Tin Việt Nam – 15/12/2018
Blogger Nguyễn Danh Dũng
vẫn bặt tin sau hai năm bị bắt giam
Tin từ Thanh Hoá, Việt Nam – Ngày 16/12/2018, nhà cầm quyền CSVN vẫn còn giam giữ hoạt động Nguyễn Danh Dũng kể từ khi anh bị bắt hai năm trước mà không công bố kết quả điều tra hoặc mức án tù của anh nếu đã đưa nhà hoạt động này ra xét xử.
Nguyễn Danh Dũng, sinh năm 1987 tại Thanh Hoá, bị bắt ngày 16/12/2016 với cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 của BLHS 1999. Anh được cho là điều hành ThienAn TV chuyên đưa các bài viết phản ánh tình trạng tham nhũng ở Thanh Hoá và nhiều nơi khác ở Việt Nam.
Truyền thông lề đảng đưa nhiều tin tức về vụ bắt giữ anh. Tuy nhiên, chỉ một vài tuần sau đó thì không thấy nhắc đến anh nữa.
Ở Việt Nam, đặc biệt trong nhiều vụ án chính trị, bị can có thể bị giam giữ hàng năm trời. Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và trợ lý Lê Thu Hà bị giam giữ 28 tháng kể từ khi bị bắt vào cuối năm 2015 cho tới phiên xử sơ thẩm vào tháng Tư năm nay.
Nhiều tù nhân lương tâm, trong số đó có nhiều người là người dân tộc thiểu số, bị đưa đi mất tích sau khi bị bắt.
Quốc Tuấn
Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Houston
phản đối thị trưởng tiếp đón phái đoàn CSVN
Tin Houston, Texas – Chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia thành phố Houston và vùng phụ cận, cựu trung tá quân lực Việt Nam Cộng Hoà, ông Trần Quốc Anh vừa ra thông báo mời cộng đồng người Việt ở Houston tham dự cuộc họp tại Trung Tâm Cộng Đồng Người Việt Quốc gia, số 7100 đường Clarewood, thành phố Houston vào lúc 7 giờ chiều ngày thứ Sáu 14 tháng 12 để thảo luận về chương trình hành động trong năm tới.
Phần quan trọng của cuộc họp này là việc thảo luận kế hoạch tổ chức cuộc họp thứ hai tại Toà Thị Chính thành phố, số 901 đường Bagby, thành phố Houston vào ngày thứ Ba 18 tháng 12 trong khoảng thời gian từ 1 giờ 30 đến 4 giờ chiều.
Bức thư ngỏ của ông Trần Quốc Anh kêu gọi các đồng hương tham dự đông đảo cuộc họp vào chiều thứ Ba 18 tháng 12 để bày tỏ lập trường trước việc thị trưởng thành phố Sylvester Turner bắt tay thân thiện phái đoàn cán bộ CSVN mới đây.
Thông báo của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại thành phố Houston đề cập đến sự kiện diễn ra hồi đầu tháng này đã làm bùng phát sự phẫn nộ của cộng đồng người Việt Nam tại Houston. Thị trưởng thành phố Houston, ông Sylvester Turner đã đón tiếp phái đoàn cán bộ CSVN đến thăm do bà Trương Thị Mai, uỷ viên bộ chính trị CSVN cầm đầu, nói rằng 300,000 người Việt tại Houston đã đóng góp tích cực cho nền kinh tế thành phố, và sẽ tăng cường hợp tác đầu tư và thương mại với Việt Nam.
Theo ông Trần Quốc Anh thì cộng đồng người Việt Quốc gia tại Houston muốn biết sự thật về cuộc gặp gỡ trên và khẳng định rằng nhà nước CSVN không bao giờ là đại diện của người Việt Nam sinh sống tại Houston và tại Hoa Kỳ. Ông Trần Quốc Anh kêu gọi quý đồng hương liên lạc với số điện thoại 832-721-0836 khi cần thiết.
Song Châu
Khởi tố 2 cựu thứ trưởng bộ công an CSVN
Tin Sài Gòn, Việt Nam – Ngày 14 tháng 12 năm 2018, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an CSVN đã khởi tố bị can và ra quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Trần Việt Tân, cựu Tổng cục trưởng bộ Công an, và ông Bùi Văn Thành, cưụ Cục trưởng bộ Công an về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Báo VTC đã loan tin, việc khởi tố hai ông này liên quan đến quá trình điều tra mở rộng vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” do Phan Anh Vũ và đồng phạm thực hiện.
Trước đó, ngày 16 tháng 8, bộ Công an đã ban hành quyết định xoá tư cách phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần- Kỹ thuật, bộ Công an đối với ông Bùi Văn Thành. Vào ngày 31 tháng 7, bộ Chính trị Cộng sản cách chức Uỷ viên đảng uỷ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với Thượng tướng Trần Việt Tân. Cách hết chức vụ trong đảng đối với ông Thành.
Ngày 8 tháng 8, Thủ tướng CSVN xoá tư cách Thứ trưởng bộ Công an giai đoạn 2011-2016 đối với ông Tân; cách chức Thứ trưởng bộ công an đối với ông Thành. Giáng cấp bậc hàm từ Thượng tướng xuống Trung tướng đối với ông Việt Tân; từ Trung tướng xuống Điạ tá đối với ông Thành.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/khoi-to-2-cuu-thu-truong-bo-cong-an-csvn/
Cộng đồng người Việt Quận Cam
biểu tình bảo vệ đồng hương nguy cơ bị trục xuất
Little Saigon, Orange County, CA – Theo bản thông cáo báo chí của VietRise.org, một số các tổ chức trong cộng đồng người Việt tại quận Cam sẽ tổ chức một cuộc biểu tình để kêu gọi chính quyền liên bang Hoa Kỳ bảo vệ những người Việt tị nạn đứng trước nguy cơ bị trục xuất.
Cuộc biểu tình sẽ được tổ chức tại khu Phước Lộc Thọ (Asian Garden Mall), số 9200 Bolsa Ave, thành phố Westminster, California 92683, vào lúc 9:00 giờ sáng (giờ California) thứ Bảy (15 tháng 12, 2018). Tại cuộc biểu tình này, những người Việt đứng trước nguy cơ bị trục xuất và các nhà hoạt động cộng đồng sẽ giải thích vì sao chính quyền liên bang Hoa Kỳ nên tôn trọng thỏa thuận đã ký kết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tưởng cũng nên nhắc lại, năm 2008, chính phủ George W. Bush đã ký với Việt Nam hiệp ước hồi hương, loại trừ việc trục xuất người tị nạn Việt Nam đến Hoa Kỳ trước ngày 12 tháng 7 năm 1995, ngày hai quốc gia tái lập bang giao. Nay nếu chính quyền Hoa Kỳ không tôn trọng thỏa thuận ấy thì hơn 8,500 người Việt đến Hoa Kỳ trước năm 1995, chưa có quốc tịch Hoa Kỳ, lỡ bị phạm pháp có thể bị giam giữ và trục xuất.
Các tổ chức trong cộng đồng người Việt cũng sẽ kêu gọi chính quyền để chấm dứt việc trục xuất và giam giữ các người tị nạn Đông Nam Á, kể cả người Campuchia.
Cuộc biểu tình được tổ chức bởi các tổ chức: Asians and Pacific Islanders Re-Entry of Orange County (APIROC), VietRISE, VietUnity SoCal, Viet Rainbow of Orange County (VROC), Common Ground OC.
Mọi liên lạc bằng tiếng Việt, xin gởi về cho anh Tùng Nguyễn tại email: apiroc714@gmail.com. Bằng tiếng Anh xin gởi về cô Tracy La, tại email: tracy@vietrise.org
(BBT)
Tại sao Trump muốn trục xuất
người Việt tỵ nạn chiến tranh Việt Nam?
Tina Hà GiangBBCvietnamese.com
Người Mỹ gốc Việt khắp nơi đang rúng động trước tin của tờ The Atlantic rằng chính phủ Trump lại một lần nữa muốn trục xuất những người Việt tị nạn vốn là nạn nhân, hay là người lính từng tham chiến cuộc chiến Việt Nam, ra khỏi Hoa Kỳ.
Tin này đặc biệt tạo nhiều hoang mang khi chỉ trước đó ba tuần The New York Times đưa tin nội các Trump đã âm thầm từ bỏ nỗ lực trục xuất một số người trong cộng đồng này.
Đây là những người Việt tị nạn đã đến Hoa Kỳ trước 12/7/1995 hiện chưa là công dân Mỹ, từng phạm pháp, và đã nhận được lệnh trục xuất, nhưng chưa rời khỏi nước Mỹ, vì theo một thoả thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ký năm 2008, không bị trục xuất bất kể có lệnh của Toà Di Trú.
Trích lời một phát ngôn viên xin được dấu tên của Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, The Atlantic cho biết Nhà Trắng một lần nữa đang tìm cách dẫn giải lại một thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam năm 2008 để nhất định trục xuất khoảng 8.000 người Việt có tiền án hình sự đã có lệnh trục xuất của Tòa Di Trú.
Kế hoạch trục xuất… chưa thành
Đây không phải lần đầu tiên tin chính phủ Trump quyết định trục xuất người Việt tị nạn đến Mỹ trước năm 1995 gây xôn xao dư luận.
Tháng 3/2017, cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng như các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền, dân quyền khắp nơi cũng hoang mang khi chính quyền Trump có một nỗ lực tương tự, đơn phương lý giải rằng những người nói trên không được bảo vệ theo thỏa thuận 2008, và bắt nhốt một số người Việt tị nạn có tiền án vào các trại giam của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE), trong khi chờ thủ tục trục xuất.
Việt Nam thoạt đầu chấp nhận một số người bị trục xuất, dù họ đáng lẽ không, theo thoả thuận 2008, nhưng sau đó không đồng ý tiếp nhận nữa, và cuối cùng thì Mỹ chỉ trục xuất được 11 người về Việt Nam, số người còn lại tiếp tục bị giam cầm trong những trung tâm của ICE.
Ít lâu sau, các chi nhánh của tổ chức Văn phòng Tư Pháp Người Mỹ Gốc Á (AAAJ) nộp đơn kiện chính quyền Trump với một vụ kiện tập thể (class-action lawsuit), đòi trả tự do cho họ, vì theo án lệ Zadvydas v. Davis 2001, thì ICE không được giữ người chờ bị trục xuất quá 180 ngày, và nếu trong thời gian 180 ngày giam giữ không có quốc gia nào nhận thì phải thả họ ra.
‘ICE phải chấm dứt ngay việc giam giữ vô nhân đạo’
Mỹ: Hàng ngàn người Việt có nguy cơ bị trục xuất?
Người Việt ở Mỹ: Nếu bị trục xuất, Việt Nam có nhận?
Trong quyết định xác nhận vụ kiện tập thể, Thẩm phán Cormac J. Carney của Tòa Án Liên bang Hoa Kỳ phụ trách khu vực California cho biết chính phủ Trump nói đã đạt một thỏa thuận với Việt
Nam trong tháng 8, theo đó “việc trục xuất người Việt đến Mỹ trước 1995 có vẻ khó thành” và sẽ dần dần thả những người này.
Thế nhưng bài báo của The Atlantic hôm 12/12 cho thấy chính quyền Trump đã thay đổi quyết định một lần nữa, và lại tìm cách trục xuất những người Việt có tiền án đã nhận được lệnh trục xuất này.
Thoả thuận năm 2008 nói gì?
Sở dĩ chính phủ Trump loay hoay tìm cách mãi mà vẫn chưa trục xuất những người Việt tị nạn này là vì rào cản có tên là thoả thuận năm 2008.
Vậy thỏa thuận đó nói gì?
Thỏa thuận năm 2008 được ký giữa cơ quan di trú Mỹ và đại diện của chính phủ Việt Nam, tại Hà Nội vào ngày 22 tháng Giêng, 2008, qua đó, Việt Nam bằng lòng nhận những người Việt di dân bị Hoa Kỳ ra lệnh trục xuất, nhiều người trong số đó có tiền án, theo những điều kiện được ghi rõ trong biên bản.
Theo bà Kelly Nantel, phát ngôn viên của ICE, thoả thuận có mục đích bàn về việc trục xuất người Việt về Việt Nam, là kết quả đàm phán 10 năm của hai bên.
Trước đó, Mỹ không thể trục xuất người Việt nào, vì Việt Nam thường từ chối cấp giấy thông hành cho những người Việt di dân bị Mỹ trục xuất.
Toàn thể thoả thuận ảnh hưởng số phận của hàng ngàn người này được tóm gọn trong một bản ghi nhớ dài chưa đến 6 trang, gồm chín điều.
Ngoài những thủ tục hành chánh hai bên phải theo, điểm then chốt của thoả thuận 2008 là những người Việt đến Mỹ trước 12/7/1995 sẽ không bị trục xuất, được ghi rõ trong Khoản 2, Điều 2:
”Công dân Việt Nam sẽ không bị trả về Việt Nam theo thỏa thuận này, nếu họ đến Hoa Kỳ trước ngày 12 tháng 7 năm 1995, ngày mà quan hệ ngoại giao được tái thiết giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam duy trì vị trí pháp lý tương ứng của họ với công dân Việt đến Hoa Kỳ trước ngày đó.”
Giải thích về tính cách pháp lý và sự ràng buộc của thoả thuận này, Luật sư Trần Thái Văn, cựu dân biểu tiểu bang California nói với BBC hôm 14/12:
”Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, được ký vào đầu năm 2008 có thể diễn tả một cách dễ hiểu. Đây là một ‘hợp đồng’ hoặc ‘giao kèo hành chánh’ giữa hai chính phủ, đại diện Bộ Nội An từ phía Hoa Kỳ (của Tổng thống George W. Bush), và Bộ Ngoại Giao của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam.”
“Văn kiện này không phải là một hiệp định được phê chuẩn bởi Quốc hội của hai quốc gia, hoặc sắc lệnh của một chính quyền áp đặt lên một chính quyền khác. Văn kiện này liên hệ đến, và giải quyết cho, nhiều vấn đề di trú và di dân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
“Nội dung của văn kiện này ấn định một điều khoản bãi miễn quyền phía Hoa Kỳ thi hành thủ tục trục xuất những người Việt Nam có tiền án hình sự, nhưng đã sinh sống tại Hoa Kỳ trước khi hai quốc gia thiết lập bang giao, đó là ngày 12 tháng 7 năm 1995.”
Xem kỹ hơn những điều khoản của thỏa thuận 2008 chúng ta thấy thoả thuận này có hiệu lực trong vòng 5 năm, và sau đó sẽ tự động gia hạn thêm ba năm, trừ khi một bên quyết định không muốn gia hạn.
Nếu không muốn gia hạn, bên này phải báo cho bên kia tối thiểu trước 6 tháng. Còn nếu muốn tạm ngừng hay hủy bỏ thỏa thuận, bên này phải cho bên kia biết trước 1 tháng.
Vì thoả thuận hết hiệu lực lần đầu tiên vào năm 2013, nên đã được gia hạn tự động năm 2016, và sắp được tự động gia hạn một lần nữa, vào tháng Giêng năm 2019.
Đây có lẽ là lý do tại sao chính phủ Trump đã có những cuộc thảo luận với Bộ Ngoại giao Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Phản ứng từ mọi giới
Không chỉ cộng đồng người Mỹ gốc Việt mới có những phản ứng gay gắt.
Tính đến hôm 14/12, ít nhất 27 dân biểu liên bang Hoa Kỳ ở những địa phương có nhiều cử tri gốc Việt, đã gửi thư bày tỏ quan ngại, và yêu cầu chính quyền Donald Trump tôn trọng thỏa thuận năm 2008 như hai bên đã ký kết.
Người phản đối nêu lên tính cách thiếu nhân bản trong việc muốn trục xuất những người tị nạn Việt Nam, đa số là người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa, phải bỏ nước ra đi sau cuộc chiến, và đã sinh sống ở Mỹ trong biết bao thập niên, và con cháu họ, có khi chưa bao giờ sinh sống ở Việt Nam.
Ngoại trưởng John Kerry đăng trên Twitter:
“Thật đáng khinh. Sau khi rất nhiều người – từ George H.W. Bush đến John McCain và Bill Clinton – đã làm việc trong nhiều năm để chữa lành vết thương này và quên đi cuộc chiến – họ (chính phủ Trump) đã quay lưng lại với những người phải chạy trốn khỏi đất nước, nhiều người trong số đó từng chiến đấu bên cạnh chúng ta. Trump làm thế để đạt được mục đích gì cơ chứ?”
Ông Bảo Nguyễn, cựu thị trưởng thành phố Garden Grove, nói với BBC hôm 13/12 ông cảm thấy rất buồn vì hành động mà ông cho là ‘vô nhân đạo’:
“Sau khi những người tị nạn bị kết tội này đã chịu hình phạt, đã thụ án theo bản án của toà, trục xuất họ là kết án họ lần thứ hai, và là một hành động vi hiến. Thật là bất công và vô nhân đạo khi những cá nhân này bị tách khỏi gia đình, con cái họ và bị gửi đến một đất nước nơi họ không có tương lai.”
Luật sư Trần Thái Văn nhận định:
“Với chính sách khe khắt về di dân, di trú nói chung, và đối với các thường trú nhân có tiền án phạm pháp nói riêng, chính phủ Donald Trump bây giờ đơn phương muốn vô hiệu hoá điều khoản bãi miễn trục xuất người Việt Nam đến Mỹ trước ngày 12 tháng 7, năm 1995 của thoả thuận 2008, với lập luận rằng phía Hoa Kỳ không phân biệt những người đến trước hoặc đến sau, và chính sách trục xuất sẽ được thi hành đồng đều với tất cả thường trú nhân có tiền án, một khi đã có lệnh truc xuất từ Tòa án Di trú Hoa Kỳ.”
“Tôi không biết có nên gọi động thái này là ‘chính sách’ hay chỉ mới là một ‘dự định đổi ý’ của chính phủ Trump đang gây nhiều phức tạp và lo âu từ nhiều giới khác nhau, nhất là từ cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ.”
“Tôi gọi đây là một ‘dự định đổi ý” vì vào mùa Hè năm nay, chính phủ Hoa Kỳ đã đồng ý tiếp tục tuân theo chính sách được thoả thuận giữa hai quốc gia từ năm 2008, là không trục xuất những người tỵ nạn Việt Nam, đã có tiền án hình sự, nhưng đến trước Hoa Kỳ trước ngày 12 tháng 7, năm 1995, trước khi Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức lập bang giao. Đây là chính sách được thoả thuận từ các đời tổng thống George W. Bush và Barack Obama.”
“Trên thực tế, có gọi đây là một ‘chính sách’ một ‘dự định đổi ý” cũng không phân biệt được gì, vì quyết định mới đây từ phía Hoa Kỳ đã không được công khai và giải thích rõ ràng, hậu quả là đã gây ra rất nhiều hoang mang và sự phản đối từ nhiều giới khác nhau.”
“Cái gọi là chính sách của chính phủ Trump về vấn đề trục xuất các di dân phạm pháp Việt Nam đã sinh sống tại Hoa Kỳ trước khi hai quốc gia có bang giao chính thức có phần phản ảnh sự lúng túng, lưỡng lự của các viên chức Hoa Kỳ, vì họ không có một câu trả lời rõ ràng cho những người và gia đình bị lọt vào tình trạng này.”
Cựu nhà báo Vũ Qúy Hạo Nhiên, hiện là giáo sư toán ở Nam California, xoáy vào tinh thần của thoả thuận 2008. Ông viết trên trang Facebook cá nhân:
“Thoả thuận 2008 có ý nghĩa sâu sắc chứ không phải chỉ về việc trục xuất tội phạm.”
“Điều khoản này có nghĩa là tuy tái lập ngoại giao, nhưng Hoa Kỳ không công nhận bất cứ quyền hạn nào của Cộng sản Việt Nam đối với người tỵ nạn Việt Nam trên đất Mỹ lúc đó. Mỹ sẽ không giao người tỵ nạn Việt Nam cho CSVN, và CSVN sẽ không đòi được Mỹ giao người tỵ nạn Việt Nam cho CSVN.”
“Đơn phương xoá bỏ điều khoản này, là một sự bắt tay rất nồng thắm giữa chính quyền Trump với CSVN. Tất nhiên cá nhân người bị trục xuất thì phải thế nào mới bị trục xuất, nhưng đó chỉ là bề nổi. Từ nay trở đi bất cứ người Việt nào cũng có thể bị đem ra trao đổi với CSVN. Và ý nghĩa thật sự của việc này là Hoa Kỳ chính thức công nhận khúc ruột nối dài liên kết người tỵ nạn với Đảng CSVN. Đó là điều hai tổng thống Bush và Clinton không muốn làm, nhưng Trump thì sẵn sàng làm.|”
“Khi làm ngơ điều khoản đặc biệt này, chính quyền Trump nâng tầm quan hệ với Việt Nam lên ngang với các quốc gia văn minh không cộng sản như Pháp, Anh, Úc, v.v.”
“Đó mới là ý nghĩa của của việc làm này, và cũng là lý do các cựu đại sứ Hoa Kỳ phản đối.”
Tại sao cứ đòi phải trục xuất?
Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Qúy Hạo Nhiên nói với BBC hôm 13/12:
“Ông Trump không ghét chế độ cộng sản ở Việt Nam, ông chỉ ghét chế độ cộng sản ở Cuba và đồng minh Cuba là Venezuela thôi. Thái độ của Trump đối với Việt Nam vồn vã như một người bán địa ốc vồn vã với khách hàng. Ta có thể thấy điều này khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, Toà Bạch Ốc gửi lời chia buồn và ca ngợi ‘những đóng góp của ông cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng như tiếng nói của ông cho một Việt Nam tự hào và độc lập trên trường quốc tế’.”
“Ông Trump chỉ muốn được toàn quyền trục xuất bất cứ ai Trump có quyền trục xuất, và vì không ghét CSVN nên Trump không thấy có lý do gì mà CSVN lại bị ngoại lệ như vậy, so với các nước khác.”
Trả lời phỏng vấn của BBC từ Texas, Luật sư Hoàng Duy Hùng nhận xét:
“Ông Donald Trump là ổng tháu cáy. Ổng biết là Việt Nam không muốn nhận những người này về, và ổng là một thương gia, nên dùng cái chiêu bài này để thương thảo đòi hỏi Việt Nam phải nhượng bộ cái gì đó. Ổng cứ đưa ra hết điều này điều kia để ổng tháu cáy. Ổng nói vậy thôi chứ không làm gì được đâu, nếu bên kia cứ nhất định không chịu nhận về thì ổng làm sao mà trục xuất?”
Cựu đại sứ Ted Osius nói về ‘người Việt nhập cư bị trục xuất’
Cơ hội về Mỹ của Việt Kiều bị trục xuất ‘rất thấp’
Mỹ: Hàng ngàn người Việt có nguy cơ bị trục xuất?
Luật sư Trần Thái Văn nhận định:
“Đây không phải là một vấn đề đơn giản chút nào.”
“Hai nan giải trước mặt là nếu Việt Nam nhận hàng ngàn những người này sau khi Hoa Kỳ hoàn tất lệnh trục xuất, thì họ sẽ ở đâu, và có công việc gì để sinh sống hàng ngày. Đó là chưa nói đến vấn đề xáo trộn gia đình và sự khó khăn hội nhập vào xã hội địa phương xa lạ.”
“Đối với hàng ngàn các người Việt Nam tại Hoa Kỳ lọt vào hoàn cảnh này, phần đông họ đã có công ăn việc làm, gia đình ổn định, và đã sanh con đẻ cái, sinh sống êm đềm tại Mỹ, thì ai sẽ chịu trách nhiệm với những hậu quả gia đình phân ly, ảnh hưởng tệ hại đến thân nhân của họ?”
“Theo tôi, chính phủ Trump không thông báo rõ ràng hoặc công khai về ý định thay đổi thoả thuận 2008 với công chúng vì họ có hai vấn đề phải đối diện.”
“Thứ nhất, các viên chức biết rằng sự rút lời hoặc đổi ý định của phía Hoa Kỳ khi đã có sự đồng thuận với Việt Nam về vấn đề này hồi mùa hè năm nay sẽ gây nhiều phẫn nộ và chống đối từ mọi phía.”
“Vấn đề trục xuất người Việt Nam trước năm 1995 không đơn giản như trục xuất thường trú nhân từ các quốc gia khác. Đại đa số người Việt lọt vào hoàn cảnh này là dân tỵ nạn cộng sản, đến Hoa Kỳ với căn cước quốc gia, và là một đồng minh trốn tránh sự áp bức của bạo quyền Việt Nam trong lúc hai quốc gia không chính thức nhìn nhận nhau.”
“Thứ nhì, việc thông báo mơ hồ về sự đổi ý này là một cách ”thả bong bóng” từ phía Hoa Kỳ để thăm dò dư luận quốc nội, song song với dự định muốn điều đình lại với Việt Nam về việc chấp nhận những người Việt lọt trong quy chế này.”
“Trên thực tế, nếu phía Việt Nam không chấp thuận, thì Hoa Kỳ có muốn trục xuất một người cũng không được. Thủ tục trục xuất chỉ có hiệu lực khi hai cửa phải được mở ra cùng một lúc. Một phía đưa mà đối tượng không nhận thì cũng hỏng việc.”
“Câu hỏi chúng ta cần đặt ra là phía Hoa Kỳ sẽ chuyển nhượng những thuận lợi gì nếu Việt Nam đồng ý sửa đổi điều khoản bãi miễn trục xuất những người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ trước năm 1995? Hoặc ngược lại, Hoa Kỳ sẽ dùng những biện pháp và áp lực gì để buộc Việt Nam đồng ý nhận những người Việt trước năm 1995?”
“Cuộc điều đình này đang xảy ra trong bí mật, với một hậu quả trầm trọng có thể ảnh hưởng đến cả hàng ngàn người dân Việt đang sinh sống tại cả hai nước, kể cả biết bao nhiêu thân nhân, gia đình của họ, và tại địa phương họ đang sinh sống.”
“Cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ là một cộng đồng tỵ nạn chính trị với nhiều làn sóng di dân và di trú trong 43 năm qua. Đây là một cộng đồng người Mỹ gốc Á có dân số lớn thứ tư tại Hoa Kỳ.”
”Cộng đồng chúng ta ủng hộ một chính sách di trú bảo vệ quyền hiện hữu và anh ninh quốc gia đầy nhân bản, khoan dung và hợp lý, theo đúng tinh thần và truyền thống di dân của nước Mỹ. Tuy nhiên chúng ta sẽ không thể chấp nhận được một chính sách di trú khắt khe vô cớ, có tính chất phân biệt và mỵ dân, vừa không hợp lý mà cũng chẳng hợp tình.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46548610
Khởi tố, bắt giam
Hiệu trưởng dâm ô hàng chục nam sinh
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ hôm 15/12 đã ra quyết định khởi tố và lệnh tam giam thời hạn 3 tháng đối với ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Cùng ngày, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện cũng ra quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và Quyết định phê chuẩn lệnh bắt bi can đối với ông Đinh Bằng My.
Quyết định khởi tố và bắt giam của cơ quan chức năng huyện Thanh Sơn được đưa ra vài ngày sau khi truyền thông trong nước có các bài điều tra phỏng vấn các học sinh đã và đang học tại trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn, tố cáo ông My đã nhiều lần có các hành vi dâm ô đối với các em trai tại phòng hiệu trưởng của nhà trường kéo dài cả chục năm.
Các học sinh được báo chí phỏng vấn cho biết bị thầy hiệu trưởng thường xuyên gọi lên phòng, bắt làm các hành động dâm ô, sau đó cho kẹo và cho tiền mỗi lần 20.000 đến 30.000 đồng. Các em học sinh nói nếu không làm theo lời thầy hiệu trưởng, các em sẽ bị phạt đứng dưới sân trường, dọn vệ sinh, thậm chí các em lo bị phạt hạnh kiểm, bị đuổi khỏi trường.
Theo truyền thông trong nước, các em học sinh giữ kín chuyện này nhiều năm không dám nói với gia đình vì ngại ngùng và lo sợ. Có em sợ, muốn chuyển trường nhưng không thể vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Tuy nhiên, trong phóng sự của VTV sau khi có những tố giác trên báo chí, hiệu trưởng Đinh Bằng My đã phủ nhận những thông tin tố cáo.
Theo Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam, người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 5 đến 10 năm.
Quảng Trị muốn xây cảng 15 ngàn tỷ:
nhu cầu thực sự hay ‘học đòi’?
Trung Khang, RFA
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị vừa đề nghị thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, với tổng số vốn lên đến gần 15 ngàn tỷ đồng. Cảng này có đem lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh Quảng Trị cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng cho Việt Nam khi bị nguồn vốn nước ngoài chi phối?
Tỉnh nào cũng muốn có sân bay quốc tế, cảng nước sâu
Khu cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị do Công ty cổ phần Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy là nhà đầu tư được triển khai trên diện tích 685 ha, tổng quy mô gồm 10 bến phát triển, có thể đón tàu 100.000 DWT.
Dự án có tổng mức đầu tư 14.234 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 2.143 tỷ đồng; vốn huy động và vốn khác là 12.091 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là 50 năm.
Tôi thấy đề nghị này cần xem xét một cách cẩn trọng, bởi vì gần Quảng Trị đã có những cảng khác rồi, như cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, Nghệ An cũng có cảng rồi…
-TS Lê Đăng Doanh
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, dự án được phân thành 3 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2018 đến năm 2025 đầu tư 4 bến với tổng vốn đầu tư 4.946 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2026 – 2031 đầu tư 3 bến với tổng vốn đầu tư 4.980 tỷ đồng và giai đoạn 3 đầu tư 3 bến với tổng vốn đầu tư 4.308 tỷ đồng.
Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết:
“Tôi thấy đề nghị này cần xem xét một cách cẩn trọng, bởi vì gần Quảng Trị đã có những cảng khác rồi, như cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, Nghệ An cũng có cảng rồi… Thế bây giờ cảng Quảng Trị cần đến đâu, chi phí của nó, nhu cầu để xuất và nhập cái gì, điều đó cần phải được chứng minh. Để tránh việc xây cảng xong lại không sử dụng được, gây lãng phí, điều đó đã xảy ra ở nhiều nơi rồi.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc quyết định xây dựng cảng Mỹ Thủy ở tỉnh Quảng Trị thì cần phải lập một hội đồng độc lập để xem xét một cách rất là kỹ càng, nhất là trong tình hình ngân sách đang bội chi rất lớn và nợ công cũng đã ở mức cao đáng lo ngại.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long, cho biết ý kiến của mình:
“Một xu hướng ở Việt Nam là tỉnh nào cũng muốn có sân bay, địa phương nào có biển thì cũng muốn xây cảng. Trong luật đầu tư công đã tính, thứ nhất nguồn lực có hạn, thứ vấn đề xã hội hóa thì đầu tư có hiệu quả không có cần thiết không? Miền Trung thì đã có cảng Đà Nẵng, Quảng Nam cũng có cảng.v.v… Trong bối cảnh hiện nay thì nguồn vốn ở đâu? Hay là xã hội hóa? Theo tôi nghĩ cần xem xét thận trọng.”
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 4 tháng 12 năm 2018, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, tư duy của tất cả tỉnh ở Việt Nam đều muốn có sân bay quốc tế và cảng nước sâu, là một tư duy không hay. Theo ông, bởi vì hạ tầng kết nối đầu tư phải trong phạm vi hợp lý và đảm bảo kết nối trong cả nước. Và Quảng Trị có thể sử dụng cảng nước sâu của Huế, Đà Nẵng.
Trả lời báo chí trong nước hôm 5 tháng 12, ông Nguyễn Tương, chuyên gia về logistics (1) cho rằng, ngoài những yếu tố khác, xây dựng cảng biển cần phải gắn với phát triển logistics, đặc biệt là kết nối với hệ thống giao thông tạo thành chuỗi vận hành khép kín. Ngoài ra, vị trí xây dựng cảng biển cũng phải gắn với các khu công nghiệp, nhà máy…
Theo ông Tương, không phải cứ phát triển cảng biển là đương nhiên logistics sẽ phát triển. Logistics muốn phát triển phải phụ thuộc vào nguồn hàng, hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó cảng biển là một hạ tầng quan trọng. Ông cho rằng, không phải cứ phát triển ồ ạt, chạy theo “mốt”, chỗ nào cũng xây cảng, mua tàu được, cuối cùng cảng thì ế, tàu bỏ không vì không có hàng hóa vận chuyển.
Lo ngại nước ngoài chi phối
Theo Luật hàng hải Việt Nam, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có quyền được đầu tư phát triển cảng biển tại Việt Nam, nhưng phải đúng quy hoạch cảng biển của Việt Nam. Vì vậy, có khả năng nếu được chấp thuận Quảng Trị có thể sẽ kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Điều này cũng làm quan ngại nước ngoài với phần vốn góp lớn hơn sẽ chi phối một cảng biển có vị trí chiến lược về mặc quân sự như vùng biển miền Trung.
Phải cảnh giác những đối phương, những kẻ bành trướng mà cũng có thể nó thông qua hình thức gián tiếp. Có nghĩa nó sẽ đầu tư vào, nó sẽ dùng tiền, cái này mình phải xem xét thận trọng nguồn vốn từ đâu.
-TS Ngô Trí Long
Liên quan vấn đề này Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra ý kiến của mình:
“Ở Việt Nam thì các cảng biển đều có vị trí về mặt an ninh quốc phòng rất là nhạy cảm, cho nên cần phải xem xét. Chúng ta còn nhớ Quảng Trị ngày trước cũng là một chiến trường đẫm máu, hai bên giành từng tấc đất một. Cho nên cần phải xem xét vị trí chiến lược của Quảng Trị, và cũng cần phải cân nhắc việc giám sát cái quyền điều hành và sự chi phối của nhà đầu tư nước ngoài đến đâu? Nếu phía Việt Nam đóng góp có 2 ngàn tỷ mà chi phí lên đến 15 ngàn tỷ thì rõ ràng tài chính bị nước ngoài chi phối, đều đó cần phải được giám sát chặt chẽ.”
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng cần phải xem xét cẩn trọng vấn đề an ninh quốc phòng:
“Hiện nay thì thường thường các điểm nhạy cảm đối với biên giới đường biển của Việt Nam, ví dụ như Đà Nẵng có biên giới xung quanh và tiếp giáp biển Đông thì cũng phải cảnh giác những đối phương, những kẻ bành trướng mà cũng có thể nó thông qua hình thức gián tiếp. Có nghĩa nó sẽ đầu tư vào, nó sẽ dùng tiền, cái này mình phải xem xét thận trọng nguồn vốn từ đâu. Chứ không phải tiền từ trên trời rơi xuống, nên người ta sẽ xác định rõ được ngay.”
Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, vị trí như Quảng Trị mà xây một cái cảng với số vốn dự toán như vậy thì ông cho là quá lớn, cần xem mục đích của là gì? Chứ 15 ngàn tỷ mà vốn địa phương chỉ 2 ngàn tỷ, thì còn lại vốn xã hội hóa là của đối tượng nào? Tại Việt Nam thì hiện nay cũng ít một đối tượng nào đó bỏ số vốn như vậy.
Còn theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nếu phải đầu tư xây dựng cảng ở Quảng Trị, thì phải đầu tư như thế nào để đảm bảo hiệu quả, cũng như phải đảm bảo vấn đề quốc phòng an ninh và cần đưa vào những rào cản kỹ thuật để kiểm soát trong quá trình xem xét đầu tư.
—
(1) Quản trị logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Trái bóng và liêm sỉ
Tuần này, liêm sỉ tiếp tục là một trong những từ được sử dụng nhiều nhất trên mạng xã hội Việt ngữ.
Tuần trước, người ta từng nhắc đến “liêm sỉ” khi Việt Nam vượt qua Philippine để bước vào lượt trận chung kết của Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF 2018) vì tại nhiều nơi, không ít người đổ ra đường ăn mừng chiến thắng cuồng nhiệt tới mức giống như mất tri giác: Thi nhau hò hét, tụt quần, cởi áo,… Cuối cùng, không chỉ giao thông tắc nghẽn, hỗn loạn mà còn khiến vài chục người chết, vài trăm người bị thương và chính quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương nhắm mắt làm ngơ như đã từng nhắm mắt làm ngơ nhiều lần, bởi nhờ thế họ có thể đu theo chiến thắng của đội tuyển quốc gia, lên hết dây cót… tự hào cho dân chúng.
Tuần này, nhiều người đề cập đến “liêm sỉ” trên mạng xã hội với tần suất cao hơn sau khi Việt Nam thủ hòa trong trận chung kết lượt đi ở Malaysia và báo giới tiết lộ, hai năm vừa qua, ông Park Hang-seo, tuy là Huấn luyện viên Đội tuyển Bóng đá Quốc gia và Đội tuyển U23 nhưng lại nhận lương từ ông bầu Đoàn Nguyên Đức! Trong 24 tháng vừa qua, ông Đức (Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, chủ Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai) – người từng bị VFF gạt ra khỏi Ban Chấp hành vì không có… bằng tốt nghiệp đại học – đã tự nguyện trả cho ông Park khoảng 19,2 tỉ (mỗi tháng khoảng 800 triệu đồng) (1).
Ai cũng biết, từ khi ông Park trở thành Huấn luyện viên Đội tuyển Bóng đá Quốc gia và Đội tuyển U23, bóng đá Việt Nam đã sải những bước rất dài trên con đường dẫn tới đỉnh của bóng đá Đông Nam Á và bóng đá châu Á. Trong hai năm vừa qua, Đội tuyển U23 của Việt Nam giành Huy chương Bạc Giải Vô địch U23 châu Á, Đội tuyển Quốc gia đứng thứ tư Olympic châu Á và người Việt đang mơ, Đội tuyển Quốc gia sẽ đoạt được Cúp AFF 2018.
Cho dù thiên hạ đã từng đề cập đến vai trò của những ông bầu, trong đó có bầu Đức (bỏ tiền túi để thành lập các Câu lạc bộ Bóng đá, lựa chọn – ươm hàng loạt mầm non để tạo ra diện mạo của đội tuyển quốc gia như hiện nay), song ít ai dè tâm huyết, sức lực, công lao của các ông bầu, như bầu Đức còn hơn cả thế. Đó cũng là lý do “liêm sỉ” trở thành chuyện không thể không nêu…
Thời luận – một group bàn thảo về thời cuộc trên facebook – thắc mắc: VFF có biết “liêm sỉ” là gì không? Trong số hơn 1.000 người tham gia bình luận về thắc mắc này, không ai trả lời: Có! Bởi thiên hạ cùng mắng VFF khốn nạn, trâng tráo, điếm đàng. Không ít facebooker nhận định như Bình Dương Nguyên: Một lũ vô liêm sỉ! Lẽ ra mấy thằng lãnh đạo VFF và ngành thể dục thể thao phải thấy nhục khi thành tích và tiền thì chúng hưởng, công người khác thì chúng chiếm chẳng khác gì chó tranh phân! – nên Đại Quan – một thành viên trong group Thời luận – đẩy đưa: Quan chức nước ta hay xấu hổ lắm. Họ liêm sỉ và sạch sẽ lắm. Cứ chửi hoài kiểu này, họ… thôi làm lãnh đạo bỏ về quê thì những ghế ấy ai ngồi (2)?
Từ chuyện bầu Đức bỏ tiền túi nuôi Huấn luyện viên Đội tuyển Bóng đá Quốc gia và Đôi tuyển U23, nhiều facebooker như Mạnh Quân nhắc lại chuyện bầu Đức đang nợ ngập đầu mà vẫn ráng gánh thệm các chi phí để bóng đá Việt Nam nở mày, nở mặt với thiên hạ. Quân cảm thấy tiếc là nhiều sản phẩm của bầu Đức, ví dụ như cao su, không phải ai cũng mua được. Quân khẳng định, nếu bầu Đức mở rộng kinh doanh, sản xuất những mặt hàng thiết yếu như: gạo, sữa,… Quân sẵn sàng ủng hộ. Quân nhấn mạnh, không đề cập đến VFF như mọi người vì đó một đám mà nhắc tới chỉ… bẩn mồm (3)! Cũng nhìn vấn đề theo hướng như vậy, Hoàng Linh không phê phán VFF mà chỉ rao: Ai nhặt được lòng tự trọng của VFF làm ơn… trả lại (4).
Họa vô đơn chí, tin bầu Đức đưa lưng gánh vác khoản thù lao phải trả cho ông Park suốt hai năm vừa qua được tiết lộ đúng vào lúc VFF vừa tổ chức tổng kết hoạt động của nhiệm kỳ thứ bảy. Theo đó, VFF tiếp tục đạt được nhiều… thành tích quan trọng. Ngoài thành công của… Đội tuyển U23, Đội tuyển Quốc gia, thu nhập của VFF năm sau luôn cao hơn năm trước và sẽ phấn đấu để sắp tới, mỗi năm, Ban Chấp hành VFF Khóa 8 sẽ thu về 400 tỉ đồng. Bạch Huệ là một trong những facebooker dựa trên những thông tin ấy để đặt câu hỏi: Không phải nuôi huấn luyện viên, không phải nuôi cầu thủ, hưởng đủ thứ vậy tiền VFF kiếm được đi đâu, chi cho những việc gì mà năm nào cũng than lỗ (5)?
AFF Cup năm nay, sau khi Đội tuyển Quốc gia của Việt Nam tiến gần đến đích, VFF lại để lòi ra thêm một vấn nạn khác: Vé! VFF tuyên bố bán vé online nhưng gần như không ai có thể mua được vé xem các trận Đội tuyển Quốc gia của Việt Nam đá trên sân Mỹ Đình qua Internet. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với vé bán tại các quầy vé. Chỉ có vé chợ đen với giá cao hơn từ 15 lần đến 20 lần giá chính thức thì bao nhiêu cũng có. Bạch Huệ nhận định, lối quản lý – điều hành hoạt động như thế là lý do khiến VFF phải “ăn mày” những doanh nhân thất cơ, lỡ vận như bầu Đức. Giống như Huệ, Trinh Son bất bình vì trong Ban Chấp hành VFF Khóa 8 vẫn chỉ toàn những kẻ trâng tráo, dựa hơi bóng đá và vì thế bóng đá Việt Nam khó mà vươn cao. Dưới mắt Son, VFF là một lũ “đĩ điếm”, lợi dụng cả những cầu thủ trẻ lẫn tình yêu bóng đá của dân chúng, ngồi chơi rung đùi hưởng lợi trên mồ hôi người khác (6).
Thật ra đâu chỉ có VFF! Khi Đội tuyển Bóng đá Việt Nam sải được những bước dài hơn, đi xa hơn trong những đợt tranh tài khu vực, vé xem Đội tuyển Quốc gia trên sân Mỹ Đình trở thành của quý, số viên chức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nhào vào kiếm chác cả danh lẫn lợi theo kiểu tủn mủn, vụn vặt, đông hơn nhiều.
Hết ca sĩ Đinh Hiền Anh hồn nhiên khoe đặc lợi vì là… phu nhân của đồng chí Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Tài Chính, trên facebook: Dân tình sốt xình xịch vì vé khan hiếm và khó mua. Ngoài luồng thì giá cắt cổ. Em vẫn được ưu ái 50 vé mời cho người thân. Đa tạ (7)! – tới Ban Dân nguyện của Quốc hội thản nhiên soạn công văn, gửi cho VFF, đề nghị bán 200 vé xem trận chung kết lượt về cho lãnh đạo Ban Dân nguyện và công chức Vụ Dân nguyện “trực tiếp theo dõi, cổ vũ tinh thần cho Đội tuyển Bóng đá Quốc gia” (8)…
Chắc chắn không chỉ có phu nhân Thứ trưởng Tài chính hưởng đặc lợi kiểu đó, chắc chắn không chỉ có Vụ Dân nguyện đòi đặc quyền kiểu đó, sẽ có rất nhiều cơ quan thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia giành đặc quyền này.
***
Chưa biết Đội tuyển Bóng đá Việt Nam có đoạt được Cúp AFF năm nay hay không nhưng Hà Phan dự đoán: Nếu những cầu thủ trẻ của Đội tuyển Bóng đá Việt Nam qua mặt Đội tuyển Bóng đá Malaysia vào ngày 15 tháng 12 thì… chiến thắng ấy thuộc về VFF. VFF sẽ có đủ đường thu, đủ kiểu để kể công. Trong diễn văn mừng chiến thắng hẳn sẽ có câu “Dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của VFF, bóng đá Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác…” và các quan chức của VFF sẽ nhảy bổ lên đầu xe chở đoàn quân chiến thắng diễu hành, sẽ chen vào chỗ đẹp nhất để chụp hình với lãnh đạo. Ngược lại, khi thất bại trách nhiệm chính sẽ thuộc về Huấn luyện viên Park và các cầu thủ, VFF chỉ… rút kinh nghiệm sâu sắc, lấy đó làm bài học quý báu để tiếp tục lãnh đạo nền bóng đá nước nhà và hành hạ người hâm mộ Việt Nam (9)…
Dự đoán của Hà Phan dẫu đúng nhưng chưa đủ. Nào phải chỉ có VFF. Hồi tháng giêng năm nay, khi Đội tuyển U23 Việt Nam vào đến chung kết Giải vô địch Bóng đá trẻ Châu Á 2018, đối đầu với Đội tuyển U23 Uzbekistan, chẳng phải tờ Nhân Dân vội vàng tuyên bố “Thế nước mạnh, vận nước lên!” đó sao (10). Đừng nghĩ tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN – hàm hồ khi khẳng định chắc nịch, chuyện “lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá nước nhà, đội tuyển U23 Việt Nam hiên ngang tiến vào trận chung kết giải bóng đá U23 châu Á 2018” cùng với “những thành tích nổi bật và toàn diện của quân dân cả nước, tạo nên những bước đột phá về kinh tế – xã hội, văn hóa, thể thao, đặc biệt là kết quả về xây dựng Ðảng và đối ngoại… trong năm 2017” chính là bằng chứng “thế nước mạnh, vận nước lên, lòng dân đồng thuận, nước nhà hưng thịnh” và chắc chắn “việc gì cũng thành công”!
Đâu phải chỉ VFF vô liêm sỉ và đâu phải tự nhiên mà VFF dù tày hoày, toét hoét nhưng vẫn vững như bàn thạch. VFF mà khác Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, khác Quốc hội, khác Nhà nước, khác Chính phủ, VFF có tồn tại được không?
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2167175600215129&id=2022680201331337&__xts
(3) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10157090084734824&set=a.116500934823&type=3&theater
(4) https://www.facebook.com/hoang.linh.7146/posts/1895297357257452
(5) https://www.facebook.com/tocroi2010/posts/2166413100077214
(6) https://www.facebook.com/son.trinhcong.9028/posts/598843563879255
(8) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2252057661470945&set=a.198116233531775&type=3&theater
(9) https://www.facebook.com/phan.ha.7524/posts/10211033422666323
(10) http://www.nhandan.com.vn/thethao/tin-tuc/item/35368102-the-nuoc-manh-van-nuoc-len.html
https://www.voatiengviet.com/a/aff-vff-park-hang-seo-bau-duc-malaysia/4701449.html
Hoan hô Ban dân nguyện,
đi xem chung kết nhớ vỗ tay luôn luôn
Tre
Đúng là nước mình không thiếu chuyện vui và cảm động. Chỉ vài chục tiếng trước giờ trái bóng lăn trên sân Mỹ Đình trong trận chung kết Việt Nam-Mã Lai, thì người dân lại được một phen chứng kiến sự tận tụy của Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hoan hô Ban Dân nguyện. Các anh chớ tủi thân. Vì dân mạng chưa đánh giá được tinh thần vì dân vì nước sâu xa của chúng mình, nên mới mắng các anh xơi xơi suốt ngày hôm qua như thế.
Vì đúng như bác Đỗ Văn Đương – Ban phó, trả lời báo chí, đi làm cả một tuần đã mệt chết đi rồi, thứ bảy được nghỉ ngơi chút đỉnh, lại còn phải đi xem bóng đá nữa nào có sung sướng gì. Đây chúng mình đi là công việc “dân vận, dân nguyện” đấy chứ. Vì dân, vì nước, vì nền bóng đá. Chứ việc công bề bề ra đấy, nào có ngơi tay để được giải trí tí nào đâu.
Vì đúng như bác Đỗ Văn Đương – Ban phó, trả lời báo chí, đi làm cả một tuần đã mệt chết đi rồi, thứ bảy được nghỉ ngơi chút đỉnh, lại còn phải đi xem bóng đá nữa nào có sung sướng gì. Đây chúng mình đi là công việc “dân vận, dân nguyện” đấy chứ
Đây nhá, theo Nghị quyết 1156/2016/UBTVQH13 ngày 17/3-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Ban dân nguyện, thì Ban có đến 9 nhiệm vụ quan trọng. Tóm tắt như sau:
-Tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban dân nguyện để nghiên cứu.
-Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
-Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri,
-Thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban thường vụ Quốc hội những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật.
Mà các anh chị biết trong năm qua, những việc cử tri khiếu nại, tố cáo, phản ánh là bao nhiêu không?
Mới cuối tháng 10-2018 vừa rồi, tổng hợp ý kiến cử tri gửi đến Quốc hội kỳ họp thứ 6 thì đã có đến hơn 2.000 ý kiến liên quan đến hoạt động Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Cụ thể là kiến nghị giảm văn bản hướng dẫn trái với nội dung của luật, không đúng thẩm quyền, gây khó khăn cho đời sống người dân. Giám sát quản lý đất đai, công sản. Tiến độ thực hiện và chất lượng công trình, dự án do Nhà nước đầu tư, nhất là dự án giao thông, đường cao tốc. Xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa, lãng phí sách giáo khoa, sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Chất lượng, hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở. An toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường. Lạm lạm thu đầu năm học, bạo hành trẻ mầm non. Khu đô thị Thủ Thiêm. Thủ tục hành chính rườm rà, công chức hách dịch cửa quyền (có thủ tục hành chính người dân phải mất hàng trăm giờ, hàng chục triệu đồng mới làm xong). Việc cắt giảm thủ tục hành chính còn hình thức, chạy theo số lượng.
Trước thời điểm này tròn một năm, vào cuối năm 2017, bà Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói rõ: “Nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện do tố cáo của người dân hoặc mâu thuẫn nội bộ mà không phải qua thanh tra, kiểm tra. Hiện tượng dân phải lót tay để giải quyết công việc còn phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, trong phạm vi rộng”.
Báo chí Việt Nam dẫn nguồn Đánh giá của PAPI 2016 cho thấy, tỷ lệ người dân nói họ phải “lót tay” công chức để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho giáo viên tiểu học công lập để con em được quan tâm hơn vẫn tiếp tục tăng. Khoảng 54% số người dân nói phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước (năm 2011 tỷ lệ này là 46%, năm 2015 là 51%).
Riêng vụ Thủ Thiêm, mới hôm cuối tháng 5 đây thôi bà Trưởng Ban Dân nguyện còn nói bà “rất xót xa” vì “cử tri với đại biểu vốn không có khoảng cách, “vậy mà cử tri đã chờ đợi rất lâu để những giọt nước mắt ấy đến được với những đại biểu Quốc hội”.
Đấy, công việc nặng nề và đầy xót xa như thế mà phải bỏ cả tối thứ bảy để đi dân nguyện bóng đá. Tinh thần này cần biểu dương, thưa các quần chúng.
Mà làm việc công thì tất nhiên ngân sách nhà nước phải bỏ ra.
Điều 5 Nghị quyết thượng dẫn quy định: “Kinh phí hoạt động của Ban dân nguyện là một khoản trong kinh phí hoạt động của Quốc hội.” Rất minh bạch. Các quần chúng thiếu hiểu biết nên nghĩ xem, nếu anh em bỏ tiền túi ra mua thì cớ gì phải soạn công văn nhà nước? Chính vì đây là hoạt động công vụ của Ban, nên mới cần phải đánh công văn chính thức, gửi cả Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và lưu cả hành chính như thế.
(Chứ) làm cán bộ mà phải xếp hàng hay thức đêm chầu chực mua vé như dân thường thì kém thu hút quá. Thế thì ai còn muốn phấn đấu làm cán bộ làm gì!
Cuối cùng, tôi cũng rất phiền lòng với việc báo chí thắc mắc tại sao cả Ban khoảng 40 người mà công văn xin mua đến 200 vé. Thắc mắc đấy chứng tỏ các anh không hiểu gì về cơ chế “xin cho”, “cấp phát” cả. Đã cất công xin thì phải xin nhiều, xin tọa lọa ra, để các anh trên còn nâng lên đặt xuống, tính toán, cân đối, phân chia… (Chứ các anh nghĩ) chỉ có mỗi mình Ban Dân nguyện đánh công văn xin mua vé hay sao?
Tre
Chú thích
http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=37671
https://vnexpress.net/thoi-su/nhieu-vu-an-tham-nhung-duoc-phat-hien-do-mau-thuan-noi-bo-3671200.html
https://tuoitre.vn/nuoc-mat-cu-tri-thu-thiem-lam-toi-xot-xa-201805301141…
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Thể chế chính trị quyết định vấn đề xã hội
Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ Đạo trong kết luận tại cuộc họp về Chính sách xã hội hôm 13/12, cảnh báo cần chú ý hai vấn đề xã hội mới nảy sinh. Đó là sự chênh lệch giàu – nghèo giữa các nơi ngày càng cao, và tình trạng trẻ em, người già bị rối loạn tâm lý ngày càng tăng.
Các nhà xã hội học đánh giá vấn đề này ra sao?
‘Vấn đề xã hội mới nảy sinh’?
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Xã hội học Việt Nam, có nhận định:
Tôi nghĩ đây là những vấn đề Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói trúng và đúng. Một vấn đề rất cơ bản và rường cột đó là phân hóa xã hội, việc hình hành các giai tầng mới, cũng như việc giãn ra ngày càng lớn hơn của các mức sống tầng lớp dân cư. Vấn đề khác là phần tử của các nhóm yếu thế tự đối diện với chính mình mà thiếu sự trợ giúp của xã hội dẫn đến các hành vi tự kỷ.
Xã hội nào cũng có những vấn đề về người già và chênh lệch giàu nghèo, nhất là những nước có hệ thống an sinh xã hội chưa được điều chỉnh, cụ thể như Việt Nam.
-TS. BS. Đinh Đức Long
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Đức Long, Nguyên trung tá quân đội nhân dân Việt Nam, thì nhận định của ông Phó Thủ tướng Việt Nam không mới lạ.
Tôi nghĩ những vấn đề ông nêu lên chẳng có gì mới cả. Xã hội nào cũng có những vấn đề về người già và chênh lệch giàu nghèo, nhất là những nước có hệ thống an sinh xã hội chưa được điều chỉnh, cụ thể như Việt Nam.
Tiến sĩ Đinh Đức Long cho rằng biện pháp giải quyết bất cập của nhà nước mới là vấn đề cần tập trung. Ông nói:
Trên thực tế, nhà nước được coi là người đại diện cho nhân dân thì có làm đúng những gì họ được ủy nhiệm không? Nếu không đúng thì nhân dân có hình thức nào để kiểm soát, chế tài, thậm chí là phế truất họ không? Cái đấy mới quan trọng thì chẳng thấy ai bàn cả, đều tránh né.
‘Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo’ chỉ là khẩu hiệu
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi tiếp xúc cử tri Cần Thơ hôm 26/11 khẳng định quyết tâm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thực hiện an sinh xã hội bằng chính sách của Nhà nước.
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nhận định thu hẹp khoảng cách giàu nghèo không phải là một nỗ lực tuyệt vọng, nhưng là một bài toán có lời giải rất xa. Ông nói:
Tôi nghĩ chuyện nói rằng thu hẹp khoảng cách đấy cũng chỉ là một thông điệp, một khẩu hiệu hành động nhiều hơn là hoạt động trong thực tiễn. Bởi vì đấy là câu chuyện thế tất phải diễn ra. Đây là một thực tiễn khách quan không đảo ngược. Điều đó cũng phù hợp với mô hình tăng trưởng của xã hội các quốc gia phát triển trên thế giới chứ không hề xa lạ. Khi tôi nói điều đấy nghĩa là sự hòa nhập, sự xích lại gần gũi hơn với các quốc gia phát triển thì lớn hơn.
Trẻ em, người già và rối loạn tâm lý
Liên quan đến vấn đề rối loạn tâm lý ở trẻ em và người già, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng đây là tình trạng chung của mọi xã hội.
Vấn đề trẻ em tự kỷ và thành viên của nhóm yếu thế có vấn đề về tâm lý thì có lẽ là phổ quát trong lòng mọi thể chế, chứ không riêng ở Việt Nam. Đây là bài học và thực tiễn của một xã hội đang phát triển phải đối mặt.
Bác sĩ Đinh Đức Long có cùng quan điểm như trên và giải thích nguyên nhân:
Xã hội có nhiều mâu thuẫn, căng thẳng. Trẻ con không được bố mẹ quan tâm vì chạy theo kinh tế thị trường, chạy theo lợi nhuận, chạy theo công việc. Trẻ em bị bỏ rơi, và người già cũng thế thôi. Tôi nghĩ ở nhiều nước phát triển, người già bị cho vào trại dưỡng lão, đâu được ở gia đình với con cháu. Vấn đề đó cũng gây ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý. Người già mà ở với con cháu thì khác hoàn toàn chứ.
Chúng tôi liên hệ một nhóm thiện nguyện độc lập ở Sài Gòn từ hơn 5 năm qua chăm lo đời sống cho gần 200 em thiếu nhi và 150 cụ già neo đơn sống tại các ngôi chùa, các mái ấm và được người đại diện chia sẻ thực tế hiện nay.
Thực sự đối với những đứa nhóc thì đang bị thiếu những hoạt động để được đi ra ngoài đường. Cái xã hội ở ngoài của tụi nhỏ là đi bệnh viện và đi chích ngừa. Còn người già thì gần như là bị bao bọc trong bốn bức tường. Họ rất vui khi tiếp xúc với người bên ngoài nhưng họ không có cơ hội. Đa phần là mọi người đang bị thiếu cơ hội tiếp xúc bên ngoài xã hội.
Người đại diện của nhóm đánh giá về tâm lý của trẻ em và người già trong các mái ấm, nhà tình thương ở Sài Gòn hiện nay.
Cơ bản em thấy là họ đang bị thiếu tình thương. Đa phần các nhóm công tác xã hội chỉ đến 1, 2 lần rồi ngưng. Thực sự là người ta cần dài hơn chứ không cần ngắn hạn. Em thấy tâm lý của những người cần giúp đỡ không phải là gắn bó vật chất nhiều hơn và cần về tinh thần nhiều hơn.
Có nhiều vấn đề liên quan đến manh áo mà cơ thể kinh tế xã hội này vốn đã từng vừa vặn nhưng nay không còn vừa vặn nữa.
-TS. Trịnh Hòa Bình
Thực tế cho thấy Việt Nam hiện nay có nhiều vấn đề tồn tại không chỉ riêng hai vấn đề ‘mới nảy sinh’ như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc đến.
Tuy vậy, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình chia sẽ quan điểm của ông rằng các vấn đề ấy dường như đều được gom lại vào một điểm ở tầng vĩ mô.
Có nhiều vấn đề liên quan đến manh áo mà cơ thể kinh tế xã hội này vốn đã từng vừa vặn nhưng nay không còn vừa vặn nữa. Tức là câu chuyện không tương thích giữa thể chế với sự phát triển mang tính cách khởi phát, đồng bộ, toàn thể để kích hoàn toàn bộ xã hội.
Tiến sĩ Bình ví von rằng thể chế chính trị hiện nay của Việt Nam như một manh áo chật, hiện không còn vừa vặn với một cơ thể đang vươn tới sự lớn rộng, và lời giải đáp cho vấn đề nằm ở ngay hình ảnh ấy.
Ông Phan Văn Vĩnh không kháng án
Cựu tướng Công an Phăn Văn Vĩnh, người vừa bị kết án tù 9 năm về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong vụ án đánh bạc trên mạng hàng ngàn tỷ đồng, đã quyết định không kháng án. Báo Pháp luật trích lời cua bà Nguyễn Thị Huyền Trang, luật sư của ông Vĩnh cho biết như vậy hôm 15/12.
Bà Trang nói với báo Pháp Luật thành phố HCM rằng ông Vĩnh đã nộp đơn xin thi hành án vào hôm 14/12.
Trước đó, sau khi toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ tuyên án 9 năm tù vào ngày 30/11, bà Trang cho báo chí biết ông Vĩnh sẽ kháng cáo vì cho rằng toà đã không áp dụng đến các tình tiết giảm nhẹ, đến công lao của ông.
Theo báo Pháp Luật, tính đến ngày 15/12, đã có 21 trong tổng số 92 bị cáo của vụ án đã nộp đơn kháng cáo. Tuy nhiên hai viên cựu tướng công an bị xử trong vụ án này là Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hoá chưa nộp đơn kháng cáo.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các bị cáo có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày kể từ thời điểm toà sở thẩm tuyên án.
Ngoài cáo buộc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn, truyền thông trong nước cho biết cơ quan điều tra còn đang điều tra cáo buộc ông Vĩnh và ông Hoá tham nhũng, nhận hàng tỷ đồng tiền đút lót từ những người đứng đầu băng cờ bạc trên mạng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/phan-van-vinh-not-appeal-12152018100603.html
VC Siết Kỹ Thông Tin Internet
HANOI — Siết chặt vạn lý trường thành Internet… Trung Quốc đã làm như thế, và Việt Nam bây giờ cũng thế.
Một cách để kềm kẹp thông tin là buộc người dùng mạng xã hội phải dùng tên thật và ảnh thật.
Bản tin RFA ghi nhận tình hình “Dùng tên và ảnh thật trên mạng xã hội: Biện pháp xiết chặt!”…
Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam mới đây đưa ra Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội (MXH) ở Việt Nam, trong đó có đề xuất “công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan đang công tác”.
Truyền thông trong nước trích lời Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo rằng nội dung cốt lõi để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết với tình hình hiện nay.
RFA ghi nhận là, trước giải thích đó, cô Tuyền hiện sống ở TP. SG có ý kiến:
“Theo em nghĩ thì điều đó không đúng luật vì nó vi phạm quyền riêng tư của người dân. Em nghĩ đây là họ muốn tăng cường kiểm soát người dân. Khi người dân đưa tin gì đó bất lợi cho phía chính quyền thì họ có thể có hành động để người dân chùn bước không dám đưa sự thật lên mạng xã hội nữa.
Từ khi mạng xã hội facebook ra đời thì nhiều sự thật được phanh phui và lan truyền rất nhanh và chính quyền gặp nhiều bất lợi. Trước đây nhiều sự thật được giấu kín.”
Tương tự, RFA phỏng vấn nhà báo Đỗ Cao Cường, nguyên phóng viên báo Pháp Luật thì điều này được đưa ra nhằm hạn chế tối đa quyền bày tỏ của người dân và cũng là cách để che đậy sự thật, và đây là một hình thức nô lệ tư duy:
“Khi họ đưa ra Bộ quy tắc đó thì rõ ràng mục đích là để kiểm soát những công chức trong cơ quan nhà nước. Là một hình thức để những công chức không có tiếng nói, không có sự phản biện, không có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân từ cuộc sống, gia đình cho tới quan điểm về đất nước. Đây là một hình thức nô lệ tư duy, là một hình thức để những người trong hệ thống của họ không có quyền tố cáo tham nhũng hoặc đưa ra những sai phạm, tiêu cực trong hệ thống ra xã hội.”
Bản tin RFA cũng ghi lời Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong những luật sư nhân quyền thì cho rằng nếu Bộ quy tắc ứng xử này được thông qua thì sẽ hạn chế hết các quyền bày tỏ chính kiến của các cán bộ công chức vì lâu nay facebook là sân chơi của họ để họ có thể nói lên quan điểm nhưng không bằng tên thật. Ông nói thêm:
“Nếu dự thảo này được thông qua sẽ có tác động thực sự đến cán bộ, công chức. Có nghĩa là họ sẽ hạn chế những thông tin mà tạm gọi là “thông tin xấu”. Khi luật an ninh mạng có hiệu lực nữa thì các thông tin đưa ra họ sẽ dễ dàng kiểm soát. Tôi nghĩ đây là cách để họ kiểm duyệt thông tin một cách gắt gao. Tôi nói thực là các quy định như thế này thì mục đích là để ngăn chặn cái sự mà bên đảng gọi là “tự chuyển hóa” của cán bộ công chức. Họ sợ cán bộ, công chức đưa những thông tin nội bộ, những thông tin không theo ý của họ lên mạng xã hội.”
RFA cũng ghi về một thống kê:
“Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc thì mức độ thâm nhập Internet của Việt Nam hơn 60% dân số và Việt Nam hiện là nước đứng thứ bảy trên thế giới với số lượng người dùng facebook là 58 triệu.”
Trong khi đó, những người bênh vực nhân quyền vẫn lie6nt ục bị đàn áp.
Bản tin BBC ghi ý kiến của một luật sư nhân quyền bị đẩy về vườn: Luật sư Võ An Đôn trao đổi với BBC về chuyện tại sao ông khởi kiện bộ trưởng Tư pháp và việc mưu sinh nuôi vợ cùng ba con sau một năm kể từ ngày bị tước thẻ hành nghề.
Hôm 4/12, Luật sư Võ An Đôn thông báo ông đã nộp đơn khởi kiện ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp, yêu cầu Tòa án tỉnh Phú Yên hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại và trả lại quyền hành nghề luật sư cho ông.
Quyết định này được đưa ra sau khi Bộ Tư pháp bác toàn bộ nội dung khiếu nại của ông Võ An Đôn về việc bị xóa tên khỏi đoàn luật sư tỉnh này, theo báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh.
Hôm 13/12, trả lời BBC từ Phú Yên, Luật sư Võ An Đôn nói: “Đến nay đã nửa tháng từ ngày tôi nộp đơn kiện bộ trưởng Tư pháp nhưng tôi chưa nhận được phản hồi, dù theo luật thì tòa án phải trả lời trong 5 ngày.”
Luật sư Võ An Đôn cũng nói với BBC: “Sau khi bị tước thẻ, tôi vẫn cố gắng tư vấn pháp luật cho người dân trong một số vụ án dân sự.”
“Ngoài ra, tôi mưu sinh bằng việc làm nông, làm vườn, chăn nuôi để nuôi vợ và ba con từ 2 đến 7 tuổi.”
“Nói chung là giống như bất kỳ người dân nông thôn nào khác ở Việt Nam.”
“Người ta sống được thì mình sống được, dù trước khi có thu nhập ổn định thì mình đỡ hơn, còn nay thì phải tính toán mọi khoản chi tiêu trong nhà kỹ hơn.”
Xin trân trọng chúng vạn sự an lành tới Luật sư Võ An Đôn.
https://vietbao.com/p124a288652/vc-siet-ky-thong-tin-internet