Tin Việt Nam – 15/09/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 15/09/2019

Hà Nội điều động 6,000 quân

diễn tập chống biểu tình

Tin từ Hà Nội, ngày 15/9/2019: Trong khi bất lực nhìn Trung Cộng xâm phạm biển đảo, thì CSVN lại tập trung sức mạnh của mình để đối phó với người yêu nước.

Nhà cầm quyền thủ đô Hà Nội đã sử dụng 6,000 công an và một số đơn vị liên quan cùng nhiều khí tài hiện đại để thực hiện một cuộc diễn tập chống biểu tình ở hai quận Cầu Giấy và Từ Liêm trong sáng 13/9.

Báo Pháp luật Việt Nam dẫn lời Trung tướng Đoàn Duy Khương, giám đốc công an Hà Nội, thì cuộc diễn tập này nhằm đối phó với tình trạng bất mãn của dân chúng, khi việc tụ tập đông người, tuần hành, biểu tình trái pháp luật ở Hà Nội nói riêng, và cả nước nói chung diễn biến phức tạp cả về quy mô và tính chất.

Diễn tập bao gồm thực binh xử trí tình huống giải tán đám đông biểu tình, gây rối an ninh trật tự, tấn công đối tượng khủng bố, giải cứu con tin, và khắc phục hậu quả.

Diễn tập nhằm “răn đe, phòng ngừa âm mưu chống phá của các thế lực thù địch… chống diễn biến hòa bình bạo loạn lật đổ… thất bại âm mưu thủ đoạn phá hoại của thế lực thù địch và các loại tội phạm.”

Đây là cuộc diễn tập quy mô lớn thứ 2 chỉ trong vòng ít tuần ở Hà Nội. Cuối tháng trước, hàng nghìn cảnh sát và dân phòng đã thực hiện cuộc diễn tập tương tự kéo dài nhiều ngày ở khu vực sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Một số người bình luận cho rằng lực lượng vũ trang ở Hà Nội bày ra để moi tiền ngân sách. Một số khác cho rằng nhà cầm quyền ở Hà Nội lo sợ biểu tình quy mô lớn như ở Hongkong để phản đối thái độ nhu nhược của chế độ đối với sự xâm lăng của Trung Cộng ở Biển Đông, cũng như tình trạng tham nhũng, ô nhiễm môi trường, sự xuống cấp trong giáo dục, suy đồi đạo đức…

https://www.sbtn.tv/ha-noi-dieu-dong-6000-quan-dien-tap-chong-bieu-tinh/

 

Chưa phát hiện học sinh, trẻ mầm non nào

 gần Công ty Rạng Đông có biểu hiện ngộ độc

ANTD.VN – Tổng số có 1.987 học sinh THCS, Tiểu học Hạ Đình và trẻ mầm non, cùng 98 giáo viên các trường ở gần công ty Rạng Đông đã được khám tổng quát, kết quả chưa phát hiện trường hợp nào có biểu hiện cấp tính bất thường…

Sở Y tế Hà Nội cho biết, kết thúc đợt khám sức khỏe miễn phí cho học sinh và giáo viên các trường học ở gần Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân), đã có 2.085 học sinh, giáo viên và 14 người dân được khám.

Trong đó có 89 người được chuyển đến bệnh viện hạng 1 của thành phố để tiếp tục khám chuyên sâu.

Hoạt động khám sức khỏe cho học sinh đã nhận được sự ủng hộ tích cực của phụ huynh, giáo viên và các em học sinh tại các trường. Hoạt động này đã kịp thời chăm sóc sức khỏe cho các học sinh, giáo viên, công nhân viên chức trong khu vực lân cận nơi xảy ra vụ cháy công ty Rạng Đông.

Đến thời điểm hiện tại, qua quá trình tư vấn, khám sức khỏe miễn phí cho giáo viên, học sinh, người dân chưa phát hiện các biểu hiện cấp tính bất thường.

Ngoài ra, tại 3 điểm, gồm: Nhà Văn hóa phường Hạ Đình, Trạm Y tế phường Thanh Xuân Trung và Lớp Nụ cười của bé cũng đã triển khai phát khẩu trang miễn phí cho người dân để bảo vệ sức khoẻ. Tính đến hết ngày 14-9, tổng số khẩu trang đã phát ra là 1.688 chiếc.

Sở Y tế cho biết thêm, dù đã kết thúc hoạt động khám miễn phí tại 2 trạm y tế và các trường học nhưng người dân, học sinh trong khu vực bị ảnh hưởng của vụ cháy công ty Rạng Đông nếu có nhu cầu tư vấn, khám sức khỏe vẫn có thể tiếp tục đến khám tại Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân.

https://anninhthudo.vn/doi-song/chua-phat-hien-hoc-sinh-tre-mam-non-nao-gan-cong-ty-rang-dong-co-bieu-hien-ngo-doc/825389.antd

 

Đại biểu Quốc hội chỉ được mang quốc tịch Việt Nam

ANTD.VN – Chiều 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 37, cho ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự thảo luật bổ sung tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn. Theo đó, dự thảo luật quy định đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, còn bổ sung thẩm quyền của đoàn đại biểu Quốc hội trong việc xác định địa bàn đại diện của đại biểu được chuyển sinh hoạt đến để thuận tiện cho công tác tổ chức hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội.

Liên quan đến quy định về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Điều 59 của luật hiện hành được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc trưng cầu ý dân theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật.

Sửa quy định về tỷ lệ đại biểu chuyên trách cũng là vấn đề được đặt ra và còn có 2 loại ý kiến khác nhau. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội, tuy nhiên quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhiều hơn tỷ lệ nói trên.

Do đó, để thực hiện yêu cầu về tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thì không cần thiết phải sửa đổi quy định của luật mà tùy trong đề án bầu cử đại biểu Quốc hội của từng nhiệm kỳ sẽ xác định hợp lý tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phù hợp với yêu cầu và khả năng đáp ứng của bộ máy. Điều này cũng phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị sửa quy định của Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn (37-40% hoặc 50%) để có cơ sở phấn đấu, sắp xếp cán bộ và quy định cơ cấu đại biểu Quốc hội một cách hợp lý, giảm số lượng đại biểu Quốc hội là người kiêm nhiệm các chức danh trong khối các cơ quan hành pháp, tư pháp để tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn cho việc thực hiện yêu cầu mà Trung ương đã đề ra.

Ban soạn thảo cho rằng, hiện tại tuy luật đã quy định rõ tối thiểu 35% tổng số đại biểu Quốc hội là đại biểu hoạt động chuyên trách, nhưng trên thực tế, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự từ sớm, song con số này đến nay vẫn chưa đạt được. “Quốc hội khóa XIV hiện nay có 167 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong tổng số 484 đại biểu (chiếm 34,5%). Do đó, nếu sửa đổi luật theo hướng tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn trong khi chưa tính toán kỹ về nguồn nhân sự đầu vào thì sẽ rất khó khả thi, ảnh hưởng đến hiệu lực pháp    lý đối với quy định của luật” – Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Thẩm tra dự án luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất và cho rằng cách quy định tỷ lệ tối thiểu như luật hiện hành không ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của Đảng mà tùy thuộc yêu cầu, điều kiện cụ thể của từng nhiệm kỳ, sẽ xác định mức tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách một cách hợp lý trong các đề án bầu cử đại biểu Quốc hội, có thể là 37% và cao hơn nữa.

https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/dai-bieu-quoc-hoi-chi-duoc-mang-quoc-tich-viet-nam/825358.antd

 

Quốc hội CSVN cần sửa đổi luật để có thể bình đẳng,

làm việc theo đa số

Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 15 tháng 9 năm 2019 loan tin, tại phiên họp của Uỷ ban thường vụ quốc hội CSVN, ông Phùng Quốc Hiển, phó chủ tịch quốc hội cho rằng, quốc hội nên quy định tỷ lệ tối thiểu của số lượng đại biểu quốc hội chuyên trách phải là 35% trong tổng số đại biểu.

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, việc nâng tỷ lệ đại biểu quốc hội chuyên trách là nhằm bảo đảo cho chất lượng công việc. Tuy nhiên, một số viên chức ở những cơ quan khác khi được bổ nhiệm làm đại biểu thường trực trong các uỷ ban của quốc hội thì họ từ chối. Về vấn đề này, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, khi cơ quan bà làm việc với tổ chức của các cơ quan khác để quy hoạch các viên chức về làm đại biểu chuyên trách ở quốc hội thì họ thường xin bà đừng chọn họ. Những viên chức này cho rằng nếu phải về làm đại biểu chuyên trách ở quốc hội thì sẽ ảnh hưởng đến công việc hiện tại của họ.

Cũng tại phiên họp, ông Phùng Quốc Hiển tiết lộ rằng, quốc hội cần phải sửa luật để thực hiện nguyên tác các đại biểu quốc hội là bình đẳng, làm việc tập thể, quyết định theo đa số. Ông nói, một luật ban hành, chủ nhiệm không thể nói khác đa số ý kiến của thành viên uỷ ban, không thể áp đặt được.

Như vậy, theo lời ông Hiển, thì hiện tại đại biểu quốc hội CSVN đúng là bù nhìn. Đa số các ý kiến của đại biểu nói khác chủ nhiệm thì sẽ không được chấp nhận. Vì ý kiến của chủ nhiệm là một sự áp đặt.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/quoc-hoi-csvn-can-sua-doi-luat-de-co-the-binh-dang-lam-viec-theo-da-so/

 

Việt Nam xác nhận đội tàu TQ

quay lại vùng đặc quyền kinh tế lần 3

Chiều ngày 12/9, bà Lê Thị Thu Hằng – Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng xác nhận đội tàu thăm dò dầu khí Hải Dương Địa Chất 08 của Trung Quốc quay lại xâm phạm vùng biển thuộc khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hôm 7/9/2019.

Đây là lần thứ 3 kể từ tháng 7 đội tàu này triển khai các hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng biển Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982.

“Việt Nam đã nêu quan điểm về ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động của nhóm tàu này với quan hệ hai nước, với hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động này và rút tàu.

Mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc Việt Nam, theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

UNCLOS đã xác định rõ phạm vi các vùng biển và là cơ sở pháp lý duy nhất để các nước xác định quyền của mình. Điều này đã được các bên ủng hộ,” mạng báo Tuổi Trẻ dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 12/9.

Đội tàu Hải Dương 8 vào vùng biển của Việt Nam từ ngày 3/7 và sau đó đã rút về Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa hôm 7/8. Tuy nhiên tàu này đã quay lại vùng biển Việt Nam chưa đầy một tuần sau đó.

Hôm 4/9, tàu Hải Dương 8 lại rời vùng biển Việt Nam để về lại Đá Chữ Thập, nhưng những dữ liệu theo dõi tàu trên cho thấy tàu này đã quay lại vùng biển Việt Nam hôm 7/9.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các tàu của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển của nước này.

Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra. Đường đứt khúc này đi sâu vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.

Tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này. Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của tòa.

http://biendong.net/bi-n-nong/30381-viet-nam-xac-nhan-doi-tau-tq-quay-lai-vung-dac-quyen-kinh-te-lan-3.html

 

Việt Nam và Mỹ

‘đã trở thành đối tác và bạn bè đúng nghĩa’

Viễn Đông

Đó là phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nhân lễ kỷ niệm hai thập kỷ ngày thành lập Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh.

“Hôm nay chúng ta kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh và năm sau sẽ đánh dấu 25 năm bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”, ông Kritenbrink nói hôm 6/9.

“Trong thời gian này, chúng ta đã trở thành những đối tác và bạn bè đúng nghĩa, cùng hợp tác về an ninh, thương mại, kinh tế, quan hệ giữa nhân dân hai nước, y tế, môi trường và năng lượng”.

Theo cơ quan ngoại giao của Mỹ ở Việt Nam, ngoài ông Kritenbrink, tân Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Marie Damour và Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cũng đã tham dự sự kiện.

“Những điều ấn tượng chúng ta hoàn thành trong 20 năm qua đã không thể trở thành hiện thực nếu thiếu người dân tuyệt vời của cả hai nước. Tôi đặc biệt biết ơn những nỗ lực không mệt mỏi của những đồng nghiệp đến đây trước chúng tôi, cả người Mỹ và người Việt Nam”, bà Damour phát biểu.

XEM THÊM:

Thực hư ExxonMobil ‘bỏ cuộc’ ở Việt Nam vì ‘áp lực’ từ Trung Quốc

Bà Damour, vốn trình quốc thư ở Hà Nội hôm 22/8, cho rằng Trung tâm Hoa Kỳ thuộc Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, nơi diễn ra lễ kỷ niệm, là “biểu tượng của mối quan hệ hợp tác” giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, nói rằng đây là “một mối quan hệ hợp tác mới và hiện đại, bắt nguồn từ quá khứ nhưng sẽ lạc quan hướng về tương lai”.

Ngày 7/9, đúng 20 năm ngày thành lập Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, trang Facebook của cơ quan ngoại giao này đăng một bức ảnh cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright bắt tay Đại sứ Mỹ đầu tiên ở Việt Nam sau chiến tranh, ông Pete Peterson, tại buổi lễ khánh thành năm 1999.
Nhiều Facebooker người Việt đã để lại các bình luận phía dưới bức ảnh. Một người tên là Tha Vo viết: “Chúc mừng tình hữu nghị”.

“Các bạn có biết? Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ như biểu tượng của sự tự do và hoà bình được đặt trên đất nước Việt Nam chúng tôi”, một Facebooker khác là Mai Vũ Huy viết.

Cuối tháng trước, Đại sứ Kritenbrink đã đến thăm nghĩa trang Trường Sơn với “tinh thần hòa giải và tôn trọng đối với những người lính của tất cả các bên, những người đã hy sinh cuộc sống của mình vì lòng yêu nước”.

“Để tiến về phía trước, trước tiên chúng ta phải nhìn lại, đối mặt với những vấn đề chiến tranh để lại và chung sức với các cựu chiến binh, gia đình và những người chịu ảnh hưởng bởi lịch sử chung của chúng ta, để xây dựng nền tảng cho mối quan hệ đối tác mạnh mẽ mà chúng ta đang có ngày hôm nay”, ông Kritenbrink nói, theo Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội.

Hồi đầu tháng này, nhân ngày Quốc khánh Việt Nam, Ngoại trưởng Pompeo đã “thay mặt chính phủ Hoa Kỳ” để “gửi tới người dân Việt Nam những lời chúc tốt đẹp nhất”.

“Năm nay, tôi đã có cơ hội đến thăm Việt Nam lần thứ hai với tư cách là Ngoại trưởng và tôi đã chứng kiến sự phát triển đáng kể trong mối quan hệ song phương của chúng ta. Trong các lĩnh vực hợp tác đa dạng như thương mại và đầu tư, giáo dục, chăm sóc y tế, năng lượng và quốc phòng, chúng ta đang làm việc cùng nhau vì mục tiêu đem lại lợi ích chung cho hai nước,” ông Pompeo nói.

XEM THÊM:

Việt Nam ‘cung cấp tàu chiến’ cho cuộc tập trận Mỹ – ASEAN đầu tiên

Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông leo thang vì vụ Bãi Tư Chính, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus đã ra tuyên bố bày tỏ ủng hộ Việt Nam trước Trung Quốc.

“Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc đang tiếp tục can thiệp vào các hoạt động dầu khí đã có từ lâu của Việt Nam trong khu vực Việt Nam đã tuyên bố Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ)”, bà Ortagus nói tháng trước.

“Hành động của Trung Quốc làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực, gia tăng chi phí kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á… và cho thấy Trung Quốc xem thường quyền của các quốc gia khi thực hiện những hoạt động kinh tế trong EEZ của họ”.

https://www.voatiengviet.com/a/vn-v%C3%A0-m%E1%BB%B9-%C4%91%C3%A3-tr%E1%BB%9F-th%C3%A0nh-%C4%91%E1%BB%91i-t%C3%A1c-v%C3%A0-b%E1%BA%A1n-b%C3%A8-%C4%91%C3%BAng-ngh%C4%A9a-/5084258.html

 

Chính quyền CSVN gặp khó khăn

về giải ngân vốn ODA

Báo Vietnamnet ngày 15 tháng 9 năm 2019 loan tin, báo cáo của bộ Tài chính CSVN cho biết, hiện số tiền nhà cầm quyền vay ngoại quốc theo hình thức vốn ODA không giải ngân được.

Tổng số vốn đầu tư mà nhà cầm quyền vay của ngoại quốc được quốc hội thông qua cho giai đoạn 2016 đến 2020 là 360 ngàn tỷ đồng. Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn ODA đang có xu hướng giảm.Năm 2016 tỷ lệ giải ngân đạt trên 90%. Đến năm 2018 chỉ còn 56% so với dự toán quốc hội giao. Riêng năm 2019, tỷ lệ này giảm xuống rõ rệt, khi trong 8 tháng năm 2019, chỉ giải ngân được 10,7% trong tổng số tiền 60,000 tỷ đồng.

Theo bộ Tài Chính, nguyên nhân của sự việc trên là do việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn thiếu so với nhu cầu. Thí dụ, hiện nhà cầm quyền có 26 khoản vay với số tiền 3,4 tỷ Mỹ kim được ký từ năm 2016 . nhưng số tiền này vẫn chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2016 đến 2020.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/chinh-quyen-csvn-gap-kho-khan-ve-giai-ngan-von-oda/

 

Chuẩn bị ‘tình huống xấu nhất’,

nhưng sẽ đánh chác ra sao?

Phạm Chí Dũng

Ngay sau khi xuất hiện tàu cẩu lớn nhất thế giới của Trung Quốc là Lam Kình ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 3/9/2019, chỉ cách đường cơ sở của Việt Nam chưa tới 11 hải lý và cách đảo Lý Sơn chỉ khoảng 30 hải lý về phía nam, đã nổi lên dư luận “ta đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất” đầy lo lắng và lo sợ trong nội bộ đảng cầm quyền ở Việt Nam.

‘Tình huống xấu nhất’ là gì?

Đó là một thuật ngữ của giới quân sự Việt Nam nhằm mô tả tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở cấp cao nhất. Nghĩa là có thể nổ ra chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc – cái tương lai rất gần mà vào thời hữu hảo ‘Bốn Tốt’ và Mười Sáu Chữ Vàng’ chỉ nghĩ đến cũng thấy hoang tưởng.

Nỗi lo sợ và khiếp nhược đến mức ‘đái ra quần’ của giới quan chức Việt là rất có cơ sở, bởi khác hẳn với tàu Hải Dương 8 chỉ làm nhiệm vụ thăm dò địa chất, Lam Kình làm cho người ta lập tức nhớ lại giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc cho tấn công vào vùng biển Việt Nam trong năm 2014 và suýt gây ra xung đột quân sự. Khi đó về mặt công khai, chính quyền Việt Nam đã chẳng có nổi một tuyên bố ra hồn phản đối Trung Quốc, trong lúc rậm rịch thông tin ngoài lề về những cuộc chuyển quân lên biên giới phía Bắc và ở Biển Đông với cấp độ báo động ‘sẵn sàng chiến đấu cao’ – tức đã đạt đến trạng thái thứ ba trong 4 cấp sẵn sàng chiến đấu của quân đội (sẵn sàng chiến đấu thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu tăng cường, sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng chiến đấu toàn bộ).

Còn vào lần này, khả năng Bắc Kinh đưa một giàn khoan đến hoạt động trong vùng biển của Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng mục tiêu lần này không chỉ ‘thăm dò dầu khí’ như năm 2014 mà có thể là… khoan luôn.

Đó có thể là giàn khoan Hải Dương 981, hoặc giàn sản xuất dầu khí lớn thứ hai của Trung Quốc là Đông Phương.

Đánh hay không dám?

Trong phương trình khoan dầu nhiều ẩn số của Trung Quốc, Đông Phương có thể là đáp án đầu tiên. Bởi vào tháng 4 năm 2019, giàn khoan này đã hờm sẵn tại lưu vực Yinggehai ở Biển Đông, sẵn sàn gây áp lực với Việt Nam trong bối cảnh ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng sắp công du Hoa Kỳ (nhưng cũng vào tháng 4 đó, ông Trọng bất thần bị một cơn bạo bệnh tại Kiên Giang nên chuyến đi Mỹ của ông ta phải dời lại).

Nếu sắp tới Trung Quốc liều lĩnh điều cả một giàn khoan vào Bãi Tư Chính để ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam’ – như cái cách mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã trịch thượng yêu sách với giới chóp bu Hà Nội khi đến Việt Nam vào đầu năm 2018, với tỷ lệ ăn chia có thể lên đến 60% cho Trung Quốc và chỉ còn lại 40% cho chủ nhà Việt Nam – được hiểu thực chất là phải mời một tên cướp vào nhà mình để cùng chia bôi tài sản…, đó sẽ là một thảm họa với Nguyễn Phú Trọng và những đồng đảng của ông ta vẫn mơ màng về ‘Mười Sáu Chữ Vàng’.

Kịch bản ngày càng áp sát là Việt Nam khó có thể tránh thoát nguy cơ một cuộc tấn công quân sự, dù có thể chỉ ở cấp độ chiến dịch, từ phía Trung Quốc. Chiến dịch tấn công này, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ diễn ra trên biển và rất gần gũi về mặt kinh tuyến và vĩ tuyến với những mỏ dầu mà Việt Nam đang dự định khai thác nhưng nằm trong “đường lưỡi bò” mới được Trung Quốc vẽ bổ sung. Điểm nổ chiến tranh lộ diện nhất là Bãi Tư Chính.

Còn Bộ Chính trị và cấp dưới của nó là Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ làm gì?

Đánh thì sợ, mà không đánh thì bị cướp trắng và mặt mũi chẳng còn ra thể thống gì.

Trong thời gian qua, đã có những thông tin ngoài lề về việc quân đội Việt Nam điều quân để củng cố vùng biên giới phía Bắc và cả biên giới tây nam giáp Campuchia. Tuy nhiên, đó chỉ là cách phòng thủ hết sức thụ động, một kiểu che chắn theo cách ‘kịch liệt phản đối’ nhưng cứ ngồi đờ ra, giương mắt thao láo nhìn kẻ cướp xông vào nhà mình và lần lượt bỏ túi từng món đồ.

Trong khi đó các tàu chiến và tàu hải cảnh Việt Nam vẫn chỉ lọ mọ theo đuôi tàu Hải Dương 8 mà không có được bất cứ hành động mạnh mẽ nào, dù chỉ là… bắn lên trời.

Trong lúc 6 tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Việt Nam được cho là còn phải đi chống ngập ở Hà Nội và Sài Gòn, còn các tàu chiến khác, kể cả ‘tàu buồm hiện đại nhất thế giới’ mang tên Lê Quý Đôn tuyệt đối mất dạng, toàn bộ lực lượng hải quân Việt Nam vẫn phủ phục trong tư thế bất lực và kiên định… bám bờ, các tàu Trung Quốc đã thả giàn tung hoành ở Biển Đông và ngay trong ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi’ của Việt Nam.

Việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương-8 của Trung Quốc đã tiến sâu thêm 30 km vào vùng biển Việt Nam vào đầu tháng 9 năm 2019, chỉ còn cách bờ biển tỉnh Ninh Thuận, miền trung Việt Nam khoảng 155 km, đã gián tiếp tiết lộ một sự thật bi thảm: trong suốt thời gian từ đầu tháng 6 năm 2019 khi tàu Trung Quốc bắt đầu xâm nhập bãi Tư Chính, Bộ Quốc phòng và Cảnh sát biển Việt Nam đã đối phó tệ hại đến mức Trung Quốc hoàn toàn coi thường những hành động đối phó này.

Đã không có một tàu hải quân nào của Việt Nam ra ngăn chặn Hải Dương 8 đến gần Phan Thiết. Thật đúng là ‘ngư dân bám biển, hải quân bám bờ’!

Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật nuốt từng hải lý biển Việt Nam. Có thể vào một ngày đẹp trời không lâu nữa, các lực lượng quân đội lẫn cảnh sát ở Phan Thiết hoặc ở một thành phố duyên hải nào đó của Việt Nam sẽ trố mắt trước những chiếc tàu giương cờ Trung Quốc lừng lững ngự ngay trước mắt họ ở vùng biển sát bờ.

Trong khi đó, chiến thuật Việt Nam dùng một số tàu chiến và tàu hải cảnh bao vây tàu Trung Quốc, hoặc bám chặt tàu Trung Quốc đã tỏ ra vô ích và vô tích sự, bởi về số lượng thì tàu Trung Quốc luôn vượt gấp ít ra vài ba lần số tàu Việt Nam, còn việc bị bám đuôi thì Trung Quốc chẳng coi ra gì.

Kiện hay không dám?

Cũng trong khi đó, toàn bộ công tác ‘vận động quốc tế ủng hộ Việt Nam’ đã chỉ nhận được nhưng lời lẽ chia sẻ chung chung và xã giao, còn lại đã chẳng có bất kỳ hành động quân sự đáng chú ý nào từ các nước ‘đối tác chiến lược’ của Việt Nam.

“Chúng ta đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng mọi biện pháp đối với các hoạt động của nước ngoài vi phạm chủ quyền trên biển của ta” – Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc hé miệng lần đầu tiên về tình hình ở Biển Đông vào ngày 4/9/2019 trong một cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 tại Hà Nội, nhưng vẫn không hề dám nhắc đến cái tên Trung Quốc.

‘Bản lĩnh Nguyễn Xuân Phúc’, cộng thêm trạng thái bị coi là câm nín của Nguyễn Phú Trọng trước vụ Hải Dương 8, thậm chí còn tệ hơn cả cấp dưới là Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh. Bởi trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ba lần lên tiếng cáo buộc tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền và thềm lục địa của Việt Nam, dù rốt cuộc cơ quan này cũng chỉ đánh võ miệng.

Khi ngay cả những quan chức chóp bu như Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc mà còn không dám nêu tên Trung Quốc thì làm sao chính thể Việt Nam dám kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế?

Chỗ dựa dẫm duy nhất

Nếu nổ ra ‘tình huống xấu nhất’ với Trung Quốc, hải quân Việt Nam sẽ đánh chác ra sao?

Sẽ tiếp tục phát cờ cho ngư dân để “thuyền ra biển lớn” và lại khiến rộ lên câu vè dân gian “Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động”?

Nếu ai đó cho rằng hải quân Việt Nam còn đang ‘giấu mình’, vẫn nêu cao tinh thần yêu nước và sẽ ra đòn quyết định vào một thời điểm thuận lợi, làm thế nào để giải thích việc mới đây một thứ trưởng bộ quốc phòng kiêm đô đốc của quân chủng này – Nguyễn Văn Hiến, cùng một số tướng tá hải quân khác đã bị tống vào ‘lò’ của ‘tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng vì tội ‘ăn đất’?

Nguy cơ Việt Nam bị tấn công đang hiển thị dần sau một tháng và mỗi quý. Đến giờ phút này, giới chóp bu Việt Nam phải quyết định cho chính số phận tồn vong của nó: thêm một lần đánh đu với người anh em cộng sản Bắc Kinh sẽ rất dễ khiến lục phủ ngũ tạng của dân tộc Việt Nam bị kẻ thù phanh thây – theo đúng cái cách mà chính quyền Trung Quốc đã làm để mổ sống nội tạng các tín đồ Pháp Luân Công.

Chỗ dựa dẫm duy nhất giờ đây của Hà Nội chỉ còn là Hoa Kỳ – đối trọng duy nhất của Trung Quốc tại Biển Đông.

https://www.voatiengviet.com/a/chuan-bi-cho-tinh-huong-xau-nhat/5082858.html