Tin Việt Nam – 15/05/2017
Người dân biểu tình phản đối vụ bắt nhà hoạt động Hoàng Bình; Diễn Châu, Nghệ An, 15/5/2017
Công an bắt nhà hoạt động Hoàng Đức Bình
Công an đã bắt nhà hoạt động Hoàng Đức Bình sáng 15/5 tại Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trong một năm trở lại đây, ông Bình tích cực tham gia các hoạt động phản đối vụ hãng Formosa gây thảm họa ô nhiễm biển miền trung Việt Nam, nhất là tại một số vùng có đông giáo dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh.
Ông Bình, 34 tuổi, là Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, tổ chức được thành lập năm 2008 với mục tiêu giúp người lao động đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của họ. Chính quyền Việt Nam không công nhận tổ chức này.
Bắt anh Hoàng Bình buổi sáng hôm nay là như kiểu mà họ bắt một con vật vậy đó. Họ bắt người mà như hành động của bọn côn đồ vậy đó. Chúng tôi cảm thấy rất là đau lòng trước hành động của họ và cảm thấy rất là tức giận. Họ quá coi thường pháp luật và coi thường người dânLinh mục Nguyễn Đình Thục
Trực tiếp chứng kiến vụ bắt bớ, Linh mục Nguyễn Đình Thục, cho VOA biết cảnh sát giao thông đã chặn xe ô tô chở linh mục và ông Bình trên đường quốc lộ, tiếp đến hàng chục nhân viên công an mặc cảnh phục lẫn thường phục đã “tấn công một cách thô bạo và mở cửa” chiếc xe, “lôi” ông Bình ra rồi “đưa đi mất”.
Linh mục Thục nói tại thời điểm đó công an “không đọc lệnh bắt”, “không giải thích lệnh”, “không có biên bản” và như vậy họ đã không làm đúng pháp luật. Ông nói thêm:
“Bắt anh Hoàng Bình buổi sáng hôm nay là như kiểu mà họ bắt một con vật vậy đó. Họ bắt người mà như hành động của bọn côn đồ vậy đó. Chúng tôi cảm thấy rất là đau lòng trước hành động của họ và cảm thấy rất là tức giận. Họ quá coi thường pháp luật và coi thường người dân của họ, trong đất nước Việt Nam mà họ là chính quyền”.
VOA không liên lạc được với công an Diễn Châu để có thông tin hai chiều từ phía họ.
Ảnh được cho là chụp ông Hoàng Đức Bình sau khi bị công an bắt ngày 15/5/2017
Vị linh mục quản xứ Song Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An, cho hay ngay sau vụ bắt giữ những người đi cùng xe với ông Bình đã loan tin trên mạng xã hội. Hàng nghìn người dân, gồm cả giáo dân và lương dân, cùng một số linh mục đã đổ về nơi vụ bắt bớ diễn ra, gần Đền Cuông trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Diễn Châu.
Các hình ảnh và thông tin do người dân và các nhà hoạt động chia sẻ trên mạng xã hội khẳng định quốc lộ đã “tê liệt” khi ước chừng 10.000 người dân đổ về phản đối vụ bắt giữ.
Theo Linh mục Thục, đến 3 giờ chiều, mọi người đã di chuyến đến trụ sở công an huyện Diễn Châu để “đòi người”. Thông tin trên mạng xã hội cho hay phía chính quyền đã đối phó bằng cách bố trí “hàng ngàn” cảnh sát cơ động và công an quanh trụ sở.
Đã không có đụng độ giữa người dân và công an. Vào lúc 6h chiều 15/5, giờ Việt Nam, Linh mục Thục giải thích với VOA:
“Khi chúng tôi về đến đó thì thấy gần tối rồi. Chúng tôi nghĩ rằng là cần phải có sự an toàn đối với người dân là trên hết. Hơn nữa, chúng tôi cũng nhận được sự góp ý của anh em linh mục và của bề trên thì chúng tôi quyết định để cho bà con ra về. Và hơn nữa là chúng tôi biết buổi chiều hôm nay họ đã có một cái lệnh bắt người của tỉnh Nghệ An đối với trường hợp anh Hoàng Bình. Chúng tôi nghĩ rằng một khi họ ra lệnh như vậy thì việc đòi người xem ra là không có nhiều hy vọng”.
… chúng tôi biết buổi chiều hôm nay họ đã có một cái lệnh bắt người của tỉnh Nghệ An đối với trường hợp anh Hoàng Bình. Chúng tôi nghĩ rằng một khi họ ra lệnh như vậy thì việc đòi người xem ra là không có nhiều hy vọng …Linh mục Nguyễn Đình Thục
Các báo Việt Nam đưa tin chiều ngày 15/5 rằng công an Nghệ An đã bắt ông Bình với cáo buộc ông “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Các bài báo không nêu chi tiết những vụ việc cụ thể mà ông Bình có liên quan.
Trong nhiều tháng nay, ông Hoàng Đức Bình thuộc Phong trào Lao Động Việt và nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền, thành viên của Con Đường Việt Nam, đã giúp đỡ nhiều hoạt động truyền thông cho người dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh bị ảnh hưởng bởi vụ ô nhiễm biển do hãng Formosa của Đài Loan gây ra.
Formosa đã chấp nhận đền bù cho chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla sau vụ nhà máy của hãng xả thải gây cá chết hàng loạt ven biển miền trung. Người dân nhiều nơi, nhất là Hà Tĩnh và Nghệ An, cho rằng họ chưa nhận được đền bù thỏa đáng và vẫn đấu tranh đòi đóng cửa Formosa do lo ngại các nguy cơ môi trường về lâu dài.
Cách đây 4 ngày, công an Hà Tĩnh đã ra lệnh bắt và sau đó truy nã nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền về tội “gây rối trật tự công cộng”. Một số báo Việt Nam nói ông Quyền có vai trò “cầm đầu” một số cuộc biểu tình chống Formosa ở Hà Tĩnh.
Dường như hiện nay ông Quyền vẫn đang tự do. Một trang Facebook mang tên ông hồi 4h30 chiều ngày 15/5 có một bài ngắn viết: “Hôm qua anh còn nói là ‘nếu em bị bắt, anh sẽ ra cơ quan công an để nhận tội chung với em’. Giờ em vẫn đang bình an mà anh đã bị bắt là sao Bình ơi. Mong anh được bình an trong tay quỷ dữ”.
Linh mục Nguyễn Đình Thục nói với VOA các linh mục và các giáo xứ sẽ bàn bạc để tìm con đường đấu tranh phù hợp nhằm đòi trả tự do cho ông Hoàng Đức Bình.
www.voatiengviet.com/a/cong-an-bat-nha-hoat-dong-hoang-binh/3851668.html
Hacker thân chính phủ Việt Nam tấn công nhiều hãng
Công ty an ninh mạng FireEye nói các hacker làm việc cho chính phủ Việt Nam hoặc thay mặt chính phủ đã đột nhập vào các máy tính của các công ty đa quốc gia hoạt động trong nước. Đây là một phần của chiến dịch gián điệp trên mạng đang ngày càng trở nên tinh vi hơn.
Nick Carr, quản lý cao cấp nhóm Ứng phó Sự cố Mandiant thuộc FireEye, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng chính nhóm hacker này cũng chịu trách nhiệm về việc hack máy tính của các nhà bất đồng chính kiến và các nhà báo Việt Nam.
Ông nói rằng không thể xác định chính xác danh tính hoặc địa điểm của các hacker hoặc khẳng định họ đang làm việc cho chính phủ Việt Nam.
Chính phủ đã bác bỏ cáo buộc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “Chính phủ Việt Nam không cho phép bất kỳ hình thức tấn công trực tuyến nào chống lại các tổ chức, cá nhân. Tất cả các cuộc tấn công trên mạng hoặc các mối đe doạ đến an ninh mạng phải bị lên án và bị trừng phạt nghiêm theo luật và các quy định”.
Ông Carr cho biết FireEye đã đặt tên nhóm này là APT32 và theo dõi. Kết quả cho thấy nhóm đã nhắm mục tiêu vào các tập đoàn nước ngoài có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ khách sạn của Việt Nam từ năm 2014.
Ông nói trong một số trường hợp, tin tặc đã tìm kiếm thông tin về hoạt động của công ty và việc họ tuân thủ các quy định của địa phương, điều mà ông hiếm khi thấy các nhóm hacker khác làm.
Các nạn nhân bao gồm một công ty sản xuất của Đức sắp xây dựng một nhà máy ở Việt Nam, một hãng phát triển khách sạn Trung Quốc có kế hoạch mở rộng hoạt động ở trong nước và văn phòng địa phương của một công ty tư vấn toàn cầu có trụ sở tại Anh.
Ông nói trong hầu hết các trường hợp các công ty đều rất nổi tiếng. Ông từ chối nêu tên chính xác vì lý do giữ bí mật khách hàng. Ông cho biết thêm các chuyên gia, nhân viên và nhân viên tài chính cũng đã bị nhắm làm mục tiêu.
Báo cáo này cho thấy đây là lần đầu tiên một công ty an ninh mạng đã chỉ ra Việt Nam là xuất xứ của các cuộc tấn công trên được nhà nước đứng sau. Đây cũng là lần đầu tiên FireEye đã dùng thuật ngữ APT cho một nhóm ở ngoài Trung Quốc và Nga. APT là cụm từ viết tắt theo tiếng Anh có nghĩa “mối đe dọa ở cấp độ cao và kéo dài”, thường áp dụng với các nhóm hacker được nhà nước bảo trợ.
Nhóm này cũng liên quan đến các cuộc tấn công vào các nhà báo, các nhà hoạt động, các nhà bất đồng chính kiến và các blogger ở Việt Nam đã được Quỹ Biên giới Điện tử (Electronic Frontier Foundation) báo cáo vào năm 2013. Nhóm này cũng nhắm mục tiêu vào người Việt Nam ở nước ngoài và đột nhập vào máy tính của quốc hội một nước phương Tây, theo báo cáo của ông Carr.
Ông cho biết các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam cũng đã bị nhắm mục tiêu.
(theo Reuters)
www.voatiengviet.com/a/hacker-than-chinh-phu-viet-nam…cong…/3851870.html
Việt Nam, Trung Quốc sẽ ‘củng cố tình đồng chí’
Lãnh đạo và các quan chức cao cấp của Trung Quốc hai ngày qua đã gặp riêng rẽ với Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, cam kết củng cố “mối quan hệ đồng chí và anh em”, theo Tân Hoa Xã.
Thủ tướng Lý Khắc Cường được hãng tin nhà nước nói rằng Trung Quốc sẵn lòng duy trì mối quan hệ song phương đi theo đường hướng đúng đắn, cũng như thúc đẩy hợp tác cả trên bộ lẫn trên biển với Việt Nam.
Ông Quang được Tân Hoa Xã nói rằng Hà Nội sẵn sàng “củng cố mối quan hệ hữu nghị anh em và đồng chí Việt – Trung để đảm bảo mối quan hệ song phương lâu bền, ổn định và lành mạnh”.
Theo báo Nhân Dân, trong cuộc gặp này, Chủ tịch Việt Nam bày tỏ “mong muốn các bộ, ngành và địa phương Trung Quốc sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường đối với sữa và các sản phẩm từ sữa, hoa quả, thủy hải sản, thịt lợn của Việt Nam”.
Cuộc khủng hoảng thịt lợn ở Việt Nam hiện nay được cho là xuất phát từ việc “phía Trung Quốc vẫn chưa đồng ý mở cửa thị trường chính thức với thịt lợn nhập khẩu từ Việt Nam”.
Trước cuộc gặp với ông Lý, theo VnExpress, “Trung Quốc bắn 21 phát đại bác chào đón” ông Quang trong lễ đón với sự tham dự của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hà Nội cũng từng bắn đại bác chào đón ông Tập tới Việt Nam năm 2015.
Ông Quang thăm Trung Quốc từ ngày 11 tới 15/5 để dự hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường, được coi là sự kiện ngoại giao lớn nhất của Bắc Kinh trong năm 2017.
Ngoài thảo luận với quan chức nước chủ nhà, theo VPG News, ông Quang hôm 14/5 còn gặp “Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif và Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt Toshihiro Nakai”.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-trung-quoc-cam…tinh…chi/3851080.htm