Tin Việt Nam – 15/07/2020
Công an trại giam và phạm nhân lãnh án tù
vì tuồn điện thoại vào trại giam
Tòa án Nhân dân Thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) hôm 15/7 đã tuyên bị cáo Lê Minh Sơn (nguyên Đại úy, cán bộ Trại tạm giam Công an Bình Thuận) 5 năm tù. Bị cáo Võ Ngọc Thiện (phạm nhân tại Trại tạm giam Công an Bình Thuận) bị án 6 năm tù. Cả hai có cùng tội lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày trích cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết bị cáo Thiện là phạm nhân lãnh án 5 năm tù vì tội cố ý gây thương tích và được giao nhiệm vụ đưa cơm nước cho các phạm nhân khác và canh giữ.
Vào tháng 4/2019, một số phạm nhân đang tạm giam nhờ Thiện tuồn điện thoại vào trong buồng để liên lạc với người thân và sẽ trả nhiều tiền. Cáo trạng nói Thiện đã đồng ý và ra giá mỗi lần sử dụng điện thoại từ 5 đến 7 triệu đồng.
Sau đó Thiện bị nói đến gặp đại úy Sơn, người được phân công tuần tra, canh gác trong và ngoài khu giam giữ, để hậu thuẫn và được sự đồng ý.
Bị cáo Sơn và Thiện sau đó đã đưa số ngân hàng để người thân các phạm nhân chuyển tiền sau mỗi cuộc gọi.
Cáo trạng xác định từ 27/4 đến 29/6/2019, Sơn và Thiện đã thực hiện 18 lần chuyển điện thoại vào buồng giam vào khoảng 5 giờ chiều bằng cách ra ám hiệu cho các phạm nhân thả dây qua lỗ thông gió lấy điện thoại. Đến sáng, Thiện đi lấy điện thoại và đưa cho Sơn sạc pin.
Cơ quan điều tra cho biết hai phạm nhân Nguyễn Viết Huy và Nguyễn Văn Nưng đã gọi điện ra ngoài và nhờ hỗ trợ vược ngục thành công vào ngày 30/6/2019.
Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh nói gì
về việc hàng loạt lãnh đạo chủ chốt
của thành phố bị truy tố?
Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ hôm 15/7 nói với các cử tri của thành phố rằng việc một loạt các quan chức nhiệm kỳ trước và hiện tại của thành phố bị truy tố, kỷ luật vì những sai phạm là điều không ai muốn và đáng buồn.
Tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố, một số cử tri chất vấn công tác giám sát của HĐND thành phố nhiệm kỳ này thế nào mà để 4 đại biểu bị xử lý trước pháp luật.
4 đại biểu HĐND trong nhiệm kỳ này bị kỷ luật hoặc bị xử lý hình sự được nêu tên trong buổi tiếp xúc cử tri bao gồm: ông Tề Trí Dũng (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận-IPC); ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến và Phó Chánh Văn Phòng Thành ủy TPHCM Trần Trọng Tuấn.
Các cán bộ cấp cao nhiệm kỳ trước bị kỷ luật cũng được nói tới bao gồm cựu Bí thư Thành uỷ Lê Thanh Hải, cựu Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, hai cựu Phó chủ tịch UBND là Nguyễn Thành Tài và Nguyễn Hữu Tín.
Các cử tri thắc mắc liệu quy trình bổ nhiệm có sơ hở hay không khi mới đây ông Trần Trọng Tuấn, Phan Trường Sơn mới nhận quyết định bổ nhiệm đã bị khởi tố.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết 3 lãnh đạo mới bị truy tố đã bị đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TP gồm ông Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn và ông Tề Trí Dũng.
Riêng trường hợp ông Tất Thành Cang vẫn có tư cách đại biểu HĐND TP vì chưa bị xem xét về mặt pháp luật.
Bị khởi tố, cựu Bộ trưởng Công thương
xin “khoan hồng” vì đã bị ung thư
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 14 tháng 7 năm 2020 loan tin, sau khi bị khởi tố vào ngày 8 tháng 11 vừa qua, ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công thương Cộng sản Việt Nam đã đề nghị xin được giảm nhẹ tội và khai rằng ông bị các bệnh lý về tim, bị ung thư tiền liệt tuyến.
Ông Hoàng cho rằng, “tội” của ông chỉ dừng lại ở chỗ là người đứng đầu bộ Công thương khi có sai phạm xảy ra trong nhiệm kỳ của ông. Còn trách nhiệm chính là bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng bộ Công thương Cộng sản.
Phía cơ quan điều tra khẳng định, quá trình điều tra vụ án thì các bị can có thái độ khai báo thành khẩn, quá trình công tác có thành tích, được tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Vì vậy, ông Hoàng đang được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi ở chứ không bị bắt giam ngay sau khi đọc lệnh khởi tố.
Nguyên nhân của việc khởi tố này xuất phát từ hành vi của bà Hồ Thị Kim Thoa, trong thời gian đương chức đã dùng thủ đoạn thay đổi quyền sử dụng đất ở khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng từ tổng công ty Sabeco là công ty của nhà cầm quyền sang công ty Sabeco Pearl của tư nhân. Sau khi Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư khu đất thì ông Vũ Huy Hoàng yêu cầu cho bà Thoa ký 2 văn bản ra lệnh công ty Sabeco thoái 26% số vốn góp tại công ty Sabeco Pearl. Hành vi này bị phía Công an cáo buộc là trái với quy định của pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, thất thoát lãng phí.
Được biết, trong vài năm trở lại đây, một số viên chức Cộng sản sau khi bị khởi tố thì họ mới khai báo bản thân bị bệnh nặng hoặc bị “tâm thần”.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/bi-khoi-to-cuu-bo-truong-cong-thuong-xin-khoan-hong-vi-da-bi-ung-thu/
Cựu quan chức ‘cao chạy xa bay’
phải phát lệnh truy nã!
Cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bị truy nã
Truyền thông trong nước, vào ngày 11/7 dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) cho biết cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, bị khởi tố và tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú do đã có hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, theo quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quyết định khởi tố bị can đối với bà cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa được ban hành vào hôm 9/7, liên can trong vụ án hình sự về dự án xảy ra sai phạm pháp luật tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM.
Hai cựu cán bộ cấp cao thuộc Bộ Công thương cùng bị khởi tố chung vụ án với bà Kim Thoa gồm nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ.
Hiện nay lệnh truy nã phát ra và phía bên các cơ quan của Việt Nam đã khống chế được. Khi nào có điều kiện hay có chuyến bay chở công dân ở nước ngoài về nước thì các nhân vật đó sẽ được đưa về trong trạng thái; một là có thể sẽ dẫn độ hoặc hai là bằng cách cưỡng bức quay về nước
-Luật sư Phạm Công Út
Đến ngày 13/7, báo giới quốc nội loan tin Bộ Công an Việt Nam ra quyết định truy nã bị can Hồ Thị Kim Thoa vì bà đã bỏ trốn và thời hạn điều tra vụ án cũng đã hết. Do đó, Bộ Công an tạm đình chỉ điều tra vụ án và điều tra bị can đối với bà Hồ Thị Kim Thoa cho đến khi nào bắt được thì sẽ phục hồi điều tra và xử lý theo qui định của pháp luật Việt Nam.
Làm thế nào để đưa về nước?
Vụ việc cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bị Chính quyền Việt Nam truy nã nhắc nhớ về hai trường hợp của cựu cán bộ Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy.
Cựu quan chức Trịnh Xuân Thanh đã đến Đức xin quy chế tị nạn chính trị, trước khi Chính quyền Việt Nam công bố lệnh truy nã vào trung tuần tháng 9 năm 2016. Ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc tội ‘cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam. Mặc dù Việt Nam thông báo ông Trịnh Xuân Thanh đã về nước và ra đầu thú vào cuối tháng 7/2017;tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Đức, vào hạ tuần tháng 9/2017 ra thông cáo báo chí về trục xuất một số nhân viên ngoại giao của Việt Nam vì liên quan trong vụ mật vụ Việt Nam sang Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đưa về nước.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin đến nay, tòa án ở Đức vẫn chưa đóng hồ sơ.
Trong khi đó, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần và Xơ sợi Dầu khí (PVtex), ông Vũ Đình Duy bị Công an Việt Nam khởi tố hồi trung tuần tháng 6 năm 2017. Và một tuần sau đó, ông Vũ Đình Duy bị phát lệnh truy nã quốc tế. Cho đến thời điểm hiện tại vào trung tuần tháng 7/2020, trường hợp ông Vũ Đình Duy vẫn còn là một ẩn số.
Từ Sài Gòn, Luật sư Phạm Công Út lên tiếng rằng theo ghi nhận của ông thì đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà Bộ Công an xác định là tội phạm cần được đưa về nước thì họ sẽ dùng nhiều biện pháp để đưa về. Trong đó, không loại trừ biện pháp “bắt cóc” hay “tự thú” giống như trường hợp Trịnh Xuân Thanh.
Luật sư Phạm Công Út chia sẻ thêm qua công cụ tìm kiếm google, những người quan tâm có thể tìm thấy thông tin rất nhiều thậm chí hàng chục vụ bắc cóc xảy ra ở Đức, do Chính quyền Trung Quốc thực hiện đối với công dân của họ trong nhiều năm. Tuy nhiên, vụ việc Trịnh Xuân Thanh được dư luận trong và ngoài nước chú ý là vì Chính quyền Việt Nam không thể bưng bít thông tin trong thời đại của truyền thông đa phương tiện. Luật sư Phạm Công Út nói thêm về suy luận của ông đối với hai trường hợp truy nã bà Hồ Thị Kim Thoa và ông Vũ Đình Duy:
“Hiện nay lệnh truy nã phát ra và phía bên các cơ quan của Việt Nam đã khống chế được. Khi nào có điều kiện hay có chuyến bay chở công dân ở nước ngoài về nước thì các nhân vật đó sẽ được đưa về trong trạng thái; một là có thể sẽ dẫn độ hoặc hai là bằng cách cưỡng bức quay về nước.”
Việt Nam quyết liệt chống tham nhũng?
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hồi tháng 1/2017 ban hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa và kỷ luật xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Bà Kim Thoa nhận kỷ luật khiển trách vào thời điểm đó do đã vi phạm trong việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh trái quy định, thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định ký quyết định bổ nhiệm và điều động một số cán bộ trong nhiệm kỳ 2011-2016.
Bộ Công thương Việt Nam, vào tháng 8/2017 ra quyết định cho bà Hồ Thị Kim Thoa đủ điều kiện để nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội kể từ đầu tháng 9/2017.
Giới quan sát tình hình Việt Nam cho rằng cả hai vị cựu lãnh đạo Bộ Công thương gồm bà Hồ Thị Kim Thoa và ông Vũ Huy Hoàng đã được “hạ cánh an toàn”.
Mặc dù vậy, danh tánh của hai người này bị Bộ Công an khởi tố và bà Kim Thoa còn bị truy nã trước Đại hội Đảng XIII.
Rõ ràng chuyện chống tham nhũng được xúc tiến trước Đại hội Đảng XIII. Nhưng nói rằng làm như thế để diệt tham nhũng tận gốc thì không phải đâu. Tại vì muốn chống tham nhũng đến cùng thì phải chống từ gốc. Thế nhưng, cái gốc thì vẫn còn để nguyên đấy. bây giờ như ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa thì người ta cho rằng những người này thuộc phe phái của ông Nguyễn Tấn Dũng trước đây. Thế nhưng người ta nhận thấy ‘đánh’ như thế cũng chưa đủ mạnh và bây giờ thì người ta ‘đánh’ tiếp. Dư luận trong nước cho rằng cũng chỉ là các phe phái đánh nhau thôi, chứ không vì mục đích chống tham nhũng triệt để đâu
-Giáo sư Nguyễn Đình Cống
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nói với RFA liên quan vụ việc này:
“Rõ ràng chuyện chống tham nhũng được xúc tiến trước Đại hội Đảng XIII. Nhưng nói rằng làm như thế để diệt tham nhũng tận gốc thì không phải đâu. Tại vì muốn chống tham nhũng đến cùng thì phải chống từ gốc. Thế nhưng, cái gốc thì vẫn còn để nguyên đấy. Bây giờ như ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa thì người ta cho rằng những người này thuộc phe phái của ông Nguyễn Tấn Dũng trước đây. Thế nhưng người ta nhận thấy ‘đánh’ như thế cũng chưa đủ mạnh và bây giờ thì người ta ‘đánh’ tiếp. Dư luận trong nước cho rằng cũng chỉ là các phe phái đánh nhau thôi, chứ không vì mục đích chống tham nhũng triệt để đâu.”
Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ tờ thoibao.de, từng bắt gặp ông Vũ Đình Duy ra làm nhân chứng tại tòa ở Đức trong vụ án Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc. Nhà báo Lê Trung Khoa cũng từng nghe ông Vũ Đình Duy khai báo rằng bản thân ông bị Chính quyền Việt Nam truy nã vì lý do thua lỗ trong lĩnh vực kinh doanh của thời trước. Tuy nhiên, ông Duy khẳng định rằng ông phải gánh chịu hậu quả trong cuộc đấu đá quyền lực, của chính phủ mới, muốn dẹp bỏ những người của chính phủ cũ tại Việt Nam, sau Đại hội Đảng XII.
Một số những người mà chúng tôi tiếp xúc được đều cho rằng chưa thể tiên liệu số phận của ông Vũ Đình Duy hay bà cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sẽ thế nào. Nhưng họ khẳng định một thực tế luôn tồn tại ở Việt Nam là những cán bộ bị truy nã như ông Duy và bà Kim Thoa sẽ còn tiếp diễn, như qua câu kết luận của Giáo sư Nguyễn Đình Cống là “Mục đích chính dùng tham nhũng để ‘đánh’ phe phái, chắc là những chuyện như thế sẽ còn tiếp tục.”
Hàng trăm tấn cá nuôi lồng bè chết tại Kiên Giang
Ủy ban Nhân dân huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang vào ngày 15/7 thông báo, những ngày qua nhiều hộ nuôi cá lồng bè ở đảo Hòn Tre, huyện Kiên Hải và đảo Sơn Hải huyện Kiên Lương thông báo cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.
Truyền thông trong nước loan tin dẫn thông báo của ông Nguyễn Thanh Điền, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải cho biết như vừa nêu.
Theo ông Điền, từ đầu tháng 7 đến nay cá nuôi lồng bè của các hộ dân đã chết ba đợt. Đợt 1 xảy ra vào ngày 7/7, có 16 hộ bị thiệt hại gần 7.000 con, đợt 2 vào ngày 8/7, có năm hộ bị thiệt hại gần 1.200 con và đợt 3 vào ngày 15/7, có 10 hộ thiệt hại hơn 4.500 con. Ước tính tổng thiệt hại sau ba đợt gần 42 tấn cá.
Hiện tại, các hộ dân nuôi cá lồng bè bị ảnh hưởng đang cố gắng thu gom cá bán lẻ ra Hòn Tre và chuyển đến một số nơi trong đất liền để tiêu thụ nhằm thu hồi phần nào vốn liếng đã bỏ ra đầu tư.
Lý giải nguyên nhân vì sao cá chết hàng loạt, cơ quan chức năng cho rằng có thể do ảnh hưởng nguồn nước nhưng nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được các ban ngành chuyên môn xác định để có biện pháp xử lý.
Trước đó, vào ngày 7 và 8-7, tại xã đảo Sơn Hải của huyện Kiên Lương cũng xảy ra tình trạng tương tự, nhưng số lượng cá chết gấp 10 lần số cá thiệt hại tại Hòn Tre với gần 500 tấn cá.
Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt.
Hơn một triệu người thất nghiệp
trong 6 tháng đầu năm 2020
Hơn một triệu người không có công ăn việc làm trong 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tổng cục Thống kê hôm 15 tháng 7 đã đưa ra con số trên trong báo cáo tình hình lao động việc làm quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020.
Theo báo cáo, tính đến tháng 6/2020, Việt Nam có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm trở lại; 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động, nghĩa là không tham gia hoạt động kinh tế.
Bên cạnh đó, thu nhập bình quân tháng từ công việc của lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm cũng giảm 106 nghìn đồng, chỉ đạt 5,5 triệu đồng.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động, hiện lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 55,46 triệu người, chiếm 57,65% tổng dân số. Tuy nhiên, lực lượng lao động có văn bằng, chứng chỉ chỉ chiếm 22,3% tương ứng hơn 12 triệu người.
Trong một diễn biến khác diễn ra cùng ngày, Bộ Công thương cho biết 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may gặp nhiều khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu và đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán.
Lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian tháng 5, tháng 6. Trong đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ước tính mất khoảng 50% đơn đặt hàng trong tháng 5.
Hậu quả do COVID-19 lên giao thông Việt Nam:
đường hỏa xa báo lỗ,
Vietnam Airline mất khả năng thanh toán
Tin từ Hà Nội: Đài Châu Á Tự do (RFA) đưa tin ngành giao thông Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả của đại dịch Covid-19 khi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam báo thua lỗ hơn 450 tỷ đồng còn hãng hàng không quốc giaVietnam Airlines đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ thanh toán khẩn cấp 12,000 tỷ đồng.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020, lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, 6 tháng đầu năm lỗ từ hoạt động vận tải ước tính hơn 450 tỷ đồng. Việc thua lỗ là do phải dừng nhiều tàu khách trên các tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tính từ tháng Hai đến tháng Năm, công ty đã giảm khai thác 2,886 chuyến tàu so với cùng thời kỳ năm trước. Đến nay tỷ lệ chiếm chỗ trên các đoàn tàu cũng chỉ đạt khoảng 56%. Dù vận tải hàng hóa vẫn ổn định, bù đắp cho vận chuyển hành khách nhưng tính chung doanh thu vận tải vẫn chỉ đạt 70% cùng thời kỳ. Ngành hàng không cũng rơi vào tình trạng lao đao khi Vietnam Airlines đề nghị hỗ trợ khẩn cấp 12,000 tỷ đồng từ ngân sách quốc gia.
Hãng hàng không này đã thực hiện nhiều hành động như cắt giảm chi phí, tổ chức lại lao động, giãn và hoãn thanh toán… nhưng nếu không có hỗ trợ về thanh khoản từ ngân sách nhà nước thì đến tháng 8 năm nay, Vietnam Airlines sẽ rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Trong một diễn biến khác, nhà cầm quyền Việt Nam đã quyết định nối lại các chuyến bay dân sự giữa Việt Nam và Trung Cộng sau nhiều tháng gián đoạn do Covid-19.
An Nhiên
Vinafood 2 lỗ gần 170 tỷ đồng năm 2019
Khoản lỗ ròng năm 2019 của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) được báo gần 170 tỷ đồng. Báo trong nước đưa tin hôm 15/7/2020.
Theo giải trình của Vinafood 2 thì nguyên nhân lỗ là do chính sách nhập khẩu gạo của các nước có nhiều thay đổi theo khuynh hướng tự do hoá thương mại, gia tăng các rào cản để bảo hộ sản xuất, cạnh tranh gay gắt, giá chào người mua đưa ra rất thấp so với giá thành sản xuất.
Khoảng cuối tháng 10 năm 2019, Vinafood 2 đã báo lỗ lũy kế là 73,7 tỷ đồng. Theo giải trình của Vinafood 2, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thua lỗ là do tình hình giao dịch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng năm 2019 luôn trong tình trạng trầm lắng và tiêu thụ nội địa cũng chậm. Trong khi đó, nhu cầu mua rất yếu, giá chào mua lại rất thấp so với giá thành sản xuất khiến sản lượng gạo bán ra ít, lợi nhuận tạo ra không đủ bù đắp chi phí cố định.
Vinafood 2 là một trong những doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV chính thức sang hình thức công ty cổ phần từ ngày 9/10/2018, với 2 cổ đông chính là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T giữ 25%.
Trong khi đó, theo truyền thông trong nước, sản lượng lương thực, kim ngạch xuất khẩu cảu Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) đều vượt chỉ tiêu đề ra. Đạt doanh thu hơn 17.000 tỷ đồng trong năm 2019, vượt 9% kế hoạch năm. Mục tiêu trong năm 2020 của Vinafood 1 là xây dựng các chỉ tiêu sản xuất, bảo toàn và phát triển vốn, doanh số tăng 5 – 8% so với kế hoạch năm 2019. Năm 2020 là năm cuối trong mục tiêu giai đoạn 2016-2020 của Vinafood 1.
Việt Nam dự định
mở lại đường bay quốc tế từ tháng 8
Ngành hàng không Việt Nam dự định mở lại đường bay thương mại quốc tế đến các khu vực ưu tiên kể từ tháng 8 tới đây.
Đó là nội dung trong phương án tổ chức chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ và các nước vừa được Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ.
Truyền thông trong nước, vào ngày 15/7 dẫn văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký, cho biết hiện tất cả cảng hàng không quốc tế của Việt Nam đã hoạt động trở lại bình thường, trong đó Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hai nơi vận chuyển hàng hóa hai chiều và chở khách từ Việt Nam đi nước ngoài. Các sân bay bao gồm Vân Đồn, Cam Ranh, Đà Nẵng và Cần Thơ đang tiếp nhận những chuyến bay đưa người từ nước ngoài vào Việt Nam như đón công dân về nước và các chuyên gia nước ngoài vào làm việc.
Bộ GTVT cũng ghi nhận kể từ tháng 6 cho đến thời điểm hiện tại, một số hãng hàng không nước ngoài như Cathay Pacific, Singapore Airlines, China Airlines, Qatar Airways, Korean Air…bắt đầu thực hiện các chuyến bay thường lệ đi/đến Việt Nam. Tức là chở hàng vào Việt nam và chở hàng cùng với hành khách đi quốc tế.
Trong văn bản đệ trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT dự định từ đầu tháng 8 sẽ thực hiện các chuyến bay thương mại đến khu vực ưu tiên như Quảng Châu, Seoul, Tokyo, Đài Loan, Pnom Penh, Vientiane với tuần suất 1 chuyến/tuần/điểm đến. Sau khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tăng tần suất và số đường bay quốc tế.
Riêng đối với thị trường hàng không Trung Quốc, Thủ tướng Việt Nam đã đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa hai nước. Tần suất và điều kiện vận chuyển hành khách sẽ do ngành hàng không của Việt Nam và Trung Quốc thỏa thuận.
Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam nhiều lần đề nghị Trung Quốc mở lại đường bay mà đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào.
Repsol: Áp lực của Trung Quốc
‘khiến Việt Nam mất một tỷ đô la’ ở Biển Đông
Bill Hayton
Người viết bài này được cho hay rằng Việt Nam đã đồng ý trả khoảng một tỷ đô la cho hai công ty dầu khí quốc tế sau khi hủy các dự án của họ trên Biển Đông vì áp lực từ Trung Quốc.
Repsol nhượng cổ phần ba lô dầu: TQ đe dọa thành công VN trên Biển Đông?
Tuyên bố của Mỹ về Biển Đông: ‘Chưa từng có, nhưng cần thêm hành động cụ thể’
Một nguồn thạo tin trong ngành dầu khí nói với BBC rằng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã đồng ý trả tiền cho Repsol của Tây Ban Nha và Mubadala của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho các thỏa thuận ‘chấm dứt’ và ‘bồi thường’.
Trong một tuyên bố, một phát ngôn viên của Repsol nói ông “không muốn xác nhận hay phủ nhận về số tiền” nhưng việc đọc phân tích báo cáo tài chính của công ty cho thấy có một khoản tiền rất lớn có liên quan.
Tin này được đưa ra trong bối cảnh có đợt đối đầu mới ở Biển Đông. Rosneft, công ty năng lượng Nga, đã bị buộc phải tạm dừng kế hoạch khoan ngoài khơi, dường như cũng vì áp lực của Trung Quốc.
Các tàu tuần duyên Trung Quốc đã hoạt động trong khu vực nơi đáng ra có hoạt động này.
Đầu tháng này, hải quân của Hoa Kỳ và Trung Quốc đồng thời tiến hành tập trận quy mô lớn trong khu vực, động thái lại cho thấy sự cạnh tranh chiến lược rộng lớn hơn giữa hai cường quốc ở trong khu vực.
Một chuyên viên dầu khí phương Tây có bề dày kinh nghiệm trong khu vực nói với BBC rằng ông “chưa bao giờ từng thấy có sự can thiệp chính trị nhiều như vậy vào ngành dầu khí ngoài khơi Biển Đông”.
Đối đầu giữa tàu cảnh sát biển Việt Nam và tàu tuần duyên Trung Quốc trên Biển Đông năm 2014
Repsol đã từng là một trong các tập đoàn lớn nhất tham gia khai thác ngoài khơi Việt Nam, sở hữu 13 lô ở thềm lục địa. Với lợi ích tối thiểu ở Trung Quốc, Repsol dường như sẵn sàng chống lại áp lực chính trị từ Bắc Kinh.
Biển Đông: Bình luận về đối đầu Mỹ – Trung, và diễn tiến sau vụ Repsol
Vụ Repsol: Phía sau hàng trăm triệu đôla VN phải đền bù là gì?
Hai trong số những dự án phát triển đặc biệt táo bạo của hãng này là nằm ở rìa xa của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà Việt Nam tuyên bố và cũng nằm lọt hẳn trong đường 9 đoạn hay chữ U mà Trung Quốc vẽ trên bản đồ kể từ năm 1948.
Tuy nhiên, vào tháng Bảy năm 2017, đối tác của Repsol, PetroVietnam, đã ra lệnh hủy khoan thăm dò đã lên kế hoạch ở Lô 135-136/03. Sau đó, vào ngày 22/3/2018 Repsol đã được lệnh dừng khoan riêng rẽ khác khi đã bắt đầu tiến hành ở Lô 07/03 gần đó (một dự án trong khu vực được gọi là Cá Rồng Đỏ).
Các chuyên viên Repsol được thông báo rằng đây là một quyết định chính trị, theo lệnh của lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam, sau áp lực rất dữ dội của Trung Quốc.
Nhà giàn của Việt Nam ở Trường Sa
Trung Quốc trước đó đã điều một đội tàu gồm 40 tàu hải quân ngoài khơi Đảo Hải Nam, khoảng hai ngày đi thuyền từ địa điểm khoan và Trung Quốc dường như đã sẵn sàng để đối đầu.
Điều đó [lệnh của lãnh đạo Việt Nam] nay dường như là một quyết định mà Hà Nội phải trả giá quá đắt.
Một nguồn trong ngành dầu khí của khu vực nắm bắt rất chắc về thỏa thuận nói rằng Việt Nam trả cho Repsol và Mubadala 800 triệu USD cho quyền của họ trong các lô kể trên và thêm 200 triệu USD bồi thường cho tất cả các khoản đầu tư họ đã thực hiện trong quá trình thăm dò và phát triển.
Đây là một tỷ đô la mà PetroVietnam đáng ra sẽ chuyển vào ngân sách của chính phủ Việt Nam.
Trong báo cáo tài chính năm 2019, Repsol lưu ý rằng họ đã trích lập dự phòng cho các khoản thua lỗ gộp lại là 786 triệu Euro cho các dự án tại Việt Nam, Algeria và Papua New Guinea.
Khoản lỗ ở Việt Nam không được tách ra chi tiết. Trong cùng một tuyên bố, Repsol cũng báo cáo tổng giá trị ghi sổ là 586 triệu Euro cho ba công ty con làm việc tại các lô bị ảnh hưởng ở Việt Nam.
Trong một tuyên bố ngày 12/6/2020 thông báo ngưng khai thác Lô 07/03 và 135-136/03, công ty nói “Giao dịch [với PetroVietnam] sẽ không có tác động đáng kể đến báo cáo tài chính của Repsol”.
Điều này dường như cho thấy rằng công ty sẽ thu lại chi phí và tổn thất của hãng. Mặc dù tuyên bố đó không nêu chi tiết tài chính nào, tổng giá trị của những chi phí và tổn thất đó có thể dễ dàng lên tới hàng trăm triệu đô la.
Nỗ lực của Trung Quốc ngăn chặn các công ty đặt tại Việt Nam phát triển tài nguyên dầu khí ở Biển Đông đang được tiếp tục.
Lô 07/03 nằm cạnh Lô 136-03 mà VN phải ngưng khai thác hồi 7/2017
Một giàn khoan nằm ở cảng Vũng Tàu của Việt Nam được hai tháng đã ngừng hoạt động. Chủ giàn khoan, Tập đoàn Noble, nói rằng hợp đồng “đã bao gồm một khoản thanh toán ngừng hoạt động“. Nhiều khả năng vụ này khiến Việt Nam tốn thêm nhiều triệu đô la.
Giàn khoan này là để khoan thăm dò cho công ty Rosneft của Nga ở Lô 06-01, khu vực ngay phía bắc của lô cũ của Repsol là Lô 07/03, và cũng nằm trong đường chữ U của Trung Quốc.
Giếng mới đáng ra được khoan ở gần ngay chính chỗ hiện thời- nhưng với độ khoan sâu hơn. Đây là một mỏ đã được khai thác thương mại trong 18 năm như là một phần của dự án khí đốt Nam Côn Sơn nhưng Trung Quốc hiện cảm thấy có thể ngăn chặn được sự phát triển ở đó.
Vào đầu tháng Bảy, một tàu tuần duyên Trung Quốc, Hải Dương 5402, đã xuất hiện kiểu đi lại ‘khiêu khích’ trong khu vực được đề xuất để khoan.
Dữ liệu AIS được theo dõi bởi người dùng twitter có tên ‘Tin tức Biển Đông” cho thấy con tàu di chuyển với tốc độ 15 hải lý/giờ chỉ cách mỏ khí đốt Lan Tây hiện đang khai thác 1,5 hải lý.
Cho đến nay hầu hết nhà phân tích giả định rằng Trung Quốc sẽ không muốn đối chọi với Moscow bằng cách chặn các hoạt động của Nga tại Việt Nam. Nay có vẻ như Bắc Kinh cảm thấy thoải mái làm công ty Nga sợ đến mức phải bỏ cũng như họ đã làm với Tây Âu.
Cũng có một số bí ẩn về hoạt động của Nhật Bản ngoài khơi Việt Nam. Hai công ty Nhật Bản, Idemitsu và Teikoku/Inpex, hợp tác với PetroVietnam đang hoạt động tại hai mỏ: Sao Vàng và Đại Nguyệt nằm mấp mé đường Chín đoạn tại Lô 05-01b và Lô 05-01c.
Họ đã hoàn tất khoan phát triển và công việc chuẩn bị nhưng chưa cài đặt thiết bị bơm hút chính. Idemitsu nói rằng họ mong đợi ‘bắt đầu sản xuất khí và dầu nhẹ trong quý Ba năm 2020’ nhưng họ đang giữ im lặng về những tiến độ họ đang thực hiện.
Có thêm khúc mắc nữa là Teikoku hiện đang phải đối mặt với một vụ kiện từ một công ty niêm yết ở London, Jadestone. Jadestone nói rằng họ đã đồng ý mua cổ phần Teikoku ở lô này bốn năm trước nhưng Teikoku, một công ty con của tập đoàn năng lượng khổng lồ Nhật Bản Inpex đã hủy bỏ thỏa thuận.
Một số người suy đoán rằng tập đoàn, theo lệnh của Chính phủ Nhật Bản, muốn giữ lô như một sự sắp xếp chỉ có toàn Nhật để đối phó bất kể sự đe dọa từ Trung Quốc vốn có thể ngăn chặn sự phát triển tại các mỏ này trong tương lai.
Những sự cố như thế này là một lý do chính tại sao chính phủ Hoa Kỳ đưa ra một tuyên bố về Biển Đông trong tuần này. Trong tuyên bố đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã mô tả “chiến dịch bắt nạt” của Trung Quốc nhằm kiểm soát hầu hết các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên Biển Đông là hành vi “hoàn toàn bất hợp pháp”.
Tuyên bố cho thấy Hoa Kỳ sẵn lòng giúp đỡ các nước như Việt Nam bảo vệ ngành dầu khí ngoài khơi của họ chống lại sự can thiệp của Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington mô tả lời cáo buộc là “hoàn toàn vô lối”. Tuy nhiên, dường như cuộc chiến về tài nguyên của Biển Đông sắp trở nên nóng hơn.
Bill Hayton, đang làm việc tại kênh truyền hình BBC World News, là tác giả hai cuốn sách về Đông Nam Á. Cuốn Vietnam: Rising Dragon (2010) dựa trên các tư liệu thu thập trong một năm ông thường trú ở Việt Nam. Năm 2014, ông ra mắt cuốn South China Sea: The struggle for power in Asia, viết về tranh chấp Biển Đông. Hiện ông cũng là thành viên Viện nghiên cứu Chatham House tại London.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53420607
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông:
Bao nhiêu tiền nữa mới chạy được?
Diễm Thi, RFA
Tổng thầu EPC Trung Quốc lại tuyên bố, nếu phía Việt Nam không thanh toán đủ tiền thì tàu sẽ không chạy thử toàn tuyến và không thể đưa vào vận hành khai thác thương mại cuối năm nay như hứa hẹn mới nhất. Thế nhưng nếu trả đủ tiền thì có bảo đảm tàu chạy được hay không?
Ông Đường Hồng – Giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông của Tổng thầu EPC Trung Quốc mới đây cho biết, phía tổng thầu đã bổ sung các hồ sơ hoàn công theo yêu cầu của đại diện chủ đầu tư, các hạng mục dự án sẽ được nghiệm thu xong ngay trong tháng 7 này. Sau đó, dự án sẽ vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày dưới sự đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước trước khi Bộ Giao thông Vận tải nghiệm thu và bàn giao dự án cho Thành phố Hà Nội. Ông Hồng nêu điều kiện để chạy thử là phía chủ đầu tư phải thanh toán hết tiền cho tổng thầu.
Hợp đồng Tổng thầu EPC là một loại hợp đồng xây dựng mà nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình và chạy thử bàn giao cho chủ đầu tư.
Đầu tháng 6 năm 2020, ông Đường Hồng đề nghị giao thêm số tiền 50 triệu USD để thực hiện công tác hoàn thiện dự án. Ông nêu lý do là không có số tiền này để thanh toán cho các nhà cung cấp thiết bị thì họ không cử người sang. Chỉ cần 1 trong số 11 nhà cung cấp thiết bị chuyên ngành không cử người sang thì không thể hoàn thành được công việc chạy thử và nghiệm thu.
Nhưng đó chưa phải là con số sau cùng. Theo ông Đường Hồng, nếu thanh toán thêm 50 triệu USD thì phía chủ đầu tư cũng mới chỉ thanh toán 86,7% giá trị hợp đồng. Để đạt mức thanh toán 100% giá trị hợp đồng thì ngoài số tiền 50 triệu USD này, còn cần thêm khoảng 85,7 triệu USD nữa. Như vậy, nếu cộng với 50 triệu USD đã đưa ra trước, chủ đầu tư phải trả cho nhà thầu 135,7 triệu USD.
Theo tôi thì đường sắt đó đã được đầu tư khá tốn kém và bây giờ gần đến giai đoạn có thể vận hành được, thì thôi đành phải chấp nhận chi thêm tiền để còn vận hành. – Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Tuyến đường sắt này nhiều lần chậm tiến độ và nhiều lần đội vốn. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng phải lùi thời hạn vận hành sang năm 2018, tiếp đó lại xin gia hạn tới tháng 4 năm 2019. Tới nay tuyến đường sắt này vẫn chưa thể đưa vào khai thác.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ của chính phủ Hà Nội. Nhưng ‘lỡ phóng lao thì phải theo lao’. Ông giải thích:
“Theo tôi thì đường sắt đó đã được đầu tư khá tốn kém và bây giờ gần đến giai đoạn có thể vận hành được, thì thôi đành phải chấp nhận chi thêm tiền để còn vận hành.
Nếu không chi thì đường sắt này không vận hành được và nó thành ra một đống sắt vụn sắt gỉ và nó chiếm không gian, chiếm đường xá thành phố Hà Nội. Người dân không thể nào chấp nhận được. Vậy nên tôi nghĩ cần phải kết thúc và đưa vào vận hành.
Còn những vấn đề liên quan như tại sao lại đội vốn cao như thế, phương án được đầu tư như thế nào, ai đã duyệt, ai đã ký thì cho đến bây giờ chưa thấy có công bố và báo cáo ra với quần chúng.”
Tuy đồng ý với phương án cho thêm tiền để hoàn thành dự án, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh vẫn lo ngại dự án lại tiếp tục bị hoãn như từ trước đến nay bởi họ đã hứa quá nhiều lần.
Đa số người dân Việt Nam không tin dự án này sẽ hoàn thành cho dù có đổ thêm tiền vào, vì ‘một lần bất tín, vạn lần bất tin’, huống gì đã quá nhiều lần thất hứa.
Bà Lê Hiền Đức từ Hà Nội nói với RFA tối 14 tháng 7 rằng:
“Quan điểm của riêng tôi là hoàn toàn phản đối và tôi coi khinh những người tiếp tục cho làm cái đường sắt này. Trung Quốc nó làm cái đường ấy đội vốn lên nhiều lắm rồi. Nó làm khổ dân Việt Nam nhiều lắm rồi.”
Hôm 8 tháng 7 năm 2019, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã thông qua kế hoạch vay hơn 98 triệu USD (khoảng 2.300 tỉ đồng) với mục đích được nêu ra là nhằm vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Kế hoạch vay này được 96/97 đại biểu giơ tay tán thành.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải từ Hà Nội phản đối việc vay thêm tiền như vậy. Ông cho rằng dân phải è cổ đóng thuế trả nợ nước ngoài trong khi người dân không hề được hỏi ý kiến, và người dân cũng không hề được biết chi tiết dùng số tiền 98 triệu USD để vận hành, khai thác như thế nào và thời gian cụ thể ra sao.
Bà Tâm, một người dân Hà Nội cho rằng phải xem xét bên nào làm sai thì phải đền bù thiệt hại chứ cứ đổ thêm tiền rồi vẽ ra cho đẹp, chỉ khổ dân:
“Tiền thuế của dân trả nợ chứ có phải của ai đâu. Thôi đừng vay nữa, đừng tiếp tục nữa, đừng cố đấm ăn xôi nữa. Chỉ có Việt Nam và Trung Quốc nữa chứ có ai vào đây. Mang ra tòa án phân định xem ai sai. Những ông bên chính phủ, bên Bộ Tài chính hãy làm bằng tâm đi. Dân biết hết, dân không ngu đâu!”
Tiền thuế của dân trả nợ chứ có phải của ai đâu. Thôi đừng vay nữa, đừng tiếp tục nữa, đừng cố đấm ăn xôi nữa. Chỉ có Việt Nam và Trung Quốc nữa chứ có ai vào đây. – Bà Tâm, Hà Nội
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vay vốn ODA cho thấy, năm 2018 nợ công dự kiến lên con số 3,5 triệu tỷ đồng, cao hơn con số 3,1 triệu tỷ đồng của năm 2017. Như vậy, đến 2018 mỗi người dân phải ‘gánh’ 35 triệu đồng nợ công.
Tại cuộc làm việc ở Hải Phòng hôm 19 tháng 6 năm 2020, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng kêu gọi ba địa phương Hải Phòng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh “đồng cam cộng khổ cùng Chính phủ trả nợ công”.
Chiều 5 tháng 7 năm 2019, tại buổi họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018, ông Trần Hải Đông, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đội vốn lên hơn 200% vì đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên nên mất nhiều thời gian nghiên cứu, xác
định. Quá trình lập dự án chưa có sự nghiên cứu kỹ, lại thay đổi phương án, làm tăng chi phí. Mặt khác, do bàn giao mặt bằng chậm, dẫn tới tiến độ thực hiện kéo dài, tăng chi phí nhân công, vật liệu…
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông gây bất bình cho rất nhiều người dân Việt Nam và bị coi là một thất bại của chính phủ trong việc lựa chọn nhà thầu. Thế nhưng tại buổi gặp giữa Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba vào chiều 24 tháng 6 năm 2020, ông Hùng Ba khẳng định dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông không chỉ là dự án thương mại đơn thuần, mà còn là biểu trưng cho tình hữu nghị hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Ông Đinh Kim Phúc nhận định một cách mỉa mai khi công nhận phát biểu của Đại sứ Trung Quốc là hoàn toàn chính xác. Theo ông, gọi đây là biểu trưng của tình hữu nghị tức là đưa anh em, bạn bè, đồng chí vào cái vòng kim cô để kiểm soát, để gây khó, để tạo ra cái vấn nạn kinh tế không những chỉ cho lãnh đạo Hà Nội, mà còn cho toàn thể nhân dân Việt Nam, là những người phải đóng thuế để trả cho cái tình hữu nghị này.
Việt Nam có thể “thân Mỹ chống Trung” hay không?
Trần Đình Thu
Chiều 12/11/2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vẫy tay chào tạm biệt Việt Nam tại sân bay Nội Bài, kết thúc chuyến thăm 3 ngày để tham dự APEC ở Đà Nẵng và chuyến thăm cấp nhà nước tại Hà Nội
Cách đây hơn một năm, nếu ai đặt vấn đề này ra sẽ bị phản đối. Chính tôi cũng bị phản đối khi nói về khả năng đó trên trang Facebook cá nhân của tôi, mặc dù tôi nói khá dè dặt.
Nhưng sự kiện trang fanpage của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đăng bức thư của Tổng biên tập thời báo Hoàn Cầu để “Nói vài lời thật lòng với người Việt Nam” trong đó nhắc nhở Việt Nam chớ “phát triển quan hệ với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc”, hay nói cách khác là chớ theo Mỹ để chống Trung, khiến nhiều người thấy rằng vấn đề có thể được thảo luận một cách nghiêm túc hơn được rồi.
Mỹ nói hành động của TQ trên Biển Đông ‘hoàn toàn bất hợp pháp’
Người Việt khó chấp nhận nhau vì Tổng thống Trump
Bùi Kiến Thành: Quan hệ Việt – Mỹ hôm nay ‘không phải thần kỳ mà nhờ kiên trì’
Tuyên bố của Mỹ về Biển Đông: ‘Chưa từng có, nhưng cần thêm hành động cụ thể’
Vấn đề đặt ra, liệu Việt Nam, với một thể chế chính trị quá khác biệt với Mỹ, có thể trở thành thân thiết với Mỹ kiểu như đồng minh chẳng hạn, để kiềm chế Trung Quốc hay không.
Khác thể chế cũng có thể ‘cùng phe’
Căng thẳng Mỹ Trung kéo dài trên nhiều mặt trận
Lịch sử loài người có một dẫn chứng trong Thế chiến II, khi Anh Pháp Mỹ đứng cùng phe với Liên Xô để chống lại phe phát xít. Lúc đầu có đắn đo nhưng về sau vì quyền lợi chung nên các nước đó đã chấp nhận.
Về nguyên tắc, nếu hai bên cùng bị một bên thứ ba gây thiệt hại thì có thể cùng nhau hợp lực tạm thời để chống bên thứ ba.
Về mặt lý thuyết, trường hợp Mỹ và Việt Nam cũng có thể xem như vậy.
Việt Nam bị Trung Quốc o ép trên Biển Đông, Mỹ bị ảnh hưởng đến tự do hàng hải, vậy thì hai bên có thể hợp lực để chống lại Trung Quốc cũng không có gì là quá khó hiểu.
Có cần lo thay đổi thể chế chính trị?
Đây chính là vấn đề mà nhiều người không tin rằng lãnh đạo Việt Nam chịu xoay trục về phía Mỹ để kiềm chế Trung Quốc.
Và cũng chính ông Tổng biên tập thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến lấy ra để nhắc nhở lãnh đạo Việt Nam khi viết “Trung Quốc và Việt Nam đều là nước xã hội chủ nghĩa, đa số nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới đều đã sụp đổ, là nước láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam có thể duy trì cục diện chính trị ổn định, sự nâng đỡ chiến lược tiềm tàng lớn nhất là đến từ ổn định chính trị của Trung Quốc. Thể chế chính trị của Việt Nam rất khó trường tồn lâu dài một mình”.
Đó dĩ nhiên là một đòn cân não khiến lãnh đạo Việt Nam phải đắn đo. Liệu họ có thể vượt qua nỗi lo này?
Nếu làm, thì đã có tính toán?
Thật sự nếu họ lo lắng thì họ đã không trở nên quá thân thiết với Mỹ như ngày hôm nay.
Nhưng hôm nay Việt Nam đã khá thân thiết với Mỹ và có một số phản ứng mạnh với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Ngoài ra Việt Nam cũng đang hợp tác với Mỹ để chống gian lận thương mại từ Trung Quốc.
Vậy thì họ cũng đâu cần đến lời nhắc nhở của ông Hồ Tích Tiến mà họ đã trù liệu rồi.
Vấn đề là họ sẽ đi xa đến đâu mà thôi.
Chống Bắc Kinh, thân Mỹ, nhưng không đa đảng?
Đây cũng có thể là mô hình của Việt Nam trong thời gian trước mắt cho tới lúc nào nó còn phù hợp.
Đứng cùng phe với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc nhưng vẫn giữ thể chế chính trị cũ.
Tuy nhiên màu sắc của chủ nghĩa xã hội có thể nhạt dần cho phù hợp. Cũng có thể mở rộng dân chủ một phần nhưng không có đa đảng.
Nhưng nếu không có dân chủ đa đảng trong thời gian truớc mắt, liệu có đáp ứng được khát vọng của nhân dân?
Thay lời kết luận, tôi xin chia sẻ thêm rằng một cuộc khảo sát từ Singapore truớc đây cho biết có đến 80% số người Việt Nam được hỏi cho biết họ thích Việt Nam quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Tỷ lệ này cao nhất ASEAN.
Đồng thời Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ người không tin tưởng vào Trung quốc rất cao.
Như vậy nếu lãnh đạo Việt Nam xoay trục qua chống Trung thân Mỹ thì theo tôi cũng đáp ứng phần nào nguyện vọng của nhân dân và điều ấy cũng sẽ có tác động đến sự phát triển nói chung.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo tự do, cựu đạo diễn hãng phim và cựu biên tập viên của báo Thanh Niên, hiện đang sống ở Sài Gòn.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53413741
Việt Nam lên tiếng
về tuyên bố của Mỹ về lập trường ở Biển Đông
Việt Nam vào ngày 15 tháng 7 lên tiếng về tuyên bố của Hoa Kỳ hôm 13 tháng 7 về lập trường của Washington đối với Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng được truyền thông dẫn lời rằng:
“Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên Biển Đông và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó.
Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động trên biển và đại dương.
Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.”
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Pompeo vào ngày 13 tháng 7 ra tuyên bố về lập trường của Washington đối với những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Theo đó, Hoa Kỳ cổ xúy cho một vùng Ấn độ- Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hiện nay Washington đang củng cố chính sách của Hoa Kỳ tại khu vực quan yếu và đang gây ra những tranh cãi là Biển Đông. Washington xác định rằng tuyên bố của Bắc Kinh đối với những nguồn tài nguyên xa bờ tại hầu hết khu vực Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, chiến dịch bắt nạt của Bắc Kinh nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên đó cũng phi pháp.
Điểm tin trong nước sáng 15/7:
Mỹ đưa chiến hạm hiện diện gần Trường Sa
Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng thứ Tư (15/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Mỹ đưa chiến hạm hiện diện gần Trường Sa
Chuyên trang DVIDS của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm thứ Ba (14/7) đăng hình ảnh với chú thích khu trục hạm Mỹ USS Ralph Johnson hoạt động gần quần đảo Trường Sa.
Tàu USS Ralph Johnson được triển khai thực hiện các hoạt động an ninh biển và hợp tác an ninh vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. DVIDS không nói rõ USS Ralph Johnson hoạt động gần thực thể nào trong quần đảo Trường Sa.
Thông tin trên được ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tuyên bố “Lập trường của Mỹ về các yêu sách biển tại Biển Đông” vào rạng sáng hôm 14/7 (theo giờ Việt Nam). Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc không thể khẳng định một cách hợp pháp yêu sách biển – bao gồm bất cứ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào từ bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường khi căn cứ vào phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài quốc tế.
Đà Lạt – thành phố ở 1.500 mét so với mặt nước biển ngập lụt sau một cơn mưa
Báo Lâm Đồng thông tin, trưa 14/7, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) và một số huyện lân cận xảy ra mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường ngập chìm trong dòng nước đỏ đục. Nước lớn tràn vào khu dân cư khiến nhiều nhà dân ngập đến 50 cm.
Chia sẻ với Zing, Duy Nguyên – chủ một nhóm du lịch ở đây cho biết, cơm mưa kéo dài từ 11-13h. Các khu vực ngập nặng có thể kể đến như dọc đường Cách Mạng Tháng Tám, Ngô Văn Sở, Tô Ngọc Vân, suối Cam Ly…
Nước từ thượng nguồn đổ về mạnh khiến mực nước trên các suối dâng cao, chảy xiết. Nhiều người dân sống tại Đà Lạt cho rằng, mưa lũ bất thường là do tình trạng phá rừng, phát triển nhà kính ồ ạt, thiếu quy hoạch…
Cách ly hơn 1.000 người do dịch bệnh bạch hầu
Zing thông tin, chiều 14/7, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết tỉnh Đắk Lắk vừa ghi nhận 3 ca bệnh mới dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Ngay sau khi xác định ca bệnh, nhà chức trách đã khoanh vùng, cách ly, toàn bộ hơn 1.100 người dân và phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ khu vực buôn Bling. Khám sàng lọc và cho người dân uống kháng sinh dự phòng và tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 24 tuổi và 49 tháng tuổi trở lên.
Cách ly 29 người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc
VnExpress cho biết, một nhóm gồm 29 người Việt đã bị bắt giữ tại khu vực biên giới thuộc thôn Lục Phủ (xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái) vì nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Họ gồm 22 nữ, 7 nam, tuổi từ 16 đến 43, quê Thanh Hóa, Bắc Giang, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn La và Lạng Sơn.
Nhóm này khai đã vượt biên trái phép qua đường mòn biên giới các tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh sang Quảng Tây (Trung Quốc) để làm thuê từ tháng 2; bị công an Trung Quốc phát hiện, chuyển về nhà giam Bình Nam và Quây Cảng, tỉnh Quảng Tây.
Hôm 13/7, công an Trung Quốc đã thả 29 người về Việt Nam, khi đi qua sông biên giới về hướng nội địa thì bị phát hiện. Những người này đã bị đưa đi cách ly để phòng viêm phổi Vũ Hán.
Điểm tin trong nước tối 15/7: Hà Nội đề nghị
kết nối camera của dân để giám sát
Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước tối thứ Tư (15/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Hà Nội đề nghị kết nối camera của dân vào mạng lưới giám sát
Zing đưa tin, Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa yêu cầu các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ lắp đặt camera giám sát.
Hệ thống camera do các quận, huyện, thị xã chủ trì sẽ được kết nối về Trung tâm điều hành giao thông của TP với một phần mềm quản lý điều hành chung. Việc này phục vụ việc phân cấp, chia sẻ cho các ngành theo nhiệm vụ.
Trên cơ sở khả năng kinh phí và nhu cầu quản lý, các quận, huyện lắp đặt số lượng camera phù hợp. Trước mắt, thành phố yêu cầu lắp đặt tại các khu trung tâm và nơi có lễ hội.
Đáng chú ý, Hà Nội yêu cầu các đơn vị rà soát các camera đã được người dân, doanh nghiệp lắp đặt trên địa bàn (trung tâm thương mại, cửa hàng, tòa nhà, bệnh viện, bến xe, bến tàu, nhà ga, nơi công cộng…). Nếu đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, an ninh thông tin, TP có thể đề nghị cho kết nối, chia sẻ với hệ thống của thành phố.
Nam sinh lớp 9 bị đánh tử vong vì bảo vệ người khác
Cũng theo Zing, ngày 15/7, một lãnh đạo xã Động Quan, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, Triệu Văn Sơn (19 tuổi) bị bắt để điều tra về hành vi Giết người.
Theo thông tin ban đầu, tối 14/7, Hoàng Văn Quân (13 tuổi) cùng một người bạn đi uống nước tại một quán trà sữa trên địa bàn xã Động Quan.
Tại đây, Quân thấy nhóm của Sơn đang bắt nạt một nhóm học sinh ít tuổi khác nên bất bình, vào can ngăn. Nhưng, Sơn lại nghĩ Quân lo chuyện bao đồng, 2 bên xảy ra cãi vã, xô xát. Nam sinh 13 tuổi bị Sơn dùng điếu cày đánh. Dù cố gắng bỏ chạy nhưng Quân bị Sơn truy đuổi, đánh tử vong.
Đề xuất nối lại đường bay quốc tế từ tháng 8
Ngày 14/7, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Cục Hàng không Việt Nam sẽ làm việc với cơ quan hàng không Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia để lên kế hoạch vận chuyển.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị tần suất bay thương mại đến các nước và vùng lãnh thổ trên là một chuyến mỗi tuần cho mỗi bên, nghĩa là tổ chức hai chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam và đối tác. Dự kiến khoảng 2.500 đến 3.000 khách từ nước ngoài nhập cảnh mỗi tuần trên các chuyến bay này, bên cạnh các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam do Bộ Ngoại giao tổ chức.
Các chuyến bay từ Quảng Châu sẽ hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng; chuyến bay từ Tokyo, Seoul sẽ xuống Nội Bài; từ Đài Loan sẽ đến Tân Sơn Nhất; từ Lào và Campuchia sẽ đến Vân Đồn và Cần Thơ. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các hãng hàng không trong nước sẽ được tăng tần suất khai thác.
Quốc lộ 18 ở Hải Dương bị rải chông thép?
Sáng 15/7, Công an TP. Chí Linh (Hải Dương) cho biết, đang làm rõ phản ánh của người dân về việc có chông thép đặt giữa Quốc lộ 18, đoạn đi qua cầu Phả Lại.
Trước đó, ngày 14/7, một số diễn đàn trên mạng xã hội Facebook đăng tin phản ánh về việc trên cầu Phả Lại thuộc QL18 (đoạn qua TP. Chí Linh, Hải Dương) có hiện tượng đặt chông thép bẫy các phương tiện giao thông.
Theo thông tin phản ánh này, trưa 14/5, một lái xe phát hiện 2 túi ni lon màu đen nằm giữa cầu Phả Lại. Thấy nghi, lái xe xuống kiểm tra và phát hiện trong túi chứa đầy chông thép được mài sắc, nhọn. Trong lúc lái xe đang nhặt một túi thì một xe khác đã đâm phải túi chông còn lại dẫn đến thủng lốp xe.
Kháng nghị vụ ‘định nhảy lầu vì thua kiện’
TAND Cấp cao tại TP.HCM ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ đương sự định nhảy lầu do thua kiện hơn 674m2 đất ở Gò Vấp, chiều 15/7.
Theo VnExpress, quyết định được ra sau hai tuần TAND TP.HCM xử phúc thẩm, tuyên ông Lê Văn Dư, 42 tuổi, và các đồng bị đơn thua kiện trong vụ tranh chấp đất với nguyên đơn Phan Quý (67 tuổi, cựu cán bộ VKSND TP.HCM). Tại buổi tuyên án hôm 1/7 (bản án có hiệu lực ngay), vợ ông Dư là bà Hiệp – người có quyền, nghĩa vụ liên quan không đồng tình với phán quyết của tòa, nên la hét, lao ra khỏi phòng xử định nhảy lầu nhưng được lực lượng bảo vệ tòa kịp thời ngăn cản.
Trong kháng nghị, TAND Cấp cao cho rằng “TAND TP.HCM xác định quan hệ tranh chấp quyền sử dụng đất là không đúng”; đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao xử giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án (sơ thẩm của TAND quận Gò Vấp, phúc thẩm của TAND TP.HCM), trả hồ sơ cho TAND quận Gò Vấp xét xử lại theo hướng: áp dụng Điều 129 BLDS 2015 – công nhận hợp đồng mua bán giữa ông Phan Quý và các bị đơn.