Tin Việt Nam – 15/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 15/08/2018

‘Dũng Phi Hổ’ được giảm một năm tù ‘do may mắn’

Blogger thường mặc quân phục VNCN được giảm án 1 năm tù trong phiên tòa phúc thẩm và luật sư lý giải với BBC rằng “có lẽ do may mắn”.

Hồi tháng 4/2018, ông Nguyễn Viết Dũng, hay còn được biết đến là Dũng Phi Hổ, bị tuyên án 7 năm tù giam, 5 năm quản chế vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Trong phiên phúc thẩm hôm 15/8, ông Dũng được giảm án một năm tù.

Công an Việt Nam bắt ‘Dũng Phi Hổ’

Việt Nam: Nhiều nhà hoạt động bị án tù trong tháng Tư

Dân biểu Hoa Kỳ kêu gọi VN thả nhà hoạt động

Về vụ nhận tiền nước ngoài ‘để kích động’

Ông Dũng bị bắt vào ngày 27/9/2017 với cáo buộc về việc cắm cờ vàng ba sọc đỏ và các bài bất đồng chính kiến trên trang cá nhân.

‘May mắn’

Hôm 15/8, Luật sư Nguyễn Khả Thành, người lẽ ra bào chữa cho ông Dũng trong phiên tòa, nói với BBC: “Rất tiếc tôi không tham gia phiên tòa nên không nghe nhận định của bản án.”

“Tôi chỉ nghe bố của Dũng là ông Nguyễn Viết Hùng nói qua điện thoại là Dũng được giảm một năm tù.”

“Có lẽ Dũng là một trong những bị cáo may mắn. Lần trước trong phiên xử phúc thẩm về tội “Gây rối trật tự công cộng” tại Hà Nội, Dũng cũng được giảm án như lần này, trong khi phần lớn các nhà hoạt động khác đều giữ nguyên án sơ thẩm khi xử phúc thẩm.”

Cùng ngày, ông Nguyễn Viết Hùng, nói với BBC từ Nghệ An: “Dù Dũng được giảm án nhưng gia đình vẫn giữ quan điểm là mức án 6 năm tù còn lại quá nặng đối với con trai tôi.”

“Tôi là bố Dũng, tuy không có giấy mời dự phiên tòa nhưng vẫn đến và sau khi trình bày thì được cho vào dự khán.”

“Dũng đề nghị hoãn tòa vì không có luật sư [tòa không gửi thông báo cho Luật sư Thành], nhưng tòa tiếp tục xử.”

“Tại phiên tòa, Dũng nói không chấp nhận cáo buộc của Hội đồng xét xử khi nói về cờ đỏ, cờ vàng.”

“Đến khi tòa cho nói lời sau cùng, Dũng lạnh lùng không nói gì.”

Ông Hùng cũng cho biết thêm là từ lúc Dũng bị bắt đến nay, gia đình “không được thăm, mà chỉ được gửi đồ tiếp tế”.

LS Đài: Đôi điều về một phiên tòa sắp xử ở VN

Luật sư Đôn bị ‘làm khó’ vụ Dũng Phi Hổ?

Blogger Huỳnh Thục Vy bị bắt và khám nhà

Vợ Lê Đình Lượng: Chồng tôi ‘bị gán ghép tội’

Cựu chiến binh bị bắt vì ‘lật đổ chính quyền’

Trong cuộc phỏng vấn trước đây, Luật sư Võ An Đôn, người từng bào chữa cho ông Dũng trong phiên tòa hồi năm 2015 nói: “Gần đây, các trường hợp bị xét xử theo Điều 88, 258 đều nhận mức án nặng hơn những năm trước trong lúc họ đều là những người lên tiếng phản biện xã hội. Đó là chỉ dấu cho thấy chính quyền muốn răn đe, giảm bớt những người nói ra sự thật.”

Hồi tháng 11/2015, Nguyễn Viết Dũng, tự Dũng Phi Hổ, bị khởi tố tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ do mặc quân phục Việt Nam Cộng Hòa tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội.

Ông được miêu tả “mặc áo thun có in hình quốc huy Việt Nam Cộng Hòa và đằng sau in dòng chữ tiếng Anh với nghĩa “Dân không sợ chính quyền, chỉ có chính quyền mới sợ dân”.

Ông bị tuyên án 15 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng nhưng sau đó được giảm án còn 12 tháng tù vì “có sự chuyển biến về nhận thức nên được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt,” theo báo Tuổi Trẻ hôm 27/9.

Báo này cũng dẫn nguồn cơ quan chức năng Nghệ An nói “thời gian gần đây, Dũng trở về quê nhà lại có hành vi xuyên tạc, tuyên truyền chống Nhà nước”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45165978

 

Xô xát và bắt bớ diễn ra trong đêm nhạc

của ca sĩ đấu tranh Nguyễn Tín

Xô xát đã diễn ra và có ít nhất 4 người bị đánh đập trong đêm Liveshow nhạc vàng chủ đề “Sài Gòn kỷ niệm” của ca sĩ Nguyễn Tín tối ngày 15 tháng 8 tại quán café Casanova, 61C đường Tú Xương, phường 7, quận 3, TP HCM.

Trang mạng xã hội của nhiều nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam đồng loạt cập nhật tin này từ lúc 9 giờ tối, cho biết một nhóm an ninh khoảng 20 người và cảnh sát ập vào phá rối, đề nghị ngưng biểu diễn.

Nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm cập nhật trên trang Facebook của ông cho biết một số người đến tham dự đêm nhạc đã bị bắt lên xe về Công an phường 7, Quận 3 như Phạm Đoan Trang, Nguyễn Lân Thắng, Huỳnh Thành Phát…

Ngay sau khi được thả ra vào khoảng 11 giờ đêm, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho RFA biết ông đến buổi diễn vào khoảng 8 giờ tối và có khoảng 50 khách tham dự đêm nhạc. Vào khoảng hơn 9g45 thì sự việc bắt bớ bắt đầu diễn ra.

“Họ yêu cầu chủ quán cho dừng chương trình. Sau đó Nguyễn Tín lên xin lỗi mọi người là phải dừng chương trình. Lúc đó phía bên ngoài rất đông công an mặc thường phục cũng như sắc phục, họ vào quán làm việc với chủ nhà. Khi ấy độ khoảng 9g30 – 9g45, Tín xin lỗi mọi người, mọi người bắt đầu đi ra thì lúc ấy có sự xô xát ở bên ngoài.”

Một Facebooker khác là Lê Bảo Nhi cập nhật thêm về diễn biến ở quán café Casanova, đó là lực lượng công an chặn và chốt cửa quán đòi kiểm tra giấy tờ của những người đến tham dự. Blogger Phạm Đoan Trang bị đá ngã lăn ra đất.

Theo ông Nguyễn Lân Thắng cho biết, cho đến lúc này (khi trả lời phỏng vấn) ông vẫn chưa biết tình trạng của Đoan Trang thế nào.

Phan Tiểu Mây, một người bạn của ca sĩ Nguyễn Tín cho biết Nguyễn Tín và Nguyễn Đại, một Facebooker, người hỗ trợ ca sĩ Nguyễn Tín tổ chức show diễn vẫn đang bị giữ để làm việc bên trong quán café Casanova.

“Tình hình lúc nãy thì em thoát ra được cùng với 1 số anh chị họ không biết mặt. Khi em quay lai nhìn thì có một số như Tiến Trung, anh Lân Thắng, chị Hồng Ly…

Chính em nhìn thấy công an phường mặc sắc phục và tổ dân phố họ đánh vào mặt, vào bụng chị Đoan Trang rất nhiều. Hiện tại chị Đoan Trang đang đi bệnh viện nhưng em chưa có thông tin.”

Cũng theo lời cô Tiểu Mây kể lại, khi sự việc diễn ra trong quán, ca sĩ Nguyễn Tín bị kẹp hai tay lại và xô đẩy mạnh lên lầu làm việc. Facebooker Nguyễn Đại thì bị đánh rất nhiều vào mặt.

Cô Phan Tiểu Mây nói thêm, trước khi đêm nhạc diễn ra, lực lượng an ninh và công an không biết địa điểm vì thông tin được giữ kín. Chỉ đến khi đêm nhạc diễn ra khoảng 1 giờ đồng hồ thì họ ập vào và bố ráp rất nhiều ở quán. Tất cả lối ra vào của quán đều bị đóng lại. Theo lời cô Tiểu Mây, xô xát diễn ra với cả phụ nữ đang mang thai và trẻ nhỏ có mặt trong đêm nhạc.

Ca sĩ Nguyễn Tín được cộng đồng mạng biết đến với những ca khúc nhạc lính, nhạc vàng livestream trên mạng xã hội. Anh cũng thường tham gia các hoạt động thiện nguyện cũng như giúp đỡ gia đình các tù nhân lương tâm.

Vào ngày 10 tháng 6 vừa qua, ca sĩ Nguyễn Tín tham gia biểu tình, phản đối 2 dự luật đặc khu và an ninh mạng tại Sài Gòn. Sau đó,  vào đêm 15 tháng 6, anh bị công an ập vào phòng trọ cưỡng chế bắt đi. Sau 3 ngày bị giam giữ, anh được trả tự do.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/copy_of_Scuffs-and-persecution-happens-during-the-concert-of-singer-nguyen-tin-08152018130204.html

 

Ân Xá Quốc Tế lên tiếng

về phiên sơ thẩm nhà hoạt động Lê Đình Lượng

Tổ chức theo dõi nhân quyền Ân Xá Quốc Tế vào ngày 15 tháng 8 ra thông cáo báo chí trước ngày dự kiến diễn ra phiên xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng tại tỉnh Nghệ An. Phiên xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng dự kiến sẽ diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An vào ngày 16/8.

Ân Xá Quốc Tế yêu cầu Việt Nam phải hủy bỏ phiên xử có động cơ chính trị đối với ông Lê Đình Lượng, một nhà hoạt động vì nhân quyền và môi trường tại Việt Nam.

Bà Clare Algar, Giám đốc Chiến dịch Toàn Cầu của Ân Xá Quốc Tế, cho biết chỉ vì hoạt động ôn hòa cho ngư dân bị tác động bởi thảm họa môi trường biển do nhà máy thép Formosa gây nên mà ông Lê Đình Lượng có thể phải đối diện với án chung thân và thậm chí tử hình. Theo Ân Xá Quốc Tế, đây là một vụ án bất công và có động cơ chính trị, do vậy cần phải bị hủy bỏ và ông Lê Đình Lượng phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.

Hiện có quan ngại liệu nhà hoạt động Lê Đình Lượng có được xử một cách công bằng hay không khi mà ông này bị giam giữ hơn một năm và mãi chưa đầy một tháng trước khi phiên tòa diễn ra ông mới được gặp luật sư.

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng, 52 tuổi, là một cựu chiến binh và là người tham gia vận động đòi hỏi bồi thường thỏa đáng cho những ngư dân bị tác động bởi thảm họa môi trường biển từ tháng tư năm 2016 do Nhà máy Thép Formosa xả chất độc ra biển.

Thảm họa đó đã dẫn đến một phong trào xã hội vô cùng lớn tại Việt Nam. Từ phòng trào này, cơ quan chức năng đã ra tay đàn áp, với việc bắt giữ khoảng 40 người, và khiến hằng chục người khác phải trốn chạy khỏi Việt Nam.

Ngoài việc tham gia đòi hỏi quyền lợi cho ngư dân, ông Lê Đình Lượng còn đấu tranh cho các tù nhân chính trị cũng như phản đối các qui định hạn chế quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Ông Lê Đình Lượng bị bắt vào ngày 24 tháng 7 năm ngoái với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam năm 1999.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/amnesty-international-on-le-dinh-luong-trial-08152018092139.html

 

Chủ tịch Quảng Ngãi: Dân biểu tình

chống nhà máy rác bị kẻ xấu xúi giục

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Căng, vào ngày 15 tháng 8 nói rõ sẽ không di dời nhà máy xử lý rác MD tại thôn La Vân, xã Phổ Thạnh theo yêu cầu của người dân địa phương. Ông Chủ tịch UBND tình Quảng Ngãi cho rằng có đối tượng xấu xúi giục người dân chặn đường xe tải chở rác vào nhà máy trong thời gian qua.

Ông Trần Ngọc Căng đưa ra phát biểu này với báo chí trong nước sau cuộc đối thoại lần hai giữa chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và người dân thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ.

Người dân cho rằng hoạt động của nhà máy xử lý rác MD về lâu dài sẽ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Người dân địa phương kiến nghị nhà máy MD chỉ thu gom và xử lý rác của riêng xã Phổ Thạnh, còn nếu thu gom và xử lý cho toàn huyện như thời gian qua thì nhà máy phải được chuyển đi nơi khác.

Kết thúc buổi đối thoại, ông Trần Ngọc Căng khẳng định vị trí xây dựng nhà máy đã được cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt và cấp phép đúng quy định; quá trình hoạt động xử lý của nhà máy đảm bảo môi trường. Ông nói tiếp, việc bà con tiếp tục nghe thông tin sai lệch, kẻ xấu xúi giục và tiếp tục ngăn chặn nhà máy hoạt động, có hành vi quá khích, là vi phạm pháp luật.

Đầu năm 2018, nhà máy xử lý rác MD chính thức hoạt động tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Suốt nửa tháng qua, người dân ở khu vực xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ đã dựng chòi tạm, ngăn chặn đường vào nhà máy xử lý rác MD, chính quyền liên tục tuyên truyền, vận động người dân nhưng không hiệu quả.

Ông Võ Văn Hào, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi từng tuyên bố vẫn tuyên truyền vận động là chủ yếu, nhưng đến một lúc nào đó sẽ cho lực lượng chức năng bảo vệ để nhà máy hoạt động.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/quangngai-s-chairman-refused-to-move-waste-disposal-plant-08152018093840.html

 

Bộ TN-MT vẫn đang xem xét nhận chìm bùn thải

gần đảo Hòn La, Quảng Bình

Bộ Tài nguyên- Môi trường Việt Nam cho biết vẫn đang xem xét việc nhận chìm 2,5 triệu m3 bùn, chất thải nạo vét của Trung tâm Điện lực Quảng Trạch ở Quảng Bình xuống khu vực cách đảo Hòn La 3,5 hải lý.

Đây là thông tin được ông Vũ Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường nói với báo chí quốc nội ngày 15 tháng 8.

2,5 triệu m3 bùn và chất thải nạo vét này là từ cảng than của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN)

Theo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài Nguyên- Môi Trường, việc nhận chìm các chất vừa nêu xuống biển bắt buộc chủ đầu tư là Tổng công ty Điện lực Việt Nam EVN phải có hai giấy phép là giấy phép nhận chìm chất nạo vét do UBND tỉnh cấp, và giấy phép giao khu vực biển do Bộ cấp. Ông Vũ Trường Sơn cho biết hiện tại EVN vẫn chưa làm xong các thủ tục này.

Ông Trần Phong, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, người cùng với UBND tỉnh giới thiệu vị trí nhận chìm 2,5 triệu m3 bùn thải, cho rằng vị trí cách hòn đảo Hòn La 3-6 hải lý về phía Tây không ảnh hưởng đến luồng lạch giao thông, và ở xung quanh không có khu bảo tồn.

Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch có hai nhà máy chính bắt đầu xây dựng vào năm 2011 với vốn đầu tư 1,7 tỷ đô la. Dự án này lúc đầu là của Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí nhưng sau đó được chuyển giao cho EVN.

Năm ngoái, Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 (tỉnh Bình Thuận) cũng xin đổ 1 triệu m3 bùn thải nạo vét xuống biển cách khu bảo tồn Hòn Cau 6 km. Đề nghị này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía người dân và các chuyên gia vì những lo ngại bùn thải nạo vét có thể làm đục nước, gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái biển quanh đó. Sau đó Chính phủ phải thay thế bằng phương pháp lấn biển thay vì nhận chìm.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/authorities-are-considering-to-dump-sediment-in-sea-off-quang-binh-08152018092559.html

 

Bão Bebinca diễn biến phức tạp

 và ứng phó của Việt Nam

Cơn bão số 4 (hay còn gọi là Benbica) được Cơ quan chức năng Việt Nam dự báo là đặc biệt và phức tạp, dự kiến sẽ đổ bộ bờ biển đất liền Việt Nam dọc các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh vào sáng thứ Sáu 17/8 tới đây.

Thông tin trên được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đưa ra tại cuộc họp khẩn vào chiều 15/8 nhằm triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Xuân Cường, nhấn mạnh bão số 4 là cơn bão đặc biệt, phức tạp và đã hình thành hơn chục ngày qua.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết hiện Việt Nam vẫn chưa khoanh vùng diện hẹp nơi bão có khả năng đổ bộ, và cảnh báo nguy cơ hậu quả sẽ nặng nề nếu không được ứng phó.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết bão số 4 vào chiều thứ Tư, ngày 15/8 đang ở Biển Đông, cách Quảng Ninh khoảng 400 km với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Tâm bão dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền từ Hải Phòng đến Nghệ An vào khoảng 10 giờ sáng ngày thứ Sáu, 17/8 với sức gió mạnh cấp 8, và di chuyển sang Lào.

Tiến sĩ Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nói lo ngại lớn nhất là lượng mưa lớn sẽ đổ xuống trọng điểm ở Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, và Nghệ An.

Các vùng trũng ở đồng bằng Bắc Bộ như các tỉnh thành Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định sẽ có nguy cơ bị ngập úng vì mưa lớn. Đặc biệt tại Chương Mỹ ( ngoại thành Hà Nội) nước của trận lụt vừa qua mới rút cạn thì nguy cơ tái ngập sâu lại được cảnh báo có thể xảy ra.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh thành phía Bắc. Ông cho biết theo thống kê, hiện vẫn còn khoảng 3.600 hộ dân ở 7 tỉnh thành phía Bắc có chỗ ở không an toàn, cần phải di dời.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã yêu cầu các địa phương kêu gọi ngư dân, tàu du lịch, tàu vận tải, lồng, bè… về nơi trú ẩn, và nghiêm cấm các hoạt động du lịch trên biển đảo.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/typhoon-bebinca-quickly-heading-to-mainland-08152018082809.html

 

Hiệu quả gì từ dự án

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông?

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông tại thủ đô Hà Nội vừa chạy thử nghiệm nhưng đã có những quan ngại về tính hiệu quả khi dự án được đưa vào khai thác thương mại, dự định vào cuối năm nay.

Thực hư thế nào?

Lỗ nặng vì đội vốn và vỡ tiến độ thi công

Sau 10 năm thi công với 6 lần điều chỉnh tiến độ, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông tại thành phố Hà Nội vào ngày 11 tháng 8 vừa qua cũng được đưa vào chạy thử nghiệm và dự kiến cuối năm nay đưa vào khai thác thương mại. Dự án này từ trước đến nay đã gây nhiều ồn ào trong dư luận vì tiến độ thi công chậm và tổng vốn đầu tư bị đội lên quá cao.

Những tác động của nó rất lớn, nhưng đằng sau mình phải nhìn nhận là những sự ưu tiên đối với nhà thầu Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc.

-Nhà báo Đỗ Cao Cường

Nhà báo Đỗ Cao Cường, nguyên phóng viên tờ Pháp Luật trong nước cho rằng những bất cập của dự án gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, ngân sách nhà nước, tiền thuế của người dân. Anh đề cập đến vấn đề văn hóa ‘phong bì’ ngay từ những ngày đầu đối với các dự án có vốn đầu tư của Trung Quốc, và cho rằng những người trong cuộc đã trực tiếp gây ra thiệt hại trên.

Ở đâu mà để xảy ra tình trạng này thì mình phải nhìn nhận trách nhiệm thứ nhất là của chính chính quyền Việt Nam về quản lý, giám sát; cho đến chủ đầu tư. Những tác động của nó rất lớn, nhưng đằng sau mình phải nhìn nhận là những sự ưu tiên đối với nhà thầu Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được thực hiện theo Hiệp định ký kết năm 2008 giữa Việt Nam và Trung Quốc và khởi công năm 2011 với vốn đầu tư ban đầu khoảng 550 triệu USD, trong đó vốn vay viện trợ phát triển (ODA) của chính phủ Trung Quốc là 419 triệu USD.

Đến năm 2014, dự án bị đội vốn lên 40%, tức khoảng 891 triệu USD, đồng nghĩa với khoản tiền chủ đầu tư Việt Nam nợ phía Trung Quốc tổng cộng khoảng 700 triệu USD.

Một giải pháp giúp giảm tắc nghẽn giao thông

Báo Tiền Phong hôm 3/4/2018 trích số liệu của Bộ Tài chính cho biết ước tính mỗi ngày Việt Nam đang phải trả cho Trung Quốc 2,4 tỷ đồng tiền lãi phát sinh cộng với nợ gốc của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Bên cạnh đó, khoản chi phí vận hành tuyến đường sắt này được đánh giá là khá cao với sự tham gia của 681 nhân sự mỗi ngày, theo số liệu Ban Quản lý Dự án Đường sắt. Mặt khác, giá vé tàu mỗi lượt chỉ 10 ngàn Việt Nam đồng cộng với số lượng hành khách chưa được thống kê khiến giới chuyên môn có nhiều nghi ngại về tính hiệu quả khi dự án này được đưa vào hoạt động thương mại.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định dự án sẽ khó có lãi.

Bây giờ dự án đã đầu tư rồi thì phải hoạt động thôi, còn việc lỗ lã như thế nào thì có lẽ phải chờ quyết toán và phải có báo cáo công khai với Hội đồng Nhân dân Hà Nội để xem xét. Nhưng rõ ràng là cho tới nay thì với số lượng hành khách dự kiến và chi phí đội vốn quá cao so với dự toán ban đầu thì dự án này khó có thể có lãi.

Chúng tôi đặt câu hỏi về giải pháp nào để bù lỗ cho khoản nợ đầu tư dự án, nhưng tiến sĩ Doanh từ chối đưa ra kiến nghị vì ông cho rằng đây là việc của bên liên quan.

Còn với quan điểm hiệu quả kinh tế – xã hội phải được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, tiến sĩ Nguyễn Quang A chia sẻ ông không bi quan vào việc vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Ngược lại, ông bày tỏ mong đợi của mình khi tuyến đường sắt này được đưa vào vận hành.

Nếu mà nó giải tỏa được sự tắc nghẽn giao thông thì cái đó cũng góp phần vào hiệu quả của đường sắt, chứ không chỉ tính đến chuyện là bán được bao nhiêu vé, số vé đó có bù được cho các khoản đầu tư, khoản lãi của tiền vay hay không. Thậm chí phải tính cả chuyện bớt ô nhiễm môi trường. Cái đấy làm cho sức khỏe người dân vùng đó tốt hơn, đỡ tốn chi phí y tế… Nếu tính toán hiệu quả kinh tế xã hội thì phải tính rộng ra cả như thế.

Phụ thuộc và lạc hậu sau Trung Quốc

Trong ngày chạy thử nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông hôm 11/8, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh được cho là vé lên tàu in song ngữ Việt – Trung, trong đó chữ Trung Quốc in to và đặt phía trên chữ Việt. Vài tuần trước đó, tại các nhà ga của tuyến đường sắt này cũng xảy ra tình trạng tương tự ở các biển hiệu tên ga in tiếng Hoa. Dư luận sau đó phản ứng khiến Ban Quản lý dự án Đường sắt tổ chức cuộc họp ngay hôm 12/8 được nói để ‘chấn chỉnh’ và ‘nghiêm khắc phê bình’ tổng thầu vì tự ý thực hiện các vụ việc trên.

Rõ ràng là cho tới nay thì với số lượng hành khách dự kiến và chi phí đội vốn quá cao so với dự toán ban đầu thì dự án này khó có thể có lãi.

-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Đứng dưới góc độ một người quan sát xã hội, nhà báo Đỗ Cao Cường thể hiện sự bất bình với phía nhà thầu Trung Quốc.

Chỉ thông qua một buổi chạy đầu tiên như vậy mà mình có thể khẳng định rằng nó làm ăn ở Việt Nam mà nó không hề tôn trọng pháp luật Việt Nam. Nó coi thường chính quyền, coi thường người dân Việt Nam. Những người dân Việt Nam khôn ngoan, có nhận thức, có lòng yêu nước thì người ta sẽ tẩy chay hoàn toàn nó, phải lên án, phản đối, phải chấm dứt ngay những nhà thầu Trung Quốc. Nhưng mà khổ nỗi đằng sau câu chuyện nhà thầu Trung Quốc, câu chuyện Cát Linh – Hà Đông là những câu chuyện về nợ công, bị phụ thuộc vào Trung Quốc bằng những khoản nợ, bằng thể chế, bằng mối quan hệ thâm giao Việt Nam – Trung Quốc, bằng chế độ.

Thực tế, nhiều dự án vốn đầu tư Trung Quốc từ trước đến nay đều mang lại những tác động tiêu cực về tài chính và môi trường cho phía Việt Nam như Sân vận động Mỹ Đình, Dự án mở rộng nhà máy luyện thép Thái Nguyên, Nhà máy cán thép Lào Cai, Dự án Bauxite Tây nguyên, các dự án xử lý rác, nhà máy dệt… Nhà báo Đỗ Cao Cường cảnh báo về nguy cơ Việt Nam bị ‘lún sâu’ vào nền kinh tế Trung Quốc.

Nếu mình không nhìn nhận vấn đề và đưa ra một giải pháp triệt để và giải quyết thực sự mạnh mẽ thì tất nhiên càng ngày mình càng lún sâu vào nó. Khoản vay, khoản nợ của mình thì càng cao mà chất lượng công trình  càng không đạt chất được. Người Việt Nam phát triển đã lạc hậu rồi mà lại còn phải lạc hậu theo sau Trung Quốc.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì cho rằng Việt Nam không hoàn toàn bị phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc cũng như ông không quá bi quan với những con số gọi là ‘bề mặt’ của quan hệ kinh tế Việt – Trung. Ông dẫn chứng bằng lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng có thể là gốc của Mỹ, Nhật hay EU và cho biết thêm.

Các con số về xuất nhập khẩu mà được những nhà kinh tế quan niệm từ những năm 40 – 50 của thế kỷ trước không phản ánh thực chất lắm bức tranh của một nền kinh tế đã được toàn cầu hóa như bây giờ. Trong thế giới toàn cầu hóa như bây giờ thì sự tương thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế là một chuyện không thể tránh khỏi.

Tuy vậy, tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh việc cân đối xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như nỗ lực tìm cách ít lệ thuộc hơn vào Trung Quốc là điều mà chính phủ Việt Nam luôn phải cân nhắc.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-are-cat-linh-ha-dong-railways-effects-08142018135553.html

 

Hai tập đoàn dầu khí đa quốc gia

kiện Chính phủ Việt Nam về thuế

Hai tập đoàn dầu khí đa quốc gia là ConocoPhillips và Perenco đệ đơn lên tòa án thuộc Liên Hiệp Quốc để được phân xử không phải trả thuế cho Chính phủ Việt Nam trong thương vụ giao dịch của hai công ty này theo Luật Thương mại Quốc tế.

Trang tin The Guardian trích thông tin điều tra của Finance Uncovered cho biết như vậy hôm 15/8.

Theo thông tin của Finance Uncovered tìm hiểu được, hai công ty chi nhánh của Tập đoàn dầu khí ConocoPhillips (Mỹ), có trụ sở ở Anh là ConocoPhillips Gama Ltd và ConocoPhillips Cuu Long vào năm 2012 đã được bán cho một công ty ở Anh, thuộc sở hữu của Tập đoàn Perenco. Những tài sản được bán trong giao dịch này của hai công ty đều nằm ở Việt Nam.

Thương vụ được bán với giá 1,3 tỷ đô la Mỹ (USD) và ConocoPhillips thu về lợi nhuận 896 triệu USD. Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ thu khoảng 179 triệu USD tiền thuế lợi nhuận trong thương vụ này.

Người phát ngôn của ConocoPhillips giải thích rằng việc mua bán giữa hai công ty cư trú ở Anh nên không phải trả tiền thuế cho Chính phủ Việt Nam, và ConocoPhillips sẽ tìm kiếm tất cả các biện pháp pháp lý để chống lại việc thu thuế của Chính phủ Việt Nam trong giao dịch đó.

ConocoPhillips và Perenco đã đệ đơn lên tòa, căn cứ theo Hiệp định Đầu tư song phương Anh-Việt Nam. Thẩm quyền xét xử sẽ thuộc Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương Mại Quốc tế.

Hiện phía Tập đoàn ConocoPhillips và Hội đồng trọng tài vẫn chưa cung cấp các thông tin về địa điểm và thời gian phiên tòa sẽ diễn ra.

Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Cavider Bull nói rằng ông không thể đưa ra bình luận nào đối với vụ kiện tụng, được cho là đầu tiên xảy ra về vấn đề thuế thu được trên vốn. Ông cũng nói vụ kiện này sẽ tạo ra tiền lệ đáng lo ngại cho các nước nghèo hơn, vì bất kỳ tranh chấp nào cũng liên quan đến các khoản phí pháp lý rất lớn.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/oil-firms-use-secretive-court-hearing-in-bid-to-stop-vietnam-taxing-their-profits-08152018084013.html

 

Khủng hoảng ngoại giao của Việt Nam với châu Âu lớn hay nhỏ?

Kính Hòa RFA

Một năm sau vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, một hội nghị của ngành ngoại giao Việt Nam lần thứ 30 được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị này không thấy đề cập đến những đổ vỡ ngọai giao giữa Việt Nam với Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, rồi có thể là tới đây với nước Pháp nữa, do các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại các quốc gia này được cho là có liên quan đến vụ bắt cóc.

Nhận định về bài diễn văn dài hơn 6 trang giấy của ông Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị ngành ngoại giao lần thứ 30, Giáo sư Mạc Văn Trang từ Hà Nội nói với Đài Á châu tự do:

“Các nhà lãnh đạo Việt Nam xưa nay là thế, mà không phải chỉ Việt Nam mà cộng sản nói chung là thế, họ tuyên truyền một chiều, nói lấy được, nói lấy phải một mình, rồi khoe thành tích, thậm chí những thành tích không xứng đáng cũng khoe. Bao giờ cũng che đậy những khuyết điểm, những cái xấu của mình đi, mà nếu có đưa ra thì cũng là do nguyên nhân khách quan, do kẻ địch xúi giục, do âm mưu thù địch…”

Bài diễn văn ông Tổng Bí thư đặt ra câu hỏi rằng trong quan hệ với các nước lớn, có điểm “nghẽn” nào cần tháo gỡ, hoặc khâu “đột phá” nào cần mở ra, nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến sự căng thẳng với các quốc gia châu Âu sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, mà nhà báo Lê Trung Khoa, người theo dõi câu chuyện ngay từ đầu, từ Berlin, nước Đức cho là một cuộc khủng hoảng lớn nhất của ngành ngoại giao của nhà nước cộng sản Việt Nam từ trước đến nay.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền là ông Đoàn Xuân Hưng rất bất ngờ, và các cán bộ của họ trong này bắt buộc phải làm theo cái điều đó khi nó xảy ra rồi… – Nhà báo Lê Trung Khoa

Tuy nhiên Giáo sư Vũ Tường, thuộc Bộ môn chính trị, Đại học Oregon, Hoa Kỳ lại không lượng định vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở tầm mức lớn như vậy:

“Tôi không nghĩ là một khủng hoảng lớn nhất, nó chỉ là một cuộc khủng hoảng thôi. Chuyện vừa rồi cho thấy họ vẫn quen cách làm cũ như thời chiến tranh lạnh. Do đó họ gặp khủng hoảng. Thiệt hại đối với họ thì tôi nghĩ là họ nghĩ rằng không lớn, so với cái mà họ được.”

Theo ông Vũ Tường, khi nhà nước Việt Nam quyết định bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức, họ nghĩ rằng họ có thể cứu chữa được những thiệt hại mà vụ bắt cóc này có thể sẽ gây ra. Ngoài ra ông cũng đồng ý rằng mục tiêu lớn của vụ bắt cóc là chuyện chính trị nội bộ, chuyện chống tham nhũng của đảng cầm quyền, có tầm mức lớn hơn, theo quan điểm của họ, những thiệt hại mà họ có thể gánh chịu.

Một vấn đề khác được đặt ra là liệu Bộ ngoại giao Việt Nam nói chung, và các Đại sứ quán Việt Nam tại châu Âu nói riêng có biết hay không? Có tham gia vào quyết định trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hay không?

Giáo sư Vũ Tường nói tiếp:

Tôi nghĩ là Bộ Ngoại giao chỉ có trách nhiệm thừa hành thôi. Những quyết định quan trọng là do Bộ chính trị quyết định. Bộ Ngoại giao cũng có tiếng nói vì ông Bộ trưởng là Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng chỉ là tiếng nói thôi, mà lại khá yếu. Tôi nghĩ vừa rồi không phải là một quyết định do Bộ Ngoại giao chủ xướng.”

Bộ trưởng Ngoại giao hiện nay của Việt Nam là ông Phạm Bình Minh. Ông Minh bắt đầu đảm nhận chức vụ Bộ trưởng từ năm 2011, nhưng chỉ mới được vào Bộ Chính trị, bộ máy quyền lực lớn nhất nước từ đầu năm 2016, sau Đại hội lần thứ 12 của đảng cầm quyền.

Trong những lần trao đổi trước đây với RFA, Giáo sư Tường cũng nói rằng các nhân vật phụ trách đối ngoại trong Đảng Cộng sản mới có quyền quyết định về chính sách đối ngoại, hơn là ông Bộ trường Ngoại giao.

Theo ông Đặng Xương Hùng, một cựu nhân viên ngoại giao Việt Nam hiện đang tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ thì các nhân viên an ninh trong các đại sứ quán Việt Nam nhận nhiệm vụ từ cơ quan an ninh, mà ông đại sứ có khi cũng không biết được hoạt động của họ.

Liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh và trách nhiệm của tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin trong vụ này, nhà báo Lê Trung Khoa nói với chúng tôi:

“Theo nguồn tin mà tôi nhận được thì ngay trong Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, thì ông Đại sứ đặc mệnh toàn quyền là ông Đoàn Xuân Hưng rất bất ngờ, và các cán bộ của họ trong này bắt buộc phải làm theo cái điều đó khi nó xảy ra rồi, tức là họ không được báo trước, hoặc là họ bắt buộc phải làm bởi vì họ là nhân viên nhà nước.”

Từ từ thì họ cũng có thể xoa dịu, mua chuộc được bên phía Âu châu bỏ qua cho họ, bằng một thủ đoạn nào đó, thỏa thuận ưu đãi nào đó. – Giáo sư Vũ Tường.

Đã có những cố gắng mà một số nhà quan sát cho rằng phía Việt Nam đã thực hiện trong vòng một năm qua để hàn gắn mối quan hệ giữa Việt Nam và Đức, cũng như với các quốc gia châu Âu. Đó là VN liên tục thực hiện những chuyến thăm cấp cao tới các nước thành viên của EU để thúc đẩy EU thông qua hiệp định thương mại tự do: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm Bỉ, Slovakia, Thụy sĩ vào tháng 9/2017, ông Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam thăm nước Đức vào tháng 7/2017. Gần đây nhất là vào cuối tháng 3/2018, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Pháp.

Theo thông tin từ Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Singapore, vào đầu tháng 9/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại sẽ sang thăm ba quốc gia châu Âu, có thể là để xoa dịu sự bực bội của các nước này sau vụ Trịnh Xuân Thanh. Hiện tên của ba quốc gia này chưa được tiết lộ, nhưng ông Hà Hoàng Hợp cho biết là không có nước Đức.

Đánh giá về khả năng Việt Nam có đạt được hiệp định thương mại tự do với châu Âu trong thời gian tới đây hay không, Giáo sư Vũ Tường nhận định:

Tôi nghĩ là cuối cùng có thể họ cũng đạt được cái đó thôi, vì chuyện này (Trịnh Xuân Thanh) không lớn bằng Hiệp định với Âu châu. Từ từ thì họ cũng có thể xoa dịu, mua chuộc được bên phía Âu châu bỏ qua cho họ, bằng một thủ đoạn nào đó, thỏa thuận ưu đãi nào đó, thậm chí có thể trả tự do sớm cho Trịnh Xuân Thanh rồi cho ông ta đi Đức.”

Một nhượng bộ lớn mà các nhà quan sát cho rằng Việt Nam đã thực hiện đối với nước Đức là cho phép Luật sư Nguyễn Văn Đài, người sáng lập Hội Anh em dân chủ, và người cộng sự là cô Lê Thu Hà được sang tị nạn chính trị tại Đức gần đây, sau một thời gian bị bỏ tù vì cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-eu-diplomatic-crisis-08142018130005.html

 

Slovakia định cho phép 44 người tiết lộ

bí mật vụ Trịnh Xuân Thanh

Tổng công tố Slovakia vừa cho biết ông dự định cho phép 44 người được miễn trừ quy chế giữ bí mật trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh để “không ai có thể nói rằng chúng tôi đã không làm những việc cần làm”, trang Tyden của Cộng hòa Czech hôm 14/8 đưa tin.

Đây sẽ là nhóm viên chức thứ hai của Slovakia được “mở khóa” để tiết lộ các tình tiết về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nếu như dự tính của Tổng công tố Jaromír Čižnár trở thành hiện thực.

Trước đó, 14 cảnh sát hộ tống phái đoàn quan chức Việt Nam trong chuyến công tác tại Slovakia đã được tân Bộ trưởng Nội vụ Slovakia cho phép cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, dẫn đến nhiều tình tiết về “quy trình” áp tải Trịnh Xuân Thanh tại Slovakia được tiết lộ.

Cảnh sát tiết lộ chi tiết ‘quy trình’ áp tải Trịnh Xuân Thanh ở Slovakia

Theo cáo buộc của các nhà điều tra Đức, trong chuyến công du Slovakia vào mùa hè năm ngoái, đoàn quan chức cấp cao Việt Nam, đứng đầu là Bộ trưởng Công an Tô Lâm, đã sử dụng chuyên cơ mượn của chính phủ để áp tải Trịnh Xuân Thanh sau khi bắt cóc ông này ở Berlin.

Chính phủ Slovakia hiện đang đối mặt với nhiều chỉ trích và cáo buộc cho rằng đã tiếp tay với mật vụ Việt Nam để thực hiện vụ bắt cóc như thời chiến tranh Lạnh. Nghị viện và các cơ quan chính phủ Slovakia buộc phải “vào cuộc” để điều tra và chứng minh sự trong sạch của mình, sau khi phía Đức đã đưa ra nhiều bằng chứng và tuyên án bị cáo đầu tiên trong vụ này, là Nguyễn Hải Long với án tù 3 năm 10 tháng.

Hôm 13/8, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Cơ quan Tình báo thuộc Nghị viện Slovakia, Nghị sĩ Gábor Grendel, phủ nhận vai trò của tình báo Slovakia trong vụ bắt cóc. Ông nói với báo giới nước này rằng cơ quan tình báo Slovakia “không giấu bất cứ thông tin nào” và “không tham gia” vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

“Nếu có bất kỳ sơ suất nào, thì chỉ có thể là ở phía Bộ Nội vụ,” nhật báo SME dẫn lời ông Grendel nói.

Nghị sĩ Grendel nói thêm rằng cơ quan tình báo Slovakia đã không nhận được yêu cầu từ Bộ Nội vụ trong việc hợp tác xác minh thông tin và tổ chức việc lưu trú cho phái đoàn Việt Nam trong chuyến thăm vào tháng 7 năm ngoái.

“Ngay vào thời điểm biết được thông tin, cơ quan tình báo đã gửi đi cho tất cả các cơ quan liên quan”, tờ Spectator dẫn lời ông Grendel nói tại buổi họp bất thường diễn ra trong hai ngày liên tiếp (9-10/8) tại Nghị viện Slovakia liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, với sự hiện diện của các ủy ban chuyên trách về tình báo và an ninh quốc phòng nước này.

Trả lời VOA về cáo buộc “không hợp tác với tình báo”, Bộ Nội vụ Slovakia hôm 14/8 cũng phủ nhận các cáo buộc và nói rằng yêu cầu tình báo hợp tác xác minh thông tin của một phái đoàn đi công cán như vậy là điều “bất thường”.

“Bộ Nội vụ bác bỏ các cáo buộc. Sẽ là điều bất thường khi yêu cầu cơ quan tình báo hợp tác tổ chức một chuyến đi như vậy”, người phát ngôn Bộ Nội vụ Petar Lazarov trả lời email của VOA.

Sau buổi họp ở nghị viện, Nghị sĩ Grendel nói rằng mối nghi ngờ về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã trở nên gần như “chắc chắn”, và “không có con đường nào khác”, “chỉ có con đường Slovakia” để đưa công dân Việt Nam bị bắt cóc từ Đức ra khỏi châu Âu.

Ông Grendel nói vấn đề bây giờ không còn là câu hỏi về việc Trịnh Xuân Thanh có bị bắt cóc trên lãnh thổ của Slovakia hay không nữa, mà là các quan chức nước này có biết và tiếp tay trong vụ này hay không.

Theo ông, vì Bộ Nội vụ Slovakia là cơ quan duy nhất tổ chức chuyến đi của phái đoàn quan chức Việt Nam, nên chỉ có cơ quan này mới có thể làm rõ được lý do tại sao và làm thế nào vụ bắt cóc xảy ra trên lãnh thổ Slovakia.

Trả lời VOA hôm 14/8, Bộ Nội vụ Slovakia khẳng định “đang hợp tác hết sức với các đồng nghiệp Đức” trong việc điều tra vụ bắt cóc đã gây ra rạn nứt quan hệ ngoại giao giữa một số nước châu Âu và với Việt Nam.

Vụ bắt cóc đã khiến Đức dừng “quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam, và đích thân Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng 5 lên tiếng yêu cầu Slovakia cung cấp thông tin liên quan đến sự can dự của nước này trong vụ bắt cóc.

Sau một thời gian bác bỏ có dính líu, Thủ tướng Slovakia tuần rồi nói sẽ “làm tất cả những gì có thể” để điều tra vụ này.

Tuy nhiên, theo lời Tổng công tố viên Slovakia, Jaromír Čižnár, hôm 13/8 cho biết phía Đức “không hứng thú với việc lập tổ điều tra chung” với Slovakia.

Trịnh Xuân Thanh, Nguyên Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí PetroVietnam (PVC), bị bắt cóc trên đường phố ở Berlin hồi tháng Bảy năm ngoái, sau đó tái xuất hiện tại Việt Nam. Hà Nội nói ông Thanh tự nguyện về đầu thú, sau đó kết án ông Thanh 2 án tù chung thân vào đầu năm nay vì tội tham ô.

https://www.voatiengviet.com/a/slovakia-dinh-cho-phep-44-nguoi-tiet-lo-bi-mat-vu-trinh-xuan-thanh/4527994.html