Tin Việt Nam – 15/05/2018
Xâm hại tình dục: Lời khai ‘chưa đủ’
Luật sư cho rằng cần coi lời khai là một loại bằng chứng quan trọng trong các vụ xâm hại tình dục, đặc biệt khi trẻ em là nạn nhân.
Hai vụ xâm hại và quấy rối tình dục gây xôn xao dư luận Việt Nam vừa qua được không chỉ cộng đồng mạng mà cả giới luật sư bàn luận về vấn đề pháp lý.
Vụ thứ nhất liên quan đến ông Nguyễn Khắc Thủy, 78 tuổi, bị cáo buộc có hành vi dâm ô trẻ em. Vụ thứ hai liên quan đến ca sỹ Phạm Anh Khoa, bị ít nhất ba nữ đông nghiệp cáo buộc ‘gạ tình’ và ‘tấn công tình dục’.
‘Thiếu chứng cứ nên khó cáo buộc’
Luật sư Ngô Anh Tuấn, Trưởng văn phòng luật ATN cho BBC hay ngày 15/5 rằng thiếu chứng cứ là điểm chung của nhiều vụ án xâm hại tình dục.
“Các điều tra viên và chúng tôi hoàn toàn hiểu không cha mẹ nào muốn đưa hình ảnh con cái mình [bị xâm hại] ra cho thiên hạ xem. Phải thực sự bức xúc, đau đớn và dũng cảm lắm thì người ta mới dám đâm đơn đi tố cáo kẻ đã xâm hại con mình. Tuy nhiên, để xử lý một hành vi phạm tội, chỉ lời khai không là chưa đủ.”
“Lời khai quy kết tội phạm chỉ là một trong những căn cứ để điều tra, xử lý hành vi phạm tội. Pháp luật Việt Nam hiện chưa xem lời khai của trẻ em nói riêng và người bị xâm hại tình dục nói chung là chứng cứ buộc tội nên để xử lý được đối tượng phạm tội là vô cùng khó khăn.”
Việt Nam: Người bị xâm hại tình dục ‘ngại tố cáo’
Đảng viên CS hưởng án treo gây bức xúc
Khởi tố bị can ‘dâm ô trẻ em’ ở Vũng Tàu
Báo Tuổi Trẻ ‘làm rõ cáo buộc xâm hại tình dục’
“Trong vụ án xét xử ông Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu về tội dâm ô trẻ em, với những thông tin có được, tôi hiểu rằng chứng cứ vụ án rất sơ sài, giống những vụ án tương tự liên quan tới hành vi phạm tội này.”
“Tôi nghĩ chính vì nguyên nhân khách quan là chứng cứ buộc tội yếu nên toà đã chọn phương án an toàn nhất là có án nhưng án treo để đề phòng trường hợp phải bồi thường oan sai lớn nếu người bị oan phải chấp hành hình phạt tù.”
“Tôi biết là trong trường hợp này gia đình các cháu bé có quay phim và có hình ảnh nhưng cũng không đủ để chứng minh nên khó cáo buộc. Thường hình ảnh thu được từ các camera an ninh ở các tòa nhà, chứ không phải camera phục phục điều tra, nên các góc quay không thể hiện rõ hành vi phạm tội.”
Trong trường hợp Phạm Anh Khoa, luật sư Tuấn nói theo ông được biết, người bị hại chỉ chia sẻ trên mạng chứ chưa tố cáo chính thức tới cơ quan điều tra.
Mà “lời nói gió bay, Việt Nam chưa có cơ sở để đưa những lời khai đó làm chứng cứ tại tòa”, luật sư Tuấn nói.
“Liên quan đến vấn đề hiếp dâm hay dâm ô, trong các vụ việc tôi từng tham gia hỗ trợ pháp lý, các chứng cứ để lại thường rất ít nên các cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng khác làm việc rất khó. Ở các vụ hiếp dâm, chứng cứ để lại rõ ràng hơn, ví dụ tinh trùng ở cơ thể người bị hại. Hoặc khi nạn nhân chống trả sẽ để lại thương tích trên cơ thể người xâm hại.”
“Trong trường hợp dâm ô, các hành vi chỉ dừng lại ở sờ soạng chứ chưa hoặc không để lại các tổn hại thực tế trên cơ thể người bị hại. Các phim ảnh sau đó ghi lại cũng không đủ thuyết phục như tôi nói ở trên…”
Theo luật sư Tuấn, việc thiếu chứng cứ còn có thể khiến người tố bị kẻ xâm hại ‘tố cáo ngược’ là ‘vu khống’.
‘Cần công nhận lời khai là chứng cứ’
Trong khi chứng cứ các vụ xâm hại tình dục ‘rất ít’, người bị xâm hại lại thường ngại ngùng không tố cáo ngay, luật sư Tuấn cho hay ông và nhiều đồng nghiệp đã kiến nghị Hội Bảo vệ Trẻ em và các cơ quan liên quan sự cần thiết công nhận lời khai của trẻ như một loại chứng cứ để buộc tội trực tiếp người phạm tội.
Để các lời khai đó trở thành chứng cứ thuyết phục, không gây oan sai cho người bị tố cáo, luật sư Tuấn cho hay cần có quy trình đặc biệt.
“Chúng tôi đưa ra ‘quy trình lấy cung thân thiện’ để trẻ em không bị áp lực khi cung cấp lời khai. Cán bộ bảo vệ trẻ em có nghiệp vụ sẽ lấy cung một cách thân thiện, nhẹ nhàng, để trẻ khai thoải mái mà không có bất kỳ tác động nào, kể cả từ phía cha mẹ.”
“Chúng tôi thấy các cơ quan liên quan có lắng nghe nhưng để đưa đến sửa đổi bộ luật hình sự thì là thời gian rất dài.”
“Những người làm công tác bảo vệ trẻ em muốn cùng luật sư lên tiếng nhưng các cơ quan tố tụng khác thì có thể không tha thiết, mặn mà với đề xuất của chúng tôi. Có thể do bộ luật hình sự vừa được sửa đổi nên họ không muốn lại tiếp tục thay đổi. Hoặc do người làm luật không phải người thi hành luật nên họ không chịu áp lực nào cả…”
“Điều chúng ta cần thay đổi là quy định của pháp luật chứ không phải là thay đổi vụ việc. Cần nhổ đi cái gốc thay vì đi cắt cành, tỉa ngọn.”
“Quay lại vụ án trên, nên tuyên ông Nguyễn Khắc Thủy vô tội”, luật sư từ Hà Nội nói.
“Như vậy để thấy rằng pháp luật chúng ta còn nhiều lỗ hổng và có phương án để khắc phục. Chứ khong phải vụ nào bị sức ép từ cộng đồng thì xử lý, còn không thì thôi. Làm theo kiểu vá víu như vậy thì lỗ hổng luật pháp sẽ mãi mãi tồn tại.”
“Sửa luật là việc khó, nhưng nếu làm được là một sự văn minh, bước tiến của pháp luật”, luật sư Tuấn nói với BBC ngày 15/5.
Vụ Nguyễn Khắc Thủy ‘ấu dâm’
Ông Nguyễn Khắc Thủy, năm nay 78 tuổi, bị một số gia đình sống tại chung cư Lakeside (thành phố Vũng Tàu), tố cáo có hành vi ‘dâm ô’ với trẻ em từ năm 2004.
Tại phiên sơ thẩm 7/2017, ông Thủy bị Tòa án Nhân dân TP Vũng Tàu tuyên ba năm tù giam. Nhưng tại phiên phúc thẩm ngày 11/5, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên phạt ông 18 tháng tù, cho hưởng án treo. Các tình tiết giảm nhẹ gồm tuổi già, bệnh tật, là cán bộ ngành ngân hàng có nhiều đóng góp và là Đảng viên Cộng sản, theo truyền thông Việt Nam.
Gia đình một trẻ bị hại đã làm đơn kháng cáo. Trong khi đó, dư luận, kể cả giới luật sư, phản ứng bản án của phiên phúc thẩm. Phần đông các ý kiến cho rằng các tình tiết giảm nhẹ là vô lý và trái pháp luật.
Trên Facebook cá nhân, để chứng minh điều này, luật sư Lê Ngọc Luân dẫn Nghị Quyết 01/2013 : “Không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án”.
Trước sức ép dư luận, ngày 14/5, Viện KSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản khẩn cấp gửi Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị giám đốc thẩm vụ án này, theo Tuổi Trẻ.
Vụ Phạm Anh Khoa ‘gạ tình’
Theo truyền thông Việt Nam, vũ công Phạm Lịch mở màn chiến dịch #MeToo của cô bằng cách công khai trên Facebook cá nhân, sau đó trên truyền thông Việt Nam, rằng Anh Khoa từng có lời nói, hành động và tin nhắn ‘gạ tình’ khi hai người có các buổi tập tại tư gia của nam ca sỹ.
Tiếp đó, thêm hai phụ nữ đưa ra các cáo buộc tương tự. Trong đó, một phụ nữ trẻ ẩn danh chia sẻ với Zing.vn rằng từng bị Anh Khoa ‘tấn công tình dục’.
Sau thời gian im lặng, Anh Khoa xuất hiện xin lỗi trong một video thực hiện cùng Trung tâm bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em (CSAGA). Trong talkshow này, Anh Khoa cho rằng việc đụng chạm ở showbiz là điều anh thường xuyên chứng kiến. Nam ca sỹ cũng cho hay sẽ tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng về nạn quấy rối tình dục.
Đoạn video cùng thông cáo báo chí có xu hướng ủng hộ Phạm Anh Khoa khiến CSAGA hứng chịu sự chỉ trích dữ dội từ dư luận, theo Zing.vn. Nhiều người cho rằng Anh Khoa không thực sự hối lỗi, không xin lỗi trực tiếp người bị anh làm tổn thương. CSAGA sau đó đã phải rút lại thông cáo báo chí này.
Trong diễn biến mới nhất, tại buổi gặp báo chí lúc 16h00 ngày 15/5, Phạm Anh Khoa ‘khóc’ và chính thức gửi lời xin lỗi đến vũ công Phạm Lịch và những cô gái liên quan đến vụ việc, theo Zing.vn.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44118966
Xúc phạm Công lý
khi tòa nương nhẹ cho Đảng viên ấu dâm
Bị cáo Nguyễn Khắc Thuỷ vốn là một Đảng viên hơn 50 năm tuổi Đảng và từng là cựu lãnh đạo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, chi nhánh tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Trước đó, tại phiên toà sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Khắc Thuỷ bị toà tuyên án 3 năm tù giam đối với hành vi xâm phạm tình dục cùng lúc 4 bé gái vị thành niên tại chung cư Lakesides tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Mức hình phạt được giảm nhẹ so với mức án được đưa ra tại toà sơ thẩm khiến gia đình các nạn nhân bức xúc, dư luận xã hội lên án.
Bà Kim Thuý, một Đảng viên nghỉ hưu bày tỏ nỗi thất vọng trước bản án mà bà cho rằng hoàn toàn không thoả đáng.
“Cuộc đời của 4 đứa trẻ sau khi mà nó lớn và nó hiểu được ra chuyện nó bị xâm hại tình dục đối với bản thân chúng nó, đó là một cái đau đớn mà chúng nó sau này không thể lý giải được đối với tương lai của chúng nó. Dư luận vô cùng bức xúc vì điều đó. Mấy hôm nay vào trang mạng thì thấy người ta phỉ báng, người ta chửi rủa, người ta nói không ra một cái gì cả ”
Đồng quan điểm với nhiều người dân, luật sư Võ An Đôn cũng cho rằng mức hình phạt 18 tháng mà toà phúc thẩm đưa ra là quá nhẹ đối với bị cáo. Luật sư Võ An Đôn cho biết:
“Trẻ em là lứa tuổi cần được bảo vệ đặc biệt, bị cáo là người lớn tuổi mà lại xâm phạm tình dục trẻ em thì cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe người khác trong xã hội”
Tâm lý của bị cáo bình thường rất sợ pháp luật, nhưng trong trường hợp này thì thấy bị cáo ra toà thì chống nạnh, thách thức toà án, cho thấy một sự xem thường luật pháp – luật sư Võ An Đôn
Trong khi đó, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng quốc hội lại cho rằng, ngoài việc gây ảnh hưởng đến tâm lý của nạn nhân thì chiếu theo một số điều trong khung hình phạt mà Toà án phúc thẩm đưa ra, mức án treo cũng như thời hạn 18 tháng không vi phạm pháp luật. Luật sư Thuận giải thích:
“Ở đây áp dụng các điều luật là đúng rồi. Trong Bộ luật hình sự thì có quy định là không nên phạt tù giam đối với người trên 70 tuổi. Ông này ông ý già, quấy rối tình dục, làm chuyện linh tinh xấu hổ thì nó là chuyện đạo đức, dâm ô thì hậu quả đó hình phạt xử như thế thì về mặt tình cảm tâm lý người ta cho là nhẹ và nên cầm tù ông đó đi, nhưng tôi cho rằng trong pháp luật thì chỗ đó có thể xử theo mức đó thì cũng là hài hoà”
Tuy nhiên, luật sư Trần Quốc Thuận cũng lên án hành động doạ đốt thẻ Đảng viên của bị cáo và coi đó là một thái độ thách thức. Theo luật sư Thuận, hành vi tỏ ra bất chấp và liều mạng đó cho thấy bị cáo Thuỷ đã từng làm giám đốc ngân hàng, giàu có nên tỏ thái độ ỷ y là điều đáng trách và cũng là một tình tiết để tăng tội:
“Tôi đã từng làm thẩm phán, nếu tôi là thẩm phán tôi sẽ để bản án 3 năm mà treo thì dễ chịu hơn, đằng này đã để án treo rồi lại còn giảm án nữa cho nên tạo nên phẫn uất trong xã hội. Phẫn uất đó chỉ làm xấu cho cái Đảng thôi và tạo cái phản cảm trong xã hội”
Chia sẻ quan điểm của luật sư Trần Quốc Thuận, luật sư Võ An Đôn cũng lên án thái độ của bị cáo Nguyễn Khắc Thuỷ:
“Tâm lý của bị cáo bình thường rất sợ pháp luật, dù anh có phạm tội nặng đến mấy hay như thế nào thì khi ra toà anh cũng rất là sợ, nhưng trong trường hợp này thì thấy bị cáo Thuỷ là người Đảng viên 50 năm tuổi Đảng và hơn 70 tuổi rồi nhưng mà ra toà thì chống nạnh, thách thức toà án, cho thấy một sự xem thường luật pháp”
Tại sao sức khoẻ anh yếu mà dục vọng của anh lại lớn thế? Dục vọng của anh lớn có nghĩa là sức khoẻ của anh quá mạnh mẽ, quá là dư thừa chất thì nó mới xảy ra chuyện như thế – bà Kim Thuý, cán bộ nghỉ hưu
Trước lý do được Hội đồng xét xử đưa ra là Bị cáo được hưởng án treo vì các tình tiết giảm nhẹ như là đảng viên có nhiều cống hiến cho ngành ngân hàng cũng như tuổi cao và mắc các chứng bệnh tuổi già như cao huyết áp.. bà Thuý cho rằng đây tư cách một người Đảng viên như thế là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
“Nếu anh là một Đảng viên tốt, một Đảng viên thực sự thì không bao giờ anh được phép lôi thẻ Đảng ra để khống chế bất kỳ một ai cả. Cái thứ hai nữa là đem sức khoẻ ra để khống chế thì lại càng không được. Tại sao sức khoẻ anh yếu mà dục vọng của anh lại lớn thế? Dục vọng của anh lớn có nghĩa là sức khoẻ của anh quá mạnh mẽ, quá là dư thừa chất thì nó mới xảy ra chuyện như thế.”
Tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà, trưởng khoa Tâm lý xã hội học, trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn Hà Nội giải thích bức xúc của dư luận trong những ngày qua và nêu ra những tác động xã hội từ bản án nói trên:
“Xã hội bao giờ người ta cũng căm ghét và lên án những hành vi dâm ô đặc biệt là của người lớn tuổi đối với trẻ vị thành niên thì người ta cực kỳ căm phẫn. Do đó, khi mà bất kỳ bản án nào mà lại không thoả mãn được một cái tâm lý hay dư luận chung thì nó sẽ gây ra những bức xúc, bức bối và tất nhiên sẽ gây những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của người dân và người ta cảm thấy không còn tin cậy vào hệ thống luật pháp hay cơ quan bảo vệ an ninh nữa và sẽ dẫn đến việc người ta sẽ tự xử
Trong ngày 14/5, một số cơ quan chức năng Việt Nam gồm Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, Uỷ ban Bảo vệ Phụ nữ & trẻ em, Toà án Nhân dân Tối cao… vào cuộc và yêu cầu xem xét lại đối với bản án phúc thẩm cũng như yêu cầu tiếp tục xử giám đốc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Khắc Thuỷ.
Kết án dân phản đối ô nhiễm
Nhóm 7 phụ nữ tham gia chặn xe chở cát gây ô nhiễm môi trường tại ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh vào ngày 15 tháng 5 bị tòa sơ thẩm tuyên từ 24 đến 30 tháng tù treo với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’.
Hai người bị án cao nhất là bà Vũ Thị Cương và bà Trần Thị Nhẫn lãnh án 30 tháng tù treo, năm người còn lại là bà Ngô Thị Trúc Mai, Trần Thị Thoại, Hà Thị Mơ, Đào Thị Tiến, và Phạm Thị Bang lãnh án 24 tháng tù treo. Cả bảy người này đều là cư dân ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, huyện Tân Châu.
Vào tháng 9/2017, người dân sống dọc tuyến đường DH 805 thuộc ấp Tân Tiến bắt đầu ngăn cản các xe chở cát của Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt – Úc lưu thông trên tuyến đường này, vì cho rằng gây ra ô nhiễm khói, bụi cũng như là mối nguy cho các phương tiện giao thông khác trên đường DH 805.
Tin nói chính quyền địa phương đã tổ chức 5 cuộc đối thoại giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt – Úc và người dân để giải quyết tình trạng căng thẳng đó.
Theo truyền thông trong nước, trong buổi đối thoại ngày 19/11/2017 do Phó Chủ tịch ủy ban huyện Tân Châu chủ trì, phía chính quyền và đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt – Úc đã giải đáp đầy đủ những bức xúc của dân. Từ đó ủy ban nhân dân huyện Tân Châu đưa ra thông báo và kết luận buổi đối thoại.
Tuy nhiên kết quả này không đáp ứng được một số người dân nên họ vẫn tiếp tục chặn các xe chở cát, khiến những xe này phải quay về lại bãi và đi đường khác. Lần chặn xe vào ngày 11/12/2017 được nói khiến ách tắc giao thông trong 2 tiếng rưỡi.
Cơ quan công an đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với 7 phụ nữ. Đến ngày 12/12/2017 hồ sơ được chuyển cho Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Tân châu xử lý hình sự đối với những người tham gia cản xe.
Du khách TQ mặc áo “đường lưỡi bò”
tại sân bay quốc tế Cam Ranh
Hình ảnh hàng chục du khách Trung Quốc mặc áo phông in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh vào đêm 13/5 đã gây phẫn nộ trên các trang mạng xã hội Việt Nam. Nhóm du khách đã được yêu cầu thay áo trước khi rời phi trường, nhưng một số nhà tranh đấu cho rằng bản chất của vấn đề nằm ở chỗ Hà nội không quyết liệt bảo vệ biển đảo trong khi cùng lúc thẳng tay đàn áp những người tranh đấu phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, lâu dần đã khiến người dân Trung Quốc và cả người dân trong nước có cái nhìn lệch lạc về vấn để chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Một số nhà hoạt động ở trong nước trao đổi cảm nghĩ của họ với VOA-Việt ngữ về sự cố này.
Theo tin tổng hợp từ các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động, VNexpress và nhiều trang mạng tin tức thì nhóm du khách Trung Quốc đi trên chuyến bay mang số hiệu QJ 8889 đến từ Tây An, Trung Quốc, đã đáp xuống sân bay quốc tế Cam Ranh vào lúc 20h35 ngày 13/5. Chỉ sau khi làm thủ tục quá cảnh, đoàn người mới cởi áo khoác để lộ chiếc áo phông màu trắng, phía sau có in bản đồ của Trung Quốc với đường lưỡi bò chín đoạn, bao gồm các đảo mà Việt Nam cho là thuộc chủ quyền của mình và một số nước khác trong khu vực.
Công ty Aladin, công ty tổ chức tua du lịch 5 ngày tới tỉnh Khánh Hòa xác nhận tin này, và cho biết trong đoàn, có khoảng hơn 10 người mặc áo phông đường lưỡi bò.
Trang mạng Vnexpress trích lời lãnh đạo công an tại sân bay nói rằng sau khi phát hiện, công an cửa khẩu đã liên lạc với công ty lữ hành Aladin, yêu cầu du khách thay áo, và phối hợp với công an tỉnh Khánh Hòa để giải quyết vụ việc. Theo công ty Aladin, khách cho biết đã mua áo tại một khu chợ ở Trung Quốc.
Những bức ảnh chụp ảnh đoàn du lịch, đa số là phụ nữ, mặc áo phông in hình bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò đã gây phẫn nộ, đặc biệt trong giới những người đã dấn thân tranh đấu chống chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Từ Hà nội, anh Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động đại diện cho nhóm dân oan ở Dương Nội, ủng hộ những người chống thái độ gây hấn của Bắc Kinh để khẳng dịnh tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông nói:
“Tôi thấy rằng những người mà mặc áo như thế là một sự mang tính chất sỉ nhục đối với dân tộc Việt Nam. Họ sang Việt Nam mà có những hành vi như vậy thì tôi thấy rất là phẫn nộ.”
Nhóm NoU là nhóm đấu tranh phản đối đường lưỡi bò Trung Quốc, đồng thời kêu gọi sự quan tâm của người dân về vấn đề biển đảo, đã bị chính quyền đàn áp thẳng tay vì những hoạt động của mình. Một thành viên của nhóm, anh Lã Việt Dũng, nói theo anh thì đây là một hành động cố ý chứ không phải vô tình.
“Theo tôi nghĩ thì đây không phải là một việc vô tình của cái đoàn du khách đấy mà là đây là một việc hoàn toàn có chủ ý và có thể là từ phía chính quyền Trung Quốc họ cố tình làm như vậy.
Anh Lã Việt Dũng thuộc nhóm NoU, phản đối đường lưỡi bò TQ
Đó là nhận định đầu tiên cùa tôi. Thứ hai là tôi thấy đây là một sự hết sức là thờ ơ, vô trách nhiệm của chính quyền Việt Nam khi mà họ coi nhẹ việc đấy.”
Báo SGGP chiều 14/5 tường thuật rằng Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đang chờ chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, và kết quả từ camera sân bay Cam Ranh để làm rõ vụ việc.
Anh Lã Việt Dũng lưu ý về sự tương phản trong thái độ và cách xử lý của chính quyền Việt Nam, một mặt đàn áp nhóm NoU, trong khi tỏ ra quá mềm mỏng trước những hành vi lấn át của Trung Quốc.
“Đầu tiên phải nói thái độ của chính quyền đối với các hình ảnh mà chúng tôi giương lên về việc phản đối đường lưỡi bò Trung Quốc, họ đàn áp rất là nặng. Nhưng mà ngược lại, đối với du khách Trung Quốc họ đến Việt Nam họ làm gì, họ mặc áo này nọ thì chính quyền lại lơ là và không kiểm soát. Đó là một sự phân biệt đối xử rất là khác biệt.”
Cả hai nhà hoạt động đều cho rằng để tránh những sự cố tương tự tái diễn, Việt Nam cần xử lý vụ việc này bằng các biện pháp cứng rắn. Anh Trịnh Bá Phương:
“Theo tôi thì phía nhà cầm quyền Việt Nam phải có một hành động cứng rắn hơn bằng cách trục xuất ngay hoặc có thể tạm giữ, và lên tiếng với Bộ Ngoại giao Trung Quốc về hành vi mang tính chất xâm lược biển đảo của Việt Nam.”
Anh Lã Việt Dũng thì cho rằng chính quyền Việt Nam thường né tránh nói về vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, anh Dũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ mất nước, nếu Hà Nội tiếp tục thái độ né tránh, và không nâng cao nhận thức trong dân chúng về vấn đề chủ quyền biển đảo. Anh nói:
“Không có cách nào khác là chính quyền phải tuyên truyền mạnh về ý nghĩa của đường lưỡi bò Trung Quốc, và ý nghĩa của việc người dân Việt Nam phản đối đường lưỡi bò đó như thế nào. Tôi xem hình trên mạng thì tôi rất là buồn là vì hình như chính quyền Việt Nam chẳng biết gì về phản ứng của người dân, tôi thì cho rằng nếu Việt Nam mình không có những thái độ đúng đắn về vấn đề chủ quyền thì mình sẽ mất nước rất là nhanh.”
Cựu bí thư Lê Thanh Hải
nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng
Ông Lê Thanh Hải, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh(HCM), người đang bị tố cáo có những vi phạm trong thời gian đương chức, vào sáng ngày 15 tháng 5 được trao huy hiệu 50 năm tuổi đảng.
Tại buổi lễ do Đảng uỷ Cơ quan văn phòng Thành uỷ Thành phố HCM tổ chức, báo trong nước trích phát biểu của đương kim bí thư Nguyễn Thiện Nhân là ông Lê Thanh Hải đã trải qua nhiều vị trí công tác và luôn nỗ lực phấn đấu, học hỏi, rèn luyện và trưởng thành.
Ông Lê Thanh Hải mang bí danh Hai Nhựt trong những năm tham gia Đội Võ trang Tuyên truyền thuộc Khu Đoàn Sài Gòn Gia Định.
Những tuần vừa qua, ông Lê Thanh Hải, cùng với ông Tất Thành Cang, ông Nguyễn Văn Đua là những nhân vật được dư luận nhắc đến khá nhiều. Đặc biệt, nhiều người cho rằng ông Lê Thanh Hải, khi còn là Bí thư Thành uỷ TP. HCM, chính là người đã ra lệnh cho Ban Tuyên giáo không được có những bài viết về dự án Khu đô thị Thủ Thiêm, Quận 2 cách đây khoảng 20 năm.
Phó chủ tịch ‘dẹp vỉa hè’ Đoàn Ngọc Hải
rút đơn xin từ chức
Phó Chủ tịch Quận 1, Thành Phố Hồ Chí Minh, ông Đoàn Ngọc Hải gửi đơn lên Thành uỷ, UBND TP. HCM rút đơn từ chức đã gửi hôm 8.1.2018.
Truyền thông trong nước ngày thứ Ba 15.5.2018 cho biết bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận 1 xác nhận tin vừa nêu và đang báo cáo lãnh đạo thành phố về việc giải quyết đơn cho ông Đoàn Ngọc Hải mà theo bà này thuộc thẩm quyền của Thành uỷ.
Tin nói Ông Đoàn Ngọc Hải được phân công làm Phó Chủ tich phụ trách mảng đô thị từ tháng 3.2016. Ông là người được truyền thông trong nước loan tin rất quyết liệt trong biện pháp giải tỏa vỉa hè với mục đích biến Quận 1thành “bộ mặt của thành phố”.
Khi thực hiện chủ trương đó ông được biết đến với câu nói “Nếu không làm được sẽ cởi áo về vườn.”
Hôm 8.1.2018, vì cho là không thực hiện đươc lời hứa, ông Đoàn Ngọc Hải gửi đơn xin từ chức.
Tuy nhiên khi xin rút đơn từ chức, ông Hải nêu lý do là ông này đã nhận được nhiều động viên, an ủi, kỳ vọng và cả thuyết phục từ cấp lãnh đạo. Ông đã suy nghĩ và mong muốn được tiếp tục cống hiến.
Phó giám đốc Công An TPHCM
thừa nhận tình hình bất an
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an Thành Phố Hồ Chí Minh thừa nhận hiện tại mới chỉ trấn áp tội phạm chứ chưa có giải pháp chấm dứt phát sinh tội phạm tại thành phố này.
Thừa nhận được đưa ra sáng ngày 15/5, tại buổi họp báo thông tin về vụ hai ‘hiệp sĩ bắt cướp’ bị đâm chết tại đường Cách Mạng Tháng 8 vào tối ngày 13 tháng 5.
Cũng tại buổi họp báo, Thiếu tướng Phan Anh Minh đặt câu hỏi nhóm hiệp sĩ Tân Bình này có phải là một tổ chức hay không. Ông nói thêm rằng việc để người dân tham gia phòng chống tội phạm nhưng không được bồi dưỡng về nghiệp vụ, không được quản lý, nguy cơ lệch lạc rất lớn, đôi khi tiếp tay cho tội phạm lộng hành.
Ông muốn mô hình hiệp sĩ phải chính thức và ổn định bởi có những trinh sát đã nghỉ hưu nhưng vẫn muốn tham gia công tác phòng chống tội phạm ở địa phương.
Thiếu tướng Minh cho hay các nhóm cướp giật ngày càng hung bạo, sẵn sang đâm chết nạn nhân. Ông thừa nhận vấn đề an ninh trật tự còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Việc trấn áp chỉ giải quyết được phần ngọn.
Theo ông, tội phạm phát sinh nhiều nhưng công an đang đối mặt với vấn đề tinh giản biên chế nên việc giải quyết tội phạm không chỉ là việc của công an mà phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Một nhóm có tên ‘Hiệp sĩ Tân Bình’ trong lúc truy đuổi các nghi phạm có dấu hiệu cướp xe đã bị kẻ gian phản ứng và đâm khiến 2 người tử vong.
Đề nghị báo cáo vấn đề Thủ Thiêm tại Quốc hội
Vấn đề Thủ Thiêm cần được đưa vào báo cáo tổng hợp ý kiến cử trị gửi đến kỳ họp Quốc Hội lần thứ năm sắp diễn ra.
Đây là đề nghị do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đưa ra vào ngày 15 tháng 5 khi Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội xem xét dự thảo báo cáo vừa nêu.
Ông Uông Chu Lưu cho rằng, bản dự thảo báo cáo phần quản lý đất đai và tài nguyên môi trường có nội dung đang được dư luận đặc biệt quan tâm và phía đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã nói đến nhiều lần nhưng không thấy đưa vấn đề tại Thủ Thiêm vào báo cáo.
Ông Lưu cho biết cách giải quyết vấn đề ở Thủ Thiêm như thế nào là câu chuyện khác nhưng đây là một vấn đề được đa số cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm, do đó cần báo cáo thể hiện nội dung này trong kỳ họp Quốc hội tới đây.
Dự thảo báo cáo, tổng hợp ý kiến của người dân về việc quản lý đất đai, tài nguyên môi trường tại một số địa phương, các dự án quy hoạch và việc thu hồi đất đai thiếu minh bạch.
Cũng theo bản dự thảo này, việc giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho người dân còn quá nhiều bất cập. Ủy ban Thượng vụ quốc hội đề nghị chính quyền địa phương tăng cường đối thoại và giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người dân.
Thêm sai phạm đất đai tại Sài Gòn
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị xác định có 7 sai phạm trong việc giao gần 5000 m2 đất tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1 cho dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê.
Truyền thông trong nước, vào ngày 15 tháng 5, loan tin vừa nêu, dẫn nguồn từ kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa công bố.
Thanh tra Chính phủ cho biết khu đất số 8-12 Lê Duẩn, quận 1 có diện tích 4.896 m2 thuộc sở hữu nhà nước, đã chỉ định cho Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue sử dụng để thực hiện dự án xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê, trong thời hạn sử dụng đất 50 năm.
Dự án này bị thanh tra từ năm 2013 cho đến nay. Theo kết luận thanh tra mới nhất, Thanh tra Chính phủ xác định Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có 7 sai phạm; như không đấu thầu, giao đất và cho thuê sai đối tượng, không xin ý kiến của cơ quan hữu quan cũng như không tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn…
Báo Thanh Niên Online, vào ngày 15 tháng 5 còn cho biết có hàng loạt sai phạm nhà đất công ở thành phố Hồ Chí Minh, điển hình liên quan Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri).
Cũng tin liên quan về nhà- đất công, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ, vào ngày 15 tháng 5 tuyên bố cần phải thu hồi ngay 2 lô đất dự án ven biển, mà không đợi kết luận thanh tra vì chủ thể được giao đất “không có thật”.
Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết như vừa nêu tại buổi gặp gỡ cử tri trong chương trình “Hội đồng Nhân dân với cử tri” lần 3.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh công tác thu hồi các lô đất của dự án chậm phát triển, để mở lối xuống biển cho người dân, trước tình trạng bờ biển bị các khu nghỉ dưỡng chia cách; đồng thời đã trao đổi với Thanh tra Chính phủ sẽ thu hồi ngay 2 dự án ven biển vì đã giao đất không đúng đối tượng mà không cần thanh tra hay điều tra nữa.
Việt Nam bán rẻ quặng và khoáng sản cho TQ
Trong 4 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu 1,5 triệu tấn quặng và khoáng sản với giá trị hơn 65,5 triệu đôla Mỹ, tương đương 980.000 đồng/ tấn.
Đây là số liệu được Tổng cục Hải quan thống kê và truyền thông trong nước loan đi vào ngày 14 tháng 5.
Trong số 1,5 triệu tấn quặng và khoáng sản xuất khẩu có đến 1,2 triệu tấn xuất sang Trung Quốc, tương đương 80% tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên giá trị thu về chỉ có 29 triệu đôla Mỹ, như vậy giá xuất sang Trung Quốc chỉ ở mức 560.000 đồng/tấn, rẻ hơn so với các thị trường khác.
Điển hình khi xuất khẩu sang Hàn Quốc, Việt Nam đạt được 3,4 triệu đôla Mỹ với gần 13.500 tấn. Như vậy bình quân mỗi tấn khoảng 5,8 triệu đồng, cao hơn 10 lần so với giá xuất sang Trung Quốc.
Việc xuất khẩu khoáng sản giá rẻ cho Trung Quốc đang gây ra nghi vấn liệu có xảy ra việc trục lợi chính sách, làm thất thoát tài nguyên nhà nước.
Ma trận dư luận và những ‘tự diễn biến’
không từ quần chúng
“Tự diễn biến” không từ quần chúng
Sáng ngày 11/5/2018, mạng xã hội của người dùng trong nước lan truyền đi một tin nhắn cho biết là được gửi ra từ ban Tuyên giáo Trung ương đến các tổng biên tập: “Từ phản ánh dư luận, báo chí về Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm, TPHCM, các cơ quan chức năng đang xem xét, xử lý theo quy định. Yêu cầu các cơ quan báo chí tạm dừng thông tin về vấn đề này. Cám ơn các anh chị”.
Cùng ngày, phiên xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Khắc Thuỷ, 77 tuổi và 51 năm tuổi Đảng, được giảm từ 3 năm tù giam thành 18 tháng tù treo vì tội “dâm ô” trẻ em.
Cùng ngày, người Công giáo lên tiếng mạnh mẽ trên mạng xã hội, phản đối MV “Hãy chạy đi” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã xúc phạm Thiên Chúa và Đức Mẹ dù đạt 20 trượt xem chỉ trong 24 giờ
Ông P.T, một nhà quan sát diễn biến chính trị, xã hội ở Việt Nam, trao đổi qua tin nhắn cho biết ông theo dõi những sự việc đang xảy ra và nhận thấy nó là “1001 vụ” và tất cả là “tự diễn biến”, chắc chắn không phải từ quần chúng.
Ông có cách nói vui khi gọi vấn đề này, đó là “cầm đèn chạy theo ô tô”. Cái ánh sáng của chiếc ô tô ấy rọi đến đâu thì dân luận, tức người dân và những lời bình luận sẽ chạy theo ánh sáng ấy.
Đưa tin Sơn Tùng đốt ảnh Đức Mẹ để đánh lạc hướng dư luận, rình rình đánh úp nhà dòng Thủ Thiêm chắc? – Facebook Phuong Le
Thế nhưng, trong số hơn 90 triệu dân Việt Nam hiện tại, không phải ai dùng mạng xã hội cũng lạc theo chiếc ô tô ấy. Bị cáo Nguyễn Khắc Thuỷ, hay ca sĩ Sơn Tùng, đối với họ, chỉ là những chủ đề được sử dụng để định hướng dư luận. Ngay sau khi sự kiện Sơn Tùng M-TP diễn ra, Facebook Phương Lê đã đăng ngay bình luận:
“Đưa tin Sơn Tùng đốt ảnh Đức Mẹ để đánh lạc hướng dư luận, rình rình đánh úp nhà dòng Thủ Thiêm chắc?”
Ngẫu nhiên trùng khớp
Blogger Trương Duy Nhất, chủ của trang Một Góc Nhìn Khác có ý kiến đối lập với nhận định trên. Theo ông, tất cả những sự việc từ phiên xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Khắc Thuỷ cho đến MV của Sơn Tùng diễn ra trong ngày 11/5/2018 đều là những vụ việc quá nhỏ không cần đến cách định hướng dư luận của Ban Tuyên giáo.
Thêm vào đó, với quan sát của một nhà báo, mọi chuyện không được hiểu đơn giản chỉ là “định hướng dư luận”, mà xa hơn nữa, theo ý của ông, có “nhiều việc dính đến chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước” đối với những sự vụ lớn như Thủ Thiêm ngày nay và Đà Nẵng ngày trước.
“Tất nhiên mình nói đen ra thì nó phải có một kịch bản gì đấy để hướng dư luận thì tôi cho nó là đúng. Mình cũng có thể đặt câu hỏi, nhưng mà là với những câu chuyện lớn, giống như chuyện Đà Nẵng ngày xưa, bây giờ mới biết chứ khi khởi đầu nó chỉ chuyển rất đơn giản.
Nó cũng như câu chuyện Trịnh Xuân Thanh khởi đầu chỉ là câu chuyện chiếc xe biển số xanh thôi, rồi nó thành một vụ đại án như thế. Vụ Đà Nẵng thì khởi đầu cũng chỉ là chiếc xe của ông Nguyễn Xuân Anh, rồi cuối cùng gần như “ngẫu nhiên” xảy ra chuyện bán đảo Sơn Trà rồi thành đại án, rồi hoá ra lại trùm cả vụ các quan chức ở Bộ Công an.”
Nó cũng như câu chuyện Trịnh Xuân Thanh khởi đầu chỉ là câu chuyện chiếc xe biển số xanh thôi, rồi nó thành một vụ đại án như thế. Vụ Đà Nẵng thì khởi đầu cũng chỉ là chiếc xe của ông Nguyễn Xuân Anh, rồi cuối cùng gần như “ngẫu nhiên” xảy ra chuyện bán đảo Sơn Trà rồi thành đại án, rồi hoá ra lại trùm cả vụ các quan chức ở Bộ Công an. – Blogger Trương Duy Nhất
Theo cách gọi của nhà báo Trương Duy Nhất, đây là cách dàn binh bố trận, những chiến lược chuẩn bị cho 1 trận đánh lớn. Trận đánh đó mang tên “Đánh tham nhũng”.
Từ đầu tháng 5, hàng loạt những sự kiện gây chú ý lớn cho dư luận liên tục diễn ra. Vụ việc nào cũng được sự hưởng ứng nhiệt tình và quyết liệt từ mạng xã hội và báo chí nhà nước. Từ việc giải toả Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, thất lạc bản đồ quy hoạch Quận 2, phá bỏ Dinh Thượng Thơ 130 năm tuổi để mở rộng Uỷ ban Nhân dân Thành phố, cho đến “bỗng nhiên” khơi lại dự án Khu đô thị Thủ Thiêm từ 20 năm trước.
Về cách diễn tiến của vấn đề Thủ Thiêm, cựu Tổng Thư ký toà soạn báo Thanh Niên, ông Huỳnh Ngọc Chênh nhận thấy trước khi sự việc rộ lên thì đã có vài cá nhân, nhà báo đưa thông tin lên để tạo dư luận, sau đó thì báo chính thống mới đưa tin.
“Những thông tin này cũng được trong Thành uỷ cung cấp ra. Chứ không cung cấp ra thì báo chí không nắm được.”
Đồng thuận với ý kiến này, nhà báo Trương Duy Nhất nhấn mạnh một chi tiết ông nhận thấy có sự tương quan giữa Thủ Thiêm và Hội nghị Trung ương 7.
“Chuẩn bị kết thúc Hội nghị Trung ương 7 thì tự nhiên những tài liệu mật được tung ra và bắt đầu khơi lại câu chuyện Thủ Thiêm như trước đây khơi câu chuyện Đà Nẵng.”
Theo ông, sự sắp xếp cho thời gian ra đời của vấn đề Thủ Thiêm mới chính là cách định hướng dư luận, xem dư luận đồng lòng ủng hộ hướng nào. Và ông cho rằng: “không phải là mục đích hướng dư luận, mà chính là hướng mới của ngọn lửa đang hừng hực chực chờ Thành phố Hồ Chí Minh.”
Với nhận định khá bình thản, vốn dĩ đã quá quen thuộc với những sự việc “nóng”, có vai trò “hỗ trợ” cho nhau mỗi khi xảy ra trong xã hội và chính trường Việt Nam, cũng qua tin nhắn, ông P.T: “Khi xem 1 trận đấu, dù không có máu cá độ, chúng ta vẫn bị cuốn hút, hồ hởi… Rồi bình luận, rồi ý kiến như người trong cuộc. Đúng người trong cuộc thì đã, đang bán độ mà mình không biết. Vậy đó!”
Hiểu một cách nôm na, cho dù thật sự có định hướng hay chỉ là sự tình cờ ngẫu nhiên, thì người Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với một ma trận dư luận và cơn bão của các vấn đề xã hội. Cơn bão ấy cũng như một trận đấu (theo cách nói của ông P.T), mà mỗi người người dân dù muốn hay không, vẫn phải nhìn, phải nghe, phải sống, phải thở cùng với nó.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Public-opinion-matrix-or-orientation-05142018145437.html
NASA giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ vũ trụ
Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ (NASA) chính thức triển khai dự án nghiên cứu về khía cạnh khoa học và xã hội của việc quy hoạch đất đai ở Việt Nam.
Viết trên Facebook hôm 15/5, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói: “Tôi rất vui mừng được chứng kiến sự hợp tác giữa NASA và các nhà khoa học Việt Nam!”
Theo trang VNEconomic Times, đây là lần đầu tiên NASA hợp tác với Việt Nam trong một dự án nghiên cứu đa quốc gia quy mô nhất chưa từng có về khía cạnh khoa học và xã hội của việc quy hoạch đất đai.
Truyền thông trong nước cho biết dự án này có tên là Độ che phủ đất và Thay đổi đất (LCLUS) của NASA, đang được thực hiện bởi hàng trăm nhà khoa học toàn thế giới.
Mục tiêu khoa học của nghiên cứu này là lập tài liệu định lượng về hiện trạng và tỷ lệ thay đổi độ che phủ và sử dụng đất và lập bản đồ về những thay đổi này liên quan đến chuyển đổi dân số và nhân khẩu học ở các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Campuchia và Lào.
Ngoài ra, dự án có thể đưa ra đánh giá tổng quát về tình hình ô nhiễm môi trường, thiên tai lũ lụt hạn hán, và mối quan hệ tương quan giữa chính sách, con người và môi trường ở Việt Nam cũng như toàn Đông Dương.
Dự án này bắt đầu tiến hành từ tháng 5/2018 và sẽ kéo dài 3 năm, với sự hợp tác của nhiều nhà khoa học và nghiên cứu từ hơn 20 trường đại học và viện nghiên cứu từ nhiều quốc gia ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á, theo trang VNExpress.
Báo Quốc tế trích lời các chuyên gia tại một cuộc hội thảo khoa học quốc tế kéo dài từ ngày 7 đến ngày 16/5 tại Hà Nội, cho biết NASA cho phép các nhà khoa học sử dụng kho dữ liệu từ các vệ tinh viễn thám của mình để tìm hiểu, đánh giá tình hình sử dụng đất, thay đổi và tác động trong khu vực.
Truyền thông trong nước trích lời các nhà khoa học nói nhờ vào các khảo sát từ công nghệ viễn thám, các hiện tượng môi trường như hạn hán, cây cối bị khô cằn có nguy cơ gây cháy rừng, lưu lượng các dòng sông như sông Mekong …có thể được nhìn thấy một cách toàn bộ các vùng ở Việt Nam, từ đó có những đánh giá, ứng phó phù hợp.
Trang VietnamPlus trích lời giáo sư Nghiêm Văn Sơn, nhà nghiên cứu cấp cao của Phòng nghiên cứu Chuyển động phản lực của NASA tại Học viện kỹ thuật California cho biết từ năm 2016, NASA đã họp bàn ở TP. Hồ Chí Minh để phát triển chương trình hợp tác khoa học giữa Việt Nam và cơ quan hàng không NASA.
https://www.voatiengviet.com/a/nasa-giup-vietnam-tiep-can-cong-nghe-vu-tru/4394710.html
LM Đinh Hữu Thoại bị cấm xuất cảnh
vì hỗ trợ thương phế binh VNCH?
Linh mục Đinh Hữu Thoại thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, giáo phận Đà Nẵng, vừa bị cấm ra khỏi Việt Nam khi ông đang trên đường dự định xuất cảnh sang Hoa Kỳ. Lý do cấm, theo ông, có thể là do các hoạt động của ông hỗ trợ các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa (VNCH).
Trao đổi với VOA-Việt ngữ từ giáo xứ Tiên Phước, Linh mục Đinh Hữu Thoại cho biết vào sáng ngày 14/05/2018, ông đã bị Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Bờ Y, tỉnh Kon Tum, chặn lại, không cho ông xuất cảnh sang biên giới:
“Tôi có công việc đi thăm gia đình và một số người quen ở Hoa Kỳ. Khi có visa xong, tôi muốn chắc chắn nên tôi không đi đường máy bay mà tôi đi lại đúng cửa khẩu trước đó tôi đã đi để tránh rủi ro càng ít càng tốt. Nhưng khi họ quét hộ chiếu thì nhân viên Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Bờ Y có vẻ khựng lại, họ vào bên trong trao đổi với nhau và thông báo với tôi là họ nhận được văn bản cấm tôi xuất cảnh.”
Khi họ quét hộ chiếu thì nhân viên Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Bờ Y có vẻ khựng lại, họ vào bên trong trao đổi với nhau và thông báo với tôi là họ nhận được văn bản cấm tôi xuất cảnh.
Linh mục Đinh Hữu Thoại nói với VOA.
Đài VOA đã tìm cách liên lạc với Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kon Tum, nhưng chưa được phản hồi.
Linh mục đăng tải trên Facebook một đoạn ghi âm lời giải thích của một người được cho của là cán bộ Biên phòng có đoạn:
“Trong trường hợp của ông, khi quét hộ chiếu trên mạng cho thấy tạm thời chưa cho phép ông xuất cảnh. Lý do thì trên mạng nói …”
Theo linh mục Thoại, cán bộ Biên phòng không nêu rõ lý do vì sao ông bị cấm xuất cảnh, nhưng theo ông, việc ông tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ và đặc biệt là vận động hỗ trợ cho các thương phế binh VNCH có thể là lý do khiến ông không được rời khỏi Việt Nam. Linh mục cho biết thêm:
“Họ hơi dè dặt việc đưa ra lý do chi tiết, họ có thể nhận được văn bản của A88 Bộ Công An và nói chỉ làm theo lệnh. Nhưng tôi nghĩ có lẽ việc tôi lên tiếng cho những vấn đề tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và việc tôi giúp cho chương trình thương bế binh VNCH, hỗ trợ cho các thương bế binh miền trung. Ở đây hoàn cảnh còn khắc nghiệt hơn ở Sài gòn, lần nào tôi đi phát quà cho thương phế binh cũng gặp khó khăn, tôi nghĩ đó cũng là lý do mà họ tiếp tục chặn không cho tôi xuất cảnh.”
Linh mục Thoại cho biết vào ngày 3/11/2017, ông đã xuất cảnh qua cửa khẩu Bờ Y bình thường nhưng đến ngày 14/5 vừa rồi khi xuất cảnh lần nữa thì bị chặn lại. Trước đó, vào năm 2011, Linh mục Thoại cho biết đã bị chặn xuất cảnh tại cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh.
Nhận định về việc Linh mục Thoại bị hạn chế đi lại, Linh mục Lê Ngọc Thanh, người phụ trách Chương trình Tri Ân Thương Phế Binh VNCH của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, viết trên Facebook: “Tùy tiện và lạm quyền, Bộ đội và Công an hợp tác với nhau cướp đoạt quyền đi lại của công dân.”
Tùy tiện và lạm quyền, Bộ đội và Công an hợp tác với nhau cướp đoạt quyền đi lại của công dân.
Linh mục Lê Ngọc Thanh viết trên Facebook.
Trước đó, các nhà tranh đấu cho tự do ngôn luận và tự do tôn giáo như nhà thơ Bùi Minh Quốc, mục sư Tin lành Thân Văn Trường, Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, cũng bị chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh “vì lý do an ninh.”
Việt Nam tăng cường quan hệ quốc phòng với Israel
Ngày 14/05/2018, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết Việt Nam có cử đại diện tham dự buổi tiếp tân do Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Israel chủ trì vào ngày 13/05/2018 nhân dịp khai trương Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Jerusalem, Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam « không có đại diện dự buổi tiếp tân này như một số báo chí đưa tin ».
Như vậy là Hà Nội không tán đồng việc xem Jerusalem là thủ đô của Israel, như lập trường của nhiều nước khác. Tuy vậy, điều này không cản trở Việt Nam tăng cường quan hệ quân sự với Israel, như ghi nhận của chuyên gia Prashanth Parameswaran trong một bài viết đề ngày 15/05/2018 đăng trên trang mạng The Diplomat.
Vào tuần trước, một phái đoàn quốc phòng Israel đã đến thăm Việt Nam, một dấu hiệu cho thấy quan hệ quốc phòng giữa hai nước đang gia tăng, tuy còn ít được chú ý so với các đối tác quốc phòng khác của Hà Nội.
Mặc dầu Việt Nam và Israel đã thiết lập bang giao từ năm 1993, chỉ đến những năm gần đây, mối quan hệ song phương giữa hai nước mới bao gồm cả hợp tác quốc phòng. Hai bên đã tiến hành một số bước, như mở văn phòng tùy viên quân sự Israel ở Việt Nam năm 2014, ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng năm 2015. Việt Nam cũng đã mua các hệ thống vũ khí của Israel và hai bên đang thăm dò các lĩnh vực hợp tác khác, như chuyển giao công nghệ và công nghiệp quốc phòng thông qua các hội thảo, các cuộc họp và các hoạt động khác.
Năm 2017, ông Reuven Rivlin là vị tổng thống thứ hai của Israel viếng thăm Việt Nam. Trong chuyến đi này, ông cũng đã bàn về các vấn đề quốc phòng với Việt Nam. Năm 2018 là năm đánh dấu 25 năm hai nước thiết lập bang giao và cũng là kỷ niệm 70 năm ngày Israel lập quốc, cho nên đây chắc cũng sẽ là những dịp mà Hà Nội và Tel Aviv tăng cường quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng.
Trong bối cảnh đó, một phái đoàn của Cục Hợp tác Quốc phòng Quốc tế, bộ Quốc phòng Israel vào tuần trước đã đến Hà Nội họp với các giới chức Việt Nam. Theo bộ Quốc phòng Việt Nam, cuộc họp là dịp để hai bên xem xét tiến triển của hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, cũng như công nghiệp quốc phòng, đồng thời bàn về những khả năng hợp tác trong tương lai. Có điều chưa ai biết rõ hợp tác quốc phòng tương lai này sẽ như thế nào, vì có rất ít chi tiết được công bố.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180515-viet-nam-tang-cuong-quan-he-quoc-phong-voi-israel