Tin Việt Nam – 15/12/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 15/12/2017

‘Hồ sơ Trịnh Xuân Thanh ở Đức không đổi’

Ông Trịnh Xuân Thanh chính thức có luật sư bào chữa trước khi có phiên tòa xét xử ông trong thời gian tới, tin cho hay.

Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf nói với BBC rằng theo thông tin bà có được, cho đến ngày 8/12 mới chỉ có một luật sư tại Việt Nam được tiếp xúc với ông Thanh.

Hôm 15/12, bà nói với BBC người đó không phải là ông Lê Văn Thiệp, người mới nhất vừa được cấp giấy chứng nhận bào chữa hôm 8/12.

Bà cho biết hiện bà đang chờ được cập nhật về tình hình thân chủ mình cũng như về các luật sư sẽ bảo vệ ông Thanh trong phiên tòa sắp tới.

Sau khi làm các thủ tục bào chữa, ông Thiệp nói ông đã tiếp xúc với thân chủ, và rằng ông Trịnh Xuân Thanh trong trạng thái ‘tinh thần tốt’, sức khỏe ‘bình thường’, VietnamNet đưa tin.

LS Schlagenhauf ‘theo dõi sát vụ ông Thanh’

Báo chí Đức đưa thêm tin vụ Trịnh Xuân Thanh

‘Luật sư có tiếng’ bào chữa cho ông Đinh La Thăng

Trước đó, Luật sư Trần Hồng Phúc và hai người từ Văn phòng Luật sư Nguyễn Văn Chiến cũng đã được cấp giấy tương tự, báo Dân trí nói.

Như vậy, cho đến nay, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Thanh đều thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội.

‘Phiên tòa của Việt Nam không làm thay đổi tình hình ở Đức’

Bà Schlagenhauf nói rằng bất kể việc ông Trịnh Xuân Thanh có bị đưa ra xét xử tại Việt Nam trong thời gian tới hay không, thì điều đó cũng không làm thay đổi địa vị pháp l‎ý của ông tại Đức, cũng như quan hệ luật sư-thân chủ giữa bà và ông Thanh.

Tin tức từ Việt Nam hôm 4/12 cho hay vụ án “Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm tham ô tài sản” sẽ được đưa ra xét xử vào quý đầu năm 2018.

Ông Trịnh Xuân Thanh từng là Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) vào tháng 12/2007, rồi Chủ tịch PVC từ tháng 2/2009.

Trong “vụ án Trịnh Xuân Thanh”, hàng loạt các quan chức và cựu quan chức của PVC hoặc có liên quan tới PVC đã bị bắt và bị khởi tố bị can.

Mới đây nhất, hôm 8/12, ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, bị khởi tố và tạm giam do ‘liên quan tới hai vụ án nghiêm trọng’, trang Thông tin Chính phủ nói, trong đó có vụ tham ô tài sản tại PVC.

Tin tức nói ông Đinh La Thăng đã mời Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cùng một luật sư khác chưa được nêu tên, bảo vệ quyền lợi cho mình.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42367346

 

Ít nhất ba luật sư sẽ bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh

Luật sư Lê Văn Thiệp, thành viên của Đoàn Luật sư Hà Nội, cùng ít nhất hai luật sư khác sẽ bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí PVC, trong một phiên tòa dự kiến diễn ra vào tháng 1/2018.

Truyền thông trong nước trích lời luật sư Thiệp, Văn phòng Luật sư Toàn cầu, hôm 15/12 nói rằng ông đã được cấp chứng nhận bào chữa cho ông Thanh vào ngày 8/12.

“Trong quá trình làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Thanh tôi được cơ quan an ninh điều tra tạo điều kiện thuận lợi,” ông Thiệp nói báo Tuổi Trẻ Online.

Trong quá trình làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Thanh tôi được cơ quan an ninh điều tra tạo điều kiện thuận lợi.

Luật sư Lê Văn Thiệp nói với báo Tuổi trẻ

Ông nói các giấy tờ thủ tục đều được thực hiện trước hạn, theo trang mạng Zing cho biết. Luật sư Thiệp nói ông đã được cấp giấy chứng nhận bào chữa theo đơn mời của ông Trịnh Xuân Thanh.

Trước đó, vào ngày 9/8, báo Tuổi trẻ nói Cơ quan An ninh điều tra đã cấp giấy chứng nhận cho 2 luật sư thuộc Văn Phòng Luật sư Nguyễn Chiến để tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trịnh Xuân Thanh từ giai đoạn hỏi cung.

Hôm 17/10, nữ luật sư người Đức Petra Schlagenhauf cho VOA biết là một luật sư cộng sự của bà ở Việt Nam đã vào trại giam tiếp xúc với ông Thanh trước đó vài ngày và cho biết “tình hình sức khỏe của ông Thanh bình thường.”

Nữ luật sư này còn nói thân chủ của bà “bị chính quyền Việt Nam thẩm vấn,” tại một nhà tù ở Hà Nội.

Chính quyền Việt Nam nói ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch tỉnh Hậu Giang, được xác định là người chịu trách nhiệm chính về các vi phạm và thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng ở Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trong giai đoạn từ 2011- 2013, đã ra “đầu thú” tại Hà Nội vào cuối tháng 7/2017, sau khi bị truy nã quốc tế từ tháng 9/2016 về “tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự.”

Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết sẽ xét xử vụ án Trịnh Xuân Thanh vào tháng 1/2018.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, hôm 25/11 đã yêu cầu “khẩn trương” đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh” ra xét xử.

Ông Trọng muốn ‘khẩn trương’ xử vụ Trịnh Xuân Thanh

Thứ trưởng Bộ Nội vụ ‘đẩy’ trách nhiệm vụ mất hồ sơ Trịnh Xuân Thanh

Bộ Ngoại giao Đức trước đó ra thông báo nói Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh hôm 23/7 tại Berlin và yêu cầu cho phép ông trở lại Đức “ngay lập tức” để nhà chức trách Đức xem xét việc dẫn độ theo yêu cầu của Việt Nam, cũng như xem xét đơn xin tị nạn ở Đức của ông Thanh.

Chúng tôi đã đưa ra các yêu cầu liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, kể cả phiên xử ông ấy phải được tiến hành theo pháp quyền, và phải mở cửa cho các quan sát viên quốc tế.

Bộ Ngoại giao Đức công bố hôm 22/9.

Nhưng sau đó phía Đức dường như đã thay đổi yêu cầu Hà Nội “trả” ông Trịnh Xuân Thanh.

Tuyên bố bằng tiếng Anh hôm 22/9, thông báo về việc Đức tạm ngưng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như trục xuất nhân viên ngoại giao thứ hai của Hà Nội, có đoạn viết:

“Chúng tôi đã đưa ra các yêu cầu liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, kể cả phiên xử ông ấy phải được tiến hành theo pháp quyền, và phải mở cửa cho các quan sát viên quốc tế”.

https://www.voatiengviet.com/a/it-nhat-ba-luat-su-se-bao-chua-cho-trinh-xuan-thanh/4165162.html

 

Việt Nam: Diễn biến nhân sự cấp cao cuối năm

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam xác nhận ông Đinh Thế Huynh tiếp tục chữa bệnh, với việc không phụ trách Hội đồng Lý luận Trung ương.

‘Đại án dầu khí’ tác động cải cách ở VN thế nào?

Vụ ông Thăng: TBT Trọng ‘chọn đúng đối tượng’

Vụ Đinh La Thăng: Đảng không cho ‘hạ cánh an toàn’?

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, sẽ phụ trách cơ quan này trong thời gian ông Huynh “nghỉ công tác để chữa bệnh”.

Nhân vật số năm tạm vắng

Lễ công bố quyết định của Bộ Chính trị diễn ra hôm 14/12.

Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Xét về thứ bậc của Đảng, chức Thường trực Ban Bí thư đứng số 5 trong hàng ngũ Đảng.

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí Thư Trung ương Đảng, là Phó Chủ tịch cơ quan này.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, sinh năm 1957, thuộc số các chính khách được Đảng tín nhiệm, khi ông được vào Ban Bí thư Trung ương Đảng ở Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa XII vừa qua.

Hồi tháng Tám, Chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ Trần Quốc Vượng đã tham gia Thường trực Ban Bí thư, tạm thay ông Huynh.

Đà Nẵng ‘lấn cấn’ chức chủ tịch?

Thành phố miền Trung Đà Nẵng trở thành “điểm nóng chính trị” tại Việt Nam năm 2017.

Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10 đã cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, đưa ông này ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Trương Quang Nghĩa được Đảng Cộng sản phân công về lãnh đạo đảng bộ Đà Nẵng.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bị Đảng cảnh cáo nhưng giữ nguyên chức vụ.

Tuy nhiên, dường như uy tín của ông Thơ tại Đà Nẵng đang lung lay.

Hôm 13/12, tại buổi tiếp xúc cử tri, một số người dân kiến nghị Bí thư Trương Quang Nghĩa giải thích về quy trình xử lý kỷ luật đối với ông Huỳnh Đức Thơ, theo báo chí Việt Nam.

Cử tri Nguyễn Kim Tuấn được dẫn lời nói “nhiều cán bộ hưu trí không bằng lòng” khi ông Huỳnh Đức Thơ chỉ bị cảnh cáo.

Ông Trương Quang Nghĩa trả lời cử tri: “Chính phủ đã đưa ra hình thức kỷ luật cảnh cáo với ông Thơ. Bước tiếp theo như thế nào tùy theo uy tín và những sai phạm của ông Thơ có phải cách chức hay không, có đủ uy tín để làm nữa hay không.”

Vị tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho biết Hội đồng Nhân dân thành phố này đã bãi nhiệm ông Nguyễn Xuân Anh nhưng vẫn chưa có ai thay.

“Các đại biểu HĐND thành phố nhất trí 100% đề nghị bầu ông Nguyễn Nho Trung làm Chủ tịch nhưng anh Trung chưa đủ điều kiện,” ông Nghĩa nói.

Ông Nho Trung thuộc Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 – 2020, nhưng tổ chức này lại đang nằm trong thời gian bị kỷ luật cảnh cáo sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhắc lại Bộ Công an đang điều tra, làm rõ 9 dự án và 31 nhà công sản mà chính quyền đã bán cho các tập thể, cá nhân.

TBT Trọng: ‘Công an phải bảo vệ Đảng’

Vụ Trịnh Xuân Thanh: ‘xử lý bảy cán bộ’

‘Không sửa chữa chỉ là một đảng hỏng’

Thủ tướng VN: ‘Không đổi mới là chết’

Ông Võ Văn Thưởng tiếp xúc cử tri

Những vấn đề liên quan đến bán đảo Sơn Trà và dự án Đa Phước vừa bắt đầu được thanh tra toàn diện và dự kiến sẽ kết luận tháng Ba 2018, theo ông Nghĩa.

Vị tân Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh nhu cầu ổn định.

“Trước hết là phải ổn định tình hình kinh tế, xã hội và Đà Nẵng không được phép đứng lại, phải tiếp tục ổn định để phát triển,” ông Nghĩa nói.

Cũng liên quan đến nhân sự cao cấp trong Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Phạm Gia Túc, Phó bí thư thành ủy Cần Thơ vừa được điều động, phân công giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đảng.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42326548

 

Vì đâu chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị?

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thời gian gần đây thừa nhận và cảnh báo về tình trạng “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị”.

Chán nản

Lần gần đây nhất mà báo chí đưa tin là tại Đại hội Đoàn toàn quốc khai mạc hôm 11/12 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng các đoàn viên đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cần tránh nhạt đảng, khô đoàn, xa rời chính trị.

Cũng với nội dung tương tự, vào hôm 20/11, ông Trọng đã nhắc nhở lãnh đạo thành phố Hải Phòng cần giải quyết tận gốc tình trạng “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị”.

Đây không phải là những lần đầu tiên cụm từ này được ông Tổng bí thư nói tới. Trước đây, thi thoảng ở đâu đó người ta vẫn thấy ông Trọng đề cập đến vấn đề này. Trong một văn bản về giáo dục tư tưởng từ năm 2009, cụm từ này đã được nhắc tới.

RFA đã trao đổi với một số nhân vật quan tâm đến tình hình chính trị ở Việt Nam và tất cả họ đều cho rằng với cương vị là người đứng đầu Đảng, ông Trọng tỏ ra lo lắng như vậy là điều dễ hiểu.

Cựu đại tá Bùi Tín, hiện đang sống tại Pháp nói với RFA rằng “chán Đảng, nhạt Đoàn” là một thực trạng đang xảy ra tràn lan ở Việt Nam hiện nay:

“Thanh niên hiện nay chúng chán lắm có muốn vào Đảng hay Đoàn đâu. Mà có bắt buộc vào chúng nó cũng có sinh hoạt gì đâu. Chúng không thấy gì bổ ích cả.

Đảng viên thì nhiều chi bộ không họp, họ chán quá rồi.

Tất cả những điều này là do uy tín của Đảng xuống thấp nhất, không được tin cậy nữa.

Trước kia người ta gọi là Đảng là Đảng ta, Đảng của mình. Còn bây giờ người ta gọi là Đảng của các ông ấy, các phe phái với nhau.”

Bây giờ thậm chí thanh niên trẻ muốn chen chân vào Đoàn để sau này ngóng một chức sắc nào đó trong bộ máy thì người ta mới háo hức vào Đoàn. 

– Blogger Trương Duy Nhất

Theo ông Bùi Tín nói rõ tình trạng dân mất niềm tin vào Đảng phần lớn do chính ông Tổng Bí thư gây ra, điển hình qua chiến dịch chống tham nhũng thời gian gần đây.

Chiến dịch chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ hồi giữa năm ngoái đã phanh phui nhiều quan chức cao cấp trong Đảng lấy của công đút túi riêng, trong đó có những vụ lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Mặc dù chiến dịch này có vẻ quyết liệt nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng đây là cuộc chiến thanh trừng phe phái trong nội bộ Đảng.

Vấn đề Đảng viên và Đoàn viên chán nản không muốn sinh hoạt mà ông Bùi Tín nêu ra cũng là một sự thật được nhiều địa phương trên cả nước thừa nhận.

Năm 2011, Việt Nam cho biết số người tham gia Đảng giảm hơn 10.000 người so với năm trước đó là 2010. Đây là giai đoạn ngay sau khi Việt Nam thừa nhận tình trạng chán Đảng, nhạt Đoàn trong một văn bản giáo dục tư tưởng.

Từ Đà Nẵng, nhà báo tự do – blogger Trương Duy Nhất nhận thấy rằng khát vọng được vào Đảng và Đoàn của giới trẻ hiện nay phai mờ đi rất nhiều mà thay vào đó là những toan tính vào Đảng cho dễ tiến thân:

“Bây giờ thậm chí thanh trẻ muốn chen chân vào Đoàn để sau này ngóng một chức sắc nào đó trong bộ máy thì người ta mới háo hức vào Đoàn. Trong các trường học người ta vào Đoàn vì cái vị thế, điểm chác, rồi các sinh hoạt chuẩn bị sau này ra trường được cân nhắc thôi. Thực tế, lý tưởng và khát vọng về Đoàn bây giờ tôi cho rằng chỉ có ông hâm mới nghĩ đến chứ thanh niên giờ họ không màng đến chuyện đó đâu.

Tương tự, vào Đảng để làm gì? Để kiếm một chỗ đứng nào đó. Trong bộ máy có một luật bất thành văn đó là cơ cấu cán bộ, muốn cân nhắc một trưởng ban, trưởng phòng nào đó thì dù anh có giỏi, có bằng cấp gì gì đi nữa thì điều tiên quyết anh phải là Đảng viên cái đã.”

Ở Việt Nam hiện nay chưa thấy có một quy định nào về việc muốn làm lãnh đạo trong các doanh nghiệp của Nhà nước thì phải là Đảng viên. Tuy nhiên đây lại là một ưu tiên dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu.

Ngoài các doanh nghiệp Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam còn tích cực mở rộng lực lượng trong các doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân. Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chỉ trong 9 tháng đầu năm nay họ đã kết nạp hơn 2.500 đảng viên từ các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

RFA cũng trao đổi với một blogger trẻ tuổi, anh Từ Anh Tú, một sinh viên từng bị buộc thôi học vì ủng hộ tinh thần đấu tranh dân chủ và chống Trung Quốc. Anh Tú cũng đồng tình rằng hiện nay giới trẻ không còn tha thiết tham gia vào Đoàn như trước kia nữa vì không mang lại tác dụng gì. Anh cũng nhận thấy nhiều người tham gia Đoàn nhưng vì không có vai vế nên tiếng nói của họ không được lắng nghe mà chỉ là

“tay sai cho thế lực khác”. Anh Tú nói tiếp:

“Mình cho rằng những thế hệ trước như cha hay chú mình họ vào Đảng, Đoàn vì lý tưởng. Mình chưa bàn luận về đúng hay sai. Vào Đảng hay Đoàn họ nghĩ rằng có thể phục vụ, đóng góp và cống hiến cho đất nước.

Nhưng hiện nay mạng xã hội và công nghệ thông tin ngày càng phát triển, người ta nhận thấy là vào Đảng hay Đoàn cũng chỉ để phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó thôi chứ không thực sự vì lý tưởng như ngày xưa nữa.”

Ngay trong buổi Đại hội Đoàn toàn quốc hôm 11/12 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng cũng cảnh báo là Đoàn Thanh niên cần định hướng cho thanh niên phản bác các thông tin sai trái trên mạng xã hội của các thế lực thù địch.

Hiện nay mạng xã hội và công nghệ thông tin ngày càng phát triển, người ta nhận thấy là vào Đảng hay Đoàn cũng chỉ để phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó thôi.

– Blogger Từ Anh Tú 

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được xem là nơi chuẩn bị các đảng viên tương lai của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khá nhiều quan chức hiện nay của Đảng xuất thân từ những cán bộ của Đoàn Thanh niên, như ông Võ Văn Thưởng hiện đứng đầu cơ quan tuyên truyền của Đảng.

Ông Đinh La Thăng một cựu Ủy viên Bộ chính trị mới vừa bị bắt với cáo buộc tham nhũng, cũng từng là cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản.

Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2016 có 4,5 triệu đảng viên. Việt Nam hiện có 6,4 triệu đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Khi niềm tin đã mất

Nhận thấy nhiệt huyết tham gia Đảng, Đoàn của người dân nói chung và giới trẻ nói riêng không còn mạnh mẽ như xưa, cựu Đại tá Bùi Tín cảnh tỉnh rằng nếu Việt Nam không đổi mới để lấy lại niềm tin của dân thì nhiệt huyết này có ngày sẽ cạn kiệt:

“Điều kiện duy nhất là đổi mới thực sự chứ không phải đổi mà càng ngày càng cũ. Ví dụ nền tư pháp phải rạch ròi chứ không phải Đảng thu lượm tất cả hành pháp, quyền lập pháp và tư pháp. Đảng độc đoán thì làm sao có thể có sự cân bằng xã hội, làm sao tuân theo luật pháp được. Dân chủ cũng chỉ là hình thức bề ngoài giả dối thôi. Nhân dân người ta chán là như thế.

Ngân sách thì bị bọn tham nhũng nó lấy hết sạch, lấy hàng trăm hàng ngàn tỷ thì làm sao mà yên được.”

Nền tư pháp rạch ròi với hành pháp, lập pháp, tư pháp độc lập được hiểu là “tam quyền phân lập”. Mới hôm vừa rồi Việt Nam đã đưa ra quyết định Đảng viên nào đòi thực thi xã hội dân sự và tam quyền phân lập sẽ bị khai trừ.

Blogger Trương Duy Nhất lại cho rằng rất khó để giới trẻ lấy lại được lý tưởng tham gia Đảng, và Đoàn. Thay vào đó ông kêu gọi một thể chế mới có nhiều sự lựa chọn cho họ:

“Bây giờ Đảng phải cho người ta nhiều sự lựa chọn chứ. Bây giờ hình ảnh Đảng Cộng sản và Đoàn viên Cộng sản Hồ Chí Minh đã thành một mô típ quá cũ với lý tưởng cũng quá cũ rồi. Bây giờ người ta cần một tổ chức mới, lý tưởng mới và chủ thuyết mới.”

Blogger Từ Anh Tú cũng đồng ý với quan điểm của ông Trương Duy Nhất và anh bổ sung thêm rằng hiện nay nhu cầu mở các hội nhóm độc lập của người dân ngày càng lớn mạnh, Đảng và Đoàn không còn là con đường duy nhất giúp họ sinh hoạt chính trị nữa. Vì vậy anh dự tính trong tương lai giới trẻ sẽ tham gia vào các tổ chức chính trị khác nhau mà không nhất thiết cứ phải là Đảng hay Đoàn.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-more-and-more-vn-people-tired-of-joining-the-party-and-politics-12142017124336.html

 

Các nạn nhân người Việt trong vụ cháy ở Đài Loan

có thể không nhận được tiền bồi thường

Công ty Tịch Ca ở Đài Loan, nơi mới xảy ra vụ hỏa hoạn hôm 14 tháng 12 khiến 6 công nhân Việt Nam thiệt mạng, đã từng nhiều lần bị phạt vì vi phạm tiêu chuẩn an toàn lao động.

Tờ Taipei Times cho biết tin này vào hôm thứ 6 ngày 15 tháng 12 năm 2017.

Theo nguồn tin của đội cứu hỏa thành phố Đào Viên, đám cháy xảy ra lúc 2g10 sáng, tại khu vực nhà ở của công nhân thuộc công ty chuyên sản xuất tấm phim cách nhiệt Tịch Ca.

Bản tin của tờ Taipei Times viết rằng công ty Tịch Ca đã nhiều lần vi phạm về tiêu chuẩn an toàn lao động. Vào tháng 8, công ty này đã bị Thanh tra lao động thành phố phạt 30.000 đài tệ, tức khoảng 22 triệu đồng Việt Nam, vì đã vi phạm nghiêm trọng an toàn lao động. và 20.000 đài tệ tức khoảng hơn 12 triệu dồng vì không trả lương làm thêm giờ cho công nhân.

Vào thời điểm xảy ra vụ cháy bên trong khu nhà ở có 11 công nhân Việt Nam, trong khi 5 công nhân đã chạy thoát ra ngoài, 6 người thiệt mạng là những người bị kẹt bên trong.

Chính quyền địa phương cho biết, gia đình các nạn nhân sẽ không nhận được bồi thường vì lý do các nạn nhân thiệt mạng tại khu nhà ở chứ không phải tại nơi làm việc, nhưng họ cũng cam kết sẽ giúp các gia đình nạn nhân giải quyết các vấn đề về thủ tục.

Vẫn liên quan đến vụ cháy làm 6 công nhân Việt Nam thiệt mạng tại Đài Loan, Cục quản lý lao động Việt Nam yêu cầu phía công ty đưa người nhà nạn nhân sang Đài Loan để làm thủ tục xác nhận danh tính.

Theo Cục quản lý lao động, việc đưa thi thể về Việt Nam hay hỏa táng phụ thuộc vào thỏa thuận giữa gia đình và công ty Tịch Ca, sau khi hoàn tất mọi thủ tục, thi thể nạn nhân sẽ được đưa về nước.

Cục quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan cũng đã yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn và yêu cầu phía công ty Tịch Ca và công ty môi giới phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.

Hôm thứ 6 ngày 15 tháng 12, 6 công nhân Việt Nam tử vong trong vụ hỏa hoạn ở Đài Loan đã được truyền thông trong nước xác định và phía cơ quan chức năng đã đưa các thi thể về nhà tang lễ thành phố để làm thủ tục xét nghiệm DNA nhận dạng.

Sáu công nhân tử vong là Hoàng Đình Dự, Bùi Anh Chung, Nguyễn Trọng Nghĩa, Phùng Trọng Tuấn, Trần Hồng Thủy và Nguyễn Văn Trãi.

Năm công nhân chạy thoát được nhưng bị thương do hít phải khí độc hoặc bị bỏng và được đưa đi cấp cứu, đến chiều cùng ngày 4 người đã được ra viện còn 1 trưởng hợp vẫn tiếp tục điều trị.

Bộ ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu cơ quan chức năng thành phố Đào Viên khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy và báo cáo cho phía Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/six-vietnamese-workers-killed-in-taoyuan-factory-fire-12152017084006.html

 

Phóng sự tại Quốc hội EU:

Nghị Quyết về Tự do Ngôn luận tại Việt Nam

Ỷ Lan, thông tín viên RFA

Vào đúng 12 giờ trưa ngày 14 tháng 12, Quốc hội Châu Âu ở thành phố Strasbourg miền Đông Bắc Pháp, thông qua Nghị quyết về Tự do Ngôn luận tại Việt Nam, đặc biệt đưa ra trường hợp Nguyễn Văn Hoá, người tù vừa lãnh án 7 năm tù giam hôm 27 tháng 11 vừa qua.

Thông qua với đa số tuyệt đối

Nghị quyết được thông qua với đa số tuyệt đối với sự hậu thuẫn của các nhóm chính trị tại Quốc hội, như Đảng Bảo thủ và Cải cách Châu Âu (ECR), Liên minh Tự do và Dân chủ Châu Âu (ALDE), Đảng Bình dân Châu Âu (PPE), Đảng Tự do Dân chủ Châu Âu (EFDD) . Tại cuộc thảo luận, 14 Dân biểu đại diện tất cả các nhóm chính trị kể cả nhóm cực tả Thống nhất Tả phái Châu Âu và Tả Xanh Bắc Âu (GUE) đã lên tiếng bày tỏ quan điểm hậu thuẫn Nghị quyết.

Không một Dân biểu nào cất tiếng bênh vực cho Việt Nam trong cuộc thảo luận, trước khi Nghị quyết thông qua.

Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam không đươc thưc hiện mà ngày càng xấu hơn. Với con số công dân Việt Nam bị giam, bị bắt, và bị kết án vì biểu tò ý kiến họ ngày càng tăng.

-DB. Andrikiene

Một Nghị quyết có tính quyết liệt tố cáo án tù bất công 7 năm tù giam vừa giáng xuống cho blogger 22 tuổi, Nguyễn Văn Hoá, xử kín và mất quyền bào chữa. Nghị quyết lấy làm tiếc vì anh Hoá bị kết tội “tuyên truyền chống phá Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa  Việt Nam” (Điều 88 trong Bộ Luật Hình sự) trong khi Hoá chỉ “phổ biến thông tin trên trực tuyến, kể cả Video, về thảm trạng môi sinh do công ty Formosa, một hãng chế thép Đài Loan, gây ra tại Hà Tĩnh hồi tháng Tư năm 2016, thải chất độc công nghệ ra biển, gây nhiễm độc suốt 200 cây số biển bốn tỉnh miền Trung, ảnh hưởng trầm trọng sức khoẻ ngư dân Việt Nam.”

Nghị quyết cũng nêu lên trường hợp của blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Quỳnh, bị kết án 10 năm tù, chiếu Điều 88 trong Bộ Luật Hình sự, vì Mẹ Nấm “đã viết những bài phê phán hậu quả thảm trạng sinh thái, chính trị, và nạn tù nhân chết trong đồn Công an khi bị tạm giam.”

Một chuỗi vi phạm nhân quyền khác được nêu qua Nghị quyết như:

– Thiếu tự do báo chí – Việt Nam được khai rõ là quốc gia không có báo chí hay truyền thông tư nhân, đứng vào hạng chót trên bảng vị tự do báo chí theo tổ chức Ký giả Không biên giới (thứ 175 trên 180 quốc gia);

– Hạn chế pháp lý, qua các Luật Tiếp cận Thông tin, Quy định cấm biểu tình trước các toà án khi phiên xử đang xẩy ra, Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo, toàn những luật vi phạm tiêu chuẩn luật pháp nhân quyền quốc tế;

– Vi pham quyền tự do tôn giáo, đặc biệt đối với những tôn giáo không được Nhà nước thừa nhận, Nghị quyết ân hận rằng các thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng như Cộng đồng Người Thượng thiểu số “tiếp tục bị đàn áp tôn giáo nghiêm trọng”.

Quan tâm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

Nghị quyết vừa thông qua, bước khỏi hội trường, Nữ Dân biểu Soraya Post, người Thuỵ Điển, vừa có chuyến viếng thăm Việt Nam hồi tháng 2 vừa qua trong Phái đoàn Quốc hội Châu Âu đến điều tra tình trạng nhân quyền, bà cũng là một trong những Dân biểu chấp bút bản dự thảo Nghị quyết, tiết lộ với Ỷ Lan rằng bà rất quan tâm tới thảm trạng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đặc biệt đối với Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, bà nói:

“Tôi đã rất muốn nói lên sự quan tâm của tôi đối vị Cao tăng Phật giáo Thích Quảng Độ. Lúc tới Việt Nam tôi yêu cầu được viếng thăm Ngài, nhưng chuyện không thể thực hiện. Ngài trải qua biết bao chục năm trường bị cấm cố. Ngài chẳng làm chi nguy hại, đơn giản Ngài chỉ là một Tăng sĩ.”

Bài phát biểu của bà được hội trường vỗ tay nhiệt liệt. Bà nói:

“Ở Việt Nam cũng như khắp nơi trên thế giới, người hoạt động bảo vệ nhân quyền đang phải đối diện với sự áp đè kinh khủng cho sự kiên cường của họ. Thực tế, là nhân quyền trong toàn cảnh đang phải đối diện với sự áp đè kinh khủng của nền tộc tài toàn trị, phát xít và những diễn viên chính trị chẳng coi trọng chi dân chủ và quyền tự do.

Chúng ta, những người làm chính trị, chúng ta cần hành động. Chúng ta nhất quyết như thế. Nhưng nên nhớ cho rằng, làm cho nhân quyền sống dậy chính là các xã hội dân sự, những người hoạt động bảo vệ nhân quyền trong vùng – những kẻ đang đối diện với thực tế. Chỉ vì làm những công việc đơn giản, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, nhà báo, bloggers, nhà văn và nhà hoạt động đã bị liên tiếp tấn công, liên tiếp bắt bớ. Hơn 100 người Việt như thế đang đứng sau chấn song nhà tù vì niềm tin chính trị và tôn giáo của họ.

Chúng tôi kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy thả họ ra.

Các nhà hoạt động bảo vệ  nhân quyền trong thế giới đang chờ đợi Quốc hội Châu Âu đứng lên cạnh họ, trong công tác của họ, và yêu sách những chế độ như Việt Nam ngưng ngay tức khắc việc sách nhiễu những ai đang chiến đấu cho công lý.”

Nữ Dân biểu Andrikiene, người Lithuana, cùng quan điểm, nói tiếp:

Lúc tới Việt Nam tôi yêu cầu được viếng thăm Ngài, nhưng chuyện không thể thực hiện. Ngài trải qua biết bao chục năm trường bị cấm cố. Ngài chẳng làm chi nguy hại, đơn giản Ngài chỉ là một Tăng sĩ.
-DB. Soraya Post

“Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam không đươc thưc hiện mà ngày càng xấu hơn. Với con số công dân Việt Nam bị giam, bị bắt, và bị kết án vì biểu tò ý kiến họ ngày càng tăng. Một hoàn cảnh như thế, cùng những hạn chế nhà cầm quyền giăng ra, chúng ta không thể nào chấp nhận được nữa. Tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và những người bị giam giữ. Sẽ không thể nào có được mối quan hệ gắn bó giữa Liên Âu và Việt Nam khi chưa có sự tôn trọng các quyền cơ bản tại Việt Nam.”

Bản Nghị quyết của Quốc hội Châu Âu không quên  nhắc tới những điểm mơ hồ trong Bộ Luật hình sư Việt Nam khi bắt giam những nhà hoạt động nhân quyền. Nữ Dân biểu Neena Gill, người Vương quốc Anh phát biểu:

“Tại Quốc hội này tôi từng nhấn mạnh mối liên hệ quan trọng và chặt chẽ với Việt Nam. Nhưng trong cương vị người hậu thuẫn mạnh mẽ mối quan hê  này, tôi thực sự quan ngại trầm trọng cho sự xấu đi trong các quyền dân sự và chính trị mà chúng ta vừa chứng kiến. Tôi thúc gọi chính phủ Việt Nam hãy  nghiêm trọng nghe những lời gọi khẩn cấp vang lên trong nghị trường này hôm nay và xét lại cách dùng các điều luật trong chương “an ninh quốc gia” đàn áp giới bất đồng chính kiến, trả tự do cho tất cả những ai bị giam giữ vì các điều luật này, và không ngăn trở sự tiếp cận của Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Ngôn luận và Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Người hoạt động bảo vệ nhân quyền đến viếng thăm Việt Nam.”

Trong cuộc thảo luận, nhiều Dân biểu nhắc tới Hiệp Ước Mậu dịch Tự do Liên Âu – Việt Nam. Dân biểu David Martin, chuyên gia kinh tế mà cũng là thành viên trong Phái đoàn Quốc hội Châu Âu điều tra nhân quyền Việt Nam hồi đầu năm, cho biết ông ủng hộ tự do mậu dịch, nhưng Quốc hội Châu Âu không thể ký kết Hiệp ước nếu Việt Nam cứ tiếp tục các cuộc đàn áp. Ông nói:

“Việt Nam và Liên Âu tùng ký kết Hiệp ước Tự do Mậu dịch. Hiện tại, tôi thấy bản chất Hiệp ước tốt, một HIệp ước thoả đáng cho cả hai bên Liên Âu và Việt Nam. Nhưng tôi nhớ tới người Việt Nam khi họ nghĩ rằng Quốc hội Châu Âu sẽ không chỉ quan tâm tới những lời chữ và nội dung Hiệp ước mà còn phải thấy cả bối cảnh chính trị tại đất nước VIệt Nam. Chúng ta hãy chiếu cố tới tình trạng nhân quyền  đồng thời với tình trạng công nhân và những tiêu chuẩn môi sinh khi ta đưa tay bỏ phiếu cho HIệp ước Tự do Mậu dịch tại Quốc hội này. Cách Việt Nam tiếp cận với tự do ngôn luận là không thể nào chấp nhận đươc. Thật quá đáng. Việt Nam phải hiểu rằng nếu họ muốn mở cửa ra phương Tây – mà chúng ta giang tay tiếp đón họ đến với phương Tây – tất nhiên là phải chịu sự phê bình ngay trong nội địa. Phê bình đâu phải lúc nào cũng chống đối. Phê bình là xây dựng, nếu được đối xử trọng thị.”

Đại diện cho Hội đồng Châu Âu, ông Karmenu Vella, cho biết Liên Âu đã nêu rõ các vi phạm nhân quyền tại cuôc Đối thoại Nhân quyền Liên Âu – Việt Nam vừa qua tại Hà Nội, ông kể:

“Trong cuộc Đối thoại Nhân quyền Liên Âu – Việt Nam hôm mồng 1 tháng 12 vừa qua tại Hà Nội, Liên Âu nhắc lại các yêu cầu đòi hỏi trả tự do cho mọi công dân Việt Nam bị giam giữ vì đã hành xử ôn hoà quyền tự do ngôn luận, đồng thời đưa ra một số trường hợp cụ thể. Liên Âu cũng nhấn mạnh rằng ‘hướng tiêu cực cho tư do ngôn luận cần được xét lại’, đặc biệt vào thời điểm Liên Âu và Việt Nam cam kết hợp tác để thắt chặt quan hệ.

Phó chủ tịch Quốc hội Châu Âu, đặc trách Nhân quyền, Dân biểu Pavel Telicka, Cộng hoà Czech, cho biết sự kiện, là hôm qua, Đại sứ quán thường trực Việt Nam tại Liên Âu gửi thư đến các Dân biểu Quốc hội Châu Âu vận động phản đối việc thông qua bản Nghị Quyết:

“Tôi phải nói rằng tôi đã sửng sốt với những gì tôi nhận được từ Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Quốc hội Châu Âu. Nó phơi phong sự thiếu hiểu biết về những chi Quốc hội Châu Âu đem ra thảo luận hôm nay, và cách nào chúng tôi muốn bỏ phiếu. Vói Nghị quyết này, chúng tôi sẽ cho một thông điệp chính trị mạnh mẽ và minh bạch. Sự hồi đáp có thể chấp nhận từ Việt Nam, nếu họ muốn phát triển quan hệ, muốn thế, họ phải trả tư do cho những người bị giam giữ và thay đổi thái độ chính trị cũng như cách tiếp cận pháp lý. Đây là hồi đáp duy nhất có thể, mà chúng tôi chấp nhận.”

Hỏi về nội dung bức thư Phái đoàn Thường trực Việt Nam gửi tới các Dân biểu Quốc hội Châu Âu trước ngày dự thảo Nghị quyết đưa ra bàn cải, Dân biểu Pavel Telicka, Phó Chủ tịch Quốc hội Châu Âu tiết lộ với Ỷ Lan rằng :

“Trọng tâm là sự pha trộn của thứ ngôn ngữ ngoại giao tuyên truyền. Qúa khứ tôi từng biết thứ ngôn ngữ đó. Tôi là người Tiệp Khắc. Họ muốn khẳng định rằng tất cả những việc đó chỉ là những hành động chống phá Nhà nước, chống lại nhân dân Việt Nam, còn trường hợp một blogger thì tham chiếu cho thấy ý đồ khủng bố chống Nhà nước. Khi mà người ta sử dụng loại ngôn ngữ táo tợn đó, người ta đã làm nhỏ đi những chi liên quan đến cuộc tranh luận mà Phái đoàn Thường trực Việt Nam sử dụng.”

Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Quốc hội Châu Âu, Strasbourg.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vyl-121517-12152017070957.html

 

Phản ứng về nghị quyết của Quốc Hội Liên Minh Châu Âu

lên án đàn áp nhân quyền tại Việt Nam

Tiến Thiện, thông tín viên RFA

Một bản nghị quyết lên án hành động đàn áp quyền tự do thông tin của nhà cầm quyền Việt Nam vừa được Quốc hội Liên minh Châu Âu biểu quyết thông qua hôm 14 tháng 12. Quốc hội Châu Âu kêu gọi Việt Nam trả tự do cho blogger Nguyễn Văn Hóa và các nhà báo công dân, cũng như ngưng các hành động trấn áp nhắm vào các nhà bảo vệ nhân quyền.

Một bước tiến tích cực

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các nhà hoạt động trong và ngoài nước về phản ứng của họ trước bước tiến mới này.

Ông Ngô Duy Quyền thuộc Hội Bầu Bí Tương Thân ở Hà Nội chia sẻ:

Đây là một điều khá đặc biệt. Ở vị thế đối tác của một quốc gia thì có lẽ đây là lần biểu thị có thái độ có tính cách cao nhất phản đối phiên tòa bất công. Điều này chứng tỏ rằng dù nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn kể cả dối trá để bưng bít che đậy thảm họa Formosa nhưng có lẽ họ đã không thành công.

Nhà hoạt động này nói rằng ngay từ khi thảm họa môi trường biển Miền Trung xảy ra vào tháng 4 năm 2016, toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam đã được huy động để thực hiện điều ông Quyền gọi là “bịt miệng những nỗ lực minh bạch hóa thông tin”. Và các phóng viên, nhà báo là đối tượng bị đàn áp mạnh tay nhất. Trường hợp blogger Nguyễn Văn Hóa là một điển hình.

Bà Julie Majerczak, người đứng đầu Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới văn phòng ở Brussels, Thụy Sỹ cũng bày tỏ sự tán đồng với nghị quyết mới của Liên Minh Châu Âu.

Bà nói: “Chúng tôi hoan nghênh hành động này của các nghị sĩ quốc hội.Trong năm qua, nhà cầm quyền Hà Nội đã hình sự hóa cách hệ có hệ thống những ai thực hành quyền tự do thông tin. Ít nhất 25 blogger đã bị bắt hoặc trục xuất khỏi đất nước họ.

Một người bạn của Nguyễn Văn Hóa và cũng là một phóng viên tự do hiện đang sống tại Hà Tĩnh, anh Nguyễn Hồng Ân tỏ ra ấm lòng về nghị quyết này.

Nguyễn Hồng Ân bày tỏ:

Cảm nhận của tôi là một người bạn của Hóa thì tôi ủng hộ quốc hội Châu Âu đã nói lên tiếng nói và ra nghị quyết này. Hiện tại Hóa đang ở trong tù mà nghe tin này thì chắc chắn sẽ nỗ lực hơn để vượt qua những thử thách mà nhà cầm quyền Việt Nam đặc biệt là Hà Tĩnh đã kết án 7 năm tù giam đối với nhà hoạt động trẻ Nguyễn Văn Hóa.

Người ở trong nước còn bất ngờ với những chiêu trò, những thủ đoạn của cộng sản,  thì người ở nước ngoài đôi khi họ bị cộng sản Việt Nam “qua mặt lần này đến lần khác. 

– Ngô Duy Quyền

Không lừa được Liên Minh Châu Âu

Trong các vụ án mang tính chính trị, báo chí Việt Nam thường đồng loạt đưa tin rằng phiên tòa diễn ra đúng trình tự thủ tục tố tụng, đúng người đúng tội.

Nhà hoạt động Ngô Duy Quyền cũng mô tả những điều mà ông gọi là “thủ đoạn” đối với phóng viên Nguyễn Văn Hóa cũng là tình trạng tương tự của các nhà đấu tranh khác. Qua bản nghị quyết thấy rằng Liên Minh Châu Âu nay không còn “mơ hồ” về Việt Nam nữa, nhà hoạt động này suy nghĩ.

Nhiều khi người ở trong nước còn bất ngờ với những chiêu trò, những thủ đoạn của cộng sản, thì người ở nước ngoài đôi khi họ bị cộng sản Việt Nam qua mặt lần này đến lần khác. Sau khi mà có sự kiện không chỉ là sự kiện Formosa, mà sự kiện gần đây nhất là việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở bên Đức càng làm cho cái nhìn về bản chất của cái nhà nước này càng ngày càng rõ hơn nữa.

Từ Paris, Pháp – Anh Trần Đức Tuấn Sơn, một thành viên trong đoàn vận động Quốc hội Liên Âu thông qua nghị quyết, cho biết chính phiên tòa bất ngờ xử Nguyễn Văn Hóa càng làm cho các dân biểu Châu Âu nhanh chóng có phản ứng.

Trước khi các dân biểu họ đệ nạp nghị quyết này thì họ cũng đã biết khá nhiều về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Nhưng mà việc anh Hóa nhận 7 năm tù là quá bất công, thành ra họ đẩy mạnh hơn nữa cái nghị quyết. Kết quả là ngày hôm qua nghị quyết được quốc hội Âu Châu chấp thuận và kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cấp bách cho anh Hóa và kêu gọi ngưng ngay đàn áp tự do ngôn luận và những người tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam.”, anh Tuấn Sơn chia sẻ.

Hiện nay Quốc Hội Châu Âu có 751 dân biểu và 8 liên đảng. Các dân biểu không được sắp xếp theo quốc gia mà theo quan điểm chính trị. Nghị quyết này được sự bảo trợ và thúc đẩy của 6 liên đảng lớn nhất trong Quốc Hội Châu Âu.

Để có được sự bảo trợ của 6 liên đảng trên là thành quả của những cuộc vận động liên tục từ cuối tháng 10 tới nay trong chiến dịch “Stop The Crack down VN” – “Ngưng Ngay Đàn Áp” do Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) và Luật Sư Vì Luật Sư (Lawyer For Lawyer) cùng với Đảng Việt Tân và vài NGOs khác khởi xướng.

Còn nhiều việc phải làm

Nghị quyết được thông qua sau Đối thoại Nhân Quyền Châu Âu – Việt Nam hôm 02 tháng 12 vừa qua. Cũng đồng thời xuất hiện ở những giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán gia nhập Hiệp định Thương mại Tự do giữa Châu Âu và Việt Nam (EVFTA).

Ở buổi làm việc với đại sứ Bruno Angele, Trưởng Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu vào ngày 21 tháng 11 vừa qua,  Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Đại diện Chính phủ Việt Nam đề nghị không nên đưa nhân quyền vào nội dung chỉnh sửa của EVFTA.

Bàn về điều này anh Trần Đức Tuấn Sơn cho rằng Việt Nam “dù là một thể chế độc tài nhưng vẫn sợ mang tiếng xấu”. Để khỏi bất lợi cho mình, Việt Nam đã đề nghị loại bỏ nhân quyền ra khỏi nội dung hiệp định quan trọng này.

Dù là một thể chế độc tài nhưng vẫn sợ mang tiếng xấu.

– Trần Đức Tuấn Sơn

Anh Tuấn Sơn tin rằng: “bên phía Việt Nam có thể đòi hỏi một số điều nhưng không có nghĩa là bên phía Châu Âu phải hoàn toàn chấp nhận những điều đó.

Dù vậy, vẫn theo lời anh Tuấn Sơn: “Xác suất mang nhân quyền vào hiệp định này là không cao. Nhưng không vì vậy mà chúng ta bỏ rơi. Chúng ta có thể vận động các dân biểu Châu Âu trước khi phê chuẩn hiệp định này có thể nêu lên vấn đề nhân quyền.”

Anh cũng cho biết nghị quyết của Quốc Hội Châu Âu không mang tính chế tài ràng buộc. Tuy vậy, việc bị điểm mặt trong danh sách những quốc gia có thành tích nhân quyền tồi tệ thì chẳng chính quyền nào mơ ước cả.

Sự kiện Quốc Hội Châu Âu ra nghị quyết về trường hợp của phóng viên Nguyễn Văn Hóa là một minh chứng rằng các nhà hoạt động vẫn còn có những kênh khác để tác động lên chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam và cũng còn nhiều việc ở phía trước để làm.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/reaction-on-eu-parliament-resolution-of-vn-human-rights-suppression-12152017111915.html

 

Lộ thông tin khách hàng đi máy bay ở Việt Nam, lỗi do ai?

Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam vừa ra kết luận thanh tra việc lộ thông tin hành khách đi máy bay, chủ yếu là do nhân viên hàng không và các đại lý bán vé máy bay.

Truyền thông trong nước dẫn lời lãnh đạo Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam nói thông tin hành khách bị lộ là từ cán bộ, nhân viên của hãng hàng không, nhân viên phòng bán vé hoặc nhân viên phục vụ mặt đất.

Tuy nhiên, Báo Tuổi trẻ trích lời ông Lê Đăng Bắc, Chánh Thanh tra Cục Hàng không vào chiều 15/12 cho biết:

“Kết luận thanh tra chỉ đánh giá về chuyên môn, nguy cơ thông tin của hành khách đi máy bay bị lộ. Để điều tra, xác minh cụ thể, xác định trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức có liên quan thì lực lượng công an mới có đủ thẩm quyền.”

Ông Bắc cho biết thêm: “Quá trình thanh tra cho thấy các hãng hàng không đều có các giải pháp giám sát chặt chẽ tuy nhiên lộ thông tin vẫn diễn ra. Sau khi có kết luật chúng tôi đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải, báo cáo Thủ tướng.”

Thanh tra Cục Hàng không nói thông tin của hành khách được chuyển cho các trung tâm môi giới taxi trên mạng internet do doanh nghiệp Việt Nam thiết lập và điều hành.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam phát đi thông cáo thừa nhận thông tin hành khách trong hệ thống đặt giữ chỗ của các hãng hàng không bị lộ gồm các nội dung: tên hành khách, giới tính, lịch bay, hành trình, số hiệu chuyến bay, giờ cất cánh, hạ cánh dự kiến, kể cả số điện thoại liên lạc.

Gần đây thông tin cá nhân của hành khách đi máy bay bị lộ xảy ra thường xuyên hơn. Các hãng taxi nắm trong tay các thông tin về hành trình, kể cả số điện thoại của hành khách để tiếp thị dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ xe taxi đi và đến sân bay Nội Bài, Cam Ranh, Liên Khương.

​Nhà chức trách đã nhận được một số thông tin phản ánh của hành khách về việc hãng taxi tiếp thị đón khách khi máy bay của họ vừa hạ cánh xuống sân bay.

Đề cập tới việc bảo mật thông tin hành khách, theo Cục Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines sử dụng hệ thống đặt, giữ chỗ, bán vé do Sabre Airlines Solution của Mỹ cung cấp. Tuy nhiên, Cục Hàng Không thừa nhận rằng, dù đã có chương trình giám sát người sử dụng, Vietnam Airlines vẫn chưa ngăn ngừa được triệt để nạn lộ thông tin hành khách.

Thông báo của Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam về việc lộ thông tin hành khách được đưa ra không lâu sau khi hãng Vietnam Airlines được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards – WTA) trao hai giải thưởng “uy tín 2017” về Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hoá và Hãng hàng không hàng đầu thế giới về hạng Phổ thông đặc biệt.”

Tháng 7 năm ngoái, một gói dữ liệu được cho là của 400.000 hội viên Bông Sen Vàng (Golden Lotus) của Vietnam Airlines, đi kèm với các thông tin cá nhân cũng bị rò rỉ, sau một sự cố khác khi trang web của hãng này bị thay đổi giao diện.

https://www.voatiengviet.com/a/lo-thong-tin-khach-hang-di-may-bay-o-vietnam-lo-do-ai/4165482.html

 

Công an yêu cầu tháo dỡ hang đá Giáng sinh ở Nghệ An?

Một linh mục ở Nghệ An cho VOA biết hơn một chục cán bộ, công an địa phương đã đến nhà thờ giáo xứ Đông Kiều, yêu cầu giáo dân tháo dỡ hang đá Giáng sinh, viện lý do nơi trang trí nằm trên phần đất “đang có tranh chấp.”

Linh mục Đặng Hữu Nam thuộc giáo phận Vinh tối ngày 15/12 cho biết vào buổi chiều cùng ngày, chính quyền xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, do ông chủ tịch xã dẫn đầu, đã đến trước khuôn viên nhà thờ giáo xứ Đông Kiều, nơi nhiều người đang dựng hang đá đón Giáng sinh, yêu cầu phải dừng việc trang trí.

Trang Thanh niên Công giáo cho biết giáo dân và Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Đông Kiều đã từ chối yêu cầu này bởi vì “hang đá được làm trên đất đã được người dân hiến tặng cho giáo xứ.”

Trong một video lưu truyền trên mạng xã hội, một người mặc sắc phục an ninh nói ông sẽ cử cán bộ tới trực tại các chốt ở khu vực quanh nhà thờ giáo xứ Đông Kiều trong những ngày tới để “đảm bảo an ninh trật tự.”

Trang Thanh niên Công giáo còn cho biết hiện nay giáo dân đã lập hàng rào để bảo vệ dân làng và giáo xứ vì họ sợ “côn đồ và Hội Cờ Đỏ sẽ vào làng quậy phá.”

​Trang này dẫn lời linh mục Antôn Nguyễn Văn Thanh phát biểu trong một buổi lễ vào tối ngày 14/12 nói: “Giáng Sinh không chỉ của người Công Giáo mà là tất cả mọi người, thế nhưng chính quyền huyện Diễn Châu lại ngăn cấm Giáo xứ Đông Kiều dựng hang đá làm bằng những cái bạt theo kiểu tạm bợ, và trang trí những bóng đèn cho đẹp mà vẫn cho côn đồ đến…”

Linh mục Nam cho biết trước đó, vào sáng ngày 13/12, chính quyền xã Diễn Mỹ cũng đã yêu cầu nhà thời tháo dỡ hang đá nội trong 24 tiếng đồng hồ.

https://www.voatiengviet.com/a/cong-an-yeu-cau-thao-do-hang-da-giang-sinh-o-nghe-an/4165315.html

 

Indonesia trục xuất người Việt xin tị nạn

Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Indonesia vừa trục xuất 4 người xin tị nạn Việt Nam hôm 13/12, bất chấp phản kháng của một nhóm bênh vực nhân quyền rằng những người này đang phải đối mặt với nguy cơ bị bức hại tại quê nhà.

Phát ngôn viên của Cơ quan Nhập cư thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia xác nhận với báo Jakarta Globe rằng 4 người Việt Nam xin tị nạn đã bị trục xuất vào chiều thứ Tư (13/12).

Chính phủ Indonesia đã sắp xếp và chi trả tất cả mọi chi phí để đưa họ về Việt Nam.

Trước đó một ngày, trong thư ngỏ gửi Tổng thống Joko Widodo, Mạng lưới quyền Người tị nạn Châu Á-Thái Bình Dương (APRRN) yêu cầu Tổng thống Indonesia bảo vệ những người xin tị nạn và chặn các cơ quan di trú trục xuất họ về Việt Nam.

Điều phối viên Chương trình của APRRN Evan Jones trích dẫn báo cáo năm 2017 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nói tình trạng bức hại các nhà hoạt động chính trị ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Nhưng ông không giải thích với Jakarta Globe về lý do vì sao những người Việt bị trục xuất lại xin tị nạn ở Indonesia.

Theo lời phát ngôn viên Agung, một đơn vị tuần duyên Indonesia đã cứu được chiếc tàu chở 40 người đàn ông và phụ nữ nước ngoài trong vùng biển ngoài khơi Nusa Tenggara hồi cuối tháng 10. Những người trên thuyền nói họ đang trên đường tới Úc.

Cảnh sát Indonesia đã giao các thành viên trên tàu cho cơ quan nhập cư.

Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đã giúp cho 36 người trên tàu trở về nhà bằng tiền của họ.

Phát ngôn viên Agung nói:

“Chúng tôi quyết định trục xuất bốn người này vì dựa trên cuộc điều tra của chúng tôi, họ là những người nhập cư bất hợp pháp chứ không phải là những người xin tị nạn thực sự”.

Indonesia chưa ký kết Công ước năm 1951 của UNHCR liên quan đến tình trạng người tị nạn.

https://www.voatiengviet.com/a/indonesia-truc-xuat-nguoi-viet-xin-ti-nan/4164111.html