Tin Việt Nam – 16-10-2016
Trao đổi Thư tín ngày 15.10.2016
Tuần Bắt bớ-Đánh đập-Đàn áp
Tuần thứ hai của tháng Mười năm 2016 trôi qua ở Việt Nam với sự trông ngóng của dân chúng thủ đô về thông tin nguyên nhân vì sao 200 tấn cá Hồ Tây chết, theo như hứa hẹn của chính quyền Hà Nội có thể thông báo nhanh nhất trong vòng một tuần. Tuần thứ hai này không chỉ đến với sự nhẫn nại của người dân Sài Gòn trong tình cảnh đường xá kẹt cứng do Trời mưa mà còn đến với những giọt nước mắt nghẹn lòng của rất nhiều người khắp ba miền Nam-Trung-Bắc và của cả khán thính giả cùng độc giả Đài RFA, khi họ gọi tên “Tuần Bắt bớ-Đánh đập-Đàn áp”.
Mở màn cho tuần mới, dư luận trong và ngoài nước đón nhận thông tin vào ngày 8 tháng 10, Công an Vũng Tàu ập vào bắt đi một nhóm khoảng 20 người đang gặp gỡ nhau tại khách sạn Herra Palace, trong đó có các nhà hoạt động xã hội-dân chủ như Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Luật sư Lê Công Định. Nhóm người bị tạm giữ trong nhiều giờ với lý do tham gia hội thảo mà không xin phép. Nhiều người trong số họ bị đánh vì đã phản kháng lại việc bắt bớ của công an địa phương. Và cuối cùng họ đã bị tách ra và thả xuống giữa đường trong đêm tối, lúc 11 giờ khuya.
Trong khi vụ việc bắt bớ vừa nêu đang còn là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận thì một vụ bắt bớ khác xảy ra ở Nha Trang. Công an tỉnh Khánh Hòa đọc lệnh bắt Blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tại nhà vào hôm mùng 10 tháng 10, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Suốt những ngày qua, truyền thông nước ngoài đưa tin Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu-EU và Anh Quốc đồng loạt kêu gọi Hà Nội phóng thích Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, đồng thời khuyến nghị Nhà nước Việt Nam nên dành thêm quyền tự do cho người dân. Về phía truyền thông trong nước thì tràn ngập tin tức khởi tố và bắt giam Blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Người dân Việt Nam đều có thể là “Mẹ Nấm”
Hòa Ái ghi nhận rất nhiều khán thính giả và độc giả Đài Á Châu Tự Do đặt nghi vấn rằng có phải chính quyền Việt Nam bắt Blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, để răn đe và dập tắt những tiếng nói bất đồng chính kiến ngày càng gia tăng trong nước cũng như qua động thái bắt bớ này nhằm khuất phục ý chí hoạt động vì xã hội dân chủ và môi trường trong sạch ở Việt Nam hay không? Sau đây, mời quý thính giả cùng nghe lại chia sẻ của ba Blogger Đinh Quang Tuyến, Nguyễn Tường Thụy và Phạm Thanh Nghiên với RFA ngay sau khi Blogger Mẹ Nấm- Nguyễn ngọc Như Quỳnh bị bắt:
Nếu hỏi chúng tôi có lo sợ không? Xác quyết một điều rằng chúng tôi đang có những nỗ lực, đấu tranh để có được tự do cho bản thân mình, mặc dù sự tự do ấy có thể đánh đổi bằng nhà tù-
Phạm Thanh Nghiên
“Một khi đã dấn thân đều có tâm lý tinh thần thép. Người đấu tranh có thể khác nhau một chút nhưng cơ bản là chấp nhận mọi rủi ro, cho nên khái niệm “Sợ” thì chắc là ‘Không’”.
“Có làm cho ai sợ, chùn bước hoặc dừng bước hay không thì tôi nghĩ là ‘Không’. Có thể gieo rắc làm cho một vài cá nhân nào đó có thể sợ hãi, do dự, đắn đo nhưng về cơ bản thì không đẩy lùi được tinh thần đấu tranh, đòi nhân quyền dân chủ mất đi được.”
“Nếu hỏi chúng tôi có lo sợ không cho các thành viên khác hay cho cá nhân thì tôi khẳng định rằng điều đó không gây bất cứ tổn hại nào về tinh thần đối với chúng tôi cả, nếu như hiểu theo nghĩa lo sợ bị bắt? Bởi vì dù cho bị bắt thì cũng chẳng có gì khiên cho mình hoang mang, quá lo lắng hay sợ hãi. Xác quyết một điều rằng chúng tôi đang có những nỗ lực, đấu tranh để có được tự do cho bản thân mình, mặc dù sự tự do ấy có thể đánh đổi bằng nhà tù”.
Thưa quý vị, đa số những ai đã dấn thân vì mục tiêu xã hội Việt Nam được văn minh và dân chủ, mà Ban Việt ngữ tiếp xúc, đều khẳng định họ là “Mẹ Nấm”. Không những vậy, cựu tù nhân lương tâm-nhà báo Trương Duy Nhất lên tiếng rằng “Tất cả mọi người dân Việt Nam, ai cũng có thể trở thành ‘Mẹ Nấm’ cả.” Một thính giả cho biết ở Phú Yên, gửi email về đài, viết rằng:
“Tôi xem tivi và đọc báo Tuổi Trẻ tin về cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị khởi tố và bắt giam theo Điều 88 Bộ luật Hình sự vì cô kêu gọi cho môi trường biển trong sạch cũng như chấm dứt tình trạng dân thường bị chết trong đồn công an. Anh Ngô Thanh Kiều ở quê tôi là nạn nhân bị 5 công an dùng nhục hình đánh chết. Nếu tôi không lên tiếng thì có phải tôi là nạn nhân tiếp theo sau anh Kiều? Và nếu tôi lên tiếng thì tôi sẽ bị bắt như cô Như Quỳnh? Vậy, tôi phải chọn lựa thế nào? Im lặng hay lên tiếng?”
Im lặng hay lên tiếng?
Qua câu hỏi của thính giả ở Phú Yên nêu lên người dân Việt Nam chọn im lặng hay lên tiếng trước số phận sống còn của chính họ, Hòa Ái liên lạc với một số người tham gia biểu tình phản đối nhà máy thép Formosa vào Chủ Nhật, mùng 2 tháng 10 có lo sợ trước lực lượng quân đội, cảnh sát hùng hậu dàn quân nhằm đối phó với họ vào Chủ Nhật vừa rồi hay không. Câu trả lời của họ rằng “Không”.
“Bây giờ toàn dân ở đây bảo là họ có dùi cui thì ta cũng có thứ khác. Ai cũng nói vì tương lai đất nước và tương lai của con cháu sau này; lo là lo điều này chớ họ không lo chó nghiệp vụ hay là xe hay quân đội như thế. Khẳng định rõ ràng là vậy.”
Những người dân hiền lành nơi khúc ruột miền Trung mà Hoa Ái tiếp xúc khẳng định họ không chọn im lặng, họ sẽ tiếp tục khởi kiện Formosa và sẽ tiếp tục biểu tình nếu chính quyền không đáp ứng nguyện vọng chính đáng của họ.
Mặc dù tuần thứ hai của tháng Mười trôi qua ở Việt Nam bằng các cuộc bắt bớ, trấn áp không làm nao núng tinh thần của những nạn nhân thảm họa môi trường biển hay những nhà hoạt động xã hội dân chủ, nhưng nhiều khán thính giả và độc giả Đài RFA ở hải ngoại bày tỏ nỗi lo ngại đối với đồng bào trong nước. Họ chia sẻ những ngày sắp tới sẽ ra sao khi chính quyền đối đầu với người dân bằng vũ lực? Tiếp theo trong chương trình, Hòa Ái trích đăng các ý kiến liên quan:
Vì muốn cho cá sống, cho bản thân mình sống, cho con cháu sống, cho biển sống, cho dân tộc sống, cho đất nước sống mà người dân bị bắt giam. Lòng yêu nước trong mỗi người Việt Nam bây giờ là kẻ thù lớn nhất của Đảng Cộng sản lãnh đạo-
Thính giả RFA
“Nhà nước bảo vệ cho Formosa, buồn thật chứ!”
“Cuộc chiến với Formosa sẽ còn rất dài. Buồn cho nền Tư pháp Việt Nam!”
“Buồn về tất cả! Chứ ko phải chỉ buồn riêng về hệ thống Tư pháp thôi đâu!”
“Yêu yêu cầu khởi tố Formosa mà là ‘chống phá nhà nước’, có nghĩa Nhà nước Việt Nam tự nhận là đồng lõa của Formosa. Nhà nước thật sai lầm khi họ tuyên truyền điều này lên truyền hình, qua đó người dân thực sự biết được nhà nước đứng về phía nào.”
“Bây giờ có lẽ bà con 4 tỉnh miền Trung thay đổi khẩu hiệu ‘Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Formosa-do Formosa-vì Formosa’ không chừng sẽ được thưởng?”
“Vì muốn cho cá sống, cho bản thân mình sống, cho con cháu sống, cho biển sống, cho dân tộc sống, cho đất nước sống mà người dân bị bắt giam. Lòng yêu nước trong mỗi người Việt Nam bây giờ là kẻ thù lớn nhất của Đảng Cộng sản lãnh đạo.”
“Tiếng nói của người dân chống Trung Quốc, chống Formosa, chống tham nhũng, chống bạo quyền mà bị chính quyền đánh đập, bắt bớ, bắt giam thì chính quyền này đích thực là tổ chức khủng bố.”
Hòa Ái xin được nhắn tin đến thính giả Hoàng ở Úc Châu. Hòa Ái đã nhiều lần cố gắng liên lạc qua số điện thoại quý vị cung cấp nhưng rất tiếc đã không gặp được quý vị và cũng không thể để lại tin nhắn. Quý vị có thể liên lại với đài bằng email để chúng tôi chuyển thông tin quý vị yêu cầu. Kính.
Hòa Ái cũng xin được trả lời thư của thính giả PT và một vài thính giả không nêu tên khác, yêu cầu xin thông tin liên lạc của nhóm phóng viên RFA ở Việt Nam, quý vị có thể liên lạc qua địa chỉ email vietweb@rfa.org. Thân mến.
Hòa Ái cũng xin quý thính giả của đài lưu ý, hiện nay chương trình phát thanh mỗi ngày chỉ còn một chương trình buổi tối, phát trên làn sóng ngắn 25 và 31 mét cùng trên làn sóng trung bình 1503 KHz, từ 9 giờ đến 10 giờ tối, giờ Việt Nam. Và vào lúc 10 giờ tối, giờ Việt Nam, thứ Sáu hàng tuần, chương trình truyền hình 30 phút của Ban Việt ngữ được phát trực tiếp trên Facebook, Youtube và trang mạng của Ban Việt ngữ, Đài Á Châu Tự Do. Kính mong quý khán thính giả và độc giả đón xem.
Ban Việt ngữ luôn mong mỏi quý vị đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm cũng như góp ý cho các chương trình phát hình trực tiếp được hoàn thiện hơn để chúng tôi tiếp tục cùng đồng hành với quý vị trong công việc chuyển tải thông tin chính xác và trung thực. Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775. – RFA
Có yếu tố nhân tai trong lũ lụt miền Trung?
Xác định nguyên nhân
Làm sao ngăn chặn?
Người Việt trúng hơn 90 tỷ đồng xổ số kiểu Mỹ
Tại Hoa Kỳ, các đợt quay xổ số với giá trị cao từng nhiều lần gây “sốt” toàn nước Mỹ, và nhiều người Việt từng trúng giải.
Một người Việt Nam lần đầu tiên trúng giải thưởng đặc biệt của xổ số theo kiểu Mỹ ở trong nước, sau gần 40 kỳ quay số.
Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) cho biết đã xác định được một vé trúng “độc đắc” trong kỳ quay số mở thưởng lần thứ 39 ngày ngày 16/10 trị giá lên tới 92,03 tỷ đồng (chưa trừ thuế), theo VnExpress.
PLO đưa tin, ngoài giải “khủng” trên, kỳ quay số mở thưởng còn xác định được 17 vé trúng thưởng giải nhất trị giá 10 triệu đồng, gần 1.200 vé trúng thưởng giải nhì trị giá 300.000 đồng và hơn 20 nghìn vé trúng giải ba mỗi giải trị giá 30.000 đồng.
Vietlott ra mắt loại xổ số kiểu Mỹ hồi tháng Bảy vừa qua ở trong nước với tổng trị giá giải thưởng tối thiểu là 12 tỷ đồng.
Với 10.000 đồng, người tham gia dự thưởng được tự chọn 6 con số bất kỳ từ một đến 45, và giải Jackpot của hình thức xổ số này được cộng dồn liên tục cho đến khi có người thắng giải.
Tại Hoa Kỳ, các đợt quay xổ số với giá trị cao từng nhiều lần gây “sốt” toàn nước Mỹ, và nhiều người Việt từng trúng giải.
Theo AP, cuối tháng 12 năm 2013, một người gốc Việt tên là Steve Trần đã may mắn trúng giải 324 triệu đôla Mỹ.
Giải độc đắc cao nhất trước nay tại Mỹ là 1,6 tỷ đôla, với các vé trúng từ 3 tiểu bang hồi một năm nay. – VOA
VN ‘trân trọng đóng góp’ của cố quốc vương Thái
Người dân Thái Lan tương tiếc Quốc vương Bhumibol Adulyadej.
Các quan chức cấp cao của Việt Nam gồm chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội, hôm 14/10 đã gửi lời chia buồn tới Hoàng gia cũng như chính phủ Thái Lan sau khi Quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà, hưởng thọ 88 tuổi, một ngày trước đó.
Điện chia buồn đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam có đoạn viết rằng “qua 70 năm trị vì anh minh của Nhà vua Bhumibol Adulyadej, Vương quốc Thái Lan đã phát triển mạnh mẽ và người dân Thái Lan có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Lãnh đạo Việt Nam nói rằng “là nước láng giềng gần gũi và là Đối tác chiến lược của Thái Lan, Việt Nam luôn trân trọng những đóng góp tích cực của Nhà Vua trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Thái Lan trong những năm qua”.
Điện buồn viết tiếp: “Chúng tôi tin tưởng rằng Hoàng hậu, Hoàng gia và nhân dân Thái Lan sớm vượt qua mất mát to lớn này, tiếp tục đưa Thái Lan phát triển mạnh mẽ như mong ước của Nhà Vua”.
Nhà vua được nhân dân Thái tôn kính băng hà hôm nay, 13/10, sau một thời gian dài lâm bệnh. Ông được coi là vị vua trị vì lâu năm nhất trên thế giới.
Quốc vương Bhumibol Adulyadej là người gắn kết đất nước trải qua nhiều thăng trầm chính trị trong suốt 7 thập kỷ trị vì kể từ năm 1946.
Hơn một thập kỷ qua, theo Reuters, người dân Thái đã lo ngại về sức khỏe của Quốc vương Bhumibol cũng như về người sẽ lên kế vị ngai vàng trong bối cảnh bất ổn chính trị, trong đó có hai vụ đảo chính.
Được coi là cột trụ giúp giữ vững ổn định đất nước, hiện có nhiều quan ngại rằng việc thiếu vắng Quốc vương Bhumibol sẽ khiến những chia rẽ ở Thái Lan trở nên trầm trọng hơn.
Tuy nhiên,điều đó dường như khó xảy ra dưới sự nắm quyền cứng rắn của chính quyền quân nhân của Thủ tướng Prayuth sau khi lật đổ một chính phủ dân bầu năm 2014. – VOA