Tin Việt Nam – 15/10/2020
Mưa lũ 2020: Nhớ lại trận lụt đau thương năm 1999
Đoàn cứu nạn 13 người và nhiều công nhân khu Rào Trăng mất tích, sản phụ tử vong do lật ghe trên đường đi sinh và nhiều người chết vì trận lũ bão năm nay khiến nhiều người liên tưởng lại năm 1999.
Theo thông tin mới nhất của Quân đội Việt Nam, tới 14g ngày 15/10, đã tìm thấy 12 thi thể thuộc đoàn cứu trợ 13 người mất tích tại hiện trường sạt lở trạm kiểm lâm 67, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Một phóng viên ở Quảng Ngãi chia sẻ với BBC, sự việc ở Rào Trăng làm ông nhớ lại trận lụt năm 1999: “Tôi còn nhớ năm 1999 ở Quảng Ngãi, gần 20 mạng cũng trú trong lán trại trên đường lên Sơn Tây. Đoàn người ấy có giáo viên, có cán bộ. Do lở đường nên cả đoàn người tấp vô lán trại của công nhân làm đường ở tạm qua đêm. Tối đó cả ngọn đồi đổ ụp xuống, cuốn luôn toàn bộ số người trong lán xuống suối”.
Thừa Thiên – Huế: Tìm kiếm 30 người “mất tích”
Bão số 7 bắt đầu suy yếu, VN tiếp tục tìm kiếm 30 người mất tích
Các cơ quan chức năng thống nhất quân đội phụ trách tìm kiếm 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích tại trạm kiểm lâm 67; còn công an tìm kiếm 16 công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3. Cả hai lực lượng tìm kiếm đang tăng tốc tiến trước khi Bão số 8 sắp đổ bộ vào miền Trung.
Ám ảnh những trận sạt lở
Những nhân chứng ở hiện trường khu vực thủy điện Rào Trăng 3 mô tả “nửa quả đồi dường như bị sập xuống, đè lên khu nhà điều hành”. Để tiếp cận hiện trường, đội cứu hộ phải lội bùn đất ngập ngang đến đầu gối người đi. Bùn, đất đá, cây cỏ phủ ngổn ngang tạo thành một gò cao. Trên đống đổ nát, một vài chiếc máy xúc nằm chỏng chơ.
Theo các video mà phóng viên quay lại, nhà điều hành thuỷ điện, trạm kiểm lâm bị vùi lấp không còn một mảnh ngói. Tất cả thành bình địa với bùn với cây đổ, đá đè.
Giữa khu đất với diện tích hơn 5.000 m2 ngổn ngang chỉ còn bùn đất, những người trong đoàn cứu hộ phải hú hét để tìm kiếm.
Một người dùng Facebook tên Phương Mai bình luận: “Tiếng kêu gọi của những người tìm kiếm đồng đội họ trong đống đổ nát thực sự tang thương và ám ảnh. Trong đó có vị tướng Phó Tư lệnh của họ. Tiếng hô vang ‘Còn ai không’ lọt thỏm giữa mênh mong đại ngàn mà không có lời hồi đáp nào. Chỉ mong một phép màu nào đó sẽ đến với 13 cán bộ và chiến sĩ. Người dân mình hứng chịu quá nhiều khổ đau”.
Facebook Phan Nhựt Tân chia sẻ: “Cầu mong kỳ tích xuất hiện, hy vọng các anh chiến sỹ cảm nhận được hàng triệu trái tim dân tộc đang cầu nguyện cho các anh.Mong các anh yên nghỉ. Bão lại chồng bão, tang thương lại thêm tang thương. Xin chia buồn cùng gia đình”.
Đối với những người sinh ra và lớn lên ở miền Trung, phải chịu cảnh ‘sống chung với lũ’ hàng năm, không ai là không nhớ trận lụt lịch sử năm 1999.
Sự việc đất đá ập xuống nhà điều hành nơi công nhân đang ngủ, vùi lấp 17 người và 13 người đi cứu hộ cũng bị vùi lấp ở khu thủy điện Rào Trăng 3 khiến nhiều nhớ lại tai nạn xảy ra năm 1999.
Một phóng viên ở Quảng Ngãi chia sẻ với BBC: “Tôi còn nhớ cái năm 1999, gần 20 mạng cũng trú trong lán trại trên đường lên Sơn Tây. Đoàn người ấy có giáo viên, có cán bộ. Do lở đường nên cả đoàn người tấp vô lán trại của công nhân làm đường ở tạm qua đêm. Tối đó cả ngọn đồi đổ ụp xuống, cuốn luôn toàn bộ số người trong lán xuống suối”.
“Khoảng 20 ngày sau mới tìm được đủ thi thể, người cuối cùng nằm ở cuối sông Trà, cách chỗ lán trại gần 100km. Tang thương, thê thảm lắm”.
“Nhiều người trách sao không cho trực thăng cứu hộ ngay từ đầu. Trời này, vùng Trường Sơn đi bộ nhìn cách 10 mét đã không thấy nhau rồi. Chỉ trách những người làm thủy điện, mưa lũ cảnh báo nát trên báo đài cả chục ngày nay mà vẫn giữ công nhân làm chi trên đó 17 mạng?”, người này nói.
Sau 21 năm, vẫn có người chết, mất tích
Những tai nạn, những người chết và mất tích vì bão lũ trong những ngày qua không khỏi khiến cho nhiều người thương tâm và bức xúc.
Hôm 12/10 ở Huế, một sản phụ bị lũ cuốn trôi khi bị lật ghe lúc đang trên đường đi sinh con. Thi thể của chị được tìm thấy cách vị trí ghe lật khoảng 100m.
Hình ảnh người chồng van lạy, quỳ rụp xuống dòng nước rúng động dư luận về sự tang thương mà người dân miền Trung đang oằn mình hứng chịu.
Trên Facebook của mình, người tên Thuan Vuong Tran chia sẻ: “Người chồng, người cha van lạy dòng nước lũ xoáy cuồng trả lại vợ, lại con cho mình. Người vợ trở dạ giữa vùng lũ, thuê thuyền đến bệnh viện, thuyền đi ít lâu thì lật úp. Người chồng gào thét, van xin nước trả lại vợ con. Nước cứ một dòng mà đi, nước biết gì đâu, người mẹ và đứa con chưa kịp chào đời được tìm thấy sau đó, cách nơi thuyền lật 100m. Họ đã theo nước đi về tới vô cùng. Huế buồn từ câu hát về sông Hương “trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm, à ơi, khiến đau thương thấm tràn lấp Thuận An, để lan biển khơi…”.
Ông đặt vấn đề tiếp: “Nhưng đâu phải chỉ chuyện trời, người lo chuyện người. Có bộ đồ gỗ khủng kỳ công nào được hợp thức hóa từ gỗ phá rừng đầu nguồn góp tay vào chuyến đi định mệnh của sản phụ ấy không? Có sự phát triển nóng, hợp tác lạnh, có lòng tham nhân danh cái đói, miếng ăn nào để phá sơn lâm, đâm hà bá, để đào tróc núi, lấp cửa sông, ngăn dòng chảy, tàn hại đến mọi giống loài côn trùng cây cỏ… đã đưa bàn tay đen mà bịt chặt tiếng trẻ khóc chào đời này không?”.
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu viết trên Facebook: “Lũ lụt, tây ta giàu nghèo gì đều bị hết, ông trời có lý do của mình, mưa bão làm nhiệm vụ của mình. Nhưng ở miền trung, vùng đất năm nào nước cũng lên, người cũng ướt, mà không hề có phương án cụ thể để giúp dân, thì lạ. Đội y tế lưu động, xuồng máy, trực thăng ở đâu mà để sản phụ đi đẻ bằng ghe?”.
Bà Diệu đặt câu hỏi: “Hình ảnh người chồng người cha quỳ giữa biển nước uất ức thương khóc vợ con, có làm ai đó động lòng? Người ta có xây ít tượng đài ông nọ ông kia lại để dành tiền cứu những đứa trẻ sắp ra đời, những đứa trẻ đến từ tương lai, năm sau, năm sau nữa? Người ta có bớt chi tiêu cho cái đại hội đảng mà biểu tượng của nó, cái liềm đang ôm chặt cái búa đã trở thành con ngáo ộp của nhân loại tiến bộ? Để dành, để đầu tư cho sự sống, sự sống tươi đẹp trên một đất nước tươi đẹp?”.
Chia sẻ với BBC, Trúc Anh, một người dân ở Huế kể: “Tôi có thể không nhớ hôm qua mình ăn gì nhưng vẫn còn rõ như in trận lụt năm 1999. Mưa tối đất tối trời, tới khuya nước lên lút đầu. Cả nhà phải chia nhau cái gác xếp để lúa trong tình cảnh mái trên thì dột, dưới chân thì lụt. Tôi nghe tiếng tát nước của mẹ mà ngủ, chỉ có những người lớn lên với lũ mới hiểu cảnh đó. Sợ hãi và cô lập. Tôi khóc và sợ trong ngôi nhà chật chội, tối tăm và ngập mùi đèn dầu. Nghĩ lại tới giờ sóng mũi còn cay”.
“Nước ướt hết đồ đạc, sách vở. Đồ chơi nằm chỏng chơ giữa dòng nước. Tôi khóc vì mất búp bê, mẹ khóc vì mất hết lúa gạo. Nhớ lại mà tôi vẫn thấy thắt tim như nghe tiếng nấc của mẹ ôm đứa em, tiếng gọi đò dài bất tận của ba trong vô vọng. Đó là nỗi khiếp đảm của một tuổi thơ sống với lũ. Vậy mà giờ hơn 20 năm sau, thế hệ sau tôi cũng lại chịu cái cảnh kinh hoàng ấy”, chị Trúc Anh bộc bạch.
Nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi, trong bối cảnh mưa bão miền Trung bối cảnh lũ lụt và nhiều cảnh tang thương như vậy thì ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và các tỉnh thành khác lại cờ hoa mừng Đại hội Đảng các cấp với ngân sách chi tiêu được xem là phung phí.
Nói với BBC, bạn Phan Thảo Minh từ Sài Gòn bộc bạch: “Chắc ai cũng như tôi, từ khi còn học tiểu học, đã nhớ những đợt quyên góp tiền cứu trợ cho đồng bào, khúc ruột miền Trung. Ngày ấy tôi từng thấy mình vĩ đại khi dành tiền ăn quà mẹ cho để đóng góp. Nhưng hơn 20 năm rồi, câu chuyện này vẫn tiếp diễn. Tôi không còn tin người dân khổ vì thiên tai nữa. Chẳng lẽ người dân miền Trung sẽ mãi dựa vào đồng tiền quyên góp của các nhà hảo tâm, của những đoàn cứu trợ độc lập hay sao. Quan trọng chính quyền làm sao để nỗi đau không phải tiếp diễn. Năm 2020 mà vẫn có người chết, mất tích”, Thảo Minh ý kiến.
Trận lụt lịch sử năm 1999 đó bắt đầu vào đêm 1/11 và kéo dài suốt một tuần lễ. Cả miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Định chìm trong biển nước. Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam được xem là rốn lũ năm đó chịu hậu quả ác liệt nhất.
Nhiều người gọi đó là trận “Đại hồng thủy năm 1999” vì nó gây thiệt hại lớn về người và của. Trận lũ đã nhấn chìm 20 huyện, thị xã miền Trung, làm 595 người chết, 41.846 ngôi nhà, 570 ngôi trường bị sụp và trôi.
Tổng thiệt hại ước tính gần 3.800 tỷ đồng, tính tại thời điểm năm 1999.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54550116
Bão số 6 vừa qua, bão số 7 chuẩn bị
vào đất liền, bão số 8 có thể
nối tiếp bão số 7 vào Việt Nam
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 14 tháng 10 năm 2020 loan tin, trong lúc cơn bão số 6 vừa qua, nước mưa lũ vẫn chưa rút hết thì cơn bão số 7 đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền Việt Nam, và bên cạnh đó còn có một cơn áp thấp nhiệt đới đang hướng vào Biển Đông, có thể mạnh lên thành bão.
Tính đến trưa 14 tháng 10, cơn bão số 6 và số 7 đang hoành hành tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam đã làm cho 36 người chết và 12 người mất tích, gần 600 ngôi nhà bị sập, hàng ngàn ngôi nhà bị chìm trong biển nước, và rất nhiều tài sản khác bị thiệt hại mà vẫn chưa được thống kê.
Tuy nhiên, những thiệt hại về người và tài sản của người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân 3 tỉnh miền Trung là Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên- Huế có thể chưa dừng lại. Do bão số 7 vẫn đang tiếp tục gây mưa rất to ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, và một số tỉnh miền Trung dù cơn bão vẫn chưa vào đến đất liền.
Theo báo Vietnamnet, đến 4 giờ chiều 14 tháng 10, sức gió của cơn bão mạnh cấp 7, giật cấp 9. Trước bối cảnh trên, thì một cơn áp thấp nhiệt đới đã hình thành ở bờ biển phía đông miền Trung Philippines, và đang di theo hướng Tây Tây Bắc để vào Biển đông Việt Nam với mỗi giờ đi được 15 đến 20km.
Trung tâm khí tượng thuỷ văn Việt Nam dự báo, nếu đi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Trong khi người dân miền Trung đang gồng mình chịu tang thương vì lũ, thì nhà cầm quyền Cộng sản vẫn tổ chức đại hội để tranh giành chiếc ghế quyền lực, đồng thời kêu gọi người dân cả nước hãy góp tiền giúp người dân miền Trung.
An Nhiên
Thủy điện Hòa Bình
có khả năng mở cửa xả lũ khi mưa lớn
Trong ngày 16/10, Thủy điện Hòa Bình có khả năng bắt buộc phải mở từ 1 tới 4 cửa xả lũ để đảm bảo an toàn công trình nếu lượng lũ đạt 8.500 m3/s cao nhất như dự báo.
Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 15/10 theo như lời ông Trần Quang Hoài, Phó Ban chỉ đạo kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, nói tại buổi họp cùng ngày.
Thường trực Ban chỉ đạo được nói đã có phương án ứng phó, vận hành với rủi ro thiên tai cấp độ 3 đối với diễn biến áp thấp trên Biển Đông sắp diễn ra.
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, tình hình mưa lũ những ngày tới diễn biến rất phức tạp khiến việc vận hành các hồ chứa đang được tính toán. 4 hồ thủy điện cắt lũ cho đồng bằng Sông Hồng đều không còn dung tích cắt lũ.
Người đại diện Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai cho hay nguy cơ hai hồ Hòa Bình và Sơn La sẽ phải xả lũ để đảm bảo công trình.
Ông Hoài cũng nhắc lại hồi năm 2017, lũ về hồ Hòa Bình đạt 16.000 m3/s và phải xả 8 cửa cùng một lúc.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có mặt tại buổi họp cũng cùng nhận định các hồ thủy điện ở Miền Bắc và Trung cơ bản đã đầy và đang duy trì vận hành giảm mực nước để đón đợt lũ mới.
Dự báo cho biết hoàn lưu Bão số 7 vẫn đang gây mưa ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 16 đến 20.
Công bố nguyên nhân tử vong của trẻ
sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 tại Sơn La
Bộ Y tế Việt Nam ngày 15/10 công bố thông tin về trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 (ComBE-FIVE) theo chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia tại tỉnh Sơn La.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin, dẫn báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Sơn La cho biết, một bé gái hơn 2 tháng tuổi tại phường Chiềng Xôm, Tp Sơn La, tỉnh Sơn La được tiêm vắc xin ComBE-FIVE lần 1 vào ngày 12/10 và được cán bộ y tế đã thực hiện khám sàng lọc và tiêm chủng cho trẻ theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Sau khi tiêm chủng, bé được theo dõi 30 phút tại trạm y tế và không có biểu hiện bất thường. Bé gái được gia đình đưa về và tiếp tục theo dõi, khoảng hơn 3 tiếng sau bé gái có biểu hiện tím tái, khó thở.
Trạm y tế đã xử trí cấp cứu và đưa ngay đến bệnh viện tỉnh Sơn La.
Nhân viên bệnh viện tỉnh Sơn La đã cấp cứu, hồi sức tích cực cho bé gái nhưng bé không đáp ứng và tử vong sau đó lúc 16 giờ (tức 8 tiếng sau khi tiêm chủng).
Bộ Y tế cho biết, trong đợt tiêm chủng lần này tỉnh Sơn La đã sử dụng 956 liều vắc xin ComBE-Five. Ngoài trường hợp bé gái tử vong nêu trên thì có 3 trường hợp phản ứng sau khi tiêm chủng như sốt cao, tím tái, quấy khóc, bú kém và các trường hợp trên sức khoẻ đã dần ổn định.
Sau khi các chuyên gia Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm tra toàn bộ quy trình tiêm chủng, tổng hợp, phân tích, đánh giá. Hội đồng thống nhất kết luận nguyên nhân 1 trẻ tử vong do phản vệ không hồi phục với vắc xin ComBE-FIVE, loại trừ nguyên nhân do chất lượng vắc xin và thực hiện tiêm chủng.
Tìm thấy thi thể 13 người mất tích
ở Thuỷ điện Rào Trăng 3
Cập nhật vào lúc 9:00 pm
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, tính đến 7 giờ tối ngày 15/10, các đội cứu hộ ở Thuỷ điện Rào Trăng 3 thuộc huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế đã tìm thấy thi thể 13 người trong đội cứu hộ bị mất tích tại đây.
13 người mất tích ở Rào Trăng 3 là những người trong đội cứu nạn, cứu hộ được điều đến Thuỷ điện Rào Trăng 3 vào hôm 12/10 vừa qua sau khi có tin sạt lở đất chôn vùi 10 công nhân của nhà máy.
Công an và bộ đội đã được huy động để tìm kiếm những người mất tích ở Thuỷ điện Rào Trăng 3.
Theo truyền thông nhà nước, gần 1.000 người với 189 phương tiện và 3 chó nghiệp vụ đã được huy động để tìm kiếm các nạn nhân.
Mưa lớn từ tuần trước đã gây lũ và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền Trung Việt Nam.
Riêng vụ sạt lở ở Thuỷ điện Rào Trăng 3 đã khiến 4 công nhân tử nạn và 29 người mất tích trong đó có 13 người thuộc đoàn cứu hộ.
Khởi tố thêm 6 bị can Công ty Alibaba
Phòng cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP.HCM ngày 15/10 đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 6 bị can nguyên là lãnh đạo, nhân viên Công ty Alibaba sau điều tra mở rộng vụ án với tội danh ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’. Báo Nhà nước Việt Nam loan tin trong cùng ngày.
6 người vừa bị khởi tố gồm Nguyễn Huỳnh Tú Trinh – nhân viên phụ trách pháp lý của công ty Alibaba, Huỳnh Thị Ngọc Như – Phó tổng giám đốc phụ trách đào tạo, Đào Thị Thanh Lợi – Phó tổng giám đốc phụ trách nhân sự, Nguyễn Lê Hoàng Lan – Phó tổng giám đốc phụ trách truyền thông, cùng 2 nhân viên Alibaba là Võ Văn Trần Quang và Phan Ngọc Nguyên.
Theo hồ sơ vụ án, 6 người vừa nêu đã góp sức tích cực cho bị can Nguyễn Thái Luyện – Chủ tịch HĐQT công ty Alibaba thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc phân lô đất nông nghiệp để bán cho khách hàng khi chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng.
6 người vừa bị khởi tố đã giúp Công ty Alibaba quảng cáo những dự án chưa được cấp phép xây dựng vừa nêu là đất nền dự án và mời khách hàng mua.
Bên cạnh đó, 6 bị can này còn đứng tên các thửa đất nông nghiệp do Alibaba bỏ tiền mua, sau đó ủy quyền cho các công ty khác đứng tên dự án.
Riêng Nguyễn Huỳnh Tú Trinh đã bị TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xét xử tội “gây rối trật tự công cộng” và ‘cố ý làm hư hỏng tài sản’.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai vào ngày 13/5/2020 đã họp với các sở, ngành liên quan để chỉ đạo công tác kê biên, định giá các thửa đất nằm trong 29 dự án “ma” trên địa bàn do Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba đứng tên rao bán cho hàng ngàn khách hàng.
Cơ quan Điều tra bước đầu xác định Công ty Alibaba núp bóng hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo hình thức đa cấp. Trong đó, ông Nguyễn Thái Luyện giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo cùng với người em Nguyễn Thái Lĩnh thành lập Công ty Alibaba và các công ty con có tổng quy mô hơn 2.600 nhân viên.
Hiện 2 anh em ông Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh cùng nhiều đối tượng liên quan đã bị Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam để điều tra vụ việc Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba lừa đảo bán đất nền dự án “ma” cho 6.700 khách hàng với số tiền khoảng 2.500 tỉ đồng.
Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa
làm giả hồ sơ xin visa đi Mỹ
Nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Quốc Trâm, 52 tuổi, vừa bị cáo buộc đã làm giả hồ sơ để xin visa nhập cảnh Mỹ cùng một người phụ nữ.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 14/10.
Tòa án Nhân dân thành phố Nha Trang vào ngày 27/10/2020 sẽ đưa ông Nguyễn Quốc Trâm ra xét xử với tội danh ‘Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ và ‘Giả mạo trong công tác’, với mức án cao nhất có thể lên đến 10 năm tù.
Đồng phạm với ông Trâm trong vụ án này là Nguyễn Thụy Phương Thảo, 32 tuổi, nguyên Kế toán Sở Ngoại vụ, cũng sẽ bị đưa ra xét xử.
Theo cáo trạng, từ năm 2015 đến 2016, ông Trâm đã chỉ đạo cấp dưới làm giả các tài liệu, bảng lương… để Nguyễn Thị Ngọc Thảo, 41 tuổi, là lao động tự do, giả giữ chức Phó chánh văn phòng Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa.
Đồng thời, ông Trâm làm giả thư của tập đoàn Trần Group, mời ông và bà Thảo đến Hoa Kỳ. Các hồ sơ giả này được dịch sang tiếng Anh và gửi đến Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM xin visa. Nhờ đó, bà Thảo đã xuất cảnh sang Mỹ.
Ông Trâm còn chỉ đạo Nguyễn Thụy Phương Thảo lập khống hồ sơ, thanh toán tiền lương, thưởng, phụ cấp hơn 160 triệu đồng cho nhiều người giả là nhân viên của Sở Ngoại vụ.
Ông Nguyễn Quốc Trâm bị khởi tố, bắt tạm giam vào tháng 6 năm 2019, khi đang giữ chức Phó chủ tịch Liên hiệp hội các tổ chức hữu nghị tỉnh Khánh Hòa. Nhưng được tại ngoại hầu tra từ đầu năm 2020.
Con TNLT Lê Đình Lượng nói
bố ‘tuyệt thực vì không còn cách nào khác’
Mỹ Hằng
Gia đình ông Lê Đình Lượng cho biết ông đang tuyệt thực để phản đối điều kiện sống hà khắc và bất công trong trại giam.
Ông Lê Đình Lượng là cựu chiến binh trong Chiến tranh biên giới Việt – Trung và là nhà hoạt động nông dân ở Nghệ An.
Ông bị bắt sau khi đi thăm gia đình gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai vào tháng 7/2017. Tháng 8/2018, ông bị đưa ra xét xử và bị tuyên 20 năm tù giam tội ‘lật đổ chính quyền nhân dân’.
Y án 20 năm tù giam cho Lê Đình Lượng
Vợ Lê Đình Lượng: Chồng tôi ‘bị gán ghép tội’
LS Đài: Vụ xử Lê Đình Lượng ‘còn nhiều bí ẩn’
Hôm 14/10, chị Nguyễn Xoan, con dâu ông Lượng, xác nhận với BBC Tiếng Việt qua điện thoại từ Nghệ An rằng ông Lượng “đang tuyệt thực”.
Chị Xoan nói: “Ngày 04/10 vừa qua gia đình tôi ra trại giam Nam Hà để thăm bố tôi. Trong cuộc nói chuyện, điều đầu tiên bố tôi thông báo là Chủ Nhật này (11/10) bố sẽ tuyệt thực để đòi quyền lợi cho mình và các tù nhân khác trong trại.”
“Lý do đầu tiên là do trại giam Nam Hà đã coi thường niềm tin tôn giáo của bố tôi. Họ không cho bố dùng Kinh Thánh.”
“Thứ hai là không khí và nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nặng nề. Do gần trại giam có núi đá, ngày đêm khai thác, khói bụi và ồn ào từ sáng đến tối.”
“Rồi thêm cả việc họ đốt thứ gì đó khiến các mảnh vụn bay vào tận buồng giam làm bố tôi và mọi người ở đây không thể nào thở được.”
“Giấc ngủ bị ảnh hưởng bởi bụi bặm và tiếng động ồn ào kể cả giờ trưa lẫn đêm khuya. Tình trạng này đã kéo dài rất lâu rồi. Bố tôi đã nhiều lần kiến nghị rồi nhưng họ dửng dưng không quan tâm.
“Bố tôi nói sẽ xin giấy bút để làm đơn khiếu nại thì trại giam cũng không cho sử dụng giấy bút.”
“Gia đình tôi rất lo lắng và đã khuyên bố nên dùng biện pháp khác để đấu tranh vì tuyệt thực không tốt cho sức khỏe. Nhưng bố nói bây giờ bố không còn cách nào khác, tuyệt thực là cách cuối cùng bố có thể làm để đấu tranh cho những tù nhân ở đó.”
“Khi chúng tôi ra về, bố nói nếu có gì thay đổi thì bố sẽ gọi điện về. Nhưng nếu không thì có nghĩa là bố vẫn đang tuyệt thực. Từ đó tới nay gia đình tôi không nhận được cuộc gọi nào của bố.”
“Dạo gần đây chúng tôi thấy sức khỏe của bố sa sút, xanh xao. Một phần vì không ngủ được do tiếng ồn, và do không khí, nguồn nước ô nhiễm, lại phải ngủ dưới nền nhà chứ không có giường. Bố tôi nói mọi tù nhân ở đây sức khỏe đều sa sút chứ không riêng gì bố.”
Vì sao ông Lê Đình Lượng bị tù?
Phiên tòa sơ thẩm ở Nghệ An tháng 8/2020 tuyên ông Lượng 20 năm tù, mức án được cho là cao nhất từ trước tới nay cho giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam vì tội “Lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79, Bộ luật hình sự.
Báo Nghệ An từng viết rằng ông Lê Đình Lượng là “đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm thuộc tổ chức khủng bố Việt Tân”.
Báo này cũng viết rằng ông Lượng đã tuyên truyền, lôi kéo những người dân “có tư tưởng chống đối ở Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia vào tổ chức Việt Tân”.
Trong khi đó, luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, người từng bị bỏ tù, cho biết, ông Lượng đã tham gia đòi chống lạm thu thuế nông nghiệp, lạm thu học đường cho người dân, buộc chính quyền thừa nhận và trả lại tiền.
Ông Quân nói rằng ông Lượng thường hay giúp các cựu chiến binh và người dân địa phương làm đơn khiếu nại, đòi quyền lợi trong các vụ việc mà họ cho là bất công.
Còn theo luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài – người cũng từng là tù nhân chính trị – ông Lượng không được biết đến nhiều trong phong trào đấu tranh dân chủ, nhưng ở các tỉnh Nghệ An và Hà
Tĩnh thì “ông rất có uy tín với người dân và cộng đồng Công giáo. Những người đấu tranh xuất thân từ hai tỉnh nói trên đều rất kính trọng ông và ông có ảnh hưởng với họ. Trong con mắt của an ninh Bộ Công an và tỉnh Nghệ An thì ông Lê Đình Lượng là cái gai cần phải nhổ đi từ lâu”.
Ông Lượng cũng từng tham gia nhiều cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, trong đó có biểu tình phản đối công ty thép Formosa Hà Tĩnh trong vụ xả thải chất độc hại, hủy diệt môi trường biển miền Trung Việt Nam.
Năm 2018, sau phiên tòa xét xử ông Lê Đình Lượng, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam đảo ngược bản án và trả tự do cho ông Lượng ngay lập tức.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc HRW khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phát biểu rằng ông Lê Đình Lượng đã tham gia nhiều hoạt động mà nhà cầm quyền Việt Nam cho là không thể chấp nhận được, bao gồm việc phản đối liên quan đến tôn giáo và môi trường.
Các trường hợp tù nhân lương tâm tuyệt thực
Trước ông Lê Đình Lượng, nhiều nhà hoạt động khác cũng từng tuyệt thực để phản đối các bất công trong tù.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, một trong những tù nhân lương tâm nổi tiếng hiện đang chịu án tù 16 năm tù với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, đã từng tuyệt thực hơn một tháng để phản đối trại giam ‘cô lập’ ông.
Blogger Điếu Cày, nhà bất đồng chính kiến hiện đang sống tỵ nạn ở Mỹ, cũng từng có ‘kinh nghiệm tuyệt thực trong tù’, với lần lâu nhất là 33 ngày.
Năm 2018, mẹ của cựu tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (mẹ Nấm) cho hay bà Quỳnh tuyệt thực hai tuần để phản đối ‘hành động khủng bố của trại giam’.
Năm 2019, gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Bắc Truyển cho hay hai người tuyệt thực ở trại tù An Điềm tỉnh Quảng Nam để phản đối cán bộ trại giam “ngược đãi và áp dụng kỷ luật biệt giam”.
Cũng năm 2019, có thông tin rằng trại giam số 5 Thanh Hóa và trại giam số 6 Nghệ An ‘ngược đãi đù nhân chính trị’ khiến tù nhân chính trị Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Vũ Quang Thuận, Nguyễn Trung Trực, Đào Quang Thuận và Trần Phi Dũng phải tuyệt thực để phản đối.
Việc này đã khơi mào cho hơn 1.000 cá nhân và nhiều tổ chức trong và ngoài nước ký tên vào một tuyên bố công khai trên mạng xã hội phản đối các nhà tù ngược đãi tù nhân chính trị vào tháng 7/2019.
An ninh Tivi sau đó có phóng sự video với tiêu đề ‘Sự thật về các chiêu trò tuyệt thực của các ‘tù nhân lương tâm’, cho rằng đây là chiêu trò để “thu hút sự chú ý của dư luận và các thành phần bất mãn”, với ‘ý đồ’ “để các nước như Mỹ, liên minh châu Âu đưa Việt Nam vào danh sách bị theo dõi về nhân quyền”.
Đại tá Nguyễn Văn Minh phát biểu rằng “các tổ chức quốc tế qua kiểm nghiệm đều thừa nhận rằng tình hình nhân quyền nói chung ở Việt Nam và tình hình tù nhân trong các trại giam đã ngày một tốt hơn”.
Còn trong Báo cáo Nhân quyền 2019 của Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao nước này viết: “Tù nhân ở Việt Nam thường phải nhận thức ăn có chất lượng thấp, điều kiện giam giữ chật chội. Thậm chí, có tù nhân không được chăm sóc y tế khi có bệnh. Giới chức nhà tù cũng không kiểm soát được tình trạng tù nhân đánh tù nhân… Các tù chính trị thường bị chuyển đi các trại giam xa gia đình, điển hình là ông Lê Đình Lượng, Nguyễn Trung Trực.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54519909
Tử tù Hồ Duy Hải sức khỏe kém,
4 tháng gia đình không được gửi thức ăn
Người nhà cho biết sức khỏe của tử tù đang kêu oan Hồ Duy Hải tụt dốc sau nhiều tháng gia đình không được thăm gặp và gửi đồ ăn tiếp tế.
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hải cho hay con bà ốm yếu, chỉ còn da bọc xương và bà lo Hải sẽ không còn sức để chờ mẹ đi kêu oan.
Bà thuật lại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại về cuộc gặp hôm 14-10-2020 tại Trại tạm giam công an tỉnh Long An như sau:
“Sức khỏe của nó nó bây giờ, tụt dốc dữ lắm. Cô không cầm được nước mắt… ra khỏi chỗ đó rồi mới khóc, bây giờ thì ngồi nghẹn ngào với con luôn.
Nó ốm lắm mà giống như chỉ còn cùi xương, da bọc cùi xương.
Hải cũng nói là: ‘Mẹ ơi, con thích ăn chà bông cá, nên mẹ xin cán bộ gửi vô cho con. Con để dành lâu lâu con ăn được.’
Nhưng mà xin cán bộ giữ Hải, cán bộ đứng đằng sau lưng Hải nói cái này là lệnh của quản giáo, phải chờ quản giáo ra.
Một hồi sau quản giáo cũng ra tới thì tôi có hỏi quản giáo là: ‘Gia đình tôi chuyến sau có được gửi chà bông cá hay không?’ thì quản giáo nói là lệnh của Bộ (công an) đưa vô nên không được gửi đồ ăn.”
Theo bà Loan thì đã 4 tháng qua gia đình không được chấp thuận cho gửi đồ ăn vào và sau 2 tháng gia đình mới được đi thăm do tác động của dịch COVID-19.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do chưa liên lạc được với Trại tạm giam công an tỉnh Long An để hỏi về vụ việc.
Bà Nguyễn Thị Loan cũng bày tỏ ý định sẽ ra Hà Nội để chất vấn Bộ Công an về lý do vì sao có sự phân biệt đối xử đối với Hồ Duy Hải, chỉ có duy nhất con bà không được gửi đồ ăn vào.
Hồi đầu tháng 5, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử Giám đốc thẩm vụ án Bưu điện Cầu Voi xảy ra từ năm 2008 và tuyên y án tử hình đối với ông Hồ Duy Hải.
Phán quyết này đã vấp phải sự chỉ trích của dư luận, Đại biểu quốc hội… vì bộc lộ nhiều sai sót trong điều tra của cơ quan công an tỉnh Long An nhưng được cho là không ảnh hưởng tới quá trình điều tra.
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức
tuyệt thực, đòi được trả tự do
Tin từ Nghệ An: Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức bắt đầu tuyệt thực từ ngày 06/10 ở Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) để yêu cầu toà án cộng sản tối cao xem xét đơn yêu cầu được trả tự do.
Trong khi đó, gia đình ông Thức phát động chiến dịch pháp lý trên mạng xã hội từ ngày 11/10 để đồng hành cùng ông. Gia đình đã gửi 2 lá đơn cho chánh án tòa án tối cao Nguyễn Hòa Bình và Hội đồng thẩm phán để yêu cầu miễn 5 năm tù còn lại trong bản án 16 năm cho ông, một lá đơn còn lại yêu cầu giải thích pháp luật về nguyên tắc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội và điều luật “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Ông Thức bị bắt năm 2009 với cáo buộc “chuẩn bị phạm tội lật đổ chế độ” theo khoản 1 của Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999. Một năm sau, ông bị kết án 16 năm tù giam. Tuy nhiên, theo Bộ luật Hình sự 2015 thay thế thì mức án cao nhất cho tội danh “chuẩn bị phạm tội lật đổ chế độ” chỉ là 5 năm tù giam.
Theo ông Thức và gia đình, ông cần được hưởng lợi từ luật mới và được trả tự do sau khi đã bị cầm tù hơn 10 năm vừa qua.
Ông Thức là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực phần mềm với nhiều dự án có triển vọng lớn. Ông bị bắt trong cùng vụ án với các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung, những người đã bị kết án nhẹ hơn và hiện đang tự do sau khi thực hiện các bản án của họ.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/tu-nhan-luong-tam-tran-huynh-duy-thuc-tuyet-thuc-doi-duoc-tra-tu-do/
Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều:
‘Có sạn nhưng không đến mức phải thu hồi’
Mỹ Hằng
Sách Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ Cánh Diều hiện đang gặp chỉ trích dữ dội từ cộng động mạng về ‘sai sót’ nội dung. Những sai sót này nghiêm trọng tới đâu? Liệu có biện pháp nào để giải quyết khi sách đã được đưa vào giảng dạy?
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, dịch giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Long nhận định rằng bộ Cánh Diều có một vài chỗ ‘chưa hoàn thiện’, nhưng không tới mức ‘phản giáo dục’, ‘thô tục’, v.v… như các bình luận trên mạng, thậm chí có nhiều đổi mới giúp tăng khả năng từ vựng và thời gian đọc hiểu của trẻ, nhất là với sự hỗ trợ của kênh hình (hình vẽ, video) và giáo viên.
VN: Từ việc học sinh bị bắt đứng nắng bàn về bất cập trong nhà trường
Tiếng Việt thời ‘Công nghệ giáo dục’
Ông Long nói với BBC:
“Tôi thấy tựu chung có ba ý phê phán chính trên mạng xã hội gồm: việc sử dụng từ ngô nghê, thô tục, dùng phương ngữ thay vì từ chuẩn quốc gia; việc chia đôi truyện ngụ ngôn (phần 1, phần 2) dễ gây hiểu nhầm; việc truyện ngụ ngôn bị chỉnh sửa đến mức “thiếu logic, phản cảm, thiếu nhân văn”.
“Mới đọc các chỉ trích này thì thấy rất có lý, thậm chí dễ gây tăng xông. Nhưng thực tế là rất ít người nêu được khía cạnh chuyên môn, sư phạm của các vấn đề trên mà chủ yếu mạt sát, suy diễn, quy chụp, thậm chí bịa đặt, để công kích người soạn và thẩm định sách, thậm chí mang cả con cháu họ lên mạng để tấn công.”‘
Sự phẫn nộ trên mạng xã hội
Các bình luận trên mạng chủ yếu cho rằng bộ sách dùng nhiều phương ngữ thay vì ngôn ngữ chuẩn. Chẳng hạn ‘không’ thì dùng ‘chả’, ‘gà con’ thì thành ‘gà nhép’, ‘ăn’ thành ‘nhá’; hoặc những từ được cho là xa lạ với trẻ nhỏ như giá đỗ, cá diếc, cá măng, gà gô, yểng, lồ ô, quả trám…
Thậm chí một số từ ngữ bị chê là ‘thô tục’ như ‘thở hí hóp’….
Nhân “Đường lên đỉnh Olympia” bàn về người tài và giáo dục VN
Từ Mỹ nhìn về giáo dục ở Việt Nam
Ngoài ra, cộng đồng mạng còn bất bình vì một số bài đọc phỏng theo truyện ngụ ngôn của các tác giả nổi tiếng, nhưng lại ‘cắt xén’, ‘thay đổi’ nhân vật, “làm mất đi tính giáo dục”. Ví dụ chuyện ‘gà và kiến’ thì đổi thành ‘gà và ve’, ‘quạ và cáo’ thì thành ‘quạ và chó’…
Nhiều bình luận giận dữ cho rằng nhóm biên soạn sách, trong đó GS Nguyễn Minh Thuyết là chủ biên, cùng hội đồng thẩm định sách, đã “ngậm miệng ăn tiền”.
Vì sao dẫn đến tranh cãi?
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Long, do yêu cầu phải đảm bảo tiêu chí học sinh học đọc xong sớm để có thời gian tiếp thu các kiến thức khác, sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều đã đưa vào nhiều mẩu truyện để dạy học sinh đọc ngay từ các bài đầu tiên. Khác với sách Tiếng Việt cũ chủ yếu dạy đánh vần, đến cuối sách mới đưa vào một, hai mẩu truyện.
Chính vì phải dạy học sinh đọc truyện sớm trong khi chưa học đầy đủ các vần, người viết sách lâm vào thế ‘kẹt’: Họ phải chỉnh sửa, gò ép từ ngữ để đảm bảo không đưa vào truyện tiếng hay từ có âm vần chưa học.
Đó là lý do vì sao ở bài một có từ ‘chả’ gây tranh cãi chứa vần ‘a’, thay cho từ ‘không’ chứa vần ‘ông’ mãi đến bài 85 mới học. Bài 33 có từ ‘nhá’ thay cho ‘ăn’ chứa vần ‘ăn’ đến bài 58 mới học.
Cây bút Phan Hồ Điệp, đứng ở góc độ của người đã viết sách cho học sinh lớp 1, cũng cho rằng sách cần đảm bảo không được chứa tiếng có âm vần chưa học.
“Vì nguyên tắc đó mà người viết sách phải lập một “ma trận” để chọn đúng tiếng/ từ có chứa âm vần trẻ đã học….dẫn đến những câu gượng ép, những đoạn mà các bạn cho là ngây ngô,” bà Điệp viết trên Facebook cá nhân.
Về những từ bị cho là ‘thô tục’ như ‘chả’, ‘tợp’, ‘cuỗm’, nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Long cho rằng ‘không có gì là thô tục’. “Chúng có thể là khẩu ngữ suồng sã dùng với các đối tượng, bạn bè ngang hàng. Chúng không thể làm méo mó tính cách học sinh, nhất là khi có giáo viên hướng dẫn khi nào dùng chúng.”
“Trong đời sống hằng ngày nhiều từ trong số đó vẫn xuất hiện bình thường, hoặc trong thành ngữ tục ngữ, như bà nhá /nhai cơm cho cháu, tớ chả biết đâu, Ai chả biết ma ăn cỗ…,” ông nói.
Ông Long nói thêm: “Một số từ bị chê khác như ‘thở hí hóp’ thì các tác giả nói là lấy từ thơ Trần Đăng Khoa. Quạ kêu ‘quà quà’ (thay vì quạ quạ) lấy từ tác phẩm của Ma Văn Kháng. Tôi cho rằng từ tượng thanh thì ‘quà quà’ hay ‘quạ quạ’ đều dựa vào cảm nhận chủ quan và nội dung cần hướng tới của truyện.”
“Nhiều từ bị chê là phương ngữ vùng miền xa lạ với học sinh như giá đỗ, cá diếc, cá măng, gà gô, yểng, lồ ô, quả trám…thực tế là những từ khá phổ biến hoặc là tên gọi chính thức một loài cây hay cá, thậm chí có từ không có từ khác thay thế.”
“Hoặc bắt bẻ từ “râm bụt” mà đúng ra phải là “dâm bụt”, trong khi từ điển tiếng Việt ghi nhận lối viết “râm bụt”. Theo tôi đây có vẻ như là việc bới lông tìm vết không xác đáng, vì làm giáo viên mà không biết hoặc không tra cứu nổi những từ này thì nên làm việc khác. Chưa nói phương châm của những người soạn sách là cung cấp một số từ địa phương tương đối phổ biến (có trong từ điển tiếng Việt) cho học sinh (như những từ bố, mẹ cùng với ba, má).
“Và ngoài chữ thì còn có kênh hình và cả giáo viên hỗ trợ học sinh hiểu đúng từ và cách dùng. Tuy nhiên, vấn đề từ ngữ và liều lượng sử dụng chúng thuộc cảm nhận và quan điểm từng người, nên tranh cãi khó đi đến thống nhất.
“Có điều buồn cười là từ “cá diếc’ cũng đã có trong sách Tiếng Việt lớp 1 tập 1 cũ, tồn tại gần hai chục năm mà sao giáo viên vẫn dạy được mà không kêu ca?”
“Nhiều từ địa phương rất phổ biến, có trong từ điển tiếng Việt hoặc là tên gọi động vật, thực vật thì nên học chứ không phải phụ huynh không biết thì con họ không thể hay không cần biết.”
“Việc đưa truyện ngụ ngôn vào sách gặp phải rào cản là nội dung thường vượt quá số lượng từ và số dòng cho phép trong mỗi bài học, nên phải chỉnh sửa dưới hình thức “phỏng theo”, “kể lại”, và có khi phải chia làm hai bài phần một, phần hai.”
“Chỗ này cũng gây tranh cãi ác liệt, có người không chấp nhận, bảo cắt đoạn như thế gây hiểu lầm về ý nghĩa, làm hỏng học sinh, là dạy cách nói năng hỗn láo, thói gian manh, lươn lẹo. Nhưng ở đây học sinh có tự học với sách đâu, mà luôn có giáo viên hướng dẫn hiểu đúng bài học kia mà!”
Những ‘hạt sạn’
Tuy vậy, nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Long cũng chỉ ra những chỗ ông gọi là ‘sạn’, ‘thiếu logic’, ‘cần chỉnh sửa’ trong sách.
Ông nói rằng với truyện ngụ ngôn, khi chỉnh sửa cần tuân thủ những gì phù hợp với tự nhiên và quan niệm đúng xưa nay về loài vật.
Ví dụ, cáo đại diện cho sự tinh ranh. Nếu thay bằng chó là loài vật bạn với con người thì không nên. Hay thay kiến bằng ve thì tương quan nhân vật đã thay đổi. Vì gà sẽ ăn ve ngay chứ không ở đó mà nói chuyện làm bạn hay giúp đỡ.
Có chỗ không chuẩn mực lắm hoặc hơi khó hiểu, như truyện ‘Ve và gà’. Ve nói ‘cho ve tí gì đi’ nghe rất khó hiểu. Dù vậy, trong tình huống trò chuyện thì chấp nhận được. Sách lại có hình vẽ cái lá và những câu trước giúp hiểu rõ hơn.
Theo ông Long, trước sức ép dư luận, nhóm biên soạn sách tới đây sẽ sửa một số chỗ ‘sạn’, nhưng không đến mức phải thu hồi.
Những ý kiến lẻ loi
Ngoài sự giận dữ của cộng đồng mạng, vẫn có những ý kiến được coi là ‘lẻ loi’ khi đứng ra bênh vực bộ sách.
Bác sỹ Trần Văn Phúc – người có tài khoản hơn 56.000 người theo dõi trên Facebook – cho rằng ‘đây là một cuốn sách tốt’. Ông viết:
“Về ý kiến cho rằng cuốn sách xuyên tạc những câu chuyện gốc, tôi không đồng tình như vậy, việc làm này cũng giống như các em học sinh vui nhộn thích “chế” lại bài hát như “Chúng ta không luộc được rau”, mà trước đó ca sĩ Sơn Tùng cover từ bài “We don’t talk anymore” để trở thành bản hit nổi tiếng.”
“Về ý kiến cho rằng những từ địa phương, từ không phù hợp; bản thân tôi không nghĩ thế. Rõ ràng số lượng từ vựng tiếng Việt rất hạn chế, nên việc đưa các từ địa phương vào chỉ làm cho vốn từ của các em thêm phong phú hơn thôi, chưa kể cách sử dụng từ trong cuốn sách cũng khá mới lạ tạo nên sự hấp dẫn cho câu chuyện.”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Long cũng có một số ý kiến bênh vực cuốn sách.
Ông Long nói nhiều người ‘hoài cổ’, muốn dùng lại bộ sách Tiếng Việt ngày xưa với những áng văn thơ đẹp đẽ, tràn trề đạo đức. ‘Nhưng thực ra trí nhớ không hoàn toàn trung thành với họ’, bởi thực tế thì sách Tiếng Việt cũ chủ yếu là học vần (suốt cả tập một gồm 83 bài), mà không có một câu chuyện hoàn chỉnh nào cả.
Trong khi sách TV Cánh Diều, với ý muốn đổi mới của các tác giả: giúp học sinh biết đọc biết viết nhanh hơn, đa dạng vốn từ, gần với đời sống hơn chứ không gói gọn trong dăm câu thơ ba câu văn tả cảnh lãng mạn, chữ nghĩa luôn mượt mà trong khuôn phép, lề thói, ngay từ đầu sách (bài 3) đã có trang nghe kể chuyện không phụ thuộc vào học vần, sau đó cứ sau dăm bài lại có một câu chuyện như thế.
Cây bút Phan Hồ Điệp sau khi thanh minh cho bộ sách là cần phải tuân thủ nhiều nguyên tắc dẫn đến “nhiều ngữ liệu thiếu “độ đẹp”, thiếu tính nhân văn”, trích cuốn Đối thoại với tương lai của Nguyễn Trần Bạt:
“Tôi cho rằng, cải cách giáo dục là tổ chức một loạt các công nghệ hợp lý và tổ chức một thái độ hợp lý. Thái độ hợp lý và công nghệ hợp lý đối với chúng ta hiện nay là nhặt nhạnh và vứt bỏ một cách rất yên tĩnh tất cả những yếu tố không còn hợp lý trong nền giáo dục đang có, và bỏ vào đấy một cách yên tĩnh những cái mới.”
“Tất cả sự lấy ra và bỏ vào ấy phải đảm bảo tính yên tĩnh của một nền giáo dục, không được làm náo động tâm lý của thầy và trò.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54549978
Những tượng đài, cổng chào
và giọt nước mắt miền Trung
Ít nhất hàng chục người chết và mất tích
Trong mấy ngày qua, thêm một lần nữa hình ảnh khu vực miền Trung bị ngập trắng được loan tải khắp các phương tiện truyền thông ở Việt Nam.
Những con số thiệt hại về nhân mạng và tài sản được cập nhật liên tục. Tính đến chiều ngày 14/10, đã có ít nhất gần 50 người chết và mất tích. Riêng tại Thừa Thiên-Huế, có 4 người chết và 29 người vẫn mất tích sau vụ sạt lở đất do mưa lũ ở thuỷ điện Rào Trăng 3.
Thông tin từ Uỷ ban Tìm kiếm Cứu nạn Quốc gia cho biết sạt lở đất ở thuỷ điện Rào Trăng 3, tại huyện Phong Điền, vào hôm 12/10, khiến 10 công nhân nhà máy bị chôn vùi và 40 công nhân khác đã được di chuyển tới gần thuỷ điện Rào Trăng 4 an toàn hơn nhưng hoàn toàn không thể ra bên ngoài do sạt lở đất.
Một diễn biến đáng chú ý là đoàn cứu hộ, cứu nạn gồm 21 cán bộ và chiến sĩ đến huyện Phong Điền để hỗ trợ trong vụ sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3. Thế nhưng, vào nửa đêm tối hôm 12/10, đoàn lại bị tai nạn do núi và đất đá sạt lở khiến 13 người mất tích, gồm 11 cán bộ quân đội và 2 cán bộ địa phương.
Ý kiến của dư luận
Đài RFA ghi nhận tình trạng thiên tai, lũ lụt xảy ra hàng năm luôn đe dọa đất nước và người dân Việt Nam. Đặc biệt, khu vực miền Trung mỗi khi bị bão lụt thường rất nghiêm trọng, bởi do ảnh hưởng của nạn phá rừng và việc xả nước từ các đập thủy điện.
Điều đáng nói trong năm nay là trong bối cảnh lũ lụt như vậy thì ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM lại đang diễn ra các hoạt động rất rầm rộ trong việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp. Dân chúng đang rất bức xúc bởi vì trong khi người dân ở khắp nơi bị tình hình lũ lụt đe dọa như vậy mà Đại hội Đảng các cấp tổ chức rất là xa hoa và rất lãng phí. Điều đó càng làm cho tình hình lũ lụt càng thêm trầm trọng và làm ray rứt rất nhiều người có suy nghĩ về đất nước
-Blogger Nguyễn Lân Thắng
Nhà hoạt động xã hội-blogger Nguyễn Lân Thắng, từng rất xông xáo trong công việc giúp đỡ cho các nạn nhân trong những đợt bão lụt trước đây, vào tối ngày 14/10 lên tiếng với RFA về ghi nhận của ông trong lần bão lụt miền Trung năm 2020.
“Điều đáng nói trong năm nay là trong bối cảnh lũ lụt như vậy thì ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM lại đang diễn ra các hoạt động rất rầm rộ trong việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp. Dân chúng đang rất bức xúc bởi vì trong khi người dân ở khắp nơi bị tình hình lũ lụt đe dọa như vậy mà Đại hội Đảng các cấp tổ chức rất là xa hoa và rất lãng phí. Điều đó càng làm cho tình hình lũ lụt càng thêm trầm trọng và làm ray rứt rất nhiều người có suy nghĩ về đất nước.”
Điều mà blogger Nguyễn Lân Thắng vừa chia sẻ cũng được cộng đồng cư dân mạng đồng loạt chỉ trích Chính quyền Việt Nam, sau khi được xem hình ảnh của một người chồng-người cha ở Huế khóc ròng và quỳ lạy con nước dữ đã cuốn trôi vợ mình trong lúc ngồi xuồng đi sinh con.
Nhà báo độc lập Huỳnh Ngọc Chênh giải thích với RFA về sự phẫn nộ của cộng đồng:
“Thật ra khi nhà nước thu thuế thì trong đó phải có quỹ phúc lợi cho xã hội và cái quỹ phúc lợi đó để làm đường xá ở vùng xa, làm nhà cửa cho người nghèo và đặc biệt về chính sách y tế và cứu hộ. Bão lụt thì năm nào cũng có cho nên phao cứu hộ cho người dân ở vùng cao hay ở vùng bị bão lũ và những đội cứu hộ chuyên nghiệp mà nếu như không hoang phí vào việc xây dựng cổng chào, tượng đài hay chào mừng Đại hội Đảng thì tiền ngân sách dư khả năng để làm những chuyện đó. Mỗi huyện, mỗi tỉnh có đội cứu hộ chuyên nghiệp thì rất dễ và điều đó thì không ai không nghĩ tới. Bởi vì người ta không lo cho dân nên người ta không nghĩ ra điều đó.”
Một ví dụ điển hình, hồi tháng 7/2020, dư luận trong nước đón nhận thông tin Chính quyền thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang trích ngân sách số tiền gần 7 tỷ đồng để xây dựng cổng chào cao 13 mét. Và truyền thông trong nước cho biết đây không phải là trường hợp hiếm hoi mà nhiều địa phương xây dựng cổng chào tiền tỷ, mặc dù ngân sách bị hạn hẹp. Hay vào cuối tháng 8, Đảng ủy tỉnh Quảng Bình thông báo chi ngân sách hơn 2 tỷ đồng để mua cặp đựng tài liệu cho khách mời và đại biểu tham dự Đại hội Đảng của tỉnh lần thứ XVII.
Công tác cứu hộ, cứu nạn không hiệu quả?
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về Công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2019, diễn ra hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, thiệt hại do thiên tai năm ngoái ở Việt Nam được báo cáo có 133 người chết và mất tích, về kinh tế bị thiệt hại trên 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số liệu được ghi nhận là giảm thiểu nhiều so với năm 2018, ước tính lên đến 20.000 tỷ đồng.
Tính đến tháng 5/2020, tổng thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra ở Việt Nam được ước tính xấp xỉ 3.200 tỷ đồng.
Và, cũng tại hội nghị này, báo cáo đưa ra kết quả cho thấy trung bình mỗi năm Việt Nam có trên 300 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế từ 1 đến 1,5% GDP. Riêng trong năm 2019, Chính phủ Hà Nội đã chi ra trên 10.300 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai và xử lý hệ thống đê điều, hồ đập, sạt lở, di dời dân.
Đối với tình trạng bão lụt đang diễn ra nghiêm trọng ở khu vực miền Trung hiện tại, một số cơ quan báo chí nhà nước, như Báo Thanh Niên Online kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng dành cho bà con miền Trung. Thế nhưng, một vài ý kiến trên trang fanpage chia sẻ rằng trong tình hình chung khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nên có thể sự giúp đỡ sẽ bị hạn chế so với những năm trước đây.
Trước hết không phải là chuyện giúp đỡ cho người dân, mà chính quyền phải có trách nhiệm là phải có ngân sách dành cho chuyện này. Nhưng họ lại vô trách nhiệm rồi. Và bây giờ, tiếng nói của người dân và áp lực của dư luận thì tôi nghĩ cũng chẳng thay đổi gì hết. Phòng, chống bão lũ, thiên tai thì nhà nước chỉ hô hào, tuyên truyền là chính còn đi vào phòng, chống thực sự thì không có. Chưa nói là chính họ cho phép làm thủy điện, làm mọi thứ như phá rừng…dẫn đến hậu quả gây ra lũ lụt, thiên tai. Cho nên, không hy vọng chi vào việc cải thiện bởi vì họ không có cái tâm. Họ làm chỉ để tuyên truyền và không thực tâm lo cho dân
-Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh
Chúng tôi đặt câu hỏi với nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng về những sự kêu gọi hảo tâm với tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong đợt bão lụt miền Trung năm nay, theo ghi nhận của ông sẽ như thế nào cũng như bản thân ông sẽ tiếp tục công việc thiện nguyện đi giúp đỡ bà con miền Trung lần này hay không. Blogger Nguyễn Lân Thắng bày tỏ với RFA:
“Trước bối cảnh đó, thực ra trong suy nghĩ thì tôi cũng rất muốn góp sức bằng công việc cụ thể nào đó trong việc trợ giúp bà con. Nhưng quả thật là những thiên tai mà chúng ta nhìn thấy thì thật ra là nhân tai, là do sự quản lý yếu kém của hệ thống nhà nước này đối với thiên nhiên, đối với môi trường; đặc biệt trong việc xây dựng ồ ạt thủy điện. Do đó, trong bối cảnh cấp bách này thì việc cứu người thì tôi cũng không phản đối nhưng tôi cho rằng có những việc quan trọng hơn là việc phải làm sao phải để cho xã hội thay đổi và nhận thức của người dân thay đổi, mong muốn một nền chính trị thật sự ‘vì dân-do dân’ chứ không phải chỉ là những câu khẩu hiệu ở ngoài đường. Đấy mới là việc quan trọng. Tôi nghĩ hôm nay giúp được người này, ngày mai giúp được người kia nhưng nguyên nhân gốc rễ của tất cả những thảm họa đó mà không xử lý thì đất nước vẫn cứ ngập lụt như vậy thôi.”
Trả lời câu hỏi liệu rằng Chính phủ Hà Nội sẽ lắng nghe hay không, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh trình bày quan điểm cá nhân của ông:
“Trước hết không phải là chuyện giúp đỡ cho người dân, mà chính quyền phải có trách nhiệm là phải có ngân sách dành cho chuyện này. Nhưng họ lại vô trách nhiệm rồi. Và bây giờ, tiếng nói của người dân và áp lực của dư luận thì tôi nghĩ cũng chẳng thay đổi gì hết. Phòng, chống bão lũ, thiên tai thì nhà nước chỉ hô hào, tuyên truyền là chính còn đi vào phòng, chống thực sự thì không có. Chưa nói là chính họ cho phép làm thủy điện, làm mọi thứ như phá rừng…dẫn đến hậu quả gây ra lũ lụt, thiên tai. Cho nên, không hy vọng chi vào việc cải thiện bởi vì họ không có cái tâm. Họ làm chỉ để tuyên truyền và không thực tâm lo cho dân.”
Báo giới quốc nội, hồi năm 2019, dẫn lời của PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, cho biết ước tính năm 2010, diện tích đất-rừng bị mất do xây dựng công trình thủy điện ở Việt Nam vào khoảng 2.760km2; đến năm 2015, diện tích rừng bị mất lên đến hơn 5.300km2; và đến năm 2020 sẽ là trên 6.520km2. Và, theo thống kê cho thấy rừng bị tàn phá dẫn đến lũ lụt, lũ quét và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân.
Tiến sĩ Lê Bắc Huỳnh nói rằng “các thủy điện khi lấn chiếm đất rừng thì phải trồng bù rừng. Nhưng, đất đâu mà trồng nữa?”
Ông Bùi Văn Cường
tái đắc cử Bí thư tỉnh uỷ Đắk Lắk
Ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh uỷ Đắk Lắk, người bị giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng Phạm Đình Quý tố đạo nhái luận án tiến sĩ, vừa tái đắc cử Bí thư tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2020-2025.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tải tin này vào ngày 15/10 sau khi Đại hội đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ 17 kết thúc bỏ phiếu bầu 53 người vào Ban chấp hành đảng bộ tỉnh.
Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã bầu ra Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII, gồm 15 người.
Ông Bùi Văn Cường được bầu tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Bùi Văn Cường sinh năm 1965, quê huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; có trình độ chuyên môn tiến sĩ Kỹ thuật An toàn Hàng Hải, Kỹ sư điều khiển tàu biển, Cử nhân ngoại ngữ; Cử nhân lý luận chính trị.
Ông Cường là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XI, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII.
Liên quan đến bài viết của Tiến Sĩ Phạm Đình Quý được vài tờ báo đăng tải vào cuối tháng 8/2020 tố cáo ông Cường đạo luận án tiến sĩ, hôm 23/9 ông Quý đã bị công an khống chế và bắt giữ khi đang đi ăn cùng vợ trên đường D1 tại TPHCM.
Một tuần sau khi bắt người, ngày 30/9 Công an tỉnh Đắk Lắk mới có lệnh bắt khẩn cấp đối với Tiến sĩ Quý để điều tra hành vi phát tán tài liệu nhằm hạ thấp uy tín, bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác. Đồng thời cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Đắk Lak đã khởi tố vụ án.
Sau khi ông Quý bị công an bắt giữ, gia đình ông đã liên tục gửi đơn kêu cứu vì họ không được gặp ông trong khi đang bị tạm giam.
Trong tuần này, nhiều địa phương ở Việt Nam đã tổ chức các đại hội đảng ở địa phương, bầu Bí thư Đảng uỷ, chuẩn bị cho đại hội đảng toàn quốc diễn ra vào đầu năm tới.
Tại TP Hồ Chí Minh, một số nhà hoạt động dân sự và blogger cho biết trên Facebook rằng họ bị công an canh gác nghiêm ngặt khi thành phố tổ chức đại hội Đảng bộ.
Từ sự cố thuỷ điện Rào Trăng,
nhìn lại vấn đề phá rừng,
xây dựng thuỷ điện vừa và nhỏ ở Việt Nam
Vào ngày 12 tháng 10 năm 2020, đã xảy ra sạt lở đất ở thuỷ điện Rào Trăng 3 thuộc địa bàn huyện Phong Điền ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, khiến 10 công nhân nhà máy bị chôn vùi, theo thông tin từ Uỷ ban Tìm kiếm Cứu nạn Quốc gia.
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, tính đến chiều ngày 14 tháng 10, giới chức tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xác định được 4 người chết và 29 người vẫn mất tích sau vụ sạt lở đất do mưa lũ ở thuỷ điện Rào Trăng 3.
Thực trạng
Thủy điện Rào Trăng 3 do Công ty tư nhân Trường Sơn làm chủ đầu tư và được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép xây dựng trên sông Rào Trăng, ở khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dự án Thủy điện Rào Trăng 3 có công suất lắp máy 11 MW, tổng số vốn đầu tư là 290 tỉ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha đất rừng, gồm khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là nhà máy và công trình phụ trợ.
Thời gian vừa qua Việt Nam cho phát triển thủy điện vừa và nhỏ hơi nhiều, và cũng chưa có những giải pháp về những trường hợp nếu tất cả thủy điện cần xả lũ, có thể gây lụt lội vượt mức chịu đựng của nền đất nơi đó, nhưng trường hợp vừa rồi ở Rào Trăng chẳng hạn.
-GS. Đặng Hùng Võ
Từ năm 2011, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã cảnh báo về những bất cập trong xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện ở Thừa Thiên Huế. Thủy điện Rào Trăng 3 là dự án thủy điện thứ 13 được tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép. Khi đó, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo, các công trình thủy điện nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống sinh thái, nhiều diện tích rừng buộc phải chuyển đổi mục đích, khiến cho việc bảo vệ rừng gặp khó khăn…
Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền có diện tích hơn 41.500ha. Có 4 thủy điện, gồm: Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, Alin B1 và Alin B2, nằm trong vùng lõi và khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.
Theo thông tin truyền thông nhà nước Việt Nam, đã có hơn 50.000 hecta rừng bị tàn phá để nhường chỗ cho 824 nhà máy thủy điện. Trung bình để xây một thủy điện mất hết 59 hecta rừng.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tại, phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất… Từ năm 2010 đến 2019 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng.
Tai nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 một lần nữa dấy lên lo ngại về thực trạng phá rừng, xây thủy điện vừa và nhỏ tại Việt Nam hiện nay.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi trường, khi trao đổi với RFA hôm 14/10 nhận định:
“Tôi cho rằng thời gian vừa qua Việt Nam cho phát triển thủy điện vừa và nhỏ hơi nhiều, và cũng chưa có những giải pháp về những trường hợp nếu tất cả thủy điện cần xả lũ, có thể gây lụt lội vượt mức chịu đựng của nền đất nơi đó, nhưng trường hợp vừa rồi ở Rào Trăng chẳng hạn. Sự thật thì bình thưởng không sao, nhưng đến khi vào hoàn cảnh thời tiết thay đổi, mưa lụt nhiều, nước dâng cao… thì phải xả lũ. Và nếu xả lũ không đồng bộ, không tính toán trước những tình huống khó khăn, thì có thể dẫn tới sạt lở đất đá, như ở Rào Trăng vừa rồi.”
Theo nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi trường, Đặng Hùng Võ, trong khoảng 10 năm qua tại Việt Nam đã động viên sức đầu tư của tư nhân vào các thủy điện vừa và nhỏ, để tăng sản lượng điện quốc gia. Nhưng bên cạnh đó, những giải pháp để có thể ngăn rủi ro trong trường hợp xấu nhất, theo ông là chưa đảm bảo. Chính vì vậy, đã xảy ra những tai nạn như tại Rào Trăng 3 Rào Trăng 4…
Từ Hà Nội hôm 14/10, Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam, hiện là Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2022, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, nhận định:
“Nói chung những sự cố ở những thủy điện nhỏ cũng có xảy ra nhưng mà tương đối ít so với số lượng đang hoạt động hiện nay. Có rất nhiều địa phương mà mình khó đoán trước được tình hình thủy văn của nó như thế nào. Bởi vì ở những con sông suối nhỏ thì việc khảo sát, số liệu theo dõi lịch sử thủy văn cũng ít, có thể xảy ra mưa lũ bất thường, khác những năm mà đã được theo dõi trước đây, cho nên cũng có thể có trường hợp xảy ra sự cố như vậy.”
Tai nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 không phải là sự cố đầu tiên đối với thủy điện vừa và nhỏ ở Việt Nam. Trước đây một loạt thủy điện nhỏ bị sự cố nghiêm trọng như Đak Men 3 tỉnh Kontum, Đak Rông 3 tỉnh Quảng Trị, Đạm Bol tỉnh Lâm Đồng, Hố Hô ở hai tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình, cho thấy cơ chế phân cấp giám sát quản lý an toàn công trình bộc lộ nhiều bất cập.
Thiệt hại đáng chú ý nhất xẩy ra vào tháng 6 năm 2013, khi Đập thủy điện Ya Krel 2, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai bị vỡ do chất lượng kém, khiến hai 2 người bị nước cuốn trôi, gần 30 hecta hoa màu ở phần hạ du bị ngập trong nước, bị thiệt hại gần như hoàn toàn.
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA hôm 14/10 cho rằng:
“Thủy điện nhỏ phần lớn là do tư nhân làm, chứ không phải là của nhà nước. Trong đó, thủy điện nhỏ là giao cho địa phương mạnh tỉnh nào tỉnh đó thẩm tra, thiết kế, giao đất… nên trung ương không quản lý được cái đó. Cách đây 3, 4 năm từng đình chỉ để kiểm tra lại, đóng cửa một số, nhưng sau đó lại vẫn cho phép làm.”
Bộ Công Thương cho biết vào cuối năm 2018, đã loại khỏi quy hoạch 463 dự án thủy điện kém hiệu quả, là những dự án thủy điện có công suất dưới 30MW, ở địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn và điều kiện khảo sát thực địa không thuận lợi.
Nhưng với 818 dự án thủy điện còn lại, trong đó đã đưa vào khai thác sử dụng 385 dự án thủy điện, đang xây dựng 143 dự án và đang nghiên cứu đầu tư 290 dự án, thì liệu Việt Nam sẽ làm làm gì để bảo đảm an toàn cho thủy điện vừa và nhỏ trong tương lai?
Biện pháp khắc phục với các thuỷ điện hiện có và trong tương lai
Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam, Trần Đình Long cho biết ý kiến của mình:
Nên điều tra lại tất cả các thủy điện đang hoạt động, xem tình hình đê đập như thế nào, hồ chứa ra sao… Thứ hai phải có liên hệ chặt chẽ giữa chủ đầu tư nhà máy thủy điện với tình hình dự báo khí tượng thủy văn, để chuẩn bị phương án an toàn đê đập.
-GS. Trần Đình Long
“Theo tôi nên điều tra lại tất cả các thủy điện đang hoạt động, xem tình hình đê đập như thế nào, hồ chứa ra sao… Thứ hai phải có liên hệ chặt chẽ giữa chủ đầu tư nhà máy thủy điện với tình hình dự báo khí tượng thủy văn, để chuẩn bị phương án an toàn đê đập. Rút kinh nghiệm những sự cố đã xảy ra, nên làm kỹ hơn những điều tra thủy văn, tăng cường độ an toàn đê đập, thậm chí ở một số nơi cần tăng cường đập cầu chì, để có thể bảo vệ thủy điện trong những trường hợp bất thường, khẩn cấp.”
Theo Giáo sư Trần Đình Long, cần xem xét lại quy hoạch rằng nhà nước chỉ quản lý các công trình thủy điện từ 30 MW trở lên, còn các công trình thủy điện nhỏ giao về cho địa phương quản lý. Vì theo ông, đội ngũ chuyên gia ở địa phương không thể bằng trung ương quản lý được.
Còn theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, với hiện trạng thủy điện vừa và nhỏ hiện nay, muốn hạn chế rủi ro, thì quy trình xả lũ phải nghiêm ngặt, nếu không khi có mưa to, thủy điện lại phải tiếp tục xả lũ, thì sẽ xảy ra lũ chồng lũ, gây thiệt hại cho người dân. Ông cho biết chính phủ đã bắt buộc xây dựng quy trình nguyên tắc xả lũ. Tuy nhiên với số lượng quá nhiều thủy điện vừa và nhỏ, chưa kể có những thủy điện nhỏ ở những nơi có địa hình hiểm trở, thì khó có thể kiểm soát liệu doanh nghiệp đó có tuân theo quy trình nguyên tắc xả lũ hay không.
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm nhận định tiếp:
“Về tương lai thì thủy điện sẽ không phát triển nhiều nữa, theo nghị quyết 55 thì đến năm 2030, 2040 thủy điện chỉ còn chiếm từ 10 đến 15%, còn chủ yếu là năng lượng từ khí và khí hóa lỏng, cái đó sẽ phát triển nhiều.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, cách tốt nhất là phải dựa vào địa hình và phải phác họa được những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra, để từ đó trong tình huống xấu nhất thì có sẵn giải pháp để bảo vệ thủy điện. Ví dụ như tiến độ xả lũ như thế nào, để tránh tình trạng tất cả thủy điện cùng xả lũ có thể gây lụt lội… Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, cần nghiên cứu kỹ để tránh xảy ra những kịch bản xấu nhất như vừa rồi tại Thủy điện Rào Trăng.
Dự án tỉ đô ở Venezuela: Việt Nam có thể
‘hoàn tất điều tra’ trước Đại hội 13
Các diễn tiến thanh tra, điều tra liên quan dự án dầu khí Junin 2 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ở Venezuela vẫn đang tiếp tục, và có thể hoàn tất trước Đại hội 13 đầu năm 2021.
Được biết Bộ Công an đang xác minh tố giác về dấu hiệu sai phạm tại dự án Junin 2 – Venezuela, còn ở phía dân sự, Bộ Tài chính đang làm báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Các tranh cãi, tố giác chủ yếu tập trung vào hai câu hỏi: Báo cáo trữ lượng và Báo cáo đầu tư của dự án có sai phạm gì hay không.
Hồi đầu năm nay, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu C03 đề nghị PVN cung cấp toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan đến việc thực hiện dự án này.
Thông tin đến nay cho thấy Tổng Công ty Thăm dò, Khai thác dầu khí Việt Nam PVEP – thành viên của PVN góp 40% vốn liên doanh làm ăn với Tổng Công ty dầu khí Venezuela.
Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1,8 tỉ USD cho giai đoạn 1 từ 2010-2015.
Năm 2013, dự án đã tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tháng Chín năm nay, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục làm rõ các vấn đề như Thẩm quyền đầu tư đối với các dự án để làm rõ trách nhiệm về các sai phạm, trong đó có dự án Junin 2 – Venezuela.
Dự án đầu tư khai thác mỏ lô Junin 2 tại Venezuela do Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP), công ty con của PVN, làm chủ đầu tư, từ năm 2010.
Thời gian đó, tổng giám đốc PVEP là ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, người sau này đã từ chức Tổng giám đốc PVN.
Đây cũng là giai đoạn khi ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị đang thụ án tù, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN (2008-2011).
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54553756
Bộ Ngoại giao Việt Nam
thông báo về chuyến thăm của Thủ tướng Nhật
Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ có chuyến công du Đông Nam Á từ ngày 18-21/10 và Việt Nam là nước đầu tiên ông đến thăm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết thông tin vừa nêu, tại cuộc họp báo vào chiều ngày 15/10.
Bà Lê Thị Thu Hằng nói rằng chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Suga Yoshihide đến Việt Nam “trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang tiếp tục phát triển tốt đẹp” và chuyến thăm sắp tới của tân Thủ tướng Nhật Bản “nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản; trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, hợp tác nguồn nhân lực, giáo dục-đào tạo, văn hóa; trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm”.
Lịch trình của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide trong chuyến thăm Việt Nam được cho biết dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hội kiến lãnh đạo cấp cao Việt Nam và một số hoạt động khác. Qua đó, hai bên dự kiến sẽ trao đổi về hợp tác trên một loạt lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, nhằm tăng cường hợp tác thực chất trong lĩnh vực này; phối hợp và triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình cũng như tăng cường hợp tác quốc phòng trong các khuôn khổ đa phương.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong cùng ngày, dẫn nguồn tin từ Nikkei cho biết mục đích của chuyến công du đến Đông Nam Á là Thủ tướng Suga Yoshihide kêu gọi các biện pháp khuyến khích đầu tư vào Đông Nam Á.
Nikkei cho biết Chương trình khuyến khích doanh nghiệp Nhật mở cơ sở ở Đông Nam Á sẽ được Thủ tướng Suga Yoshihide thông báo trong chuyến thăm Việt Nam.
Chuyến công du Đông Nam Á là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Suga Yoshihide, kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản và là lần thứ hai liên tiếp Việt Nam được ông chọn là quốc gia đầu tiên đến thăm.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản trong năm 2019 đạt 39,9 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2018, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản năm 2019 đạt 20,4 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018.
Chính phủ Nhật Bản trong năm 2020 đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam số tiền 2 tỷ Yên, tương đương 436 tỷ đồng để chống dịch COVID-19.
Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối
các công ty Trung Quốc hoạt động ở Tam Sa
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 15/10 lên tiếng phản đối việc Trung Quốc cho các công ty đăng ký hoạt động tại thành phố Tam Sa ở Biển Đông.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội, bà Hằng nói: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa và hành vi có liên quan là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam mạnh mẽ phản đối các hành động này.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng việc Trung Quốc thành lập Tam Sa là không có giá trị và không được quốc tế công nhận, đồng thời không có lợi cho quan hệ hai nước, gây mất ổn định tình hình khu vực.
Trung Quốc lập thành phố Tam Sa vào tháng 7 năm 2012 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam, mục đích nhằm kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp với các nước khác.
Hồi tháng 4 năm nay, Trung Quốc thông báo việc lập hai quận hành chính là Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa).
Trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington DC mới đây cho biết đã có hơn 400 doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký hoạt động ở thành phố Tam Sa.
Theo AMTI, trước khi Tam Sa được thành lập vào năm 2012, Trung Quốc mới có chưa đến 10 công ty đăng ký hoạt động. Nhưng đến tháng 6/2019, đã có đến 446 doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp nhỏ đăng ký với chính quyền Tam Sa. Trong số này có 307 công ty báo cáo vốn đăng ký tích luỹ là hơn 1 tỷ đô la.
Theo AMTI, các công ty này cũng tham gia vào việc lắp đặt các cơ sở hạ tầng như các trạm 4G, 5G để phục vụ thông tiên liên lạc cho tàu thuyền và hạ đặt cáp quang dưới biển.
Nghị định mới của Chính phủ siết chặt
việc kiểm soát tổ chức họp báo
vì lý do an ninh quốc gia
Giang Nguyễn
Chính phủ Việt Nam hôm 7/10/2020 ban hành nghị định về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí và hoạt động xuất bản.” Nghị định 119/2020/NĐ-CP do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký có một số thay đổi về việc xử phạt hành chính trong lãnh vực báo chí và xuất bản.
Theo mạng báo VN Express đưa tin ngày 13/10, Nghị định 119 thay thế Nghị định 159 của năm 2013, trong đó nổi bật là điều khoản ghi nhận mức phạt tiền đối với “hành vi họp báo có nội dung gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia” mà chưa đến mức nghiêm trọng mang trách nhiệm hình sự.
Hành động vi phạm theo Nghị định 119 bị phạt tiền từ 140-200 triệu đồng, tức là gấp đôi so với Nghị định trước đây.
Ngoài ra, mức phạt tiền tối đa đối với một số hành vi vi phạm hành chính khác cũng đã tăng lên nhiều. Ví dụ trong Điều 11 khoản 1, quy định hành vi họp báo nhưng không thông báo trước bằng văn bản hoặc thông báo không đúng thời gian quy định, với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, gấp 5-6 lần so với mức phạt tối đa từ 200.000 đồng đến 500.000 trước đây.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, người từng viết cho Tạp chí Cộng sản, nhận định với Đài Á Châu Tự Do rằng trong khi internet và mạng xã hội phát triển, báo chí truyền thống cũng bị ảnh hưởng, “cuốn theo trào lưu mạng” chạy tin tích cực hơn xưa. Vì vậy, ông nhận định:
“Nhà nước Việt Nam mới phải làm ra nghị định quy định những việc, gọi là để huýt còi (cảnh cáo) những cơ quan báo chí có thể đã vượt qua lằn ranh đỏ của Ban tuyên giáo cũng như các cơ quan báo chí nói chung”.
Về cụm từ “hành vi họp báo có nội dung gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia”, ông Bình lập luận rằng nó cố tình mập mờ không định nghĩa cụ thể “lợi ích quốc gia” là gì để chính quyền có thể tùy ý áp dụng trong khi phải xử lý những hoạt động báo chí mà họ cho là nhạy cảm.
“Về lợi ích quốc gia, câu rất là chung, nhưng mình có thể hiểu là lợi ích quốc gia bao giờ cũng là an ninh quốc gia, và cả vấn đề đối ngoại nữa. Ví dụ như họp báo mà nói đến những vấn đề phê phán nhà nước, như kích động biểu tình hoặc gì đó thì cái đó là an ninh quốc gia. Nhưng mà họ không nói rõ lợi ích quốc gia cụ thể là gì. Còn một khía cạnh nữa là quan hệ đối ngoại, ví dụ như quan hệ Trung Quốc, rồi Việt-Mỹ Đó cũng là một trong những cái gọi là nhạy cảm”.
Đối với nhà báo Trương Châu Hữu Danh thì Nghị định 119, mức phạt tiền tối đa được nâng cấp không mang đủ tính cách răn đe, và ông cho là điều khoản về nội dung họp báo cũng không phải là một thực tế cần phải quan tâm. Ông nhận định:
“Đối với tình hình chính trị Việt Nam, nếu như có những nhóm ngồi hội họp bàn chuyện thì rất là dễ để xử lý họ bằng những điều luật khác như là chống phá nhà nước, lật đổ chính quyền. Còn gọi là họp báo với nội dung đó trong thực tế không có. Quy định này có lẽ họ làm để mình nhìn trông có vẻ là chặt chẽ chứ còn chế tài thực sự tôi không nghĩ sẽ xảy ra”.
Những loại hội họp với nội dung ‘nhạy cảm’ như ông Trương Châu Hữu Danh đề cập, trên thực tế đã bị chính quyền theo dõi chặt chẽ, thậm chí ban tổ chức và báo chí tham gia bị làm khó dễ. Điển hình như tọa đàm về “Vùng biển bãi Tư Chính và Luật pháp Quốc tế” được tổ chức vào ngày 6 tháng 10 năm ngoái tại Hà Nội.
“Ở Việt Nam chưa bao giờ có một tổ chức nào ở ngoài nhà nước mà được họp báo cả. Chưa nói đến những tổ chức dân sự, người dân, không có. Kể cả cơ quan, muốn có họp báo phải có sự cho phép của chính quyền, chứ không phải muốn là họp báo được”. -Nhà báo Anton Tuấn
Nhà báo tự do Anton Tuấn của truyền hình CHTV thuật lại với Đài Á Châu Tự Do:
“Chúng tôi có đến quay phim lại. Chúng tôi làm rất công khai, không có gì dấu diếm. Nhưng khi anh em chúng tôi đi ăn trưa xong quay vào tiếp tục tọa đàm, thì Công an Hà Nội đã giữ anh em chúng tôi, gần như là bắt cóc chúng tôi, rồi đưa về đồn đến tối và thu giữ của chúng tôi 8 điện thoại, máy ảnh, máy quay phim. Như vậy là vi phạm pháp luật. Và họ không lập biên bản. Việc làm như thế, tôi có nói, ai ra lệnh các anh làm như thế”?
Ông nói buổi tọa đàm đó là việc chính đáng và có sự tham gia và đồng thuận của nhiều cấp trí thức, viên chức nên có bị hoãn một lần, nhưng không bị cấm hoàn toàn. Nhưng đối với nhà báo tự do như phóng viên của CHTV tại hiện trường, nhà nước muốn đàn áp thì cứ đàn áp, và ông cho là Nghị định 119 với điều khoản về những họp báo là thừa.
“Ở Việt Nam chưa bao giờ có một tổ chức nào ở ngoài nhà nước mà được họp báo cả. Chưa nói đến những tổ chức dân sự, người dân, không có. Kể cả cơ quan, muốn có họp báo phải có sự cho phép của chính quyền, chứ không phải muốn là họp báo được”.
Ông lập luận thêm rằng các họp báo chính thức, trước khi xúc tiếng, cũng đã trải qua nhiều vòng kiểm duyệt, từ người được quyền phát biểu cho đến người đưa tin phải có thẻ nhà báo:
“Từ trước giờ báo chí cũng đã bị kiểm duyệt rồi. Ngoài tổng biên tập, Ban tuyên giáo, Bộ thông tin truyền thông. Nhưng bây giờ trong nghị định này, còn thêm phần phải được sự đồng ý của người phát ngôn. Và ngay cả người phát ngôn cũng bị kiểm duyệt, đến lúc họ đồng ý thì mới được đăng, nếu phát ngôn sai thì không được đăng. Thì toàn bộ nó bị bóp méo sự thật của ngành báo chí”.
Ông nhận định toàn bộ Nghị định 119 vi phạm Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam về tự do báo chí, tự do ngôn luận. Và trong từng quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí, chính quyền cũng có nhiều sai lầm:
“Nói chung Nghị định 119 tôi đánh giá nó vi hiến nhiều vấn đề chứ không chỉ việc họp báo ảnh hướng đến (lợi ích) quốc gia. Ngay như việc xử phạt, những cơ quan được phép xử phạt, ngoài chánh thanh tra của sở thông tin và truyền thông, thì còn có những cơ quan như là biên phòng, thuế vụ, cấp huyện, … Họ đã chắc nắm được gì về báo chí? Hải quan liên quan gì đến báo chí? Cũng lại đưa ra là được phép xử phạt. Thế thì rất nhiều điều không đúng với hiến pháp”.
Nghị định 119 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 12 năm 2020.
Carl Thayer nhận định
việc Việt Nam bắt giữ Phạm Đoan Trang
Tina Hà Giang
Nhận định với BBC News Tiếng Việt về việc nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt giam, GS Carl Thayer thổ lộ là ông không ngạc nhiên, nhưng ‘hoàn toàn sửng sốt’ về thời điểm sự kiện này xảy ra.
GS Carl Thayer: Khi nghe tin, tôi không ngạc nhiên về việc Đoan Trang bị bắt, vì cô ấy từng đụng độ với công an từ năm 2018, không chỉ rất nhiều ấn phẩm của cô, mà còn những chỉ trích của cô về cách đưa tin của Việt Nam về diễn tiến sự kiện xảy ra tại Đồng Tâm vào tháng Giêng. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn sửng sốt về thời điểm Việt Nam bắt giữ cô ấy, chỉ vài giờ sau khi kết thúc Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ.
BBC: Giáo sư nghĩ gì về việc Đoan Trang bị bắt giữ ngay tại thời điểm này? Đó là điều ngẫu nhiên, hay để gửi một thông điệp đến Mỹ, và nếu thế, thông điệp đó là gì?
GS Carl Thayer: Có hai kết luận chính mà chúng ta có thể rút ra về vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang chỉ vài giờ sau khi Đối thoại Nhân quyền Việt Nam – Hoa Kỳ kết thúc. Thứ nhất là Việt Nam đã kiềm chế việc bắt giữ cô trước cuộc đối thoại nhân quyền để không kích động phản ứng của Hoa Kỳ. Thứ hai, việc Đoan Trang bị bắt nhanh chóng sau cuộc đối thoại là một dấu hiệu cho thấy một thành phần có ảnh hưởng trong bộ an ninh quốc gia của Việt Nam vẫn không tin tưởng Hoa Kỳ và khó chịu khi họ nghi ngờ Hoa Kỳ có bất cứ thái độ nào bị cho là xen vào nội bộ của Việt Nam.
Trong bối cảnh này, chúng ta cần lưu ý rằng ba Đại biểu Quốc hội Hoa Kỳ – Zoe Lofgren, Harley Rouda và Alan Lowenthal, tất cả đều là đảng viên Dân chủ từ California, cùng với cộng đồng người Mỹ gốc Việt – đã viết thư cho Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 2/10, trước cuộc đối thoại nhân quyền, yêu cầu ông nêu ra trường hợp ông Nguyễn Bắc Truyển, nhà hoạt động ủng hộ dân chủ hiện đang bị giam cầm.
Ngoài ra, vào ngày 2/10, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ thông báo sẽ bắt đầu hai cuộc điều tra, một điều tra liên quan đến việc Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ và điều tra khác liên quan đến việc Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam nhập khẩu và sử dụng gỗ bị xẻ và buôn bán trái phép.
BBC: Có người cho rằng Việt Nam bắt Đoan Trang để thử phản ứng của Mỹ, đặc biệt là của Daniel Kritenbrink , Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Ông nghĩ gì về nhận định này?
GS Carl Thayer: Việt Nam rất thành thạo trong việc tận dụng những khác biệt trong Chính phủ Hoa Kỳ. Một mặt, Tổng thống Donald Trump và các quan chức Nhà Trắng tỏ ra ít quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam. Họ chủ yếu quan tâm đến các vấn đề thương mại và muốn Việt Nam làm đối tác chiến lược trong chiến dịch chống Đảng Cộng sản Trung Quốc của Pompeo. Trong vài năm qua, Quốc hội và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bắt đầu chỉ nêu vấn đề nhân quyền với một số quốc gia.
Việc Việt Nam bắt giữ Đoan Trang cho thấy mâu thuẫn giữa một bên là Tổng thống và Nhà Trắng, một bên là các dân biểu và các thành phần của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Hành động của Việt Nam cũng đặt ra một tình huống khó xử cho Đại sứ Daniel Kritenbrink, người phải cân bằng giữa việc thúc đẩy các giá trị của Mỹ với nỗ lực mời gọi Việt Nam tham gia nỗ lực chống Trung Quốc của Ngoại trưởng Pompeo. Điều thứ hai có thể sẽ không còn là vấn đề, nếu đúng như tin đồn, Kritenbrink sẽ từ chức vai trò Đại sứ Hoa Kỳ.
BBC: Việc bắt giữ Đoan Trang, theo ông, sẽ ảnh hưởng thế nào đến ấn tượng của thế giới về quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam? Theo ông, Hà Nội có quan tâm thế giới nghĩ gì về họ không?
GS Carl Thayer: Việc Việt Nam bắt giữ Đoan Trang đã làm dấy lên cơn thịnh nộ của tất cả những tổ chức quen thuộc – Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Bảo vệ Người bảo vệ, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, v.v.
Việt Nam chủ yếu lo ngại là phản ứng của các chính trị gia ở Châu Âu Nghị viện và các cơ quan lập pháp ở các nền dân chủ tự do (Úc, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Na Uy, Hoa Kỳ, v.v.) có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại và giao thương như thế nào. Và tất nhiên, Việt Nam cũng lo ngại về tác động của các hoạt động nhân quyền trong nước đối với uy tín quốc tế của mình.
Tuy nhiên, Việt Nam đã quen với việc hứng chịu những lời chỉ trích của quốc tế về hồ sơ nhân quyền và việc bắt giữ Đoan Trang trong bối cảnh đại dịch virus corona đang hoành hành trên toàn cầu, sẽ không gây tác động tiêu cực lớn nào đến Việt Nam. Trong khi số ngày làm Chủ tịch ASEAN đã sắp hết, Việt Nam vẫn sẽ phục vụ thêm một năm nữa trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
BBC: Ông giải thích thế nào về việc Việt Nam ngày càng bắt giữ nhiều người bất đồng chính kiến trong vài năm gần đây?
GS Carl Thayer: Sự tăng trưởng kinh tế đáng kể của Việt Nam và việc mạng lưới Internet trở nên thông dụng trong cộng đồng nói chung, đã tạo ra một làn sóng hoạt động chính trị trên truyền thông xã hội. Điều này đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình và phản đối công khai hơn về nhiều vấn đề khác nhau, từ môi trường, tham nhũng, đến Trung Quốc và Biển Đông.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã ưu tiên cho chiến dịch chống tham nhũng nhằm nâng cao tính chính danh chính trị của mình. Đảng CSVN không chấp nhận bất cứ thách thức nào về thể chế độc đảng của mình, và việc bùng nổ các cuộc biểu tình phản đối Luật Đặc khu hành chính kinh tế và Luật An ninh mạng hai năm trước là một bước ngoặt. Các cơ quan an ninh Việt Nam đã hành động một cách có phương pháp và hệ thống để trấn áp các cá nhân và nhóm thách thức quyền lực của họ.
BBC: Ông nghĩ thời điểm Đoan Trang bị bắt có liên quan gì đến cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ không?
GS Carl Thayer: Đúng vậy, rất có thể việc các quan chức Việt Nam tính toán là nên bắt Đoan Trang sớm hơn thay vì trễ, vì chính quyền Trump và các thành viên Quốc hội sẽ tập trung hoàn toàn vào cuộc bầu cử ngày 3/11, chưa kể đến việc lấp ghế trống cho Tối cao Pháp viện. Chính quyền mới sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 năm tới và việc Đoan Trang bị bắt lúc đó sẽ là tin cũ.
Các nhà lãnh đạo của Việt Nam có lẽ ủng hộ việc Trump tái đắc cử với tiền đề “ma quen hơn quỷ lạ”. Nếu Biden thắng và đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam có nhiều khả năng bị giám sát chặt chẽ hơn là dưới thời Chính quyền Trump trong nhiệm kỳ thứ hai.
BBC: Thế còn việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang họp đại hội lần thứ 13 có liên quan gì đến việc Đoan Trang bị bắt không?
GS Carl Thayer: Đoan Trang bị bắt trong khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang họp đại hội lần thứ 13 (5-9/10). Đại hội đã nhất trí bổ sung các nội dung hoàn thiện cho các văn bản chính sách quan trọng, chẳng hạn như Báo cáo chính trị và các kế hoạch kinh tế – xã hội khác nhau, để đưa ra lấy ý kiến công chúng trước khi triệu tập đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13 vào đầu năm sau. Các nhà lãnh đạo của Việt Nam muốn kiểm soát tối đa quá trình này để tạo ra sự ủng hộ gần như nhất trí của công chúng đối với các chính sách của đảng.
Đại hội 13 của Trung ương đảng cũng đã thông qua danh sách các ứng cử viên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, trong đó có một nhóm các ứng cử viên thuộc khối công an. Nhiều tháng trước Hội nghị Trung ương 13, số thứ trưởng của Bộ Công an đã được mở rộng lên thành chín người.
Bộ Công an là cơ quan trung ương, tổ chức đại hội đảng bộ riêng để chọn đại biểu dự đại hội toàn quốc. Rõ ràng là từ sự việc ở Đồng Tâm vào tháng Giêng, các quan chức công an rất nhạy cảm với chỉ trích
của công chúng về hành động của họ trong việc cử một lực lượng 3.000 cảnh sát đến bắt giữ những người biểu tình trong làng. Sự can thiệp của cảnh sát đã dẫn đến cái chết của ba người cảnh sát và một cựu quan chức làng lớn tuổi trong hoàn cảnh vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, việc Đoan Trang là tác giả của các bài báo chất vấn thông tin chính thức của công an về sự việc Đồng Tâm đã khiến cô trở thành mục tiêu chính bị đàn áp.
https://www.bbc.com/vietnamese/54537862
Việt Nam với đại dự án
“Vành đai và Con đường” (BRI)
TS. Đinh Hoàng Thắng
“Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) được Trung Quốc ví như một chuyến tàu tốc hành mà đại quốc này muốn mời gọi các tiểu quốc cùng mua vé đi chung nhằm xây dựng các mối quan hệ nhiều mặt trong tương lai. Để giải mã được phản ứng của Việt Nam đối với “đại dự án thế kỷ” này và ý đồ chiến lược thực sự của Bắc Kinh, giới nghiên cứu quốc tế và trong nước hiện đang thẩm định dự án từ nhiều góc độ khác nhau.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam vốn được định vị trong nhận thức rằng, nền tảng của bang giao Việt – Trung là hữu nghị và hợp tác. Tuy nhiên, đa số trong giới này vẫn coi Trung Quốc vừa là đối tác vừa là đối tượng. Trừ một số trường hợp đặc biệt – mà tướng An ninh Trương Giang Long có lần nhắc đến – nhìn chung lãnh đạo Việt Nam ý thức được BRI là công cụ để Tàu bành trướng thế lực. Cứ quan sát quá trình kiềm chế Bắc Kinh giành lại quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm của “Bộ Tứ” qua chiến lược “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) từ tháng 11/2017 đến nay thì rõ. Các đại cường còn thế huống chi là Việt Nam.
Đối với người dân, cảm quan chung về Trung Quốc, trước hết là về BRI khá tiêu cực. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu PEW, 80% dân số Việt Nam coi sự mở rộng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc là mối đe doạ hàng đầu đối với Hà Nội. Chẳng cần đi sâu vào lịch sử các đợt “chinh phạt” qua hàng ngàn năm, chỉ cần nhìn lại cuộc xâm lăng của Trung Quốc 17/2/1979 và 10 năm xung đột dai dẳng do Trung Quốc khởi xướng cũng đủ để thấy mức độ tàn bạo của chủ nghĩa bá quyền.
Ngày nay, BRI được triển khai trong bối cảnh Trung Quốc lợi dụng đại dịch Vũ Hán để làm mưa làm gió trên Biển Đông. Hẳn nhiên vào thời điểm kinh tế và xã hội Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn do COVID-19, nên Việt Nam đã buộc phải nhượng bộ. Bỏ ra trên 1 tỷ USD đền bù cho các đối tác nước ngoài, rút khỏi các các cơ sở làm ăn chính ngay trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam khi bị Trung Quốc chèn ép và xua đuổi.
Riêng sự ức hiếp nói trên cũng đủ để những người có trọng trách ở Ba Đình phải suy nghĩ. Biển Đông ngày có tầm quan trọng rất lớn đối với tương lai, chủ quyền, an ninh và phát triển của đất nước. Không chỉ xuất phát từ kinh tế, Hà Nội còn có lý do chính trị và địa-chiến lược để cân nhắc và tính toán trước các khoản vay của Trung Quốc thông qua dự án BRI này. Thái độ đối với BRI sẽ còn là sự bảo đảm tính chính danh cho nhà cầm quyền trong con mắt dân chúng.
Tuy nhiên, những công ty xuất nhập khẩu làm ăn với các thương lái Tàu thì quan điểm đối với BRI lại “mềm” hơn. Đường bộ và đường sắt kết nối miền nam Trung Quốc với tiểu vùng sông Mekong mở rộng khiến cho chi phí và thời gian vận chuyển hàng hoá giảm, nên giới này hưởng ứng. Tuy nhiên, cũng có một số nhà nhập khẩu không nghĩ như thế. Các doanh nghiệp lớn của Tàu tràn vào, với khả năng tài chính và công nghệ “trên cơ”, các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh ngang bằng.
Chưa kể những tấm gương tiêu cực vẫn sừng sững. Cả doanh nghiệp lẫn người dân kinh hãi trước một số dự án Tàu trúng thầu như các cung đường Cát Linh – Hà Đông, Hà Nội – Hải Phòng… Chúng gây ra vô số những vấn đề nghiêm trọng. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chậm trễ 5 lần, đội vốn 205%. Đây quả thật là “biểu tượng” của bang giao song phương, với hàng loạt mỹ từ dân gian: “khúc xương 13 km”, “vua chậm trễ”, “nhát dao chém ngang trên mặt cô gái”…
Các cấp độ nhận thức khác nhau nói trên dường như chứa đựng những quan điểm mâu thuẫn về BRI. Một mặt, nhà cầm quyền hy vọng dù mong manh, có thể tối đa hoá lợi ích mà Việt Nam mong đợi từ BRI. Mặt khác, Việt Nam không thể không đề phòng những rủi ro và các mối đe doạ tiềm tàng, nhất là trên Biển Đông, do BRI mang lại.
Trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11/2017, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Bản Ghi nhớ về việc thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với BRI. Trên thực tế, “Hai hành lang, Một vành đai” đã được hai chính phủ thực hiện từ trước khi có BRI. Nhưng tới
nay, hoạt động trong khuôn khổ hành lang Côn Minh-Hà Nội-Hải Phòng và hành lang Nam Ninh-Hà Nội-Hải Phòng vẫn chưa có kết quả khả quan.
Trên bối cảnh ấy, trong quá trình thúc đẩy BRI, phía Trung Quốc nhân tiện làm sống lại ý tưởng này và cũng gắn nó với “dự án thế kỷ”. Đây là cách Trung Quốc cho thế giới thấy, Việt Nam ủng hộ BRI. Tuy nhiên, kể từ tháng 11/2017 tới nay, chưa có những triển khai thực chất nhằm kết nối hai khuôn khổ này với nhau. Trên thực tế, ngoại trừ ba dự án về đặc khu đang bị người dân kịch liệt phản đối, BRI thực sự cũng chưa có tiến triển đáng kể nào ở Việt Nam.
“Đa dạng hoá các đối tác chiến lược và toàn diện” chính là một trong những lối ra hiện nay của Việt Nam. Nếu muốn thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc ở các cấp độ khác nhau, kể cả với BRI, chính quyền Việt Nam phải kiến tạo được nhiều khuôn khổ đối trọng khác nhau. Nếu tham gia được vào “Mạng lưới các quốc gia thịnh vượng” trong khuôn khổ FOIP thì quả là cơ hội kim cương cho Việt Nam.
Để hoàn chỉnh một chiến lược hội đủ các yếu tố chống lại BRI nhằm ngăn ngừa rủi ro, đề phòng âm mưu của Trung Quốc, nhưng vẫn tận dụng được quan hệ hợp tác để phát triển (hưởng ứng BRI có mức độ), thì bên cạnh tăng cường sức mạnh cứng, nền Ngoại giao Việt Nam phải thực sự có những đột phá về chính sách. Từ duy trì trạng thái “cân bằng động” đến tham gia “cấu trúc an ninh tập thể” sẽ là một quá trình tiến hoá.
Trong quá trình ấy, Việt Nam từ nay phải chéo lái giữa “hai dòng nước xoáy” BRI và FOIP. Mâu thuẫn đối kháng Trung – Mỹ từ nay không chỉ thể hiện qua sự cạnh tranh quyết liệt giữa BRI và FOIP. Chuỗi xung đột Mỹ – Trung còn bao trùm cả cuộc hoa sơn luận kiếm giữa một bên là “chủ nghĩa toàn trị số hoá”, còn bên kia là “không gian mạng sạch”.
Ngày 13/10, Ngoại trưởng Vương Nghị lên tiếng cảnh báo các nước ASEAN không nên ngả theo Mỹ, đặc biệt là phải cảnh giác trước chiến lược Ấn Thái Dương của Hoa Kỳ mà ông Vương cho sẽ là một nguy cơ về an ninh trong khu vực. Trước đó, trong cuộc họp với các bộ trưởng ASEAN ngày 10/9, Ngoại trưởng Mike Pompeo kêu gọi ASEAN xem xét lại việc làm ăn với các công ty Trung Quốc mà Washington liệt vào danh sách đen. Ông Pompeo thẳng thừng, quý vị không chỉ dừng làm ăn với Trung Quốc, mà phải hành động cụ thể.
“Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” (Everything happens for a reason). Việt Nam và ASEAN rõ ràng dễ bị “kẹt cứng” giữa cả hai đại cường. Đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức trong cuộc đối đầu lịch sử này, chính sách của Hà Nội đối với BRI không thể chỉ đóng khung trong khuôn khổ bang giao Việt – Trung đầy trắc trở, mà còn phải bao hàm một tầm nhìn bao quát và rộng lớn hơn của ban lãnh đạo mới sau Đại hội 13. Hãy kiên nhẫn chờ xem!
Cùng đề tài trên:
https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/10971475.2020.1809818
Vietnam’s Perceptions and Strategies toward China’s Belt and Road Initiative Expansion: Hedging with Resisting
Việt Nam dè chừng Sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc
Ngày tàn của “Vành đai và Con đường”
http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Viet-Nam-voi-sang-kien-Vanh-dai-va-Con-duong-455683/
Việt Nam với “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI)
https://www.youtube.com/watch?v=Sq3AZC1Lwmk&ab_channel=sairagon188
Thiếu tướng Trương Giang Long – Quan hệ Việt Nam với các nước lớn
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vietnam-and-bri-10142020130810.html
Quan chức Mỹ
kêu gọi Việt Nam thả bà Phạm Đoan Trang
Một quan chức ngoại giao Mỹ mới lên tiếng kêu gọi thả ký giả tự do Phạm Đoan Trang, trong khi hai nhật báo hàng đầu Hoa Kỳ trích đăng bức thư Facebooker này viết trước khi bị bắt, trong đó nói rằng bà “không cần tự do cho riêng mình” mà muốn “tự do, dân chủ cho cả Việt Nam”.
Trong một tuyên bố trên Twitter, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông Robert A. Destro, viết rằng Hoa Kỳ “lên án” vụ bắt giữ bà Trang.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam ngay lập tức thả bà và hủy bỏ mọi cáo buộc”, ông Destro lên tiếng hôm 9/10, hai ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ gửi cho VOA Việt Ngữ bản thông cáo, trong đó không thúc giục phóng thích bà Trang mà chỉ kêu gọi chính quyền Hà Nội “bảo đảm các hành động và luật pháp phải phù hợp với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam”.
Viện dẫn cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” và “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước”, Việt Nam hôm 6/10 bắt giữ tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có “Phản kháng phi bạo lực”, ít giờ sau khi kết thúc cuộc đối thoại nhân quyền với phía Mỹ.
Người phó của ông Destro, quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Scott Busby dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia cuộc trao đổi trực tuyến kéo dài ba giờ, trong đó đôi bên bàn thảo nhiều vấn đề như “quyền tự do biểu đạt, hội họp”.
“Việc thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản vẫn là một trụ cột mang tính sống còn trong chính sách ngoại giao của Mỹ và là điều cốt lõi nhằm củng cố thêm nữa quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam”, Văn phòng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong thông cáo sau cuộc đối thoại.
Nhiều ngày sau khi chính quyền Việt Nam bắt bà Phạm Đoan Trang, báo chí Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đăng tải thông tin về vụ việc. Hôm 14/10, New York Times có bài viết với tựa đề: “Nhà hoạt động bị cầm tù để lại một bức thư. Thông điệp: Hãy tiếp tục đấu tranh”.
Một trong các nhật báo hàng đầu của Mỹ này trích dẫn bức thư đề ngày 27/5/2019 bà Trang viết về khả năng bà có thể phải “đi tù”, trong đó ký giả tự do nói rằng “tôi không cần tự do cho riêng mình; nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam”.
Washington Post, một tờ báo lớn khác của Hoa Kỳ, cũng dẫn lại câu nói này của bà Trang ngay trên tít của một bài xã luận mà một phần của nội dung nhận định rằng vụ bắt giữ nằm trong “chiến dịch đàn áp dường như gia tăng cường độ trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức 5 năm một lần, dự kiến diễn ra vào tháng Một” năm sau.
Thông cáo của Bộ Công an Việt Nam nói rằng Công an thành phố Hà Nội “đang tiếp tục điều tra” bà Trang “theo đúng quy định của pháp luật”. Tin từ bạn bè hiện quản lý tài khoản Facebook của bà Trang cho biết rằng ký giả này “đã bị di lý ra Hà Nội” từ TP HCM và luật sư Đặng Đình Mạnh hôm 12/10 đã “tiến hành đăng ký vào chữa” cho bà.
Trong cuộc đối thoại nhân quyền các năm trước đây, phía Hoa Kỳ từng nêu cụ thể một số nhà hoạt động bị cầm tù ở Việt Nam. VOA Việt Ngữ có đặt câu hỏi với cơ quan về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc phía Hoa Kỳ có lên tiếng về bất kỳ trường hợp nào trong cuộc đối thoại thường niên năm nay hay không, nhưng không nhận được hồi đáp.
Việt Nam ‘coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu’
Trước bà Trang, từng có nhiều nhà hoạt động được Việt Nam phóng thích sang Hoa Kỳ sau một thời gian thụ án tù cũng với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.
Trong lá thư được nhiều tổ chức nhân quyền và các cơ quan báo chí nước ngoài trích dẫn, ký giả từng làm việc tại nhiều tờ báo ở trong nước viết rằng “tôi rất không thích bị coi là món hàng để nhà nước trao đổi”.
“Thay vì thế, tôi muốn rằng nếu mình có đi tù thì giới hoạt động dân chủ phải là một lực lượng đàm phán với nhà nước, trong đó tập trung, nhấn mạnh vào việc đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới”, lá thư có đoạn.
“Bản án càng dài, xin các bạn càng tận dụng nó vào việc đàm phán và gây sức ép lên chính quyền Việt Nam, buộc chính quyền phải thực hiện các yêu cầu của chúng ta”.
Các cơ quan báo chí Việt Nam, trong đó có VnExpress và tờ Pháp luật TP HCM, nơi bà Trang từng có thời gian làm việc, không trích nội dung bức thư của bà mà chỉ dẫn thông tin của Bộ Công an Việt Nam khi đăng tải về vụ bắt giữ.
LS Trần Quốc Thuận:
Vài điều muốn nói trước Đại hội đảng
Luật sư Trần Quốc Thuận bình luận về công tác nhân sự, cùng một số diễn biến thời sự tiền Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam.
Công tác điều động, bổ nhiệm nhân sự của đảng tiền Đại hội 13 còn có điểm chưa rõ ràng, công cuộc ‘đốt lò’ chống tham nhũng vẫn có khía cạnh chưa rốt ráo, vẫn còn dấu hiệu về tính địa phương trong nhân sự và tham mưu kỷ luật, trong khi cũng cần lưu ý với quốc tế và nhân dân về vấn đề tôn trọng dân chủ và nhân quyền. Đó là một số điểm mà một nguyên lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Việt Nam bình luận với BBC tuần này về đảng Cộng sản Việt Nam.
Hôm 12/10/2020 từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, trước hết bình luận với BBC News Tiếng Việt về điều mà ông gọi là tính “rõ ràng, minh bạch”.
“Kỳ Đại hội lần này, có thể thấy việc điều bố nhân sự chủ chốt ở các tỉnh, thành phố rất là nhiều, chẳng hạn vừa qua là điều người là cán bộ Đoàn về dự kiến ứng cử làm Bí thư của tỉnh Đồng Tháp, rồi tỉnh này, tỉnh kia ở các nơi khác cũng có nhiều điều bố.
“Ví dụ Chủ tịch Hội Phụ nữ được điều bố về tỉnh Ninh Bình làm Bí thư tỉnh ủy, còn nhiều trường hợp khác đã công bố bổ nhậm hay giới thiệu tham gia đảng bộ ở các tỉnh, thành ngay trước đại hội. Đó là một chiều từ Trung ương xuống địa phương mà dư luận cũng đã thấy.
VN và nhân sự Đại hội 13: ‘Khó nhất vẫn là chức Tổng Bí thư’
Đại hội Đảng 13: “Nhân sự khó vì cố tìm theo lối cũ”
“Còn một chuyện khác cũng đáng chú ý, tức là theo chiều ngược lại, đó là ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư tỉnh Kiên Giang, con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được điều trở lại trung ương. Về Bộ Xây dựng, cái này quyết định nhân sự của trung ương đảng cho biết đến đâu, thì người dân và địa phương biết đến đấy. Trước đây, ông Nghị đã từng làm việc ở Bộ này rồi, ông có học vị Tiến sĩ và có chuyên môn Kiến trúc sư, nay người ta điều ông trở lại chỗ cũ và có tin nói ông sẽ được bố trí hay là ứng cử vào ghế Bộ trưởng Bộ Xây dựng,thông tin là như vậy, chưa thấy thông tin chính thức hơn, chưa thấy ai phát biểu cụ thể.
“Còn nếu phát biểu chính thống như điều ông Nguyễn Văn Nên, tiếng gọi là giới thiệu tham gia đảng bộ thành phố nhiệm kỳ tới, để làm Bí thư, rồi cũng như thông báo ông này, bà kia về tỉnh này, thành kia làm Bí thư, thì nếu ông Nghị mà về lại Bộ Xây dựng làm Thứ trưởng để rồi làm Bộ trưởng thì cần phải công khai tuyên bố.
“Như thế rõ ràng, minh bạch, theo tôi mới đúng, còn nếu chỉ đưa ra như thế thì công luận có thể hiểu mặt này, mặt kia, thế này, thế kia và trên thực tế có người đặt vấn đề đó là thăng, hay giảm hay thế nào khi chưa có phát biểu chính thức nào về việc ông ấy sẽ về Bộ Xây dựng làm Bộ trưởng.
“Cũng có nhiều trường hợp khác được điều từ địa phương về Trung ương và đó cũng là một hướng khác mà công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm của đảng làm và tiến hành ngay trước Đại hội”.
Có “cả vú lấp miệng em” không?
Về chiến dịch chống tham nhũng mà đảng Cộng sản Việt Nam và người lãnh đạo là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ xướng thời gian qua, luật sư Trần Quốc Thuận bình luận:
“Đài báo Việt Nam tuyên truyền, phổ biến chính thống rằng nếu ai nói rằng đây chỉ là xử lý bè phái, đấu đá nội bộ này kia, thiếu khách quan, cân bằng, thì đó là những ý kiến của phản động, phá rối cả.
“Nhưng tôi cho rằng đó có thể là một lối, một kiểu vu cáo ‘cả vú lấp miệng em’, cho nên cái đó cũng không hay gì. Rõ ràng nếu đặt lên xem xét lại toàn bộ các vụ xử lý, xét xử, thì thấy là có những vấn đề này, vấn đề kia chứ không phải là không.
“Có thể thấy rằng các vụ xử lý, kỷ luật, xét xử đã có một dàn tham mưu và những người tham mưu, đề xuất rất quan trọng.
“Bộ phận đề xuất chiến dịch và xử lý có thể có vùng miền, có những vấn đề quan hệ, rồi kể cả quen biết này kia, do đó cũng có thể có những ảnh hưởng tới các đề xuất, tham mưu.
“Và đó là một chuyện cũng dễ xảy ra ở một đất nước mà chưa được công khai, minh bạch thông tin, chưa được tự do báo chí và do đó thì có thể hiểu vì sao mà dư luận, các giới đặt vấn đề và bàn luận.
“Rồi cũng có ý kiến công luận đặt ra về mức độ, cách thức xử lý, mà tôi lấy ví dụ như trường hợp ở TP Hồ Chí Minh là với ông Tất Thành Cang. Vụ này, dư luận và đặc biệt ý kiến trên mạng xã hội rất nhiều.
“Và kể cả trong cán bộ, những người nghỉ hưu như chúng tôi gặp nhau, cũng nói nhiều. Có thể thấy ở đây có sự không bình thường, khi cách chức, thì cách chức Ủy viên Trung ương đảng, cách chức Phó Bí thư thường trực, nhưng mà còn cái Thành ủy viên thì không cách chức.
Đại hội Đảng 13 và ‘Cuộc đua Tam Mã’ vào ghế tổng bí thư
Đại hội 13: Đâu là thách thức chờ đợi dàn lãnh đạo mới của ĐCSVN?
Thử thách nào chờ đợi ông Nguyễn Văn Nên ở TPHCM?
“Rồi khi cách chức như thế, lại bố trí ông này làm việc phụ trách soạn lịch sử của Đảng bộ thành phố, điều đó làm cho người ta cảm thấy trái tai, buồn cười, nửa vời, rất không dứt khoát, rõ ràng.
“Bây giờ vẫn còn đó vụ Thủ Thiêm, vụ này cũng có những cán bộ cấp cao của thành phố, nguyên cựu, đương kim, có thể có những dính líu rất dữ, nhưng vẫn thấy chưa xử lý hay xét xử. Tôi cho rằng ở đây có những phức tạp dây mơ, rễ má thế này, thế kia.
“Tôi không nhìn thấy, nhưng có nghe thấy ý kiến trong công luận nói rằng khi mà ông Tất Thành Cang sửa bản đồ quy hoạch của Thủ Thiêm, kể cả ông Nguyễn Văn Đua nữa, thì tất cả những người đó mà tôi nói ở trên đã đồng ý và có nhiều chữ ký còn lưu trên đó.
“Như vậy, nếu xác định có sai trái nghiêm trọng và nếu khui ra hết những chữ ký đó là ai, thì sẽ có nhiều nhân vật.
“Cho nên ở đây về cách làm rất không rõ ràng, dứt điểm, thành ra công luận, cán bộ, nhân dân người ta xầm xì là có lý do, mặt khác người ta không hài lòng về việc ai phải chịu trách nhiệm về việc để dẫn tới quá nhiều cán bộ quan trong, lãnh đạo ở thành phố này bị mắc lỗi, bị kỷ luật đến thế.”
Còn “phe nhóm địa phương” không?
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, công luận và các giới quan tâm cũng đặt vấn đề về một khía cạnh khác trong dịp đảng CSVN đang chuẩn bị đại hội 13 kỳ này, đó là vấn đề mà ông nhấn mạnh là còn có chuyện ‘phe nhóm địa phương’ chủ nghĩa hay không trong các cơ quan, bộ máy quyền lực quan trọng của đảng.
“Bây giờ, nếu nhìn vào xử lý nhân sự của đảng, như tôi nói để mà trình lên và kết luận là có tội, có sai phạm, có khuyết điểm này kia hay không, rõ ràng ở đây có sự hoặc là vô tình hay cố ý mà toàn thấy là nhân sự của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
“Cụ thể như là ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, người mà gần đây bấy nay vẫn đề xuất kỷ luật, thì ông đó là người Hà Tĩnh.
“Rồi người ta cũng thấy là Trưởng Ban Nội Chính là người Nghệ An, rồi ông Tổng Kiểm toán Nhà nước thì cũng là người Nghệ An, chưa kể các nhân sự gốc từ hai địa phương này ở nhiều cơ quan, ủy ban, bộ ngành Trung ương, kể cả ở một số tỉnh, thành quan trọng.
“Trở lại vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ mà hết sức quan trọng trước thềm Đại hội 13 này, những cơ quan trực tiếp tham mưu, kết luận, đề xuất lên trên, cơ quan đó gồm những ai, ai có vị trí quan trọng nắm ở đó, thì cái đó chi phối dữ lắm.
“Nhiều khi người trình trình, tham mưu thế nào, thì kết quả cuối cùng được duyệt hay thi hành cũng chịu ảnh hưởng mạnh lắm.
“Mới đây có thông tin là ông Hồ Đức Phớc, bây giờ đang là Tổng Kiểm toán Nhà nước, bây giờ có thể về làm Chủ tịch TP HCM, nếu tin này mà có cơ sở và thành sự thực, thì ông ấy là người Nghệ An.
“Cho nên những người trình phương án, đưa ra đề xuất để kết tội, kỷ luật, xử lý cán bộ, nhân sự này kia thì thấy rằng các vị trí chủ chốt hầu hết toàn là người Nghệ An, Hà Tĩnh, đây là một thực tế công luận thấy và dựa vào đó người ta nói ra, cái đó đảng có cần xem xét không và làm có kịp không?”.
Và tự do hóa và nhân quyền thì sao?
Bình luận một diễn biến liên quan việc nhà cầm quyền và an ninh Việt Nam mới đây bắt giữ bà Phạm Đoan Trang, một nhà hoạt động xã hội dân sự và nhân quyền ở Việt Nam, Luật sư Trần Quốc Thuận nói:
“Vừa rồi có nhiều người dân nói và mong muốn là có tự do ứng cử, tự do đề cử ngay trong nội bộ đảng, nhưng cái đó cũng chưa thực hiện được, đúng hơn là không được thực hiện, huống gì ra ngoài xã hội, ra tới người dân.
“Ra ngoài xã hội, ra ngoài dân, như trường hợp cô Phạm Đoan Trang và nhiều người khác phát biểu, thì người ta xử lý ngay. Thành ra đó là cái mà nhiều người nói là ở Việt Nam thì còn lâu và còn mơ.
“Bây giờ cái mơ gần hơn là làm sao trong đảng có những cuộc bầu cử, ứng cử tự do, có cuộc tranh luận, tranh cử công khai, thực chất, thì cái đó sẽ là từng bước cụ thể, nếu làm được thì tốt.
“Nhân đây, tôi muốn nói về vụ việc cô Phạm Đoan Trang bị bắt, tôi thấy thông điệp ở đây là ở Việt Nam thì không được nói ngược lại những chủ trương của đảng và nhà nước, ở Việt Nam thì mọi người phải nghe theo.
“Nếu mà làm ngược lại, làm khác ở ngay trong đảng thôi, thì người ta đã xếp vào gọi là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cho nên đảng viên cũng như người dân phải làm đúng theo những gì đảng và nhà nước này yêu cầu, quy định, không được làm khác, không được nói khác.
Mỹ và Châu Âu kêu gọi thả bà Phạm Đoan Trang
Đại hội 13: Ý thức hệ của Đảng Cộng sản và căn bệnh thời đại
“Nhưng thời đại này là thời đại nào và vụ việc này, như vụ bắt cô Đoan Trang như thế, lại trong lúc chuẩn bị Đại hội đảng, thì đảng và nhà nước cũng cần phải nghĩ tới việc quốc tế họ sẽ nghĩ thế nào.
“Và tôi nghĩ nếu muốn biết quốc tế họ thực sự nghĩ gì thì cứ hỏi thẳng họ, có thể họ sẽ cho biết ngay điều gì mà họ đang nghĩ trong bụng họ.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54550115
Nhân sự của Đảng Cộng sản:
‘Sự áp đặt từ trên xuống’
Sự sắp xếp nhân sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong khóa tới ‘đều là do một nhóm nhỏ quyết định’ và thể chế độc đảng ‘khó lòng đảm bảo các nhân sự được chọn sẽ không tham nhũng’, một nhà quan sát chính trị từ trong nước nói với VOA.
Đảng Cộng sản Việt Nam đang trong giai đoạn cấp tập chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ 13 vào đầu năm sau để trình làng một thế hệ lãnh đạo mới khi dàn lãnh đạo chủ chốt hiện nay đa phần sẽ về hưu.
Trong bối cảnh đó, đã có một số sự điều chuyển các vị trí nhân sự trong Đảng để chuẩn bị cho các vai trò mới, trong đó có việc Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trở lại làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng còn ông Nguyễn Văn Nên, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, được giới thiệu làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Với sự điều chuyển này, gần như chắc chắn ông Nên sẽ có một ghế trong Bộ Chính trị khóa 13, cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi tương lai ông Nghị, vốn đã là ủy viên trung ương và từng là Thứ trưởng Xây dựng, vẫn còn mơ hồ.
Thăng hay giáng?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà bất đồng chính kiến và là nhà quan sát chính trị ở Hà Nội, cho rằng sự điều chuyển ông Nghị có thể có hai kịch bản: thăng chức hay giáng chức.
“Một là ông ấy không còn là bí thư Kiên Giang nữa nên khó có thể tiếp tục là ủy viên trung ương nữa,” và việc ông Nghị trở lại cái ghế trước đây ở Bộ Xây dựng ‘có thể xem như bị giáng cấp,’ tiến sĩ A nói.
Khả năng thứ hai là ông Nghị làm thứ trưởng để chuẩn bị lên làm lãnh đạo Bộ Xây dựng. Trong trường hợp này thì ông Nghị có thể được xem là ‘thăng chức’.
“Thăng chức hay giáng chức tùy thuộc vào kết quả đấu tranh giữa các phe, giữa phe ông Trọng và ông Dũng,” nhà quan sát này dẫn giải.
Việc ông Nghị bị đưa khỏi Kiên Giang, vốn được xem là ‘căn cứ địa’ của gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng, ông A nói, “Nếu ông ấy không vào trung ương nữa thì đó là sự nhổ tận rễ tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng.”
Nhiệm kỳ khóa 11 cũng như Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2016 đã chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng. Kết quả là ông Trọng tiếp tục làm Tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ còn ông Dũng phải về hưu.
Kể từ sau khi ông Dũng về hưu, nhiều nhân vật vốn được xem là phe cánh của ông Dũng, điển hình như cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, đã bị triệt hạ. Ông Thăng đã phải ngồi tù vì những sai phạm trước đó.
‘Không dân chủ’
Về sự điều chuyển ông Nguyễn Văn Nên, một người vốn không có xuất thân hay nền tảng ở thành phố lớn nhất nước, về làm lãnh đạo cao nhất thành phố này, ông A cho rằng nếu bổ nhiệm người gốc địa phương lên làm lãnh đạo thì người đó sẽ có nhiều lợi ích vì ‘ở đó họ có vợ con, gia đình, họ hàng, bạn bè’.
Các đời bí thư hay chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh trước đây đa số là những người có xuất thân hay trải qua quá trình công tác ở thành phố này rồi được thăng cấp sau đó, trong khi ông Nên xuất thân ở tỉnh Tây Ninh, sau lên làm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ rồi chuyển sang làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Tiến sĩ A nói việc điều ông Nên về thành phố Hồ Chí Minh là ‘quyền của Bộ Chính trị mà có cần lấy ý kiến gì của Thành ủy và các đảng viên ở đấy đâu’ trong khi ‘lẽ ra đảng bộ ở đó phải được quyền bầu ra người đại diện của họ.’
“Dân chủ theo kiểu cộng sản, ngay cả trong Đảng cũng không có dân chủ,” nhà hoạt động này nhận xét.
“Nhân sự của Đảng cộng sản tất cả đều do một nhóm người quyết định,” cho nên nếu Đảng chọn được người ít tham nhũng và có khả năng thì dân được nhờ, còn ngược lại thì ‘dân đành phải chịu,’ vẫn theo lời tiến sĩ Nguyễn Quang A.
“Từ mấy chục năm nay bao giờ họ cũng làm rất chặt và kỹ càng chuyện nhân sự chứ không phải chỉ dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng họ có làm được hay không?” ông A đặt vấn đề.
Do đó ông A cho rằng chuyện cán bộ không tham nhũng ‘là vấn đề thể chế’ chứ không phải ‘ở việc chọn người’.
“Người dân Việt Nam chẳng có lợi ích gì, cho dù phe nào thắng trong cuộc đối đầu giữa ông Trọng với ông Dũng,” nhà hoạt động Nguyễn Quang A nhận định. “Họ chỉ là những nhóm người phấn đấu cho lợi ích của họ là chính, chứ không phải là lợi ích của đất nước.”
Điểm tin trong nước sáng 15/10-
Lũ lụt ở miền Trung Việt Nam:
Mỹ, Đài Loan bày tỏ cảm thông sâu sắc
Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục lục bài viết
Miền Trung có khả năng đón bão số 8
Lũ lụt ở miền Trung Việt Nam: Mỹ, Đài Loan bày tỏ cảm thông sâu sắc
3 thủy điện ở Quảng Nam đồng loạt xả lũ điều tiết
Nhà điều hành thuỷ điện Rào Trăng 3 bị vùi lấp, nỗ lực tìm kiếm người mất tích
Bốn tỉnh miền Trung đề nghị hỗ trợ 6.500 tấn gạo
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Năm (15/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Miền Trung có khả năng đón bão số 8
Bão số 7 vừa tan trên đất liền các tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An, một áp thấp nhiệt đới khác chuẩn bị di chuyển vào Biển Đông và khả năng mạnh thành bão trong 2 ngày tới.
Ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão số 8 sẽ tác động trực tiếp đến các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Ảnh hưởng của xoáy thuận nhiệt đới trên biển, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa lớn trở lại từ ngày 16/10 đến ngày 21/10. Trọng tâm mưa trong các ngày 17-19/10.
Lũ lụt ở miền Trung Việt Nam: Mỹ, Đài Loan bày tỏ cảm thông sâu sắc
Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam hôm 14/10 bày tỏ sự cảm thông sâu sắc nhất tới người dân Việt Nam trước những thương vong, thiệt hại về tài sản và mất nhà cửa do lũ lụt tại miền Trung gây ra.
Thông điệp được đăng trên trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội.
Thông điệp nhấn mạnh: “Chúng tôi sát cánh bên Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong lúc này, khi các bạn tiếc thương những người thân yêu và khắc phục các thiệt hại do trận lũ lụt tồi tệ này gây ra, và rồi bước tiếp, như cách mà con người Việt Nam vẫn luôn như vậy”.
Trong thông điệp, phái đoàn ngoại giao Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong công việc tái thiết.
“Với sự dẫn dắt của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam và chúng tôi đang chuẩn bị cho các kế hoạch hỗ trợ tiếp theo”
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Đài Loan trong một thông cáo cho biết người đứng đầu vụ Đông Á và Thái Bình Dương Larry RL Tseng đã gửi lời chia buồn của Đài Loan tới Việt Nam trước những mất mát về người và tài sản do lũ lụt gây ra.
Ông Tseng bày tỏ sự cảm thông với ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, nói thêm rằng Đài Loan luôn sẵn sàng giúp đỡ khi nhận được yêu cầu.
3 thủy điện ở Quảng Nam đồng loạt xả lũ điều tiết
Theo báo Người lao động, chiều 14/10, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam đưa ra cảnh báo mưa lớn trên diện rộng ở địa phương, và các hồ thủy điện ở phía thượng nguồn tỉnh này đều đã tích đầy nước.
Trước tình hình trên, trong ngày 14/10, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Đak Mi 4 vận hành hạ dần mực nước hồ chứa về mực nước cao nhất trước lũ.
Cụ thể, ông Thanh yêu cầu Thủy điện A Vương vận hành xả nước xuống hạ du với lưu lượng bằng lưu lượng nước về hồ cộng với 200 m3/giây, nhằm hạ mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ trước 15 giờ ngày 16/10; thủy điện Sông Bung 4 xả nước xuống hạ du với với mức lưu lượng bằng lưu lượng về
hồ cộng thêm (450-500) m3/giây; thủy điện Đak Mi 4 xả nước xuống hạ du với với mức lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm 150 m3/giây. Thời gian các thủy điện trên xả lũ từ 15 giờ ngày 14/10.
Trong văn bản, ông Thanh yêu cầu các thủy điện vận hành xả nước phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở hạ du.
Nhà điều hành thuỷ điện Rào Trăng 3 bị vùi lấp, nỗ lực tìm kiếm người mất tích
Liên quan đến vụ sạt lở thuỷ điện Rào Trăng 3 khiến 17 công nhân và đoàn công tác 13 người mất tích.
Báo VnExpress đưa tin, chiều 14/10 Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố, Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cho biết sau khi tiếp cận vị trí trạm kiểm lâm 67, các nhân viên cứu hộ đã nỗ lực tìm kiếm 13 người song chưa có kết quả. Tại hiện trường trạm kiểm lâm 67 đã bị san phẳng, chỉ còn lại một phần mái tôn của trạm kiểm lâm, diện tích sạt lở lên đến cả nghìn m2.
Về số công nhân mất tích ở thuỷ điện Rào Trăng 3. Nguồn tin của báo Tuổi Trẻ trong nhóm cứu hộ đi lên thủy điện Rào Trăng 3 cho biết, khu nhà điều hành đã không còn dấu tích gì vì bị hàng nghìn khối đất đá vùi lấp.
Hiện ở thủy điện Rào Trăng 3 vẫn còn 2 máy múc còn hoạt động được. Một số công nhân còn ở lại thủy điện Rào Trăng 3 điều khiển 2 máy xúc này để lật từng đống đất đá, tìm người mất tích.
Nhóm cứu hộ tìm kiếm người mất tích trên đống đổ nát nhưng vô vọng. Sau vài giờ họ phát hiện một thi thể nằm dọc bờ sông nên đã vệ sinh sạch sẽ rồi đưa về nhận dạng. Đến tối 14/10 đội cứu hộ đã quay về và sẽ tiếp tục quay lại tìm kiếm vào sáng nay 15/10.
Bốn tỉnh miền Trung đề nghị hỗ trợ 6.500 tấn gạo
Theo Vnexpress, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai ngày 14/10 cho biết, bốn tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đề nghị trung ương hỗ trợ 6.500 tấn gạo, 5,5 tấn lương khô, 20.000 thùng mì tôm để cấp cho dân vùng lũ.
Trong đó Quảng Bình đề nghị hỗ trợ 3.000 tấn gạo; Quảng Trị 1.500 tấn; Thừa Thiên Huế và Quảng Nam mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 10.000 thùng mì tôm.
Ngoài ra, mưa lũ gây ngập diện rộng, thiếu điện, nước sạch, người dân không thể nấu ăn. Tỉnh Quảng Trị đề nghị trung ương hỗ trợ 1,5 tấn lương khô, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam mỗi tỉnh 1.000 tấn.
Theo cập nhật mới từ nhà chức trách, mưa lũ từ ngày 7/10 đến nay đã làm 36 người chết, 12 người mất tích. Nạn nhân ở các tỉnh thành Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Kon Tum.
Điểm tin trong nước tối 15/10:
Tìm thấy 12 thi thể ở trạm kiểm lâm 67
Hiểu Minh
Mục lục bài viết
Tìm thấy 12 thi thể ở trạm kiểm lâm 67
Mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ, Trung Bộ, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
Phó tổng giám đốc Công ty Alibaba bị bắt
Đôi bạn 10 năm cõng nhau đến trường cùng dự khai giảng
Mục Điểm tin trong nước tối thứ Năm (15/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Tìm thấy 12 thi thể ở trạm kiểm lâm 67
Khoảng 18h, thi thể thứ 12 trong đoàn công tác gặp nạn tại trạm kiểm lâm 67, xã Phong Xuân (huyện Phong Điền), được tìm thấy.
Theo báo VnExpress, hai nơi cứu hộ bước sang ngày thứ 3 tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong hai vụ lở đất ở Trạm kiểm lâm 67 và thủy điện Rào Trăng 3.
Nơi một là lực lượng quân đội, cứu hộ tại trạm kiểm lâm 67, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền – nơi 13 người trong đoàn công tác của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế gặp nạn lúc 0h ngày 13/10. 12 thi thể được tìm thấy trong ngày.
Nơi thứ hai là lực lượng công an, tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 – nơi có 16 công nhân mất tích sau vụ sạt đất 0h ngày 12/10. Chưa thi thể nào được tìm thấy.
Mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ, Trung Bộ, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh kết hợp với gió Đông Nam trên cao hoạt động mạnh, ngày và đêm 15/10, khu vực Đông Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-150mm.
Cảnh báo từ ngày 16/10, khu vực Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa rất to và kéo dài nhiều ngày. Đề phòng khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
Liên quan đến áp thấp nhiệt đới ngoài biển Đông, hôm nay áp thấp nhiệt đới theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đây là cơn áp thấp nhiệt đới thứ tư ở Biển Đông trong 10 ngày qua.
Đến sáng 16/10, tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây khoảng 360 km về phía Bắc Đông Bắc, sức gió mạnh nhất 60 km/h, cấp 7, giật tăng hai cấp.
Những ngày tiếp theo, áp thấp nhiệt đới đi theo hướng Tây dữ nguyên tốc độ ban đầu và có khả năng mạnh lên thành bão.
Phó tổng giám đốc Công ty Alibaba bị bắt
Huỳnh Thị Ngọc Như, Phó tổng giám đốc phụ trách đào tạo Công ty Alibaba, bị bắt với cáo buộc đồng phạm Nguyễn Thái Luyện lừa người mua dự án “ma”.
Ngày 15/10, Như, 29 tuổi, bị Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP HCM bắt tạm giam, khám xét nơi ở tại quận Thủ Đức, về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo báo VnExpress, động thái này được đưa ra sau 13 tháng cơ quan điều tra bắt sếp của Như là Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và hàng loạt người khác.
Tại công ty, Như có nhiệm vụ đào tạo hàng nghìn nhân viên cách thức bán dự án “ma”, giúp Luyện ký hợp đồng với hơn 3.000 người, thu được 1.800 tỷ đồng. Tháng 9/2019, khi Luyện bị bắt, hàng trăm người kéo đến công ty đề nghị lấy lại tiền, Như cho người livestream trấn an rằng tiền của họ “an toàn” vì đang được công an giữ, Luyện không phạm tội…
Đôi bạn 10 năm cõng nhau đến trường cùng dự khai giảng
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, Ngô Văn Hiếu lên Hà Nội từ tối 14/10 để sáng nay 15/10 đưa bạn Nguyễn Tất Minh tham dự lễ khai giảng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Tại lễ khai giảng, đôi bạn 10 năm cõng nhau đi học gây xúc động lớn cho nhiều người trong xã hội thời gian qua đã nhận được rất nhiều chia sẻ của bạn bè, thầy cô.
Minh được nhà trường trao học bổng toàn phần năm học 2020 – 2021. Ai cũng cảm thấy ấm lòng khi thấy Hiếu đẩy xe lăn cho Minh tới dự lễ khai giảng, xúc động vì Khánh và Quân dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn không ngừng vươn lên.
Minh cho biết sau khi bàn bạc với gia đình đã quyết định vào ký túc xá thay vì trọ học gần trường như kế hoạch ban đầu.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-15-10-tim-thay-9-thi-the-o-tram-kiem-lam-67.html
Tin tối 15/10: Tìm thấy thi thể Phó Tư lệnh
Quân Khu 4 Nguyễn Văn Man, 2 dạng hình thái
thời tiết nguy hiểm ảnh hưởng đến Việt Nam
Bình luậnKhôi Nguyên
2 dạng hình thái thời tiết nguy hiểm ảnh hưởng đến Việt Nam, nguyên nhân bé gái 2 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm vắc xin, tìm thấy thi thể Phó Tư lệnh Quân Khu 4 Nguyễn Văn Man, Việt Nam phản đối Trung Quốc đăng ký hơn 400 công ty ở Hoàng Sa… là những tin chính tối 15/10.
2 dạng hình thái thời tiết nguy hiểm ảnh hưởng đến Việt Nam
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, trong 10 ngày tới, Việt Nam có khả năng phải chịu ảnh hưởng của 2 dạng hình thái thời tiết nguy hiểm.
Thứ nhất, áp thấp nhiệt đới vừa di chuyển vào Biển Đông Việt Nam, đang hướng di chuyển về khu vực miền Trung và có khả năng mạnh lên thành bão. Với hình thái này, khu vực giữa và Nam Biển Đông bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa sẽ có gió mạnh cấp 6-7, có khả năng có lúc cấp 8, gió giật rất mạnh, mưa rào và giông mạnh, gây nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên biển.
Thứ hai, trong những ngày tới, Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung Bộ và nhiễu động gió đông trên cao, đồng thời gió mùa tây nam cũng đang hoạt động mạnh.
Ông Khiêm cho hay, đây là tổ hợp các hình thái thiên tai điển hình thường gây mưa lớn diện rộng ở khu vực miền Trung.
Nguyên nhân bé gái 2 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm vắc xin
Ngày 15/10, Sở Y tế tỉnh Sơn La cho biết, đã có kết luận về nguyên nhân bé gái 2 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 ComBE Five.
Xác định nguyên nhân bé gái 2 tháng tuổi ở Sơn La tử vong sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1.
Truyền thông Việt Nam đưa tin, sau khi tổng hợp, phân tích, đánh giá, Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế (Sở Y tế tỉnh Sơn La) đã thống nhất kết luận: Trẻ tử vong là do phản vệ cấp độ IV không hồi phục với vắc xin DPT-VGB-Hib (ComBE Five), loại trừ nguyên nhân do chất lượng vắc xin kém và thực hành tiêm chủng sai quy chuẩn.
Kết luận còn cho biết, 2 trường hợp trẻ còn lại có phản vệ độ III với vắc xin và đã được điều trị ổn định.
Tìm thấy thi thể Phó Tư lệnh Quân Khu 4 Nguyễn Văn Man
Chiều tối 15/10, truyền thông Việt Nam xác nhận, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể ông Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4.
Ông Nguyễn Văn Man là một trong số 13 cán bộ của đoàn cứu hộ gặp nạn vào sáng 13/10 tại Trạm quản lý và bảo vệ rừng 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) trong lúc đi cứu hộ sự cố sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3.
Trước đó, đến 18h30 chiều cùng ngày, lực lượng cứu nạn cũng đã tìm thấy 12 thi thể trong đoàn cán bộ trên nhưng tại Rào Trăng 3 chưa có thông tin.
Việt Nam phản đối Trung Quốc đăng ký hơn 400 Công ty ở Hoàng Sa
Liên quan tới thông tin khoảng 400 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Trường Sa và Hoàng Sa, ngày 15/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’ mà Trung Quốc áp đặt phi pháp cho các thực thể ở Biển Đông.
Hiện trạng tại ‘thành phố Tam Sa’ mà Trung Quốc xây dựng và tuyên bố phi pháp ở Biển Đông.
Cụ thể tại buổi họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Hành động này không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình ở Biển Đông, khu vực và thế giới”.