Tin Việt Nam – 15/09/2018
Trần Huỳnh Duy Thức tiếp tục tuyệt thực
sau khi bị cưỡng bức cắt ngắn cuộc gặp gia đình
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức tuyên bố ông sẽ tiếp tục tuyệt thực để phản đối hành xử của trại giam sau cuộc gặp ngắn ngủi với gia đình vào đầu giờ chiều ngày 15/9/2018 ở trại giam số 6, Thanh Chương, Nghệ An.
Bà Trần Diệu Liên, chị gái ông Trần Huỳnh Duy Thức, cho Đài Á Châu Tự Do biết về thông tin này vào tối cùng ngày.
Bà Diệu Liên cho biết cuộc gặp đã bị cắt ngắn xuống chưa đầy 5 phút thay vì đúng 1 tiếng theo quy định.
“Khi mà vô, chưa được nói gì hết. Họ ra quy định không được nói chuyện bên ngoài. Anh Thức không chịu, anh hỏi tại sao lại như vậy, và có luật nào cấm như vậy. Họ nói nếu anh không tuân thủ thì tôi sẽ ngưng cuộc thăm gặp. Họ bắt anh Thức vô, anh Thức nói tôi mệt lắm tôi không đi được. Họ nói hai ba lần như vậy anh ấy không chịu thì họ kêu người ra. Hai người ra xốc nách anh Thức mang anh vô.”
Họ bắt anh Thức vô, anh Thức nói tôi mệt lắm tôi không đi được. Họ nói hai ba lần như vậy anh ấy không chịu thì họ kêu người ra. Hai người ra xốc nách anh Thức mang anh vô. – Trần Diệu Liên
Ông Trần Huỳnh Duy Thức đã bắt đầu tuyệt thực từ ngày 13/8/2018 để phản đối hành xử của trại giam đối với ông và yêu cầu chính quyền phải thượng tôn pháp luật, trả tự do cho ông theo đúng Luật Hình sự 2015.
Gia đình và nhiều người bên ngoài đã khuyên ông Thức ngưng tuyệt thực để đảm bảo sức khoẻ. Tuy nhiên, sau cuộc gặp lần này, ông Thức tuyên bố ông vẫn tiếp tục dù trước đó ông đã có ý định ngưng tuyệt thực. Bà Diệu Liên cho biết:
“Lúc mà họ chuẩn bị cưỡng chế vô, Thức nói là hôm nay tôi định ngưng tuyệt thực và tôi định nói với gia đình nhưng các anh làm như vậy thì tôi sẽ tiếp tục tuyệt thực”
Theo ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của ông Thức, người đã từng nhiều lần thăm gặp ông Thức ở trại giam, trong các lần gặp trước, gia đình và ông Thức được phép nói chuyện về các thông tin bên ngoài mà không có trở ngại nào.
Bà Diệu Liên cho rằng, việc trại giam ép gia đình và ông Thức không được nói chuyện bên ngoài là có nguyên nhân: “Có thể là truyền thông bên ngoài quá nhiều và quá lớn đi nên họ không muốn để anh Thức biết…. Tôi nghĩ là họ muốn triệt tiêu ý chí của anh Thức”.
Cuộc tuyệt thực dài ngày của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức trong nhiều tuần qua đã gây sự chú ý rộng khắp trong công luận. Nhiều nhà hoạt động đã lên tiếng phản đối cách hành xử của chính quyền và trại giam đối với ông Thức. Một phong trào tiếp sức tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức đã lôi kéo nhiều người tham gia tuyệt thực phản đối, đồng hành cùng ông Thức.
Ba dân biểu Úc hôm 13/9 đã gửi thư cho Đại sứ Úc tại Việt Nam Craig Chittick, yêu cầu phía đại sứ quán quan tâm đến trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Có thể là truyền thông bên ngoài quá nhiều và quá lớn đi nên họ không muốn để anh Thức biết…. Tôi nghĩ là họ muốn triệt tiêu ý chí của anh Thức – Trần Diệu Liên
Bà Diệu Liên cho biết sức khoẻ ông Thức trông yếu đi trong cuộc gặp lần này nhưng thần thái của ông còn tốt.
Sau cuộc thăm gặp bị cắt ngắn, gia đình ông Thức cho biết họ còn tiếp tục gặp khó khăn với an ninh và công an. Ông Trần Huỳnh Duy Tân cho biết ông gặp khó khăn khi liên lạc với những người đến trại giam thăm ông Thức. Ông cập nhật một số thông tin sau cuộc gặp mà ông nhận được từ bà Diệu Liên.
“Sau khi họ xốc nách khiêng anh Thức vào thì hai chị gái và con anh Thức phản đối và tiếp tục ngồi ở ghế cho gặp yêu cầu họ cho gặp anh Thức. Họ không cho và cứ để họ ngồi đó mấy tiếng cho hết giờ. Tới hết giờ họ tới họ đọc lệnh và yêu cầu gia đình đi ra, nếu không ra thì họ sẽ cưỡng chế. Lúc đó có nhiều công an tới và cầm dùi cùi làm kinh khủng lắm. Họ áp tải ba người đi từ chỗ thăm gặp ra ngoài cổng trại. Ra ngoài cũng chưa hết, an ninh bao vây theo sát luôn cho đến lúc mọi người lên xe về Vinh.”
Đài Á Châu Tự Do đã không thể tiếp tục nói chuyện trực tiếp với bà Diệu Liên sau một số thông tin ngắn ngủi ban đầu vì bà còn đang di chuyển.
Ông Tân cho biết, gia đình ông Thức đã quyết định ở lại để chờ vào trại giam thăm ông Thức tiếp tục vào ngày hôm sau dù hy vọng được gặp là rất ít vì theo quy định mỗi tháng họ chỉ được gặp một lần.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, 51 tuổi, bị bắt vào năm 2009 và bị toà án ở Việt Nam vào năm 2010 kết án 16 năm tù với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Ông Trần Huỳnh Duy Thức khẳng định mình vô tội.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thdt-continue-his-hunger-strike-09152018083411.html
Facebook ‘đồng ý hợp tác với VN’
Có những nội dung mâu thuẫn trong tuyên bố của lãnh đạo Facebook trước Thượng viện Mỹ và với chính quyền Việt Nam.
Hơn một tuần trước khi Phó chủ tịch Facebook Simon Milner gặp gỡ lãnh đạo Bộ Thông tin-Truyền thông, giám đốc phụ trách hoạt động (COO) của Facebook là Sheryl Sandberg đã có một số phát biểu đáng chú ý về Việt Nam tại buổi điều trần hôm 5/9 trước Thượng viện Hoa Kỳ.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, khi đó, đặt câu hỏi về trường hợp khi các chính quyền “độc tài” yêu cầu Facebook ngăn chặn thông tin những chính quyền này cho là độc hại.
Facebook nói gì về vụ VN ‘chặn thông tin xấu’?
Facebook có ‘gỡ tài khoản theo yêu cầu VN’?
“Khái niệm tin tức giả mạo của họ, có thể thực ra là sự thật, khái niệm kích động bất ổn của họ, có thể là lên tiếng bảo vệ nhân quyền, và việc can thiệp vào công việc nội bộ, cũng có thể là đấu tranh cho dân chủ…,” ông Rubio nói.
Ông cũng nhắc tới việc Việt Nam vừa thông qua Luật an mạng, dự kiến sẽ đi vào hiệu lực đầu 2019 và sẽ yêu cầu Facebook lưu trữ dữ liệu người dùng tại nước sở tại và phải giao nộp cho chính quyền dữ liệu người dùng bị nghi ngờ hoạt động chống chính quyền.
“Vậy những giá trị về dân chủ của chúng ta, có phải quý vị chỉ ủng hộ chúng ở Hoa Kỳ, hay là quý vị cũng cảm thấy phải ủng hộ chúng trên toàn thế giới?” ông Rubio hỏi.
“Chúng tôi ủng hộ những nguyên tắc này trên khắp thế giới,” nhân vật quyền lực thứ hai của Facebook trả lời.
“Ông đề cập đến Việt Nam, chúng tôi không có máy chủ ở Việt Nam và trừ những trường hợp ngoại lệ với các mối đe dọa nghiêm trọng, chúng tôi không bao giờ cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, bao gồm cả thông tin về chính trị,” bà Sandberg nhấn mạnh.
“Và quý vị sẽ không bao giờ làm như vậy?” Thượng nghị sĩ Rubio hỏi. “Quý vị sẽ không đồng ý làm như vậy để được hoạt động?”
“Chúng tôi sẽ chỉ hoạt động ở một quốc gia mà chúng tôi giữ gìn được những giá trị của mình.”
“Và điều này cũng sẽ áp dụng cho cả Trung Quốc?”
“Điều đó cũng sẽ áp dụng cho cả Trung Quốc.”
Facebook cam kết hợp tác với VN
Sau đó, lãnh đạo Facebook đã có các cuộc gặp gỡ với các quan chức cao cấp của Việt Nam, và được báo chí Việt Nam dẫn lời, có những phát biểu dường như khác với những gì đại diện của hãng nói trước Thượng viện Mỹ.
Phó chủ tịch Facebook Simon Milner vừa có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 13/9 và quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sáng 14/9, theo báo Vietnamnet.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Simon Milner đã thảo luận về “sự thịnh vượng của Facebook tại thị trường Việt Nam song hành với sự thịnh vượng chung của đất nước Việt Nam”.
Ông Hùng so sánh Facebook, một doanh nghiệp nước ngoài như “con dâu về nhà chồng” và Facebook, cần phải “tiếp nhận và thích nghi với văn hóa, nếp sống hàng ngày của gia đình nhà chồng”.
Có nghĩa bộ quy tắc ứng xử của Facebook “cũng phải tính đến các yếu tố về mặt văn hoá của nước sở tại”.
Theo báo Vietnamnet, ông Milner nói sẽ cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và chấp nhận thành lập nhóm làm việc chung giữa Facebook và chính quyền Hà Nội.
“Ở một số nước chúng tôi chỉ là một trong các nàng dâu, nhưng ở đây chúng tôi là nàng dâu trưởng,” ông Milner nói.
Ông Mạnh Hùng tiếp lời rằng, những yếu tố văn hóa này sẽ “khắt khe hơn” với nàng dâu trưởng, để “làm gương cho những nàng dâu đến sau.”
Ông Milner nói đồng ý sẽ hình thành nhóm làm việc chung để “hiểu rõ hơn [Facebook] đã làm đúng ở điểm nào và sai ở đâu.”
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp ngắn với ông Milner hôm 13/9, yêu cầu Facebook “chặn lọc các thông tin xấu độc.”
Ông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Facebook “thực hiện xử lý các yêu cầu này sớm để thể hiện thiện chí với Chính phủ Việt Nam bằng những động thái ban đầu cụ thể.”
https://www.bbc.com/vietnamese/45532405
Việt Nam là một trong những nước
buôn bán ngà voi lớn nhất thế giới
Tổ chức Điều tra Môi trường EIA trụ sở tại Anh Quốc hôm 13/9 ra báo cáo về vai trò ngày càng tăng của các băng nhóm Việt Nam trong hoạt động buôn bán ngà voi. Báo cáo được công bố sau hai năm tiến hành điều tra một cách bí mật.
Các chuyên gia điều tra đã thâm nhập thành công vào một số đường dây buôn bán ngà voi ở Mozambique, Nam Phi, Malaysia, Lào, Campuchia và Việt Nam. Qua đó họ nắm được chi tiết cách thức hoạt động của các băng nhóm tội phạm, từ việc bọn gian hợp tác buôn bán với nhau ra sao, cho đến cách thức vận chuyển một số động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng khác như tê giác, tê tê.
Khác hẳn với Trung Quốc, nơi đã chấm dứt việc buôn bán ngà voi hợp pháp vào tháng 1 và đẩy mạnh việc chống buôn bán ngà voi, Chính phủ Việt Nam đã không thực hiện nghiêm túc cam kết giải quyết loại tội phạm buôn bán động vật hoang dã; và trong thập kỷ vừa qua lại trở thành một trong những nước buôn bán và vận chuyển ngà voi bất hợp pháp lớn nhất thế giới.
Báo cáo của EIA nêu rõ kể từ năm 2009 có 56 tấn ngà voi đã bị tịch thu tại Việt Nam và thêm 20 tấn có liên quan đến Việt Nam bị tịch thu ở các nước khác. Số ngà voi này tương đương khoảng 11.414 con voi bị lấy ngà.
Vào tháng 8 năm 2015, Hải quan Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng đã bắt được ba vụ vận chuyển ngà voi. Vụ thứ nhất gồm 700 kg ngà voi và sừng tê giác trong hai container được vận chuyển từ Mozambique.
Vụ thứ hai là 2,2 tấn ngà voi giấu bên trong các thùng gỗ được gửi từ Nigeria đến Việt Nam. Vụ còn lại là một tấn ngà voi và bốn tấn vảy tê tê được giấu trong một lô đậu được xếp tại cảng Klang, Malaysia.
Việt Nam với cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư
Diễm Thi, RFA
Truyền thông Việt Nam và mạng xã hội thời gian gần đây đề cập nhiều đến khái niệm “Cách mạng Công nghiệp 4.0” với viễn cảnh ‘đổi đời’ cho các doanh nghiệp, cũng như giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế trong nước. Vậy cuộc cách mạng này nên được hiểu như thế nào và Việt Nam có thể tận dụng ra sao trong tình thế hiện nay?
Cách mạng công nghiệp thứ tư
Tại diễn đàn “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – Được và mất” tổ chức chiều 7/4/2017, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Điều hành Uber Việt Nam cho biết, bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là sự hội tụ của nền kinh tế vật lý, kinh tế số, sinh học, dựa trên nền tảng trí tuệ thông minh nhân tạo. Trong tương lai, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc và cơ cấu nhiều ngành công nghiệp.
Lục tìm trên các phương tiện thông tin đại chúng trên toàn thế giới, thì cụm từ “Cách mạng công nghiệp 4.0” rất ít người nói, dường như chỉ có báo chí trong nước Việt Nam và người Việt Nam thì suốt ngày nói “Cách mạng công nghiệp 4.0”.
Nói rằng “Cách mạng công nghiệp 4.0” là nói bậy. Chính xác là “Cách mạng công nghiệp thứ tư”. – TS. Nguyễn Bách Phúc
Về thuật ngữ này, TS. Nguyễn Bách Phúc, hiện là Chủ tịch Hội Tư Vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học nói rằng “Cách mạng công nghiệp 4.0” là nói bậy. Chính xác là “Cách mạng công nghiệp thứ tư”. Chẳng hạn, người ta nói “đứa con thứ tư” chứ không nói “đứa con 4.0”, “Tổng thống Mỹ thứ 57” chứ không nói “Tổng thống Mỹ 57.0”. TS. Nguyễn Bách Phúc giải thích:
Cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất là cuộc cách mạng cơ khí hóa, mở đầu bằng máy hơi nước. Cuộc cách mạng thứ hai vào cuối Thế kỷ 19, là cách mạng điện khí hóa, mở đầu khingười ta bắt đầu ứng dụng năng lượng điện vào công nghiệp, làm cho nền công nghiệp phát triển vượt bậc. Đến giữa thế kỷ 20, cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba là cuộc cách mạng công nghệ thông tin, đã nâng công nghiệp và đời sống con người tiến lên tầm mới rất vĩ đại. Cách mạng công nghiệp thứ tư chỉ mới bắt đầu mấy năm gần đây, đầu thế kỷ 21, bằng những bước đi chập chững, ở một số rất ít nước có nền công nghiệp tiên tiến, nơi đỉnh cao của khoa học công nghệ thế giới. Cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư hình thành trên 2 nền tảng chính: Một là trí tuệ nhân tạo, dẫn đến tự động hóa toàn diện triệt để cho mọi hoạt động của đời sống xã hội, hai là công nghệ sinh học, thỏa mãn mọi nhu cầu về sinh sản, phát triển bền vững của thế giới sinh vật và của loài người.
Tại Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số diễn ra vào tháng 5/2017 tại Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp thứ 4 và kỷ nguyên số không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế mà còn mở ra một chân trời kết nối giữa con người với con người.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì để đáp ứng yêu cầu cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo cách dùng từ trong nước, thì vấn đề nhân sự cũng là một thách thức lớn, bởi người lao động phải có khả năng công nghệ, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề phức tạp. Đó là rào cản rất lớn hiện nay để Việt Nam có thể tận dụng công nghiệp 4.0 để phát triển đất nước.
Công nghiệp 4.0
Tác giả Bernard Marr giải thích trên tờ Forbes vào tháng 6/2016 rằng Industry 4.0 được coi như là một “nhà máy thông minh”. Nhưng để vận hành được nhà máy được coi là Công nghiệp 4.0 thì cần những điều kiện sau:
Khả năng tương tác: máy móc, thiết bị, cảm biến và con người phải được kết nối và giao tiếp với nhau.
Minh bạch thông tin: hệ thống tạo ra một bản sao của thế giới thật thông qua dữ liệu cảm biến để định hình thông tin.
Hỗ trợ kỹ thuật: máy móc, hệ thống phải hỗ trợ con người ra quyết định, giải quyết vấn đề và giúp con người làm những việc quá khó hoặc không an toàn.
Ra quyết định theo mô hình phân tán: Máy móc có thể tự động ra những quyết định đơn giản một cách nhanh chóng, không cần con người can thiệp.
Một người từng là Giám đốc Công nghệ thông tin (Chief Infomation Officer) của một số ngân hàng và công ty liên doanh nước ngoài ở Việt Nam nói với RFA:
Nền công nghiệp 4.0 muốn hoàn chỉnh thì phải toàn diện chứ không thể chỉ một con người hay một lĩnh vực. Ở Việt Nam có lợi thế là dân số trẻ nhưng trong đó chỉ có một phần nhỏ là những người làm trong ngành công nghệ thông tin hoặc công nghệ tự động hóa, và họ tiếp xúc được với những công nghệ hiện đại nhất, những kiến thức mới nhất được cập nhật trên toàn cầu. Chỉ những người đó có khả năng sẽ làm thành nền công nghiệp 4.0. Nhưng các lĩnh vực khác thì rất khó, vì “kiến thức và kỹ năng của họ là 0.4”.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình từng nói CMCN 4.0 mang lại cơ hội cho các nước đang phát triển, giúp rút ngắn quá trình công nghiệp hoá bằng cách đi tắt đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn.
Việt Nam là quốc gia nông nghiệp với khoảng 70% tổng dân số là nông dân, và nông nghiệp Việt Nam còn nằm trong nhóm trình độ thấp của thế giới, trong khi cuộc cách mạng thứ tư là cuộc cách mạng mà sự phát triển của internet, trí tuệ nhân tạo sẽ dần thay đổi công nghệ sản xuất của thế giới, trong đó có nông nghiệp.
Việt Nam chỉ học hỏi và ứng dụng
Trả lời câu hỏi Việt Nam có thể lao vào làm Cách mạng công nghiệp thứ tư hay không, TS. Nguyễn Bách Phúc cho rằng, các cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất, thứ hai, thứ ba diễn ra trên thế giới mấy thế kỷ nay, Việt Nam là nước lạc hậu, không thể đóng góp được. Bây giờ là lúc các nước tiên tiến trên thế giới bắt đầu đi vào cách mạng công nghiệp thứ tư, mà cái dễ nhận thấy nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào ô tô tự lái. Còn Việt Nam thì cũng như ba cuộc cách mạng trước, chỉ cố gắng học hỏi và ứng dụng. Ông nói thêm:
Việt Nam hãy cố gắng học hỏi những kết quả của cách mạng công nghiệp thứ tư của các nước tiên tiến, để ứng dụng cho mình, chứ Việt Nam không có khả năng, không có trình độ, không có phương tiện làm cách mạng công nghiệp thứ tư. – TS. Nguyễn Bách Phúc
Việt Nam hãy cố gắng học hỏi những kết quả của cách mạng công nghiệp thứ tư của các nước tiên tiến, để ứng dụng cho mình, chứ Việt Nam không có khả năng, không có trình độ, không có phương tiện làm cách mạng công nghiệp thứ tư. Cho nên mọi lời hô hào người Việt Nam hãy làm cách mạng công nghiệp thứ tư – và nói bậy là 4.0 – là nói cho vui, chứ có cái gì mà làm?
Một vài vị lãnh đạo các doanh nghiệp trong nước nhận định cuộc cách mạng này không phải cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn mà là của mọi người, kể cả những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, để thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế Việt Nam. Về việc này, vị Giám đốc CNTT cho rằng trước hết phải tìm một ngành mũi nhọn nào đó rồi đào tạo nhân sự và dồn tài lực vào và phải được sự hỗ trợ của nhà nước về pháp quyền chứ không thể làm tràn lan. Ông nêu ví dụ:
Ví dụ có một công ty tự động hóa làm sản phẩm xuất khẩu đi nước ngoài, bây giờ muốn xuất khẩu phải cần có hải quan, có thuế để sản phẩm được đi ra nước ngoài nhanh nhất. Liên quan đến chính quyền là hải quan và thuế đã có được nền công nghiệp 4.0 chưa hay làm thủ tục giấy tờ y chang như từ xưa đến giờ rất chậm chạp thì sản phẩm đó ra nước ngoài lại chậm.
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 5, khóa 14 ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ra rằng Việt Nam là nước nói về cách mạng 4.0 nhiều nhất thế giới nhưng nói mà không làm hoặc làm rất ít vì bộ này, ngành kia chả biết mình phải làm gì, bắt đầu từ đâu.
VN xây công viên Castro trăm tỷ,
ca ngợi quan hệ ‘anh em mẫu mực’ với Cuba
Trong khi Tổng bí thư VN Nguyễn Phú Trọng ca ngợi mối quan hệ Việt Nam-Cuba là “anh em mẫu mực” và “đoàn kết thủy chung”, một nhà quan sát cho rằng đây chỉ là một cách “nuôi dưỡng biểu tượng”
Tiếp đón long trọng Ủy viên Bộ Chính trị-Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba, Salvado Valdés Mesa, tại Hà Nội hôm 13/9, Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ca ngợi mối quan hệ “anh em mẫu mực” và “đoàn kết thủy chung” giữa hai nước.
Nổi bật nhất trong một loạt hoạt động nhằm kỷ niệm 45 năm lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm vùng “giải phóng miền Nam Việt Nam” (tháng 9/1973) là công viên “trăm tỷ” Fidel Castro với tượng đài lãnh tụ Cuba ở Quảng Trị, dự kiến khánh thành vào ngày 15/9.
Quan hệ “mẫu mực”
Tường thuật về buổi tiếp đón “thân mật” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Ủy viên Bộ Chính trị Salvado Valdés Mesa và đoàn đại biểu Cuba sang thăm Việt Nam, trang mạng của Ban Tuyên giáo nói ông Trọng nhấn mạnh rằng kỷ niệm 45 năm là dịp để “Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam bày tỏ sự tri ân đối với lãnh tụ Fidel, với Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba anh em; đồng thời là dịp để hai nước cùng tôn vinh mối quan hệ anh em mẫu mực, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, đoàn kết thủy chung giữa Việt Nam-Cuba”.
Đối với một chế độ, biểu tượng nhiều khi rất quan trọng nên người ta phải bỏ công, bỏ sức ra để nuôi dưỡng những biểu tượng như vậy.
TS. Nguyễn Quang A
Người đứng đầu đảng Cộng sản cũng cám ơn Cuba đã “luôn ủng hộ Việt Nam một cách chân thành, chí tình chí nghĩa trong mọi thời kỳ” và nói rằng mối quan hệ Việt Nam-Cuba là “tài sản vô giá” cần phải ra sức giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền lại cho các thế hệ sau”, vẫn theo tờ báo chuyên về công tác “tuyên truyền” của đảng Cộng sản.
Nhận định về những lời tán dương cũng như các hoạt động tiếp đón long trọng mà các lãnh đạo hàng đầu Việt Nam dành cho các đại diện Bộ Chính trị và nhà nước Cuba, nhà quan sát chính trị-thời sự Việt Nam, TS. Nguyễn Quang A, cho rằng điều này “không có gì lạ”, bởi Việt Nam vẫn cần phải “bám lấy những biểu tượng như thế để tô vẽ cho cái gọi là tính chính đáng của chế độ”.
“Đối với một chế độ, biểu tượng nhiều khi rất quan trọng nên người ta phải bỏ công, bỏ sức ra để nuôi dưỡng những biểu tượng như vậy”, TS. Nguyễn Quang A nói.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa Việt Nam và Cuba, theo TS. Nguyễn Quang A, là “chẳng có gì mẫu mực và cũng không đáng để ai noi gương cả”. Ngoài những lời “tự tôn nhau lên”, TS. Nguyễn Quang A cho rằng chỉ cần nhìn vào quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước thì cũng thấy rõ thực chất mối quan hệ này.
Theo số liệu thống kê của Việt Nam cho hay kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Cuba năm 2016 chỉ đạt 249,8 triệu đôla, đến năm 2017 giảm xuống còn 224,3 triệu đôla, một con số rất nhỏ so với tổng kim ngạch thương mại khoảng 400 tỷ đôla của Việt Nam.
Tuy vậy, Việt Nam và Cuba vẫn rất “tâm đầu ý hợp” về quan điểm duy trì vị trí cầm quyền độc tôn của đảng Cộng sản, bất chấp việc Cuba gần đây đề cập đến ý định từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản, một “ảo vọng đã bị nhân loại vứt vào sọt rác từ lâu”, theo lời TS. Nguyễn Quang A.
Công viên “trăm tỷ”
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Ủy viên Bộ Chính trị và đoàn đại biểu Cuba cũng được dẫn đi thăm nhiều di tích cách mạng như cầu Hiền Lương, lô cốt Đông Hà ở Quảng Trị và Bệnh viện Việt Nam-Cuba-Đồng Hới ở Quảng Bình…
Tuần trước, chính quyền tại tỉnh Quảng Trị chỉ thị phải gấp rút hoàn thành công viên Fidel Castro để kịp khánh thành vào ngày 15/9 nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày lãnh tụ Cuba đến thăm “vùng giải phóng” vào năm 1973.
Truyền thông Việt Nam cho hay công viên Fidel Castro rộng 16 ha được khởi công từ năm 2015, với mức đầu tư 115 tỷ đồng, trong đó có 30 tỷ lấy từ ngân sách trung ương, phần còn lại từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất dự án.
Giữa công viên có một bức tượng bán thân ông Fidel Castro cao 1,45 met và được khắc bên dưới câu nói của ông Castro “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết dự án này đã Ban Bí thư Trung ương đảng cho phép.
“Một điều rất mỉa mai là bản thân ông Fidel Castro trước khi chết đã để lại di chúc tại Cuba là cấm không được làm quảng trường, tượng đài gì cả. Thế nhưng ở Việt Nam thì người ta vẫn làm chuyện ấy, bất chấp ý nguyện của ông Fidel Castro, là bởi vì lợi ích riêng của đảng Cộng sản Việt Nam là cần phải nuôi dưỡng biểu tượng”, TS. Nguyễn Quang A nhận xét.
Chủ tịch Fidel Castro là lãnh đạo quốc tế duy nhất trong thời chiến tranh Việt Nam đã vượt vĩ tuyến 17, thăm “vùng giải phóng” ở Quảng Trị và gặp gỡ các đại diện của chính quyền miền Bắc Việt Nam.
Lệnh cấm bán và ăn thịt chó liệu có khả thi?
Hà Nội sẽ ra lệnh cấm bán thịt chó tại trung tâm thành phố trong lúc có nhiều luồng ý kiến trái chiều từ công chúng sau khi lãnh đạo thành phố kêu gọi người dân ngừng ăn thịt loại thú cưng này để hình ảnh thủ đô thêm “văn minh.”
Người đứng đầu Chi cục Thú y Hà Nội, Nguyễn Ngọc Sơn, hôm 13/9 đề xuất cấm bán thịt chó trong các quận nội thành Hà Nội vào khoảng năm 2021, theo truyền thông trong nước.
Các quận nội thành Hà Nội – như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng – là những nơi có nhiều khách du lịch quốc tế do đó, theo giải thích của ông Sơn, đây sẽ là những nơi lệnh cấm cần được ban hành trước tiên.
Trước đó vào ngày 10/9, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội ban hành một văn bản kêu gọi người dân ngừng ăn thịt chó để không làm ảnh hưởng đến “hình ảnh của thủ đô văn minh, hiện đại.”
Trong số 3,900 độc giả bỏ phiếu trên khảo sát của VOA Tiếng Việt, 72% cho rằng ăn thịt chó là “tàn bạo, thiếu văn minh,” 28% nói đó là “truyền thống.”
Khảo sát của VOA trên Facebook
Ngoài lý do giết mổ động vật có thể lan truyền bệnh dại, lãnh đạo TP Hà Nội còn cho rằng các hoạt động giết mổ và tiêu thụ thịt chó gây ra “phản cảm đối với khách tham quan du lịch, khách quốc tế sinh sống, làm việc tại Hà Nội.”
Thú ẩm thực
Theo nhà xã hội học Lê Bạch Dương, thịt chó là một thú ẩm thực của người Việt và sẽ không dễ để người dân bỏ được thói quen này. Ông Dương cho biết có những làng ở Hà Nội nơi thịt chó là món được phục vụ trong tất cả các tiệc cưới và đám giỗ.
Sẽ không bao giờ hết người ăn chó bởi vì với nhiều người thịt chó vẫn là món ăn khoái khẩu.
Nguyễn Ngọc Tiến, Nhà nghiên cứu Hà Nội
Cùng chung ý kiến này, nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến nói với báo Lao Động rằng sẽ không bao giờ hết người ăn chó bởi vì với nhiều người thịt chó vẫn là món ăn khoái khẩu.
Các khảo sát gần đây cho thấy nhiều người đã thay đổi nhận thức và từ bỏ thói quen ăn thịt chó, theo người đứng đầu Chi cục Thú y Hà Nội.Do đó đang có hai luồng ý kiến trái chiều nhau về việc này. Tuy nhiên Tiến sỹ Dương của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng luồng ý kiến theo hướng không nên ăn thịt chó nữa thì càng ngày càng chiếm xu thế khi ngày càng có nhiều người, nhất là giới trẻ thành thị, không ăn thịt chó.
“Nếu vấn đề này được nói đến khoảng 10 năm về trước thì chắc chắn sẽ không có sự đồng thuận cao. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều người đã thay đổi nhận thức và từ bỏ thói quen nên việc thực hiện sẽ có cơ sở,” ông Sơn nói với Người Lao Động.
Các khảo sát gần đây cho thấy nhiều người đã thay đổi nhận thức và từ bỏ thói quen ăn thịt chó.
Nguyễn Ngọc Sơn, Cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội
Nhà nghiên cứu Tiến cho rằng đề xuất này có khả năng thành công vì theo quan sát của ông, “người Hà Nội đã ít ăn thịt chó hơn trước rất nhiều, đặc biệt là giới trẻ do được tiếp xúc với văn minh phương Tây từ rất sớm.”
TS Dương cho biết trước đây ông từng ăn thịt chó nhưng giờ đây ông đã bỏ một phần vì những người thân và bạn bè không ăn nữa và một phần vì ông được thấy những hình ảnh giết mổ chó dã man. Chính điều đó đã làm ông thay đổi nhận thức về thói quen ăn thịt chó.
Trong số 1,700 độc giả VOA tham gia khảo sát, có 68% nói chính quyền cần “ra luật cấm” ăn thịt chó; số còn lại nói cần “tuyên truyền, giáo dục.”
Khảo sát của VOA trên Facebook
Cấm theo lộ trình
Tuy cho rằng việc thay đổi nhận thức của người dân không dễ nhưng TS Dương nhận định xu hướng này sẽ dẫn tới thay đổi và ông ủng hộ đề xuất cấm bán và ăn
“Nếu mình chờ đến khi toàn bộ xã hội thay đổi thì rất là lâu và muốn có sự thay đổi triệt để thì chỉ có cách là cấm. Cấm theo lộ trình giống như đề ra từ nay đến năm 2021 và trong thời gian đấy sẽ phải vận động tuyên truyền v.v. Theo tôi cách hiệu quả nhất là cấm tiệt. Ai mà ăn sẽ bị phạt giống như ở các nước (nơi) mà làm thịt chó là đi tù.”
Nếu mình chờ đến khi toàn bộ xã hội thay đổi thì rất là lâu và muốn có sự thay đổi triệt để thì chỉ có cách là cấm. Cấm theo lộ trình.
Lê Bạch Dương, Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội
Theo nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến nói với Lao Động, việc cấm buôn bán và ăn thịt chó đã từng được người Pháp áp dụng ở Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Theo lệnh cấm này, tất cả những ai ăn, bán thịt chó nếu bị bắt sẽ bị xử nghiêm theo luật của nước Pháp.
Trên thế giới có nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm tương tự.
Gần đây nhất, chính phủ Mỹ hôm 12/9 đã thông qua dự luật cấm giết mổ chó và mèo để ăn thịt. Một dự luật thứ hai cũng hy vọng được Hạ viện thông qua ngày 13/9 nhằm thúc đẩy Trung Quốc, Hàn Quốc, và những nước khác đặt ra ngoài vòng pháp luật và thi hành luật hiện có chống lại việc mua bán thịt chó và thịt mèo.
Theo VNExpress, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 5 triệu con chó mỗi năm, chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc nơi hàng năm tiêu thụ gần 20 triệu con chó.
https://www.voatiengviet.com/a/lenh-cam-ban-va-an-thit-cho-lieu-co-kha-thi/4572069.html
Dân Việt uống bia đã nhiều,
thủ tướng vẫn đốc thúc hãng bia đầu tư thêm
Trong khuôn khổ Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới WEF 2018, thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc trong tuần này mời gọi công ty bia Calrsberg của Đan Mạch đầu tư thêm vào Việt Nam.
Hôm Thứ Tư 12/09, ông Phúc có buổi tiếp đón tổng giám đốc Cees ‘t Hart của Carlsberg tại Hà Nội. Báo Nhân Dân trong nước dẫn lời ông Phúc gợi ý Carlsberg gia tăng sản lượng lên tối đa khả năng thiết kế tại nhà máy ở Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trong khi Carlsberg đang có cổ phần tại Tổng công ty Bia – Rượu – Nước Giải Khát Hà Nội, tức Habeco, thủ tướng CSVN hai bên sớm bàn thảo và giải quyết những vấn đề tồn tại để hoàn tất hợp đồng mua cổ phần và hợp tác chiến lược.
Tổng giám đốc Hart nói rằng, Carlsberg đã hiện diện ở Việt Nam từ năm 2007 và đã đầu tư vào nhiều thương hiệu bia nội địa. Ông cho biết Carlsberg vẫn tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động ở Việt Nam và đổ thêm vốn vào Habeco, kể sau khi trở thành nhà đầu tư chiến lược từ năm 2008. Carlsberg đang làm việc với Bộ Công Thương và những cơ quan khác để đẩy nhanh tiến trình này.
Trong một báo cáo đưa ra hồi tháng trước, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đánh giá mức tiêu thụ rượu bia của người Việt Nam là cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8.3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Cộng và gấp bốn lần người Singapore.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/dan-viet-uong-bia-da-nhieu-thu-tuong-van-doc-thuc-hang-bia-dau-tu-them/