Tin Việt Nam – 15/08/2017
Dân phản đối BOT: “Không có lửa sao có khói?”
Lan Hương
Nhiều vụ việc người dân đồng lòng phản đối các trạm thu phí BOT xảy ra trên khắp cả nước, bất chấp những yếu tố vi phạm pháp luật.
Đụng đến quyền lợi của dân
Vụ việc xảy ra gần đây nhất gây xôn xao dư luận là vụ tài xế gom góp tiền lẻ để mua vé khi đi qua trạm thu phí Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Giải thích lý do “làm khó” trạm thu phí, nhiều chủ xe và tài xế cho rằng trạm thu phí đã đặt sai chỗ. Thay vì chỉ thu phí đối với các phương tiện đi qua đường tránh Cai Lậy (vừa mới xây dựng xong), trạm thu phí lại đặt trên QL1.
Không chỉ đặt sai chỗ, một lý do nữa khiến giới chủ xe và tài xế phản đối Trạm thu phí Cai Lậy là vì mức giá thu quá cao, cho dù họ không sử dụng đường tránh. Giới tài xế nói rằng tuyến đường tránh dài chỉ 12 km với 2 làn xe nhưng mức thu phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt là quá cao, bởi tuyến cao tốc Trung Lương – TP.HCM dài 40 km với 6 làn xe mà mức thu phí tương ứng chỉ là 40.000 đồng/lượt.
Đỉnh điểm của vụ việc cho đến thời điểm hiện tại là vào chiều ngày 13/8, quanh trạm thu phí xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài vài km, nguyên nhân là do nhiều tài xế đồng lòng rủ nhau đi qua trạm và dùng tiền lẻ để mua vé khiến thời gian thanh toán kéo dài. Tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tới mức trạm này phải hai lần xả cho xe chạy mà không thu phí đến 0h ngày 14/8.
“Chả nhẽ người ta bị đối xử bất công lại bảo người ta im à? Cho nên tôi nghĩ chuyện đó là bình thường trong xã hội”.
– Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm.
Việc người dân nổi dậy phản đối trạm thu phí BOT từ trước đến nay không phải là chuyện hiếm thấy. Đầu năm nay, người dân Nghệ An nhiều tháng ròng rã căng băng rôn, dùng tiền lẻ, hay diễu hành để phản đối trạm thu phí hai đầu cầu Bến Thủy tỉnh Nghệ An vì cho rằng họ không đi trên đường BOT mà vẫn phải trả phí.
Tháng 5 vừa qua, người dân xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh cũng lái xe ô tô đi chậm qua trạm thu phí Cầu Rác và trả tiền mệnh giá nhỏ để phản đối việc thu phí nơi đây. Đây là trạm thu phí cho tuyến đường BOT được xây trên QL1, tránh đi qua thành phố Hà Tĩnh mà những người sử dụng ô tô nói họ không chạy qua QL1 nhưng vẫn phải đóng phí là một sự bắt buộc vô lý.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại trạm thu phí BOT Tam Nông, Phú Thọ, trạm Quán Hàu tại Quảng Bình, trạm Bờ Đậu ở Thái Nguyên,… người dân mang băng rôn, kéo xe dàn hàng ngang trước cửa trạm để phản đối giá phí quá cao.
Nhận định về tình trạng hàng loạt vụ việc người dân phản đối trạm thu phí BOT xảy ra, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng đây là chuyện phản ứng bình thường khi người dân bị đối xử bất công:
Những việc trái ý dân thì bị người ta phản đối cũng là chuyện thông thường. Mình là chế độ dân chủ thì nên khuyến khích chuyện đó. Chứ chả nhẽ người ta bị đối xử bất công lại bảo người ta im à? Cho nên tôi nghĩ chuyện đó là bình thường trong xã hội.
Nói riêng về vụ việc ở trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang, vị nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng này nhận xét như sau:
Theo tôi hiểu con đường này người ta vẫn đi bình thường, không mất tiền. Bây giờ có một ông bỏ tiền ra làm con đường tránh ở bên cạnh và được Bộ giao thông cho làm theo kiểu đầu tư rồi thu phí. Nếu anh thu phí con đường ấy thì người ta chả nói. Anh lại thu phí trên con đường chính người ta mới không bằng lòng vì anh không đầu tư trên con đường ấy thì thu phí cái gì?
Từ Đà Nẵng, Kỹ Sư Nguyễn Văn Thạnh, một nhà hoạt động dân sự nói với chúng tôi rằng những cuộc nổi dậy phản đối trạm thu phí BOT này là do quyền lợi của người dân bị đụng chạm tới:
Đa số những vụ như vậy người ta phản đối là do nó xâm phạm đến quyền lợi của họ. Trước khi có những hành vi trả tiền lẻ hay viết những biểu ngữ phản đối lên xe của mình ở trạm Cai Lậy, Tiền Giang thì ở Quảng Bình hay ở phía Bắc tài xế cũng làm như vậy. Cuối cùng nhà chức trách họ lắng nghe và điều chỉnh lại để tài xế thấy hài lòng hơn, không phản đối nữa.
Cảnh ách tắc giao thông tại trạm Cai Lậy hôm 13/8 24h
Việc người dân phản đối thu phí BOT cũng mang lại một số kết quả đáng mừng, chẳng hạn như tháng 4 vừa qua UBND tỉnh Nghệ An và Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định miễn phí vé cho người dân sống hai bên Trạm Bến Thủy 1, Nghệ An và các loại xe buýt lưu thông qua trạm này cũng được miễn giá vé hoàn toàn.
Một trong những nhà hoạt động dân sự nổi bật ở Hà Nôi, Tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định rằng hành động của người dân là hoàn toàn hợp pháp, vì người dân vẫn trả phí và chỉ phản đối một cách ôn hòa chứ không có những hành động đập phá hay đánh lộn. Ông cũng đồng tình với quan điểm rằng nhiều trạm thu phí BOT đã đụng đến quyền lợi của người dân. Ông phân tích thêm:
Đại bộ phận người dân nếu thu phí một cách hợp lý thì người ta cũng sẵn sàng trả thôi chả ai mè nheo gì chuyện thu phí cả. Đằng này làm thì qua quýt, thu phí thì thu tràn lan, lấn sang cả chỗ người ta không đi qua, cũng thu của người ta. Tức là một sự bất công rành rành thì hiển nhiên người ta phải phản ứng.
Ngày 11/8 vừa qua, khi trả lời báo chí liên quan đến vụ việc ở trạm thu phí Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật nói rằng bộ này sẽ không di dời trạm, không giảm phí và sẽ tiếp tục thu phí theo đúng quy định.
Ngay sau khi được biết tin tài xế bỏ tiền lẻ vào chai để mua vé BOT qua trạm Cai Lây, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nói rằng việc bỏ tiền lẻ vào chai khi qua trạm thu phí cho thấy văn hoá ứng xử đang có vấn đề.
Cả ba người chúng tôi được tiếp xúc đều bày tỏ sự không bằng lòng với nhận định này của ông Kiên. Họ nói rằng trước khi đánh giá cách hành xử của người dân cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao họ phản ứng như vậy, bởi lẽ “không có lửa làm sao có khói!”
“Làm thì qua quýt, thu phí thì thu tràn lan, lấn sang cả chỗ người ta không đi qua, cũng thu của người ta.”
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Lợi ích nhóm?
Hàng loạt các vụ người dân nổi dậy phản đối phí BOT khắp mọi nơi trên đất nước làm dấy lên câu hỏi về trách nhiệm của các của Nhà nước cũng như các cơ quan chức năng. Trả lời thắc mắc này của chúng tôi, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm cho rằng cần giải quyết vấn đề “lợi ích nhóm” trong các dự án BOT:
Tôi có thể nói, chứ không khẳng định, là có lợi ích nhóm ở trong đó. Người cho phép người ta thu phí trên con đường không đáng thu thì không phải cho miễn phí đâu. Phải có lợi gì thì mới cho phép. Muốn ngăn chặn việc này thì phải minh bạch ra. Và các dự án phải hỏi ý kiến dân, phải điều tra xã hội học. Đằng này các ông lại tự quyết với nhau, Đây là chuyện không đếm xỉa gì đến ý của dân cả, quan có ý kiến quan cứ làm. Dân mà phản đối thì nói dân ngu, dân hỗn,…
Còn Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh lại bày tỏ lo ngại rằng trong tương lai Nhà nước sẽ thấy việc phản đối BOT trở thành một tiền lệ gây khó khăn cho các dự án kinh tế của họ. Để ngăn chặn tình trạng này, ông đưa ra ý kiến rằng phải minh bạch tài chính ở tất cả các dự án để người dân hiểu và cảm thấy họ không đang bị lợi dụng cho lợi ích của bất cứ ai:
Theo tôi, Nhà nước một mặt phải khắc phục những chỗ mà người dân có ý kiến. Mặt khác phải có một quy trình chặt chẽ, thỏa mãn các quyền lợi ngay từ đầu. Người dân không phải thể hiện ý kiến như vậy nữa, dẫn đến báo chí và cả xã hội lên tiếng. Nếu khắp nơi đều như vậy thì xã hội bất bình thường. Cho nên tất cả các dự án BOT Nhà nước nên thực hiện công khai cho dân biết đây người ta có làm từng đây tiền, đấu thầu như thế này và cần thu hồi ngần đây tiền để hồi vốn.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A bổ sung thêm rằng người dân không ai “rỗi hơi” mà đứng lên phản đối. Họ chỉ làm như vậy khi không còn sự lựa chọn nào khác. Vì vậy ông mong Nhà nước hãy lắng nghe ý dân và thay đổi cho phù hợp.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-do-people-stand-up-against-bot-08142017131838.html
Lãnh đạo VN phải ‘không cơ hội, vụ lợi’
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên “có những quy định hết sức cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước”, theo truyền thông tại Việt Nam.
Toàn văn quy định chưa được tiết lộ. Tuy vậy, báo chí nói cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý “phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia – dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Ngoài ra, các cán bộ cao cấp này phải tuân thủ các điều như “sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.
‘Chính trị Việt Nam đang có sóng ngầm’
Thực chất Hội nghị Trung ương 4
“Tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt.”
“Không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, ”tự chuyển hóa” trong nội bộ.”
“Tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.”
Truyền thông nhà nước nói ngoài quy định chung, Bộ Chính trị cũng quy định các tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh cao cấp.
Bình luận trên báo Việt Nam, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương nói: “Nếu cán bộ có tham vọng quyền lực thì dễ tìm mọi cách, mọi cơ hội để chạy chức, chạy quyền nhằm thăng quan, tiến chức.”
Yêu cầu “tuyệt đối không tham vọng quyền lực” cũng trở thành đề tài bàn luận trên Facebook.
Một số người đã đăng trên Facebook, tự nhận họ “không có tham vọng quyền lực”, dường như là cách bình phẩm hài hước.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40892507
Hợp tác Việt – Thái ‘chủ yếu về kinh tế’
Trước chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một nhà nghiên cứu bình luận với BBC rằng hợp tác Việt – Thái “chủ yếu là về kinh tế, và không có tác động lên chính trị Việt Nam”.
Chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến diễn ra từ ngày 17-19/8, và được báo điện tử Chính phủ Việt Nam mô tả “nhằm mục đích trao đổi những phương hướng thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan.”
Luật mới của Thái Lan ‘ảnh hưởng lao động Việt Nam’
Việt Nam bị ảnh hưởng gì từ việc giá gạo Thái giảm?
Hôm 15/8, trả lời BBC Tiếng Việt từ Bangkok, Tiến sĩ Yukti Mukdawijitra, Khoa Xã hội học và Nhân học, Đại học Thammasat, nói: “Theo tôi, việc hợp tác Việt – Thái “chủ yếu là về kinh tế, đẩy mạnh giao thương giữa hai nước, chứ không có tác động lên chính trị và nền dân chủ ở Việt Nam”.
“Tuy môi trường ở Thái Lan hiện tại cũng không phải là dân chủ lắm, nhưng không gian dành cho các nhà hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam có phần hạn chế do Hà Nội hà khắc hơn.”
“Dù rằng theo quan sát của tôi, phong trào xã hội dân sự tại Việt Nam có tiến triển hơn trong mười năm qua.”
Ông Mukdawijitra cũng trông đợi chính phủ Thái Lan “cải thiện chính sách đối với lao động Việt Nam trước thực trạng hàng vạn lao động Việt Nam đang sống và làm việc bất hợp pháp tại Thái.”
‘Những kẻ ấn định cuộc chơi’
Vài ngày trước chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tờ Bangkok Post hôm 15/8 đăng bài nói quan hệ Việt – Thái “đang tiến tới một tầm cao mới”, đẩy mạnh hợp tác kinh tế và chiến lược sau khi đã trải qua những thăng trầm trong quá khứ.
“Thái Lan hân hoan đón tiếp Việt Nam hơn bao giờ hết. Việt Nam và Thái Lan nhận ra hai nước đang cùng nhau vững mạnh hơn,” báo này viết.
“Tại thời điểm này, như lời một quan chức ngoại giao Thái Lan nói, quan hệ Việt – Thái không còn bất kỳ vướng mắc nào có thể làm gián đoạn hoặc làm chậm lại việc hợp tác.”
Báo này cũng nhận định Thái Lan và Việt Nam được xem là “động cơ hai thì” giúp phát triển nền kinh tế khu vực và tạo sự bình đẳng xã hội và ổn định ở tiểu vùng sông Mekong.
“Thái Lan và Việt Nam là những kẻ ấn định cuộc chơi. Quan hệ lịch sử của mỗi nước với các cường quốc lớn, gồm Mỹ và Trung Quốc, đã tạo ra động lực mới trong khu vực, cho phép hai quốc gia này khẳng định tầm ảnh hưởng chiến lược hơn bao giờ hết.”
Cùng thời điểm, báo điện tử Chính phủ Việt Nam cho hay: “Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Asean với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 12,5 tỷ đôla và là nhà đầu tư lớn thứ mười tại Việt Nam.”
“Với việc năm ngoái Việt Nam nhập siêu 5 tỷ đôla từ Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn hai nước có biện pháp để cán cân thương mại cân bằng hơn và nâng kim ngạch thương mại hai nước đạt 20 tỷ đôla vào năm 2020.”
Ông Phúc được báo này dẫn lời “đề nghị Thái Lan mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, tạo thuận lợi cho lao động Việt Nam tại Thái Lan; khuyến khích các doanh nhân Thái Lan đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.”
Hiện có khoảng 50.000 người Việt Nam lao động tự do ở Thái Lan. Theo báo Thanh Niên hôm 11/8, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Thái Lan “mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam và tạo điều kiện cho lao động Việt Nam được sinh sống và làm việc hợp pháp tại Thái Lan”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40884567
Singapore phạt roi ba Việt kiều Anh vì tội tấn công tình dục
Ba người Anh gốc Việt bị kết án tù và nhận roi vọt tại Singapore vì đã quan hệ tình dục với một phụ nữ say xỉn.
Khong Tam Thanh, Vu Thai Son và Michael Le vừa phải ra tòa tuần này vì tội hãm hiếp một phụ nữ trong phòng khách sạn ở Singapore hồi tháng 9/2016.
Ba người đàn ông này, đều ở độ tuổi 20, sau đó đã nhận tội để xin giảm án.
Thẩm phán Tòa án Tối cao Hoo Sheau Peng lên án hành động của ba thanh niên này và kết án họ từ 5 năm rưỡi đến 6 năm rưỡi tù giam, hãng tin AFP đưa tin.
Mỗi người cũng phải chịu từ năm đến tám lần vọt roi. Vọt roi là hình phạt có từ thời thuộc địa Anh ở Singapre. Người chịu phạt bị vọt mạnh bằng một roi nan.
Ba người đàn ông này bay đến Singapore tháng 9/2016 cùng một nhóm bạn để dự một buổi tiệc trước ngày cưới cho chú rể, anh trai của Khong.
Sau khi dự một lễ hội âm nhạc điện tử, họ gặp một phụ nữ người Malaysia 23 tuổi trong hộp đêm. Cô này đồng ý quan hệ tình dục với một người trong nhóm tại phòng khách sạn của anh ta.
Sau đó cô thiếp đi, và ba người đàn ông nói trên lần lượt hãm hiếp cô.
Cô tỉnh dậy khi Michael Le đang nằm trên người cô, và đi báo cảnh sát sau đó.
Người gốc Việt “lừa đảo” trong vụ hỏa hoạn London
Tòa Campuchia xử tù người Việt vì bạo hành trẻ em
Người Việt và nạn ‘nô lệ hiện đại’ tại Anh
Ban đầu, sau khi đã nhận tội và xin giảm án, ba người đàn ông này bị kết tội dâm ô và khống chế người trái phép, truyền thông Singapore đưa tin.
Phóng viên Karishma Vaswani của BBC tại Singapore nói ba người này tỏ ra nhẹ nhõm ra mặt sau khi thẩm phán tuyên án.
Cô Vaswani nói vụ án này đã gây tranh cãi ở Singapore, với nhiều người đặt câu hỏi trên mạng xã hội vì sao mấy người Anh gốc Việt này lại được giảm án.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40934910
Gần 200 người Thượng bị trục xuất về Việt Nam
Bị bác quy chế tị nạn, gần 200 người Thượng vượt biên sang Campuchia đã bị trục xuất về Việt Nam từ tháng Giêng 2017 cho đến nay, theo thông tin của một tổ chức phi chính phủ tại Hoa Kỳ.
Ông Ray Nong thuộc tổ chức The Montagnard Human Rights Organization ở North Carolina hôm thứ Hai 14/8 nói VOA rằng Hà Nội gây áp lực buộc Phnom Penh trục xuất gần 200 người Thượng hồi hương trong tám tháng qua:
“Từ tháng 1 cho đến nay có 200 người bị trục xuất. Có ngày 16 người, có ngày 20 người, có ngày 13 người, họ bị trục xuất từ từ từng nhóm nhỏ để tránh quốc tế biết. Họ bị áp lực từ Việt Nam và một phần từ Campuchia.”
Tờ Phnom Penh Post hôm 10/8 trích lời Cao Ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) nói rằng cơ quan này đã trục xuất hơn 120 người Thượng về Việt Nam.
Tờ báo này còn cho biết vừa qua chỉ có 3 người được cấp quy chế tị nạn ở Campuchia, và 13 người khác đã được đưa sang Philippines, và hiện còn lại khoảng 39 người ở Phnom Penh.
Ông Ray Nong nói chính phủ Việt Nam cử viên chức sang tận trại tị nạn của người Thượng tại Campuchia để vừa khuyên răn, vừa ép buộc họ phải hồi hương:
“Công an Việt Nam từ Buôn Ma Thuột, Pleiku sang tới trại tị nạn của Campuchia đe dọa buộc họ trở về, đừng có theo những người xấu ở Hoa Kỳ, tốt hơn là làm đơn tình nguyện hồi hương, nếu không sẽ bị áp đảo.”
Trong một đợt trục xuất gần đây nhất, tờ Cambodia Daily trích lời một cảnh sát nói rằng vào thứ Năm tuần trước, 13 người Thượng bị Campuchia từ chối yêu cầu xin tị nạn đã bị trục xuất về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế O’yadaw của Campuchia, thông qua cửa khẩu Lệ Thanh ở tỉnh Gia Lai.
Ông Chea Bunthoeun, Phó sở cảnh sát tỉnh Ratanakkiri nói rằng 13 người này nằm trong số một nhóm 16 người Thượng, đa phần theo đạo Tin lành, bị đàn áp tôn giáo và chính trị ở các tỉnh Tây nguyên Việt Nam.
Trong khi đó ông Tan Sovichea, phát ngôn nhân Cơ quan Di trú trực thuộc Bộ Nội vụ Campuchia vào ngày 8/6 nói với truyền thông quốc tế rằng chính phủ Campuchia không trục xuất 16 người Thượng này, việc trở về là do họ “tự nguyện” và được văn phòng Cao ủy Tị nạn LHQ ở Phnom Penh sắp xếp với bên Việt Nam sau khi xét thấy họ không hội đủ điều kiện để được cấp giấy tị nạn.
Trước đó, báo Nhân dân dẫn nguồn tin công an tỉnh Gia Lai loan tin rằng vào ngày 11/6 có 16 người và vào ngày 1/5 có 25 người vượt biên trái phép “tự nguyện” hồi hương thông qua cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ.
Tờ báo của Đảng Cộng sản nói rằng Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) tại Thái-lan phối hợp chính quyền Vương quốc Campuchia và Công an Việt Nam hoàn tất thủ tục trao trả, tiếp nhận những người vượt biên trái phép tự nguyện hồi hương.
“Họ là những nạn nhân bị kẻ xấu dụ dỗ, xúi giục vượt biên sang Campuchia trái phép bằng nhiều con đường khác nhau, để được qua một nước thứ 3, nuôi ảo vọng về một cuộc sống giàu có, sung túc, không phải lao động,” theo báo Nhân dân.
Báo Công an tỉnh Đăk Lăk tháng trước nói rằng những người này do do mắc mưu, nghe theo lời Fulro và các đối tượng xấu lừa mị đã vượt biên sang Campuchia vào năm 2015.
Ông Ray chia sẻ rằng khi về Việt Nam, những người Thượng này bị chính quyền theo dõi nghiêm ngặt và không còn đất đai để canh tác.
Tuy nhiên, ông Y Abel Knul, một thầy truyền đạo Tin Lành ở Buôn Tiêu, tỉnh Đăk Lăk nói rằng những người Thượng hồi hương không gặp trở ngại lắm:
“Nói chung, hiện tại đối với chính quyền thì họ không gặp nhiều khó khăn. Họ vẫn sinh hoạt bình thường. Chính quyền cũng không gây khó khăn đối với những người từ Campuchia trở về.”
Tuy nhiên, ông Y Abel xác nhận rằng một số người Thượng trở về không còn đất canh tác do đã bán đất lấy tiền trả cho người giúp họ vượt biên trước kia:
“Khi họ đi thì họ bán hết đất canh tác. Cũng có một số người phải lấy tiền đất, chung tiền để được dẫn đi vượt biên. Tôi biết một số người đã bị lừa.”
Theo ông Ray, một số người Thượng sợ hãi trước việc công an Việt Nam sang Campuchia đe dọa, nên đã tìm cách vượt biên sang Thái Lan:
“Có một số người từ chối hồi hương, họ tìm cách chạy qua Thái Lan. Hiện nay gần 400 người Thượng tị nạn bất hợp pháp tại Thái Lan, trong đó 6 người hiện đang ở trong tù.”
Nhưng sang Thái Lan tình hình cũng không mấy khả quan. Ông Ray nói những người Thượng ở Thái Lan đang trong tình trạng khốn khổ và sống trong sợ hãi. Họ không nhận được trợ cấp mà phải tự sống ở thôn quê, làm công cho nông dân Thái. Tuy nhiên, gần đây Thái Lan ra quy định không được thuê lao động nhập cư bất hợp pháp.
Được biết từ năm 2001 khoảng trên dưới 3.000 người Thượng băng rừng chạy sang Campuchia với lý do được họ cho biết nhằm tránh bị đàn áp sau những cuộc biểu tình đòi quyền lợi đất đai và đòi tự do thờ phượng tại quê nhà họ ở các tỉnh Tây Nguyên.
Đa phần trong số họ đã cải đạo sang Tin Lành. Những người Thượng này nói với hãng tin Aljazeera rằng đã phải đối mặt với sự áp bức và kỳ thị tôn giáo sau năm 1975.
Source: Cambodiadaily, Aljazeera, Nhan dan, Phnom Penh Post
https://www.voatiengviet.com/a/gan-200-nguoi-thuong-bi-truc-xuat-ve-vietnam/3986437.html