiều bức xúc trong công luận, nhiều người trong nhân dân, cán bộ tỏ ra không hài lòng.

“Nhưng tới bây giờ ông ấy mới bị khởi tố bị can, tôi cho rằng cũng hơi bị trễ, mặt khác, bây giờ chuẩn bị khai mạc Đại hội đảng lần thứ 13, thì việc đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, sai phạm mà đòi hỏi phải có những hành động, biện pháp làm dứt điểm luôn để đi vào đại hội mà không quá trễ, tôi cho là công việc không chỉ nên làm mà là phải làm.

“Qua theo dõi, tôi cho rằng không chỉ ông Tất Thành Cang mà cả những người liên quan mà quan trọng hơn nhưng chưa được xử lý đến nơi đến chốn, thì đó cũng là một cái thiếu triệt để.

“Lò đã thắp nóng mà củi lặt vặt, làm chưa đến nơi đến chốn, thì chưa đạt. Đó cũng là một sự chờ đợi của nhân dân. Có những cán bộ, đảng viên lão thành đang cho rằng đã làm thì phải làm triệt đễ.”

Khi được hỏi, nếu thực sự ông Tất Thành Cang không hành xử “một mình” mà có thể phải có “cấp trên” phê duyệt ở cấp cao hơn không, và nếu các điều tra cho rằng có sai phạm liên quan mà nghiêm trọng ở cả cấp trên như vậy, thì cần phải được xử lý như thế nào, Luật sư Trần Quốc Thuận đáp:

“Ông Tất Thành Cang nắm nhiều chức vụ, trong đó ông từng có nhiệm vụ là Phó Bí thư thường trực từ tháng 2/2016, dù như thế ông không phải là người đứng đầu của đảng tại đảng bộ thành phố, mà ông còn phải chịu sự chỉ đạo, giám sát của người trực tiếp cấp trên của ông ở cơ quan này.

“Và người đứng trên này do đó cũng phải chịu những biện pháp xử lý thích đáng và việc xử lý đó là sự chờ đợi, mong mỏi của quần chúng, nhân dân thành phố và đặc biệt của những cán bộ, đảng viên, những người đã tham gia kháng chiến trong giai đoạn trước 1975 và ngay đến bây giờ.

“Và ở đây còn chưa nói tới những sai phạm lâu dài, kéo dài liên quan tới vụ Thủ Thiêm và rõ ràng là có rất nhiều vấn đề chứ không chỉ một, nhưng đã được xử lý không đến nơi đến chốn, nửa vời.”

“Động thái mới đến từ lãnh đạo mới?”

Theo cựu Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, có thể động thái mới xảy ra trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh có một tân bí thư thành ủy được “điều chuyển” từ trung ương về và do đó tạo ra bối cảnh mới, ông nói:

“Nhân đây tôi muốn nói là trước đây ông Nguyễn Thiện Nhân đã ngại ngùng, không muốn đẩy mạnh việc đó. Nhưng bây giờ tình hình đã khác, ông Nguyễn Văn Nên, tân Bí thư thành ủy mới về thành phố.

“Và trước sự đòi hỏi, trông chờ của quần chúng, đảng viên, thì đã có sai phạm thì dù là ai, cấp nào cũng phải xử lý, thì bây giờ ông Bảy Nên với cương vị từng là Bí thư Trung ương đảng, điều chuẩn và nay là Bí thư Thành ủy, có lẽ cũng đã nhận thức được trách nhiệm và do đó ông đã có động thái thúc đẩy để làm đến nơi đến chốn.

“Tất cả những cái này phải xử lý triệt để, nếu không xử lý triệt để, thì những gì tồn đọng đó sẽ mãi như những thứ ung nhọt, gây bệnh tật và hiểm họa cho cơ thể mà cơ thể ở đây chính là sinh mạng của đảng cầm quyền, sinh mạng của cả dân tộc và đất nước.

“Trong lúc này, để giữ vững được độc lập dân tộc trước nguy cơ bên ngoài đe dọa chủ quyền lãnh thổ, nhất là tình hình Biển Đông v.v…, thì ở bên trong phải trong sạch, vững mạnh, thì người dân mới tin và mới đồng lòng trong việc xây dựng, kiện toàn tổ chức đảng trong sạch và đồng lòng, đồng hành trong việc giữ nước, giữ Biển Đông.

“Thành ra, đối với ông Bảy Nên, khi ông về thành phố, thì đây là những thử thách, những bước ngoặt quan trọng trong con mắt và cái nhìn của đảng viên, quần chúng nhân dân trước ông, và đây là những thử thách quan trọng trước cương vị chính trị mà ông đảm nhiệm.

“Nếu làm nửa vời, thì niềm tin của quần chúng, cán bộ, đảng viên cũng sẽ nửa vời và sự nửa vời đó sẽ đem lại hậu quả là tai họa, người ta sẽ thờ ơ, thậm chí coi thường những hoạt động, sứ mạng của tổ chức chính trị, của nhà nước, do vậy đó là đòi hỏi rất lớn, cho nên phải làm triệt để thì mới củng cố được niềm tin, hay nói đúng hơn là mới lấy lại được niềm tin,” Luật sư Trần Quốc Thuận bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 16/12 từ Sài Gòn.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55334067

Tuyên án 19 người trong vụ Tuấn “khỉ”

19 người liên quan đến vụ thượng úy công an Lê Quốc Tuấn (biệt danh Tuấn “khỉ”) bắn năm người tử vong vừa bị Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên án từ 1-13 năm tù vào chiều ngày 16/12.

Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin cùng ngày, cho biết thêm để có mức án phù hợp, tòa đã ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ cùng nhân thân.

Cụ thể, Phạm Thanh Tâm, sinh năm 1978, biệt danh Tý Bà Dòm, với vai trò chủ mưu giúp Tuấn “khỉ” bỏ trốn, bị tuyên 13 năm tù về hai tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.

18 người còn lại bị xác định giúp sức cho Tuấn “khỉ” lẩn trốn.

Trong đó, Trần Quốc Đạt, sinh năm 1999, lãnh án 5 năm tù về hai tội tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Tổng hợp với một bản án khác Đạt phải chấp hành chung là 6 năm 6 tháng tù.

3 người bị tuyên phạt 7 năm tù về tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có gồm Phạm Tấn Cường, Đặng Anh Tuấn, Lê Quốc Minh và Trần Anh Thi.

Cùng bị truy tố về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng gồm Nguyễn Phước Linh, Nguyễn Dũng Sĩ, Trần Đình Phước Thịnh, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Chánh Pháp với mức án 1 năm 6 tháng tù. Riêng Nguyễn Minh Di, dưới 18 tuổi và Nguyễn Văn Vui cùng mức án 1 năm tù.

4 anh em họ của Tuấn “khỉ” bị kết tội che giấu tội phạm là Nguyễn Duy Thanh, Võ Hồng Tâm, Lý Văn Mè cùng mức án 3 năm tù và Nguyễn Kim Ngân 2 năm tù.

Bị xác định tội danh không tố giác tội phạm, Đặng Trung Ngọc phải chịu án 1 năm 6 tháng tù.

Ngoài xử lý hình sự, do Tuấn “khỉ” đã chết được đình chỉ điều tra, nên về phần dân sự, yêu cầu bồi thường của bị hại có thể khởi kiện bằng vụ kiện khác nếu có căn cứ.

Theo cáo trạng, Lê Quốc Tuấn, biệt danh Tuấn “khỉ”, 33 tuổi, do mâu thuẫn trong lúc chơi đánh bạc tại vườn nhãn ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, trong các ngày từ 29-31/1/2020, đã dùng súng AK bắn chết 5 người, làm bị thương 2 người khác. Tuấn đã cướp 3 xe máy và số tiền hơn 802 triệu đồng giao cho nhiều người cất giữ.

Sau đó Tuấn nhờ em họ là Thanh và Tý ‘Bà Dòm’ giúp đỡ. Dù biết Tuấn vừa gây tội ác nhưng 2 người này vẫn giúp tìm cách đưa Tuấn tới Vũng Tàu bằng xe taxi.

Đến ngày 13/2/2020, Tuấn “khỉ” bị Công an TP HCM phối hợp Cục Cảnh sát Hình sự (C02, Bộ Công an) và nhiều lực lượng vây bắt tại khu vực Cầu Xáng, xã Tân Thạnh Đông, Hóc Môn. Tuấn đã chống trả nên bị bắn chết.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/19-people-in-the-case-of-tuan-monkey-were-sentenced-12162020072841.html

Nguyên Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thuỷ, Cần Thơ bị truy tố

Công an thành phố Cần Thơ ngày 16/12 đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố Nguyễn Văn Tuấn, nguyên phó chủ tịch UBND quận Bình Thuỷ do sai phạm về quản lý đất đai.

 Truyền thông Nhà nước loan tin này vào cùng ngày.

Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Văn Tuấn khi giữ chức Phó chủ tịch thường trực đã ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng 33 thửa đất không phù hợp qui hoạch của quận Bình Thuỷ.

Ngoài ra ông Tuấn cũng ký cho chuyển mục đích sử dụng 6 thửa đất sai Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và quyết định của UBND thành phố Cần Thơ, phá vỡ qui hoạch kế hoạch sử dụng đất, gây thiệt hại cho nhà nước khi thu hồi, bồi thường và tái định cư.

Trong cùng ngày 16/12, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ký quyết định thanh tra trách nhiệm đối với bốn Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, Tân Phú, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch và Giám đốc Giao thông vận tải.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-vice-chairman-binh-thuy-district-can-tho-prosecuted-12162020073608.html

Ông Đinh La Thăng phủ nhận cáo trạng và lời khai cấp dưới

Tại phiên tòa sáng 16/12 xét xử vụ án liên quan đến dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương, ông Đinh La Thăng phản bác cáo trạng và lời khai của các cấp dưới.

Phiên tòa dự kiến kéo dài từ 14-25/21, xử ông Thăng cùng 18 bị cáo khác trong vụ sai phạm gây thất thoát của nhà nước hơn 700 tỷ đồng.

Phản bác cáo trạng

Ông Đinh La Thăng nói rằng cáo trạng suy đoán, quy chụp không có căn cứ về trách nhiệm của ông trong vụ án mà ông ‘không liên quan’.

Ông Thăng nói cáo trạng nêu 6 nội dung thì sai hơn 5 nội dung.

Truy tố ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh vụ Ethanol Phú Thọ

Vụ xử ông Thanh là ‘mũi tên bắn nhiều con chim’

Ông Đinh La Thăng: ‘Muốn làm ma tự do’

Truyền thông tiếng Anh nói về bản án Đinh La Thăng

Các nội dung ‘thiếu căn cứ’ mà ông Thăng liệt kê gồm:

Quy cho ông trách nhiệm chỉ đạo xuyên suốt, trong khi dự án kéo dài nhiều năm mà ông chỉ ký trình Thủ tướng ký một quyết định thành lập và bút phê. Những thứ trưởng tham gia từng dự án cụ thể thì phải chịu trách nhiệm trực tiếp.

Ông không phân công nhiệm vụ cho thứ trưởng nào về vụ này mà người nào phụ trách lĩnh vực gì thì tự làm phần việc của mình.

Mọi lời khai trong hồ sơ và tại tòa về việc ông tác động tới dự án là không đúng

Số tiền thiệt hại 725 tỉ là thuộc một dự án khác (ông Thăng không nêu cụ thể dự án nào)

Ông Thăng cũng phủ nhận việc cáo trạng nêu rằng ông từng gọi điện cho ông Dương Tuấn Minh – tổng giám đốc Công ty Cửu Long, để ‘nhờ vả’, là không đúng.

Phủ nhận lời khai cấp dưới

Ông Thăng khẳng định lời khai của các bị cáo khác trước đó có nhiều điểm không đúng.

Chẳng hạn, ông Thăng nói ông Nguyễn Hồng Trường (cựu thứ trưởng Bộ GTVT) khai mọi văn bản do ông này ký đều gửi ông Thăng ‘là không đúng’.

Ông Thăng dẫn ra nhiều văn bản ông Trường ký mà không gửi cho mình, trong đó có văn bản trả lời của Thủ tướng việc đồng ý để Bộ GTVT tiếp nhận lại dự án.

Ông Thăng nói ông không biết có văn bản này. Ông cũng không nhận được quyết định về giá tài sản và quyết định đơn vị trúng đấu giá và hợp đồng hai bên ký.

Ông Thăng khẳng định trong dự án này, ông không trực tiếp chỉ đạo mà đã giao cho thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường.

Ông Thăng cũng khẳng định ông không có quan hệ họ hàng, kinh tế hay chính trị gì với với Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”), phủ nhận lời khai của ông Dương Tuấn Minh – tổng giám đốc Công ty Cửu Long.

Trước đó, ông Minh khai rằng do ông Thăng gọi điện giới thiệu quen biết ông Hệ ở Công ty Thái Sơn của Bộ Quốc phòng. Vì lời giới thiệu này mà ông Minh ‘bị tác động’, do đó đã thực hiện các thủ tục pháp lý để bán đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương dù biết rõ các quy định về việc bán tài sản nhà nước.

Ông Thăng cho rằng ông Minh đã thay đổi lời khai vì trước đó cả ông Minh và ông Hệ đều nói rằng ông không giới thiệu dự án.

Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương có vốn ngân sách nhà nước nên việc bán quyền thu phí là bán tài sản của nhà nước và số tiền thu được từ việc này là tài sản nhà nước.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được Thủ tướng chính phủ giao là đơn vị chủ trì xây dựng đề án bán quyền thu phíđể hoàn trả ngân sách đầu tư cho dự án.

Ông Thăng, khi đó là Bộ trưởng Bộ GTVT, ‘xuất phát từ động cơ cá nhân’, đã gọi điện cho ông Dương Tuấn Minh – tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long – để giới thiệu ông Đinh Ngọc Hệ và tạo điều kiện cho công ty của ông Hệ trúng thầu.

Ông Hệ đã làm hồ sơ gian dối, báo cáo tài chính hai công ty con liên quan từ thua lỗ thành lãi để trúng thầu.

Sau khi trúng thầu, ông Hệ bị cáo buộc gian dối về doanh thu, can thiệp trái phép vào phần mềm quản lý của Bộ GTVT để chiếm đoạt tài sản nhà nước.

Ông Thăng, ông Hệ, ông Trường, cùng một số cán bộ khác dưới quyền ông Thăng bị cáo buộc làm thiệt hại tài sản nhà nước 725 tỷ đồng trong dự án đường cao tốc Trung Lương.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55328497

Tiếp tục hoãn phiên toà xét xử biến người Trung Quốc thành người Việt Nam

Toà án Nhân dân tỉnh Khánh Hoà ngày 16/12 quyết định hoãn phiên toà xét xử lần thứ hai vụ làm giả hồ sơ để biến người Trung Quốc thành người Việt Nam.

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin dẫn thông báo của Toà án Nhân dân tỉnh Khánh Hoà cho biết lý do hoãn là do một bị cáo có đơn xin hoãn phiên toà vì không đảm bảo sức khoẻ, người bào chữa và nhiều người làm chứng vắng mặt. Dự kiến phiên toà sẽ mở lại vào ngày 21/1/2021.

Trước đó, ngày 26/11 Toà án Nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã hoãn phiên toà đầu tiên xét xử vụ án trên do không có người phiên dịch, nhiều người có quyền và nghĩa vụ liên quan lẫn nhân chứng đều vắng mặt.

Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hoà truy tố 5 người cùng tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức bao gồm: Trần Quang Huy (36 tuổi), Đỗ Đăng Khoa (38 tuổi), Võ Ngọc Hoà (35 tuổi), Lê Thanh Hải (44 tuổi) và Song Jiahao (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc).

Theo cáo trạng từ tháng 1/2018 – 6/2019 các bị can nêu trên đã làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân cho nhiều người nhằm hưởng lợi bất chính. Nhóm này đã thực hiện thành công 7 hồ sơ, tài liệu làm giả tài liệu để đăng ký nhân khẩu và chứng minh nhân dân. Trong đó có 2 vụ biến người Trung Quốc thành người Việt Nam.

Điển hình là vụ biến người Trung Quốc thành người Việt Nam với mức giá là 50 triệu đồng. Một người đàn ông tên Ou Yang Chunbo quốc tịch Trung Quốc muốn có hộ chiếu Việt Nam đã nhờ Đỗ Đăng Khoa và Trần Quang Huy làm hộ chiếu cho người này. Sau khi Huy tập hợp đầy đủ các giấy tờ giả hoàn chỉnh sẽ mang đến nộp cho công an TP Nha Trang và được cấp sổ hộ khẩu ở phường Vĩnh Hoà và làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân với tên Trần Dương Huy.

Sau khi có chứng minh nhân dân đương sự đã đến phòng quản lý xuất nhập cảnh tỉnh Khánh Hoà để đăng ký hộ chiếu Việt Nam và đã thành công qua mặt được cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vụ việc bị phát hiện sau khi nhóm này nhờ một người khác đến để nhận thay hộ chiếu. Nhóm này cũng đã thành công với một người Trung Quốc khác với tên Nguyễn Khang Tĩnh.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/continued-postponement-of-the-trial-to-turn-for-defendants-who-disguised-chinese-as-vietnamese-12162020081425.html

Formosa Hà Tĩnh khắc phục ô nhiễm môi trường đến đâu?

Thanh Trúc

Hội Đồng Giám Sát Liên Ngành do Bộ Tài Nguyên-Môi trường chỉ định vừa có phiên họp đánh giá kết quả khắc phục các vi phạm và thể hiện các cam kết về bảo vệ môi trường của công ty trách nhiệm hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa chuyên sản xuất gang thép ở Hà Tĩnh.

Tin được báo trong nước loan đi ngày 14/12 vừa qua, nói rằng theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, Formosa Hà Tĩnh đã đầu tư tốt nhất cho việc cải tiến hệ thống bảo vệ môi trường, với kết quả là toàn bộ 53 lỗi vi phạm đã khắc phục xong tính đến lúc này.

Đây là những lỗi vi phạm, do Ban Thanh tra thuộc Bộ Tài Nguyên-Môi Trường nêu ra với Formosa, sau khi Công ty gang thép này xả thẳng nước thải ra biển khiến nguồn nước bị nhiễm độc, cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung hồi tháng 4/2016.

Trước khi lượng định kết quả, Hội Đồng Giám Sát Liên Ngành đã thị sát công trình xử lý nước thải, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục, công viên sinh thái và hệ thống dập cốc khô của Công ty Formosa Hà Tĩnh thời gian qua.

Một người đang công tác tại Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh, không muốn nêu tên vì lý do tế nhị, nói rằng sự cố Formosa 4 năm trước đã dạy con người  bài học  đắt giá về một môi trường sống an toàn, lành mạnh.  

Vẫn theo lời ông, đến giờ môi trường khu vực bị ảnh hưởng coi như đang tự hồi phục, nguồn lợi về thủy sản hầu như cũng được khôi phục. Gần đây nhất, ông tiếp, ngư dân vùng ven biển Bắc Trung bộ đã thu hoạch hàng trăn tấn con ruốc, còn gọi là con tép, những sinh vật chỉ sinh sôi và tồn tại được trong vùng nước sạch.

Tuy vậy, vẫn lời ông, giám sát chặt chẽ là việc phải làm, và kết quả cho thấy hầu hết các lỗi được khắc phục, một số ít lỗi còn lại phải có giải pháp tối ưu trong những ngày tới.

Trong việc khắc phục cả 53 lỗi vi phạm thì Formosa Hà Tĩnh đã xử lý như thế nào. Khói thải, nước thải, chất thải được mang đi đâu, hải sản có còn nhiều như trước không, là những câu hỏi mà ngay  cả người địa phương cũng nói họ không biết hay không muốn trả lời.

Ông Đào Nhật Đình, kỹ sư chuyên ngành đã về hưu nhưng vẫn hoạt động trong lãnh vực môi trường, lý giải chi tiết với  RFA qua điện thư:

Trong 53 lỗi vi phạm thì đa số là những lỗi nhỏ và có thể khắc phục nhanh. Lỗi thứ 53 mới là nghiêm trọng nhất và hay được nói đến nhất. Lỗi 53 là trong bản Báo cáo Đánh giá Tác động môi trường nộp năm 2008 có nêu dập cốc khô. Nhưng trong quá trình thiết kế chi tiết nhà máy tính toán lại và chuyển sang dập cốc ướt. Hai hệ thống dập cốc khô đã được thi công xong và đưa vào vận hành năm 2019. Vậy là hoàn thành khắc phục 53 lỗi.”

Việc xử lý khói thải, nước thải của Formosa, phải hiểu theo cái nhìn chuyên môn, ông nói tiếp:

Khói  thải lò cao, khói thải lò điện than, lò điện khí, lò thiêu kết quặng, lò luyện cốc, lò nấu thép chuyển ô xy hay lò vôi. Nói chung là khí thải đạt chuẩn môi trường của Việt Nam cho từng loại lò. Đã từng có tin ầm ĩ về khí thải lò thiêu kết có ô xy dư cao gấp đôi lò than nhưng đó là do những người báo cáo không hiểu bản chất của hai lò hoàn toàn khác nhau. Vấn đề đã xử lý xong”

“Hai luồng hơi nước mà một số người đã chụp ảnh vào buổi tối rồi gọi là khói thì thực chất là hơi nước dập cốc, nay đã chuyển sang dập khô nên không còn nữa. Mỗi năm chỉ vận hành dập ướt vào dịp ngưng thiết bị dập khô để bảo dưỡng định kỳ”.

Nước thải từ Formosa thì có 2 loại chính, kỹ sư Đào Nhật Đình giải thích, nước mưa được tách riêng và sau khi lắng đọng, gạt dầu mỡ sẽ xả thẳng ra biển:

Chất lượng nước mưa khi thải ra cũng được quan trắc. Nước thải của các phân xưởng được xử lý sơ bộ riêng, trong đó nước thải dập cốc xử lý phức tạp hơn. Sau đó, cùng nước thải sinh hoạt sau xử lý nhập về khu vực hoàn thiện và dự phòng rất rộng”

“Nước thải xử lý hoàn thiện được bơm sang đường ống chạy dọc phía Nam nhà máy vào bể cao,  có nơi lấy mẫu nước trước khi đi từ bể cao xuống ống ngầm dài 1,5km dưới đáy biển. Từ ống ngầm nước chảy qua các vòi khuếch tán ,  hòa vào nước biển trong vịnh Sơn Dương. Cạnh bể cao có các thiết bị lấy mẫu nước và phân tích của Formosa và Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh đặt trong 2 container riêng biệt. Số liệu container của Sở truyền thẳng về Sở. Mỗi container chứa thiết bị phân tích khoảng 15-17 thông số.”

Chất thải rắn cũng tùy loại, kỹ sư Đào Nhật Đình phân tích tiếp, tần tro bay của nhà máy điện được doanh nghiệp khác mua về làm xi măng. Xỉ lò gang được mua để thu hồi gang. Xỉ thép và xỉ lò cao mới chỉ bán được một phần. Xỉ thép và xỉ đáy lò than đều đã có chứng chỉ hợp chuẩn.

Về mặt hải sản thì khó có thể có số liệu chính xác, ông Đào Nhật Đình  cho biết:

Chỉ biết Hà Tĩnh ba năm qua thu hoạch cá tốt, bị cả tỉnh khác lấn chiếm ngư trường bên ngoài Cẩm Xuyên. Hồi 2016 Cẩm Xuyên chưa có mực bơi, giờ họ đã biết cách lấy nước để nuôi mực bơi, nhưng ngon nhất vẫn là mực bơi và cá bơi Vũng Áng, nằm cách Formosa Hà Tĩnh chừng 6 Km về phía Bắc. Cần biết mực bơi phải có môi trường nước trong lành mới sống được”.

Hồi tháng 6/2019, người dân Tổ Dân Phố Tây Yên, tỉnh Hà Tĩnh, biểu tình phản đối một dự án mới liên quan đến công ty trộn bê tông Tâm Viết Hải ở Khu Kinh Tế Vũng Áng, cho rằng công ty này sử dụng chất thải rắn của Formosa Hà Tĩnh để san lấp mặt bằng một công trình đang xây.

Trước đó, vào tháng 5/2018, Công An Hà Tĩnh từng kiến nghị Bộ Tài Nguyên-Môi Trường và các ban ngành liên quan giám sát nghiêm việc xử lý chất thải của nhà máy Formosa.

Số liệu cụ thể được nêu ra là mỗi năm Formosa thải ra môi trường hơn 3,3 triệu tấn chất thải rắn, là nhân tố gây nguy hại môi sinh rất lớn. 

Một người địa phương sống gần khu vực có mặt bằng được san lấp, cho rằng chất thải rắn đầy trong sân sau của Formosa mà có thể vì không đủ chỗ chứa nên được móc nối tuồn ra ngoài làm vật liệu san lấp mặt bằng.

Một cư dân khác trong Tổ Dân Phố Tây Yên trả lời là :

“Không biết mà cũng không nắm được chuyện đó mô”

Còn một cư dân Vũng Áng cho rằng dân bức xúc là vì không được thông báo đầy đủ những vụ việc  dính tới Formosa: 

Các cấp lãnh đạo cho đến các công ty  giải thích không đúng, với lại dân người ta không hiểu biết được nên người ta bức xúc, kiểu như là lãnh đạo với công ty cộng tác với nhau để lấp liếm cái việc lấp liếm cho cái việc san lấp mặt bằng đó”.

Thật ra chất san lấp mặt bằng không phải chất thải, khi xử lý đúng có thể dùng được, là khẳng định của ông Đào Nhật Đình:

Đó là xỉ thép ở khu kinh tế Vũng Áng cuối năm 2019 và san lấp sân bóng ở xã Kỳ Nam. Xỉ thép là vật liệu san lấp tốt. Xỉ thép của Formosa  được phân tích thành phần các chất nguy hại trước khi hợp chuẩn, đảm bảo không gây nguy hại. Về tính cơ lý thì đó là vật liệu tốt thay thế cát”.

Theo đánh giá của Tổng Cục Môi Trường, từ tháng 8/2020 toàn bộ các hạng mục công trình bảo vệ môi trường của dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (giai đoạn 1) và các công trình cải thiện, bổ sung bảo vệ môi trường tại đây coi như đã hoàn thành, được Bộ Tài Nguyên -Môi Trường Việt Nam cấp giấy xác nhận hoàn thành để vận hành chính thức.

Phía người dân địa phương mong mỏi luôn có được những thông tin thuyết phục, minh bạch về thực trạng môi trường nơi nhà máy gang thép đang hoạt động.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-is-environment-years-after-formosa-toxic-pollution-12162020113610.html

Kêu gọi nhân sự đại hội đảng vì lợi ích quốc gia và thực tế trái ngược!

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết trong việc bỏ phiếu giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Ông phát biểu như vậy khi tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 vào ngày 14/12, để thảo luận những vấn đề cuối cùng liên quan đến việc tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Từ Hà Nội hôm 15 tháng 12 năm 2020, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, nhận định với Đài Á Châu Tự Do về câu nói của ông Trọng:

“Một cái kiểu cố hữu từ trước đến nay, là Đảng cộng sản Việt Nam luôn đánh đồng mình với quốc gia và dân tộc… Cho nên những sự lựa chọn chính sách, hay lựa chọn nhân sự, hay bất kể sự lựa chọn gì… là vì mục đích của chính họ, nhưng mà họ nói là vì mục đích của quốc gia và dân tộc. Cái đó thật sự phải làm rất rõ ràng ra, để không có sự đánh đồng đấy… mê hoặc người dân.”

Cũng tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã cho rằng trách nhiệm trước đảng và nhân dân đất nước ngang bằng… khi ông đề nghị Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, đất nước, tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thành thật tốt các nội dung, chương trình Đại hội đã đề ra.

Một kiểu cố hữu từ trước đến nay, là Đảng cộng sản Việt Nam luôn đánh đồng mình với quốc gia và dân tộc… Cho nên những sự lựa chọn chính sách, hay lựa chọn nhân sự, hay bất kể sự lựa chọn gì… là vì mục đích của chính họ, nhưng mà họ nói là vì mục đích của quốc gia và dân tộc.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Nhà hoạt động, Facebooker Trần Đình Thu khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 15 tháng 12 năm 2020 qua tin nhắn, cho biết ý kiến của mình dưới một góc nhìn khác:

“Đối với Việt Nam, chúng ta đừng so sánh với các nước khác thể chế chính trị khi bàn về vấn đề này. Chúng ta phải chấp nhận rằng lãnh đạo Việt Nam không phải là những nhà lãnh đạo dân chủ, và chỉ chọn nhân sự trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam mà thôi. Nếu chấp nhận hệ quy chiếu như vậy chúng ta dễ đánh giá hơn. Trong trường hợp này tôi có thể nói rằng, giai đoạn này việc chọn nhân sự là tiến bộ nhất trong khoảng thời gian 20 năm thậm chí 30 năm trở lại đây.

Hiện nay, theo Facebooker Trần Đình Thu, tiêu chí trong sạch của Việt Nam đã được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên ông viết tiếp:

“Dĩ nhiên chúng ta cũng đừng đòi hỏi phải trong sạch như Hàn Quốc hay Singapore, những nước lân cận Việt Nam. Mà trong sạch ở đây là không quá tham nhũng một cách lộ liễu. Làm như vậy cũng là đặt lợi ích dân tộc lên cao nhất trong điều kiện bó buộc của thể chế chính trị này rồi.”

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu như vậy. Trước khi diễn ra Đại hội Trung ương Đảng lần thứ XII vào năm 2016, ông cũng hô hào nâng cao tin thần trách nhiệm để bầu ra đội ngũ lãnh đạo tinh hoa cho đất nước.

Theo Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được báo chí nhà nước Việt Nam đăng tải, trong nhiệm kỳ khóa XII vừa qua, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 1.000 tổ chức đảng và hơn 87.000 đảng viên, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu.

Ngoài những cán bộ bị kỷ luật, còn có nhiều người bị khởi tố, bắt giam, bị kết án tù, dù lãnh đạo cấp cao như Uỷ viên Bộ chính trị, Uỷ viên Trung ương đảng, các tướng lĩnh quân đội như trường hợp ông Nguyễn Văn Hiến, cựu đô đốc, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân, bị kết án 4 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hay trường hợp ông Đinh La Thăng, từng kinh qua nhiều chức vụ như Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo nhiều vị trí ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam… Trong Đảng Cộng sản Việt Nam, ông từng là Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh… Ông bị kết án tổng cộng 30 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của dân.

Mới nhất là trường hợp Cựu Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa bị Toà án Nhân dân Hà Nội tuyên án 5 năm tù vào sáng ngày 11/12/2020 với tội danh “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.

Mình ông Trọng nắm hai ba ghế, chống tham nhũng cũng ổng luôn, còn hơn vua ngày xưa, thì rõ ràng ổng nói trời nói bể gì tôi cũng không tin nếu như độc đảng.

-Nhà hoạt động Trần Bang

Từ Sài Gòn, Nhà hoạt động Trần Bang khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 15 tháng 12 năm 2020, nhận xét:

“Bề ngoài thì bao giờ cũng nói vì lợi ích quốc gia, vì nhân dân, vì đất nước. Nhưng bởi vì cái đảng này độc tài, có một đảng thôi, không có ai cạnh tranh quyết liệt. Ví dụ đảng này có 1 người bộ trưởng hay ủy viên trung ương chẳng hạn mà có điều tiếng, chưa nói đến tham nhũng rõ ràng… thì cả cái đảng đó từ chức để đảng khác lên, thì lúc đó mới chính thức là vì nhân dân. Nhưng bây giờ họ nói họ vì nhân dân đất nước nhưng họ vẫn cứ một đảng, rồi nếu họ có tham nhũng, vi phạm nhân quyền, cướp đất đai tài sản của nhân dân… thế nhưng khi xử án thì chính đảng viên đảng cộng sản xử. Về nguyên tắc thì không có mâu thuẫn lợi ích và quan tòa không phải người độc lập, ông cấp dưới đi xử ông cấp trên.”

Nhà hoạt động Trần Bang nêu ví dụ như phiên tòa xử ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thì Tòa án dưới cấp UBND, Chánh án dưới ông Chủ tịch vì ông Chủ tịch là Ủy viên Trung ương… nên cộng đồng mạng mới lên tiếng về bản án 5 năm của ông Chung cũng như chuyện Thẩm phán bắt tay vỗ vai bị cáo… Ông Bang nói tiếp:

“Rõ ràng là một đảng thì ông nói gì cũng được. Bao giờ mà ông Trọng tuyên bố rằng: ‘Tôi nhân danh đảng cộng sản cam kết cạnh tranh lành mạnh với các tổ chức chính trị xã hội khác, ai tốt hơn thì lên lãnh đạo, chúng tôi tốt hơn thì chúng tôi giữ quyền lãnh đạo’… Thì lúc đó tôi công nhận ông Trọng vì nhân dân, vì đất nước. Còn nếu ổng không tuyên bố được là đa đảng và cạnh tranh lành mạnh để nhân dân lựa chọn, mà cứ một đảng nắm cả lập pháp, hành pháp, tư pháp… Mình ông Trọng nắm hai ba ghế, chống tham nhũng cũng ổng luôn, còn hơn vua ngày xưa, thì rõ ràng ổng nói trời nói bể gì tôi cũng không tin nếu như độc đảng.”

Qua thực tế những người bị ra tòa, cụ thể là ông Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung và nhiều người khác… thì rõ ràng những “tinh hoa” nhân sự mà Đảng cộng sản Việt Nam đã lựa chọn vừa qua cho thấy rõ họ không hề vì lợi ích nhân dân và quốc gia như lời lãnh đạo lặp đi lặp lại bao năm qua.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/party-congress-personnel-have-for-the-national-interests-through-long-practice-12152020120001.html

Nhật Bản viện trợ 7 dự án không hoàn trả cho Việt Nam

Chính phủ Nhật Bản vừa ký viện trợ 7 dự án không hoàn lại quy mô nhỏ dành cho các địa phương của Việt Nam.

Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 16/12 theo thông tin được cho biết tại buổi lễ ký kết giữa chính phủ hai nước tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Việt Nam.

Buổi lễ tại Hà Nội có sự tham gia của đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio và đại diện các đơn vị thực hiện dự án.

Bảy dự án được nêu danh bao gồm: dự án xây dựng hệ thống nước sinh hoạt cho xã Tân Lập, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn có trị giá gần 76.800 USD.

Dự án rà phá bom chùm tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trị giá khoảng 636.000 USD.

Dự án cung cấp trang thiết bị chữ nổi, hỗ trợ người mù tại các cơ sở của Trụ sở Hội người mù Việt Nam, Hội người mù Hà Nội, Hội người mù tỉnh Hải Dương, Hội người mù tỉnh Bắc Ninh có tổng trị giá khoảng 86.600 USD.

Dự án xây dựng lớp học mới cho trường tiểu học Thượng Ninh, tỉnh Thanh Hóa có giá trị khoảng 87.600 USD.

Dự án xây dựng đường liên bản xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu có trị giá khoảng 86.500 USD. 

Dự án xây dựng trường mầm non xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có trị giá gần 86.800 USD.

Dự án cung cấp thiết bị chụp X-Quang di động sàng lọc bệnh lao cho Công ty IRD Việt Nam có trị giá hơn 87.200 USD.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/japan-grants-7-non-refundable-projects-to-vietnam-12162020090542.html

Điểm tin trong nước 16/12: Bị cáo Đinh La Thăng nói ‘cáo trạng suy diễn và quy chụp’; Xăm hình để trốn nghĩa vụ Quân sự

Tâm Tuệ- Hiểu Minh

Mục lục bài viết

Xăm hình để trốn nghĩa vụ Quân sự

Bị cáo Đinh La Thăng nói ‘cáo trạng suy diễn, quy chụp’

Bắt nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng

TP.HCM: Đội phó cảnh sát hình sự ‘bảo kê’, góp vốn mở sòng bạc

Tài xế Mercedes lĩnh 7 năm 6 tháng tù

Ông Tất Thành Cang bị khởi tố

Mục Điểm tin trong nước tối thứ Tư (ngày 16/12) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Xăm hình để trốn nghĩa vụ Quân sự

Theo truyền thông trong nước, hôm nay 16/12 Bộ Quốc phòng cho biết, thời gian qua một số công dân cố tình xăm hình, chữ lên cơ thể trước thời điểm khám tuyển nghĩa vụ Quân sự để trốn tránh nghĩa vụ.

Bộ Quốc phòng cho biết sẽ bắt buộc tẩy xóa hình, chữ xăm; nếu cố ý vi phạm thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật hoặc buộc phải cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ Quân sự.

Bị cáo Đinh La Thăng nói ‘cáo trạng suy diễn, quy chụp’

Ngày 16/12, phiên tòa xét xử Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng Bộ GTVT), Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng Bộ GTVT) cùng các đồng phạm trong vụ tham ô thu phí đường cao tốc Tp. HCM – Trung Lương tiếp tục phần xét hỏi.

Trả lời HĐXX, bị cáo Thăng khẳng định không trực tiếp ban hành chỉ đạo liên quan đến văn bản Thủ tướng Chính phủ giao lại Bộ đề án chuyển giao quyền thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương. Việc này do thứ trưởng phụ trách lĩnh vực nhận nhiệm vụ và xử lý.

Trong vụ án, ông Thăng cũng bị cáo buộc có mối quan hệ với bị cáo Đinh Ngọc Hệ và giới thiệu công ty của Hệ vào tham gia đấu giá quyền thu phí. Tuy nhiên, ông Thăng cũng đã bác bỏ vấn đề này.

Ông nói: “Lời khai của các bị cáo khác có ý đúng, có ý chưa đúng. Cáo trạng buộc tội bị cáo có nhiều nội dung suy đoán, quy chụp và suy diễn’.

Bắt nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng

Cơ quan chức năng TP.HCM ngày 16/12 đã khởi tố, bắt tạm giam ông Diệp Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, với cáo buộc Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Các sai phạm tại Saigon Co.op được Thanh tra thành phố kết luận hồi cuối tháng 7. Trong đó, sai phạm lớn nhất liên quan việc tăng vốn điều lệ lên gần 6.800 tỷ đồng năm 2020.

Cụ thể, các hợp tác xã thành viên của Saigon Co.op đạt lợi nhuận 5-6 tỷ đồng nhưng không góp vốn, trong khi nhiều hợp tác xã chỉ đạt lợi nhuận sau thuế từ 24 đến 500 triệu đồng một năm lại góp hàng trăm tỷ đồng. Thậm chí có đơn vị kinh doanh thua lỗ vẫn góp 247 tỷ đồng.

Các hợp tác xã lợi nhuận ít nhưng góp vốn lớn cho biết đã huy động vốn từ các thành viên bên ngoài và có trường hợp ký hợp đồng hợp tác với các cá nhân ngoài hợp tác xã. Điều này cho thấy đã có các cá nhân, tổ chức thông qua hợp tác xã thành viên để tham gia đầu tư vốn vào Saigon Co.op.

TP.HCM: Đội phó cảnh sát hình sự ‘bảo kê’, góp vốn mở sòng bạc

Theo truyền thông trong nước, ngày 16/12, cơ quan chức năng đã truy tố Đoàn Hồng Phúc (SN 1982, nguyên Phó đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Tân Phú, Tp. HCM) về hành vi bảo kê đánh bạc và mở sòng bạc. 

Năm 2019, Phúc khi đang công tác tại Công an Quận Tân Phú đã cùng một số đối tượng thuê nhà tổ chức đánh bạc qua mạng để chia tiền thu lợi bất chính. Lợi dụng chức vụ và mối quan hệ của mình, Phúc đã giúp sòng bạc hoạt động suôn sẻ cho đến khi bị phát hiện vào tháng 5 năm nay.

Theo kết luận điều tra, từ tháng 10/2019 đến 5/2020, tổng số tiền mà nhóm của Phúc tổ chức đánh bạc và tổ chức đánh bạc lên đến hàng tỷ đồng. 

Tài xế Mercedes lĩnh 7 năm 6 tháng tù

Chiều 16/12, TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM đưa ra phán quyết với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ở quận Gò Vấp) về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Căn cứ vào quá trình điều tra và kết quả xét hỏi công khai tại tòa, HĐXX nhận định vụ án tai nạn giao thông này xảy ra hoàn toàn do lỗi của bị cáo nên tuyên mức án 7 năm 6 tháng tù. Bị cáo có thể kháng cáo trong vòng 15 ngày tính từ ngày tuyên án.

HĐXX yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền như đã thỏa thuận với hai gia đình bị nạn. Cụ thể, bồi thường 1,4 tỷ đồng cho chị Nguyễn Thị Bích Hường và 477 triệu đồng cho gia đình ông Lê Mạnh Thường.

Riêng với trách nhiệm của công ty cho bị cáo thuê xe Mercedes, HĐXX nhận định việc công ty cho bị cáo thuê xe là giao dịch tự nguyện giữa 2 bên, không có quan hệ nhân quả giữa việc cho thuê xe và gây tai nạn nên không xem xét trách nhiệm liên đới của đơn vị này.

Báo Zing dẫn lời bị hại “Bản án đưa ra với tài xế Nguyễn Trần Hoàng Phong quá nhẹ, tôi sẽ yêu cầu luật sư kháng cáo”, nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường nói sau phiên xử sơ thẩm.

Ông Tất Thành Cang bị khởi tố

Zing đưa tin, chiều 16/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM, đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang để điều tra hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Ông Tất Thành Cang bị cáo buộc liên quan đến sai phạm trong việc bán 9 triệu cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim (cổ đông chiến lược) tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) gây thất thoát cho Sadeco 208 tỷ đồng (Sadeco là công ty con của IPC -doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với vốn điều lệ khoảng 2.900 tỷ đồng).

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-16-12-bi-cao-dinh-la-thang-noi-cao-trang-suy-dien-va-quy-chup-xam-hinh-de-tron-nghia-vu-quan-su.html