Tin Việt Nam – 15/5/2015
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến: Vi phạm nhân quyền ở VN ‘khủng khiếp và trắng trợn’
Một nhà hoạt động ôn hòa bị hành hung đẫm máu tại Hà Nội kêu gọi cộng đồng quốc tế tận dụng các cuộc thương lượng do Mỹ dẫn đầu về Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP để mạnh mẽ thúc đẩy cải thiện nhân quyền tại Việt Nam.
Anh Nguyễn Chí Tuyến, nhà hoạt động được nhiều người biết đến qua các cuộc tuần hành chống Trung Quốc và bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, bị những kẻ lạ mặt mà anh nghi là do công an hậu thuẫn vô cớ hành hung hôm 11/5 gần tư gia ở quận Long Biên, Hà Nội.
Hình ảnh được phổ biến trên các trang mạng xã hội cho thấy anh Tuyến bê bết máu sau vụ tấn công đã gây phẫn nộ công luận trong và ngoài nước và khiến dư luận quốc tế một lần nữa chú ý đến tình hình nhân quyền bị nhiều chỉ trích của Hà Nội.
Dân biểu Alan Lowenthal, thành viên của phái đoàn Quốc hội Mỹ vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam, hôm 13/5 đã gửi thư cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ quan ngại sâu sắc và yêu cầu có biện pháp chấm dứt ngay việc sử dụng bạo lực đẫm máu chống lại những tiếng nói phản biện ôn hòa và các nhà hoạt động cổ súy dân chủ-nhân quyền.
Đại diện các cơ quan ngoại giao Mỹ và Australia hôm nay 15/5 đã tới tư gia động viên, thăm hỏi anh Tuyến sau cuộc viếng thăm vài ngày trước của tham tán chính trị Đức tại Hà Nội.
Nhiều người ủng hộ hôm qua đã xuống đường cầm biểu ngữ phản đối việc nhà cầm quyền Hà Nội làm ngơ hoặc tiếp tay cho các hành động vi phạm nhân quyền trầm trọng nhắm vào giới vận động nhân quyền.
Bất chấp sự lên tiếng, quan tâm của công luận trong và ngoài nước, giới hữu trách tới nay chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc xảy ra chỉ hai ngày sau khi đối thoại nhân quyền thường niên Việt-Mỹ kết thúc tại Việt Nam.
Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ sau khi tiếp xúc với đại diện sứ quán Mỹ và Australia tại Hà Nội, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến nói vụ hành hung anh và sự phản ứng hời hợt của nhà cầm quyền là một bằng chứng thêm nữa làm nổi rõ tình trạng vi phạm nhân quyền ‘trắng trợn’ và ‘khủng khiếp’ tại Việt Nam, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng vụ việc sẽ giúp mang lại áp lực cụ thể hơn nữa từ cộng đồng quốc tế giữa lúc Hà Nội đang tìm cách bước vào sân chơi bình đẳng của thế giới.
“Rất nhiều anh chị đấu tranh, bà con dân oan ra thăm tôi. Ngoài ra có cả các cơ quan ngoại giao nước ngoài như Đức, Mỹ, và Australia đến thăm hỏi động viên. Về phía chính quyền, chưa có một động thái nào từ các cấp dù nhỏ nhất, chưa thấy một người nào hỏi thăm tình hình như thế nào cả. Tôi khá thất vọng với cách hành xử của giới hữu trách các cấp ở Việt Nam. Với vụ việc nghiêm trọng xảy ra như thế, các nước khác họ lại quan tâm đến mình hơn so với nước sở tại mà mình đang là công dân. Vụ việc của tôi xảy ra ngay tại thủ đô mà không có sự quan tâm nào của chính quyền từ cấp thấp đến cấp cao thì cũng hơi buồn cho dân tộc mình, cho cái chính quyền hiện tại bây giờ.”
“Việc họ hành xử bạo lực hoặc để xảy ra chuyện hành xử bạo lực trong một quá trình rất dài phản ánh tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam rất là khủng khiếp và trắng trợn. Họ bất chấp tất cả. Các nước cần phải lên tiếng yêu cầu Việt Nam thực hiện đúng những gì họ đã tham gia ký kết.”
“Tôi cảm ơn tình cảm mọi người dành cho tôi. Tôi cũng mong chính thể Việt Nam biết lắng nghe những tiếng nói của dư luận xã hội để ứng xử văn minh hơn, nhân bản hơn, bớt những cái vô luật pháp, vô nhân tính như họ đang hành xử.”
“Với tư cách là một công dân Việt Nam, tôi cũng ủng hộ chuyện Việt Nam được vào TPP nhưng với điều kiện là chính thể Việt Nam phải chấp nhận những quy định chung của TPP về nhân quyền, về việc thành lập hội đoàn độc lập, về quyền dân sự của người dân. Và nếu Việt Nam vào được, các nước phải làm sao giám sát được việc thực hiện những cam kết đó.”
Trong bài bình luận đăng trên trang mạng chính trị hàng đầu của Mỹ, The Hill, hôm 13/5 dân biểu Chris Smith thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ nói không thể chấp nhận để Việt Nam vào TPP vì các vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Ông Smith dẫn chứng rằng trong các đối tác của Hiệp định TPP hiện nay, Việt Nam là nước duy nhất bị xem là vi phạm tồi tệ nhất quyền tự do internet, là quốc gia duy nhất không cho mở công đoàn độc lập và cấm các tổ chức tôn giáo độc lập, cũng như thường xuyên bỏ tù và tra tấn những người bất đồng quan điểm với nhà nước.
Việt Nam phản ứng trước tin giàn khoan TC trở lại Biển Đông
Việt Nam cho biết sẽ ứng phó với những diễn biến có thể xảy ra ở Biển Đông sau khi truyền thông trong nước đưa tin TC lại đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển này.
Trong cuộc họp báo ngày 14 tháng 5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CSVN Lê Hải Bình nói: “Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc và có những hoạt động chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra trên biển.” Bình cũng cho biết giàn khoan hiện nằm ngoài vùng biển của Việt Nam.
Báo chí Việt Nam dẫn một thông báo đăng trên website của Cục Hải sự TC ngày 6 tháng 5 nói rằng, giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động tại khu vực giếng Lăng Thủy 25-1S-1 ở Biển Đông, cách thành phố Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam của TC 75 hải lý về phía đông nam. Thời gian hoạt động kéo dài từ ngày 6/5 đến ngày 16/5.
Giàn khoan này được cho là đã được TC đưa vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của mình hồi tháng 5 năm 2014, làm bùng lên những vụ biểu tình dữ dội chống TC cũng như đưa tới những vụ va chạm tàu thuyền của hai bên khiến căng thẳng tăng cao.
Lê Hải Bình cũng đề cập tới tin tức cho biết Mỹ đang cân nhắc kế hoạch điều tàu và máy bay đến gần khu vực TC đang tiến hành hoạt động cải tạo quy mô lớn ở Biển Đông.
“Duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông là nguyện vọng của các nước trong khu vực,” phát ngôn viên nói. “Việt Nam mong muốn các bên liên quan có những nỗ lực tích cực và không có những hành động làm phức tạp tình hình. Mọi hoạt động của các bên cần tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ở Biển Đông.”
Trả lời câu hỏi của phóng viên AP về việc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mới đây công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy từ năm 2011 đến nay Việt Nam đã mở rộng các đảo Đá Tây, đảo Sơn Ca, xây dựng các cấu trúc cơ sở quân sự, Lê Hải Bình nói rằng Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, và các hoạt động nhằm cải thiện các cơ sở vật chất đã cũ của Việt Nam ở Trường Sa không thay đổi hiện trạng, cũng không làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.
Những hình ảnh mà CSIS công bố cho thấy hoạt động cải tạo đất của Việt Nam là đáng kể, mặc dù quy mô và tốc độ vẫn kém xa TC.
TC đã lên án Việt Nam về những hành động này, nói rằng Việt Nam và Philippines đã thực hiện hoạt động cải tạo đất từ lâu ở những đảo mà Bắc Kinh nói là của họ bị chiếm cứ phi pháp.
Nguồn: VNExpress, VTC, VOV
Qatar đồng ý mua tòa nhà cao nhất Việt Nam
Cơ quan đầu tư của Qatar đã đồng ý mua tòa tháp Keangnam Hanoi Landmark Tower tại Việt Nam với giá $800 triệu đôla, và giành độc quyền tham gia các cuộc đàm phán tiếp theo.
Theo báo chí Hàn Quốc, qũy đầu tư quốc gia của Qatar mới thông báo cho Colliers International, công ty quản lý vụ mua bán tòa nhà do phía Hàn Quốc bỏ tiền ra xây.
Quỹ này cho biết đồng ý với giá bán 800 triệu đôla theo như tòa án Hàn Quốc đặt ra. Trước đó, cơ quan của nhà nước Qatar chỉ đặt giá 600 triệu đôla, nhưng sau đó đã quyết định nâng lên theo phán quyết của tòa án.
Tin cho hay, các tổ chức tín dụng cho công ty Keangnam vay để xây tòa nhà đã đồng ý để ngỏ khả năng thương thảo trước tháng Bảy.
Keangnam Hanoi Landmark Tower là tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện nay gồm 72 tầng. Tập đoàn Keangnam khai trương tháp này năm 2012 với giá hơn một tỷ đôla.
Tuy nhiên, nhiều bê bối tại tập đoàn này cộng với việc không thể thanh toán khoản tiền hàng trăm triệu đôla còn nợ các tổ chức, nên tòa nhà đã được giao bán đầu năm nay.
Theo báo chí trong nước, mới đây, người dân cùng các doanh nghiệp thuê văn phòng, trung tâm thương mại đã “kêu cứu” lên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì lo sợ mất hơn 100 tỷ đồng tiền phí bảo trì. – VOA
Nhà hoạt động Lê Thị Phương Anh mãn hạn tù
Vào lúc hơn 9 giờ sáng hôm nay 15 tháng 5, chị Lê Thị Phương Anh đã ra khỏi trại giam B5 thành phố Biên Hòa sau khi thụ án đầy đủ 12 tháng tù giam.
“Một năm quá kinh khủng”
Do còn quá mệt sau những thủ tục trước khi rời khỏi trại giam, chị Phương Anh cho đài Á châu tự do biết ngắn gọn cảm xúc của mình như sau:
“Bây giờ em đã trải qua một năm quá kinh khủng. Em mới về không biết nói gì cả chỉ biết là quá kinh khủng! Bây giờ được mọi người đón chào thì rất cảm động và rất hạnh phúc, xin cám ơn tất cả mọi người em không biết nói gì hơn.”
Xin được nhắc lại ngày 14 tháng 5 năm 2014 khi khu công nghiệp Biên Hòa nổ ra các vụ biểu tình với những cuộc bạo động do công nhân làm việc trong các công ty Đài Loan và Trung Quốc chống lại dàn khoan HD 891 của Trung Quốc, chị Lê Thị Phương Anh và hai người bạn là anh Phạm Minh Vũ và Đỗ Nam Trung bị bắt sau khi tới khu công nghiệp Amata để chụp ảnh và quan sát.
Vào ngày 12 tháng 2 năm 2015, Tòa án Nhân dân Tỉnh Đồng Nai đã xử ba người vì đã vi phạm điều 258 Bộ luật hình sự “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”
Chị Lê Thị Phương Anh được biết là một người tích cực hoạt động trong việc bảo vệ quyền phụ nữ và luôn có mặt tại những điểm nóng có sự tranh chấp giữa người dân và nhà nước. – RFA